ÐƯỜNG ÐỜI

Tôi sống trong cuộc đời nhưng tôi có riêng đường đời của tôi.  Mới hôm nào bố mẹ nhìn bầy con chung quanh mâm cơm chiều.  Chỗ nào cũng là gần gũi yêu thương, từ nhà ra sân, từ ngõ đi vào.

Dòng sông lớn lên âm thầm rẽ nhánh.  Tôi đi theo tiếng gọi của đời tôi.  Lũ em lần lượt bước vào ngõ quanh của mỗi đứa.  Bây giờ đã là xa cách.  Trong cuộc đời, nhưng mỗi đứa có riêng đường đời của mình.

Kinh Thánh kể, sau khi dâng lễ ở Jerusalem về, Mẹ Maria lạc mất Chúa.  Mẹ hối hả đi tìm: “Cha con và mẹ phải đau khổ đi tìm con”.  Chúa thưa lại: “Mẹ tìm con làm chi, vì con phải ở nơi nhà Cha con” (Lc 2,48-49).  Trong cuộc đời, Chúa có đường Chúa phải đi.  Mẹ Maria có lối của Mẹ.

Mỗi người có một cuộc sống riêng nên không đường của ai giống đường của ai.  Tuy vậy, chỉ có một người gọi, đó là Chúa.  Và cũng chỉ có một tiếng gọi, đó là tiếng gọi về Nhà Cha.  Chỉ có một thứ tiếng gọi và do một người gọi, thì đường đi có khác, vẫn ở trong toàn thể.  Ở trong toàn thể thì có liên hệ và ảnh hưởng.  Với ý nghĩa đó, cuộc sống đức tin của người này liên quan đến cuộc sống của ngươì kia.  Lối về Nhà Cha phải đi riêng đường của mình.  Ðiều ấy có nghĩa là đi một mình.  Ði một mình trong hàm ý là tự mình đi chứ không phải là đi lẻ loi.

Chúa Yêsu lên đường về Jerusalem để chịu tử nạn.  Theo tiếng gọi, Phêrô cũng lên đường với Ngài. Nhưng trên đường đi, Phêrô gợi ý cho Chúa bỏ cuộc (Mc 8,31-33).  Làm gì có Phục Sinh nếu Chúa Yêsu nghe lời Phêrô chối từ Thập Giá.  Từ bỏ con đường của mình phải đi là đánh mất bản tính của mình.  Nếu Chúa cũng chỉ là Chúa khi Chúa đi con đường của Chúa thì đấy phải là định luật không thể thay thế cho tôi.  Tôi sẽ chẳng còn là tôi nếu chối từ con đường của mình.

*******************************************

zzMỗi người có một con đường, vì sao họ lại không đi được đường của họ?

Trên đường đời, cả hai: đau khổ và hạnh phúc, đều là những tiếng gọi dỗ dành làm tôi lạc lối.

Ðau khổ dẫn tới lẩn tránh đường đi.

Phêrô đã âm thầm cảm nghiệm được một khúc đời khốn khó nếu để Chúa về Jerusalem tử nạn.  Ðau đớn thường dẫn đến chạy trốn.  Trên đường đi, có những quãng đời rộn rã tiếng cười như ngày Chúa long trọng vào thánh thánh: “Dân chúng rất đông đảo, trải áo choàng trên đường, nhóm khác chặt cây mà lót lối đi.  Kẻ trước, người theo sau tung hô rằng: Hosanna, con vua David.  Vạn tuế Ðấng nhân danh Chúa mà đến.  Hosanna trên chốn trời cao” (Mt 21,8-9).  Tưng bừng là thế đó, nhưng lại không hiểu những ngày hắt hiu: “Hồn Ta buồn quá đỗi, muốn chết được. Các ngươi hãy ở lại mà thức với Ta”.  Ðã chẳng ai thức với Chúa trong giờ phút lẻ loi nhất ấy: “Simon, ngươi ngủ sao? Ngươi không thể thức với Ta được một giờ ư?” (Mc 14,34-37).  Có những ngã tư đông đúc, cũng có những ngõ vắng dẫn vào cô tịch đìu hiu.  Ngõ vắng ấy là ngại ngùng.  Cô tịch đìu hiu kia là đau khổ. “Ai bỏ tất cả mà theo Ta sẽ được gấp trăm” (Mc 10,28-30).  “Ai muốn theo Ta hãy vác thập giá mà theo Ta” (Mc 8,34). Lời ban đầu là quãng đường đẹp hứa hẹn đầy mộng ước.  Lời kế tiếp là khúc vắng dẫn vào đìu hiu, cô tịch.

Chúa không về Jerusalem để chết vĩnh viễn trên thập giá, mà là để đón nhận phục sinh vì hoàn tất thánh ý của Chúa Cha.  Bởi đó, đường về Nhà Cha thì Nhà Cha mới là cùng đích.  Nhưng cô tịch đìu hiu, những ngõ vắng nếu có trên đường đi, tôi phải chấp nhận. Chối từ phương tiện là chối từ cùng đích.  Ðường của Yoan Tẩy Giả là “mọi thác ghềnh sẽ được lấp đầy, đồi cao sẽ hạ thấp, nơi cong queo nên ngay thẳng” (Lc 3,4-6), để dọn đường cho Ðấng Cứu Thế đến.  Chấp nhận đường của mình.  Yoan đã phải đi những quãng đường rất vắng vẻ, rất đìu hiu trong ngục tối vì dám làm chứng cho sự thật. (Mc 6,17-28).

Trời sa mạc rộng quá.  Yoan cất tiếng kêu.  Tiếng kêu trong sa mạc thì thấm vào đâu.  Nhưng lối đi của Yoan là thế.  Sứ mạng của sứ ngôn là lên tiếng.  Không thể để cái hoang vu của sa mạc làm nản lòng.  Dù không có ai nghe, người sứ ngôn vẫn phải cất tiếng.  Chối từ lên tiếng là đánh mất bản tính làm sứ ngôn của mình.  Bản tính đó hệ tại là người sứ ngôn có lên tiếng hay không chứ không hệ tại người nghe chối từ hay chấp nhận.

Gian nan làm người ta muốn chối từ con đường của mình thế nào thì hạnh phúc giả cũng làm người ta lạc lối như thế.

Ảo ảnh hạnh phúc dễ đưa lầm đường.

Vì đường đời đi trong cuộc đời, nên có lúc người khác đi cùng với tôi.  Ði cùng không có nghĩa là đi con đường của nhau.  Ðường tôi đi vẫn là của riêng tôi, nên dù không ai đi cùng, tôi vẫn phải đi.  Những lúc trên đường vắng ấy, một quán hạnh phúc bên ngã rẽ dễ mời tôi tắt lối quẹo ngang.  Sau những ngày ăn chay trong sa mạc, Chúa đói.  Ma quỷ đã đến cám dỗ Ngài: “Nếu ngươi là con Thiên Chúa, thì hãy truyền cho viên đá này thành bánh” (Mc 4,3).  Luôn luôn có lời ngọt ngào bảo tôi chối bỏ con đường của tôi.

Trong hôn nhân, biết bao đổ vỡ đã đến từ những bóng mát hạnh phúc ở bên cạnh.  Trong đời tu, biết bao trống trải đã ủ xuống hồn vì những lời gọi không chính đáng.  Mỗi người có một lối đi.  Vì cùng đi trong cuộc đời, nên sẽ thấy có người bước tới, có người quay về, có người tắt ngang.  Ðiều ấy dễ gây xôn xao.  Có người lấy bóng hạnh phúc của kẻ khác làm của mình, vì thế họ chẳng bao giờ tìm được hạnh phúc thật.  Có người lại lôi kéo kẻ khác vào con đường của họ.  Làm như thế, ngỡ là yêu thương, nhưng thật ra, họ đã tàn tật hóa con đường của nhau phải đi.  Nâng đỡ nhau trên đường đi không bao giờ có nghĩa là đi con đường của kẻ khác.  Yêu thương là để kẻ khác đi trên con đường của họ.

Nguy hiểm trên đường đi là sự lừa dối lương tâm của chính mình.  Khi người ta gian lận nhiều lần, thì dần dà sẽ thành thói quen, nhưng thành thói quen không có nghĩa là được phép.

Cứ đi lại nhiều lần trên bãi hoang, thì tự nhiên sẽ thành đường đi, nhưng thành đường đi không có nghĩa đấy là chính lộ.

*******************************************

Lạy Chúa, hôm nay con muốn nói với Chúa về nỗi lòng của con đã thấy gì trên đường con đi.  Trên đường đi, con thấy có nhiều quán trọ.  Có quán cho con bóng mát.  Có quán bảo con đừng đi.  Mệt nhọc làm con muốn dừng nghỉ.  Chống đối, hiểu lầm, ghen tỵ, kết án làm con muốn bỏ cuộc.  Và dường như, nếu con càng dừng nghỉ thì con càng ngại đi.  Nếu con càng làm quen với lười biếng thì con càng ngại ngùng trở về con đường Chúa muốn con sống.  Rồi, đường đi cứ thế mà chậm thêm.  Và, cũng trên đường đi, sao có nhiều quãng đường thật xấu, gồ ghề như quãng đường Chúa đi xưa. Hình ảnh đồi sọ làm con tính toán lưỡng lự.  Có những quãng đường sao mà tối tăm làm con hồ nghi không biết có phải là đường thật không.  Ðây là lúc con phân vân không biết thánh ý Chúa ở đâu.  Và cũng là những lúc con bị cám dỗ nghi ngờ ơn gọi Chúa đã ban.  Ði trọn tiếng gọi của mình theo Phúc Âm không dễ vì có nhiều hình ảnh đánh lừa con.  Có phải vì thế mà Chúa đã dặn: “Ðường dễ dãi sẽ dẫn đến hư đi” (Mt 7,13-14).

Hôm nay, có điều con cũng muốn thưa với Chúa là dù được an ủi hay chịu đựng âm u của những ngày nặng nề, con vẫn nghe thấy tiếng Chúa khuyến khích con đi con đường của riêng con.  Tuy có khó khăn nhưng con vẫn tin ở trước mặt là một bình minh rất đẹp.  Ðiều ấy làm con vững tâm.

*******************************************

Trong lịch sử lầm đường, chối bỏ lối đi của mình bao giờ cũng có mặt của Satan.  Khi Phêrô ngăn cản Chúa đừng chịu chết.  Chúa mắng: “Satan hãy cút khỏi sau Ta vì đây không phải là đường lối của Thiên Chúa” (Mt 8,31-33).

Phúc Âm thánh Luca nói về Yuđa như sau: “Satan nhập vào hắn, và y đi thương lượng với các thượng tế để làm sao nộp Ngài cho họ” (Lc 22,3-4).

Trong sa mạc, kẻ cám dỗ Chúa đừng đi con đường của Chúa cũng là Satan (Mt 4,1-11).

Ngày xưa trong vườn địa đàng, Adong, Evà đã không đi được con đường của mình cũng vì lời ma quỷ lừa gạt.  Lịch sử lầm đường là lịch sử có mặt của Satan.  Ðiều ấy cho tôi tin chắc rằng khi tôi không muốn đi con đường của mình, tôi phải cẩn thận vì tiếng nói của thần dữ rất tinh vi.

Nói về hành động Yuđa đi lạc lối, Phúc Âm thánh Yoan kết luận: “Lập tức hắn đi ra và trời đã tối” (Yn 13,30).  Khi nói trời đã tối, Yoan không có ý viết một bài văn chương tả cảnh hoàng hôn.  Bằng ngôn ngữ thần học, rất sâu sắc, Yoan muốn nói khi con người chối bỏ ơn gọi của mình để Satan đổi hướng đời mình phải đi, đấy là lúc “người ta yêu mến bóng tối hơn sự sáng” (Yn 3,19).

Không đi đường mình phải đi, chìm vào bóng tối thì tôi tìm thấy gì trong vùng đất ấy?

Trời đã tối, tiếng than ngắn ngủi mà thăm thăm như nỗi tuyệt vọng mịt mù, buông xuống che kín một đời người. Lời thánh Yoan nhắn nhủ nghe buồn như tiếng thở dài, nhẹ mà rất sâu: “Ai đi trong tối tăm thì chẳng biết mình đi đâu” (Yn 12,35).

*******************************************

Lạy Chúa, con đường đời của riêng con.  Chối bỏ con đường của mình là lừa dối chính mình và tránh mặt Chúa, kẻ đang đợi chờ con ở đầu đường bên kia.

L.M. Nguyễn Tầm Thường, S.J. – Trích “Nước Mắt và Hạnh Phúc”

NGÔN SỨ

Tôi bảo thật các ông: “không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình”(Lc.4:24)….họ kéo Người lên tận đỉnh núi, để xô Người xuống vực. Nhưng Người băng qua giữa họ mà đi.

***

Bạn thân mến!  Trên đây là một đoạn văn ngắn ngủi trong bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay.  Đó là những gì đã xảy ra khi Chúa Giêsu thuyết giảng nơi quê hương của Ngài. Dân làng đã ngỡ ngàng thán phục trước lời Ngài nói. Hãnh diện biết mấy khi một thành viên trong làng, nay được tiếng tăm lẫy lừng khắp miền Galilê!   Nhưng khi Chúa Giêsu nói với đồng bào đồng hương của Ngài rằng: “Thần Khí Chúa ngự xuống trên Tôi và chính Tôi đã làm ứng nghiệm lời Thánh Kinh” thì lập tức dân làng cảm thấy khó chịu ngay. Cả hội đường đều nghi ngờ và họ đã xầm xì bàn tán với nhau:

–  “Ông này không phải là con ông Giuse đó sao?” (Lc.4:22). Ký ức của họ vẫn còn giữ nguyên những hình ảnh của Đức Giêsu sống tại đây hơn ba mươi năm qua. Một cuộc sống quá đỗi bình thường!  Một ông thợ mộc, con một ông thợ mộc khác. Gốc gác, họ hàng của Đức Giêsu, họ đều nắm rõ. Tiếc là họ đã không thể đi xa hơn.  Cái hiểu biết trước đây khiến họ mãn nguyện, tự hào, và tưởng mình chẳng còn gì để biết thêm về Giêsu.

–  “Những gì ông đã làm ở Caphácnaum, hãy làm ở đây xem.” (Lc.4:23).  Người làng Naziarét không tin Đức Giêsu là ngôn sứ. Họ muốn Ngài chứng minh bằng phép lạ.  Họ muốn thấy tận mắt, chứ không chỉ nghe nói thôi. Nhưng Đức Giêsu không làm phép lạ để ép người ta tin.

Lời xầm xì càng lúc càng lớn và chẳng bao lâu dân chúng bắt đầu la lên. Rồi tình hình trở nên náo động, không thể kiềm chế được nữa. Tin Mừng thuật lại rằng: “Dân chúng đứng dậy kéo Chúa Giêsu ra khỏi thành và dẫn Ngài lên đỉnh đồi, dự tính xô Ngài lộn đầu xuống dưới. Nhưng Ngài đã bước qua giữa họ và bỏ đi nơi khác”. (Lc.4:29)

Bạn thân mến! Chúa Giêsu là gương mẫu cho các sứ giả Tin Mừng hôm nay. Ngày nay sứ vụ rao giảng Tin Mừng vẫn được Giáo Hội tiếp tục thi hành trên khắp thế giới.  Biết bao người đã được ơn gọi lãnh nhận sứ vụ làm “Sứ giả Tin Mừng”, đã hân hoan thi hành sứ vụ của mình một cách can đảm, nhiệt thành và kiên trì rất đáng kính phục.  Họ cũng gặp đủ mọi thử thách, chống đối, ghen ghét, hãm hại bởi những người không muốn đón nhận Tin Mừng. Họ đã sẵn sàng chịu đủ thứ cực hình khổ nạn và ngay cả cái chết nữa vì sứ vụ rao giảng Tin Mừng Đức Giêsu Kitô.

Và cả chúng ta nữa, chúng ta cũng được tham dự vào sứ vụ ngôn sứ của Đức Giêsu Kitô khi chúng ta được xức dầu trong Bí tích Rửa Tội; vì thế chẳng những chúng ta chỉ nghe và sống Lời Chúa cho chính mình, nhưng còn phải quyết tâm đem Lời Chúa đến cho những người chung quanh chúng ta nữa.

***

Lạy Chúa Giêsu, dân làng Naziarét đã không tin Chúa vì Chúa chỉ là con của bác thợ mộc.  Các môn đệ đã không tin Chúa khi thấy Chúa chịu treo trên thập tự. Nhiều người đã không tin Chúa là Thiên Chúa chỉ vì Chúa sống như một con người rất bình thường.

Cũng có lúc con không tin Chúa hiện diện nơi tấm bánh nhỏ bé mong manh, hiện diện nơi một linh mục yếu đuối, và nhất là hiện diện trong một Hội Thánh còn nhiều bất toàn.

Dường như Chúa thích ẩn mình nơi những gì rất bình thường mà thế gian chê bỏ. Chúa muốn thế để con được nhận ra Ngài bằng con mắt đức tin.  Xin thêm lòng tin yêu cho con để con nhìn thấy Ngài luôn hiện diện bên con, hôm nay và mãi mãi. Amen

Tổng Hợp từ R. Veritas
(BĐ1: Jer 1:4-5,17-19 BĐ2: 1Cor 12:31-13:13, PÂ Lc.4:21-30)

CÁI BONG BÓNG KỲ DIỆU

zzBước vào phòng sinh hoạt, tôi thấy Amy đang chơi thẩy bong bóng với các cụ.  Cái bong bóng màu tím nhạt thổi không được căng nên đầu túm, đầu tròn.  Vì móp méo, nên lúc tung lên nó bay xiên xẹo.  Mỗi lần bong bóng rơi xuống đất, Amy lại lượm nó lên.  Vừa thấy tôi, Amy mừng rỡ nhờ tôi thay cô để cô chuẩn bị sữa và bánh ngọt cho giờ giải lao.

Sau giờ ăn, các cụ được đưa vào phòng nầy để đọc báo, xem T.V., đánh cờ, tán gẫu, hay chỉ ngồi nhìn nhau cho đời đỡ hiu quạnh, tẻ nhạt…  Những ngày cuối tuần, hay các dịp lễ, thường có các hội đoàn, nhóm sinh viên, đôi khi các nghệ sĩ đến thăm viếng, chuyện trò, hát, tặng qùa các cụ.  Thỉnh thoảng có người đến đọc và giảng Kinh Thánh bằng tiếng Việt, tiếng Anh.  Hôm nay là ngày thường không có ai đến thăm, nên Amy bày trò bong bóng cho các cụ chơi.

Khi tôi thẩy bong bóng ở dẫy bàn này, các cụ ngồi ở dẫy bên kia ngóng, mong tôi sang.  Một cụ bà ngước cao cổ, giơ tay vẫy tôi như thầm bảo: “Sao không qua đây chơi với chúng tôi?”  Thế là mỗi lần mười phút, tôi sang dẫy bàn bên kia.  Hết ngước lên, cuối xuống nhặt bong bóng, rồi quay trái, sang phải một hồi tôi thấy đầu quay mòng mòng, thở hơi lên.  Đôi lần tôi muốn nghỉ mệt, nhưng cũng không nghỉ được khi thấy những khuôn mặt buồn hiu, tiu nghỉu vì chưa chạm được cái bong bóng.  Trông thật tội nghiệp!

Vào đây làm hơn hai tháng, lần đầu tiên tôi được thấy những nụ cười rạng rỡ trên mặt các cụ.  Những cánh tay ốm trơ xương dưới lớp da nhão, mỏng, nhăn nheo in hằn các sợi gân xanh, thường ngày để thòng trên ghế không buồn động đậy; tưởng rằng đã bị liệt nay hồi sinh, đang vươn lên, dang xa, cố gắng chạm cho được cái bong bóng, đẩy nó lăn đi.  Người này chuyền sang người kia, không ai giữ nó cho riêng mình.

Cái bong bóng màu tím nhạt tầm thường không giá trị kia, nếu vứt đi có lẽ chẳng có ai thèm lượm, lại là niềm vui lớn cho các cụ.  Khuôn mặt rạng rỡ, ánh mắt  tươi vui, các cụ tràn đầy sức sống không phải vì cái bong bóng, nhưng vì tình người được thổi qua nó và được chuyền tay nhau.

Cái bong bóng trở nên kỳ diệu khi được căng đầy tình yêu.

Lữ Khách
San Jose, Thu 2006

***********************************************

Lạy Chúa, xin cứ dùng con theo ý Chúa,
làm chân tay cho những người què cụt,
làm đôi mắt cho ai phải đui mù,
làm lỗ tai cho những người bị điếc,
làm miệng lưỡi cho người không nói được,
làm tiếng kêu cho người chịu bất công.

Lạy Chúa, xin cứ gởi con ra đồng lúa,
để đem cơm cho người đói đang chờ,
và đem nước cho người họng đang khô,
đem thuốc thang cho người đang đau ốm,
đem áo quần cho người đang trần trụi,
đem mền đắp cho người rét đang run.

Lạy Chúa, xin cứ gởi con ra đường vắng,
thắp đèn soi cho ai bước trong đêm,
đốt lửa ấm cho những ai giá lạnh,
truyền cảm thông cho lữ khách đơn côi,
nâng phẩm giá cho kẻ đời chà đạp,
đem tự do cho những kiếp đọa đày.

Lạy Chúa, xin cứ gởi con vào thôn xóm,
đem an hòa cho những ai bất thuận,
đem thanh bình cho kẻ sống âu lo,
đem ủi an cho người đang sầu khổ,
đem niềm vui cho những ai bất hạnh,
đem vận may cho người gặp rủi ro.

Lạy Chúa, xin cứ đặt con như một sự tình cờ,
đem may mắn cho những ai gặp được,
giữa đường đời khi lỡ bước bơ vơ,
cứ cho con đừng bao giờ khiếp sợ :
giữa biển đời mang con tim núi lửa
với đôi tay êm ái của mẹ hiền.

Lạy Chúa, xin cứ dùng con làm tất cả
cho mọi người được hạnh phúc yên vui ;
còn phần con xin gởi hết nơi Ngài
là Thiên Chúa, Tình Yêu và Lẽ Sống.
Ngài cho con tất cả niềm hy vọng
để tin yêu và vui sống trọn đời.

Rabbouni

NĂM HỒNG ÂN

Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa” (Lc 4:18-19).

***

Bạn thân mến! Trên đây là lời nói của Đức Giêsu vang vọng trong hội đường Do Thái tại Nadarét, khi Ngài trở về thăm lại quê hương của Ngài.  Làm sao Ngài quên được mảnh đất làng quê đã ấp ủ mình, nơi có bà con họ hàng, láng giềng, bè bạn.  Hơn nữa Ngài cũng không cắt đứt với tôn giáo của cha ông.  Ngài vẫn là một người Do Thái ngoan đạo, quen lui tới hội đường cùng với dân làng vào ngày sa-bát, để thờ phượng Thiên Chúa mà Ngài âu yếm gọi là Cha.

Sau khi đọc xong sách Thánh, Ngài ngồi xuống và giải thích Lời Chúa cho mọi người.  Cử chỉ của Ngài thật trang trọng, đĩnh đạc, khi nhận sách, mở sách, cũng như khi cuộn sách để trả lại. Có một bầu khí cầu nguyện sâu lắng ở hội đường.  Mọi người đều chăm chú nghe lời Ngài giảng.

Ðoạn sách Ngài đọc hôm ấy là của ngôn sứ Isaia. Isaia đã nói lên ơn gọi và sứ mạng của mình. Ông được xức dầu để trở thành ngôn sứ cho những người Do Thái mới thoát khỏi cảnh lưu đày.  Ông được sai đi để loan báo thời cùng khốn đã chấm dứt và công bố khai mở một thời kỳ đầy ân sủng và tự do. Ðức Giêsu đã bị đánh động bởi đoạn sách này.  Ngài thấy đoạn sách phản ánh chính ơn gọi và sứ mạng của mình. Ðây là một hướng đi mà Ngài phải theo đuổi, một chương trình hành động mà Ngài muốn hoàn thành.  Suốt đời Ngài sẽ thực hành chương trình này. Vì thế đoạn sách Isaia ứng nghiệm vừa do thánh ý Chúa Cha vừa do ý chí của Chúa Giêsu quyết tâm thực hành thánh ý Chúa Cha.

Ðức Giêsu là người đầy tràn Thánh Thần cách đặc biệt. Thánh Thần chi phối toàn bộ lời nói, việc làm của Ngài. Ngài được sai đi đem Tin Mừng cho người nghèo, nghèo tiền bạc, nghèo sức khỏe, nghèo tiếng nói. Ngài được sai đến với những kẻ bị giam cầm bởi nỗi lo sợ, bởi thành kiến, bởi ích kỷ tham lam. Ngài cho người mù được sáng mắt và thấy trong niềm tin.  Ngài trả lại tự do cho cả người bị áp bức lẫn người gây áp bức bóc lột.  Ngài mời gọi cả hai sống thanh thoát như Ngài, sống như con của Cha và như là anh em của nhau. Ngài khai mạc một Năm Thánh, Năm Hồng Ân cứu độ.

***

Lạy Chúa Thánh Thần!  Xin cho con nhận ra sự hiện diện của Ngài giữa lòng thế giới và trong lòng mọi người xung quanh con. Xin cho  con luôn tìm đến với anh chị em của con hơn là tìm an nhàn cho chính bản thân mình, để nhờ biết quan tâm cho người chung quanh, con cũng sẽ được vui hưởng niềm vui Ơn Cứu Độ và lãnh nhận hồng phúc của năm Hồng Ân mà Thiên Chúa đã hứa ban. Amen.

Tổng hợp từ R. Veritas
(BĐ1: Nêhêmya 8,1-4a.5-6.8-10; BĐ2:1Côrintô 12,12-30; PÂ: Luca 1,1-4; 4,14)

ÐÔI BÀN TAY TRỐNG RỖNG

Check Liseger là một phi công trong thế giới chiến tranh thứ hai.  Check tham dự cuộc hành quân có tên là “Mãnh Hổ” vừa để trả đũa vụ Tân Châu Cảng vừa để tấn công các lực lượng của Nhật trên Thái Bình Dương.

Mặc dù giữ bí mật cao độ, cuộc hành quân này cũng không được thực hiện như dự tính. Chiếc tàu sân bay bị Nhật khám phá ra trước khi vào hải phận cho phi công cất cánh máy bay đi đánh phá.  Check và các bạn được lệnh bay đi ném bom ngay, dù lúc ấy họ chưa đủ nhiên liệu để bay trở về căn cứ.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ thì trời tối mịt, máy bay hết xăng, Check phải bỏ máy bay nhảy dù xuống một vùng đất lạ bên dưới.  Anh ta rơi trên lục địa Trung Hoa, ở vùng Nhật kiểm soát.

Ba năm tiếp theo sau đó, Check bị biệt giam trong một trại giam của Nhật.  Trong trại giam đó, Check xin một quyển Thánh Kinh để đọc, vì không có việc gì làm cả, cũng không hy vọng gì được cứu thoát hay trốn khỏi trại tù.  Check đọc thư Roma chương 10 và anh biết rằng mình có thể được cứu vào sự sống vĩnh hằng, nếu tin nhận Chúa Giêsu là Ðấng đã được Thượng Ðế cho từ cõi chết sống lại. Check tin như vậy, và cuộc đời anh đã thay đổi hẳn.  Mặc dù phải sống trong trại tù nhơ bẩn đầy chuột bọ.  Trước khi được phóng thích, thân hình Check đầy cả ghẻ chốc mụn nhọt, vì điều kiện sống nhơ bẩn.

zzAnh kể lại: “Một hôm tôi giơ hai tay tôi lên và thưa với Chúa rằng: “Lạy Chúa, con sẵn sàng đi với Chúa.  Con muốn được lên nơi phước lộc vĩnh hằng không còn mụn nhọt ghẻ lở nữa.”

Nhưng lúc ấy Check cảm thấy Chúa nhìn vào bàn tay mình, anh nói: “Ðôi bàn tay tôi giơ lên. Chúa nhìn vào đó và thấy rõ hai bàn tay không có gì cả.  Tôi tự hỏi: Sao hai bàn tay tôi không có gì cả?  Tại sao Chúa nhìn vào đôi bàn tay ấy? Ý nghĩ này làm tôi bừng tỉnh.  Tôi đã 33 tuổi mà chưa bao giờ nói cho bất cứ người nào về Chúa Giêsu cả.”

Việc nhận ra đôi bàn tay trống rỗng đã thôi thúc Check trở lại Nhật làm một giáo sĩ.

Sau khi học xong trường dạy Kinh Thánh, ông đã dành ra 30 năm đem phúc âm đến cho người Nhật, là những người ông từng thả bom giết hại. Ông giúp thành lập hơn 20 ngôi giáo đường và nói cho hàng ngàn người nghe về Chúa Giêsu.  Khi Check làm xong nhiệm vụ, hai bàn tay ông không trống rỗng nữa, và Chúa đã thấy rõ như vậy.

Còn bạn thì sao? Với hai bàn tay Chúa ban, bạn đã làm được những gì cho Ngài?

R. Veritas

**************************************

Lạy Cha,
Cha muốn cho mọi người được cứu độ
và nhận biết chân lý,
chân lý mà Cha đã bày tỏ nơi Ðức Giêsu, Con Cha.

Xin Cha nhìn đến hàng tỉ người
chưa nhận biết Ðức Giêsu,
họ cũng là những người đã được cứu chuộc.

Xin Cha thôi thúc nơi chúng con
khát vọng truyền giáo,
khát vọng muốn chia sẻ niềm tin và hạnh phúc,
niềm vui và bình an của mình cho tha nhân,
và khát vọng muốn giới thiệu Ðức Giêsu cho thế giới.

Chúng con thấy mình nhỏ bé và bất lực
trước sứ mạng đi đến tận cùng trái đất
để loan báo Tin Mừng.
Chúng con chỉ xin đến
với những người bạn gần bên,
giúp họ quen biết Ðức Giêsu và tin vào Ngài,
qua đời sống yêu thương cụ thể của chúng con.

Chúng con cũng cầu nguyện
cho tất cả những ai đang xả thân lo việc truyền giáo.

Xin Cha cho những cố gắng của chúng con
sinh nhiều hoa trái. Amen.

Rabbouni

LẠY CHÚA, CON ÐÃ TIN RỒI!

Tạp chí Âm Vang Lộ-đức (Écho de Lourdes) thuật lại một câu chuyện có thật như sau:

Có một người vô thần có đứa con gái yêu quý bị bệnh bại liệt mà các bác sĩ đều đã chịu bó tay, không tài nào cứu chữa được nữa.  Ông nghe những người quen biết đồn rằng Ðức Mẹ ở Lourdes nước Pháp, có thể chữa lành cho cô bé.

Cuối cùng thì ông cũng đã chấp nhận đưa con gái đến Lourdes, nhưng không quên tuyên bố với những người bạn cả Công Giáo lẫn vô thần rằng:

zz– Nếu tôi thấy con gái tôi được chữa khỏi, nếu tôi thấy tỏ tường nó chỗi dậy và đi lại được, tôi sẽ tin rằng Thiên Chúa hiện hữu!

Khi đến Lourdes, ông đưa con gái lại gần, chen giữa đám đông những bệnh nhân đang vây quanh chiếc giếng mà Ðức Mẹ thường làm phép lạ.  Khi gặp được cha Bailly, một Linh Mục thường trực phụ trách tại địa điểm hành hương này, ông đã nói tất cả về nỗi niềm còn bán tín bán nghi của mình vào phép lạ.

Và đúng lúc em bé được đưa xuống chiếc giếng cạn để nhúng ướt hoàn toàn trong nước, cha Bailly đã lớn tiếng nói với mọi người đang có mặt:

– Có ai trong các vị hiện diện ở đây bằng lòng tận hiến chính mình làm hy tế cho Thiên Chúa Nhân Lành để cầu nguyện cho một người vô thần không? Có ai không?  Chỉ một người thôi, bằng lòng cam chịu cơn bệnh nan y cho tới chết để cho cô bé này được lành, và để cho người cha vô thần này được trở lại đạo không?

Mọi người yên lặng… Mấy phút trôi qua… Chợt có một nữ bệnh nhân trung niên chống nạng hai bên nách khó nhọc bước ra khỏi đám đông và nói nhỏ nhẹ thật khiêm tốn:

– Vâng, có tôi, tôi xin tự nguyện!

Ngay lúc ấy, bé gái liền được khỏi bệnh và tự mình bước ra khỏi miệng giếng.  Người cha vô thần vội quỳ xụp xuống, thổn thức:

– Lạy Chúa, xin Chúa tha tội cho con, con tin rồi!

Lm Tiến Lộc

 ******************************

Lạy Cha, chúng con cảm tạ Cha, Ðấng tạo thành trời đất,
Ðã tỏ hiện cho những kẻ khiêm nhu bé mọn.
Chúng con cảm tạ Cha đã muốn giao ước với loài người.
Cha đã yêu thương chúng con trước một cách nhưng-không,
Khi đoái đến một dân tộc mà Cha gọi là “dân nhỏ bé nhất trong muôn dân”.
Tại một thôn xóm vô danh nhất trên miền Ðất Hứa,
Trong số những thiếu nữ vô danh nhất của Ít-ra-en,
Cha đã chọn một cô gái làm Mẹ Chúa Giê-su,
Một cô gái được chúc phúc hơn mọi cô gái,
Một thiếu nữ đã đáp ứng được mọi ân sủng của Cha.
Ðối với muôn thế hệ,
Ðức Ma-ri-a đã trở nên gương sáng phục vụ và khó nghèo cho Hội Thánh.

Vâng, lạy Cha, chúng con cảm tạ Cha,
Ðã gầy dựng nên Ðức Trinh Nữ Ma-ri-a trong số những kẻ bé mọn.
Cha muốn rằng bởi Mẹ mà Chúa Con trở thành người trong nhân loại,
Kết hiệp chúng con với Cha trong Chúa Thánh Thần.

ROBERT GUELLUY (Trích Lời Kinh Từ Cuộc Sống)

ĐỜI THÔI HẾT LẬN ĐẬN

Trong tập thơ Mảnh Trăng Non, có lần thi hào Tagore đặt trên môi một người mẹ lời yêu cầu ngỏ với con mình:

“Nầy con, họ la lối, tranh giành, hoài nghi và tuyệt vọng,
họ cãi cọ không bao giờ thôi.
Hãy để đời con đến với họ như ngọn đuốc sáng,
bền vững tinh khôi, khiến họ say mê đến im lời.
Con ơi, hãy bước tới giữa những tấm lòng quạu cọ,
đoái nhìn họ với đôi mắt hiền từ,
như cái an bình bao dung của buổi chiều phủ trên một ngày tranh chấp.
Hỡi con, hãy để họ thấy mặt con như thấy ý nghĩa của muôn loài,
hãy để họ yêu con, và như thế, họ sẽ thương yêu nhau”.

***

Quý Anh Chị cùng các bạn trẻ thân mến,

Đọc lại những vần thơ trên, chúng ta liên tưởng đến những lời tương tự của một bà mẹ khác ngỏ với con mình qua trình thuật Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay. Đó là lời của Đức Maria ngỏ với Giêsu, khi cả hai cùng là khách mời của một tiệc cưới tại làng Cana. Hai người khách này hẳn đã chứng kiến cảnh rối bời của cô dâu chú rể cũng như đã cảm thông cái thấp thỏm lắng lo của nhà trai lẫn nhà gái khi họ biết rằng, tiệc chưa tàn – rượu đã hết.

Hết rượu là một bất trắc, bất trắc có thể đưa đến bất đồng.
Bất đồng dễ đưa đến bất hòa, bất hòa hẳn đưa đến bất hạnh.

Sợ rằng nhà tiệc có thể bất hạnh, Đức Maria đã tinh tế nhỏ to cùng con, “Họ hết rượu rồi”; và với những người ở đó, “Ngài bảo gì thì hãy làm theo!”. May thay, Đức Giêsu có đó; may hơn nữa, họ đã làm theo. Phép lạ xảy ra. Sự hiện diện của Đức Giêsu hôm ấy không chỉ tăng thêm niềm vui nhưng còn để giải cứu, một sự hiện diện cấp thiết và đúng lúc.

Với Đức Giêsu, phép lạ đã xảy ra, nước hoá thành rượu, nỗi buồn tan bay, toàn nhà tiệc hỷ hoan.

Qua Con Thiên Chúa, mầu nhiệm được thực hiện, rượu hoá thành máu, bánh biến nên thịt, niềm vui dâng cao, cả nhân loại no đầy.

Quý Anh Chị và các bạn,

Ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm về sự bất trắc đưa đến bất đồng, gây nên bất hòa và dẫn đến bất hạnh. Nhưng liệu mỗi người chúng ta có khó chịu khi được ví như những nhân vật bài thơ muốn ám chỉ, nghĩa là những con người có lẽ cũng đang lận đận, cãi cọ, la lối, tranh giành, hoài nghi và tuyệt vọng? Phải chăng chúng ta cũng là những con người vốn đang cần sự hiện diện của Đức Giêsu hơn bao giờ hết nhất là trong những ngày cuối năm khi bên ngoài thì lao xao, bên trong lại rạo rực… khi ngồi ngẫm nghĩ lại từng biến cố, từng sự việc một năm qua… bao hồng ân, bao tiếc xót; khi ngẫm nghĩ đến cái tương quan của mỗi người với Chúa, tương quan với gia đình, với anh chị em hay ngay cả với chính bản thân mình?

Giữa trăm bề thiếu thốn bất trắc, không chỉ thiếu rượu, chúng ta còn thiếu cả tình. Không chỉ thiếu tình chúng ta còn thiếu cả tâm. Không chỉ thiếu tâm chúng ta còn thiếu cả hồn… và bao nhiêu thiếu hụt khác, thiếu hiếu biết, thiếu cảm thông, thiếu tha thứ, thiếu quảng đại…

Chúng ta cũng cãi cọ chẳng bao giờ thôi và dường như không ít lần đối xử với nhau mà tâm hồn thật quạu cọ. Vì nhà chật, đường chật, túi chật mà lòng cũng chật; nếu quả như thế, chúng ta là những con người bất hạnh đáng thương hơn cả việc hết rượu mà hai họ nhà tiệc Cana phải trải qua.

Vậy thì hơn ai hết, hơn bao giờ hết, chúng ta cũng cần có sự hiện diện của Đức Maria và con của ngài thường xuyên hơn. Giêsu đó cũng đang bước tới nhìn chúng ta với đôi mắt hiền từ để đời mỗi người thôi hết lận đận, vì chỉ có Ngài “như ngọn đuốc sáng” và Lời của Ngài “bền vững tinh khôi” mới có thể khiến chúng ta “say mê đến im lời”. Im lời có nghĩa là tịnh khẩu. Nhưng tịnh khẩu không có nghĩa là im ắng, chịu đựng… nhưng để đắm chìm trong yêu thương và tha thứ, trong hối hận và ăn năn; tịnh khẩu để ngợi khen và cảm tạ, để nhịn nhục và ôn hòa.

“Hỡi con, hãy để họ thấy mặt con như thấy ý nghĩa của muôn loài,

Hãy để họ yêu con, và như thế họ sẽ thương yêu nhau”.

Vâng, có thấy được Giêsu, con người mới thấy được ý nghĩa cuộc sống, ý nghĩa ơn gọi cao cả của mỗi người.

Có biết được Giêsu, con người mới biết được chính mình, biết được tha nhân với tất cả những gì là đẹp đẽ nhất của hình ảnh Thiên Chúa.

Có được sự hiện diện của Giêsu, con người mới ngộ ra cái phù du tạm bợ của kiếp nhân sinh; ngộ ra cái quê hương thật của mình không ở tại chốn này.

Có gần gũi với Giêsu, con người mới tỉnh giấc trước cái bèo bọt chóng qua của nhan sắc, của tiền tài, của danh vọng; tỉnh giấc trước cái giới hạn èo uột của sức riêng mình.

Có yêu được Giêsu, con người mới có khả năng yêu thương tha nhân, có khả năng vượt qua mọi thiếu thốn, đứng trên mọi tranh chấp, tranh chấp từng danh hiệu, tranh chấp từng lời nói, tranh chấp từng tất đất, tranh chấp từng gang trời.

Tình yêu Ngài như ngọn lửa hồng làm sống lại cái bếp lò lạnh lẽo, vì tất cả cây cối trong rừng sẽ nên vô dụng cho một bếp lò nếu không có một ngọn lửa. Tình yêu Ngài như vò rượu ngon làm say ngất lòng người, niềm vui trọn vẹn; hơn thế nữa, vô tửu bất thành lễ.

Giêsu đó đủ sức giúp chúng ta về lại trong tình yêu. Vì chỉ có tình yêu mới có nội lực giải phóng, coi thường cái tạm thời, gạt bỏ mọi chướng ngại và xô đẩy cái tầm thường.

Chính Đức Giêsu, ngọn lửa yêu thương, Đấng sẽ khơi lên đóm than hồng trong những lúc hết củi, lửa tắt, lạnh lò… đời lận đận. Chính Đức Giêsu, rượu nồng hoan hỷ, Đấng sẽ đem lại niềm vui những khi hết rượu, tiệc tàn, cụt hứng… đời quạu cọ.

Dâng Thánh Lễ hôm nay, để đời thôi hết lận đận, chúng ta cùng cầu nguyện cho nhau hầu mỗi người biết mời cho được hai vị khách quý ấy vào tâm hồn, vào gia đình, vào cộng đoàn mình. Nhờ đó, năm mới sẽ là một năm hy vọng và tin yêu, một năm dư đầy rượu nồng và lửa ấm… nhưng xin đừng quên lời dặn của người mẹ, “Ngài bảo gì thì hãy làm theo!”, Amen.

Lm. Minh Anh (Gp. Huế)

BẠN CÓ BẬN RỘN LẮM KHÔNG?

Satan mở một hội nghị thế giới.  Nó khai mạc bằng cách ngỏ lời với đám ác thần.  Nó bảo: “Chúng ta không thể ngăn cản Kitô hữu đi nhà thờ.  Chúng ta không thể ngăn cản họ đọc Kinh Thánh và biết được chân lý.  Chúng ta cũng không thể ngăn cản họ tạo ra một mối tương quan thân mật với Đức Kitô.  Nếu họ liên lạc được với Giêsu, quyền lực của chúng ta đối với họ sẽ tiêu tan.  Vì vậy, hãy cứ để cho họ đi nhà thờ, để cho họ giữ nếp sống của họ, nhưng hãy cướp lấy thì giờ của họ, hầu họ không có được tương quan thân mật với Giêsu Kitô.  Đấy là điều tôi muốn các người làm, hỡi các ác thần.  Hãy làm cho họ xao lãng việc tiếp xúc với Đấng Cứu Độ họ và giữ mối liên lạc ấy suốt cả ngày!”  Đám ác thần kêu lên: “Chúng tôi phải hành động thế nào để làm được như thế?”  Satan trả lời: “Hãy làm cho họ bận rộn với những điều không thiết yếu trong cuộc đời và tạo ra thật nhiều chương trình để cho đầu óc họ không rảnh rỗi.  Hãy xúi giục họ tiêu xài, tiêu xài, tiêu xài rồi kiếm tiền, kiếm tiền, kiếm tiền.  Hãy thuyết phục các bà vợ đi làm nhiều giờ và các ông chồng đi làm 6-7 ngày mỗi tuần, 10-12 giờ mỗi ngày, để họ có thể thoải mái sống cái cuộc sống trống rỗng của họ.  Hãy ngăn cản họ dành thì giờ cho con cái.  Khi vợ chồng con cái ly tán thì chẳng bao lâu gia đình sẽ bị công việc làm áp lực!  Hãy kích thích tối đa tâm trí họ để họ không thể nghe ra tiếng nói êm dịu, nhỏ nhẹ kia.

zz“Hãy khuyến khích họ mở máy thu thanh hay máy ghi âm khi họ lái xe đi làm.  Hãy để cho truyền hình, đĩa hình, đĩa nhạc và máy vi tính chạy suốt cả ngày trong nhà.  Và làm sao cho các cửa tiệm và nhà hàng liên tục trổi lên những bản nhạc xa rời Kinh Thánh.  Điều này sẽ làm cho đầu óc họ bận rộn và cắt được mối liên lạc với Đức Kitô.

“Hãy đặt trên bàn ăn sáng các tạp chí và nhật báo.  Hãy chất đầy đầu họ với tin tức 24 giờ một ngày.   Hãy làm ngập những giờ phút lái xe của họ với các bản quảng cáo.  Hãy đổ tràn vào hộp thư họ những bức thư tào lao, những giấy đặt hàng, bản cá cược, và mọi loại thư khuyến mãi trình bày các sản phẩm và các dịch vụ miễn phí, cùng với những niềm hy vọng hão.  Hãy đặt các người mẫu mảnh mai và xinh đẹp trên bìa những tạp chí để cho các ông chồng tin rằng sắc đẹp ngoại hình là điều quan trọng, và họ sẽ chán vợ mình.  Ha! Điều này sẽ làm cho các gia đình tan vỡ thật nhanh.

“Ngay cả trong các cuộc giải trí của họ, hãy biến chúng thành quá đà.  Hãy làm cho họ đi nghỉ về mà mệt nhừ, bất an, và không sẵn sàng bắt đầu tuần làm việc.  Đừng để họ đến với thiên nhiên để nhìn ngắm các kỳ quan của Chúa.  Hãy đưa họ đến các công viên giải trí, các hoạt động thể thao, các nơi hòa nhạc và chiếu phim.  Hãy làm cho họ bận rộn, bận rộn thật bận rộn!  Và khi họ gặp nhau để chia sẻ tâm linh, hãy chuyền vào những lời nói xấu và tiếng to tiếng nhỏ để họ ra về với lương tâm bất ổn và tình cảm bất an.

“Tiến lên đi, hãy để cho họ dấn thân vào việc cứu vớt các linh hồn.  Nhưng hãy đổ vào cuộc đời họ thật nhiều thiện ý đến độ họ không còn thì giờ tìm kiếm sức mạnh nơi Đức Kitô.  Chẳng bao lâu, họ sẽ hoạt động bằng sức lực của chính mình, và rồi họ hy sinh sức khỏe và gia đình để phục vu mục đích ấy.  Biện pháp này hiệu quả đấy, hiệu quả lắm!”

Đấy chỉ là một cuộc hội nghị.  Và các ác thần hăng say đi về với nhiệm vụ và làm cho Kitô hữu khắp nơi bận rộn, bận rộn thật bận rộn, và họ phải chạy từ nơi này đến nơi khác.  Tôi đoán là bạn sẽ đặt câu hỏi:  liệu ma quỉ có thành công trong chương trình ấy không?   Bạn hãy tự xét lấy!

Maranatha dịch

**********************************************

Lạy Chúa Giêsu,
con thường thấy mình không có thì giờ,
nhưng đồng thời cũng thấy mình
lãng phí bao thời gian quý báu.
Nhiều khi con tự hỏi
mình thực sự làm việc bao nhiêu giờ mỗi ngày.

Xin cho con biết quý trọng từng giây phút
đang trôi qua mà con không sao giữ lại được.
Chúa đã trao cho con nén bạc thời gian,
để con sinh lợi tối đa theo ý Chúa.
Xin cho con luôn làm việc như Chúa :
hăng say, tận tụy và vui tươi,
vâng phục, có phương pháp và đầy sáng tạo.

Vì quá khứ thì đã qua,
và tương lai thì chưa đến,
nên xin dạy con biết trân trọng giây phút hiện tại.

Xin cho con thấy Chúa
lúc này đang ở đây bên con,
và đang mời gọi con đáp lại tiếng của Ngài
bằng những hành động cụ thể.

Con xin hiến dâng Chúa giây phút này
như một hy lễ,
với tất cả những bất ngờ, đớn đau, thách đố.

Ước gì con dám sống hết mình giây phút hiện tại
để hiện tại đưa con vào vĩnh cửu của Chúa.  Amen!

Rabbouni

 

BÓNG MÁT

zzBóng mát:  Một thành phố, đi giữa trưa hè, những cơn gió nóng khắc nghiệt, khí trời oi ả mà không có được một bóng cây để dừng chân thì cho dù thành phố ấy có nhiều dáng vẻ của kiến trúc tân kỳ tài tình thế nào chăng nữa, chúng cũng chẳng có gì để hấp dẫn con người.  Những bề dầy bờ tường, những mảng xi măng vôi trắng toát lên kia làm sao mà có thể đụng chạm đến chiều sâu lòng con người được. Chỉ có những bóng mát bởi những hàng cây xanh, chiều nghiêng bóng ngả, những lá me rơi đậu vương trên tóc ai để có sợi thương sợi nhớ… và hoa Soan, hoa Sữa, hoa Phượng… đã gợi lên biết bao hình ảnh kỷ niệm thương cảm; những con đường dài dưới bóng cây cao ghi dấu chân son đã trở thành tuyệt tác của những nhà thi sĩ, những nhạc sĩ, những nhà văn với biết bao nhiêu cảm hứng cảm xúc thành những bài thơ những khúc nhạc, với bao nhiêu câu chuyện tình….

Bóng mát cuộc đời : Mỗi người, mỗi cộng đoàn trở thành bóng mát cho người khác.  Cuộc đời con người không thể tránh được những cơn thử thách, những sóng gió, những chao đảo, tội lỗi, khổ đau, nghèo nàn, bệnh tật, cô đơn, vũng lầy… nên rất cần đến bóng mát tâm hồn.  Vì thế mà mỗi người mỗi cộng đoàn cần trở thành một bóng mát cho người khác, là “nơi” điểm dừng thư dãn cho khách bộ hành sau những ngày dài căng thẳng; là “nơi” đôi chân được ngơi nghỉ để dịu cơn đau nhức mỏi, để mồ hôi ngừng chảy chờ cơn gió mát se da, lấy lại sức đã kiệt; là “nơi” dừng được uống ly nước mát trong lành, để nhìn lại quãng đường đã qua, hướng tương lai sắp tới.

****************************

Bóng mát vô tận.  Đức Giêsu, Thiên Chúa đi tìm bóng mát nơi con người để rồi chính Người cho họ một bóng mát vô tận.

Đang khi Thầy trò đi đường, Ngài đã ghé vào nhà Mácta và Maria….

Trời nóng bức mệt mỏi Ngài ghé đến bờ giếng gặp người phụ nữ Samari….

Câu chuyện người con hoang đàng.  Người em ra đi tìm bóng mát trần gian nhưng chẳng có nơi đâu là bóng mát thật.  Cuối cùng mới nhận ra và quay trở về bóng mát dưới mái nhà Cha.  Thằng anh cả ở ngay dưới bóng mát, thế mà anh ta có nhận ra không?  Thưa ông Phêrô, ông không cần phải dựng ba cái lều cho ai cả, bởi vì ông không biết mình đang nói gì.  Đám mây bao phủ lấy các ông… thế đấy.

Trong Cựu Ước, Dân Chúa đi về Đất Hứa 40 năm, mây che ban ngày, cột lửa soi ban đêm…

Thiên Chúa cho mọc lên cây Thầu Dầu bên cạnh Yona, để rợp bóng che đầu ông….

Mẹ Têrêsa đã trở thành bóng mát cho biết bao nhiêu người khốn khổ.  Mẹ là bóng mát êm ái cho người thở hơi cuối cùng.

Người môn đệ của Đức Kitô không chỉ là bóng mát cho người khác mà còn biết giới thiệu bóng mát tuyệt vời vô cùng, đó chính là Tình Cha.  Chỉ có trị liệu bằng Tình Cha mới có thể băng bó được những vết thương lâu ngày không khép miệng, hoặc có thể tẩy xoá hoặc ủi đi những vết nhăn hằn năm tháng.

Người môn đệ của Đức kitô, chất chứa trong tim mình tình yêu của Đức Kitô để trên môi miệng luôn nở nụ cười, nụ cười thân ái cảm thông chia sẻ.  Nụ cười như bóng mát chở che bao dung, dịu dàng cho khách bộ hành thân quen thiện cảm

Cộng đoàn của Đức Kitô là cộng đoàn bóng mát để cho bất cứ người bộ hành nào muốn dừng chân.  “Hãy đến mà xem”, rồi “ở lại” lâu hay mau tuỳ ý; bóng mát muôn đời chỉ là bóng mát, không khua khoắng ồn ào náo động; rất tầm thường nhỏ bé, âm thầm và lặng lẽ; bằng lòng với cả những người khách như vô tình dửng dưng hững hờ; không phân biệt người giầu người nghèo, xấu đẹp, sang hèn….

Cộng đoàn của Đức Kitô là bóng mát mà người khác thấy được ở nơi đó có niềm tin, có sức sống, sự bình an, bầu khí cầu nguyện, tình huynh đệ, và là dấu chỉ của nước Trời mai sau.  Khi rời bóng mát, người bộ hành còn mang trong hồn khung trời kỷ niệm thương nhớ, như đã gặp được Ai – Đó để cùng đồng hành trên những chặng đường cần phải tiếp tục bước đi.  Và do đó sự bình an, sức mạnh, lòng can đảm cần phải có nơi bóng mát để có thể tiếp sức cho người bộ hành đủ nghị lực tiến bước.

Bóng mát luôn cám ơn khách bộ hành ghé qua dù chỉ chốc lát.  Bóng mát cám ơn vì khách đã cho phép bóng mát được đón tiếp, được làm nhiệm vụ của mình.  Bóng mát chẳng có gì để mà tự phụ cả, bởi tất cả chỉ nhận từ nhưng không, có trở thành cây cao cổ thụ tán rộng cũng là ơn Trên ban cho. Apôlô trồng, Phaolô tưới, còn Chúa cho mọc lên.

****************************

Lời Tâm Sự

Tôi vẫn là người khách vô tình dửng dưng khi dừng chân ghé vào bóng mát.  Coi như đương nhiên phải có cho tôi.  Chưa một lần thầm cám ơn bóng mát.  Bóng mát chỉ là khao khát cho tôi khi những bước chân lữ hành của tôi trên trần gian sa mạc nắng cháy này và mỗi lần được dừng lại trong bóng mát rồi thì tôi chẳng cần biết bóng mát là ai, tên tuổi là gì.  Vâng, những người chung quanh tôi ơi!  Cha mẹ tôi ơi!  Anh em bạn bè tôi ơi!  Và những người tôi gặp trong cuộc hành trình đời người tôi ơi: Tôi Là Thế Đó!!!

****************************

Lạy Chúa, Chúa là bóng mát của cuộc đời con.  Lòng con luôn là những ngọn lửa hừng hực sôi sục; là sa mạc cát nóng bỏng đôi chân… con luôn cần Chúa là bóng mát chở che đời con để con được dịu đi những cơn si cơn mê cuồng dại, ảo ảnh phù hoa; để con nhìn cuộc đời nhìn mọi người bao dung  tích cực hơn.

Mong Manh

PHÉP RỬA KHIÊM NHƯỜNG

Sông Gio-đăng, tiếng Do Thái là “yarad” có nghĩa là đi xuống. Sông Gio-đăng phát nguồn từ ngọn núi Héc-mon ở độ cao 520m. Suốt 220km đường dài dòng sông không ngừng đi xuống. Thoạt tiên sông chảy vào hồ Hu-lê chỉ còn 68m trên mực nước biển. Kế đó sông chảy vào biển hồ Galilê, nơi Chúa Giêsu thường qua lại, và các tông đồ thường chài lưới. Ở đây lòng hồ sâu 212m dưới mực nước biển. Sông tiếp tục chảy xuống miền Nam, đổ vào Biển Chết. Ở đây độ sâu là 394m dưới mức nước biển. Có thể nói đây là điểm thấp nhất của địa cầu.

zzKhi Chúa Giêsu bước xuống sông Gio-đăng để chịu phép rửa, Người đã xuống chỗ thấp nhất không chỉ về chiều sâu theo không gian địa lý mà còn về chiều sâu tâm lý xã hội. Bước xuống để Gioan Baotixita làm phép rửa tội, Chúa Giêsu đã hòa mình vào dòng thác người tội lỗi, cần thống hối ăn năn. Tuy đến để cứu độ người tội lỗi, nhưng Chúa Giêsu không cho mình quyền đứng trên kẻ tội lỗi. Người đã hạ mình xuống ngang hàng với họ, liên đới với họ và trở nên anh em của họ. Không ai nhận ra Người. Mọi người đều cho rằng Người là một trong những kẻ tội lỗi.

Trong đêm Giáng Sinh, ta được chứng kiến một Thiên Chúa hạ mình xuống làm người. Làm một người bé nhỏ nghèo hèn như chưa đủ đối với tình yêu thương vô biên của Thiên Chúa, nên hôm nay Người lại hạ mình xuống thêm một bậc nữa, xuống tận đáy xã hội nhân loại khi nhận mình tội lỗi.

Hôm nay, bắt đầu cuộc đời công khai của Chúa Giêsu. Người bắt đầu xuất hiện để rao giảng Tin Mừng. Trước khi tiến ra gặp gỡ quần chúng, Chúa Giêsu đã tới gìm mình trong dòng sông Gio-đăng. Để chuẩn bị ra gặp loài người, Chúa Giêsu cảm thấy cần phải thanh tẩy. Mặc lấy xác phàm, Chúa Giêsu chưa cảm thấy mình gần với nhân loại cho đủ. Người còn hạ mình xuống làm một người tội lỗi. Người gìm mình xuống lòng sông Gio-đăng, dường như muốn mượn làn nước trong xanh tẩy sạch đi tất cả dáng vẻ cao quý của Thiên Chúa còn vương vấn nơi thân xác nhân loại của Người. Tẩy sạch đi tất cả những gì ngăn cách, để Người được thực sự là một người anh em của mọi người.

Dòng nước sông Gio-đăng có trong xanh đến mấy cũng đâu đủ sức rửa Thiên Chúa làm người. Thực ra chính Người tự rửa mình bằng sự khiêm nhường thẳm sâu. Khiêm nhướng là một phép rửa. Vì khiêm nhường là sự quên mình, là chết đi một chút. Gìm mình vào dòng sông là chấp nhận đau khổ và chết đi. Cái chết chính là phép rửa như Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ: “Thầy còn phải chịu một phép rửa, và Thầy những bồn chồn chờ đến lúc hoàn tất” (Lc 12,50). Người còn hỏi hai ông Gioan và Giacôbê khi hai ông này đến xin được ngồi bên tả, bên hữu trong nước Người: “Các ngươi có thể uống chén Ta uống và chịu thanh tẩy thứ thanh tẩy Ta phải chịu không?” (Mc 10,38). Khi nói thế Chúa Giêsu có ý nói đến cái chết Người sẽ phải chịu.

Một câu châm ngôn nói; Không ai thấy được tình yêu. Người ta chỉ thấy được những bằng chứng của tình yêu. Bằng chứng tình yêu của Chúa Giêsu đối với ta đó là sự hạ sinh làm một em bé nghèo hèn yếu ớt. Đó là sự khiêm nhường hoà mình vào đoàn lũ những tội nhân tới gìm mình trong dòng sông Gio-đăng. Tình yêu đã thúc đẩy Người đi những bước táo bạo, bất ngờ. Mượn dòng nước sám hối xoá đi mọi khoảng cách còn lại giữa Thiên Chúa và con người.

Cử chỉ khiêm nhường của Người là một lời mời gọi ta. Nếu ta cảm thấy mình còn xa cách Chúa. Nếu ta cảm thấy mình cần được thanh tẩy. Đừng ngần ngại thay đổi đời sống. Hãy mạnh dạn tiến đến lãnh nhận phép rửa của Chúa Giêsu để trở nên gần gũi với Người. Nếu ta chưa thể lãnh nhận phép rửa trong cái chết tủi nhục như Chúa Giêsu, ta vẫn có thể được thanh tẩy trong phép rửa khiêm nhường. Hãy rửa mình trong dòng lệ sám hối. Hãy tắm mình trong dòng nước khiêm cung. Như lời vua Đavit nói: “Lễ dâng Chúa là tâm hồn sám hối. Một tấm lòng tan nát giày vò, Ngài sẽ chẳng khinh chê” (Tv 50)

Khiêm nhường sám hối là bước khởi đầu để ta đón nhận Phúc Âm. Khiêm nhường sám hối là quay trở về nhà Cha, sống trọn tâm tình của người con thảo hiếu. Khi khiêm nhường trở về, ta sẽ gặp được người Cha nhân hậu đang đứng chờ ta. Người sẽ nói về ta như nói về Chúa Giêsu: “Đây là con Ta yêu dấu, Ta hài lòng về con”.

***

Lạy Chúa Giêsu, xin giúp con biết đến với Chúa và đến với anh em bằng sự khiêm nhường sám hối. Amen.

TGM. Ngô Quang Kiệt
(BĐ1:Is-42:1-4,6-7, BĐ2:Cv34-38, PÂ:Lc 3:15-16,21-22)