NIỀM TIN

Cuộc nói chuyện giữa một người tân tòng và một người bạn không có niềm tin như sau:

– Vậy là bạn đã theo đạo Chúa?

– Đúng thế.

– Như vậy bạn phải biết nhiều về Ngài. Bạn hãy nói cho tôi biết: Chúa đã sinh ra ở trong nước nào?

– Tôi không biết.

– Chúa đã chết lúc bao nhiêu tuổi?

– Tôi không hay.

– Chúa đã giảng bao nhiêu bài?

– Tôi không rõ.

– Thì ra sự hiểu biết của bạn quá ít ỏi đối với một người tự nhận mình theo đạo Chúa!

– Đúng thế. Tôi hổ thẹn vì biết Chúa quá ít. Tuy nhiên, tôi biết và tin ở những điểm nầy: Cách đây ba năm, tôi luôn say sưa chè chén. Nợ nần lút đầu lút cổ. Gia đình vỡ lở tan hoang. Vợ con tôi kinh hãi khi tôi về nhà mỗi ngày trong bơ phờ say sưa. Ngày nay tôi không còn rượu chè say sưa nữa, gia đình đầm ấm yên vui, chúng tôi không còn lâm cảnh nợ nần túng thiếu… Tất cả những điều đó, chính Chúa đã làm cho tôi. Đấy là điều tôi biết và tin nhiều về Ngài!

***

zzNếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải, anh em có thể ra lệnh cho cây dâu bật rễ lên, xuống biển kia mà mọc, nó cũng sẽ vâng lời anh em.” (Lc.17: 6)

Bạn thân mến, cây dâu là một loại cây tương đối lớn ở miền đất Do Thái, nó có bộ rễ rất to và khỏe.  Còn hạt cải là thứ hạt nhỏ xíu như đầu kim. Trong bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay, Ðức Giêsu dùng một hình ảnh rất sinh động để nói lên sức mạnh của lòng tin: Ðể làm bật rễ một cây dâu thật to, chỉ cần một chút đức tin bé nhỏ, nhưng phải là một đức tin vững vàng và mạnh mẽ. “Tin” thực sự có nghĩa là được biến đổi bởi điều mình tin.

Trong cuộc sống, có nhiều thứ rễ đã bám chặt trong đời tôi: Những “tham xân xi”, những khuynh hướng xấu, lòng ích kỷ, lối nhìn và cách suy nghĩ, lối đánh giá và hay kết án tha nhân, lối sống đạo theo thói quen, hình thức… đó là những cái rễ to lớn chằng chịt khiến tôi khó gỡ ra để ném tất cả xuống lòng biển. Chỉ có niềm tin tuy đơn sơ nhưng kiên vững vào quyền năng của Thiên Chúa, tôi mới có thể gỡ mình khỏi những ràng buộc, mới làm được những điều tưởng như không sao làm nổi.

“Lạy Thầy! Xin thêm lòng tin cho chúng con” (Lc.17:5). Đó là lời nài xin của các tông đồ ngày xưa trong Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay. Lời nài xin đó cũng là của mỗi người chúng ta ngày nay. Tin là nghe theo Lời Chúa, như Phêrô ngày xưa, ông bước ra khỏi thuyền để đi trên mặt nước sóng gió, ông tin mặt nước sẽ cứng như đá để ông có thể bước đi đến với Thầy mình. Tin như thế là dấn thân, là buông mình trọn vẹn, là vượt thắng được nỗi sợ hãi và lý luận tự nhiên. Tin là thái độ can đảm của người trưởng thành, chứ không phải là thái độ dựa dẫm của người ấu trĩ. Người có lòng tin thì làm được những việc lớn lao, vì người đó đón lấy sức mạnh của Chúa và để cho sức mạnh ấy tự do hoạt động nơi mình.

Thánh Augustinô đã nói: “Đức tin là tin những gì ta không thấy và phần thưởng của đức tin là thấy những gì  ta tin”.

***

Lạy Chúa! Đã nhiều lần niềm tin của con chao đảo vì những khó khăn của cuộc sống. Xin ban ơn soi sáng và hướng dẫn con trong những lúc con đi qua những tăm tối của niềm tin.  Xin gia tăng niềm tin cho con, hâm nóng niềm tin của con để con luôn nhận ra Chúa trong cuộc sống, nhận ra muôn ơn lành Chúa đã trao ban cho con. Xin cho con biết cố gắng nỗ lực để luôn sống niềm tin yêu phó thác vào một mình Chúa mà thôi . Amen .

Tổng hợp từ R. Veritas

CÂY PHIỀN MUỘN

Ở một ngôi làng nhỏ tại Ba Lan có một nhà thông thái được nhiều người nể trọng; dân làng thường tìm đến ông để tâm sự, chia sẻ những nỗi phiền muộn trong cuộc sống với ông.  Hằng ngày ông lão nghe rất nhiều nỗi phiền muộn trong từng gia đình.  Họ cho rằng, ông trời không công bằng khi để cho họ mang quá nhiều gánh nặng so với những người hàng xóm.  “Tại sao ông ấy thảnh thơi hơn tôi?  Tại sao chồng chị ấy lại chăm chỉ còn chồng tôi lại ngày đêm nhậu nhẹt?  Tại sao vợ của tôi chỉ thích đi mua sắm còn vợ của anh ấy thì lại đảm đang lo cho gia đình?  Tại sao tôi phải mang căn bệnh nan y này còn ông hàng xóm thì sống bê tha mà lại tỉnh bơ phây phây?  Dù tôi không làm gì sai trái nhưng tại sao đời tôi vẫn không bình an như ông kia?”  Đó là những nỗi phiền muộn trách cứ mà dân làng tìm đến để nhờ ông lão giúp tìm câu trả lời.

Sau một thời gian, ông lão nảy ra một sáng kiến như sau.  Ông tổ chức một ngày hội.  Trong ngày ấy, mỗi người hãy chuẩn bị một cái bao với tên của mình được ghi ngoài bao.  Mỗi người dân trong làng hãy mang nỗi phiền muộn của mình, những khó khăn của mình và “đặt” chúng trong cái bao ấy và treo chúng lên một cây có tên gọi là “cây phiền muộn” ở giữa làng nơi sẽ diễn ra lễ hội.  Sau khi chờ mọi người treo “bao phiền muộn” của mình lên cây, họ có quyền chọn bao của người khác và mang nó về nhà.

zzViệc tìm kiếm trao đổi “bao phiền muộn” rất sôi nổi, vì ai ai cũng muốn bỏ đi bao của mình và tìm bao “nhẹ” hơn, “dễ chịu” hơn của người khác.  Sau một hồi tìm kiếm, ai cũng tìm được cho mình một bao mà theo họ là vứa ý nhất.  Nhưng khi về đến nhà, những “bao phiền muộn” mà họ ôm lấy từ người khác cũng chẳng khác gì bao nhiêu so với “bao phiền muộn” của họ.  Không ai bảo ai, người dân làng hiểu rằng ai ai cũng mang nỗi phiền muộn, không ai nặng hơn và không ai nhẹ hơn.  Cách tốt nhất là đừng tìm cách đổi chác hay chạy trốn khỏi chúng, nhưng chấp nhận nỗi phiền muộn như là phương cách giúp họ đồng cảm và chỉa sẻ thân phận làm người với nhau.  Họ cũng nhận ra rằng khi cảm thấy nỗi đau của đồng loại là lúc họ trưởng thành hơn, biết yêu nhau hơn, và từ đó họ tìm thấy niềm vui trong cuộc sống nhiều hơn.[i]

***************************************

Bạn thân mến, câu chuyện trên minh họa cho chúng ta thấy việc chạy trốn nỗi khổ đau, hay tìm phương cách để thay đổi chúng không phải là cách tốt nhất để hóa giải sự đau khổ, phiền muộn trong đời mình.  Theo Đức Phật, đời người là biển khổ: “Sinh khổ, hủy diệt khổ, chết khổ, và không sở hữu được điều mình muốn cũng khổ.”[ii]  Chúng ta có thể ví đau khổ và phiền muộn trong kiếp người như con rắn rượt đuổi mỗi chúng ta.  Nếu chúng ta không dừng lại và can đảm đối diện với nó, thì một lúc nào đó chúng ta sẽ bị kiệt sức với trò rượt bắt này.  Chỉ có phương cách là chấp nhận nó, đón nhận nó và sống với nó từng ngày như là một phần của đời ta.

Với một cảm nghiệm siêu phàm, thánh Gioan Thánh Giá đã khuyên những ai đang gặp khó khăn đen tối trong cuộc đời với những lời khuyên rất tâm huyết: “Hãy tìm kiếm sự khó khăn nhất thay vì sự dễ dàng thoái mái;… hãy sẵn sàng mang lấy bất lợi, sự cô đơn hơn là sự thuận lợi, an ủi…”[iii]   Thật là nghịch lý và khó hiểu khi chúng ta học hỏi những suy nghĩ và lối sống của các bậc thánh nhân, nhưng đó là con đường mà họ đã  đi qua với bao kinh nghiệm xương máu.  Chính trong kinh nghiệm xương máu với lòng can đảm đón nhận và ôm chầm lấy đau khổ muộn phiền, họ gặp được niềm vui vô cùng lớn lao mà như thánh Gioan Thánh Giá gọi là: “Ôi đêm tối ngọt ngào và dịu êm.”

***************************************

Hôm nay tôi mời gọi bạn suy nghĩ về cái “bao phiền muộn” của mình.  Ngoài những phiền muộn do ngoại cảnh gây ra, chúng ta thường đối diện với sự phiện muộn xuất phát từ trong lòng mình.  Sự phiền muộn mà mình đang gánh chịu có thể là vì một điểm chuẩn hay một ước vọng xuất phát từ con tim của mình mà mình chưa đạt được hay chưa sở hữu được.  Cũng có khi sự phiền muộn của mình là do mình mong được như một người nào đó, cung cách của một ai đó, lối sống và suy nghĩ như một ai đó mà mình gặp phải.  Ta vô tình lấy họ làm điểm chuẩn cho đời ta; ta mong muốn ta được như họ (về một khía cạnh nào đó).  Bao lâu ta không được như họ thì ta còn phiền muộn đau khổ.  Càng phiền muộn hơn khi ta cứ nhìn những bất toàn của ta và đâm ra nản lòng, bỏ cuộc, và thất vọng.  Thật ra ta đâu có hiểu, những con người xem chừng như rất lý tưởng ấy cũng trăn trở và phiền muộn một khía cạnh nào đó trong đời họ mà ta không biết đấy  thôi.  Hiểu như thế để ta cảm nghiệm giá trị hiện tại trong chính con người mình.

Thưa bạn, bạn hãy khẳng định với lòng mình rằng: Giây phút này, hoàn cảnh này, vị trí này là hoàn cảnh tốt nhất, hoàn hảo nhất cho chính con người của ta, cho cuộc đời của ta.  Ta không cần tìm kiếm hay so sánh với ai khác, mà ta chỉ cần cố gắng hết sức để những đức tính và khả năng của ta được vươn nở mà thôi.

Br. Huynhquảng 

[i] Lược dịch từ Soul, ed. Elisa Davy Pearmain, (Oregon: Resource Publications, 1998), 71

[ii] Ayya Khema, Being Nobody, Going Nowhere (Boston: Wisdom Publication: 1987),144.

[iii]  Từ http://www.carmelitanacollection.com/johncross.php (accessed July 21, 2010).

GIÀU NGHÈO

Con người sinh ra trên đời, ai cũng muốn có đời sống sung túc, phú quý, giàu sang.  Ít có người muốn chấp nhận đời sống khó nghèo “thiếu trước hụt sau”. Giàu có do bàn tay lao động làm ra, nhưng biết nghĩ tới người nghèo, biết chia sẻ với người cơ bần cùng cực cũng là sự giàu có được Thiên Chúa chúc phúc và khuyến khích. Lời Chúa trong Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay dẫn đưa ta về chủ đề căn bản này: “Hãy sử dụng của cải Chúa trao ban ở đời này để nảy sinh hạnh phúc vĩnh cửu ở đời sau”.

***

zzBạn thân mến!  Dụ ngôn Người Phú hộ và La-da-rô trong Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay diễn tả một bức tranh tương phản:  Hai con người với 2 cuộc sống hoàn toàn khác nhau.  Người phú hộ dư ăn dư mặc, La-da-rô nghèo khổ, bệnh tật đói lả. Người phú hộ mặc toàn lụa là gấm vóc, La-da-rô rách nát tả tơi.  Người phú hộ nhà cao cửa rộng, ngày ngày yến tiệc linh đình, La-da-rô mụn nhọt đầy mình, lây lất đói khổ trước cổng nhà Phú hộ, thèm ăn những thứ rớt xuống từ bàn ăn nhưng chẳng có, chỉ có mấy con chó đến liếm ghẻ chóc.

Họ thật gần nhau trong không gian khoảng cách, chỉ cách xa nhau có một cánh cổng vẫn thường khép kín, nhưng lại thật xa nhau trong nhân cách, trong tình người. Người phú hộ giàu có nhưng lại nghèo tình thương, La-da-rô đã nghèo khổ lại không được ai xót thương.

Người phú hộ bị phạt, không phải vì ông đã bóc lột hay hà hiếp người khác, nhưng vì lòng ông khép kín và ra chai cứng, ông dửng dưng không chạnh lòng thương trước sự lầm than đói khổ của người khác.  Ông bị phạt không phải vì ông đã nhận nhiều, nhưng vì ông đã không chia sẻ những gì mình nhận.

Giàu có không phải là tội.  Của cải tiền bạc tự nó không xấu. Có biết bao người giàu có nhưng tốt lành như Dakêu, Nicôđêmô, Giuse Arimathia.  Nhưng giàu sang có thể dẫn đến những cám dỗ nguy hiểm khác, như tích trữ, tham lam, hà tiện, khép kín, tự kiêu tự mãn, hưởng thụ…

Ta có thể nghèo của cải, nhưng giàu về các mặt khác, như giàu kiến thức chuyên môn, giàu sức khỏe, giàu tình bạn tình yêu, giàu niềm vui hạnh phúc, và nhất là giàu hồng ơn Thiên Chúa.

Ước gì ta biết tập nhìn xuống để thấy bao người đang chịu cảnh thiếu thốn khổ đau. Biết chia sẻ cho nhau, vì chia sẻ là lấp đầy vực thẳm, nâng người khác lên bằng mình.

Ước gì Lời Chúa thay đổi đời ta, để ta nhìn thấy trách nhiệm của mình trước những Ladarô đang nằm nơi cửa nhà, nơi xóm làng khu phố… Chỉ cần bớt chút dư thừa, bớt chút xa xỉ, ta có thể giúp người khác no nê hạnh phúc.

***

Lạy Cha, xin cho con ý thức rằng: Tấm bánh con để dành thuộc về người đói nghèo, chiếc áo nằm trong tủ thuộc về người trần trụi, tiền bạc con cất giấu thuộc về người thiếu thốn.

Lạy Cha, có bao điều con cất giữ mà chẳng bao giờ cần dùng, có bao điều con lãng phí bên cạnh những người nghèo túng quẫn, có bao điều con hưởng lợi dựa trên nỗi đau của người khác, và có bao điều con định mua sắm dù chẳng có nhu cầu.

Xin nhắc nhở con về nguồn gốc của sự bất công. Nó chẳng ở đâu xa, nó nằm ngay nơi sự khép kín của lòng con. Con có trách nhiệm về cảnh đói nghèo trong xã hội hôm nay. Cha để cho sự chênh lệch và thiếu hụt xảy ra, vì Cha mời gọi con biết chia sẻ cho nhau.

Lạy Cha, xin mở mắt con để con nhìn thấy Cha trong những anh em sống chung quanh con.  Xin mở tai con để con nghe được tiếng họ đang than van đau khổ. Xin mở trái tim con để con biết chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn cũng như những thiếu thốn khổ đau của họ. Amen

Tổng hợp từ R. Veritas
(BĐ1:Amos 6:1,4-7 – BĐ2: 1Timothy 6:11-16 – PÂ: Lc.16:19-31)

XÊ-ÐĂNG – MIỀN ÐẤT HỨA (Phần 2)

Xin tiếp tục gởi đến Bạn phần 2 ”Tập Bút Ký”nhỏ bé đơn sơ của LM. Simon Phan Văn Bình, người con của Núi Rừng Trường Sơn năm nào, nay đã trở thành mục tử hiếm hoi giữa anh em sắc tộc thiểu số Xê-đăng, Ha-lâng, Jeh, Ka-Yon.

***

zzNgày…Tháng…Năm…Buôn làng Dak-Kang-Pêng có vài cụ già muốn gặp Linh Mục trước khi quy hồi tiên tổ. Tôi đem theo vài lon nước, qua chợ mua vài ổ bánh mì trước khi lên đường. Ðường đi không khó nhưng ngoằn ngoèo quanh co. Thung lũng sâu bên những ngọn đồi đã thành nương rẫy, xa xa vài bóng cây Kơ-nia cao vút.  Buôn làng nhà tranh vách nứa với 560 nhân khẩu. Vài cụ già an phận chờ chết không chút buồn phiền lắng lo… Vài em bé đang bị bệnh với cơn sốt mê man… Một bà mẹ ẵm em bé hai tháng tuổi trên tay đứng chờ tôi giữa ánh nắng ban trưa. “Lạy Chúa! Giữa núi rừng Trường Sơn này, có một gian nhà nhỏ lụp xụp được dành riêng cho Chúa. Con và vài ba người đã khom lưng cúi mình chui vào để quỳ gối hát ca thờ lạy Chúa. Tiếng hát đã vang vọng trong thinh không, như mất hút giữa núi rừng, nhưng xin được hòa lời ca tiếng hát cùng với Giáo Hội hoàn vũ để dâng lên Thiên Chúa Tình Yêu…vì Chúa vẫn hằng yêu thương con, và yêu thương mọi người trong buôn làng này.”

Ngày…Tháng…Năm… Em bé chăn bò đã chết oan uổng… một chú bò đã đá trúng người của em, làm đứt mạch máu.  Nơi đèo heo hút gió này vô phương cấp cứu, máu ra nhiều và em đã an giấc nghìn thu. “Lạy Chúa, nếu con có phương tiện tiếp cứu thì em bé này đã không chết.  Xin cho con phương tiện phục vụ và niềm vui dọc ngang, ngang dọc, xẻ núi dời non.”

Ngày…Tháng…Năm… Một người mẹ buôn làng Tu-ria lâm bồn cần cấp cứu.  Đã chuyền bụng 3 ngày mà đẻ không ra, đang ôm cột nhà la hét om xòm. Được dân làng cấp báo, tôi lên Toà Giám Mục mượn chiếc xe con.  Người mẹ được khiêng ra đường lộ để lên xe về bệnh viện Kontum.  Những nét mặt u buồn lặng lẽ nhìn theo, nhưng bệnh viện Kontum đã cứu nguy cho người mẹ.  Một người con trai của Núi Rừng ra đời. ”Lạy Chúa, con vui mừng làm việc này để đền đáp công ơn người mẹ đã sinh ra con với bao lo toan thiếu thốn.”

Ngày…Tháng…Năm…Tôi trở lại thăm dân làng Kan-Tu-Pêng. Thời gian trôi nhanh, nắng nhạt dần, làn nước đen thẫm, ngọn núi chênh vênh như bức màn đen khép lại không gian vắng lặng và âm u của núi rừng… Mọi người chúng tôi không ai bảo ai, đều nín lặng, cúi đầu cảm tạ Ðấng Tối Cao. Lời kinh Lạy Cha lại vang lên bên giòng sông Pơkô… “Nước Cha trị đến… hằng ngày dùng đủ… khỏi mọi sự dữ… Amen”.  Bàn tay vị mục tử và bàn tay những người con của Núi Rừng siết chặt lấy nhau để rồi chia tay nhau. “Lạy Chúa! Con nhớ cuộc chia tay của thánh Phao-lô với Đoàn Chiên năm nào trên bờ hồ… Có lẽ cuộc chia tay ấy cũng giống cuộc chia tay của con với đoàn chiên buôn làng Kan-Tu-Pêng hôm nay. Con buồnNỗi buồn man mác của người mục tử…”

Ngày…Tháng…Năm… Chú Nôm qua đời.  Chú là giáo lý viên từ năm 1942 tới bây giờ.  Đã bao năm chú sống như mọi người, và sống giữa mọi người để rao giảng Lời Chúa.  Con người đáng kính và đáng khâm phục, nay đã già ốm, không đi lại được, ngồi một chỗ, nhưng vẫn tiếp tục nói về Chúa.  Cuốn Kinh Thánh vẫn để bên đầu giường.  Hôm nay người con của Núi Rừng đã về với Chúa sau một lần hiếm hoi trong đời được gặp Linh Mục. “Chúa ơi! Có thể đây là lời cầu nguyện của Chú Nôm: Lạy Chúa! Xin cho con được ra đi vì mắt con đã thấy…”

Ngày…Tháng…Năm… Một bà già đã đi gần 50 cây số để về Kontum lo việc linh hồn.  Quả đúng như vậy.  Bà sốt sắng dọn mình chịu các bí tích.  Ngả mình ngủ qua đêm và sáng hôm sau bà không còn thức dậy nữa. “Lạy Chúa! Xin cho bà được nghỉ yên muôn đời trong Nước Chúa, vì bà đã tin yêu phó thác vào Chúa suốt cả cuộc đời.” zz

Ngày…Tháng…Năm…Hôm nay tôi “hành hương” xuyên suốt miền Ðầt Hứa:
Kontum, Dak-Hà, Dak-Tô, Ngọc-Hồi, Dak-Glei… Nào là buôn làng với nhà Rông, thung lũng với núi đồi, khe suối thác ghềnh với cầu treo… mỗi nơi mỗi cảnh, thiên hình vạn trạng nơi các bộ tộc: Jeh, Striêng, Xê-đang, Ha-lâng… 16 giờ tôi dặt chân lên miền Dak-Glei, điểm cuối của Giáo Phận Kontum.  Thông reo như Ðà Lạt, không khí se lạnh về chiều.  Dân cư nằm rải rác theo đường chân núi.  Chiếc cầu treo đong đưa vì kẻ qua người lại.  Bên một con sông và một cánh đồng nho nhỏ, mỗi ngày có một chuyến xe khách đi từ Kontum về Dak-Glei…17 giờ, anh em buôn làng Ya-tun, nam phụ lão ấu, túa ra đường đón người mục tử đi ngang qua để xin được xưng tội…23 giờ khuya mới về tới nhà vì đường rừng trong đêm tối thật khó đi. ”Lạy Chúa, xin ban cho con một ý chí mạnh mẽ để con được kiên vững trong gian nguy và lao nhọc.”

Ngày…Tháng…Năm… Ngày lễ Phục Sinh, tôi ngồi toà giải tội suốt cả ngày mà vẫn còn người chờ đợi đến lượt mình.  Mấy ngàn giáo dân đã về đây, họ ngồi nằm la liệt khắp vườn Nhà Thờ.  Ðêm Vọng Phục Sinh, đêm thánh huyền nhiệm, đứng bên cạnh Ðức Giám Mục, tôi cất cao lời công bố ”Anh Sáng Chúa Ki-tô” cho hàng ngàn người con của Núi Rừng bằng thổ ngữ Bahnar.  Tôi hát lên bài ca Exultet hoành tráng bằng thổ ngữ Xê-Đăng.  Ðức Giám Mục ban Phép Thánh Tẩy cho gần 100 anh em tân tòng gồm các bộ tộc Jeh, Xê-đang, Bahnar… trong đó có rất nhiều em bé và người già cả. “Lạy Cha! Ước chi ngọn lửa đêm nay vươn lên như hương trầm nghi ngút, hòa nhập với lời kinh tiếng hát của những người con núi rừng Trường Sơn đang tụ họp nơi đây, để dâng lên Cha như tấm lòng tin yêu và cậy trông phó thác…”

zzNgày…Tháng…Năm… Người con gái buôn làng Kon-Dau-Yôp với bệnh nan y không còn phương thuốc chữa trị.  Tôi đưa xe tới bệnh viện chở chị xuất viện. Ðến ngõ cụt bìa rừng, đã có sẵn những thanh niên chờ khiêng cán.  Vài người phụ nữ bà con chạy lại, nhìn nhau khóc lóc kể lể…  Những lời nói líu lo đầy thương mến.  Tiếng chim khứu từ xa vọng lại, tiếng suối róc rách vẫn không ngưng chảy.  Tôi đứng lặng người trong không gian mênh mông giữaTrời và Ðất, để khẩn cầu cho đứa con của Núi Rừng.  Ðến bên người con gái, tôi trao Mình Thánh Chúa lần cuối cùng cho chị.  Chị nói lời cám ơn, điều mà người Dân Tộc ít khi nói.  Hai bàn tay chị giơ lên như muốn nắm lấy bàn tay người mục tử.  Ðoàn người khiêng chị đã khuất dần sau những rặng núi.  “Lạy Chúa, con trở về nhưng Chúa đang cùng đi với họ.  Xin cho cô gái được giảm bớt cơn đau, và xin dẫn đưa cô về nơi Bình Yên Vĩnh Phúc trong Nước Chúa. Amen.”

Ngày…Tháng…Năm…Hôm nay, tôi làm phép cho 20 đôi hôn phối.  Nhiều người mẹ vẫn mang con sau lưng hay bồng con đang bú mớm bước lên làm Phép Hôn Phối.  Một em bé chạy lại nắm váy mẹ, người mẹ một tay nắm lấy tay chồng đọc lời thề ước, một tay nắm lấy váy sợ nó tụt ra. “Lạy Chúa, ngày xưa Chúa là khách dự tiệc cưới Cana, nhưng hôm nay trong nhà nguyện nhỏ bé này, Chúa là chủ hôn ban muôn vàn ân phúc.”

Ngày…Tháng…Năm… Một người từ bệnh viện đến xin tiếp cứu để có tiền mua một xị máu cho đứa con sắp lên bàn mổ.  “Lạy Chúa! Chúa hằng ban ân huệ cho con cái Chúa qua những bàn tay của ân nhân xa gần.  Con xin tạ ơn Ngài.”

Ngày…Tháng…Năm… Dân làng chia nhau đi tìm chú Rei, chú là Iao-phu (giáo lý viên) đã thay mặt cha sở dạy giáo lý và quản lý họ đạo hàng chục năm.  Chú đã tận tụy hy sinh nên dân làng thương tiếc như người cha.  Trên đỉnh núi cao sương mờ, người ta đã gặp thấy chú nằm chết sấp ở thế quỳ khom lưng, tay vẫn cầm tràng hạt.  Mặt mày và cổ đã bị kiến và bọ bu ăn.  Có lẽ chú đã bị rắn cắn, biết mình không thể qua khỏi, chú đã cầm lấy tràng hạt quỳ sấp dọn mình, và chú đã ra đi bình an trong Chúa.  Thân xác chú đã bay mùi.  Dân làng đem xác về an táng tại nghĩa trang gần làng.  “Lạy Chúa! Một người kitô gương mẫu đã ra đi…  Xin cho con được trung kiên bền đỗ đến giây phút cuối cuộc đời. ”zz

Ngày…Tháng…Năm…  Hôm nay, anh chị em Dân Tộc đã đi về nhà thờ Chính Toà Kontum.  Rất nhiều người mẹ mang theo con mình, từ mới sinh chưa đầy tháng cho tới ba bốn tuổi, người què được bà con cõng trên lưng, kẻ đui mù được người thân dắt dìu đi quờ quạng, người câm kẻ điếc cùng chung niềm vui ngày Chúa sinh ra đời.

Ðêm Chúa Giáng sinh, hàng ngàn người con Dân Tộc của Núi Rừng Trường Sơn bao gồm Bahnar, Rơngao, Xê-đăng, Jeh, Halâng… Họ đứng im lặng trong màn đêm, nhưng hướng lòng về tiền đường Nhà Thờ Chính Tòa trong ánh sáng uy linh huyền nhiệm của đêm Chúa sinh ra đời.  Qua bao nhiêu vất vả nhọc nhằn, bao nhiêu hy sinh và lo lắng.  Đêm nay, trong niềm tin yêu vào Đấng Cứu Thế đang hạ sinh, những người con của Núi Rừng cũng bắt gặp một Giê-su khó nghèo, Ngài không cho họ tiền bạc chức quyền, không cho họ cuộc sống dư đầy, nhưng cho họ sự an bình và tình yêu thương trìu mến… “Lạy Chúa Giê-su Hài Ðồng! Xưa kia các người chăn chiên đã ra về tay không. Hôm nay cũng thế, những người con của Núi Rừng cũng ra về với hai bàn tay trắng, không có quà Noel, nhưng lòng họ tràn đầy niềm hân hoan vui xướng vì Ơn Cứu Độ đã được sinh ra cho muôn người, và đã lan tỏa đến vùng đèo heo hút gió của núi rừng Trường Sơn này.”

LM. Simon Phan Văn Bình – trích trong tập bút ký “Xê Đăng Miền đất Hứa”

XÊ-ÐĂNG – MIỀN ÐẤT HỨA

Giữa vùng đèo heo hút gió nơi biên giới Lào-Việt với đồi cao gió lộng, với dãy Ngọc Lĩnh 2500m. Núi rừng Trường Sơn trùng điệp nhấp nhô trong sương mờ. Con đường Trường Sơn nối liền Kontum và Quảng Nam ngoằn ngoèo uốn khúc giữa các rặng cây và sườn đồi vách đá cheo leo, giữa thác ghềnh và cầu treo đong đưa trên sông Pơ-kô gió ngàn.

Giữa núi rừng Trường Sơn trong khói sương chiều, hay trong sương sớm ban mai, đâu đó vang vọng lên lời kinh tiếng hát để ca tụng Thiên Chúa… Những người con của Núi Rừng đang ngỡ ngàng nhìn núi sông đổi thay, rừng cây đổi mới… nhưng trong đó có Đàn Chiên không người chăn dắt.

Xin gởi đến Bạn”Tập Bút Ký”nhỏ bé đơn sơ của LM. Simon Phan Văn Bình, người con của Núi Rừng Trường Sơn năm nào, nay đã trở thành mục tử hiếm hoi giữa anh em sắc tộc thiểu số Xê-đăng, Ha-lâng, Jeh, Ka-Yon.

***

Ngày…Tháng…Năm…: Ðức Giám Mục Giáo phận Kontum, đã trao cho tôi trách nhiệm coi sóc miền Xê-đăng với 26.229 giáo dân rải rác trong 118 thôn làng thuộc các huyện Dak Glei, Ngọc Hồi, Daktô và Dak Hà.  Miền này từ mùa hè đỏ lửa 1972 tới nay không có bóng dáng Linh Mục.  Ngày Lễ Phục Sinh và Giáng Sinh, giáo dân lũ lượt đi về Nhà Thờ Chính Tòa Kontum để dọn mình đón Chúa rồi lại lặng lẽ trở về núi rừng Trường Sơn hoang dã.  “Chúa ơi! Con cám ơn Ngài vì con được trở về với anh em Dân Tộc của con trong sứ vụ của người mục tử, vì Chúa đã cho con sinh ra giữa núi rừng của thôn làng Kon-hring, và vì Chúa đã gọi và chọn con, nâng con lên hàng mục tử. Xin ban cho con niềm vui và sức mạnh của Chúa.Amen”

Ngày…Tháng…Năm…: Chú Iao-phu (thầy giảng) từ xa đi về rước Mình Thánh Chúa để mang đến thôn làng cho giáo dân rước lễ vào ngày Chúa Nhật. Bình đựng Mình Thánh lại là một lon sữa Guigoz với cái túi vải lấm đầy bụi đường. Tôi không thể chấp nhận, và chú phải chờ đợi cho đến khi tìm được một chén thánh xứng đáng hơn. “Lạy Chúa, xin cho con có thêm nhiều người giúp đỡ con trong công việc chăm sóc đoàn chiên của Chúa, để Chúa có nơi cư ngụ xứng đáng hơn giữa núi rừng hoang vu này.”

Ngày…Tháng…Năm…: Vừa học tiếng Xê-đăng, tôi vừa cộng tác với 3 anh em Iao-phu dịch các sách Tin Mừng, để mỗi Chúa Nhật trong rừng sâu âm u và thầm kín, những người con của Núi Rừng được nghe Lời Chúa bằng chính ngôn ngữ của mình. “Lạy Chúa, hôm nay là Lễ Ngũ Tuần trên miền đất Xê-đăng, người Xê-đăng đều nghe họ dùng tiếng nói Xê-đăng “mà loan báo những kỳ công của Thiên Chúa” ( Cv 2,11).

Ngày…Tháng…Năm…: Bốn đôi hôn phối từ nhiều thôn làng khác nhau trên miền đất Xê-đăng, họ đã đi bộ từ 40 cây số, có người ở các vùng xa xôi hơn, phải đi gần 100 cây số để về nhà thờ dọn mình chịu Bí tích Hôn phối. Họ đem theo cơm và ngủ không mùng, không chiếu. “Lạy Chúa, tiếp đón những kẻ không nhà không cửa là đón tiếp Chúa, nhưng con lấy gì mà đón Chúa đây ?”

zzNgày…Tháng…Năm…: Rửa tội cho 24 em bé thuộc nhiều thôn làng khác nhau, gồm 10 nam và 14 nữ. Ða số là các bà mẹ trẻ và các em khôi ngô tuấn tú dễ thương.“Lạy Chúa, con xin dâng lên Chúa của lễ đầu mùa là 24 công dân Nước Trời trong đầu đời mục tử miền Xê-đăng của con.”

Ngày…Tháng…Năm…: Lần đầu tiên tôi làm phép cưới cho 3 đôi hôn phối. Nghi lễ hôn phối bằng tiếng Xê-đăng. Sau Thánh Lễ, họ vào cám ơn với hơn chục trứng và 4 trái chuối. “Lạy Chúa, con rất vui mừng vì được nói tiếng Xê-đăng trong lễ nghi hôn phối này.”

Ngày…Tháng…Năm…: 15 giờ trời hãy còn nắng gắt. Trên nẻo đường Dak-Kla vắng lặng, tôi gặp một đôi vợ chồng sắc tộc Rơn-Gao lầm lũi bước về làng. Vợ đi trước, chồng đi sau. Bất chợt, tôi nhìn thấy tay ông chồng nắm cỗ tràng hạt, miệng nhẩm lời kinh. Tiếng chim đâu đó vẫn ríu rít. Gió ngàn vẫn lay nhẹ cành cây. Và nắng hanh vàng của một buổi chiều núi rừng Trường Sơn đang buông dần xuống. “Lạy Chúa, Chúa đã không tỏ cho người khôn ngoan được biết, mà đã tỏ ra cho những kẻ bé nhỏ hèn mọn…”

Ngày…Tháng…Năm…: Trong tuần tĩnh tâm tại Tòa Giám Mục. Tôi đi viếng nghĩa trang các Linh Mục. Nơi an nghỉ là một khu đồi lộng gió. Những ngôi mộ nằm yên như bất động mà dường như còn vang lên tiếng réo gọi. Tôi nghe như thế vì nhiều thôn làng của anh em Dân Tộc là nơi đìu hiu hút gió, không một vết chân truyền giáo, không một bóng giáng của người mục tử, thế  mà họ lại quyết tâm tầm đạo, muốn được làm con cái Thiên Chúa. Vài nén hương tỏa khói của những kẻ đi sau tiếp nối bước chân của những người đi trước. Hương khói tản mát vào không trung, hòa quyện với bao lời kinh nguyện trầm lắng bay đến những thôn làng xa xôi nào đó! Lạy Chúa, kẻ gieo người gặt. Gieo trong nước mắt, gặt trong vui cười… và lạy Chúa, trên miền núi rừng Trường Sơn này, giờ đây lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại quá ít…trơ trọi chỉ có mình con…!”

Ngày…Tháng…Năm…: Trong Thánh Lễ Chúa Nhật tại Nhà Thờ Chính Tòa Kontum, trước cộng đoàn giáo dân Bahnar, Ðức Giám Mục công bố sứ vụ của tôi nơi miền Xê-đăng.  Lạy Chúa! Lúa chín thì nhiều mà thợ gặt thì ít… Nhưng đây lại quá ít vì chỉ có mình con. Bao giờ có bông lúa chín vàng để con dâng Chúa! Giữa núi rừng Trường Sơn mênh mông, con xin hiệp lời cùng anh em Dân Tộc của con để hát mừng ngợi khen danh Chúa đến muôn muôn đời”

zzNgày…Tháng…Năm…: Sau Thánh Lễ Chúa Nhật, tôi đã rửa tội cho 38 em bé thuộc các sắc tộc Jơlơng, Bahnar, Rơngao. Những công dân mới của Nước Trời. Ða số là những người mẹ trẻ, mặt mày sáng sủa, ăn mặc sạch sẽ. “Lạy Chúa, cách đây 60 năm, con cũng được sinh ra như các em bé này trong khoảng không gian trầm lặng của núi rừng Trường Sơn. Nhưng Chúa đã gọi và chọn con.”

Ngày…Tháng…Năm…: Hôm nay là ngày tôi sinh ra đời trong một thôn làng bé nhỏ miền Xê-đăng, tên gọi là Kon Hring. Sáng nay, tôi trở lại quê nhà với hai người chị gái. Thôn làng đã tan nát vì chiến tranh. Cỏ mọc um tùm. Ngôi nhà thờ nơi tôi được lãnh nhận Bí tích Thanh tẩy, nay chỉ còn mấy tảng đá chân cột. Cây xoài quéo gần nơi tôi sinh ra hãy còn đứng trơ gan cùng tuế nguyệt. Thuở nhỏ, tôi hay chạy đến gốc xoài, lượm những quả chín rụng thơm ngọt. Chỉ còn mỗi cây xoài này và những dãy núi chập chùng bao quanh cùng với bầu trời bao la là chứng tích cho cuộc đời tôi. Tôi và hai chị đứng trên nền nhà thờ cùng nhau dâng lời kinh tạ ơn.

Lần theo con dốc chạy dài tận đáy thung lũng, tôi muốn nhìn lại giọt nước trong lành, tuôn chảy ngày đêm (máng tre hứng mạch nước chảy ra). Chính giọt nước này đã thanh tẩy tôi, để tôi được trở nên con cái Thiên Chúa. Một lần nữa, tôi cúi đầu vào giòng nước tuôn trào ấy. Giọt nước bên cạnh, mấy em bé đang tắm, tung tăng vui đùa như chính tôi lúc còn nhỏ. Vào giữa trưa, dưới ánh nắng chan hòa, tôi và hai chị ngồi ăn trưa tại chính nơi tôi đã sinh ra.

Ngày này năm ấy, chắc hẳn cha mẹ tôi cùng cả bà con thân thuộc đều vui mừng, vì tôi là đứa con trai đầu lòng trong gia đình được sinh ra.  Chiều Tây Nguyên đang buông dần xuống mang lại vẻ âm u huyền bí của núi rừng. Vài tiếng chim ảo não gọi đàn. Chúng tôi quay trở về. Tôi bước vào trong nhà ôm hôn mẹ già. Người mẹ 87 tuổi nay đã lẫn nhưng vẫn còn nhận ra tôi là đứa con của bà.  Ðôi môi mẹ không còn nở nụ cười.  Ðôi mắt không còn tinh anh thần sắc. Mẹ từ từ cầm lấy bàn tay tôi, nâng lên và hôn vào lòng bàn tay.  Bàn tay này hôm nào đã được Thiên Chúa sức dầu tấn phong. Bàn tay này luôn đưa lên cao để ban phép lành của Chúa cho những đứa con ở núi rừng Trường Sơn. Bàn tay này đã được mẹ dạy làm Thánh giá đầu đời. Bàn tay này đã một thời bám lấy bầu sữa mẹ khi tôi còn bé.  “Lạy Chúa, Chúa ở với con, Chúa ở bên con qua hình ảnh và đời sống của người mẹ. Chỉ có Chúa và người mẹ là luôn thương yêu con, không bao giờ chê trách con, cho dù con bất xứng và ngỗ nghịch. Lạy Thiên Chúa của con, con tạ ơn Ngài hôm nay và mãi mãi.”

Ngày…Tháng…Năm…: Chuyến thăm mục vụ đến buôn làng Kon-Dâu-Yôp. Tôi rẽ vào lối hẻm đường mòn. Vượt bao sườn đồi chênh chếch bên sông. Con sông có khúc hiền hòa, có khúc gầm thét qua thác qua ghềnh. Vài cây cầu khỉ. Hai thân cây bắc ngang hố sâu. Vài con dốc như chạm vào mũi. Con đường mòn bị con sông cắt đứt. Một chiếc sỏng mong manh như chiếc lá bồng bềnh trên mặt nước.. Giòng nước xanh dờn như bảo rằng dưới đó có âm phủ. Hai ven sông cây cao sừng sững đầy bí ẩn của núi rừng. Qua đò, bên kia bờ, vài người dân làng đang chờ đón, hàng chục em bé đứng nhìn tôi cười tũm tĩm.. Lại còn phải leo một cây số trên sườn núi. Ngôi làng nằm trên một khoảng đất rộng giữa sườn đồi. Hôm nay, mọi người nam phu lão ấu đều ở nhà đón vị chủ chăn. Lạy Chúa, hễ con vào nhà nào, con sẽ chúc lành cho nhà ấy, như Chúa đã phán dạy xưa kia …”

Ngày…Tháng…Năm…: Hôm nay có hơn 50 người già hoặc lớn tuổi đã đi hàng 50 đến100 cây số  đường rừng để về đây dọn mình xưng tội.  Họ không nghĩ suy, không hề hay biết những gì đang xảy ra trên thế giới: HIV hay AIDS, hòa bình hay chiến tranh, phát triển hay chậm tiến… “Chúa ơi! Ai là người được hạnh phúc? Người trong các nước tây phương tiên tiến? Hay người lãng du sống từng ngày Chúa ban?”

Ngày…Tháng…Năm…: Anh em vùng sâu vùng xa về đây dọn mình lãnh nhận các bí tích. Họ lớn lên sau chiến tranh.  Không có nhà thờ. Chỉ biết đọc kinh trong căn nhà đơn sơ hay dưới một gốc cây cổ thụ trong rừng già. Hôm nay vào nhà thờ, họ quỳ ngược, quay lưng lên bàn thờ. “Ôi lạy Chúa! Chúa ở khắp mọi nơi mọi hướng. Tin như vậy là giải quyết được chiều hướng đứng ngồi quỳ của người anh em Núi Rừng Trường Sơn của con”

Ngày…Tháng…Năm…: 21 anh chị em dân tộc người Jeh được nhận lãnh Bí Tích Thánh Tẩy. Tại nhà nguyện nhỏ bé, phần phụng vụ Lời Chúa và Lời Nguyện Giáo Dân được dâng lên bằng thổ ngữ Jeh, tiếng nói của một dân tộc nhỏ bé chỉ có vài ngàn người. Họ ở huyện Dak Glei, giáp ranh tỉnh Quảng Nam và biên giới Lào. “Lạy Chúa, Lễ Hiện Xuống vẫn còn tiếp diễn bên núi rừng Trường Sơn hôm nay.”

zzNgày…Tháng…Năm…: Từng đoàn người anh em Dân Tộc miền Xê-đăng lần lượt tuôn về nhà thờ như trẩy hội để mừng lễ Chúa Giáng Sinh. Màn trời chiếu đất. Nhiều bà mẹ ấp con vào ngực tránh làn gió se lạnh. Sương rừng lại nhẹ rơi. Tiếng cười nói im dần càng làm cho màn đêm thêm thanh vắng lạnh lùng. Bỗng đâu đó văng vẳng tiếng khóc của một em bé vì gió lạnh.. đêm đông… không nhà… “Lạy Chúa, con đang nhìn ngắm máng cỏ với những người mẹ không có mái nhà ấm áp, không có tấm chiếu qua đêm, cũng có thể chưa có gì lót dạ đêm nay…”

Ngày…Tháng…Năm… : Mấy ngày nay, tôi ngồi tòa giải tội từ sáng tới chiều. Ngôi nhà nguyện có khoảng 200 người. Ngoài cửa cũng chật ních người ngồi chờ đợi tới phiên mình. Họ khao khát được ơn giao hòa giữa Trời với Ðất, giữa Thiên Chúa và con người. Phải chăng tôi đang gặp được những con người bé nhỏ được Chúa yêu thương. Thánh Lễ Ðêm Giáng Sinh ngoài trời do Ðức Giám Mục chủ lễ. Có khoảng 8 ngàn anh em Dân Tộc Bahnar, Rơngao, Jrai và Xê-đăng quây quần  xung quanh bàn thờ. Thánh Lễ bằng hai thứ tiếng Bahnar và Xê-đăng…

Tiếng cồng chiêng hòa với tiếng hát: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm…”  Sương bắt đầu nhẹ rơi, Thánh Lễ kết thúc, cộng đoàn dân chúa ra về với thân xác mệt mỏi, nhưng tâm hồn đầy ắp an bình và hạnh phúc. Có thể có nhiều người đêm nay vẫn không có gì lót dạ. “Lạy Chúa, xin cho những ai đêm nay dư đầy biết chia sẻ cho chúng con một tấm bánh thơm ngát tình người và tình Chúa. Amen”

LM. Simon Phan Văn Bình
(Trích Nhật Ký Truyền Giáo – Miền Xê-Đăng của núi rừng Trường Sơn)

NGƯỜI QUẢN LÝ KHÔN NGOAN VÀ TRUNG TÍN

Mạnh Thường Quân là người giàu có, ông cho nhiều người vay mượn tiền. Một hôm ông sai người quản lý là Phùng Nguyên sang đất Tiết đòi nợ. Trước khi đi, Phùng Nguyên hỏi: “Ngài có muốn mua gì không?”.  Mạnh Thường Quân trả lời: “Anh xem thứ gì nhà mình chưa có thì mua về”. Khi đến đất Tiết, Phùng Nguyên cho gọi tất cả con nợ tới và bảo rằng: “Các ngươi nợ bao nhiêu, Mạnh Thường Quân đều tha cho cả”.  Rồi chẳng tính vốn tính lời, đem văn tự ra đốt sạch.  Khi trở về, Phùng Nguyên nói với Mạnh Thường Quân: “Nhà ta không thiếu thứ gì, có lẽ chỉ thiếu ‘ơn nghĩa’ thôi. Tôi đã mua ‘ơn nghĩa’ ở đất Tiết cho ngài rồi. Tôi chắc là đẹp ý ngài”. Về sau Mạnh Thường Quân bị bãi quan, về ở trong đất Tiết. Người dân ở đấy nhớ ơn nghĩa ngày xưa nên ra đón rước ông. Mạnh Thường Quân ngoảnh lại bảo Phùng Nguyên: “Chắc hẳn đây là cái ‘ơn nghĩa’ mà ông đã mua cho tôi ngày trước”.

Có lẽ mọi người đều đồng ý rằng Phùng Nguyên thực sự là người quản lý khôn ngoan và trung tín, vì ông đã biết cách làm lợi cho chủ,vì ông biết nhìn xa trông rộng, biết đầu tư vào những chương trình có ích lợi lâu dài. Nhờ sự khôn ngoan và trung tín của Phùng Nguyên, Mạnh Thường Quân đã vượt qua được những khó khăn gian khổ.

***

Bạn thân mến! Bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay cũng nhắc đến người quản lý khôn ngoan, nhanh nhẹn.  Trong một thời gian ngắn ông đã tìm ra phương thế chuẩn bị cho tương lai. Nhưng ông ta đã không trung thành vì phung phí tiền của, làm hại tài sản của chủ.

Khi khen người quản lý khôn ngoan nhanh nhẹn, Chúa Giêsu không khen ngợi tính gian giảo, thiếu trung thực của ông. Người chỉ khen ngợi sự thông minh nhạy bén của ông. Người không dạy ta bất lương như người quản lý, nhưng Người dạy ta biết khôn khéo như ông để xây dựng cho đời mình một tương lai vĩnh cửu. Người ước mong con cái sự sáng cũng cũng biết thông minh nhạy bén như ông trong việc tìm kiếm Nước Trời..

Quả thực chúng ta chỉ là những người quản lý của Chúa. Tất cả những gì ta có đều là của Chúa.  Sự sống, sức khỏe, tài năng, tiền bạc..v..v.. tất cả đều không phải của ta, nhưng là của Chúa. Người trao cho ta để ta quản lý chúng mà thôi.

zzCó vẻ như cuộc sống vĩnh cửu trong đời sau thì xa xôi, không có sức thu hút, không làm ta say mê và dám đánh đổi tất cả. Ta thừa sôi nổi để xây dựng tương lai trong cuộc sống của đời này, nhưng lại thiếu táo bạo để xây đắp tương lai cho đời sau. Ta biết xoay sở để việc làm ăn buôn bán không bị thua lỗ, nhưng ta lại thiếu cương nghị và dứt khoát để đầu tư cho Nước Trời.

Lạ lùng hơn nữa, cách gây dựng kho tàng trên trời khác hẳn với cách gây dựng kho tàng trần gian. Để gây dựng kho tàng trần gian, ta phải hà tiện, ích kỷ, thu tích cho mình, nghĩ đến lợi nhuận của bản thân hơn đến người khác. Trái lại, để gây dựng kho tàng trên trời, ta phải rộng rãi, hào phóng nghĩ đến người khác hơn bản thân mình, ta phải biết cho đi. Càng cho đi lại càng giàu có. Càng phân phát lại càng dư thừa. Càng ban tặng lại càng phong phú.

***

Lạy Chúa! Thật là một điều khó khăn trong cuộc sống vì  tiền bạc vẫn cần, vẫn phải có, nhưng con lại phải vượt qua, phải khước từ như là không có, không phải của mình. Xin cho con biết dùng của cải vật chất ở đời này như là phương tiện để xây dựng cuộc sống vĩnh cửu trong Nước Chúa. Amen

Tổng hợp từ R. Veritas
(BĐ: Amos 8:4-7 – BĐ2: 1Timothy 2:1-8 – PÂ: Luca 16:1-13)

CẦU NGUYỆN MÀ KHÔNG ĐƯỢC NHƯ Ý!

Sau khi lên ngôi Giáo Hoàng, Đức Bênêđictô XVI đã có buổi tiếp kiến hàng ngàn người đồng hương người Đức của Ngài bên trong đại thính đường Phao-Lô.  Họ đã đến Roma để chúc mừng Ngài và cũng để tham dự lễ đăng quang Giáo Hoàng của Ngài. Nhưng trong buổi tiếp kiến, Đức Giáo Hoàng Bênêđictô đã cảm động thổ lộ tâm tình của Ngài như sau:

Trong mật nghị Hồng Y, đã nhiều lần cha cầu xin Thiên Chúa tha cho cha công việc này, vì cha chỉ hy vọng và mong muốn sống những năm cuối đời trong thầm lặng và bình an bên quê nhà, cha nghĩ rằng cha đã xắp sửa hoàn tất công việc mà Thiên Chúa đã giao phó cho cha, và giờ đây với tuổi già sức yếu, cha có thể sống những năm tháng cuối đời trong an bình, bên cạnh người anh ruột mà cha hằng thương mến, đó là đức ông George Ratzinger.

Thế nhưng khi cuộc đếm phiếu vào chiều thứ Ba (ngày19 tháng 4 năm 2005), từ từ lộ ra là cha được khá nhiều phiếu, cha bắt đầu cảm thấy choáng váng mặt mày vì đây là lưỡi chém rớt xuống cuộc đời của cha. Điều này chứng tỏ rõ ràng là Thiên Chúa không nhận lời cha cầu xin, Ngài không cất chén đắng cho cha.“

***

Bạn thân mến! Có phải cứ thành tâm cầu nguyện thì việc gì ta xin cũng được Thiên Chúa nhận lời?  Nếu không được nhận lời, thì ta phải hiểu thế nào? Nếu đứa con còn nhỏ của ta cứ năn nỉ xin ta cho con bọ cạp để chơi, xin ta cho cái xe hơi để lái, ta có cho nó không?

Nhiều khi chúng ta có cảm tưởng Chúa ban cho ta con bọ cạp, trong khi có thể chính chúng ta lại xin con bọ cạp mà không hay biết. Con cá Chúa cho, nhưng nhiều lúc ta lại tưởng là rắn. Chỉ có Chúa mới biết rõ điều gì là tốt, là cần thiết, là thích hợp cho ta. Hãy luôn tin tưởng và phó thác vào tình thương của Chúa.  Ngài luôn yêu thương chăm sóc cho ta nên luôn ban cho ta những điều “tốt và hợp”.

Trong những trường hợp khác, có người phải chịu những thử thách quá lớn trong cuộc sống, những đau khổ dồn dập khiến cho họ gần như mất đức tin, không còn tin rằng Thiên Chúa là người Cha nhân hậu. Họ đã kêu gào lên Chúa nhưng chỉ thấy Chúa thinh lặng. Đau khổ đã làm họ quên đi tiếng kêu xin của Đức Giêsu trên thánh giá “Lạy Cha! sao Cha bỏ con? ” Tiếng kêu xin ấy vẫn còn vang vọng cho đến ngày nay. Thiên Chúa ở đâu? Ngài có nghe tôi nài xin không? Ngài có thấy nỗi khổ của tôi không?

Nhìn ngắm Đức Giêsu trên thánh giá giúp ta tìm lại được niềm tin, giúp ta hiểu được phần nào mầu nhiệm của thập giá và đau khổ: “Cha thương Con, nhưng Cha vẫn thinh lặng, vẫn không cứu Con khỏi đau khổ, khỏi sự chết. Cha muốn Con đi ngang qua con đường mà bao người đã đi, con đường tối tăm của niềm tin, của đau khổ và sự chết… Tình yêu của Cha chỉ bừng sáng khi Cha cho Con phục sinh. Cuối đường hầm là ánh sáng. Con phải đi hết đường hầm mới thấy ánh sáng.”

***

Lạy Thiên Chúa là Cha chúng con, trong Mật Viện Hồng Y vừa rồi, Chúa đã không nhận lời cầu xin của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô. Trong vườn cây Dầu, Chúa cũng không nhận lời Đức Giêsu khi Ngài cầu xin cho khỏi uống chén đắng (Mt 26:39.42). Vậy mỗi khi con cầu xin và không được nhận lời, xin cho con biết noi gương Đức Giêsu; bắt chước Đức Giáo Hoàng Bênêđictô để giữ lòng bình tâm và tin tưởng vào tình yêu thương của Thiên Chúa, để nhận biết điều mình cầu xin không phải là ý Chúa, không nằm trong chương trình kế hoặch của Chúa, không mang lại ích lợi cho đời sống thiêng liêng của con. Xin cho con biết phó thác cuộc đời của con trong vòng tay thương yêu của Chúa, Amen .

Linh Xuân Thôn

NỖI LÒNG CHA

Trong Phúc Âm thánh Luca, dụ ngôn Chúa bỏ chín mươi chín con chiên trong hoang địa để tìm một con chiên lạc, có lối kết luận nghịch với tiền đề. Chúng ta hãy đọc toàn bản văn:

zzAi trong các ông, giả sử có trăm con chiên và lạc mất một con, há người ấy lại không bỏ chín mươi chín con ngay nơi hoang địa, để đuổi theo một con chiên lạc, cho đến khi tìm được nó ư? Tìm được rồi, há người ấy lại không mừng rỡ, quàng nó trên vai mình, và về đến nhà, mà lại không gọi cả bạn bè hàng xóm, mà phân phô với họ thế này sao: Bà con hãy chia vui với tôi, nay tôi đã tìm thấy con chiên lạc của tôi! (Lc.15:4-6)

Tiếp đó dụ ngôn được kết luận như sau:

Tôi bảo các ông: Cũng vậy, trên trời sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải, hơn là vì chín mươi chín người công chính, những kẻ không cần phải ăn năn (Lc.15:7)

Bản văn được chia làm 2 phần. Ta có thể vẽ thành họa đồ sau đây

Phần một diễn tả câu chuyện, có bốn chi tiết:

– Nói về con chiên đi lạc,

– Người chăn chiên đi tìm,

– Tìm thấy rồi ôm trên vai,

– Vui mừng khoe với bà con,

Phần hai kết luận:

– Nước Trời vui mừng vì một người sám hối.

Xét qua bản văn ta thấy kết luận rất lạ với tiền đề câu chuyện, vì cả câu chuyện không hề nói tới lòng sám hối. Có một con chiên lạc, rồi Chúa đi tìm. Người chăn chiên đi tìm chứ đâu có phải con chiên tìm lối trở về, như thế làm sao mà gọi là lòng sám hối được?

Xem ra lối kết luận trên đây không hợp luận lý. Tuy nhiên, thinh lặng một chút ta sẽ thấy có điều phải suy nghĩ lại trong lối viết văn của Luca. Luca không trình bày rõ lòng sám hối của con người, nhưng làm nổi bật lòng xót thương của Chúa. Ở Luca tôi thấy dựa vào lòng xót thương của Chúa mà ta có thể về, chứ không phải sự tốt lành của ta. Lối kết luận này vẫn hợp lý, và chỉ hợp lý khi ta giả sử là người chăn chiên tìm thấy, rồi con chiên đồng ý trở về. Sự đồng ý trở về ấy Chúa coi như lòng sám hối.

Một đêm dừng chân trên lưng núi, Chúa thao thức vì một tâm hồn. Giờ này con tôi ở đâu? Tiếng lòng vọng về đáp trả giữa đêm đen vẫn chỉ là một khoảng không cô tịch. Cũng trong tiếng lòng ấy, vọng về nỗi thương, Người phải đi tìm vì đó là con của Ngài. Rong ruổi cho đến khi gặp, nhưng vì còn tự do của nó, Ngài chỉ có thể thương yêu hỏi:

– Cha muốn con về.

Ánh mắt người chăn chiên có nỗi đau thương vì Satan đã lừa gạt con của Ngài. Nhưng khổ tâm, Satan cũng đã không cưỡng bách được sự tự do của con cái Ngài. Ra đi vẫn là một lựa chọn tùy ý. Trở về cũng thế, Ngài chỉ có thể hỏi đứa con ấy:

– Con có muốn trở về?

Trong cái gật đầu mệt mỏi của con chiên lạc, Ngài mừng rỡ vác lên vai mà đem về. Chỉ ở điểm này, gọi đó là lòng sám hối, ta mới có thể chấp nhận kết luận kia hợp lý.

***

Lạy Chúa! Một lần ra đi, một quãng đời nào của con vương trong bụi gai chẳng còn lối thoát.  Chúa thương tìm con về.  Bụi đất làm con xơ xác.  Chúa chẳng ngại, Chúa bế con rồi ôm trên vai. Chúa không sợ dơ áo của Chúa vì những vết thương của con lâu ngày mưng mủ.

Lối trình bầy Tin Mừng của thánh sử Luca cho con thấy rực lên lòng thương xót của Chúa đi tìm con, hơn là con sám hối ăn năn.

LM. Nguyễn Tầm Thường, S.J.
(Trích tập sách “Con Biết Con Cần Chúa”)

NGƯỜI CHA

Bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay là một trong những trang đẹp nhất của Tin Mừng. Có thể gọi đó là Tin Mừng của Tin Mừng. Tin Mừng vì Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót.  Lòng thương xót của Thiên Chúa thực sự vô biên, thực sự dài, rộng, cao, sâu khôn lường, ta không thể nào hiểu thấu.

zzKhi chiêm ngắm Người Cha Nhân Hậu trong bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay, ta khám phá ra khuôn mặt một Thiên Chúa yêu thương:

Thiên Chúa yêu thương là Thiên Chúa khiêm tốn. Như người cha chấp nhận chia gia sản cho con, chấp nhận để con bỏ nhà ra đi. Thiên Chúa cũng tôn trọng tự do của con người. Đấng Toàn Năng đã tự giới hạn quyền năng của mình để ta có thể hiện hữu một cách tự do. Ngài như thể thu mình lại để nhường chỗ cho con người thụ tạo.

Thiên Chúa yêu thương là Thiên Chúa biết chờ đợi. Thiên Chúa vẫn nuôi hy vọng khi con người lìa xa Ngài.  Người Cha vẫn luôn trông ngóng con từ bên cửa sổ.  Lòng Cha luôn hướng về con.  Bởi thế ngay khi con còn ở đàng xa, Cha đã nhìn thấy, Cha đã nhận ra con, dù con xanh xao tiều tụy. Thiên Chúa không thất vọng về con người. Ngài không bắt ép con người hoán cải, Ngài chỉ chờ, Ngài chờ vì Ngài tôn trọng tự do của ta.

Thiên Chúa yêu thương là Thiên Chúa biết tha thứ.  Ngài là Cha yêu con bằng tấm lòng người mẹ. Rõ ràng người con thứ thật đáng trách, vì bất hiếu. Nhưng tình thương của Cha còn lớn hơn tội lỗi của anh. Cha thương anh vì anh đã lỗi phạm. Người cha không cần nghe con mình xin lỗi. Sự trở về của anh đã là lời thống hối ăn năn: “Con ta đã chết, nay đang sống; đã mất, nay lại tìm thấy.” Thiên Chúa không nhớ chuyện đã qua. Điều quan trọng là hiện tại: “con đang sống trong vòng tay Cha”.

Thiên Chúa yêu thương là Thiên Chúa luôn chạy ra, như người cha chạy ra để đón đứa con thứ đi hoang trở về, như người cha đi ra để năn nỉ đứa con cả bớt giận để vào nhà ăn mừng người em trở về. Thiên Chúa dường như không yên tâm trong hạnh phúc của riêng mình, nếu có một người con còn đứng ngoài.  Người cha trong dụ ngôn chẳng sợ mất uy nghi, đạo mạo. Ông chạy đến với con, phá vỡ khoảng cách của quyền uy. Quyền uy của người cha là quyền uy của tình yêu, mà tình yêu thì có can đảm vượt qua mọi khoảng cách.

Thiên Chúa yêu thương là Thiên Chúa biết nhảy mừng. Thiên Chúa đãi tiệc vì một người ăn năn sám hối. Nhưng Thiên Chúa nhảy mừng cũng là Thiên Chúa đã từng chịu đau khổ. Ngài đau vì người con cố tình xa Cha.

Thiên Chúa biết buồn vui với con người và vì con người. Hãy trở lại và ở lại trong nhà Cha, vì Cha muốn trao cho con tất cả những gì Ngài có. Tiệc đã sẵn, vào với Cha cũng là về với anh em.

***

Lạy Cha!  Nếu Ngài không tha thứ cho các tội nhân thì thiên đàng sẽ trống rỗng, và thế giới này chẳng có thánh nhân .

Lạy Cha là Đấng Nhân Lành và Bao Dung, xin kéo con trở về bên Cha. Xin giúp con vất bỏ những đam mê lầm lạc. Xin nâng con đứng lên trong niềm vui ơn tha thứ, vì nhận biết rằng tình Cha lớn hơn tội lỗi của con bội phần.

Ước gì những vấp ngã trên đường đời giúp con lớn lên, thấy mình mong manh, thấy Cha rộng lượng. Và ước gì sau mỗi lần được Cha tha thứ, con biết cố gắng nỗ lực để trở nên giống Cha nhiều hơn, vì con đã biết tha thứ cho anh em của con. Amen.

Tổng hợp từ R. Veritas
(BĐ1: Xuất Hành 32:7-11,13-14 – BĐ2: 1 Tm 1:12-17 – PÂ: Luca 15:1-32)

NGƯỜI TUYÊN ÚY THẦM LẶNG

Người đàn ông Mỹ với mái tóc trắng xoá và đôi mắt sáng quắc sau cặp kính trắng cứ chăm chú nhìn tôi như muốn dò hỏi một điều gì thầm kín.  Tóc ông bạc nhưng không hói như bao nhiêu người Mỹ tôi thường gặp.  Dáng vóc trông vừa mảnh khảnh lại vừa khác thường bởi bờ vai trái của ông xệ hẳn xuống như một kẻ tật nguyền.  Ông ngồi đó, đối diện với tôi nơi bàn cơm tối trong một nhà ăn tu viện ở Washington.  Qua ánh mắt, tôi dự đoán có lẽ trong thâm tâm ông đang thắc mắc: “Anh có phải là người Việt Nam không?”  Hoặc là : “Anh đến đất Mỹ này lâu chưa?  Tại sao anh lại ở nơi đây, nơi một cộng đoàn của người Mỹ?”

Thầm đoán vu vơ những câu hỏi đại khái như thế, rồi tôi cũng mạnh dạn nhìn thẳng vào ông như muốn phải ứng:

Không biết cái ông này đang thắc mắc gì vậy?  Ông muốn hỏi thăm về quê hương tôi, hay ông đang muốn tâm sự một nỗi niềm trong chiến tranh Việt Nam mà ông đang ấp ủ trong lòng như bao cựu chiến binh khác.

Trầm ngâm với dòng suy tư của người muốn hỏi cũng như kẻ đang sẵn sàng phản ứng.  Một không khí lặng lẽ giữa hai con người không cùng chủng tộc nhưng lại đang muốn thăm dò về nhau.  Bàn ăn có chừng tám người, nhưng những người ngồi quanh bàn hôm nay lại đang say mê với chuyện khủng bố ở Trung Tâm Thương Mại Thế Giới và của Lầu Năm Góc tuần qua.  Riêng người đàn ông này dường như chẳng quan tâm nhiều đến chuyện thời sự sốt dẻo.  Bất chợt, ông nhổm dậy, vụng về đẩy chiếc ghế ra khỏi bàn ăn và làm nó té sầm trên sàn nhà.  Cả phòng ăn nhớn nhác quay lại phía người đàn ông hơi vụng về ấy như xem thử có gì đã xảy ra.  Vì sau cuộc tấn công kinh hoàng ở New York, thì mỗi tiếng động, mỗi âm thanh lạ đều tạo nên một nỗi hoang mang, sợ hãi.  Có lẽ vì thế mà âm thanh của một chiếc ghế đổ trên sàn nhà cũng làm cho mọi người nhớn nhác.  Còn người đàn ông ấy thì lại nở một nụ cười nhẹ nhàng và dơ tay như thầm xin lỗi tất cả cho sự vụng về ấy.  Cúi xuống dựng chiếc ghế đổ dậy, ông ta tiến về phía chỗ tôi ngồi và mở đầu một câu hỏi đúng ngay như câu hỏi tôi đã dự đoán:

–    Anh có phải là người Việt Nam không?

–    Vâng, tôi là người Việt Nam.  Tôi tự tin trả lời.

–    Tôi là Philip Lucid, Father Lucid.  Ông ta tự giới thiệu.

–    Dạ, chào Cha Lucid, con là Thảo Nam.  Tôi bối rối chào ngài.

Rồi kéo một chiếc ghế trống của bàn bên cạnh, tôi lịch sự mời ngài ngồi.  Trong lòng hơi bối rối, hóa ra ông này là một Linh mục.  Vậy mà lúc nãy tới giờ tôi cứ nhìn vào ông với ánh mắt có vẻ nghi ngờ.  Vừa ngồi xuống, ông ta vào đề ngay:

– Anh có biết An Khê không?

Tôi hơi ú ớ, chắc ngài đang hỏi một từ Latinh nào chăng?  Rồi tôi hỏi lại:

–    Xin cha hỏi lại ạ, con nghe chưa rõ.

–    Anh có biết An Khê ở Việt Nam hay không?  Ông lập lại.

Tôi chợt hiểu, à thì ra ngài đang hỏi thăm một địa danh ở Miền trung Việt nam.

Tôi đáp ngay:

–    Dạ con có nghe về An Khê, nhưng chưa bao giờ đến đó.  Dường như đó là một vùng thuộc về Miền Trung Việt Nam.

–    Đúng rồi, có lẽ An Khê ở gần Đà Nẵng.  Đã quá lâu rồi nên tôi không còn nhớ rõ.  Tôi chỉ biết rằng mình đã ở đó hai năm và cũng là lúc tôi bị bắn gục trên chiến trường An Khê.

Ngài nói trong đôi mắt trầm buồn.  Mắt ngài trầm buồn, nhưng mắt tôi lại tròn xoe kinh ngạc nên bắt đầu tuôn một loạt câu hỏi dồn dập:

–   Tại sao Cha lại ở bên Việt Nam?  Ngày xưa Cha đi lính hả?  Cấp bậc là gì vậy?

zz–   Vâng.  Tôi mang lon đại úy, là Tuyên uý quân đội.  Tôi tình nguyện qua Việt Nam năm 1968, sau khi chịu chức.  Phục vụ tại An Khê hai năm.  Rồi trong một trận hành quân ở đó cùng những người lính Mỹ trẻ, họ chỉ mới 17-18 tuổi đầu, phần đông vừa xong trung học chưa biết đời là gì.  Tôi thương bọn trẻ nên xin phép ra ngay chiến trường vừa đi bên cạnh họ và vừa đi xức dầu trong lúc khẩn cấp cho những người bị thương và hấp hối.  Rồi trong một trận đánh quá căng với Việt Cộng, lính tráng ngã nhiều quá.  Tới phiên một cậu lính rất trẻ bị trúng đạn và ngã xuống, tôi vì cúi xuống bế cậu lên mong kéo qua nơi an toàn hơn để băng bó và xức dầu, thì một viên đạn xuyên qua bả vai tôi, và viên đạn thứ hai xuyên qua ngực cậu lính đang bị thương trên tay.  Tôi gục xuống, buông cậu lính trẻ ra khỏi tay và cố gượng sức dùng ngón tay viết một dấu Thánh Giá trên trán cậu, rồi nhìn cậu hấp hối, tắt thở!  Rồi tôi cũng lịm ngất trong cơn đau.

Hình ảnh ấy vẫn mãi ghi đậm trong tôi suốt cả một đời Linh mục.  Bây giờ nghĩ lại, đó cũng là những chuỗi ngày đẹp nhất, ý nghĩa nhất trong đời Linh Mục của tôi.  Đổ máu như Đức Kitô đã đổ máu.  Và quê hương Việt Nam vẫn là niềm khắc khoải trong tôi một đời.  Tôi vẫn mong có ngày trở lại trên mảnh đất thân yêu ấy.

Tôi lặng người khi nghe những dòng tâm sự thiết tha ấy.  Cả hai nhìn nhau thinh lặng, không phải cái thinh lặng ban đầu gặp gỡ với dò hỏi thắc mắc, mà là thinh lặng cảm thông, yêu mến và khâm phục.  Tôi nhìn thấy từng giọt nước mắt xúc động lăn dài trên đôi má gầy gò của ngài làm tôi cũng không cầm nổi xúc động.  Lần đầu tiên trong đời, tôi thấy những giọt nước mắt của người Linh mục. Rồi cầm tay ngài tôi nói:

Cám ơn Cha vì những giọt máu đã đổ trên quê hương con.  Cám ơn Cha đã chia sẻ và cho con một mẫu gương của đời hiến dâng phục vụ thật ý nghĩa.  Lúc nào có dịp, con mời cha trở lại Việt Nam quê hương con, có lẽ bây giờ cũng đã thay đổi nhiều lắm rồi.

Ngài nhìn tôi trong ánh mắt thân tình trìu mến của đôi mắt Mục tử.  Gạt giọt nước mắt còn đọng lại trên má, Ngài mỉm cười khẽ nói:

Mỗi người có một nẻo đường phục vụ riêng, có một lối đổ máu riêng, miễn sao tình yêu của Đức Kitô được rao truyền, không những rao truyền trên bục giảng, nhưng còn đụng chạm đến trái tim của những người mà mình được sai đến.

Từng lời ấy thấm vào hồn tôi như một ánh than rực hồng, gợi cho tôi nhớ đến hình ảnh của một Linh Mục Giêsu trần trụi trên ‘‘bàn thờ’’ Canvê năm xưa: không đèn nến, không màu hoa, không hương khói, không vải vóc che phủ, không một lời thánh ca vang vọng, chỉ có tiếng rên của niềm đau nhức nhối và những giọt máu loang lỗ thấm đẫm ngọn đồi.  Rồi tôi cũng cố gắng hình dung một “bàn thờ” An Khê trần trụi, mịt mùng trong khói thuốc; tiếng bom đạn long trời và tiếng rên đau xót của bao con người với từng giọt máu loang lổ từ bờ vai Linh mục Giêsu thứ hai trong dáng dấp của người Tuyên úy thầm lặng.  Dù là một Canvê năm xưa, hay một An Khê ngày nay, vẫn vang vọng đâu đây điệp khúc của bài Tình Ca Thập Tự, khúc tình ca với dòng nhạc dâng hiến trao ban.

Còn hình ảnh nào đẹp hơn hình ảnh những giọt máu đã đổ vì chân lý, vì yêu thương.  Giọt máu nối dài từ ven đồi Canvê năm xưa, chảy dài trong dòng suối yêu thương của cuộc đời, và thấm đến quê hương tôi bởi những giọt róc rách ân tình từ trái tim người Linh Mục mà tôi gặp gỡ lần đầu tiên nơi bàn ăn bất ngờ ấy.

Xin cho những Thánh lễ Ngài dâng mỗi ngày hôm nay vẫn thấm đượm yêu thương và sốt mến như “Thánh lễ” đổ máu mà Ngài đã dâng trên chiến trường An Khê năm xưa.  Xin cho những nỗi đau của Việt Nam quê hương con cũng được hoà dâng trong hy lễ hiến tế ấy.  Nỗi đau của mất mát chia ly, nỗi đau của tật nguyền bom đạn một thời, và những nỗi đau của bất công trong hiện tại v.v…  Tất cả là những giọt máu của lễ dâng, dâng với Linh Mục Giêsu, dâng trong Giêsu và dâng nhờ Giêsu.

Xin gởi trao dòng yêu thương này vào lòng cuộc đời.  Xin gởi bức hình đẹp này đến với những trái tim đang rực lửa yêu thương, hiến dâng cho nhân loại khổ đau, và gởi đến cho tất cả những ai đang thầm lặng dấn thân cho yêu thương lan rộng, cho tình người nở tươi, cho những cuộc đời hiu quạnh gặp được ánh sáng của niềm tin và hy vọng trong bóng tối của đêm dài lữ hành.

Nguyễn Thảo Nam,S.J.