MÊNH MÔNG LÚA ĐỒNG

Một buổi tối nọ, ông John Keller, một diễn giả nổi tiếng được mời thuyết trình trước khoảng một trăm ngàn người tại vận động trường Los Angeles. Đang diễn thuyết, bỗng ông dừng lại và nói: “Xin các bạn đừng sợ. Tôi sắp cho tắt tất cả đèn trong sân vận động này”.

Đèn tắt, sân vận động chìm sâu trong bóng tối dày đặc. Ông John Keller nói tiếp: “Bây giờ tôi đốt lên một que diêm. Những ai nhìn thấy ánh lửa của que diêm tôi đốt thì hãy kêu lớn lên: “Đã thấy!”. Một que diêm được bật lên, cả vận động trường vang lên “Đã thấy!”

Sau khi đèn được bật sáng, ông John Keller giải thích: “Ánh sáng của một hành động nhân ái nhỏ như một que diêm sẽ chiếu sáng trong đêm tăm tối của nhân loại y như vậy”.

Một lần nữa, tất cả đèn trong sân vận động lại tắt. Một giọng nói vang lên như ra lệnh: “Tất cả những ai có mang theo hộp quẹt, xin hãy đốt cháy lên!” Bỗng chốc, cả vận động trường rực sáng.

Cuối cùng ông John Keller kết luận: “Tất cả chúng ta hợp lực cùng nhau, có thể chiến thắng bóng tối, sự dữ và oán thù bằng những đốm sáng nhỏ của tình thương và lòng tốt của chúng ta”

***

Bạn thân mến!  Đã qua 2000 năm những lời dạy của Chúa Giêsu vẫn như đang nói với chúng ta hôm nay: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít” (Lc.10:2). Thế giới có trên 6 tỉ người, mà kẻ tin vào Chúa mới chỉ hơn một tỉ. Riêng tại Á Châu, chiếm 2/3 dân số thế giới, nhưng người Công giáo chỉ không tới 3 phần trăm.

Cánh đồng lúa mênh mông còn bị bỏ hoang không thợ gặt hái. Thế giới này dường như vẫn còn mò mẫm trong bóng đêm dày đặc của sự dữ, của tranh chấp, của oán thù… rất cần những đốm sáng của tình thương, của khoan dung, của tha thứ.  Thế nên, Lời Chúa cứ vang vọng như mời gọi ta trong Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay: “Anh em hãy ra đi. Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói” (Lc.10:3).

Ra đi” chứ không phải “ở lại”. Đó là một lệnh truyền. Cả cuộc đời của Thầy Giêsu là một hành trình lên đường: Sinh ra ngoài đường, sống và rao giảng ngoài đường, cuối cùng chết cũng ngoài đường. Thầy luôn lên đường và không ngừng ra đi để loan truyền Ơn Cứu Độ.

“Tự bản tính, Giáo Hội lữ hành phải truyền giáo.” Công đồng Vaticanô II cũng đã long trọng khẳng định như thế. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II cũng qủa quyết: “Không một ai trong những người tin vào Đức Kitô, không một tổ chức nào trong Giáo Hội được miễn trừ khỏi trách vụ cao cả này: Đó là loan báo Đức Kitô cho mọi dân tộc.”

Vậy ơn gọi của người Kitô là “ra đi”.  Ra đi đem “bình an” của Chúa đến cho các dân tộc. Ra đi đem “Tin Mừng Ơn Cứu Độ” đến cho muôn người.

Thánh Phaolô đã phải thốt lên: “Khốn cho thân tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng”.  Nhưng việc làm mới chứng thực cho lời rao giảng, và lời rao giảng sẽ soi sáng cho việc làm. Ra đi là để làm chứng, và lời chứng sáng giá nhất chính là việc làm. Thật vậy: “Các ngọn hải đăng không thổi còi ầm ĩ, chúng chỉ chiếu sáng mà thôi”.

***

Lạy Chúa!  Chúa sai con ra đi.  Ra đi đem “bình an” của Chúa đến cho các dân tộc.  Ra đi đem “Tin Mừng Ơn Cứu Độ” đến cho muôn người.  Xin ban ơn giúp sức cho con, để con mạnh dạn lên đường bước đi theo Chúa, để con dám sống chết cho niềm tin và sứ mạng Chúa đã trao ban. Amen.

Thiên Phúc
(BĐ1: Isaiah 66;10-14 – BĐ2:Galatians 6:14-18 – PÂ: Luca 10:1-12,17-20)

HAI MÀU ÁO

Có hai người bạn chơi thân với nhau từ thời niên thiếu.  Khi đã trưởng thành, hai người bạn vẫn muốn giữ tình bạn thắm thiết với nhau; nên sau khi lập gia đình, họ quyết định sống gần nhau; họ ở đối diện nhau giữa hai bên con đường làng.

Tình bạn của họ thật thắm thiết cho đến một ngày kia khi một người trong làng quyết định thử thách tình bạn của họ.  Ông này may một chiếc áo hai màu; bên phải màu đỏ, còn bên trái màu xanh.  Một ngày kia, khi thấy cả hai người bạn đang làm vườn, người đàn ông mang chiếc áo hai màu đi qua con đường ở giữa hai người bạn.  Người đàn ông vừa đi vừa đánh trống để cố ý gây sự chú ý cho hai người bạn để họ nhìn thấy chiếc áo của mình.

Chiều đến, hai người bạn gặp nhau để nói chuyện như mọi ngày.  Trong khi nói chuyện, một người bạn hỏi người bạn kia: “Anh có thấy người đàn ông mang áo đỏ đánh trống hôm nay không?”  Người kia trả lời, “Không, tôi thấy anh ta mang áo màu xanh.”  “Ồ không,” người kia đáp lại, “rõ ràng là anh ta mang áo màu đỏ, chính mắt tôi thấy cơ mà.”  “Anh lầm rồi.” người bạn kia đáp lại, “Chính tối thấy anh ta mang áo màu xanh, vừa đi vừa đánh trống.” Người kia đáp ngay, “Anh mù à, ông ấy mang áo màu đỏ.”  Người kia tức giận phản ứng ngay, “Mày nói ai mù, tao thấy ông ta mang áo màu xanh.”  Như thế cuộc cãi vã biến thành cuộc ẩu đả, và hai người bạn đã đánh nhau.  Tình bạn thắm thiết bao nhiêu năm giờ đây chấm hết vì không thể vượt qua cuộc thử thách về cái tôi của mình.

Người đàn ông tiến lại chỗ hai người với chiếc áo hai màu trên mình, bên phải màu đỏ, bên trái màu xanh.  Điều này làm cho hai người bạn sững sờ nhìn nhau.  Họ liền đổ lỗi cho người đàn ông vì chính ông ta mà làm cho họ mất tình bạn.  Người đàn ông đáp lại, “Hai anh ạ, các anh đừng đổ lỗi cho tôi.  Cả hai anh đều đúng, và cả hai đều sai.  Các anh đánh nhau vì các anh nhìn chiếc áo của tôi theo quan điểm khác nhau của mỗi người.”[1]

***************************************

Quí bạn thân mến, xây dựng sự hiệp nhất mời gọi chúng ta học hỏi sự khác biệt của nhau, chấp nhận sự khác biệt của nhau, và quí trọng những sự khác biệt ấy.  Nếu chúng ta nhận biết và quí trọng sự khác biệt của mỗi người, thì chúng ta mới thấy giá trị của một cộng đoàn không phải là nằm ở chỗ mọi người cùng như nhau, nhưng là cùng nhau hướng đến một mục đích.  Một cộng đoàn có nội lực mạnh là một cộng đoàn có sự khác biệt nhưng không có sự tách biệt.  Sự khác biệt làm cho cộng đoàn ấy thêm phong phú, đa dạng và đầy sức sống.  Sự tách biệt chỉ dẫn đến sự xáo trộn chia rẻ, và tan vỡ.

Câu chuyện hôm nay nhắc nhở chúng ta về khả năng nhìn toàn cục của vấn đề hơn là chỉ nhìn một khía cạnh của nó.  Để giải quyết một vấn đề nào đó trong cộng đoàn, chúng ta cần có cái nhìn tổng thể hơn chỉ là nhìn một chiều phiến diện.  Mỗi đồng tiền điều có hai mặt, thì mỗi sự việc cũng có hai mặt của nó.  Quan điểm của chúng ta có thể là đúng, nhưng còn quan điểm và ý kiến của người khác thì sao?

Xin bạn cẩn trọng hơn và bao dung hơn trong cái nhìn của mình về tập thể và cộng đoàn mình, và cũng như về những cá nhân lãnh đạo cộng đoàn mình.  Trước khi góp ý điều gì, chúng ta cần hỏi lại chính mình, ngoài màu “đỏ” mà mình thấy trước mắt, liệu rằng mình có thấy màu “xanh” ở phía bên kia không?

Br. Huynhquảng
[1] Dịch từ Wisdom Tales (Atlanta: August House:1996),93.

HAI BIỂN HỒ

zzNgười ta bảo ở bên Palextina có hai biển hồ . . .  Biển hồ thứ nhất gọi là biển chết.  Đúng như tên gọi, không có sự sống nào bên trong cũng như xung quanh biển hồ này.  Nước trong hồ không có một loại cá nào có thể  sống nổi mà người uống phải cũng bị bệnh.  Ai ai cũng đều không muốn sống gần đó.  Biển hồ thứ hai là Galilê.  Đây là biển hồ thu hút nhiều khách du lịch nhất.  Nước ở hồ lúc nào cũng trong xanh mát dịu, con người có thể uống được.  Nhà cửa được xây cất rất nhiều ở nơi đây.  Vườn cây xung quanh tốt tươi nhờ nguồn nước này . . .

Nhưng điều kỳ lạ là cả hai biển hồ này đều được đón nhận nguồn nước từ sông Jordan . Nước sông Jordan chảy vào Biển Chết.  Biển chết đón nhận và giữ lại riêng cho mình mà không chia sẻ nên nước trong biển Chết trở nên mặn chát.  Biển hồ Galilê cũng đón nhận nguồn nước từ sông Jordan rồi từ đó tràn qua các hồ nhỏ và sông lạch, nhờ vậy nước trong biển hồ này luôn sạch và mang lại sự sống cho cây cối, muôn thú và con người.

Đây là một định lý trong cuộc sống: có cho đi mới được lãnh nhận.  Vì “xởi lởi trời cho, co ro trời co lại”.  Hay ít ra cũng là “có qua có lại mới toại lòng nhau”.  Người có tâm hồn quảng đại trao ban mới có cơ hội đón nhận niềm vui và hạnh phúc của cuộc sống.  Người có tâm hồn thanh thoát khỏi những tham sân si của giòng đời mới tự do tự tại.  Vì vậy, thật bất hạnh cho những ai cả cuộc đời chỉ biết giữ riêng cho mình. “Sự sống” trong họ rồi cũng sẽ chết dần chết mòn như nước trong lòng Biển chết.  Và thật hạnh phúc cho những ai biết trao ban.  Cuộc sống họ sẽ mãi lan tỏa và dồi dào sức sống như biển hồ Galilê.

Đó chính là cung cách sống của Chúa Giê-su.  Ngài đã sống một cuộc sống thanh thoát với những tiện nghi vật chất.  Ngài đã chấp nhận cuộc sống bấp bênh, rày đây mai đó đến độ không có nơi gối đầu. Ngài đã đi vào cuộc đời với cảnh nghèo khó khốn cùng trong thân phận người nghèo: “sinh vô gia cư, chết vô địa táng”.  Ngài đã sống một cuộc đời cho đi: cho đi tình yêu, cho đi cả tính mạng mình vì người mình yêu.  Ngài đã bỏ lại tình yêu của gia đình, của xóm làng để ra đi rao truyền chân lý, để tìm kiếm và thực thi thánh ý Chúa Cha.  Giá tri cuộc sống của Ngài là làm theo thánh ý Chúa Cha.  Ngài không làm theo ý riêng. Ngài không tìm danh vọng cho bản thân.  Ngài luôn chu toàn thánh ý Chúa Cha và làm rạng danh Chúa Cha qua đời sống hiến dâng phục vụ nhân trần.

Hôm nay, Ngài cũng mời gọi chúng ta hãy tìm kiếm ý Chúa và thực thi trong cuộc sống.  Ý Chúa có thể làm chúng ta phải thiệt thòi, nhưng là cơ hội để chúng ta đón nhận niềm vui bất diệt trên quê hương trên trời.  Ý Chúa đang mời gọi chúng ta bỏ lại những hận thù, ghen ghét, những vinh hoa phú quý trần gian hay những tình cảm mau qua để chọn Chúa làm gia nghiệp đời đời.  Ý Chúa đang mời gọi chúng ta đừng bám víu vào những tham vọng của danh lợi thú để tâm hồn thanh thoát bình an.  Ý Chúa vẫn mời gọi chúng ta hãy quảng đại trao ban, hãy cho đi để được nhận lãnh.  Ý Chúa cần thể hiện trong mỗi giây phút khi phải chọn lựa giá trị Nước Trời hơn là những giá trị vật chất tầm thường mau qua.

Thế nhưng, giữa cuộc đời hôm nay vẫn còn đó những người thích bám víu vào của cải danh vọng trần gian, vẫn còn đó những người sống lệ thuộc vào những tình cảm mau qua, vẫn còn đó những người vẫn để lòng tham làm hoen ố tâm hồn, làm mất đi nét đẹp của họa ảnh Thiên Chúa nơi tâm hồn của mình.  Họ chưa thực sự sống tín thác vào Chúa.  Họ chưa thực sự để cho Chúa làm chủ con người của họ.  Họ vẫn là những con người làm tôi hai chủ.  Sống đạo nửa vời, thiếu dứt khoát khi phải chọn lựa giữa Thiên Chúa và danh lợi thú trần gian.

Xin cho mỗi người chúng ta biết tín thác vào sự quan phòng của Chúa, biết chọn Chúa làm nghiệp đời đời.  Xin cho tâm hồn chúng ta luôn thanh thoát khỏi những ràng buộc vật chất và những tình cảm mau qua trần gian để tâm hồn và thân xác chúng ta luôn thuộc trọn về Chúa.  Amen!

Lm Jos Tạ duy Tuyền

CHỌN LỰA

Trong kho tàng chuyện ngụ ngôn có một câu chuyện dí dỏm về sự chọn lựa như sau: Một con khỉ cầm hai nắm đậu trên hai bàn tay.  Khi một hạt đậu rơi xuống đất, tiếc qúa nó bèn chọn lựa và làm một quyết định là nhặt hạt đậu đó lên.  Không ngờ khi vừa buông tay để nhặt thì lại rơi thêm mấy chục hạt đậu nữa.  Nó lại quyết định nhặt hết mấy chục hạt đậu đó lên.  Ai ngờ vừa mở bàn tay, cả nắm đậu trong tay bị bung ra hết. Con khỉ hoảng hốt làm rơi hết nắm đậu còn lại trên tay.  Tiếc quá, nó dùng cả hai tay lẫn hai chân để vơ vét các hạt đậu, nhưng càng khều càng vét thì đậu lại càng văng ra xa hơn.  Cuối cùng cả hai nắm đậu đều tuột khỏi bàn tay, nằm vương vãi trên mặt đất.

***

Bạn thân mến! Cuộc sống không ngừng đòi hỏi ta phải chọn lựa. Chọn lựa nào cũng chịu nhiều thiệt thòi mất mát. Tin Mừng Chúa nhật hôm nay cũng hé mở cho ta thấy những chọn lựa ấy:

Chọn lựa thứ nhất là chọn lựa giữa cuộc sống  an toàn ổn định, có chăn ấm nệm êm dưới một mái nhà, hoặc cuộc sống của người đi theo Chúa với những thiệt thòi mất mát; những phiêu bạt bấp bênh không một mái nhà trú ngụ…“Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ dựa đầu” (Lc.9:58). Hôm nay Chúa vạch ra cho ta hai con đường với hai cuộc sống khác nhau và mời gọi ta làm một việc chọn lựa …

Chọn lựa thứ hai là chọn lựa giữa người thân và việc loan báo Tin Mừng. Có một người muốn đi theo Chúa, nhưng anh lại thưa với Chúa rằng: “Thưa Thầy, xin cho phép tôi về chôn cất cha tôi trước đã” (Lc.9:59). Chúa nói với anh: “Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết. Còn anh, anh hãy đi loan báo triều đại nước Thiên Chúa” (Lc.9:60). Thế là anh phải đứng trước một chọn lựa.

Chọn lựa thứ ba là chọn lựa một cách cương quyết và dứt khoát. “Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa” (Lc.9:62).  Đó là lời nói Chúa dành cho người môn đệ muốn đi theo Chúa, nhưng lại xin phép về từ biệt gia đình trước đã. Khi đi theo Chúa, người môn đệ phải chọn lựa một cách cương quyết và dứt khoát.

Thực ra, Chúa đòi buộc ta phải thảo kính cha mẹ, phải coi trọng tình yêu thương gia đình,  nhưng Ngài cũng dạy ta phải tìm kiếm Nước Thiên Chúa trước đã. Ngài muốn ta chọn lựa đâu là ưu tiên chính, đâu là ưu tiên phụ. Đối với người Kitô, ưu tiên chính là việc tìm kiếm Nước Thiên Chúa.  Đó là điều quan trọng nhất, quan trọng hơn cả cha mẹ, vợ con, anh chị em, và cả mạng sống của chính mình nữa (Lc.14:26).

Mời bạn cùng với tôi, chúng ta hãy dành ra một giây phút ngắn ngủi để đi vào lòng mình, để nhìn lại những chọn lựa mà ta đã làm trong cuộc sống hôm nay. Nhiều lúc ta phải giật mình vì thấy những chọn lựa của ta thường hay quy về chính mình: Ta chọn sở thích của mình, chọn tự do của mình, chọn hạnh phúc của mình, chọn gia đình của mình… Ta chọn tất cả những gì dính bén đến bản thân của ta, nhưng Đức Giêsu lại dạy: “Hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa trước đã, còn mọi việc khác, Người sẽ thêm cho” (Mt.6:33)

***

Lạy Chúa!  Xin tha thứ cho con vì đã nhiều lúc con chọn lựa của cải, danh vọng chức quyền và các thú vui vật chất của đời này.  Xin ban cho con sức mạnh để con thoát khỏi những bận tâm về chính mình.  Xin ban cho con ý chí cương quyết để con biết chọn Chúa là phần gia nghiệp; là hạnh phúc và là cùng đích của đời con. Amen.

Tổng hợp từ R. veritas
(BĐ1:1Kings 19:16,19-21 – BĐ2:Galatians 5:1,13-18 – PÂ: Luca 9:51-62)

MẸ ĐANG NGHE CON NÓI ĐÂY

Đôi khi nỗi buồn dâng trào và sự xoa dịu của thời gian quá chậm chạp, một tâm hồn đau khổ có thể tìm kiếm niềm an ủi trong một điều gì đó hữu hình hơn.

Khuyết danh

Tất cả chúng ta đều biết nỗi hồi hộp âu lo như thế nào của người nhận điện thoại vào lúc nửa đêm.  Đêm hôm ấy, người tôi gần như giật bắn, bừng tỉnh giấc vì tiếng chuông điện thoại réo vang trong đêm.  Bao suy diễn về những điều bất trắc ập đến trong cái đầu vẫn chưa tỉnh ngủ của tôi, khi tôi nhấc ống nghe lên: “Hello!”

Tim tôi đập thình thịch, nắm tay cầm ống nghe như căng ra, tôi đưa mắt nhìn chồng mình, cũng vừa mở mắt.

zz– Mẹ phải không?

Tôi gần như không nghe được tiếng thì thào bên kia đầu dây.  Nhưng đầu óc tôi lập tức nghĩ ngay đến con gái mình.  Khi âm thanh tuyệt vọng nức nở của người con gái trẻ bên kia ống nghe trở nên rõ hơn, tôi chụp lấy tay chồng mình và bóp chặt.

– Mẹ, con biết là khuya lắm rồi, nhưng đừng… con xin mẹ đừng nói gì hết. Mẹ cứ để con nói xong đã.  Con biết mẹ sẽ hỏi, vâng, con đang say rượu.  Con đã lái xe ra khỏi phần đường chính đến mấy dặm và…

Tôi hít một hơi thật sâu, buông tay chồng mình ra và bóp mạnh vào trán.  Tôi vẫn chưa ra khỏi cơn say ngủ.  Tôi cố tập trung tinh thần, tìm cách trống lại trạng thái hoảng sợ.  Có điều gì nhầm lẫn ở đây.

– Và con thấy sợ lắm. Trong đầu con lúc nào cũng nghĩ là mẹ sẽ rất đau lòng nếu nhận được tin rằng con đã chết.  Mẹ ơi, con muốn… con muốn về nhà.  Con biết đã sai khi bỏ nhà đi.  Con biết mẹ đã lo cho con biết nhường nào.  Lẽ ra con phải gọi cho mẹ mấy ngày trước, nhưng con sợ.  Con sợ lắm mẹ ơi!

Tiếng khóc nức nở của một cơn xúc động mạnh không ngừng tuôn qua ống nghe và rót vào tim tôi.  Ngay lập tức tôi hình dung trong đầu khuôn mặt con gái tôi và tâm trí tôi dường như đã tỉnh táo hẳn.

– Tôi nghĩ là…

– Đừng. Mẹ đừng giận con.  Con xin mẹ!  Mẹ cứ để con nói hết đã!  Con xin mẹ! – Giọng người con gái vang lên khẩn thiết, tuyệt vọng.

Tôi ngừng nói và cố nghĩ xem phải nói điều gì.  Trước khi tôi kịp tiếp tục, giọng bên kia đã vang lên:

– Con đã có thai, mẹ ơi! Lẽ ra con không nên uống rượu say đến thế… nhất là lúc này, nhưng con sợ, mẹ ạ!  Con sợ lắm!

Giọng nói ngưng bặt và tôi cắn chặt môi.  Tôi biết là mắt mình đã đẫm lệ.  Chồng tôi thì thào: “Ai vậy em?”.  Tôi lắc đầu.  Anh rời khỏi phòng và chỉ mấy giây sau anh quay lại, tai đang áp vào cái điện thoại “mẹ bồng con” ở phòng ngoài.

Cô gái hẳn nghe tiếng lách cách trên đường dây, cô nói tiếp:

– Mẹ vẫn nghe con nói phải không mẹ? Con xin mẹ đừng cúp máy!  Con cần mẹ.  Con đang cô đơn lắm.

Tôi nắm chặt ống nghe và nhìn chồng cầu cứu.

– Không, mẹ vẫn nghe con. Mẹ không cúp máy đâu. – Tôi trả lời.

– Con biết đúng ra con phải kể với mẹ. Nhưng khi mẹ con mình nói chuyện với nhau, mẹ luôn bảo con phải thế này, phải thế kia.  Con đã đọc những điều mẹ khuyên bảo trong các quyển sách mẹ mua cho con.  Vậy mà mẹ vẫn cứ nói.

Điều con cần là mẹ hãy lắng nghe con.  Chẳng bao giờ mẹ để cho con nói những điều con suy nghĩ và cảm nhận.  Như thể mẹ cho rằng cảm xúc của con chẳng quan trọng chút nào.  Vì mẹ cho rằng mẹ là mẹ của con nên mẹ đã biết hết mọi câu trả lời.  Nhưng có những lúc con không cần câu trả lời.  Con chỉ muốn ai đó lắng nghe con nói thôi.

Tôi chợt thấy cổ họng đắng chát khi liếc mắt nhìn vào quyển cẩm nang “Cách Nói Chuyện Với Con Trẻ” nằm lăn lóc trên bàn.

–  Mẹ đang nghe con đây, con nói đi! – Tôi thì thào.

–  Mẹ biết không! – Giọng nói bên kia đầu giây tiếp tục.

–  Con đã đưa xe trở lại phần đường chính sau khi đã tự chủ lại.  Con bắt đầu nghĩ đến đứa bé trong bụng con và nghĩ là mình có trách nhiệm phải chăm sóc nó.  Rồi con nhìn thấy điện thoại công cộng và nhớ lại những gì mẹ thường giảng cho con về việc say rượu và lái xe.  Vì thế con gọi taxi.  Con muốn về nhà.

–  Tốt lắm, con yêu. – Tôi nói và thấy trống ngực đã bớt đập.  Chồng tôi đến gần hơn, ngồi xuống bên cạnh và đưa tay nắm lấy bàn tay tôi.  Tôi biết như thế là tôi đã làm đúng.

–  Nhưng mẹ ơi, con nghĩ là con vẫn có thể lái xe về nhà.

–  Đừng con! – Tôi chợt gắt lên.  Người tôi lại căng ra và tôi bóp chặt bàn tay của chồng. – Mẹ xin con đấy!  Hãy ráng chờ thêm một chút nữa.  Con đừng cúp máy khi chưa thấy taxi đến, nghe con!

Tôi lắng nghe giây phút im lặng và nỗi sợ trong tôi dâng lên.  Khi không nghe thấy tiếng động gì bên kia đầu giây, tôi cắn chặt môi và nhắm mắt lại.  Bằng mọi cách tôi phải ngăn không cho con bé lái xe về nhà.  Chỉ khi nghe vọng lại từ bên kia tiếng hỏi của người tài xế taxi tôi mới cảm thấy yên tâm.

– Taxi đến rồi. Con về nhà đây, mẹ ạ!

Có tiếng treo máy và điện thoại im bặt.

Rời khỏi giường trong lúc nước mắt còn đọng trên mi, tôi nhẹ bước đến phòng cô con gái 16 tuổi và đứng ở đấy.  Đêm giăng đầy sự tĩnh mịch.  Chồng tôi nhẹ bước đến phía sau.  Anh nhìn tôi một lúc rồi hỏi:

– Em có nghĩ là cô bé lúc nãy biết mình quay lộn số điện thoại không?

Tôi nhìn con gái đang ngủ, khẽ đáp:

– Không, có lẽ không đâu anh ạ.

Tôi lặng người đi vì xúc động.  Biết bao lần tôi đã không lắng nghe.  Vẫn chưa muộn.  Tôi chợt nhận ra rằng không có sách vở nào hướng dẫn chúng tôi cách lắng nghe mọi người xung quanh, và làm thế nào để đồng cảm được với những trăn trở, nỗi đau của con người.  Đôi khi biết lắng nghe, không chỉ giúp xoa dịu những vết thương, mà còn có thể cứu được một đời người.

Theo The Stories of Life

******************************

Lạy Chúa, lắng nghe khó đến thế sao?  Nếu giữa hai người trong thế giới hữu hình, cùng sống trong một mái gia đình mà còn không thể lắng nghe nhau thì làm sao con có thể lắng nghe tiếng Chúa nói trong con?  Đã bao lần con không nghe được những tiếng nức nở trong đêm vắng?  Đã bao lần con không nghe được tiếng Chúa nói qua những người xung quanh?  Đã bao lần thay vì lắng nghe thì con đã vội nói, vội ra lịnh, vội kết án…?  Đã bao lần thay vì lắng nghe tiếng Chúa nói thì con lại bắt Chúa lắng nghe những điều con xin?  Đã bao lần… lạy Chúa xin cho con biết lắng nghe…!

LTCT

 

ƠN CHA

zzMột người phú hộ giàu có nọ, khi đến tuổi già yếu, biết mình đã gần đất xa trời, ông liền gọi những người mắc nợ đến để yêu cầu thanh toán nợ nần.  Ông phán bảo những con nợ rằng: nếu các ngươi không thể trả nợ cho ta ở đời này thì các ngươi phải cam kết thề hứa một cách trọng thể là sẽ hoàn trả các món nợ của các ngươi ở kiếp sau, ta sẽ đốt hết các tờ khế ước mà các ngươi đã ký kết với ta.  Nghe vậy, người thứ nhất mắc nợ ông 10 lượng vàng đến qùy gối thưa:

– Thưa ông, trong kiếp sau con hứa trả nợ cho ông bằng cách làm con ngựa để ông cưỡi lên và con sẽ đưa ông đi bất cứ nơi nào ông muốn.

Người thứ hai mắc nợ ông 100 lượng vàng cũng đến qùy gối và thưa:

– Thưa ông, trong kiếp sau con xin chấp nhận làm trâu kéo cày, kéo xe chở đồ cho ông để hoàn trả món nợ đời này.

Người phú hộ ưng nhận lời hứa của hai người này và bằng lòng đốt tờ khế ước xóa nợ cho họ.

Sau cùng, người thứ ba với món nợ cũng rất khổng lồ là 1000 lượng vàng cũng đến qùy gối trước mặt ông và thưa:

– Thưa ông, để hoàn trả món nợ khổng lồ của con với ông từ trước đến nay, kiếp sau con sẽ làm cha của ông.

Nghe vậy, người phú hộ tức giận, ông truyền đem roi sắt đến đánh cho một trận nhừ tử vì tội vô lễ và bất kính, nhưng người này bình tĩnh giơ tay ngăn cản người phú hộ và xin được phân trần sự việc. Ông nói:

– Thưa ông, con vốn biết món nợ của con lớn lao lắm, cho dù kiếp sau con có làm thân trâu ngựa cũng không đủ trả nợ cho ông, nhưng con sẵn sàng làm cha của ông, vì chắc hẳn ông cũng quá rõ trách nhiệm nặng nề của cha mẹ đối với con cái mình. Con sẽ làm việc ngày đêm để lo cơm ăn áo mặc cho ông.  Con sẽ che chở cho ông như cha mẹ che chở đứa con thơ và chăm sóc ông những khi ông đau ốm cho tới tuổi già, con sẽ không ngại bao gian khó hy sinh nào, cho dù có phải hy sinh tính mạng để ông được no ấm và không thiếu thốn gì, và khi chết, con sẽ để lại cho ông tất cả gia tài mà con đã thu tích được với sức lao động và mồ hôi nước mắt của con.  Ông thử nghĩ xem đó có phải là cách đẹp nhất để con trả món nợ khổng lồ kia cho ông sao?

Người giàu có lim dim đôi mắt trầm tư lắng nghe.  Một lúc sau ông gật gù mỉm cười rồi đứng dậy đốt bỏ khế ước, tha món nợ khổng lồ của hắn như đã tha cho hai người trước.

**************************************

Câu chuyện trên đây tuy phản ánh phần nào thuyết luân hồi của Phật giáo, nhưng đồng thời nó cũng nói lên ý nghĩa sâu xa về trách nhiệm nặng nề và thiên chức cao cả của cha mẹ.

Chấp nhận trở nên người cha, người mẹ của ai là như tự gánh lấy cho mình một món nợ khổng lồ mà chỉ có thể trang trả đầy đủ bằng tình thương mà thôi.  Thật vậy, tình thương của cha mẹ là tình thương không tiền bạc nào có thể mua được.  Nó là thứ tình thương chân thật và sâu xa, là phản ánh tình thương bao la của Thiên Chúa với nhân loại.  Cho đi cách nhưng không và không mong được đền ơn báo đáp.

**************************************

Lạy Cha chúng con ở trên trời, tạ ơn Cha đã gởi con đến với đời qua cung lòng một người mẹ và qua sự nuôi nấng, dạy dỗ của người cha.  Nhân ngày Father’s Day, con xin Cha trên trời luôn gìn giữ cha mẹ con trong ân sủng và tình thương của Cha, xin cho các người cha luôn sống xứng đáng với ơn gọi thánh của mình và luôn là những gương sáng để những người làm con noi theo.  Amen!

R. Veritas

THẦY LÀ ĐẤNG KITÔ

Thầy là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống (Lc.9:21).

***

Bạn thân mến! Trên đây là lời tuyên xưng đức tin của Phêrô đối với Chúa Giêsu. Và đây cũng là lời tuyên xưng hùng hồn nhất, sâu sắc nhất và trang trọng nhất.

Tin Mừng Chúa nhật hôm nay tường thuật rằng:  Hôm ấy, Ðức Giêsu cầu nguyện một mình. Các môn đệ cũng ở đó với Người, Người tế nhị dẫn dắt và nhắc nhở các môn đệ bằng những câu hỏi để gây ý thức nơi các ông. Trước hết Ngài hỏi: “Ðám đông nói Thầy là ai?” (Lc.9:19). Và dần dần Ngài dẫn đưa các ông đến câu hỏi quan trọng nhất, xác tín nhất: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai? ” (Lc.9.20)

Đức Giêsu có thể tự giới thiệu về mình, tự nói lên căn tính của mình. Nhưng Ngài đã không làm thế. Ngài muốn người môn đệ phải tự khám phá ra Ngài, Ngài muốn lời tuyên xưng của người môn đệ phải phát xuất từ nỗ lực tìm hiểu và cảm nghiệm chân thực trong cuộc sống sinh hoạt với Ngài.

Là môn đệ Đức Kitô, ta phải trực tiếp trả lời câu hỏi này bằng đức tin của chính mình. Ta phải biết căn tính của thầy mình, phải biết mình đang theo ai và người mình theo từ đâu đến. Có như thế, ta mới có thể đi sâu vào trong tình thân mật với thầy mình, mới tin tưởng những điều thầy mình dạy, mới can đảm thi hành những giáo huấn mà thày mình đã trao ban.

Phêrô đã trả lời câu hỏi này cho phần của ông: “Thầy là đấng Kitô, Con Thiên Chúa Hằng sống” (Lc.9:20). Còn bạn và tôi, chúng ta trả lời câu hỏi này ra sao? Chắc hẳn đời ta là một chuỗi những câu trả lời cho câu hỏi: “Con bảo Thầy là ai?” . Chắc hẳn mỗi ngày câu trả lời càng được thanh luyện nhiều hơn, vì Ðức Giêsu là một mầu nhiệm không ngừng mở ra và lớn mãi. Ngài không thay đổi, nhưng sau mỗi biến cố của đời tôi, tôi lại khám phá ra những nét mới nơi con người của Ngài. Ngài vẫn là một, cho dù hôm qua cũng như hôm nay, nhưng mỗi bước chân tôi bước đi trong cuộc lữ hành trần thế này, Ngài thường đến với tôi dưới những dáng vẻ khác nhau.

Nếu hôm nay Đức Giêsu hỏi bạn và tôi “- Thầy là ai?”, ta sẽ trả lời Ngài ra sao? Nếu người ta hỏi bạn và tôi “- Đức Giêsu là ai?”, ta sẽ giải thích cho họ như thế nào?

Được biết Đức Giêsu, được nói về Đức Giêsu, được làm chứng cho Đức Giêsu, được tuyên xưng niềm tin của mình vào Đức Giêsu … Đó là một ân phúc từ trời cao đổ xuống cho những người luôn vững lòng tin tưởng vào Đức Giêsu, vì “không phải phàm nhân mặc khải cho điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời.” (Mt.16: 17)

Ðức Kitô bảo mình là ai? Ngài thường tỏ mình ra bằng những hình ảnh cụ thể. Ta là “Cửa” , là “Mục Tử”,  là “Ánh Sáng”, là “Ðường”, là “Cây Nho” , là “Bánh”.  Ðịnh nghĩa nào cũng gắn chặt Ngài với đời sống con người. Cửa để chiên ra vào. Mục Tử để chăn dắt đoàn chiên. Ánh Sáng để nhìn thấy đường đi, Ðường để đưa ta đến với Thiên Chúa Cha. Thân Nho để  nuôi dưỡng các cành nho, để cành nho sinh hoa kết trái, Bánh để nuôi sống con người… Ngài nhận mình là Chúa, là Thầy, là Bạn, là Anh Trưởng của mọi người chúng ta.  Ngài không giấu ta thân phận của Ngài: “Phải vượt qua khổ đau và cái chết mới được vào cõi sống.”(Lc.9:22)

Ðức Kitô bảo tôi là ai? Kitô hữu là người mang Đức Kitô trong mình. Là người vác thập giá mình đi theo sau Ðấng vác thập giá là Đức Kitô.  Người Kitô không có con đường nào khác ngoài con đường Đức Kitô đã đi qua: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo” (Lc.9.23).  Thân phận người Kitô phải gắn liền với thân phận của Thầy mình: “Nếu ta cùng chết với Ngài, ta sẽ cùng sống lại với Ngài” (2Tm.2:11).

Mầu nhiệm Vượt Qua là trung tâm điểm của đời sống người Kitô . Vượt qua lớn nhất là vượt qua chính mình mỗi ngày. Từ bỏ chính mình là để có thể sống cho Chúa và cho tha nhân. Ước gì khi tôi “ra khỏi tôi”, tôi sẽ thực sự “là tôi” mỗi ngày mỗi hơn.

***

Lạy Thầy Giêsu, Thầy đã nâng con lên làm môn đệ, làm bạn, làm anh em của Thầy. Còn Thầy lại hạ mình xuống phục vụ con như người tôi tớ, rửa chân cho con như một nô lệ và tự nguyện chết thay cho con trên thập giá như một tên trộm cướp.

Xin cho con thấu hiểu tấm lòng yêu thương của Thầy, để con được trở nên giống Thầy mỗi ngày mỗi hơn, và để con luôn biết nỗ lực mang yêu thương của Thầy đến cho muôn người. Amen.

Tổng hợp từ R. Veritas
(BĐ1: Zechariah 12:10-11,13:1 – BĐ2:Galatians 3:26-29 – PÂ:Lc.9:18-24)

ĐƯỜNG HẸP

zzCó lần Đức Kitô bảo muốn hạnh phúc hãy đi con đường hẹp.  Đường thênh thang chỉ dẫn đến hư đi.  Rồi từ đó, người ta bảo muốn theo Đức Kitô phải đi con đường gian khổ.  Có người đơn giản cho rằng theo Chúa thì phải khổ.  Từ đó có nhiều cái nhìn về những con đường.

Trải qua nhiều năm tháng mù mịt.  Hai nghìn năm quá xa.  Không biết ngày đó câu chuyện xảy thế nào.  Chúa thật sự nói gì về những con đường?

Kho tàng tu đức nhà Phật có kể câu chuyện thế này.

Trải qua bao thời kỳ, cứ đến giờ tụng kinh, người ta trói một con mèo.  Ngày qua ngày, tháng qua tháng.  Không biết bao đời tiếp bao đời, cứ đến giờ tụng kinh, có một con mèo bị trói.  Nó trở thành một nghi thức không thể thiếu trong các cuộc lễ của chùa.  Đến một ngày nọ, có vị sư trẻ đến chùa, thấy sao kỳ cục quá.  Nhà sư tìm về lịch sử tại sao có nghi lễ kỳ quặc thế.

Nhà sư khám phá ra.  Ngày xửa ngày xưa, chùa có một con mèo.  Đến giờ tụng kinh nó hay chạy nhảy lung tung.  Đổ nhang, đổ nến hoa.  Để khỏi chia trí, vị sư già trụ trì chùa cho đệ tử cứ đến giờ tụng kinh, trói nó lại.  Rồi nhà sư già qua đời.  Trải qua nhiều năm tháng.  Bến mê đưa kẻ đi sau lụy hình thức mà không hiểu nghi lễ mình làm.  Cứ phải tìm một con mèo trói lại mới trọn lời tụng kinh.  Truyền thống dễ dãi ấy kéo dài về sau.  Trong tôn giáo có những hình thức không hợp với tín điều.  Có những thờ phượng lụy vào lầm lẫn.  Cần có một tâm hồn để nhìn ra có những con mèo đã chết miệt từ năm tháng nào rồi mà người ta vẫn đưa vào nghi lễ.

Trở về những con đường đi.

Nhiều người cho rằng theo Chúa thì phải chấp nhận một đường đi đau khổ.  Họ dễ dãi bảo đường Chúa đi là đường khổ đau.  Thật sự, Chúa nói gì về những con đường?

Ta rất cần phải phân biệt, thế nào là đau khổ.
Người ta có thể đau nhưng không khổ.
Khi người mẹ sinh con thì đau đớn.  Nhưng bà hạnh phúc, chứ không khổ.
Đau một lần khi sinh con, nhưng có khi khổ suốt đời vì con.
Có nhiều cuộc đau mà không khổ.
Cũng như có nhiều cuộc không đau mà khổ.
Đau khổ không là đề tài dễ dãi để suy tư một cách biếng nhác.  Nó ẩn chứa quá nhiều chiều sâu.  Đấy là những đau, những khổ rất bình thường.  Bởi đó, làm sao ta dám dễ dãi đơn giản nói rằng theo Chúa thì phải chấp nhận đau khổ?

Có những vợ chồng chấp nhận đau thương để vượt biên tìm nhau cho đời hết khổ.  Bàn chân vướng gai nào không đau khi tìm đường đến trại cải tạo thăm chồng?  Vì khổ nên người ta lấy đau để hóa giải.  Như thế, đau mà có thương có thể mua được hạnh phúc.  Có những kinh nghiệm rất thực, có những bàn chân hôm nay không đau vì phải buôn thúng bán bưng.  Có những bàn chân hôm nay hàng tuần đi mỹ viện.  Nhưng họ rất khổ.  Có những đau thương tìm nhau cho đời hết khổ thì cũng có những ngày hết đau vì không phải tìm nhau mà lại rất khổ vì có nhau.  Đó là kinh nghiệm từ cuộc sống.

Có nhiều cuộc đau mà không khổ, như khi bà mẹ sinh con.
Cũng như có nhiều cuộc không đau mà khổ, như khi con lớn, khổ vì con.
Thì cũng có nhiều cuộc đau để hết khổ.  Như vợ chồng tìm nhau.
Vậy đau khổ là gì trên con đường Đức Kitô nói hai nghìn năm xưa?
Nếu theo một người để đau khổ thì theo làm gì?

**************************************

Thiên Chúa không bao giờ bảo con người theo Chúa để mà đau khổ.  Ta không muốn dễ dãi cột con mèo rồi bảo đó là nghi lễ.
Nhưng để hết khổ thì Thiên Chúa bảo có khi phải đau.
Cũng như người ta sẵn sàng chấp nhận đau cho một tình yêu hết khổ.
Đau để hết khổ thì vấn đề không phải là đau khổ nữa, mà là thế nào là khổ và thế nào là đau.

 **************************************

Một ngày nọ chú bé bẫy được bày chim.  Con nào cũng gầy quá.  Giữa tháng năm mất mùa, chẳng có lúa thóc, ngô khoai.  Để đem ra chợ, cậu bé nuôi bầy chim cho béo nẫy.  Ngày ngày lúa thóc đổ vào.  Chỉ một vài tuần sau, con nào cũng béo mập.  Nhìn những con chim khác say sưa mổ thóc, mổ gạo.  Cánh chim kia đau lắm.  Nó thèm thuồng làm sao.  Giữa năm tháng mất mùa.  Rừng khô nước, đồng khô cỏ.  Con người cũng thế thôi, giữa cái chang chang của cuộc đời.  Nhìn kẻ khác làm giầu bằng con đường lừa gạt, nhìn những hạnh phúc bằng mối tình rong chơi.  Nhiều tâm hồn cũng xót xa cho thân phận.  Tất cả giống nhau ở trong lồng và miếng ăn.  Bầy chim và cuộc đời.

Ngày ngày con chim nọ rất đau nhìn bạn bè ăn.  Cái đau dằn vặt.  Cái đói thèm thuồng.  Chỉ còn một ước mơ nuôi nó, bầu trời xanh thăm thẳm ngoài kia.  Đợi ngày bầy chim béo mập, cậu bé sẽ đem ra chợ bán.  Thật không ngờ, sáng nọ, nhìn bầy chim.  Cậu bé thấy biến mất con chim gầy.

Ngày ngày nó đau nhìn bầy chim ăn no nê.  Nó chấp nhận đau để thoát khổ.  Quê hương nó là bầu trời ngoài kia.  Hạnh phúc của nó là cánh rừng bàng bạt gió núi.  Nó phải trở về quê hướng đó. Yêu bầu trời tự do quá đỗi.  Nó không thể vì miếng ăn mà giam mình trong cũi lồng chật hẹp.  Nó phải tung cánh đi tìm tự do.  Mỗi lần nhìn bầy chim tranh nhau mổ thóc.  Mỗi khi cậu bé đổ gạo vào lồng. Nó đau.  Nó phải nhìn bầu trời mà khấn xin.  Rồi ngày phải đến.  Nó gầy, nó ốm lại để một bình minh kia, nó ép mình nhỏ lại, lách mình qua nan tre của chiếc lồng bay thẳng vào trời mênh mông.  Chớ gì trong mỗi ơn gọi, ta nhìn bầu trời thênh thang, ngoài kia.

Đau không có nghĩa là khổ.  Và có khi để thoát khổ cần phải đau.
Khi người ta đau để thoát khổ thì không còn đau khổ.

       **************************************

Đức Kitô là hạnh phúc.
Ngài nói rõ: Ta đến cho chiên được sống và sống dồi dào.
Ngài bảo Ngài dẫn chiên đi ăn,
Ngài tìm từng con thương tích mang về.
Ngài chữa lành cho kẻ bệnh tật được khỏi.
Ngài truyền cho người ta không còn bị quỷ nhập.
Ngài thương người tật nguyền.
Ngài bảo kẻ lành không cần thầy thuốc.
Ngài cứ đến nhà, ăn uống với người tội lỗi.
Đời Đức Kitô toát lên một hạnh phúc vui tươi.
Tôi không theo ai để đời tôi đau khổ.

           **************************************

Vậy đâu là con đường hẹp Đức Kitô nói đến?
Cánh chim kia đã chọn con đường hẹp để tung cánh vào bầu trời.
Có những thèm muốn dang dở.  Có những tham, sân, si khổ lụy.
Cái khổ lụy như mồi chài bắt bóng.

Cái bắt bóng mà khi bừng tỉnh mới thấy con đường hẹp đẹp làm sao.  Cũng như khi tìm đau để hết khổ thì không còn đau khổ.  Cũng thế, khi tìm đường hẹp để thấy đời rộng thì đường không còn hẹp nữa.  Ta cần một tỉnh thức của tâm hồn là Thiên Chúa không bao giờ bảo ta theo Ngài để đau khổ.

Theo Ngài để hạnh phúc.
Nhưng hạnh phúc ở đâu?

Con chồn nghển đầu cố nhìn qua hàng rào.  Mùi hương của mùa nho chín trong vườn làm nó chảy rãi.  Qua cái lỗ nhỏ của chân tường, nó chúi đầu chui vào.  Mùi mật của vườn nho làm nó càng tham, sân, si.  Lầm lũi, ngày ngày nó đến ướm mình vào lỗ chui ở chân tường.  Không chui nổi.  Nó nhịn ăn cho đến một ngày gầy đủ để lách qua, chui vào vườn nho.  Rồi một ngày hân hoan.  Nó tưởng như thiên đàng bất tận.  Mùa nho sai chín.  Nó say xưa ăn uống cho thỏa mãn dục vọng.  Bất chợt ngày kia có tiếng động rất lạ.  Và dường như không còn cái bất tận của thiên đàng nữa.  Nó tìm trở về góc tường ngày xưa.  Than ôi, cái béo phì không đẩy được thân xác ra nữa.  Mùa gặt đến.  Ai sẽ cứu nó? Các tá điền bắt đầu theo chủ đi hái nho.  Cái bừng tỉnh của nó, bây giờ làm sao thoát thân?

Có những thèm muốn dang dở.  Có những tham, sân, si khổ lụy.

Phúc thay, trở về kinh nghiệm thiêng liêng ngày xưa.  Chỉ còn con đường hạnh phúc là tìm cách chui qua lỗ chân tường.  Từ ngày đó, nó lại nhịn ăn.  Gầy ốm dần, tiêu đi chiếc bụng chềnh bềnh, một hừng đông kia, nó lại lách mình qua chân tường, biến ra ngoài.  Hú hồn, nó thoát chết.

Cái khổ lụy như mồi chài bắt bóng.

Con chồn nhìn lại đời nó.  Một đêm trăng vắng yên lặng, nó ngồi nhìn ánh trăng mênh mông, trong bóng đêm vằng vặc, nó nói với đời:  Tất cả chỉ có thế.  Nó hiểu thế nào là đường hẹp.  Nó quý những con đường của riêng nó, những con đường mòn hạnh phúc.

         **************************************

Lạy Chúa, con cần một tâm hồn tỉnh thức.  Con không thể biến tôn giáo của con thành tiếng kinh cầu ê a.  Con không thể cứ đến ngày rằm là trói con mèo trong nghi lễ.  Con cần một tâm hồn để hiểu Chúa là hạnh phúc.  Con ước mong được đau như người lực sĩ chịu tập luyện chứ đau không là hình phạt.  Con phải hiểu Chúa tuyệt vời trong tiến trình đi tìm hạnh phúc.  Và phải hiểu rằng, để hạnh phúc, con phải biết yêu bầu trời tự do của lương tâm.  Đau để lách vào vườn nho mồi chài bắt bóng của con chồn, khác với nỗi đau thoát khỏi cái lồng tre chật chội của cánh chim.  Đau của con chồn tìm vào tham, sân, si khác nỗi đau sám hối tìm đường ra.

Con cần một trái tim dũng cảm để thoát khổ bằng nỗi đau.
Thì con cũng cần một tâm hồn để biết lựa chọn vì không phải cứ đau là thoát khổ.  Con khổ vì không phân biệt được những nỗi đau.

Và khi con hiểu cuộc đời nhiều khi chỉ thoát khổ bằng nỗi đau thì con sẽ thấy con đường hẹp Chúa bảo con không phải là đường khổ đau nữa mà là hạnh phúc.

Chúa luôn luôn tuyệt vời vì Chúa hiểu thế nào là đau, thế nào là khổ.  Chúa đã khổ, đã đau.     

Còn con, con lẫn lộn đau khổ, lẫn lộn hạnh phúc.

Để bớt lẫn lộn, con xin dừng lại, xét lại những lời kinh, lối sống đạo, xét lại cách con hiểu Lời Chúa như nhà sư kia xét lại những nghi lễ của mình.

Lm Nguyễn Tầm Thường, S.J. – Trích từ tập suy niệm KẺ ĐI TÌM

TÌNH YÊU CỨU ĐỘ

Bữa tiệc trong Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay diễn ra trong một khung cảnh đầy mâu thuẫn. Một bên là căn nhà sang trọng của thủ lĩnh biệt phái, một bên là Chúa Giêsu ăn mặc đơn sơ trong bộ quần áo của dân nghèo. Một bên là ông Simon người được coi là đạo cao đức trọng, một bên là người phụ nữ bị coi là đại tội nhân.  Một bên là mâm cao cỗ đầy, mọi người vui tươi ăn uống, một bên là người phụ nữ quỳ mọp sát đất, không dám ngẩng mặt lên, gục đầu khóc lóc.  Chính trong khung cảnh đầy mâu thuẫn, trái ngược ấy, Chúa Giêsu bày tỏ tình yêu thương bao la của Người.

zzĐó là tình yêu bao dung chấp nhận mọi người. Chúa Giêsu chấp nhận ông Simon dù Chúa không ưa lối sống của ông và của những người biệt phái, vì họ tự tôn cho rằng mình đạo đức mà khinh miệt những người khác. Thế nhưng Chúa vẫn chấp nhận ông, chấp nhận lời mời của ông, đến dự tiệc với ông, ngồi đồng bàn với ông, chia sẻ món ăn và câu chuyện với ông. Không chỉ chấp nhận ông Simon, Chúa còn chấp nhận người phụ nữ bị coi là tội lỗi công khai.  Chị vào nhà trong ánh mắt khinh thị của mọi người.  Nhưng Chúa vẫn điềm nhiên để chị khóc ướt chân mình.  Chúa đã để chị hôn chân mình.  Chúa đã để chị lấy tóc lau chân mình. Chúa đã để chị xức dầu tràn đầy trên chân mình.  Còn hơn thế nữa, Chúa lên tiếng công khai bênh vực chị. Nếu Chúa công khai bày tỏ thịnh tình với ông Simon khi đến nhà ông dự tiệc thì Chúa cũng công khai bày tỏ thịnh tình với người phụ nữ khi lên tiếng bênh vực chị. Chúa chấp nhận tất cả mọi người.

Đó là tình yêu bao dung tha thứ mọi tội lỗi. Thái độ của Chúa Giêsu đối với người phụ nữ tội lỗi là thái độ bao dung tha thứ. Chúa để cho chị vào nhà. Chúa để cho chị gục đầu vào chân Chúa, khóc ướt chân Chúa, lấy tóc lau chân Chúa và xức dầu thơm lên chân Chúa. Chị làm điều ấy ở nơi kín đáo còn đỡ gây chống đối, đằng này chị làm điều ấy công khai trước mắt mọi người, mà lại là những người ghen ghét, chống đối và kết án chị. Ánh mắt và thái độ của những người chung quanh, đặc biệt là của ông Simon không lọt ngoài tầm mắt Chúa. Nhưng Chúa vẫn để chị làm những gì biểu lộ lòng thống hối, lòng yêu mến của Chị. Sau đó Chúa còn công khai lên tiếng ca ngợi tình yêu và niềm tin của Chị, công khai tha thứ cho chị.

Đó là tình yêu bao dung hoán cải. Chúa không ưa thói hợm hĩnh, giả hình của người biệt phái. Nhưng Chúa vẫn tìm cách hoán cải họ. Vì thế hôm nay Chúa nhận lời đến nhà ông Simon dự tiệc. Thấy thái độ của ông đối với người phụ nữ và những ý nghĩ thầm kín của ông phê phán Chúa, Chúa không để ông trong lầm lạc, nhưng đã lên tiếng giải thích cho ông hiểu những điều then chốt trong đời sống đạo và những gì có giá trị thực sự trước mặt Chúa. Chúa phải tốn công giải thích cặn kẽ vì Chúa yêu thương ông, muốn ông hiểu và hoán cải tâm hồn.

Đó là tình yêu ban ơn cứu độ. Tất cả những gì Chúa làm là mong đem ơn cứu độ cho loài người, cho tất cả mọi người không loại trừ một ai. Chúa muốn cứu độ cả ông Simon là người tưởng lầm mình đạo đức nhưng chỉ là đạo đức bên ngoài. Chúa muốn cứu độ cả người phụ nữ bị mang tiếng tội lỗi, bị mọi người khinh miệt, loại trừ. Tình yêu của Chúa không phải là thứ cảm tính nhất thời, đem đến an ủi nhất thời.  Đó là tình yêu đem đến ơn cứu độ, đem đến hạnh phúc thực sự và vĩnh cửu cho con người.

***

Lạy Chúa, con cảm tạ tình yêu vô biên của Chúa.
Lạy Chúa, xin cứu độ con. Amen.

TGM. Ngô Quang Kiệt
( BĐ1:2Sm 12,7-10.13 –  BĐ2:Gl 2,16.19-21 –  PÂ:  Lc 7,36-8,3)

SỐNG YÊU THƯƠNG

Câu Phúc Âm của thánh Gioan: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy” (14,27) khiến tôi nhớ đến một câu chuyện.  Xin chia sẻ với các bạn câu chuyện này nhé.

zzCó ông bác sĩ nổi tiếng tài giỏi, rất thương vợ và bà vợ cũng rất thương ông.  Bỗng nhiên, người vợ qua đời.  Người ta bảo rằng người chồng nào yêu thương vợ nhiều thì thường nói với vợ:  “Em là linh hồn của anh”; bây giờ vợ ông chết rồi, tức là hồn lìa khỏi xác rồi, thì xác làm sao sống nổi?  Ông bị suy sụp tinh thần trầm trọng, bởi vì đối với ông, bà vợ là tất cả ý nghĩa của cuộc đời ông; bây giờ bà không còn nữa, thì tìm đâu ra ý nghĩa để sống.  Ông tìm đến với một nhà tâm lý học.  Nhà chuyên viên tâm lý nghĩ thầm:  “Ông này là một bác sĩ nổi tiếng, nên chẳng cần mình cho toa thuốc đâu.  Ông ta thừa biết ông ta cần thuốc nào để ngủ được và lấy lại sức.  Chỉ có một cách là dùng tâm lý trị liệu thôi”.  Nhà tâm lý học bắt đầu gợi chuyện: “Thế bà vợ của ông có yêu ông không?” –  “Yêu chứ!  Bà yêu tôi tha thiết như  tôi yêu bà vậy”, bác sĩ trả lời ngay.  Nhà tâm lý hỏi: “Giả sử nếu không phải là bà mà là ông chết trước thì sao?”.  Ông bác sĩ nghĩ một chút rồi nói: “Chắc chắn bà ấy cũng đau khổ lắm, đau khổ như tôi đang đau khổ bây giờ”.  Nhà tâm lý học mới bảo: “Như vậy là ông gánh giùm nỗi đau cho bà rồi”.

**************************************

Đúng rồi, nỗi đau vẫn còn đấy, nỗi khổ vẫn như cũ, nhưng đã xuất hiện một ý nghĩa mới: ông không mất vợ, trái lại ông đã cứu được vợ, bởi vì do bà chết trước, bà không phải gánh nỗi đau buồn mất chồng, bà được thảnh thơi để được hạnh phúc.  Nỗi đau khổ của cuộc đời vẫn y như cũ, nhưng một ý nghĩa mới đã xuất hiện để làm nên cái lý do để tiếp tục sống và sống vui.

Tôi hiểu rằng cuộc đời này luôn luôn có ý nghĩa để nó đáng sống, cho dù nó có cay đắng nghiệt ngã đến đâu, cho dù nó có khổ sở bất hạnh thế nào.  Người ta vẫn có thể khám phá ra được ý nghĩa để sống, khi biết vượt lên trên bản thân để vươn lên một cái gì lớn hơn mình.  Các nhà tâm lý học đưa ra một câu định nghĩa thật hay:  “Làm người là biết tự vượt lên trên chính mình”.  Tôi chợt nhớ tới câu nói của văn hào Pascal:  “Con người siêu vượt chính mình đến vô hạn”.

Không có từ ngữ nào quen thuộc cho bằng hai chữ “Yêu thương”, nhưng có lẽ cũng không có từ nào bị lạm dụng cho bằng hai chữ này.  Dù sao, những ghi nhận về Tình Yêu vẫn rất đẹp và rất cần cho cuộc sống mọi người.  Cây Thập Giá của Chúa Giêsu vẫn còn đó như một lời nhắc nhở thúc giục ta tìm gặp và xây dựng một Tình Yêu đích thực.  Nhìn ngắm cây Thập Giá của Đấng chịu đóng đinh, tôi hiểu rằng Tình Yêu chân thực trước hết phải là Tình Yêu biết cho đi.  Không biết tôi có chủ quan không, nhưng tôi nhận thấy rằng thường nơi tình yêu của các bạn trẻ, các bạn nhấn mạnh đến cảm tình nhiều hơn, chứ không quan tâm đến vai trò của ý chí; đang khi đó, cái chữ “Tình Yêu” trong Kinh thánh mà thánh Gioan dùng để gọi Thiên Chúa có hàm chứa vai trò rất quan trọng của ý chí.  Yêu là gì?  Yêu không phải là cảm thấy tim mình rung động trước một vẻ đẹp, mà là hướng đến một đối tượng khác để dám làm tất cả, dám hy sinh tất cả cho đối tượng ấy được hạnh phúc.  Yêu trong Kinh thánh là như vậy.  Một Tình Yêu trọn vẹn như thế đã được thể hiện trọn vẹn nơi Đấng chịu đóng đinh bởi vì Người đã thực hiện câu nói:  “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13).  Quả thật, Chúa Giêsu đã yêu thương nhiều nhất, không phải vì Người có thiện cảm lắm với con người, nhưng bởi vì Người đã cho đi hết tất cả, cho đi đến cả mạng sống mình.

Có một nhà tâm lý đã nói rằng, các bạn đừng có ảo tưởng là mình yêu khi tặng một món quà ngày sinh nhật, khi trao một cái bắt tay, kể cả một nụ hôn, đừng ảo tưởng, nhưng phải tự hỏi mình đã dám cho đi chưa, và nhất là cho đi chính bản thân mình.  Một Tình Yêu biết cho đi, biết hy sinh thật sự, đó là tiếng gọi từ Thập Giá, một tiếng gọi hãy yêu thương trong chân lý.

**************************************

“Anh em hãy bắt chước Thiên Chúa, vì anh em là con cái được Người yêu thương.  Hãy sống trong tình bác ái… làm hy lễ dâng lên Thiên Chúa, tựa hương thơm ngào ngạt” (Ep 5,1-2).

Lạy Cha, ước nguyện của con là nên giống Cha.  Xin chỉ dạy con sống được đời yêu thương mà Cha đang mời gọi.  Amen!

Têrêsa Hải Phượng