ĐẤT THẤP TRỜI CAO

“Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Thầy, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở với anh em mọi ngày cho đến tận thế.”(Mt:28.19-20)

Bạn thân mến!  Trên đây là lời dạy dỗ mời gọi sau cùng của Chúa Giêsu với các môn đệ trước khi Ngài về trời.  Đó cũng là nội dung Tin Mừng của Chúa nhật hôm nay.

Biến cố Ðức Giêsu lên trời có nghĩa là Ngài chấm dứt thời gian hiện ra để dậy dỗ các môn đệ nơi miền “đất thấp” này.  Ngài chuẩn bị cho họ bước vào một giai đoạn mới:  Giai đoạn của Chúa Thánh Thần,  giai đoạn của Thần Khí  đi vào nội tâm của con người, giai đoạn mà con người được trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài trong cuộc sống.

Biến cố Ðức Giêsu Kitô lên trời mạc khải cho ta thấy con người đến cư ngụ trên miền “đất thấp” nhưng nguồn gốc thật sự của con người phát xuất từ  “trời cao” nên cuối cùng con người phải trở về với “trời cao”.

Biến cố Ðức Giêsu Kitô lên trời mời gọi ta phải ra đi với muôn dân, rao giảng và làm chứng cho Chúa Kitô Phục Sinh để mọi người trở thành môn đệ của Ngài (Mt:28.19).  Một khi ta ra đi với muôn dân và rao giảng về Chúa Kitô phuc sinh, ta không bị lẻ loi một mình vì có Ngài cùng đồng hành với ta, cùng rao giảng với ta, và cùng ở với ta mọi ngày cho đến tận thế (Mt:28:20)

Biến cố Ðức Giêsu Kitô lên trời cho ta thấy nếu trời cao là nơi Chúa ngự thì chẳng có gì gần ta bằng trời cao.  Trời cao ở quanh ta, trời cao ở trong ta… Trời cao vượt xa đất thấp muôn trùng,  nhưng nếu đất thấp đã là nơi Chúa đến và sinh ra,  thì đất thấp cũng mang dáng dấp của trời cao.

Thiên Chúa không phải là Ðấng chỉ thích ở trên trời cao.  Ngài thích con người, Ngài thương đất thấp , nên Ngài đã sai Con Một của Ngài làm người sinh ra ở đất thấp.  Ðức Giêsu Con Thiên Chúa đã đặt chân lên đất thấp.  Ðất thấp chẳng xa lạ gì với Ngài, vì nhờ Ngài mà nó được tạo dựng.  Ðất thấp đã bắt đầu trở thành trời cao từ khi Con Thiên Chúa đến và sinh ra ở đó.  Ðất thấp vẫn luôn thuộc về trời cao vì Ðức Giêsu luôn ở với ta nơi miền đất thấp cho đến tận thế.

Trời cao cũng là mẫu mực của đất thấp: Ý Cha được thể hiện dưới đất cũng như trên trời.  Chỗ nào vâng theo ý Cha, chỗ đó trở thành trời cao.  Trái tim của chúng ta cũng phải trở thành trời cao, phải đầy ắp yêu thương, đầy ắp Thiên Chúa.  Rốt cuộc, nhiệm vụ của người Kitô là xây dựng trời cao ở ngay nơi đất thấp,  là cho thấy rằng trời cao thật gần, chứ không phải là sản phẩm của hoang tưởng.  Trời cao chỉ gần kề bên khi người Kitô biết sống cho nhau chân tình, biết chia sẻ cho tha nhân những gì mình có, không bị mê hoặc bởi của cải lợi danh, không bị kéo ghì bởi những đam mê xác thịt, cũng không chùn bước trước cái chết và khổ đau.

Ai yêu mến Thầy, Cha của Thầy và Thầy sẽ đến và ở trong người ấy” (Ga 14,24).  Ước mong có một “trời cao” nho nhỏ ở trong ta, và trời cao nho nhỏ đó cũng hiện diện nơi gia đình, bạn bè;  nơi phố chợ, học đường, công xưởng.. để một ngày nào đó, cả miền “đất thấp” này được ngập tràn sự hiện diện của ”trời cao”

* * * * *

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã yêu thương miền “đất thấp” này và đã sống trọn vẹn thân phận con người ở đây.  Chúa đã nếm biết nỗi khổ đau và hạnh phúc,  sự cao cả và yếu đuối thấp hèn của thân phận con người.  

Xin Chúa dạy con biết sống yêu thương nơi miền “đất thấp” này để mỗi khi con ngước nhìn lên “trời cao”, con luôn xác tín rằng Chúa đang hiện diện bên con,  giúp con vượt qua những khó khăn vất vả của cuộc sống con người.  Ước gì qua cuộc sống hằng ngày của con, mọi người thấy được “trời cao” đang dần dần tỏ hiện.  Amen.

(Trích từ R. Veritas)

HÃY ĐÓN NHẬN CON

Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình không có đạo, không theo Đạo Chúa cũng không theo Đạo Phật, chỉ thờ ông bà tổ tiên.  Vì thế, khi người bạn đời tương lai của tôi thuyết phục tôi vào Đạo Thiên Chúa, tôi đã đồng ý mà không chút e dè.  Bà mẹ tôi cũng không có gì phản đối.  Khi tôi thưa chuyện với mẹ, bà chỉ  bảo: “Con hãy tự quyết định, mẹ tin ở con”.  Bản thân tôi, tôi chỉ nghĩ đã lấy chồng thì phải theo chồng.

Tôi bắt đầu đăng ký vào học lớp Giáo Lý Dự Tòng ở Dòng Chúa Cứu Thế Kỳ Đồng Sài-gòn.  Khái niệm về Đạo lúc đó của tôi chỉ là phải đi Lễ Nhà Thờ vào Chúa Nhật.

Tôi đến lớp học đều dặn một tuần ba buổi.  Mặc dù, thành thật mà nói, tôi không quan tâm đến những bài Giáo Lý trên lớp; tôi chỉ lo tính từng bài để mau chóng được kết thúc khoá học.  Tôi không hề đến dự một buổi Lễ nào ở Nhà Thờ, cho dù bạn trai tôi luôn sẵn sàng đưa tôi đi.  Suốt cả ngày làm việc mệt mỏi, tôi chỉ mong sớm được về nhà nghỉ ngơi, tối tối lại đi vòng vòng dạo phố, Chúa Nhật thì ngủ dậy trễ để bù lại cả một tuần tất bật…  Thú thật, tôi sợ cái không khí nghiêm trang ngột ngạt trong Nhà Thờ.

Nhưng rồi đến một ngày, cô bạn ngồi cạnh tôi trong lớp học Giáo Lý báo tin Chúa Nhật tới sẽ là ngày cô ấy lãnh nhận Bí Tích Thánh Tẩy, sẽ chính thức gia nhập vào Ngôi Nhà Giáo Hội Công Giáo, chính thức được nhận là con của Chúa.  Cô ấy đã tha thiết mời tôi đến dự Lễ, tôi đã từ chối ngay với lý do có việc bận đúng vào Chúa Nhật.  Năn nỉ hoài không có kết quả, cô ta chuyển sang… “hù doạ” tôi: “Nếu bạn không đến dự Lễ ít nhất một lần trong khoá học, thì đơn xin Thánh Tẩy của bạn sẽ không được các cha chấp nhận đâu!”

Thế là tôi đành phải bấm bụng đến dự Lễ chỉ vì lời hăm doạ nhiều hơn là sự thành khẩn.

Bước vào hội trường trên sân thượng của Giáo Xứ đầy kín người, tôi cảm thấy lúng túng, lo sợ, cảm thấy lạc lõng giữa những người xa lạ.  Tôi nép vào một góc và quan sát những người xung quanh… chờ đợi…  Không biết phải làm gì…  Mọi người hình như cũng đang chờ đợi…  Không ai chú ý đến tôi… Tôi lấy lại được bình tĩnh, hơi yên tâm…

Và rồi Thánh Lễ cũng được cử hành, những tà áo dài, những ngọn nến lung linh, những bài Thánh Ca vang lên thật trang nghiêm, thật hùng hồn… Đẹp lạ thường!  Mọi người cùng hát, mọi người cùng đáp lại lời cha chủ tế.  Tôi cũng làm dấu Thánh Giá, cũng đáp lại lời Cha, nhưng thật lạ thay, tôi không còn thấy ngượng ngùng khi làm dấu Thánh Giá nữa, không còn lí nhí đáp lời mà rất tự tin.  Hình như những cử chỉ, những câu đối đáp đó đã có sẵn trong tôi từ lâu lắm rồi vậy, và tôi thật sự hãnh diện khi bộc lộ tất cả ra bên ngoài.

Sau buổi Lễ, tôi tức tốc đi sắm ngay cho mình một tấm áo dài trắng, tôi nôn nóng đếm từng ngày học, tôi trông chờ đến ngày mình được Rửa Tội.  Tôi bắt đầu đặt ra nhiều câu hỏi hơn về Chúa với bạn trai tôi.  Thậm chí, tôi còn đến nhà sách để tìm mua những quyển viết về Chúa, về Giáo Hội.  Càng đọc, tôi càng cảm thấy như có một sức mạnh vô hình nào đó níu kéo tôi hơn nữa!

Cho đến ngày hôm nay, khi tôi ngồi viết lại những điều này, khi mà chưa đầy một tuần nữa tôi sẽ nhận Bí Tích Thánh Tẩy, tôi không thể hiểu nổi sức mạnh đó đến từ đâu, có lẽ từ Thiên Chúa.

Vâng, chính Chúa đã ban cho tôi một niềm tin, một sự bình an nơi tâm hồn, chính Chúa muốn đón nhận tôi, nhận lấy cuộc sống của tôi nên Ngài đã đến với tôi, đã cho tôi niềm hạnh phúc tuyệt vời.

Chúa ơi ! Xin Chúa hãy đón nhận con như một đứa con của Ngài, ngàn đời và mãi mãi về sau. 

Tê-rê-xa NGUYỄN HUỲNH THANH THẢO, Tân Tòng 10.2004 (Halleluyah)

TÁI SINH

 

 

Thông thường tôi thích ngắm các tấm hình dọc hơn là hình ngang.  Tuy thế, khi nhìn tấm hình này, nhiều ý tưởng nảy lên trong đầu tôi.  Tôi cảm được một điều gì nơi bức hình này. Nói cách khác, bức hình này đang nói với tôi điều gì.  Chia sẻ với bạn điều tôi cảm nhận nơi tấm hình này.

 

Thoạt đầu, tôi đặt tên cho tấm hình là “Nụ Tầm Xuân” như tựa một bài nhạc của Phạm Duy.  Nhưng có nhiều cây đâm chồi, nảy lộc vào những mùa khác không nhất thiết vào mùa xuân.  “Tái Sinh” diễn tả đúng ý nghĩa tấm hình này hơn.  Sinh ra lần nữa.

Cái phông

Tôi bắt đầu từ cái phông hình phía sau và đi dần ra trước.  Cái phông là nền tảng của tấm hình.  Như đời sống con người, mọi sự chúng ta đang có, khởi đầu ở một thời điểm nào đó trong quá khứ.  Có hôm qua mới có hôm nay.
…Nếu không có ngày gạt nước mắt ra đi, lênh đênh trên biển cả bốn ngày năm đêm, tôi đâu đến được bến bờ tự do hôm nay.
…Những ngày đầu đến đất Mỹ, nếu không có những ngày vất vả vừa đi làm, vừa đi học, tôi đâu có được việc làm tương đối nhẹ nhàng, thoải mái như bây giờ.
…Nếu không có buổi đầu gặp gỡ, quen nhau, yêu nhau, lấy nhau, chúng tôi đâu có được hai đứa con ngoan, quây quần bên nhau trong các bữa cơm chiều, trong giờ kinh nguyện tối.
…Nếu…và nếu…
Nhưng sao cái phông lại mờ?  Có người hỏi.  Đó chính là dụng ý của tác giả.  Cái phông mờ để làm rõ nét, nổi bật ý chính nơi hai chiếc lá.  Nếu cái phông phía sau rõ, sẽ làm chia trí người ngắm, và hai chiếc lá không còn là trọng tâm của tấm hình, ý tác giả muốn nói.  Nghĩ đến đây, tôi nhớ đến năm, sáu năm về trước khi còn làm việc trong giáo xứ, trong chức vụ đoàn trưởng ca đoàn.  Các bạn ưu ái bầu tôi luôn hai nhiệm kỳ.  Đến nhiệm kỳ thứ ba, tôi xin rút lui.  Không phải vì tôi muốn trốn tránh trách nhiệm; tôi rút lui, để các bạn trẻ khác có cơ hội phát triển tài năng của họ.  Ở lâu, mọc rễ, là điều không tốt.  Tôi đã gặp và biết có nhiều người từ giáo dân đến cha, rất nhiệt tình muốn phục vụ trong các ban ngành trong giáo xứ.  Vì “quá” nhiệt tình, họ không muốn rời chiếc ghế chủ tịch, cha sở.  Tuy không nói ra, nhưng trong chức vị họ đang giữ, phần nào cũng làm nở mặt, nở mày khi được giới thiệu: “Đây là ông chủ tịch.” “Đây là cha sở cộng đoàn…”  Họ sợ thay đổi.  Sự thay đổi thường đưa đến những bất đồng.  Số giáo dân thích sẽ ở lại.  Số không thích có thể bỏ đi qua xứ khác.  Vô tình lòng nhiệt thành của họ làm bước cản cho sự thăng tiến của cộng đồng.  Các cha trẻ không có được cơ hội phát triển tài năng.  Các bạn trẻ thiếu tiếng nói trong các ban ngành.

Biết lui lại làm một cái phông mờ để những mầm non có cơ hội phát triển, vươn lên, nổi bật hơn là điều tốt nên làm.  Để nhận ra điều này cần có lòng khiêm nhượng.

Những vết nâu, xám

Những vết nâu, xám mờ như là những tì tích, vết nhơ, tội lỗi tôi đã phạm.  Có những tội tôi đã quên.  Nhưng cũng có những tội tôi không quên, tôi giữ hoài trong lòng.  Tôi tự giam mình trong quá khứ tội lỗi.  Tự hủy diệt mình.  Người tôi xúc phạm, và cả Thiên Chúa, tất cả đã tha thứ cho tôi.  Còn tôi, cho đến bao gìờ tôi mới biết tha thứ cho chính mình?  Quyền quyết định nơi tôi.

Hai chiếc lá

Hai chiếc lá xanh tươi mọc và lớn lên cùng một lõi của nhành cây như hình ảnh của vợ chồng. Cả hai trở nên một trong tình yêu và đức tin.  Tuy xuất phát từ một nhành, nhưng mỗi chiếc lá có nét đặc thù riêng mà Thiên Chúa đã tạo dựng nên từ thuở ban đầu.  Trở nên một trong tình yêu và đức tin không có nghĩa là em phải biến đổi con người em giống như anh từ lời ăn, tiếng nói, điệu bộ, v.v…  Em thương anh nhưng em vẫn luôn là em.  Một chị bạn, người ngoại, nhưng lập gia đình với người Công Giáo. Đạo ai nấy giữ.  Hơn 26 năm chung sống, anh chị thật hạnh phúc bên nhau vì họ có tình yêu.

Trong thư thứ nhất của thánh Gioan, chương 4, câu 8 viết: “Thiên Chúa là tình yêu.” Vậy người có tình yêu, họ có Thiên Chúa.  Như hai chiếc lá sinh ra và lớn lên trên cùng một nhành, cũng thế mọi người chúng ta được tạo dựng theo giống hình ảnh của Thiên Chúa, cùng một nguồn.  Hình ảnh thật của Thiên Chúa chính là tình yêu.

Nhành cây

Chính vì nhành cây đi từ trên xuống đã gợi cho tôi ý tưởng để viết.  Sự sống phải bắt nguồn từ trên: từ Thiên Chúa, đến ông bà, ba, mẹ.  Dòng máu của các ngài đang lưu luân trong tôi.  Nếu tôi biết sự sống của tôi từ đâu đến, tôi sẽ yêu qúy nó, và không tự hủy diệt mình.  Sự sống đó là kết tinh tình yêu của Ba Mẹ tôi, là món quà chính Thiên Chúa ban tặng cho tôi.

Nhành cây không lá, khô cằn khô cõi, tưởng chừng nó đã chết, trở nên vô dụng, vứt đi.  Bỗng một ngày, với một phép lạ nhiệm mầu, nó sống dậy, tươi xinh, cho hoa, cho lá, hương thơm, trái ngọt.  Có dịp vào trại tù San Quentin nói chuyện, sinh hoạt với các anh, các em Việt Nam trong đó, tôi mới thật sự hiểu và cảm thông cho hoàn cảnh của họ.  Những gì tôi đọc trên báo, nghe qua đài truyền thanh, T.V. không phản ảnh đúng, có khi họ còn phóng đại thêm cho tin sốt dẻo.  Là người Công Giáo, tôi phải đứng về bên “Pro-Life” “Bảo tồn sự sống.”  Nhưng không, tôi đã chọn bên “Pro-Death” “Sự chết”.  Nhưng rồi một ngày Thiên Chúa đã thay đổi con tim sắt đá của tôi bằng một con tim thịt mềm. Nó biết rung động, rơi lệ, xót xa khi nghe tin một tù nhân sẽ bị kết án đúng 12 giờ sáng…

Hai anh bạn tôi quen ở San Quentin, sau hơn 23 năm nay đã ra.  Thỉnh thoảng có dịp xuống Quận Cam, anh em gặp nhau tay bắt mặt mừng.  Hai anh đã có công việc làm tốt.  Tuy vậy, một anh vẫn mong ước sau khi mãn hạn tù treo, anh sẽ xin làm việc thiện nguyện để giúp các em Việt Nam và Mễ trong các băng đảng, đừng lầm đường, lỡ bước như anh đã một lần bước vào.  Với phép lạ nhiệm mầu, nhành cây khô bắt đầu đơm bông, ươm trái cho đời.

Hãy cho người thân của bạn một cơ hội quay về.  Hãy thắp lên một ngọn nến yêu thương trong đêm vắng, biết đâu đứa con hoang đàng của bạn đang trên đường trở về.  Hãy cho họ một cơ hội tái sinh.

Lữ Khách
10-24-2007

YÊU MẾN THẦY THÌ GIỮ ĐIỀU RĂN CỦA THẦY

Truyện cổ tích Ả Rập kể rằng: Có một người bán thịt nướng rất keo kiệt và khó tính, vì tính tình keo kiệt khó chịu của anh ta nên cửa hàng luôn bị ế ẩm, anh đã làm đủ mọi cách để câu khách nhưng chẳng ai đến tiệm của anh để mua.  Có một người ăn xin ngồi bên lề đường, thèm thuồng nhìn những miếng thịt nướng treo lủng lẳng, rồi ông móc trong bị ra một khúc bánh mì, lẳng lặng đem hơ nóng trên khói, hy vọng khói thịt sẽ ướp vào miếng bánh.  Sau đó, ông ngồi ăn miếng bánh một cách ngon lành.  Anh chàng bán thịt nhìn thấy, chạy ra túm lấy áo người ăn xin đòi tiền. Người ăn xin phân trần: “Tôi đâu có mua thịt của anh mà bắt tôi trả tiền, khói thịt đâu có phải là thịt”.  Anh bán thịt quát lên: “Khói thịt cũng thuộc về miếng thịt, ông phải trả tiền cho tôi”.  Hai người cãi nhau, không ai chịu ai và cuối cùng đã đưa nhau đến quan tòa nhờ xét xử. Vị quan toà truyền cho người ăn xin móc ra một đồng tiền cắc và ném xuống nền nhà phát ra tiếng kêu leng keng, ông nói với người bán thịt: “Đây là giải pháp công bằng nhất, người ăn xin hưởng khói thịt của anh, còn anh thì được đền bù bằng âm thanh leng keng phát ra từ đồng tiền của ông ta. Thế là công bằng nhé”.

* * * * *

Bạn thân mến! Nghe qua câu chuyện trên, có thể chúng ta sẽ cười chê thái độ thiếu tình yêu thương của người bán thịt.  Thế nhưng rất nhiều lúc trong cuộc sống chúng ta đã cư xử với tha nhân như thế.

Trong bài Tin Mừng Chúa nhật  hôm nay Chúa Giêsu cũng mời gọi mỗi người chúng ta tuân giữ giới luật yêu thương là đầu mối của các giới răn mà Ngài đã truyền dạy: “Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy” (Ga.14:15).

Người Kitô có nhiều cách để biểu lộ lòng yêu mến của mình đối với Thiên Chúa, nhưng cụ thể nhất là giữ các điều răn Chúa dạy, đặc biệt là điều răn quan trọng nhất là “Mến Chúa Yêu Người”.  Muốn biết chúng ta yêu mến Thiên Chúa ra sao thì chỉ cần xét xem chúng ta đã yêu người ra sao. Và tình yêu đó phải được thể hiện bằng những việc làm, những hành động cụ thể.  Vì tình thương không chia sẻ là tình thương không có thật. Trước những nhu cầu bức thiết của người anh em, nhiều người đã tránh né, chạy trốn bằng những câu trả lời biện minh cho hành động của mình: “Chừng nào tôi đủ ăn, đủ mặc tôi sẽ cho”, hay “Để lúc khác, bây giờ tôi không có thời giờ”. Và cái lúc khác sẽ không bao giờ đến,  cái đủ ăn đủ mặc đã không bao giờ xảy ra… vì người ta có trăm ngàn lý do để biện minh cho thái độ thiếu lòng thông cảm, thiếu tình yêu thương của mình.

Trong bài Tin Mừng Chúa nhật  hôm nay, chúng ta cũng được nghe Chúa Giêsu hứa với các môn đệ xưa kia và với mỗi người chúng ta hôm nay là Ngài không để chúng ta mồ côi vì “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Ðấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi.” (Ga.14:16).  Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Thiên Chúa, Ngài là Thần Khí, là nguồn ơn sức mạnh và là người hướng dẫn, dạy dỗ chúng ta mọi điều.

Ở đâu có Thần Khí là ở đó bừng lên niềm vui. Thần khí là mùa xuân làm cho vạn vật bừng dậy màu xanh sự sống, Thần Khí làm cho mọi tâm hồn tràn đầy sức sống mới: Như Gio-an Tẩy Giả “nhảy mừng trong lòng mẹ“, như Đức Ma-ri-a hát lên bài ca Magnificat.  Như các Mục đồng hớn hở đi Bê-lem. Như các Tông Đồ trở nên những con người mới đầy sốt mến và can trường . Như các Thánh Tử Đạo hiên ngang tiến ra pháp trường.

* * * * *

Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh!  xin ban cho con sự sống của Chúa, sự sống làm đời con mãi mãi xanh tươi.
Xin ban cho con bình an của Chúa, bình an làm con vững tâm giữa sóng gió cuộc đời.
Xin ban cho con niềm vui của Chúa, niềm vui làm khuôn mặt con luôn tươi tắn rạng rỡ
Xin ban cho con hy vọng của Chúa, hy vọng làm con lại hăng hái lên đường.
Xin ban cho con Thánh Thần của Chúa, Thánh Thần mỗi ngày làm mới lại đời con. Amen

(Trích từ  R. Veritas)

NÔ LỆ TÌNH DỤC – CŨNG MỘT KIẾP NGƯỜI

“Nga – Thiên Nga” là cái tên tôi đặt cho em vì em đã không còn nhớ cái tên tiếng Việt của mình.  Theo lời em kể, thì em là một trong những người Việt đầu tiên bị bán qua Campuchia làm nô lệ tình dục.  Khi đó em 9 tuổi và khi tôi gặp em thì em đã 19.  Có nghĩa là đã hơn nửa kiếp người của em phải sống trong tủi nhục và đau khổ.

* * * * *

Tôi gặp em rất tình cờ.  Và cũng chưa bao giờ có ý định “chọn” em là “đối tượng” để tìm hiểu vì em đã quá tuổi vị thành niên.  Tôi đang ngồi trong quán cafê đợi các mụ tú bà mang “hàng” (là các em gái dưới tuổi vị thành niên) đến chào, thì em bước vào quán.  Em không để ý gì đến tôi mà đi thẳng đến các người da trắng ngồi ở những bàn kế bên, có lẽ họ là dân mua hoa.  Tôi không nghe họ nói gì nhưng thừa hiểu em là gái điếm, tự đi “tiếp thị” chính mình.  Với cách ăn mặc của em, tôi thừa biết chuyện đó.

Sau khoảng 10 phút “tán” mấy người đàn ông da trắng không được, em quay lại cái bàn tôi đang ngồi và kéo ghế ngồi tỉnh bơ – như thể là tôi và em đã quen nhau từ lâu.  Em móc túi lấy gói thuốc lá ra hút và mời tôi một điếu:

–  No thank you, I do not smoke (không, cám ơn, tôi không hút thuốc). Tôi trả lời.

–  Sorry (xin lỗi). Em nói cộc lốc và tiếp tục nhả khói.

Tôi đứng dậy tính bỏ đi vì bị làm phiền và hành hạ bởi khói thuốc thì nhanh tay em kéo tay tôi lại và nói như van xin.

–  I am hungry. Give me 10 dollars for food please. (tôi đói – xin cho tôi 10 dollars để mua đồ ăn!)

Tôi đã nhiều lần bị xin tiền kiểu này lắm rồi.  Không những chỉ ở đây mà cả ở Mỹ hay Âu Châu cũng vậy, họ xin tiền để đi hút xì ke thôi.  Giáo xứ tôi vẫn có những vị “khách” như thế này hàng tuần. Tôi không bao giờ cho họ tiền, nhưng nếu họ đói thì tôi sẵn sàng mua đồ ăn cho họ.  Và hôm nay cũng không ngoại lệ.  Nên tôi nói:

–  Let us go to restaurant – I buy you food (chúng ta cùng đi vô nhà hàng, tôi mua đồ ăn cho em).

Tôi nghĩ là tôi nói thế là coi như xong.  Thường thì nếu những người chỉ xin tiền mua xì ke sẽ không đi theo, nhưng em đứng bật dậy đi theo ngay và nhanh nhẹn nói:

–  Thank you! You are a good man! (cám ơn, ông là một người đàn ông tốt!)

Chúng tôi đi vào quán ăn bên kia đường và chọn một cái bàn trong góc phòng.  Em hỏi:-

–  How much can I eat? (tôi có thể ăn được những gì?)

–  As much as you want (ăn bao nhiêu cũng được). Tôi trả lời.

–  Thank you. You are a good man.  (cám ơn, ông là một người đàn ông tốt!)  Em lập lại câu nói đó một lần nữa với một đôi mắt sáng long lanh và cám ơn!

Tôi không ăn gì, vì mới ăn trưa xong.  Tôi ngồi đó nhìn em ăn và bắt chuyện buâng quơ.  Tuy nhiên tôi không hỏi em ở đâu hay làm nghề gì.  Em trả lời tôi vanh vách với số vốn tiếng Anh rất khá. Tuy em nói không đúng văn phạm, nhưng cách phát âm thì khá chính xác.  Gần cuối bữa ăn, em hỏi tôi làm nghề gì và qua Campuchia để làm gì.  Cũng như mọi lần, tôi lại kể câu chuyện tôi là một doanh nhân Singapore buồn vợ đi chơi lang thang và tìm người nói chuyện.  Nghe tôi nói vậy em cũng chẳng hỏi gì thêm.  Và chúng tôi lại nói chuyện trên trời dưới đất.

Khi em đã ăn xong, tôi gọi chủ quán tính tiền – 3.5 dollars, là tiền ăn của em và ly café sữa đá của tôi.  Tôi đưa tờ 10 dollars và sau khi nhận được tiền thối lại tôi cho tip 1.5 đồng và đưa cho em tờ 5 dollars còn lại cho bữa cơm chiều – rồi đứng dậy bước ra khỏi quán.  Em cám ơn tôi và tiếp tục ngồi yên.

* * * * *

Vừa đi được khoảng hơn một block đường thì có người vỗ mạnh vào vai tôi và nói:

–  Thank you again! You are a good man! (cám ơn ông lần nữa, ông là một người đàn ông tốt).

–  No problem (không có chi) – Tôi trả lời vì nhận ra người đó là em! (từ bây giờ tôi sẽ viết những mẩu đối thoại bằng tiếng Việt – dù em và tôi nói chuyện bằng tiếng Anh)

–  Ông sống ở khách sạn nào, cho tôi về với ông.

–  Tôi ở đâu em không cần biết – Tôi trả lời có pha chút bực mình – Tôi không muốn em về với tôi.

–  Tôi sẽ “phục vụ” ông từ A tới Z – Ông tốt lắm, nên tôi sẽ không lấy tiền của ông. Chỉ cần ông cho tôi ăn là được.

–  Không được, tôi không cho em về được. Tôi cáu gắt.

–  Ông có vợ hay bạn gái à? Cho tôi về ở với ông đi, tôi không lấy tiền của ông đâu.

–  Tôi đã bảo là không được mà – xin em đừng làm phiền tôi nữa. Nói xong tôi rảo bước đi nhanh, mặc cho em nói gì.

Tuy không cần mua sắm gì, tôi vẫy tay gọi chiếc túc túc (như xe lôi ở VN) và bảo chạy về khu chợ mua sắm – thay vì đi bộ về khách sạn.  Tôi đi vòng quanh chợ khoảng nửa tiếng và vừa trở ra thì lại gặp em đang ngồi khoanh chân trên chiếc Honda.  Vừa thấy tôi bước ra em tiến gần và nói:

–  Cho tôi về với ông đi, ông tốt lắm, tôi không lấy tiền ông đâu.

Thật là khó tránh được Nga; vì khao khát được gần “good man”, người không lợi dụng thân xác của em nên em cứ bám lấy tôi.  Vì thương hại em và vì biết mình biết ta nên tôi chấp nhận lời yêu cầu của em.  Tôi nói.

–  Được, tôi cho em về ở chung, nhưng chỉ một ngày thôi. Và tôi cấm em không được nói đến chuyện “A đến Z.”

Em cám ơn tôi rồi kéo tôi lên xe Honda và em chở tôi về khách sạn.  Thật sự là khi lên xe của em rồi tôi mới thấy mình…. dại thật.  Tôi tự trách mình đã quyết định không đúng và thế là lại đọc kinh xin Chúa gìn giữ tôi và tính toán trong đầu cách nào để “thoát khỏi” em!

* * * * *

Thế là chỉ trong vài giờ ngắn ngủi của buổi chiều hôm đó tôi và em trở nên thân với nhau.  Em kể cho tôi nghe câu chuyện đời em – Câu chuyện «cũng một kiếp người»

Em không còn nhớ quê quán mình ở đâu.  Em chỉ biết là em sinh ra nơi đồng ruộng.  Chín tuổi em được một người chị họ dẫn đi qua Miên (danh từ mà người việt dùng để nói về đất nước Campuchia) giúp bán quán càfê.  Đó là năm 1996.  Và kể từ đó, kiếp người của em không có gì vui. Em bị các tú ông, tú bà chuyền tay nhau để chăn dắt.  Đến năm em 17 tuổi thì họ đuổi em ra khỏi động vì «em đã lớn» và không hợp với chỗ này nữa.  Với vài đồng xu dính túi, quên cả tiếng việt, không nhớ nơi chôn nhau cắt rốn, không nơi nương tựa em lang thang khắp nơi, tìm xin việc trong các quán café, các nhà hàng, cố gắng quên đi quá khứ 8 năm qua, như em đã quên đi chính cả gia đình và nơi em sinh ra.  Nhưng…

Tiền thì hết, không chỗ nào nhận vì không có một mảnh giấy tờ tùy thân, với bụng đói rã rời, em quay lại con đường cũ – tự mình đi kiếm mối để nuôi thân.  Đã 2 năm từ ngày đó – Và nay em đã 19 tuổi!  Với 10 năm nhục nhã – hơn nửa kiếp người.  Và thế là do Chúa sắp đặt em đã gặp tôi, hay nói đúng hơn tôi đã may mắn gặp được em.

Trong suốt câu chuyện, em cứ lập đi lập lại một câu “You are a good man!” (ông là một người đàn ông tốt).  Nói thật, tôi không dám nhận mình là good man đâu!  Nhưng trong những lập luận của em tôi là good man là bởi vì tôi không như tất cả những người đàn ông đã từng đi qua đời em – mỗi khi họ ban phát cho em một ân huệ gì đó thì họ luôn đòi em phải trả lại cho họ một điều khác, mà cái duy nhất em có là “thân xác” của mình.  Và thế là… em tiếp tục phải dùng“đền thờ của Chúa Thánh Thần” (người Công Giáo tin rằng, thân xác của con người là đền thờ cho Chúa Thánh Thần cư ngụ) “trả ơn” cho những con… qủy.

* * * * *

Ngày hôm sau, tôi xin em ở lại với tôi trong vài ngày tới – Em vui lắm và nhận lời ngay.  Tôi nói với em là tôi muốn em chở tôi đi vòng vòng thành phố này và đến những quán xá, nơi thường hay tụ tập những việc “mua bán” thân xác của con người.

–  Vậy ông sẽ trả tiền ăn nữa chứ? Em hỏi lại.

–  Ừ, tôi sẽ trả cho em tiền ăn cộng với tiền xăng, và sẽ cho em thêm một ít thù lao. Tôi thêm vào

–  Chọc ông thôi, tôi chỉ xin tiền xăng và tiền ăn, tôi không lấy tiền của ông đâu. You are a good man  (ông là một người đàn ông tốt).  Em lập lại một lần nữa.

Thế là những ngày sau đó tôi được lao mình vào tìm hiểu các “đường dây” đưa các em vào đây và những mạng lưới chằng chịt bảo kê cho những kẻ làm giàu trên thân xác trẻ em.

Và bắt đầu từ hôm đó tôi đặt cho em một cái tên Việt Nam – Nga – Thiên Nga.  Suốt ngày chúng tôi “lang thang” khắp các quán xá và hang cùng ngõ hẻm.  Nga không ngớt miệng kể cho tôi nghe những vấn nạn trong thế giới này.  Dẫu rằng nhiều điều tôi đã biết, nhưng tôi cứ giả ngây thơ để cho em nói!

Các trẻ em Việt Nam hay Campuchia bị bắt làm nô lệ tình dục ở đây được chia ra làm hai loại. Những em còn bé tuổi từ 5 hay 6 đến khoảng 11 – và các em trên 11 hay 12 tuổi.  Đối với các em nhóm thứ nhất, hầu hết chỉ phục vụ vấn đề khẩu dâm (oral sex) vì các em chưa trưởng thành (chưa có kinh nguyệt lần đầu).  Mỗi lần như vậy khách phải trả khoảng 30 tới 50, tùy theo khách có biết trả giá hay không.  Sau mỗi lần đi khách các em được thưởng“một gói mì” hay cái bánh ăn để lấy sức.  Mỗi ngày các em phải tiếp trung bình từ 10 đến 15 khách.

Nhóm thứ hai gồm các em đã có kinh nguyệt lần đầu thì không còn chỉ đơn thuần là khẩu dâm nữa, mà phải quan hệ như người lớn.  Và cũng thế các em có thể phải tiếp trên 10 khách một ngày nếu không“may mắn” được thuê cả tuần hay vài ngày.  Tuy nhiên cũng có những kẻ rất bệnh hoạn, sau khi thuê các em cả tuần, thì dẫn bạn bè về ăn nhậu thế là các em lại bị hãm hiếp liên tục trong những cơn say xỉn.  Và chuyện đó vẫn thường xuyên xảy ra.  Ngay cả Nga cũng không nhớ mình đã bị như vậy bao nhiêu lần.

Tuy nhiên điều mà các em sợ nhất chính là dính vào những kẻ dùng ma túy.  Vì trong cơn phê của ma túy, những kẻ này bắt các em phải dùng chung và (như chúng ta đều biết) ma túy và tình dục đi chung với nhau thì thật là đáng sợ.

Yum Yum là từ ám chỉ về khẩu dâm, còn Bum Bum có nghĩa là quan hệ như người lớn.

Tất cả các em trong cả hai nhóm mà em kể ở trên đều bị giam cầm và quản lý không những chỉ bởi những tú ông tú bà mà còn bởi bọn ma cô.  Tùy theo sự thuần phục của mỗi em mà mức độ giam được thả lỏng hay không.  Như trường hợp của Nga trước khi bị “đuổi” khỏi động thì em có thể tự do đi chợ hay đi chung quanh thành phố – nhưng vẫn không thể trốn thoát được.  Nếu mà bị chúng bắt lại thì sẽ rất khổ vì bị đánh đập liên tục.

Tôi hỏi Nga tại sao bây giờ em đã hết bị quản lý mà em vẫn làm những việc đó?  Em cúi đầu và những giọt nước mắt lăn dài trên má và không trả lời tôi.

* * * * *

Chút Suy Tư:
Bạn thân mến, trong câu chuyện trước tôi có nói với bạn là không ai muốn nghe chuyện buồn vì nó sẽ làm cho mình buồn hơn.  Hôm nay tôi xin kết thúc bài chia sẻ “cũng một kiếp người” này với một câu chuyện vui – Một câu chuyện có HẬU nhé!

Khi bạn đọc những hàng chữ này thì Thiên Nga đã làm chủ một quán café nhỏ ngay giữa khu phố mà em đã hơn nửa kiếp người bán thân nuôi miệng.  Mặc dù cái gì cũng khó khăn, nhưng em vẫn hạnh phúc hơn rất nhiều; tuy cực nhọc hơn, nhưng em không còn phải chịu nhục nhã như trước nữa. Tuy nhiên em nói, cũng còn nhiều cái nhìn khinh bỉ và những câu nói nhục mạ – nhưng em không sợ. Em đã đang tập quên đi quá khứ 10 năm của em, để vươn lên!  Cám ơn những người bạn của tôi đã giúp em chút vốn liếng ban đầu cho một cuộc sống mới!  Cám ơn em đã dám vươn lên đối đầu với sự thật để trở thành người tốt hơn!

Bạn thân mến, chắc chắn rằng không phải em bé nào đang sống trong những cái cũi nhốt người này đều có thể vươn lên như em.  Nhưng, những con người đầy nghị lực như em đã là những tia sáng đang bắt đầu chiếu dọi trong màn đêm u tối!  Soi đường cho tôi, cho bạn và cho chúng ta vững bước đi tiếp!

Cái hạnh phúc nhất của tôi là Nga đã bắt đầu giúp các em nhỏ đang bị chăn dắt để các em từ từ nhận ra được một lối thoát của cuộc đời.  Dẫu rằng em chưa dám làm gì nhiều, vì thân em một mình không thể chống chọi lại những áp đặt bọn giang hồ được bao che bởi quyền lực của những kẻ có quyền, nhưng tình thương, những nụ cười, tiếng nói, hay một chút thức ăn em chia sẻ đến với các em bé đã là một xuất phát rất đáng được hoan nghênh!

Thật, Nga đã và đang là nhân chứng sống của câu nói mà Chúa Giêsu nói với ngươi đàn bà ngoại tình “Ta không kết án con, con về đi và đừng phạm tội nữa!” (Gioan 8:11)  Chúng ta cùng cầu nguyện cho những người làm giàu hay hưởng thụ trên những đau khổ của các em bé cũng có thể “Hãy đi và ĐỪNG PHẠM TỘI nữa!”

Lm Martino Nguyễn Bá Thông
www.hayyeuthuongnhau.org

NÔ LỆ TÌNH DỤC – CHUYỆN “MUA TRINH”

Có những người da trắng bệnh hoạn về thân xác nhất là về mặt tình dục và chỉ muốn quan hệ với trẻ em.  Bên cạnh đó cũng có những người á châu bệnh hoạn về tư tưởng và muốn “mua trinh” các em nhỏ để “xả xui” trong việc kinh doanh.  Trong chuyện “Mua Trinh” này, tôi xin kể cho bạn nghe những gì tôi đã nghe được từ các em. (xin vui lòng đọc phần “Giới Thiệu” để hiểu hơn những gì tôi kể.)

Họ là ai?  Thưa họ là những thương gia có thế giá và máu mặt trong những phi vụ làm ăn lớn ở Á Châu.  Mỗi khi họ trúng mánh thì họ tung tiền qua cửa sổ để yến tiệc ăn mừng.  Khi họ bị thất bại thì họ tìm cách “xả xui” bằng cách quan hệ thân xác với các trẻ em.

Thường thì họ chọn những em khoảng chừng 12 đến 14 tuổi, ngay sau khi các em có kinh nguyệt lần đầu.  Họ trả cho các chủ chứa từ 400 cho đến 1000 dollars để có thể ở với các em trung bình từ 5 đến 10 ngày.  Điểm đến thì họ có quyền chọn, nhưng khách sạn thì các chủ chứa chọn, vì các chủ chứa không muốn đưa các em đến những khách sạn không quen biết.  Theo ước tính của riêng cá nhân tôi qua 7 năm sống và làm việc với các em, thì khoảng 20-30% các em “được” cho uống thuốc hay uống rượu khi quan hệ lần đầu.  Các em này “may mắn” được mê man, nên không biết đau đớn và tủi nhục khi bị cưỡng hiếp.  Chỉ sau khi tỉnh dậy các em mới vật vã đối diện với sự thật đã rồi.  Trong khi đó đa số các em khác phải trải qua những đau đớn kinh hoàng cả về thân xác lẫn tinh thần khi bị cưỡng ép quan hệ xác thịt lần đầu.

Xin lỗi bạn, nãy giờ tôi dài dòng một chút để bạn có thể hiểu được những “bối cảnh” chung quanh của sự việc, mong tránh những sự hiểu lầm.  Giờ đây tôi đi thẳng vào câu chuyện “mua trinh” nhé.

* * * * *

Trong 4 cô bé mà tôi “thuê” lần này có 2 em còn rất trẻ, hay nói đúng hơn là còn rất bé.  Khi tôi được vào trong nhà thổ để “xem mặt” và chọn các em tôi đã nhìn thấy nét sợ hãi trên khuôn mặt của hai em nên tôi chọn hai em ngay.  Với hy vọng tôi có thể khám phá ra những gì đã sảy đến với hai em chăng?  Bên cạnh đó tôi cũng không quên chọn hai em đã đi với tôi lần trước – Vì hai em đã quen với tôi nên dễ cởi mở với những câu chuyện hơn.

Cũng như mọi lần, tôi luôn thuê loại phòng khách sạn sang trọng – Suit – Loại có hai phòng nối liền nhau, 1 phòng ngủ và một phòng coi tivi.  Tôi ngủ trên sofa ở ngoài phòng tivi, còn các em chia nhau ngủ trên hai giường ở phòng ngủ.  Đêm nay là tối đầu tiên, tôi muốn có thời gian “làm quen” với các em,và cũng để các em có cơ hội TIN tôi là người Singapore tốt bụng đang buồn vì “cãi nhau với vợ” nên tôi gọi đồ ăn lên phòng.  Tôi dặn khách sạn biến phòng coi tivi thành một phòng ăn ấm cúng và trang nhã.

Trong bữa ăn, tôi cố gắng gợi chuyện nhưng cũng chẳng đi đến đâu, vì các em chẳng hiểu Tiếng Anh.  Tôi luôn cố gắng tỏ ra mình là một con người thân thiện và tốt bụng, nhưng vẫn phải giữ vẻ mặt buồn rầu của một người đang “có chuyện buồn.”  Gần cuối bữa ăn thì chúng tôi có vẻ thân mật hơn với nhau khi tôi lấy kẹo sôcôla mang từ Mỹ về chia cho các em.  Hoa, cô bé đã từng ở chung với tôi tíu tít:

–  Tao biết mà, ông này thế nào cũng có kẹo cho tụi mình.

Hai bé mới đi lần đầu vẫn rụt rè khi nhận kẹo từ tay tôi.

–  Tụi mày đừng có sợ, ông này tốt lắm, ổng không có “chơi” tụi mình đâu. Hoa động viên.

–  Hổng chừng ngày mai ổng còn dẫn tụi mình đi du lịch và mua quần áo, như ổng đã làm lần trước đó. Tụi mày đừng có lo.  Ông này không phải là “cha già dê” đâu.  Duyên thêm vào.

–  Đôi lúc tao ước gì vợ chồng ổng cãi nhau hoài, để cho ổng dzìa đây thường xuyên. Hoa nói xong rồi cười lớn.

–  Con này, mày trù ổng không à. Cũng may là ổng không hiểu tiếng Việt chứ ổng mà hiểu là mày chết rồi đó.  Duyên cảnh cáo Hoa.

Tối hôm đó chúng tôi không đi đâu, riêng tôi thì rất mệt mỏi vì phải ngồi cả ngày xe từ Việt Nam qua nên sau khi coi tin tức thế giới từ đài CNN, tôi dọn sofa và cố gắng đưa mình vào giấc ngủ.  Tuy vậy tôi nằm đó quay cuồng với những suy nghĩ – và cũng hơi lo sợ.  Nỗi sợ đó thì lần nào cũng có.  Tôi bỗng nghe có tiếng chân người đi rất nhẹ ở phòng ngủ bên trong.  Trong màn đêm tôi thấy hai cái đầu mấp mé sau cánh cửa ngăn hai căn phòng đã được tôi cố tình để hờ không đóng.

–  Ổng ngủ rồi. Tiếng của một trong hai cô bé lần đầu đi với tôi cất lên.

–  Sao tao sợ quá. Thằng cha hiếp tao tuần trước cũng là người Singapore.  Bé kia nói trong hơi thở của lo lắng và sợ hãi.  Tao hy vọng là chị Hoa và chị Duyên nói đúng.  Mong là ổng không mất dạy như thằng cha đó.

–  Hai đứa mày đi ngủ đi. Để cho ổng ngủ.  Đừng có phá ổng.  Duyên có vẻ ra lệnh nhưng giọng cũng rất nhỏ, có thể là sợ tôi thức giấc.

Tôi nằm đó mà máu nóng sôi sùng sục.  Đầu óc tôi miên man hình dung ra những gì đã có thể sảy ra với bé Nga.  Tôi như điên lên, nhưng dằn lòng vì biết mình đang giả vờ ngủ.

Sáng hôm sau, khi đã ăn sáng, chúng tôi thuê xe “túc túc” (loại xe Honda kéo – như chúng ta vẫn thường thấy ở miền Tây) đi chợ tham quan và mua sắm.  Tôi cho phép mỗi em mua một cái vòng đeo tay và một cái váy đầm sang trọng để tối nay tôi sẽ dẫn các em đi ăn ở một nhà hàng rất sang trọng.  Mất hết gần 200 dollar.  Nhưng chỉ nghĩ tới là các em sẽ vui như thế nào khi nhìn thấy mình đẹp và được đi vào nhà hàng 5 sao cũng đủ làm cho tôi… ấm lòng!

Chúng tôi ăn trưa ở chợ – các em ngạc nhiên lắm khi thấy tôi cũng biết ăn bốc như các em.  Sau bữa trưa chúng tôi về lại khách sạn nghỉ.  Và buổi chiều thì chúng tôi đi tắm biển.  Tối hôm đó tôi đóng bộ vest “Ralph Lauren” sang trọng và cùng các em bước vào chiếc xe Camry đang đợi trước cửa. Chúng tôi lên xe với cái nhìn … soi mói của nhiều người.  Mặc kệ, tôi biết họ đang nghĩ gì.

Xe dừng lại trước một nhà hàng Hồng Kông tráng lệ.  Đây là nơi những thương gia tụ họp ăn uống sau những bản hợp đồng được ký kết.  Chúng tôi bước nhanh vào trong phòng riêng mà tôi đã đặt sẵn, tránh những cái nhìn không thiện cảm.  Cả bốn cô bé hôm nay vui ra mặt.  Ngay cả Nga và Bông cũng không còn rụt rè như hôm qua nữa.  Tôi coi thực đơn và gọi toàn là những món ngon, đặc biệt là món tôm hùm rang muối với tỏi.  Các em ăn ngon lành, cười nói vui vẻ như quên hết sự đời.  Bông đứng lên muốn đi nhà vệ sinh thế là Nga cũng muốn đi theo.  Vừa ra khỏi cửa được vài bước Nga chạy như bay trở lại.  Mặt cô tái mét và nước mắt đầm đìa.  Em chui xuống gầm bàn và không cho ai dỗ.  Tôi cố gắng hết sức dùng những câu tiếng Anh thật dễ để hỏi và an ủi nhưng cũng chẳng ép phê gì, thế là tôi nháy mắt cho Hoa và Duyên hỏi em coi chuyện gì đã sảy ra.

Trong tiếng nấc và sợ hãi Nga cho biết là “cái thằng cha ‘mua trinh’ em tuần trước đang ngồi ăn trong nhà hàng này, ngay gần nhà vệ sinh.”  Và mặc cho Duyên và Hoa an ủi, em vẫn nhất định không chịu ra khỏi gầm bàn.  Thấy tình thế có vẻ căng thẳng tôi đứng dậy, đi tới tận quầy tính tiền để trả tiền, cũng là để quan sát xem “thằng cha” đó là ai.  Có quá nhiều người Á Châu trong nhà hàng này, thế là sau khi trả tiền xong tôi lững thững quay về bàn ăn và lấy chiếc áo vest khoác lên trên đầu của Nga, và 5 chúng tôi rời nhà hàng, bỏ dở bữa ăn đang ngon miệng.

Đêm hôm đó, em kể câu chuyện của em cho các bạn nghe và tôi xin tóm lại như sau:

Em không thuộc nhóm “may mắn” bị chuốc rượu hay thuốc mê khi bị “mua trinh.”  Em chống lại mãnh liệt: em khóc than, em gào thét, em cấu xé.  Đáp lại sự chống phá mãnh liệt của em là những đe doạ, rồi đến những cái tát tai, và cuối cùng em bị cột hai tay vào thành giường và cái khăn lau mặt được nhét vào miệng của em.

Em vẫn vùng vẫy trong những đớn đau của thân xác khi bị “mua trinh.”  Và sau khi thằng cha đó đã thoả mãn thú tính, thì em được mở trói và bị lôi vào nhà tắm để rửa những giọt máu vây vãi trên người.  Và trong hai ngày ở với thằng cha đó em đã bị cưỡng hiếp 5 lần.

Tôi nằm ngoài sofa nghe em kể với 3 cô bé kia mà như muốn điên lên.  Tim, gan và mọi thứ trong cở thể tôi như đảo ngược.  Mắt tôi đang nhìn vào tivi mà như đang nhìn thấy chính “thằng cha” đó.  Tôi muốn đạp đổ và đập nát tất cả những gì quanh tôi.  Tôi muốn lao vào trong phòng ôm em vào lòng và an ủi em, nhưng….  Tôi không thể làm được những điều đó.  Tôi sẽ bị lộ diện và tôi sẽ chết và có thể em cũng sẽ chết.

Ba ngày sau đó tôi cứ như người mất hồn.  Tôi không đủ can đảm để nhìn thẳng vào mặt em, vì tôi sợ tôi khóc.  Nhưng tôi lại cứ lén nhìn sau lưng em, nhìn khi em không nhìn tôi.  Nhìn để gởi tất cả tình thương yêu của tôi cho em.

* * * * *

Chút Suy Tư:
Bạn thân mến, một câu chuyện buồn thường làm cho người ta không muốn nghe vì nó dễ làm cho họ cảm thấy buồn.  Và khi tôi ngồi viết lại câu chuyện “mua trinh” này mà da gà tôi vẫn còn nổi lên, nước mắt tôi vẫn tuôn dài, và thú thật với bạn “sự điên giận” vẫn còn cuồng nhiệt trong tôi.  Tôi đã phải đứng dậy đi ra khỏi phòng vài lần, uống nước và nhìn lên Thánh Giá cầu nguyện, cho tâm hồn tôi bớt sóng để có thể hoàn tất câu chuyện này.  Tôi xin lỗi nếu tôi đã làm cho bạn buồn.  Nhưng bạn ơi, cuộc sống của bạn và tôi chắc đã có những lần gặp những chuyện rất đau thương, cảm thấy như gục ngã, nhưng lại có một ai đó giúp chúng ta qua được thì còn niềm vui nào bằng bạn nhỉ!

Xin bạn đừng buồn, vì đó không là chủ đích của tôi khi viết câu chuyện này.  Và chắc chắn những em bé bị bán qua Campuchia làm nô lệ tình dục cũng không vui khi biết rằng bạn buồn về chuyện buồn của họ.  Tôi mong bạn sau khi đọc bài này hãy thương các em hơn!  Hãy sống tốt hơn! Nếu cuộc đời cần bạn vui, xin bạn hãy góp cho đời một nụ cười!  Nếu cuộc đời đang ban tặng cho bạn điều gì, xin bạn hãy trân trọng giữ nó, và biết chia sẻ cho những người chung quanh.  Xin bạn đừng than phiền hay đòi hỏi quá đáng vì biết bao nhiêu người đang ước mơ những điều bạn đang có nhưng lại không được.

Và sau khi đọc xong bài viết này, nếu trong tâm hồn bạn có một tiếng mời gọi nào đó; có thể nó là lời mời gọi bạn chia sẻ những gì bạn có với những người kém may mắn hơn bạn trong gia đình, nơi cộng đòan, sở làm, hay thế giới này, xin bạn đừng khước từ và đừng bao giờ sợ cất lên tiếng nói thay cho họ.  Xin bạn hãy cùng với tôi gởi bài viết này đến tất cả những người bạn quen biết.  Các em cần bạn!  Xin bạn hãy là tiếng nói của các em đến với thế giới bên ngoài.  Xin bạn hãy bằng tiếng nói hay hành động của mình dẫn các em ra khỏi “điạ ngục trần gian” hay “cái cũi nhốt người” để cho các em có cơ hội nhìn về ánh sáng.

Phúc âm thánh Marcô đoạn 10 câu 13 đến 16 ghi lại như sau: Người ta dẫn trẻ em đến với Ðức Giêsu, để Người chạm tay vào chúng.  Nhưng các môn đệ xẵng giọng với chúng.  Thấy vậy, Người bực mình nói với các ông: “Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Thiên Chúa thuộc về những ai giống như chúng.  Thầy bảo thật anh em: Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa như một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào”.  Rồi Người ôm lấy các trẻ em và đặt tay chúc lành cho chúng.

Linh Mục Martino Nguyễn Bá Thông
http://www.hayyeuthuongnhau.org/

ĐỪNG XAO XUYẾN NHƯNG HÃY TIN TƯỞNG

Trong cuộc sống trần gian này, con người khi biết mình sắp từ giã những người thân yêu để vĩnh viễn rời bỏ cuộc sống này, người ta thường cố tranh thủ chút thời gian vắn vỏi còn lại để căn dặn; để trăn trối cho người thân yêu những điều mà họ cho là quan trọng nhất.

Chúa Giê-su cũng thế.  Trong bài Tin Mừng Chúa nhật hôm nay thuật lại rằng:  Khi sắp từ giã các môn đệ để chịu khổ nạn và chịu chết, chúa Giê-su đã trao cho các môn đệ những lời tâm huyết của Ngài: “Anh em đừng xao xuyến, Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy”. (Ga:14.1)

Có ai trong chúng ta đã không từng bị xao xuyến? Các môn đệ xưa kia đã xao xuyến vì họ được nghe biết về sự phản bội của một người trong chính nhóm của họ (Ga 13,21-30); và cả việc người anh cả Phêrô của họ cũng sẽ chối Thầy (Ga:13,38).  Lòng các ông xao xuyến vì Thầy đã nói bóng nói gió đến cái chết gần kề (Ga:13,33). Tất cả đều là những biến cố kinh khủng, ảnh hưởng đến đời sống của họ, phá vỡ những gì họ đã mong đợi và xây dựng.  Họ phải xa cách Thầy, phải một mình đương đầu với một thế gian thù nghịch. Những điều đó làm họ xao xuyến.

Hãy tin vào Thiên Chúa, và tin vào Thầy.” Đó là lời tâm huyết của Chúa Giêsu nói với các môn đệ xưa kia và với mỗi người chúng ta hôm nay.  Đó cũng chính là niềm cậy trông tín thác vào Chúa Giêsu. Vì khi ta cậy trông tín thác vào Chúa thì dù đe dọa vẫn còn đó, khó khăn vẫn chồng chất nhưng ta vẫn an tâm tiến bước, bình an lại trở về và không còn xao xuyến nữa.

Niềm tin nhỏ bé của các môn đệ xưa kia được Chúa Giêsu củng cố thêm qua lời an ủi và nâng đỡ của Ngài: “Thầy đi là để dọn chỗ cho anh em …để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó.“. Phải chăng “yêu” là lo lắng cho nhau, là làm những điều tốt đẹp nhất cho nhau – Thầy đi là để dọn chỗ cho anh em – Và “yêu” là mong muốn được sống bên cạnh người mình yêu – để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó.  Chúa Giêsu hằng yêu thương mỗi người chúng ta, và Ngài vẫn đang “dọn chỗ ” cho mỗi người chúng ta hôm nay để “Thầy ở đâu, chúng ta cũng được ở đó với Ngài”. Và đó cũng là cùng đích của người Kitô trong cuộc sống lữ hành trần thế này.

Chúng ta cũng đọc được lời tâm huyết của Chúa Giêsu nói với Philippê :“Nếu anh em biết Thầy, anh em cũng biết Cha Thầy …Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy” (Ga:14.9-11).  Còn lời nói nào rõ ràng hơn nữa về sự kết hợp mật thiết và thâm sâu trong tình “Cha Con”.  Còn lời nói nào hùng hồn và xác tín hơn nữa về sự gắn bó thân tình Ngôi Cha và Ngôi Con trong mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi ?

Cũng trong giây phút này, trong tâm tình từ giã với các môn đệ, Chúa Giêsu nói với Tôma: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống.  Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy…”(Ga:14.6).  Lời giảng dạy chỉ bảo của Ngài được ghi lại trong Kinh Thánh là kim chỉ nam soi đường dẫn lối cho ta trong cuộc sống. Thánh Thần của Ngài là hướng đạo chỉ đường dẫn lối và đưa ta về đường ngay nẻo chính.  Sự thật mà Ngài giảng dạy không phải chỉ bằng lời nói mà còn bằng hành động Ngài đã thực hiện trong suốt 3 năm rao giảng.  Chúa Giêsu còn xác nhận Ngài là sự sống: Đó sự sống vĩnh cửu được chuộc lại bằng giá máu tử nạn và phục sinh của Người.

Chúa Giêsu là đường, là sự thật, và là sự sống”.  Đó là cùng đích mà con người phải hướng đến trong cuộc sống lữ hành trần gian hôm nay.

* * * * *

Lạy Chúa Giêsu,

Ngài là đường mà con phải bước theo, là sự thật mà con phải tin tưởng và là sự sống mà con hằng hy vọng.

Xin cho con dám bước ra khỏi lòng mình, ra khỏi những bận tâm và tính toán khôn ngoan của con người để bước đi trên con đường của Chúa, để tin vào sự thật mà Ngài đã trao ban, để sống trọn vẹn cho Chúa trong cuộc sống hôm nay và để con có được sự sống của Chúa trong cuộc sống đời đời mai sau.

Ước gì con cảm nghiệm được rằng trước khi con tập sống cho Chúa và thuộc về Chúa thì Chúa đã sống cho con và thuộc về con rồi. Amen.

Linh Xuân Thôn

NÔ LỆ TÌNH DỤC – CHUYỆN “TAO KHÔNG VÔ NHÀ THỜ ĐÂU”

Để tìm được cái nhà thờ Công Giáo ở đất nước Chùa Vàng – Campuchia này không phải là chuyện dễ.  Mà tìm nhà thờ để làm gì bạn nhỉ?

Thì bạn vẫn biết đấy, tôi cũng là một tu sĩ Công Giáo.  Đã là một tu sĩ thì không có cớ gì tôi bỏ lễ Chúa Nhật được.  Nói thật, bỏ đọc kinh sáng tối thì… đôi khi tôi cũng có, nhưng bỏ lễ Chúa Nhật thì không; không đời nào; không có lý do gì; và không có gì quan trọng hơn Thánh Lễ ngày Chúa Nhật. Tôi lớn lên đã được gia đình giáo dục thế – Giờ đây là một tu sĩ thì tôi càng TIN vào nền giáo dục đó hơn.

Thế là chiều thứ 6, tôi và 4 em bé gái (mà tôi thuê) leo lên chiếc Camry và bắt anh tài xế đi tìm nhà thờ.  Sau nhiều lần dừng lại hỏi đường và lạc vào hai cái nhà thờ tin lành, thì xe dừng trước cửa một nhà thờ Công Giáo.  Nói là nhà thờ, nhưng thực ra nó còn bé hơn cái nhà nguyện dùng làm lễ hàng ngày của giáo xứ tôi.

Tôi mở cửa xe, bước ra khỏi cái ghế trước, vươn vai hít thở không khí trong lành và… làm dấu. Đó cũng là thói quen của tôi – mỗi khi đi ngang qua nhà thờ thì làm dấu.  Bốn cô bé cũng bước ra khỏi xe, vẫn cười nói hồn nhiên.  Mặc kệ các em, cứ để các em tự nhiên.  Tôi đưa mắt tìm xem có tấm bảng nào ghi giờ lễ không.  Chẳng tìm thấy thấy bảng hiệu tiếng Anh, tiếng U gì cả, toàn là tiếng Campuchia, tôi quay lại hỏi người tài xế.

– Do you know, what time is Sunday mass? (Anh có biết lễ Chúa Nhật mấy giờ không?)

– Eight! Anh ta đọc một lần qua tấm bảng viết bằng tiếng Campuchia, và trả lời cộc lốc.

– Thank you! Tôi trả lời.

Sau đó tôi đứng thả hồn, miên man suy nghĩ và bắt đầu so sánh những ngôi Chùa được đúc bằng vàng và “nhà thờ” của Chúa – Hoá ra Chúa lúc nào cũng nghèo.  Đang miên man, thì tiếng các em gái đã kéo tôi về với thực tại.

–  Ông này chắc là người có đạo đó. Tiếng của bé Châu 13 tuổi cất lên.

–  Sao mày biết? Nga, cô bé 16 tuổi, “với thâm niên” 3 năm làm nô lệ trong nhà thổ – là “chị hai” của nhóm 4 cô gái này, hỏi chen vào.

–  Nếu hỏng có đạo ổng tìm nhà nhờ làm gì? Châu trả lời.

–  Coi chừng ngày Chúa Nhật này ổng bắt tụi mình đi với ổng vô nhà thờ đó. Hoa, cô bé 15 tuổi bình phẩm.

–  Tao hỏng nghĩ vậy đâu. Đi chơi thì đi, chứ đi nhà thờ thì đi làm gì.  Tao đâu có đạo đâu mà đi. Dzậy là sáng Chúa Nhựt được ngủ đã rồi.  Nga nói chắc như đinh đóng cột.

–  Hỏng dám đâu. Hoa phản bác.  Hồi trước giờ ổng đi đâu ổng cũng bắt tụi mình đi theo hết.  Tao nghĩ là Chúa Nhựt này cũng dzậy thôi.

–  Tao bảo đảm là ổng không bắt mình đi nhà thờ. Châu một lần nữa khẳng định.  Tụi mày không nhớ ban sớm với ban khuya ổng cầu nguyện, ổng bắt tụi mình phải im lặng cho ổng cầu nguyện sao?  Cho nên Chúa Nhựt này ổng đi nhà thờ cầu nguyện, ổng cũng sẽ muốn được im lặng

Nghe tới đây là tôi hiểu được các em này không phải là người Công Giáo và cũng chưa bao giờ bước chân vào nhà thờ tham dự thánh lễ.  Vì nếu đã đi lễ, thì biết chắc là Thánh Lễ đâu có “im lặng để cho ổng cầu nguyện.”  Thế là tôi muốn dẫn các em vào bên trong nhà thờ.

Vừa bước lên những bậc thềm trước cửa nhà thờ, tôi vừa khoát tay ra hiệu cho các em đi theo tôi.  Các em bỏ dửng câu chuyện và chạy theo tôi.  Nhưng riêng bé Thoa 12 tuổi, mới bị đưa qua từ Việt Nam được gần 1 năm, này giờ vẫn im lặng – giờ lí nhí lên tiếng:

–  Tao không vô nhà thờ đâu.

–  Trời, giỡn hoài – nhõng nhẽo nữa hả má – “Chị hai” Nga vừa cười vừa chọc.

–  Không, tao không muốn vô nhà thờ. Vẫn lí nhí nhưng có vẻ cứng rắng hơn, Thoa trả lời.

–  Thôi đi má, tụi con bế má vô. Châu vừa dứt lời thì cả ba chạy xuống những bậc tam cấp để “bế” Thoa lên.

–  Bỏ tao xuống, tao không vô nhà thờ. Thoa lớn tiếng.  Tao đã nói là tao không muốn vô trong đó mà.  Tụi mày đi đi, đừng có làm phiền tao.  Kèm theo những câu nói đó là một tràng ngôn ngữ tục tĩu được phóng ra từ miệng của Thoa.

–  Mày mà hỏng vô coi chừng ổng đuổi mày dzề đó. Đi với ổng sướng vậy, giờ tự nhiên giở chứng không dzô.  Nga nói như dạy đời.

–  Ổng đuổi thì đuổi, tao không dzô là không dzô. Thoa cứng rắn trả lời.

Thấy tình hình căng thẳng qúa, tôi giả lơ và nói to:

–  The Church is closed. Let’s go home! (nhà thờ đóng cửa rồi, thôi đi về)

Nói xong tôi bước lên xe và kêu các em cùng lên xe.  Vẫn với vẻ mặt “giả nai” như không hiểu các em mới tranh luận điều gì, tôi vừa béo vào mặt bé Thoa vừa hỏi:

–  Are you ok? What is going on?  (Em có sao không? Chuyện gì vậy?)

Nhưng em có hiểu tôi hỏi gì đâu mà trả lời.  Em chỉ nhìn tôi và chúm miệng cười, tuy gương mặt vẫn còn rất khó chịu và lấm lét với nhiều lo lắng.

Thế là bắt đầu từ hôm đó tôi quyết tâm tìm cách gợi chuyện, hay vẽ chuyện để cho các em nói với nhau về đề tài… nhà thờ.  Tôi quyết tâm phải biết được cái lý do tại sao Thoa nhất quyết không vào nhà thờ, dù em biết rằng có thể bị tôi đuổi về và không thuê nữa.

* * * * *

Nói tới đây, tôi xin đi ra ngoài câu chuyện một tí để giải thích cho qúy đọc giả biết tại sao các em “thích” đi với tôi.

Sau hơn 3 năm “làm việc” ở Campuchia, tôi đã phần nào xây dựng được chữ TÍN.  Chữ tín không phải chỉ ở nơi các em, mà còn đến từ các tú ông, tú bà, ngay cả những tay anh chị được cử đi theo dõi tôi và bảo vệ các em, sợ tôi dẫn các em trốn.

Các tú ông tú bà tin tôi vì tôi … “sòng phẳng” với họ, chưa bao giờ kỳ nèo bớt giá.  Tôi luôn “trả” các em về cho họ đúng giờ.  Tôi luôn trả các em về cho họ trong một trạng thái vui vẻ, không mệt mỏi, và không “sứt mẻ” điều gì.

Các tay anh chị tin tôi, vì tôi chưa bao giờ làm cho họ phải lo lắng.  Họ chưa bao giờ phải mất công theo dõi tôi.  Vì khi tôi đi chơi với các em, tôi thường vẫn cho họ đi theo.  Họ vừa làm việc của họ, lại vừa được đi chơi thì còn gì sướng bằng.  Không những chỉ được đi chơi miễn phí, các bữa ăn của họ cũng được tôi trả tiền.  Thỉnh thoảng tôi còn thuê phòng ngay đối diện phòng của tôi cho họ ngủ để … canh tôi – tránh cho họ phải vật vờ trước cổng khách sạn theo dõi.  Thế còn gì bằng.

Các em tin tôi đơn giản là vì các em rất… sướng khi được tôi thuê.  Các em truyền miệng cho nhau về “ông thương gia người Singapore, mỗi khi giận vợ lại tìm người đi chơi chung.  Ông ta chưa bắt ai phải “phục vụ” ổng bao giờ – đã không phải làm những điều dơ dáy đó, lại được ổng cho đi chơi và đôi khi còn mua quần áo mới cho nữa!  Đó là lý do chính tại sao các em “thích” được tôi thuê và đôi khi còn giành nhau nữa.  Dài dòng ra ngoài lề câu chuyện như vậy cho bạn hiểu, bây giờ chúng ta trở lại câu chuyện nhé.

* * * * *

Sau thêm ba ngày nữa sống với các em thì câu chuyện dẫn đến lý do tại sao Thoa quyết định không vào nhà thờ đã có màn kết của nó.

Thoa sinh ra và lớn lên trong một gia đình công giáo nghèo tại tỉnh An Giang.  Như những gia đình công giáo và những đứa bé khác sống ở làng quê, em đi lễ mỗi Chúa Nhật; đi học Giáo Lý tuần 2 ngày và siêng năng tham dự lễ ngày thường.  Em đã được học giáo lý, học về Thiên Chúa yêu thương, học về sự hiện diện của Chúa trong thế giới hôm nay.  Và cũng như những đứa trẻ khác em TIN rằng Thiên Chúa thương em và thương gia đình của em lắm.  Và không dừng lại ở niềm tin đơn giản đó, em cũng bắt đầu biết cầu nguyện; cầu nguyện cho em và cho gia đình em thoát khỏi cái cảnh nghèo nàn; cầu nguyện cho ba em bỏ uống rượu và cầu nguyện xin Chúa che chở em và mẹ em tránh được những trận đòn chí tử mỗi khi ba em say sỉn.

Và hình như Chúa đã nhận lời em.  Một người thân của má em, sau khi lên thành phố lập nghiệp trở về quê và hứa đưa em lên đó giúp việc nhà, cô sẽ cho em chỗ ăn và chỗ ở, trả em 700 ngàn một tháng, và còn ứng trước cho em 3 tháng tiền lương.  Một số tiền mà gia đình em không bao giờ dám nghĩ tới.  Em mừng thầm trong bụng, em cám ơn Chúa. Em nhẩm tính, “vậy là em có thể giúp gia đình em thoát khỏi cái nghèo!”  Chỉ cần hai tháng lương của em là đã bằng thu nhập của gia đình em một năm!  Nhưng rồi những nhẩm tính đó cùng với những hy vọng thoát nghèo của em mau chóng tan thành mây khói.

Thành phố đâu em không thấy, tiền lương đâu em không biết, chỉ thấy mình nằm trong cái “cũi nhốt người” này đã gần một năm.  Những ngày đầu em còn chưa biết chuyện gì xảy ra nên khóc lóc và la hét mỗi khi có… khách.  Và rồi những trận đòn nhừ tử, những ngày được bỏ đói đã dạy em cắn răng làm những điều không thể chấp nhận được trong cái tuổi của em, tuổi 12.  Có những ngày trong vòng 24 tiếng em phải tiếp cả hơn 10 người đàn ông.

Tuy trong tận cùng của tăm tối cuộc đời đó em vẫn tin Chúa và vẫn cầu nguyện.  Em cầu nguyện xin Chúa đưa em ra khỏi nơi này – nơi quy tụ những con qủy trần gian – nơi địa ngục trần gian.  Em xin Chúa cho em được về với gia đình – cho dù em có đói, em có bị ba đánh đập nhưng vẫn không thể so sánh được với nơi này.

Nhưng em đã thôi không cầu nguyện cách đây vài tháng.  Em đã quyết định chắc chắn là không có Thiên Chúa nào cả.  Chính vì thế em không cần cầu nguyện.  Em lý giải với bạn bè của em: “Cho dù có ông Chúa đi chăng nữa, ông ta cũng không nghe lời tao.  Ông ta không thèm để ý tới những lời tao nói.  Ông ta không thương tao, nên tao cũng không thèm ổng….”

Bạn thân mến, những lời đó đã như lưỡi đòng đâm qua tim tôi.  Tôi là một Linh Mục, cả cuộc đời tôi cố gắng mang mọi người tới Chúa, giúp họ nhận ra Thiên Chúa, giúp họ tin vào Chúa, thế mà giờ đây……  Thật sự, chính tôi cũng đang phân vân không biết có sự hiện diện của Thiên Chúa không?  Em nói có lý quá, cái lý của một đứa trẻ 12 tuổi đã làm cho tôi phải câm nín và … hoang mang.  Không những em có lý, mà cái lý đó còn có cái tình nữa chứ.  “Sao Chúa không thương em, em thương Chúa lắm mà?  Sao Chúa không nghe em, em vẫn nói chuyện với Chúa mà, Chúa ơi!”

Và bạn thân mến, với những lý do đó em đã sẵn sằng bảo vệ cái “luận lý” không có Thiên Chúa của mình bằng cách quyết định không bước vào nhà thờ, cho dù có thể bị tôi đuổi về với các “con qủy” trong cái “điạ ngục trần gian.”

* * * * *

Chút suy tư:
Tôi đã đọc ở đâu đó một câu chuyện của một bà mẹ dạy con của mình khi hai người cầu nguyện trước một tượng chúa Kitô Vua đã bị bom đạn tàn phá và bể nát.  Đứa bé hỏi mẹ:

–  Tại sao mẹ lại cầu nguyện trước tượng Chúa không có tay chân, và mắt cũng như miệng này.

Và bà mẹ đã đã lời:

–   Vì mẹ đang xin Chúa cho mẹ ơn can đảm để chính mẹ sẽ trở nên con mắt của Chúa, lỗ tai của Chúa, miệng của Chúa, trái tim của Chúa và cánh tay của Chúa. Mẹ và con, mình sẽ là con mắt của Chúa để NHÌN thế giới với một cái nhìn nhân hậu; là lỗ tai của Chúa để NGHE và CẢM THÔNG những niềm vui cũng như những đau khổ của con người; là miệng của Chúa để AN ỦI những ai cần được ủi an; là trái tim của Chúa để YÊU THƯƠNG những người không ai yêu thương; và là cánh tay của Chúa để NÂNG ĐỠ những người không ai nâng đỡ.

Bạn thân mến, đời sống đạo đức thánh thiện và những công việc bác ái, không phải là đời sống chỉ dành riêng cho những giám mục, linh mục, hay tu sĩ mà dành cho tất cả mọi người chúng ta.  Xin giúp mỗi người chúng ta biết nhận ra “ơn gọi trở nên thánh” của mình, biết ý thức được mình là men cho bột, là muối cho đời, là ánh sáng cho thế gian, là môi miệng, là tay chân, là trái tim của Chúa Giêsu ở trần gian này, để qua đó khắp nơi và mọi người trên trái đất nhận ra được sự hiện diện đích thực của Thiên Chúa; của mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể và ở giữa chúng ta; để nơi nơi vang lên lời chúc tụng ngợi khen Thiên Chúa là cha chúng ta ở trên trời. Amen.

Linh Mục Martino Nguyễn Bá-Thông – www.hayyeuthuongnhau.org
Nếu muốn kiểm chứng những câu chuyện này, bạn có thể liên lạc với Linh mục qua email, số điện thoại ở địa chỉ trang web trên.

MỤC TỬ VÀ ĐÀN CHIÊN

“Nhân danh Thiên Chúa, nhân danh những người đau khổ mà lời than khóc của họ vang vọng lên tới trời xanh… Tôi van xin anh em, tôi ra lệnh cho anh em: Nhân danh Thiên Chúa, hãy chấm dứt đàn áp! Chấm dứt chém giết!”.

Đó là lời nói lập đi lập lại nhiều lần của Đức TGM. Oscar Romero, vị mục tử của đàn chiên trong tổng giáo phận San Salvador, nói với quân đội và chính quyền độc tài El Salvador vào thập niên 80, khi cuộc nội chiến bùng nổ trong quốc gia vùng Nam Mỹ này.

Đức TGM. Oscar Romero là Giám mục của người nghèo, của công lý và sự thật.  Ngài lên tiếng đòi quyền sống cho những người bị giết hại, đòi công lý cho những người bị áp bức… Ngài là tiếng nói can trường bất khuất thay cho những người có miệng nhưng không có tiếng nói, cho những người bị đàn áp trong một xã hội đầy bất công, bóc lột và chém giết lẫn nhau.

Để bênh vực đàn chiên của mình, để bảo vệ công lý và sự thật. Vị mục tử đáng kính và can trường đã phải trả một giá máu bằng chính mạng sống của Ngài. Vào ngày 24/03/1980, trong lúc đang cử hành Thánh lễ tại nhà nguyện của Bệnh viện Chúa Quan Phòng. Ngài đã bị chính quyền và quân đội giết hại bằng một phát đạn bắn vào ngực.

Vị mục tử của tổng giáo phận San Salvador đã nằm xuống  nhưng tinh thần tranh đấu cho người nghèo và người bị áp bức đã không nằm xuống.  Máu của Ngài đã đổ ra vì công lý và sự thật để cho công lý và sự thật không bị đi vào quên lãng, nhưng được chắp cánh bay cao.  Mạng sống của Ngài đã hy sinh vì đàn chiên để đàn chiên được sống, và sống dồi dào … (1)

* * * * *

Bạn thân mến! Rải rác khắp nơi trong thế giới chúng ta đang sống hôm nay, vẫn còn biết bao vị Mục tử đáng kính và can trường như Đức TGM. Oscar Romero. Các Ngài đã và đang chăn dắt đàn chiên của mình một cách oai hùng, đã anh dũng bênh vực và hy sinh cho đàn chiên của mình, đã dóng lên tiếng nói cho công lý, sự thật và nhân phẩm con người. Các Ngài đã gục ngã khi đang thi hành sứ vụ. Các ngài là hy vọng cho xã hội và cho cả thế giới hôm nay, vì các ngài chứng tỏ rằng tình yêu Chúa Kitô mạnh hơn bạo lực và sự thù hận.  Các ngài không tìm kiếm sự tử đạo nhưng sẵn sàng thí mạng sống để bênh vực cho đàn chiên, để bảo vệ công lý và sự thật, và nhất là để giữ lòng trung tín với Tin Mừng mà các ngài đã được trao ban.

Tin Mừng Chúa nhật hôm nay cũng nhắc đến vị “Mục Tử Nhân Lành”.  Đó chính là Đức Giêsu, Ngài là “cửa chuồng” (Ga:10.8) và qua đó từng con chiên được đưa vào chuồng để ngủ đêm an toàn, tránh được nanh vuốt của thú dữ.  Chính nơi cửa chuồng này, người mục tử sẽ đứng cầm gậy kiểm điểm từng con chiên của mình, không để một con nào bị lạc mất. Và cũng chính nơi cửa chuồng này, người mục tử đứng chờ từng con chiên, dẫn chúng ra đi ăn mỗi buổi sáng.  Ðó là lúc các chiên nghe và nhận biết tiếng gọi của mục tử.  Ngài gọi tên từng con rồi dẫn chúng ra. Ngài đi trước, các chiên theo sau. Chúng sẽ không theo người lạ, nhưng sẽ chạy trốn, vì chúng không nhận biết tiếng người lạ. “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi.“(Ga:10.27).

Chiên đã trở thành điều vô cùng quý giá đối với mục tử chân chính, đến nỗi mục tử dám hy sinh mạng sống mình cho đàn chiên, để chiên được sống và sống dồi dào. Khác với mục tử giả hiệu là người chăn thuê. Họ bỏ chiên mà chạy khi gặp sói dữ và đàn chiên sẽ ra tan tác. Họ chỉ đến để giết hại và phá hủy đàn chiên. (Ga:10.12)

Ngày nay đôi khi người ta thường hay giới hạn ý nghĩa của chữ “mục tử” cho những người lãnh đạo tôn giáo. Nhưng thật ra, chữ “mục tử” còn dành cho tất cả những ai đảm trách việc trông coi và lãnh đạo: trông coi một gia đình; một hội đoàn; một xứ đạo hay một giáo phận… Lãnh đạo một phường; một tỉnh hay một quốc gia…một cách nào đó, đều có thể gọi là “mục tử”.

Mọi quốc gia, mọi giáo hội… tất cả đều rất cần có những Mục Tử Nhân Lành, hơn là việc có thật nhiều “anh hùng”.  Câu chuyện sau đây minh họa điều đó.

Có hai người thuộc hai quốc gia nói chuyện với nhau:

– Tôi rất khâm phục đất nước anh, vì nước anh có rất nhiều “anh hùng”.

– Thế đất nước anh có nhiều “anh hùng” không ?

– Rất tiếc, đất nước tôi ít anh hùng lắm !

– Lạ nhỉ, đất nước tôi nhiều anh hùng, thế mà sao vẫn cứ nghèo nàn và lạc hậu, còn đất nước anh không có anh hùng mà sao lại phát triển và dân chúng lại giàu có như vậy ?

– À, đất nước tôi không có nhiều “anh hùng”, nhưng bù lại có được khá nhiều “Mục Tử Nhân Lành”

* * * * *

Lạy Chúa Giêsu!

Chúa chăn dắt con, con chẳng thiếu thốn chi
Trong đồng cỏ xanh rì, Người cho con nằm nghỉ.
Người đưa con tới giòng nước trong lành, và bổ sức cho con.
Dầu qua thung lũng âm u, con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng
Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm.
Amen

(Trich từ R. Veritas)

http://members.chello.nl/~l.de.bondt/RomeroEng.htm
http://www.caritas-europa.org/module/FileLib/BiographyOscarRomero.pdf

BÊN HỒ TIBERIA

Tin Mừng Gioan ghi lại Chúa Giêsu hiện ra ở Biển Hồ Tibêria như sau:

“Sau đó, Đức Giêsu lại tỏ mình ra cho các môn đệ ở Biển Hồ Tibêria.  Người tỏ mình ra như thế này.  Ông Simôn Phêrô, ông Tôma gọi là Điđymô, ông Nathanaen người Cana miền Galilê, các người con ông Dêbêđê và hai môn đệ khác nữa, tất cả đang ở với nhau.  Ông Simôn Phêrô nói với các ông: “Tôi đi đánh cá đây.”  Các ông đáp: “Chúng tôi cùng đi với anh.”  Rồi mọi người ra đi, lên thuyền, nhưng đêm ấy họ không bắt được gì cả.

Khi trời đã sáng, Đức Giêsu đứng trên bãi biển, nhưng các môn đệ không nhận ra đó chính là Đức Giêsu.  Người nói với các ông: “Này các chú, không có gì ăn ư?” Các ông trả lời: “Thưa không.”  Người bảo các ông: “Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá.”  Các ông thả lưới xuống, nhưng không sao kéo lên nổi, vì lưới đầy những cá” (Jn. 21:1-6).

Phêrô đã một thời tự ý ngang dọc.  Ông xách gươm.  Ông kéo Chúa ra riêng một chỗ rồi lên tiếng trách Người.  Bên Biển Hồ Tibêria, hồ hôm nay chỉ dật dờ một rừng lau sậy.  Tôi đến đây sau trưa, bóng ngả dần về chiều.  Biển xanh mơ êm đềm.  Ấy thế mà một thời nổi sóng với ngôn từ của Chúa.  Tôi biết, bây giờ ngó ở đâu cũng chỉ là bờ đá và rừng xanh.  Nhưng tôi vẫn nhìn quanh như tìm xem bóng Chúa đâu.  Phêrô từng ngồi chỗ nào.  Bây giờ khách hành hương có thể xin tĩnh tâm nơi những trung tâm này.  Tôi có thể dâng lễ ngay tảng đá mà chỉ vài bước chân là xuống biển hồ.

Chúa hiện ra tảng sáng và bảo Phêrô thả lưới.  Người đánh cá chuyên nghiệp thì biết, không ai thả lưới lúc tảng sáng.  Họ đánh lưới về đêm.  Ấy thế mà Phêrô không cãi lại, ông im lặng thả lưới.  Một thái độ ngược bản tính của ông.  Cái ngang dọc của Phêrô hôm nay biến mất.  Và quả thật, cá nhiều quá kéo lên không nổi.

Trên bờ biển hồ tôi đang đi đây, Chúa hiện ra nhiều lần với các môn đệ.  Tôi xin dâng lễ ngoài trời, nơi bàn thờ đá cuối nhà thờ.  Bàn thờ quay ra biển.  Nơi này câu chuyện xảy ra hai nghìn năm trước như sau:

Đó là lần thứ ba Đức Giêsu tỏ mình ra cho các môn đệ, sau khi trỗi dậy từ cõi chết.
“Khi các môn đệ ăn xong, Đức Giêsu hỏi ông Simôn Phêrô: “Này anh Simôn, con ông Gioan, anh có mến Thầy hơn các anh em này không?”  Ông đáp: “Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy.”  Đức Giêsu nói với ông: “Hãy chăm sóc chiên con của Thầy.” Người lại hỏi: “Này anh Simôn, con ông Gioan, anh có mến Thầy không?” Ông đáp: “Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy.” Người nói: “Hãy chăn dắt chiên của Thầy.” Người hỏi lần thứ ba: “Này anh Simôn, con ông Gioan, anh có yêu mến Thầy không?” Ông Phêrô buồn vì Người hỏi tới ba lần: “Anh có yêu mến Thầy không?”  Ông đáp: “Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự; Thầy biết con yêu mến Thầy.” Đức Giêsu bảo: “Hãy chăm sóc chiên của Thầy” (Jn. 21:15-17)

* * * * *

HAI BIẾN CỐ MỘT MẶT HỒ

Ta phải đặt không gian nơi Chúa hiện ra với mẻ cá kéo lên không nổi và câu chuyện bánh hóa ra nhiều vào một liên hệ chung.  Xét về địa lý thì cả hai biến cố xảy ra ở mạn Bắc Biển Hồ Galilê, vùng Tibêria.  Chỗ Chúa làm phép bánh hóa ra nhiều nuôi mấy ngàn người ăn ở sát bên cạnh nơi Chúa hỏi Phêrô con có mến Thầy không.  Cả hai xảy ra bên biển hồ.  Ta chỉ cần đi bộ một quãng đường.  Đặt vào chung một vùng đất, ta thấy những điểm trùng hợp như sau:

BIỂN HỒ GALILÊ

TRƯỚC PHỤC SINH SAU PHỤC SINH
Bên đồi cỏ Bên biển hồ
Bánh hóa ra nhiều trên đất Cá hóa nhiều trên nước
–   Một ngày đói không đủ bánh ăn –   Một đêm hoài công không có cá
–   Một bên Chúa hỏi có mấy chiếc bánh –   Một bên Chúa hỏi có gì ăn không.
Cả hai bên đều trả lời không có.Cả hai bên đều thiếu. Cả hai bên đều trả lời không có. Cả hai bên đều thiếu.
–   Một bên Chúa bảo đem bánh lại đây –   Một bên Chúa bảo thả lưới.
Cả hai bên Chúa không tự ý làm phép lạ. Cả hai bên Chúa không tự ý làm phép lạ.
Cả hai biến cố đều có phần góp sức của con người. Cả hai biến cố đều có phần góp sức của con người.
Một bên đem bánh ố Một bên thả lưới
Chúa bảo các môn đệ lo cho dân ăn Chúa bảo Phêrô săn Giáo Hội.
–  Chúa còn sống, thấy dân chúng thì Chúa thương. –   Chúa chết rồi, Chúa bảo Phêrô tiếp tục yêu thương ấy.
Cả hai biến cố đều dùng hình ảnh chiên. Cả hai biến cố đều dùng hình ảnh chiên.
Một bên là: “Vì họ như bầy chiên không người chăn dắt.” Một bên là: “Hãy chăm sóc chiên của Thầy.”

Căn bản của những trùng hợp này là kết luận ta có thể di tới:

Như thế, biến cố bánh hóa ra nhiều là tiền thân của mẻ lưới, của cuộc hiện ra sau Phục Sinh với Phêrô.  Cả hai biến cố nói lên một ý nghĩa chung là lòng thương xót của Chúa đối với dân chúng và Phêrô, kẻ theo Chúa là nối tiếp lòng thương xót ấy mà săn sóc Giáo Hội. Khi Chúa bảo các môn đệ lo cho dân chúng ăn trong biến cố bánh hóa ra nhiều, là tập cho các ông cách lo mà Chúa trối cho Phêrô sẽ lo cho Giáo Hội tương lai ở biến cố hiện ra sau Phục Sinh này.

Phêrô phải lo cho Giáo Hội như Chúa săn sóc:

  • Vì lòng mến. (Con có mến Thày không?)
  • Không dựa vào công lao sức mình. (Hãy thả lưới bên phải)
  • Không thất vọng khi thấy không có lối thoát. (Không có gì ăn ư? ông Thưa: Không)
  • Phải đóng góp sức của mình, không ỷ lại vào Chúa. (Vâng lời Thày con thả lưới)
  • Chúa hành động khác cách con người. (Thả lưới lúc ban sáng!)

Ba lần Chúa hỏi Phêrô để Phêrô được ba lần rửa tội.  Ba lần ông chối Chúa.  Trong ba lần này Chúa chỉ hỏi về lòng mến.  Điều kiện Chúa trao Giáo Hội cho Phêrô là lòng mến.  Chúa không hỏi về khả năng lãnh đạo, không hỏi về khả năng kiến thức, không hỏi về khả năng tài chính, không hỏi về khả năng thu phục lòng người.  Lòng mến ở đây là mến Chúa, không phải mến công việc của Chúa. Chúa nói rõ: “Con có mến Ta không”.  Chúa không hỏi có mến công trình của Chúa không.

Điều khác biệt

Điều khác biệt giữa hai biến cố bánh hóa ra nhiều và mẻ lưới là lời loan báo căn tính tông đồ: “Thật, Thầy bảo thật cho anh biết: Lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tuỳ ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn.” Người nói vậy, có ý ám chỉ ông sẽ phải chết cách nào để tôn vinh Thiên Chúa.  Thế rồi, Người bảo ông: “Hãy theo Thầy” (Jn. 21:18-19).  Trong biến cố bánh hóa ra nhiều, Chúa không nói với Phêrô về ơn gọi ông sẽ phải sống như thế nào.  Nhưng sau khi Chúa sống lại thì Phêrô phải hiểu rất rõ về căn tính của mình là sẽ phải chết cách nào.

Điều khác biệt hơn nữa

Ông Phêrô quay lại, thì thấy người môn đệ Đức Giêsu thương mến đi theo sau; ông này là người đã nghiêng mình vào ngực Đức Giêsu trong bữa ăn tối và hỏi: “Thưa Thầy, ai là kẻ nộp Thầy?” Vậy khi thấy người đó, ông Phêrô nói với Đức Giêsu: “Thưa Thầy, còn anh này thì sao?” Đức Giêsu đáp: “Giả như Thầy muốn anh ấy còn ở lại cho tới khi Thầy đến, thì việc gì đến anh? Phần anh, hãy theo Thầy” (Jn. 21:20-22).

Nét độc đáo trên Biển Hồ Tibêria sau khi Chúa Phục Sinh tăng theo chiều cao của một con diều no gió, phải bay vút lên.  Phêrô có người bạn thân là Gioan.  Chúa nói cho Phêrô biết có thể phải chết cách nào đó, rồi hỏi ông nghĩ sao.  Chúa không đề cập đến Gioan.

Phêrô quyết định theo. Nhưng còn con người trần thế, một chút yếu lòng.  Ông nói với Chúa: “Thưa Thầy, còn người này thì sao?”

Phêrô hỏi Chúa một lời trần tình thật tuyệt vời.  Nó nói lên tất cả chiều sâu nhân tính của một thân phận làm người.  Ông không là thánh.  Ý ông muốn nói, xin Thầy gọi anh ta nữa, cho đi cùng với con cho có bạn.  Con thấy lẻ loi khi theo Thày một mình.  “Còn người này thì sao?” Phêrô “nhắc khéo” với Chúa.  Không ngờ, Chúa lắc đầu.  Chúa không gọi Gioan!  Chúa trả lời Phêrô bằng tiếng lệnh lên đường dứt khoát: “Việc gì đến anh.”

– Phần con, con hãy theo Thầy.

Phêrô im lặng. Như thế ta có thể vẽ lên màu xanh êm ả của vùng biển hồ hôm nay một bóng hình nổi sóng vô cùng siêu bạo.  Một Thầy, một trò, hai bóng người nhỏ dần khuất bóng.  Cái khuất bóng chỉ có hai bóng hình trộn vào nhau làm thành vùng màu sắc táo bạo chấm dứt Phúc Âm Gioan.

Tôi muốn trở lại vùng Biển Hồ Tibêria này, ở lại lâu hơn để nghe sóng vỗ vào chân bờ đá. Những bờ đá đã có dấu chân người một thủa đi qua.  Rất hào hùng.

Nguyễn Tầm Thường
(Jerusalem Mùa Phục Sinh 2006, Trích tập suy niệm KẺ ĐI TÌM, sẽ xuất bản 2010)