NHỮNG ƠN PHÚC

Hai vợ chồng trẻ ngồi bên nhau dưới mái tranh nghèo, họ thủ thỉ bên tai nhau:

Người chồng: “Anh sẽ làm việc gấp bội và một ngày kia, chúng ta sẽ giàu có.”

Người vợ: “Cưng ơi, chúng ta đã giàu có rồi, bởi vì chúng ta luôn luôn có nhau. Có thể một ngày kia, chúng ta sẽ có thêm tiền bạc thôi”

* * * * *

Bạn thân mến!  Ðời sống mỗi người đều có những chỗ khuyết, chỗ hụt, những mất mát, yếu kém không thể bù đắp, nên ở đời có vẻ chẳng ai được hạnh phúc trọn vẹn.  Ngay giữa lúc hạnh phúc nhất, cũng có điều làm bận lòng.  Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay nhắc đến bài giảng đầu tiên của Ðức Giêsu trên một ngọn núi, Ngài đã chỉ cho ta bí quyết để có hạnh phúc.  Hạnh phúc thực sự là quà tặng của Thiên Chúa, nhưng con người cần sống tích cực để đón nhận những ơn phúc đó.  Ðược Nước Trời, được Ðất Hứa, được thấy mặt Thiên Chúa, được Ngài ủi an, thương xót, và làm cho no thỏa.  Những điều đó có nghĩa là sống thân tình với Ngài, được vui hưởng hạnh phúc viên mãn của chính Thiên Chúa. Chỉ nơi Ngài mới có hạnh phúc trọn vẹn, vững bền.  Con người chỉ có hạnh phúc khi gắn bó với nguồn cội, với Ðấng đã, đang và sẽ ban cho mình tất cả.  Nói cho cùng, người hạnh phúc là người biết mở ra, mở ra với Thiên Chúa và mở ra với tha nhân.

Người có tâm hồn nghèo khó là người thật sự nghèo, chẳng có nhiều của cải hay chỗ đứng trong xã hội.  Khi cảm nghiệm nỗi bất lực của mình, họ khiêm tốn mở ra và phó thác cho Thiên Chúa.  Chính lúc đó họ thấy mình bình an, vững vàng.

Người khao khát trở nên công chính là người mong nên thánh.  Nên thánh là sống theo tinh thần của cả Bài Giảng Trên Núi.  Nỗi khao khát không nguôi làm cho con người lớn lên.  Nỗi khao khát đào sâu, để con người lãnh nhận được nhiều.

Người sầu khổ về mọi mặt sẽ được hạnh phúc, khi trong cơn đau, họ biết quay về với Thiên Chúa.  Phúc cho ai thấy đau khổ của mình có ý nghĩa:  đau khổ để đền tội, để phục vụ, để triển nở thiêng liêng.  Ngay cả đau khổ vô lý cũng làm ta gần Ðấng trên thập giá.

Người bị bách hại, lăng nhục, vu khống là người có phúc.  Ngay giữa ngặt nghèo họ vẫn cảm được niềm vui (Cv 5,41), vì họ dám sống và dám chết cho Thầy Giêsu.

Người hiền lành là người có lòng nhân đối với người khác.  Họ học gương hiền lành của Thầy Giêsu (Mt 11,29), không lấy oán báo oán khi mình bị xúc phạm (Mt 21,5).

Người có lòng thương xót là người biết mở ra để cảm thông, đau nỗi đau người khác và chia sẻ những gì mình có.

Người có tâm hồn trong sạch là người ngay thẳng, thật thà, không giả hình, nhưng làm với ý hướng trong sáng. Chính sự trong sáng của thân xác và tâm hồn sẽ làm người ấy dễ gặp được khuôn mặt Thiên Chúa.

Người xây dựng hoà bình là người gieo an hoà khắp nơi, trong gia đình, ngoài xã hội và giữa các dân tộc. Họ giải toả những bất đồng, tháo gỡ những tranh chấp. Họ coi mọi người là anh em, con cùng một Cha.

Thời nào con người cũng lao đao đi tìm hạnh phúc. Phúc cho ai không khép lại để tìm hạnh phúc cho mình, nhưng biết mở ra để sống cho Chúa và tha nhân.

* * * * *

Lạy Chúa!  xin cho con luôn vui tươi, dù có phải lo âu và nghèo khổ, xin cho con đừng bao giờ khép lại lòng mình, nhưng biết nghĩ đến những người chung quanh con.

Nếu như con yếu đuối, xin cho con biết yêu thương và sáng suốt hơn, thông cảm và nhân từ hơn. Nếu bàn tay con run rẩy, xin giúp con luôn biết mở ra và cho đi.

Khi đến giờ sau hết của cuộc đời này, xin cho con biết đón nhận khổ đau và bệnh tật như một lời kinh nguyện.  Ước chi con được ra đi trong khiêm hạ và tín thác, như một lời xin vâng cuối cùng để con được về nhà Cha, tham dự  bàn tiệc yêu thương muôn đời mà Cha đã dọn sẵn cho con. Amen.

R. Veritas

CON CHIÊN LẠC CỦA THIÊN CHÚA

Nguyện Xin Thiên Chúa chúc lành, ban bình an và gìn giữ mọi người.  Cho những ai sống tin vào Chúa Giêsu và được Chúa Giêsu ban Thánh Thần.

Tôi đã sống phí phạm những năm tháng ở tuổi thiếu niên như thế nào?

Tạ ơn Chúa!  Tôi tên Lê Dũng, năm nay 26 tuổi.  Tuổi thơ đầy mộng mơ và hoài bão.  Gia đình tôi là đạo gốc, tôi sống trong một gia đình với ba mẹ, một người chị, một người anh và một đứa em.  Gia đình tôi là một gia đình hạnh phúc nhưng tôi đã không muốn sống trong hạnh phúc ấy.  Tôi đã sa chân vào cảnh nghiện ngập ma túy.  Vâng tôi là một con nghiện ma túy trong suốt tám năm ròng!

Tuổi 17 bẻ gãy sừng trâu của tôi đã hao mòn từ khi tôi sa chân vào ma túy.  Đến năm năm sau tôi sa sút vì phải tìm đủ mọi cách để có tiền hút chích.  Lúc đó, gia đình tôi mới biết tôi nghiện mặc dù có nhiều người đã mách với mẹ tôi, nhưng vì tin tưởng vào con mình nên mẹ đã không tin.….

Năm 2004 tôi bắt đầu cai nghiện tại một trung tâm ở Vũng tàu, rồi tôi được về sống ở Tân thành cùng sinh hoạt với những anh em ở đây.  Chúng tôi đọc kinh cầu nguyện rất nhiều, cả khi ăn và sau khi ăn cơm chúng tôi cũng tạ ơn Chúa.

Nhưng chỉ có thế thôi thì vẫn không ăn thua gì ma quỷ cả.  Khi tôi trở lại Sài gòn sau hơn hai tháng ở đây, các bạn biết không?  Về đến nhà tôi đã nói dối gia đình để xin tiền đi chơi với bạn gái và tiếp tục lao đầu vào ma túy.  Làm sao tôi có thể chống chọi với ma lực đầy cám dỗ và sự chết đó bằng chính sức của mình mặc dù tôi đã cắt cơn nghiện sau hai tháng?  Lần này tôi càng nghiện nặng hơn.  Cai đi cai lại bảy lần nhưng chỉ sau một tuần đến mười ngày cắt cơn nghiện là tôi lại lao đầu vào ma túy.  Tôi bước chân vào cảnh cướp giật, lang thang bụi đời ở những quán cà phê và tôi ngủ lại ở đó mỗi đêm.  Rồi cái gì đến cũng phải đến, khi cơn nghiện trong tôi nổi lên, tôi đã làm đủ mọi cách để kiếm tiền mua ma túy.  Ngay cả những bạn nghiện của tôi cũng vậy, tôi cũng lươn lẹo để có thể kiếm một chút hàng cho vào cơ thể cho đỡ cơn nghiện trước rồi tính sau.

Mỗi ngày tôi phải sử dụng 500 ngàn đồng để dùng cho việc mua ma túy cho ba cữ.  Cám ơn Chúa đã cho tôi có một người bố và một người mẹ rất thương con nên đã không để tôi vào trại cai nghiện vì lý do “sợ tôi mất linh hồn”, tạ ơn Chúa!

*******

Rồi giờ của Chúa đã đến.  Mẹ tôi dắt tôi đến với khóa học Kinh Thánh và Cầu Nguyện tại Dòng Chúa Cứu Thế Sài gòn, mặc dù tôi không muốn.  Nhưng vì lời hứa của mẹ là khi đi học tôi sẽ có tiền vì thế tôi đã đồng ý đi học Kinh thánh.

Với thân mình gầy còm xanh xao chỉ cân nặng có 43kg, tôi cảm thấy xấu hổ cho thân trai của mình.  Tạ ơn Chúa đã đưa tôi đến với khóa học Kinh Thánh và Cầu Nguyện.  Đặc biệt Ngài đã đưa tôi đến giờ chầu Thánh Thể lúc 10g ở nhà thờ Phú Trung qua bàn tay chị tôi với điều kiện của tôi là phải cho tiền đi chầu mỗi ngày 100.000đ.

Cũng chính nhờ vậy mà tôi đã biết cầu nguyện với Lời Chúa, một phương cách cầu nguyện rất hiệu quả mà bấy lâu nay tôi không biết mặc dù tôi đã từng là lễ sinh, giáo lý viên.  Tôi đã nghe những lời chia sẻ của các chị em trong nhóm, đặc biệt là của cô Huệ nhóm trưởng, và tôi đã âm thầm thực hành.  Kết quả là tôi được bình an trong nội tâm, một sự bình an thẳm sâu mà tôi chưa bao giờ biết đến.  Mỗi ngày Chúa thanh tẩy và chữa lành tâm hồn tôi.  Qua khóa học Kinh Thánh và Cầu Nguyện, đến ngày dâng mình cho Chúa Giêsu và đầu phục Ngài để được ban Thánh Thần thì Chúa Thánh Thần đã đến với tôi.  Tạ ơn Chúa, ngay ngày hôm sau tôi lại được một Cha linh hướng về Phong trào Canh Tân Đặc Sủng ở Mỹ về Việt Nam đã đặt tay cầu nguyện cho tôi và tôi cảm thấy Chúa đã ban sức mạnh để tôi được đổi mới hoàn toàn.  Từ đó tôi được Chúa thương, Chúa yêu đã cho tôi được sát cánh cùng với cô Huệ – nhóm trưởng nhóm Kinh Thánh và Cầu Nguyện giáo xứ Phú Trung qua giờ chầu mười giờ sáng mỗi ngày.  Tôi đã thay đổi từng ngày, tôi có nhiệm vụ chở cô đi hướng dẫn ở nhiều nơi, tôi đã học được nhiều kinh nghiệm ở cô, đặc biệt là Chúa đã lớn lên trong tôi.

Tạ ơn Chúa, tám tháng qua tôi không còn nghiện ngập gì nữa, Chúa đã tẩy não tôi hoàn toàn, tôi cũng không còn hút thuốc nữa mặc dù trước đây tôi hút hai gói mỗi ngày .

*******

Lạy Chúa Giêsu, con tạ ơn Chúa vì Chúa đã chết cho con, Chúa đã gánh lấy tội lỗi, đam mê, nghiện ngập của con mà đem lên Thập giá để đổi lấy Thánh Thần mà đổ xuống trên con, cho con có một cuộc sống mới, một cuộc sống đầy tràn Thánh Thần.  Xin Chúa Thánh Thần tiếp tục biến đổi con để con càng ngày càng đổi mới để những người thân yêu, anh chị em họ hàng con cũng được thấy Chúa qua con.

Con xin tạ ơn Chúa ngàn lần.  Con cũng xin được cám ơn cô Huệ – một người thầy và là một người mẹ thứ hai – đã giúp con trong đời sống cầu nguyện qua Lời Chúa và chính nhờ đó mà con được đón nhận Tin Mừng Chúa ban cho con mỗi ngày là “Lời Chúa”, quyền năng, chữa lành, và là sự giải thoát.

Cám ơn Chúa Giê-su, ngợi khen Chúa, là Ngôi Lời, Đấng cứu độ trần gian.  Amen!

Lê Dũng
Tháng 01-2008

ÁNH SÁNG TIN MỪNG

Một người bạn của tôi vừa nhận được một dự án khá lớn.  Anh được chọn để trùng tu lại một căn biệt thự thuộc hàng di tích lịch sử, có tầm vóc quốc tế.  Khổ nỗi, căn nhà này đã xuống cấp khá nhiều trong thời gian qua.  Căn nhà đã cũ và dột nát nhiều.  Nhưng vì là di tích lịch sử nên anh không thể đập đi xây lại được.  Anh cũng không thể tự ý sửa chữa theo ý muốn mà không thông qua thủ tục hành chánh nhiêu khê.  Kinh phí sửa chữa thì quá eo hẹp, nhân sự lại thiếu thốn.

Thật ra người bạn tôi chẳng muốn nhận công việc này bởi vì anh đang có một vài công trình khác.   Nhận việc này, anh sẽ phải hy sinh nhiều hơn.  Anh sẽ mất nhiều thì giờ và tâm huyết hơn để chu toàn công việc mà không biết kết quả sẽ ra sao.  Đúng là vạn sự khởi đầu nan.

Tâm trạng của người bạn tôi cũng có phần nào giống như Đức Giêsu khi bắt đầu sứ vụ rao giảng tin mừng của Ngài.  Ngài bắt đầu rao giảng tin mừng ở một thời điểm không mấy gì thuận lợi.  Căn nhà Israel đã dột nát hàng trăm năm qua.  Nhân sự chưa có, người bảo trợ cũng không.  Gioan tẩy giả, người anh em của Đức Giêsu, đã bị Hêrôđê bắt giam.  Xứ Galilê thì loạn lạc bởi nhiều vụ bạo động chống lại sưu cao thuế nặng.  Hố sâu giàu nghèo cách biệt, tâm tình dân chúng oán than.

*******

Câu chuyện năm xưa

Xứ Galilê, nơi dung thân của hai bộ tộc Zơbulun và Nápthali thưở xưa, đã nằm dưới gót ngoại bang hằng bao thế kỷ.  Năm 722 trước công nguyên, quân Assyria đã chiếm đóng thửa đất mầu mỡ này và toàn cõi miền bắc Israel.  Người dân bản xứ bị di cư lưu đầy, thay vào đó là dân xứ khác được chuyển về sinh sống.  Nhiều năm sau, những người sống sót trở về thì chỉ còn thấy mình sống trên một miền đất xa lạ.  Đất đai của cha ông họ đã bị tước đoạt, chia chác, chuyển giao cho người khác.  Họ phải làm người tạm dung ngay trên quê hương mình.

Từ Giêrusalem, ngôn sứ Isaia thấy bóng tối bao trùm miền đất này.  Nhưng ông tin rằng sẽ có ngày “ánh sáng sẽ bừng lên chiếu rọi.”  Niềm vui sẽ đến với dân bị mất mát.  Công lý sẽ được tái lập. “Thiên Chúa sẽ ban chứa chan niềm vui hoan hỉ, sẽ tăng thêm nỗi vui mừng… vì cái ách đè trên cổ dân, cái gậy đập xuống vai họ, và ngọn roi của kẻ hà hiếp, Ngài đều bẻ gẫy” (Is 9, 2-3).

Trải qua hơn 750 năm, ước mơ của Isaia vẫn chìm trong quyên lãng.  Không chỉ Galilê mà cả Samaria và Giuđa cũng lần lượt nằm dưới ách thống trị của ngoại bang.  Cho dù không ở dưới sự cai trị trực tiếp của chính quyền thuộc địa, người dân Galilê vẫn è cổ dưới gánh nặng của sưu thuế, dưới sự hà hiếp của quan chức địa phương.  Tiểu vương Hêrôđê Antipa vơ vét tài sản của dân để cung phụng cho cuộc sống xa hoa của mình.  Ai nộp không đủ thuế sẽ bị lấy đất, hoặc gia súc, hoặc bị bán làm tôi tớ.  Đó đây đã có nhiều cuộc nổi dậy của dân nghèo, nhưng họ đều bị bắt, bị giết.  Những người dám nói lên sự thật như Gioan Tẩy Giả thì bị đàn áp bịt miệng.  Bóng tối dưòng như đã che phủ tất cả.

Nhưng một ánh sáng cuối đường hầm đã loan tỏa.  Theo thánh sử Matthêu, lời ngôn sứ Isaia đã được thực hiện nơi con người và sứ mạng của Đức Giêsu người Nazarét.  Ngài là nguồn ánh sáng, là niềm hy vọng cho một thế giới đầy tội lỗi và bất công.  Ngài đến như ánh bình minh chiếu tỏa trên nền đất xám đen, như nước mưa tưới gội thửa đất khô cằn. Ngài đến để xây lại căn nhà dột nát của Israel, để canh tân đời sống con người, bắt đầu từ dân tộc Ngài và cho cả thế giới.

Tin mừng Đức Giêsu rao giảng là tin mừng về một Thiên Chúa yêu thương con người và mong muốn con người yêu thương tôn trọng nhau.  Ngài đề cao hai luật sống căn bản là kính yêu Thiên Chúa và yêu mến tha nhân.  Ngài không chỉ rao giảng nhưng còn sống phục vụ người khác, chữa lành những người đau yếu tật nguyền (Mt 4, 23).

Tin mừng Đức Giêsu loan báo không phải là một cuộc cách mạng bạo lực.  Ngài không kêu gọi dân chúng nổi dậy chống chính quyền.  Ngài không xách động quần chúng đối kháng với bất công xã hội.  Điều Ngài rao giảng là xây dựng tình người trong tự do, công lý và hoà bình.  Điều Ngài rao giảng là tình người phải được đặt trên luật lệ, và luật lệ chỉ nhằm để phục vụ cho phẩm giá con người.

Đức Giêsu cổ vũ một lối suy nghĩ mới, một tinh thần mới cho những ai nghĩ rằng Nước Trời là gia sản dành riêng cho dòng dõi Abraham.  Không, Nước Trời là căn nhà chung cho những ai thành tâm tìm kiếm ý Thiên Chúa và mưu cầu phúc lợi cho tha nhân.  Nước Trời không phải là độc quyền của một ai, của một nhóm nào, nhưng là mái ấm mở rộng cho mọi người.  Cho dù họ là nhà mô phạm hay là phường tội lỗi, chỉ cần họ thành tâm sám hối, từ bỏ con đường ích kỷ tội lỗi để quy thuận Thiên Chúa thì họ sẽ được hưởng ơn cứu độ: “Anh em hãy sám hối vì Nuớc Trời đã đến gần.” (Mt 4, 17).

Nhưng làm sao Nước Trời có thể thành hiện thực nếu không có những người xả thân xây dựng Nước ấy?  Đức Giêsu không làm việc một mình.  Ngài mời gọi một nhóm người cùng cộng tác với Ngài trong khả năng của họ.  Những người ngư phủ ít học nhưng giầu tấm lòng, lại là những cộng sự viên đầu tiên và đắc lực nhất của Đức Giêsu.  Xét theo bề ngoài, chúng ta dễ dàng bỏ qua những con người này, nhưng Đức Yêsu nhìn vào tâm hồn thay vì khả năng của họ.  Ngài dùng tâm tình chân thành mời gọi họ, và họ đã quảng đại đáp trả.

Và sứ vụ của Đức Giêsu Kitô đã bắt đầu như thế đó.  Với phương tiện nghèo nàn, với nhân sự ít ỏi, nhưng cùng một tấm lòng, một ước mơ xây dựng Nước Trời, căn nhà chung của mọi thành phần dân Thiên Chúa. Góp gió thành bão.  Đức Giêsu và các môn đệ của Ngài đã và đang mở rộng Nước Trời vượt thời gian và không gian đến cho những ai tin nhận và sống theo Ngài.

*******

Câu chuyện hôm nay

Hôm nay, lời Chúa mời gọi chúng ta điều gì?

Lời mời đầu tiên là tu chỉnh cuộc sống.  “Sám hối” là gì nếu không là một cuộc trở về thật sự?  Một cuộc xoay vòng 180 độ, ngược chiều với con đường mình đã đi quen, để đi con đường của Thiên Chúa.  Sám hối là đi từ tội lỗi đến ân sủng, từ ích kỷ đổi thành vị tha, từ tôn sùng bản thân chuyển sang quy phục Thiên Chúa.  Sám hối là đoạn tuyệt với tham lam, thù hận, cố chấp, gian dối, và những thói hư tật xấu khác, để hướng đến quảng đại, hòa giải, khoan dung, chân thực và những điều thiện hảo ngay lành.  Khắp nơi và ngay trong cõi lòng mỗi một chúng ta vẫn thường xảy ra những cuộc chiến giữa thiện và ác, giữa một bên là văn hóa của sự chết, văn hóa quyền lực, và bên kia là văn hóa của sự sống, văn minh tình thương.  Chúng ta cần ý thức mình đang đứng ở đâu trong cuộc chiến này.

Lời mời thứ hai là cộng tác xây dựng Nước Trời.  Lời mời làm mộn đệ là chọn lựa một lối sống dấn thân, mang một tâm tình xả thân vì Nước Trời.  Chúng ta được mời gọi trở thành những người bênh vực và bảo vệ Sự Sống, Sự Thật, và Sự Thiện.  Mỗi lần tôi cho một kẻ đói ăn, cho một kẻ khát uống, giúp đỡ một người nghèo, tạo công ăn việc làm cho người thất nghiệp, bênh vực thai nhi, phục hồi phẩm giá cho một trẻ em hay một phụ nữ bị rao bán, là tôi tạo điều kiện cho Nước Trời trở thành hiện thực. Mỗi lần tôi bênh vực công lý, hòa bình, gióng lên tiếng nói cho người bị chèn ép thế cô, là tôi làm cho Nước Trời mau đến giữa thế giới này

Để làm được điều này, chúng ta cần đồng tâm nhất trí, tránh óc bè phái chia rẽ.  Làm sao chúng ta có thể xây dựng Nước Trời cách hữu hiệu khi có người chạy theo phe này nhóm nọ, như lời thánh Phaolô cảnh báo các tín hữu ở Côrintô?  Khi chúng ta biết “nhất trí với nhau trong lời ăn tiếng nói…  biết sống hoà thuận một lòng với nhau” (1 Cor 1:10) thì chẳng khó khăn gì để chúng ta cùng lao mình về phía trước vì công việc chung.

Xây dựng Nước Trời đòi hỏi nhiều thời gian, công sức và nhẫn nại.  Ước gì chúng ta cùng nhau đâu lưng cộng tác trong tình huynh đệ và bác ái, trong hiền hoà và nhẫn nại, để ngôi nhà của Thiên Chúa được hình thành, và công lý hoà bình được thực hiện ngay giữa chúng ta.  Muốn thế chúng ta cố gắng sống theo Đức Giêsu trong tâm tình, lời nói và hành động. Chúng ta biết tự sức mình không thể làm được những điều ấy mà cần phải nài xin, tin cậy phó thác và sẵn sàng để Ngài hoạt động trong và qua chúng ta.

Xin Chúa giúp chúng ta cùng tiếp tay xây dựng ngôi nhà của Ngài, mái ấm của tất cả chúng ta. Amen.

Bảo Lộc

LỜI MỜI GỌI

Cha Christian Grison đã qua đời tại Paris vào tháng 8 năm 2007 vừa qua, sau một thời gian ngắn nghỉ hưu và điều trị bệnh ung thư.  Tin ấy được nhiều người Thượng trên cao nguyên Di Linh truyền miệng cho nhau rất nhanh chóng, cách riêng tại những nơi trước đây cha đã từng sống và làm việc trong công cuộc rao giảng Tin Mừng cho những người con của núi rừng trên vùng cao nguyên này.

Đối với người Thượng thì không có những hình thức để tang và cầu nguyện bề ngoài cho vị mục tử của họ, nhưng khi nghe cha qua đời thì hầu như ai cũng đều có những phản ứng tuy đơn sơ ngắn gọn nhưng đầy tâm tình thương nhớ, họ nói bằng tiếng Thượng của họ là sơnđàc bèp, nghĩa là thương cha, vì cha ngày xưa đã thương yêu họ, sống gần gũi với họ, chia sẻ buồn vui cuộc sống với họ trong nhiều năm trời ròng rã .

Khi ôn lại kỷ niệm về vị mục tử đã đi về nhà Cha trên trời, người ta không thể không nhắc đến lòng yêu thương vị tha của ngài đối với tha nhân và nhất là tâm hồn nóng bỏng đầy nhiệt huyết cho công cuộc rao giảng Tin Mừng.  Một kỷ niệm đáng ghi nhớ nữa là trong cái đêm Vọng Phục sinh của năm 1975, một quả đạn trọng pháo đã cưa mất cái chân của cha.  Với cái chân đó Cha đã từng lái xe trên khắp các buôn làng vùng Di Linh để phục vụ, để tìm kiếm những thanh thiếu niên Thượng nghèo và thất học, tạo cho các em cái cơ hội để được học hành nên người tốt cho xóm làng và cộng đồng.

Biến cố 1975 đã làm cho cha phải rời bỏ xứ Di Linh Thượng, nơi ngài đã gửi lại những giọt máu đào thấm sâu vào lòng đất tại trung tâm Brah-Yang với cái chân bị thương tật trầm trọng.  Chính trong cái đêm ấy, ngài đã mãi mãi từ giã trung tâm Brah-Yang trong nước mắt đau thương.

Sau này khi mọi sự qua đi, đã có nhiều người tìm kiếm tin tức về cha, nhưng người ta chỉ có thể biết được rằng sau khi phục hồi cái đùi bị gẫy một cách lạ lùng ở quê hương nước Pháp của cha, cha đã sang Inđônêsia để tiếp tục công việc truyền giáo tại xứ sở này cho đến khi về hưu và qua đời tại Paris trong những ngày gần đây.

Có một lần duy nhất cách nay khoảng 7 năm, cha đã trở lại thăm Di Linh và gặp lại một số con cái, nhìn lại một lần cơ sở của trung tâm Brah-Yang mà ngài đã dày công xây dựng khi xưa. Sau đó ngài không còn trở lại Việt Nam nữa cho đến khi được tin ngài đã an nghỉ trong Chúa.

Thời gian năm tháng qua đi, nhưng kỷ niệm về vị mục tử thì vẫn còn sống mãi như một chứng từ về Thiên Chúa là Cha đầy tình yêu thương đối với con người.

(Trích từ simonhoadalat.com)

* * * * *

Bạn thân mến! Lời mời gọi của Chúa vang lên thật bất ngờ … Mấy chục năm trước đây, Ngài đã  gởi tới cha Christian Grison lời mời gọi.  Hơn hai ngàn năm trước, Chúa cũng đã gởi tới bốn môn đệ đầu tiên lời mời gọi: “Hãy theo ta”. Bốn môn đệ đầu tiên ấy là các ông Phêrô và Anrê, Giacôbê và Gioan.

Ðoạn Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay cho chúng ta biết khi Ðức Giêsu đi dọc theo bờ biển Galilê, Ngài tình cờ nhìn thấy bốn anh em đang làm việc, kẻ quăng chài, người vá lưới.  Tất cả ở trong một bầu khí êm đềm và huynh đệ.  Ðức Giêsu biết việc mình sắp làm, Ngài gọi những người Ngài muốn. Tiếng gọi của Ngài vang lên thật bất ngờ. Tiếng gọi đã mang đến những chia lìa đớn đau.  Các ông đã phải từ giã nghề chài lưới, nghề đã nuôi sống gia đình vợ con, đã giúp họ trưởng thành, đã đem lại cho họ biết bao kỷ niệm buồn vui.  Chấp nhận bỏ nghề là chấp nhận bấp bênh.  Các ông nay phải sống trên bờ để đi theo một ông thợ mộc đã bỏ nghề!  Hơn nữa, các ông còn phải từ giã gia đình và họ hàng thân thuộc.  Chắc chắn Phêrô đã phải cố gắng lắm mới có thể chia tay với người vợ, người đã trở nên một phần xương thịt của ông. Giacôbê và Gioan cũng phải từ giã cha là ông Dêbêđê.  Ông này sẽ sống ra sao, sẽ phải nương tựa vào đâu khi hai người con trai của ông ra đi?  Tiếng gọi của Chúa có khi gây ảnh hưởng trên cả những người thân và đòi họ những hy sinh to lớn.

Chỉ sau một lời mời gọi, cả bốn người đã bỏ những điều rất quý và rất thân thương để đi theo Đức Giêsu. Thông thường người ta chỉ bỏ một điều cao quý vì một điều “cao quý hơn”.  Chắc hẳn bốn môn đệ đầu tiên chẳng ngây thơ chút nào khi chọn đi theo Ðức Giêsu.  Họ đã coi Ngài hơn cả cha mẹ, vợ con, nghề nghiệp và tương lai.

Trong cuộc sống hôm nay, Chúa vẫn gởi đi lời mời gọi… Ngài gọi tôi, Ngài gọi bạn giống như xưa kia Ngài đã từng mời gọi các môn đệ…nhưng nhiều khi tôi giả vờ như không nghe thấy tiếng Chúa để khỏi phải đáp lại, khỏi phải từ bỏ và hy sinh.  Có nhiều điều đang bám dính lấy đời tôi, làm tôi không dễ gì gỡ ra được: tiền bạc, sự ổn định, sự thoái mái tiện nghi, chút tiếng tăm địa vị, chút thỏa mãn nơi thân xác … Làm sao tôi có thể từ bỏ để theo Chúa? Từ bỏ là đặt mọi sự dưới Chúa, coi Ngài là giá trị cao nhất vượt lên trên mọi giá trị.

Phải có tình yêu lớn lao mới có thể từ bỏ những gì tôi đang ôm ấp dính bén. Từ bỏ trở thành thước đo tình yêu của tôi đối với Thiên Chúa.

Tôi phải gắn bó với điều tốt, nhưng cũng phải sẵn sàng từ bỏ để chọn điều tốt hơn theo ý Chúa muốn.  Có lẽ Chúa không mời gọi bạn và tôi phải từ bỏ đời sống gia đình để sống đời thánh hiến tu trì, phải từ bỏ cuộc sống sinh hoạt hằng ngày để làm nhưng điều cao cả vĩ đại.  Nhưng Chúa mời gọi tất cả chúng ta phải từ bỏ sự ích kỷ và cứng cỏi của lòng mình để sống yêu thương hơn, phải bỏ chính bản thân mình, bỏ cái tôi của mình, bỏ mặt mũi danh dự và những ước mơ dính bén của mình để cho vinh quang của Chúa mỗi ngày được rực sáng hơn

* * * * *

Hãy theo Ta!“  Đó là lời mời gọi lên đường mà Chúa đã gởi đến cho các môn đệ bên bờ hồ Galilê xưa kia.  Lời mời gọi ấy không ngừng lại với các môn đệ nhưng vẫn còn tiếp tục vang vọng đến mỗi người chúng con hôm nay.  Xin cho chúng con biết lắng nghe và đáp trả lời mời gọi của Chúa, biết mạnh dạn lên đường như các môn đệ xưa kia.  Xin ban cho chúng con bình an và ân sủng của Chúa để mỗi ngày chúng con mạnh dạn hơn, quyết tâm hơn đi theo tiếng mời gọi mà Chúa đã trao ban cho mỗi người chúng con.  Amen.

 

TÌM… NHƯ THỂ TÌM CHIM

Con đi tìm Chúa trong lụa là gấm vóc, trong trưng diện xa hoa mỹ lệ, trong mâm cao cỗ đầy kẻ hầu người hạ.  Người tìm con trong nghèo hèn đói rách tả tơi, trong bữa cơm rau chan mồ hôi nước mắt.

Con tìm Ngài trong nhà lầu xe hơi bóng láng.  Ngài tìm con trong nhà tranh vách đất nghiêng nghiêng.

Con đi tìm Ngài trong vinh quang chức bậc quyền uy thống trị cha chú.  Ngài tìm con trong khiêm tốn, đầy tớ khiêm nhu.

Con tìm Ngài nơi nhà thờ cao sang tráng lệ.  Ngài tìm con trong nhà nguyện túp lều rách nát phơi sương bốn mùa.

Con tìm Ngài trong sách vở kho tàng kiến thức, những tư tưởng uyên bác cao siêu.  Ngài tìm con trong dốt nát, đơn sơ khiêm hạ nhỏ bé.

Con tìm Ngài nơi người đạo đức trưởng giả quý phái.  Ngài tìm con trong người lầm lì chai đá với trái tim khô vì thèm khát tình yêu.

Con tìm Ngài trong sức mạnh phe đảng, đám đông hống hách.  Ngài tìm con trong yếu đuối cô thế cô thân, thấp cổ bé miệng.

Con tìm Ngài trong lễ nghi ồn ào náo động.  Ngài tìm con trong thinh lặng âm thầm lặng lẽ.

Con tìm Ngài nơi trưng bày ảnh tượng hoa nến lung linh nhang khói mịt mờ.  Ngài tìm con trong đáy sâu tâm hồn tình yêu sức sống

Con tìm Ngài trong biện pháp khai trừ, trục xuất, dẹp bỏ, xua đi.  Ngài tìm con ở nơi không nỡ dập tắt tim đèn còn leo lét, bẻ gẫy cây lau bị giập.

Con tìm Ngài nơi những khuôn mặt trái soan, mũi dọc dừa, mắt bồ câu, môi trái tim.  Ngài tìm con trong gương mặt trái mít, mắt ghèn, mồm méo, răng mái hiên.

Con tìm Ngài nơi cô độc lẻ loi khép kín đóng khung che đậy.  Ngài tìm con trong đám đông thợ thuyền công nhân nhà máy đơn sơ mộc mạc chất phác.

Con tìm Ngài trong cơ cấu cứng ngắc, luật lệ nề nếp khắt khe.  Ngài tìm con trong tình yêu con cái thắm thiết nồng nàn tung bay thoáng mát.

Con tìm Ngài nơi người trẻ hào nhoáng cao hứng bốc đồng hồng hào quyến rũ.  Ngài tìm con nơi ông già bà cả nhăn nheo trải dài mưa sương nắng gió cô đơn lẻ loi.

Con tìm Ngài trên con đường dễ dãi thênh thang, tự do phóng túng bừa bãi . Ngài tìm con trên con đường nhỏ hẹp dẫn đến tin yêu.

Và rồi, cứ thế…cứ thế… con hụt hơi, mòn mỏi đôi chân, rã rời thân xác, mắt mờ họng ráo khô, suy sụp tinh thần.  Lạy Chúa, suốt đời con không gặp được Chúa, Chúa không gặp được con.  Để Chúa và con cứ tìm nhau mãi, tìm nhau mãi….

Mong Manh

DANG DỞ

“Tình chỉ đẹp khi còn dang dở.
Đời mất vui khi vẹn câu thề”

Đời có thật mất vui khi vẹn câu thề?  Tình chỉ đẹp khi còn dang dở hay là cho dù dở dang tình vẫn đẹp?  Người ta nói chấm dứt mối tình dở dang, nghĩa là lúc tình đó đang dang dở thì bị chấm dứt.  Có phải đã chấm dứt rồi thì không còn dang dở nữa?

Dường như là thế.  Chấm dứt là xong, là trọn vẹn không còn gì để nói.  Khi đã chấm dứt thì tình đó thuộc về dĩ vãng nguyên tuyền.  Nó dang dở trong quá khứ mà trọn vẹn xong ở hiện tại.  Như vậy, tình thuộc dĩ vãng không còn tiếp tục hôm nay thì còn gì là dang dở?

Xem ra là thế, tuy nhiên, thuộc về dĩ vãng chưa hẳn là thuộc về vùng đã quên.  Nếu còn nhớ thì ngay khi chấm dứt tình dang dở, tình vẫn chưa hết dở dang.  Chấm dứt mà còn nhớ thì chuyện tình chỉ chấm dứt trong không gian ngoại cảnh chứ chưa hết trong không gian tâm hồn.  Vì lẽ ấy, cũng khá khó cho một định nghĩa tình dang dở là gì, và còn khó hơn, tình dang dở có còn đẹp?

Có thể tìm một định nghĩa dễ hơn.  Tình dang dở là tình còn nhớ.  Ở đây, dang dở không có nghĩa là chấm dứt lúc còn dở dang.  Dang dở là chưa xong.  Tình của Đức Kitô không phải là tình đã xong trong quá khứ.  Tình ấy không chấm dứt ở thập giá chiều nào trên đồi Do Thái.  Tình ấy vẫn hàng ngày gọi, hàng chiều chờ.  Tôi gọi tình ấy là tình dang dở.  Đức Kitô tiếp tục yêu và tôi chưa nhận đủ. Ngài cho tình yêu, nhưng bàn tay có nhiều khe rãnh, nên hứng lãnh mà tình ấy cứ rơi đi hoài.  Vì cái dang dở ấy nên Ngài cứ băn khoăn làm sao cho tôi múc được nhiều để hồn tôi bớt trống và tim tôi thôi vơi. Và vì thế, dở dang của tình yêu ấy là dang dở đẹp.  Trong dang dở của tình yêu, cho tôi thấy trái tim Người bao dung và kiên nhẫn.  Nhờ dang dở ấy mà tôi thấy Ngài không mòn mỏi vì phải đợi chờ, không đếm thời gian và đưa tình yêu vào thời khóa biểu.  Giữa tôi với Ngài, còn thời gian thì còn dang dở, còn thương xót.

Đức Kitô yêu tôi bằng tình trọn vẹn.  Ngài là tình yêu (1 Yn. 4:16).  Ngài cho tôi chính Ngài với hơi thở sau cùng trên thập tự.  Nói về công việc thì xong, biến cố lịch sử trên Núi Sọ hoàn tất.  Nhưng tình yêu không là biến cố lịch sử.  Biến cố lịch sử chỉ là một trong những đường nét để vẽ chân dung tình yêu.  Tình yêu ấy vẫn yêu tôi.  Thập tự giá ngày xưa vẫn là thập tự giá hôm nay kéo dài trên bàn thờ khi tôi dâng lễ.  Đức Kitô đã phục sinh, nhưng trong đau đớn của chi thể Ngài là nhân loại thì Ngài vẫn còn bị đóng đinh.  Trong yếu đuối, tôi làm phai nhạt bao nhiêu chuyện tình đẹp giữa tôi và Ngài, tôi vẫn có lỗi phạm.  Trong lãng quên, tôi vẫn xuôi chiều bao nhiêu cám dỗ.  Vì thế, tình tôi với Ngài làm sao mà không dang dở cho được.  Chỉ có tình trọn vẹn ở phía thập giá.  Thập giá yêu thương nhân loại nhưng nhân loại không có tình trọn vẹn, nên khi tình trời nối với tình đất thì tình trời mang thương khó.  Ngày nào còn nhân loại thì tình giữa nhân loại và thập giá còn là tình dở dang.

Không có tình yêu thì trọn vẹn cũng là trọn vẹn thiếu.  Với tình yêu thì dang dở cũng là dang dở quý mến.

Có những dang dở cần thiết.  Dang dở cho chuyện tình còn dài, còn nhắc nhở, còn xám hối.  Có một thứ dang dở mà Đức Kitô nhất định giữ:

— Khi Ngài chữa mắt cho người mù, Ngài chỉ chữa một cách dang dở.  Ngài lấy bùn thoa vào mắt người mù nhưng anh ta chẳng khỏi.  Anh ta phải đi rửa ở hồ Sứ Giả.  Mù làm sao mà đi dễ dàng, thế mà Chúa không chữa cho xong (Yn. 9:1-41).

— Tiệc cưới Cana cũng vậy.  Chúa không làm phép cho có rượu, nhưng chỉ làm cho nước hóa rượu.  Đức Kitô bảo các gia nhân: “Hãy múc nước đổ đầy các chum” (Yn. 2:7).  Sao Chúa không làm cho có rượu luôn đi mà lại bảo người ta đổ nước?  Chúa chỉ làm một nửa.  Thương xót thì trọn vẹn, nhưng thương xót ai, bởi đó, thương xót còn hệ tại đối tượng được thương xót muốn thương xót bao nhiêu.  Do đấy, có những thương xót cần dang dở để đối tượng được thương xót kia lựa chọn mức độ thương xót cho mình.  Nếu các gia nhân chỉ múc nửa bình thì chắc rượu chỉ có nửa bình thôi.

— Làm phép cho CÓ BÁNH ĂN và làm phép cho bánh HÓA RA NHIỀU là hai thái độ rất khác nhau.  Chiều hôm ấy, đám dân chúng đói không có gì ăn.  Các môn đệ không đủ bánh, nghĩa là có nhưng thiếu, hoặc nói cách khác là có mà dở dang.  Chúa không vứt vất cái dang dở ấy rồi tự mình làm phép lạ.  Chúa bảo đem cái dang dở ấy đến.  Sao Chúa không làm phép lạ cho có bánh, mà chỉ làm phép lạ cho bánh hóa ra nhiều.  Sao Chúa cứ thích cái dang dở của các tông đồ làm chi (Mc. 6:35-43).

— Thấy đền thờ thành nơi buôn bán, dơ uế mất rồi, Chúa bảo phá đi rồi trong ba ngày Ngài xây dựng lại.  Tại sao Ngài không phá luôn cho tiện mà chỉ xây lại khi người khác phá (Yn. 2:13-22).

Chúa thích những phép lạ dang dở.  Chúa làm có một nửa nên nhân loại mới được góp phần trong công việc trọng đại ấy.  Cái dang dở Chúa để xẩy ra là dang dở huyền diệu.  Thiếu dang dở này con người thiệt thòi biết bao.  Cần có những dang dở của Chúa để dang dở của con người hết dở dang. Con người không thể làm phép lạ tự cứu lấy mình.  Chúa cũng không cứu con người khi con người không tự do nhận lãnh.  Phép lạ của Chúa cần là phép lạ một nửa, phép lạ dang dở để tôi được tham dự.  Cái dang dở của Chúa là chỗ trống cho tôi bước vào.

Chúa không thể nào bất toàn.  Bởi đó, những gì dang dở mà Chúa để xẩy đến trong cuộc sống, tôi phải tìm hiểu.  Có khi là đau khổ, có khi là những ngày chán nản.  Những mũi chỉ thêu ngang dọc làm cho tấm tranh rối mù lộn xộn, nhưng nó sẽ là tác phẩm nghệ thuật khi nó hết dở dang.  Con đường Hội Thánh đang đi là con đường dang dở.  Công cuộc rao giảng Tin Mừng là công cuộc dang dở.  Nhưng trong dang dở ấy là ngưỡng cửa hi vọng.  Đời truyền giáo của tôi là một hành trình đang dang dở.  Tay tôi ngắn mà cánh đồng thì mênh mông.  Nhưng nối tiếp những dang dở sẽ thành hoàn hảo.  Người mang hi vọng là kẻ chấp nhận những dang dở Chúa để xẩy đến, và nhìn thấy dang dở trong công cuộc rao giảng thập giá là dang dở lạc quan.

Dang dở của tình yêu giữa tôi và Chúa không là dang dở phải chấm dứt.  Chúa không bao giờ chê căn nhà tôi nghèo nàn.  Tôi cũng chẳng muốn bỏ Chúa.  Dang dở chỉ vì yếu lòng.  Dang dở vì vụng về trong những lựa chọn.  Dang dở vì lấp lửng với những cám dỗ.  Từ linh hồn thành thật rất sâu, tôi không muốn những dang dở này.  Có băn khoăn về những sa ngã, có hối hận về những không trọn vẹn sẽ làm cho chuyện đường thập giá gồ ghề hơn.  Những gồ ghề là những cản ngăn, nghĩa là đường thập giá sẽ thập giá hơn nữa.  Khi đường thập giá trở nên thập giá hơn thì linh hồn gian nan hơn, nhưng vì gian nan đó cũng sẽ làm cho đường thập giá ấy ý nghĩa hơn.

Những chuyện tình gian nan bao giờ cũng là những chuyện tình nhiều kỉ niệm.  Và, bởi đó, đường thập giá cho dù dang dở vẫn luôn luôn là những chuyện tình đẹp.  Không phải dang dở thì mới đẹp, nhưng là vẫn đẹp khi dở dang.

Lạy Chúa, ngày nào còn hơi thở thì tim con còn rung cảm rực nóng.  Còn rung cảm rực nóng thì còn những dang dở.  Nhưng đường Chúa gọi đi là đường tình thập giá không đánh dấu bằng những lần ngã dở dang.  Chúa nối những dang dở ấy thành đường thập giá.  Bởi đó, con hi vọng và lạc quan trong mọi dang dở của hành trình thiêng liêng.  Và con phải biết Chúa rất cần một thứ dang dở là Chúa không hoàn thành cho con tất cả ước mơ nếu con không thực sự mơ ước.

Ước mơ đẹp là mình ước mơ, còn ước mơ hững hờ là ước mơ người khác mơ ước dùm mình.

Xin cho con không bao giờ thở dài về sự dở dang trên đường thánh thiện.  Không chán chường sự dở dang trong công cuộc truyền giáo rồi thôi rao giảng Tin Mừng để cho khỏi băn khoăn về những dang dở ấy.

Vâng, lạy Chúa, con không muốn làm cho chuyện tình thành dang dở, nhưng chỉ vì con yếu đuối. Chúa thương con, thì với Chúa, những chuyện tình dở dang của con trên đường theo Chúa vẫn là những chuyện tình đẹp.

NGUYỄN TẦM THƯỜNG

 

CHIÊN THIÊN CHÚA

Trong sách Samuel quyển hai, tiên tri Nathan có kể cho Vua Ðavít nghe câu chuyện sau:  Hai người nọ là công dân trong cùng một thành phố.  Một người thì giàu có và thế lực, người kia thì nghèo xơ, cô thân cô thế.  Người giàu nọ có một đàn chiên đông đến nỗi gã đếm không xuể, đang khi anh nghèo nọ chỉ có một chú chiên nhỏ xíu.

Tuy nhiên, những đứa con của anh nghèo rất thương con chiên ấy và chơi đùa với nó suốt ngày.  Chúng mang nó đến cả bàn ăn và chia cho nó phần thức ăn ít ỏi của mình. Nathan kể rằng lũ trẻ còn dạy cho con chiên uống nước trong tách nữa và chú chiên ta thật chả khác nào một thành viên trong gia đình.

Một ngày kia, anh chàng giàu có phải tiếp đãi một vị khách quan trọng đến thăm.  Anh ta chẳng muốn giết bất cứ con chiên nào của mình để đãi khách cả.  Vì thế anh truyền cho đám tôi tớ chạy qua nhà anh chàng nghèo bên cạnh, bắt con chiên của anh nghèo đem giết để đãi khách.

* * * * *

Bạn thân mến! Câu chuyện trên đây đã gây xúc động về sự độc ác của người giàu có. Câu chuyện trên cũng là một trong những hình ảnh của Gioan Tẩy Giả mường tượng trong tâm trí khi ông đưa ngón tay xương xẩu chỉ vào Chúa Giêsu và nói với các đệ tử của mình: “Ðó là Chiên Thiên Chúa” (Ga 1: 29).

Câu chuyện của Nathan về con chiên cưng của anh chàng nghèo chắc chắn thích hợp để áp dụng vào trường hợp Chúa Giêsu.  Chúa Giêsu cũng rất được yêu thương. Và Ngài cũng bị đám người độc ác giết chết cách tàn bạo.  Tuy nhiên, trong tâm trí thánh Gioan có một hình ảnh khác khi ngài đưa ngón tay chỉ vào Chúa Giêsu và nói: “Ðó là Chiên Thiên Chúa”.  Hình ảnh đó là hình ảnh những con chiên bị sát tế mỗi ngày trong đền thờ.  Thiên Chúa đã phán với Moisê trong sách Xuất  Hành như sau: “Suốt thời gian sắp tới, mỗi ngày các ngươi hãy hiến tế trên bàn thờ hai con chiên tuổi được một năm, một con hiến tế vào buổi sáng, con kia vào buổi chiều.” (Xh 29: 38-39)

Việc hy tế trong đền thánh được thi hành từ năm này qua năm khác, ngay cả trong thời kỳ đói kém, là thời thực phẩm rất hiếm hoi và nhiều người dân bị chết đói.  Khi chỉ vào Chúa Giêsu và nói: “Kia là Chiên Thiên Chúa, Ðấng xoá tội trần gian”, Gioan đang hình dung trong trí mình những con chiên hy tế được dâng lên mỗi sáng, mỗi đêm trong đền thờ để xoá tội cho dân. Thực ra, Gioan đang nói với các đệ tử mình: “Mỗi ngày chúng ta dâng chiên trong đền thờ vì tội lỗi chúng ta, nhưng chỉ có Thiên Chúa mới có thể cứu chúng ta khỏi những tội lỗi này“.

Trước Gioan Tẩy Giả rất lâu, các tiên tri đã nói về người tôi tớ kỳ nhiệm của Chúa một ngày kia sẽ chịu đau khổ và chết như một con chiên… Isaia đã mô tả cái chết đau thương của người tôi tớ này trong chương 53: 7-8 như sau: ” Người đã bị đối xử tàn tệ, nhưng vẫn khiêm tốn chịu đựng, như một con chiên sắp bị đưa tới lò sát sinh, Người không hề thốt ra một lời. Người bị bắt, bị tuyên án và bị dẫn tới chỗ chết… Người đã phải chết vì tội lỗi chúng ta “.

Những lời của tiên tri Giêrêmia cũng rất phù hợp với con người Chúa Giêsu. Trong chương 11 câu 19, Giêrêmia viết: ” Tôi giống như con chiên trung tín bị đem đi giết, và tôi không hề biết họ đang trù tính những điều độc ác chống lại tôi“.

Vì thế tước hiệu “Chiên Thiên Chúa” gợi lên hai hình ảnh sống động.  Thứ nhất là hình ảnh của tình yêu và lòng trìu mến như chúng ta đã thấy trong câu chuyện của Nathan kể về người giàu có và anh chàng nghèo nọ.  Thứ hai là hình ảnh sự đau đớn và hy sinh như chúng ta thấy trong việc sát tế chiên trong đền thờ và trong trường hợp người tôi tớ đau khổ của Thiên Chúa.

Tóm lại, tước hiệu “Chiên Thiên Chúa” gợi lên ba hình ảnh sống động: hình ảnh thứ nhất về lòng trìu mến và tình yêu đối với con chiên, hình ảnh thứ hai về nỗi khổ đau và hy sinh mà con chiên gánh chịu, hình ảnh thứ ba là vinh quang và tán tụng dành cho con chiên.

Không có gì đáng ngạc nhiên khi Chúa Giêsu có rất nhiều tước hiệu như “Ánh sáng trần gian”, “Mục tử nhân lành”, “Bánh hằng sống”… mà chỉ có tước hiệu “Chiên Thiên Chúa” là tước hiệu duy nhất được dùng trong Thánh lễ.  Chẳng hạn, ngay trước khi rước lễ, chúng ta thường hợp ca bài “Lạy Chiên Thiên Chúa”.  Giây phút rất đặc biệt ấy trong Thánh lễ tiên báo giây phút chung cục của thời gian, khi tất cả muôn dân hiệp cùng các thiên sứ hát lên khúc hát này dâng lên Chúa Giêsu, là Chiên vĩnh cửu của Thiên Chúa.

* * * * *

Ngài đã bị giết, và nhờ cái chết hy tế của Ngài, Ngài đã chuộc về Chúa cho muôn người thuộc mọi bộ lạc, mọi ngôn ngữ, mọi quốc gia, và mọi chủng tộc. Người đã biến họ thành các vương quốc tư tế để phụng sự Thiên Chúa chúng ta… Con Chiên bị giết đáng được lãnh nhận… danh dự, vinh quang và tán tụng!… Tán tụng và danh dự, vinh quang và quyền năng đều thuộc về Ngài muôn đời muôn kiếp! Amen

LM. Mark Link S.J.

BẠN NÓI GÌ?  CHÚA NÓI CHI?

Bạn nói: Điều đó không thể được
Chúa nói: Mọi sự đều có thể (Luke 18:27)

Bạn nói: Tôi mệt quá rồi!
Chúa nói: Ta sẽ cho con nghỉ ngơi (Matthew 11:28-30)

Bạn nói: Không ai yêu tôi thực lòng cả
Chúa nói: Ta yêu con  (John 3:1 6 & John 3:34 )

Bạn nói: Tôi không thể tiếp tục nữa
Chúa nói: Ơn Ta đủ cho con (II Corinthians 12:9 & Psalm 91:15)

Bạn nói: Tôi không thể hình dung ra làm sao
Chúa nói: Ta sẽ dẫn dắt con từng bước (Proverbs 3:5- 6)

Bạn nói: Tôi không thể làm được điều đó
Chúa nói: Con có thể làm được mọi chuyện (Philippians 4:13)

Bạn nói: Tôi không thể
Chúa nói: Ta có thể (II Corinthians 9:8)

Bạn nói: Không bõ công
Chúa nói: Thực đáng công (Roman 8:28 )

Bạn nói: Tôi không thể tha thứ cho tôi
Chúa nói: Ta tha cho con (I John 1:9 & Romans 8:1)

Bạn nói: Tôi không thể cầm cự được
Chúa nói: Ta sẽ cho con những gì con cần (Philippians 4:19)

Bạn nói: Tôi sợ
Chúa nói: Ta không cho con tinh thần sợ hãi (II Timothy 1:7)

Bạn nói: Tôi hay lo và  nản lòng
Chúa nói: Phó thác mọi lo âu cho Ta (I Peter 5:7)

Bạn nói: Tôi khờ quá
Chúa nói: Ta cho con khôn ngoan (I Corinthians 1:30)

Bạn nói: Tôi thấy lẻ loi
Chúa nói: Ta không bao giờ bỏ con hoặc quên con (Hebrews 13:5)

Thiên Chúa muốn cùng đi với bạn trong cuộc sống.  Chúa cho bạn người này người nọ, tùy bạn nhận ai hay bỏ ai.

Lạy Cha trên trời, xin chúc lành cho bạn bè chúng con, ban cho họ nhũng gì hôm nay Chúa biết họ cần.  Uớc gì đời họ chan hòa bình an của Chúa, được thăng tiến và sức mạnh họ đang cần trong khi họ tìm để được liên kết gần gũi với Chúa hơn.  Amen!

Sưu tầm

CÂU CHUYỆN KONTUM

“Yá Hường ơi, có khách.”  Tôi đứng ngoài sân nói vọng vào nhà bếp báo cho soeur Hường biết.  “Yá” là tiếng Bana của người Dân Tộc gọi các nữ tu.  Yá Hường, nữ tu Dòng Thánh Phaolô, đang phục vụ cho người Dân Tộc và người phong hủi ở Kontum.  Khách của Yá là những anh chị em người Dân Tộc nghèo và bị phong hủi.  Nhìn cảnh các bà con Dân Tộc đem hai ba nải chuối đến xin Yá đổi gạo đem về ăn mà tôi nghẹn ngào.  Đây là những tháng đói của dân rừng núi.  Tôi ghé thăm Yá Hường vài ngày mà lúc nào cũng có “khách” mang chuối, mang củi đến đổi gạo về ăn.  Nếu đem ra chợ bán thì mỗi nải chuối bán được khoảng một ngàn, mà giá một ký gạo rẻ tiền là sáu ngàn.  Còn đem đến đổi với Yá Hường thì hai ba nải chuối Yá cũng đổi cho ba ký gạo mang về, chưa kể cho thêm một hai ký mì ăn liền cầm về, cho thêm áo quần, và dọn bữa cho ăn trước khi về.  Nhiều bà con Dân Tộc đi từ mờ sáng mà đến trưa mới đến được nhà Yá Hường.  Đổi được gạo rồi lại đi bộ về làng ba bốn tiếng đồng hồ nữa.

Tôi nói giỡn với Yá Hường: “Yá buôn bán kiểu này thì bao nhiêu tiền mới đủ, chi phí mỗi tháng để Yá giúp cho bà con Dân Tộc nghèo đói và người Dân Tộc phong là bao nhiêu?  Yá ‘đẻ’ đâu ra tiền mà lo cho họ?”  Yá cười: “Chúa cho sao thì xài vậy, có nhiều lúc tự nhiên có người Chúa gởi đến tiếp tế.”  Yá cũng cố gắng xoay xở cách này cách nọ, mấy năm trước tôi ghé thăm thì thấy Yá nuôi được một bầy gà 2,500 con để kiếm trứng đem ra chợ bán, năm ngoái bị dịch gà làm tiêu hết trơn rồi.  Năm ngoái có bò nhưng bị dịch bò lở móng nên nay cũng không dám nuôi.  Trước có gà, bò, dê, heo, nay chỉ còn heo thôi.  Vỗ cho heo mập để bán kiếm tiền nuôi 220 người Dân Tộc bị phong.  Mỗi tháng Yá cung cấp cho mỗi người bị phong mười ký gạo, một ký cá khô, muối, đường, bột ngọt, v.v…  Áo quần thì xin được nên đỡ phải lo khoản này.  Còn “khách” đến đổi gạo về ăn thì đếm không xuể.

Yá Hường năm nay 74 tuổi.  Một cụ già vào tuổi này thường ngồi nghỉ ngơi vui hưởng tuổi già với cháu chắt và để được con cháu trong nhà nuôi mình, còn Yá thì tất bật suốt ngày nuôi 220 bệnh nhân phong và các anh chị em Dân Tộc nghèo đói.  Số tiền khách thành phố và Việt kiều ghé thăm cũng giúp được phần nào cho mục vụ này.  Yá mở trại nuôi gà, heo, bò, dê để có tài chánh.  Yá mua nho về làm rượu lễ bán, xác nho còn lại thì làm ché rượu cần bán, chuối và măng người Dân Tộc đem đến đổi gạo thì Yá ép làm chuối khô và măng khô để bán.  Tôi tính nhẩm sơ sơ thôi thì Yá phải tìm ra trên một ngàn đô-la mỗi tháng mới đủ lo cho công tác phục vụ này.  Quả bàn tay Thiên Chúa làm kỳ lạ!  Ngài dùng một cụ già chừng nấy tuổi để nuôi chừng đấy người Dân Tộc và phong hủi.  Muốn tìm Yá Hường thì cứ vào cái nhà bếp lụp sụp phía sau cùng của nhà Dòng thì thế nào cũng thấy Yá đang lum khum làm việc.  Công việc ngập đầu mà lúc nào Yá cũng cười.

“Tính tiền đi bà chủ!”  Tôi ghẹo Yá Hường.  Sáng nào tôi dâng lễ cũng được bổng lễ một trăm ngàn (tương đương sáu đô-la, bằng hai ngày lương lao động ở Kontum) và sáng nào tôi cũng ăn nơi chỗ của Yá.  Hôm nay ăn sáng xong thì tôi cười gọi tính tiền và đưa cho Yá mấy cái phong bì bổng lễ.  Yá rất hiền hòa và bình dân nên ghẹo mà Yá vẫn cười.  Phải nhìn nhận một điều là người không hiền hòa và bình dân giản dị thì không đến được với anh chị em Dân Tộc và đặc biệt là người Dân Tộc bị phong.  Anh chị em Dân Tộc dễ thương lắm, người thân của họ bị phong mà họ chẳng bao giờ tách riêng ra mà cứ để sống chung chạ với nhau như bình thường.  Yá Hường hiền và bình dân nên anh chị em Dân Tộc cứ liên tục đến viếng thăm.

Những công việc của Yá làm thường là việc “không tên.”  Chuyện lớn mới kể tên được chớ việc nhỏ và làm lụi cụi suốt ngày trong bếp thì nhiều nhưng làm sao kể cho hết được, lặt rau, xắt thịt, rửa hành, rửa chén mà cũng kể thì đếm sao cho xiết.  Vừa qua đại hội Giáo Phu của địa phận (các giáo lý viên người Dân Tộc) về họp lên đến 1.500 người.  Đức Cha Micae tổ chức hội họp và nhờ Yá Hường đảm trách phần ăn cho anh chị em về họp ở Kontum.  Cả khóa họp mấy ngày chẳng thấy Yá đâu cả, vì lúc nào Yá cũng túc trực trong bếp lo sửa soạn bữa ăn.  Chiều hôm trước đã phải lo ướp thịt cắt rau để lo cho ngần ấy miệng ăn cho bữa trưa hôm sau.  Xong nhóm này thì lại đến nhóm khác, cứ vậy mà nấu với xào.  Hết đại hội Giáo Phu thì lại đến các khóa cầu nguyện và khóa huấn luyện.  Vừa rồi các anh chị em Dân Tộc phong của địa phận bao gồm hai tỉnh Gia Lai và Kontum gồm 150 người đại diện đến họp để nhận quà Giáng Sinh.  Nhóm Gia Lai do cha Nguyễn Văn Đông đảm trách và nhóm Kontum do Yá Hường coi sóc.  Linh mục thì nhiều người biết, còn nữ tu thì không.  Họ tụ đến tham dự lễ ở Kontum thì Yá Hường cũng được mời lo phần ẩm thực, tôi có “nhân đức ăn uống” nên cũng được mời đến tham dự.  Được biết có hai anh chị ở Mỹ về thăm rộng lòng cho tiền mua quà Giáng Sinh cho các anh chị em Dân Tộc phong.  Thánh Lễ, thuyết trình, sinh hoạt và cám ơn thì cha Đông lo, phát quà thì các ân nhân rất thích làm, còn việc bếp núc thì Yá cứ âm thầm vui vẻ phục vụ trong bếp.

Ngắm nhìn Yá Hường tôi thấy phản ánh cả hai khuôn mặt của Mát-ta và Maria trong Phúc Âm của thánh Luca.  Mát-ta chỉ lo phục vụ mà thiếu sự yêu thương và cảm thông, còn Maria chỉ lo kết hiệp cầu nguyện với Chúa mà thiếu phần đem ra thực hành.  Phục vụ mà không có tình thương thì chẳng ơn ích gì.  Kết hiệp với Chúa mà không đem ra thực hành là yêu nửa vời.  Nếu chỉ cầu nguyện là đủ thì Thiên Chúa đã ở trên trời cầu nguyện cho con người.  Nếu cần cầu nguyện mà thôi thì Đức Giêsu đã sống ẩn dật trong hoang địa cả đời để cầu nguyện kết hiệp với Chúa Cha.  Đức Giêsu đã phục vụ và cầu nguyện kết hiệp với Chúa Cha liên tục, để có sức sống của Thiên Chúa mà phục vụ trong quỹ đạo yêu thương của Ngài.  Cho nên khuôn mặt trọn vẹn là phục vụ trong sự kết hiệp với Chúa.  Bản chất con người là thích được khen và sợ bị chê, làm gì tốt thì muốn người ta biết đến.  Yá Hường thì không, Yá cứ lui cui trong xó bếp âm thầm phục vụ trong niềm vui liên kết với Thiên Chúa là Cha tình thương và giàu lòng thương xót.

Lạy Chúa, con cảm tạ Chúa đã mở mắt tâm hồn để con được chiêm ngắm những anh chị em xung quanh đang trên đường dấn thân trong yêu thương phục vụ để con bắt chước sống theo.  Xin dạy con biết phục vụ trong sự kết hiệp với Chúa.  Xin nhắc nhở con bắt đầu từ những việc nhỏ nhất và âm thầm “không tên” nhất, như quét nhà, rửa chén, xếp áo quần, chơi với em, nhịn một tiếng, dâng một lời nguyện cho bác ăn xin góc đường.  Cám ơn Chúa đã cho con kinh nghiệm sống này.  Năm mới con “vòi” Chúa “lì xì” tình yêu và ân sủng của Chúa, để con tiếp tục sứ mạng Chúa thương trao ban.  Amen.

Giuse Ngô Văn Chữ, S.J.
January 4, 2008

DÒNG NƯỚC NHỎ

Khi Minh Sư trở nên già yếu và bệnh tật, các đệ tử van xin ngài đừng sớm lìa trần.

Minh Sư bảo họ: “Nếu  như thầy không rời xa các con, làm sao các con thấy được?” 

Các đệ tử hỏi lại: “Chúng con không thấy được cái gì khi thầy còn ở với chúng con?”

Nhưng Minh Sư im lặng, ngài không nói lời nào. Khi ngài sắp lìa trần, một lần nữa các đệ tử hỏi thêm: “Chúng con sẽ thấy được gì khi thầy đã ra đi?”

Với một cái chớp mắt, Minh Sư nói: “Tất cả những gì thầy đã làm là ngồi bên bờ sông và phân phát nước sông.  Sau khi thầy ra đi, chắc chắn các con sẽ nhìn thấy giòng sông…”

(Anthony de Mello, trích trong “One Minute Wisdom”)

*******

Bạn thân mến! Tin Mừng Chúa nhật thứ I mùa Thường niên hôm nay cũng nhắc đến một dòng sông có tên là sông Gio-đan, nơi Chúa Giêsu đã đến sau 30 năm sống âm thầm ẩn dật ở Nazareth. Bên dòng sông này, Chúa Giêsu đã chịu Phép Rửa từ tay Gioan Tẩy giả để bắt đầu sứ vụ rao giảng công khai về Nước Thiên Chúa.

Việc Chúa Giêsu chịu Phép Rửa từ tay Gioan là sự hạ mình sâu thẳm và là một cuộc gặp gỡ lịch sử giữa Cựu ước và Tân ước. Biến cố này không chỉ loan báo trước cuộc khổ nạn của Đức Giêsu mà còn loan báo về sự phục sinh vinh quang của Người.

Nếu đem so sánh với sông Cửu Long mênh mông ghe thuyền qua lại thì dòng sông Gio-đan nơi Gioan làm phép rửa cho Đức Giêsu có thể gọi là con kênh nhỏ. Nếu đặt bên cạnh sông Hồng cuồn cuộn xiết chảy thì dòng sông Gio-đan chỉ là con lạch. Nếu đứng kề bên sông Hương thơ mộng lững lờ trôi thì Gio-đan chỉ là con suối nhỏ. Đứng bên bờ này sông Gio-đan ném hòn đá qua bờ kia, nó có thể đi xa hơn.

Thế mà Đức Giêsu đã chọn dòng sông bé nhỏ này, không phải như Môi-sen hay Giô-sua xưa kia giơ tay cho dòng nước rẽ đôi, nhưng để dìm mình xuống dòng sông nhỏ bé cùng với những tội nhân lãnh nhận phép rửa từ tay Gioan Tẩy Giả.

Thiên Chúa, Đấng cho Cửu Long giang tuôn chảy tưới mát đồng bằng miền Nam; Đấng cho sông Hồng tuôn nước lũ bồi đắp phù sa cho đồng bằng miền Bắc; Đấng cho Hương giang lững lờ lãng mạng gợi hồn thơ đã chọn dìm mình vào dòng nước Gio-đan bé nhỏ.

Trong các dòng sông nổi tiếng khắp thế giới thì dòng sông Gio-đan bé nhỏ ấy là dòng sông quen thuộc nhất đối với Kitô hữu chúng ta. Chính tại đây Đức Giêsu đã đến khai mạc sứ vụ công khai bằng cách đón nhận phép rửa bởi Gioan Tẩy Giả.

Thật lạ lùng, trong số những người đến “xưng thú tội lỗi” ( Mc.1,5) và chịu “ phép rửa sám hối để được ơn tha tội” (Mc.1,4) lại có cả Đức Giêsu. Ngài là Đấng Thánh, là Thiên Chúa, siêu việt tuyệt đối, tại sao lại đến xin Gioan làm phép rửa sám hối ? Ngài là Đấng mà Gioan “không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Ngài” lại có thể đứng chung với đám đông người tội lỗi chờ đến lượt mình được chịu thanh tẩy ?

Trong đêm Giáng Sinh chúng ta đã chứng kiến một Thiên Chúa hạ mình xuống làm người, sinh ra nơi hang đá máng cỏ, làm một người nghèo hèn bé nhỏ, dường như chưa đủ đối với tình yêu thương vô biên của Thiên Chúa. Hôm nay, Người lại hạ mình xuống thêm một bậc nữa, xuống tận cùng xã hội nhân loại khi đến xin Gioan làm phép rửa cho mình như một người dân tầm thường và tội lỗi. Và đã xuống bậc tận cùng khi Chúa hạ mình thẳm sâu chấp nhận chết trên thập giá như một tên trộm cướp chỉ vì yêu thương.

Biết nói gì về Người bây giờ nếu không phải là cúi đầu cảm phục và tôn thờ sự khiêm hạ thẳm sâu của con Thiên Chúa làm người !

Cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và Gioan là lúc Tân – Cựu ước giao duyên, là lễ bàn giao giữa hai niên đại cũ và mới mà Chúa Giêsu và Gioan là đại biểu. Gioan, ngôn sứ cuối cùng của Cựu ước gặp gỡ trao đổi bàn giao với Đức Kitô, vị ngôn sứ của thời kỳ mới.

Cuộc gặp gỡ này không phải là một cuộc tranh cãi dành ưu thế, nhưng thật thú vị tuyệt vời khi cả hai đại biểu đều khiêm nhường đón nhận nhau trong sứ vụ. Đức Giêsu từ tốn bước xuống dòng sông Gio-đan và xin Gioan làm phép rửa cho mình. Gioan hân hạnh xin Đức Giêsu rửa cho mình vì ông nhìn thấy đây mới chính là nhân vật ban phép rửa trong Thánh Thần như ông đã loan báo.

Nơi cuộc gặp gỡ lịch sử này, Thiên Chúa đã xuất hiện và chứng nhận. Lúc ấy các tầng trời mở ra, Thánh Thần hiên diện như chim bồ câu và có tiếng Chúa Cha tuyên phán: “Con là Con Ta yêu dấu”.  Ba Ngôi Thiên Chúa tỏ hiện vào chính lúc lịch sử của hai niên đại mới và cũ chuyển giao. Từ nay Đức Giêsu sẽ lên đường vào sứ vụ mới với niềm hy vọng mọi sự sẽ tốt đẹp theo thánh ý Chúa Cha.

Cuộc gặp gỡ giữa hai Đấng tại sông Gio-đan đã làm nên lịch sử và đã được Giáo hội chọn làm khởi điểm cho mùa thường niên là mùa phụng vụ cử hành các mầu nhiệm cuộc đời rao giảng Tin mừng của Chúa Giêsu.

Biến cố này không chỉ là cuộc bàn giao cũ mới mà còn là điểm giao duyên giữa trời và đất, giữa Thần khí và Nước, giữa Tân ước và Cựu ước. Từ nay nhân loại được tái sinh trong đời sống mới. Qua Bí tích Rửa tội của Chúa Giêsu, chúng ta nhận được ấn tín của Chúa Thánh Thần, trở nên con cái Thiên Chúa.

Chúa Giêsu chịu phép rửa từ tay Gioan là một sự hạ mình sâu thẳm, một sự khiêm nhường cao cả đã làm cho cửa trời mở ra, ân sủng tuôn đổ, ơn cứu độ được trao ban và lan truyền. Mỗi người Kitô qua bí tích rửa tội, được thần linh ngự xuống, được nghe tiếng Chúa Cha vang dội: “Này là con yêu dấu của Ta, Ta đặt trọn vẹn yêu thương trên con”. Và tâm hồn mỗi người trở nên Đền Thờ Ba Ngôi Thiên Chúa.

Ước mong mỗi tín hữu chúng ta luôn nhớ mình đã được xức dầu, được mặc áo trắng tinh tuyền, được trao nến sáng Phục sinh, được thanh tẩy trong nước và Thánh Thần để sống xứng đáng mỗi ngày mỗi hơn với ân huệ đã lãnh nhận.

LM. Giuse Nguyễn Hữu An

*******

Lạy Chúa Giêsu, sám hối không phải là điều dễ dàng với sức lực của con người, bởi lẽ chúng con không đủ khiêm tốn để nhận mình lầm lỗi. Chúng con ngỡ ngàng khi thấy Chúa là Thiên Chúa, là Ðấng Thánh mà lại đứng chung với các tội nhân, chờ Gioan ban phép rửa.

Chỉ vì muốn trở nên bạn đồng hành với thân phận mỏng dòn yếu đuối của con người. Chúa đã đứng chung với các tội nhân để làm gương cho tội nhân lãnh nhận phép rửa sám hối từ Gioan.  Xin ban cho chúng con ơn biết sám hối, biết thường xuyên sửa mình, biết thay đổi lối suy nghĩ và mạnh dạn để đi đến những hành động cụ thể trong cuộc sống  hằng ngày của đời con. Amen