MẺ CÁ LẠ

Một trong những lời giảng dạy làm nhiều người khó chịu, nhưng cũng rất thú vị, của Minh Sư là: ”Thượng Đế gần gũi kẻ có tội hơn là người thánh thiện.”  Ngài dùng hình ảnh để giải thích như sau:

Thượng Đế ở trên thiên đàng nắm mỗi người ở đầu một sợi dây. Khi người ta phạm tội, sợi dây đó bị cắt đứt. Bấy giờ Thượng Đế cột sợi dây lại bằng cách làm một nút thắt – và như vậy, Ngài kéo họ lại gần Ngài hơn. Cứ như thế, mỗi khi người ta phạm tội, sợi giây bị cắt đứt, Thượng Đế lại buộc một nút thắt mới để kéo chúng ta lại gần Ngài nhiều hơn nữa.

( Anthony de Mello, trích trong “One Minute Wisdom”)

***************

“Lạy Ngài! Xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi” (Lc.5:8).

Bạn thân mến! Trên đây là lời nói của Simon Phêrô thưa với Chúa Giêsu khi ông cảm nhận được sự thấp hèn tội lỗi của mình trước đấng thánh cao cả Giêsu, khi ông kinh ngạc trước phép lạ “Mẻ Cá Lạ” mà ông đã được chứng kiến và cũng là người trong cuộc.  Xin mời bạn cùng tôi, chúng ta hãy lần theo dấu vết của Simon Phêrô trong Tin Mừng Chúa nhật hôm nay (Lc. 5:1-11) để hiểu thêm về ông, để biết thêm về “Mẻ Cá Lạ” ngày xưa đã tác động đến ông và các bạn chài của ông như thế nào? Và cũng để nhận ra “Mẻ Cá Lạ” ngày xưa đã tác động đến tôi và bạn hôm nay ra sao?

Trước hết, Simon Phê-rô là một người Truyền giáo: Trong lúc ông và các bạn chài đang giặt lưới sau 1 đêm dài mệt mỏi vật lộn với biển khơi để đánh bắt cá nhưng chẳng được gì. Chúa Giêsu đã đến bên ông, Ngài lên thuyền của ông, xin ông chèo ra xa bờ 1 chút để Ngài ngồi trên thuyền mà giảng dạy cho dân chúng. Ông đã không ngại mệt mỏi sau một đêm vất vả làm việc, Ông đã bỏ công việc riêng bề bộn sau lưng, đã đứng dậy và làm theo lời yêu cầu của Ngài…Chúa giảng, ông chèo …Chắc hẳn trong lúc ông chèo thuyền cho Chúa giảng dạy, ông cũng đã lãnh nhận những lời vàng ngọc, những chân lý ngàn đời không thay đổi nơi môi miệng của Chúa Giêsu. Ông chèo, Chúa giảng…Ông đã góp công sức vào việc giúp những người xung quanh biết về Chúa và nghe Lời Ngài. Với chiếc thuyền nhỏ bé của ông, ông đã “mang Chúa đến cho người khác”, Ông đã làm công việc truyền giáo trong lúc Giáo Hội chưa được hình thành.

Bạn thân mến, nếu hôm nay Chúa dùng những người xung quanh để mời gọi tôi và bạn đóng góp công sức của mình cho việc truyền giáo, Tôi và bạn sẽ đáp trả ra sao ? Sự đáp trả của tôi và bạn có giống Phêrô ngày xưa không?

Simon Phêrô: một người khiêm nhượng và biết lắng nghe. Sau 1 đêm vất vả đánh cá mà chẳng được gì, chắc hẳn ông mang một tâm trạng mệt mỏi, chán nản. Thế mà giờ đây, Chúa Giêsu lại bảo ông ra khơi đánh cá giữa ban ngày, lại ra tận chỗ nước sâu, nơi nguy hiểm nhất và cũng là chỗ khó bắt được cá nhất … Theo lẽ thông thường, Phêrô phải ngẫm nghĩ trong lòng: “Ông Giêsu ơi! Ông làm nghề thợ mộc mà! Đánh cá là nghề của tôi. Tôi đã sống bằng nghề này mấy mươi năm rồi, Ông biết gì về đánh cá mà lại hướng dẫn chỉ bảo tôi?”  Nhưng không phải thế, Simon Phêrô đã lắng nghe lời hướng dẫn của Chúa Giêsu trong khiêm nhượng và tin tưởng. Ông đã nói lên tâm tình đó qua câu: “Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả. Nhưng dựa vào lời Thầy, tôi sẽ thả lưới”.(Lc. 5:5)

Bạn thân mến, Trong cuộc sống hằng ngày, qua những vị linh mục trong cộng đoàn giáo xứ, qua các thầy cô trong trường học, qua cha mẹ anh chị em trong gia đình, qua bạn bè thân hữu ngoài xã hội … Có lẽ Chúa cũng đã gởi đến tôi và bạn biết bao lời khuyên răn nhắn nhủ, nhưng tôi và bạn có biết lắng nghe hay không? Tôi và bạn có đủ khiêm nhượng và tin tưởng để lắng nghe như Simon Phêrô ngày xưa không ?

Simon Phêrô: Người được Chúa tỏ mình ra:  Chứng kiến “Mẻ Cá Lạ”, Simon Phêrô đã nhận ra sự cao cả thánh thiện của Chúa Giêsu. Sợ hãi vì nhận thấy mình tội lỗi thấp hèn, ông đã vội quì xuống và thưa với Chúa Giêsu: “Xin Thầy tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi” (Lc.5:8). Nếu Chúa Giêsu không chủ động tỏ mình ra, chắc hẳn ông không thể nhận ra “Mẻ Cá Lạ” là do quyền năng cao cả của Thiên Chúa. Nếu không có ơn Chúa, chắc hẳn ông không thể nhận biết thân phận tội lỗi thấp hèn của mình.  Một đêm dài vất vả mệt mỏi, ông đã làm việc với sức của riêng mình, kết quả là con số không, Ông chẳng đánh bắt được gì. Nhưng khi có Chúa bên cạnh, Ông đã cùng làm với Chúa và dùng sức của Chúa, kết qủa là ông đã có “Mẻ Cá Lạ” gần chìm thuyền.

Bạn thân mến, cuộc sống có Chúa bên cạnh thật quan trọng và cần thiết biết bao! Xin bạn cùng với tôi, chúng ta hãy tự hỏi chính mình :”Chúa ở đâu trong cuộc sống hằng ngày của tôi? Những lúc tôi ăn uống nghỉ ngơi, những lúc vui lúc buồn, những lúc thành công hạnh phúc cũng như lúc thất bại mệt mỏi vất vả… Ngài ở đâu ? Ngài ở đâu ?

Simon Phêrô: Người biết phó thác để sẵn sàng ra đi và lên đường: Ra đi là bỏ nơi an toàn để đến nơi bấp bênh không chắc chắn. Ra đi là bỏ nơi quen biết để đến nơi xa lạ. ”Vâng lời thầy, con đi thả lưới” (Lc.5:5). Lên đường ra khơi thả lưới là chấp nhận đối đầu với phong ba bão táp, chấp nhận gian lao thử thách…”Thế là họ đưa thuyền vào bờ, rồi bỏ hết mọi sự mà theo Người” (Lc.5:11). Ra đi theo Chúa là bỏ lại tất cả: gia đình, thuyền bè, chài lưới… Bỏ cả nghề nghiệp cũ đã thành thạo để bắt tay vào nghề mới còn chập chững. Bỏ lưới cá để chài lưới người.

Bỏ tất cả để bước đi theo Chúa, để làm môn đệ của Ngài…Đây là việc đòi hỏi nhiều cố gắng nỗ lực, gặp nhiều khó khăn thử thách, nhưng cái khó khăn nhất có lẽ là “bỏ mình”, là ra khỏi “cái tôi hạn hẹp ích kỷ” của chính mình.  Dù có đi xa ngàn dặm nhưng vẫn giữ những thói tật xưa cũ thì người môn đệ vẫn còn ở khởi điểm.  Muốn lên đường theo Chúa, người môn đệ phải ra khỏi tính tự mãn của mình. Ra khỏi những quan niệm xưa cũ hẹp hòi. Ra khỏi những ảo tưởng viễn vông. Ra khỏi thói ích kỷ chỉ nghĩ đến bản thân. Và khi đã từ bỏ tất cả, người môn đệ sẽ trở nên hoàn toàn nghèo nàn. Gia tài chỉ có niềm cậy tin phó thác hoàn toàn vào Đấng kêu mời ta. Vũ khí chỉ có lòng vâng phục tuyệt đối vào Đấng sai ta.

***************

Lạy Chúa, lên đường bước đi theo Chúa là được Chúa biến đổi. Giống như Simon Phêrô xưa kia đã được Chúa biến đổi từ “Simon lưới cá” trở thành “Phêrô lưới người”. Xin Chúa ban ơn giúp sức cho con để biết noi gương bắt chước Simon Phêrô xưa kia, biết cố gắng nỗ lực lên đường bước đi theo Chúa và cũng được Chúa biến đổi . Amen .

Linh Xuân Thôn

HẠNH PHÚC

Xin trao về các em trẻ mồ côi, khuyết tật bụi đời với lòng xót xa, âu yếm và thương yêu nhất. Đặc biệt là các em mồ côi và bụi đời mà tôi đã có dịp quen biết và giúp đỡ noel năm trước. Để kỷ niệm một năm tôi xa các em.

Nó, một đứa con trai vừa tròn 22 là con một, được bố mẹ dành trọn cho tình thương yêu và lo lắng, nhưng chỉ khác những đứa con một khác một điều, nó không được nuông chiều như những đứa kia. Nó lớn lên trong tự lập dưới sự nâng đỡ và dìu dắt của mọi người thân quen đặc biệt là bố mẹ nó. Mọi người, từ bạn bè nó đến bạn bè của bố mẹ nó, đều nói là nó là người “HẠNH PHÚC” nhất trên đời. Nó không phủ nhận điều đó, nhưng đã bao lần nó tự hỏi ‘HẠNH PHÚC là gì?’ nhưng chưa một lần nó tìm ra được câu trả lời thoả đáng. Cũng như bao Noel trước, năm nay nó lại không về thăm bố mẹ được. Sau Thánh Lễ nửa đêm, nó trở về căn phòng lạnh lẽo và trống rỗng vắt tay lên trán suy nghĩ!

Chợt nó nhớ tới cái lá thư mà một người bạn của nó gởi cho nó từ Việt Nam mà nó nhận được mấy ngày trước, nhưng chưa mở vì người bạn dặn nó không được mở cho tới ngày Giáng Sinh. Người bạn này đã cùng sát cánh với nó bao năm nay trong công tác từ thiện. Nó chồm dậy, mở thư ra và đọc:

Gởi Thông một tâm sự có thật trong chuyến làm từ thiện của tụi mình Giáng Sinh năm trước! Hy vọng rằng Thông sẽ luôn nhớ đến các mảnh đời bất hạnh và tìm được ý nghĩa của HẠNH PHÚC.

…..

Con Giàu kéo thằng Sang nép sát vào góc nhà thờ. Hai đứa nép sát vào nhau như hai mặt của một tờ giấy. Cái băng ghế cuối cùng của nhà thờ là nơi hai chị em nó vẫn ‘toạ lạc’ trong thánh lễ mỗi ngày đã có người ngồi. Tuy còn vài chỗ trống nhưng nó không dám chen vào đó ngồi. Đúng ra đó là chỗ mà Chúa đã dành riêng cho hai chị em nó, nhưng thôi hôm nay là đêm Giáng Sinh mà. Mọi người ai cũng mặc đồ đẹp hết, chỉ riêng chị em nó quần áo vừa rách rưới, vừa dơ lại vừa hôi hám.

Tiếng nhạc đêm noel du dương, ngôi thánh đường với đèn màu lấp lánh, như một trời đầy yêu thương. Con Giàu chợt nhớ tới lời người nào đó đã kể cho nó nghe là cách đây 2000 năm “ông Giêsu” đã xuống thế gian trong lạnh lẽo, khó khăn và bị ruồng bỏ của mọi người để cứu con người và cả những người nghèo nàn không cha không mẹ như hai chị em nó cũng được cứu. Nghĩ tới đó, nó chợt đứng phắt dậy nhìn lên trên hang đá, vì nó cho rằng nó cũng có quyền nhìn “ông Chúa” sinh ra như bao người khác.

Nhà thờ đã chật, thế mà vẫn còn có người bước vào Thánh Đường, có hai đứa nhỏ một gái và một trai trai trạc tuổi nó và thằng Sang với áo đầm súng xính và và bộ vest thật đẹp bước vào. Nó nhìn thấy, cúi đầu và tủi tủi, nhưng nó không khóc đâu, vì nó đã quen với cảnh này lắm rồi.

– Chị ơi em đói bụng quá!

Tiếng thằng Sang gọi nó trở về với thực tại, nó nhìn vào cái lon xin tiền, chỉ có vài đồng lẻ. Nó ngao ngán, không đủ mua trái chuối thì làm sao mà mua đồ ăn cho em nó. Nó thấy thương thằng Sang vô cùng.

– Thôi em ráng chút nữa đi.

Thằng Sang ngồi bịch xuống mếu máo, nó lại càng thương em nó hơn. Nó kéo cái chăn cũ kĩ, mỏng dính đưa cho em nó và nói:

– Em đắp rồi ngủ đi, tí nữa sau lễ chị xin được đồng nào sẽ mua đồ ăn cho em.

-“Tội nghiệp”

Nó ngước mắt lên coi ai vừa nói đó. Bắt gặp bốn ánh mắt của hai vợ chồng rất trẻ, ăn mặc sang trọng bước ngang. Nó muốn thét lên:

– Tội nghiệp sao không cho tiền hay cho đồ ăn. Mấy người có biết em tôi đang đói không?

Và như để thay tiếng thét cứ muốn bật trên môi, nước mắt nó trào ra trên má. Hình như lâu lắm rồi nó chưa khóc. Qua làn nước mắt, nó nhìn thấy những bộ quần áo đẹp đẽ càng đẹp thêm. Những giọt nước mắt làm nhòe ánh đèn noel và lạnh đôi vai nó và cái đầu của thằng Sang. Tiếng nhạc noel vẫn réo rắt, mọi người hình như đã chìm đắm vào trong hạnh phúc của đêm noel, có biết đâu, cuối nhà thờ hai đứa bé mồ côi đang đói run, thằng con trai ngủ mồm ngậm ngón tay và đứa con gái ôm cái lon rỗng mếu máo.

……

Đọc xong tâm sự của hai chị em “con Giàu và thằng Sang”, nó trằn trọc không tài nào ngủ được. Nó nghĩ đến cái lạnh giá của Chúa Giáng Sinh trong máng cỏ, của những em bé đang co ro lạnh lẽo và đói trong một góc nào đó của thế giới hoa lệ. Đặc biệt nó nhớ tới hình ảnh của hai chị em bé nhỏ mà nó đã gặp trong cái đêm Giáng Sinh năm trước. Hình ảnh hai chị em ôm nhau khóc vì đói! Hình ảnh nó ôm em bé đó vào lòng và dẫn hai chị em đi ăn đêm chung với nó, và đã cho hai chị em một món quà vô cùng qúy giá! Tất cả như một cuốn phim chậm đang diễn ra trước mắt nó.

Nghĩ tới đó nó tung chiếc chăn ấm và choàng dậy. Nó mở cửa phòng mình, nhìn ra phòng khách, đèn đã tắt, bố mẹ nó đã ngủ say, chỉ còn lại những ánh đèm màu nhấp nháy bên Chúa Hài Nhi trong máng cỏ. Nó bước về phía hang đá, ngồi ngắm nghía một hồi lâu. Nó đứng giậy khoác hai cái áo lạnh thật dầy, đi mũ, mang găng tay rồi cầm lấy Hài Nhi Giêsu và bước ra khỏi cửa. Cái lạnh thấm vào tận xương của nó. Những cánh tuyết nặng trĩu cứ hắt vào mặt của nó làm cho những bước đi thật khó khăn. Nó cũng chẳng biết mình đang đi đâu. Qua một con đường, lại con đường thứ hai, rồi thứ ba… Nó nhìn thấy bóng người ẩn hiện đằng sau mái hiên của một ngôi nhà lầu cao tầng. Nó tiến lại gần, hai mẹ con đang ôm nhau để cố truyền cho nhau chút hơi ấm giữa khí trời âm độ. Nó cởi bớt một cái áo lạnh ra khoác cho đứa bé, rồi móc túi tiền nhưng nó không mang bóp. Tìm mãi trong túi còn khoảng gần 20 dollars lẻ, nó đưa cho bà mẹ, rồi quay sang tặng cho cậu bé Hài Nhi Giêsu như một món quà noel chân thành nhất của nó.

Cái lạnh thấu buốt làm nó quên nói lời chào tạm biệt, nó quay gót chạy nhanh về nhà. Nó mở cửa, căn phòng trống lặng hàng ngày như có vẻ lạnh lẽo hơn vì thiếu đi một người, nhìn vào hang đá, Hài Nhi Giêsu đã không còn ở đó, nó mỉm cười. Và đó là lần đầu tiên trên đời của nó, nó hiểu được ý nghĩa của hai chữ HẠNH PHÚC. Nó chợt ước rằng trên đời này không những chỉ có mình nó, nhưng mong rằng sẽ có nhiều ‘nó’, những ‘nó’ với tâm hồn rộng mở biết sẵn sàng chia xẻ cho những người cùng khổ đặc biệt là các trẻ thơ. Nó quyết định ‘dũ áo bụi trần’ và dấn thân vào ‘con đường phục vụ.’ Nó ao ước được phục vụ các em nhỏ rơi vào hoàn cảnh như con Giàu, thằng Sang hay hai mẹ con mà nó vừa gặp. Nó chợt rùng mình khi nghĩ đến quyết định mới nhất của nó, nhất là con người yếu đuối của mình. Nhưng tiếng Đức Giáo Hoàng văng vẳng bên tai nó trong kỳ đại hội giới trẻ vừa qua tại Roma:

‘If it is not I then WHO; if it is not NOW then WHEN?’ (Nếu không phải là con, thì là ai? Nếu không phải bây giờ thì lúc nào?)

***************

Lạy Chúa, đôi khi hạnh phúc của trần gian đã làm con mù quáng và bỏ rơi hạnh phúc vĩnh cửu trên thiên đàng. Những tham vọng vươn lên, những quyến rũ trần thế, những lời ngon ngọt đã làm con choáng váng. Xin chúa giữ gìn con. Xin cho con tìm được Hạnh Phúc trong phục vụ và yêu thương, trong hy sinh và tha thứ, và nhất là trong Bí Tích Tình Yêu – Chính là Thánh Thể Chúa Kitô.

LM. Martino Nguyễn Bá Thông
(Hayyeuthuongnhau.org)

NGƯỜI NGƯ PHỦ HẠNH PHÚC

Một kỹ nghệ gia giàu có ở miền Bắc lấy làm ngạc nhiên khi thấy bác ngư phủ miền Nam nằm dài thoải mái hút thuốc trên bờ biển bên cạnh chiếc thuyền câu bé tí của ông.

Nhà kỹ nghệ bèn hỏi:

– Tại sao bác không ra khơi đánh cá?

Bác ngư phủ trả lời:

– Bởi vì tôi đã có đủ cá để ăn trong ngày hôm nay.

Nhà kỹ nghệ hỏi tiếp:

– Nhưng tại sao bác không kiếm thêm nhiều cá hơn nữa?

Bác ngư phủ lắc đầu:

– Đế làm gì?

Nhà kỹ nghệ nói:

– Bác có thể có nhiều hơn, như thế bác có thể sắm một chiếc ghe máy, bấy giờ bác có thể ra ngoài khơi xa hơn, đánh được nhiều cá hơn, rồi bác sẽ có nhiều tiền, bác mua lưới lynon, nhờ vậy bác sẽ bắt được nhiều cá, càng có tiền, rồi sắm hai chiếc tàu và có thể cả đoàn tầu nữa, lúc bấy giờ bác sẽ trở thành giàu có như tôi vậy.

Bác ngư phủ bèn hỏi:

– Bấy giờ tôi sẽ làm gì?

Nhà kỹ nghệ đáp:

– Bác có thể nghỉ ngơi và hưởng thụ.

Bấy giờ bác ngư phủ mới nói bằng một giọng vô cùng thoả mãn:

– Vậy bây giờ ông nghĩ tôi đang làm gì?

Anthony De Melllo. SJ

***************

Cuộc sống nơi quê tôi, đại đa số dân chúng trước đây sống bằng nghề làm rẫy, với thời gian đất đai mất màu khô cằn, không còn cho lợi tức; mọi nhà chuyển sang nghề chăn nuôi, được một thời gian lại phải đối diện với dịch H5N1 – lở mồm long móng.  Bây giờ không còn trông nhờ vào đâu để kiếm ra được đồng tiền chi tiêu trong cuộc sống, nào tiền ăn, tiền học, tiền điện, tiền nước..…

Nỗi lo cứ thế chồng chất thêm khó khăn lên những đôi vai mọi người.  Đi dạo một vòng nơi xứ đạo tôi, một hình ảnh nhà nào cũng giống như nhà nào, người người ngồi còng lưng để cạo vỏ hạt điều, cần cù siêng năng cần mẫn, một người một ngày kiếm được mươi ngàn đồng VN.

Nhưng có một điều tôi nhận ra được là những người dân quê ấy, họ vẫn vui vẻ chấp nhận với công việc họ làm, vì một lý do, dù sao trước mắt họ cũng kiếm đủ được lương thực cho một ngày sống.  Trong khi chờ đợi cho một ngày tươi sáng hơn, những con vi khuẩn H5N1, lở mồm long móng sẽ bị đẩy lùi, và họ sẽ tiếp tục gầy dựng lại cơ nghiệp, như ngày trước ông Gióp đã trải qua sự thử thách, và ông đã vượt qua được nỗi bĩ cực, bởi vì ông đã đặt tất cả niềm tin vào Thiên Chúa.

Chắc hẳn bác ngư phủ và những người dân quê tôi đó đã tâm niệm trong cuộc sống như câu kinh Chúa đã dạy:  Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày.  Một ngày Chúa ban cho lương thực dùng đủ là một niềm hạnh phúc.  Bác ngư phủ trong tư thế thoải mái nằm hút thuốc bên cạnh chiếc thuyền câu, là một hình ảnh êm đềm hạnh phúc sau những giờ lao động ngoài biển khơi.

Những lời nhà kỹ nghệ khuyên bác ngư phủ cũng có điều hay, vì chính trong cuộc sống con người cần phải học sống cách cầu tiến.  Nhưng xin đừng lạm dụng để con người chỉ là một công cụ chỉ biết làm ra tiền, tạo ra sự giàu sang phú quí về mặt vật chất, mà quên đi cái cốt lõi là tìm sự thanh thản tâm linh để đối diện với Chúa.  Nhà kỹ nghệ quên đi rằng cái ngày nghỉ ngơi để tịnh tâm của ông nó sẽ ngắn ngủi biết chừng nào và có thể sẽ không có ngày đó cho ông.

Nhưng nhìn chung tâm lý con người lòng tham không bao giờ có đáy.  Khi đã đạt được cái điều mình mong muốn rồi, sẽ không bao giờ ngồi yên, mà sẽ tìm đủ mọi cách để thực hiện cái điều mơ ước mới.  Cứ thế năm tháng qua đi nhìn lại chỉ thấy cuộc đời mình là một khối vật chất dầy vô hạn, vất vả và đôi khi còn gặp những trở ngại khó khăn, có lúc tưởng chừng như một bản án chung thân hay tử hình … Trong Tin Mừng Thánh Luca (12,16-21) ghi lại dụ ngôn người phú hộ thu tích được rất nhiều của cải, ông phá kho lẫm cũ đi để xây những kho lẫm mới to lớn hơn để tích trữ của cải, rồi ông tự nhủ với linh hồn ông, bây giờ ông tha hồ ăn chơi cho thỏa thích, ông không nghĩ ra rằng ngay đêm đó là đêm cuối cùng trong cuộc đời ông.  Của cải đó chắc chắn ông không bao giờ đem theo được khi từ giã cõi đời này.

***************

Lạy Chúa, xin cho con biết trân trọng giá trị của sự làm việc. Biết dùng lao động để tạo ra của cải vật chất mang lại giá trị chân chính nhưng không làm nô lệ cho đời sống vật chất.  Xin Chúa gìn giữ con để con đừng bước vào con đường như người phú hộ trong dụ ngôn.  Xin cho con biết học hỏi tấm gương người ngư phủ, luôn nhìn thấy được sự thanh thản qua lao động trong cuộc sống, biết dừng lại đúng nơi đúng lúc để có được khoảnh khắc nghỉ ngơi an nhàn trong Chúa. Amen!

Pet. P.B.H.

TÌM CHÚA TRONG ĐỜI THƯỜNG

Tục ngữ ca dao có câu: “Một người làm quan, cả họ được nhờ!” hoặc “Một giọt máu đào hơn ao nước lã!” để nói lên cách cư xử ưu đãi trong mối liên hệ thâm tình. Thế nhưng bài tin mừng hôm nay lại cho chúng ta một câu chuyện bất ngờ.

Câu chuyện năm xưa bắt đầu thế này.

Một buổi sáng ngày Sa-bát, cả làng Na-za-rét xôn xao.  Có một thầy giảng nổi tiếng được mời đến nói chuyện trong hội đường của làng.  Người ta đồn rằng ông thầy này đã đi nhiều nơi, làm nhiều phép lạ trong khắp vùng Ga-li-lê.  Hôm nay ông dừng chân ở Na-za-rét , không chừng dân làng cũng được nhờ  vả gì chăng?  Mọi người háo hức lục tục kéo đến hội đường để xem mặt vị khách đó.

Người đàn ông trên bục giảng bắt đầu nói với họ: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh qúy vị vừa nghe.”   Ông bắt đầu giảng giải về những điều ngôn sứ I-sai-ya vừa nói.  Cả hội đường im phăng phắc say sưa nghe vị khách chia sẻ lời Chúa.

Có tiếng xầm xì trong đám đông “Đây không phải là con ông Giu-se sao?”.  Những tiếng gọi í ới: “Này, một người làm quan, cả họ được nhờ… Nghe nói ở Ca-pha-na-hum, ông chữa lành người bại liệt, … trừ được cả quỷ nữa… Những gì ông đã làm ở chỗ khác, hãy làm ở đây xem.  Thử chữa vài người cho chúng tôi xem nào!”  Nếu người dưng nước lã mà được nhờ, thì chắc dân làng còn phải được hưởng gấp bội… Một giọt máu đào, hơn ao nước lã kia mà!  Và họ trông chờ phép lạ!

Đức Giê-su nhìn quanh và thở dài.  Những khuôn mặt quen thuộc của bà con lối xóm.  Nhưng hình như họ không còn nhận ra Người nữa.  Những lời Ngài giảng dạy về Nước Thiên Chúa, họ bỏ ngoài tai.  Họ chỉ say sưa đi tìm dấu lạ.  Đức Giê-su biết rõ họ.  Những người này chẳng quan tâm đến những điều Ngài nói, họ chỉ cần biết xem Ngài có đem lại những điều phi thường cho Na-za-rét hay không.

Đức Giê-su lắc đầu từ chối: “Không một ngôn sứ nào được chấp nhận nơi quê hương mình.”  Lời Ngài nói như gáo nước lạnh tạt vào mặt họ.  Họ chưng hửng.  Thế này là thế nào?  Không phải ông ta vưà tuyên bố những điều ngôn sứ I-sai-ya loan báo sẽ được ứng nghiệm hôm nay sao?  Nào là người mù được thấy, người áp bức được giải phóng, nào là công bố năm hồng ân xoá nợ.  Càng nghe Đức Giê-su nói, họ càng bực tức.  Nhất là khi Ngài so sánh việc ngôn sứ Ê-li-ya và Ê-li-sha bỏ Is-ra-en đến với dân ngoại để rao giảng và chữa lành.  Tự ái đùng đùng nổi lên. Ông này là ai mà dám sỉ nhục chúng tôi chứ?  Không lẽ Na-za-rét không đáng để cho ông ta thực hiện những kỳ tích sao?

Lúc đầu họ háo hức chờ đợi mưa móc ân sủng.  Họ mong đợi được chúc phúc vì giữa làng quê nhỏ bé của họ đã xuất hiện một ngôn sứ của Thiên Chúa.  Vậy mà bây giờ cái ông Giê-su không biết điều này, chẳng những đã không làm gì cho họ, mà còn đem họ so sánh với đám dân ngoại không giữ Luật Thiên Chúa. Từ ngạc nhiên đến thất vọng. Từ thất vọng đến giận dữ.  Từ giận dữ đến quyết tâm thua đủ với Ngài.  Họ lôi Ngài ra khỏi hội đường, tính xô Ngài xuống vực thẳm.  Nhưng, Thánh Kinh thuật lại, Ngài vượt qua họ mà đi.

***************

Câu chuyện năm xưa vẫn còn tái diễn trong cuộc sống của nhiều người trong chúng ta hôm nay.  Tôi giữ đạo đàng hoàng, đi lễ đọc kinh sớm tối, công việc nhà thờ năng nổ.  Vậy mà khi có chuyện, tôi kêu cầu Chúa chẳng nghe. Gia đình tôi lục đục.  Vợ đau con ốm.  Chồng thất nghiệp.  Đời sống chỉ toàn tai ương tật ách, khổ ải triền miên.  Chúa ở đâu hả Chúa!  Tôi chạy đông chạy tây, hành hương chỗ này chỗ nọ, chỉ xin Chúa ban cho một chút ơn để hâm nóng đức tin.  Thế mà xin hoài chẳng thấy, cầu mãi chẳng được.  Còn mấy cái người hàng xóm sống bê bối buông tuồng, cả đời chẳng thèm bước chân đến nhà thờ, vậy mà cứ gặp may mắn hoài.  Nay trúng số, mai mua nhà, việc làm ngon lành, cuộc sống cứ phây phây thoải mái.  Chúa có bất công không?

Ít nhiều gì tôi cũng đã có lần mang tâm trạng như dân làng Na-za-rét.  Tôi mong Chúa làm một cái gì đó cho tôi. Tôi tìm Chúa ở trong những phép lạ, những kỳ tích. Tôi theo Chúa bằng một cuộc mặc cả đôi co.  Chúa cho con cái này đi, con sẽ làm cái nọ cho Chúa.  Tôi trả giá kỳ kèo với Chúa.  Con theo Chúa bao nhiêu năm, luật Chúa con chẳng bỏ sót, thế mà con lại gặp những chuyện không vui.

Nhưng khi tâm hồn lắng đọng lại, tôi sẽ thấy được rằng chẳng qua tôi coi Thiên Chúa như ông chủ và tôi là người làm công.  Làm công thì phải hưởng cho đáng công!  Tệ hơn nữa, đôi lúc tôi coi Thiên Chúa như cái máy bán nước ngọt tự động.  Tôi bỏ vào vài đồng cắc, nhấn nút thì một lon nước phải nhảy ra.  Nếu lon nước không ra, tôi sẽ đập cái máy đến điên cuồng, vì máy đã hỏng, không cho tôi được cái tôi muốn.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta xét lại mối tương quan của mình với Thiên Chúa.  Tôi tin vào Lời của Chúa đến mức nào?  Tôi đi tìm Chúa hay chỉ đi tìm những phúc lộc của Ngài?  Và khi tôi không được điều tôi muốn, liệu tôi có xô đẩy Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống của tôi như dân làng Na-za-rét thưở xưa đã làm không?

Trong niềm tin Ki-tô hữu, phép lạ của cuộc sống chẳng phải kiếm tìm xa xôi.  Chúng ta gặp Thiên Chúa ở giữa giòng đời, trong thành công cũng như thất bại, lúc mạnh khoẻ cũng như lúc yếu đau, trong hoan lạc cũng như đau khổ.  Thiên Chúa không tỏ mình cho chúng ta bằng những phép thần thông phi thường, nhưng Ngài hiện diện với chúng ta trong những phép lạ bình thường của cuộc sống.  Hằng ngày tôi có vô vàn cơ hội để nhận biết, tìm kiếm và tận hưởng những món quà ân sủng trong đời thường.  Hôm nay tôi có nhận ra ơn Chúa nơi nụ cười của một đứa bé?  Nơi công việc bề bộn của sở làm?  Trong cái tất bật của dòng xe cộ lúc đi làm?  Hay trong cái ấm cúng của bữa ăn tối gia đình?   Tôi có thấy ơn Chúa trong lời than vãn của người đồng nghiệp?  Trong niềm vui của một bà mẹ mới sinh con?  Và trong tấm thiệp sinh nhật đứa con gái 7 tuổi tự tay làm cho tôi?

***************

Lạy Chúa Giêsu Na-za-rét xin thêm đức tin cho chúng con để khiêm tốn thấy ngài tỏ mình thật bình thường giữa lòng cuộc sống, xin cho con biết nhìn ra Chúa hiện diện qua những biến cố lớn nhỏ trong cuộc sống đời thường.  Xin cho con đừng nhẫn tâm xua đuổi Chúa ra khỏi cuộc sống mình như dân làng Na-za-rét xưa mỗi khi con xin mà không được như ý.  Amen!

Bảo Lộc

BÊN ĐỐNG RÁC – DƯỚI CHÂN CẦU

Thế là tôi đã lẽo đẽo theo các em để bán vé số và ăn xin trên các đường phố Sài Gòn được hai ngày!  Không biết bao nhiêu lần giở khóc giở cười.  Có lẽ giờ này nếu bạn bè hay gia đình có gặp tôi thì họ cũng không thể nào nhận ra được.  Tôi đã biến thành một người nghèo nàn, đen đủi, đơ dáy và hôi hám như những mảnh đời bất hạnh lê lết hết từ quán ăn này đến quán ăn khác.

Để được theo các em đi ăn xin và bán vé số không phải là dễ.  Tôi đã phải lân la làm quen và giúp các em rất nhiều, tôi đã lấy được niềm tin của các em và gia đình các em.  Tôi đã ăn và ở chung với họ.  Tôi đã cho họ thấy được tôi thực sự muốn sống cảnh màn trời chiếu đất với họ để có thể hiểu và cảm thông nỗi khổ của họ!

Tối hôm nay là tối cuối cùng tôi theo các em, như dự tính ban đầu, hôm nay tôi sẽ không ngủ trong các ngôi nhà bằng giấy, trong thế giới của kẻ chết, mà tôi đã chia xẻ ở trên (Bài “Tôi Đến Thăm Em”) nhưng tôi sẽ theo một nhóm trẻ mồ côi lang thang về ngủ ở khách sạn “ngàn sao” toạ lạc dưới chân cầu Chữ Y bên Khánh Hội.  Chiều hôm đó tôi đã được phép theo nhóm trẻ mồ côi lang thang.  Dẫu tôi cũng đã biết các em từ trước qua hai ngày đi bán vé số và ăn xin, tuy nhiên trước khi tôi đi cụ trưởng làng dặn tôi:

“Cháu cẩn thận nhé, tụi nó không có hiền giống như tụi nhỏ bên này đâu!”

Khoảng 3 giờ chiều, tôi hoà nhập với các em tại công viên bên cạnh nhà Thờ Đức Bà.  Tôi nhập ngay vào với bọn nó một cách dễ dàng.  Bọn trẻ đang bàn kế hoạch cho tối hôm nay, chúng quyết định sẽ không đi ăn xin nữa mà sẽ đi lượm ống lon, và ve chai tại đống rác bên quận 4.   Nghe chúng nói đến đó tôi đã rùng mình run sợ, tôi thật sự sợ cái mùi hôi thối bốc lên từ rác, nhất là tim tôi thì yếu, không biết có thể sống nổi không.  Tôi ngước lên nhìn tượng Mẹ trước nhà thờ đọc một kinh Kính Mừng xin mẹ cầu bầu cùng Chúa cho con.

Trong bóng đêm, cảnh đống rác thật hãi hùng, cao như dãy núi.  Tiếng người cười nói, tiếng cãi nhau, tiếng chửi rủa hoà lẫn vào nhau, cả hàng trăm người cứ như là những bóng ma di động.  Mùi hôi thối nồng nặc, tôi rùng mình run sợ.  Lại đọc thêm một kinh Kính Mừng.  Thấy tôi tỏ vẻ ngần ngại, con bé đứng cạnh tôi thét lên:

– “Nhảy vô đi cha nội, đứng đó là đói, lấy gì ăn.”

Tôi bừng tỉnh và như quên đi cái hôi thối, tôi lao vào trong đống rác như bao đứa trẻ khác.  Khoảng hơn hai tiếng, chúng tôi đã “quần nát” cái đống rác.  Tôi lượm cũng gần đầy cái bao bố.

Bọn trẻ đã tập họp lại với nhau và bắt đầu khoe những thứ mà chúng đã lượm được.  Ngoài những cái bọc nylông thông thường, có đứa khoe lượm được cái chân gà, hay một món đồ ăn được gói kỹ.  Bỗng dưng có con bé khoảng 10 tuổi la to:

–  “Hôm nay nhà tao không phải đói rồi.”

Nói xong nó lôi trong cái bao của nó ra một cái đầu chó!  Tôi đứng đó mà nước mắt tuôn trào, cứ như là trong mơ.  Đến phiên tôi, tôi không kể gì mà chỉ đưa cho thằng bé “trưởng nhóm” cái bao bố và nói là cho hết tụi nó.

Chắc cũng khoảng nửa đêm, khi chúng tôi trở lại chân cầu chữ Y bên Khánh Hội.  Các em chắc mệt mỏi, lăn ra ngủ ngay.  Riêng tôi không biết vì quá mệt mỏi hay là qúa xúc động không tài nào ngủ được.  Tôi cứ nằm nhìn trăng chiếu xuyên qua các khe hở của thành cầu.  Trăng đêm nay sáng quá, nhưng đời các em thì thật tối!  Đêm nay là đêm đầu tiên trong đời tôi hiểu được ý nghĩa của “màn trời chiếu đất.”  Tôi trằn trọc, nước mắt cũng không còn để mà rơi.  Tôi muốn thét lên, thét lên thật to, nhưng lại dằn lòng đau xót.

Sáng hôm sau, tôi thật sự mỏi mệt và kiệt sức.  Tôi đứng dậy, lê từng bước nặng nhọc ra khỏi gầm cầu, đón taxi để quay về Khách Sạn, nhưng không một chiếc nào ngừng.  Nỗi mệt mỏi và đau nhức trong thể xác tôi, không tài nào so sánh với nỗi đau tinh thần, nước mắt tôi cứ tuôn trào.  Nếu như mọi khi, tôi ăn mặc lịch sự thì Taxi đã nối dài thành hàng để chào mời tôi rồi, nhưng hôm nay tôi tiều tụy và nghèo nàn.  Cũng chẳng trách gì được những anh lái Taxi, vì họ cũng làm thuê cả mà.  Cuối cùng tôi cũng đã thuyết phục được một cụ già chạy Honda ôm chở tôi về.

Honda dừng trước cửa khách sạn, tôi vừa bước xuống đã bị anh bảo vệ xua đuổi, nhưng khi nhận ra tôi là khách quen, anh ta cười bẽn lẽn và xin lỗi.  Cụ già đứng ngoài chờ tôi vào Khách Sạn lấy tiền.  Tôi đến bàn tiếp tân, xin chìa khoá phòng 205.  Cô tiếp tân mọi ngày niềm nở với tôi lắm, bỗng dưng hôm nay cáu gắt lạ thường, cô nói và liếc nhìn tôi thật khó chịu:

–  “ông tìm ai!  Chủ nhân phòng 205 đi ra ngoài rồi!”

Tôi giở chiếc mũ lụp xụp ra, mùi hôi bốc lên, và mỉm cười nói với cô bé,

– “Thưa cô, tôi là chủ nhân của căn phòng 205 đây!”

Cô nhìn tôi, tí nữa thì té lăn ra khỏi ghế, cô đứng bật giậy và hỏi tôi:

– “Anh Thông, anh có sao không? Bị cướp giật à?”

Tôi nói cho cô biết tôi không sao, chỉ mệt mỏi và muốn lên phòng nghỉ.  Cô cầm chìa khoá phòng và còn dẫn tôi lên đến tận cửa.  Tôi nhờ cô lấy 50 ngàn trả cho cụ già chạy xe ôm. Tôi lao vào phòng cởi quần áo và lăn ra ngủ!  Một giấc ngủ bình yên và hạnh phúc!

***************

Lạy Chúa, không có khoảng cách nào lớn hơn giữa lòng người với người, giữa các con tim của nhân loại.  Cái hố sâu ngăn cách giữa giàu sang và nghèo đói đã làm cho lòng người chai đá, làm cho con tim họ dửng dưng trước những đau khổ và bất hạnh của người khác.  Xin Chúa hãy thay thế quả tim bằng đá khô cằn của chúng con bằng quả tim bằng da bằng thịt, trái tim với những vòng chảy không ngừng của những giọt máu yêu thương.  Xin cho chúng con  biết chia xẻ với anh em những ân huệ chúng con lãnh nhận từ Chúa, Amen.

LM. Martino Nguyễn Bá Thông
(Hayyeuthuongnhau.org)

CẦU NGUYỆN VÀ LAO ĐỘNG

Một ông thuỷ thủ già dẫn một chàng trai trẻ xuống chèo xuồng của ông.  Mái chèo bên phải mang chữ Prie (cầu nguyện), mái chèo bên trái mang chữ Travailler (lao động).  Chàng trai chế nhạo ông già:

– Bố già ơi! Lẩm cẩm chậm tiến quá!  Đã lao động thì cần gì phải cầu nguyện nữa.

Ông thuỷ thủ già không nói gì cả, ông gác cái mái chèo cầu nguyện lên xuồng và chỉ chèo với cái mái chèo lao động.  Ông chèo, chèo mãi … nhưng cái xuồng cứ quay tròn chứ không chịu tiến lên phía trước.  Chàng trai trẻ mới nghĩ ra phải có cái mái chèo cầu nguyện cùng với mái chèo lao động kết hợp mới điều khiển được chiếc xuồng.

***************

Là Kitô hữu, chắc hẳn chẳng bao giờ chúng ta quên được câu kết trong kinh mười điều răn Đức Chúa Trời.  Đọc lên bất cứ ai cũng thông làu làu. Điều cốt lõi và cần thiết hơn là có thực hành được như Lời Chúa dạy chăng?  Kính mến Chúa – bất cứ ai là Kitô Giáo cũng đều khẳng định tôi luôn kính thờ Chúa, bằng những việc điển hình như dâng lễ mỗi buổi sáng, chiều đến nhà thờ tham dự giờ kinh nguyện, tối về cả gia đình xum họp quây quần bên bàn thờ Chúa đọc kinh…. bằng đó việc làm trong ngày tôi nghĩ cũng đủ nói lên mình đã chu toàn được điều thứ nhất. Thật là an nhàn, dễ dàng, chuyện thờ kính Chúa quả là dễ dàng!

Nhưng, Chúa lại không hài lòng về những việc tôi đang làm cách một chiều như thế. Chúa muốn việc kính thờ Chúa cần phải đi đôi với yêu người, mà phải  yêu như chính bản thân mình (Lc 101,27b), hơn thế nữa phải yêu chính cả kẻ thù của mình nữa (Lc 6,35).  Quả là khó lắm đây! Chúa không muốn con người chỉ tôn thờ Ngài như một vị Thiên Chúa độc tôn vô hình, mà phải tin Chúa đang hiện diện trong mỗi người, đặc biệt nơi những kẻ khó nghèo cô thế … Tin mừng Thánh Matthêô đã viết : “Ai làm cho một trong các anh em bé nhỏ nhất của Ta đây là làm cho chính Ta”. (Mt 25,40). Ngài muốn con người thực hành những bài học Ngài đã dạy con người.

Như mẩu chuyện trên, chèo với một mái chèo “lao động” thì cái xuồng sẽ cứ mãi quay tròn, không thể tiến về phía trước để cập bến được.  Cần phải có cái mái chèo “cầu nguyện” kia nữa.  Hai mái chèo cùng kết hợp hài hoà với nhau, thì khi điều khiển con xuồng, nó mới mau chóng về tới bến muốn đỗ.  Cũng như việc kính mến Chúa phải luôn đi đôi với yêu người.  Nếu chỉ kính mến Chúa mà không quan tâm tới tha nhân, thì cũng như học lý thuyết mà không bao giờ biết thực hành.

Trong cuộc sống tuỳ theo khả năng chuyên môn, mỗi người đều phải có một nghề để lao động, nhằm mục đích phục vụ cho nhu cầu vật chất.  Trong lao động qua công việc làm thường ngày, nếu quan sát tìm tòi, sẽ khám phá ra được sự kỳ diệu thiêng liêng nhiệm mầu mà Chúa đã ban tặng cho con người.  Muốn hiểu rõ được những điều kỳ diệu đó, hãy lấy Lời Chúa làm căn nguyên, chính bản thân phải gẫm suy, cầu nguyện chuyện trò với Chúa, bản thân ắt sẽ nắm bắt được Chúa muốn nói gì với ta.  Từ đó trong cuộc sống với mọi người chung quanh, bản thân ta sẽ nhìn ra được cái Chân Thiện Mỹ trong cuộc sống, qua hành động, cử chỉ, gương lành …

Trong công việc nếu chỉ đơn thuần nghĩ nó chỉ phục vụ cho cuộc sống vật chất, mà không nghĩ tới việc cầu nguyện cùng Chúa, thì cũng như chèo xuồng với một cái mái chèo.

***************

Lạy Chúa, Chúa đã cho con được nhận biết Chúa qua những kỳ công của Chúa đã làm.  Cụ thể qua công việc con đang làm.  Chính Chúa đang điều khiển dẫn dắt con.  Chúa đã ban cho con được những vụ mùa bội thu, vượt hơn cả lời con ước nguyện. Con xin cám ơn Chúa.  Xin Chúa cho con biết dùng những hoa quả con đã gặt gái được, biết quan tâm chia sẻ đến những người cùng khổ đang sống chung quanh con, để con thực hành được như lời Chúa dạy : Trước kính mến một Đức Chúa Trời trên hết mọi sự, sau lại yêu người như mình ta vậy. Amen.

Pet. P.B.H.

GIẢI THOÁT

Trong “Một Phút Minh Triết” của cha Anthony de Mello, S.J.  Đệ tử hỏi thày:

– Làm thế nào để con được giải thoát?

Minh sư đáp:

– Hãy tìm cho ra ai đã trói buộc con.

Sau một tuần lễ, đệ tử đó trở lại và nói:

– Dạ không ai trói buộc con hết.

– Vậy tại sao con mong được giải thoát!

Ngay lúc đó đệ tử được giác ngộ và lập tức anh ta cảm thấy tự do.

***************

Bạn thân mến,

Là người đã từng theo chân Chúa không ít thì nhiều ai cũng biết Chúa đến thế gian để giải thoát chúng ta khỏi ách tội lỗi.  Đó là giáo lý căn bản, bắt học thuộc thì nhớ nhưng chắc chắn sẽ có những thắc mắc ưu tư.  Tôi là một người tự do có làm nô lệ cho ai đâu mà cần được giải thoát?  Giải thoát khỏi những thứ gì mới được chứ?  Hoặc có người háo hức muốn được giải thoát nhưng không biết mình bị trói buộc bởi những thứ gì để mà giải thoát như người đệ tử trong câu chuyện trên.

Có lẽ đó là lần đầu tiên Chúa Giêsu rao giảng tại Nazarét, quê hương mình, Người vào một hội đường, mở sách ra, gặp đoạn chép rằng:  “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa.” (Lc 4:18-19).

Chúa sai tôi lên đường loan báo Tin Mừng cho người khác.  Nhưng…. làm sao tôi có thể loan báo Tin Mừng khi chính tôi không biết gì về Tin Mừng và không sống tinh thần Tin Mừng?  Làm sao tôi có thể công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha khi chính tôi không tha cho những người xúc phạm, mắc nợ tôi về vật chất cũng như tinh thần?   Làm sao tôi có thể cho người mù biết họ được sáng mắt khi mắt tôi chỉ nhìn thấy những lo toan vất vả đời này và hạnh phúc tạm bợ trong thoáng giây mà không thấy được hạnh phúc vĩnh cửu đời sau?  Làm sao tôi có thể trả lại tự do cho người bị áp bức khi chính tôi không có tự do?

Tôi là một người nô lệ đang bị trói buộc bởi nhiều thứ hay sao?  Nhiều khi sợi dây để trói đôi tay êm ái quá, nhẹ nhàng quá khiến ta không nhìn ra nó.  Đó là những ước mơ mang lại đời sống vật chất sung túc cho người thân, là những danh từ rất kêu “bổn phận”, “nhiệm vụ”.  Làm nhiều tiền dư, chẳng lẽ lại không hưởng thụ?   Đôi khi miếng vải che mắt là một mảnh lụa mịn màng để ta chỉ thấy được xe, nhà, đời sống tiện nghi…. dập dìu qua lại.  Mảnh lụa đó cũng chỉ cho ta thấy “bổn phận” với đời sống vật chất của con cái, vợ chồng mà không thấy “bổn phận” với đời sống nội tâm thiêng liêng của họ.  Cũng có lẽ sự áp bức tôi đang mang tinh vi quá khiến mắt tôi không nhìn ra mình đang làm nô lệ của một kiếp người với những ước mơ tầm thường:  Làm.  Ăn.  Uống.  Ngủ.  Nghỉ.  Hưởng thụ.  Rồi già.  Chết.  Hết.  Xong một kiếp người!

Tôi có thật sự là một người tự do hay không?  Tôi có cần được giải thoát hay không?

Như người đệ tử trong câu chuyện trên, chúng ta cần thời gian lắng đọng lòng mình để tìm cho ra những gì đang trói buộc đôi tay tôi lúc này.  Những gì đang bóp chết những tình cảm trong sáng dành cho người thân và tha nhân.  Những gì đang chặn tầm nhìn khiến ta không nhìn xa hơn về phía chân trời cao, nơi chúng ta sẽ đến ở một ngày không xa.  Nếu chúng ta không cảm thấy có nhu cầu cần giải thoát thì Thiên Chúa có thể làm được gì hơn?   Muốn được giải thoát trước hết chúng ta cần biết mình đang bị trói buộc bởi những gì?

***************

Lạy Đức Giêsu Nazarét, khi xưa Chúa rao giảng những lời này tại quê hương mình thì bị những người đồng hương chống đối đuổi ra khỏi thành.  Con lên án họ là những người phũ phàng, nhưng thực tế con lại không dễ dàng chấp nhận những lời dạy dỗ trên vì con không thấy mình bị trói buộc bởi những gì cả.  Lạy Thần Khí Chúa, nếu không có sự trợ giúp của Ngài, con không nhìn ra được.  Xin soi sáng tâm hồn con, xin mở mắt, mở lòng để con nhìn ra những gì đang ràng buộc mình trong cuộc sống bon chen vất vả hôm nay và cúi xin Chúa giải thoát con khỏi những trói buộc đó.  Amen!

Langthangchieutim

TÔI ĐẾN THĂM EM

Giữa Sài Gòn ồn ào náo nhiệt; giữa những bộ quần áo đủ màu, đủ kiểu; giữa những chiếc xe bóng loáng lao vun vút; giữa những tài tử giai nhân đang dìu nhau trong đêm Giáng Sinh, tôi và một số bạn bè đến thăm em. Vâng, chúng tôi đến thăm em tại nghĩa trang Bình Hưng Hoà. Không, em không phải là người chết, nhưng em là kẻ sống. Kẻ sống trong thế giới của những người chết.

Em dẫn chúng tôi vào bằng con đường tối tăm, để tránh công an. Nghĩa trang này, theo lời em, là nơi tụ họp nhiều tệ nạn, từ xì ke, du đãng đến ma túy, gái điếm nhất tại Sài Gòn. Có lẽ vì địa thế của nó và những tệ nạn xã hội khác nên nạn cướp giật những người đi đường cứ sảy ra nhan nhản. Không ai muốn đi ngang nơi này, nhất là vào ban đêm. Em cảm ơn chúng tôi đã dám can đảm, bỏ qua những lời đồn đại xấu của nơi này mà đến thăm gia đình em và các em mồ côi khác vào đêm Giáng Sinh hôm nay. Nghe em nói thế, tự dưng tôi bỗng rùng mình lo sợ. Tôi không sợ em, nhưng biết đâu còn bao nhiêu người khác sẽ đánh chúng tôi để cướp đi những món quà giáng sinh mà chúng tôi mang đến tặng các em.

Vòng quanh qua các ngôi mộ được khoảng 15 phút thì chúng tôi đến một nơi như giàn trận mà chúng tôi đã được coi trong phim tàu. Nào là cờ, nào là lá chắn, cây che. Tiến gần một chút chúng tôi mới nhận ra rằng đó chính là nơi mà gia đình em và các em mồ côi khác ở. Nó là những tấm giấy bằng cartoon, hay bằng những tấm áo mưa được mắc vào hai ngôi mộ, và giữa lòng hai ngôi mộ đó chính là nơi các em ở – Nơi kẻ sống ở giữa người chết.

Chúng tôi chia nhau ra, một số ngồi chơi với các em, số khác đi thăm những “ngôi nhà” bằng giấy giữa những ngôi mộ bên cạnh. Còn tôi thì ngồi tiếp xúc với một cụ già mà mọi người gọi là “Trưởng Làng” trong ngôi nhà bằng giấy của cụ. Cụ hết lời cám ơn anh em chúng tôi đã đến thăm làng của cụ. Cụ nói rằng nghĩa trang này có nhiều tệ nạn và nhiều người xấu lắm, nhưng không phải ai sống trong nghĩa trang này đều xấu cả. Làng của cụ là làng lương thiện, từ cụ già đến các em nhỏ đều sống bằng nghề đánh giày hay bán vé số. Cụ càng kể tôi càng cảm nhận được những “bông sen” giữa chốn “bùn nhơ,” tôi càng cảm thấy Chúa đã ban cho tôi quá nhiều so với những mảnh đời bất hạnh này.

Nhìn quanh “nhà” của cụ, tôi thấy có ba cục đá nằm gần nhau, chắc là để dùng vào việc nấu nướng, có một cái nồi, hai ba cái chén, và một cục gạch khá sạch sẽ nằm riêng một góc, tôi liền buột miệng hỏi ngớ ngẩn: “Cục gạch kia là của cụ hả?” Cụ bẽn lẽn trả lời: “Cục gạch đó tôi dùng để gối đầu ngủ đêm, và chỗ anh ngồi là nơi tôi ngủ, cái thùng rỗng anh đang ngồi lên là cái thùng tôi dùng để đi múc nước…” Cụ huyên thuyên kể toàn bộ gia tài mà cụ có, như là không có dịp nào khác để kể!

Khi các người anh em của chúng tôi đã trở về từ các ngôi nhà bên cạnh, họ gọi tôi ra để phát quà cho các em để chúng tôi còn kịp đi đến chỗ khác. Phần quà của mỗi em thật đơn giản, chỉ khoảng 1 dollar: gồm có một gói bánh, một gói kẹo, một hộp sữa ông thọ, nửa ký sữa bột và trên hết là có thêm một gói kẹo “M and M” mà tôi đã đích thân mang từ Mỹ về. Tuy đơn giản, nhưng những thứ mà các em nhận được hôm nay cả đời các em không dám mơ tới. Các em chỉ có thể nhìn thấy nó bày bán trên các siêu thị mà thôi, chứ làm sao có tiền mà mua.

Khi phát quà gần xong, bỗng tôi nghe có tiếng một số em nhỏ la to: “Công an tới! Công an tới!” Đã được dặn trước, bạn bè tôi mỗi đứa một nơi chạy tán loạn, riêng tôi có lẽ vì thân phận việt kiều không quen chạy trốn, mà có chạy thì cũng không biết đâu mà chạy nên được cụ trưởng làng dẫn trốn vào ngôi nhà bên cạnh nhà cụ. Nằm đó tôi không dám thở, tôi nghe rõ từng tiếng công an hạch hỏi cụ và những người lớn. Và cuối cùng họ cũng ra về, tôi thở một hơi thật thoải mái, cảm tạ ơn Chúa đã che chở cho tôi không phải được nghỉ đêm Giáng Sinh trên đồn công an.

Để tránh công an để ý, cụ trưởng làng không dẫn tôi ra khỏi nghĩa trang mà để một nhóm trẻ em trên chục đứa đưa tôi đến chỗ đã hẹn trước với nhóm bạn. Nhìn thấy tôi, đứa nào cũng nở nụ cười ra mặt, có đứa còn nói giỡn: “Sao, ông việt kiều có còn dám đi tới chỗ kế tiếp không?”

Tạm biệt các em với hai hàng nước mắt tuôn trào, chúng tôi lên xe Honda trở về điểm xuất phát để lấy quà và lại tiếp tục làm những ông già noel trong đêm giáng sinh với những mảnh đời bất hạnh.

***************

Lạy Chúa, nhìn lên có lẽ chúng con không bằng ai, nhưng nếu nhìn xuống, chúng con cảm nghiệm được rằng Chúa đã ban cho chúng con rất nhiều. Xin cho chúng con biết chia xẻ, một tấm áo, một manh quần, một đồng bạc để tất cả mọi người trên thế giới này sẽ không còn bị ngăn cách bởi hố sâu của địa vị, của hận thù, của ghen ghét, nhưng sẽ trở nên “một tấm bánh, một thân hình và một nhiệm thể trong Đức Kitô!”

LM. Martino Nguyễn Bá Thông

(Hayyeuthuongnhau.org)

MÁ KÍNH YÊU!

                                                                                                                                             Ngày 3, tháng Giêng, năm 2007

Hôm sinh nhật của Má vừa qua, có nhiều anh chị em về đông đủ, ngoại trừ chị H. và một số anh chị khác còn bên Việt Nam không sang được.  Sau khi Má thổi nến, con định chúc mừng và nói vài lời với Má.  Con muốn kể cho Má nghe một chuyện con đã giữ kín từ lâu, hơn 35 năm qua.  Nhưng không biết điều gì làm con ngại ngùng, và một lần nữa con giữ lại điều ấy trong con…

Mấy hôm nay lòng con lo lắng, bồn chồn vì biết ngày mổ của Má đã gần.  Hôm qua hai vợ chồng con đến thăm Má, thấy Má ngồi ăn chuối, nói chuyện huyên thuyên, lòng con thấy vui vì thấy Má lạc quan, có vẻ không lo lắng mấy về chuyện mổ xẻ, (con nghĩ vậy).  Má kể những điều bác sĩ dặn dò: ăn nhiều chuối, uống thuốc cho có đủ chất potassium, rồi trở lại tái khám lần nữa trước khi mổ.  Đến khi Má kể bác sĩ hỏi Má nếu cuộc giải phẩu không thành công, ai sẽ lo chuyện mai táng cho Má?  Lòng con chùng xuống, thật buồn khi nghe các lời ấy, Má ơi!  Chuyện đó có thể xẩy ra cho bất cứ ai.  Không ai biết trước được.  Như hôm rồi, con chó Pinol của anh hai đi mổ mắt, không hiểu sao nó chết luôn!  Anh hai nhớ nó và khóc hoài.  Con nhớ đến chuyện của nó rồi nghĩ đến Má mà lòng càng lo lắng hơn.  Có khi nào hôm qua là ngày sau cùng hai mẹ con mình gặp nhau không Má? Con nghĩ quẩn rồi phải không Má?

Sáng nay Má trở lại tái khám, và bác sĩ hẹn ngày mai cho Má nhập viện để mổ. Con bỗng thấy mình không còn giờ nữa. Không còn giờ để dây dưa giữ câu chuyện mà con muốn kể cho Má nghe từ lâu. Mâu thuẫn qúa phải không Má khi con muốn kể chuyện cho Má nghe, mà cứ  ấp a, ấp úng, ngập ngừng hoài. Con chưa bao giờ bày tỏ, tâm sự tình cảm của con dành cho Má, nên con không biết bắt đầu từ đâu. Người Việt mình thường giấu kín nỗi lòng và ít khi nào dám thố lộ tình cảm cho nhau, nhất là tình yêu giữa cha mẹ và con cái. Họ trì hõan cho đến khi người kia qua đời rồi than khóc, nuối tiếc vì không còn dịp để nói lên lời yêu thương, tha thứ, hay những nỗi niềm chất chứa bao lâu nay. Đêm nay con nhủ lòng sẽ thức viết cho Má. Kể cho Má nghe tại sao con chọn con đường phục vụ, muốn tận hiến đời mình cho Giáo Hội, và tình cảm con dành cho Má.

…Một buổi trưa hè, có lẽ là ngày cuối tuần vì Má không phải đi làm, lúc đó khoảng 2 hay 3 giờ trưa, Má nằm một mình co ro trên bộ ván nâu bóng lưỡng, im lặng chịu đựng cơn đau bao tử đã hoành hành hai hôm.  Má bị đau bao tử nhiều năm, uống bao nhiêu thuốc vẫn không khỏi, nên bệnh cứ tái đi, tái lại.  Có lẽ vì quen chịu đựng, nên Má chẳng buồn rên xiết.  (Viết đến đây, con khám phá ra một điều là chưa bao giờ con nghe Má rên rỉ mỗi khi bị đau bao tử.)  Lúc đó con chừng 10 tuổi.  Thấy Má đau, nhưng con không biết phải nói và làm điều gì để giúp Má nguôi ngoai cơn đau, ngoại trừ đứng lởn vởn chờ xem Má cần giúp lặt vặt hay không.  (Con trai dở, thua con gái là chỗ đó, không biết bộc lộ tình cảm, nói vài lời trìu mến đến người mình thương.)  Trong lúc Má đang nằm, bà Phấn sang nhờ Má giúp nấu dùm mấy món ăn, vì gia đình bà có tiệc chiều hôm đó.  Có lẽ bà ta vô tình không biết Má đang bị đau bao tử nên mới nhờ Má.  Không một chút lưỡng lự, Má ngồi dậy, xỏ dép đi theo bà Phấn qua giúp nấu dùm vài món cho bà.

Má kính yêu của con,

Đó là câu chuyện con muốn kể cho Má nghe bấy lâu nay.  Có lẽ Má chẳng bao giờ nhớ đến chuyện này.  Câu chuyện thật ngắn, nhưng nó đã in dài, sâu trong tâm trí con bao nhiêu năm nay.  Má đã gieo vào lòng con “hạt giống phục vụ”.  Hạt giống này đã lớn, thành cây và đang sinh hoa trái, thưa Má!

Đôi lúc con không biết tại sao con lại thích đi làm các công việc thiện nguyện.  Những công việc không lương, bỏ thêm tiền túi (đổ xăng, trả tiền qua cầu khi đi thăm các trại tù ở xa, hay mua quà cho các em trong lớp giáo lý…) và đôi lúc còn bị trách, giận hờn.  Con nhớ có lần N., vài người bạn trong nhóm Kinh Thánh và con đi đến nhà thờ Saint Patrick ở San Jose phụ bếp, sắp xếp bàn ghế, rồi đứng múc thức ăn cho các người nghèo.  Vì đông người, nên mỗi món con múc cho mỗi người một muỗng, hay một phần nhỏ.  Hôm đó có bánh mì ăn với bơ, và theo tiêu chuẩn mỗi người chỉ được một miếng.  Có một ông xin con hai miếng bánh mì.  Con nói không được vì còn nhiều người sau ông.  Nếu ông trở lại lần thứ hai và còn dư con sẽ cho ông thêm một miếng.  Ông ta không vui, tỏ vẻ bực tức, nói lẩm bẩm trong miệng, rồi bỏ đi.   Lần khác, trong lúc ngươi ta đang ngồi ăn, con đi từng bàn một hỏi ai muốn uống sữa hay nước chanh đường để con rót cho họ.  Ông kia muốn uống sữa, nhưng con rót lộn nước chanh cho ông.  Con xin lỗi và đem cho ông ly sữa khác, nhưng ông gạt ly qua một bên không thèm uống thứ gì chiều hôm đó.  Con thấy hơi buồn vì chút bất cẩn của mình làm ông ta mất buổi ăn ngon…

Nhìn lại quãng đời đã qua, bắt đầu khi còn bé, con thấy mình đã dấn thân trên con đường phục vụ rồi.  Mỗi buổi chiều khoảng 4 giờ rưỡi, con đã có mặt ở nhà thờ quét bụi các dẫy ghế, rồi chuẩn bị giúp lễ sau đó.  Con không nhớ đã giúp lễ được bao nhiêu năm.  Con chỉ nhớ đến khi Cộng Sản vào chiếm nhà thờ làm chỗ ở của họ, con ngưng giúp lễ, ngưng những sinh họat con ưa thích.  Khi vượt biên sang trại tị nạn, con vào ca đoàn hát lễ mỗi ngày.  Hơn bốn tháng ở bên đảo, con không bỏ một thánh lễ nào cả.  Tuy không còn giúp lễ, nhưng con vẫn đến nhà thờ sớm phụ các việc lặt vặt trong nhà thờ.  Cuối tuần, con đi vào nhà thương thăm viếng bệnh nhân, dọn dẹp hay làm bất cứ việc gì họ bảo mình làm.  Sang đến Mỹ bao nhiêu năm nay, khi còn độc thân cho đến lúc lấy vợ, những ngày cuối tuần con chỉ quanh quẩn trong khuôn viên nhà thờ dạy giáo lý, hát lễ.  Hạnh phúc cho con gặp được N., người cùng chí hướng với con.  Con có thêm một người bạn đồng hành.

Con thấy cuộc đời mình như dính liền với ơn gọi phục vụ.  Lập gia đình rồi, nhưng con vẫn cảm thấy có gì thôi thúc con muốn dấn thân, bước thêm một bước nữa.  Theo học chương trình Phó Tế hơn mấy năm nay tuy vất vả phải đọc sách, làm bài, nhưng con vẫn cảm thấy vui và tiếp tục muốn đi cho trọn con đường này.  Hai vợ chồng con ước vọng khi Q. và V. đã trưởng thành, có việc làm, tự lo thân được, lúc đó chúng con sẽ xin đi làm việc thiện nguyện ở các nước nghèo.  Con không tả được niềm vui khi đi phục vụ.  Nó man mác như làn gió nhẹ, triền miên như các ngọn sóng dập dìu vỗ bờ không bao giờ dứt…

Má thương của con,

Con không bao giờ quên được hình ảnh của buổi trưa hè năm xưa.  Cám ơn Má đã cho con bài học vỡ lòng thế nào là phục vụ: quên mình, không do dự hay lưỡng lự khi giúp đỡ bất cứ ai.  Những gì con đã, đang và hy vọng sẽ tiếp tục làm sau này cho Giáo Hội, gia đình, hay tha nhân là những hoa trái do chính Má đã vun trồng.  Con cám ơn và thương Má thật nhiều vì Má không chỉ cho con đời sống, mà còn cho con một gương sống yêu thương, quên mình để phục vụ tha nhân.

Con của Má,

T.B.

MỜI CHÚA ĐẾN NHÀ

Những ngày tháng cuối năm các đám cưới đua nhau tổ chức.  Mùa cưới rộ lên làm cho mùa đông bớt vẻ ảm đạm tiêu điều.  Đám cưới nào thường cũng vui.  Trong đám cưới người ta chỉ nói chuyện vui.  Nhưng niềm vui kéo dài được bao lâu?  Những lời chúc trăm năm hạnh phúc có thật sự đem hạnh phúc đến cho đôi tân hôn và làm cho hạnh phúc suốt đời không?  Nhìn vào thực trạng đời sống gia đình hôm nay, ta thấy có được hạnh phúc gia đình là một điều rất khó, hạnh phúc trăm năm thì lại càng khó hơn.

Đám cưới Cana hôm nay cũng suýt lâm vào cảnh bế tắc.  Tiệc đang nửa chừng thì hết rượu.  Hết rượu là một bấc trắc không ngờ.  Trong gia đình, những bấc trắc có thể đưa đến bất đồng.  Bất đồng dễ đưa tới bất hòa.  Đã bất hoà thì đường đến bất hạnh không xa.

Đám cưới Ca-na thật khôn ngoan nên đã mời Chúa Giêsu đến dự tiệc.  Việc Chúa Giêsu đến tham dự bữa tiệc cưới nói lên sự quan tâm của Thiên Chúa đối với con người.  Thiên Chúa yêu thương con người nên đã đến ở giữa loài người.  Không những đến ở giữa loài người, Thiên Chúa còn trở nên một người bạn thân thiết của con người, đồng hành với con người, chia vui sẻ buồn với con người.  Chưa bao giờ người ta thấy một Thiên Chúa gần gũi đến thế, thân tình đến thế.  Với tình thân, Thiên Chúa đã đến chia vui với gia đình trong dịp đại hỉ.  Và việc Thiên Chúa đến nhà đã cứu gia đình mới khỏi cảnh bất hạnh ngay trong ngày đầu tiên chung sống.

***************

Có lẽ ai trong chúng ta cũng muốn mời Chúa đến nhà.  Sự hiện diện của Chúa giúp ta vượt qua được những bấc trắc trong đời sống gia đình.  Những bất trắc thì nhan nhản trong đời sống hàng ngày.

Việc thiếu rượu của gia đình Cana nói lên những thiếu thốn của gia đình chúng ta.  Có những thiếu thốn về vật chất:  cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, thiếu tiền cho con đi học, thiếu thuốc men khi bệnh tật.  Có những thiếu thốn về tinh thần:  thiếu quan tâm chăm sóc lẫn nhau, thiếu khuyên bảo dạy dỗ con cháu, thiếu kính trọng trong đối xử, thiếu tế nhị trong lời nói.  Nhưng trầm trọng nhất là những thiếu thốn về đời sống đạo đức:  thiếu đức tin, thiếu lòng đạo đức sốt sắng, thiếu công bằng bác ái, thiếu trách nhiệm duy trì đời sống đức tin trong gia đình.

Đời sống gia đình lúc đầu rất vui, nhưng sau đó, nếu không khéo giữ gìn sẽ trở nên nhạt nhẽo như nước lã.  Nhạt nhẽo vì tình nghĩa phai dần.  Nhạt nhẽo vì những bổn phận nặng nề, nhàm chán.  Nhạt nhẽo vì những khuyết điểm không tránh được của mọi người.

Những thiếu thốn và những nhạt nhẽo ấy hầu như vượt ngoài khả năng giải quyết của ta, nên ai cũng muốn mời Chúa đến nhà để giải cứu gia đình khỏi sự tan vỡ, sụp đổ.

Thế nhưng mời Chúa đến không phải là tổ chức làm phép nhà cho long trọng, ăn tân gia cho linh đình.  Mời Chúa đến không phải chỉ là làm bàn thờ cho đẹp, treo thật nhiều ảnh tượng.  Muốn mời Chúa đến, việc đầu tiên cần thiết là phải làm theo ý Chúa.  Như Đức Mẹ dạy các gia nhân:  “Người bảo gì thì phải làm theo”.  Nhờ làm theo lời Chúa mà gia đình Cana thoát khỏi cảnh xấu hổ, hạnh phúc gia đình được bền vững.

Gia đình muốn sống trong vui tươi, muốn giữ vững được hạnh phúc hãy làm theo Lời Chúa.  Đọc Phúc Âm, học hỏi và đem ra thực hành.  Để Lời Chúa hướng dẫn mọi lời ăn tiếng nói của mình.  Để Lời Chúa soi sáng những suy nghĩ của mình.  Để Lời Chúa điều khiển mọi việc làm của mình.  Lộc Xuân mà chúng ta rút được trong ngày Tết phải là châm ngôn hướng dẫn toàn bộ đời sống gia đình trong suốt năm mới này.

Sống theo Lời Chúa, gia đình sẽ được Chúa dẫn dắt vượt qua những thiếu thốn.  Sống với Chúa, hạnh phúc gia đình sẽ luôn nồng nàn tươi mới như chất rượu ngon.  Sống trung thành kết hiệp với Chúa, gia đình sẽ được Chúa đưa vào dự bữa tiệc cưới trên trời, lúc đó chàng rể đích thật là Đức Kitô sẽ cho ta nếm thứ rưọu tuyệt ngon trên thiên đàng, đó là hạnh phúc không bao giờ tàn phai.

***************

Lạy Chúa, xin đến với chúng con.  Lạy Chúa, xin hướng dẫn chúng con.  Lạy Chúa, xin ở lại với chúng con.  Amen!

TGM Ngô Quang Kiệt