NHỮNG CƠN CÁM DỖ

Có nhiều người thắc mắc : Ăn chay là gì ? Phải chăng là để dằn vặt thân xác, hành khổ con người cho Chúa vui lòng ? Hỏi như vậy là chưa hiểu đạo, chưa hiểu hết ý nghĩa của việc ăn chay. Chúa đâu phải quá độc ác, bệnh hoạn, vui lòng khi thấy con người chịu khốn khổ. Ăn chay một phần để hy sinh đền tội, nhưng mục đích chính của việc ăn chay là để thao luyện tâm hồn chống lại quỷ dữ.

Ngày nay người ta quên sự có mặt của ma quỷ. Nhưng ma quỷ vẫn có đó và vẫn tích cực hoạt động nhằm phá huỷ thế giới, tiêu diệt con người. Ma quỷ rất tinh ma xảo quyệt nên người ta khó nhận ra âm mưu, dấu vết của chúng.

Nhìn vào ba cuộc ma quỷ cám dỗ Đức Giêsu, ta thấy ma quỷ rất tinh khôn. Nó có kế hoạch, có chiến thuật, tấn công nhiều đợt, nhiều bước.

Thoạt tiên ma quỷ tấn công vào những bản năng sơ đẳng nhất nơi con người : bản năng sinh tồn, bản năng thống trị, bản năng đối nghịch. Những bản năng ấy gắn liền với những nhu cầu căn bản, chính đáng của con người.

Kéo chú ý của người ta vào những nhu cầu rồi, ma quỷ tiến bước thứ hai, đó là phóng đại những nhu cầu đó lên, làm cho người ta lầm tưởng rằng, đó là những nhu cầu cấp bách, phải thoả mãn ngay tức khắc.

Khi ta đã hoàn toàn mê mẩn vì cái bẫy nhu cầu, ma quỷ mới đẩy ta đến bước thứ ba, đó là tìm thỏa mãn những nhu cầu theo ý riêng mình. Cách giải quyết đó ngược lại với ý muốn của Thiên Chúa. Mục đích sau cùng của ma quỷ là xúi giục ta phản loạn, không sống tâm tình người con hiếu thảo với Chúa, chống lại Chúa và sau cùng lìa xa Thiên Chúa.

Ông bà nguyên tổ đã rơi vào bẫy của ma quỷ nên đã không sống tâm tình của người con hiếu thảo, muốn lìa bỏ cha mình, muốn ngang bằng cha mình, muốn chống lại cha mình.

Đức Giêsu, trái lại, đã sáng suốt vạch trần âm mưu của ma quỷ và kiên quyết sống tâm tình của người con hiếu thảo.

Khi ma quỷ phóng đại nhu cầu, muốn cho Đức Giêsu tưởng rằng con người chỉ là vật chất, chỉ sống nhờ bánh vật chất, vật chất là tất cả đời sống. Đức Giêsu đã sáng suốt chỉ cho ta thấy vật chất không phải là tất cả, bánh vật chất của trần gian là cần, nhưng bánh tinh thần của trời cao còn cần hơn.

Khi ma quỷ thúc giục Đức Giêsu hãy thỏa mãn tức khắc nhu cầu của mình, Đức Giêsu đã biết kiên nhẫn chờ đợi. Khi ma quỷ khích Đức Giêsu dùng quyền năng riêng của mình để thỏa mãn nhu cầu, Đức Giêsu đã từ chối. Người muốn vâng phục Đức Chúa Cha, tin tưởng phó thác vận mệnh trong tay Chúa Cha, để mặc Chúa Cha quyết định.

Tuy đã thắng trong cuộc đọ sức đầu tiên, Đức Giêsu vẫn tiếp tục bị ma quỷ cám dỗ trong suốt cuộc đời. Cơn cám dỗ khi thì đến từ những người tin theo Chúa, muốn tôn Chúa làm vua để được ăn no nê bánh vật chất, khi thì đến từ những người chống đối đòi xin phép lạ từ trời xuống. Có lúc ma quỷ mượn chính những người thân tín như Phêrô để ngăn cản Đức Giêsu thực hành ý Chúa Cha. Có lúc ma quỷ dùng cái chết ghê sợ để uy hiếp tinh thần, mong Đức Giêsu lùi bước để tìm ý riêng mình. Đức Giêsu đã chiến thắng mọi cơn cám dỗ vì Người luôn tìm thánh ý Chúa Cha. Dù khi phải chiến đấu trong mồ hôi pha máu, Người vẫn nói : “Lạy Cha, xin đừng theo ý Con, xin vâng theo ý Cha mà thôi”.

Ma quỷ vẫn đang tiếp tục tạo nên những cơn cám dỗ. Và nhiều khi chúng ta đã mắc bẫy ma quỷ. Ta mắc bẫy ma quỷ khi mải mê đuổi theo những nhu cầu tiêu thụ quá đáng. Ta rơi vào âm mưu ma quỷ khi ta muốn có tất cả và có tức khắc. Ta hoàn toàn nằm trong vòng tay ma quỷ khi ta dùng mọi phương tiện để thoả mãn những nhu cầu, bất chấp ý Thiên Chúa.

Thay vì tuân phục ý Chúa, tôi luôn luôn bắt Chúa làm theo ý tôi. Thay vì vâng lời Chúa, tôi luôn luôn muốn sai bảo Chúa.

Mùa Chay này, Chúa kêu gọi tôi trở về với Chúa. Muốn trở về với Chúa, tôi phải chiến đấu chống lại ma quỷ. Muốn đủ sức chống lại ma quỷ, tôi phải luyện tập bỏ ý riêng mình và tìm vâng phục ý Chúa.

Hãy đặt ra cho mình một chương trình sống Mùa Chay bằng tăng cường hy sinh, cầu nguyện, ăn chay và làm việc bác ái.

Thiên Chúa Cha, Đấng giàu lòng thương xót đang chờ đón tôi trở về, và sẽ ban sức mạnh để tôi đủ sức chống lại mọi chước cám dỗ, nếu tôi biết sống trọn tình con thảo, tin cậy phó thác vào Người.

* * * * *

Lạy Thiên Chúa là Cha của con, xin đón nhận tâm hồn khiêm nhường sám hối của con.

TGM. Ngô Quang Kiệt

THỨ TƯ LỄ TRO

Cá thì dễ ươn, thây ma dễ thối, con người dễ hư.

Con người vốn mang xác thịt nặng nề, là mục tiêu cho ma quỷ và dục vọng tấn công và xâu xé. Chỉ một phút yếu lòng, thiếu canh phòng là con người bị sa ngã, bị hư hỏng và ươn thối.

Vua Đa-vít vốn là một vị vua khôn ngoan, sáng suốt, tài năng đức độ được liệt vào hàng thánh vương, thế mà chỉ vì hình ảnh của một phụ nữ xinh đẹp là Bát-sê-ba lọt vào tâm trí cũng đủ làm nhà vua chao đảo, rồi nhà vua sa ngã, phạm tội cướp vợ người khác và giết luôn cả chồng bà là U-ri-gia, đang khi anh ta đang anh dũng chiến đấu ngoài chiến trường để bảo vệ ngai vàng của vua! (II S 11)

Rồi ngay cả con vua Đa-vít là Salômôn, một vị vua có tiếng là khôn ngoan vô tiền khoáng hậu, nhưng cũng quá mê đắm xác thịt, có đến bảy trăm thê thất và ba trăm hầu thiếp, xiêu lòng theo các tà thần của dân ngoại, xây đền thờ cho họ đối diện với núi thánh Giê-su-sa-lem và đã làm sự dữ trước mắt Gia-vê (I V 11, 1-13).

Nói chung, dù ở bất cứ địa vị nào, đẳng cấp nào trong xã hội và tôn giáo cũng có những con người danh giá cao trọng đã phải ngã gục thảm thương và hư thối: hư thối vì tham nhũng, hư thối vì những bê bối tình dục, hư thối vì lạm quyền, độc đoán…

Cá thì dễ ươn, thây ma thì mau thối, con người thì rất dễ hư !

Triết gia Platon diễn tả thân phận con người “như cỗ xe có hai ngựa kéo”.  Một con ngựa trắng kéo ta về đường lành, đang khi con ngựa đen luôn lôi kéo ta về điều dữ.  Thế là con người luôn bị giằng co xâu xé bởi hai thế lực đối kháng nhau.

Ngay cả thánh Phao-lô là vị tông đồ rất nhiệt thành và thánh thiện cũng cảm thấy những dục vọng đen tối làm xáo trộn tâm hồn của ngài:  “Điều lành tôi muốn, tôi lại không làm; trong khi tôi lại làm những điều tôi gớm ghét, …thật khốn thân tôi!”

Nhân loại phải mất hàng triệu năm tiến hoá mới có thể thoát ra khỏi hang động và đời sống man rợ, nhưng con người ngày nay chỉ cần vài phút yếu lòng là có thể trở về với đời sống man rợ đó.

Dường như thân phận con người cũng như những viên bi tròn được đặt trên những mặt phẳng nghiêng.  Sức nặng của viên bi lôi kéo nó lăn xuống thế nào thì cũng chính sức nặng của xác thịt và bản năng hư hèn cũng thường xuyên lôi kéo chúng ta xuống bùn như thế.

Hãy cùng chiến đấu với Chúa Giê-su

Cuộc đời chúng ta cũng giống như những con thuyền bơi ngược dòng, phải luôn luôn vững tay chèo lái, phải luôn quyết tâm vươn về nguồn mà không để đời mình trôi xuôi theo dục vọng, thì mới có thể tiến về nguồn là Chúa Ki-tô.

Sống là tranh đấu.  Bao lâu còn chiến đấu, con người mới có thể tồn tại như một con người.  Khi ngừng chiến đấu, con người không còn giữ được phẩm chất cao đẹp của mình.

Khi làm người, Chúa Giê-su mang thân phận con người hoàn toàn y như chúng ta.  Ngài cũng từng bị cám dỗ y như ta.  Những cơn cám dỗ mà hôm nay chúng ta đang phải chịu thì Ngài cũng đã từng chịu, có khác là Ngài đã chiến đấu rất anh dũng, rất kiên cường, không bao giờ lùi bước trước mọi cám dỗ và thử thách.  Nhờ đó Ngài luôn luôn chiến thắng và chiến thắng rất vinh quang.  Thư Do-thái viết:  “Ngài đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội” (Dt 4, 15).

Ý chí chúng ta vốn mềm yếu.  Xác thịt thì quá nặng nề.  Đam mê tội lỗi luôn thôi thúc lôi kéo chúng ta xuống vực.  Những quyến rũ ở đời dễ làm chúng ta ươn thối…

Chúng ta thừa biết rằng tự sức mình, chúng ta không thể nào vượt thắng các thách thức và cám dỗ.  Vậy trong mùa chay nầy, chúng ta hãy vào sa mạc tâm hồn mà chiến đấu cùng Chúa Giê-su, với Chúa Giê-su.  Hãy luôn kết hiệp với Chúa Giê-su, hãy để cho lời Ngài nên khí cụ giúp ta chiến đấu. Hãy rước lấy Mình Máu thánh Ngài hằng ngày để kết hiệp gắn bó với Ngài hơn.  Và một khi có Ngài ở bên chúng ta, ở trong chúng ta, cùng chiến đấu với chúng ta thì chúng ta mới có thể chiến thắng được tội lỗi và trung thành đi theo đường lối Thiên Chúa như Ngài.

LM. Inhaxiô Trần Ngà

*******

Lạy Chúa Giêsu,
bị cám dỗ là thân phận của con người,
nhưng thắng được cám dỗ là nhờ ơn của Chúa.

Cuộc sống hôm nay
cho chúng con bao cám dỗ ngọt ngào,
làm khuấy động những thèm khát nơi chúng con.
Cám dỗ chiếm đoạt và sở hữu.
Cám dỗ thống trị bằng quyền uy hay tri thức.
Cám dỗ sống buông thả theo bản năng tự nhiên.
Cám dỗ nào cũng hứa
cho chúng con ít nhiều hoan lạc,
nhưng thật ra lại làm chúng con nghèo nàn
vì tự giam mình trong cái tôi ích kỷ.

Xin cho chúng con thắng được các cơn cám dỗ
nhờ tỉnh thức và cầu nguyện,
nhờ chay tịnh và làm chủ bản thân.
Xin cho chúng con dám lội ngược dòng với thế gian,
để đi vào con đường hẹp của Chúa,
con đường nghèo khó khiêm nhu,
con đường hy sinh phục vụ.
Ước gì chúng con được lớn lên trong tình yêu Chúa,
sau những lần chiến đấu vất vả cam go.
Và ngay cả khi yếu đuối ngã sa,
xin cho chúng con can đảm đứng lên,
vững tin vào lòng Chúa tín trung tha thứ.
Amen. (Rabbouni)

 

PHÚC THAY AI SẦU KHỔ

Đọc xong Bài Giảng Trên Núi hay Hiến Chương Nước Trời của Đức Giêsu, trong tâm trạng đang bồi hồi thổn thức và liên lỉ hiệp thông bằng trái tim với giáo dân thuộc Tổng Giáo Phận Hà Nội, tôi vô cùng bùi ngùi và xúc động về mối phúc thứ ba mà Đức Giêsu công bố, sau khi “Người lên núi, ngồi xuống và các môn đệ đến gần bên”:

Phúc thay ai sầu khổ vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an.” (Mt 5, 5)

Sự hiệp thông rất nhạy cảm và thấm đậm tình xót thương càng dâng trào, khi tôi nhìn thấy hình ảnh một số giáo dân cùng với các giáo sỹ, tu sĩ nam nữ trong Tổng Giáo Phận Hà Nội dựng cây Thánh Giá cao hơn 4m ngay trước thềm Tòa Khâm Sứ trong ngày 25/01/2008 và cũng ngay trong đêm, họ đã tập trung lại dưới chân Thập Giá Chúa Giêsu Kitô để lắng nghe tiếng Thần Khí thì thầm từ trái tim đâm thâu, và để hòa vang tiếng cầu kinh với một tâm hồn nghèo khó tha thiết kêu xin, mặc cho thời tiết rất khắc nghiệt, vừa trong mưa gió, vừa trong giá rét.

Nhìn vào hình ảnh gợi cảm trong đêm canh thức (như hình trên) của rất nhiều Kitô hữu Hà Nội ngước nhìn lên Thập Giá, tôi nhớ lại những lời mà ĐTC Bênêđictô XVI đã chiêm niệm được ghi lại trong cuốn “Đức Giêsu thành Nazarét” như sau:

Truyền thống đã đưa ra một hình ảnh than khóc khác đã mang lại cứu rỗi: Maria đứng dưới chân Thập Giá với người chị em của mình, vợ ông Clôpát, với Maria Macđala và với Gioan (Ga 19, 25tt). Một lần nữa, như trong thị kiến của Ezekiel, nơi đây chúng ta gặp một nhóm nhỏ vẫn trung thành trong một thế giới tràn ngập tàn bạo và nghi ngờ hay thỏa hiệp cách hãi sợ. Nhóm nhỏ này không ngăn chặn được thảm họa, nhưng qua “sự đau khổ với” Đấng bị lên án (bởi sự đồng-thương khó với [com-passion] theo ngữ nghĩa học), chính họ đứng về phía Ngài, và qua “lòng yêu thương với” của họ, họ đứng về phía Thiên Chúa, Đấng là Tình Yêu. “Đồng thương-khó với” nhắc chúng ta nhớ câu chú giải tuyệt vời của thánh Bênađô thành Clairvaux về Diễm Ca: “Thiên Chúa không thể đau khổ”, nhưng Người có thể “đau khổ với”. Dưới chân Thập Giá của Đức Giêsu, chúng ta hiểu hơn bất cứ nơi nào khác về ý nghĩa “phúc cho ai than khóc, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an”. Những ai không chai đá trước đau khổ và nhu cầu của tha nhân, những ai không để cho sự dữ đi vào linh hồn của họ, nhưng đau khổ dưới quyền lực của nó, và như thế, chấp nhận chân lý của Thiên Chúa, họ là những người mở cửa sổ thế giới ra để cho ánh sáng chiếu vào.  Họ là những người than khóc theo nghĩa mà lời an ủi được ban cho.  Vì thế, Mối phúc thứ ba được kết nối chặt chẽ với Mối phúc thứ tám: “Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5, 10).”

Ngẫm và suy tới đây, tôi càng hiểu thấu được lời chân tình của Đức Tổng Ngô Quang Kiệt, mà có lẽ hầu như ai đang mở lòng ra với Tổng Giáo Phận Hà Nội, sẽ nhớ mãi trong sự cảm phục và kính trọng sâu xa một sự khẳng khái kiên định:

“Nếu vì cầu nguyện theo tôi yêu cầu mà giáo dân bị tù, thì tôi sẽ đi tù thay họ”.

Quả thật, các Mối Phúc phô diễn mầu nhiệm của Đức Kitô và kêu mời mọi người đi vào trong sự hiệp thông với Người. Chỉ được thấm nhuần trong nội tâm sâu kín các Mối Phúc mà Đức Giêsu đã “mở miệng dậy họ”, người môn đệ chân chính của Người mới có một hướng đi cho cuộc đời làm Mục Tử chăn dắt đoàn chiên của Thầy Chí Thánh.

Từ lời công bố thẳng thắn trên, tôi nghe văng vẳng lời thánh Phaolô nói với cộng đòan Côrintô:

Chúng tôi bị dồn ép tứ bề, nhưng không bị đè bẹp; hoang mang, nhưng không tuyệt vọng, bị ngược đãi, nhưng không bị bỏ rơi; bị quật ngã, nhưng không bị tiêu diệt. Chúng tôi luôn mang nơi thân mình cuộc thương khó của Đức Giêsu, để sự sống của Đức Giêsu cũng đuợc biểu lộ nơi thân mình chúng tôi”. (2Cr 4, 8-10)

Lại nữa, khi nhìn tấm hình sống động và linh thiêng của đêm canh thức cầu nguyện trên, tôi cảm nghiệm sâu đậm được tâm tình của những người có mặt tại hiện trường lúc đó như đang “rên siết khóc than về mọi điều ghê tởm đang xẩy ra trong khắp thành” (Ed 9, 4). Họ là những người không chạy theo đám đông. Họ chối từ thông đồng với bất công đã trở thành căn bệnh của địa phương, thay vào đó, họ đau khổ dưới bất công. Cho dù không phải chính quyền năng của họ thay đổi toàn bộ hòan cảnh, nhưng họ vẫn chống cự cách thụ động trong đau khổ của họ, qua than khóc để vạch biên giới với quyền lực sự dữ.” (Đức Giêsu thành Nazarét)

Chính những người này đang sống với các Mối Phúc: “khát khao nên người công chính”, “xây dựng hòa bình” để xứng đáng là “con cái Thiên Chúa”, vì tin vào lòng thương xót của Thiên Chúa “sẽ cho họ thỏa lòng”. Đồng thời, họ cũng thấm nhuần Thần Khí Mối Phúc cuối cùng trong Bài Giảng Trên Núi tỏa ra từ Trái Tim Đâm Thâu:

Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. Anh em hãy vui mừng vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao.” (Mt 5, 11-12)

Chưa hết, vào ngày 29/01/2008, trong số giáo dân tụ họp đông đúc để cầu nguyện trong ôn hòa nơi Tòa Khâm Sứ, đã lác đác có vài người giả dạng là đồng đạo để tìm cách khuấy động bầu khí yêu mến trong lành sự tự do tín ngưỡng, hầu có thể tạo ra chứng cứ nhằm gán ghép những con chiên ngoan ngoãn đòi hỏi sự tự do chính đáng này vào tội danh nào đó mà họ đang âm mưu rình rập. Phương cách này khiến tôi nhớ lại điều mà thánh Phaolô đã cảnh báo các Kitô hữu Galát rằng:

Sở dĩ thế là vì có những tên xâm nhập, những kẻ giả danh giả nghĩa anh em, đã len lỏi vào dò xét sự tự do của chúng ta, sự tự do chúng ta có được trong Đức Kitô Giêsu; họ làm như vậy là để bắt chúng ta trở thành nô lệ”. (Gl 2, 4)

Để cùng với “những người đang mở cửa sổ thế giới ra để cho ánh sáng chiếu vào”, tôi tin rằng những người đang hướng lòng về Hà Nội thân yêu sẽ cùng với tôi hát vang lên Thánh vịnh sau:

Xin dạy con đường nẻo Ngài, lạy Chúa,
dẫn con đi trên lối phẳng phiu,
vì có những người đang rình rập.

Xin đừng phó mặc cho kẻ thù hung hãn,
Vì lũ chứng gian đứng dậy tố con,
Giương bộ mặt hầm hầm sát khí.

Tôi vững vàng tin tưởng
Sẽ được thấy ân lộc Chúa ban
Trong cõi đất dành cho kẻ sống.

Hãy cậy trông vào Chúa,
Mạnh bạo lên, can đảm lên nào!
Hãy cậy trông vào Chúa.”
Amen. (Tv 26, 11-14)

Phêrô Vũ văn Quí CVK64