NGƯỜI KHÔNG XEM THẤY ĐƯỢC THẤY

Nhìn vào hành trình làm nhân chứng khá cam go của người mù được sáng mắt, qua bài Tin Mừng hôm nay, tôi nhớ lại những gì mà chị Vũ Thủy, một thành viên khuyết tật của Huynh Đoàn Kitô Vua thuộc giáo xứ Mai Khôi, đã ghi lại cảm nghiệm của mình bằng vào những vần thơ thật xúc tích và cũng thật chân thành đơn sơ.

Chị đã viết trong bài thơ “cô gái mù và ly cà phê trắng”[1] tâm tình sâu lắng như sau:

“Ly cà phê trước mặt,
ngụm đắng nhuộm cuộc đời?
Cuộc đời trắng hay đen, thành công hay thất bại?
Hãy hỏi lòng mình chọn trắng hay đen.”

Chị đã phải đấu tranh rất nghiệt ngã trước số phận khi đôi mắt của chị trở nên mù lòa lúc tuổi đời còn rất trẻ, tuổi ô mai nhí nhảnh.  Bao nhiêu ước mơ chân chất thơ ngây giờ đây đổ ập xuống ngay trước cuộc đời đầy thơ mộng.  Bao nhiêu dằn vặt chán chường tê tái khổ đau khi phải sống trong cảnh tối tăm, trong cay đắng tủi hờn….

Thế rồi, nhờ vào sự chăm bẵm yêu thương của cha mẹ, của anh chị em và bè bạn, chị cũng phần nào chấp nhận số phận đen bạc.  Cho đến một ngày, chị nhận ra tiếng gọi thâm sâu của lời Chúa Giêsu nói với chị mà người thân của chị đã đọc cho chị nghe.  Lời Chúa đã gieo vào tâm hồn chị một sự bừng sáng với một niềm ủi an bất tận khi chị suy đi nghĩ lại trong lòng Lời Hằng Sống:  Tất cả những ai đang vất vả và mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng.” (Mt 11, 28)

Sau những lần gẫm suy và cầu nguyện, chị đã bừng sáng lên niềm tin tuyệt diệu như sau này chị ghi lại trong bài thơ “Món quà Thượng Đế”:

“Vừa chập chững bước vào đời
Thượng Đế thương tặng tôi
món đồ chơi Thập Tự.”

Tôi cảm nhận như chị đã sống cùng với niềm vui của người mù bẩm sinh sau khi được “Đức Giêsu nhổ nước miếng xuống đất, trộn thành bùn và xức vào mắt người mù và bảo: “Anh hãy đến hồ Silốac mà rửa” (Silốac có nghĩa là: người được sai phái).  Vậy anh ta đến rửa ở hồ, và khi về thì thấy được.” (Ga 9, 6-7).  Quả thật, với tâm tình của một trẻ thơ đơn sơ trong trắng và hèn kém trong thân phận bùn đất của con người, chị được Chúa nhào nặn và tặng ban đôi mắt mù lòa như một món đồ chơi mà chị gọi tên là “món đồ chơi Thập Tự”.

Thế nhưng chưa hết:

“Theo năm tháng, Thập Tự lớn cùng tôi,
có những lúc trổ gai làm trái tim rướm máu,
lúc trơn bóng đẫm mồ hôi, tôi tần tảo.
Khi tôi ngã,
Cây Thập Tự vững vàng như giá đỡ,
tôi bám lấy cùng niềm tin trỗi dậy.”

Chính những lúc như thế, tôi liên tưởng đến những cay đắng mà người mù từ thuở nhỏ đã phải gánh chịu trước những áp bức của nhóm Pharisêu:  Mày sinh ra tội lỗi ngập đầu, thế mà mày lại muốn làm thầy chúng ta ư?” Rồi họ trục xuất anh.” (Ga 9, 34)

Và đây cũng chính là nỗi niềm mà Vũ Thủy đã thầm thì với Nàng Thơ:

“Khi bật khóc,
Thập Tự âm thầm lau nước mắt cho tôi,
và tôi thấy trái tim thơ trẻ lại.”

Nhưng qua sự nâng đỡ của nhiều người, nhất là thầy Phong, phụ trách Mái Ấm Thiên Ân, dậy cho chị chữ nổi (chữ braille) và vi tính cùng nhiều những bàn tay chia sẻ khác, nên chị đã gửi gấm tâm sự trong thơ:

 “Cả bầu trời trước mặt,
đôi mắt con không thấy ánh mặt trời.
Nhưng với con, cuộc đời đầy nắng ấm,
Bởi quanh con, đã có những bàn tay
Trao cả con tim, xiết chặt tình người.
Đôi chân con bước đi vững chãi,
Bởi có những bàn chân đi mở lối tâm hồn
Gieo hy vọng cho người mù tăm tối.
Ly cà phê cho con ngọt ngào hơi sữa,
Bởi nó như cuộc sống đầy bao dung,
Đã cho con ngọt bùi trong cay đắng.”

Và rồi chị đã khẳng định với một niềm xác tín không còn lay chuyển:

“Cuộc đời trắng hay đen?
Riêng cô gái mù thấy ly cà phê trắng,
Bởi dòng sữa yêu người, đời đã ban cho.
Cô gái tay hướng về Thượng Đế:
“Xin cảm ơn Người, Người mãi bên con!”

Một lần nữa, khi nghe vang lên những lời bộc bạch sâu xa và thấm đậm yêu thương này của Vũ Thủy, tôi vô cùng xúc động vì chị đã viết lên niềm tín thác tuyệt vời vào Đức Giêsu như anh mù trong Tin Mừng hôm nay đã thưa với Người rằng:

““Thưa Ngài, tôi tin”.  Rồi anh sấp mình xuống trước mặt Người.” (Ga 9, 38)

Hiện nay, thay vì than khóc hết ngày rồi lại đêm, oán trách số phận hẩm hiu cô quạnh, chị đã vươn lên trong sức mạnh Thập Tự bằng cách quên mình để phục vụ cho những người đau khổ khác tức “sấp mình xuống trước mặt Người”, bởi chính những người này là hiện thân của Đức Kitô vậy.  Chị đã sống thâm sâu lời mặc khải của Đức Giêsu đã nói với anh mù cũng như với tất cả hậu thế:

“Tôi đến thế gian này,
chính là để xét xử:
cho người không thấy được thấy
và kẻ xem thấy lại nên đui mù.” (Ga 9, 39)

Quả thật, có biết bao nhiêu người nhìn và chứng kiến những mảnh đời bất hạnh khác, nhưng đã quay mặt đi với họ.   Còn chị Thủy đã không thấy tận mắt những người đau khổ kia, nhưng chị đã được Chúa ban cho một trái tim nồng nàn yêu thương trong sức mạnh Tình Yêu Thập Tự của Người.

Khi tôi đựơc gặp gỡ nghe chị bộc bạch sẻ chia, chị đã giúp tôi thêm sức mạnh để biết mở lòng ra với tha nhân đang sống trong cảnh tối tăm của thể xác bệnh hoạn, của tâm hồn đen tối trong lầm lạc sa ngã.  Và tôi đã thấu hiểu trái tim của Chúa Giêsu khi Thần Khí Lời Ngài đang trào dâng trong tâm hồn và trái tim tôi là đừng bao giờ trở nên “kẻ xem thấy lại nên đui mù”.

Mà hãy nhìn xem Vũ Thủy tích cực sống như thế nào để không còn trở nên đui mù một lần nữa:

“Khi tìm đến với những người trong đơn lẻ,
với Thập Tự bẻ đôi, tôi chia sẻ
hạnh phúc có, buồn đau cũng có,
và nỗi cô đơn cũng chẳng còn.”  (Món quà Thượng Đế)

Tôi xin mượn câu cuối cùng của chị Vũ Thủy, nhà thơ khiếm thị, trong bài thơ “Cô gái mù và ly cà phê trắng”, mà dâng lên Chúa với tất cả tâm tình :

Xin cám ơn Người, Người mãi bên con.” Amen.

Phêrô Vũ văn Quí CVK64

Email: peterquivu@gmail.com

[1] Xin xem và nghe thơ của chính Vũ Thủy đọc nơi địa chỉ sau dây:

http://daminhvn.com/thuvien/dongdaminh/congtacxahoi/ctxh-dminh/video_clip.htm

MÙ LÒA

Trong một chuyến đến thăm ngôi trường khiếm thị duy nhất của thành phố, tôi chạnh lòng nhìn cảnh một số em quờ quạng với chiếc gậy trên tay, có em lại bám vào vai bạn và cả hai cùng lần bước… Còn đến khi vào lớp, các em lại cẩn thận dùng những ngón tay nhỏ bé gầy guộc để đọc từng giòng chữ Braille trên trang giấy nổi…

Bất chợt, ánh mắt tôi dừng lại ở một em bé có đeo một mẫu ảnh Thánh Giá nho nhỏ trên ngực áo. Tiến lại gần, tôi làm quen với em và được biết rằng:  Trước khi vào trường này, mẹ em đã đeo cây Thánh Giá này cho em và bảo:  “Ðèn của thân thể người ta là đôi mắt, còn với con, thì Thánh Giá sẽ là cây đèn cho con đấy !”

Tôi ân cần hỏi em: “Thế em có thấy vui không ?”  Em bé ngước nhìn lên với đôi mắt đục mờ, trả lời tôi: “Có chứ anh, em đã mất đôi mắt của thân thể, nhưng thật sự thì đôi mắt của tâm hồn em vẫn sáng !”  

Nghe câu trả lời quả quyết ấy, tôi giật mình tự nhủ: Con mắt của tâm hồn mình có còn sáng hay đã tắt ngúm rồi nhỉ ?

(Trích Ðặc San CON ÐỨC MẸ, Xuân 2000)

* * * * *

Bạn thân mến!  Bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay tường thuật câu chuyện Ðức Giêsu đã chữa một người mù từ lúc mới sinh, một người lớn lên trong bóng đêm dầy đặc. Ngài cho anh được thấy ánh mặt trời lần đầu tiên, thấy khuôn mặt của những người thân thuộc.  Nhưng quan trọng hơn, anh đã thấy và tin vào Ðức Giêsu, Ðấng là Ánh Sáng của thế giới.  Sau khi được sáng mắt, anh đã bước vào một cuộc hành trình đức tin đầy cam go.  Lúc đầu, Ðức Giêsu chỉ là một người mà anh không quen không biết.  Sau đó, anh dám khẳng định trước mặt mọi người Ngài là một ngôn sứ, là người bởi Thiên Chúa mà đến.  Cuối cùng, anh đã sấp mình để bày tỏ lòng tin vào Ngài.  Ðức tin của anh lớn lên qua những hiểm nguy và đe dọa.

Ngược với thái độ hồn nhiên và bình an của anh là thái độ bối rối bất an của giới lãnh đạo Do Thái Giáo.  Họ cứ hỏi đi hỏi lại về cách thức anh được chữa lành.  Cha mẹ của anh cũng được điều tra cẩn thận.  Trước những lập luận vững vàng của anh, họ chỉ biết chê anh là dốt nát và tội lỗi.  Dựa vào một quan niệm hẹp hòi về việc giữ ngày sa bát, họ khẳng định Ðức Giêsu đã phạm tội khi chữa bệnh, tuy họ vẫn không hiểu tại sao một người tội lỗi lại có thể mở mắt cho người mù từ lúc mới sinh.  Giới lãnh đạo Do Thái Giáo không muốn coi Ðức Giêsu là người của Thiên Chúa, vì điều đó đòi họ phải thay đổi lối suy nghĩ và lối sống đạo, thay đổi bộ mặt tôn giáo của cha ông, nhất là đòi họ phải tin và theo Ngài.

Họ tự hào mình là người hiểu biết và đạo đức. Chính niềm tự hào này đã khiến họ khép lại, không có can đảm chấp nhận mình sai lầm, và cố chấp ở lại trong bóng tối.

Mù không phải là một tội.  Cố ý không muốn thấy mới là tội .  Chúng ta ai cũng sợ bị mù, nhưng lắm khi ta lại tự làm cho mình trở nên mù lòa, khi không chấp nhận thực tế về bản thân, khi né tránh sự thật và không muốn lắng nghe ai.

Như những người mù xem voi, mỗi người chúng ta chỉ thấy một phần của thực tại, một phần nhỏ của chân lý. Cần khiêm tốn để nhận mình mù, mù về chính mình, mù về lãnh vực mình thông thạo, vì điều mình biết chỉ là phần nổi của tảng băng, vì con voi không giống như cái cột nhà hay cái quạt.  Thay vì cãi nhau do có cái nhìn khác nhau, chúng ta có thể bổ túc cho nhau, để dần dần đến gần với chân lý trọn vẹn.

* * * * *

Lạy Chúa!  Như thánh Phaolô trên đường về Ðamát, xin cho con trở nên mù lòa vì ánh sáng chói chang của Chúa, để nhờ biết mình mù lòa mà con được sáng mắt.
Xin cho con đừng sợ ánh sáng của Chúa, ánh sáng phá tan bóng tối trong con và đòi buộc con phải hoán cải.
Xin cho con đừng cố chấp ở lại trong bóng tối chỉ vì chút tự ái cỏn con.
Xin cho con biết khiêm tốn để đón nhận những tia sáng nhỏ mà Chúa vẫn gửi đến cho con mỗi ngày.
Và xin cho con hết lòng tìm kiếm Chân lý để Chân lý cho con được tự do và bình an. Amen

R. Veritas

CON SỐ MỘT

Có những thứ trên đời mình chỉ có thể có một.  Trăm ngàn triệu triệu số một chỉ tạo nên có một cuộc đời…

Chỉ có một người mẹ, một người ông, một người bà… để mà yêu thương.  Chỉ có một trái tim, một cái đầu, một bộ óc… để mà suy nghĩ, mà chứa đựng cuộc sống cả trăm điều vạn điều vào đó.  Chỉ có một lần đầu tiên chui ra từ bụng mẹ để bắt đầu một cuộc thăng trầm.  Chỉ có một lần được nghỉ ngơi một cách êm đềm nhất, bỏ hết những âu lo và cả những yêu thương lại phía sau.

Có những thứ trên đời tưởng chừng rất nhiều nhưng xét cho cùng cũng chỉ có một.  Thời gian là vô tận nhưng mỗi khoảnh khắc chỉ trôi qua một lần.  Chỉ có một ngày sinh nhật tuổi 15, một ngày sinh nhật tuổi 20…  Chỉ có một lần bước chân vào trường tiểu học, một lần đầu tiên gặp một ai đó, một lần sau cùng chia tay ai đó…  Dù là sau này có thể gặp rất nhiều lần đầu tiên nữa nhưng đã là với người khác mất rồi.

Có những thứ trên đời rất nhiều, nhưng chỉ có thể chọn một.  Người ta thường chọn món ăn xong rồi lại thèm món của người bên cạnh, vì một lần chỉ nên ăn một bữa ăn.  Dạ dày con người thường hẹp.  Trái tim con người vốn cũng rất hẹp, chỉ có thể chứa được một người.

Hoàng tử Bé [1] chỉ có một.  Trăm năm ngàn năm sẽ không bao giờ có một hoàng tử bé thứ hai.  Hoa hồng của hoàng tử cũng chỉ có một.  Dù trên thế gian có triệu triệu khu vườn, mỗi khu vườn có trăm ngàn đóa hồng giống hệt nhau, cuối cùng cũng chỉ có một đóa hồng cậu đã chăm sóc, đã yêu thương, đã giận hờn…

Thế gian thì vô cùng.  Ước mơ thì vô tận.  Hoàng tử bé đi chu du khắp các thiên hạ cuối cùng vẫn đau đáu nhớ về cái hành tinh bé nhỏ của mình.

Số một cũng có nghĩa là nhất.  Có cái nhất vì có nhiều.  Có cái nhất vì không thể đồng đều.  Mặc dù không phải lúc nào cũng dễ quyết định cái nào là nhất.  Có những cái nhất chỉ có trong một khoảnh khắc, bước sang khoảnh khắc khác đã phải nhường ngôi.  Vị trí cao nhất thường là vị trí bấp bênh nhất.

Bạn yêu thương điều gì nhất trong đời?

Cái làm cho tôi tò mò nhất từ bé đến giờ là lý thuyết về lỗ đen vũ trụ.  Cái gì phía sau đó?  Không ai biết.  Đã rơi vào đó, không thứ gì, kể cả ánh sáng, có thể thoát ra.

Giả sử, chỉ là giả sử thôi, có ai đó đoan chắc với bạn, rơi vào lỗ đen vũ trụ bạn sẽ không chết mà trở nên hạnh phúc nhất đời, cảm thấy được những niềm vui trên đời này không có, sống được một cuộc sống khác mà mỗi khoảnh khắc cũng đáng giá cả một cuộc đời. Chỉ có điều là vĩnh viễn không thể quay lại được.  Bạn có bước vào đó không?

99,99% sẽ trả lời là không.  Tôi cũng vậy, tôi trả lời không.  Mặc dù cuộc sống bây giờ chỉ tạm bình thường.

Giả sử ngược lại, bạn rơi vào đó người bạn yêu thương nhất sẽ được hưởng cuộc sống thần tiên ấy, niềm hạnh phúc bất tận ấy, bạn có bước vào không?

Tôi gật đầu.  Nhưng rồi tôi phải suy nghĩ xem chọn ai để làm người được hưởng hạnh phúc ấy.
Thật khó.  Hóa ra bạn không thể mang cả cuộc sống mà trao hết cho một người.
Số một là duy nhất, là độc đoán, là bướng bỉnh, là cố chấp.
Mọi thứ bắt đầu ở nó.  Nhưng không thể mãi là nó.
Có khi phải là nó. Có khi tự hỏi vì sao phải là nó.
Cuộc đời chứa đầy những số một.
Trăm ngàn triệu triệu số một chỉ tạo nên có một cuộc đời……

Sưu tầm

*******

Lạy Chúa Giêsu, con chỉ có một lần để sống, và cách sống của một lần duy nhất đó sẽ quyết định số phận đời đời của con, là hạnh phúc vĩnh cửu hay nghìn đời tiếc nuối ăn năn.  Cơ hội chỉ đến một lần, dù cuộc đời có nhơ nhuốc hoen ố, xin cho con được một lần biết ăn năn sám hối trở về cùng Chúa vì biết có ngày mai để tạ tội xin ơn thứ tha?  Biết ngày mai trái tim chai đá này có còn xúc động trước những lỗi tội của mình.  Xin cho con biết trân qúy những tháng ngày còn lại dù ngắn hay dài, dù sướng hay khổ.   Chúa ơi, xin nhắc con luôn nhớ rằng con chỉ có một Chúa, một Cha trên trời, một chủ, một quê hương, một mục đích duy nhất trong cuộc sống chỉ có một lần này và một số một vĩnh hằng không đổi chỉ có ở cuộc sống mai sau.  Amen!

[1] Hoàng Tử Bé (tên tiếng Pháp: Le Petit Prince), được xuất bản năm 1943, là một trong những tác phẩm văn học Pháp nổi tiếng thế giới của nhà văn và phi công Pháp Antoine de Saint-Exupéry.

RẠN NỨT

Một vì vua kia thích sưu tầm ngọc quí đủ màu sắc, đủ kích cỡ, đến từ khắp nơi trên thế giới.  Trong số đó, có một viên ngọc to như quả trứng.  Mỗi khi đưa ra ánh sáng, nó phản chiếu đủ màu sắc sặc sỡ làm nhà vua rất say mê.

Nhưng một hôm, trong lúc hãnh diện khoe cùng các vị khách quí, nhà vua đã nhận ra viên ngọc có một kẽ nứt. Ông vô cùng tiếc xót, buồn bã. Từ hôm ấy, Ngài truyền cho khắp dân gian ai sửa được viên ngọc đó y như trước sẽ được trọng thưởng.  Các thợ đá quí lành nghề ra vào hoàng cung tấp nập nhưng đều lắc đầu chịu thua.

Ngày kia, có người vào yết kiến và xin vua cứ để cho mình sửa chữa tùy ý.  Đang lúc tuyệt vọng, nhà vua đồng ý, vì đàng nào viên ngọc cũng mất giá trị rồi.

Anh thợ đá quí đem viên ngọc về, ngày đêm dùng những đồ nghề tinh xảo để sửa chữa viên ngọc. Chẳng bao lâu, anh đem viên ngọc dâng lên đức vua.  Nhà vua vô cùng kinh ngạc vì trên viên ngọc điểm một bông hồng rất xinh đẹp, được trạm trổ một cách công phu, mà cánh hoa xinh tươi chính là dấu nứt của viên ngọc trước kia. Cánh hoa hồng xinh đẹp đã làm tăng giá trị của viên ngọc lên gấp bội, bằng chứng là mọi người đều trầm trồ khen ngợi.

* * * * *

Bạn thân mến,  mỗi một lỗi lầm trong đời sống chúng ta là một vết nứt của linh hồn trong trắng.  Mỗi lần gây gỗ bất hoà trong đời sống hôn nhân là một vết nứt trong tình yêu nồng nàn ngày thành hôn.  Mỗi một tranh chấp, cãi cọ giữa láng giềng, bạn bè là một vết nứt trong tình bằng hữu .

Chúng ta dừng bao giờ nản lòng thất vọng mỗi khi nhìn thấy những vết nứt trong tâm hồn mình, hay những rạn nứt trong tương quan với tha nhân.  Nếu biết lợi dụng nó thì những vết nứt kia sẽ là khởi điểm cho một cuộc sống mới tươi đẹp hơn, khi mình biết khéo léo và kiên nhẫn sửa chữa.

Tây phương có câu: “Con người là lầm lỗi“.  Vâng, con người được dựng nên bởi bùn đất, nên bao giờ con người cũng vẫn là “bùn”.  Nhưng điều quan trọng, con người phải luôn mềm dẻo dưới ngón tay uốn nắn của Thiên Chúa.  Hãy luôn nhớ đến lời đầy an uỉ này: Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất (Lc19,10)

* * * * *

Lạy Chúa, mỗi khi con làm mất lòng Chúa, mỗi khi con bất hòa với những người trong gia đình con, mỗi lần con đánh mất tình giao hảo với những người xung quanh, xin cho con hiểu rằng bao giờ cũng còn phương thế tốt đẹp để sửa chữa lại những rạn nứt trong con.

KHAO KHÁT

Con người ngày hôm nay có nhiều cơn khát: khát tự do, khát công bình, khát hòa bình, khát hạnh phúc, v.v… Tất cả những nỗi khát đó biểu hiện một thứ khát khao sâu thẳm nhất, đó là khao khát Thiên Chúa, như thánh vịnh 42 đã ví von:

Như nai rừng mong mỏi về nguồn suối trong.
Hồn con cũng trông mong tìm đến Ngài, lạy Chúa”

Nhưng khổ nỗi trong cuộc sống bon chen vật chất, nhiều người chỉ biết thỏa mãn cơn khát thâm sâu đó bằng cách chạy theo tiền bạc, sắc đẹp, danh vọng, chức quyền, hay địa vị. Và để thỏa mãn những cơn khát của thời đại, đã có biết bao những mưu mô toan tính, những xảo trá lọc lừa. Nếu ngày xưa vì khao khát tự do mà bao người đã phải bỏ mạng vì những vụ lường gạt trong những chuyến vượt biên trên Biển Đông, hay trong rừng già ở Cam-pu-chia, thì ngày hôm nay cũng có không ít cô gái Việt Nam vì khát khao một thiên đàng vật chất nên chấp nhận xa quê lấy chồng Đài Loan hay Hàn Quốc, để cuối cùng ôm phận bạc lỡ làng.

*******

Câu chuyện Tin Mừng hôm nay là câu chuyện của một người đi tìm hạnh phúc.  Hàng ngày chị phụ nữ đi kín nước, nhưng chị chẳng thể làm dịu được cơn khát cháy bỏng trong lòng chị.  Cuộc đời của chị lắm gian truân.  Chị có giếng nước của tổ tiên, nhưng sao chị vẫn khát?  Chị có nhiều tình nhân, nhưng sao vẫn cô đơn khắc khoải?  Chị thờ phượng nơi đền thờ trên núi Gê-ri-zim, nhưng sao chị vẫn thấy trống vắng?  Phải chăng những gì chị đang có, đang theo đuổi chỉ là ảo ảnh?  Phải chăng chị chưa bao giờ nếm được tình yêu chân thật? Phải chăng niềm tin tôn giáo của chị chỉ là hư không, khi vắng bóng Thiên Chúa trong đền thờ?

Từng bước một, Chúa Giê-su hé mở cho chị thấy chân trời hạnh phúc. Từng bước một, Chúa Giê-su khơi dậy trong chị lòng mong ước được uống Nước Hằng Sống.  Cơn khát của chị chỉ có thể được thoả mãn khi chị bắt đầu ý thức được đâu là những gì vĩnh cửu và đâu là những cái chóng qua.  Điều quan trọng là chị cần mở lòng đón nhận Ngài.  Và chị đã mở lòng để đón nhận Tin Mừng, đón nhận ân sủng từ Đấng sẵn sàng ban cho chị tình yêu đích thực.  Chúa Giê-su dịu dàng nhìn chị và tuyên bố:  Đấng ấy chính là tôi, người đang nói với chị đây.” (Ga 4:26).  Chị sung sướng quá, hạnh phúc quá.  Chị bỏ cả vò nước, bỏ sau lưng mặc cảm dày vò, bỏ lại quá khứ, chạy về với xóm làng trong tiếng hò reo:Đến mà xem! Có một người đã nói với tôi tất cả những gì tôi làm.  Ông ấy không phải là Đấng Kitô sao?  (Ga 4:29)

*******

Bạn thân mến,

Như người thiếu phụ bên bờ giếng, trong tâm hồn của mỗi người chúng ta có một thứ khát vọng sâu thẳm vượt lên trên những nhu cầu vật chất và tình cảm.  Tự đáy lòng mình, con người luôn khắc khoải tìm biết ý nghĩa và mục đích của cuộc sống.  Khi nhu cầu vật chất và tình cảm của con người tương đối được thoả mãn, người ta sẽ khao khát những điều sâu xa hơn như hoà bình, công lý, tự do, dân chủ.  Điều này cho thấy tự bản chất con người luôn muốn vươn lên, luôn hướng về chân thiện mỹ.  Những khao khát tinh thần này nằm trong ý thức của con người, không thể nào dập tắt hoặc đè nén được.  Và cùng đích của sự khao khát tâm linh này là được kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa, Đấng duy nhất đem lại ý nghĩa trọn vẹn cho cuộc sống con người.

Ngày nay, trước những cơn khát của thời đại, chúng ta cũng đã bao lần dẹp Thiên Chúa sang một bên, hay ít là cũng sống như thể Ngài chẳng có chỗ đứng trong tâm hồn chúng ta.  Chúng ta cần bước ra khỏi cái ảo tưởng cho rằng : tôi sống đạo như thế đủ rồi, đức tin như thế là tạm ổn. Hãy tỉnh táo.  Coi chừng chúng ta đang trong thế “quay lưng lại với Thiên Chúa”, đang giãy dụa trong cơn khát trầm trọng.  Khát mà không biết mình khát, phải chăng đó là bi kịch cuộc sống?

Đời sống của chúng ta chỉ có ý nghĩa và mục đích khi chúng ta nhận ra hạnh phúc của đời mình nằm trong mối tương quan mật thiết với Thiên Chúa, chứ không phải được xây dựng trên những cái chóng qua của đời này.  Khi chúng ta quên điều này, khi chúng ta lao đầu tìm kiếm những thứ giải khát tạm bợ, chúng ta sẽ đi vào con đường dẫn đến thất vọng hoặc chán chường.  Ngay cả khi những nhu cầu vật chất hoặc tình cảm của chúng ta được thoả mãn, khi chúng ta có đầy đủ tiền tài, danh vọng và quyền lực, chúng ta vẫn khắc khoải.

Cơn khát tâm linh của chúng ta chẳng thể nào được thoả mãn bằng những giá trị của thế gian này.  Những cơn khát tình, khát tiền, khát danh vọng, quyền lực, càng cố thoả mãn lại càng khao khát hơn. Tìm cách lấp đầy khát vọng tâm linh bằng bất cứ sự thỏa mãn trần gian nào ngoài Thiên Chúa, người ta sẽ chới với, sẽ hụt hẫng và trống vắng.  Càng lúc càng đói khát hơn!  Khát vọng tâm linh chỉ có Thiên Chúa mới làm ta no thoả được.

Mùa Chay, mùa canh tân đời sống.  Hội Thánh mời gọi chúng ta hãy chuyên cần cầu nguyện, ăn chay, hãm mình bố thí.  Hội Thánh mời gọi chúng ta trở về với những gì là cần thiết cho cuộc sống tâm linh.  Khi chúng ta dừng bước và sắp xếp lại trật tự cuộc sống mình, chúng ta đang mở lòng để ân huệ dồi dào của Chúa tuôn đổ.  Khi chúng ta quay về với mạch nước hằng sống, chính là Thiên Chúa, chỉ khi đó cơn khát của ta mới được thoả mãn, tâm hồn ta mới được bình an.

*******

Chúng ta hãy cùng cầu nguyện cho nhau trong Mùa Chay Thánh này với tâm tình của thánh Âu-gus-tin

Lạy Chúa Giê-su,

Xin cho con biết Chúa,
Xin cho con biết con.

Xin cho con chỉ khát khao một mình Chúa,
quên đi chính bản thân,
yêu mến Chúa và làm mọi sự vì Chúa.

Xin cho con biết tự hạ,
Biết tán dương Chúa và chỉ nghĩ đến Chúa.

Ước gì con biết hãm mình và sống trong Chúạ
Ước gì con biết nhận từ Chúa
tất cả những gì xảy đến cho con
và biết chọn theo chân Chúa luôn.

Xin đừng để điều gì quyến rũ con, ngoài Chúa.
Xin Chúa hãy nhìn con, để con yêu mến Chúa.
Xin Chúa hãy gọi con, để con đuợc thấy Chúa.
Và để con hưởng nhan Chúa đời đời.  Amen.

Antôn Phaolô, SJ

MỘT LỜI CÁM ƠN!

Nó chưa thể quá sáu tuổi.  Mặt mũi bẩn, đi chân đất, áo rách, tóc rối bù.   Nó chẳng khác gì mấy so với hàng trăm nghìn hoặc hơn thế trẻ em mồ côi lang thang trên đường phố khắp thủ đô Rio de Janeiro, Brazil.

Tôi đang đi tới quán cà phê, suy nghĩ lung tung về những công việc ở cơ quan mình vừa làm xong và lớp học chuyên môn buổi chiều mà tôi giảng dạy, thì bỗng thấy có ai đó đập nhẹ vào tay.  Tôi dừng: không có ai cả.  Tôi đi tiếp.  Lại thấy có ai đập nhẹ vào tay.  Lần này tôi quay hẳn người lại, và nhìn xuống.  Thằng bé đứng ở đó.  Mắt nó màu nhạt, cũng có thể đó là do tôi có cảm giác từ hai gò má nhem nhuốc và mái tóc đen rối của nó.

–  Bánh mì, ông ơi!

Nếu sống ở Brazil, chúng ta có nhiều cơ hội để mua một thanh kẹo hay một cái bánh mì cho những đứa bé vô gia cư và mồ côi này.  Tôi bảo nó đi theo tôi và chúng tôi cùng vào một tiệm giải khát.

–  Cà phê cho tôi và cái gì đó ăn được cho cậu bạn nhỏ này? Tôi gọi.

Thằng bé chạy đến quầy hàng và lựa chọn.  Bình thường, bọn nhỏ này sẽ cầm đồ ăn và bỏ đi luôn, quay trở lại đường phố nơi chúng đang phải lang thang, mà không nói lời nào.  Nhưng thằng bé này lại làm tôi ngạc nhiên.

Quầy giải khát khá dài, người ta đặt cốc cà phê ở một đầu và một cái bánh mì ở đầu kia. Thường người ta cũng biết là bọn trẻ đường phố xin được khách hàng mua cho cái bánh rồi sẽ bỏ đi ngay, mà người ta cũng không muốn cho chúng ở lại vì trông chúng rách rưới và bẩn thỉu.

Tôi bắt đầu uống cà phê của mình và khi tôi uống xong, trả tiền, tôi nhìn ra cửa mới phát hiện ra nó đứng ở ngoài (vì nó không được ở lâu trong cửa hàng), kiễng chân lên, tay cầm bánh mì, mắt dí vào cửa kính, quan sát.

–  Nó làm cái quái gì thế nhỉ? Tôi nghĩ.

Tôi đi ra, nó nhìn thấy tôi và chạy vụt theo.  Thằng bé đứng trước mắt tôi, chỉ cao đến thắt lưng.  Đứa bé mồ côi người Brazil ngước nhìn khách lạ người Mỹ cao lớn, là tôi, mỉm cười (một nụ cười có thể làm trái tim bạn phải ngừng vài giây), và nói:

–  Cám ơn chú!

Rồi, có vẻ lo lắng, nó gãi bàn chân và kiễng chân lên, nói to hơn:

–  Cám ơn chú nhiều lắm ạ!

Lúc đó, nếu có thể thì tôi đã mua cả tiệm ăn cho nó.  Trước khi tôi nói được câu gì, nó đã quay người bỏ chạy đi mất.  Khi tôi viết bài này tôi vẫn đang ngồi bên ngoài quán giải khát, nơi tôi mua chiếc bánh mì cho thằng bé.  Tôi đã muộn giờ lên lớp.  Nhưng tôi vẫn còn cám thấy xúc động và nghĩ về thằng bé.  Và tôi tự hỏi: nếu tôi bị xúc động đến thế chỉ bởi một cậu bé đường phố nói lời cám ơn tôi vì một mẩu bánh mì, thế thì mọi người sẽ xúc động đến đâu khi chúng ta nói những lời cám ơn – thực sự cám ơn – vì những gì họ làm cho chúng ta.  Hãy dành thời gian để nói những lời cám ơn, và đừng bao giờ tiết kiệm lời cám ơn cả.

Sưu tầm

*******

Lạy Chúa Giêsu, xin dạy con biết nói hai tiếng “cám ơn” trong cuộc sống thường ngày.  Biết tạ ơn Chúa vì những ơn lành con đã nhận được từ trời cao và cám ơn những người anh em đang cùng đồng hành với nhau trong cuộc sống này.  Như lời cám ơn đơn sơ của một đứa bé bụi đời bên hè phố đã làm trái tim người khách ngoại kiều chao đao xúc động, thì chắc chắn lời tạ ơn bé nhỏ khiêm nhường của con phải làm vui lòng Cha và triều thần thiên quốc.  Như lời cám ơn mộc mạc không mong đợi của một thằng nhóc con rách rưới đã làm bầu trời Brazil hôm đó như xanh thêm, thì lời cám ơn chân thành của con chắc chắn sẽ tô điểm cuộc sống của chính con và của tha nhân luôn xanh tươi ấm áp tình người.

GIÊ-SU: BÁC SĨ CHUYÊN TRỊ CÂM ĐIẾC

Bạn biết định nghĩa của ĐIẾC là gì không?  Dựa theo cuốn tự điển Merriams Webster, điếc có hai định nghĩa:

  • Khi không có năng lực nghe một phần hay mất năng lực để nghe toàn phần (partially or completely unable to hear)
  • Khi miễn cưỡng, không sẵn lòng hoặc làm ngơ không muốn NGHE (Unwilling to hear)

*******

Nếu bạn đồng ý với định nghĩa thứ hai và công nhận rằng nó chính xác thì bạn đếm thử giúp tôi xem, có bao nhiêu người điếc mà bạn đã từng gặp qua và… đã bao nhiêu lần bạn đã từng bị điếc? Nhiều lắm phải không bạn?  Đếm không xuể đâu!  Cá nhân tôi, đã rất nhiều lần tôi lâm vào cảnh điếc lác mà tôi không hề hay biết, tôi cứ tưởng rằng tai tôi vẫn còn thính, còn tốt, còn nghe rõ, thế mới khổ! Bạn có biết tôi bị điếc khi nào không?  Đó là những lúc tôi:

Dửng dưng trước những lời mời gọi, những lời van xin của các cơ quan thiện nguyện hay của những cá nhân … xin giúp đỡ về mặt tài chánh cho các trại mồ côi, các trại cùi, cho những nạn nhân của sóng thần Tsunami, cuồng phong Katrina, bão Rita…..

Làm ngơ, không quan tâm đến những lời răn dạy, giáo huấn và khuyên nhủ của ông bà, cha mẹ, thầy cô, chú bác … “Con ơi! Đừng lao mình vào những đam mê của cờ bạc, rượu chè, trai gái, hút sách…”

Lạnh lùng và tỉnh bơ những nỗi thống khổ của cha, của mẹ, của chồng, của vợ, của con cái và của những người thân yêu…

Từ chối và nhẫn tâm quay lưng lại với những người có thành tâm thiện ý đóng góp ý kiến, muốn giúp cho tôi sống tốt và thánh thiện hơn…

Bạn đã từng hành xử như tôi không vậy?  Nếu câu trả lời của bạn là YES thì bạn cũng bị bịnh điếc y như tôi rồi đó!  Phải đi chữa trị ngay đi thôi, đừng chậm trễ!

*******

Hãy liên lạc ngay với bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng có tên là Giê-su để xin Ngài chữa cho chúng mình khỏi bịnh điếc càng sớm càng tốt.  Nếu bạn muốn làm hẹn với văn phòng bác sĩ tai mũi họng Giê-su để xin chữa trị bạn có thể liên lạc với Ngài:

  • Qua phone: 1-800-CẦU-NGUYỆN hoặc 1-800-PRAYING
  • Qua email: dixungtoi@toagiaitoi.org or confession@confessional.org

Bác sĩ Giê-su thì tài giỏi vô cùng! Ngài chỉ cần đặt ngón tay của Ngài vào hai lỗ tai của chúng mình và nói một câu: “Ép-pha-tha” là chúng mình sẽ hết điếc ngay lập tức.  Bạn và tôi hãy liên lạc với Ngài càng sớm càng tốt để khả năng nghe của chúng mình sẽ được phục hồi một cách mau chóng.  Bảo đảm với bạn, sau khi được bác sĩ Giê-su chữa trị rồi thì chúng mình sẽ có khả năng:

  • Lắng nghe và quan tâm tới những nhu cầu của tha nhân và ra tay giúp đỡ họ.
  • Lắng nghe những lời dạy bảo và những lời giáo huấn của ông bà, cha mẹ, thầy cô…
  • Lắng nghe những lời xin lỗi, tạ lỗi, phân trần… của tha nhân và nhờ vậy chúng mình sẽ dễ dàng thông cảm, tha thứ cho tha nhân, cho chồng, vợ, cha, mẹ, con cái…

Chúng mình cầu nguyện cho nhau để căn bịnh điếc của tôi và của bạn sẽ không bao giờ bị tái phát lại sau khi được bác sĩ chuyên khoa Giê-su chữa trị cho nhé!

phamtinh@yahoo.com

 

THOÁNG THẤY VĨNH CỬU

Trong quyển sách nhan đề The Golden String (Sợi dây vàng). Văn sĩ người Anh Bede Griffiths mô tả lại một thời kỳ đáng nhớ khi ông còn là một cậu học sinh.

Một buổi chiều hè, Bede Griffiths ra ngoài dạo chơi. Trong lúc thơ thẩn một mình bỗng dưng cậu nhận ra tiếng chim hót mới hay ho làm sao. Cậu ngạc nhiên tại sao trước đây mình chưa bao giờ được nghe chúng hót hay như thế. Trong lúc tiếp tục bước tới, cậu gặp thấy một vài bụi táo gai đang nở trông thật dễ thương và đang toả ngát mùi hương thơm dịu dàng trong không khí. Bede lại ngạc nhiên tại sao trước đó cậu không hề nhận ra vẻ đẹp và hương thơm của chúng. Cuối cùng cậu đi tìm một sân chơi. Ở đây mọi vật đều yên tĩnh. Trong khi đứng đó ngắm nhìn mặt trời từ từ lặn khuất xuống chân trời, cậu bỗng nghiêng mình quì xuống trên mặt đất; giống như cậu đang cảm nghiệm được sự hiện diện rất gần gũi của Chúa bên cạnh mình. Griffiths viết:

“Bây giờ khi nhìn lại lúc ấy, tôi cảm thấy hình như đó là một trong những biến cố có tầm quyết định trong cuộc đời tôi”. Griffiths nói rằng cho mãi đến lúc ấy, cậu chỉ là một học sinh bình thường, bằng lòng với thế giới hiện có chung quanh. Giờ đây cậu đã nhìn thấy thế giới này một cách hoàn toàn mới mẻ. Nói theo lời thi sĩ Wordswoth, cậu ta đã nhìn thế giới ấy với “Vẻ vinh quang tươi mát đầy mộng mơ”.

* * * * *

Kinh nghiệm của Bede Griffiths giúp chúng ta thoáng thấy được những gì mà Phêrô, Giacôbê và Gioan cảm nghiệm được vào buổi chiều hè cách đây hai ngàn năm.  Khi Chúa Giêsu biến hình trước mắt họ.  Ðó cũng là một giây phút quyết định trong cuộc đời họ. Trước thời điểm ấy, ba Tông Ðồ này đã nhìn thấy Chúa Giêsu theo cách thức bình thường mỗi ngày, giờ đây họ bắt đầu nhìn thấy Ngài trong một viễn cảnh hoàn toàn mới mẻ.  Họ bắt đầu nhìn thấy Ngài với “Vẻ vinh quang tươi mát đầy mộng mơ”.

Giống như điều Bede Griffiths từng cảm nghiệm được trong thời niên thiếu, thánh Phêrô cũng chẳng bao giờ quên được cuộc biến hình của Chúa Giêsu. Nhiều năm về sau, trong lá thư thứ hai của Ngài, Thánh Phêrô đã diễn tả lại cảm nghiệm ấy như sau: Chính mắt chúng tôi đã nhìn thấy sự cao cả của Ngài, chúng tôi đã có mặt lúc Ngài được Chúa Cha trao ban cho đanh dự và vinh quang, khi có tiếng phán cùng Ngài, tiếng nói phát xuất từ sự vinh quang tối thượng: ‘Ðây là Con Ta yêu dấu đẹp lòng Ta mọi đàng’. Chính chúng tôi đã nghe được lời này vang xuống từ trời khi chúng tôi cùng ở với Ngài trên núi thánh (2Pr 1: 16-18).

Tất cả chúng ta đều có thể hiểu được cảm nghiệm của thánh Phêrô trên đỉnh núi cũng như cảm nghiệm của cậu bé Bede Griffiths. Tất cả chúng ta đều đã từng có những cảm nghiệm tương tự như thế trong cuộc sống của mình. chúng ta từng cảm nghịêm được những lúc trong chớp nhoáng. Chúng ta dường như thoáng nhìn thấy một thế giới ở bên kia thế giới này. Nhà tâm lý học Abraham Maslon gọi những lúc thấu thị như thế là “những khoảnh khắc cao điểm”. Ðây là những lúc khoảnh khắc chớp nhoáng mà chúng ta thấy đựơc một điều phi thường bên kia những biến cố bình thường. Ðấy là những giây phút biến hình khiến Peter, James và John bị choáng ngợp trước ý thức kỳ lạ về sự hiện diện của Thiên Chúa, và nếu những khoảnh khắc này xảy đến mà chúng ta biết chăm chú lắng nghe, chúng ta cũng sẽ nghe được tiếng nói từ trời phát ra: Này là con Ta yêu dấu đẹp lòng Ta mọi đàng. Hãy nghe lời Ngài!”.

Rủi thay chúng ta lại chẳng biết chu tất những cảm nghiệm này từ đầu đến cuối. Rủi thay chúng ta lại còn quên cả lúc chúng xảy đến cho chúng ta nữa! Hoặc đáng tiếc hơn nữa, khi càng lớn tuổi, chúng ta lại càng ít dạo bước ra ngoài trời nhìn ánh hoàng hôn hoặc không còn leo lên núi để tìm gặp những cảm nghiệm như thế. Bede Griffiths đã nêu rõ điểm này trong quyển sách của ông. Ông viết: “Có lẽ ít có người nào chưa từng có được một cảm nghiệm giống như thế vào một lúc nào đó trong cuộc đời, nhưng họ thừơng hay dễ dàng để cho cảm nghiệm ấy trôi đi… Thế giới quanh ta lại trở về với dáng vẻ bình thường và thị kiến ấy vội vàng bị xoá đi mất”.

Thực sự là Chúa Giêsu sống lại vẫn thường xuyên cho chúng ta thấy sự hiện diện của Ngài giữa chúng ta. Nhưng chúng ta lại quá bận rộn đến nỗi chẳng nhận ra Ngài. Chúng ta quá bận rộn đến nỗi chẳng có thời gian dừng lại để tìm kiếm Ngài.

Bài Phúc Âm hôm nay đề cập với chúng ta về tình trạng này và nhắc lại cho chúng ta ý thức Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa. Ngài đã sống lại và muốn biểu lộ chính Ngài cho chúng ta qua gia đình, qua con cái chúng ta, qua thiên nhiên vạn vật, qua việc chúng ta tụ họp nơi đây vào mỗi chủ nhật. Bài Phúc âm hôm nay mời gọi chúng ta tìm kíêm Chúa Giêsu không chỉ trong những biến cố khác thường của cuộc sống, mà còn trong những biến cố rất đỗi bình thừơng. Chúa Giêsu hiện diện khắp nơi trong thế giới chúng ta. Chúa Giêsu muốn chúng ta tìm kiếm Ngài. Chúa Giêsu đang chờ đợi chúng ta. Chúng ta chỉ cần ngước mắt là nhìn thấy. Ðây chính là sứ điệp và cũng là lời mời gọi của bài Phúc âm hôm nay.

Năm 1613, có người đàn ông nọ tên là Fra Giovani có viết những giòng sau:

Sự ảm đạm trong thế giới này chỉ là một chiếc bóng. Ðàng sau chiếc bóng ấy là niềm vui nằm trong vòng tay của chúng ta. Chúng ta có thể thấy được nét rạng rỡ và vinh quang ngay trong bóng tối, miễn là chúng ta biết nhìn. Chúng ta chỉ cần nhìn thôi. Vậy tôi xin anh chị em hãy nhìn đi. Tất cả những gì chúng ta gọi là thử thách, là sầu khổ đều ẩn chứa một ân huệ… anh chị em cứ tin tôi đi… và trong đó còn chứa đựng sự hiện diện của Thiên Chúa bao trùm trên chúng ta. Và niềm vui của chúng ta cũng vậy, cũng ẩn giấu ơn thánh hoá của Chúa trong đó”.

* * * * *

Ðể kết thúc, chúng ta hãy lặp lại lời kinh nhập lễ hôm nay vì Lời Kinh này tạo nên câu kết luận phù hợp với sứ điệp của bài Phúc âm hôm nay. Xin anh chị em cùng yên lặng hiệp ý với tôi:

Lạy Chúa, xin mở lòng chúng con đón nhận Lời Ngài và xin giải thoát chúng con khỏi bức màn tăm tối nguyên thuỷ che khuất ánh nhìn của chúng con. Xin hãy phục hồi nguồn sáng cho   chúng con, để chúng con được nhìn ngắm Con Ngài“. Chúng con cầu xin nhờ Chúa Kitô, Chúa chúng con. Amen

 

HỐI CẢI

Cậu bé miền quê, không phá phách xóm làng, không gây lộn đánh nhau chửi tục như các đứa bạn cùng thời.  Cậu hiền lành ngây thơ nghịch ngợm, ham chơi quẩn quanh trong nhà nên có thể nói đồng nghĩa với ngô ngố nữa.  Cậu chỉ có việc đi học và trông em bé, vì là con trai nên việc bế em, ru em ngủ là một việc gò bó nặng nề mệt nhọc chán ngắt và là cực hình nữa, đối với tuổi của cậu.  Tiếng võng kẽo kẹt và những tiếng ru em ầu ơ, con kiến mày kiện củ khoai, thằng bờm, thằng cuội… nhai đi nhai lại chán phèo, và rồi có hôm ru đi ru lại mãi đến mỏi mồm mà cu tí cũng chưa ngủ cho, bực mình.  Mỗi ngày phải gò bó ôm em cho ngủ cả tiếng đồng hồ hoặc hơn làm cho cậu càng ngày càng cảm thấy chán nản, gò bó, tê tay tê chân vẹo cả sườn.  Nhiều lần vì cu ti ngủ mê đái dầm nên cậu đã phải lãnh đủ cả bãi nước đái của nó, ướt hết cả quần, nước nóng chẩy đến đâu cậu biết đến đấy, thế mà cậu cứ phải nằm im không dám cựa quậy sợ cu tí tỉnh giấc khóc đòi mẹ thì cả nhà chỉ có nước nhịn cơm, không còn ai nấu nướng ngoài mẹ.  Có ngày ham chơi, ham nghịch đến cỡ cậu thấy không cần ăn nữa nên cậu chọc em, lay lắc nó cho nó khóc ré lên để cậu khỏi bế, khỏi ru và những lần như thế thì cậu cũng bị mắng mỏ hay những trận đòn cả thể.  Một thời gian dài chịu đựng bồng bế ẵm ru chán nản như thế, thằng cu tí bị bệnh nặng, bố mẹ tìm thầy chạy thuốc, thêm cảnh nhà nghèo nữa, nên cu tí đã nhắm mắt lìa đời.  Cậu thấy mẹ khóc, người bà con họ hàng khóc, và lòng cậu cũng từ đó bắt đầu thấy một nỗi xót thương nào đó, một niềm hối hận nho nhỏ len vào hồn cậu, cậu thẫn thờ thơ thẩn, cậu nghỉ học, cậu cảm thấy tay chân mình dư thừa, thõng dài, từ nay không phải bế ôm cái gì nữa, hụt hẫng làm sao ấy.  Thâm tâm cậu thầm trách cậu vì cậu mà cu tí chết.  Ngày đưa cu tí ra nghĩa địa, bố mẹ cậu không đi, một mình cậu lặng lẽ lững thững đầu trần chân đất đi theo quan tài cu tí, cách nhà khoảng một cây số, cậu không khóc nhưng trong lòng cậu cảm thấy có cái gì đó mất mát và hối tiếc.  Khi người ta vùi lấp cu tí xong cũng một mình cậu lặng lẽ lững thững trở về giữa trưa nắng, với bầu khí ảm đạm của gia đình mà chẳng ai trách mắng cậu cả.

Rồi những ngày tháng nguôi ngoai và quên dần đi….

Cho đến khi mẹ cậu lại sinh cho cậu thằng cu tí khác.  Như một chuyện buồn đã chôn vùi sâu kín trong đời mà cậu cũng chẳng nhận thức rõ rệt, để rồi cậu đã dồn hết tình thương yêu cho thằng cu tí này.  Cậu là mẹ thứ hai của nó, cậu bồng bế ẵm ru ngày này qua ngày khác mà không biết mệt và những bài ầu ơ thằng bờm, thằng cuội, con kiến… càng ru nó càng ngọt lịm làm sao.  Cậu như có sức mạnh vô hình để chịu đựng được tất cả, những lúc tê tay tê chân vẹo sườn, bao nhiêu tình thương cậu đổ dồn cả cho nó, đi học về đến nhà quăng cặp sách là cậu bế nó ngay, cậu xi cu tí ị, tắm rửa cho nó… và nó theo cậu hơn theo mẹ.  Cậu chẳng nghĩ gì đến mình nên có tiền là mua bánh cho nó, ai cho gì cậu cũng nhường cho nó hết, cậu đã bế nó đi chơi khắp nơi, nhà này sang nhà kia, có khi leo cả lên núi.  Nó như một bảo vật quí giá mà cậu bảo vệ săn sóc hết mình, không buông rời tay.  Hơn một năm thì mẹ cậu sinh cái hĩm, vì thế thằng cu tí càng không rời cậu nửa bước, cậu bế em đi chợ, dư tiền mua bánh cho em ăn, cả chợ người ta rì rầm về cậu mà cậu không biết, sau này lớn lên cậu mới được nghe kể lại.  Các bà hàng thịt, hàng cá, hàng rau quen biết với bố mẹ cậu, và thấy cậu như thế nên chẳng ai gian lận, chẳng ai bán đồ ươn đồ thối cho cậu.  Cũng nhờ thế mà từ đó cậu đã biết thổi cơm, nấu canh, nấu riêu, kho thịt, kho đậu…

Rồi giai đoạn sau đó thế nào cậu không nhớ nữa…

Tôi được nghe câu chuyện cậu kể lại quãng tuổi đời thơ ấu của cậu, và cậu đã cho đó như một cú sốc trong đời đáng ghi nhớ, như một cái dấu ấn không thể nhạt phai được.  Tôi đã nhận thấy nơi cậu một cuộc hoán cải, một sự sám hối lớn.  Sự đền bù bao giờ đi tới hành động tích cực, tự nguyện chứ không ngồi đó xót xa,  buồn bã cuộc đời.  Có thời gian, có cơ hội để làm lại, cậu đã mất em nhưng cậu được tấm lòng, cậu được con người của cậu hôm nay.  Và qua đó cậu mới hiểu tình thương là thế nào.

Chính tình thương đã làm cho cậu có một cuộc sám hối tự nguyện, chữa lành vết thương bằng việc cụ thể, can đảm lãnh trách nhiệm dù có những cam go, dù hy sinh cả chính bản thân mình.  Nhờ tình thương mà cậu có nghị lực để làm lại, để đền bù.  Cậu đã không tự gò ép, không gồng mình, hoặc làm trong dáng vẻ cực nhọc bầm dập.

Một cuộc hoán cải, một cuộc trở về với Chúa cũng giống tâm tình của cậu như thế đấy.  Con người sẽ tích cực và tự nguyện làm lại cuộc đời, bởi khi mà đứng trước một Tình Thương Yêu âu yếm nồng nàn bao la thì con người chỉ còn biết vui mừng khiêm nhường và sám hối : “Lậy Chúa, xin thương con vì con là kẻ tội lỗi”.

Thánh I-nhã đã nói lên : “Kể từ nay tôi sẽ đổi đời và làm gấp đôi”.

Bài giảng của Phêrô vừa chấm dứt, người ta đã xôn xao: Nghe thế, họ đau đớn trong lòng, và hỏi ông Phêrô cùng các tông đồ khác : “Thưa các anh, vậy chúng tôi phải làm gì ?” (Cv 2,37). Đó cũng là bài học xẩy ra trên đường Đamát, ông phaolô đã hỏi : Lậy Chúa, con phải làm gì ?”  (Cv 22,10).

Ông Phaolô : “Vì tôi là người mạt nhất trong các tông đồ, và cũng không đáng gọi là tông đồ nữa, bởi tôi đã bắt bớ Hội Thánh của Thiên Chúa.  Hiện tôi có là gì, là bởi Thiên Chúa, vì ơn người xuống cho tôi đã không ra hư luống ; trái lại tôi đã tận lực lao công hơn họ hết thẩy, song hẳn không phải là tôi, nhưng là ơn Thiên Chúa với tôi”  (1 Cor 15,9-10)

Mong Manh

HÁI LỘC

Khi làm một điều sai vào ngày Tết, người ta thường nói: “Thế này thì xúi quẩy cả năm!”.  Tại sao lại kiêng kỵ vào ngày đầu năm?  Cái gì khởi đầu bao giờ cũng linh thiêng.  Vì đầu năm quan trọng nên ai cũng chúc cho nhau những điều tốt, hy vọng cả năm được may.  Tránh điều xấu để cả năm khỏi xui. Người ta cầu chúc cho nhau đầu năm hái được nhiều lộc.

Không phải bây giờ người ta mới hái lộc.  Từ nghìn xưa đã có chuyện “đầu xuân người con gái đi hái lộc” rồi.  Không phải bây giờ mới có chuyện đầu năm xúi quẩy sẽ xui cả năm.  Từ nghìn xưa chuyện người con gái hái lộc đã chứng minh cái xúi quẩy đó rồi.

Tết đầu tiên

Tết là những ngày đầu tiên của năm.  Lần trở về cái Tết đầu tiên của lịch sử con người.  Những tháng ngày khai sinh của vũ trụ.  Ta thấy chuyện người con gái đi hái lộc đầu năm buồn như một pho sách cổ bụi mờ.

Cái Tết lịch sử ấy đã đi vào sách Sáng Thế Ký từ nghìn xưa Cựu Ước.  Nhưng cái xúi quẩy của nó đã chảy dài đến hôm nay, và  sẽ xuôi dòng mãi mãi cho đến hút thẳm của thời gian.

Ngày đầu năm ấy đã huy hoàng.  Chúa xuân đã rực rỡ.  Tờ khai sinh của vũ trụ đã được Kinh Thánh kể:

Trời đất trống không mông quạnh và tối tăm bao phủ.
Thiên Chúa phán: Hãy có ánh sáng.
Và ánh sáng đã có.
Thiên Chúa thấy ánh sáng thật tốt lành.
Thiên Chúa phán: Ðất hãy xanh um thảo vật tốt tươi.
Và đã xẩy ra như vậy.
Ðất lên màu xanh.
Cây có quả đã sinh qủa.
Cây có hoa đã nở hoa.
Thiên Chúa thấy màu xanh thật tốt lành.
Thiên Chúa đã làm hai cái đèn.
Cái lớn cai quản ban ngày.
Cái nhỏ cai quản ban đêm.
Thêm vào, Ngài trang điểm bầu trời bằng các vì sao.
Thiên Chúa thấy thế thật tốt lành.
Như vậy, lại thêm một buổi chiều và một buổi mai.
(Xem Sáng Thế Ký 1,2:1-4a)

Vũ trụ chào đời.  Mùa xuân về trải gió.  Nắng đã vỗ cho xanh rừng lá.  Ðịa đàng bắt đầu rạo rực vì bước chân người thiếu nữ đi hái lộc.  Kinh Thánh kể về chuyện người thiếu nữ hái lộc như sau:

–  Con hãy tránh cây “sự biết tốt xấu.”

Nhưng, đầu xuân em đi hái lộc.  Vết chân người xưa hái lộc còn in nguyên hình trên từng trang Kinh Thánh.   Mãi về sau nghìn năm lịch sử, bụi chẳng thể phủ mờ và cát chẳng lấp đi.  Thế nhân vẫn nhớ về lời nói của Satan những ngày ấy:

–  Chẳng chết chóc đâu. Quả nhiên Thiên Chúa biết ngày nào ngươi hái lộc ấy mà ăn.  Ngươi sẽ nên đẹp, ngươi sẽ nên duyên.

Người thiếu nữ đã hái và trao cho cả chồng mình nữa. “Mắt họ mở ra và thấy mình trần truồng nên kết lá vả che thân” (Stk. 3:7).  Từ ngày đó, một giải mây buồn về giăng qua phố núi.

Evà, người thiếu nữ trong dáng lộc đầu xuân đã trở thành câu chuyện buồn của một vùng trời úa nắng hoàng hôn.  Vì mầu hồng của trái táo nên nàng đã hái lầm.  Vì thấy đẹp mắt nên bàn tay đã gọi tới (Stk. 3:1-24).  Sự sai lầm ấy đã làm Adong ngồi buồn cúi mặt than thở: “Thế này thì xúi quẩy cả năm!” Lời thở than nhẹ nhàng thôi, mà sóng biển chẳng làm im tiếng được.  Mãi đến hôm nay, con cháu vẫn thở dài vì cái “xúi quẩy” ấy.  Mãi đến hôm nay, đã ngàn trùng thời gian mà hoàng hôn vẫn cứ úa nắng khi xuân về.

*******

Sau ngày hái lộc.  Mùa xuân trở thành những giải mây tím về với trần thế, lãng đãng đi tìm một thủa đã mất.  Kinh Thánh viết về một nỗi nhớ, đau thương làm sao: “Những gai cùng góc, nó sẽ mọc lên cho ngươi, ngươi sẽ ăn cỏ lá ngoài đồng nội.  Mồ hôi đẫm mặt, ngươi mới có bánh ăn cho đến lúc ngươi về lại với bụi đất” (Stk. 3:18-19).

Ðó là sự tích hái lộc đầu năm.  Mùa xuân êm đềm thành chìm vắng lặng lẽ.  Cũng chỉ vì câu chuyện hái lộc, mùa xuân thảo mộc xanh um đã thành những gai cùng góc.  Một lần hái lộc lầm hướng là bây giờ khổ ải mồ hôi.

Thái độ chọn lộc

Những ngày đầu tiên khai sinh của vũ trụ là thế.  Hôm nay, tôi mừng Tết bằng cách tránh những lầm lỗi đầu năm để khỏi xui.  Tôi kiêng kỵ ngày Tết không làm phiền lòng ai để cả năm được bình an.  Như vậy mùa xuân hệ tại ở thái độ lựa chọn.  Lựa chọn sai lầm hay lựa chọn đúng sẽ xác định mùa xuân hồng hay mùa xuân buồn.

Hôm nay tôi đi hái lộc.  Cũng thế, sự lựa chọn hướng nào tôi đi sẽ quyết định mùa xuân của đời tôi, bình minh hay hoàng hôn.

Chỉ có hai loại cây.  Chỉ có hai thứ lộc.  Lộc của cây táo hồng và lộc của thánh giá gỗ.  Chỉ có hai lựa chọn, lộc bóng tối và lộc ánh sáng.  Tôi chỉ có hai hướng đi.  Lối vào mời mọc địa đàng hôm qua và đường lên Golgotha hôm nay.

Lộc của táo hồng thì quyến rũ.  Tôi nhìn thấy màu xanh của lá, màu hồng của da.  Tôi cảm thấy mặn mà.  Vì “cây biết lành, biết dữ mọc lên ở giữa vườn” (Stk. 2:8), nên gần gũi tôi lắm.  Dễ dàng.

Lộc của thánh giá là tiếng mời gọi bằng đức tin.  Tôi không thấy màu sắc.  Muốn hái lộc của thánh giá tôi phải đi từ Jêrusalem lên núi sọ.  Ðường khá dài.  Dốc khá cao.  Ðồi Golgotha chiều ấy đã chỉ có một mình ông Simon vác thánh giá đỡ Chúa mà thôi.

Lộc cây ơn sủng

Cũng từ nghìn năm đã có lời kinh cầu:  Trời cao hãy đổ sương xuống, và ngàn mây hãy mưa Ðấng Cứu Chuộc tôi.  Ðã từ lâu lắm rồi con người đã biết mình thiếu thốn lộc gì.  Họ đã muốn giơ tay hái lộc trời cao.  Trong u minh, vắng lặng, Thiên Chúa đã nghe tiếng vọng cầu kinh.  Lộc trời cao đã gởi xuống đất thấp mong chờ:  Lộc Ðấng Cứu Thế.

Ngài vào đời trồng cây Thập Giá.  Lộc Thập Giá của Ngài là nối lại tình người với tình thánh.  Ðể rồi với tình thánh, tình người có thể đến được với tình người.  Tôi đã xa tình thánh.  Tôi cũng xa tình người với người.  Thánh giá Chúa là nhịp cầu nối lại tôi với Chúa, giữa tôi với anh em.  Sự giao hòa ấy nẩy lộc Bình An.

Trước ngày chia ly, tặng vật cao quý Chúa lưu lại cho môn sinh của mình chính là bình an: “Ta để lại bình an cho các ngươi, Ta ban bình an của Ta cho các ngươi. Bình an mà thế gian không thể ban được” (Yn. 14:27).  Khi sống lại, mới gặp nhau, Chúa đã chào các môn đệ: “Bình an cho các ngươi” (Yn. 20:19).  Tám ngày sau, trở lại thăm họ, Chúa vẫn chỉ có một lời chào: “Bình an cho các ngươi” (Yn. 20:26).  Lúc các môn đệ lên đường truyền đạo, Chúa căn dặn: “Khi vào nhà nào, trước tiên hãy nói: Bình an cho nhà này” (Lc. 10:5).  Chúa dặn rõ, trước tiên hãy chúc bình an đã, rồi mới nói chuyện khác.  Chính Chúa cũng làm như vậy trong đời Chúa.

Theo sự quan trọng mà Chúa đã nhấn mạnh và xử sự, thì bình an không là lời để cầu chúc, nhưng là sự sống để ban tặng.  Nói cách khác, lộc bình an là chính Chúa.

Thiếu vắng Chúa là hiện diện của lo âu.  Nếu lòng tôi không có bình an, tôi chẳng thể có lời nói nhẫn nại cho nhau.  Nếu hồn tôi sóng động, tôi chẳng thể đem hạnh phúc cho gia đình.

Mùa xuân của đất trời không thay đổi được “xúi quẩy” của đời tôi.  Mùa xuân hồng hay mùa xuân buồn là do lộc tôi hái, là do thái độ tôi chọn lộc.  Như thế, giữa tiếng pháo nổ của ngày Tết, lòng tôi vẫn có thể là một mùa xuân lặng lẽ.  Ngược lại, trong cái lặng lẽ của đất trời, lòng tôi có thể đang là mùa xuân tươi.

*******

Lạy Chúa, xin nghe lời con cầu nguyện,

Chúa là lộc đầu xuân của con.  Mỗi lần con chọn Chúa là một ngày con có mùa xuân.  Qua bí tích Hòa Giải sau mỗi lần con phạm tội là một ngày con mừng Tết.  Có hai lối rẽ để đi. Lối vào vườn táo, dấu chân người xưa hái lộc đầu năm vẫn còn in nét mời gọi.  Lối lên Golgotha với lời chúc bình an cũng vẫn vang vọng.  Chúa ơi, đầu năm hái lộc, con phải chọn lựa, lối nào con đi?

Lm. Nguyễn Tầm Thường
(Trích tập Con Biết Con Cần Chúa)