THA THỨ MÃI MÃI

Lisa ngồi trên sàn với chiếc hộp trước mặt.  Cái hộp cũ kĩ đựng một tờ giấy kẻ ô vuông.  Và đây là câu chuyện đằng sau những ô vuông…

– Các con phải tha thứ cho anh chị em mình bao nhiêu lần? Cô giáo đọc to luôn câu trả lời cho cả lớp nghe:  “70 nhân 7 lần! ”

Lisa kéo tay Brent – em trai cô:

– Thế là bao nhiêu lần?

Brent viết số 490 lên góc vở Lisa.  Brent nhỏ bé, vai hẹp, tay ngắn, đeo cặp kính quá khổ và tóc rối bù.  Nhưng năng khiếu âm nhạc của cậu làm bạn bè ai cũng phục.  Cậu học piano từ năm lên bốn, kèn clarinet năm lên bảy và giờ đây cậu đang chinh phục cây kèn oboe.  Lisa chỉ giỏi hơn em trai mình mỗi một thứ:  bóng rổ, hai chị em thường chơi bóng rổ sau giờ học.  Brent thấp bé lại yếu, nhưng nó không nỡ từ chối vì đó là thú vui duy nhất của Lisa giữa những bảng điểm chỉ toàn yếu với kém của cô.

Sau giờ học, hai chị em lại chạy ra sàn bóng rổ.  Khi Lisa tấn công, Brent bị khuỷu tay Lisa huých vào cằm.  Lisa dễ dàng ghi điểm.  Cô hả hê với bàn thắng cho đến khi nhìn thấy Brent ôm cằm.

– Em ổn cả chứ? Chị lỡ tay thôi mà!

– Không sao, em tha lỗi cho chị – Cậu bé cười – Phải tha thứ 490 lần và lần này là lần thứ nhất, vậy chỉ còn 489 lần nữa thôi nhé!

Lisa cười.  Nếu nhớ đến những gì Lisa đã làm với Brent thì hẳn 490 lần đã hết từ lâu lắm.  Hôm sau, hai chị em chơi bắn tàu trên giấy.  Sợ thua, Lisa nhìn trộm giấy của Brent và dễ dàng “chiến thắng”.

– Chị ăn gian! Brent nhìn Lisa nghi ngờ.

Lisa đỏ mặt.

– Chị xin lỗi!

– Được rồi, em tha lỗi – Brent cười khẽ – Thế là chỉ còn 488 lần thôi, phải không?

Sự độ lượng của Brent làm Lisa cảm động.  Tối đó, Lisa kẻ một biểu đồ với 490 hình vuông:

– Chúng ta dùng cái này để theo dõi những lần chị sai và em tha lỗi. Mỗi lần như vậy, chị sẽ gạch chéo một ô.

Miệng nói, tay Lisa đánh dấu hai ô.  Rồi cô bé dán tờ biểu đồ lên tường.

Lisa có rất nhiều cơ hội đánh dấu vào biểu đồ.  Mỗi khi nhận ra mình sai, Lisa xin lỗi rất chân thành.  Và cứ thế… Ô thứ 211:   Lisa giấu sách Tiếng Anh của Brent và cậu bé bị điểm 0.  Ô thứ 394: Lisa làm mất chìa khoá phòng Brent… Ô thứ 417:  Lisa dùng thuốc tẩy quá nhiều làm hỏng áo Brent… Ô thứ 489:  Lisa mượn xe đạp của Brent và đâm vào gốc cây.  Ô 490: Lisa làm vỡ chiếc ly hình quả dưa mà Brent rất thích.

– Thế là hết – Lisa tuyên bố – Chị sẽ không có lỗi gì với em nữa đâu. Brent chỉ cười:  “Phải, phải”.  Nhưng rồi vẫn có lần thứ 491.  Lúc đó Brent là sinh viên trường nhạc và cậu được cử đi biểu diễn tại đại nhạc hội New York.  Một niềm mơ ước thành hiện thực.  Người ta gọi điện đến thông báo lịch biểu diễn nhưng Brent không có nhà, Lisa nghe điện:  “hai giờ chiều ngày mùng mười nhé!”   Lisa nghĩ mình có thể nhớ được nên cô đã không ghi lại.

– Brent này, khi nào con biểu diễn? – Mẹ hỏi.

– Con không biết, họ chưa gọi điện báo ạ! Brent trả lời.  Lisa im lặng mãi mới lắp bắp:

– Ôi! …. hôm nay ngày mấy rồi ạ?

– Ngày mười hai, có chuyện gì thế?

Lisa, bưng mặt khóc nức lên:

– Biểu diễn… hai giờ…. mùng mười…. người ta gọi điện…..tuần trước…. Brent ngồi yên, vẻ mặt nghi ngờ, không dám tin vào những gì Lisa nói.

– Có nghĩa là… buổi biểu diễn đã qua rồi??? – Brent hỏi.

Lisa gật đầu.  Brent ra khỏi phòng, không nói thêm lời nào.  Lisa về phòng, ngậm ngùi khóc.  Cô đã huỷ hoại giấc mơ của em cô, làm cả gia đình thất vọng.  Rồi cô thu xếp đồ đạc, lén bỏ nhà đi ngay đêm hôm đó, để lại một mảnh giấy dặn mọi người yên tâm.

Lisa đến Boston và thuê nhà sống ở ngay đó.  Cha mẹ nhiều lần viết thư khuyên nhủ nhưng Lisa không trả lời:  “Mình đã làm hại Brent, mình sẽ không bao giờ về nữa”.  Đó là ý nghĩ trẻ con của cô gái 19 tuổi.

Rất lâu sau, có lần gặp lại người láng giềng cũ:  bà Nelson.

– Tôi rất tiếc về chuyện của Brent… – Bà ta mở lời.

Lisa ngạc nhiên.

– Sao ạ?

Bà Nelson nhanh chóng hiểu rằng Lisa không biết gì.  Bà kể cho cô nghe tất cả:  xe chạy với tốc độ quá cao, Brent đi cấp cứu, các bác sĩ tận tâm nhưng Brent không qua khỏi.  Ngay trưa hôm đó, Lisa quay về nhà.

Cô ngồi lặng yên trước chiếc hộp.  Cô không thấy tờ biểu đồ ngày xưa kín đặc các gạch chéo mà lại có một tờ giấy lớn: “Lisa yêu quý, em không muốn đếm những lần mình tha thứ, nhưng chị lại cứ muốn làm điều đó.  Nếu chị muốn tiếp tục đếm, hãy dùng tấm bản đồ mới em làm cho chị.  Yêu thương, Brent.”

Mặt sau là một tờ biểu đồ giống như Lisa đã làm hồi bé, với rất nhiều ô vuông.  Nhưng chỉ có một ô vuông đầu tiên có đánh dấu và bên cạnh là dòng chú thích bằng bút đỏ : “Lần thứ 491:  Tha thứ, mãi mãi!”

Sưu tầm

***************

Lạy Chúa là Thiên Chúa Tình Yêu, xin dạy con biết yêu thương.  Trong yêu thương chân thành, con sẽ biết thế nào là độ lượng để tha thứ, không chỉ tha thứ bảy lần, hay bảy mươi bảy lần bảy mà là  tha thứ mãi mãi.  Xin cho con cảm nhận được niềm vui trong chân lý: “vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ…”

TỘI NHÂN

Tôi ghé Kontum và đi uống cà phê với anh L. Uống cà phê thì anh em có cơ hội kể chuyện cho nhau nghe và đó là một trong những mục đích của tôi.  Anh L. kể một lần có việc lái xe đi Gia Lai, thấy có hai em gái Dân Tộc khoảng 19-20 tuổi đang đứng đón xe bên đường nên anh cho đi quá giang.  Chạy được một đoạn thì anh hỏi hai em đi đâu về Gia Lai mà ăn mặc đẹp vậy, một em trả lời: “Đi làm đĩ chớ làm gì!”  Anh nghe mà nổi xung muốn tống hai em xuống khỏi xe, nhưng rồi lại thôi.  Cả đoạn đường còn lại anh chẳng muốn nói chuyện gì thêm với hai em nữa.  Anh kể lại cho tôi khi uống cà phê mà giọng còn nhiều bực bội.

“Tiếc là tôi không ngồi trên chuyến xe đó, vì tôi muốn nghe thêm nhiều lắm” tôi đáp lời L.  Chuyện làm đĩ thì chẳng có gì tốt lành để mà nói, nhưng điều tôi quan tâm là nguyên nhân nào thúc đẩy hai em khăn gói lên đường làm đĩ.  Tôi đã nghe nhiều câu chuyện thương tâm và đáng trân trọng của những người con gái bán thân nuôi gia đình.  Có những em đã cắn răng tự nguyện đi vào con đường tội lỗi tối tăm này vì hoàn cảnh gia đình quá bi đát, một miếng cơm để ăn cũng chẳng có, một mảnh đất làm kế sinh nhai cũng không.  Họ đã chấp nhận liều mình để cho ông bà, cha mẹ, anh chị em trong gia đình họ có được miếng cơm sinh tồn.

Nhưng cũng nhiều em vì lầm lỡ và rồi buông xuôi cho sóng đánh hướng nào thì chìu theo hướng đó.  Có nhiều em bị lợi dụng, đam mê những đồng tiền kiếm được dễ gấp mấy chục lần so với cuốc đất trồng khoai.  Thông thường chẳng ai tự khoe mình làm đĩ, vì chính em tự biết việc này dơ bẩn xấu xa, xã hội khinh chê, chính phủ nghiêm cấm và tôn giáo lên án nặng nề.  Em làm vì ham đồng tiền kiếm được, bất chấp những khinh chê của con người, bất chấp cả những bệnh hoạn thời đại mà em sẽ mang vào người cho đến cuối đời.

Làm đĩ là em chấp nhận đi vào con đường tội lỗi và ô nhục!  Em có dám về xóm làng khoe rằng em đi làm đĩ không?  Chắc chắn là không!  Mỗi lần em về là mỗi lần em cầm một số tiền khá lớn về theo.  Hỏi làm gì mà có nhiều tiền vậy thì chắc em nói rằng em làm ở hãng xưởng nào đó trên thành phố.  Như vậy thì lương tâm của em cũng còn sống một cách nào đó.  Vì lương tâm cứ ray rứt nhắc nhở em việc làm này sai trái.  Tiếng nói lương tâm báo cho em biết em đang sống trong tội mà em vẫn cứ làm ngơ.  Em dùng những tiếng nhạc kích động, ồn ào để át đi tiếng nói lương tâm của lòng mình.

Em là một tội nhân vì đang ngụp lặn trong vũng bùn nhơ và quyết định sống trong tội lỗi.  Nhưng em cũng là nạn nhân của bóng tối tội lỗi.  Em là nạn nhân của những người đàn ông đi tìm thú vui xác thịt, là nạn nhân của những người dẫn đưa em vào con ngõ cụt đen tối, là nạn nhân của căn bệnh thời đại HIV, và là nạn nhân của tiền, bóng tối Sự Dữ.

Càng nghĩ đến em, tôi càng ghét và ghê tởm tội lỗi của em, nhưng tôi xót thương em vì em là em tôi, là con Thiên Chúa.  Tôi lên án tội lỗi, nhưng tôi cầu nguyện cho em, là tội nhân được ơn hoán cải.  Tôi ghét sự tội, nhưng tôi thương xót cầu nguyện cho em – các nạn nhân – được ơn chữa lành và thức tỉnh quay về vùng Ánh Sáng Tự Do.

Nghĩ đến em, tôi liên tưởng đến câu chuyện người phụ nữ ngoại tình trong Phúc Âm Thánh Gioan (Ga 8:2-11).  Chị ta lầm lỡ và người ta đã gán tội tử hình ném đá.  Người ta đã chà đạp nhân phẩm chị, họ sử dụng chị như một vũ khí để tấn công Đức Giêsu, họ đã gom tội lỗi của chị và con người của chị thành một, họ ghét tội, ghét hành động chị làm, và ghét luôn chị.  Đức Giêsu ghét tội nhưng thương xót kẻ lầm lỗi vì biết họ là thân phận con người yếu đuối.  Nghĩ đến em, lòng tôi quặn đau.  Tôi cầu xin em, van nài em, trong một khoảnh khắc trống vắng nào đó của cuộc sống, xin em mở cánh cửa lòng ra để ánh sáng thần khí Chúa dọi vào, kéo em ra khỏi vũng bùn của bóng tối tội lỗi.  Xin Chúa dủ lòng thương xót dẫn em ra khỏi ngõ cụt đen tối của u mê lầm lạc.

***************

Lạy Cha là Thiên Chúa Tình Yêu, là Đấng giàu lòng xót thương mà chúng con hằng tôn thờ, Cha dựng nên tâm hồn chúng con giống hình ảnh tình yêu của Cha vì Cha là Tình Yêu.  Tâm hồn chúng con là để chứa đựng tình yêu vô điều kiện và đầy tràn ân sủng Ánh Sáng của Cha để chúng con thay Cha ban phát tình thương cho anh chị em chung quanh.  Thế mà tâm hồn chúng con đã và đang chứa đựng những thứ khác ngoài tình thương. Thay vì chứa tình thương, tâm hồn chúng con lại đem đi chứa tiền bạc, tình dục, quyền uy, danh vọng và biết bao thứ lỉnh kỉnh khác nữa.  Tâm hồn chúng con trống vắng quá, đói khát quá, đến độ chúng con ao ước nhét những thứ dơ bẩn ô uế nhất của cuộc đời là những “muồng heo” cho đầy bụng mà người ta cũng không cho.

Lạy Cha, xin nhắc nhở và dạy bảo chúng con, những đứa con ngỗ nghịch và đam mê.  Xin vì lòng thương xót của Cha mà chớ xử chúng con như chúng con đáng tội vì ai chịu nổi sự trừng phạt của Cha.  Xin Cha tiếp tục nhẫn nhục chịu đựng và thương ban ân sủng Cha để chúng con được thức tỉnh và cảm hóa bởi Tình Thương của Cha.  Xin cho chúng con ơn can đảm và tin tưởng vào lòng thương xót của Cha, để mỗi lần chúng con lầm lỡ, dám chạy đến Cha, người Cha Nhân Từ của chúng con.  Amen!

Giuse Ngô Văn Chữ, S.J.
July 2, 2008

HÃY ĐẾN VỚI CHÚA

Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng Ta, Ta sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. (Mt.11.28)

Bạn thân mến!  Trên đây là lời mời gọi mà Chúa Giêsu gởi đến mỗi người chúng ta trong bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay.  Ðức Giêsu mời gọi chúng ta hãy đến với Ngài, tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề:

  • Gánh nặng của vấp ngã trong quá khứ. Gánh nặng của yếu đuối hiện tại.  Gánh nặng của lầm lẫn và yếu hèn trong kiếp người.  Gánh nặng của tội lỗi đam mê …Ngài mời gọi ta hãy đến với Ngài, Ngài chờ đợi ta trong Bí tích Hoà giải.  Hãy đến với Ngài để được Ngài tẩy rửa và thanh luyện, để Ngài giải thoát ta khỏi những tội lỗi đam mê chồng chất, và nhất là để được Ngài thêm sức mạnh cho thân xác và bổ dưỡng cho tâm hồn để ta có đủ sức mà tiếp tục bước đi trên đường đời.
  • Gánh nặng vì bi quan thất vọng và lo âu. Gánh nặng của khó khăn chán chường và mệt mỏi. Gánh nặng  bị đè nặng bởi lề luật và các quan niệm khắt khe của con người và xã hội… Ngài mời gọi ta hãy đến với Ngài.  Hãy đến với Ngài trong thinh lặng và cầu nguyện.  Ngài chờ đợi ta nói chuyện tâm tình với Ngài,  Ngài lắng nghe những tâm tư  ước vọng của ta .  Hãy trao cho Ngài những thất vọng lo âu của ta.  Hãy đặt vào tay Ngài những khó khăn và mệt mỏi của ta.  Bên Ngài, hãy tìm những giây phút thinh lặng nghỉ ngơi, ta sẽ bắt gặp an bình thảnh thơi và hạnh phúc.
  • Gánh nặng của ham muốn vật chất, của đam mê xác thịt, của các tật xấu kìm hãm con người ta… Ngài mời gọi ta hãy đến với Ngài.  Ngài chờ đợi ta trong bí tích Thánh Thể.  Ngài ẩn mình trong tấm bánh nhỏ bé .  Ngài luôn có đó để ban ơn dìu dắt và phù giúp cho ta trên đường đời.

Hôm nay Chúa Giêsu mời gọi ta hãy đến với Ngài.  Ngài muốn cất gánh nặng đi cho ta và đặt trên vai ta một điều khác nhẹ nhàng êm ái hơn:  “Hãy mang lấy ách của Ta … Vì ách của Ta thì êm ái, và gánh của ta thì nhẹ nhàng“. (Mt.11:29-30).

Ách của Chúa là gì ? Gánh của Chúa là chi ? Phải chăng ách của Chúa là sự khiêm nhường bé mọn.  Gánh của Chúa là lòng yêu thương trìu mến.  Vì: “Anh em hãy học cùng Ta, vì Ta có lòng khiêm nhường trong lòng”(Mt.11:29).  Ách của Ngài êm ái và gánh của Ngài nhẹ nhàng, là vì chúng được đón nhận trong tình yêu.  Tình yêu làm cho mọi sự trở nên nhẹ nhàng êm ái: “Chỗ nào có lòng yêu mến, thì không còn thấy vất vả nữa; mà giả như có vất vả đi nữa thì người ta cũng thích cái vất vả đó” (thánh Augustinô).

Hãy học cùng Ta…”  Ðức Giêsu kêu gọi ta làm học trò của Ngài:  Ta học trường học Giêsu, học thầy giáo Giêsu, học bài học Giêsu…  Bài học nằm nơi chính trái tim của Ngài: “Vì Ta có trái tim hiền hậu và khiêm nhường”.  Khi làm học trò “ngoan” của Ngài thì sự liên hệ gần gũi giữa Ta và Ngài được triển nở bền vững, giống như sự liên hệ thâm sâu giữa Ngài và Thiên Chúa Cha vậy:  “Không ai biết Người Con, trừ Chúa Cha; cũng như không ai biết Chúa Cha, trừ Người Con và những kẻ mà Người Con muốn mặc khải cho” (Mt.11:27).

Hôm nay tôi tự hỏi lòng mình:  Tôi đang phải mang những gánh nặng gì đây?  Gánh nặng của công việc, học hành,  gia đình,  tiền bạc và ước vọng cho tương lai .v.v.. Những gánh nặng đó có quan trọng và cần thiết “nhất” hay không?  Làm sao tôi có thể làm nhẹ bớt những gánh nặng này? Tôi phải làm gì để Chúa Giêsu có thể làm nhẹ bớt gánh nặng này cho tôi ?

* * * * *

Lạy Chúa Giêsu,

Xin cho con trở nên đơn sơ nhỏ bé, để con dễ nghe được tiếng Chúa nói,  dễ thấy Chúa hiện diện và hoạt động trong đời con.  Xin cho con biết năng chạy đến với Chúa qua thinh lặng cầu nguyện, và qua các Bí Tích mà Chúa đã thiết lập, nhờ đó con tìm được nguồn an vui, sự  bình an và bồi dưỡng cho tâm hồn.  Amen.

Linh Xuân Thôn