MỘT NGÀY ĐỂ NHỚ ĐẾN THẦN DỮ

zzHôm nay ngày cuối tháng 10.  Buổi chiều ngày cuối tháng 10 được người Mỹ và các nước chịu ảnh hưởng của Mỹ gọi là Halloween, nghĩa là vọng lễ các thánh.

Có lẽ do những rơi rớt còn lại của một ngày lễ ngoại giáo bắt nguồn từ thời những người Celtic trước Công nguyên, ngày vọng lễ các thánh mang màu sắc ảm đạm ma quái.

Trong các cửa tiệm, hàng hóa được trưng bày một khung cảnh quái dị: những hình nộm được tô vẽ với một bộ mặt của thần chết, những màng nhện trắng xóa giăng mắc khắp nơi, những đồ chơi trẻ em cũng được khoác lên những nét kinh hãi quái dị.  Trên màn ảnh truyền hình cũng như tại các rạp chiếu bóng, đa số các phim trình chiếu đều mang nội dung quái đản, kinh dị.  Buổi tối ngày Halloween, thanh niên thiếu nữ thường cải trang thành ma quái để đi từng nhà ca hát và kể cho nhau nghe chuyện ma quái.

Phải chăng mỗi năm người ta dành một ngày để nhắc nhở về sự hiện hữu và tác quái của thần dữ? Nhưng liệu con người ngày nay còn ý thức được tội lỗi và sự tác động củ thần dữ không?

*************************************

Thi sĩ Baudelaire của Pháp đã có lần nói: “Sự thành công của ma quỷ là thuyết phục được con người rằng nó không hiện hữu”.

Với những khám phá mới trong ngành tâm lý học cũng như bệnh lý học, người ta cho rằng tất cả những vụ quỷ ám mà Kinh thánh nói đến chỉ là những hiện tượng tâm lý bệnh hoạn mà ngày nay khoa học có thể tìm ra nguyên nhân.  Với luận điệu ấy, con người ngày nay tự hào đã loại trừ ma quỷ ra khỏi cuộc sống.

Có lẽ ngày nay, người ta ít có dịp chứng kiến những vụ quỷ ám nhãn tường như Thánh kinh đã ghi lại. Tuy nhiên, dù muốn dù không, không ai có thể chối cãi được một sức mạnh luôn cày xéo tâm hồn con người, luôn lôi kéo con người đến chỗ tự hủy và hủy diệt lẫn nhau.  Mãi mãi câu nói của thánh Phaolô vẫn đúng cho kinh nghiệm của mỗi người: “Ðiều thiện tôi muốn làm thì tôi không làm, điều ác tôi không muốn là, thì tôi lại làm”.  Có một sức mạnh vô hình nào đó luôn khuyến dụ, luôn lôi kéo con người vào tội ác… Thánh Phêrô hẳn không thể nào quên được lời cảnh cáo của Chúa Giêsu: “Hỡi Satan, hãy tránh khỏi mặt Ta”.  Trong lá thư đầu tiên gửi cho các tín hữu, vị Giáo Hoàng đầu tiên đã nhắn nhủ: “Hãy tỉnh thức luôn.  Kẻ thù của anh em là ma quỷ như sư tử luôn gầm thét lượn quanh, tìm mồi để cắn xé.  Anh em hãy chống cự và kiên vững trong Ðức Tin.”

Là người tín hữu, chúng ta không ngừng cầu nguyện bằng chính lời Kinh của Chúa Giêsu: “Xin cứu chúng con khỏi ác thần”.  Ước gì lời Kinh ấy luôn nhắc nhở chúng ta về sự tác động liên lỉ của ma quỷ trong cuộc sống của từng người chúng ta.  Nhưng chúng ta không phải hãi sợ bởi vì chúng ta không chiến đấu một mình mà cùng với và bằng chính sức mạnh của Ðấng đã nói: “Ðừng sợ hãi, vì Ta đã thắng thế gian.”.

R. Veritas

*************************************

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã chịu đau khổ và bị cám dỗ.  Chúa là Đấng quyền năng đã đến để cứu giúp những người đang bị xiềng xích bởi ma qủy, vì Chúa luôn nâng đỡ những kẻ đi theo Ngài.

Lạy Chúa, xin gìn giữ những kẻ tin vào danh thánh Chúa trong cánh tay Ngài.  Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, mà ban niềm hoan lạc bất diệt.  Amen!

St. Gregory of Khandzta (759-861)

LỆNH HỒ XUNG

zzHôm nay, tôi xin được mượn nhân vật Lệnh Hồ Xung trong tác phẩm võ hiệp lừng danh Tiếu Ngạo Giang Hồ của Kim Dung để minh họa cho chủ đề “sống hiện tại”.  Nhân vật Lênh Hồ Xung không phải là một nhân vật hoàn hảo, nhưng là một nhân vật được Kim Dung mượn để nói lên vấn nạn của con người qua nỗi trăn trở về “phe chính” và “phe tà” trong chốn giang hồ.  Nói cách khác, đó là sự kiếm tìm không ngơi nghỉ đâu là đúng, đâu là sai trong xã hội cũng như trong mỗi tâm hồn con người.  Làm sao ta bảo đảm được những chọn lựa của ta hôm nay sẽ cho ta tương lai ổn định?  Làm sao ta biết được những chọn lựa của ta là đúng và thuận lòng trời?  Xin được nêu lên hai ví dụ sau để minh họa cho vấn đề trên.

Thứ nhất, trong thời gian bị lưu đày sám hối trên ngọn núi Hoa Sơn, Lệnh Hồ Xung may mắn được Phong Thanh Dương truyền thụ cho Độc Cô Cửu Kiếm.  Trong quá trình tập luyện kiếm pháp, Lệnh Hồ Xung thường bị lẫn lộn giữa kiếm pháp cũ của phái Hoa Sơn mà mình đã học từ nhỏ và kiếm pháp Độc Cô Cửu Kiếm mà mình vừa mới học.  Sự phân vân do dự này làm cho Lệnh Hồ Xung tự hỏi là mình có nên tiếp tục luyện Độc Cô Cửu Kiếm hay không?  Nhận ra sự khó khăn này của Lệnh Hồ Xung, Phong Thanh Dương đã chỉ giáo cho Lệnh Hồ Xung như sau: Việc luyện kiếm phải được ví như “nước chảy mây trôi.”  Nhờ lời chỉ giáo này, Lệnh Hồ Xung đã luyện thành công Độc Cô Cửu Kiếm.

Thứ hai, sau khi vô tình học được Hấp Tinh Đại Pháp của giáo chủ ma giáo Nhậm Ngã Hành, nội công của Lệnh Hồ Xung trở nên rất thâm hậu.  Tuy nhiên việc tự học này cũng có mặt hạn chế của nó. Vì tất cả các luồng chân khí đôi khi xung khắc nhau làm cho cơ thể nóng lên và đau đớn.  Biết được nhược điểm này, Nhậm Ngã Hành muốn giúp Lệnh Hồ Xung hóa giải chúng nhưng với điều kiện Lệnh Hồ Xung phải gia nhập ma giáo.  Lệnh Hồ Xung thầm nghĩ:  Mạng sống mình còn sống được ngày nào là may mắn ngày đó, hà tất gì mà phải lệ thuộc vào ai.  Với suy nghĩ này, Lệnh Hồ Xung chấp nhận mang sự bất toàn trong cơ thể để sống đúng với lòng mình.

************************************

“Triết học và tôn giáo phiêu lưu qua bao dòng suối dòng sông, cuối cùng cũng chỉ đến được một bến tiêu sơ: trở về lại lòng ta.”[i]  Đó là lời nhận định của nhà văn Nguyễn Mộng Giác.  Đúng như vậy, cuộc sống con người với nhiều trăn trở, phân vân cho tương lai cho ngày mai cũng ví như chàng Lệnh Hồ Xung phân vân trong việc luyện kiếm cũ hay kiếm  mới.  Luyện kiếm như “nước chảy mây trôi” cũng như là lời nhắc chúng ta rằng chúng ta hãy cứ sống tự nhiên như trong một dòng suối chảy.  Nghĩa là trong giây phút này, trong hoàn cảnh hiện tại này mà chúng ta đang sống, đang hiện hữu thì chúng ta hãy cứ sống trong đó một cách tròn đầy, không khao khát thay đổi hay trốn chạy.  Cái gì đến rồi nó cũng sẽ đến và rồi nó cũng sẽ đi.  Hoàn cảnh khó khăn đến rồi nó cũng sẽ đi như dòng nước vậy.

Sau khi luyện Hấp Tinh Đại Pháp, Lệnh Hồ Xung thà chấp nhận những giới hạn và trở ngại của môn công phu này, chứ chàng không chịu qui đầu vào ma giáo để tìm cách giải quyết những trở ngại này.  Chấp nhận sự bất toàn trong thể lý để hoàn thiện tinh thần chính mình; chấp nhận trong sự thiếu thốn từ ngoại cảnh, để lòng mình được no thỏa với ý chí tự chủ làm người.  Đó là sống trong hiện tại với tất cả ý thức về phẩm giá của mình – sống thật với lòng mình.

Bạn thân mến, sống hiện tại không có nghĩa là đã thoát ra khỏi những giới hạn, những bất toàn của kiếp người.  Những khiếm khuyết vẫn còn đó, những vấp ngã vẫn có thể xảy ra, nhưng sống hiện tại giúp đưa ta về thật với con người của mình, về với lòng mình.  Dù khiếm khuyết có hiện hữu trong ta, nó cũng chỉ hiện hữu trong giây phút này mà thôi; sau một giây, nó cũng bị trôi theo dòng thời gian. Thưa bạn, “Sống hiện tại là [sống cho] tất cả.”[ii]

Br. Huynhquảng

 ************************************

Lạy Chúa, con không đợi chờ,
con quyết sống phút hiện tại,
và làm cho nó đầy tình thương,
vì chấm này nối tiếp chấm kia,
ngàn vạn chấm thành một đường dài.
Phút này nối tiếp phút kia, muôn triệu phút thành một đời sống.
Chấm mỗi chấm cho đúng, đời sẽ đẹp.
Sống mỗi phút cho tốt, đời sẽ thánh.
Đường hy vọng do mỗi chấm hy vọng.
Đời hy vọng do mỗi phút hy vọng.

ĐHY Nguyễn Văn Thuận

[i] http://nguyenmonggiac.info/index.php/vi/noi-ban-khoan-cua-kim-dung/473-nhung-buoc-vo-chieu-cua-lenh-ho-xung.html?start=1 (accessed July 27, 2010).

[ii] D.H. Lawrence, http://www.quotegarden.com/live-now.html

SẮC MÀU CUỘC SỐNG

Ở trung tâm thành phố nọ, trên một con đường sầm uất, đông người qua kẻ lại.  Có một chiếc xe hơi hào nhoáng dừng lại trước một tiệm kem, một cô bé xinh xắn với chiếc váy may bằng vải đất tiền, nắm tay mẹ bước xuống xe, cô bé chay vội vào tiệm kem và vòi vĩnh với mẹ:

– Con không muốn loại kem có mùi trái cam vì nó không ngon.  Con cũng không muốn loại kem quá ngọt!

Mẹ cô bé nói:

– Con thích loại kem nào con có thể chọn theo ý của con.

Trong tiệm có quá nhiều loại kem, mỗi loại có màu sắc, hương vị khác nhau trông rất đẹp mắt và hấp dẫn.  Sau khi đã chọn lựa, cô bé ưng ý một cây kem dâu và đưa ngay lên miệng mút…  Cây kem dâu vừa được đưa vào miệng, cô bé vội nhăn mặt phụng phịu nói:

– Kem không ngon, con không ăn đâu, nó không có đâu phộng ở trong !

Mẹ cô bé không chút do dự,  cầm cây kem vất xuống đất.  Họ khúc khích cười với nhau và cùng lên xe, chiếc xe bắt đầu chuyển bánh cuốn hút trong khu phố đông người ….

Cây kem còn lại dưới đất không chỉ có một mình, mà bên cạnh nó còn có hai đứa bé mặt mũi lem luốc, họ là hai anh em.  Người anh vội lượm lấy cây kem không dám ăn ngay, cây kem mà hằng ngày cậu bé cứ đứng trước cửa tiệm kem  dòm vào mà ao ước…

Cô bé gái cũng không khác gì anh mình, cũng  muốn được đụng chạm, ngắm nhìn thứ là lạ mà đối với cô bé chưa một lần đươc nếm thử.  Cô bé dằng lấy trong tay anh và vì lỡ tay cây kem văng ngay vào lỗ cống gần đó.  Cô bé òa lên khóc nức nở vì tiếc cây kem .

Thấy em khóc, câu bé dỗ em:

– Đừng khóc, năm ngón tay của anh vẫn còn dính kem, anh cho em mút ba ngón tay, còn hai ngón kia là  phần của anh nhe .

*************************************

Bạn thân mến!  Bạn làm việc bằng nỗ lực của mình, bạn hoàn toàn có quyền đươc thừa hưởng những thành quả của mình một cách chính đáng.  Đó là bức tranh màu hồng tươi sáng, hay màu xanh hy vọng của bạn.  Nhưng trong đời sống quanh chúng ta không phải lúc nào cũng có màu sắc tươi vui như vậy, nếu như bạn bỏ ra một vài giây để quay lưng nhìn lại phía sau mình một chút, bạn sẽ thấy trong cuộc sống cũng có những bức tranh có màu sắc khác: còn có rất  nhiều người đang sống trong sự thiếu thốn, khó nghèo, bịnh tật… vì thiên tai, nhân họa đã  mang đến cho họ.  Đôi lúc, trong tủ đựng quần áo, thức ăn…. của chúng ta có những áo quần, vật dụng mà chúng ta lâu lâu mới đụng tới hay chẳng bao giờ đụng đến, chúng vẫn nằm nguyên trong một góc tủ nào đó chỉ vì không vừa ý.  Vậy mà ở khắp mọi nơi trên thế giới, cũng có thể ở ngay gần bên cạnh bạn, có những người đang nghèo đói, thiếu thốn, bịnh tật… họ đang rất cần đến sự giúp đỡ của bạn.

“Lá lành đùm lá rách” chúng ta  hãy mở rộng tấm  lòng của mình để giúp đỡ cho những ai đang trong cơn hoạn nạn khó khăn trong cuộc sống, tùy theo khả năng của mỗi người .

*************************************

Lạy Chúa!  Con xin lỗi Chúa vì nhiều khi con đã quá ích kỷ và hời hợt trước những khó khăn của anh em xung quanh con, xin cho con biết thương yêu tha nhân như chính Chúa đã thương yêu con.  Cho dù với khả năng nhỏ bé của mình, xin cho con biết mở mắt ra để nhìn đến những khó khăn của anh chị em quanh con và mở lòng ra để giúp đỡ họ, những con người đang cần tới bàn tay của con.  Amen!

MT

CHỨNG TÁ

Có người đã kể lại lý do và động lực thúc đẩy ông theo đạo như sau: “Tôi đau rất nặng, người ta đưa tôi vào bệnh viện, không ai chăm sóc tôi cả ngoài một chị y tá, chị tỏ ra rất tốt và tận tình giúp đỡ tôi. Một đêm kia, trời đã rất khuya, tôi thấy chị quỳ gối im lặng trong phòng, tôi hỏi: “Chị quỳ làm gì thế?”.  Chị trả lời: “Tôi cầu nguyện cho ông”.  Chỉ mấy tiếng đó thôi đủ làm cho tôi bấy lâu không biết Chúa, bây giờ được biết Chúa, tôi thấy Chúa nơi người chị y tá ấy.  Giữa những đau khổ thể xác và tinh thần, nhờ sự săn sóc đầy tình người và những lời cầu nguyện đầy yêu thương của chị y tá ấy, tôi đã gặp Chúa”.

*********************************

Câu chuyện trên cho chúng ta thấy gương sáng và tình yêu thương là bằng chứng cho người ta nhận ra Thiên Chúa.  Có nhiều người không bao giờ thấy chúng ta cầu nguyện sốt sắng ở nhà thờ, vì họ có đạo đâu mà đến nhà thờ, nhưng họ thấy cách chúng ta biểu lộ tình thương với họ hay với những người chung quanh mà họ nhận ra Thiên Chúa của tình yêu.  Nếu chúng ta sống thực sự yêu thương thì không ai đánh giá sai lầm về đạo Chúa, khi chúng ta chứng minh tình yêu bằng đời sống tốt thì chúng ta thực sự trở nên những người bạn tốt của nhau.

zzMẹ Têrêxa Cancutta đã định nghĩa về một nhà truyền giáo như sau: đó là “một tín hữu Kitô say mê Chúa Giêsu đến độ không có một ước muốn nào khác hơn là làm cho mọi người nhận biết và yêu mến Ngài”.  Mẹ Têrêxa không chỉ làm cho người ta biết và yêu mến Chúa Giêsu bằng những lời nói suông, nhưng Mẹ nói về Chúa Giêsu, Mẹ tỏ bày gương mặt của Chúa Giêsu bằng chính cuộc sống yêu thương phục vụ của Mẹ.  Do đó, truyền giáo thiết yếu đối với Mẹ Têrêxa là dùng cả cuộc sống của mình để làm cho người ta biết và yêu mến Chúa Giêsu, truyền giáo không chỉ là rao giảng một giáo lý mà thiết yếu là chia sẻ một cuộc sống yêu thương.

Giáo dân đóng một vai trò rất quan trọng trong việc truyền giáo, vai trò là men, là muối, là ánh sáng, là chứng nhân giữa đời.  Bởi vì giáo sĩ không thể sống chân bùn tay lấm nơi đồng ruộng với những nông dân; giáo sĩ không thể gồng gánh theo chân những người buôn bán đi vào đầu đường xó chợ; giáo sĩ không thể đầu tắt mặt tối làm việc trong những cơ xưởng, nhà máy, công trường…  Nhưng chính những giáo dân nhà nông, những giáo dân buôn bán, những giáo dân công nhân, có nhiệm vụ đem Chúa đến cho anh em mình nơi đồng ruộng, chợ búa, xí nghiệp, nhà máy.  Nghĩa là những nơi mà giáo sĩ không thể có mặt và không thể đi đến, thì giáo dân sẽ đóng vai trò chủ chốt và chủ động.  Bởi đó, không những giáo dân đóng vai trò yểm trợ cho giáo sĩ mà còn đóng vai trò chính yếu, thay thế cho giáo sĩ trong những nơi hay những hoàn cảnh đó.

Như vậy cách truyền giáo tốt nhất và có hiệu quả nhất là đời sống gương mẫu, đời sống Công giáo đích thực, nhất là đời sống thể hiện tình yêu thương của chúng ta.  Nếu chúng ta sống thực sự yêu thương thì không ai đánh giá sai lầm về đạo, khi chúng ta chứng minh tình yêu bằng đời sống tốt thì chúng ta thực sự trở nên những bạn tốt, những công nhân gương mẫu trong nhà máy, những công nhân gương mẫu ngoài công trường.  Tóm lại, chúng ta hãy nắm lấy những cơ hội đi lại đây đó, khi thi hành công tác, khi làm ăn sản xuất, khi xê dịch thăm viếng… để nói hay làm chứng về Chúa qua lời nói, thái độ và cách đối xử đầy tình yêu thương của chúng ta.

*********************************

Xin Chúa cho chúng con tin bằng trái tim, tuyên xưng bằng miệng và bày tỏ bằng việc làm, rằng Chúa ngự trong chúng con ngõ hầu nhân loại thấy rõ những việc lành chúng con làm mà tôn vinh chúc tụng Cha chúng con trên trời.  Vì Đức Giêsu Kitô Chúa chúng con, Đấng muôn đời vinh hiển.  Amen!

Sưu tầm

MỘT CÕI RIÊNG CHO GIÊSU

Giữa những ồn ào của đám đông,
Giữa những sôi nổi của thành công,
Hay những ê chề của thất bại,
Xin dành một cõi riêng cho Giêsu

Những cánh chim thiên di, viễn xứ, bỏ lại sau lưng cả một khung trời kỷ niệm để mang bên mình biết bao hoạch định, lắng lo…  Tương lai nắng hồng còn ngút ngàn, xa thẳm; hiện tại chẳng có gì ngoài nỗi ám ảnh kinh hoàng đã từ bao thế hệ: nỗi buồn sầu đông.  Bay, bay mãi… mệt mỏi, rã rời, những đôi cánh bị cuồng phong vần vũ chỉ muốn tìm một chốn yên bình.  Thế nhưng, cánh chim vẫn bay, bay mãi… Bay đã là định mệnh của cuộc đời.  Tận tít mù thăm thẳm ấy, nơi đó có bình yên ?

Khi lang thang, lúc mải miết trên giòng đời tất bật, ta cứ loay hoay với những dự phóng, tiền đồ của riêng mình. Từng cuộc đời, từng khuôn mặt bất ngờ ta gặp nhau trên hành trình vô định, tuởng rằng sẽ là một đỡ nâng, một niềm vui, hay chí ít là một nghỉ ngơi, dừng bước thì vô tình ta để chúng rơi mãi vào chân không thời gian.  Bất định!  Bao lần ta tự trách mình hờ hững với mẹ cha, dự tính thực hiện cho các ngài điều này, thứ nọ nhưng nay đã làm được gì?  Đã không ít lần ta cảm thấy mình thờ ơ với bạn bè, người thân vì hối hả mưu sinh.  Ta như bị sóng đời xô xát, vùi dập. Không thể dừng lại được nữa rồi.  Vì đâu nông nỗi ?

Cuộc sống này, cha mẹ này, bạn bè này có làm cho ta vui thoả, bồng bềnh những ước mơ ? Bên họ ta có thấy lòng mình nhẹ nhõm những lo toan, hồn mình có an lành, và tim mình có ấm hơn không?  Thành công, thành công bằng mọi giá!  Và giá trả quá đắt cho một cuộc sống vắn vỏi.  Một định mệnh nghiệt ngã.

Giữa những quay cuồng của thế gian
Giữa những khát thèm của lòng tham
Hay những trói buộc của hãi sợ
Xin dành một cõi riêng cho Giêsu

Mây trong xanh nhởn nhơ giữa bầu trời hừng nắng.  Gió trong lành đang ve vuốt làn sóng nước trong veo.  Ngay bên cạnh đó thôi, bãi cát vàng lấp lánh đang nhấp nhổm, thấp thỏm chăm chú lắng nghe những lời tâm sự trải nghiệm cuộc đời của hàng dương phong trần, cùng lời ra tiếng vào rất trẻ con của bọt nước về một nàng tiên cá đã xa.  Bãi biển tuyệt đẹp, thiên nhiên hùng vĩ như mở lòng tới vô tận.  Chính nơi đây, những con dã tràng ngộ nghĩnh, đáng yêu mà cũng thật tội nghiệp: miệt mài vun quén cho hạnh phúc riêng tư để đắp xây lâu đài mộng tưởng.  Nỗi sợ hãi truyền kiếp làm chúng hớt hải và kiên trì với một niềm tin tưởng đến ương ngạnh là “đời cha không làm nên cơ đồ thì sẽ hoàn tất trong đời con, đời cháu”(!).

Thành công ư, rồi thì sau đó?  Và thế nào là thành công?

Con người ơi, có lúc nào trao cho nhau hạnh phúc?  Trao cho nhau yên bình?

Nghiệt ngã đến vậy sao để chỉ vì thành công, ta phải chịu quá nhiều bầm dập, thương tích. Ta đã gây cho nhau bao nhiêu đớn đau, bao nhiêu thù hận.  Ám ảnh về thành công đã làm ta lao đao, ê chề và thường xuyên sống trong sợ hãi, lo âu.  Tiếng cười hòa trong giọt lệ ngày ta được nhìn nhận, đuợc tuyên bố là đã thành công.  Cả cuộc đời lao nhọc, để rồi trắng đôi tay trong ngày trở về. Thật đáng thương.

Giữa lúc cuộc đời như khước từ
Giữa lúc mây mờ hồn bơ vơ
Hay mất tin cậy giữa cuộc đời
Xin trở về cõi riêng bên Giêsu

Hoa trong kẽ đá.  Vết nứt nhỏ xíu làm phiến đá buồn quá đỗi.  Nó oán hận cuộc đời đã mạnh tay thô bạo.  Sao nó luôn phải chịu những thiệt thòi, những trái ngang.  Cúi gầm mặt xuống che dấu chỗ khiếm khuyết, nó lầm lũi trong vô vọng, trong thù nghịch, oán hờn.  Và khi không chịu đựng được nữa, ngửa mặt lên nó hét thật lớn cho nỗi đau của chính mình vỡ tung đến ngàn sao.  Một lần cho thoả, trước khi ra đi, đi thật xa.  Nhưng kìa!  Nó cảm thấy sảng khoái, mát lạnh.  Những giọt sương mai bấy lâu vẫn cứ rơi nay đọng lại ngay chính trên vết thương đang chảy máu để chữa lành nó.  Cảm giác thật dễ chịu, hồn đá lắng đọng lại để từ bên trong vết nứt, một mầm sống có sẵn tự bao giờ vươn hình hài, nở hoa.

Một chiều, mệt mỏi đi ngang qua sân nhà thờ, ta như đặt chân lên đất yên bình.  Các bé thơ hồn nhiên tung tăng đùa giỡn, phá phách nữa không chừng.  Ta tìm ta trong số trẻ đó.  Rồi những đứa trẻ này, mai sau lớn lên có như ta không?  Chợt buồn, chợt vui.  Cuộc đời không đơn giản như ta tưởng.  Đã bao lần ta chán ghét các bài học Giáo Lý, không ít lần ta nghi hoặc các chân lý đức tin.  Niềm tin trượt dài theo các nghịch cảnh trong cuộc sống.  Ngày lễ Chúa Nhật, ta giải khuây bằng những gì ta thường mơ ước.  Chẳng biết tìm vui hay tìm quên?  Ta đã kinh qua mọi vùng đất nhân sinh nhưng cái-được-tìm vẫn chưa bao giờ tìm được.

Lặng lẽ trong giáo đường, làm bạn với ngọn đèn chầu nơi nhà Tạm.  Bên Chúa hồn con an lành.

Để một mình ở đó bên Giêsu
Để tình ta trầm lắng trong tin yêu
Để tình yêu lên tiếng trong tim ta
Để tình yêu sưởi ấm hồn giá lạnh

Sau thời gian được ôm ấp, bao bọc bởi đại dương bao la, giọt nước tinh nghịch theo anh chị ra đi trên muôn nẻo đường xa vợi.  Khi yên ả qua các cánh đồng, lúc bấp bênh trên ghềnh đá; khi hoang mang trong mạch nước ngầm tăm tối, lúc cao ngạo trên ngàn mây xanh; khi tù đọng trong sình lầy, lúc tung hoành trên dốc núi; khi nhơ nhớp, lúc khiết tinh; có khi biết mình là nước, có lúc không thể nào nhận ra là gì… nhưng lúc nào giọt nước cũng trăn trở, thao thức về thân phận của mình: rồi sẽ đi đâu và về đâu.  Một lần được đưa lên cao, trở về với đại dương.  Giọt nước hoà mình, tan biến.

“Như trẻ thơ nép mình lòng mẹ, trong con hồn lặng lẽ yên vui” (TV 130).

Chiều nay, ta tìm về thanh vắng trong ngôi giáo đường rất quen- như- đã- quên.  Những giọt lệ lăn dài trên gò má nhô cao thách thức với trái ngang, oan khiên của cuộc sống bởi cứ mãi đương đầu với “đôi tay nhân gian chưa từng độ lượng“.  Giọt ấm ức, giọt tức tưởi, giọt oan ức, giọt rấm rức, giọt nức nở, giọt nghẹn ngào,… chảy mãi không thôi để dâng trào quyện thành giòng châu lệ hạnh phúc.  Trong thanh vắng, hồn đã tìm gặp được chính mình, đã lấy lại được nguồn sinh lực cho một khởi đầu mới.  Sự sống được hồi sinh, “và con tim đã vui trở lại”.

“Dẫn con ánh sáng dịu êm,
Dẫn con đi tới giữa đêm mịt mùng.
Trời khuya thanh vắng lạnh lùng
Bước chân lưu lạc quê hương xa vời
Dẫn con vững bước trên đời
Con không cầu thấy chân trời xa xôi
Dẫn con từng bước một thôi”. (HY. Newman)

Lm. Nguyễn Thắng

CẦU NGUYỆN

Dụ ngôn trong bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay đưa ra hai hình ảnh trái ngược. Một bên là bà góa nghèo khổ, bé nhỏ, không có tiếng nói trong xã hội.  Một bên là ông quan tòa bất nhân, chẳng sợ trời mà cũng chẳng nể người. Thật là một hoàn cảnh tuyệt vọng cho người phụ nữ không có tiếng nói. Nhưng nhờ kiên trì, bà đã đạt được ý nguyện. Chúa kể dụ ngôn này với mục đích dạy các môn đệ hãy noi gương bà góa, cầu nguyện luôn không được nản chí . Bà goá nêu gương cầu nguyện cho ta ở 4 thái độ sau đây:

  1. zzThái độ khiêm nhường. Người đàn bà này rất khiêm nhường vì bà tự biết mình bé nhỏ nghèo hèn. Bị người ta ức hiếp mà chẳng thể tự bảo vệ. Không có sức khỏe để chống lại người ác. Không có người bênh vực chống lại bất công. Không có cả tiền bạc để mua lấy sự bình an. Bà mất tất cả, chẳng còn gì. Noi gương bà, khi cầu nguyện ta phải có thái độ khiêm nhường. Khiêm nhường vì biết mình nghèo nàn yếu đuối, biết mình chỉ là thân phận tro bụi. Khiêm nhường biết mình đã cùng đường, không còn nơi nương tựa. Khiêm nhường biết mình bất tài bất lực.

  2. Thái độ phó thác. Bà góa này không còn nơi nương tựa. Chỉ còn trông cậy vào ông quan toà như lối thoát duy nhất. Bà đặt niềm tin vào ông. Đó là niềm hy vọng duy nhất và cuối cùng. Bà bám víu lấy ông, phó thác vận mạng của mình trong tay ông. Trao cho ông sự sống của bà. Tương tự như thế, khi ta cầu nguyện, hãy hoàn toàn phó thác vận mệnh của ta cho Chúa. Chúa là lối thoát duy nhất. Chỉ có Chúa mới có thể cứu giúp ta.  Hơn nữa Chúa là người Cha toàn năng và giầu lòng thương xót. Ta là đứa con bé nhỏ, yếu ớt. Hãy đặt vận mệnh ta trong tay Chúa. Hãy tin tưởng phó thác vào Chúa, Ngài sẽ an bài sắp xếp cho ta những gì tốt đẹp nhất.

  3. Thái độ kiên trì. Chỉ còn một con đường duy nhất để sống, nên bà kiên trì theo đuổi cho đến cùng. Thất bại không làm bà nản lòng. Bị hất hủi không làm bà bỏ cuộc. Niềm tin của bà thật lớn lao. Sự kiên trì của bà thật bền bỉ. Bà đã đi đến cùng và bà đã thành công. Cũng thế, khi cầu nguyện ta hãy kiên trì. Kiên trì chứng tỏ sự phó thác trong tay Chúa. Kiên trì chứng tỏ ta hoàn toàn yếu hèn chỉ biết trông cậy vào Chúa. Kiên trì chứng tỏ lòng ta yêu mến Chúa tha thiết. Chắc chắn Chúa sẽ dủ lòng xót thương ta.

  4. Thái độ khao khát. Bà khao khát vì đó là con đường sống duy nhất. Bà khao khát được sống. Bà không ngồi đó chờ đợi. Nhưng làm hết cách, hết sức mình để đạt được khao khát đó. Bà không chán nản thất vọng, nhưng làm việc liên lỉ cho ước nguyện của mình. Cũng thế, khi cầu nguyện ta phải có lòng khao khát cháy bỏng. Lòng khao khát đó được biểu lộ trong hành động. Ta không ngồi chờ, nhưng đứng lên, ra đi và bắt tay hành động. Không lùi bước trước khó khăn, nhưng tìm hết cách để đạt được ước nguyện. Lòng khao khát chứng tỏ ta tha thiết với lời cầu nguyện. Lòng khao khát cùng với nỗ lực phấn đấu sẽ được Chúa thương chấp nhận.

Chiêm ngắm tấm gương của bà góa, ta nhận thấy rất nhiều lúc ta chưa cầu nguyện cho đủ và cho đúng. Chưa thực hiện sự khiêm nhường để nhận ra sự bất lực của mình. Chưa hoàn toàn phó thác vận mệnh của ta trong bàn tay của Chúa. Chưa biết kiên trì đủ. Và nhất là chưa tha thiết tới mức tích cực làm hết sức mình cho nguyện ước đó.

Lạy Chúa ! Xin cho con đừng bao giờ nản chí, biết kiên trì nỗ lực trong cầu nguyện, biết dành thời giờ để nói chuyện tâm tình với Chúa, nhờ đó con được liên kết với Chúa trong tình yêu thương thân mật mỗi ngày mỗi hơn, Amen .

TGM. Ngô Quang Kiệt.
(BĐ1: Exodus 17:8-13 – BĐ2: 2 Timothy 3:14-4:2 – PÂ: Luca 18:1-8)

LỜI HẸN ƯỚC

Được sống và được yêu thương đó là những điều kì diệu nhất mà con người có được.  Hãy quý trọng những gì bạn đang có, đừng để đến khi không còn nắm giữ được nó, bạn sẽ thấy hối tiếc.  Câu chuyện tình buồn, nhưng nó lại nhắc cho ta lý do vì sao ta phải sống… để được yêu thương!

                              ***************************************
Vào một buổi chiều đẹp trời chan hòa gió và nắng, chàng trai và cô gái đã vô tình gặp nhau khi đang cùng đi dạo trên hành lang ở một bệnh viện.  Ngay từ giây phút đầu tiên ánh mắt họ chạm nhau, hai trái tim non trẻ bỗng chốc đập loạn nhịp, tiếng sét ái tình đến với họ trong một hoàn cảnh thật trớ trêu.

Cả hai cùng đang lâm bệnh nặng không có cách nào cứu chữa được.  Họ đọc trong mắt nhau cả một sự tuyệt vọng vô bờ bến.  Có lẽ vì cùng trong một hoàn cảnh nên dù chỉ mới nói chuyện nhưng dường như đã có cảm giác quen thuộc như hai người bạn đã quen từ lâu.

Và cũng từ đó, những ngày tháng ở trong bệnh viện họ như hai chiếc bóng không xa rời nhau, ngày ngày cùng nắm tay ngắm mặt trời mọc, rồi chiều xuống ngắm cảnh hoàng hôn rực rỡ.  Hai trái tim đang yêu như được tiếp thêm sức mạnh tràn ngập hạnh phúc và hy vọng, họ không còn cảm thấy bi quan và tuyệt vọng về cuộc sống nữa…

Cuối cùng cũng đến một ngày chàng trai và cô gái cùng được thông báo rằng bệnh tình của họ đã trở nên rất nguy kịch, không còn khả năng cứu chữa nữa, họ chỉ còn đếm sự sống bằng từng ngày từng giờ.  Bệnh viện cũng bất lực trả họ lại về cho gia đình.

Đêm cuối cùng trong bệnh viện, họ cùng nắm chặt tay nhau không nỡ xa rời, cùng hẹn ước sẽ không bao giờ quên những ngày tháng khó quên ở đây và hẹn sẽ luôn viết thư cho nhau để duy trì liên lạc.

Đó là cách duy nhất để hai trái tim luôn được xích lại gần nhau và cả hai sẽ tiếp cho nhau thêm nghị lực để cùng chiến đấu với sự sống và cái chết đang gần kề.  Họ nhìn vào mắt nhau tràn đầy niềm tin và hy vọng…

Cứ thế, ngày tháng chậm chạp trôi đi, những lá thư họ gửi cho nhau vẫn không hề vơi cạn.  Từng dòng từng chữ đối với họ đáng quý biết chừng nào, họ động viên nhau, gửi đến nhau những lời yêu thương, hy vọng, những dự định của tương lai, những niềm mơ ước.  Cả cô gái và chàng trai đều như quên đi nỗi đau đớn bệnh tật đem lại, họ sống trong hạnh phúc, lạc quan và niềm tin vô bờ…

Nhưng rồi ba tháng sau đó, bệnh tình của cô gái trong phút chốc trở nên nguy kịch, và cô đã lặng lẽ ra đi, trên tay cô nắm chặt lá thư của chàng trai, miệng cô vẫn đọng lại một nụ cười mãn nguyện:

“… Nếu phải đối diện với vận mệnh, đối diện cái chết, em hãy đừng sợ nhé!  Hãy đừng lo lắng, đừng sợ hãi!  Bởi vì vẫn còn có anh luôn ở bên em, vẫn còn rất nhiều người thương yêu em ở bên em, sẽ che chở cho em, và cùng em vượt qua những chặng đường khó khăn này.  Hãy vững vàng lên!  Đừng khóc, dù là địa ngục hay thiên đường, chúng mình sẽ không bao giờ xa rời…”.

Mẹ của cô gái run rẩy cầm lá thư của chàng trai trên tay cô òa khóc.  Bà biết cô đã ra đi rất thanh thản. Ngày thứ hai sau hôm cô gái mất, mẹ cô phát hiện thấy trong ngăn kéo bàn học của cô có một tập thư đã dán tem nhưng chưa gửi.  Bức thư trên cùng viết: “Gửi cho mẹ”.

Bà run run mở thư, đúng là nét chữ quen thuộc của con gái: “Mẹ thân yêu của con. Có lẽ đến lúc mẹ nhận được lá thư này thì con đã đi rất xa rồi.  Nhưng con vẫn còn một tâm nguyện chưa hoàn thành được.  Con đã có một lời hẹn ước với một người con trai là con sẽ cùng anh ấy chiến đấu với bệnh tật và cùng nhau vượt qua những ngày tháng cuối cùng này.  Nhưng con biết con không thể thực hiện được lời hứa đó.  Cho nên sau khi con đi rồi, mẹ hãy thay con tiếp tục gửi những lá thư này cho anh ấy, để anh ấy có thêm nghị lực mà tiếp tục sống, những lá thư này đối với anh ấy rất quan trọng, nó sẽ mang lại niềm tin cho anh ấy.  Chỉ cần anh ấy biết con còn khỏe, anh ấy sẽ không từ bỏ con mà ra đi, sẽ còn tiếp tục chiến đấu, tiếp tục sống…”.

Nhìn những dòng di thư cuối cùng của con gái, bà mẹ cô gái đã theo địa chỉ trên lá thư tìm đến nhà chàng trai.  Vừa vào đến nhà, đập vào mắt bà là tấm di ảnh của chàng trai đặt trên bàn thờ.  Trong phút chốc, bà cứ nhìn tấm ảnh đó đứng bất động tê dại.

Một lúc sau, một người phụ nữ bước ra, khuôn mặt tiều tụy khắc khổ, vẻ đau đớn vẫn chưa xóa hẳn trong ánh mắt vô hồn của bà, đó là mẹ của chàng trai.  Bà cầm ra một tập thư dày đưa cho mẹ của cô gái: “Đây là những bức thư con trai tôi để lại, nó đã mất cách đây một tháng.  Nhưng nó vẫn nói với tôi nó còn có một người con gái cùng cảnh ngộ đang đợi thư nó từng ngày, vẫn đang cần nó tiếp thêm nghị lực để tiếp tục sống. Cho nên những ngày tháng qua, mỗi tuần tôi vẫn thay nó gửi một bức thư đi cho cô gái đó…”.

Nói đến đây, mẹ của chàng trai lại nức nở òa khóc.  Mẹ cô gái hai mắt cũng ướt sũng từ độ nào, bà nhẹ nhàng tiến lại choàng tay ôm mẹ chàng trai vào lòng, nghẹn ngào nói: “Bà yên tâm, rồi chúng nó sẽ được gặp nhau trên thiên đường như đúng lời hẹn ước…”.

hoathuytinh.com

***************************************

 zzGiêsu ơi, con đã nhỏ lệ khóc cho cuộc tình buồn của chàng trai với cô gái đoản mệnh, những giọt nước mắt thương vay khóc mướn cho người mà quên khóc cho chính mình, một kẻ xa lạ với tình yêu thánh thiêng.  Bất hạnh hơn cô gái vì con đã không trân trọng tình yêu của người đã yêu mình cho đến chết và chết để con được sống.  Bất hạnh hơn cô gái vì con chẳng bao giờ có thời gian để đọc những lá thư tình Giêsu để cho lại cho con trước khi ra đi.  Những trang Kinh Thánh sao mà xa lạ, khô khan, khó hiểu vì Lời Chúa khó hiểu hay vì con không nâng niu đọc nó như những lá thư tình?  Con không có thời giờ nghiền ngẫm những lá thư tình vì con bận phải “sống” mà quên đi rằng những cánh thư tình đó mang thêm sức sống mới cho con và dạy con cách sống trọn vẹn hơn.  Lạy Chúa Giêsu, xin cho con siêng năng lần giở những trang Kinh Thánh như nuốt trọn những lời yêu thương mà Chúa đang muốn nhắn gởi với con và ước chi, như cô gái, con được chết với những lá thư tình, với những lời hẹn ước trên tay.  Amen!

LTCT

BƯU ĐIỆN LỚN NHẤT THẾ GIỚI

Có lẽ bưu điện lớn nhất thế giới phải là bưu điện trước cổng Thiên đàng…   Mỗi ngày có không biết bao nhiêu thư viết bằng không biết bao nhiêu ngôn ngữ được gửi đến…  Tất cả đều là những lời cầu xin.  Theo sự phân loại của các thiên thần, thì ba vị nhận được nhiều thư nhất đó là Ðức Maria, rồi đến thánh Antôn và thánh nữ Rita.

Một ngày kia, không còn cầm được tính tò mò, các thiên thần không những đã mở thư gửi cho các thánh, mà ngay cả các lá thư gửi đến cho Ðức Mẹ, các vị cũng không tha.   Nhưng các vị thiên thần đã thất vọng bởi vì nội dung và cách viết thư đều giống nhau.  Ðại khái thì cũng chỉ là: Lạy Mẹ, xin chữa cho con chóng lành bệnh…  Xin cho con của con được khỏe mạnh…  Xin cho con tìm được việc làm…  Xin giúp con thi đỗ…  Xin cho con tìm lại được chồng con…

zzCả một loạt kinh cầu mà các vị thiên sứ cũng đành phải nhàm chán, đến độ các vị phải thốt lên: dường như Thiên Chúa chỉ tạo dựng con người có một cái miệng, một cái bụng.  Họ không có linh hồn, bởi vì tất cả những lời cầu xin của họ đều qui về hai bộ phận ấy.

Ðức Maria ngày nào cũng như ngày nào đều phải đọc lại những lá thư có cùng nội dung và một công thức.  Tình cờ, có một là thư làm Mẹ chú ý.  Lá thư đó viết như sau: “Lạy Trinh Nữ rất thánh, con chỉ xin Mẹ một điều mà thôi, xin Mẹ cho con mỗi ngày được nên giống Chúa Giêsu hơn”.

Ðọc xong lá thư, Ðức Maria bật khóc vì cảm động.  Ngài nói với các thiên sứ phục vụ tại bưu điện: “đây là lá thư mà Mẹ mong đợi từng ngày”.

***********************************

Theo sự thăm dò của nhiều tờ báo lớn trên thế giới, thì tước hiệu “Người đàn bà của năm 1987” đã được dành cho thủ tướng nước Anh là bà Margueret Thatcher, người đã đắc cử vào chức vụ này liên tiếp trong ba nhiệm kỳ.

Ðứng hàng thứ hai trong danh sách những người đàn bà trong năm là nữ tổng thống Aquinô của Phi Luật Tân, người đang đương đầu với không biết bao nhiêu xáo trộn trong nước.  Người thứ ba trong danh sách là Mẹ Têrêsa thành Calcutta (người đã được lãnh giải thưởng Nobel về hòa bình năm 1979).  Kế đó là nữ hoàng Elizabeth II của nước Anh, bà Simone Veil, chủ tịch quốc hội Âu Châu v.v…

Ðối với chúng ta, những người Kitô, thì người đàn bà trong năm và nhứt là trong tháng mười này phải là Mẹ Maria, người Mẹ không phải của một gia đình, một dân tộc.  Vị nữ hoàng không phải của một dân tộc, nhưng là của tất cả nhân loại…  Mẹ đang lắng nghe chúng ta trong suốt tháng 10 này. Chúng ta hãy thưa với Mẹ tất cả những gì chúng ta đang cần.

Nhưng điều mà Mẹ luôn chờ đợi để trợ giúp chúng ta: đó là mỗi ngày chúng ta nên giống Chúa Giêsu con Mẹ.  Bởi vì, trong tất cả mọi ơn cần cho chúng ta, đó là ơn cao trọng nhứt.  Càng nên giống Chúa Giêsu, chúng ta càng nên giống Mẹ và được đến gần Mẹ.

Radio Veritas

***********************************

Lạy Rất Thánh Đức Mẹ Chúa Trời,
Mẹ đầy ơn phúc,
Nhờ Mẹ, chúng con được bảo đảm
Sẽ được ban cho sự sống đời đời
Nhờ Mẹ, chúng con hy vọng
Được vào thiên quốc.
Nhờ Mẹ Vô Nhiễm
Sự tốt lành thánh thiện
Từ Adam tới ngày tận thế,
Đã giáng trần cho tất cả loài người,
Cho các tông đồ, cho các tiên tri,
Cho tất cả những kẻ đơn sơ trung hậu,
Vâng lạy Mẹ,
Trong Mẹ mọi tạo vật tìm thấy niềm vui,
Ôi lạy Mẹ đầy ơn phước!

Thánh Ephrem

LÒNG BIẾT ƠN

Trong cuốn sách “Nói với chính mình“, Đức Cha J.B. Bùi Tuần của giáo phận Long Xuyên có viết: ”Tôi rất thích chó vì chó biết ơn. Dầu chỉ nhận được một cục xương, chó cũng tỏ vẻ biết ơn. Chủ đi đâu về, chó cũng vẫy đuôi mừng rỡ. Trong khi đó, con người vô ơn lại là chuyện bình thường.”

Có một điều khiến chúng ta phải quan tâm là người Việt Nam, nhất là người sống trong nước, thường không quen nói hai tiếng “cám ơn”. Nếu quả thực hai tiếng cám ơn đã trở thành quý hiếm trên môi miệng, thì điều này phải là một báo động đáng lo ngại. Đó có thể là dấu hiệu của sự khô cạn tình người trong xã hội chúng ta đang sống. Một khi lòng biết ơn bị chối bỏ và quên lãng, thì sự ràng buộc và tình liên đới giữa con người với nhau cũng trở thành mong manh tẻ nhạt…

***

zzBạn thân mến! Lời Chúa trong Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay cũng nhắc đến lòng biết ơn. Trong số mười người phong cùi được Chúa Giêsu chữa lành, chỉ có một người ngoại đạo xứ Samari  trở lại lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa, anh sấp mình dưới chân Chúa Giêsu mà tạ ơn Ngài (Lc.17:16). Chúa Giêsu đã ngạc nhiên trước sự vô ơn của con người khi Ngài lên tiếng nói: “Không phải cả mười người được sạch hết sao? Còn chín người kia đâu? sao không thấy trở lại tôn vinh Thiên Chúa mà chỉ có người ngoại đạo này! ” (Lc.17:17-18).

Mặc dù là người “ngoại đạo” theo nghĩa tôn giáo, nhưng người Samari này lại là người “trong đạo” theo nghĩa đạo làm người, bởi vì anh đã thực thi cái nhân đức cao quý của con người là lòng biết ơn.

Biết ơn và thể hiện lòng biết ơn phải là những việc quan trọng trong cuộc sống con người.  Bởi vì ta không tự mình mà hiện hữu, không tự mình mà trở nên người hữu dụng. Ta không thể sống an bình hạnh phúc mà không trông nhờ vào người khác. Tất cả những gì ta có và làm chủ, tất cả những gì ta hưởng dùng… đều có sự tham dự, chia sẻ và liên đới với người khác.

Nếu sống là lãnh nhận , và một khi đã lãnh nhận, ta phải có lòng biết ơn; phải biết nói hai tiếng cám ơn. Ta sẽ là “đồ vô ơn” nếu ta không biết nói hai tiếng “cám ơn”, hoặc chẳng bao giờ bày tỏ lòng biết ơn.

Chúa Giêsu chính là mẫu mực cho ta về lòng biết ơn. Cả cuộc sống của Ngài là một “Bài ca Tạ ơn” liên lỉ dâng lên Thiên Chúa Cha:

– Ngài tạ ơn Chúa Cha trước khi cho Lazarô sống lại.

– Ngài tạ ơn Chúa Cha khi làm phép lạ cho bánh và cá hoá ra nhiều.

– Ngài tạ ơn Chúa Cha khi lập Bí tích Thánh Thể. Kể từ đó, mỗi Thánh lễ mà Giáo hội cử hành được gọi là Lễ Tạ Ơn .

Trong các thư của thánh Phaolô, Ngài luôn khuyên dạy các tín hữu dâng lời tạ ơn: “Anh em hãy vui mừng cảm tạ Thiên Chúa, đã làm cho anh em xứng đáng hưởng phần gia nghiệp của các thánh trong cõi đời đầy ánh sáng.” (Cl.1:12). Thánh Phaolô cũng làm gương cho ta về lòng biết ơn khi Ngài tạ ơn Chúa: “Tôi hằng cảm tạ Thiên Chúa của tôi vì anh em, về ân huệ Người đã ban cho anh em nơi Ðức Giêsu Kitô” (1Cr.1:4).

Lòng biết ơn là một nhân đức cao quý trong đời sống người Kitô. Biết ơn không bao giờ dư thừa. Trên đời này không có dư thừa nào cao đẹp cho bằng dư thừa lòng biết ơn.

***

Chúa ơi!
Ân tình Chúa ru nhẹ đời con,
Ân tình Chúa như tiếng mẹ hiền,
Tiếng mẹ ru, thì thầm như dòng sông,
Đưa đời con, nhẹ nhàng như thuyền nan,
Êm lướt giữa dòng…

Lạy Chúa! Cả đời con ngụp lặn trong ân tình Chúa. Con không thể hiện hữu mà không có Chúa. Con không thể tồn tại nếu không có sự quan phòng che chở của Chúa, và con cũng không thể sống đơn côi một mình mà không cần đến anh em của con. Xin cho con luôn sống tâm tình biết ơn: “Ơn Chúa và Ơn Người”. Amen

Tổng hợp từ R. Veritas
(BĐ1: 2 Vua 5, 14-17  –  BĐ2: 2 Tm 2, 8-13  – PÂ:Lc.17, 11-19)

ÐỨC MẸ MÂN-CÔI

zzKhi chọn 3 em Thiếu Nhi Fatima để hiện ra năm 1917, hình như Mẹ Maria đã có ý định là sẽ trao phó cho mỗi em một sứ mệnh thì phải.

Lucia, bấy giờ 10 tuổi, là Thiếu Nhi Fatima lớn nhất, theo Mẹ tiết lộ cho biết là “sẽ phải ở lại thế gian lâu hơn (hai em mình)”.  Tại sao? Vì “Chúa Giêsu muốn dùng con để làm cho Mẹ được nhận biết và yêu mến”, bởi “Người muốn thiết lập trên thế gian lòng tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ”.  Như thế, sứ mạng của Lucia là làm cho Mẹ được nhận biết và yêu mến bằng cách truyền bá lòng sùng kính Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ.

Phanxicô, bấy giờ xít xoát 9 tuổi, là Thiếu Nhi Fatima nam duy nhất, trong tất cả 6 lần Ðức Mẹ hiện ra, em chỉ được nhìn thấy Mẹ mà không hề được nghe thấy Mẹ nói gì.  Thế nhưng, chính ấn tượng về hình ảnh sầu bi của Mẹ khi hiện ra lần cuối cùng, với lời van xin loài người “Ðừng xúc phạm đến Chúa là Thiên Chúa của chúng ta nữa, vì Ngài đã bị xúc phạm nhiều lắm rồi”, đã làm cho Phanxicô thương Mẹ hơn ai hết.  Em đã không bỏ lỡ một dịp nào có thể làm em lánh xa mọi sự, kể cả Lucia và Giaxinta thân yêu nhất của em, để âm thầm cầu nguyện, an ủi Mẹ “là Ðấng Quá Buồn”.

Kinh nguyện mà Phanxicô thường dùng để cầu nguyện, đó là Kinh Mân Côi, kinh mà Mẹ Maria, ngay từ lần hiện ra đầu tiên, đã bảo em phải lần hạt mới được thấy Mẹ và mới được lên Thiên Ðàng.  Như thế, sứ mệnh của Phanxicô là cầu nguyện bằng Kinh Mân Côi để an ủi đền tạ Ðức Mẹ.

Giaxinta, bấy giờ mới có 7 tuổi, là Thiếu Nhi Fatima nhỏ nhất, nhưng cũng có một sứ mệnh rất đặc biệt, đó là hy sinh cầu cho các tội nhân ăn năn cải thiện đời sống.  Thật vậy, sau khi được Ðức Mẹ cho xem thấy hỏa ngục vào lần hiện ra thứ ba của Người, Giaxinta bị ảnh hưởng nhiều nhất.  Bởi thế, em đã không bỏ lỡ một cơ hội nào, như Thiên Thần dạy, “làm mọi sự có thể để hy sinh” cầu cho tội nhân cho khỏi sa hỏa ngục đời đời.

Nếu việc cứu các linh hồn Tội nhân cho khỏi hư mất đời đời, Ðức Mẹ đòi các em Thiếu Nhi Fatima bấy giờ, mà thần tượng là Giaxinta, phải “sẵn sàn hiến mình cho Thiên Chúa chịu đựng tất cả mọi đau khổ Ngài gửi đến cho” và phải “làm mọi sự có thể để hy sinh”, thì việc cứu toàn thế giới chịu khỏi chiến tranh để được hưởng một nền hòa bình chân thật, Ðức Mẹ lại đòi các em, mà Phanxicô là thần tượng, phải lần hạt Mân Côi, như Người tỏ cho các em biết vào lần hiện ra thứ ba, ngày 13.8.1917, là: “Hãy tiếp tục cầu Kinh Mân Côi, cầu cho hòa bình thế giới và chấm dứt chiến tranh, vì chỉ có Người mới có thể cứu giúp các con.”

Tại sao lần hạt Mân Côi là điều kiện duy nhất và là phương thế hữu hiệu, theo ý của Ðức Mẹ, để cứu thế giới cho khỏi chiến tranh và được hưởng hòa bình?

Phải chăng, như lời Mẹ nói, vì Mẹ là “Ðức Mẹ Mân Côi”.  Bằng không, tại sao Mẹ lại liên kết, trong cùng một câu, ba ý tưởng, đầu tiên là “để tôn kính Ðức Mẹ Mân Côi”, tiếp theo là “cầu cho hòa bình thế giới và chấm dứt chiến tranh”, và kết luận là “vì chỉ có Người mới có thể cứu giúp các con?”

Thật vậy, chính vì Mẹ Maria là “Ðức Mẹ Mân Côi” mà chúng ta lần hạt để tôn kính Mẹ, Mẹ sẽ ban hòa bình cho thế giới.  Thế nhưng “Ðức Mẹ Mân Côi” là gì?

Tại sao “Ðức Mẹ Mân Côi” sẽ ban hòa bình cho thế giới nếu chúng ta lần hạt Mân Côi?

“Ðức Mẹ Mân Côi” là một tước hiệu có tính cách diễn giải về thiên chức “Mẹ Thiên Chúa” của Ðức Mẹ.  Mẹ Maria là Mẹ của Chúa Giêsu, Ðấng là tâm điểm của Mầu Nhiệm Mân Côi và làm nên Mầu Nhiệm Mân Côi, nếu không muốn nói Chúa Kitô còn chính là Mầu Nhiệm của Thiên Chúa (xem Côlôsê 2:2), Mầu Nhiệm được thể hiện trọn vẹn và tóm gọn nơi Mầu Nhiệm Mân Côi.

“Ðức Mẹ Mân Côi”, vì là một tước hiệu có tính cách diễn giải về Mẹ Thiên Chúa như thế, do đó, nói đến “Ðức Mẹ Mân Côi” là nói đến việc Người đã khai mào cho mầu Nhiệm Mân Côi, đã tham dự vào Mầu Nhiệm Mân Côi và đã áp dụng Mầu Nhiệm mân Côi.

Vì đã khai mào, tham dự và hoàn thành Mầu Nhiệm Mân Côi như thế, Mẹ Maria vừa là Mẹ Thiên Chúa vừa là Ðấng Ðồng Công Cứu Chuộc.  Bởi thế, tước hiệu “Ðức Mẹ Mân Côi” cũng là một tước hiệu có tính cách thực hiện cho sứ mệnh làm “Mẹ Ðồng Công” của Mẹ.

Ðaminh Maria Cao Tấn Tĩnh – Trích trong tập “Sứ Ðiệp Fatima: Màng Lưới Cứu Rỗi Trong Mùa Biển Ðộng Cuối Thời”.

**************************************

Kính mừng Maria đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng Bà, Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ và Giêsu con lòng Bà gồm phúc lạ.

Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi nay và trong giờ lâm tử.  Amen!