CẮT TỈA

“Thương con cho roi cho vọt…”.  Hẳn Thiên Chúa Tình Yêu cũng áp dụng nguyên tắc này khi muốn cho con cái mình được gắn kết với Ngài cách mật thiết, lớn lên cách mạnh mẽ, và sinh hoa kết trái cách dồi dào.  Chỉ vì yêu thương, Thiên Chúa áp dụng mọi phương thức và không loại trừ một giải pháp nào.  Ngài thanh luyện, Ngài đẽo gọt, Ngài cắt tỉa.

Nhưng có sự cắt tỉa nào mà không ray rứt, có cuộc sinh nở nào mà không thương tổn?

Bạn thân mến,

Thật trớ trêu, khi nói đến mầu nhiệm sự sống thần linh thông chuyển cho những ai nên một với Ngài, Chúa Giêsu không dùng hình ảnh nào khác ngoài hình ảnh thân nho và cành nho, một biểu tượng của sự gắn bó, gần gũi và xoắn xít lẫn nhau; đồng thời Ngài cũng nói đến việc cắt tỉa: Thầy là cây nho, chúng con là cành, cành nào kết hợp cùng cây sẽ trổ sinh hoa trái, và “cành nào sinh trái, Cha Thầy, người trồng nho, sẽ cắt tỉa để nó sinh trái nhiều hơn”.

 Vậy thì, để cành nho có thể gắn bó mật thiết với thân nho, có thể hưởng nhận sức sống hầu có thể có được một mùa bội thu, cắt tỉa là điều không thể miễn trừ; và lạ thay, càng được cắt tỉa, càng có cơ may sinh nhiều hoa trái.

Những tháng mùa đông, các cây trồng cần được cắt tỉa, một quá trình gây thương tổn nhưng không có nó, chủ vườn sẽ không loại được những chồi dư, cành thừa vốn sẽ làm tiêu tốn sức sống của cây. Mục đích của việc cắt tỉa không phải là bắt cành cây phải chịu đau đớn nhưng là giúp cây có cơ may trổ sinh nhiều hoa lộc.

Ấy thế, mỗi chúng ta, mỗi cành nho của thân mình Đức Kitô, Cây Nho Đích Thực, đều cần được cắt tỉa.  Thiên Chúa Chủ Vườn, người Cha khôn ngoan đang cắt tỉa chúng ta mỗi ngày:

* Cắt tỉa bằng Lời Chúa, vì Lời Ngài sắc bén tựa gươm hai lưỡi, xé nát tâm hồn và dò xét tâm can.

* Cắt tỉa bằng sự thiêu rụi của Thánh Thần, vì mọi sự sẽ phải qua lửa.

* Cắt tỉa bằng những biến cố lớn nhỏ trong đời, vì mỗi sự kiện có thể là một cuộc thi luyện lòng quảng đại.

* Cắt tỉa bằng những con người, những cộng đoàn, vì tha nhân là dụng cụ Thiên Chúa dùng để mài giũa ta.

* Cắt tỉa bằng tiếng kêu ơi ới mỗi ngày của lương tâm, vì ở đó có vị Thẩm Phán Tối Cao.

Cắt tỉa được thực hiện mỗi ngày, mỗi giờ và nhiều lúc Chủ Vườn phải chuẩn bị hàng năm, đôi khi cả hàng chục năm.  Đến thời đến buổi, Ngài ra tay.  Và một khi Ngài ra tay, có thể bấy giờ không còn đơn thuần là cắt tỉa chăm chút, nhưng đôi lúc, đó thực sự là một cuộc đại phẩu bán sống bán chết, một mất một còn cho niềm hy vọng vụ mùa bội thu mai ngày.

Lần giở các trang Kinh Thánh, chúng ta đọc thấy biết bao lần Thiên Chúa đã cắt tỉa: cắt tỉa cá nhân, cắt tỉa cộng đoàn, cắt tỉa cả một dân tộc, cắt tỉa mọi con cái loài người Ngài đã dựng nên. Với Abraham, “Hãy đem Isaac con một ngươi lên núi hiến tế Ta”; với ông Job, Ngài lột sạch, “Thân trần truồng sinh từ lòng mẹ, tôi sẽ trở về đó trần truồng”; với Đavid, Đức Chúa đã bóp mũi đứa con đầu lòng của ông với bà Batseva, vợ Uria; với Phaolô, Ngài vật ngã ông trên đường Đamas, cho ông tơi bời ê ẩm đến mù cả mắt; và với Giêsu Con Một Yêu Dấu, Ngài cũng không miễn trừ, ngược lại, đã để Con mình thành mẫu mực bị cắt tỉa đến độ phải thốt lên trên cây thánh giá: “Cha ơi, Cha ơi, sao Cha bỏ con?”.

Này bạn,

Bằng cách nầy cách khác, Thiên Chúa Tình Yêu nhân từ và khôn ngoan sẽ bứng cho bằng được cái ung bướu xơ cứng mãn tính vốn đang di căn nơi nhân cách, nơi linh hồn, nơi con tim hoá thạch của mỗi người chúng ta.  Đau đớn thay! Xót xa thay! nhưng không còn chọn lựa nào khác, Ngài buộc phải làm. Ngài xô con người xuống tận vực sâu, nhận nó xuống bùn đen, tung nó lên như tung bóng; Ngài lột trần nó ra, phơi bày tô hô dưới ánh mặt trời những gì vay mượn, những gì che đậy và những gì trói buộc khiến nó không thể sinh hoa kết trái như Ngài hằng chờ mong.

Chỉ vì yêu thương, Thiên Chúa quyết định ra tay.  Ngài thấy rằng, qua bao mùa nho, trái trăng Ngài mong chỉ toàn là những quả giả: mơn mởn nhưng ít ỏi, bóng loáng nhưng chua lè, tất cả chỉ vừa đủ để tô điểm một khu vườn bát ngát của ích kỷ, mênh mông của vụ lợi, và đại ngàn của hám danh… đang khi điều Ngài chờ mong lại là hoa của công chính, trái của bình an và quả của hoan lạc trong Thánh Thần.

Nói đến đây, ai trong chúng ta khỏi phải rùng mình sởn gai ốc khi nhớ lại ít nữa một lần trong đời được Thiên Chúa cách nầy cách khác cắt tỉa và chặt phăng.  Ngài chặt phăng không tiếc xót một cái gì đó, một ai đó mà Ngài thấy cần thiết cho linh hồn, cho nhân cách, cho sự lớn lên và nhất là cho chúng ta được nên một với Ngài.  Một cái gì đó, một ai đó vốn đã làm thất thoát hay làm tắc nghẽn mạch sống thần linh của Con Một Ngài khiến chúng ta không tiếp nhận được nhựa sống đó và rốt cuộc, không sinh được hoa bác ái, không kết được trái yêu thương.

Bạn thân mến,

Bằng mọi cách, Thiên Chúa đã cắt tỉa, uốn nắn mỗi người chúng ta.  Hãy thâm tín rằng, dù có nhức nhối đến đâu, dù có thương tổn đến mấy thì Ngài vẫn là một Thiên Chúa từ ái và khôn ngoan, kiên nhẫn và đại lượng.  Ngài làm mọi sự chỉ để mưu ích cho phần rỗi chúng ta, hầu chúng ta có thể gắn kết mật thiết với Ngài; sung mãn nhựa sống của Ngài hầu sinh hoa kết trái. Để rồi, khi nhìn lại, chúng ta ngạc nhiên tự hỏi tại sao mình còn đây, tại sao Ngài vẫn nương tay? Và chúng ta sẽ thấy, thì ra, Ngài thật tuyệt vời, thật nhân hậu và bấy giờ, chỉ còn một việc, một việc mà thôi: quỳ gối mà tạ ơn.

Lạy Chúa, Chúa luôn nhắm điều tốt nhất cho con, con sẽ không lãng phí những đau thương trong đời. Xin cho con biết lãnh hội những bài học ngàn vàng rút ra từ những kinh nghiệm rướm máu mỗi khi được cắt tỉa; cho con biết gieo mình vào vòng tay yêu thương và khôn khéo của Chúa cả khi không còn gì để mất; biết khiêm tốn nhận ra thánh ý Chúa qua từng biến cố, từng con người được Chúa phái đến để cắt tỉa con, hầu con có thể sinh hoa kết trái, hoa trái của Thánh Thần, hoa trái của lòng yêu mến mà Chúa và anh chị em con đang mỏi mắt trông chờ, Amen.

Lm. Minh Anh (Gp. Huế)

SINH NHIỀU HOA TRÁI

Ai trồng cây cũng mong được ăn quả. Muốn có quả, cũng phải lắm công phu. Không phải cứ xanh tốt lớn mạnh là có quả. Có những ruộng lúa xanh tốt, nhưng chỉ tốt lá, nên chỉ cho những bông lúa lép. Có những cây xum xuê cành lá, nhưng đến mùa chẳng thấy quả nào. Xanh tốt như thế không phải là thành công, nhưng là thất bại. Cành lá chỉ là phụ, hoa quả mới là chính. Được điều phụ mất điều chính, đó là thất bại. Đức Giêsu quan sát cây nho và thấy rằng một cây nho muốn có nhiều hoa quả cần phải có hai điều kiện sau đây:

Điều kiện thứ nhất:

Cành phải liên kết với cây. Cành không liên kết với cây, không thể sinh hoa kết quả. Cành không liên kết với cây khi dòng nhựa nuôi dưỡng thân cây bị tắc nghẽn không luân lưu sang cành. Có những con sâu con bọ đục khoét làm cho cành cây bị thương tổn, không còn tiếp nhận được nguồn nhựa sống của thân cây truyền sang. Chỉ khi cành kết hiệp chặt chẽ với cây, dòng nhựa từ cây mới truyền sang cành, cho cành trổ sinh hoa trái.

Điều kiện thứ hai:

Cành lá phải được cắt tỉa. Ai đã trồng nho thì biết: Nếu cứ để cành lá phát triển tự do, cây sẽ xanh tươi coi rất đẹp mắt nhưng không có hoa trái. Muốn cây có quả, phải tỉa bớt cành lá. Việc cắt tỉa làm cho dòng nhựa không bị phân tán, nhưng tập trung vào những cành chính, dồn vào cho hoa sung sức, cho quả đầy đặn.

Đức Giêsu muốn dùng hình ảnh cây nho để nói về đời sống đạo của ta. Đời sống của ta được sánh ví như đời sống của cây nho.

Cũng như người trồng nho muốn cho vườn nho của mình không bị tàn lụi, nhưng phát triển, sinh hoa kết quả, Đức Chúa Cha đã tạo dựng nên con người không phải để con người tàn lụi đi, nhưng để con người phát triển, sinh hoa kết quả và tồn tại.

Để được phát triển, con người cũng cần những điều kiện.

Điều kiện thứ nhất:

Phải kết hiệp mật thiết với Đức Giêsu. Như cành nho phải liên kết với thân nho mới sinh hoa kết quả, ta phải liên kết mật thiết với Đức Giêsu. Người là nguồn cội sự sống của ta. Tách lìa Người, ta không thể sống, càng không thể phát triển được. Người là dòng sông ân sủng. Khi ta kết hiệp với Người, ân sủng tuôn đổ vào linh hồn, làm cho ta được sống và sống sung mãn. Ân sủng thấm nhập nội tâm, uốn nắn tình cảm, củng cố ý chí, sinh ra những hoa trái thiêng liêng trong tư tưởng, lời nói, việc làm. Sự kết hiệp mật thiết với Chúa làm cho ta sống sự sống của Người, nói lời nói của Người, hành động theo gương của Người, phán đoán theo chuẩn mực của Người, nhìn con người và sự việc bằng cặp mắt của Người, yêu thương bằng trái tim của Người. Khi sự kết hiệp đã đến mức hoàn hảo, chính Người hành động qua ta và vì thế, những hoa trái sẽ vô cùng phong phú.

Điều kiện thứ hai:

Phải chịu cắt tỉa. Cành nho muốn sai trái phải chịu tỉa bớt những cành lá rườm ra. Cũng thế, linh hồn phải để Chúa cắt tỉa những gì dư thừa cản trở ơn thánh sinh hoa kết quả. Phải cắt tỉa những ý muốn riêng tư để chuyên tâm tìm thánh ý Thiên Chúa. Phải cắt tỉa những hình thức bề ngoài để chìm vào nội tâm sâu lắng. Phải cắt tỉa những phô trương quyền lực để mặc lấy tâm tình đơn sơ khiêm nhuờng. Chúa cắt tỉa ta bằng những thất bại ta gặp phải. Chúa huấn luyện ta bằng những lời phê bình chỉ trích của những người chung quanh. Chúa mãi dũa ta bằng những nghi kỵ hiểu lầm của người khác. Chúa đào tạo ta trong những phản bội của người thân tín. Việc cắt tỉa làm cho ta đau đớn, nhưng đem lại những lợi ích vô cùng phong phú.

Chính Đức Giêsu đã làm gương cho ta khi Người sống kết hiệp mật thiết với Đức Chúa Cha. Sự kết hiệp ấy được diễn tả qua việc Người chuyên tâm cầu nguyện và luôn luôn làm theo ý Chúa Cha. Người đã để cho   ta. Chính vì thế, Người đã trở nên gốc nho sung mãn sự sống để chuyển thông cho chúng ta.

***

Lạy Đức Giêsu là Cây Nho Thật, xin cho con biết kết hiệp mật thiết với Chúa. Xin hãy cắt tỉa những gì vô ích trong con để con sinh nhiều hoa trái thiêng liêng như Chúa mong ước. Amen.

TGM. Ngô Quang Kiệt

 

 

MỤC TỬ HAY CHĂN THUÊ?

Bạn thân mến,

Thông thường mỗi khi nghe nói về người chăn chiên, chúng ta hay liên tưởng đến hình ảnh thường được các nghệ sĩ diễn tả qua tranh ảnh hoặc thi ca.  Và thường đó là một hình ảnh khá thơ mộng: người mục tử vác một con chiên nhỏ trên vai.  Trong thực tế, chẳng ai làm chuyện đó, bởi vì chiên là một thứ súc vật hôi hám bẩn thỉu, mang nhiều mầm bệnh.  Chăn chiên là một công việc vất vả, dầm sương dãi nắng.  Một thứ nghề thấp kém dành cho những người không có tay nghề cao.

Khác với chăn trâu chăn bò ở nước ta, chăn chiên là công việc dành cho người lớn, chứ không phải trẻ con.  Chăn trâu chăn bò thật ra chỉ là giữ trâu bò cho khỏi phá lúa của người khác.  Trâu bò tự tìm cỏ mà ăn, tìm nước mà uống.  Tối đến chỉ cần dẫn chúng về chuồng là xong việc.  Ngược lại, người chăn chiên là người sống đời du mục, lang thang từ vùng đất này sang vùng đất nọ.  Ngày cũng như đêm, người chăn chiên luôn gắn bó với đàn chiên của mình.  Ngày đến, anh ta phải lo tìm cỏ tìm nước cho đàn súc vật của mình.  Đêm về, người chăn lùa chiên vào một cái hang ở vách đá nào đó — hoặc nếu đang ở giữa đồng hoang thì lấy đá quây thành một vòng rào, lùa chiên vào bên trong — rồi nằm chận ngang cửa mà ngủ.  Nghề chăn chiên trong xã hội Do Thái cũng tương đương với nghề chăn vịt ở miền quê Việt Nam.

Chăn dắt là nghề bạc bẽo, một thứ nghề làm thuê chẳng mấy ai quan tâm.  Nhưng tại sao Chúa Giêsu lại tự ví mình là “mục tử nhân lành,” mà không phải là “thầy giáo nhân lành” hay “thợ mộc nhân lành,” hay “ngư phủ nhân lành”?  Chúa Giêsu chưa một ngày làm nghề chăn chiên, sao ngài lại ví mình như thế?  Hơn thế nữa, Ngài còn ví mình là một mục tử sẵn sàng bỏ mạng vì đàn chiên.  Ở thời đại của Ngài, chẳng có ai làm như thế!  Phải chăng Chúa Giêsu đang nói chuyện ngược đời?

Điều này chỉ có thể hiểu được nếu đàn chiên là gia sản của người mục tử, đàn chiên là những gì người đó trân quý và gắn bó.  Sự khác biệt của người mục tử mà Chúa Giêsu nói đến, và kẻ làm thuê chính là điều này: đàn chiên thuộc về anh ta (x. Ga 10:12).  Vì chính là gia sản của mình nên người mục tử ra sức bảo vệ và gìn giữ, không để thất lạc dù chỉ một con.

Chúng ta thường cầu nguyện: “Chúa là gia nghiệp đời con.”  Nhưng trong bài tin mừng hôm nay, chúng ta được nghe Chúa Giêsu xác quyết: “Các con là gia nghiệp của ta!  Ta sẵn sàng hy sinh mạng sống vì các con.”  Đây là tin mừng cao cả!  Có thể đối với thế gian, chúng ta chỉ là những con cừu đần độn, nhưng trong ánh mắt của Chúa Giêsu, chúng ta có giá trị vô cùng.

Mối liên hệ giữa đàn chiên và mục tử thân mật thắm thiết đến nỗi Chúa Giêsu đã ví mối liên hệ này như tương quan của Ngài và Chúa Cha: “Ta biết chiên của ta và các chiên ta biết ta, như Chúa Cha biết ta và ta biết Chúa Cha” (Ga 10:14b-15a).  Chúa Giêsu cho thấy Ngài biết rõ và quan tâm đến từng người một, từng con chiên một, kể cả những con chiên không thuộc về đàn này (Ga 10:16).

Là người Kitô, chúng ta thuộc về một đàn chiên duy nhất, do một mục tử duy nhất là Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh chăn dắt.  Vậy ta còn sợ gì? Ta còn e ngại gì mà không dám phó thác đời mình vào trong tay vị thủ lãnh, vị Chủ Chăn vĩnh cửu đó?  Giữa muôn vàn tiếng gọi của dòng đời, ta có nghe chăng tiếng gọi của vị mục tử nhân lành đang thầm thì mời gọi ta theo Ngài?  Chúng ta được biết mình thuộc về ai. Theo thánh Gioan, “chúng ta thực sự là con Thiên Chúa.” (1Ga 3:1b)

************************************

Bạn thân mến,

Chúng ta đang sống trong thời đại mà đôi khi các giá trị bị đảo lộn, ngay cả trong đời sống tôn giáo.  Vậy đâu là những giá trị chân thực của người mục tử?  Đâu là những tiếng nói chân chính mà mình nên nghe theo?  Trong nguyện cầu, chúng ta tập lắng nghe tiếng Chúa thì thầm: hãy tôn trọng sự sống, tôn trọng sự thật, bảo vệ nhân quyền, bảo vệ môi sinh, thăng tiến công bằng xã hội.  Đó là sứ điệp mà Chúa Kitô Phục Sinh vẫn tiếp tục nói qua Hội Thánh.  Nếu chúng ta cố gắng sống theo những giá trị đó là chúng ta đang đi theo vị Mục Tử Nhân Lành.  Còn nếu không, thì hãy xem lại, kẻo đi lầm theo kẻ chăn thuê.

Sống cho những giá trị này không dễ dàng, đôi lúc chúng ta phải trả một giá đắt cho niềm xác tín của mình.  Như thánh Gioan nói: “Thế gian không nhận biết chúng ta, vì thế gian không nhận biết Thiên Chúa” (1Ga 3:1b).  Sống các giá trị của tin mừng là đi con đường hẹp – con đường chẳng mấy ai đi.  Đường hẹp nhưng dẫn đến sự sống đời đời, hay đường thênh thang mà bị hư mất, chúng ta chọn đường nào?

Nhưng chúng ta không chỉ sống và chọn những giá trị đó cho riêng cá nhân mình.  Tôn trọng sự sống, tôn trọng sự thật, bảo vệ nhân quyền, bảo vệ môi sinh, thăng tiến công bằng xã hội, là gia sản chung của nhân loại.  Người kitô cần tích cực quảng bá những giá trị đó cho thế giới chúng ta đang sống.  Nói một cách khác, chúng ta cũng cần trở thành những người phụ tá cho Chúa Kitô vị Mục Tử Tối Cao, để đưa những con chiên khác về đàn chiên của Ngài.  Năm xưa Chúa Kitô Phục Sinh bảo các tông đồ: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em.” (Ga 20:21).  Hôm nay, Ngài vẫn tiếp tục sai chúng ta vào giữa lòng thế giới để gióng lên tiếng nói của lương tâm và sự thật.

Trong giáo hội hoàn vũ cũng như ở giáo hội địa phương, không thiếu những gương sáng của các vị chủ chăn nghiêm túc, nhưng cũng không thiếu những gương mù gương xấu của những kẻ chăn thuê.  Có nhiều chủ chăn hành xử như kẻ làm thuê, chỉ lo tích cóp cho mình mà chẳng đoái hoài gì đến quyền lợi của đàn chiên.  Ngược lại, cũng có rất nhiều vị chủ chăn can đảm, ý thức trách nhiệm của mình được trao phó, sẵn sàng đồng lao cộng khổ với đàn chiên của mình.  Những vị chủ chăn đó biết rằng: “quan nhất thời, dân vạn đại.” Họ không tìm lợi lộc trước mắt, nhưng quan tâm đến an sinh phúc lợi lâu dài cho mọi người.  Những chủ chăn này can đảm chống lại sói dữ, sẵn sàng thí mạng để đổi lại đàn chiên của mình được hưởng tự do công lý, an cư lạc nghiệp.  Họ đang sống tin mừng cách triệt để, sống trọn vẹn cái nghịch lý “chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân; chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời.”

Hôm nay, Chúa Kitô mời gọi chúng ta trở thành mục tử cùng cộng tác với Ngài.  Lời mời đó không chỉ dành cho hàng giáo sĩ hoặc các bề trên dòng tu như vẫn thường hiểu, nhưng dành cho tất cả những ai có trách nhiệm chăm sóc, dạy dỗ người khác.  Đó là các bậc ông bà, cha mẹ, thầy cô, giáo lý viên, huynh trưởng, v.v.  Những người này mang trọng trách chủ chăn, chịu trách nhiệm với Chúa Kitô vị Mục Tử tối cao.  Họ có bổn phận phải hướng dẫn và dạy dỗ con cháu, học trò, đàn em, tiếp thu nếp sống và giá trị của tin mừng.

Để làm được điều đó, chúng ta cần cầu nguyện và hỗ trợ cho nhau, để các bậc làm cha mẹ, các nhà giáo dục đạo cũng như đời, trở thành những mục tử chân chính, biết nhận trách nhiệm chăn dắt một cách nghiêm túc.  Ước gì họ không chạy trốn những thách đố đang đe doạ đời sống gia đình và xã hội. Thí dụ như, luyến ái bừa bãi, phá thai, ngoại tình, gian dối, lừa đảo, tham ô, bạo hành, v.v.  Ước gì họ không nản lòng, không buông xuôi bỏ cuộc vì cảm thấy mình bất lực, nhưng can đảm đương đầu với chúng trong niềm tín thác vào quyền năng Thiên Chúa, Đấng giải thoát mọi sự.

Nguyện xin vị Mục Tử Nhân Lành chúc lành cho tất cả chúng ta, hầu chúng ta có thể trở thành những mục tử tốt lành theo gương Ngài.  Amen

Anton Phaolo, S.J