BIẾN HÌNH

Mùa Chay mang mầu tím ảm đạm.  Mầu tím buồn để ta nhớ đến thân phận tội lỗi yếu hèn của mình.  Mầu tím buồn để ta nhớ đến cuộc sống mong manh chóng tàn nơi cõi thế.  Mầu tím buồn đưa ta đi theo bước Chúa Giêsu trên đường khổ nạn.  Mầu tím buồn nhắc ta nhớ đến cái chết đau khổ của Người trên thánh giá.

Giữa bầu khí ảm đạm của mùa Chay, hôm nay bỗng bừng lên làn ánh sáng chói chan từ đỉnh núi Ta-bo.  Chúa Giêsu lên núi cầu nguyện.  Đang khi cầu nguyện, dung mạo Người bỗng dưng đổi khác.  Thần tính phát lộ khiến dung mạo Người trở nên sáng láng.  Ánh sáng rực rỡ làm say mê tâm hồn các môn đệ.  Được sống trong khung cảnh thần thiêng thánh thiện, các ông không muốn rời bỏ đỉnh núi nữa.

Ta hãy nhớ lại, trước đó 8 ngày, khi Chúa Giêsu loan báo Người đi lên Giêrusalem để chịu đau khổ và chịu chết, Phêrô đại diện cho các môn đệ đã phản đối.  Ông không muốn chấp nhận thánh giá.  Ông không muốn Thầy mình dấn thân vào con đường chịu chết khổ nhục.  Thế mà hôm nay, đứng trước vinh quang của Thầy, ông đã say mê và đề nghị Thầy trò cùng ở lại trên ngọn núi hạnh phúc.  Trốn khổ tìm sướng vẫn là cái thường tình của con người.  Nhưng Chúa Giêsu đã dẫn các môn đệ xuống núi để tiếp tục con đường lên Giêrusalem chịu chết.

***************

Việc Chúa Giêsu biến hình trên núi như thế là có chủ đích.  Người hé lộ thần tính của Người để các môn đệ thêm niềm tin tưởng.  Người cho các ông thấy vinh quang của thần tính để các ông chấp nhận con đường đau khổ Người sắp trải qua.

Việc Chúa biến hình ban cho các môn đệ niềm hy vọng.  Hy vọng đó là: con đường đau khổ sẽ dẫn đến hạnh phúc.  Cái chết tủi nhục sẽ dẫn đến ngày Phục Sinh hân hoan.  Không ai có thể sống mà thiếu niềm hy vọng.  Người học sinh kiên nhẫn ngày ngày cắp sách đến trường, đêm đêm chong đèn đọc sách, vì hy vọng vào kết quả mùa thi tốt đẹp.  Người cha, người mẹ tần tảo sớm hôm, quên mình để lo cho con cái, vì hy vọng vào tương lai con cái sẽ tốt đẹp hơn.  Niềm hy vọng vào vinh quang Phục Sinh sẽ giúp các môn đệ can đảm chấp nhận cuộc khổ nạn thương đau và cái chết tủi nhục của Thầy chí thánh.

Việc Chúa Giêsu biến hình đã biến đổi cách nhìn của các môn đệ về con người và cuộc đời.  Từ nay các ông sẽ không nhìn ở bề mặt mà biết nhìn vào bề sâu.  Bên trong thân xác phàm nhân của Chúa Giêsu có ẩn chứa bản tính Thiên Chúa.  Bên trong cuộc khổ nạn tủi nhục có gieo sẵn mầm mống Phục Sinh vinh quang.  Cũng thế, bên trong mỗi thân xác có sự hiện diện của một linh hồn.  Bên trong mỗi con người phàm trần có ẩn tàng mầm mống thần linh.  Bên trong những thưở ruộng khổ đau có gieo sẵn hạt mầm hạnh phúc.  Trong những vất vả nhọc nhằn tăm tối hôm nay đã hứa hẹn thành công tươi sáng của ngày mai.

Việc Chúa biến hình giúp các môn đệ hiểu biết định mệnh con người.  Bản tính Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu đã chiếu sáng trên xác phàm con người.  Con người được rạng ngời vinh quang Thiên Chúa.  Đó là điềm báo trước: mang sẵn trong mình mầm mống thần linh, con người sẽ trở về với Thiên Chúa.  Cuộc trở về phải vượt qua những đớn đau, những gian nan, những thử thách.  Nhưng đã biết trước đích đến, ta sẽ vui lòng đón nhận tất cả.  Vì thế, đạo Công giáo tuy đề cao đau khổ, nhưng không rơi vào yếm thế, bi quan.  Đau khổ chỉ là phương tiện.  Chấp nhận thánh giá, vì đó là nhịp cầu cần thiết để con người vượt qua từ sự chết đến sự sống, từ đau khổ đến hạnh phúc, từ tủi nhục đến vinh quang.

TGM Ngô Quang Kiệt

***************

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã chuẩn bị cho các môn đệ trước khi lên núi Sọ là đường lên núi Tabo vinh hiển, xin cho con biết phó thác đời con trong tay Chúa với niềm tin mãnh liệt không thử thách nào quá sức chịu đựng con người.  Trong mùa Chay thánh này, xin khơi dậy mầm mống thần linh trong xác phàm yếu hèn của con để con trở về với Chúa.  Amen!

SA MẠC TÂM HỒN

Một buổi sáng như thường lệ, ông Alfes vừa thưởng thức ly cà phê nóng, vừa liếc qua nhìn những tựa đề lớn trên tờ nhật báo. Ông hoảng hốt khi đọc thấy tờ báo đã đưa tin về cái chết của chính ông.  Bản tin mang tựa đề lớn in chữ đậm, viết như sau: “Alfes, Ông vua Lựu Ðạn vừa qua đời”.  Ông nghĩ: Có lẽ người ta đã in lầm tên của ông với một người nào đó chăng? Thế rồi với tính tò mò, ông cố đọc xem người ta nói gì về ông sau khi ông chết. Ông đọc thấy tờ báo đã mô tả ông như 1 người buôn bán cái chết.

Thật vậy, ông Alfes chính là người đầu tiên phát minh ra chất nổ giết người. Ông mở xưởng sản xuất lựu đạn và trở nên một tỷ phú trên xương máu của biết bao nhiêu người khác. Với vũ khí giết người đó, ông chính là người lái buôn của sự chết. Ông tự hỏi mình:

– Tôi thực sự có nên tiếp tục với cái nghề không lành mạnh này không? Tôi có muốn xuống mồ với cái danh hiệu là người buôn bán sự chết không?

Sau những ngày sống trong trong thinh lặng và đối diện với lương tâm của mình, ông như người tỉnh ngộ sau cơn mê. Từ ngày đó, Alfes nhất định thay đổi lối sống, ông tận dụng tất cả thời giờ, tiền bạc và sức lực còn lại để thực hiện công cuộc thăng tiến con người và kiến tạo hòa bình.  Tên của ông đã đi vào lịch sử của nhân lọai không phải với danh hiệu người lái buôn sự chết, nhưng là người sáng lập giải thưởng Nobel hòa bình.  Bởi vì tên của ông là Alfes Nobel.

***************

Bạn thân mến! Mỗi năm vào Mùa Chay, Giáo Hội cũng mời gọi chúng ta đi vào trong thinh lặng của cuộc đời, vào trong “sa mạc tâm hồn” của lòng mình, để gặp gỡ và đối diện với chính mình, để cùng cầu nguyện và chay tịnh với Chúa Giêsu, để gặp gỡ Ngài và để được Ngài biến đổi…

Vào sa mạc tâm hồn để đón nhận ân sủng của Thiên Chúa, để khoét rỗng chính mình, để loại ra khỏi con người của mình những gì không phải là của Thiên Chúa, những gì không thuộc về Ngài, để chuẩn bị tâm hồn cho khang trang sạch sẽ để xứng đáng đón nhận ơn Chúa Phục Sinh.

Vào sa mạc tâm hồn để được tôi luyện và được nuôi dưỡng trong niềm tin, sự bình an và tình yêu thương. Sa mạc của tâm hồn mang đến cho ta những giây phút thinh lặng và cầu nguyện để gặp gỡ Thiên Chúa và tìm gặp chính mình … Chỉ khi sống đơn độc trong sa mạc của tâm hồn, ta mới nhận ra những yếu đuối và bất toàn của thân phận con người. Và chỉ khi sống thinh lặng trong sa mạc tâm hồn, ta mới nhận ra quyền năng cao cả của Thiên Chúa và tình yêu thương bao la của Ngài.

Vào sa mạc tâm hồn là để quay trở về với Thiên Chúa, để tha thứ và được tha thứ với anh chị em, để hồi tâm tưởng nhớ đến những việc làm; những lời nói và những suy nghĩ của chính mình hầu tu chỉnh cuộc sống, để sống tâm tình đáp trả qua việc hy sinh quảng đại vì Thiên Chúa và vì những ơn phúc mà Ngài đã ban cho chúng ta.

***************

Lạy Chúa, Mùa chay như là một nhắc nhở mỗi người chúng con hãy sống tinh thần của sa mạc, hãy sống gắn bó liên kết với Chúa và với anh chị em một cách sâu xa hơn.  Xin giúp chúng con sống trọn vẹn những ngày hồng phúc này trong tình yêu thương và ân sủng của Chúa.  Amen.

Linh Xuân Thôn

VÀO HOANG ĐỊA

Một người hàng xóm nhìn thấy thầy Nas-rud-din quì gối và chống tay tìm kiếm vật gì đó ngoài sân. Ông lên tiếng hỏi:

– ThầyNas-rud-din ơi! Thầy đang kiếm gì đó?

– Tôi kiếm chìa khóa của tôi.

Cả hai người cùng quì gối để kiếm. Sau khi tìm kiếm một lúc lâu mà không thấy, người hàng xóm lên tiếng hỏi:

– Thầy đã mất chìa khóa ở đâu ?

– Ở trong phòng khách nhà tôi.

– Chúa ôi! Vậy tại sao thầy lại tìm kiếm ở ngoài sân?

– Bởi vì ở đây sáng sủa hơn.

Bạn hãy tìm kiếm Chúa nơi mà bạn đã đánh mất Ngài…

( Anthony de Mello, trích trong  “The Song of the Bird”)

***************

Bạn thân mến! Mỗi năm vào Mùa Chay, Giáo Hội mời gọi các tín hữu hãy đi vào hoang địa với Đức Giêsu để chịu thử thách, để được tôi luyện … Và hãy đi vào hoang địa của cuộc đời mình, nơi ta đã  xa lìa Thiên Chúa và cũng là nơi ta có thể tìm kiếm và gặp gỡ Ngài.

Hoang địa trong đời sống tự nhiên là nơi hoang vu, không nhà không cửa, không người thân, không cây cối, không có một tiện nghi tối thiểu nào.  Chỉ có cát đá, thú dữ, khó khăn và thử thách… Hoang địa của cuộc đời là nơi xảy ra cuộc chiến đấu không ngừng nghỉ với ba thù: ma quỷ, xác thịt, thế gian. Để có đủ khả năng chiến đấu, ta phải được rèn luyện, phải có đủ sức mạnh để vượt qua những gian nan thử thách.

Vào hoang địa của cuộc đời là sẵn sàng chấp nhận những khó khăn, thiếu thốn trong cuộc sống vật chất, dù đói nghèo vẫn giữ được tâm hồn tự do, không chịu nô lệ vật chất. Nhịn ăn một bát cơm không bằng nhịn nói một lời có thể làm buồn lòng người khác. Nhịn ăn một miếng thịt không bằng nhịn đi một cử chỉ xúc phạm đến anh em. Nhịn một bữa cơm ngon không bằng nhường nhịn, tha thứ, làm hòa với nhau. Kiềm chế cơn đói không bằng kiềm chế cơn nghiện rượu, nghiện ma túy, nghiện cờ bạc. Kiềm chế cơn khát không bằng kiềm chế dục vọng, tính tham lam, thói kiêu ngạo.

Vào hoang địa của cuộc đời là kiên cường chống trả mọi cơn cám dỗ ma quỷ đưa tới: Cám dỗ im lặng vì sợ liên lụy. Cám dỗ giả mù giả điếc trước sự thật rành rành. Cám dỗ thỏa hiệp với sự dữ để được yên thân. Cám dỗ sống một đời sống tầm thường, buông thả và trác táng.

Vào hoang địa của cuộc đời là để trở về với Thiên Chúa và với anh em bằng sám hối ăn năn nhìn nhận tội lỗi của chính mình, là giữ tâm hồn bình an thanh thản để gặp gỡ Chúa, tiếp xúc thân mật với Ngài qua cầu nguyện và qua  bí tích.

Vào hoang địa của cuộc đời là chiến đấu từ bỏ ý riêng để tìm Ý Chúa, là từ bỏ con đường kiêu căng để đi vào con đường khiêm nhường, từ bỏ con đường rộng để đi vào con đường hẹp, từ bỏ con đường dễ để đi vào con đường khó, từ bỏ con đường vinh quang để đi vào con đường thập giá, từ bỏ con đường giàu sang để đi vào con đường nghèo hèn, từ bỏ con đường riêng tư để đi vào con đường Thiên Chúa đã định cho cuộc đời mình.

***************

Lạy Chúa, khi mang thân phận yếu đuối con người, con luôn luôn phải đối diện với những cơn cám dỗ thật ngọt ngào và hấp dẫn, con không đủ sức để vượt qua những níu kéo mời gọi đang bủa vây trong cuộc đời.  Xin Chúa nâng đỡ sự yếu hèn của con và ban ơn giúp sức cho con để con có cam đảm đương đầu với những thử thách, để con quyết tâm ăn năn thống hối trở về trong mùa chay thánh này. Amen

BẪY NGẦM

Người Eskimo bắc cực có cách bẫy chó sói rất độc đáo.  Họ mài những con dao thật bén, rồi đem nhúng dao đó vào máu súc vật cho đến khi lưỡi dao bọc toàn máu.  Đêm đến, họ đem dao đó cắm ngoài đồng.  Chó sói thính hơi nghe mùi máu, chạy đến liếm lưỡi dao tới tấp.  Đến khi chính lưỡi nó bị dao cắt đứt, máu chảy ra, nó vẫn mải mê cắm đầu liếm mà không biết mình đang liếm máu mình cho tới lúc kiệt sức ngã lăn ra chết.

***************

Con sói vì mê say liếm máu tươi nên bị cạm bẫy mà chết.  Còn con người chúng ta thì sao?  Có khôn ngoan hơn không?  Chúng ta cũng bị nhiều cạm bẫy đang rút dần rút mòn cuộc sống mình mà không biết.  Hôm nay, trong câu chuyện Đức Yêsu bị cám dỗ trong sa mạc, tác giả Luca đã khéo léo lồng vào ba loại cám dỗ mà chúng ta thường mắc phải trong đời thường: ăn sung mặc sướng, vinh hoa phú quý, và danh vọng thành đạt.

Cạm bẫy thứ nhất đánh vào bản năng tự nhiên để sinh tồn, vào nhu cầu thể xác cơm ăn áo mặc.  Đành rằng có thực mới vực được đạo, nhưng con người không chỉ cần cơm bánh, mà còn cần những giá trị tinh thần để nuôi dưỡng đời sống.  Biết bao nhiêu cảnh đời éo le đã và đang xảy ra quanh ta chỉ vì nhiều người chỉ lao đầu quần quật lo thỏa mãn nhu cầu vật chất mà quên đi ý nghĩa cuộc đời. Ta sống làm gì?  Sống cho ai?

Cạm bẫy thứ hai đánh vào nhu cầu tâm lý có voi đòi tiên.  Nó tạo ra cho chúng ta nhiều nhu cầu giả tạo về vật chất, cũng như tinh thần.  Đồ dùng phải là hàng hiệu.  Quần áo thì phải nhãn mác.  Xe cộ, nhà cửa phải bằng người ta.  Cái tâm lý muốn có tất cả, không muốn thua kém ai, nếu không biết tiết chế sẽ đưa chúng ta vào bẫy sập của lòng ham muốn vô độ.

Cạm bẫy thứ ba lại càng tinh vi hơn. Thành công, được trọng vọng, được người khác tri ân biết đến mình là một nhu cầu tinh thần.  Đo lường cuộc sống bằng thành công luôn là một cái bẫy nguy hiểm kể cả cho những ai tưởng mình đã thoát tục.  Một câu khen tặng có thể làm ta ngây ngất đến trời mây.  Một vài lời phê bình chỉ trích cũng có thể làm ta rơi vào lửa hận thù ghen ghét.  Còn thất bại thì sao?  Nó có làm cho ta thối chí nản lòng, rồi đâm ra ganh tị bất mãn không?  Nó có làm cho ta nghi ngờ vào tình thương của Thiên Chúa, vào sự hiện diện của Người không?

Ăn sung mặc sướng, vinh hoa phú quý, và danh vọng thành đạt là các bẫy ngầm làm chúng ta dễ dàng đánh mất đi giá trị của chính mình là “con cái Thiên Chúa.”  Ngay cả các tu sĩ linh mục cũng chưa chắc thoát ra được những cạm bẫy này.  Nếu ma quỷ không bỏ qua cho Đức Yêsu, dễ gì chúng bỏ qua cho chúng ta.  Bạn và tôi, chúng ta cần xin ơn Chúa để sớm nhận ra những cạm bẫy này trong đời sống hàng ngày, và tìm cách tránh xa chúng.

Sống trong một xã hội hưởng thụ, chúng ta dễ dàng bị hoa mắt bởi muôn vàn lời mời mọc quyến rũ. Tất cả những nhu cầu vật chất cũng như tinh thần, tự chúng không phải là điều xấu.  Chúng trở nên cám dỗ khi chúng ta dựa vào chúng để tìm hạnh phúc.  Chúng là những bẫy ngầm trói buộc chúng ta khi ta dành quá nhiều thời gian của cuộc sống để chạy theo chúng.

Nếu không cẩn thận chúng ta rất dễ lầm lẫn giữa “những gì tôi muốn” và “những gì tôi cần”. Lòng ham muốn sẽ chi phối, ảnh hưởng trên cuộc sống chúng ta.  Những quyến luyến dính bén, rất dễ đưa chúng ta vào con đường thỏa mãn chính mình và xa rời Thiên Chúa. Chúng ta cũng sẽ như con sói liếm máu mình cho đến chết.  Satan chỉ chờ có thế!

Mùa Chay.  Mùa của sự tỉnh thức, là thời gian để hồi tâm cảnh tỉnh trước những cạm bẫy của cuộc đời.  Mùa Chay cũng là lúc Hội thánh mời gọi chúng ta vào sa mạc của cõi lòng mình, để cùng đồng hành với Đức Kitô trên đường thao luyện tâm linh.   Lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta phải tỉnh thức để không bị mê hoặc.

***************

Lạy Chúa Yêsu,  Chúa đã trải qua 40 ngày trong sa mạc để chịu thử thách.  Xin cho chúng con được ơn biết nhận ra những bẫy ngầm trong cuộc sống, và có sức mạnh để chống trả.  Xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ.  Nhưng xin cứu chúng con khỏi mọi sự dữ.  Amen!

Bảo Lộc

NẾU CÓ THỂ HÃY THA THỨ

“Điều cốt yếu là thuận vợ thuận chồng, nuôi nấng con cái thành người chứ không phải là bắt ghen, trị tội, làm cho ra lẽ, chẳng ích lợi gì…”. Đó là lời khuyên của một người đã trở thành bà nội đối với con cháu mình. Câu chuyện được kể như sau:

Tôi và vợ tôi là sinh viên học cùng khoa Xây dựng Trường ĐH Bách khoa. Sau 2 năm tìm hiểu, chúng tôi đã yêu nhau. Ra trường, cả hai đều có việc làm ổn định, rồi kết hôn. Cô con gái xinh xắn ra đời càng làm cho cuộc sống vợ chồng tôi thêm hạnh phúc.

Tuy nhiên, do yêu cầu công việc (cả hai đều là kỹ sư xây dựng) nên chúng tôi thường xuyên phải xa nhà để theo những công trình. Có khi con gái được nội, ngoại giữ suốt mấy tháng trời mà chẳng gặp ba mẹ. Vì vậy những giây phút bên nhau của chúng tôi cực kỳ quý báu. Tôi tận dụng thời gian đó để chăm sóc vợ, dạy bảo con. Trong thời gian xa cách, dẫu có nhiều cám dỗ nhưng tôi vẫn luôn giữ mình để xứng đáng với lòng tin yêu của vợ.

Thế nhưng vợ tôi lại không làm được như vậy, cô ấy đã sa ngã khi theo một công trình xây dựng ở tỉnh nọ. Trong những tháng ngày tham gia giám sát thi công, cô đã được người thầu quan tâm, chăm sóc. Trước, ông ta làm thế chỉ để lấy cảm tình của vợ tôi, giúp nghiệm thu công trình dễ dàng hơn. Nhưng dần dà, sự tán tỉnh quá mức của hắn đã khiến vợ tôi mê đắm. Cô ấy trở thành tình nhân của hắn mà tôi không hề hay biết.

Dù nghe nhiều người xì xào về đức hạnh của vợ mình, tôi vẫn luôn minh oan cho vợ, vẫn một mực cho rằng vợ mình vô tội. Cho đến một ngày, chính anh ruột tôi đến thẳng nơi làm việc tìm tôi, đưa cho tôi một vé máy bay kêu đi theo anh ấy về nhà, có việc cần. Vừa xuống máy bay, anh đưa tôi đến thẳng khách sạn, lên một phòng, gọi cửa. Khi cửa vừa hé mở, anh xông thẳng vào và chỉ cho tôi thấy người vợ thân yêu đang ở trong đó cùng ông chủ thầu. Hắn nhanh chóng chuồn khỏi, để lại vợ tôi cúi gằm mặt không nói được lời nào.

Anh trai tôi dằn mặt cô ấy… Tôi cảm thấy thật nhục nhã. Tôi muốn làm một cái gì đó để xả giận nhưng tay chân tôi như cứng đờ. Đột nhiên, cô ấy quỳ xuống, khóc lóc, xin tôi tha thứ – hãy vì con mà tha thứ cho cô ấy. Nhưng anh tôi lại xen vào: “Thế lúc cô phản bội chồng, cô có nghĩ đến con không?”.

Tôi lẳng lặng viết đơn ly dị đưa cho cô ấy. Trong thời gian chờ tòa xử, gia đình tôi đã thóa mạ, mắng chửi cô ấy thậm tệ, cấm cô ấy không được về thăm con. Những lần cãi vã, đứa con gái bé bỏng của chúng tôi mắt ngơ ngác hết nhìn ba rồi quay sang mẹ, miệng mếu máo nhưng chẳng ai để ý, vì chúng tôi còn mải chì triết, trách móc lẫn nhau. Ngày xưa, chỉ cần cháu sụt vài trăm gram là cả nhà đã lo sốt vó. Lúc này cháu gầy trơ xương, tối nào ngủ cũng giật mình khóc thét, lại hay cáu gắt, đôi lúc lại trầm tư chẳng muốn nói chuyện với ai…

Sau hai, ba lần hòa giải không thành, tòa án đã quyết định cho chúng tôi ly hôn, giao cho cô ấy được nuôi con.

Hôm ấy, tôi đang cho cháu ăn sáng, nghe tiếng xe mẹ về, cháu chạy vội ra, hai bàn tay bé xíu vỗ vỗ vào nhau, miệng cười thật tươi: “A, mẹ về, mẹ về”. Ngày xưa, những lúc ấy, tôi thường chạy lại đỡ xe cho vợ để cô ấy ôm con. Nhưng lúc đó tôi tỉnh bơ nhìn cô ấy khó nhọc dắt xe lên cái bục cao, mặc con bé giơ tay đòi mẹ ẵm. Cô ấy vào nhà, lấy mấy bộ đồ của con cho vào túi rồi dắt nó đi. Con bé một tay ôm con gấu bông, một tay nắm tay mẹ, vừa đi vừa nhìn lại phía sau xem tôi có đi theo không.

Cháu đi được một quãng rồi chạy trở lại, ôm lấy tôi hôn. Tôi rơi nước mắt, siết cháu vào lòng. Tôi ngước nhìn vợ, cô ấy xanh xao, hốc hác, mắt thâm quầng, chắc đã nhiều đêm không ngủ. Về với cô ấy con tôi sẽ ra sao khi không có cha? Còn nếu ở với tôi mà không có mẹ thì ai sẽ chăm sóc, vỗ về con? Trong lúc cô ấy đến nắm tay con để dắt đi, tôi chụp tay con lại thì vô tình chạm vào tay cô ấy. Bàn tay mềm mại ngày nào tôi đã siết để đặt lên lời thề suốt đời có nhau. Tôi khó nhọc bảo:

– Hay là thôi, em ở lại chăm sóc con cùng anh.

Đôi mắt cô ấy sáng lên nhưng rồi cụp ngay xuống.  Mãi khi tôi nhắc đến lần thứ ba cô ấy mới quăng túi đồ, ôm lấy tôi mà khóc.

Tha thứ thì dễ, nhưng quên đi thì quá khó. Tôi đã rất đau đớn mỗi khi nhớ lại sự việc và càng đau đớn hơn khi luôn bị gia đình dằn vặt. Tôi đã sống trong sự bức bối như vậy suốt một thời gian dài. Đã có lúc tôi bị khủng hoảng tưởng như không thể chịu đựng nổi, nhưng khi nhìn con vui vẻ, hạnh phúc, nằm ngủ ngon lành với ba một bên, mẹ một bên thì mọi chuyện lại vơi đi. Vợ tôi sau đó đã xin về gần nhà làm công tác hành chính để có thời gian chăm sóc tôi và con chu đáo hơn. Giờ đây, cuộc sống của tôi chẳng có gì đáng phàn nàn. Trong một lần về quê, bà nội tôi đã la rầy anh tôi:

– Vợ chồng nó hòa hợp lại với nhau là điều đáng mừng, sao tụi bây cứ mong cho chúng xào xáo? Lẽ ra khi hay vợ nó làm bậy, tụi bây phải khuyên răn để nó quay về với chồng nó. Đằng này đứa nào cũng chỉ muốn bắt quả tang, muốn quậy cho gia đình nó tan đàn xẻ nghé. Điều cốt yếu là thuận vợ thuận chồng, nuôi nấng con cái thành người chứ không phải là bắt ghen, trị tội, làm cho ra lẽ, chẳng ích lợi gì.

Nội tuy già nhưng sáng suốt hơn nhiều người trẻ. Nghe lời nội, tôi cố quên và dần dần cảm nhận được niềm hạnh phúc ngọt ngào của gia đình. Tôi viết bài này với mong ước thành thật: khi xảy ra điều lầm lỗi, nếu vợ chồng còn có thể tha thứ được, hãy vui vẻ tha thứ cho nhau. Bởi vì sự tha thứ là nền móng vững chắc nhất để xây dựng gia đình. Có nó, thì dù sóng to, bão lớn nào cũng có thể qua đi…

Sưu tầm

***************

Lạy Chúa Giêsu, trước khi học bài học “hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em” (Lc 6:27), xin dạy con biết tha thứ cho những người thân thương của chính mình trưóc.  Xin cho con ý thức rằng hạnh phúc cuộc sống nằm trong bàn tay con.  Bài học tha thứ tuy khó, xin Cha kiên nhẫn dạy con từng bước như dạy con thơ: “vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ”.  Amen!

THA THỨ

Chúng ta sống tha thứ cho nhau để tâm hồn được nhẹ bớt buồn phiền và tiến tới trên đường đời, niềm hy vọng và an vui.  Ông Thomas Lenin văn sĩ người Hoa Kỳ đã kể lại mẫu gương tha thứ của một người cha đã ảnh hưởng trên suốt cuộc đời của ông như sau:

Tôi đã học bài học tha thứ đầu tiên từ cha tôi.  Lúc còn nhỏ, sinh sống tại một thành phố nhỏ, tôi đã thường được nghe cha tôi kể lại những tủi nhục khi đến xin làm công cho một ông chủ tiệm bánh ngọt giàu có nhất trong vùng.  Chính ông chủ đích thân chọn người làm công và chỉ cho làm trong một ngày, ngày hôm sau muốn làm phải ghi danh xin làm lại.

Câu hỏi quyết định là:  Anh theo đạo nào?  Công giáo hay Tin lành?  Chỉ những ai trả lời theo đạo Tin lành thì được ưu tiên nhận trước mà thôi.  Còn những ai xưng mình là Công giáo thì thường phải đợi đến phút cuối cùng.  Nếu ông chủ tiệm bánh chưa có đủ số nhân công thì mới được nhận vào làm việc trong ngày đó mà thôi.  Nhiều ngày cha tôi phải xấu hổ nói dối là mình theo đạo Tin lành để được ông nhận làm công trong ngày đó vì gia đình tôi cần số tiền sống ngày hôm đó.

Nhưng rồi vào thời kỳ kinh tế khủng hoảng, ông chủ tiệm bánh ngọt bị sạt nghiệp.  Phần cha tôi thì may mắn được trở thành người lãnh đạo trong vùng.

Một buổi sáng nọ, người con của ông chủ tiệm bánh ngọt bị sạt nghiệp kia đến gõ cửa xin cha tôi tìm việc làm vì đã thất nghiệp từ lâu, gia đình anh ta trở nên túng thiếu.  Cha tôi niềm nở tiếp đón và chỉ một tuần sau là tìm được cho người con ông chủ tiệm bánh ngọt đó một chỗ làm khá tốt trong xưởng đóng tàu.

Tôi rất bỡ ngỡ hỏi cha tôi.  Đây là dịp để trả thù cho những tủi nhục trước kia.  Tại sao cha không trả thù?  Cha tôi bình tĩnh trả lời:

– Những gì đã xảy ra ngày trước không phải là do lỗi của anh ta, có lẽ cũng không do lỗi của ai cả, có thể họ là nạn nhân của những thành kiến, hiểu lầm. Thái độ tha thứ của cha tôi đó đã không ngừng gợi hứng cho trọn cả cuộc đời tôi sau đó.

***************

Qúy vị và các bạn thân mến,

Tha thứ là một điều khó thực hiện và đòi hỏi nhiều nghị lực tinh thần.  Tha thứ thường đi ngược lại đòi hỏi của bản năng trả thù tìm lợi lộc riêng cho mình.  Trong cuộc sống thường nhật, cha mẹ anh chị em trong gia đình và bạn bè không thể nào tránh khỏi những xúc phạm đến ta, nhưng nếu không tha thứ thì tất cả mọi người đều bị vướng vào trong vòng lẩn quẩn của sự trả thù qua trả thù lại mãi mãi.  Trên bình diện nhân bản, nếu suy nghĩ cho cùng thì giải pháp tha thứ là giải pháp khó khăn nhất.  Nhiều người bị lâm bệnh vì ôm ấp trong lòng sự phiền muộn và không tha thứ cho kẻ xúc phạm đến mình.

Trên bình diện thiêng liêng thì sự tha thứ có giá trị thật tích cực, chứng tỏ tình thương làm phát sinh niềm an vui trong tâm hồn:  Nếu chúng con không thật lòng tha thứ cho nhau thì Thiên Chúa Cha trên trời cũng không tha thứ cho chúng con.  Sống tha thứ chúng ta mới sống hiệp nhất với nhau để xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn.

Là người Kitô hữu, hàng ngày lãnh nhận sự tha thứ của Chúa, chúng ta hãy nêu gương thực hành tha thứ đối với anh chị em xung quanh.

***************

Lạy Chúa, xin dạy chúng con biết sống tha thứ cho tất cả những ai xúc phạm đến chúng con và như thế con được trở thành dụng cụ mang niềm vui, hiệp nhất trong tình thương của Chúa đến mọi người.  Amen!

R. Veritas

KINH KÍNH MỪNG

Tôi đến thăm em, hai vợ chồng trẻ có đứa con 13 tháng tuổi vừa mới qua đời. Khi tôi bước vào nhà, người vợ với thân hình tiều tụy hốc hác, với đôi mắt đỏ hoe, trong thinh lặng và bình tĩnh, em dẫn tôi vào thăm xác cháu bé. Ngược lại người chồng không còn giữ được bình tĩnh, em ngồi trên ghế khóc nức nở. Trong tiếng than khóc đó, tôi nghe được tiếng than trách của em:

– “Chúa ơi! Chúa ở đâu ? Sao Chúa không nghe tiếng con cầu xin!!! ”  

***************

Nhớ lại thời gian một năm trước, ngay sau khi sanh con ra đời, em đã phải bồng bế con đi hết nhà chuyên môn này đến nhà chuyên môn khác, đi hết nhà thương này đến nhà thương khác, sau cùng là nhà thương Stanford Medical Center, nơi có những bác sĩ giỏi nhất nước Mỹ, nơi có những thuốc men và phương tiện y khoa tối tân hiện đại nhất thế giới. Nhưng tất cả đành bó tay trước căn bệnh nan y hiểm nghèo này. Sau đó, em phải mang con về nhà, phải nghỉ việc làm trong sở để ở nhà săn sóc cho con. Ngày đó em nói với tôi:

– “ Em có thể bán nhà cửa, xe cộ, nữ trang … bán tất cả để lấy tiền chữa bệnh cho con, miễn sao con em được sống.”

Tôi cúi đầu im lặng, không biết nói với em điều gì đây để an ủi nâng đỡ em.  Trong thinh lặng, tôi nhận thấy rõ nỗi khát khao mong mỏi cũng như hoàn cảnh khó khăn tuyệt vọng mà em đang gánh chịu. Trong thinh lặng, tôi cũng liên tưởng đến hoàn cảnh và cuộc sống của chính mình với hai đứa con được sanh ra khỏe mạnh, khôn lớn và ngoan hiền. Tôi cứ ngỡ rằng đó là “may mắn”, là “lẽ tự nhiên” trong cuộc đời mà chưa một lần nhận ra rằng đó là “ơn ban” từ trời cao để dâng 1 lời tạ ơn, để làm 1 việc đền đáp …

Ngày đó, ngồi bên em, tôi đề nghị với em là hãy trở về với “niềm tin” của mình, hãy trở về với thánh lễ, với bí tích, với cầu nguyện để gặp gỡ Thiên Chúa vì Ngài là đấng yêu thương và hay nâng đỡ cứu giúp.  Em đưa mắt nhìn tôi không phản đối nhưng cũng không tán thành. Tôi nhận ra sự e dè sợ hãi của em vì đã lâu lắm rồi em không đi nhà thờ, không tham dự thánh lễ.  Lần sau cùng em đến nhà thờ có lẽ là ngày em làm lễ cưới cách đây 5, 7 năm. Tôi biết ý, muốn tôn trọng em và  không muốn làm em khó chịu nên đã nói sang chuyện khác …

Ngày tháng sau đó tôi vui mừng ngạc nhiên vì gặp lại em trong thánh lễ Chúa nhật của cộng đoàn, và cả trong Thánh lễ chữa lành cho bệnh nhân nữa. Nhìn em bồng bế con tham dự thánh lễ, lòng tôi chùng xuống …Tôi thầm dâng lên Chúa lời cầu xin cho con em, cho gia đình em .

***************

Hôm nay đến thăm em, nghe tiếng khóc nức nở của người chồng với lời than trách : “Chúa ơi! Chúa ở đâu? Sao Chúa không nghe tiếng con cầu xin!”. Tôi hiểu được rằng niềm tin nhỏ bé vừa được thắp sáng trong em đang đứng trước phong ba bão táp, niềm tin non trẻ ấy đang gặp gian nan thử thách … Cầm tay em trong nhẹn ngào, tôi nói nhỏ vào tai em :”Cố gắng lên em nhé! Chúa không bỏ em đâu, Chúa vẫn thương em, vẫn ở bên em; trong căn phòng này với con em và gia đình em.  Hãy tin như vậy em nhé”.

Mấy tuần sau tôi có dịp trở lại thăm em, ngồi tâm tình với đôi vợ chồng trẻ, trong bình tĩnh và nhỏ nhẹ, em nói cho tôi nghe thật nhiều về chặng đường mà em vừa đi qua:

– Em đã bỏ nhà thờ lâu lắm rồi, em đã có 1 thời hoang đàng trác táng… Em cứ nghĩ rằng vì em tội lỗi, vì em bỏ Chúa nên Chúa đã không cho con của em được sống. Chúa đã không thương em nên đã để những đau khổ vất vả xảy đến trong gia đình em … Nhưng không phải thế, em đã nghĩ sai, Em thấy Chúa vẫn thương em, vẫn ở bên em, Chúa đã cùng sống với em trong những ngày đau khổ vất vả này, Chúa vẫn mang đến cho em bình an, tin tưởng và phó thác khi em mang con đi tham dự thánh lễ. Trong những ngày khó khăn ấy, em bắt đầu cuộc “trở về“ bằng 1 vài câu kinh vào ban tối trong gia đình, em thích đọc kinh Kính Mừng nhất vì kinh Kính Mừng đã giúp em chạy đến với Đức Mẹ, giúp em gần gũi với Đức Mẹ nhiều hơn, bởi vì cuộc đời của Mẹ cũng có nhiều đau thương vất vả vì con giống như em vậy. Kinh Kính Mừng đã dạy em hiểu về Mẹ nhiều hơn: “Mẹ là người trong sạch thánh thiện nhất, Mẹ là người sống đẹp lòng Chúa nhất, Mẹ là người được Chúa yêu thương nhiều nhất, nhưng Mẹ cũng là người chịu nhiều đau thương vất vả nhất”.

Nghe em nói chuyện, tôi cảm nhận một niềm vui trào dâng, tôi đọc thầm trong lòng kinh Kính Mừng để cám ơn Mẹ đã mang hai người bạn trẻ của tôi về với Chúa. Mẹ đã làm cho niềm tin đã chết trong nhiều năm nay sống lại, Mẹ đã khơi dậy một niềm tin nguội lạnh héo úa, nay bừng sống vươn lên… Đến với Mẹ, cầu xin Mẹ phù hộ cứu giúp, không ai phải về tay không… Em tâm sự thêm:

– Em đã mất đi thân xác của đứa con, nhưng em đã tìm lại được linh hồn của chính mình. Qua thất vọng và đau khổ, em đã” trở về”, em đã tìm gặp được chính Chúa, Ngài dạy cho em hiểu thêm về ý nghĩa của đau khổ. Qua cơn bệnh ngặt nghèo và cái chết của con em, em xác tín hơn về quyền năng cao cả của Thiên Chúa và sự giới hạn yếu đuối của con người . Đau khổ và sự chết không làm hại được em, nhưng đã giúp em đứng vững hơn, tin tưởng và phó thác hơn …

Thật tuyệt vời … Còn lời nói nào thâm sâu và cao qúy cho bằng lời em nói với tôi hôm nay? Còn cảm nghiệm nào sâu sắc cho bằng cảm nghiệm mà em chia sẻ với tôi trong lúc này? Thân xác của em thì yếu ớt, sự hiểu biết của em thì giới hạn nhỏ bé, nhưng lời nói và cảm nghiệm của em thì thật tuyệt vời …

Người bạn trẻ ơi! Cám ơn em nhé! Em đã dạy cho tôi về ý nghĩa và sự huyền nhiệm của kinh Kính Mừng, em đã dạy cho tôi bài học về sự “trở về”, em đã dạy cho tôi về ý nghĩa của “đau khổ và sự chết”. Em dạy tôi không phải bằng mớ kiến thức sách vở từ cái đầu nhưng bằng chính cảm nghiệm từ con tim và cuộc sống thực tế của riêng mình …

Linh Xuân Thôn

ÐÓN NHẬN

Truyện cổ Trung Hoa kể:

Ở miền núi Hô-Phu, có một người đàn bà bán rượu tên là Wong.  Một hôm, xuất hiện một vị thiền sư đạo đức đến trọ ở gần quán, dù không có tiền, ngài cũng được bà chủ quán tiếp đái nồng hậu.  Vị thiền sư ở đó khoảng ba năm.  Trước khi cáo từ, ngài đào một giếng cạnh quán.  Mọi người ngạc nhiên khi một dòng nước trong vắt vọt lên, họ nếm thử thì thấy đó là một loại rượu hảo hạng.  Từ đó, bà chủ quán trở thành nổi tiếng và giàu có.

Ít lâu sau, vị thiền sư lại ghé ngang quán, ngài hỏi thăm bà chủ quán về giếng rượu.  Bà này than phiền:

– Rượu tốt nhưng tôi không bao giờ có dư để dự trữ.

Vị thiền sư mỉm cười rồi lẳng lặng viết lên tường:

– Trời đất thật bao la, nhưng lòng tham của con người còn mênh mông hơn thế nữa. Dù không tốn kém bà chủ vẫn có rượu để bán thế mà vẫn không hài lòng.

Viết xong thiền sư lẳng lặng ra đi, và dòng rượu cũng khô cạn.

***************

Người đàn bà thay vì biết ơn và ca ngợi lòng đại lượng của trời, bà lại than phiền vì không có nhiều rượu để dự trữ.  Ðôi khi chúng ta cũng giống như người đàn bà đó: “Có voi đòi tiên “.  Kinh nghiệm thông thường cho thấy:  Ít người được thoả mãn với chính mình, họ thường sa vào tình trạng “Ðứng núi này trông núi nọ”, và cho rằng mình kém may mắn hơn người khác. Chúng ta thường mang tật so sánh và hay lập lại câu: “Giá tôi được như người này người nọ”.  Chúng ta quá bận tâm với nhứng ý nghĩ viễn vông, mà quên vui hưởng những ơn phúc hiện tại.

Thấu hiểu tâm trạng này Chúa Giêsu đã đưa ra dụ ngôn “Ông chủ thuê người làm vườn nho” để giáo dục chúng ta qua các nhân vật trong đó.  Ông chủ có lòng nhân ái vì ông thuê thợ làm việc không phải vì nhu cầu của công việc, nhưng vì muốn cho người thợ nào cũng có công ăn việc làm, để bảo đảm đời sống hàng ngày, vì thế ông đã trả lương đồng đều mà không tính toán hơn thiệt.

Cũng vậy, những ơn lành hồn xác mà ta đang hưởng dùng là do lòng nhân lành Chúa ban.   Những ơn đó vượt quá những gì chúng ta đáng được.  Vì thế, tạ ơn Chúa là bổn phận suốt đời chúng ta.  Thánh Phaolô đã viết: “Tôi có là gì cũng là nhờ ơn Thiên Chúa” (1 Cr 15, 10).  Hơn nữa lòng nhân ái của ông chủ không bị lệ thuộc vào khế ước hay ranh giới nào, nhưng chỉ là lợi ích của người lãnh nhận.  Thiên Chúa ban ơn không do công lao chúng ta nhưng là vì lợi ích phần rỗi của mỗi người.  Như thế, điều phải làm là khiêm nhường đón nhận ơn Chúa mà không kiêu căng tự mãn.  Chúng ta hãy dùng những ơn lành Chúa ban để phục vụ Chúa và anh em như lời Thánh Phaolô dạy:  Mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác? (Pl 2,4)

***************

Lạy Chúa, con biết rằng do lòng nhân lành mà Chúa luôn ban cho con những ơn phúc có khi còn vượt quá lòng con mong đợi.  Xin Chúa mở rộng tâm hồn con để biết đón nhận ơn Chúa với lòng tri ân, và biết dùng khả năng Chúa ban để phục vụ Chúa và anh em con. Amen.

Thiên Phúc

NGHÈO VÌ NƯỚC TRỜI

Tết sắp đến, những lời chúc “an khang thịnh vượng”, “ăn nên làm ra” sắp được bung ra như pháo nổ đầu xuân.  Đầu năm mới, các nước trên thế giới đều phấn đấu để kinh tế phát triển, tăng thu nhập cho toàn dân.  Thế nhưng Lời Chúa hôm nay lại nói:  “Hỡi anh em là những kẻ nghèo khó, anh em thật có phúc, vì Nước Thiên Chúa là của anh em.”  Phải chăng Chúa Giêsu phản lại tiến bộ, muốn nhân loại tụt hậu?

Không, Chúa Giêsu không nói về kinh tế, nhưng nói về hạnh phúc.  Vật chất có thể góp phần vào hạnh phúc, nhưng vật chất tự nó chưa phải là hạnh phúc.  Câu chuyện về công nương Diana là một minh họa rõ nét.

Mùa hè năm 1997, cả thế giới xôn xao về cái chết của công nương Diana.  Công nương Diana là một phụ nữ xinh đẹp.  Từ khi kết hôn với thái tử Charles, con của nữ hoàng nước Anh, công nương trở thành người có danh vọng và đồng thời cũng có nhiều tiền của vào bậc nhất trên thế giới.  Có lẽ ai cũng nghĩ rằng một phụ nữ đẹp đẽ, giàu sang, phú qúi như thế phải là người hạnh phúc nhất trên đời.  Nhưng không đúng như thế.  Công nương rất đau khổ vì cảnh gia đình thiếu tình yêu thương chân thực.  Thái tử Charles vẫn lén lút quan hệ với người tình cũ.  Đau khổ mà chẳng thể nói ra, vì cả gia đình bên chồng muốn giữ gìn uy tín cho hoàng gia.  Chán nản với đời sống gia đình, công nương đã tìm vui bên người bạn trai mới.  Trong một chuyến đi chơi ở Paris, cả hai bị thiệt mạng trong một tai nạn xe hơi.  Có nhiều người cho rằng chính hoàng gia Anh đã gây ra tai nạn.  Không ai nghĩ rằng cuộc đời công nương có hạnh phúc, dù bà có tất cả:  sắc đẹp, tiền của, danh vọng.

***************

Chúa không lên án vật chất, nhưng chỉ lên án thái độ sử dụng vật chất.  Vật chất do Chúa dựng nên để phục vụ con người.  Chúa dựng nên và Chúa thấy mọi sự đều tốt đẹp.  Nhưng con người đã làm sai chương trình của Chúa.  Thay vì sử dụng vật chất như phương tiện, người ta đã biến nó thành mục đích.  Thay vì sử dụng vật chất phục vụ đồng loại, người ta đã sử dụng đồng loại để phục vụ vật chất.  Đó là những thái độ bị Chúa lên án.  Những thái độ ấy biến vật chất thành chướng ngại ngăn cản ta đạt đến hạnh phúc Nước Trời.

Chúa không khuyến khích cảnh nghèo, càng không khuyến khích những người vì lười biếng mà trở nên nghèo.  Chúa chỉ khuyến khích những người vì Nước Trời mà tự nguyện sống nghèo.

Những người vì Nước Trời mà tự nguyện trở nên nghèo là những người hiểu biết giá trị thực sự của tiền bạc.  Biết rõ tiền bạc chỉ là phương tiện nên họ dùng tiền bạc mà không dính bén, có tiền mà không nô lệ cho đồng tiền, nhất là biết dùng tiền vào những việc hữu ích cho đồng loại.  Vì tha nhân, vì Nước Trời mà tự nguyện sống nghèo.

Những người vì Nước Trời mà tự nguyện sống nghèo như thế không làm cho xã hội tụt lậu, trái lại giúp phát triển xã hội, đưa nhân loại tiến lên.  Không chỉ tiến lên về văn minh vật chất mà còn tiến về nền văn minh tình thương.

Những người vì Nước Trời mà tự nguyện sống nghèo như thế giúp nâng cao nhân phẩm con người, đem niềm vui cho người sầu khổ, gieo niềm hy vọng cho những người bị bỏ quên, đem tình thương đến cho những người bị gạt ra ngoài lề xã hội.

Những người vì Nước Trời mà tự nguyện sống nghèo như thế không phải là những người lười biếng, hèn nhát, ủy mị, bạc nhược.  Trái lại đó là thái độ của những tâm hồn dũng mãnh, luôn phấn đấu với chính mình để nâng tâm hồn mình và nâng cả thế giới lên.

Tự nguyện sống nghèo như thế là một mối phúc cho thế giới, cho nhân loại.  Thế giới sẽ tốt đẹp biết bao nếu có nhiều người tự nguyện như thế.

Sau đám tang của công nương Diana một tuần lễ, thế giới lại xôn xao về một đám tang khác:  đám tang của mẹ Têrêxa Cancutta.  Khắc hẳn với công nương Diana, mẹ Têrêxa là một nữ tu già nua, sống một đời nghèo.  Trong phòng của mẹ chỉ có một chiếc ghế và một chậu thau đựng nước.  Người ta cho mẹ nhiều tiền, nhưng mẹ tự nguyện sống nghèo, dành hết tiền của để giúp những người nghèo, những trẻ mồ côi, tàn tật.  Khi Đức Giáo hoàng sang thăm Ấn độ, thấy mẹ đi lại công tác nhiều, tặng mẹ một xe ô tô sang trọng.  Nhưng khi Đức Giáo Hoàng về, mẹ đã bán xe lấy tiền giúp người nghèo.  Có 40 nguyên thủ quốc gia đến tham dự đám tang của mẹ.  Và Ấn độ, một nước không ưa gì đạo Công giáo, đã cử hành quốc táng cho mẹ.  Hai mươi mốt phát súng đại bác tiễn đưa linh hồn mẹ trong khi các vị nguyên thủ quốc gia quyền uy đứng cúi đầu kính cẩn trước thi hài vị nữ tu già nua, nghèo khó.  Mẹ đã thực hành Lời Chúa:  Phúc cho anh em là người nghèo khó, vì Nưóc Trời thuộc về anh em.”.

TGM Ngô Quang Kiệt

***************

Lạy Chúa, chúng con sợ nghèo!  Nghèo! như một hình phạt dành cho kẻ xấu số.  Chúng con chạy trốn cảnh nghèo bằng cách ăn cướp thời giờ của vợ chồng, con cái, thời giờ phụng sự Chúa để ngày đêm làm việc, học hành, thậm chí đạp lên nhau… để thoát cảnh nghèo.  Đâu ngờ rằng Chúa lại ban phước lành cho cái nghèo.  Nghèo vật chất thì được Chúa chúc phúc, còn nghèo tâm hồn, nghèo tình thương mà cứ ngỡ mình giàu có thì sao hở Chúa.  Lạy Chúa, xin giúp chúng con, những tâm hồn còn nặng tính xác phàm biết tập sống tinh thần nghèo khó, không dính bén với của cải thế gian, biết mở lòng chia sẻ với người nghèo để nhận thấy rằng mình không nghèo về tầm hồn và tình yêu.  Amen!

TẠI SAO NGÀI IM LẶNG

Buổi sáng ngày 25 tháng 4 năm 1986, em trai tôi hớn hở sắp xếp đồ đạc lên xe đi chơi với bạn bè. Em giơ tay vẫy chào từ giã mọi người trong gia đình lần cuối, vì em không bao giờ trở về nữa . Tối hôm đó cảnh sát điện thoại báo tin em đã bị tử nạn xe hơi gần một khúc quanh trơn trợt. Em qua đời khi vừa tròn 20 tuổi. Trưa hôm sau, tôi đáp phi cơ từ Adelaide về Melbourne để nhận xác em. Em nằm ngủ bình yên. Nước mắt tưởng chừng như đã cạn, bây giờ lại trào ra đầm đìa trên má . Tôi phóng xe tới nhà thờ thánh Phanxico, cửa đã đóng, tôi đứng hét giữa trời  “Tại sao em con lại chết ? Tại sao?”.  Như một thằng điên tôi khàn giọng hỏi Chúa nhưng Ngài vẫn im lặng .

Tháng 12 cùng năm ấy, chị tôi gọi điện thoại nức nở báo tin bố tôi vừa mất tại Việt Nam trên giường bệnh. Tất cả các con đều ở hải ngoại chẳng có ai bên cạnh trước giờ nhắm mắt . Lần  này , tôi quỳ gối lặng lẽ, toàn thân cứng đờ bất động, tuyệt vọng nhìn lên thánh giá tôi thều thào: “Lạy Chúa! tại sao?”, nhưng Ngài vẫn im lặng.

Gia đình tôi mấy đời đạo gốc, chúng tôi tin rằng Thiên Chúa là Đấng Toàn Năng quyền phép vô biên, nhân từ và luôn yêu thương loài người như cha mẹ đối với con cái. Ngài sẽ ân thưởng nếu chúng tôi biết vâng lời tuân theo luật Chúa, Ngài sẽ răn dạy nếu chúng tôi hư đốn phạm tội, Ngài sẽ bảo vệ chúng tôi khỏi những ám hại xấu xa của kẻ thù. Hồng phúc Thiên Chúa ban cho con người nhiều hay ít tôi khó thấy được nhưng đau khổ thì cứ hiện diện trước mắt . Năm 1986 hai cái đại tang trong gia đình tôi, trước đó anh tôi vượt biên mất tích. Những người tôi yêu thương đều lần lượt lìa trần, bố tôi đã già tôi còn hiểu được nhưng em tôi, đứa em đẹp trai vui vẻ dễ thương nhất nhà, em tôi có tội tình gì mà cũng tức tưởi ra đi khi tuổi đời còn son trẻ với một tương lai hứa hẹn rực rỡ .

Mười năm sau, mẹ tôi vẫn còn khóc mỗi khi ra thăm mộ em. Gần mười năm rồi mà vết thương vẫn chưa lành. Gia đình tôi vẫn thường nhớ tới sinh nhật của em để tính tuổi và tưởng tượng tương lai của em. Mười năm sau, tôi không còn hỏi Ngài tại sao, bởi vì Ngài vẫn im lặng, vẫn gục đầu trên Thánh Gía.

….

Trong một cuộc triển lãm tranh ảnh của những họa sĩ nổi tiếng, khách thưởng ngoạn đặc biệt chú ý tới một bức tranh về Chúa Giêsu đứng trước cửa một căn nhà tồi tàn. Người ta rất thích thú khi khám phá ra rằng trên cửa lại không có cái nắm cửa để mở. Chẳng lẽ họa sĩ lại quên đi một chi tiết tầm thường nhưng cũng rất quan trọng như vậy hay sao? Chỉ khi mọi người xì xầm thắc mắc, tiếp tục ngắm nghía cẩn thận và ngẫm nghĩ hồi lâu, họ mới “ngộ” ra cái dụng ý tuyệt diệu của họa phẩm:

Thiên Chúa luôn luôn kiên nhẫn chờ đợi bên ngoài cánh cửa lòng của chúng ta, dù tuyết rơi, mưa đổ, gió bão, phong ba thi nhau ập tới, Ngài cũng không nề hà chờ đợi. Nhưng Ngài không thể vô nhà vì nắm cửa nằm bên trong. Quyền quyết định ở trong tay chúng ta, Ngài chỉ có thể bước vào và ngự trị trong tâm hồn chúng ta nếu chúng ta mở cửa cho Ngài .

Khi đau khổ hành hạ xác thân tâm hồn chúng ta, chúng ta gào thét trách mắng Thiên Chúa “Lạy Chúa, tại sao Ngài im lặng ?”. Chúng ta quên mở cửa cho Ngài, quên nhào vào lòng Ngài để tìm kiếm nơi nương tựa ủi an, để được xoa dịu vỗ về trong lúc tuyệt vọng. Ngài vẫn đứng đó, chờ đợi, kiên nhẫn, chịu đựng, mong mỏi và hy vọng.

Chúng ta hãy thử nhìn lại cuộc đời mình xem đã bao lần chúng ta ngoảnh mặt làm ngơ trước những khổ đau của kẻ khác? Đã bao lần chúng ta quên Ngài khi cuộc sống thảnh thơi sung sướng? Đã bao lần chúng ta từ chối Ngài vì theo Ngài là phải “bỏ mình” để tuân giữ những giới răn Ngài dạy bảo? Đã bao lần lương tâm thúc giục trở về mà chúng ta vẫn tỉnh bơ bước sâu vào vũng lầy tội lỗi ?

Hỏi rằng chúng ta phải trả lời như thế nào nếu Ngài thì thầm bên tai mỗi người chúng ta :

“Này con, tại sao con im lặng ???”

Giuse Đinh Thanh Bình, SDB