NỖI LÒNG NGƯỜI CHĂN CHIÊN (có Youtube)

Tình thương thúc đẩy, chàng chuẩn bị lương thực, với cây gậy gỗ, chàng dẫn chiên lên đường. Ðường lên núi chỉ có mình chàng.  Trên trườn núi mênh mông, chàng tiếp tục đi, can đảm.  Chàng chỉ có một niềm vui: tình thương cho bầy chiên.  Bầy chiên gặp cỏ non thì hớn hở.  Chúng ham ăn, quên người chăn.  Chàng ngồi đó, trên bờ đá.  Ánh nắng làm bóng chàng đổ dài trên nền cỏ.

Nghĩ đến những ngày sắp tới dài dằng dặc.  Có thể là mưa.  Có thể là gai góc.  Và có thể là mệt mỏi.  Chàng ngần ngại cho cuộc sống.  Nhưng còn bầy chiên thì sao?  Tình thương dành cho bầy chiên lại níu kéo chàng về với bổn phận.  Cõi lòng chàng, can đảm, trìu mến lại trải rộng theo bầu trời.

Chàng chấp nhận tất cả sương gió, nguy hiểm, vì bầy chiên.  Chàng chấp nhận hy sinh, nỗi vắng và nỗi đắng vì bầy chiên.  Nhưng bầy chiên chẳng biết nỗi lòng chủ mình.  Chúng cứ thản nhiên như lạnh lùng với chủ.

************************

Sau những ngày đầu bình yên. Chàng đã nghe tiếng sói rừng sủa văng vẳng đâu đó.  Bây giờ là chiến đấu với giao tranh.  Ðêm đêm, chàng thức giấc một mình nhìn núi lặng lẽ mà nghe xao xuyến.  Riêng chiên cứ ngủ yên vô tư.  Mỗi khi gió trời chuyển mưa là chàng ướt lạnh.  Lạnh cả thân xác và lạnh cả tâm hồn vì yêu thương chiên.

Sói đã đến vào một tối.

Chiến đấu nào mà không cam go.  Bởi thế, chẳng mấy ai là người chấp nhận gian nan vì kẻ khác. “Kẻ làm công thì không màng đến chiên, khi thấy sói đến thì bỏ chiên mà chạy trốn.  Chỉ có người chăn chiên thương chiên mình thì mới thí mạng sống vì chiên” (Yn 10,1-14).  Chàng chiến đấu bảo vệ chiên.  Chân rướm máu vì núi đá.  Tay ê ẩm vì phải chống cự.  Trận chiến nào cũng có phần thua thiệt.  Lời Kinh Thánh đã loan báo: “Cứ chủ chiên mà giết thì đàn chiên sẽ tan tác” (Mt 26,31).  Biết thế, sói tấn công chàng, sói muốn ăn thịt chiên.  Nỗi đau của chàng không phải là thương tích chàng phải mang, mà là những tiếng kêu của chiên con bị thương.  Nhìn vài con chiên nhỏ phải đi tập tễnh, lòng chàng như tơ chiều chùng xuống.  Thương yêu quá đỗi.  Chiên thì chẳng biết tâm sự chủ mình.  Chúng cứ vô tư.

Ðó có là tâm tình của Chúa đối với con người?

************************

Người chăn chiên biết đâu là cỏ non.  Nơi nào có suối trong lành.  Chiên chẳng biết gì.  Nhưng làm sao để chiên nghe lời chủ.  Ðấy là nỗi khổ tâm của người chăn chiên.  Ðó là nỗi khổ tâm của Chúa đối với nhân loại.

Khi chợt thấy bãi cỏ xanh trước mắt, mầu xanh quyến rũ.  Bầy chiên nôn nao ùa tới.  Cũng như con người trong lúc hoang vu, buồn chán, chợt thấy bóng hạnh phúc mờ ảo, cứ ngỡ là cơn mưa tươi mát, đã sa ngã.  Người chăn chiên thì biết đám cỏ xanh kia tuy có đẹp nhưng nó mọc trên đám bùn, nơi đó đầy đỉa độc và rắn xanh.  Nếu chiên đến ăn sẽ sa lầy, sẽ bị đỉa cắn, sẽ bị rắn độc giết chết.  Ðằng sau mầu xanh đẹp mắt là thuốc độc.  Nhưng chiên đâu biết thế.  Chiên cứ muốn xuống.  Chiên chẳng nghe lời chủ.  Và người chăn chiên se sắt cõi lòng khi thấy chiên mình chết.

Chúa cũng vậy, bao lần con người đã đi tìm hạnh phúc giả trong tội lỗi.  Những hạnh phúc giả vì bất trung trong tình nghĩa vợ chồng.  Những hạnh phúc giả vì gian tham bất chính, vì những rung cảm trái phép.  Chẳng ai muốn hạnh phúc giả.  Chỉ vì lười biếng đi tìm hạnh phúc thật nên thấy bất cứ đám cỏ xanh nào cũng chạy lại.  Chúa biết rõ đâu là hạnh phúc đem bình an.  Chúa cản ngăn và con người đã than trách.  Chúa đau lòng.  Nhưng biết làm sao.  Vì thương chiên mình nên vẫn phải ngăn cấm.  “Chúa thương ai Người mới sửa dạy, Người nhận ai làm con, Người mới cho đòn.  Vì còn gì là con nếu người cha không dạy” (Hr 11,5-10).  Sửa dạy thì có đau đớn.  Nhưng nếu không sửa dạy thì người cha không còn là cha nữa.

************************

Trên đường dẫn chiên đi, bao lần chiên kêu gào oán than chủ.  Chiên cứ muốn dừng nghỉ, nhưng chủ biết phải đi nữa mới có cỏ tốt, suối lành.  Chủ cũng biết chẳng mấy chốc nữa mùa đông lại về.  Phải vội vã mà lên đường.  Chiên nào có hiểu vậy.  Chúng mỏi chân.  Chúng chán nản.  Nhìn lịch sử cứu độ, khi Maisen dẫn dân qua sa mạc về Ðất Hứa, đã chứng minh rõ ràng điều đó.

Cũng trên đường đi ấy, có những liên hoan của bầy chồn, bầy heo đứng ca múa bên đường.  Có những con chiên nghe tiếng cười đùa của bầy chồn, vui tai, xuôi lòng muốn ở lại.  Nhưng chủ biết rằng nếu con chiên nào ở lại với bầy chồn, bầy cáo, chúng sẽ suốt đời cô đơn.  Bầy chồn sẽ chẳng bao giờ săn sóc chúng, mà chúng phải nô lệ bầy chồn.  Trên đường đời của con người cũng thế.  Bao lần đi với Chúa, những tông đồ của Chúa đã muốn rẽ lối, phân vân ở ngã ba đường.  Họ thấy con đường theo Chúa sao mà dài.  Họ chẳng thể nhìn thấy đồi cỏ ở xa xa.  Họ muốn theo lối rẽ để ở lại vui chơi theo tiếng mời gọi của thần tượng ảo ảnh.  Trên đường về Ðất Hứa, dân Chúa đã bao lần than trách Maisen, họ đã dừng lại để thờ các tượng thần mà họ nghĩ là sẽ cho họ khoái lạc.

Sói rừng bao giờ cũng khôn ngoan.  Chúng mang bộ mặt của những con thỏ hiền từ.  Chờ chiên đến gần, chúng sẽ vồ bằng răng nhọn.  Chúng đứng bên đường nhởn nhơ nô đùa.  Bầy chiên phải theo chủ hoài thì nản lòng, muốn bỏ đồi cỏ xanh ở đàng kia.  Chúng muốn đến làm bạn với bầy sói.  Riêng chủ thì biết đằng sau tiếng cười là nước mắt.  Bên này là nỗi vui, bên kia là chết chóc.  Người chăn chiên thương chiên mình thì phải ngăn cản.  Nhưng bầy chiên đâu hiểu thế.  Không nghe lời thì người chăn chiên phải dùng roi mà đánh.  Mỗi vết roi là lòng chủ lại thêm đau.  Tâm hồn chủ chiên thì tan tác mà chiên cứ oán than.

Ðời người cũng vậy.  Có người cha nào không lo âu khi thấy con mình đùa với vực thẳm.  Chúa biết con người nghèo đói hạnh phúc.  Chúa biết trong thực tế, cuộc sống của con người có nhiều nỗi đắng, con người dễ bị cám dỗ ăn những đám cỏ dại.  Chúa biết con người không muốn bị sửa trị vì có đau đớn.  Biết vậy, Chúa đã căn dặn: “Bị sửa phạt thì chẳng có vui, chỉ có buồn, nhưng nhờ đó mà được luyện tập và về sau mới thấy sinh lợi: tức hoa quả của bình an” (Hr 11,11).

************************

Tuy nhiên vẫn có những con chiên bỏ đàn, ở lại với bầy chồn, bầy cáo và nhận quê hương đó làm của mình.  Ðã bao lần Chúa ngậm ngùi xót thương mà chẳng làm gì được.  Khi một tâm hồn muốn bỏ chiên đàn mà đi, Chúa xót thương cho Chúa vì đã mất một người con.  Ðể cứu vãn, Chúa dùng gậy mà đe dọa.  Nhưng Chúa không thể đánh chết chiên mình được.  Nó quyết định đi thì Chúa chỉ biết đứng nhìn, nuối tiếc mà thôi.  Người chăn chiên thật thì thương chiên của mình.

Người chăn chiên bao giờ cũng khôn ngoan.  Biết nơi nào có thể cho chiên dừng nghỉ, uống nước. Người chăn chiên biết từng con suối: “Ta đến để chiên Ta có sự sống và có một cách dồi dào” (Yn 10,10).  Khi bất hạnh làm con người khổ thì bất cứ an ủi nào cũng như suối trong.  Người ta dễ bị cám dỗ bỏ đời sống đức tin, muốn bám víu vào thú vui của trần thế.  Chỉ có Chúa thấy rõ, đấy không phải là bóng mát hạnh phúc, suối trong bình an.  Ðấy chỉ là bóng đen của những cơn mưa sắp đổ xuống.  Thay vì phải đi nhanh, phải chạy trốn, con người lại muốn ẩn trú trong những bóng đen ấy.  Rồi từ đó, bất hạnh lại nẩy sinh bất hạnh.  Túng thiếu lại nẩy sinh túng thiếu.

Vì bản tính của chiên là chiên, nên những con chiên bỏ đàn đi, nó sẽ chẳng bao giờ tìm được căn tính của mình.  Từ đó, cuộc đời sẽ trôi dạt, hạnh phúc sẽ là những bóng mây chợt qua.  Khi tôi lìa xa Giáo Hội là đàn chiên Chúa, tôi sẽ thao thức, bất an.

************************

Trên đường đi đến đồng cỏ, chắc chắn sói sẽ đến.  Chắc chắn có giao tranh, Nhưng hạnh phúc của bầy chiên là chủ chiên không bao giờ bỏ bê.  “Chiên của mình, Ta gọi tên từng con một” (Yn 10,3).  Sói rừng chỉ bắt được những con chiên bỏ đàn đi rong chơi một mình.  Giáo Hội là nhiệm thể có lửa của Chúa Thánh Thần sưởi ấm.  Những viên than nằm riêng rẽ chẳng bao lâu gió sẽ làm nguội tắt.  Nó tự làm cho đời sống mình nên khô cằn và cũng làm cho bếp than kém hồng vì mất đi một phần tử.

Cũng trên đường đi đến đồng cỏ, núi đá có thể làm đau chân chiên con.  Nó có thể mang thương tích và chẳng thể kịp với đàn chiên.  Nhưng chỉ cần cất tiếng kêu là chủ sẽ đến và bồng nó trên vai mà dẫn đi.  Người chủ thương chiên mình thì chẳng bao giờ vì chiên con yếu đuối không đi kịp đàn chiên mà bỏ rơi nó.  Chủ chiên hãnh diện vì những con chiên khỏe mạnh nhưng lại thương những con chiên bé bỏng, yếu sức.  Chúa cũng vậy, một tâm hồn mang nhiều thương tích là tâm hồn được Chúa yêu thương đặc biệt: “Có cần lương y, hẳn không phải là người lành mạnh, mà là người đau ốm” (Lc 5,13).  Khi người ta trách Chúa tại sao lại ngồi chung bàn ăn với người tội lỗi.  Chúa đã trả lời như thế.  Câu trả lời ấy cho tôi nhiều an ủi.

Trong cuộc sống, Chúa chẳng bao giờ quên những tâm hồn lạc lõng. “Ai trong các ông giả sử có một trăm con chiên và lạc mất một con, há người ấy lại không bỏ 99 con còn lại mà đuổi theo con lạc cho đến khi tìm ra con chiên lạc đó sao?” (Lc 15,4-7).  Chính vì thế mà Chúa đã đến.  Chỉ cần cất tiếng kêu, Chúa sẽ đến như người chăn chiên bồng chiên mình trên vai mà đi.  Trong vòng tay chủ chiên, con chiên đã mang thương tích sẽ được ngủ bình yên vì người chăn chiên quá thương nó.

Người chăn chiên mừng vui biết bao khi tìm thấy chiên mình.  Nhưng nếu chiên không về thì sao?

– Nỗi nhớ thương sẽ hằn sâu trong tim và người chăn chiên sẽ mãi mãi thao thức.  Sợ nó chết trên đường cô độc, người chăn chiên sẽ dõi theo vết chân nó, vì nó vẫn thuộc đàn chiên mình.

Ðó là nỗi lòng của Chúa, người chăn chiên tốt lành.

Lm Nguyễn Tầm Thường –  trích trong Nước Mắt và Hạnh Phúc

Nếu không nghe được Youtube hoặc có vấn đề về kỹ thuật, xin để lại lời nhắn ở mục “Comment” phía dưới, chúng tôi sẽ cập nhật lại đường link Youtube.

HÀNH TRÌNH ĐỨC TIN

Thế là ngày lại ngày trôi qua, đã đi qua bao nhiêu thế hệ dòng họ tôi theo Đạo Phật.  Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình truyền thống Phật giáo, tôi đã được giáo huấn trong bài dạy giáo lý của Đạo Phật, và tôi đã trở thành một người Phật tử thuần thành.  Trong một gia đình như thế, tôi làm sao mà biết được về Thiên Chúa để khám phá ra Ngài đã tạo dựng nên sinh linh và tất cả mọi vật, thật sự đã đưa tôi vào ngõ cụt.

Vào một ngày nọ, tôi như được Hồng Ân của Chúa ban cho tôi qua một người bạn Công Giáo mời tôi đi dự lễ chịu chức Linh Mục của anh.  Tôi bâng khuâng trong lòng không biết có nên đi hay không?  Nhưng cuối cùng tôi cũng có một đáp án, đây là buổi lễ quan trọng của người bạn thân, tôi phải đi.  Tôi đi để chia sẻ niềm vui với người bạn và cũng có dịp để tìm hiểu về đạo Công Giáo.  Đức tin tuyệt đối vào Đấng vô hình của những người Công Giáo làm cho tôi kinh ngạc và họ có thể tử vì đạo vì đức tin đó.

Trước khi vô dự lễ, tôi ở trong một nhà Dòng của bạn tôi, thật bất ngờ khi nhìn thấy anh em trong nhà Dòng của bạn tôi rất yêu thương và quan tâm lẫn nhau như lời Chúa dạy vậy.  Tôi tham dự buổi lễ, họ cầu nguyện rất nhiều.  Họ cầu cho tổ tiên, cầu cho cha mẹ, ông bà, họ cầu cho tha nhân, cầu cho người sống lẫn người đã qua đời, không cầu riêng gì về bản thân họ, họ chúc cho nhau bình an.  Buổi lễ thật đầy ý nghĩa, và qua cách cư xử của những người Công Giáo, tôi mới thấu hiểu được tại sao người Công Giáo lại có được Đức Tin như vậy.

Kể từ đó, tôi dần dần như bị cuốn hút.  Tôi bắt đầu thường xuyên đi lễ và tìm hiểu sách Công Giáo, tôi tìm thấy sự khác biệt giữa đạo Công Giáo và đạo Phật Giáo một cách rõ ràng.  Tôi cũng rất sung sướng khi nhận ra chân lý của cội nguồn, và mạch sống của Đức Tin Thiêng Liêng đó.  Tôi cảm thấy tin và yêu Chúa Giêsu hơn .

Đời sống khổ nạn của Chúa Giêsu làm cho tôi thật xúc động.  Vì tình yêu và lòng nhân từ, Ngài muốn cứu chuộc nhân loại ra khỏi kiếp u mê tội lỗi của trần gian.  Sau khi đọc sách và tìm hiểu tín lý về Công Giáo, tôi như bị xúc động bởi sự thương khó, sự đơn sơ, khiêm nhường, lòng nhân từ và tình yêu vô bờ bến của Thiên Chúa đối với nhân loại.

Vậy mà trước giờ tôi đã thờ ơ và lạnh nhạt với Ngài, giờ tôi đã thấu hiểu được những giá trị về đời sống siêu nhiên.  Tôi tìm thấy sự bình an trong Ngài, tôi không còn thù hận nữa.  Tôi đã tìm thấy Đức Tin, chân lý sự thật và sự sống vĩnh cửu.  Tôi tin sự hiện diện của Chúa trong Mình và Máu trong Bí Tích Thánh Thể.

Điều đáng quý nhất là các quý tu sĩ nam nữ, trong các Dòng tu, dám bỏ chính mình, hy sinh đời sống riêng mình để làm nhân chứng cho Ngài.  Tôi ước ao vào lễ Phục sinh năm tới được làm con cái Ngài, lãnh nhận Ơn Bí Tích của Ngài trong Hội Thánh.  Tôi cầu nguyện xin Chúa luôn đổ tràn đầy ơn soi sáng cho nhân loại, luôn biết quy hướng về Ngài mà phó thác.

Niềm Tin vào Phục Sinh

Mọi người trong đình nói tôi trở lại đạo là vì người này, người kia xúi giục để phản đối không cho tôi đến với đạo Công Giáo.  Nhưng nhờ vào sự cầu nguyện của mọi người, sự kiên trì vào một Đức Tin và tình yêu mãnh liệt vào Thiên Chúa đã làm cho tôi bị khuất phục.  Bởi vì tình yêu đó làm cho tôi biết sự lựa chọn, đấu tranh để đạt được những gì mình đã tin vào Thiên Chúa.

Tôi sinh ra trong một gia đình không may mắn lắm.  Tôi thiếu tình thương cha mẹ và anh chị em tôi cũng không đoàn kết lắm.  Tôi cảm thấy cần đến tình thương vô bờ bến của Thiên Chúa và Chúa đã cho tôi cảm nhận được tình yêu bao la của Ngài đối với riêng tôi và với nhân loại.  Thiên Chúa đã ban cho tôi một đức tin mãnh liệt, cho tôi về với Giáo Hội duy nhất, Thánh thiện và Tông truyền.  Ngài ban cho tôi biết về Ngài, yêu Ngài và theo Ngài, đó là món quà Ngài đã ban cho tôi tìm được Ơn Phúc Thiêng Liêng, bình an trong đời sống hiện tại.  Tôi mang giấc mơ và hy vọng là được rửa tội vào Phục Sinh năm 2009 này.

Thế rồi thấm thoát thời gian đã trôi qua, niềm hy vọng và sự mong chờ hân hoan đêm Phục sinh đã đến.  Tôi vừa được chứng kiến một buổi lễ canh thức tràn đầy ngọn lửa ánh sáng huy hoàng của đêm Phục Sinh, tôi vui mừng biết bao hơn nữa, ngay trong đêm nay tôi được rửa tội tại nhà thờ Chính Toà.  Tôi lại được chứng kiến các anh chị em Tân Tòng, từng người bước lên lễ đài rửa tội, để bỏ đi những con người tội lỗi, mà chính Chúa đã mở ra một con đường cứu rỗi cho tôi và cho những anh chị em Tân Tòng này được lãnh nhận nguồn Ơn Thiêng Liêng của các Bí Tích trong Giáo Hội mà Chúa Giêsu đã lập trong bữa tiệc ly của Ngài, trước khi Ngài chết vì tội lỗi cho nhân loại.

Trong đêm Phục Sinh, giấc mơ được trở nên con cái Chúa để làm chứng nhân cho Ngài đã trở thành hiện thực.  Con cầu xin Chúa cho con quyết tâm theo Chúa, dù gian nan thử thách, dù đau khổ hay thất bại trên con đường hành trình Đức Tin.  Xin cho con biết từ bỏ mình, vác Thập Giá hằng ngày mà theo Chúa.  Xin cho con được sống lại như Ngài và luôn sống mãi trong tin mừng của Chúa Phục Sinh.

Con xin Cảm Tạ Ơn Chúa và Đức Mẹ kính yêu, cùng Đức Cha, quý cha, quý sơ và mọi người đã cầu nguyện cho con.  Con cầu nguyện cho Đức Cha, quý cha, quý sơ và mọi người luôn bình an và tràn đầy Hồng Ân của Chúa.

Hoa Đỗ

THẦN KHÍ

Khi đến giảng cho dân chúng tại Êphêsô, thánh Phaolô đã hỏi họ: “Anh chị em đã lãnh nhận Thánh Thần chưa?” Tất cả mọi người có mặt lúc đó đều ngạc nhiên, nhìn nhau không hiểu gì hết. “Thánh Thần là gì? Thánh Thần là ai? Chúng tôi chưa hề nghe thấy ai nói đến nhân vật xa lạ đó, phương chi là đã lãnh nhận hay không”. Đó là câu trả lời của những người ở Êphêsô khi nghe thánh Phaolô hỏi họ về Chúa Thánh Thần.

***

Bạn thân mến! Trong tiếng Hípri, người ta dùng cùng một chữ để diễn tả “gió”, “hơi thở” và “thần khí”. Cũng như người ta không thể nhìn thấy gió mà chỉ thấy hậu quả của nó. Thần Khí của Thiên Chúa chỉ được nhận ra nơi những người được tác động và làm theo sự hướng dẫn của Thần Khí Thiên Chúa.

Hơi thở thì gắn bó chặt chẽ với sự sống; hơi thở là dấu chỉ của sự sống. Với phương pháp cấp cứu miệng qua miệng, chúng ta có thể đem lại sự sống cho một người mà phổi đã ngưng hoạt động, nhờ hơi thở ta.

Trong sách Sáng Thế, chúng ta đọc thấy Thiên Chúa thổi hơi vào Ađam và ông trở nên sống động. Khi Thiên Chúa chọn những người để thi hành các sứ vụ đặc biệt, chẳng hạn như ông Samson, vua Saun, vua Đavid và những người khác nữa, thì “thần khí của Thiên Chúa” cũng được ban cho họ. “Thần khí của Thiên Chúa” được xem như nguồn mạch của sự sống và của mọi thành tựu lớn lao của dân Thiên Chúa trong lịch sử cứu độ.

Trong bối cảnh này, chúng ta hiểu rõ hơn ý nghĩa việc Chúa Giêsu thổi hơi trên các môn đệ. Đó là dấu chỉ ngoài sự sống thể lý, họ còn lãnh nhận một sức sống thiêng liêng và họ được sai đi thi hành một sứ vụ lớn lao. Mọi sự đều biến đổi trong cuộc sống của họ. Sự sợ hãi đổi thành vui mừng và can đảm; sự dữ của tội lỗi bị đánh bại bởi quyền năng của ơn tha thứ. Khi chúng ta lãnh nhận Bí tích Rửa tội và Thêm sức, chúng ta cũng được lãnh nhận Chúa Thánh Thần một cách đặc biệt. Chúng ta được tái sinh và được tuyển chọn để thi hành một sứ vụ đặc biệt. Chúng ta trở thành đền thờ của Chúa Thánh Thần. Nghe có vẻ rất tốt đẹp, nhưng chúng ta có cảm nghiệm được quyền năng của Chúa Thánh Thần trong chúng ta không?

Thực ra, Chúa Thánh Thần không phải là vấn đề của cảm xúc, nhưng là việc chúng ta có mở lòng ra để Thần Khí của Thiên Chúa tràn vào cuộc sống của mình. Đó là việc chúng ta có sẵn sàng từ bỏ mọi kế hoạch, mọi ý riêng, và không tự mình hướng dẫn mình nhưng để cho Thần Khí dẫn dắt chúng ta. Dĩ nhiên, đây là một cuộc mạo hiểm nhưng là một cuộc mạo hiểm đem lại sự giải thoát. Một khi để cho Thần Khí của Thiên Chúa ban sự sống, tăng cường sức mạnh, như chúng ta đã nhìn thấy nơi cuộc đời của các thánh tông đồ sau ngày lễ Ngũ Tuần, thì cuộc sống của họ liền được biến đổi hoàn toàn. Tại sao không để cho Chúa Thánh Thần, Đấng ngự trong tâm hồn bạn, sử dụng quyền năng của Người mà biến đổi toàn diện cuộc đời của bạn?

***

Lạy Chúa, ngày xưa Chúa đã ban Chúa Thánh Thần cho các tông đồ và cuộc đời của các ngài đã được biến đổi hoàn toàn. Giờ đây, xin Chúa cũng ban Thánh Thần xuống trên con để giúp con vượt thắng mọi trở ngại mà trở nên một môn đệ can đảm của Chúa giữa trần gian này, Amen.

Tổng hợp từ R. Veritas

 

CHUỘC TỘI

Tôi còn nhớ, vào những năm 79-80 ấy, mà lại ở vùng kinh tế mới, thì chuyện sinh ở trạm xá là chuyện hiếm.  Thường thì người ta sinh con ở nhà, có bà mụ, hoặc thậm chí, chồng đỡ đẻ cho vợ.  Vì vậy, trạm xá chẳng có mấy sản phụ, chỉ có những phụ nữ đã từng sống ở thành phố, bị lấy mất nhà cửa, phải vào kinh tế mới, thì mới có thói quen tại sinh trạm xá.  Cô tôi cũng không là ngoại lệ.  Đến thăm cô tại trạm xá, tôi chú ý đến sản phụ ở giường bên cạnh.  Dù lam lũ, đen đúa nhưng cô ấy vẫn toát ra một vẻ gì đó “dân thành phố trăm phần trăm” (ấy là theo lời thằng em tôi, sau khi câu chuyện xảy ra).  Cô ấy có vẻ mệt, buồn và lẻ loi cam chịu thế nào ấy.  Trong khi mấy giường chung quanh đều có người thăm viếng, trò chuyện vui vẻ, thì cô ấy chỉ một mình.  Thấy tôi nhìn, cô tôi nói nhỏ:  “Chị ấy sinh từ sáng, mà lại sinh đôi, nhưng không hiểu sao không thấy ai thăm nuôi.  Chắc đói lắm.  Cô đã mời, nhưng cô ấy không ăn.”

Mải nói chuyện, tôi cũng không để ý chị ấy nữa.  Đến lúc nghe một tiếng thét rợn người ngay bên cạnh, tôi mới giật mình quay lại, thì nhìn thấy ngay một người con trai mặt trắng bệch, gần như hoá đá, ngồi ở cuối giường, đôi mắt mở to nhưng không nhìn thấy gì, không còn thần sắc gì.  Còn sản phụ trên giường đã ngồi bật dậy, chụp lấy đứa bé con mình mà liệng ra cửa sổ!  Mọi sự diễn ra rất nhanh, ai cũng nhìn thấy nhưng không ai kịp phản ứng gì cả.  Đến lúc mọi người tỉnh lại, xúm vào giật được thằng bé kia trong tay mẹ nó, thì chị cũng hộc ra một ngụm máu rồi té lăn ra trên giường, tắt thở ngay lúc đó!  Mọi người lộn xộn, cuống cuồng la hét một lúc lâu, đến khi quay lại thì người con trai vẫn ngồi im ở đó, không có một phản ứng gì cả!  Dường như anh đã hoá đá thật sự!

Sau này tôi mới biết, đó là một cặp vợ chồng son, lấy nhau vì tình.  Gia đình chị không đồng ý, nhưng thấy chị cương quyết quá, nên cũng đứng ra tổ chức hôn lễ nhưng sau đó thì cấm cửa cả hai người!  Chỉ ba hôm trước ngày cưới, chị mới biết hôn phu của mình có máu mê cờ bạc.  Nhưng, một phần vì thiệp cưới đã gởi đi hết, phần vì không lường được mức độ nặng nhẹ của máu mê ấy, vẫn mong tình yêu mãnh liệt của hai người sẽ làm thay đổi tất cả, chị vẫn quyết định lấy anh.  Chỉ mấy tháng sau, chị biết bệnh của anh là không còn thuốc chữa.  Nghèo đói là thế, nhưng hễ kiếm được đồng nào là anh lại sà ngay vào chiếu bạc.  Lúc mới lấy nhau, anh chỉ “đi vắng” từng chập ngắn.  Càng về sau anh càng vắng nhà nhiều hơn.  Cả đêm, cả ngày.  Đồ vật trong nhà, vốn dĩ đã ít ỏi, nay lại lần lượt đội nón ra đi.  Bao nhiêu lần chị khóc lóc, bao nhiêu lần chị làm dữ là bấy nhiêu lần anh hối hận ăn năn, hứa sẽ bỏ, và cũng bấy nhiêu lần anh quay lại với chiếu bạc!  Tình yêu anh dành cho chị không đủ mạnh để vượt qua căn bệnh này.  Rất sợ mất chị, nhưng anh không đủ nghị lực nói không với những lời rủ rê, khích bác.  Không còn cách nào khác, ngay khi biết mình mang thai, chị nuốt nước mắt vào trong, tự mình bươn chải kiếm sống.  Chị không từ một việc nặng nhọc nào để kiếm tiền, dành dụm chi dùng cho mình khi sinh nở.  Ngày đi sanh chị mới chỉ cho anh chỗ cất tiền, dặn dò anh lo ăn uống cho mình.  Thế nhưng, khi cầm tiền trong tay, máu mê cờ bạc lại nổi lên, anh tự nhủ “chơi một ván thôi, rồi về đi chợ, nấu cơm mang lên cho vợ”.  Một ván của anh kéo dài đến khi hết tiền.  Cầm mấy đồng tiền lẻ còn lại, anh mới sực tỉnh!  Chừng ấy tiền thì chỉ đủ mua một ít nước đậu nành, vừa lếnh láng đáy gà-mên!

Mang cái gà-mên ấy lên trạm xá, như một tên tội phạm, anh lén lút bước vào, lén lút đưa cho vợ.  Cả một ngày dài bị bỏ mặc với những buồn bã, đau đớn, mệt mỏi, với cái nhìn thương xót của những người xung quanh, trong sự non yếu thể xác và tinh thần của sản phụ mới sinh, thì những giọt sữa đậu nành lênh láng đáy gà-mên ấy chính là giọt nước làm tràn ly.

*********************************

Chúng tôi đến Trại Phong vào một buổi chiều muộn.  Nắng chiều vàng rực chiếu xiên qua hàng cây ven đường tạo nên vẻ đẹp âm thầm.  Soeur phụ trách dẫn chúng tôi đi thăm một vòng.  Dù đã được cam kết rằng bệnh phong không lây qua không khí, thức ăn, nước uống, nhiều đứa trong đoàn vẫn sợ co rúm lại, không dám uống nước các soeur mời, dù khát khô cổ sau một chặng đường dài mệt nhọc!

Và bất chợt, tôi lại nhìn thấy hình bóng người con trai ấy.  Câu chuyện với từng giây phút kinh hoàng đã ám ảnh tôi một thời gian dài, và in hằn trong trí tôi, không thể xóa nhòa.  Đúng là những đường nét của khuôn mặt ấy, nhưng bây giờ là khuôn mặt của một ông già cằn cỗi với thời gian, tuổi tác đè nặng, mái tóc bạc trắng, vừa rất giống, vừa rất khác người thanh nhiên ngày xưa ấy.  Và đôi mắt.  Đôi mắt như hai hố sâu thăm thẳm, vừa như chất chứa, u uất, vừa như vô hồn, trống rỗng.  Tôi tìm cách dò hỏi từ soeur phụ trách, để biết là các soeurs cũng chẳng biết gì hơn tôi.  Gần hai mươi năm trước, anh một mình đến xin làm, không nhận tiền công, chỉ xin ngày hai bữa ăn và một chỗ ngủ.  Trại phong là nơi chẳng ai muốn đến bao giờ, nhất là lại đến ở luôn, mà lại giúp không công!  Thế là các soeurs nhận.  Và soeur không bao giờ ân hận vì quyết định ấy, vì anh luôn làm quá sức mình, trong tất cả mọi việc, không nề hà những vết lở loét kinh sợ, không nề hà mùi tanh hôi của máu, mủ.  Chỉ có một điều, anh không bao giờ trò chuyện.  Là những người xoa dịu vết đau, không những thể xác mà cả tinh thần, các soeur biết anh đang chất chứa một nỗi đau dường như vượt quá sức chịu đựng, nên tìm đủ mọi cách tiếp cận với con người ấy, nhưng anh vẫn cứ là một cái bóng, một cái bóng vô cùng hữu dụng.

Ngày tháng dần trôi.  Các soeurs đến rồi đi, anh trở thành một phần không thể thiếu của trại.  Và các soeur cũng từ bỏ ý định tiếp cận với anh.  Nỗi đau anh khư khư ôm giữ riêng cho mình, không biết như một trừng phạt, đọa dày hay như một sự chuộc tội?!

Tôi rất muốn nói với anh rằng, đúng thật là anh đã tự tay giết chết một lúc ba mạng người, mà lại là những người thân yếu nhất.  Đúng thật là không đêm nào anh có thể ngủ mà không mơ thấy hình ảnh vợ mình ném con qua cửa sổ.  Nhưng chừng ấy năm trời sống giam mình trong địa ngục của câu chuyện ấy đã là quá đủ cho anh.  Sao anh không thể tha thứ cho chính mình?  Sao anh không nhìn thấy những người phong cùi kia lần lượt được chữa lành?  Sao anh không thấy rằng, chừng ấy năm xoa dịu nỗi đau thể xác của những bệnh nhân phong cùi đã là sự chuộc tội dư đầy?  Dù không biết Chúa, nhưng hai mươi năm sống cạnh các soeur, sao anh không thể nhận ra rằng, Chúa đã tha thứ cho anh từ lâu lắm rồi?  Sao anh không tin rằng, nơi xa xôi ấy, vợ và các con anh chắc phải đau khổ lắm khi nhìn thấy anh như thế, để những  ngày còn lại trong cuộc đời, anh có thể an lòng mà sống, mà tiếp tục làm người thánh thiện trong mắt các bệnh nhân, như họ đã nhìn anh trong hai mươi năm qua?

Chiêu Ẩn

*********************************

Lạy Chúa, trong hành trình thiêng liêng, quá trình nhìn nhận tội lỗi của mình, chấp nhận ơn tha thứ của Chúa và cuối cùng là chấp nhận tha thứ cho chính bản thân mình là một con đường dài đầy chông gai.  Xin cho con biết mở lòng và khiêm nhường để tha thứ cho chính mình cho dù tội lỗi của con có ngút ngàn mây xanh.  Xin cho con nhận biết rằng chỉ có Chúa mới đủ khả năng để chuộc tội cho con chứ con không có khả năng để chuộc lại tội lỗi của mình.  Khi không tha thứ cho chính mình cũng chính là con không chấp nhận sự tha thứ của Thiên Chúa, nghĩa là Chúa đã thất bại với chính con! 

Lạy Chúa Giêsu Kitô, xin giúp con thoát ra khỏi áng mây đen ám ảnh của một quá khứ tội lỗi để con sống vui, sống trọn vẹn cho mình, cho Chúa và cho tha nhân.  Amen!

MÙA GẶT

Mấy hôm nay tôi ở trên vùng đất đỏ.  Mùa này là mùa gặt hái ở vùng này nên cả ngày trong thôn xóm khá vắng vẻ.  Ai có sức đều đi làm, cả lớn cả bé.  Vùng này trồng bốn loại cây chính là điều, tiêu, cà phê và cao su.  Điều và tiêu thì gặt hái vào khoảng tháng giêng đến tháng tư.  Cà phê hái khoảng tháng mười.  Còn cao su thì cạo mủ từ tháng tư đến tháng chạp. Vì tiêu, điều và cà phê chỉ tụ trái một năm một lần nên kinh tế người dân tùy thuộc vào mùa gặt này.  Năm nay, sắp đến mùa gặt hái thì bị những cơn mưa trái mùa nên “cà phê tiêu điều” lắm.  Khủng hoảng kinh tế toàn cầu cũng ảnh hưởng nhiều đến đời sống dân nghèo ở các vùng nông thôn.  Cao su không tìm được chỗ bán ra nên nhân công cạo mủ ngày làm ngày không.  Đi thu hoạch tiêu, điều và cà phê thì được trả khoảng 50 ngàn một ngày.  Đi cạo mủ cao su được khoảng 70 ngàn một ngày vì cần phải có kinh nghiệm cạo mủ và phải làm ban đêm.  Mùa điều nay năm coi như thất thu nặng vì những cơn mưa.  Đang mùa lượm điều cũng là mùa tụ trái, những cơn mưa vừa rồi làm điều không tụ trái được, còn những trái non thì bị úng.

Tôi đến hướng dẫn khóa cầu nguyện ngay trong mùa gặt vì lâu lắm rồi ở đây không có khóa và tôi cũng không thể sắp xếp được thời gian nào khác, thế mà mười anh chị em Dân Tộc cũng dám bỏ ba ngày mùa để tham dự khóa.  Lòng mến Chúa của anh chị em Dân Tộc làm tôi cảm động quá sức, và giúp tôi nhìn lại lòng hăng say công việc nhà Chúa của chính mình.  Khi anh chị em đến tham dự, vì thông báo không rõ ràng nên ai cũng tưởng khóa chỉ một ngày nên người nào cũng chỉ mặc một bộ đồ, khi đến nơi mới biết khóa đến ba ngày.  Cuối ngày đầu tiên, anh chị em về nhà ngủ để lấy thêm áo quần, tôi nghĩ sáng hôm sau chắc chỉ vài ba người trở lại, thế mà anh chị em đến đông đủ chỉ thiếu một người và thay vào đó lại có một người khác tham dự.

Nhìn ngắm địa hình vùng này, dù rất nhỏ trong bản đồ, nhưng trong mắt tôi thì thật rộng lớn trên con đường sứ vụ vì nhân sự không có.  Cả một cánh đồng truyền giáo rộng thêng thang đang chờ thợ gặt do những anh chị em đi trước đã gieo vãi hạt giống Tin Mừng.  Tôi được sai đến với anh chị em Dân Tộc nhưng không được trang bị gì cả.  Không biết tiếng, cũng chẳng biết văn hóa hay tập tục của họ.  Tôi đi thu hoạch tâm hồn như một người không rành nghề đi làm mướn.  Người thợ gặt đi vào cánh đồng lúa chỉ được Thiên Chúa trang bị cho một khí cụ duy nhất mà thôi, đó là tình yêu!  Hình như khi đến với anh chị em mà có tình yêu là có đủ tất cả.

Mùa thu hoạch tiêu và điều đang tiếp diễn và thợ gặt mướn không thiếu.  Già trẻ lớn bé, ai có sức là đi làm.  Lượm điều ở dưới đất thì ai cũng làm được vì điều chờ rụng mới thu hoạch.  Còn hái tiêu cần lưu ý hơn vì phải hái trên cây cao và phải tránh không làm gãy nhánh.  Ngày ngày tôi ra vườn lượm những trái điều dưới đất mới thấm thía nghề lượm điều.  Cứ khum lên cúi xuống để lượm từng trái điều dưới đất.  Lượm được 100 trái điều cho vào cái sô thì cái lưng và hai đầu gối ê ẩm rã rời.  Vì năm nay mất mùa nên người dân ít mướn thợ lượm điều.  Cả nhà lớn nhỏ, cha mẹ con cái ráng bỏ công bỏ sức ra tự lượm.  Mùa gặt hái cánh đồng của Thiên Chúa cũng đang tiếp diễn nhưng thiếu vắng thợ gặt nhất là những thợ gặt kinh nghiệm.  Chúa vẫn trông chờ những thợ gặt mướn vì cánh đồng của Chúa còn bao la bát ngát, và Ngài đang chờ đợi từng con người quảng đại cộng tác vào chương trình của Ngài.

Hôm nay tôi thu hoạch điều do công những người đi trước đã bỏ công trồng và chăm bón.  Tôi đi gặt hái những tâm hồn do công của anh chị em đi trước đã gieo vãi hạt giống Lời Chúa và chăm sóc cánh đồng với tấm lòng quảng đại yêu thương.  Tôi đang gặt hái cánh đồng mà tôi đã chẳng bỏ công trồng và chăm sóc.  Tôi đến và rồi sẽ có ngày tôi ra đi; nhưng hoa trái của cánh đồng vẫn tiếp tục nở hoa, tụ trái vì Đấng Chủ cánh đồng vẫn dõi mắt theo và quan phòng.

Mùa này đang là mùa lượm điều, hái tiêu và cà phê, thế mùa nào là mùa gặt tâm hồn hở Chúa?  Hay ngày nào cũng là ngày mùa gieo vãi và gặt hái của Chúa, vì có ngày nào Chúa nghỉ ngơi đâu (Ga 5:17).  Mùa gặt của Chúa không dùng máy để gặt hàng loạt như công nghệ hiện đại của kỷ nguyên này, nhưng là đi gặt từng tâm hồn một như con đi lượm từng trái điều.  Lượm được một tâm hồn về cho Chúa thì con thấy Chúa vui lắm vì “con Cha đã mất nay lại tìm thấy” (Lc 15:24), và khi thấy Cha vui thì lòng con được vui lây cùng Cha.

************************************

Lạy Chúa, xin cho chúng con được mặc lấy tâm tình của Chúa, “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít.  Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về” (Mt 9:37-38), để mỗi lần chúng con vui mừng gặt hái những hoa mầu vật chất, thì cũng biết dõi theo ánh mắt của Chúa để thấy những cánh đồng chín vàng của tâm hồn để gặt hái về cho Chúa.  Lạy Chúa, xin tiếp tục sai nhiều thợ gặt đến cánh đồng mênh mông của Chúa, để cánh đồng của Ngài chỉ còn có một màu xanh – Màu Xanh của Tình Yêu, Sự Sống và Hy Vọng.

Giuse Ngô Văn Chữ, S.J.
March 4, 2009

NGUỚC MẮT NHÌN TRỜI

Con người thường có hai thái độ sống đối nghịch nhau. Một bên là những người chỉ biết có việc đạo.  Sống dưới đất nhưng lòng trí để cả ở trên trời.  Không tha thiết gì với những người chung quanh.  Không tham gia những sinh hoạt xã hội.  Khinh chê tất cả những giá trị ở đời này. Ngược lại, bên kia là những người sống như chỉ biết có việc ở đời.  Chỉ coi trọng những giá trị vật chất.  Chỉ biết có đời này.  Sống là còn. Chết là hết. Cả hai thái độ đều bất cập.

***

Việc Đức Giêsu lên trời và những lời Ngài truyền dạy trước khi từ giã trần gian giúp ta có một cái nhìn đúng đắn hơn đối với trời và đối với đất.

Đức Giêsu lên trời.  Điều đó dạy ta biết ngoài cõi đời này còn có một nơi chốn khác. Ngoài cuộc sống này còn có một cuộc sống khác.  Ngoài những giá trị đời này còn có những giá trị khác.

Trời là nơi hạnh phúc không còn khổ đau. Trời là nơi cuộc sống vĩnh viễn không bị tiêu diệt.  Trời là nơi tất cả mọi giá trị đạt đến mức tuyệt đối.  Trời là nơi con người trở thành thần thánh, sống chung với thần thánh.

Như thế trời là niềm hy vọng của con người.  Con người không còn bị trói chặt vào trần gian.  Định mệnh của con người không phải chỉ là đớn đau sầu khổ.  Số phận con người không phải sinh ra để rồi tàn lụi.  Trời cho con người một lối thoát. Trời mở ra cho con người một chân trời hạnh phúc.  Trời cho con người cơ hội triển nở đến vô biên.

Trời nâng cao địa vị con người. Có trời, con người không còn bị xếp ngang hàng với súc vật.  Súc vật sinh ra để tàn lụi.  Con người sinh ra để triển nở, để vượt qua số phận, để đạt tới địa vị con Thiên Chúa.  Có trời, con người sẽ được nâng lên ngang hàng thần thánh.

Tuy nhiên, trời không phải xây dựng trong mây trong gió, nhưng được xây dựng trong cuộc sống trần gian.  Trời không phải là cõi mơ mộng viển vông, nhưng đã bắt đầu ngay trong thực tế cuộc đời hiện tại.

Chính vì thế mà hai thiên thần áo trắng đã bảo các môn đệ đừng đứng nhìn trời mãi làm chi, nhưng phải trở về mà lo chu toàn nhiệm vụ.

Chính vì thế mà trước khi lên trời, Chúa căn dặn các môn đệ hãy đi làm việc cho nước Chúa.  Sống và làm việc ở trần gian, đó là một nhiệm vụ phải chu toàn. Hoàn thành nhiệm vụ ở trần gian, đó là điều kiện để đạt tới hạnh phúc nước trời.

Chính Đức Giêsu cũng đã chu toàn nhiệm vụ ở trần gian rồi mới lên trời. Nhiệm vụ đó là đi gieo Tin Mừng khắp nơi.  Đi đến đâu là thi ân giáng phúc đến đấy. Đi đến đâu là gieo yêu thương đến đấy.

Hôm nay Chúa cũng sai các môn đệ và chúng ta đi gieo Tin Mừng khắp thế gian.  Hãy đi làm mọi việc tốt đẹp cho mọi người.

Làm việc tốt đẹp ở trần gian đó là góp phần xây dựng nước trời. Góp phần xây dựng trần gian đó là dọn chỗ ở trên nước trời. Trần gian không phải là nơi cho ta bám víu vì không vĩnh cửu.  Nhưng trần gian là cơ hội cho ta đạt tới nước trời. Chính vì thế, người môn đệ của Chúa phải sống giữa trần gian, phải yêu mến trần gian, phải xây dựng trần gian. Vì trần gian là nơi Chúa sai ta đến làm việc. Tuy nhiên người Kitô làm việc ở trần gian mà lòng vẫn hướng lên quê trời.  Yêu mến trần gian vì nước trời. Yêu mến trần gian để biến trần gian thành nước trời.

***

Lạy Chúa Giêsu, xin cho con biết nỗ lực xây dựng trần gian trong niềm mong đợi hạnh phúc nước trời. Amen.

TGM. Ngô Quang Kiệt

CÂU CHUYỆN BÀ HÀNG XÓM (III)

Muốn đi bước thứ ba này thì phải tập cho được bước một và hai của Câu Chuyện Bà Hàng Xóm.  Bước thứ ba này là tôi đến với bà hàng xóm.  Nếu tôi không đi được bước một và hai thì tôi chỉ đến với bà hàng xóm với một đống lý lẽ, và nếu nói lý nói lẽ thì bà hàng xóm cũng có cái lý nào đó của bà: “Cái mũi của cô tẹt thì tôi nói mũi cô tẹt, anh lùn thì tôi nói anh lùn, bác hói đầu thì tôi nói bác hói đầu, tôi đâu có nói gian, tôi nói ‘sự thật’ mà!”  Đến với một đống lý lẽ chưa chắc tôi đã thắng được cuộc tranh cãi, mà có thắng được cuộc cãi vã thì tôi lời lộc được gì, còn nếu thua cuộc đấu khẩu thì còn thảm bại hơn nữa.  Nếu tôi đi được bước một là nhìn lại mối tương quan giữa tôi với Chúa, và bước được sang bước hai và nhìn bằng ánh mắt tâm hồn để thấy và hiểu tâm hồn bà hàng xóm, cùng cảm thông và cầu nguyện cho bà, thì tôi hãy đi bước thứ ba này, là tôi đến với bà hàng xóm khó ưa.

Tục ngữ Việt Nam ta có câu, miếng trầu làm đầu câu chuyện, đi qua nhà hàng xóm nhờ vả miếng trầu, xin miếng nước trà đâu phải là chuyện trầu chuyện trà, mà là có dịp có cớ để đến với nhau.  Đức Giêsu cũng đã đến với con người qua cách này, Ngài đã nhờ vả: “Chị cho tôi xin chút nước uống!” (Ga 4:7), Ngài xin nước uống chẳng qua là để bắt đầu câu chuyện để rồi chính Ngài là Đấng ban phát.  Muốn nói câu nhờ vả này thì Ngài phải hạ xuống nhiều bậc lắm.  Thứ nhất, là Thiên Chúa mà lại đi hạ mình xin xỏ loài người; thứ hai, là người Do-thái mà lại xin người Samaria; thứ ba, là người nam mà lại xin người nữ, khi văn hóa thời bấy giờ không cho phép; thứ tư, là người công chính mà lại xin người tội lỗi; thứ năm, là người có nước hằng sống mà lại đi nhờ vả thứ nước mau qua.  Là Thiên Chúa mà còn hạ đến thế, huống hồ là tôi.  Nếu tôi không đủ bản lãnh để hạ năm bậc như Đức Giêsu thì thôi tôi chỉ cần hạ xuống một bậc cũng là được rồi.  Tôi hạ mình đến với bà hàng xóm khó chịu với một lời xin. Một lời xin xỏ chẳng qua là để câu chuyện được đi xa hơn trong tình Chúa tình con, và nối lại mối tương quan giữa con người với nhau.  Ngài đã thành công qua sự hạ mình đến với người tội lỗi, và Ngài cũng tin tưởng trao cho mỗi người Kitô hữu trọng trách này.

Chị ơi, hôm qua chị vô tình nói một câu buâng quơ nhưng em bị tổn thương và hôm qua em nghĩ xấu về chị, nên hôm nay em đến xin lỗi chị và xin chị tha thứ cho em.”  Đến mà xin lỗi thì bà hàng xóm khó mà gây sự được.  Nếu tôi nói bà cố tình nói lời như vậy thì chắc bà sẽ thủ thế để dùng một đống lý luận để chống đỡ và bào chữa liền, chỉ có cách là tôi phải hạ mình lân la đến và làm như tất cả là lỗi tại tôi mọi đàng (như tôi thường đấm ngực thình thịch khi đọc kinh cáo mình trong Thánh Lễ đấy mà!) và tôi đến xin lỗi thì mới có cơ may bắt đầu được câu chuyện tình yêu và nối lại mối tương quan với anh chị em.  Khi câu chuyện đã mặn mà, ấm áp rồi, không chừng những vấn nạn, khúc mắc trong tôi cũng như trong tâm hồn bà hàng xóm được giải tỏa, hay là khi chuyện trò đã vui vẻ rồi thì chia sẻ nỗi tổn thương của tôi.  Mục đích chính ở đây là tôi đi gặp gỡ Thiên Chúa của tôi và của bà đó, để trao ban bình an của Chúa cho nhau, và tha thứ cho nhau.

Tôi thấy một Thiên Chúa đang tê liệt trong tâm hồn bà nên tôi muốn đến với bà.  Tôi đến vì yêu, yêu Chúa và yêu như Chúa, yêu con người.  Nếu nói yêu Chúa mà không yêu người thì chẳng qua là lời nói trên môi trên miệng mà thôi, khi yêu thì tự nó phải tuôn trào ra, và càng tuôn trào ra thì tình yêu đó mới có sức sống và trở nên sung mãn.  Chẳng ai chịu yêu thầm rồi đi ngủ cả, khi yêu thì tìm đủ cách để đến gần nhau hơn, như Thiên Chúa đến với con người, như những câu chuyện “trồng cây ‘si’ trước sân nhà tôi” mà ta vẫn thường nghe.

Cách xử sự của con người nói chung, đặc biệt người Việt Nam nói riêng, thì xử sự có tình có lý, mà lúc nào cái tình cũng đi trước cái lý.  Khi đã không có cái tình rồi thì có lý bao nhiêu cũng không đủ, vì bên nào cũng có cái lý của bên ấy.  Đến với nhau bằng cái tình thì êm ái, nhẹ nhàng, và dễ mở lòng đón nhận.  Khi mến nhau rồi thì chuyện gì cũng xong, ca dao ta thường nói: “Yêu nhau trái ấu cũng tròn,” còn ghét nhau thì “trái bồ hòn cũng méo.”

Lúc tôi mở lòng đến, nhưng không chắc lúc đó bà hàng xóm đang mở lòng.  Cho nên khi tôi đến với bà hàng xóm thì tôi cần hiểu rằng không phải lúc nào tôi cũng mở lòng, và bà hàng xóm cũng vậy thôi, nên phải chờ đợi và chọn cho đúng lúc đúng chỗ, nhưng nói chung nếu tôi đến với tâm tình tự hạ mình xin lỗi thì dễ giúp người khác mở lòng đón nhận.

Một điểm gợi ý để anh chị em chúng ta cùng suy tư là tôi phải đến hay tôi muốn đến?  Phải thì có nhiều yếu tố của lề luật và lý trí và nhiều khi chỉ là miễn cưỡng, còn muốn thì phản ánh lên tâm tình của trái tim nhiều rung cảm.  Nếu chỉ sử dụng Phải thì dễ thiên quá nhiều lý trí, mà nếu chỉ dùng Muốn mà thôi thì nhiều lúc chỉ làm vì nổi hứng.  Phải chăng còn cần kết hợp cả hai món quà Thiên Chúa ban tặng là lý trí và cảm xúc để hiểu tôi, hiểu người và hiểu Chúa?

***************************

Lạy Chúa, Chúa đã tin tưởng trao ban cho chúng con một sứ mạng cao cả là thay quyền Chúa để trao ban tình thương và bình an cho anh chị em chung quanh chúng con, xin cho chúng con Tình Yêu và Khôn Ngoan của Chúa để chúng con biết cư xử với nhau như lòng Chúa mong muốn.  Xin Chúa tiếp tục ban Thần Khí Ngài trên mỗi anh chị em chúng con để chúng con đem Lời Chúa Giêsu truyền dạy cho chúng con ra thực hành: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy yêu thương anh em” (Ga 15:12), Amen!

Giuse Ngô Văn Chữ, S.J.
May 2, 2009

CÂU CHUYỆN BÀ HÀNG XÓM (II)

Muốn đi được bước thứ hai này thì phải đạt được phần suy tư và cầu nguyện của Câu Chuyện Bà Hàng Xóm I.  Bước thứ hai, là TẠI SAO bà già hàng xóm nói một lời sốc xược, gây hấn như vậy.  Bước thứ nhất là nhìn vào chính mình, còn bước thứ hai này là nhìn ra ngoài từ lăng kính tâm hồn bình an.  Tâm hồn chưa bình an thì khó có thể nhìn được bằng lăng kính này vì đây là lăng kính tâm hồn.

Anh Tư vừa xây xong cái nhà vừa to, vừa đẹp, ai đi qua cũng trầm trồ khen nức nở nên anh thích thú lắm.  Anh Tư đang chờ cuối tuần cha xứ đến làm phép nhà.  Chưa kịp làm lễ tân gia thì nhà anh Bảy bên cạnh có tang.  Cha anh Bảy bị xe tải tông chết, anh Bảy đem xác cha về nhà để làm tang lễ.  Anh Tư cũng đi qua tham dự đọc kinh cầu nguyện chia buồn cùng tang quyến, đọc xong thì ra ngồi uống trà hàn huyên.  Anh Bảy nhìn cái nhà của anh Tư thì buột miệng nói: “Cái nhà của anh Tư vừa sang lại vừa đẹp, chỉ tội một cái là cái cửa chính nhỏ quá quan tài chắc qua không lọt!” Anh Tư nghe bực không?  Có muốn gây không?  Nếu anh Tư mà gây thì quả anh Tư không biết điều, vì không lẽ cái xác của cha anh Bảy còn nằm chình ình giữa nhà như thế đó mà anh đòi gây chuyện à.  Khi anh Tư nghe anh Bảy nói như vậy thì lẽ thường sẽ bỏ qua thôi, vì “tang gia bối rối,” anh Tư thông cảm với anh Bảy vì tâm hồn anh Bảy đang bấn loạn, bất an nên nói “hớ,” chứ như bình thường thì không được đâu nghe.

Anh Tư bỏ qua chuyện vì hiểu và thông cảm với nỗi buồn của anh Bảy, biết anh Bảy đang bất an, nên thay vì gây hấn, ăn miến trả miếng, thì anh Tư thầm cầu nguyện cho anh Bảy được bình an trong Chúa trở lại.  Cũng vậy, nhìn lại câu chuyện bà hàng xóm, khi bà hàng xóm nói một câu đầy đố kị và gây hấn thì tôi nhận biết rằng, tại vì bà hàng xóm đang lòng động lòng lo, tâm hồn đang xao xuyến vì một chuyện nào đó (có thể liên quan hoặc chẳng có liên quan gì đến tôi), nên tâm hồn bà mất bình an, mà mất bình an thì cũng đồng nghiã là thiếu vắng sự hiện diện của Chúa trong bà trong giây phút đó.

Thế giới của tâm hồn và tâm linh chỉ có hai vùng: Ánh Sáng và Bóng Tối như Thánh Gioan diễn đạt ở ngay chương đầu của Tin Mừng của ngài.  Khi bà hàng xóm nói một lời thiếu bác ái hay chỉ trích, có một cử chỉ gây hấn, có một hành động thù nghịch phá rối, thì tôi nhận biết rằng giây phút đó bà hàng xóm đã từ chối Ánh Sáng và Sự Sống để chấp nhận ngụp lặn làm nô lệ cho Bóng Tối.  Tôi không cần biết bà hàng xóm theo đạo gì, có nhận biết Thiên Chúa hay không, thì bà vẫn là con cái của Thiên Chúa và là Anh Chị Em của tôi.  Giây phút bà từ chối Ánh Sáng thì Cha tôi đau khổ và tôi muốn cầu nguyện cho bà được ơn trở lại.

Nhưng nếu nghe câu nói sốc xược của bà hàng xóm tôi đã nổi trận lôi đình thì tôi chẳng học xong bài một, và tôi cũng không thể giúp cầu nguyện cho bà trong bước thứ hai này.  Nếu tôi muốn cầu nguyện cho bà thì đầu tiên tôi phải học và hành bước thứ nhất, để tôi có thể có bình an trong Chúa và bình tâm nhìn ra ngoài bằng đôi mắt của tâm hồn, đôi mắt của thần khí, đôi mắt của Thiên Chúa.  Đôi mắt mà chị Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu đã nhìn và nói với một nữ tu trong tu viện không ưa chị Thánh và hay muốn tránh mặt: “Chúa Giêsu của em muốn nói chuyện với Chúa Giêsu của chị” (     ). Thay vì lo vận trí động não để tranh luận thắng thua vì một câu nói thoáng qua như cơn gió thoảng, nếu tâm hồn tôi không bị dao động nhiều, vẫn bình an trong Chúa, thì tôi mới có thể nhìn được bằng ánh mắt của tâm hồn, đôi mắt của Chúa, để thấy được tâm hồn của bà hàng xóm.  Còn tôi muốn dùng trí não của tôi, ánh mắt khoa học của tôi để có thể thấy được tâm hồn của bà hàng xóm thì chắc là khó lắm đấy.

Tôi muốn gợi một vài suy tư trong bước thứ hai này để chúng ta cùng cầu nguyện:

  1. Đâu là những chướng ngại vật cản trở tôi nhìn bằng đôi mắt tâm hồn, đôi mắt của Thiên Chúa?
  2. Cái gì giúp tôi trau dồi và phát huy đôi mắt của tâm hồn, của Thần Khí, đôi mắt mà Chúa Giêsu đã nhìn, đôi mắt thấy được Thiên Chúa?

**********************************

Chúa ơi, chúng con thường nhìn bằng đôi mắt thể xác, đôi mắt khoa học, với một đống lý lẽ xem ra có vẻ thuyết phục lắm, và chúng con thường quên lãng đôi mắt tâm hồn mà Chúa ban cho chúng con, chúng con không biết bây giờ đôi mắt tâm hồn của chúng con có còn thấy rõ không, còn thấy được không hay đui mất tiêu rồi.  Đôi mắt thể xác của chúng con hơi mờ một chút là chúng con năng nỗ nào đi rửa mắt, xịt thuốc, đi khám, mang kính, v.v…  xin giúp mỗi người chúng con cũng biết quan tâm đến đôi mắt tâm hồn của chúng con hơn để bắt đầu tập nhìn bằng ánh mắt bên trong tâm hồn. Amen.

Giuse Ngô Văn Chữ, S.J.
April 10, 2009

P.S: Còn tiếp phần ba.

YÊU THƯƠNG

Dọc theo triền núi Trường Sơn, có một ngôi mộ đã lâu đời, trên bia mộ có khắc dòng chữ: “Tôi yêu thương người, nhưng rất sợ lòng người”.  Đây là câu nói của Hy Thanh, người chết nằm dưới mộ sâu.  Nhưng tại sao lại khắc dòng chữ đó trên mộ của anh ta? Câu trả lời được dựa trên câu chuyện sau đây:

Thời bấy giờ, Hy Thanh chịu khó đi học nghề tìm mạch nước.  Bạn bè khinh chê: “Dưới đất lúc nào chẳng có nước, học chi cái nghề vô dụng ấy”. Gia đình cũng chửi rủa chàng: “Học cái nghề vô ích ấy làm gì, đi đâu thì đi”.  Hy Thanh ra đi, ngày kiếm ăn, đêm tìm đến chùa ngủ, cắn răng chịu đựng và vẫn tiếp tục theo đuổi cái nghề tìm mạch nước ấy.  Mười năm trôi qua, gặp thời đại hạn, giếng khô cạn, nhiều người chết vì khát.  Lúc bấy giờ người ta chợt nhớ đến Hy Thanh, chạy tới chàng để cầu cứu .  Hy Thanh tìm ra mạch nước, nước chảy lênh láng khắp nơi.  Dân chúng từ bốn phương hay tin đến uống, họ vui mừng ca ngợi chàng.  Tuy nhiên, có kẻ vì khát lâu ngày, nay uống quá độ nên ngã lăn ra chết.  Người ta quay lại mạt sát chàng, những người có thân nhân bị chết xông vào đánh đập chàng cho đến chết.  Trước khi chết, Hy Thanh thốt lên: “Tôi yêu thương người, nhưng rất sợ lòng người”.

***

Bạn thân mến!  Bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay cũng nhắc đến hai chữ yêu thương: “Đây là điều răn của Thầy: Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em (Ga.15:12)

Yêu thương không những là một lời khuyên mà còn là một lệnh truyền của Chúa Giêsu, là đặc điểm của những người theo Chúa, là sứ mệnh của mỗi người Kitô.

Không còn nhầm lẫn nào nữa.  Muốn làm môn đệ Chúa Giêsu, ta phải yêu như Chúa yêu.  Tình yêu của Đức Giêsu không phải tự Ngài nghĩ ra, không phải phát xuất từ chính Ngài, nhưng bắt nguồn từ Chúa Cha: “Như Cha đã yêu mến Thày thế nào, Thày cũng yêu mến anh em như thế”. (Ga.15:9).

Thế là đã rõ:  Tất cả bắt nguồn từ cùng một tình yêu.  Chúa Cha là nguồn cội. Từ nguồn mạch ấy, tình yêu tràn ra đến mọi người; lan toả ra khắp thế  giới.  Yêu thương là không làm cho nó ngừng lại thành ao tù.  Thế giới hôm nay đói khát tình yêu đích thực.  Môn đệ Ðức Kitô phải là chứng nhân tình yêu, yêu như Chúa đã yêu, yêu bằng tình yêu lớn nhất.

Tình yêu là cốt lõi của đời sống Kitô.  Tất cả điều răn của Kitô giáo được tóm gọn trong hai chữ yêu thương : Yêu Chúa và mến thương tha nhân như chính mình.  Yêu thương người anh em thân cận với mình chính là thước đo tình yêu Thiên Chúa, vì nếu ai nói: “Tôi yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối” (1Ga.4:20).

… Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau”. (Ga.15:17).  Đó là những dòng chữ cuối cùng trong bài Tin Mừng hôm nay.  Đó cũng là lời trăn trối mà Đức Giêsu đã truyền dạy cho các môn đệ trước khi Ngài lên đường chịu khổ hình.  Đó cũng là lời mời gọi vang vọng từ trời cao mà Chúa Giêsu đã và đang gởi đến mỗi người chúng ta hôm nay.

Nói yêu thương  bao giờ cũng dễ, nhưng chính khi thực hành yêu thương ta mới thấy hết những nét quyết liệt của lời mời gọi này.  Mỗi lần trái tim ta khô héo và chai cứng, hãy trở lại với Ðức Giêsu để nhận lấy sức mạnh của yêu thương, hãy về bên Ngài như suối nguồn để được tưới đẫm yêu thương.

***

Lạy Chúa!  Xin cho con hiểu được tình yêu của Chúa dành cho con: tình yêu của người đã thí mạng sống của mình cho người mình thương (Ga.15:13).  Xin cho con biết mở lòng đáp trả bằng một tình yêu trung tín đối với Chúa, và bằng tình yêu chân thành đối với người anh em thân cận với con, để con biết “yêu như Chúa yêu” và “yêu người như yêu Chúa”. Amen

(Tổng hợp từ R. Veritas)

 

 

 

CÂU CHUYỆN BÀ HÀNG XÓM (I)

Hai vợ chồng kia dọn đến xóm nọ, mới sáng sớm không biết bà già hàng xóm ăn mắm ăn muối gì mà chĩa cái miệng qua nói: “bà vợ mũi tẹt xấu ịch!”  Cô vợ bực lắm nhưng ráng nhịn, đến chiều thì cơn bực tăng dần và trở thành giận.  Cô giận tím gan đến độ ăn cơm nuốt không trôi, ngủ cũng không yên được, càng ráng quên thì lại càng ức, và cô mất bình an hoàn toàn đến nỗi không thể nói chuyện được với chồng.

Câu chuyện này nghe như lạ đời lắm, nhưng tôi thấy nó giống tôi như khuôn như đúc vậy.  Tôi nói cuộc tình của tôi và Chúa khắn khít lắm, thế mà chỉ một lời nói buâng quơ của bà hàng xóm thoáng qua cửa sổ tâm hồn tôi mà tôi đã bấn loạn cả tâm can, rối tứ bề, mất bình an hoàn toàn đến độ không thể nói chuyện với Chúa.

Mời anh chị em cùng tôi nhìn câu chuyện này qua ba bước suy tư để cùng nhau cầu nguyện.  Bước thứ nhất là nhìn vào bên trong chính mình.  Trước khi bà già hàng xóm nói lời chói tai kia thì thật ra tôi có bình an thực sự trong Chúa thật không, một thứ bình an Chúa ban tặng mà người đời không thể cho hoặc lấy đi, hay tôi chỉ có một thứ bình an giả tạo mà Đức Giêsu thường ví như là đồ “mồ mả tô vôi.”  Nếu chỉ mới một cơn gió thoảng qua cửa sổ nhà tôi, mà tôi đã giãy đành đạch làm như sắp chết thì có vẻ như tôi không có sự bình an trong Chúa thật sự.  Vì bình an gì mà mới một cơn gió thoảng mà đã tiêu tan, mà nếu có chăng nữa thì chắc mong manh lắm, hay là tôi chỉ có một loại bình an nhân tạo, như một lớp sơn bóng bẩy che lấp cả đống mồ mả tối tăm bên trong.

Nếu vậy thì tôi cần phải nhân cơ hội vì lời thiếu bác ái của bà hàng xóm để nhìn lại mối tương quan, liên kết với Chúa, thay vì mở cái loa phóng thanh ra phán lại vài câu cho hả dạ, hay là ráng nhịn.  Góc độ ở đây không phải là nhịn cho qua chuyện, vì nhịn miết rồi thì cũng sẽ có ngày nó phát nổ mà thôi.  Còn nếu nói qua nói lại, giả sử như tôi thắng cuộc tranh cãi đi nữa thì tôi được lời lãi gì.  Ở đây, tôi được mời gọi nhìn lại mối dây nối kết với Chúa như thế nào mà tôi dễ bị bức xúc vì những cơn gió thoáng qua cửa sổ lòng tôi như vậy.  Phải chăng sự liên kết giữa tôi với Chúa chỉ mỏng manh như một cọng dây chì, nên chỉ một cơn gió nhẹ thổi qua là đã đứt dây, đứt bóng, mất bình an và xa Chúa, vì nếu có Chúa hiện diện thì dấu chỉ đầu tiên là tôi được bình an.  Nếu vậy thì tôi cần phải đan kết với cuộc tình với Chúa và con như mười, hai mươi sợi dây chì, để rồi những cơn gió thổi thoảng qua có thể chỉ đứt một hai cọng dây chì thôi, nhưng tôi vẫn còn nối kết với Chúa với tám chín sợi dây chì còn lại trong bình an và sự hiện diện của Ngài.

Ở bờ biển thì lúc nào cát và rác rưởi ở dưới đáy bị xáo trộn lên trên mặt nước vì bờ biển chỉ cạn một thước nước.  Người môn đệ theo Chúa cần đào luyện và kết hiệp với Chúa như ở độ sâu mười, hai mươi thước nước để gió biển vẫn thổi, sóng biển vẫn dập dìu, và chỉ có lớp nước trên mặt bị chao động, nhưng ở dưới đáy biển sâu vẫn bình thản ung dung.  Mà có bao giờ gió hết thổi đâu, có bao giờ biển lại hết sóng, chẳng qua là gió mạnh hay yếu, sóng to hay nhỏ mà thôi.  Người Kitô yêu mến Chúa và theo Chúa thì cần phải nối kết mối tương quan với Chúa như mười sợi dây chì, như mười thước nước sâu.

Những lời nói xỉa xói, bất bình; những cử chỉ gây hấn, chia rẽ; những hành động lỗ mãng, thù nghịch, thiếu bác ái có bao giờ hết đâu, lúc nào nó cũng thoáng qua cửa sổ tâm hồn tôi.  Người nông nỗi thì ăn miếng trả miếng, chớ nhịn thì chúng khinh rồi làm tới.  Người khá hơn một chút thì tìm cách chặn bên này, cản bên nọ chống đỡ những cơn gió thoảng, chống bên kia những cơn sóng vỗ, mà có bao giờ cản được hết gió, chặn được hết sóng.  Loại người thứ ba thì biết dùng những lời chê bai để nhìn lại mối liên kết với Chúa.  Gió vẫn thổi, sóng vẫn vỗ, nhưng loại người thứ ba này vẫn bình an tự tại.  Được khen thì cũng vui dăm phút, bị chê thì buồn vài phút, nhưng không vì những lời khen tiếng chê mà làm lòng bị dao động mất bình an vì tâm hồn vẫn sống kết hiệp trong Chúa và với Chúa.

*********************************

Lạy Chúa, chúng con yếu đuối và mỏng dòn quá sức, chỉ một cơn gió thoảng của bà hàng xóm ăn mắm ăn muối thổi qua nhà là chúng con đã bị động lòng.  Xin Chúa tiếp tục dạy dỗ những đứa con thích quay ngang quay ngữa nên hay lạc lối, ham thích bám víu vào những chuyện đâu đâu bên ngoài mà quên mối tình của Chúa đã dành cho chúng con, cuộc tình mà chính Chúa đã chấp nhận chịu chết để chúng con được sống.  Lạy Chúa, xin Tình Yêu của Chúa chiếm trọn tâm hồn mỗi người chúng con, là những môn đệ yêu mến Chúa, muốn theo chân Chúa, và muốn đáp trả tình yêu Chúa đã ban tặng nhưng không. Amen.

Giuse Ngô Văn Chữ, S.J.
April 9, 2009

P.S: Vì đề tài này dài, nên tôi sẽ viết bước suy tư II và III vào các bài chia sẻ khác.