SỨ ĐIỆP TỪ HANG BÊLEM

Mỗi khi gió mùa đông bắc thổi, tôi cảm thấy năm tháng qua nhanh.  Năm cũ trôi qua, năm mới sắp tới. Trong niềm háo hức đón chào năm mới tôi thường băn khoăn tự hỏi: tôi phải làm gì để năm mới này trở thành những ngày tháng tươi vui?  Làm sao để năm mới này là thời gian hạnh phúc?  Làm sao để năm mới này chan chứa hồng ân của Thiên Chúa?

Trong niềm băn khoăn thao thức, tôi đến trước hang đá Bêlem để tìm câu trả lời.  Việc Chúa Giêsu giáng trần đã mở ra một kỷ nguyên mới.  Để bắt đầu một thời gian mới, không gì bằng đến học theo gương Người, nghe những lời giáo huấn của Người.

Chúa Giêsu bé thơ lặng im không nói, nhưng thái độ của Người trao gửi chúng ta biết bao sứ điệp, giúp định hướng cho những ngày tháng sắp tới.

Sinh ra trong cảnh nghèo hèn, Người muốn gửi đến cho ta sứ điệp tình yêu.

Vì yêu thương con người, Đức Giêsu đã tự nguyện sinh xuống thế làm người.  Người đã đồng hành với con người, chia sẻ mọi nỗi vui, nỗi buồn của kiếp người.  Tình yêu của Người đặc biệt hướng về những người bé nhỏ, nghèo hèn, yếu đuối, tội lỗi.  Những người đầu tiên được mời gọi đến hang đá Bêlem là những mục đồng nghèo nàn, đơn sơ, chất phác.  Trong tình hình kinh tế thế giới hiện nay, hố ngăn cách giầu – nghèo ngày càng lớn.  Trong cuộc chạy đua kinh tế hiện nay, người nghèo ngày càng bị thua thiệt.  Vì thế, sứ điệp tình yêu của Đức Giêsu vẫn là một tín hiệu khẩn cấp cho nhân loại.

Hoá thân làm một trẻ sơ sinh yếu đuối trần trụi, Người mong gửi đến ta sứ điệp hoà bình.

Là Thiên Chúa, Người mang thân phận con người để kết nối đất với trời, để con người được làm hoà với Thiên Chúa.  Trở thành anh em của mọi người, Người kêu gọi con người hãy thương yêu nhau vì mọi người là anh em với nhau.  Người không mang theo vũ khí, không mang theo quyền lực.  Vũ khí của Người là đôi mắt thơ ngây.  Quyền lực của Người là tấm thân trẻ thơ non nớt.  Hai ngàn năm qua rồi, nhưng sứ điệp ấy vẫn còn mang tính thời sự, vì chiến tranh chưa một ngày vắng bóng trên hành tinh.  Ngay tại Bêlem, nơi Chúa sinh ra, năm nay không có Thánh Lễ, vì cuộc chiến giữa Israel và Palestine vẫn còn tiếp diễn.

Nằm trong tấm vải thô đặt trên máng bò lừa, Người muốn gửi đến ta sứ điệp tự do.

Là Thiên Chúa, Người không muốn sinh ra trong gia đình vua chúa giàu sang.  Nhưng chọn sinh ra trong gia đình dân dã nghèo hèn.  Người không chọn sinh ra tại một nơi đầy đủ tiện nghi.  Nhưng chọn sinh ra trong chuồng bò lừa.  Tâm hồn Người hoàn toàn tự do, không bị ràng buộc bởi bất cứ nhu cầu vật chất nào.  Ngày nay chế độ nô lệ đã bị xoá sổ trên toàn thế giới.  Nhưng con người đang vướng vào những vòng vây nô lệ mới.  Có thứ nô lệ dục vọng.  Có thứ nô lệ đam mê.  Có thứ nô lệ chức quyền. Có thứ nô lệ danh vọng.  Có thứ nô lệ vật chất tiền tài.  Có thứ nô lệ sì ke ma tuý.  Tất cả những thứ nô lệ mới trói buộc tâm hồn khiến con người mất hết tự do, nhân phẩm.  Nhìn vào hang đá Bêlem, sứ điệp tự do của Đức Giêsu như một lời nhắn nhủ ân cần, như một lời mời gọi tha thiết, như một ánh sáng soi đường cho ta bước vào vùng trời tự do của tâm hồn, của nhân phẩm, của con người, của con cái Thiên Chúa.

Năm mới đang mở ra một viễn tượng đầy hứa hẹn nhưng cũng đầy đe doạ.  Cơn lốc kinh tế, khoa học kỹ thuật sẽ cuốn đi nhiều giá trị đạo đức, sẽ nhận chìm nhiều kiếp người lầm than.  Cơn cám dỗ vật chất sẽ khiến nhiều tâm hồn mất phẩm chất, nhiều con người sẽ đánh mất chính mình.  Những xung đột sẽ xô đẩy thế giới vào những cuộc chiến tàn sát.

Hãy đến với Hài Nhi Giêsu nằm trên máng cỏ trong hang đá Bêlem.  Người là hiện thân của tình yêu, của hoà bình, của tự do.  Nhìn ngắm Người, ta sẽ học được những bài học giải đáp cho những vấn đề của thế giới, của con người, và nhất là của chính bản thân ta.  Sống theo gương Người, ta sẽ góp phần xây dựng một thế giới tươi đẹp, không chỉ ấm áp tình người mà còn cao đẹp với những giá trị tinh thần, những phẩm chất đạo đức.

Lạy Chúa Giêsu Hài Đồng, xin thương xót chúng con. Amen.

ĐTGM. Ngô Quang Kiệt

 

ĐỔI QUÀ

Niềm tin là tin những gì không thấy và rồi niềm tin sẽ cho thấy những gì đã tin.
Thánh Augustinô

Tôi lớn lên với một niềm tin rằng những chuyện kỳ diệu và tuyệt vời thường xảy ra trong ngày lễ Giáng Sinh, khi những nhà thông thái từ phương Đông đến, khi gia súc thì thầm với nhau trong chuồng vào lúc nửa đêm, và khi ánh sáng từ ngôi sao lạ trên bầu trời cao báo hiệu Con Thiên Chúa đã sinh xuống trần.  Giáng Sinh trong tôi lúc nào cũng là một dịp reo mừng, vui hưởng hạnh phúc, và chưa bao giờ tôi hạnh phúc cho bằng lễ Giáng Sinh năm đó, năm mà đứa con trai của tôi, Mẫn, vừa tròn tám tuổi.

Đó cũng là năm mà mẹ con tôi dọn vào căn nhà xe (trailer) ở vùng đồi núi ngoại ô Redmond, tiểu bang Washington.  Vào những ngày gần lễ Giáng Sinh, chúng tôi không mấy háo hức lắm; mặc dù không phải vì cơn mưa giông kéo dài mấy ngày gây sình lầy đường sá và làm sàn nhà chúng tôi ướt đẫm bùn. Từ đầu tháng 12, Mẫn trông vui tươi hẳn ra, và có vẻ bận rộn nhất nhà.  Nó là con út của tôi, một thằng bé vui tính, mẫn tiệp và thân thiện với mái tóc vàng hoe.  Mẫn có tật khi nghe ai nói cứ nghiêng nghiêng cái đầu về một bên trông như con chó nhỏ.  Đúng ra là vì Mẫn bị điếc bên tai trái nên phải nghiêng đầu để nghe cho rõ nhưng chẳng bao giờ thấy nó mở miệng than phiền về khiếm khuyết bẩm sinh đó cả.

Tôi để ý đến nó cả mấy tuần nay.  Tôi biết chắc là Mẫn đang giấu tôi một điều gì đó.  Tôi nhận thấy nó siêng năng dọn giường chiếu, đổ rác, hăng hái phụ dọn bàn ăn với các anh chị.  Nó âm thầm để dành tiền ăn quà, cất giữ cẩn thận.  Tôi không hiểu nó đang toan tính chuyện gì nhưng tôi biết rõ một điều là chuyện nó đang toan tính chắc chắn phải liên quan đến Kha.

Kha là bạn của Mẫn và chúng nó rất thân nhau từ đầu mùa xuân.  Chúng thân nhau đến nỗi nếu gọi tên một đứa, cả hai đều lên tiếng.  Thế giới của chúng nằm gọn trong cánh đồng cỏ có con suối nhỏ róc rách chảy ngang, nơi mà chúng mải mê bắt ếch nhái, nơi mà chúng cứ tưởng tượng là một ngày nào đó sẽ tìm thấy một mẩu tên đã rỉ sét hoặc đào được một kho tàng của bọn cướp đã chôn dấu lâu năm. Cũng là nơi chúng thường rong chơi suốt buổi trưa, ngồi tựa gốc cây vung tay ném những hạt đậu cho bầy sóc nâu nhỏ.

Cuộc sống của mẹ con tôi trong thời gian đó vất vả, và chúng tôi cố gắng bước đi từng ngày.  Lương lãnh ra từ hãng gói thịt chỉ đủ tạm cho mẹ con chúng tôi có những bữa cơm thanh đạm.  Nhưng so ra vẫn tương đối sung túc hơn gia đình của Kha.  Gia đình Kha rất nghèo, và bà mẹ thật chật vật mới nuôi đủ từng ấy miệng ăn, chưa kể quần áo, sách vở cho con cái.  Bù lại gia đình vẫn giữ được nề nếp cổ truyền.  Riêng mẹ Kha rất tự hào về nếp sống thanh bạch, đôi khi pha chút tự ái qua những luật lệ bà đặt ra cho con cái.

Tôi cố kiếm cho được một cây thông nhỏ dựng ở góc nhà, trang hoàng đèn đóm khiến căn nhà trông ấm cúng hẳn ra.  Mẫn và Kha đôi khi phụ giúp tôi làm món bánh ngọt hoặc đan những rổ nho nhỏ để treo lên cây thông.  Nhưng chỉ thoáng một chốc là chúng lại chay bay ra khỏi nhà, chui qua dãy hàng rào truyền điện, ngăn chia căn nhà tồi tàn của chúng tôi và nhà của Kha, và băng mình vào cánh đồng cỏ non xanh rì.

Vài đêm trước lễ Giáng Sinh, tôi đang bận rộn với những món bánh ngọt pha quế, Mẫn nói với tôi bằng một giọng vui tươi pha chút hãnh diện:
– Mẹ xem này, con mới mua cho Kha món quà Giáng Sinh.  Mẹ muốn biết là cái gì không?

Ồ! Hoá ra nó để dành tiền là để mua quà cho Kha, tôi nghĩ thầm.  Mẫn tiếp tục:
– Đây là món quà mà Kha mong ước từ lâu rồi.

Chùi vội tay vào cái khăn, Mẫn trịnh trọng lôi trong túi ra một hộp nhỏ.  Tôi mở hé nắp hộp và thấy một cái la bàn bỏ túi, cái la bàn mà Mẫn đã nhịn ăn vặt trong nhiều tuần, để dành tiền mới đủ mua cho Kha.  Chúng nó rất cần một cái la bàn như vậy để định phương hướng khi đi sâu vào khu rừng nhỏ phía sau nhà.
– Món quà thật dễ thương, con ạ!

Vừa nói xong, tôi cảm thấy một cái gì không ổn vì tôi biết mẹ Kha rất nghĩ ngợi về sự nghèo túng của gia đình họ.  Trong nhà đã không dám nói đến vấn đề quà cáp cho con cái vào dịp lễ thì làm sao Kha có thể trao đổi quà với Mẫn khi nó nhận được cái la bàn.  Tôi tin chắc rằng mẹ Kha sẽ không cho phép nó nhận món quà Giáng Sinh từ Mẫn, vì Kha sẽ không có gì để đổi lại.  Tôi nhẹ nhàng giải thích cho Mẫn về vấn đề đó và thằng bé tỏ ra rất hiểu biết.

– Con biết, mẹ ạ! Nhưng con đã có cách.  Nếu Kha không biết ai tặng quà thì mẹ nó sẽ cho nó giữ cái la bàn.

Tôi không biết phải trả lời sao với con tôi. Tôi thật sự không biết phải nói thế nào với nó.

Một ngày trước lễ Giáng Sinh, bầu trời âm u, lạnh lẽo và mưa tầm tã.  Trong căn nhà nhỏ hẹp, mẹ con tôi ngồi chống cằm buồn buồn nhìn bầu trời u ám ngoài kia và không tránh được tiếng thở dài ảo não. Nhưng bốn mẹ con tôi cũng sửa soạn lại phòng khách, dựng lại cây thông có bóng đèn điện nhấp nháy cho ngay ngắn, và chuẩn bị bữa cơm chiều để chờ đón thân nhân hoặc bè bạn có thể ghé thăm.

Đêm xuống.  Mưa vẫn rơi.  Đứng ở bồn rửa bát, qua lớp cửa kiếng mờ hơi sương, tôi nhìn mông vào bóng đêm và lòng cảm thấy buồn bã lạ thường.  Sao lại có thể mưa vào đêm áp lễ Giáng Sinh được? Mấy nhà thông thái phương Đông có thể rong ruổi trên lưng ngựa đến viếng Chúa Hài Đồng vào đêm mưa gió như thế này không?  Tôi nghĩ là không!  Theo tôi, những chuyện kỳ diệu và tuyệt vời chỉ xảy ra vào những đêm quang đãng, những đêm trong sáng để có thể thấy ngôi sao lạ trên bầu trời.

Khi xoay người lại nhìn nồi thịt heo hầm và khay bánh nướng trong lò, tôi thấy Mẫn mở cửa biến mình vào màn đêm.  Thằng bé chỉ khoác vội chiếc áo mưa, bên trong phong phanh một bộ đồ ngủ và nó nắm chặt hộp quà trong tay.  Mẫn băng qua cánh đồng cỏ sũng nước, trườn mình qua dãy hàng rào điện và tiến dần về phía nhà Kha.  Căn nhà Kha kia rồi, Mẫn nhủ thầm.  Nó nhón chân đi thật nhẹ đến trước cửa, nín thở mở cánh cửa lưới, đặt nhẹ hộp quà ngay ngưỡng cửa, rồi nhấn mạnh chuông.

Và nhanh như một con sóc, Mẫn quay người, chạy phăng xuống những bậc thềm, cúi đầu, cắm cổ chạy biến vào màn đêm để không ai thấy nó.  Bằng bất cứ giá nào Mẫn phải chạy khỏi khu đồng cỏ nhà Kha để không một ai biết nó lảng vảng trước nhà thằng bạn.  Trong đầu óc của nó chỉ còn tiếng thúc dục chạy, chạy nhanh lên…  Mẫn mải miết chạy băng qua cánh đồng và thình lình nó đâm người vào dãy hàng rào điện.

Cường độ dòng điện đủ mạnh đẩy Mẫn bật ngược về phía sau, ghim cắm thân hình nó xuống mặt đất. Mẫn nằm chết cứng trên thảm cỏ ướt.  Cả người Mẫn run lẩy bẩy và nó đang ôm lấy ngực, cong người để cố hớp lấy chút dưỡng khí.  Nằm chết rũ một lúc khá lâu, Mẫn mới gắng gượng ngồi dậy, khuôn mặt nó vẫn còn tái mét vì sợ hãi, cố chống tay đứng lên và chậm chạp lê bước chân yếu ớt đi về nhà.

“Mẫn!”, chúng tôi la lên và đâm bổ về phía cửa. “Sao vậy con?” Môi thằng bé run tái vì lạnh, đôi mắt thất thần nhìn chúng tôi mãi lúc sau mới thốt lên lời:

– Con quên mất hàng rào điện. Nó giật con mạnh quá!

Tôi ôm vội lấy thằng út người đầy những bùn.  Tội nghiệp con tôi!  Người nó vẫn còn run rẩy và tôi thấy rõ một vệt đỏ cháy phỏng chạy từ miệng ra đến tận mang tai. Tôi lấy ngay thuốc mỡ xoa lên vết thương rồi pha cho Mẫn một ly ca-cao nóng.  Uống xong ly sữa ca-cao, Mẫn lấy lại vẻ vui tươi thường ngày.  Khi ủ Mẫn vào giường ngủ, thằng bé nhìn tôi và nói:

– Mẹ ơi! Kha không thấy con đâu! Con tin chắc là nó chẳng thấy con!

Buổi tối hôm áp lễ Giáng Sinh đó, tôi buồn phiền đi vào giấc ngủ và chán nản tự hỏi tại sao một tai nạn quái ác như thế lại có thể xảy ra cho một thằng bé hết lòng vì bạn, tìm cách san sẻ niềm vui Giáng Sinh đến cho người khác kém may mắn hơn nó, làm theo đúng như lời Chúa đã dạy – làm phúc không cho tay trái biết.  Cả đêm tôi nằm trằn trọc với nhiều ý nghĩ.  Trong tôi đã nhuốm lên một chút tuyệt vọng về ý nghĩa truyền thống của ngày lễ Giáng Sinh: lễ an hòa, lễ tình thương.  Những ý nghĩa tươi đẹp đó đang chết trong hồn tôi và tôi cũng mất hẳn niềm tin về một ngày lễ kỳ diệu, tuyệt vời nhất của đời người.

Nhưng tôi đã lầm.

Buổi sáng hôm sau, mưa tạnh hẳn và ánh nắng chiếu rọi chan hoà trên muôn vật.  Vết cháy phỏng trên khuôn mặt Mẫn vẫn còn rõ nét nhưng tôi biết chắc là không còn nguy hiểm nữa.  Chúng tôi mở quà và không ngờ Kha đang đứng trước cửa nhà, gõ cửa.  Nó nhanh nhẩu khoe với Mẫn cái la bàn và kể lại câu chuyện bí ẩn tối hôm qua khi nó nghe tiếng ai bấm chuông và chạy ra mở cửa.  Rõ ràng là Kha không thể nào ngờ Mẫn là người tặng quà vào tối hôm trước và trong khi Kha liến thoắng kể chuyện, Mẫn chỉ mỉm cười.

Và tôi để ý thấy khi hai thằng bé khoe quà với nhau – gật đầu, ra hiệu, chuyện trò, Mẫn không còn nghiêng đầu về một bên nữa.  Lúc Kha nói chuyện, hình như Mẫn đang nghe bằng tai trái, bên tai bị điếc.  Vài tuần sau, cô y tá ở trường báo cho tôi một chuyện mà tôi đã biết trước là Mẫn đã nghe rõ bằng cả hai tai.

Làm thế nào mà Mẫn nghe được bên tai trái vẫn là điều bí ẩn.  Các bác sĩ cho rằng, khi Mẫn bị điện giật, cường độ của dòng điện đã khai thông hệ thống thính giác bị tắc nghẽn.  Có thể lắm chứ!  Nhưng cho dù giải thích thế nào đi nữa, tôi chỉ biết cảm tạ Thiên Chúa đã trao đổi quà và tặng cho con tôi một món quà Giáng Sinh vô giá vào đêm hôm đó.

Các bạn thấy không, những chuyện kỳ diệu và tuyệt vời vẫn tiếp tục xảy ra vào đêm Con Thiên Chúa xuống thế làm người.  Và người ta cũng không cần một đêm trong sáng để bước theo ngôi sao lạ trên bầu trời.

Diane Rayner – Hải Ngữ chuyển dịch

MONG CON MỌI NGÀY HÃY ĐẾN GẶP TA

ĐÃ BIẾT ĐƯỜNG ĐI CỦA TIM TA, MONG CON MỌI NGÀY HÃY ĐẾN GẶP TA.

Chuyện kể rằng :

Khi các mục đồng quay trở về sau khi đã gặp Thiên Chúa Giáng Sinh, mọi sự đều chìm trong tĩnh mịch.

Hài Nhi Giêsu ngẩng đầu lên nhìn về phía khung cửa đang hé mở.
Một cậu bé dáng rụt rè… lập cập run vì lạnh và sợ.

Hài Nhi lên tiếng:
–  Lại gần đây đi!  Sao bạn lại run sợ thế?

Cậu bé trả lời:
–  Con… con chẳng dám… con chẳng có gì cho Chúa cả.

Hài Nhi trả lời.
– Mình quá ư mong bạn làm cho mình một món quà!

Đứa bé trai xa lạ đỏ mặt xấu hổ.
– Thật sự là con chẳng có chi hết… chẳng có chi thuộc về con cả mà; nếu con có được cái chi thì con nhất định tặng cho Chúa tức thì… Chúa xem này…

Cậu bé vừa nói vừa lục tung cả cái túi quần vá nhiều chỗ, rồi lôi ra một lưỡi dao đã sét gỉ.
– Đó, Chúa thấy chưa, đó là tất cả những gì con có; nếu Chúa muốn, con xin tặng nó cho Chúa.

– Ồ không! Cứ giữ nó đấy. Mình muốn những cái khác của bạn kia. Mình mong bạn làm cho mình ba món quà.

– Con muốn làm cho Chúa lắm, nhưng con có thể làm gì cho Chúa?

– Bạn hãy tặng mình tranh vẽ cuối cùng trong những bức tranh bạn đã vẽ.

Cậu bé hoàn toàn bối rối, đỏ mặt. Cậu bước đến gần máng cỏ và, như để Mẹ Thánh Maria cùng Thánh Cả Giuse không nghe được điều mình nói, cậu thì thào vào tai Giêsu Hài Đồng:
– Con không thể… bức tranh con vẽ quá tệ … chẳng ai muốn xem bức tranh này!

Hài Nhi Giêsu trả lời.
– Chính vì thế mà mình muốn xem bức tranh ấy. Bạn phải luôn dâng cho mình cái mà người khác vất đi và những gì có trong bạn khiến người ta không bằng lòng.

Rồi Hài Nhi nói tiếp:
– Mình muốn bạn cho mình cái dĩa ăn của bạn.

– Nhưng mà con đã làm vỡ cái dĩa ấy hồi sáng rồi mà, cậu bé ấp úng đáp.

– Chính vì thế mà mình muốn cái dĩa ấy…  Bạn phải luôn dâng cho mình những gì đã vỡ nát trong đời bạn, mình muốn hàn gắn nó lại…

Và, giờ đây, bạn hãy lập lại câu trả lời mà bạn đã nói với cha mẹ bạn khi họ hỏi bạn tại sao bạn làm vỡ cái dĩa…

Cậu bé sa sầm nét mặt, cúi đầu hổ thẹn, và, buồn bã, cậu thì thào:
– Con đã nói dối với cha mẹ con … con đã nói rằng cái dĩa vô tình trượt khỏi tay con; nhưng đó không phải là sự thật… sự thật là lúc đó con đang giận dữ và đã cộc cằn hất cái dĩa ra khỏi bàn, nó rơi xuống sàn gạch lát và vỡ tan!

Hài Nhi Giêsu nói.
– Đó là điều mình muốn nghe bạn nói ra! Bạn hãy luôn trao cho mình những gì là khó chịu trong cuộc sống bạn, những dối trá, những vu khống, những hèn nhát và những ác độc của bạn.  Mình muốn cất bỏ những gánh nặng ấy cho bạn… Bạn chẳng cần những điều ấy…  Mình muốn bạn hạnh phúc và hãy luôn biết rằng mình hằng tha thứ những lỗi phạm của bạn.

Hài Nhi Giêsu ôm hôn cậu bé để cám ơn ba món quà vừa nhận, rồi nói thêm :
– Bây giờ bạn đã biết rõ con đường của Trái Tim mình, mình mong bạn, mọi ngày, cứ đến gặp mình…

Khuyết Danh – Trương Văn Tiến dịch – Trích Vietcatholic.net

MANG CHÚA ĐẾN VỚI MỌI NGƯỜI

Cuộc sống hàng ngày, thăm viếng nhau là chuyện hết sức bình thường. Nghe tin bên nhà ông A có chuyện không may, ông B đến nhà ông A thăm hỏi, chia sẻ niềm đau. Hoặc biết nhà bà B có tin vui, bà A đon đả chạy sang góp thêm tiếng cười, chia sẻ niềm vui.  Hai người hàng xóm thăm nhau, hai người bạn thăm nhau, những người trong thân tộc máu mủ, họ hàng thăm nhau, tất cả đều là chuyện bình thường của cuộc sống.

Bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay cho biết Đức Maria đi thăm bà Isave, người chị họ của Mẹ, khi nghe tin bà mang thai. Đây là một sự thăm viếng bình thường giữa hai người họ hàng của nhau.  Dẫu cho Đức Maria, lúc đó đã bắt đầu mang thai Chúa Giêsu, và dẫu cho bà Isave từ xưa tới nay không có con, bây giờ lại mang thai trong lúc già nua tuổi tác, thì việc Đức Maria thăm bà Isave vẫn là chuyện bình thường.  Có chăng, thì chỉ niềm vui là lớn hơn mà thôi.  Nhưng trong sự thăm viếng bình thường giữa hai người phụ nữ ấy, Thiên Chúa lại làm một điều rất phi thường. Vậy đâu là sự phi thường do bàn tay Thiên Chúa?

Vì đây không chỉ là một cuộc thăm viếng, gặp gỡ giữa hai người mẹ mà thôi. Nhưng trong cuộc thăm viếng giữa hai người mẹ, là một cuộc chào đón giữa hai người con, dù hai người con đó chỉ mới là bào thai trong lòng của hai người mẹ. Sự chào đón lạ thường này, đã khiến thánh Gioan Tiền Hô nhảy mừng trong lòng bà Isave, ngay sau lời chào đầu tiên mà Đức Maria dành cho bà.

Nhảy mừng là để diễn tả niềm vui.  Bào thai trong lòng bà Isave chính là thánh Gioan Tiền Hô, đã biểu lộ niềm vui mừng bằng động tác “nhảy mừng”. Niềm vui cho gia đình của thánh Gioan lớn lắm. Vì đây không phải là niềm vui bình thường, nhưng là niềm vui ơn cứu độ. Niềm vui lớn lao đó, trước hết không chỉ vì hạnh phúc được Đức Maria đến thăm, đúng hơn, cùng với sự thăm viếng của mình, Đức Maria đã mang Chúa đến viếng thăm gia đình thánh Gioan.

Niềm vui càng lớn và ý nghĩa nhiều hơn, khi vừa nhập thể trong lòng Đức Maria, nghĩa là vừa mới xuống thế làm người, Chúa Giêsu đã chọn gia đình thánh Gioan làm gia đình đầu tiên để Người thực hiện cuộc viếng thăm đầu tiên. Bởi thế, ơn cứu chuộc, lần đầu tiên đến trong trần gian, ngoài Đức Maria và gia đình thánh Gia, gia đình đầu tiên được diễm phúc đón nhận là chính gia đình của thánh Gioan. Còn hơn thế nữa, chẳng những được Chúa đến thăm, gia đình thánh Gioan còn hãnh diện vô cùng vì cùng với việc Đức Mẹ ở lại, gia đình thánh Gioan được Chúa ngự đến, hiện diện và cùng chung sống.  Chỉ có gia đình thánh Gioan là gia đình đầu tiên được diễm phúc như thế.

Thật ra bào thai không thể nhảy mừng, dù sẽ là một siêu nhân, cũng không bao giờ biết niềm vui, nỗi buồn, cũng chẳng hiểu được bất cứ một điều gì, để có thể nhảy mừng hay không nhảy mừng.  Nhưng ở đây, thánh Luca khẳng định rất dứt khoát: “Hài nhi nhảy mừng trong lòng bà”. Như vậy, ta phải giải thích làm sao cho hiện tượng kỳ diệu này? Chắc bạn đồng ý với tôi, đây là một phép lạ: Thiên Chúa đã thực hiện phép lạ tuyệt vời. Người đã làm cho một cuộc viếng thăm bình thường, trở nên rất đỗi lạ thường: thai nhi có thể nhảy cẩng lên mà vẫn bình yên vô sự. Sự nhảy mừng, đồng thời là phép lạ ấy, có được là do một bào thai khác, được một người mẹ khác mang trong lòng mình làm nên.  Người mẹ đó là Đức Maria, và bào thai mà Mẹ mang trong dạ, đó là Đấng Cứu Thế, là Thiên Chúa làm người. Chỉ có một Thiên Chúa và quy về Thiên Chúa, ta mới dám khẳng định đức tin của mình vào một sự kiện lạ thường như thế.

Vâng! Chỉ có Thiên Chúa mới làm nên điều kỳ diệu đến nỗi con người phải chưng hửng.  Do đó, việc Đức Mẹ thăm viếng bà Isave không còn là một cuộc thăm viếng bình thường nữa, mà là một cuộc trao ban ơn cứu độ. Mẹ đã mang chính Đấng là Ơn Cứu Độ tuyệt đối đến cho gia đình bà Isave.

Mẹ đến thăm bà Isave, thì trong hành động thăm viếng đó, Mẹ đã mang Chúa Giêsu đến cho gia đình bà Isave. Bởi vậy, bất cứ nơi nào người ta mang Thiên Chúa đến cho nhau, ở đó sẽ có niềm vui, có sự bình an, có ơn thánh, và sự cứu rỗi sẽ tràn ngập.

Trong cuộc thăm viếng người chị họ của mình, Mẹ Maria dạy chúng ta một bài học đáng giá: Hãy mang Chúa đến với mọi người, chứ đừng mang hận thù, đừng mang những suy nghĩ đen tối, những nghi kỵ đến với nhau. Chúng ta hãy bắt chước Mẹ để yêu thương và chia sẻ tình yêu với mọi người. Hãy cưu mang Chúa Giêsu trong tâm hồn, để như Mẹ, ta cũng có thể mang một tâm hồn tràn ngập sự sống của Chúa Giêsu và mang chính Chúa Giêsu đến với anh chị em xung quanh. Nhờ đó, mọi người sẽ chứa chan niềm vui, chứa chan ơn thánh, chứa chan niềm hạnh phúc và bình an.

LM. Vũ Xuân Hạnh
(BĐ1: Mk5:1-5, BĐ2: Dt.10:5-10, PÂ: Lc.1:39-45)

CÂU CHUYỆN ĐÊM GIÁNG SINH

Như thường lệ, mỗi mùa giáng sinh, tôi đều nhận được quà từ anh trai của tôi.  Giáng sinh năm ấy tôi cảm thấy vui nhất không phải chỉ vì món quà anh tôi tặng, một chiếc xe hơi, mà vì tôi đã học được một bài học rất thú vị vào cái đêm đông lạnh lẽo ấy…

Đã 7 giờ tối, mọi người trong công ty đã ra về gần hết, tôi cũng đang đi đến gara để lấy xe và về nhà ăn Giáng Sinh.

Có một cậu bé, ăn mặc rách rưới, trông như một đứa trẻ lang thang, đang đi vòng quanh chiếc xe tôi, vẻ mặt cậu như rất thích thú chiếc xe.  Rồi cậu chợt cất tiếng khi thấy tôi đến gần:

–  Đây là xe của cô ạ?

Tôi khẽ gật đầu:

–  Đó là quà Giáng sinh anh cô tặng cho.

Cậu bé nhìn tôi tỏ vẻ sửng sốt khi tôi vừa dứt lời.

–  Ý cô là… anh trai cô tặng chiếc xe này mà cô không phải trả bất cứ cái gì? Ôi! Cháu ước gì…

Cậu bé vẫn ngập ngừng.

Tất nhiên tôi biết cậu bé muốn nói điều gì tiếp theo.  Cậu muốn có được một người anh như vậy.  Tôi chăm chú nhìn cậu bé, tỏ vẻ sẵn sàng lắng nghe lời nói của cậu.  Thế nhưng cậu vẫn cúi gằm mặt xuống đất, bàn chân di di trên mặt đất một cách vô thức.

–  Cháu ước…, cháu có thể trở thành một người anh trai giống như vậy.

Tôi nhìn cậu bé, ngạc nhiên với lời nói vừa rồi.  Bỗng nhiên tôi đề nghị cậu bé:

–  Cháu nghĩ sao nếu chúng ta đi một vòng quanh thành phố bằng chiếc xe này?

Như sợ tôi đổi ý, cậu bé nhanh nhảu trả lời:

–  Cháu thích lắm ạ!

Sau chuyến đi, cậu bé hỏi tôi với ánh mắt sáng ngời đầy hy vọng:

–  Cô có thể lái xe đến trước nhà cháu không?

Tôi cười và gật đầu.  Tôi nghĩ mình biết cậu bé muốn gì.  Cậu muốn cho những người hàng xóm thấy cậu đã về nhà trên chiếc xe to như thế nào.  Thế nhưng tôi đã lầm…

–  Cô chỉ cần dừng lại ở đây, và có phiền không nếu cháu xin cô đợi cháu một lát thôi ạ…

Nói rồi cậu bé chạy nhanh vào con hẻm sâu hun hút, tối om, tưởng chừng như chẳng có ai có thể sống trong ấy.  Ít phút sau tôi nghe thấy cậu bé quay lại qua tiếng bước chân, nhưng hình như lần này cậu không chạy như lúc nãy mà đi rất chậm. Và đi theo cậu là một cô bé nhỏ nhắn, mà tôi nghĩ đó là em cậu, cô bé với đôi bàn chân bị tật.  Cậu bé đẩy chiếc xe lăn em cậu đang ngồi, một chiếc xe cũ kĩ, xuống những bậc tam cấp một cách rất cẩn thận, và dừng lại cạnh chiếc xe của tôi:

–  Cô ấy đây, người mà lúc nãy anh đã nói với em đấy. Anh trai cô ấy đã tặng một chiếc xe hơi cho cô nhân dịp Giáng sinh mà cô chẳng phải tốn lấy một đồng.  Và một ngày nào đấy anh cũng sẽ tặng em một món quà giống như vậy.  Hãy nghĩ xem, em có thể tận mắt thấy những món quà, những cảnh vật ngoài đường phố trong đêm Giáng sinh, và anh sẽ không phải cố gắng miêu tả nó cho em nghe nữa!

Tôi không thể cầm được nước mắt, và tôi đã bước ra khỏi xe, đặt cô bé đáng thương ấy lên xe.  Ánh mắt cô bé nhìn tôi đầy vẻ cảm phục và thân thiện.

Ba chúng tôi lại bắt đầu một chuyến đi vòng quanh thành phố, một chuyến đi thật ý nghĩa và tôi sẽ không bao giờ quên, khi những bông tuyết lạnh giá của đêm Giáng sinh bắt đầu rơi.

Và cũng trong đêm Giáng sinh ấy, tôi đã hiểu được sâu sắc ý nghĩa một câu nói của chúa Giê-su: “Không gì tốt đẹp hơn việc làm cho người khác hạnh phúc.”

Sưu tầm

CHÚA NHẬT HỒNG

Và con tim đã vui trở lại.  Tình yêu đến cho tôi ngày mai.  Tình yêu chiếu ánh sáng vào đời. Tôi hy vọng được ơn cứu rỗi.  Và con tim đã vui trở lại.  Và niềm tin đã dâng về Người.  Trọn tâm hồn, nguyện yêu mãi riêng Người mà thôi… Dẫu như tôi phải đi qua vực sâu tối, tôi vẫn không sợ hãi gì.  Vì Người gần bên tôi mãi…

Lời ca trong bài hát của nhạc sĩ Đức Huy “Và Con Tim đã Vui Trở Lại” diễn tả tâm tình của phụng vụ Chúa Nhật thứ Ba Mùa Vọng, còn gọi là Chúa Nhật Hồng.  Biểu tượng của mùa Vọng là mầu tím, mầu của mong nhớ đợi chờ.  Nhưng hôm nay ngọn nến hồng được thắp lên.  Có cái gì đó tươi sáng ấm áp trong không khí lạnh lẽo của những ngày lập đông.

Chỉ cần lưu tâm một chút, ta sẽ nhận ra ngay cái lý do chính trong niềm vui biểu lộ hôm nay.  Đó chính là vì Tình Yêu đang đến.  Con Thiên Chúa đang lặng lẽ viếng thăm dân Ngài như lời Gioan Tiền Hô mách bảo: “Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người.” (Lc 3, 16).  Theo lời Kinh Thánh, Đấng Cứu Thế đến để chiếu ánh sáng vào đời.  Ngài đến để đem lại cho thế giới niềm hy vọng cứu rỗi.

Thế nhưng sống trong thế giới hôm nay với bao nhiêu bất ổn bấp bênh, có đôi lúc chúng ta tự hỏi: Từ hồi Chúa Giêsu xuống thế đến nay đã trên hai ngàn năm rồi, mà có thấy thay đổi gì đâu?  Vẫn còn chiến tranh xung đột, nghèo đói bệnh tật, hà hiếp bóc lột, đổ vỡ ly tán.  Phải chăng những gì Kinh Thánh nhắc đến không phải là hiện thực?

Một người vô thần tranh luận với một Kitô hữu về niềm tin tôn giáo.  Người vô thần cho rằng tôn giáo chỉ là thuốc phiện, nhằm ru ngủ con người khỏi những bất công và đau khổ của cuộc sống.  Anh ta bảo:  “Tôn giáo có ích lợi gì đâu?  Đạo Kitô của anh đã có mặt cả hai ngàn năm rồi mà có cải thiện được gì đâu?”  Người Kitô hữu trả lời: “Đúng vậy!  Nhưng xà bông cũng đã được phát minh cả ngàn năm rồi, mà có thấy con người sạch sẽ hơn đâu!”

Vấn đề căn bản ở đây không phải là có hay không có niềm tin tôn giáo, nhưng là có thực hành niềm tin ấy, hay không.  Có xà bông mà không dùng, thì thân thể đầu tóc vẫn bẩn thỉu.  Có đức tin mà không có việc làm, thì cũng chỉ là đức tin chết.  Chúa Giêsu đã xuống thế làm người để chỉ cho ta một con đường chân thiện mỹ dẫn đến bình an và hoà giải, vui mừng và hy vọng.  Nhưng nếu ta không thực hành con đường ấy thì làm sao thế giới này đạt được hoà bình an lạc.

Thánh Gioan Tiền Hô nổi tiếng là người nói thẳng nói thật.  Khi làm phép rửa tại sông Giođan, Gioan đã không ngại ngùng bảo những người tìm đến với ông phải thay đổi cuộc sống.  Ông tuyên bố thẳng thừng: “Cái rìu đã đặt sát gốc cây; bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa.” (Lc 3,9).  Dìm mình vào dòng nước Giođan là phải chấp nhận một lối sống mới.  Quyết tâm thay đổi cuộc sống cần phải đi đôi với việc làm.  Nếu không thì hành động sám hối chỉ là một nghi thức xuông.

Mặc dù Gioan nói những lời tương đối khó nghe, nhưng dân chúng vẫn ào ào tuôn đến.  Họ khao khát chân lý, và những gì ông nói đã đánh động lòng họ.  Trong lòng mỗi người  đều thao thức “Chúng tôi phải làm gì?” (Lc 3,10).  Và Gioan đã cho họ những câu trả lời rất thực tế: Hãy sống theo lương tâm.  Hãy thực thi công bằng và bác ái.  Hãy làm đúng theo bổn phận của mình.

Ông Gioan kêu gọi dân chúng chia sẻ cuộc sống của họ với những người kém may mắn hơn.  Khi cho đi một cái áo, một tấm bánh là tập lối sống quảng đại, là bớt thu vén cho chính mình.  Ông không buộc người thu thuế bỏ nghề hay binh lính xuất ngũ, nhưng kêu gọi họ sống theo lương tâm, thực thi công bằng xã hội.  Khi người thu thuế không tham nhũng bóc lột, khi binh lính không hà hiếp chiếm đoạt, thì cuộc sống của dân chúng bớt lầm than hơn. Và đó là dấu chỉ của vui mừng và hy vọng.

Chẳng còn bao lâu nữa là chúng ta lại mừng lễ Giáng Sinh.  Nếu lễ Giáng Sinh đối với người Kitô là một ngày lễ mang tính cách tôn giáo chứ không chỉ là một lễ hội dân gian, thì chúng ta cần phải để ý nhiều hơn về chiều kích tâm linh, chứ không chỉ là những chuẩn bị bên ngoài.  Nếu chúng ta dành nhiều thì giờ cho việc mua sắm, trang hoàng, tập văn nghệ, thánh ca, nhạc kịch mà không dành giờ chuẩn bị tâm hồn, thay đổi nếp sống thì phỏng có ích gì?

Mùa Vọng mời gọi ta sống đạo năng động, ra sức đẩy lùi mọi biểu hiện tiêu cực, tầm thường, máy móc, vụ lợi, duy hình thức.  Chính trong chiều kích tích cực đó mà tôi cần ý thức rằng: Trong Mùa Vọng này, mỗi lời kinh tôi đọc, mỗi thánh lễ tôi tham dự phải là một đối thoại chân thành thực sự với Thiên Chúa.  Mỗi việc tôi làm, mỗi lời tôi nói phải là một biểu lộ thực sự của tình yêu, lòng khoan dung, vô vị lợi và quảng đại.  Mỗi công tác phục vụ, mỗi việc từ thiện bác ái, không còn là chuyện lăng xê bề ngoài làm để lấy tiếng, nhưng chính là nghĩa cử của tinh thần trách nhiệm, phục vụ và yêu thương.

Có như thế, con tim mới thật sự vui trở lại.  Và Mùa Vọng sẽ thật có ý nghĩa biết bao!

Antôn Phaolô, SJ
(BĐ1: Xp 3,14-18a; BĐ2: Pl 4,4-7; PÂ: Lc 3,10-18)

MỪNG VUI LÊN

“Mừng vui lên Sion! Này đây Chúa ngươi đến rồi!
Mừng vui lên Sion, Ngài khấng nghe lời ngươi đó!
Ngài dẫn đưa ngươi qua những hố sâu, qua núi đồi,
Về nơi an vui, nơi suối mát đẹp tươi…”

LM. Thành Tâm
(Trích từ  bài thánh ca “Vui lên, Sion”)

*****

Bạn thân mến! “Mừng Vui Lên” là chủ đề phụng vụ trong Chúa Nhật Thứ Ba Mùa Vọng hôm nay.  Phụng vụ với màu tím bao trùm mùa Vọng. Trong Mùa Vọng, người Kitô được mời gọi sám hối để lãnh nhận ơn giao hòa với Thiên Chúa. Nhiều người ngại xưng tội, ngại đào bới lại quá khứ.  Xưng tội mang dáng dấp của một cái gì buồn thảm! Thật ra bí tích Hòa Giải là một điều tươi vui hơn nhiều. Sám hối không phải chỉ là quay về quá khứ, mà còn là hướng đến tương lai với nhiều hy vọng.  Sám hối còn có màu hồng như màu áo lễ trong Thánh lễ Chúa nhật hôm nay.

Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay thuật lại rằng: Khi dân chúng đến với Gioan, nhận phép rửa sám hối, họ đã hỏi ông: “Thưa Thầy! Chúng tôi phải làm gì đây?” (Lc.3:10). Cả những người thu thuế và binh lính cũng hỏi những câu tương tự.

Tôi phải làm gì đây? Gioan đã trả lời một cách thật rõ ràng.  Đối với người thu thuế, ông bảo họ: ”Đừng đòi hỏi gì quá mức đã ấn định cho các anh” (Lc.3:13). Ông cũng bảo các binh lính: “Chớ hà hiếp ai, cũng đừng chiếm đoạt của người, hãy bằng lòng với đồng lương của mình.” (Lc.3:14).

Tôi phải làm gì đây?  Phải chăng Gioan muốn mời gọi ta thay đổi cuộc sống, nhắn nhủ ta phải ăn năn sám hối. Sám hối không phải chỉ là một cảm xúc mông lung, xa rời thực tế.  Sám hối đích thực dẫn đưa ta đến một hành động cụ thể. Sám hối là sống bác ái, có hai áo chia cho người một. Nhường cơm sẻ áo là ra khỏi nỗi bận tâm về mình.  Sám hối là sống công bằng, không tham lam vơ vét, không dùng quyền lực để cưỡng đoạt, áp bức ai. Sám hối là hết nô lệ cho của cải, tiền bạc, quyền lực.

Trong niềm trông chờ Chúa đến, Gioan nhắn nhủ ta dọn đường cho Chúa đến bằng sám hối ăn năn, ông mời gọi ta chỉnh đốn lại con đường đến với Chúa và với tha nhân. Trở về với Chúa diễn tả qua việc trở về với anh em. Gioan không bắt những người thu thuế bỏ cái nghề ô nhục, cũng không đòi những người lính Do thái bỏ phục vụ Hêrôđê.  Ông cũng không bảo họ lên đền thờ dâng lễ đền tội, hay vào hoang địa sống nghiêm ngặt như mình.  Họ cứ làm nghề của họ, nhưng với một tinh thần mới, một hành động mới … Phải chăng sám hối và thay đổi cuộc sống là bước đầu chuẩn bị cho Chúa đến và cũng là ngưỡng cửa bước vào sự hiệp thông với Người.

Trong dân chúng thời bấy giờ, Gioan cao trọng đến nỗi người ta đã có thể coi ông là Đấng Thiên Sai. Nhưng Tin Mừng hôm nay thuật lại hành động khiêm nhường của Gioan, ông đã tự hạ trước sự cao cả của Đấng Thiên Sai mà ông chỉ đóng vai là kẻ dọn đường cho Ngài:”Phần tôi, tôi làm phép rửa cho anh em bằng nước, nhưng có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người.”(Lc.3:16). Vì là kẻ dọn đường nên ông phải nhỏ bé đi để Đấng Thiên Sai được lớn lên.

Hôm nay trong thinh lặng, ta cần lắng đọng tâm hồn và thưa với Chúa:  Con phải làm gì để dọn lòng đón Chúa đến trong mùa Giáng Sinh này? Con phải làm gì để luôn luôn sẵn sàng đón Chúa đến, nhất là trong ngày sau hết của cuộc đời con ?

*****

Lạy Chúa! Rất nhiều lần con chỉ nghe Lời Chúa dạy, nhưng lại không dám đem ra thực hành.  Xin cho con đừng hời hợt khi nghe Lời Chúa, đừng để nỗi đam mê làm Lời Chúa trở nên xa lạ.  Xin giúp con dọn dẹp tâm hồn, để hạt giống Lời Chúa được lớn lên trong con.

Và Lạy Chúa! Xin giúp con biết sám hối ăn năn, biết thay đổi cuộc sống, biết  quay về với Chúa trong mùa Giáng Sinh này, và trong suốt cuộc đời con . Amen

Tổng hợp từ R. Veritas
(BĐ1: Xp 3,14-18a; BĐ2: Pl 4,4-7; PÂ: Lc 3,10-18)

NGƯỜI CON GÁI CHỦ QUÁN

Tôi sẽ kể cho các bạn nghe những gì tôi chứng kiến và cảm nhận trong đêm Noel đầu tiên ấy. Tôi có thể giới thiệu bằng tên của mình, nhưng tên tôi sẽ không nói lên được gì.  Các bạn sẽ thấy gần gũi tôi hơn nếu tôi bảo rằng chính tôi là đứa con gái chủ quán trọ mà ông Giuse và bà Maria đến xin tá túc đêm đó.  Năm ấy, tôi độ 7, 8 tuổi.

Tôi đang ở vào lứa tuổi vừa đủ trí khôn để hiểu rằng thế giới người lớn là một thế giới tôi không thể nào hiểu nổi.  Cha mẹ tôi suốt ngày bận bịu với những người lạ mặt.  Họ đến, ăn uống, ca hát, gây gỗ một vài đêm, rồi ra đi.  Cha mẹ tôi nhẹ nhàng tươi cười với họ, kể cả những khi họ tỏ ra thô lỗ cộc cằn.  Sau những lần như vậy, cha mẹ tôi lại giận dữ cau có sau lưng họ, và trút lên đầu tôi những bực dọc vô lý đó.  Có lần mẹ tôi thấy tôi khóc vì oan ức, bà an ủi tôi bằng cách cho tôi biết rằng cha mẹ cần đến những người ấy vì họ có tiền, cha mẹ cần có thật nhiều tiền để cho tôi vui sống.  Tôi không hiểu gì nhiều …  Tôi chỉ thấy rằng cha mẹ ít khi tươi cười với tôi, và tôi chẳng có ai để trò chuyện.

Tóm lại từ khi 7 tuổi, tôi đã là một đứa bé hiểu được quá sớm rằng mình đang thiếu một cái gì đó, một cái gì thật căn bản để tạo ra niềm vui trong cuộc sống, và cái gì đó chắc chắn không phải là tiền.  Cuộc sống của tôi trôi đều đều như thế cho đến đêm hôm ấy.

Những ngày vừa qua, lữ khách đến quán trọ của chúng tôi tấp nập hơn, xa lạ hơn . Hình như họ đã đổ xô từ khắp nơi về đây.  Cha mẹ tôi bận rộn suốt ngày.  Cha mẹ tôi càng niềm nở với khách lạ bao nhiêu thì càng gắt gỏng với tôi bấy nhiêu.  Vì thế tối hôm đó, tôi lánh mặt trên gác một mình.

Đã hơn 8 giờ tối rồi mà khách lạ vẫn còn tuôn đến.  Mẹ tôi dọn cho khách ăn trong nhà, còn cha tôi đứng ở cửa chờ khách.  Cha tôi chỉ nhận vào quán trọ những người khách có dáng giàu sang, còn những người có vẻ nghèo hèn thì ông khéo léo xua đuổi.  Tôi cảm thấy buồn vô hạn khi nhìn thấy những người khách nghèo cúi mặt quay đi.

Bỗng nhiên tôi chú ý đến hai người nãy giờ đứng thật lâu trong bóng tối.  Họ có vẻ nghèo nàn và mệt mỏi.  Hình như là hai vợ chồng trẻ, nhưng chỉ có một con lừa cũng mệt mỏi như họ.  Có lẽ họ đã đi từ nơi nào xa lắm.  Họ do dự một lúc lâu, rồi người chồng bước đến gặp cha tôi.  Ông ta nói điều gì đó tôi không nghe rõ.  Cha tôi nhìn người khách từ đầu đến chân rồi trả lời:

–  Xin cảm phiền nhé, quán tôi hết chỗ rồi.

Người đàn ông đưa mắt nhìn cha tôi với cái nhìn van xin, tay chỉ về phía người vợ, ông ấp úng một câu gì đó.  Tôi nghe cha tôi nói tiếp:

–  Tôi rất thông cảm, nhưng không biết làm sao.  Vợ ông không đủ sức đi xa hơn nữa, nhưng quán tôi quả thật không còn chỗ.

Tôi muốn chạy ngay xuống và la lên với cha tôi rằng quán vẫn còn chỗ, rằng tôi sẵn sàng xuống bếp ngủ đêm nay, dành phòng cho hai vợ chồng ấy.  Nhưng tôi biết có nói cũng vô ích, vì chắc chắn cha tôi sẽ nạt rằng con nít không được xen vào chuyện người lớn.

Người đàn ông không nói thêm gì nữa, nhưng tôi thấy đôi mắt của ông ta long lên trong bóng đêm.  Trước cảnh đó, mắt tôi bỗng nhòa đi trong màn lệ, tôi không còn nghe gì, thấy gì nữa.  Khi tôi trấn tĩnh lại để có thể nhìn rõ mọi vật, tôi thấy người đàn ông dắt lừa chậm rãi bước về phía chuồng bò. Các bạn phải hiểu là tối hôm đó tôi không tài nào chợp mắt được.  Trằn trọc mãi cho tới khuya, tôi khẽ bước xuống giường và lén ra khỏi nhà.  Tôi không dám sờ soạng tìm áo lạnh vì sợ gây tiếng động làm cha mẹ tôi thức giấc.  Tôi vẫn nhát gan, nhất là trước bóng đêm, nhưng không biết sao đêm nay có một cái gì thúc bách khiến tôi không thể nào nằm yên được.  Tôi ra khỏi nhà, lần mò xuống chuồng bò xem hai vợ chồng lúc tối ngủ thế nào.

Nhưng kìa, họ vẫn còn thức, và chuồng bò lại sáng như ban ngày, sáng hơn cả phòng ăn trong quán trọ của chúng tôi.  Lạ một điều là trong chuồng bò không có ngọn đèn nào cả, chỉ có một đám lửa rơm sắp tàn.  Rồi vẳng nghe ở đâu đó có một loại âm thanh nhẹ nhàng như tiếng suối, như tiếng chim, như tiếng gió vờn trên hoa dại mùa xuân.  Một âm thanh tôi chưa bao giờ nghe qua.  Ngỡ mình ngủ mê, tôi thử cắn vào tay, vẫn cảm thấy đau.  Nhưng sao tôi vẫn không thấy lạnh, cũng không cảm thấy sợ hãi.

Nhìn vào trong, tôi thấy người phụ nữ ngồi bên máng cỏ, trên đó có một cậu bé đang nhắm mắt ngủ yên, bên cạnh, người chồng đưa tay vuốt ve đầu con lừa chăm chú nhìn cậu bé con.  Đúng là một cậu bé.  Hồi tối tôi đâu có thấy cậu bé này!

Tôi chẳng có thì giờ suy nghĩ, vì cậu bé đã thức giấc.  Cậu đưa mắt nhìn mẹ và mỉm cười.  Người vợ đưa mắt nhìn chồng, rồi cả hai cũng mỉm cười.  Và điều lạ đã xảy ra: con lừa cũng mỉm cười.  Tôi cam đoan với các bạn là lừa cũng biết cười, vì rõ ràng tôi nhìn thấy.  Chuồng bò như rạng rỡ vì những nụ cười ấy.

Và tôi chợt hiểu rằng sở dĩ cuộc đời tôi u buồn vì chưa hề đón nhận được nụ cười nào như thế. Đồng thời tôi cảm thấy sung sướng, và biết rằng vẫn có những nụ cười chân tình trên cuộc đời này.

Tôi đứng đó thật lâu, rồi im lặng trở về phòng.  Cha mẹ tôi vẫn còn ngủ.  Chỉ có một mình tôi đang thức trong căn nhà này.  Tôi có cảm giác cha mẹ tôi đã ngủ lâu lắm rồi.

Vì ngủ mê, nên không biết rằng có một thứ nghèo đáng sợ hơn nghèo tiền nghèo bạc, đó là nghèo tình thương.
Vì ngủ mê, cha tôi không còn chỗ trong lòng mình để chấp nhận người khác nên ông bảo rằng quán trọ không còn chỗ.
Và chỉ có những người ngoài kia là thức.
Vì thức tỉnh, nên cho dù trong chuồng bò giá buốt họ vẫn có nụ cười trên môi.
Vì họ thức, nên mới đánh thức tôi đêm nay.
Và vì tôi thức, nên tôi nghĩ rằng đã đến lúc phải đánh thức người khác, bắt đầu từ cha mẹ tôi.

Trần Duy Nhiên – Trích “Chia Sẻ Giáng Sinh”

KHÚC NHẠC THIÊN THẦN

Hồi còn nhỏ, khi nơi nơi vang lên những bài hát Giáng Sinh, nhất là bài “Tiếng Hát Thiên Thần”, tôi lại thắc mắc không biết các thiên thần đàn hát tuyệt vời đến cỡ nào.  Cái đầu óc non nớt của tôi cứ thầm ước mong sao cho mình được nghe các âm thanh huyền diệu đó.  Và ước mơ trẻ con này vẫn âm thầm theo tôi qua năm tháng, cho tới một ngày nọ, khi đã bước vào tuổi thanh niên, tôi bất ngờ được nghe tận tai một “khúc nhạc thiên thần” tấu lên ngay bên cạnh mình.  Câu chuyện là như thế này :

Hồi đó tôi đang trọ học tại đường Nguyễn Thông, gần nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế, Sài Gòn. Trong những tháng ngày loạn lạc chiến tranh, tôi tự nhiên “ngoan đạo” hẳn ra: những lúc lo lắng hay buồn chán, tôi thường đến cầu nguyện tại hang đá Đức Mẹ. Đứng dưới chân Mẹ, tôi tìm được nơi nương tựa và nguồn an ủi cho linh hồn “lang bạt kỳ hồ” của mình.  Dần dà, hang đá Đức Mẹ trở thành nơi “hẹn hò” của Mẹ và tôi.  Tôi đâm “ghiền” đến đó để nhìn lên Mẹ, như một đứa con lãng bạt sau những giờ phút lang thang tạt về nhà để nhìn người mẹ hiền hậu dịu dàng của mình.

Hôm đó, tôi đang khoái chí ngắm nhìn Mẹ tôi, thì bỗng đâu có một người bước tới gần bên tôi. Đó là một người đàn ông trung niên, vai mang túi hành khất, tay cầm đàn măng-đô-lin.  Nghĩ rằng người hành khất này đến để xin bố thí, tôi thọc tay vào túi định lấy tiền để giúp ông.  Nhưng thật bất ngờ, người hành khất không chìa tay ra phía tôi mà lại ngước nhìn lên Mẹ, tay nâng đàn lên, ông say sưa gảy một khúc nhạc mà tôi nghe rất réo rắt.  Ông đăm đăm nhìn lên Mẹ, khuôn mặt ông sáng lên một cách lạ lùng.  Trọn cả con người lẫn khúc nhạc của ông như quyện chặt vào nhau bay về phía Mẹ.  Dường như đối với ông thời gian và không gian đang chựng lại. Không còn gì có thể làm ông chia trí được nữa.  Ông như không còn thấy gì, không còn nghe gì từ bên ngoài nữa.  Tôi thấy ông đang thật sự xuất thần: cơn xuất thần của một nghệ sĩ đang dâng lên trời tiếng đàn mà cũng là tiếng lòng của linh hồn mình.  Phút giây đó, tôi chắc chắn mình đã nghe được “khúc nhạc thiên thần” mà tôi vẫn thường mơ ước từ khi còn là chú bé tẻo teo: với tôi, khúc nhạc của người hành khất này trong veo và thiêng liêng thánh thiện quá, chắc chắn nó sẽ bay vọt thẳng về trời và hoà nhập với muôn ngàn khúc nhạc mà các thiên thần đang không ngừng tấu lên để ca tụng Thiên Chúa trên thiên quốc.  Trời ơi, khúc nhạc gì mà lạ lùng quá đỗi !

Cũng trong giây phút tuyệt vời đó, tôi cảm nghiệm được rất rõ một điều: người hành khất cao cả này đang góp phần “rửa tội” cho nền âm nhạc của nhân loại, một nền âm nhạc vốn tinh tuyền lành thánh, nhưng lắm lúc đã bị những con người phàm trần tội lỗi làm vẩn đục băng hoại đi. Thay vì dùng âm nhạc để dẫn đưa nhân loại vươn lên đến Chân, Thiện, Mỹ; thì một số nhạc sĩ, ca sĩ, nhạc công… đã dùng âm nhạc để lôi kéo con người xa rời nhân tính và rơi vào hố sa đọa! Âm nhạc thay vì xây dựng và nuôi sống thì lại phá đổ và làm cho chết đi.  Vì thế, âm nhạc cũng cần được “cứu độ” !

Ngôi Hai Thiên Chúa đã xuống thế làm người để cứu độ và ban lại cho con người hình ảnh nguyên tuyền trong thuở đầu tạo dựng.  Sau khi đã cứu độ con người, Ngài lại ban cho con người khả năng tiếp tay với Ngài trong công cuộc cứu độ thế giới.  Nhờ Chúa Giê-su Ki-tô, người Ki-tô hữu được thông dự vào việc “canh tân bộ mặt trái đất” với tất cả các thực tại trần thế của nó.  Do đó, người Ki-tô hữu có khả năng và có sứ mạng “thánh hóa” âm nhạc, làm cho âm nhạc trở thành đôi cánh nâng con người bay lên thiên quốc, nơi mà “các thiên thần đàn ca chúc tụng Thiên Chúa ngày đêm không ngớt”.

Ôi, người hành khất tuyệt vời mà tôi may mắn được gặp trong đời.  Xin hết lòng tri ân khúc nhạc thiên thần ông đã tấu lên ngày hôm ấy.  Nhờ ông, tôi đã được hưởng nếm một chút xíu niềm hân hoan của trời cao.  Niềm hân hoan mà nếu tôi trung thành với ơn gọi Ki-tô hữu của mình đến cùng thì chắc chắn ngày sau tôi sẽ được cùng ông chung hưởng đến muôn đời.

Xin kính tặng ông – một người mà chắc tôi sẽ không bao giờ được gặp lại trong cuộc sống này – bài thơ đã được cưu mang trong tiếng đàn kỳ diệu của ông ngày hôm ấy, thay cho lời cám ơn mà tôi đã không nói được thành lời :

GIAO DUYÊN
“Chốc ấy Ngôi thứ Hai đã xuống thế làm người
và ở cùng chúng tôi”
(Kinh Truyền Tin)

Bao giờ nhạc là thơ ?
Trăng gác núi trông chờ.
Mây bay đời phiêu dạt.
Gió buồn ru hững hờ.
Bỗng dưng gió ngẩn ngơ
Xui trăng vàng thảng thốt
Gom mây kết lời thơ
Thành bài ca thánh thót.
Bây giờ nhạc là thơ
Trăng thôi hết trông chờ
Cho gió về mở hội
Mây xe kết mộng mơ!

Trầm Tĩnh Nguyện

TIẾNG KÊU

Một khuôn mặt quen thuộc của Mùa vọng, đó là khuôn mặt của thánh Gioan Tiền Hô.  Bài Tin mừng Chúa Nhật hôm nay cũng nhắc đến thánh nhân và những việc Ngài đã làm: “Có tiếng người kêu trong hoang địa: hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi. Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy, mọi núi đồi, phải bạt cho thấp, khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải san cho phẳng ” (Lc.3:4-6)

*****

Bạn thân mến! Tiếng kêu trong hoang địa là của thánh Gioan Tiền Hô. Và con đường mà Ngài nhắc tới không phải là một con đường trong không gian thể lý, nhưng là con đường nội tâm của mỗi người. Sửa chữa con đường nội tâm là thay đổi cõi lòng, thay đổi cuộc sống để xứng đáng đón tiếp Con Thiên Chúa xuống làm người. Sửa đường cho Chúa đến là điều cần thiết và hợp lý.  Bởi vì khi đón tiếp một vị khách quí, người ta thường sửa sang đường sá, quét dọn những nơi vị khách sẽ đi qua, trang trí đẹp đẽ tại những nơi vị khách sẽ đến.  Làm như thế là biểu lộ lòng kính trọng đối với vị khách.

Thiên Chúa là một vị khách cao cả không ai sánh bằng. Người đã đến trong thế gian và đã ở lại sống với con người. Vậy mà Người chẳng được đón tiếp như Người đáng được. Thánh sử Gioan đã viết: “Người đã đến nhà Người, nhưng người nhà đã không chịu đón tiếp Người”. Vì thế mà lời kêu gọi của thánh Gioan Tiền Hô trở thành một tiếng kêu trong sa mạc. Tiếng kêu trong sa mạc là tiếng kêu không có người nghe, là tiếng kêu vang vọng vào không trung rồi bay đi, bởi sa mạc là nơi hoang vắng, nơi không có người để tiếp nhận tiếng kêu.

Không phải chỉ dân Do thái ngày xưa không chịu đón tiếp Con Thiên Chúa làm người.  Con người của thời đại hôm nay cũng thế.  Lời Chúa đã được Hội thánh loan báo không phải ở trong sa mạc nhưng ở nơi đô hội, ở chốn đông người, vậy mà lời loan báo ấy cũng không khác gì tiếng kêu trong sa mạc. Có nhiều thứ sa mạc ở nơi chính cõi lòng con người hôm nay:

  • Sa mạc của sự lãnh đạm, thờ ơ. Đã nhiều lúc ta sống như thể không có Chúa và không cần Chúa.
  • Sa mạc của sự vô cảm về mặt tâm linh và luân lý. Đã biết bao lần ta coi Thiên Chúa là cái bụng, là tiền bạc, là danh vọng, là lạc thú xác thịt. Bận tâm duy nhất của ta là làm sao kiếm cho thật nhiều tiền. Và khi đã có tiền trong tay thì ta tìm cách để hưởng thụ. Ngoài ra không còn gì nữa cả. Không còn niềm tin, không còn luân thường đạo lý, không còn lương thiện, không còn đạo đức, không còn nhân ái, không còn vị tha, không còn công bình, không còn trung tín…

Lời Chúa trong Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay thúc giục ta hãy từ bỏ nếp sống cũ để quay về với Thiên Chúa . Từ bỏ là một cuộc chiến đấu không ngừng nghỉ, đó là một cuộc chiến đấu với chính mình.  Cuộc chiến đấu được Thánh Gioan Tiền Hô dùng lời tiên tri Isaia diễn tả trong việc sửa chữa con đường. Con đường là tâm hồn. Sửa chữa con đường vật chất tuy khó nhưng mà dễ.  Sửa chữa con đường tâm hồn thì khó biết bao. Tâm hồn có những núi đồi kiêu ngạo tự mãn. Để sửa chữa phải bạt núi đồi xuống.  Phải cắt đi một phần tâm hồn không phải dễ dàng. Tâm hồn có những khúc quanh co, để uốn nắn lại phải vạt bớt chỗ quanh co. Gọt dũa tâm hồn đau đớn lắm. Từ bỏ mình là một cuộc chiến khốc liệt. Thắng được mình khó hơn thắng vạn quân.

Hôm nay ta hãy nghe lời Thánh Gioan Tiền Hô dạy, biết ăn năn sám hối trở về với Chúa.  Biết rửa sạch tội lỗi.  Biết đổi mới tâm hồn bằng cuộc sống đi vào nội tâm. Tìm những giờ phút thanh vắng cô tịch để lắng nghe tiếng Chúa.  Sống đơn sơ khiêm nhường để trở nên giống Chúa.  Muốn được như thế ta phải chiến đấu để từ bỏ ý riêng.  Chúa đã đến ở đầu đường. Ta chưa nhìn thấy Ngài chỉ vì con đường tâm hồn của ta còn lồi lõm quanh co.  Khi nào ta cắt bỏ được hết những lồi lõm quanh co trong tâm hồn, ta sẽ được thấy Chúa.

*****

Lạy Chúa!  Thật là khó khi nhận mình lầm lỗi, và cũng không dễ dàng khi phải sửa chữa lỗi lầm.

Xin ban cho con ơn sám hối, dám đi đến những hành động cụ thể, và can đảm chấp nhận cắt tỉa đớn đau, để con xứng đáng đón rước Chúa đến trong mùa Vọng này, vì Chúa chính là nguồn vui ơn cứu độ cho cuộc đời của con. Amen.

Tổng hợp từ R. Veritas
(BĐ1:Br 5:1-9;  BĐ2: Plm 1:4-6; PÂ: Luca 3:1-6)