LÒNG NGƯỜI BỪNG CHÁY

Câu chuyện đời tự kể của anh Thành, một thành viên 48 tuổi của Mái Ấm dành cho người khuyết tật, đã cuốn hút tôi nâng tâm hồn lên, không chỉ bởi hoàn cảnh đau thương của anh, mà bởi niềm vui phục sinh khi anh gặp được “Đấng bẻ bánh” hiện hữu trong bản thân người sống Tin Mừng đời thường.

Sau khi bị tai nạn do cây đè làm hủy hoại phần cột sống liên quan đến hạ chi tại vùng miền bắc xã hội chủ nghĩa, anh Thành lúc đó mới chỉ 28 tuổi, gần như tuyệt vọng đến nỗi anh chỉ còn muốn sống cô độc, cách ly với thế giới bên ngoài nơi một vườn điều của người bà con xa ở miệt Long Thành, thuộc Bà Rịa Vũng Tầu, sau khi anh đã được điều trị tại Saigòn.  Sau hai năm lặng lẽ âm thầm gặm nhấm thân phận tàn tạ của mình nơi chòi vắng, nhờ vào sự nâng đỡ mỗi ngày hai bữa cơm của người thân, anh đã nhận ra một điều thực tế hơn cả suy tư chán sống của anh.  Điều thực tế phũ phàng đó là: chết không phải là dễ, vì sống phải vượt khó thế nào, thì chết cũng phải đương đầu với khó khăn và còn hơn thế nữa!

Nhờ cái lối triết lý thực nghiệm trải qua ròng rã 2 năm như thế mà anh đã quyết định trở về với cuộc sống thường ngày, dù rằng sống lủi thủi cùng cực nơi Saigòn vẫn còn dễ hơn là than thở cùng nhấm gặm với cái chết mà anh đã thực sự cảm thấy thiếu can đảm để đi vào đỉnh điểm của tuyệt vọng. Thật không phải là dễ!

Khi lăn những vòng xe lăn đi đây đó với những tờ vé số trên tay, rồi mỗi khi đêm về, thân phận lưu đầy của anh tạm nghỉ qua đêm tại công viên hoang vắng nào đó, anh cũng cảm nhận được cuộc đời vẫn còn một chút    dễ thương mỗi khi nhận được nụ cười cảm thông của một khách hàng dễ mến nào đó qua đường.

Cứ thế…  Rồi đến một ngày, một người bạn xa lạ nhưng cùng cảnh ngộ gặp anh và mời anh về tạm trú nơi một “căn nhà mở” mà vị chủ nhân đã đùm bọc cùng vài ba người khốn khổ khác, để rồi tất cả cùng ăn, ở, nghỉ ngơi như một gia đình đầm ấm trong yêu thương.  Thoạt nghe, anh Thành không thể nào tin vào lời mời của người bạn mới quen, bởi với anh, làm sao có thể tin vào một người nào đó đã tự mở cửa nhà mình để cùng đồng hành với những con người khốn khổ tật bệnh như anh được!  Một sự kiện khó tin vì nỗi tuyệt vọng đã cấu xé anh quá nhiều để rồi hoàn toàn mất hết niềm tin vào cuộc sống, bởi ngay người vợ chí thiết của anh đã từng sống với anh nhiều năm nhưng đã phải lặng lẽ chia tay với anh chỉ vì anh đã trở thành gánh nặng quá lớn cho cô ta.  Từ nỗi khắc khoải tê tái này, anh đâu còn có thể tin được rằng: có một người xa lạ nào đó đã mở rộng vòng tay để đón nhận anh vào sống trong căn nhà của mình và lại xem anh như một thành viên yêu quí trong    gia đình.

Thế rồi, trong một lần, để thử nghiệm lại cái vốn bi quan quá quắt chán chường của mình, anh đã tìm đến địa chỉ “căn nhà mở”, nơi đã làm anh điêu đứng trong nhiều ngày dằn vặt qua.  Và quả thật, căn nhà trên đã thực sự là nơi mà đã có vài người đồng cảnh ngộ đang sinh sống với những mảnh đời hẩm hiu, quạnh quẽ như anh.  Khi “trăm nghe không bằng một thấy”, anh đã thay đổi lối suy nghĩ thiển cận của mình.  Anh đã tự nhận ra cái lối suy tư ngổn ngang vừa vô thần, vừa hận đời, vừa hận tình của mình.  Anh đã quyết định đến cùng đồng bàn, cùng sẻ chia ngọt bùi với họ.

Sau vài tháng, được ăn ở nghỉ ngơi nơi không gian thoáng đãng cùng với vị ân nhân có “căn nhà mở”, anh đã nhận ra chân lý thật lý thú.  Đó là vị cứu tinh của anh đã tự nguyện chấp nhận cùng đồng hành với đau khổ của người khác để xoa dịu nỗi đau của chính họ.  Anh cũng tự hỏi: Ai đã ban sức mạnh tự hiến kỳ diệu cho người đàn ông tốt bụng này, trong một xã hội chộp giật từng ngày để sống?

Và rồi, với thời gian sau này, qua những việc làm nhân ái cùng những giáo huấn tâm linh nhẹ nhàng của ông ta mà anh đã cảm nghiệm được rằng chính Đức Kitô Phục Sinh vẫn sống và đang cùng đồng hành với chính anh qua sức mạnh Thần Khí của Người nơi sự tiềm tàng ẩn dấu trong tâm hồn của người Kitô Hữu đích thực là vị ân nhân của cả nhóm khuyết tật như anh. Và khi đó, anh đã quay trở về với cộng đoàn Dân Chúa để luôn hướng nhìn về Giêrusalem Thiên Quốc.

* * * * *

Với câu chuyện đời của anh Thành, tôi cảm nhận được chính anh là người đã viết tiếp những chứng tá Tin Mừng hiện thực cuộc sống để nhờ đó, tôi có thêm nguồn tin yêu vào cách giải thích Thánh Kinh hiệu quả nhất là bằng vào “đức tin hành động nhờ đức ái” mà vị cứu tinh của anh đã sống thấm nhuần lời Thiên Chúa:  “Khi đồng bàn với họ, mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người.” (Lc 24, 30)

Cũng nhờ câu chuyện kể của anh, chính anh đã tự khẳng định rằng “mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh” qua bàn tay đầy nghĩa cử dấu áí của người Kitô Hữu đích thực trên kia.

Và qua vị ân nhân của anh Thành, tôi tin rằng ông ta đã sống Thánh Thể như Mẹ Têrêsa Calcutta đã nói với các nữ tu của ngài:  “Nếu chị em cung kính trước Mình Thánh nơi đôi tay của linh mục truyền phép, thì hãy cung kính Người như thế nơi mỗi con người mà các chị phục vụ.”

* * * * *

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, xin cho con đôi tai đế lắng nghe được tiếng Chúa mời gọi con trong Thánh Kinh.  Xin cho con đôi mắt để nhìn thấy Chúa hiện diện nơi tha nhân.  Và xin ban cho con sức mạnh Thánh Thể để con cũng biết bước đi theo Chúa vì “Nào Đấng Kitô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?” Amen.

Phêrô Vũ văn Quí CVK64
Email: peterquivu@gmail.com

NGƯỜI KHÁCH LẠ

Một trong những cuốn phim hay nhất của vua hề Charlot và có lẽ cũng là một trong những cuốn phim hay nhất trong lịch sử điện ảnh, đó là cuốn phim có tựa đề là: “Ánh sáng đô thị“.  Ðó là câu chuyện tình của một gã lang thang và một cô gái bán hoa.

Nàng là một cô gái mù bán hoa bên vệ đường.  Một nhà tỷ phú trong vùng ngày nào cũng dừng lại mua hoa của nàng, đối xử với nàng rất tử tế lịch thiệp.  Ngày kia, gã lang thang là Charlot cũng dừng lại mua hoa của nàng.  Cô gái bán hoa tưởng chàng là người tỷ phú. Thế là một giấc mộng đã chớm nở và nối kết hai tâm hồn. Nàng tưởng mình gặp được người mình mơ ước từ lâu nay. Chàng thì hy vọng sẽ kiếm được tiền để chữa lành con mắt mù của nàng.

Nhưng chẳng may, vì một sự ngộ nhận, chàng đã bị cảnh sát bắt giam. Sau một thời gian dài bị cầm tù, chàng được trả tự do. Chàng trở lại chỗ cũ để tìm người con gái mù, nhưng nàng không còn ở đó nữa. Nhờ tiền bạc trước kia chàng đã gửi cho nàng, người con gái đã được chữa lành và nay đứng trông coi một cửa hàng bán hoa rộng lớn hơn. Chàng đi qua đi lại nhiều lần trước cửa tiệm bán hoa của nàng, nhưng không thể nào nhận ra nàng vì mọi sự đã thay đổi. Tình cờ, một cánh hoa hồng rơi xuống đất, chàng cúi xuống nhặt lên.  Người con gái cười như nhạo báng.  Chàng định bỏ đi, nhưng chợt nhận ra tiếng cười quen thuộc của nàng, chàng quay lại. Chàng hỏi một cách nhút nhát: “Cô đã thấy được rồi sao?“.  Người con gái nhận ra tiếng nói quen thuộc của chàng.  Nàng từ từ nhặt cánh hoa lên và gắn lên áo chàng. Và nàng thốt lên trong cảm xúc: “Anh đấy sao?”.  Thế là cả hai đã nhận ra nhau vì những điểm “rất quen thuộc của nhau và họ không còn rời xa nhau nữa.

* * * * *

Bạn thân mến! Trong bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay kể lại cho chúng ta biết:  Hai môn đệ trên đường Emau cũng nhận ra Chúa Giêsu Phục Sinh trong cử chỉ rất quen thuộc của Ngài xưa kia khi Ngài Bẻ bánh và dâng lời chúc tụng .

Trước khi gặp Chúa Giêsu Phục Sinh, lòng các ông đầy hoang mang, buồn chán và thất vọng,  những ước mộng đã tan tành và cuộc đời gần như vô phương mất hướng.  Các ông đã từ bỏ nhóm, từ bỏ Giêrusalem với bao nhiêu dấu ấn buồn vui kỷ niệm với Thầy mình và với anh em.  Các ông lê từng bước chân thất thểu mệt mỏi trên chặng đường dài để về quê quán của mình.  Một ngày đi bên nhau, một ngày trò truyện với “Người Khách Lạ”, các ông đã không nhận ra “Người Khách Lạ” đó chính là Thầy mình, vì con mắt các ông bị che phủ bởi những tối tăm của hoang mang hốt hoảng,  tâm hồn các ông vẫn còn bị đóng lại bởi những lo âu buồn chán và thất vọng.

Trong  những lúc khó khăn nhất, khủng hoảng nhất, thất vọng nhất, Chúa Giêsu Phục Sinh vẫn hiện diện, đồng hành và đồng bàn với các ông. Ngài dùng Kinh Thánh để trò truyện với các ông, Ngài tế nhị gợi lên niềm vui và hy vọng nơi các ông, từ từ đưa các ông đến chỗ nhận ra Ngài trong cử chỉ quen thuộc của Ngài khi Ngài bẻ bánh và dâng lời chúc tụng

Sau khi gặp Chúa Giêsu Phục sinh, niềm vui òa vỡ đã dâng cao trong lòng các ông, Ngài đã mang đến cho các ông niềm tin và hy vọng.  Các ông đứng dậy, không sợ sệt, không lo âu dù trời đã tối, các ông lập tức lên đường trở về Giêrusalem để gặp Nhóm Mười Một và các anh em bạn bè. Các ông thuật lại việc Chúa đã sống lại, Ngài đã phục sinh và đồng bàn với họ. Họ đã nhận ra Ngài trong khi Ngài bẻ bánh và dâng lời chúc tụng

Chúng ta có thể  hình dung được bước chân của hai môn đệ Emmaus vội vã lên đường, hân hoan tung tăng quay về Giêrusalem để báo tin Chúa Phục Sinh cho những môn đệ còn lại, thay cho bước chân mệt mỏi chán chường và cô đơn trước khi được gặp Chúa Giêsu Phục Sinh. Đoạn đuờng từ Emmau về lại Giêrusalem đã không còn dài nữa vì mắt họ đã sáng lên, lòng họ đã kiên vững và miệng họ đã vui cười.

Bạn thân mến! Trong cuộc đời lữ hành trần thế, đã rất nhiều lần chúng ta gặp Chúa như hai môn đệ trên đường Emmaus nhưng chúng ta đâu có nhận ra Ngài. Chúa vẫn có đó trong mọi chỗ; mọi nơi. Chúa có đó trong anh em của ta, trong những người nghèo, trong những người neo đơn, đói khổ…

Câu chuyện Emmaus giúp mỗi người chúng ta xác tín rằng:  Bất luận chúng ta là ai, địa vị thế nào, hoàn cảnh sống ra sao; dù chúng ta có suy nghĩ thế nào, nói năng ra sao hoặc thực hiện điều gì, tất cả đều có sự “hiện diện”, có sự “quan sát”, có sự “đồng hành” của Đấng Phục Sinh.

Như hai môn đệ trên đường Emmaus, người Kitô hôm nay cũng phải nhận ra Chúa Giêsu Phục Sinh trong chính cuộc sống hằng ngày của mình. Nhận ra Ngài để xin Ngài “nán lại” trong cuộc đời,  để Ngài ban cho niềm vui và sự bình an; hy vọng và sức mạnh để quay bước chân “trở về”.

Và Như hai môn đệ trên đường Emmaus, người Kitô hôm nay cũng phải vui mừng hân hoan vì tin vào Đức Kitô Phục Sinh, làm chứng cho Ngài và ra đi loan báo cho những người quanh ta về “Tin Mừng Cứu Rỗi” mà Ngài đã trao ban.

* * * * *

Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh,

Xin ở lại với con, lạy Chúa, vì con cần có Chúa hiện diện để con khỏi quên Chúa. Chúa thấy con dễ bỏ Chúa chừng nào.

Xin ở lại với con, lạy Chúa, vì con yếu đuối, con cần Chúa đỡ nâng để con khỏi ngã quỵ. Không có Chúa, con đâu còn nồng nhiệt hăng say.

Xin ở lại với con, lạy Chúa, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn, cuộc đời qua đi, vĩnh cửu gần đến. Con cần thêm sức mạnh để khỏi dừng lại dọc đường.

Xin ở lại với con, lạy Chúa, vì con cần Chúa trong đêm tối cuộc đời. Con không dám xin những ơn siêu phàm, chỉ xin ơn được Ngài hiện diện.

Xin ở lại với con, lạy Chúa, vì con chỉ tìm Chúa, yêu Chúa và không đòi phần thưởng nào khác ngoài việc được yêu Chúa hơn. “

(Trích từ R. Veritas)

CON ĐƯỜNG XƯA EM ĐI (có Youtube)

Con đường xưa em đi, vàng lên mái tóc thề, ngõ hồn dâng tái tê

Anh làm thơ vu quy, khách qua đường lắng nghe chuyện tình ta đã ghi
Những mùa trăng vu quy, vì mưa gió không về
Chiến trường anh bước đi
Có nàng hoen đôi mi, ngóng theo đường vắng hoe …Hỏi còn ai cố tri

Em ơi! nhìn gió lên khơi, lòng có trông vời một người xa cuối trời?
Nơi đây phiên gác canh dài, e ấp đôi lời mình còn nhớ thương hoài

Em ơi! màu áo phong sương, mình ước huy hoàng được bàn tay chính nàng
Dâng hoa, dâng hết ân tình, tình đến bao giờ
Hỏi đường xưa mà nhớ con đường xưa em đi thời gian có quên gì
Đá mòn kia vẫn ghi, ghi một đêm trăng thanh quán bên đường vắng tênh
Chỉ còn em với anh.

Châu Kỳ

****************************

Anh lính chiến của nhạc sĩ Châu Kỳ nơi “canh gác phiên dài” trong tiếng súng đại bác đì đùng mập mù khói súng, đang thả hồn về “đường xưa mà nhớ, con đường xưa em đi.”  Mắt ngắm ánh trăng của giây phút hiện tại, mà hồn anh tản mạn về “một đêm trăng thanh” quá khứ, ngày đó “quán bên đường vắng tênh, chỉ còn em với anh.”  Nếu không có khoảnh khắc nhìn lại “con đường xưa em đi, vàng lên mái tóc thề, ngõ hồn dâng tái tê” thì làm sao anh có thể “làm thơ vu quy, khách qua đường lắng nghe chuyện tình ta đã ghi?”

Là bước chân mạnh mẽ của tuổi trẻ cuồng nhiệt, hay bước chân vững chãi của tuổi trung niên chín chắn nhiều suy tư, hoặc bước chân run rẩy của tuổi già mệt mỏi thương về quá khứ…. ít nhiều ai cũng có những con đường đã đi qua trong đời.  Ai cũng có một thời để yêu, một thời để nhớ, những kỷ niệm đẹp, những ký ức buồn, những bóng hình yêu ghét khắc ghi trong tim.  Một giây phút rung động trước ai đó, một khoảnh khắc bàng hoàng sững sờ trước vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên, một tích tắc thanh bình ru mình trong tiếng chim hót…. tất cả đã trôi theo dòng thời gian, và nay đã chìm vào dĩ vãng. “Thời gian có quên gì, đá mòn kia vẫn ghi,” vầng trăng vẫn chờ, quán bên đường vẫn đợi, chỉ hỏi anh có thời giờ để nhìn lại quãng đường đã qua?  Có chăng những người như nhạc sĩ Châu Kỳ biết dành ra trong đời một khoảnh khắc để nhìn lại giây phút đã qua, để hỏi đường xưa mà nhớ, hỏi lòng mình còn thương, hỏi còn ai cố tri…. mới có thể dệt nên bài thơ vu quy dâng tặng cho đời.

Thánh I-nhã Loyola mời gọi mỗi người dành một vài giây phút lắng đọng trong ngày để nhìn lại “con đường xưa ta đi,” mà thánh nhân gọi là Phút Hồi Tâm.  Con đường xưa đó có thể là một đời, một thời, một ngày, hoặc một vài tiếng đã trôi qua kể từ Phút Hồi Tâm trước.  Nhìn lại con đường đã qua, giờ thành quá khứ để xem đường xưa lối cũ với những bước chân đi như thế nào, tâm tình vui buồn ra sao? Những bước chân nào đang cùng đồng hành với tôi trong cuộc sống hôm nay?  Tôi có vô tình đạp lên chân ai đó để lại cho họ vết thương khó quên trong đời?  Tôi có thể tha thứ cho những bước chân dù vô tình hay hữu ý dẫm nát chân tôi?  Khúc quanh nào đã làm tôi vấp té?  Đâu là những niềm vui chợt đến, những nỗi buồn khó quên?  Thái độ đáp trả của tôi với cuộc đời, với tha nhân ra sao?  Chúa ở đâu, tôi ở đâu trên đường xưa lối cũ đó?

Nhìn lại “con đường xưa ta đi” để không thấy mình độc hành lẻ loi trên đời, mà còn thấy những bước đi trong ân sủng.  Để thấy Chúa đang cùng tôi sánh bước mà đôi lúc tôi không cảm nghiệm được sự hiện diện thánh thiêng đó.  Nhìn lại quãng thời gian đã qua để nhận định những khúc quanh đã làm bước chân kẻ lữ hành vấp ngã, những lầm lỡ trong lựa chọn, những dang dở trong quyết định.  Nhớ rồi cái ổ gà ẩn mình dưới xác lá thu vàng tại góc quanh cuối đường, biết rồi những cám dỗ êm dịu ngất ngây làm tôi xa Chúa.  Những phút giây nhìn lại đó sẽ giúp bước chân ngày mai kiên định hơn, tránh xa những vấp ngã hôm qua, tỉnh thức hơn trước những cơn cám dỗ.  Trái tim sẽ dễ dàng rung động hơn trước vẻ đẹp của thiên nhiên, trước nỗi đau của tha nhân, và linh hồn sẽ nhạy cảm hơn với sự hiện diện của Thiên Chúa trong đời.  Tôi sẽ dễ dàng nhìn ra những thiếu sót của mình trong cuộc sống, những đáp trả chưa trọn vẹn với Thiên Chúa và với tha nhân trong những tháng ngày qua.

Cái giây phút tích tắc nơi chiến trường khói lửa nhớ về người con gái “hoen đôi mi, ngóng theo đường vắng hoe” của người lính, làm cho anh cảm thấy gần gũi hơn với người yêu phương xa, tuy còn “e ấp đôi lời” nhưng thấy lòng “mình còn nhớ thương hoài,” thì một vài giây Phút Hồi Tâm cũng sẽ giúp tôi cảm thấy tuy xa mặt, nhưng không cách lòng với một Thiên Chúa huyền bí vô hình, sẽ làm cho hai lòng nên một, và vấn vương nhớ thương hoài.  Qua Phút Hồi Tâm, một Thiên Chúa xa vời vợi sẽ trở nên sống động gần gũi hơn trong đời sống hiện tại, sẽ giúp cuộc sống tôi luôn quy hướng về một đích điểm duy nhất, nơi tôi đã khởi đầu sự sống.  Anh lính thả hồn thoát ra cái hiện tại nghiệt ngã, một cuộc sống kề bên cái chết để hồn mộng mơ nhớ về “con đường xưa em đi” để ước mơ anh được chắp cánh bay xa, một mơ “ước huy hoàng, được bàn tay chính nàng dâng hoa, dâng hết ân tình…” thì giây Phút Hồi Tâm cũng giúp hồn tôi thoát ra khỏi thực trạng khó khăn của giây phút hiện tại để chắp cánh bay xa… bay cao mãi đến tận trời xanh…. để những lo lắng vất vả trần tục không kéo ghì hồn tôi xuống đất đen.  Như ước mơ của anh lính chiến khi mọi sự đã qua “chỉ còn em với anh” thì tôi cũng mơ về ngày đoàn viên, khi những khốn khó lao đao vất vả của đời này qua đi, ngày đó chỉ còn Cha với Con.

Nhớ về “con đường xưa em đi,” nơi “có nàng hoen đôi mi, ngóng theo đường vắng hoe…” anh chợt nhận ra mình là một người hạnh phúc vì đang yêu và được yêu.  Cuộc sống dù cam go hiểm nguy nơi chiến trường gian khổ, với những “phiên gác canh dài,” ngày tháng buồn phương xa với “những mùa trăng vu quy, vì mưa gió không về” nhưng anh nhận ra cuộc sống có giá trị, cuộc đời vẫn đáng yêu và đáng sống.  Phút Hồi Tâm là nhìn lại “con đường xưa ta đi” để nhận dạng tình yêu trong cuộc sống, để thấy tôi đang được yêu và đáng được yêu mến.  Chính vì tình yêu đó, có Đấng đã từ bỏ ngôi vị Thiên Chúa chết cho tôi được sống.  Còn bao nhiêu khuôn mặt tình yêu khác trong cuộc sống này, bao nhịp đập trái tim đang hướng về tôi: chồng, vợ, con cái, cha mẹ, người yêu, anh em, bạn hữu…. tha nhân.  Tôi có đáp trả lại tình yêu đó hay không, tôi có đang yêu mến họ như họ mến yêu tôi hay không, giây phút Hồi Tâm sẽ giúp tôi trả lời câu hỏi đó.  Đời chỉ đẹp khi có tình yêu, cuộc sống chỉ có giá trị khi tôi tìm thấy giá trị của mình trong trái tim người khác, đặc biệt là trong trái tim của Chúa Tể muôn loài muôn vật.  Nếu không dừng lại vài phút mỗi ngày trong cuộc sống, thì làm sao tôi có thể nhận diện được ân sủng từ trời cao tuôn đổ xuống trên cuộc đời tôi từ những con đường xưa cũ đó, cho đến con đường hôm nay?

Phút Hồi Tâm không chỉ dành riêng cho các linh mục tu sĩ dòng Tên hay những ai đang theo linh đạo I-Nhã mà dành cho tất cả mọi người, mọi giới, mọi nơi… những người đang mong mỏi có Chúa đi bên đời với mình.  Chỉ vài phút mỗi ngày nhìn lại con đường đã qua để giúp tôi ý thức sự hiện diện của Chúa qua những biến cố lớn nhỏ buồn vui trong cuộc sống, để lòng với lòng gắn bó gần gũi với nhau hơn.  Nhẹ nhàng là thế, quyến rũ là thế sao tôi không liều mình vài phút để thử???

****************************

Lạy Chúa, trong cuộc sống tốc độ của thế kỷ 21 này, người ta thà nhắm mắt chạy liều về tương lai mà không biết chạy đi đâu, còn hơn mất một vài giây phút để ngồi nhìn lại quãng đường đã qua.  Xin cho con biết dành ra vài phút mỗi ngày làm Phút Hồi Tâm để bước chân ngày mai bớt lầm lạc, để biết tạ ơn Trời, cám ơn tha nhân đã cùng đồng hành với con.  Chúa ơi, xin chữa lành những vết thương, những dang dở thiếu sót của tháng ngày qua, xin nhận lấy những niềm vui nỗi buồn trong cuộc sống chưa trọn vẹn hôm nay.  Hôm nay đã xong, mọi sự đã thành quá khứ, con không thể thay đổi được gì nữa nhưng ngày mai… tương lai… thời gian trước mặt… xin Chúa thánh hoá và giúp con sống trọn vẹn hơn, thánh thiện hơn như Cha trên trời là Đấng Thánh.

Lang Thang Chiều Tím
April 2008

Nếu không nghe được Youtube hoặc có vấn đề về kỹ thuật, xin để lại lời nhắn ở mục “Comment” phía dưới, chúng tôi sẽ cập nhật lại đường link Youtube.