ÔNG KÝ NÀ TOÒNG

Lạng Sơn ngày ….

Bạn thân mến,

Mình theo ÐC Lạng Sơn lên Nà Toòng, thuộc giáo xứ Bó Tờ, cách TGM Lạng Sơn 140km để cử hành lễ an táng cho bà Maria Ký, người dân tộc Tày. Một đám tang đơn sơ, nhưng đã để lại cho mình những ấn tượng thật khó quên.

Ấn tượng thứ nhất là cái chết của người quá cố. Bà Ký chết vì quá thương con. Con gái bà chết vì bệnh ung thư. Quàng xác con tại nhà chờ ngày chôn cất, bà Ký không cầm nổi nước mắt khóc thương. Và khi xác con chưa kịp đưa ra đồng thì mẹ cũng theo con cho thỏa nỗi nhớ thương. Bà chết sau con gái 4 ngày !

Ấn tượng thứ hai là gia đình của bà Ký.  Ðây là gia đình công giáo duy nhất trong làng Nà Toòng.

….

Chuyện ông Ký trở lại đạo cách đây hơn 70 năm cũng thật là hi hữu. Theo lời ÐC Lạng Sơn thì hồi đó gia đình ông Ký tội nghiệp lắm.  Mẹ ông sinh ba bốn lần nhưng đứa con nào cũng chết sớm. Khi sinh ra ông Ký, thấy con èo uột, hết bệnh này đến bệnh kia, bà lo lắm, chỉ sợ thằng bé rồi cũng bị “ma” bắt như các anh, các chị nó thôi. Thế rồi một hôm, nghe người ta mách, cách làng Nà Toòng khoảng 15km, có ông cha theo đạo thờ “Cái Chúa” giỏi lắm.  Cứ mang con ra đó rửa tội, “Cái Chúa” sẽ phù hộ, không để “ma” bắt mất đâu. Nghe lời, người mẹ mang bé Ký ra xin “ông cha” rửa tội.  Ông cha dậy bé Ký làm dấu thánh giá, đọc kinh lạy cha, cho bé Ký quyển sách kinh nhỏ rồi rửa tội cho bé.  Về nhà ít lâu, bé Ký tự nhiên ăn được, ngủ được, người béo khỏe ra. Lớn lên đi học, lại có trí nhớ tốt hơn chúng bạn, thế mới lạ!

Mấy năm sau đó, chiến cuộc nổ ra, dân làng ly tán.  Không có linh mục tới lui nên nhà thờ Bó Tờ cũng thành nơi hoang vắng. Mẹ của Ký cũng chẳng nghĩ gì đến việc mình có đứa con “đi đạo” nữa.  Và cứ thế, năm tháng dần trôi, chốn sơn khê heo hút này, dường như chẳng còn ai biết là có “Cái Chúa” ở trên đời.

Thế rồi một hôm, người mẹ làng Nà Toòng ấy giật nẩy mình khi nghe đứa con mình mang đi rửa tội, đem cho “Cái Chúa” ngày xưa ấy, xin phép làm bàn thờ kính “Cái Chúa” ở trong nhà.  Bà tự nhủ : Mình đem nó “rửa tội”, cho nó theo “Cái Chúa” là chỉ có ý mong nó khỏi chết, chứ đạo nghĩa gì đâu.  Làng này, mọi người theo “thày mo” tất, có ai biết “Cái Chúa” là gì.  Ðể nó làm bàn thờ kính “Cái Chúa”, người ta không cười vào mặt cho à ! Nghĩ thế, bà cương quyết từ chối, rồi nói thật với con:  Mẹ để con “đi đạo” là cốt cho con khỏi chết thôi. Giờ con khỏe mạnh thế này, cần gì phải giữ nữa. Nhưng anh Ký cương quyết thưa

– Mình đã tin “Cái Chúa” thì phải tin cho thật. Ðã “đi đạo” thì phải giữ cho tròn. Nếu Mẹ không bằng lòng, con sẽ ra ở riêng để làm bàn thờ, vì con đã tin “Cái Chúa”.

Thấy con khẳng khái nhất mực, tuổi mình cũng đã cao, nó giận, nó ra ở riêng thì mình biết lấy ai săn sóc, nên cuối cùng bà mẹ cũng bằng lòng.

Những năm khó khăn ấy kiếm đâu ra ảnh tượng mà làm bàn thờ nên anh Ký chỉ biết lấy than vẽ trên vách nhà hình cây thánh giá, bên dưới nắn nót hàng chữ “Tôi tin Thiên Chúa Ba Ngôi”, thêm một ngọn đèn dầu nhỏ trên chiếc bàn con. Chỉ bằng ấy thôi cũng đã đủ cho một tấm lòng thành diễn tả niềm kính mến.

Dân làng Nà Toòng có ai biết “Cái Chúa” là gì. Thấy bàn thờ nhà Ký chẳng có hương hoa, không có hình ảnh ông bà, khác hẳn bàn thờ nhà họ, chỉ biết lắc đầu bảo Ký:  “Bàn thờ nhà mày lạ quá, chẳng có nến hương, chẳng có tiên tổ, giống hệt bàn bán thịt lợn, Ký ạ.” Nghe thế, Ký chỉ cười cho qua câu chuyện, chẳng biết nói gì hơn.

Vì Ký theo đạo lạ, nên dân làng tẩy chay.  Mỗi khi có cúng giỗ, “làm then”, mỗi lần dân làng mở hội, chẳng ai thèm mời Ký nữa. Họ bảo: Nó theo “Cái Chúa” phản bội dân làng, mình cần gì nó nữa. Nhưng dù họ có giận, Ký cũng chẳng để lòng. Anh vẫn tham gia việc làng, vẫn vui vẻ giúp đỡ mọi người những khi cần thiết. Thỉnh thoảng, vẫn có người bảo anh:

– Tưởng mày đi đạo thì bỏ chúng tao rồi chứ.

– Ðạo là việc riêng tư. Tôi vẫn là người làng, làm sao bỏ được bà con.

Vì biết “cái chữ”, cộng thêm tính hiền hòa, chịu thương chịu khó nên Ký được dân làng tín nhiệm bầu làm thư ký xã.  Rồi Ký lập gia đình. Con cái sinh ra không được rửa tội, không đến nhà thờ kinh lễ vì biết đi đâu bây giờ. Bó Tờ thì chẳng còn cha, mà Cao Bằng, Lạng Sơn lại xa xôi quá ! Thế là ông Ký đem hết vốn liếng nghèo nàn của mình dậy cho con biết Chúa, biết đạo. Ông thường nhắc nhở con cháu:

– “Mình đã tin thì phải tin cho thật. Tin đến suốt đời. Ðời cha truyền sang đời con. Ðời con truyền sang đời cháu, cho đức tin vững bền mãi mãi.”

Có được niềm tin vững chắc ấy là vì ông cảm nhận rõ ràng tình Chúa thương ông.  Bên nội, bên ngoại nhà ông chỉ còn có mình ông sống sót.  Ðó chẳng phải tình Chúa thương ông là gì? Làng xóm cũng thấy rõ Chúa thương ông.  Này nhé, ông có phải tốn tiền đón thầy mo về nhà cúng giỗ đâu thế mà con cháu ông vẫn khỏe mạnh, lợn gà nhà ông không chết, ruộng rẫy nhà ông vẫn tốt tươi.  Họ bảo nhau: “Cái Chúa” nhà thằng Ký mạnh thật !

Chuyện ông Ký làng Nà Toòng xa xôi ấy đi theo “Cái Chúa” tưởng chừng cũng chỉ là “dấu chân trên cát” sẽ xóa nhòa theo năm tháng cuộc đời! Nào có ai ngờ, phải! nào có ai ngờ… Năm 1999, sau khi được Tòa Thánh bổ nhiệm làm Giám Mục Lạng Sơn, ÐC Giuse Ngô Quang Kiệt đến thăm những người giáo dân Tày còn sót lại của họ đạo Bó Tờ năm xưa.  Nghe dân nói trong làng Nà Toòng có một người giữ đạo, Ngài vội vàng đến thăm.  Ðường đi trắc trở, xe không tới được. May thay có chiếc máy cày to, thế là cha con chất chồng nhau lên tìm đến nhà ông Ký.

60 năm giữ đạo âm thầm hôm nay mới gặp được “ông cha” làm sao nói được hết nỗi niềm, vì thế ông Ký miệng thì ấp úng, mà nước mắt cứ trào tuôn.

Từ đó, nhà ông Ký tự nhiên trở thành điểm hẹn. Bức vách với hình thánh giá bằng than nhòa dần theo năm tháng nhưng bàn thờ trong tâm hồn ông càng ngày càng thêm rõ nét. Ông có chờ, có đợi được niềm hạnh phúc ấy đâu, thế mà “Cái Chúa” vẫn còn nhớ đến ông nơi góc biển chân trời này !

……

Ngủ đêm tại Cao Bằng, 4g30 sáng ÐC Lạng Sơn, cha Hạnh, cha Thế và mình lên xe đến Nà Toòng.  Ðường chỉ dài 70km, nhưng dốc núi cheo leo nên mãi 7g mới tới được nhà thờ Bó Tờ. Ăn vội mỗi người một gói mì tôm, gọi thêm mấy cháu ca đoàn rồi tiếp tục con đường thiên lý.

Nhà ông Ký nằm sâu trong bản, phải lội bộ một quãng dài. Ðêm trước, trời lại mưa nên cha con vừa xách dép vừa đi. Tới nhà ông Ký, sau khi chào hỏi người sống, thắp hương người chết, mọi người túa ra, ai lo phận nấy. Kẻ dọn bàn thờ, người lo giở sách, kẻ tìm bài hát, người sắp xếp chỗ ngồi…

Trong thánh lễ, lúc hát đáp ca, nghe các cháu thiếu nhi trong ca đoàn nhà thờ Bó Tờ hát bài “Chúa chăn nuôi tôi”, nhìn ông Ký và con cháu lặng lẽ đứng bên quan tài người quá cố, quan sát những dân làng im lặng tham dự thánh lễ lần đầu tiên trong đời, dõi mắt qua cửa nhà ra những rặng núi chập chùng xa xa, lòng mình chợt thấy nao nao không sao tả được. Một niềm tin mộc mạc, chân thành.  Một con chiên lẻ bầy nơi góc biển chân trời. Thế mà, người Mục Tử Nhân Lành vẫn chẳng lãng quên, dù đã hơn 60 năm trời biền biệt! Ngôi nhà tranh vách lá, có hình thánh giá vẽ bằng than trên bức vách, có bàn thờ lẻ loi như “bàn bán thịt lợn”, có ai ngờ lại có ngày trở thành một ngôi “thánh đường” với thánh lễ do chính ÐGM giáo phận cùng đồng tế với hơn một nửa “linh mục đoàn” của mình !

Sau thánh lễ, mình đến bên ông Ký để chia buồn về nỗi mất mát lớn lao. Ông chỉ đơn sơ bảo mình:

– Tôi buồn lắm nhưng không dám khóc, ông cha ạ ! Mình làm bố mà khóc thì các con cháu sẽ òa lên cả.  Lúc ấy làm sao mà dự “Cái Lễ” cho yên được !

– Thế bây giờ cụ muốn gì nhất hả cụ Ký ?

– Tôi chỉ muốn lâu lâu lại được có “Cái Lễ” ở đây, để dân làng biết “Cái Chúa” thương người ta như thế nào thôi !

Một ước mơ quá đỗi thánh thiện ! Một khát mong giản dị đến thế là cùng ! Khi chia tay cụ Ký, mình thầm nhủ sẽ hết sức cố gắng để thực hiện ước mơ giản dị này.

Thế rồi, vì công việc, mình được điều về Hà Nội, những chuyến về Lạng Sơn thưa dần. Ngày trở lại Bó Tờ dâng một “Cái Lễ” theo ý cụ Ký lại càng thêm xa…

Cách đây vài tháng, một buổi chiều đang đứng vẩn vơ cạnh nhà nguyện Fatima trong khuôn viên tòa giám mục Hà Nội thì ÐC Kiệt bảo mình: Ông Ký chết rồi, Diễm ạ.

Mình lặng người đi, không nói được gì cả. Biết rằng, cuộc ra đi có lẽ sẽ tốt đẹp cho ông đấy.  Ông sẽ gặp được Ðấng mà ông “đã tin thì phải tin cho thật. Tin đến suốt đời. Ðời cha truyền sang đời con. Ðời con truyền sang đời cháu, cho đức tin vững bền mãi mãi”. Ông sẽ gặp lại được bà Ký thân yêu đã cùng đồng hành với ông trọn con đường đời nhiều gian nan, vất vả mà vẫn vững mãi niềm tin, sẽ gặp lại người con gái mến thương mà ông đã dốc lòng truyền lại cho cô đức tin bỏng cháy của mình.  Nhưng nghĩ lại vẫn thấy tội cho ông.  Một ước mơ đơn sơ, chỉ mong được tham dự ít “Cái Lễ” mà đến lúc chết vẫn chẳng thành !

Bạn thân mến!

Viết cho bạn những dòng này, mình chỉ muốn thay mặt ông Ký nhắn với bạn rằng:  Nếu có lúc nào đó bạn ngại ngùng, không muốn tham dự thánh lễ, thì xin bạn hãy nhớ lại, tại làng Nà Toòng xa xôi, nơi phương trời biền biệt kia, có những người dân tộc chỉ ước mơ được tham dự  “Cái Lễ” vài lần trong đời thôi, nhưng vẫn chưa được đấy, bạn ạ !

LM. Giuse Nguyễn V. Diễm

ĐÔI GIẦY THỂ THAO

Frank Dailly là một cầu thủ bóng rổ từ thời còn học tiểu học, và từng là ngôi sao trong tất cả các môn thể thao.  Nhưng vì mới đây nhà trường không chọn cậu trong danh sách những cầu thủ trong đội tuyển.  Đột nhiên Frank cảm thấy như mình không còn tồn tại, và trở thành vô hình.  Giờ đang ngồi trên xe bus để về nhà.

Một phụ nữ mang thai nặng nề níu lấy tay vịn bằng sắt và từ từ bước lên xe.  Khi ngồi vào chiếc ghế phía sau tài xế, bà giơ chân lên và Frank thấy bà ta đang mang vớ dài.  Khi bác tài xế cho xe tiếp tục chạy, không quay đầu lại, bác hỏi lớn :

– Giầy bà đâu rồi? Bên ngoài bây giờ cũng phải 10 độ chứ ít gì !

Giọng người phụ nữ chùng xuống :

– Tôi không đủ tiền mua giầy !

Bà kéo cổ áo đã sờn lên che gió, vài cậu bé phía sau nhìn nhau mỉm cười.  Người phụ nữ tiếp lời:

– Tôi lên xe chỉ để cho ấm chân, nếu ông không phiền tôi sẽ đi suốt chuyến với ông !

Bác tài xế gãi đầu hét lớn :

– Bây giờ hãy kể cho tôi nghe vì sao bà không mua nổi đôi giầy?

– Tôi có tám đứa con và phải mua sắm cho bọn chúng, nên không đủ tiền mua giầy cho tôi nữa … Nhưng không sao, Chúa sẽ lo cho tôi mà.

Frank nhìn xuống đôi giầy thể thao mới mang hiệu Nike.  Đôi chân cậu vẫn ở đó, ấm áp và ngay ngắn. Cậu nhìn người phụ nữ, vớ của bà đã bị rách… Từ “vô hình” chợt hiện lên trong đầu: một người vô hình, bên lề xã hội, bị mọi người quên lãng, nhưng vì một lý do khác… Frank chợt nghĩ: Nó sẽ dễ dàng sắm được giầy, còn bà ấy lại không bao giờ sắm được. Cậu thấy mạnh mẽ trong quyết tâm của mình.  Frank dùng mũi giầy này đặt vào gót giày kia cởi ra dưới gầm ghế.

Khi xe bus dừng lại ở cuối chặng, Frank đợi cho mọi người xuống hết, rồi cậu cúi xuống gầm ghế, cầm đôi giầy thể thao lên, Frank đi nhanh về phía người phụ nữ, trao giày cho bà và nói :

– Bà ơi, cháu biếu bà đôi giầy này.

Rồi Frank vội vã bước ra cửa xuống xe, không kịp thấy người phụ nữ đang ngỡ ngàng.  Bà kêu lên:

– Xem này, đôi giầy mới vừa làm sao chứ!

Bác tài nói với theo :

– Này cậu bé, trong 20 năm lái xe bus, tôi chưa hề chứng kiến một việc như thế này đấy!

Người phụ nữ bật khóc, bà mếu máo :

– Cám ơn cậu nhiều lắm! Bác tài thấy không, tôi đã bảo là Chúa sẽ lo cho tôi mà!

Frank quay lại mỉm cười với người phụ nữ :

– Thưa bà, không có chi lớn lao đâu! Vả lại sắp lễ Giáng Sinh rồi!

Frank vội vã đi. Dường như đám mây xám trong lòng cậu đã tan biến. Trên đường về nhà với đôi chân trần, cậu chẳng thấy chân mình lạnh chút nào cả!

***************

Cảm nhận được cái nỗi thống khổ của người khác, đó là một nghĩa cử đẹp.  Nhưng cảm nhận được trong khi chính mình đang mang tâm trạng của một con người không còn tồn tại, vô hình.  Thật là quả cảm, đáng trân trọng hơn.

Đức Giêsu đã dạy : “Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại” (Lc 6,38).

Ngưòi phụ nữ trong niềm cậy trông phó thác, đã thực hiện hết sức của mình để lo cho con cái được ấm áp, đến phần bản thân mình bà chỉ biết phó thác vào Thiên Chúa, rồi giờ đây bà cảm nhận được Chúa đã sắp xếp cho bà, qua tấm lòng thương cảm của anh chàng Frank.

Hai con người, hai hoàn cảnh khác nhau hoàn toàn.  Nhưng cả hai đã thể hiện nơi bản thân mình một niềm tin thật sâu sắc.  Một người đã làm hết sức lực khả năng của mình, rồi đặt hết cả niềm tin vào sự sắp đặt của Thiên Chúa.  Còn người kia biết quan tâm đến người khác, cảm nhận được sự thiếu thốn của người sống quanh mình, từ đó phát sinh tấm lòng thương người. Cả hai đều cảm nhận được niềm vui và sự thanh thản.

Barbara A. Louis

***************

Lạy Chúa, cho con cảm nhận được Chúa đang hiện diện trong những con người khốn khổ đó, như mẹ Têrêsa, cha Đamiêng … hôm nay trong câu chuyện, qua nghĩa cử đẹp của anh chàng Frank, và còn biết bao những tấm gương sáng khác đáng cho con học hỏi và thực hành, để con biết cảm thông, chia sẻ với những người cùng khổ đang sống chung quanh con.  Amen!

ÁNH SÁNG VÀ BÓNG TỐI

Nhà đại thiên văn Kepler khám phá ra rằng vào năm Chúa Giáng Sinh, có một hiện tượng bất bình thường xảy ra giữa các vì sao.  Ông nói về hai ngôi sao Jupiter và Saturn rằng, bình thường chúng vẫn quay cách đều nhau, năm đó chúng sáp lại gần nhau đến độ ánh sáng của ngôi sao này cộng hưởng với ánh sáng của ngôi sao kia, tạo ra một luồng ánh sáng khác thường và kéo dài đến cả mấy tháng.

Phải chăng đó chính là ngôi sao lạ đã dẫn đường cho Ba Vua tìm ra Chúa Hài Nhi?

***************

“Chúng tôi đã thấy ngôi sao của Người xuất hiện bên phương Đông” (Mt 2,2).  Người xưa cho rằng ngày ra đời của các vĩ nhân thường được báo hiệu bằng sự xuất hiện của các ngôi sao lớn.  Các chiêm tinh gia thường nghiên cứu chuyển động của các vì tinh tú để đoán biết định mệnh con người.  Vì thế, khi nhìn thấy ngôi sao lạ, các đạo sĩ đã nhận ra sự sinh hạ của Đấng Cứu Thế, Vua dân Do Thái.

Quả thật, người Do thái đã trông đợi Đấng Cứu Tinh từ bao thế kỷ, Đấng ấy được ví như một vì sao từ Giacóp, như có lời trong Kinh thánh:  “Một vì sao xuất hiện từ Giacóp, một vương trượng chỗi dậy từ Israel” (Ds 24,17).  Tiên tri Mikha cũng đã tiên báo:  “Hỡi Bêlem Épratha, ngươi nhỏ bé nhất trong các chi tộc Giuđa, từ nơi ngươi, Ta sẽ cho xuất hiện một vị có sứ mạng thống lãnh Israel” (Mk 5,1).

Nếu Thiên Chúa đã dùng cột mây cột lửa để hướng dẫn dân Do thái đi trong hoang địa về đất hứa, thì Người cũng có thể dùng ngôi sao dẫn đường cho các đạo sĩ đến Bêlem để gặp Đấng Cứu Tinh.

Nhưng có một sự thật vô cùng trớ trêu: là khi vị Cứu Tinh xuất hiện sau bao thế kỷ đợi chờ, dân Do thái lại thờ ơ lãnh đạm, các thượng tế và kinh sư thì dửng dưng thụ động, cho dù họ thông thạo Kinh thánh và biết rõ nơi sinh của Đấng Cứu Thế.  Hêrôđê lại còn hoảng hốt vì sợ ngai vàng của mình bị lung lay.  Chỉ có các đạo sĩ đại diện cho lương dân lại hăng hái lên đường, hăm hở tìm kiếm, cho dù cuộc tìm kiếm đầy phiêu lưu trắc trở.  Và khi tìm được rồi, Đấng Cứu Thế cũng chẳng có vẻ gì là một quân vương, không uy nghi trong cung điện đền vàng, nhưng họ vẫn vui mừng đón nhận, xin được bái kiến và dâng lễ vật quí giá với tất cả tấm lòng thành.

Sau này, Chúa Giêsu đã phải thốt lên:  “Từ phương Đông phương Tây, nhiều người sẽ đến dự tiệc cùng các tổ phụ Abraham, Isaac và Giacóp trong Nước Trời.  Nhưng con cái Nước Trời thì sẽ bị quăng ra chỗ tối tăm bên ngoài” (Mt 8, 11-12).

Lễ Hiển Linh là lễ Chúa tỏ mình cho dân ngoại, nhắc chúng ta nhớ đến việc truyền giáo.

Nhờ ngôi sao lạ mà các đạo sĩ đã tìm ra Đấng Cứu Thế; chúng ta cũng hãy là những ánh sao sáng thu hút những tâm hồn đang khao khát tìm kiếm Chúa.

Nếu con người đang đi trong bóng tối của gian dối, hận thù; chúng ta hãy là những ánh sao của chân thành, phục vụ và yêu thương.

Nếu thế giới đang chìm đắm trong bóng tối của buồn phiền, thất vọng; chúng ta hãy là những ánh sao của niềm vui, an bình và hy vọng.

Nếu Chúa đã gọi:  “chúng con là ánh sáng thế gian” (Mt 5,14), thì đó là một vinh dự vô cùng lớn lao, nhưng cũng là một trách nhiệm nặng nề.

Chúng ta đừng chỉ lo nguyền rủa bóng tối, nhưng hãy dấn thân thắp lên những ngọn nến sáng:  Nến sáng của tin yêu và hy vọng, của bác ái và vị tha, để cả trái đất này tràn ngập ánh sáng tình yêu Chúa.

Chúng ta đừng chỉ lo gìn giữ ngọn nến của ngày chịu phép rửa tội, nhưng hãy can đảm thắp sáng những ngọn nến còn trong bóng tối lầm lạc và tội lỗi, để thế giới này luôn đi trong ánh sáng chân thật của Chúa.

***************

Lạy Chúa Hài Đồng, cuộc chiến giữa ánh sáng và bóng tối vẫn còn tiếp diễn trên thế giới này và trong lòng mỗi người chúng con.  Xin cho chúng con biết kín múc nơi Chúa là chính Nguồn Sáng, để chúng con có khả năng đẩy lui mọi bóng tối trong chúng con và trong lòng mọi người.  Amen!

Thiên Phúc