LỜI TẠ ƠN

Tạ ơn cho những người bố, những người mẹ. Tạ ơn cho những sáng sớm vất vả với dòng xe cộ đỏ chói và đen đặc trên xa lộ. Tạ ơn cho tháng năm ngược xuôi kiếm tiền nuôi chồng, nuôi vợ và nuôi con. Tạ ơn cho những người cha người mẹ một đời khổ vì con, một đời cực vì cháu.

Tạ ơn cho những giọt nước mát lạnh từ trời cao đã tuôn đổ, những giọt nước mắt đã rớt rơi để dập tắt mầm mống của giận hờn oán ghét. Tạ ơn cho những vết thương bầm tím trên thân xác và trong tâm hồn đang từ từ phai màu và được chữa lành.

Tạ ơn cho những lầm lỗi. Tạ ơn cho những lần được thứ tha, được bỏ qua, được quên đi, được xóa nhòa. Tạ ơn cho những chịu đựng âm thầm, không cằn nhằn, không đi ra đi vào đá thúng đụng nia. Tạ ơn cho những hành động ích kỷ và một tấm lòng từ tâm bao dung.

Tạ ơn cho những giây phút thất vọng và hy vọng.  Tạ ơn cho những giọt lệ khổ đau và nụ cười hạnh phúc.  Tạ ơn cho những giây phút buồn phiền, cô đơn, và chán nản, không ai vỗ về.  Tạ ơn cho một lần hạnh phúc, vinh quang, và thất vọng.  Tạ ơn cho những thất bại và thành công.

Tạ ơn cho một tô mì gói với chả lụa thơm nồng . Tạ ơn cho một tô phở đặc biệt với bò viên, hành ngò, và thịt tái nạm. Tạ ơn cho một tô cơm trắng với thịt kho, rau muống, và dưa muối.  Tạ ơn cho nước mắm, mắm tôm, mắm ruốc bốc mùi thơm lừng trong nhà bếp. Tạ ơn cho bún bò huế, bún vịt sáo măng, bún mọc, cháo gà, cháo vịt, cháo lòng và phở tái.  Tạ ơn cho bánh cuốn, bánh bèo, bánh đúc, bánh phồng tôm.  Tạ ơn cho gạo trắng cơm ngon. Tạ ơn cho những bữa cơm thơm nồng được nấu bởi bàn tay của ông của bà, của bố của mẹ, của chị của anh, và của cả những người em, em trai cũng như em gái.

Tạ ơn cho những người thầy những người cô đã giúp con trưởng thành và đồng hành với con.  Tạ ơn cho một năm học vui vẻ với nhiều kết quả tốt đẹp. Tạ ơn cho những trí khôn Thiên Chúa đã ban cho con. Tạ ơn cho một sức khỏe không đau yếu. Tạ ơn cho sự cần cù, hy sinh, và thương yêu của mẹ cha.  Tạ ơn cho một đêm dạ vũ vui nhộn với tiếng nhạc êm đềm và quyến rũ.

Tạ ơn cho những thân hình lực lưỡng của đứa con trai, mới ngày nào còn nhỏ xíu, nay vươn vai đứng dậy hóa ra người thanh niên với những sợi râu mọc lưa thưa trên mép.  Tạ ơn cho những đứa con gái, ngày nào tóc còn ngắn như con trai, giờ này tóc dài thướt tha đen nhánh, êm đềm bước đi những gót hài đầu tiên của tuổi thanh xuân, tuổi của sắc đẹp rực rỡ, huy hoàng.

Tạ ơn cho những đám cưới tưng bừng với bao nhiêu quan khách. Tạ ơn cho những tà áo dài trắng thướt tha, những khuôn mặt đỏ hồng, những đôi mi e lệ dưới khăn voan cô dâu trắng toát. Tạ ơn cho những đứa con đang hình thành trong bụng. Tạ ơn cho những mái ấm gia đình hạnh phúc.

Và quan trọng hơn cả … Tạ ơn cho con được biết Chúa, được làm con của Chúa, được  bàn tay Ngài luôn chở che thương yêu chăm nom săn sóc …Và nhất là cho con được hưởng nhờ Ơn Cứu Độ từ trời cao, cho con được tham dự vào “Bản Tính Thiêng Liêng” của Chúa, cho con được trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài.

***************

Lạy Chúa!  Có rất nhiều điều con cần phải tạ ơn, tạ ơn Trời và tạ ơn Ðời.  Có kể ra hết cũng không đủ giấy mực để tâm sự với Chúa về những hồng ân con đã lãnh nhận.  Con chỉ biết khắc ghi trong lòng để luôn sống tâm tình tạ ơn trong mỗi giây mỗi phút của cuộc đời con.  Amen

Trích từ R. Veritas

TỈNH THỨC VÀ CẦU NGUYỆN

Mùa Vọng là mùa chờ đón Chúa đến. Chúa sẽ đến nhưng ta không chắc gặp được Người. Vì Người đến rất bất ngờ và rất âm thầm.  Muốn gặp được Chúa ta phải tỉnh thức.

Tỉnh thức có nghĩa là đừng mê ngủ. Chúa thường hay đến vào ban đêm, nghĩa là vào lúc ta không ngờ.  Ðời sống có những bóng đêm ru ta ngủ say mê khiến ta không gặp được Người.  Có những bóng đêm của tội lỗi giam cầm hồn ta trong giấc ngủ bạc nhược khiến ta không còn đủ sức thoát ra. Tội lỗi lôi kéo tội lỗi. Tội lỗi chồng chất giống như những tảng đá gìm ta xuống vực sâu vô tận.  Có những bóng đêm của danh vọng ru hồn ta ngủ quên trên vinh quang chói lọi.  Vinh quang giống như ngọn đèn đốt cháy biết bao đời thiêu thân.  Có những bóng đêm của xác thịt cuốn hồn ta vào giấc mộng lạc thú.  Lạc thú giống như chiếc lưới rất mềm mại, rất nhẹ nhàng, nhưng rất hiểm độc.  Linh hồn đã sa vào khó có thể thoát ra.  Có những bóng đêm của thói ích kỷ chỉ biết sống cho bản thân mình.  Ích kỷ giống như một hang sâu, càng đi vào càng thấy tối tăm.  Có những bóng đêm của tiền tài bao phủ ta trong giấc mộng giàu sang phú quí.  Chìm đắm trong giấc mộng, ta sẽ chẳng nghe được bước chân của Chúa đi qua.

Tỉnh thức cũng có nghĩa là tỉnh táo phân định.  Chúa đến rất âm thầm và rất bé nhỏ. Người không đến với cờ quạt trống phách tưng bừng, nhưng đến trong âm thầm lặng lẽ. Người không đến trong uy nghi lẫm liệt của những vị vương đế, nhưng Người đến trong hiền lành khiêm nhường như một người phục vụ. Người không mặc gấm vóc lụa là, nhưng đơn sơ trong y phục dân dã.  Người không đến như vị quan toà nghiêm khắc, nhưng như một người cha nhân hậu, một người bạn dễ thương dễ mến.  Người đang đến qua những con người hiền lành bé nhỏ quanh ta.  Người đang đến trong những con người khốn khổ túng cùng.  Người đang đến qua những khuôn mặt xanh xao hốc hác.  Người đang đến trong những tấm thân gầy guộc.  Người lẫn vào giữa đám đông vô danh.  Người chìm mất trong số những kẻ bị loại ra ngoài lề xã hội.  Người ẩn mình giữa đám người ăn xin đang lê bước khắp các nẻo đường cát bụi.  Người đang rét run với cặp mắt ngơ ngác thất thần ở giữa những nạn nhân bão lụt.  Phải tỉnh táo lắm ta mới nhận ra Người.  Phải tỉnh thức lắm ta mới gặp được Người.

Tỉnh thức không có nghĩa là cứ ngồi đó mà chờ đợi. Tỉnh thức là bắt tay vào hành động.  Chúa như ông chủ đi vắng.  Người cho ta được toàn quyền khi Người vắng nhà.  Người giao trách nhiệm cho ta trông coi gia đình ta, giáo xứ ta, địa phương ta, đất nước ta và cả thế giới nơi ta đang sống. Ta được tự do hành động. Ta có trách nhiệm làm cho gia đình, xứ đạo, địa phương, đất nước, và cả thế giới được phát triển về mọi mặt.  Vì thế, tỉnh thức là nhìn thấy những nhu cầu của anh em, và đáp ứng những nhu cầu đó. Tỉnh thức là nhìn thấy ý Chúa trong những trào lưu thời đại. Tỉnh thức là nhận biết Chúa hành động trong những tâm hồn thiện chí thuộc các niềm tin, mầu da, quan điểm khác nhau để biết cộng tác trong việc xây dựng xã hội. Tỉnh thức là dấn thân hy sinh phục vụ anh em trong quên mình.

Ngay từ đầu mùa Vọng, Chúa mời gọi ta hãy tỉnh thức.  Hãy bước ra khỏi giấc ngủ miệt mài, lười biếng.  Hãy đoạn tuyệt với những giấc mộng phù hoa.  Hãy thôi đuổi theo những đam mê dục vọng.  Hãy nói không với những đồng tiền bất chính.

Hãy tỉnh táo phân định để nhận ra dung mạo thực sự của Ðức Kitô.  Ðừng chạy theo những khuôn mặt mang dáng vẻ cao sang quyền quý. Ðừng chạy theo những khuôn mặt nặng về quyền lực.  Ðừng chạy theo những lời hứa hẹn giàu sang.  Dung mạo đích thực của Ðức Kitô là nghèo hèn, là khiêm nhường, là bé nhỏ.

Hãy tỉnh thức để làm việc không ngừng, để quên mình, hy sinh phục vụ cho lợi ích của đồng loại.

Như thế, tỉnh thức không phải là việc dễ dàng. Tự sức ta sẽ khó mà tỉnh thức. Nên ta phải tha thiết cầu nguyện xin ơn Chúa trợ giúp.  Có ơn Chúa thúc đẩy, ta mới có thể dứt bỏ con đường tội lỗi xưa cũ.  Có ơn Chúa soi sáng, ta mới đủ tỉnh táo nhận ra dung mạo đích thực của Ðức Giêsu.  Có ơn Chúa trợ giúp, ta mới đủ hăng hái ra đi phục vụ trong quên mình.

***************

Lạy Chúa, xin giữ hồn xác con luôn tỉnh thức để con nhận biết Chúa đang đến với con trong cuộc sống hằng ngày. Amen.

TGM. Ngô Quang Kiệt

MỎNG DÒN

Một em bé đã khóc sướt mướt vì em của nó làm rơi bể bức tượng  làm bằng sành thật đẹp . Bức tượng đó là món quà sinh nhật của em nay đã trở thành những mảnh vụn. Thật tội nghiệp em bé.  Nếu như  bức tượng đó làm bằng nhựa thì em bé đã không cần phải nâng niu, và cũng không phải giữ gìn một cách cẩn thận nữa.

***************

Bạn thân mến!  Nếu chúng ta sống trong một thế giới mà mọi cái đều không thể bể, không thể vỡ, không thể hư hao mất mát, không thể chết, không có tai nạn và dĩ nhiên không có sức khỏe cũng chẳng có đau yếu bệnh tật… Một thế giới như thế quả thực là một thế giới chết. Bởi lẽ, một thế giới như thế không có gì để phát triển, không có gì mới mẻ, cũng không có mầm non để thay thế cho những cái già nua cằn cỗi.  Cần phải có nhiều cái hư nát mỏng dòn tiêu tan để cho nhiều cái mới xuất hiện.  Quan trọng hơn nữa là để cho những con người mới được sinh ra trong thế giới này.  Một cây cảnh bằng ni lông thì mãi mãi chỉ có thế thôi, nhưng nếu là một cây cảnh thật, thì nó sẽ có lá héo lá vàng lá khô, và cây ấy có thể tàn rụi, có thể chết, và dĩ nhiên, cây ấy cũng sẽ đâm chồi nẩy lộc nở hoa, nghĩa là có sức sống mới, có đổi mới.

Nếu tất cả mọi cái đều không thể hư hỏng, không thể vỡ bể, không thể hư hao thì người ta không cần phải nương tay với bất cứ cái gì, người ta cũng chẳng cần phải sợ bất cứ cái gì, người ta cũng chẳng cần phải ân hận vì bất cứ việc lỡ tay nào, người ta chẳng cần bảo trì bất cứ điều gì, và như vậy, chẳng còn có gì đáng quí nữa.

Thiên Chúa đã ban cho con người một hồng ân cao cả. Ðó là đã tạo dựng cho con người một thế giới có biến đổi, và nhất là đã tạo dựng con người với một cuộc sống mỏng dòn.  Có sống trong một thân phận mỏng dòn yếu đuối, con người mới biết quí trọng sự sống của mình. Có những yếu hèn vấp ngã, con người mới biết quí trọng tự do đích thực.  Có những mò mẫm tìm kiếm, con người mới biết thế nào là niềm vui của khám phá. Có những sa chân lỡ bước, con người mới hiểu được thế nào là cảm thông tha thứ.

Thân phận bụi tro của con người không phải là một ý nghĩ bi quan mà Giáo Hội muốn gieo vào lòng các tín hữu. Ðó là một lời mời gọi. Ðó là một thách đố để vươn cao hơn. Ðó là một thức tỉnh cho niềm hy vọng. Ý thức được thân phận mỏng dòn là thấy được nhu cầu luôn luôn đổi mới và hoán cải. Ý thức được thân phận tội lỗi, là thấy được nhu cầu cần phải có bàn tay đỡ nâng, tha thứ của Thiên Chúa.  Bên kia những mỏng dòn yếu đuối, bên kia những thử thách gian lao, bên kia những thất bại mất mát, bên kia cái chết, là niềm vui của sự phục sinh.  Ðó phải là niềm tin của chúng ta, niềm tin của những người được làm con Thiên Chúa.

***************

Lạy Chúa, Chúa đã dùng môi miệng của thánh Phaolô để nói với chúng con: “Nơi đâu tội lỗi càng nhiều thì nơi đó ân sủng của Chúa càng dồi dào tuôn đổ”.

Lạy Chúa! Giữa biết bao đam mê tội lỗi đang bủa vây… biết bao thử thách và níu kéo đang mời gọi… Xin ban cho con tấm lòng ăn năn hoán cải.  Xin giúp con luôn tin tưởng và trông cậy vào tình yêu thương tha thứ của Chúa. Amen.

Trích từ R. Veritas

MỘT GIẢI PHÁP CHO NỀN HOÀ BÌNH THẾ GIỚI

Vương quốc Fanxica là một đất nước thái bình, thịnh vượng.  Nhà vua và hoàng hậu lại có diễm phúc sinh được hai hoàng tử khôi ngô tuấn tú, văn võ song toàn và có khí phách dũng cảm của bậc anh hùng.  Hai vị hoàng tử nầy lại thương yêu hoà hợp với nhau, đêm ngày gắn bó với nhau như hình với bóng.

Trong khi đó, vua nước láng giềng tên là Faroux, là một người cực kỳ nham hiểm và ác độc, nuôi mối căm thù truyền kiếp với vua Fanxica.  Lòng căm thù của ông lại càng dâng cao khi thấy vua Fanxica có hai hoàng tử khôi ngô tuấn tú, vũ dũng hơn người, trong khi mình thì không có lấy một mụn con.  Vì thế, ông rắp tâm hạ sát hai vị hoàng tử kia cho bằng được.

Vua Faroux biết hai vị hoàng tử thường hay vào rừng săn bắn, nên vua cho người mai phục, giăng bẫy bắt được hoàng tử em là Faram.

Sau khi hay tin em mình mất tích trong rừng, hoàng tử anh một mình một ngựa xông xáo vào rừng tìm em.  Không ngờ chính anh cũng bị vua Faroux giăng bẫy bắt được.

Tên vua độc ác giam hai anh em vào hai ngục tối biệt lập nên hai hoàng tử không hề hay biết gì về số phận của người kia.

***************

Theo thông lệ hàng năm, vào dịp sinh nhật của vua, vua cho tổ chức những cuộc quyết đấu giữa những con ác thú, để chúng phanh thây xé xác nhau làm trò vui cho quan quân và dân chúng.

Năm nay, thay vì cho ác thú đấu nhau, nhà vua ác độc bắt hai tù nhân vạm vỡ khoẻ mạnh, mỗi người mang một bộ da sư tử trên mình, đeo thêm mặt nạ sư tử, và buộc họ phải quyết đấu cho đến khi một trong hai người phải chết. Ai sống sót sẽ được trả tự do.

Cả đấu trường hò la vang dậy khi quân lính dẫn hai đấu thủ mặc lốt sư tử bước ra. Với thanh mã tấu trên tay, hai con người lốt sư tử xông vào nhau chiến đấu vô cùng ác liệt như hai ác thú say mồi. Đám đông cổ võ hò la vang trời dậy đất.

Cuộc chiến kéo dài hơn cả tiếng đồng hồ mà vẫn bất phân thắng bại. Cả hai đấu thủ mệt nhoài, mình mẩy hai người đều đầy thương tích máu me, nhưng không ai chịu nhường ai. Mỗi người đều dốc hết toàn lực để hạ đối thủ, để dành sự sống, để được trả tự do, để khỏi làm nô lệ suốt đời.  Chỉ có chiến thắng hay là chết!

Thế rồi đấu thủ cao người hơn lao tới như báo vồ mồi, vung đao chém xoạc mặt đối phương, làm rơi mặt nạ sư tử, để lộ ra một khuôn mặt… rất thân quen!

Anh kinh hoàng tột độ! Thanh mã tấu trên tay rơi xuống.  Anh giật bỏ mặt nạ của mình ra.  Hai người ồ lên kinh ngạc.  Họ bàng hoàng nhận ra nhau.  Không ai xa lạ, họ chính là hai anh em ruột thịt, hai hoàng tử con vua Fanxica bị vua Faroux bắt cóc.

Họ lao vào nhau, ôm chầm lấy nhau khóc nức nở. Họ đâu ngờ rằng đối thủ mà họ quyết tâm tiêu diệt cho bằng được lại là người anh em rất thân yêu.

Nước mắt tuôn tràn hoà chung với máu. Hai con người bầm dập, mình mẩy đầy máu me ôm nhau khóc tức tưởi. Khóc vì đã coi nhau như kẻ thù, đã đấu tranh với nhau như ác thú; khóc vì đã gây cho nhau bao vết thương đau. Họ vẫn đứng đó, ôm nhau khóc tức tưởi trước hàng ngàn cặp mắt bàng hoàng kinh ngạc của mọi người.

***************

Hình ảnh hai anh em ruột thịt giao đấu với nhau một mất một còn trong câu chuyện trên đây là một minh hoạ cho tấn thảm kịch đau thương vẫn diễn ra hằng ngày giữa cộng đồng nhân loại.  Ngay giờ đây, nhiều nơi trên thế giới cũng đang xảy ra những cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn y như thế.

Chính ma quỷ thù nghịch với Thiên Chúa, cũng giống như ông vua Faroux độc ác kia, đã trùm lên con người lốt sư tử, lốt chó sói. “Người là chó sói của người – homo homini lupus”.  Vì thế, con người không còn nhận ra nhau là anh em cùng loài; mà xem người khác như là kẻ thù cần tiêu diệt để dành lấy sự sống cho mình.

Đứng trước thảm cảnh đó, mọi cố gắng xây dựng hoà bình của con người, của các tổ chức quốc tế đều không thể dập tắt hận thù và chiến tranh.

Khi hai bên đã say máu chiến tranh, nếu có người tước súng đạn của họ đi, thì đôi bên sẽ chiến đấu với nhau bằng dao rựa, mã tấu…  Nếu tịch thu dao rựa, mã tấu, thì đôi bên sẽ dùng gậy gộc gạch đá để huỷ diệt nhau; Có tịch thu hết gậy gộc gạch đá thì đôi bên có thể tấn công nhau bằng nắm đấm, dùng răng để cắn xé nhau…

Vậy phải làm thế nào để chấm dứt chiến tranh, tái lập hoà bình cho nhân loại?

Muốn làm cho đôi bên tự động ngưng chiến và làm hòa lại với nhau thì giải pháp tốt nhất không phải là tước bỏ khí giới mà là khai hoá cho đôi bên biết rằng: đối thủ của họ không là ai khác mà chính là người anh em ruột thịt con cùng một cha.

Chính Vua Giê-su đến thế gian để thực hiện điều đó. Ngài tuyên bố trước toà Philatô: “Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này:  làm chứng cho sự thật”.  Sự thật quan trọng nhất của Chúa Giê-su là soi sáng cho mọi người biết Thiên Chúa là Người Cha rất yêu thương và tất cả nhân loại là con cái của Ngài và là anh chị em ruột thịt với nhau. Với sự thật nầy, mặt nạ da thú đã bị tước bỏ đi, để lộ khuôn mặt rất thân thương của người anh em.

Mừng lễ Chúa Giê-su Vua, chúng ta hãy cầu xin cho mọi người trên khắp thế giới được đón nhận sự thật cao đẹp do Chúa Giê-su mang đến.  Chỉ có sự thật tuyệt vời nầy mới có thể giải thoát nhân loại khỏi hận thù chiến tranh, khỏi cảnh huynh đệ tương tàn, nồi da xáo thịt.  Chỉ có sự thật nầy mới là động cơ xây dựng thế giới trở thành một đại gia đình huynh đệ.

Lm Inhaxiô Trần Ngà

NGÀY PHÁN XÉT

Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc đã dọn sẵn cho các ngươi vì khi xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm nom; Ta ngồi tù, các ngươi đã đến thăm… Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy.  (Mt.25:34-40)

***************

Bạn thân mến! Trên đây là tường thuật về ngày phán xét chung cuộc trong bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay.  Trong ngày phán xét chung cuộc này Thiên Chúa sẽ đến trong vinh quang để xét xử muôn dân. Trong ngày đó con người với công phúc hay tội lỗi sẽ được thưởng phạt phân minh rõ ràng.  Trong ngày đó con người không còn chỗ cho địa vị, cho quyền uy, thế  lực hay giàu sang phú quý. Trong ngày đó không một ai được miễn trừ,  cũng không còn có cơ hội để thanh minh hay lập công chuộc tội cho những việc mình đã thực hiện trước đây khi còn sống trên trần gian. Trong ngày đó, tình yêu là thước đo duy nhất để phân biệt kẻ xấu hay người tốt.  Cách cư sử và thái độ sống của mình với anh em đồng loại là tiêu chuẩn duy nhất để xác định công phúc hay tội lỗi.

Cách cư xử và thái độ sống của Mẹ Têrêsa Calcutta là mẫu mực của tình yêu, là gương sáng cho ta noi theo.  Bà bị cuốn hút bởi tình yêu dành cho những người bệnh tật và  đau khổ.  Dưới mắt của bà, những người bệnh tật đau khổ không chỉ là những người đáng thương, mà còn là hiện thân của chính Chúa Giêsu đau khổ.  Tình yêu con người và tình yêu Chúa Giêsu đan quyện vào nhau.  Vì yêu Ngài, nên bà đã yêu người bệnh tật đau khổ mãnh liệt hơn.   Bà tập nhìn ra chính Chúa Giêsu trong mỗi con người, cho dù con người đó mang dáng vẻ bệnh hoạn kinh tởm đến đâu đi nữa.

Ta không phải tìm Chúa  nơi xa xôi.  Ngài không chỉ ở trong nhà thờ, trong bí tích mà Ngài còn ẩn mình trong những người hèn kém đáng thương.  Ngài gần gũi với nỗi đau của người yếu thế.  Ngài chia sẻ những  nỗi câm nín của bất công chèn ép trong xã hội…

Mỗi người yếu đuối khốn cùng xung quanh ta đều là một bí tích.  Qua họ ta có thể gặp gỡ Chúa Giêsu bằng xương bằng thịt…Chắc hẳn đã bao lần Chúa đi qua đời ta nhưng ta đã không chú ý đến.  Ngài đã đi qua đời ta như một người ăn xin nghèo khổ nơi cuối phố;  như một người bệnh với thân xác gầy còm ốm yếu trong bệnh viện;  như một người già đang sống lê lết những tháng ngày còn lại của cuộc đời nơi viện dưỡng lão …

Hôm nay Chúa Giêsu vẫn mời gọi ta ra tay giúp đỡ cho các anh chị em bé mọn khốn khổ của Ngài:  Những người mù chữ, những trẻ em đường phố, những người bị suy sụp tinh thần cần được yêu thương, những người vô gia cư không đủ khả năng để tìm cho đời mình một chỗ ở, những người tự nhốt mình trong tù ngục đam mê, những người trần trụi vì phải sống nhờ  trên thân xác của mình… Trong ngày phán xét chung thẩm,  ta không thể giả vờ ngạc nhiên khi nghe biết mình đã để Ngài đi qua đời ta với hai bàn tay trắng.  Ta sẽ bị Ngài xét xử dựa trên tình yêu cũng như cách cư sử và thái độ sống của mình với anh chị em xung quanh ta.

***************

Lạy Chúa Giêsu, chúng con thường cố ý thu hẹp vũ trụ của Chúa, chúng con đã giữ chặt Chúa ở trong nhà thờ, và kết qủa là nhiều tâm hồn vẫn xa Chúa, nhiều nơi vẫn vắng bóng Chúa cho dù Chúa đã đến trái đất này từ hơn 2000 năm.  

Lạy Chúa!  Ngài là Vua của trời đất vũ trụ,  là vua của muôn vua và là Chúa của mọi tâm hồn… Xin Chúa đến ngự trị trong cung lòng tâm hồn của mỗi người chúng con và của cả nhân loại này nữa, Amen.

trích R. Veritas

NOI GƯƠNG

Cũng giống như các tín hữu trong Hội thánh Công giáo, người tín hữu Việt Nam vô cùng tự hào về cha ông chúng ta – những anh hùng trung kiên với đức tin, đã can đảm hiên ngang đổ máu đào tử đạo để minh chứng cho đức tin Công giáo.  Chúng ta vui mừng tạ ơn Thiên Chúa đã ban cho Giáo hội Việt Nam nhiều vị tử đạo.  Chúng ta vui mừng và thành tâm cầu xin, cung nghinh, tôn kính các thánh tử đạo.  Đó là những tình cảm và việc làm thật tốt đẹp.

Thế nhưng, cha ông chúng ta đã đổ máu vì đức tin, đã hiến dâng cả mạng sống để chứng tỏ tình yêu mạnh hơn sự chết.  Những con người hy sinh cao cả như thế chẳng lẽ lại chỉ mong để con cháu ca hát ngợi khen, rước sách tung hô mình?  Người ta đã nhận định là tín hữu Việt Nam rất nhiệt tình trong kinh hạt, rước sách linh đình nhưng lại ngại hy sinh dấn thân trong công việc mục vụ, bác ái yêu thương.  Đời sống tôn giáo của tín hữu Việt Nam xanh tốt như cây nhiều cành lá mà ít hoa quả.  Những nhận định không hoàn toàn đúng nhưng cũng đáng để suy nghĩ.  Từ đó, thiết nghĩ, có lẽ cha ông tử đạo của chúng ta mong nơi con cháu một điều gì đó cao hơn, khó hơn việc hát ca, rước sách.

Ngược dòng thời gian trở về với bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu – Đấng tử đạo đầu tiên – đã để lại lời trăn trối cho các môn đệ: “Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em”. (Ga 13,15).  Như thế, điều Chúa muốn nơi các môn đệ là NOI GƯƠNG Ngài trong HÀNH ĐỘNG chứ không chỉ là ca hát ngợi khen.

Người Việt thường nói:”Cha nào con ấy”. Vì vậy, đừng bao giờ quên rằng: chúng ta mang trong mình dòng máu của các thánh tử đạo là những người đã đặt Chúa lên trên mạng sống.  Cha ông chúng ta can đảm dấn thân lẽ nào con cháu lại hèn nhát, lười biếng?  Nếu chúng ta sống nhàn hạ, cầu toàn, chỉ lo vun vén cho bản thân mình thì liệu có xứng đáng với sự hy sinh cao cả của cha ông, liệu xương máu các ngài có bị uổng phí?  Cha ông tử đạo trên trời sẽ nghĩ gì khi nhìn thấy con cháu ngại hy sinh trong đời sống đạo hôm nay?  Chúng ta cần nhớ rằng: Giáo hội phát triển là nhờ những tín hữu dám sống chết cho niềm tin của mình.

Mỗi khi mừng kính các thánh tử đạo là mỗi dịp để khơi dậy tinh thần tử đạo nơi chúng ta.  Tinh thần tử đạo không gì khác hơn là làm chứng cho Chúa giữa cuộc đời.  Xưa các thánh tử đạo đã dám chết cho niềm tin của mình, thì nay chúng ta cũng phải dám hy sinh cho những giá trị tinh thần cao quí trong cuộc sống hàng ngày.

***************

Có chuyện kể rằng: Người nông dân nọ miệt mài lao tác, trồng được cây xoài trĩu nặng quả thơm ngon.  Ông hái quả cho con cái và quảng đại đem chia sẻ cho bà con láng giềng.  Mọi người hân hoan đón nhận và cảm kích trước tấm lòng nhân ái của ông.  Thế rồi ông chết.  Để tỏ lòng biết ơn người trồng xoài, con cái cùng hàng xóm bắt đầu xây tường bao quanh khu đất cây xoài.  Rồi mọi người ra sức góp công của xây dựng một cái miếu để thờ ông ngay dưới gốc cây.  Hàng ngày lần lượt con cháu và mọi người đến miếu rỉ rả kể lại công ơn người trồng xoài, xì xụp hương nến lạy ông và xin ông phù hộ độ trì cho ăn nên làm ra.  Ai cũng hỉ hả mãn nguyện với công trình và các nghi thức vì họ cho rằng họ đang làm người trồng xoài vui lòng.  Nào có ngờ đâu, nơi chín suối, người trồng xoài buồn thương hết sức.  Ông thấy đau đầu với những lời tụng niệm; ông thấy ngột ngạt trước nến hương.  Ông chỉ mong ước một điều: các con ông và những người hàng xóm hãy NOI GƯƠNG ông mà miệt mài lao tác trồng tiếp những cây xoài khác để cho muôn người được hưởng những hoa thơm trái ngọt, để cuộc đời ngọt ngào hạnh phúc.

***************

Cũng trong bữa Tiệc Ly năm xưa, Chúa Giêsu đã ban cho các môn đệ một điều răn mới: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34).  Thật lạ, Chúa không bảo môn đệ phải ca hát ngợi khen Ngài, nhưng lại bảo môn đệ hãy noi gương bước theo Ngài xây dựng cuộc sống chan chứa yêu thương.

Yêu thương nào chẳng có hy sinh.  Yêu thương không hy sinh thì chỉ là thương môi thương mép.  Hành trình NOI GƯƠNG Chúa Giêsu luôn đòi hỏi nhiều từ bỏ và dấn thân.  Giáo hội phát triển là nhờ những tín hữu dám sống chết cho niềm tin của mình –  đây là bài học chúng ta phải ghi nhớ trong lòng.

Nguyện xin các Thánh tử đạo cầu bầu cùng Chúa thêm sức cho chúng ta, để chúng ta có đủ can đảm noi gương bước tiếp con đường hy sinh anh dũng vì mến Chúa yêu người như các Ngài.

Nguyễn Xuân Trường

CHẾT

Khi tôi được sinh ra là khởi điểm tôi bắt đầu đi về cõi chết.  Làm gì có sự chết nếu không có sự sống.  Làm gì có ngày người ta chôn tôi nếu không có ngày tôi chào đời.  Như thế, cuộc sống của tôi là chuẩn bị cho ngày tôi chết.

Ngay từ trong bào thai của mẹ, bắt đầu có sự sống là tôi đã cưu mang sự chết rồi.  Kết hợp và biệt ly ở lẫn với nhau.  Trong lớn lên đã có mầm tan rã.  Khi vũ trụ chào đón tôi, thì cùng một lúc, tôi bắt đầu từ giã vũ trụ từng ngày, từng giờ.

Mỗi ngày là một bước tôi đi dần về sự chết.  Bình minh mọc lên, nhắc nhở cho tôi một bước cận kề.  Hoàng hôn buông xuống, thầm nói cho tôi sự vĩnh biệt đang đến.

Không muốn nghĩ về sự chết tôi cũng chẳng tránh đuợc sự chết.

Tôi có thể không muốn nghĩ về sự chết nhưng tôi có ghét sự chết được không?  Tôi ghét sự chết là tôi ghét chính tôi.  Chết ở trong tôi.  Tôi đang đi về cõi chết nên ngay bây giờ sự chết đã thuộc về tôi rồi.  Sự sống của tôi hàm chứa sự chết, nên tôi yêu sự sống thì tôi cũng phải yêu sự chết.  Vì vậy, cuộc đời có ý nghĩa vẫn chỉ là cuộc đời chuẩn bị cho ngày chết.

Trong dòng đời, tôi không sống một mình.  Cuộc sống của tôi là tấm thảm mà mỗi liên hệ yêu thương là một sợi tơ, mỗi gắn bó quen biết là một sợi chỉ, anh em, cha mẹ, người yêu.  Sự chết xé rách tung tất cả để tôi ra đi một mình.  Chẳng ai đi với tôi.  Vì thế, chết mang mầu ly biệt.

Sống là hướng về tương lai. Tương lai là cái tôi không nắm chắc trong tay, vì vậy, tôi hay nhìn về tương lai bằng nỗi sợ bấp bênh.  Càng bấp bênh thì tôi càng tìm kiếm vững chãi, càng tích lũy. Nhưng tích lũy xong, xây đắp xong, vất vả ngược xuôi để rồi ra đi trắng đôi tay thì đời tôi thành đáng thương hại.  Nếu tôi không đem theo được những gì tôi tích lũy, thì những gì tôi ôm ấp hôm nay chỉ làm tôi thêm đau đớn, nuối tiếc.  Nếu không muốn vậy thì chúng phải là phương tiện để chuẩn bị cho giờ ra đi của tôi.

Tích lũy cho tương lai có thể là dấu hiệu khôn ngoan đề phòng những bất trắc có thể xẩy ra.  Mà cũng có thể là một thứ nô lệ.  Nếu suốt đời tôi lo âu tìm kiếm danh vọng, quá tham lam tiền bạc, lúc nào cũng bị vây khốn, băn khoăn thì đâu là niềm vui, tận hưởng.

Mà tận hưởng là gì? Ðâu là ý nghĩa của sự tìm kiếm? Tích lũy?

Kinh Thánh kể:

Có người trong đám dân chúng nói với Ðức Kitô: “Thưa Thầy, Thầy bảo anh tôi chia gia tài với tôi”.

Ngài đã nói cùng họ: “Hãy coi chừng! hãy lo giữ mình tránh mọi thứ gian tham, vì không phải ai được sung túc, là đời sống người ấy chắc chắn nhờ của cải”.

Ngài nói cùng họ một ví dụ rằng: “Có người phú hộ, ruộng nương được mùa, nên suy tính với mình rằng: ta phải làm gì?  Vì ta không còn chỗ nào mà tích trữ hoa mầu nữa.  Ðoạn người ấy nói: Ta sẽ làm thế này: phá quách các lẫm đi, mà xây những lẫm lớn hơn, rồi chất cả lúa mạ, và của cải vào đó, rồi ta nhủ hồn ta:  Hồn ơi! mày có dư thừa của cải, sẵn đó cho bao nhiêu năm; nghỉ đi! ăn uống đi! hưởng đi! Nhưng Thiên Chúa bảo nó:  Ðồ ngốc! ngay đêm nay, người ta sẽ đòi ngươi trả lại hồn ngươi, mọi sự ngươi đã sắm sửa, tích góp kia sẽ về tay ai? (Lc 12,13-21).

Không ai sống hộ tôi.  Không ai chết thay tôi.  Không ai đi cùng tôi.  Tôi sẽ ra đi lẻ loi.  Họ sẽ quên tôi cũng như tôi đã quên bao người.  Có thể đôi khi họ nhớ tôi.  Cũng như đôi khi tôi nhớ người này, kẻ kia.  Nhưng nỗi nhớ chỉ là của riêng tôi, còn kẻ đã ra đi vẫn ra đi miền miệt.  Thì cũng thế, chẳng ai làm gì được cho tôi lúc tôi ra đi không trở lại.

Chết là mất tất cả. Nhưng thánh Phaolô lại tuyên tín rằng chết là chiến thắng (1Cor 15,54).  Chết là đi về sự sống vĩnh cửu.  Chết là gặp gỡ.  Gặp Ðấng tạo nên mình.  Như vậy, chết là cánh cửa im lìm được mở ra để tôi về với Ðấng thương tôi.  Chết là điều kiện để sống.

Chúa ơi, chết là đi về với Chúa sao con vẫn lo âu?

Phải chăng nỗi lo âu là dấu hiệu nói cho con rằng con sợ con có thể không gặp Chúa. Vì sợ không gặp nên chết mới là bản án nặng nề.  Mà tại sao con lại sợ không gặp Chúa?  Chúa luôn mong mỏi, đợi chờ con cơ mà.  Như thế, muốn gặp Chúa hay không là do ý của lòng con.  Con có quyền quyết định cho hạnh phúc của mình.

Chúa ơi, vì biết mình sẽ chết nên con băn khoăn tự hỏi bao giờ thì chuyến tầu định mệnh đem con đi.  Hôm nay hay ngày mai?  Mùa thu này hay mùa xuân tới?  Con âu lo.  Nhưng vì sao phải lo âu?

Phải chăng lo âu là dấu hiệu nói cho con rằng con chưa chuẩn bị đủ, là hồn con còn ngổn ngang.  Có xa Chúa thì mới sợ mất Chúa.  Sợ mất Chúa thì mới xao xuyến băn khoăn.

Con biết thế, con biết rằng vì không sẵn sàng, vì không chuẩn bị nên mới hồi hộp, mất bình an. Con biết thế, con biết sau khi chết là hạnh phúc hay gian nan, là núi cao với mây ngàn cứu rỗi, hay vực sâu phiền muộn với đau thương.  Nhưng chuẩn bị cho giờ ra đi không đơn giản Chúa ơi.  Chúa biết đó, con đi tìm Chúa nhưng là đi trong lao đao.  Bởi yêu một vật hữu hình thì dễ hơn lắng nghe tiếng gọi từ nơi xa thẳm.  Giầu có và danh vọng cho con hạnh phúc mà con có thể sờ được.  Còn hạnh phúc của đức tin thì sâu thắm quá.

Chung quanh có biết bao mời mọc.  Kinh nghiệm cho con thấy rằng đã nhiều lần con bỏ Chúa. Như vậy biết đâu con lại chẳng bỏ Chúa trong tương lai.  Nếu lúc đó mà giờ chết đến thì sao?

Chúa có nghĩ rằng khi con phải phấn đấu chối từ những rung cảm bất chính để sống theo niềm tin là thánh giá của con không.  Chối từ tiếng gọi của tội lỗi đã là một thánh giá.  Nhưng có khi lo âu vì không biết mình có từ chối được không còn là một thánh giá khác nữa.  Chính đấng thánh của Chúa mà còn phải kêu lên: “Ôi! những điều tôi muốn làm thì tôi chẳng làm, những gì tôi muốn trốn tránh thì tôi lại làm” (Rom 7,15-16).  Chúa thấy đó, vị tông đồ lớn của Chúa mà còn như thế, huống chi con, một kẻ mang nhiều đam mê, yếu đuối thì đường về với Chúa gian nan biết bao.

Ðể khỏi chết khi con chết, thì con phải chết trước khi con chết.

Cái chết đó là đóng đinh đời con vào thập giá.  Con không biết con can đảm đến đâu.  Con chỉ xin sao cho con tiếp tục đi mãi.  Ði xiêu vẹo vì yếu đuối của con, nhưng vẫn tiếp tục đi.

Thập giá nào thì cũng có đau thương.

Con không muốn thập giá.  Vì thập giá làm con mang thương tích.  Chúa cũng đã ngã.  Nhưng nếu sự sống của con mang mầm sự chết, thì trong cái chết của thập tử nẩy sinh sự sống.  Chúa đã chết. Chúa hiểu nỗi sợ hãi của sự chết.  Con vẫn nhớ lời Chúa cầu nguyện: “Lạy Cha, con xin phó hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46).  Hôm nay con cũng muốn nói như vậy đó, với Chúa.  Cuộc tử nạn và phục sinh của Chúa dạy con rằng chẳng có sự sống nào mà không phải qua sự chết.  Chết thì sợ hãi, nhưng nếu con yêu sự sống thì con phải yêu sự chết.

Con muốn chết để được sống.

Con sẽ đóng đinh đời con vào thập tự.  Chúa ơi, Chúa có cho những lo âu của con là dấu chỉ tình yêu của một tâm hồn yếu đuối, đang thao thức đi tìm Chúa vì sợ mất Chúa không.

Lạy Cha, trong tay Cha con xin phó thác đời con.

LM Nguyễn Tầm Thường, SJ – Trích trong Nước Mắt và Hạnh Phúc

TÀI NĂNG CHÚA BAN

–  Thưa ông chủ, ông đã giao cho tôi năm nén, tôi đã gây lời được năm nén khác đây.

–  Thưa ông chủ, ông đã giao cho tôi hai nén,  tôi đã gây lời được hai nén khác đây.

–  “Khá lắm! hỡi người đầy tớ tài giỏi và trung thành! Trong việc nhỏ mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ đặt anh trông coi việc lớn.  Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh!” (Mt.25:20-23).

***************

Bạn thân mến!  Trên đây là lời đối đáp và khen tặng của ông chủ dành cho những người đầy tớ tài giỏi và trung thành được nhắc đến trong dụ ngôn “các nén bạc” của bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay.  Lời đối đáp và khen tặng trên đây cũng nói lên nguyên tắc kinh tế căn bản đã không bao giờ thay đổi theo thời đại. Thời nào thì hoạt động kinh tế cũng nhằm bỏ vốn để sinh lời. Vốn đầu tư càng nhiều thì lợi càng lớn. Đầu tư càng dài hạn thì lợi càng nhiều.

Trong dụ ngôn “Các nén bạc”, Chúa Giêsu cũng mượn các qui luật kinh tế để nói về cách sử dụng và khai thác đầu tư trong cuộc đời chúng ta.  Cũng như người chủ mời gọi người đầy tớ dùng vốn là tiền của đã được trao phó để sinh lời, Thiên Chúa cũng mời gọi ta dùng vốn là ơn Ngài trao ban cho ta về vật chất và tinh thần, là của cải và tài năng để làm lợi ra thêm, để làm vinh danh Chúa nhiều hơn và giúp ích cho anh chị em chung quanh mình.

Vốn Chúa trao cho ta là những điều gì ? Trước hết là chính sự sống của ta, là chính cuộc đời của ta.  Đó là số vốn đầu tiên, là vốn căn bản.

Ơn làm con Chúa, ơn tái sinh, ơn cứu độ…  Đó là vốn qúy giá nhất, lớn lao nhất mà Chúa đã trao ban cho ta qua Đức Giêsu. Cuộc đời này có nghĩa lý gì nếu ta đánh mất Ơn Cứu Độ.  Ơn Cứu Độ chính là sự thành tựu chung cuộc, là cùng đích mà ta phải nhắm tới trong cuộc đời này.

Mỗi ngày, mỗi việc, mỗi bổn phận, mỗi khó khăn, mỗi cố gắng và ngay cả trong mỗi lo lắng và khổ đau …Tất cả đều có ơn Chúa ban kèm theo.  Đây cũng là vốn đầu tư mà Chúa đã liên tục trao ban cho ta trong cuộc sống này để ta mưu cầu hạnh phúc đời đời mai sau.

Dụ ngôn “Các nén bạc” đã cho ta một quang cảnh vui buồn lẫn lộn. Vui vì những người đầy tớ tài giỏi và trung thành đã làm sinh lời gấp đôi, và được chủ thưởng công bội hậu.  Nhưng lại buồn vì một người đầy tớ lười biếng nhưng có tài ăn nói, biết đối đáp, lý luận, rất nhiều triển vọng thành công trên thương trường, thì lại không làm nên tích sự gì cả.  Dù chỉ cần làm lợi thêm một chút thôi, nhưng anh đã không làm, mà đem nén bạc chủ giao đi chôn giấu dưới đất và sau khi chủ về, anh trao lại cũng một nén đó cho chủ mình.  Khi chôn nén bạc xuống đất, một cách nào đó anh cũng đã chôn một phần bản thân mình, cuộc sống của anh khựng lại với những suy nghĩ rất tiêu cực và mông lung. Và cái chung cuộc mà anh phải đối diện là sự nguyền rủa là đồ vô dụng và bị chủ quăng ra chỗ tối tăm bên ngoài (Mt.25:30)

Dụ ngôn “Các nén bạc” cũng mời gọi bạn và tôi, chúng ta hãy cùng nhau tự hỏi lòng mình: Chúa đã đầu tư nơi tôi nén bạc nào, tài năng nào, lợi điểm nào?  Tôi đã dùng của cải tài năng và ân huệ Chúa ban như thế nào?  Tôi có tích cực phát triển “vốn đầu tư” mà  Chúa đã trao cho tôi không?  Tôi có biết tạ ơn Chúa vì những tài năng và ân sủng Chúa trao ban cho tôi  không? Và tôi đã làm gì để tạ ơn Ngài?

***************

Lạy Chúa! Chúa đã trao cho con những nén bạc ơn phúc tự nhiên và siêu nhiên. Xin cho con biết cố gắng nỗ lực để phát triển và sinh lợi những ơn phúc đó vì vinh quang của Chúa và niềm hạnh phúc của tha nhân. Amen.

Trích từ R. Veritas

BÊN KIA SỰ CHẾT

Trên giường hấp hối, thánh Monica đã nhắn nhủ con ngài là Augustino như sau: Mẹ chỉ xin con một điều là hãy nhớ đến mẹ khi tới bàn tiệc thánh“.

Có lẽ nhiều người trong chúng ta cũng đã được nghe nhiều lời van xin tương tự phát ra từ môi miệng của những người thân của chúng ta, trước khi từ giã cõi đời… Nhưng xa mặt cách lòng, nhiều người trong chúng ta lãng quên những lời van xin thống thiết ấy.

Cần được thương, cần được nhớ: đó là khát vọng tự nhiên của con người.  Không ai muốn là một hoang đảo cô đơn.  Dưới cái nhìn Ðức Tin, lời van xin kẻ khác cầu nguyện cho, còn chứng tỏ một lòng khiêm tốn, một thái độ chấp nhận cái giới hạn mỏng manh bất lực của mình.

Ðể giúp chúng ta có dịp đáp lại thỉnh cầu của những người đã đi vào thế giới bên kia và để thể hiện mối tình thông hiệp “các thánh thông công”, Giáo Hội ngay từ buổi đầu kỷ nguyên Kitô đã cổ động việc tưởng nhớ cầu nguyện cho những người quá cố.  Những thế kỷ gần đây đã dành tháng 11 hằng năm cho việc đạo đức ấy.  Hai ngày lễ mừng kính các thánh và cầu cho các linh hồn được ấn định vào hai ngày mùng một và mùng hai đầu tháng với những kinh nguyện rất ý nghĩa, nhắc chúng ta về sự hiệp thông trong Giáo Hội. Công đồng Vatican II trong hiến chế về Mầu Nhiệm Giáo Hội đã viết như sau: Giáo Hội lữ hành hết lòng kính nhớ, dâng lời cầu cho những người đã chết, vì cầu nguyện cho họ được giải thoát khỏi tội lỗi là một việc lành thánh...”.

Nói về sự bầu cử của các đẳng linh hồn, Công Ðồng viết như sau:Khi được về quê Trời và hiện diện trước nhan Chúa, nhờ Người, với Người và trong Người, các thánh lại không ngừng cầu bầu cho chúng ta bên Chúa Cha…“.  Sự trao đi nhận lại đó vừa là một việc bác ái vừa là một bổn phận thảo hiếu đáp đền, đã thực sự củng cố Giáo Hội thêm vững bền trong sự thánh thiện.

***************

Qùy cầu nguyện một mình trong nhà thờ, hay ngậm ngùi đốt lên một ngọn bạch lạp tại một nghĩa trang nào, có lẽ ai trong chúng ta cũng cảm thấy bùi ngùi xúc động khi nghĩ đến những người chết và chính cái chết.  Chúng ta đang đứng giữa biên giới vô hình của sự sống và sự chết.  Và một cách vô cùng huyền nhiệm và sống động, những người chết đang hiện diện với chúng ta bằng một sợi dây liên kết thâm sâu, thắm thiết…  Cái chết không còn là một chấm hết cuối cùng đối với chúng ta nữa.  Tình yêu mạnh hơn sự chết.  Chính Tình Yêu đã làm cho những người đã chết được sống và cũng chính Tình Yêu liên kết chúng ta với những người chết.  Vâng, chỉ có Tình Yêu mới làm cho con người được bất tử.  Chỉ có Tình Yêu mới làm cho con người liên kết với những người đã chết.  Chỉ có Tình Yêu mới mặc cho những nghĩa cử của con người sự bất diệt.

Mỗi lần chúng ta hy sinh cho một người nào đó, mỗi lần chúng ta săn sóc một người đau yếu, an ủi một người đau khổ, bênh vực một người cô thế, hay cùng với những người khác dấn thân để canh tân cuộc sống… Chúng ta đang tiến dần đến sự bất tử.

Yêu thương chính là tái sinh, là sự thông dự vào sự sung mãn của cuộc sống.  Ðó phải là niềm tin của chúng ta trong ngày hôm nay khi chúng ta tưởng nhớ và cầu nguyện cho người quá cố.  Xin Chúa nâng đỡ Ðức Tin yếu kém của chúng ta, xin Ngài ban thêm niềm hy vọng cho chúng ta.

R. Veritas

KẺ KHỜ DẠI ĐÁNH MẤT NƯỚC TRỜI

Có một nhà phú hộ, đầy quyền thế danh vọng ở đời bỗng nhiên lâm bệnh nặng và qua đời.  Gia nhân ai nấy đều xúc động, bỡ ngỡ.  Người ta bàn tán xôn xao về cái chết đột tử của nhà phú hộ. Trong đó có một lời bàn gây nhiều tranh cãi từ một người quản gia của nhà phú hộ.  Người quản gia nói rằng:

– Theo các anh thì ông chủ chúng ta sẽ đi về đâu?

Các gia nhân đáp:

– Ông ấy lên trời chứ đi đâu nữa.

Người quản gia nói:

– Không đâu. Tôi chắc chắn ông ta không lên trời.

Tất cả đều ngạc nhiên hỏi:

– Làm sao quản gia biết là ông chủ không lên trời?

Người quản gia nói:

– Thường thì đi đâu xa, chủ của chúng ta thường nói về nước sẽ đi đến và chuẩn bị rất là cẩn thận.  Nước trời là cõi xa xôi, nhưng tôi không bao giờ thấy ông chủ của mình nói gì về nước đó, cũng không thấy ông ta chuẩn bị gì cả.  Làm thế nào mà ông ta đi vào Nước Trời được!

***************

Bạn thân mến!  Thái độ thiếu khôn ngoan của nhà phú hộ trên cũng có thể là thái độ của chính chúng ta!  Chúng ta đã thiếu chuẩn bị cho một cuộc ra đi ắt phải có của kiếp người là rời bỏ chốn dương gian lắm tội tình này.  Ai trong chúng ta cũng tin rằng bên kia sự chết là cõi thiên thai, là thiên đàng cực lạc, là Nước Trời vĩnh cửu.  Đó là nơi mà ai cũng ước mong sẽ được cư ngụ vĩnh viễn sau cuộc đời đầy khổ ải trần gian.  Thế nhưng, nhiều người lại thiếu chuẩn bị một cách cẩn thận, kỹ lưỡng.  Họ không bao giờ chuẩn bị một hành trang cần thiết nào cho cuộc sống đời sau.  Họ sống như không bao giờ chết.  Họ tiêu pha đời mình trong những đam mê trần tục.  Họ ngụp lặn đời mình trong biển đời hư danh và truỵ lạc.  Họ quên rằng trời cao mới là quê hương đích thực.  Trần gian là tạm bợ.  Thiên đàng mới là vĩnh cửu.

Lời Chúa hôm nay nhắc nhở ta về thái độ thiếu chuẩn bị về đời sau qua dụ ngôn mười trinh nữ phù dâu.  Trong đó có 5 cô khờ dại. Họ được mời làm phụ dâu, đáng lẽ họ phải chuẩn bị thật kỹ càng để giúp cho tiệc cưới được chu đáo và long trọng. Thế nhưng, họ lại lười biếng và thiếu trách nhiệm. Họ lười biếng nên lăn quay ra ngủ. Họ thiếu trách nhiệm nên chẳng chuẩn bị chi cả.  Dầu tượng trưng cho sức sống tươi trẻ, đầy năng động, tràn đầy nhựa sống nhưng đã cạn kiệt, không còn đủ sức tỏa sáng chung quanh.  Nên khi cơ sự tới.  Họ muốn thắp lên một ngọn đèn cũng không đủ khả năng.  Họ cầu cứu người khác, nhưng thời gian đã không còn. Cơ hội để cùng tân lang vào dự tiệc đã vuột khỏi tầm tay của họ.  Cánh cửa cuộc đời đã khép kín.  Số phận của họ đã được định đoạt.  Họ bị loại trừ trong thất vọng và khổ đau.

Có biết bao lần vì lười biếng mà ta đã đánh mất những cơ hội tốt đẹp trong cuộc đời.  Có biết bao lần vì thiếu trách nhiệm mà ta đã hành xử một cách cẩu thả, cho qua lần chiếu lượt với những công việc được giao phó.  Cơ hội vào Nước Trời sẽ không có trong tầm tay của những kẻ lười biếng và thiếu trách nhiệm với cuộc sống của mình.  Vì con đường vào Nước trời là con đường hẹp đầy chông gai, sỏi đá.  Con đường của hy sinh, của phấn đấu không ngừng vươn lên mỗi ngày, mới mong đạt tới vinh quang Nước Trời.  Vì phương thế vào Nước trời là lối sống thực thi triệt để giới răn mến Chúa – yêu người, nên kẻ muốn vào Nước Trời phải chu toàn bổn phận đối với Chúa và tha nhân với đầy đủ ý thức và trách nhiệm.  Lười biếng và thiếu trách nhiệm thường đi đôi với nhau.  Kẻ lười biếng và thiếu trách nhiệm sẽ bị cánh cửa sự sống đời sau khép lại và từ chối đón nhận họ.

***************

Ước gì mỗi người chúng ta đừng vì lười biếng mà ru ngủ đời mình trong những đam mê yếu đuối, và lầm lạc.

Ước gì bình dầu yêu thương trong tâm hồn chúng ta luôn đầy tràn chan chứa hầu có thể thắp sáng tình yêu Chúa trên muôn vạn nẻo đường chúng ta đi, và làm nóng lại tình yêu của Chúa giữa nhân gian tội tình hôm nay.

Lạy Chúa! Xin cho chúng ta luôn đủ khôn ngoan để chuẩn bị dầu đèn luôn cháy sáng là những hành vi bác ái đầy yêu thương thấm đượm tình Chúa, tình người. Amen

LM. Tạ Duy Tuyền