BẺ RA, TRAO ĐI RỒI SẼ HÓA RA NHIỀU

Người cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra, trao cho môn đệ. Và môn đệ trao cho đám đông. Ai nấy đều ăn và được no nê.(Mt.14:19)

Bạn thân mến!  Trên đây là tường thuật việc Chúa Giêsu thấy dân chúng vất vả, đói khát.  Chạnh lòng thương, Ngài làm phép lạ hoá bánh ra nhiều để nuôi dân chúng.

Tin Mừng kể rằng:  Sau một ngày đi theo Chúa, dân chúng đã bắt đầu đói khát.  Khi trời đã ngả về chiều, các môn đệ xin Đức Giêsu cho đám đông được giải tán để dân chúng đi vào các làng mạc mua đồ ăn.  Nhưng Ðức Giêsu đã nhắc nhở các ông về trách nhiệm của người môn đệ trước những nhu cầu của dân chúng .  Ngài nói với các ông: “Anh em hãy cho họ ăn.”  Chỉ với năm chiếc bánh và hai con cá trong tay, làm sao các Môn Đệ có thể cho đám đông 5 ngàn người ăn no đủ? Kiếm đâu ra thức ăn cho đám đông dân chúng này đây ? Quả thật, đây là một khó khăn thiếu thốn khó gỉải quyết.

Nhưng Chúa đã ra tay, Ngài đã lấp đầy những khó khăn của con người, đã biến những thiếu thốn của con người thành dư đầy … Chúa đã ra tay,  nhưng Ngài  không muốn làm việc một mình, Ngài chỉ làm phân nửa và Ngài tế nhị mời gọi con người cộng tác trong phân nửa còn lại.  Ngài để công việc còn phân nửa cho chúng ta tiếp tục.  Cái “phân nửa” là chỗ trống để cho tôi bước vào tham dự. Cái “phân nửa” của Chúa thật là huyền nhiệm, sâu thẳm.  Thiếu cái “phân nửa” này tôi thiệt thòi biết bao!!!

Hãy đem lại đây cho Thầy.”  Ngài cầm lấy bánh và cá từ tay các môn đệ, nâng lên cao để dâng lên Thiên Chúa Cha,  rồi  bẻ ra trao cho các môn đệ, các môn đệ cũng bẻ ra trao cho dân chúng, và cuối cùng, chính dân chúng cũng bẻ ra và trao cho nhau.  Chúng ta tự hỏi phép lạ đã xảy ra ở trên tay ai? Bánh và cá hoá ra nhiều trên tay người nào?  Tin Mừng không nói Ðức Giêsu đã làm phép lạ để có một đống bánh và cá thật to, rồi các môn đệ cứ đến lấy mà phân phát. Tin Mừng chỉ nói Ngài bẻ bánh trao cho các môn đệ, rồi các môn đệ bẻ ra trao cho dân chúng.  Chẳng mấy chốc, ai cũng có bánh ăn.  Như thế, những tấm bánh từ tay Ðức Giêsu đã được “Bẻ ra, trao đi rồi sẽ hoá ra nhiều”.  Ðó là cốt lõi của phép lạ.

Vậy đừng sợ phải bẻ ra và trao đi sẽ làm hao hụt, sẽ  bị thiếu thốn.  Nếu giữ lại thì 5 chiếc bánh vẫn chỉ là 5 chiếc bánh, và 2 con cá vẫn chỉ là 2 con cá.  Nhưng hãy “Bẻ ra, trao đi rồi sẽ hoá ra nhiều.”  Đó là lời mời gọi mà Chúa Giêsu gởi đến tôi và bạn trong bài Tin Mừng hôm nay.

Xin mời bạn cùng với tôi, chúng ta hãy nhìn đến những người xung quanh, họ đang đói:  đói cơm bánh, đói sự thật, đói tự do, đói công bằng, đói yêu thương, đói cảm thông và tha thứ… Hôm nay Chúa mời gọi ta hãy “Bẻ ra, trao đi rồi sẽ hoá ra nhiều” để mọi người được no đủ.

Hiến trao chẳng những không làm ta nghèo đi, mà còn làm ta được thêm giàu có, phong phú và trưởng thành.  “Bẻ ra, trao đi rồi sẽ hoá nhiều”.  Hãy luôn tin tưởng như vậy bạn nhé !

* * * * *

Suy niệm về phép lạ hoá bánh ra nhiều.  Tôi tự hỏi lòng mình: Tôi là ai trong bài Tin Mừng hôm nay ? Là khách bàng quang trong đám đông?  Là người dân khát khao lời Chúa?  Là môn đệ lãnh nhận bánh từ tay Đức Giêsu để trao lại cho dân chúng?  Thực phẩm nào đã và đang nuôi dưỡng tôi ?  Là tiền bạc cơm bánh?  Là danh vọng chức tước?  Là Lời Chúa và các Bí tích? Và thực phẩm nào đã giúp tôi được no thỏa, không còn đói khát nữa ?

Lạy Chúa!  Ước gì con biết lắng nghe Lời Chúa và thực thi Lời Ngài truyền dạy:  “Bẻ ra, trao đi rồi sẽ hoá nhiều”.  Amen

Trích từ R. Veritas

ĐÔI MẮT

“Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn” người ta thường nói như thế để ca ngợi đôi mắt.  Tôi vốn sở hữu một đôi mắt đen khá to hơi sâu, thêm cặp chân mày rậm và đôi lông mi dài hơi cong.  Đủ chuẩn để được gọi là đôi mắt đẹp.  Tôi vẫn thường được nghe khen về đôi mắt ấy, thậm chí có người còn bảo đó là đôi mắt của con gái (vì tôi là một nam nhi chính cống).  Và bản thân tôi cũng thầm tự hào về “đôi mắt đẹp” ấy cho đến ngày tôi gặp anh, trong giờ cầu nguyện Lòng Chúa Thương Xót mỗi chiều thứ năm ở nhà thờ Chí Hoà.  Anh tên là Phú, một thanh niên mù ở Trung Tâm Bừng Sáng lên làm chứng cho mọi người về Lòng Thương Xót Chúa.

Thoáng nhìn, anh cũng bình thường như mọi người, cặp kính đen trên khuôn mặt khá đẹp trai, nhưng khi anh gỡ kính ra, mọi người mới biết anh…không có đôi mắt.  Trên khuôn mặt ấy, chỗ của đôi mắt chỉ là mảng da liền không có con ngươi!

Với giọng trầm buồn, anh kể về cuộc đời mình.  Ngay khi lọt lòng mẹ, anh đã không nhìn thấy ánh sáng.  Cha anh đến bệnh viện thăm con lần đầu tiên cũng là lần cuối cùng, vì ông đã nhẫn tâm bỏ rơi mẹ con anh từ cái nhìn đầu tiên ấy.  Người mẹ cố gắng cứu mang anh cho đến năm 4 tuổi rồi cũng bỏ rơi anh đi với một người đàn ông khác.  Từ đó anh mồ côi cả cha lẫn mẹ, cũng may còn có ông bà ngoại chăm sóc đứa cháu tật nguyền côi cút.

Cuộc sống của anh là một chuỗi ngày dài đau thương buồn tủi vì mặc cảm và cô đơn.  Anh chưa từng biết đến ánh sáng, chưa từng được nhìn ngắm những kỳ công tuyệt vời Chúa đã tạo dựng nên.  Anh thiếu thốn mọi thứ, mọi sự trên đời nhưng anh hơn tôi và những bạn trẻ khoẻ mạnh khác vì anh có được một sức mạnh kỳ diệu của niềm tin và tình yêu.  Anh đã phấn đấu để trở thành một con người bình thường như bao người khác.  Anh lại là một người Kitô hữu chính danh, một người có thể giúp ích cho người khác chứ không cam chịu phận tăm tối, sống kiếp tầm gởi, hoặc ngồi than thân trách phận.

Hiện anh đang là sinh viên năm thứ II Đại Học Xã Hội Nhân Văn.  Ngoài giờ học ở trường, anh còn dạy kèm vi tính miễn phí cho các bạn khuyết tật, để những bạn đó có thể tiếp xúc với thế giới bên ngoài qua mạng tin học.  Chưa hết đâu, anh còn có thể đánh đàn guitar, hát và chơi trống nữa.  Đôi mắt mù loà đã không cản trở anh tiến tới phía trước với đầy niềm tự tin.  Bóng tối không ngăn cản được bước chân anh.  Vì ánh sáng của niềm tin luôn rực cháy trong tâm hồn anh.  Ánh sáng của Đức Kitô Phục Sinh chói sáng trong tâm trí anh.

Tôi và cả cộng đoàn chiều hôm đó ngất ngây khi thấy anh ôm cây đàn guitar cất tiếng hát ca ngợi lòng thương xót của Chúa: “Chúa ghi vào hồn con dấu ấn của Ngài. Chúa đi vào hồn con êm ái tuyệt vời, mấy cung đàn tơ, tấu lên trìu mến.  Khúc ca cuộc đời con thơm ngát hương trời.” Anh tật nguyền thế mà lại can đảm tuyên xưng rằng : “Hồng ân Chúa, tràn trề thánh ân. Tay con nhỏ bé đón sao cho vừa…”  Còn tôi thì sao nhỉ?  Có cảm nghiệm hồng ân Chúa trong đời mình và can đảm làm chứng cho tình yêu Chúa không?

Khi cha linh hướng hỏi anh có còn mặc cảm hay phiền trách Chúa vì đã không cho anh có đôi mắt như những người bình thường khác không?  Anh cười nhẹ đáp một câu mà ai nghe cũng giật mình: “Thưa cha, lúc đầu thì có, thậm chí đến mức tuyệt vọng không muốn sống nữa.  Thế nhưng từ ngày con nhận biết Chúa và có niềm tin thì không còn ý nghĩ đó nữa.  Con tạ ơn Chúa đã tạo dựng nên con như thế này.  Vì nếu sáng mắt biết đâu con lại có dịp để phạm tội làm mất lòng Chúa nhiều hơn?”

Nhìn lại mình, nghĩ đến đôi mắt đẹp của tôi, chợt giật mình.  Tôi đã làm gì với đôi mắt Chúa ban cho?  Tôi đã sử dụng chúng như thế nào?  Tôi đã được tận hưởng những vẻ đẹp của ánh sáng, của thiên nhiên vũ trụ, của con người, của vạn vật.  Tôi có nhận ra đó là ân huệ Chúa dành cho tôi không?  Hay tôi cho đó là điều tự nhiên?  Đã bao lần tôi đã dùng đôi mắt đẹp này để lướt vào những trang Web đen, để nhìn những điều tệ hại, tội lỗi, để đọc những điều có thể làm băng hoại tâm hồn.  Đã bao lần tôi thấy những điều sai trái nhưng tôi ngoảnh mặt làm ngơ.  Đã bao lần tôi chứng kiến những điều thương tâm nhưng tôi che mặt quay gót.  Đã bao lần tôi chỉ trau chuốt vẻ bề ngoài mà chưa một lần ngó vào chiều sâu.  Đã bao lần tôi chỉ đánh giá qua hình thức mà chưa hề ngắm kỹ đến nội dung.

Tham dự buổi cầu nguyện và làm chứng của anh Phú, là dịp để tôi nhìn lại chính bản thân mình để suy nghĩ sâu hơn về những gì tôi đã được hưởng, về những gì tôi đã trải qua, về những gì tôi đã, đang và sẽ làm.

Cảm tạ Chúa đã cho tôi có dịp tham dự những giờ cầu nguyện Lòng Thương Xót Chúa và Đức Mẹ ở nhà thờ Chí Hoà.  Chính nhờ “ĐIỂM HẸN GIÊSU” này mà những người trẻ như tôi nhận thức được nhiều điều kỳ diệu.  Chúa đã dùng “đôi mắt tâm hồn” của anh Phú, để mở “đôi mắt xác thịt” của tôi. Chúa đã dùng ánh sáng mầu nhiệm niềm tin của anh để soi sáng ánh mắt đức tin mù tối của tôi.

Những nhân chứng của Lòng Thương Xót Chúa là ánh sáng Chúa gửi đến cho mỗi người trẻ chúng tôi, để mãi là những lời nhắc nhở chúng tôi biết phấn đấu trở thành những Kitô hữu chính danh.  Tôi ao ước mình có thể trở thành một chứng nhân cho Lòng Thương Xót của Chúa ngay trong cuộc sống này, ngay trong môi trường tôi đang sống, đang sinh hoạt, để nhiều người nhận biết được tình yêu tuyệt vời của Thiên Chúa.  Lời ca của anh còn âm vang mãi trong tôi: “Hồng ân Chúa tràn trề tháng năm, tay con nhỏ bé đón sao cho vừa.  Hồng ân Chúa vô biên vô tận, tim con nhỏ bé nhưng hãy còn vơi.”

Những ngày mưa tháng Sáu 2008
Phượng Thái

TÌM….

Mỗi lần nói đến Nước Trời người ta nghĩ ngay đến ở một nơi, một chỗ, một góc nào đó trên bầu trời xa tít mênh mông.  Nơi đó, đầy hoan lạc, đầy sung sướng, đầy thỏa thuê…

Nước Trời không phải là chuyện mua bán kinh doanh đổi chác “mua viên ngọc ấy”.  Nước trời không phải là gian tham lừa lọc “gặp được thì liền chôn giấu lại”.  Nước Trời cũng không phải là chuyện sợ hãi kinh khiếp “chiếc lưới thả xuống”.  Bài Tin Mừng muốn nói lên tâm trạng vui mừng hân hoan của người gặp kho báu, của người thương gia, của ông thuyền chài….

Nước Trời tìm kiếm ở đâu?  Có phải chậy bôn ba tìm kiếm lùng sục hết chỗ này đến chỗ kia, lang thang thơ thẩn hết cửa hàng này sang cửa hàng nọ mãi không mua được thứ mình cần dùng?  Nước Trời có phải bán hết mọi của cải đồ vật trong nhà để đi ra hè phố, công viên ngủ nhờ, rình chờ ai bán thì mua?  Nước Trời có phải thơ thẩn vào các cửa hiệu bán tranh ảnh tượng chọn lấy một khuôn mẫu nào mà mình ưng ý nhất về trưng trên bệ cho mọi người cùng chiêm ngưỡng sít soa?  Nước Trời có phải đi dự các lễ nghi sầm uất đình đám ồn ào đông đúc tấp nập tưng bừng hoa nến?  Nước Trời có phải là đi vào các thư viện miệt mài tìm kiếm trong những pho sách cổ điển, hiện đại để đào bới nhiều ý tưởng thật hay, nhiều tâm tình cảm sốt?  Nước Trời có phải gồng mình lên giữ nề nếp khắt khe, ăn chay hãm mình phạt xác kiêng khem đến phát bệnh ra?

***************

Không phải thế đâu !

Nước Trời, một tình thương yêu âu yếm, một niềm vui hạnh phúc tuyệt vời ở ngay trong lòng, ngay trong mạch máu con tim mỗi người.  Một Tình Yêu đi bước trước không đòi một điều kiện nào. Vậy thì tại sao ta phải lo tìm kiếm?  Tìm kiếm Nước Trời, không phải bôn ba xa gần mà hãy ở yên tại chỗ; không phải bán hết của cải mà hãy cứ giữ lấy; không cần thiết phải đến những nơi ồn ào đình đám, đến cửa hiệu trưng bày tranh ảnh tượng, đến thư viện mở những pho sách dày cộm….  Tìm kiếm là nỗi lòng khao khát khôn nguôi, là đáp lại của lời mời gọi, là sự chọn lựa khôn ngoan.  Khao khát để được gặp gỡ, khao khát để được sống tương quan, khao khát để khám phá ra một tình thương yêu âu yếm đã có sẵn, khao khát để xác tín được một hạnh phúc niềm vui có một không hai.

Ai đã cảm nghiệm được “ân ban” sống với Chúa mọi nơi mọi lúc, sự kết hiệp sâu xa mật thiết với Chúa trong từng hơi thở thì người đó đã cảm nếm phần nào Nước Trời ngay từ hôm nay, sự sống đời đời bắt đầu từ lúc này (“Và cho chúng con được nếm trước những ân huệ Cha sẽ ban cho chúng con ở đời sau” Lời tiền tụng các thánh Trinh Nữ và các thánh Tu Sĩ).  Trong Thánh Lễ mỗi ngày, mỗi người được đụng chạm tới Đấng giới thiệu Nước Trời và như thế cũng là được đụng chạm tới Nước Trời hằng ngày.  Thế nhưng mỗi người có cảm nhận được niềm vui hạnh phúc Nước Trời như trong dụ ngôn Tin Mừng (vị thương gia, người cày ruộng, ông thuyền chài) không?  Hay vẫn còn mơ mộng niềm vui hạnh phúc ở một cõi xa xăm nào đó?  Ở ngoài tầm tay?

Vị thương gia tìm được viên ngọc quý, người cầy ruộng gặp được kho báu…  lúc đó họ bán hết tất cả những gì mình có.  Và cũng như thế, nếu chúng ta cảm nếm được Nước Trời, một tình thương yêu âu yếm, niềm vui hạnh phúc vỡ bờ… lúc này mới nói đến được sự từ bỏ của cải danh vọng địa vị với những ham hố trần gian.  Bởi bao lâu con người chưa cảm nếm thì họ còn đi tìm những niềm vui hạnh phúc nho nhỏ trần gian cung cấp cho…

Đức Kitô xuất hiện, Người giới thiệu Nước Trời với một Thân Thể bầm dập đẫm máu và chết tủi nhục, thế thì có gì hấp dẫn đâu?  Vâng, đến với Thập Giá để sống Nước Trời, bởi nơi dáng vẻ hình hài bên ngoài thô ráp sần sùi đó thì bên trong vẫn ẩn chứa sự dịu ngọt nồng nàn, sức sống mãnh liệt.  Cuộc sống của người khao khát Nước Trời không thể tránh những thử thách sóng gió chao đảo chênh vênh nhưng nếu cứ biết kiên trì trung thành bám chắc vào Tình Yêu thì người đó vẫn luôn đứng vững trong mọi tình huống.

Nước Trời, trong đó Thiên Chúa và những người con thân cận luôn luôn ở ngã ba, ngã tư đường để kêu gào cách thống thiết sự sám hối, hoán cải, quay trở về… bao lâu còn có thể.  Hôm nay lúc này ở đây thời gian cơ hội còn cho phép, đừng chần chừ, ái ngại, so đo tính mà hãy liều lĩnh vùng dậy tung áo choàng đứng thẳng và bước đi.  Đi ra khỏi những ảo tưởng, những vỏ ốc chặt hẹp, những thói quen máy móc buồn tẻ để đi vào một cuộc mạo hiểm phiêu lưu nghìn trùng và như thế để biết thế nào là phó thác, gắn chặt.

***************

Lời tâm sự: Con Thiên Chúa đã hy sinh tất cả vì loài người chúng ta (2 Cor 8,9 ; Pl 2,6-11).  Có thể nói được rằng trần gian hay mỗi người chúng ta là viên ngọc quý, Đức Giêsu cất công đi tìm.  Thế nhưng, thưa các bạn, tôi vẫn cứ tránh né ẩn nấp, nhõng nhẽo làm eo (vì còn mải mê trần thế) không chịu chừa cái mặt… mít ra cho Người gặp.  Cứ để cho Người đào bới đẫm mồ hôi mướt máu ; cứ để Người bôn ba ngược xuôi mòn mỏi, thân xác bải hoải, tay chân rời rã; cứ để người thả lưới cực nhọc dầm sương thâu đêm, dãi nắng cả ngày… và như thế niềm vui mừng nơi Người không có, Nước Trời vẫn chìm lặng trong đăm chiêu.

Có những lúc tôi cũng muốn nếm thử, cũng muốn nhìn coi cho biết Chúa ngọt ngào dường bao, nhưng tôi chỉ thấy quay quắt với chính mình, đối diện với cõi lòng tăm tối nặng nề của mình và cuộc đời tôi như bước vào ngõ cụt, tưởng chừng như sự khao khát, lòng cảm nếm vượt quá sức cố gắng của tôi. Tôi lại buông bỏ, chán nản…

Thế nhưng tôi có trốn chạy mãi được đâu…. Cho đến lúc chẳng còn thấy mình bám víu vào trần gian được nữa, một tiếng nói mạnh mẽ trong tôi là tôi cóc cần mọi sự.  Và tôi đã lấy hết can đảm để đứng lại, diện đối diện, mở mắt thật to mà nhìn, tai vểnh lên để nghe trước Chúa Giêsu Thánh Thể…. lúc đó tôi thấy mình bị nắm bắt “bởi lẽ chính tôi đã được Đức Kitô Giêsu chiếm đoạt”(Pl 3,12)

Mong Manh

NƯỚC TRỜI

– Lạy Ngài! Xin ban cho con tâm hồn khôn ngoan, biết phân biệt lành dữ.

– Vì ngươi đã không xin sống lâu, không xin được giầu sang phú qúy mà lại xin cho được khôn ngoan để biết xét đoán, thì đây Ta ban cho ngươi điều ngươi xin… (V.3:7-12)

Bạn thân mến!  Trên đây là lời đối thoại cầu nguyện của vua Solomon với Thiên Chúa được ghi lại trong bài đọc thứ nhất của Phụng vụ Chúa Nhật hôm nay. Vua Salomon nổi tiếng là vị vua khôn ngoan sáng suốt.  Nhưng điều khôn ngoan sáng suốt nhất của ông là khi được Chúa cho chọn lựa, ông đã không xin được trường thọ hay được giàu sang phú qúy, mà chỉ xin được ơn khôn ngoan, biết phân biệt lành dữ.  Lời cầu xin của ông rất đẹp lòng Chúa, nên Chúa đã khen ngợi và ban cho ông điều ông mong muốn.

Lời Chúa trong Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay cũng mời gọi ta hãy khôn ngoan trong kiếm tìm và lựa chọn:  Hãy tìm kiếm những điều cao trọng và vĩnh cửu.  Hãy chọn lựa và chiếm hữu kho tàng cao qúy hạnh phúc trong cuộc sống đời đời.

Tất cả bắt đầu từ một sự tình cờ may mắn.  Người nông dân nghèo phải đi làm thuê tình cờ gặp được kho báu chôn trong ruộng.  Người buôn ngọc tình cờ gặp được viên ngọc tuyệt vời, có giá trị lớn lao.  Sau đó phản ứng của cả hai người rất giống nhau:  “Khi tìm được kho tàng, tìm được ngọc qúy thì họ vui mừng, về bán tất cả những gì mình có mà mua những thứ ấy ” (MT. 13,44-52).

Chúa Giêsu Kitô chính là kho tàng mà ta luôn mơ uớc.  Ngài là viên ngọc qúy mà ta phải chiếm hữu và là Nước Trời mà ta phải nỗ lực tìm kiếm.  Khi tìm kiếm Ngài, Ngài ban cho ta một niềm vui và sự bình an to lớn hơn tất cả mọi sự.  Dù phải vất vả, dù có khó khăn… ta quyết từ bỏ tất cả, hy sinh tất cả để đổi lấy Nước Trời.  Đó chính là thái độ khôn ngoan cần thiết cho mỗi người Kitô chúng ta hôm nay:

Khôn ngoan vì biết từ bỏ.  Bán tất cả những gì mình có là một từ bỏ lớn.  Dứt lìa những gì mình gắn bó là một từ bỏ lớn hơn nữa.  Bỏ một nơi yên thân chắc chắn để dấn thân vào một nơi bấp bênh thì thật là một từ bỏ đến tận cùng.  Nhưng không có cách nào khác.  Phải bán tất cả mới đủ sức để mua viên ngọc Nước Trời.  Phải đầu tư trọn vẹn con người với tất cả tài năng trí tuệ, sức lực, thời giờ mới mong chiếm đoạt được Nước Trời.  Luyến tiếc một chút là bất thành. Chần chừ một chút là hỏng việc.  Nấn ná một chút là bị lỡ cơ hội.

Khôn ngoan vì biết phân định giữa điều tốt và điều xấu, và nhất là giữa điều “tốt” và điều “tốt nhất”.  Đời sống đem đến cho ta đủ mọi loại giá trị thượng vàng hạ cám.  Như chiếc lưới đánh bắt đủ mọi loại tôm cá, ta phải biết chọn lựa cá tốt, vứt bỏ cá xấu.  Thật dễ dàng khi phải lựa chọn giữa cái tốt và cái xấu, nhưng  giữa những  cái tốt, ta phải khôn ngoan sáng suốt để chọn lựa cái “tốt nhất”, cũng như giữa những cái đẹp; cái cao qúy, ta phải lựa chọn cái “đẹp nhất”; cái “cao qúy nhất”.

* * * * *

Lạy Chúa Giêsu!

Sự giàu sang, danh vọng và khoái lạc trần thế là những điều hấp dẫn con, trói buộc con, làm con đui mù không nhìn thấy những giá trị vĩnh cửu ở trên trời.  Xin Chúa giải thoát con, tháo gỡ con khỏi mọi sự u mê của trần thế,  để con nhìn thấy những sự phong phú và vĩnh cửu ở trên trời,  để con luôn nỗ lực tìm kiếm Chúa và biết khôn ngoan chọn Chúa là nguồn hạnh phúc của đời con.  Amen

Trích từ R. Veritas

GIỜ THỨ 25

Một ngày kia, trong sự buồn sầu các Thiên Thần thưa với Thiên Chúa:

– Nhân loại ngày nay hầu như đã quên hẳn sự cầu nguyện.

Cố vấn của Thiên Quốc liền hỏi các Thiên Thần nguyên do tại sao.  Các Thiên Thần lần lượt trình bày:

– Nhân loại biết họ thiếu sót trong vấn đề cầu nguyện và cũng thường hối tiếc về điều đó. Nhưng họ than là không có thời gian để cầu nguyện.

Nghe vậy, cả triều thần Thiên Quốc lấy làm sửng sốt vì một ngày dài 24 tiếng đồng hồ mà vẫn còn thiếu.  Họ đề nghị: Để ngăn chặn sự xuống dốc này của nhân loại, chúng ta hãy suy nghĩ và tìm một giải pháp thích hợp.  Thế là cả Thiên Quốc hăng say đưa ra các biện pháp làm sao giúp nhân loại tránh được đời sống qúa tiện nghi, chạy theo vật chất, hay trừng phạt thật nặng nề như lũ lụt, v.v…  Nhưng có một Thiên Thần lên tiếng:

– Xin Thiên Chúa cho ngày dài thêm ra một tiếng đồng hồ nữa, xem họ còn than trách không có giờ cho sự cầu nguyện không?

Đề nghị này cả Thiên Quốc thấy hay, và Thiên Chúa đã cho ngày dài hơn một tiếng.  Giờ thứ 25 này được gọi là “giờ của Chúa”.

***************

Nhưng trái với sự chờ đợi, vì vẫn không có nhiều lời cầu nguyện hơn.  Các Thiên sứ lại được phái xuống trần gian để thăm dò tin tức.  Sau thời gian rảo bước khắp nơi, các Thiên Thần trở về Thiên Quốc để báo cáo về tình hình hiện nay của nhân loại.  Một vị kể lại:

– Các nhà kinh doanh than vì thay đổi giờ nên cả tổ chức phải đổi lại, gây ra tốn kém và cần giờ để ổn định lại.  Còn các công đoàn tỏ ra hài lòng vì họ đã đòi hỏi từ lâu điều thêm giờ này.  Và giờ thêm này phải dành cho công nhân nghỉ ngơi.  Các chính trị gia và các nhà trí thức bàn luận rất sôi nổi và kết luận:  Không có ai có quyền bắt buộc người công dân phải làm gì với một giờ nào đó.

Một số người còn đi xa hơn là khi “ở trên” làm ra giờ 25 đã không hỏi ý kiến “ở dưới”, vì vậy không chấp nhận được.

Và cứ như thế, hầu như ai cũng có một lý do để giải thích vì sao không thể dùng một giờ có thêm để cầu nguyện.  Sau cùng có một Thiên Thần kể về một số người.  Đó là những người đón nhận thời giờ được có thêm để tham dự thánh lễ, để phục vụ cho tha nhân và cầu nguyện.  Họ cảm thấy dễ dàng hơn vì có thêm giờ.  Nhưng các Thiên Sứ rất ngạc nhiên vì khám phá ra rằng:  những người này cũng là những người khi một ngày còn 24 tiếng, họ vẫn có đủ thì giờ để cầu nguyện.

Vì vậy trên Thiên Quốc nhận ra là thời gian không mang lại thêm người cầu nguyện.  Sự cầu nguyện là tình yêu.  Lý do con người không cầu nguyện không phải vì không có thời gian, nhưng là sự liên quan giữa con người với Thiên Chúa bị lãng quên.  Nếu có tình yêu thì dù không có giờ người ta cũng tìm ra giờ cho người mình thương mến.

Và các Thiên Thần xin Thiên Chúa cho ngày trở lại bình thường.

Một năm với 365 ngày và mỗi ngày có 24 giờ.  Mỗi người chúng ta bắt đầu làm tính cộng trừ nhân chia, xem mỗi ngày chúng ta dành thời gian cho đời sống cầu nguyện được bao nhiêu.  Qua đó chúng ta biết được sự liên hệ giữa ta với Thiên Chúa như thế nào.

Sưu tầm

***************

Lạy Chúa, bước ra đường con gặp không biết bao nhiêu người.
Họ về, họ đến, họ đi, họ chạy.
Xe hai bánh chạy.
Xe bốn bánh chạy.
Xe cam-nhông chạy.
Cả thành phố chạy.
Các con đường chạy.
Cả thành phố chạy.
Tất cả mọi người chạy.
Họ chạy để khỏi mất thì giờ.
Họ chạy theo thời gian,
Ðể lấy lại thời giờ đã mất,
Ðể lời nhiều thì giờ hơn.
Hết mọi người đều bảo là không có thì giờ.

Nhưng lạy Chúa, con có thời giờ.
Con có thì giờ riêng của con.
Tất cả thời giờ mà Chúa đã ban cho con,
Những năm tháng của đời sống con;
Những ngày của năm tháng con,
Những giờ của ngày sống con,
Tất cả đều thuộc về con.

Con có phận sự phải dùng nó cho đầy đủ trong bình tĩnh và yên lặng.
Dùng nó cho cho trọn vẹn, cho tới phút cuối cùng.
Ðể dâng lên cho Chúa hầu Chúa làm lợi cho kẻ khác.
Chiều nay, lạy Chúa, con không xin Chúa ban cho con thêm thời giờ để làm sự này hay sự khác.
Con chỉ xin Chúa cho con được ơn này là ơn biết dùng nên thời giờ Chúa ban cho con, để tận tình làm những việc mà Chúa muốn con làm..

Michel Quoist, Prières

LỐI ĐI CỦA CON KIẾN

Một đàn kiến đông đảo vô cùng, không biết cơ man nào mà kể.  Ấy thế mà chết cũng không biết bao nhiêu.  Làm sao chúng bị chết?  Trong đoàn kiến sống sót, có con kiến suốt đời u uẩn một mùa tang chế trong hồn nó.  Ðoản bi ca ấy nó viết về sự sống đi bên cõi chết.  Ðoản ca bắt đầu như thế này:

Phần một: Tiếng lòng u uẩn của con kiến

Tiếng kèn hối hả ban hành.  Ðoàn đoàn, lũ lũ bước chân kiến chúng tôi réo gọi nhau lên đường.  Một cuộc ra đi tìm đất sống mới.  Dấp dáng biển đỏ và sa mạc, thấp thoáng mênh mông nắng đá trong ngày con cái Maisen tìm về đất hứa, chúng tôi cũng vậy.  Cuộc ra đi thật ý nghĩa làm sao.

Trên hành trình ấy, sống và chết dựa lưng nhau như đau khổ và hạnh phúc của những chuyện tình. Hạnh phúc đấy, mà đau khổ cũng có thể như con sóng xô bờ, bất chợt đến.  Chúng tôi băng qua ghềnh đá cheo leo.  Chúng tôi chìm xuống vực sâu hiểm nghèo.  Ðêm và ngày đều tắm đẫm bằng thách đố gian nan.  Nhưng trong tim, chúng tôi cố giữ cho nhau lời ca và tiếng nhạc.  Chúng tôi thổi xuống chân mình gió của tiếng kèn mơ ước.  Chúng tôi đẩy gót chân nhau bằng nốt nhạc kiên nhẫn.  Vì thế, chân chúng tôi bớt mỏi, lòng chúng tôi bớt ủ ê.

Qua bờ lau, đá cuội, qua rừng gai gian khổ, chúng tôi thấy ý nghĩa một cuộc lên đường đẹp như thế nào.  Hành trình đi tìm đất sống, ngàn ngàn, lớp lớp chúng tôi đi tới như rừng sao chuyển mình.  Băng qua những vùng tối tăm của rừng gai, trèo lên những khe nứt của đá cheo leo, mù mịt, thế mà không ai trong chúng tôi chết cả.  Càng gần thách đố, chúng tôi càng thêm dũng cảm.  Càng qua tăm tối, chúng tôi càng giăng mình dưới nhẫn nại.

Cuộc đời có những không ngờ của nó.  Có ai ngờ, chúng tôi không chết ở rừng sâu núi đá, chúng tôi bị chết trước cửa đền thờ!  Ðền thờ là nơi nhân ái, bao dung, thánh thiện, thế mà là mồ chôn đời chúng tôi.

Ngày đó, chúng tôi bị nghiền nát, không biết cơ may nào mà kể.  Cho đến bao giờ loài kiến chúng tôi mới biết những bí ẩn của đền thờ và sự chết ấy.

Tôi viết bài ca này như tiếng thơ băn khoăn của lòng để hỏi cuộc đời về những huyền bí của cửa đền thờ và sự chết ở đó.  Chúng tôi băng mình qua gian truân, qua góc tối xó nhà, qua khe nứt tường vôi, qua cheo leo vách ván, qua ẩm mốc chân cột, chúng tôi không chết.  Ấy thế mà, thấy bóng lời kinh, thấy hương đạo hạnh, chúng tôi lại chết tức tưởi, chết ngay lối vào giáo đường.

Ðền thờ là gì?

– Tiếng thầm thì u uẩn trong hồn tôi là: Có khi nào cõi thánh là nghĩa trang buồn?

– Có khi nào cổng đền thờ là lối ra mất tâm đạo?

Từ bài ca của tâm, tôi muốn gọi vào cõi đời để hỏi những vì sao trên trời, để hỏi những bóng tối dưới vực sâu, đâu là ranh giới huyền bí giữa sống và chết, vì sao sự chết đã nắm bắt chúng tôi giữa những bậc thềm vào cõi thánh?

Phần hai: Một lối đi, một con đường.

Hạnh phúc có lối ngã riêng.  Ðường vào cõi chết có tên gọi khác. “Hãy vào cửa hẹp vì đường rộng sẽ dẫn đến hư vong.”  Bầy kiến đến bậc cửa đền thờ, ôi! những bờ đá mênh mông, êm như dòng sông không gợn sóng.  Buồn làm sao! định mệnh của những con đường thênh thang.  Chúng đâu ngờ con đường thênh thang ấy dẫn vào cõi chết.  Nhìn con đường thênh thang, bầy kiến quên rằng mỗi người có một lối đi, mỗi lối đi có một con đường. Và, mỗi con đường dẫn đến một khung trời khác nhau: Sự sống hay cõi chết.

Nhìn thấy thềm đá vào đền thờ rộng mênh mông, phẳng phiu, cứ thế chúng tôi ùa lên mà đi.  Cứ mỗi bước chân con người dẫm lên bậc thềm, hàng trăm nhà kiến chúng tôi bị nghiền nát.  Nhìn bậc cửa đền thờ mênh mông, bầy kiến chúng tôi quên rằng con đường an toàn của kiến là bờ vách, là góc đá, không phải mặt phẳng của các bậc thềm, không phải con đường thênh thang.

Con kiến viết những tiếng lòng u uẩn trên đây là con kiến đã chọn cho mình một lối đi rất hẹp, nó không bước trên thềm đá rộng của các bậc tam cấp mà cứ men theo kẽ góc mà đi.  Con kiến nào bò sát trong góc của bậc thềm là băng qua được sự chết.  Người ta cứ bậc thềm rộng mà giẫm chân lên, nên không biết cơ man nào là kiến đã bị giết chết.

Cũng vậy thôi, con đường hẹp sẽ dẫn vào Nước Trời, còn con đường thênh thang sẽ dẫn tới hư vong.

***************

Con kiến hỏi tại sao, giữa cửa vào đền thờ mà cũng có sự chết.  Nó muốn hỏi bóng tối dưới vực sâu, tại sao lối vào cõi thánh mà có u buồn nghĩa trang.  Tiếng băn khoăn cõi lòng của nó, cũng có thể là tiếng Chúa vọng lên một âm vang đã lặng lẽ trong hồn con người từ lâu.

Người ta có thể bước vào đền thờ mà lối ấy không dẫn đến cõi tâm của Ðạo.

Người ta có thể từ đền thờ bước ra mà tâm vẫn không có hồn đạo.

Bởi, con đường dẫn tới cõi tâm vẫn là con đường Chúa đã căn dặn: “Hãy qua cửa hẹp mà vào, vì cửa rộng và đường thênh thang thì đưa đến diệt vong, mà nhiều người lại đi qua đó.  Còn cửa hẹp và đường chật thì đưa đến sự sống, nhưng ít người tìm được lối này” (Mt. 7:13-14).

Xa giới luật Chúa, thì có bước vào đền thờ vẫn là bước ngoài tâm đạo.  Cái chật chội của con đường hẹp là đưa mình vào giới luật.  Với con đường hẹp ấy thì đi đâu cũng gặp Ðạo, vì cõi tâm lúc ấy chính là Ðường rồi.

Cứ hỏi lòng mình chứ đừng nhìn bước chân mình đang ở đâu. Có thể trong đền thờ mà hồn Ðạo không có trong tâm. Có thể trong đền thờ mà tính toán chuyện không thánh. Con đường hẹp ở trong cõi lòng.

***************

Lạy Chúa,

Không phải cứ bước vào đền thờ là tìm thấy Ðạo. Không phải cứ bước ra khỏi đền thờ là có Ðạo.
Qua tiếng u uẩn trong lòng con kiến nhỏ, phải chăng Chúa nhắc nhở con về sự chết nguy hiểm của đường rộng dễ dãi ngay trong đền thờ.
Chúa muốn con hồi tâm, muốn con nhìn lại lối sống hôm nay và vẽ lại cho mình một lối đi.

Lm Nguyễn Tầm Thường – Trích trong “Cô Đơn Và Sự Tự Do”

THỨC TỈNH

Mặc dù đó là ngày tịnh khẩu của Minh-Sư,  nhưng một khách hành hương đã van xin ngài cho một lời minh triết để có thể hướng dẫn suốt hành trình cuộc sống.

Minh Sư gật đầu, ngài lấy một tờ giấy và viết lên đó hai chữ “Thức Tỉnh”.

Khách hành hương lúng túng và lên tiếng: “Quá vắn tắt. Xin thầy vui lòng nói rõ thêm chút xíu?”  

Minh Sư lại cầm miếng giấy lên và viết: “thức tỉnh, thức tỉnh, thức tỉnh.”

Khách hành hương không hiểu gì cả nên lên tiếng nói: “Nhưng những chữ đó nghĩa là gì?”

Minh Sư cầm tờ giấy lên và viết thêm: “thức tỉnh, thức tỉnh, thức tỉnh nghĩa là THỨC TỈNH”

( Anthony de Mello, trích trong “One Minute Wisdom”)

* * * * *

Bạn thân mến,

Thức tỉnh cũng là điều mà Chúa Giêsu nhắc nhở mỗi người chúng ta trong bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay trong dụ ngôn Cỏ Lùng: “Khi mọi người đang ngủ, thì kẻ thù của ông đến gieo thêm cỏ lùng vào giữa lúa, rồi đi mất”(Mt.13:25)

Cỏ lùng ở đâu mà ra vậy? Thửa ruộng vốn chỉ được gieo giống tốt. Vậy mà khi lúa mọc lên và trổ bông, cỏ lùng lại xuất đầu lộ diện.  Bởi đâu mà có cỏ lùng?  Kinh Thánh cho ta biết kẻ thù đã lợi dụng khi ta ngủ say, lúc ta không tỉnh thức, chúng đã gieo cỏ vào ruộng.

Cỏ và lúa đã sống chung bên nhau.  Đất tốt cho lúa bao nhiêu thì cũng tốt cho cỏ bấy nhiêu. Mầu cỏ quá xanh, mầu lúa cũng quá xanh.  Cái mơ hồ lẫn lộn mầu xanh của cỏ và mầu xanh của lúa làm ta lầm, khó phân biệt.  Chuyện lầm lẫn khó phân biệt ấy cũng thường xảy ra trong đời sống thiêng liêng. Nếu ta thiếu thức tỉnh, thiếu những giây phút lắng đọng suy tư, thiếu những “phút hồi tâm” trong đời sống hằng ngày thì chuyện cá nhân, chuyện gia đình, chuyện cộng đoàn…. lúc đổ vỡ mới nhìn thấy cỏ lùng mọc lên khắp nơi. Thật đáng tiếc vì cỏ lùng đã được gieo từ lâu rồi mà ta không hề hay biết. Thần dữ đã sống và đẩy đưa trong ta từ lâu mà ta không để ý đến.

Cỏ lùng và lúa tốt nằm ở nơi tim mỗi người.  Rất nhiều lúc tôi đong đưa giữa cỏ lùng và lúa tốt, giữa cái thiện và cái ác, giữa thiên thần và Satan…  Ngay trong những hành vi tốt đẹp nhất của tôi, tôi vẫn thấy có chút vị kỷ, chiếm đoạt.  Thiên Chúa vẫn chấp nhận cỏ lùng ở trong tôi.  Ngài không trừng phạt nhưng âm thầm chờ đợi tôi được thanh luyện dần dần, để rồi một ngày nào đó trong tôi mọi sự trở thành lúa tốt.  Đó là sự nhẫn nại, lòng yêu thương và nhân từ của Thiên Chúa đối với con người.

Trong cuộc chiến nội tâm, Thiện và Ác luôn có mặt cùng lúc, cùng nơi, bên cạnh nhau và luôn tranh giành nhau.  Điều ấy xẩy ra nơi mỗi cá nhân, mỗi cộng đoàn và mỗi xã hội.  Tôi luôn bị giằng co, lôi kéo bởi hai thế lực, hai khuynh hướng, hai trào lưu nội tâm trái nghịch nhau, một kéo về hướng tốt, một kéo về phía xấu. Hiểu rõ thực tại này, Thánh Phaolô đã khuyên nhủ: “Những điều tốt tôi muốn làm thì tôi không làm, trong khi những điều xấu tôi không muốn làm thì tôi lại làm”.  Bởi thế, ta luôn phải tỉnh thức và trông nhờ vào sức mạnh và ân sủng Chúa ban trong cuộc chiến nội tâm đầy cam go này.

* * * * *

Lạy Chúa Giêsu,

Xin cho con luôn tỉnh thức để nhận ra những bụi cỏ dại đang sống trong tâm hồn con, những khuynh hướng xấu đang đè nặng trong tâm tư của con.  Xin tiếp tục thanh luyện và biến đổi con, để  mỗi ngày con được ở gần Chúa hơn,  được trở nên giống Chúa nhiều hơn. Amen

Trích từ R. Veritas

NGU NHƯ BÒ

Câu chuyện bắt đầu nhân cơ hội tôi đi thăm Đan Viện Châu Thủy ở Hàm Tân và đi ngang một rẫy bắp.  Tôi thấy một con bò rất đặc biệt đang đi thẳng tắp giữa những hàng bắp chật hẹp để bác nông dân cầy xới đất đắp lên những gốc bắp.  Câu nói dân gian “ngu như bò” chắc không thể gán cho con bò này.  Khoảng cách giữa hai hàng bắp rất hẹp, chỉ vừa một người đi.  Con bò to quá nên khi đi, cả thân mình to lớn của nó phải đẩy hai hàng bắp nghiêng ra hai bên, nó chỉ đi lấn qua một bên thêm một tí nữa thôi là cây bắp sẽ bị gãy.  Chuyện bò kéo cầy thì xưa như quả đất, nhưng hình ảnh con bò đi ngay ngắn giữa hai hàng bắp với tôi là chuyện lạ, dù tôi cũng đã từng làm rẫy nhiều năm ở vùng kinh tế mới Sông Bé.

Bác nông dân không cầm roi quất bò như tôi thường thấy, bác chỉ cầm dây cương thả lỏng và tay kia cầm cái cầy nhỏ để xới đất lên gốc bắp.  Lâu lâu bác mới kêu vài tiếng í, à, ồ, ê… để con bò biết ý chủ mà đi.  Khó nhất là khi đi hết hàng bắp và kêu con bò quay ngược trở lại để đi vào hàng bắp kế tiếp.  Vậy mà bác nông dân chỉ hô vài tiếng là nó hiểu ngay ý chủ.

Bản chất tự nhiên của con bò là hay phe phảy cái đuôi để đuổi ruồi, con bò này thì lại không.  Bác nông dân kể, khi đi cầy ở ruộng thì nó phất cái đuôi để đuổi ruồi nhặng, chỉ khi nào đi vào rẫy bắp nó mới không nguẩy đuôi mà thôi vì mỗi lần nó phất đuôi thì cây bắp chịu không nổi sức mạnh cái phất đuôi của nó.  Bác nông dân nói: “con bò này thuần rồi, mấy con bò khác không làm được.  Hồi đầu, đứa con bác phải đi trước tập dắt nó đi giữa những hàng bắp và la to mỗi lần nó phẩy đuôi, dần dà nó mới thuần được.  Tuy vậy cứ thấy lá xanh là miệng nó ngoạm lấy nhai, bác tập hoài không được nên phải cột cái giỏ nơi miệng nó.”

Hình ảnh con bò và bác nông dân làm tôi liên tưởng đến tôi và Chúa.  Tôi không nghĩ tôi đã thuần được như con bò này vì tôi chưa thấm nhuần được ý chủ tôi.  Tôi cứ hay làm theo bản tính rất ư là “người” của mình.  Mà khi học biết ý chủ rồi thì tôi lại có “nhân đức” hay quên vì tâm hồn hay mơ mộng, hết mộng “gốc xoài” lại mơ tới “gốc ổi.”  Tôi đi đâu cũng thích quay ngang quay ngửa, nếm tí bụi hồng, chạm tí gốc mơ.

Tôi nhìn bác nông dân thấy có nhiều hình ảnh giống Thiên Chúa.  Bác kiên nhẫn tập từng bước một cho con bò biết đi theo ý chủ, bác không đánh đập nó, bác tập nói cái thứ ngôn ngữ đơn sơ ồ, ê của nó để nó có thể hiểu.  Bác biết thói mê ăn uống, dễ bị dụ của nó.  Bác biết nó dốt lắm nên phải dạy đi dạy lại, biết nó hay quên lời dạy nên phải nhắc nhở mãi.  Bác cần nó hợp tác với bác, cần đôi chân tay vạm vỡ của nó để phụ bác trên cánh đồng bát ngát.  Không có nó thì bác canh tác cánh đồng khó khăn mệt nhọc lắm.

Con bò kéo cái cầy đi trước quay ngang, quay ngửa giữa cánh đồng mênh mông.  Nó kiêu hãnh nhìn những luống đất được cầy xới lên vì tưởng đó là công sức khó nhọc của mình.  Nó thầm nghĩ nếu không có nó chắc bác nông dân chẳng làm gì được.  Nó hếch lỗ mũi tự thưởng tài năng và công trạng của mình.  Nghe chủ khen ngoan giỏi, lỗ mũi nó tiếp tục nở ra và nghĩ mình là “cái rốn của vũ trụ.”  Nó quên khuất thân phận nhỏ bé tầm thường và ngu dốt của nó.  Nó có biết đâu rằng nó chẳng làm được gì nếu không có người chủ khôn ngoan khéo léo đi sát bên nó.

Lâu lâu nhìn lại, nó cũng tự biết thân phận ngu dốt như bò của nó.  Nhưng ai nói nó ngu là nó dãy đành đạch, rồi gân cổ biện minh cho mình.  Nó tự hạ nó thì được, chớ ai hạ nó xuống thì không xong rồi đấy nhé.  Nó thích quay ngang quay ngửa, hay so sánh với những con khác để tự mãn thấy mình mạnh hơn, tốt hơn.  Nó thích ngắm những thành quả của nó, thích được chúng bạn khen, dù những lời đó như cơn gió thoảng mà nó vẫn thích thú và mê mệt.  Còn những lời khen ngợi, lời hứa, và cuộc tình với chủ nó thì nó lại chóng quên.

***************

Lạy Chúa, biết bao lần con có những tư tưởng và hành động giống như con bò, quay ngang quay ngửa đi loạng quạng làm gẫy đổ nhiều cây bắp tốt tươi mà Chúa đã gầy dựng và đang chờ thu hoạch.  Vài lần con nhìn thấy những công việc Chúa làm qua con mà con cứ tưởng là công sức của con nên con tự kiêu, tự mãn.  Xin cho con biết ý thức khi không có Chúa, con chẳng làm được gì cả, và nếu có làm được điều gì thành công là đều bởi ân sủng Chúa ban.  Mỗi lần con tự kiêu tự mãn là mỗi lần con ăn cướp công sức của Chúa, vì thành công là bởi công Chúa 99 phần trăm, con chỉ đóng góp một phần trăm bé nhỏ mà thôi.  Thế mà con rất thích thú với những lời khen ngợi và  đón nhận hết phần thưởng như là của riêng con.

Càng ngắm con bò thì con lại thấy mình ngu dốt giống hệt nó.  Vậy mà Cha đã bao nhiêu lần nhắc nhở thân phận của con nhưng con vẫn chứng nào tật nấy, thích được người đời khen ngợi và cũng đồng nghĩa sợ tiếng chê bai.  Xin Cha tiếp tục kiên nhẫn dìu dắt con đi trong ân sủng và tình yêu của Cha, cho con biết tin tưởng phó thác vào tài cầm cương của Cha, và cho con nhận biết đường lối của Cha để con biết đâu là Chúa, đâu là con.  Cha ơi, con không phải tuổi con bò nhưng sao con thấy mình giống con bò thế!  Ngu như vậy mà Cha vẫn sử dụng được thì mới thấy tài nghệ cầm cương tuyệt vời của Cha.  Cám ơn Cha đã mời con hợp tác vào cánh đồng canh tác mênh mông của Cha.

Giuse Ngô Văn Chữ, S.J.
July 13, 2008

HẠT GIỐNG

Có người nằm mơ thấy đi vào một cửa hàng mới khai trương.  Anh ta tò mò bước vào và thấy Chúa Giêsu và các môn đệ đang bận rộn bán hàng.  Anh hỏi Chúa: “Chúa bán gì ở đây vậy?”  Chúa mỉm cười: “Mọi thứ con người mơ ước.”

Thú vị quá, anh hỏi tiếp:  “Con muốn sức khoẻ, gia đình hạnh phúc, công ăn việc làm tốt đẹp.  Chúa có bán không?”  Chúa gật đầu, hỏi lại: “Con còn cần gì nữa không?”  Suy nghĩ một chút anh ta trả lời: “Con muốn mua sự bình an trong tâm hồn, hạnh phúc, khôn ngoan, và sự tự do khỏi mọi nỗi sợ hãi.”  Nghĩ ngợi một chút anh thêm: “Không phải cho con mà cho hết mọi người!”

Chúa bảo anh ta sang quầy bên cạnh lấy hàng. Thánh Phêrô trao cho anh mấy gói nhỏ.  Anh ngạc nhiên hết sức, quay lại nhìn Chúa.  Chúa mỉm cười: “Con ơi, chắc con chưa hiểu rõ rồi. Ta không bán hoa quả.  Ta chỉ bán hạt giống thôi.”

***************

Hạt giống của đức tin, sự bình an trong tâm hồn, hạnh phúc, khôn ngoan, và sự tự do khỏi mọi nỗi sợ hãi… được người gieo giống trong bài Phúc Âm hôm nay vừa đi vừa vung tay thoải mái gieo rắc hạt giống khắp nơi như chẳng quan tâm gì đến việc phung phí.  Người nghe không thể nào hiểu nổi tại sao người gieo giống lại thiếu kinh nghiệm trồng trọt đến thế.

Câu chuyện người gieo giống không phải là về người đi gieo hoặc về hạt giống, nhưng là về tình trạng mảnh đất được gieo trồng.  Không có hạt giống xấu, chỉ có những mảnh vườn chưa được khai thác.

Lời Chúa đến từ trời như nước mưa tưới đẫm mặt đất, đem lại hoa trái dồi dào (Is 55:10).  Ân sủng từ trời cao dồi dào như những hạt giống rơi vãi khắp nơi, trên mảnh đất tâm hồn của người lành cũng như kẻ dữ.  Lời Chúa không phân biệt đối tượng.  Hạt giống đức tin chỉ có một loại như nhau, nhưng nó mọc lên như thế nào thì còn tùy thuộc vào tình trạng của mảnh đất được gieo trồng.

Tất cả chúng ta đều được lãnh nhận cùng một lời mời gọi để sống tự do như con cái Thiên Chúa, để đem những giá trị Tin Mừng thực hành vào đời sống thường nhật.  Nhưng Người cũng biết chúng ta thường gặp những khó khăn cản trở trong việc thực thi Lời Chúa.  Vậy, dụ ngôn người đi gieo giống phải chăng là lời cảnh báo cho chúng ta, đừng ỷ lại nhưng luôn cố gắng nỗ lực để hạt giống đức tin được sinh sôi nảy nở?

Có ba loại ảnh hưởng chúng ta cần phải lưu tâm.

Ảnh hưởng thứ nhất đến từ kẻ thù nội tâm, còn gọi là thần dữ hay ma quỷ.  Đó là những thế lực đối nghịch với chân lý, được diễn tả bằng hình ảnh những con quạ đen chuyên đi ăn cắp hạt giống đức tin bên vệ đường.  Thần dữ luôn luôn gây nghi ngờ và làm hoang mang, khiến ta đóng lòng lại trước chân lý.  Ngày nay, thần dữ gieo hoang mang nghi ngờ vào tâm trí chúng ta bằng những thách đố về khoa học và đức tin, những va chạm của luân lý Kitô giáo và lối sống hiện đại, đang làm chao đảo nhiều người trong chúng ta.  Những câu như: “Cái đó xưa quá rồi”, hoặc “Điều đó đâu có làm hại ai”, hoặc “Ai cũng làm vậy mà” và những câu tương tự thường được lập đi lập lại trên môi miệng mỗi người.  Cuối cùng rồi không khéo, chúng ta sống cũng chẳng khác gì những người không có đức tin.  Hạt giống đức tin, hạt giống nhân bản, đạo đức không có đất để cắm rễ.

Ảnh hưởng thứ hai đến từ sự tìm kiếm bản thân, ưa chuộng bề ngoài hơn chiều sâu.  Đó là hình ảnh của thửa ruộng ít đất đầy sỏi đá.  Người ta dễ dàng bỏ qua những đòi hỏi của chân lý để tìm kiếm những lối sống, kể cả lối sống đạo, dễ dãi hơn.  Chúng ta thường nghe nói “Đạo tại tâm, tôi sống vậy đủ rồi”, hoặc “Sao mà theo đạo rắc rối, đòi hỏi nhiều thứ quá?”  Khuynh hướng sống hưởng thụ, ích kỷ ngày càng sói mòn những giá trị căn bản.

Vì thiếu chiều sâu nên khi gặp nguy nan trắc trở, gian nan thử thách người ta dễ dàng chán nản buông xuôi.  Đâu rồi lòng quảng đại, tinh thần nhẫn nhục hy sinh?  Đâu rồi lòng hiếu thuận trong gia đình, sự trung tín giữa vợ chồng?  Chuyện bỏ mình vác thập giá mỗi ngày đi theo Chúa Kitô càng lúc càng khó thực hiện.

Ảnh hưởng thứ ba đến từ xã hội và môi trường được diễn tả bằng thửa đất đầy gai góc trong dụ ngôn.  Trong cuộc sống quá bận rộn của ngày nay, hạt giống tin mừng phải cạnh tranh với bao thứ mời mọc quyến rũ.  Thế gian khuyến khích chúng ta tìm hạnh phúc nơi của cải, thành công, nổi tiếng, hoặc những thú vui chóng qua.  Các phương tiện truyền thông báo chí hàng ngày tung ra những quảng cáo, những lời hứa hẹn, là nếu ta mua sản phẩm này, dùng dịch vụ nọ, thì đời ta sẽ thoả mãn, hạnh phúc hơn.  Có khi những lời hứa hẹn mang mầu sắc tinh vi hơn qua những chủ nghĩa này, lý tưởng nọ.  Nếu không chạy theo vật chất thì danh vọng hoặc quyền lực.  Tất cả đang tạo cho chúng ta một thế giới ảo, cho rằng hạnh phúc đời người có thể dựa trên những gì đến từ thế giới này.

Cái giá phải trả của đời sống hiện đại thì khá nhiều.  Người ta có nhiều tiền của hơn, nhưng lại ít tình nghĩa hơn.  Nhà cửa to đẹp hơn, nhưng ít niềm vui hơn.  Nhiều tiện nghi hơn, nhưng lại ít thời gian cho nhau hơn.  Nhiều thuốc men hơn nhưng lại ít tráng kiện hơn.  Nhiều thành công hơn, nhưng gia đình lại đổ vỡ nhiều hơn.  Cuộc sống đầy đủ hơn, nhưng lại căng thẳng mệt mỏi nhiều hơn.  Phải chăng đó là kết quả của một lối sống đặt vật chất trên tinh thần?  Một lối sống đặt của cải, danh vọng, quyền lực trên con người.  Con người loay hoay bận rộn với tất cả để rồi từ từ không còn biết mình thật sự là ai.  Và Lời Chúa Giêsu cảnh báo năm xưa vẫn còn giá trị: “Được cả thế gian mà đánh mất chính mình thì được ơn ích gì?” (Mt 16:25-26).

Lời Chúa không phải chỉ để nghe xuông nhưng cần phải đưa vào cuộc sống.  Để có năng xuất cao, nhà nông phải chuyên cần làm việc, phải cày lên sỏi đá, vứt bỏ gai góc, bón phân tưới nước đầy đủ.  Cũng vậy Lời Chúa đòi hỏi kiên trì và nỗ lực nơi tâm hồn của mỗi người chúng ta để sinh hiệu quả.

Chỉ cần một câu Tin Mừng thôi nhưng nếu được suy gẫm kỹ càng và kiên trì thực hiện thì sẽ sinh kết quả gấp trăm.  Đó là những mảnh đất tốt, sinh nhiều hoa lợi.

Bạn và tôi, chúng ta phải làm gì để hạt giống của Chúa sinh hoa kết quả trong đời sống chúng ta?

***************

Lạy Chúa, sau khi đã lắng nghe Lời Ngài, đã thấm nhuần hạt giống đức tin trong tâm hồn, xin cho con biết ý thức việc “THỰC HÀNH” Lời Chúa trong đời sống Kitô hữu của mình.  Xin cho con nhận thức tầm quan trọng của việc “SỐNG” Lời Chúa sẽ quyết định số phận sống còn của hạt giống đức tin chứ không phải là việc “NGHE” Lời Chúa.

Bảo Lộc

NGƯỜI GIEO GIỐNG

“Kìa người gieo giống đi ra gieo giống.  Trong khi người ấy gieo, thì có những hạt rơi xuống vệ đường, chim chóc đến ăn mất. Có những hạt rơi trên nơi sỏi đá, chỗ đất không có nhiều; nó mọc ngay, vì đất không sâu; nhưng khi nắng lên, nó liền bị cháy, và vì thiếu rễ nên bị chết khô. Có những hạt rơi vào bụi gai, gai mọc lên làm nó chết nghẹt.  Có những hạt lại rơi nhằm đất tốt, nên sinh hoa kết quả:  hạt được gấp trăm, hạt được sáu chục, hạt được ba chục”( Mt.13:1-9)

* * * * *

Bạn thân mến!  Trên đây là dụ ngôn “Người gieo giống” và cũng  là nội dung bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay.  Khi nghe qua dụ ngôn này, có lẽ chúng ta đều có chung một suy nghĩ:  “Anh nông dân này khờ quá.  Gieo bốn hạt, mà chỉ có một hạt rơi vào đất tốt.  Một cách làm ăn không hiệu quả, chỉ thua lỗ mà thôi .  Phải chi anh ta cẩn thận hơn, chỉ gieo hạt trên mảnh đất màu mỡ, đã được chuẩn bị hẳn hoi, cất đi 3 hạt còn lại, thì chắc sẽ thu hoạch được nhiều hơn.  Nhưng không, anh ta cứ vung vãi hạt giống khắp nơi: từ lề đường, đến đất sỏi đá và cả bụi gai nữa.  Anh gieo như không tiếc hạt giống vậy!

Qua dụ ngôn “Người gieo giống”, Thiên Chúa muốn tỏ bày cho chúng ta thấy lòng quảng đại và hy vọng của Ngài đối với con người chúng ta. Ngài là một Ðấng hào phóng, quảng đại và không tính toán hơn thiệt khi ban phát. Ngài không ngần ngại gieo hạt giống “Lời Chúa” và “Ân Sủng” vào lòng mỗi người chúng ta.  Hạt giống ấy là Đức Giêsu Kitô, là Ngôi Lời, là Con yêu dấu của Ngài.

Qua dụ ngôn “Người gieo giống”, Thiên Chúa đã gieo hạt giống Lời Chúa đến khắp mọi nơi và vào tâm hồn của mọi người.  Có hạt bị chim trời ăn mất, khi chưa kịp nảy mầm phát triển.  Có hạt bị khô cháy khi chưa bám rễ.  Có hạt đã mọc thành cây, nhưng bị gai làm chết ngạt.  Nhưng may thay, có những hạt rơi vào đất tốt và đem lại kết quả gấp bội.  Lời Chúa vẫn còn gặp được mảnh đất phì nhiêu, còn gặp những tâm hồn đầy khao khát và hy vọng

Qua dụ ngôn “Người gieo giống”, Thiên Chúa mời gọi ta hãy lắng nghe Ðức Giê-su chỉ dạy, hãy tin tưởng và đón nhận Ngài như mảnh đất tốt đón nhận hạt giống tốt.  Hạt giống tốt rơi vào đất tốt sẽ phát sinh thành cây tốt, sẽ mang lại tràn đầy hoa trái trong mùa thu hoạch

Dụ ngôn “Người gieo giống” giúp ta phải tự hỏi lòng mình:  Có bao nhiêu hạt giống “Lời Chúa” đã được gieo vào lòng tôi?  Số phận của những hạt giống ấy giờ này ra sao?  Hạt giống ấy đang nằm ở đâu trong cuộc đời của tôi ? Tôi đã đón nhận những hạt giống ấy như thế nào? Tôi đã làm gì để hạt giống ấy được phát triển và lớn lên ?

* * * * *

Lạy Chúa Giêsu, con đường dài nhất là con đường từ “tai” đến “tay” của con, vì con chỉ biết “nghe” mà không dám “làm”,  thích nghe Lời Chúa dạy nhưng lại không dám đem ra thực hành. Xin giúp con đừng hời hợt khi nghe Lời Chúa, đừng để nỗi đam mê làm Lời Chúa trở nên xa lạ.  Xin giúp con dọn dẹp mảnh đất đời mình, để hạt giống Lời Chúa được tự do tăng trưởng, được sinh hoa kết trái mang lại lợi ích thiêng liêng cho cuộc sống của con.  Amen

Trích từ R. Veritas