CÂM ĐIẾC TÂM LINH

Một phụ nữ kia có người bạn bị điếc.  Ngày nọ bà ta hỏi người bạn muốn được tặng gì vào ngày sinh nhật.  Người bạn ấy đáp lại thật bất ngờ: “Xin bạn hãy vui lòng viết thư cho Ann Landers yêu cầu bà ta in lại bảng kinh cầu nguyện cho người điếc. Bà ấy đã từng in nó trước đây vào mục của bà trong một tờ báo, nhưng tôi đã đánh mất bản sao mục đó rồi!”.  Thế là người phụ nữ đã viết thư cho Ann Landers.  Và vào ngày 1.6 ngày sinh nhật của cô bạn, bà Ann đã in lại lời cầu nguyện đó trong cột báo của mình. Một đoạn trong lời cầu đó như sau:

“Lạy Chúa, nỗi đau khổ mà người điếc phải gánh chịu là đa số thiên hạ xem họ như những người chuyên làm phiền người khác.  Người ta thường thiện cảm với người mù, người què, nhưng lại thường nổi xung và bực bội với người điếc.  Kết quả là người điếc thường phải trốn lánh bạn bè và càng ngày càng trở nên khép kín” (William Barclay).

Lời kinh trên cho chúng ta thấy một nỗi niềm, một uẩn khúc nào đó của người điếc mà chúng ta thường ít người nhận ra được.  Đa số chúng ta đều cho rằng mù thì tệ hại hơn điếc.  Thế nhưng Helen Keller vừa bị mù lẫn điếc thì cho rằng bị điếc không nghe được, thì quả là phần lớn những cánh cửa trong cuộc đời ta đã bị khép chặt lại, chẳng hạn: mở radio thì chả hiểu gì, xem truyền hình cũng chả thú vị gì mà còn phát chán, và hầu như không thể trò chuyện với ai được cả.  Vì thế, sau một thời gian chúng ta sẽ cảm thấy cô đơn như bị bỏ rơi.

***************************************

Câu chuyện về người điếc nói trên giúp ta hiểu rõ hơn bài Phúc Âm hôm nay.  Nó giúp ta hiểu được người câm điếc vui sướng như thế nào sau khi được Chúa Giêsu chữa lành. Lần đầu tiên trong cuộc đời anh ta cảm nếm được một phần nào vui thú của cuộc sống.

Điều này dẫn chúng ta đến một vài câu hỏi:

–    Tại sao Chúa Giêsu đã chữa lành người câm điếc ấy?

–    Tại sao Ngài đã khai thông lỗ tai người ấy?

–    Tại sao Ngài đã phục hồi miệng lưỡi người ấy?

Câu trả lời nằm trong bài đọc thứ nhất ngày hôm nay. Trong lời mô tả vài dấu chỉ sẽ xảy ra khi Đấng Mêsia đến, tiên tri Isaia đã nói: “Kẻ điếc sẽ được nghe, ai không nói được sẽ mừng rỡ reo lên”… Qua việc chữa lành người câm điếc trên, Chúa Giêsu đã hoàn tất hai dấu chỉ mà tiên tri Isaia đã nói để giúp dân chúng nhận ra Đấng Mêsia.  Vậy, một trong những mục đích của việc chữa lành ngày hôm nay là xác nhận rõ hơn Đức Giêsu chính là Đấng Mêsia.

Tuy nhiên, việc chữa lành ngườì câm điếc kia còn tỏ lộ một điều ẩn kín nào đó nơi bản thân Đức Giêsu.  Nó cho ta thấy Đức Giêsu là một mẫu người giàu lòng thương xót.  Điều này đặc biệt biểu lộ qua cung cách Ngài tách biệt anh chàng câm điếc ra khỏi đám đông.  Như ta biết, người điếc thường hay mặc cảm nên lúng túng trước tình cảnh của mình.  Họ không hiểu ất giáp gì cả khi nghe người ta hỏi, nên họ luôn cảm thấy mình như ở ngoài rìa.  Vì thế khi dẫn anh chàng câm điếc ra khỏi đám đông, Chúa Giêsu đã biểu lộ lòng xót thương thực sự của Ngài đối với anh, Ngài rất nhạy cảm đối với tình cảnh đáng thương của anh.  Như thế ngoài việc tỏ cho ta biết Chúa Giêsu là Đấng Mêsia, việc chữa lành người câm điếc còn cho ta thấy rõ lòng thương xót của Đức Giêsu.

Cuối cùng, việc Đức Giêsu chữa lành cho người câm điếc đã tạo nên nguồn hy vọng cho chúng ta là những kẻ đang sống ở thời đại ngày nay.

Trạng thái của người câm điếc không giống trạng thái của riêng chúng ta.  Nhiều người trong chúng ta không điếc về thể lý nhưng lại điếc về tâm linh.  Chúng tôi muốn ám chỉ gì đây? Hãy dùng một ví dụ để làm sáng tỏ.

Mới đây một bà mẹ và ông bố đến thăm đứa con gái của họ đang lâm trọng bệnh ở nhà thương.  Ngay khi họ lái xe rời bệnh viện, bà mẹ bắt đầu vừa khóc vừa nói; “Anh Ron ơi, em chả biết rõ điều gì đang xảy đến cho em, lẽ ra 10 năm trước em có thể cầu nguyện với tất cả tấm lòng cho con gái chúng ta.  Lẽ ra em có thể trình bày với Chúa về nó, và lẽ ra em có thể nghe lời Chúa dặn dò em “Đừng lo”.  Thế nhưng em không còn làm điều ấy được nữa.  Em không còn cầu nguyện được nữa, em không thể nói chuyện với Chúa như em đã thường làm. Hình như về mặt thiêng liêng em đã trở nên như câm như điếc”.

Câu chuyện trên mô tả tình trạng của nhiều người trong chúng ta. Chúng ta đôi lúc cũng cảm thấy khó cầu nguyện khác với chúng ta ngày xưa.  Chúng ta cũng cảm thấy khó đối thoại với Chúa và chúng ta cũng cảm thấy khó khăn trong việc nghe Chúa nói với chúng ta.  Vậy trong trường hợp này, chúng ta phải làm gì? Câu trả lời đã nằm sẵn trong bài Phúc Âm hôm nay.  Chúng ta có thể bắt chước người câm điếc trên, nghĩa là tìm kiếm Chúa Giêsu, cùng Ngài bước ra khỏi đám đông và tận hưởng đôi chút thời gian bên sự hiện diện có khả năng chữa lành của Ngài.

Bài Phúc Âm hôm nay khuyên chúng ta nên tạo điều kiện thuận lợi cho Chúa Giêsu để Ngài mở miệng lưỡi chúng ta về mặt thiêng liêng, để Ngài đặt ngón tay của Ngài khai mở đôi tai điếc của chúng ta.  Nó cụ thể hơn, Phúc Âm hôm nay mời gọi chúng ta hãy làm lại những gì chúng ta đã từng có thói quen hay làm, tức là bỏ ra ít phút mỗi ngày để cầu nguyện, để Chúa Giêsu thực hiện nơi chúng ta điều Ngài đã làm cho người câm điếc ấy, nghĩa là bài Phúc Âm mời gọi chúng ta hãy để Chúa Giêsu chữa lành bệnh câm điếc của chúng ta.

Như thế, câu chuyện người câm điếc trên nói với chúng ta 3 điều:

–  Thứ nhất, nó mặc khải cho chúng ta Đức Giêsu chính là Đấng Mêsia của Israel đã được mong đợi từ lâu.  Đức Giêsu đã thực hiện điều mà Isaia tiên báo Đấng Mêsia sẽ làm, tức là cho người điếc được nghe và người câm nói được.

–  Thứ hai, câu chuyện người câm điếc mặc khải cho ta biết Chúa Giêsu là Đấng giàu lòng xót thương. Ngài đưa người điếc ra khỏi đám đông để chữa lành cho người ấy.  Ngài không biến người ấy thành trò cười cho thiên hạ mà muốn tiếp xúc thân mật riêng tư với người ấy.

–   Cuối cùng, bài Phúc Âm mặc khải cho chúng ta phương pháp giải quyết các vấn nạn mà nhiều người trong chúng ta đang gặp phải ngày hôm nay. Đó là chúng ta không còn cầu nguyện được nữa, không còn thưa chuyện với Chúa, lắng nghe lời Ngài nói trong tâm hồn chúng ta được nữa. Về mặt thiêng liêng quả thực chúng ta đang bị câm điếc.

Để tìm ra phương pháp giải quyết vấn đề khổ tâm này, chúng ta hãy bắt chước người câm điếc, là tìm kiếm Chúa Giêsu và xin Ngài chữa lành chúng ta. Cụ thể hơn, chúng ta hãy để riêng vài phút mỗi ngày tiếp xúc với Chúa Giêsu ngõ hầu Ngài sẽ chữa lành và làm cho chúng ta hoàn toàn khoẻ mạnh trở lại.

Cha Mark Link, S.J.

***************************************

Lạy Chúa Giêsu, nỗi bất hạnh của người điếc là nghe mà không hiểu và từ từ họ cảm thấy bị tách biệt xa lạ với thế giới bên ngoài.  Còn nỗi bất hạnh của con là theo Chúa nhưng không hiểu Chúa muốn nói gì, không biết Chúa muốn gì nơi con nhưng bất hạnh hơn là con không biết mình đang bị câm điếc tâm linh để xin Chúa chữa lành.  Lạy Đấng giàu lòng xót thương, xin cho con nhận thức căn bịnh tâm linh thời đại mà con đang mang và xin chữa lành tâm hồn con.  Xin cho con biết  sống thân mật với Chúa hơn, biết bỏ ra vài phút mỗi ngày để tiếp xúc với Chúa, để nghe mà hiểu Chúa muốn nói gì, để dễ dàng nhận ra thánh ý Chúa trong đời sống con.  Amen!

NGÃ RẼ CUỘC ĐỜI

Kinh thánh thuật lại những ngã rẽ của người đi theo Chúa. Chúng ta hãy lần theo dấu vết của những người môn đệ trong Kinh thánh để nhận diện những ngã rẽ cuộc đời. Có ba ngã rẽ tiêu biểu.

Ngã rẽ của Giu-đa. Giu-đa là môn đệ trung tín theo Chúa trong suốt 3 năm Chúa đi rao giảng. Ông còn được Chúa tin cẩn trao phó cho công việc quan trọng: nắm giữ tài chánh. Ngày Lễ Lá chắc chắn ông có mặt. Nhưng khi Chúa chịu chết thì ông vắng mặt. Ông đã rẽ sang lối khác. Lối rẽ đuổi theo tiền bạc vật chất. Theo tiếng gọi của tiền bạc, ông đã đưa chân đi những bước xa lạ. Ông đi vào con đường khác. Ông trở thành con người khác. Ông bỏ Chúa vì tiền. Tệ hơn nữa ông bán Chúa để lấy tiền.

Ngã rẽ của Phê-rô. Phê-rô là môn đệ rất thân thiết của Chúa. Là người đứng đầu tông đồ đoàn. Ông thề rằng dù mọi người có bỏ Chúa thì ông vẫn trung thành với Chúa. Ngày Lễ Lá chắc chắn ông ở bên Chúa. Nhưng ngày thứ Sáu Tuần thánh, không thấy ông đâu. Ông đã rẽ sang lối khác: lối rẽ lười biếng và hưởng thụ. Lười biếng vì khi vào vườn Giệt-si-ma-ni, Chúa kêu gọi ông hãy tỉnh thức cầu nguyện với Chúa, vậy mà ông cứ ngủ. Hưởng thụ vì trong sân tòa án, thay vì theo dõi cuộc xét xử Chúa thì ông lại vào tìm hơi ấm nơi đống lửa giữa sân. An nhàn hưởng thụ đã kéo ông xa Chúa. An nhàn hưởng thụ đã đẩy ông đến chỗ chối Chúa.

Ngã rẽ của đám đông. Hàng vạn người đã theo Chúa, mê mệt nghe đến mấy ngày quên ăn, quên về. Biết bao người reo mừng nghênh đón Chúa ngày long trọng vào thành. Thế mà trên Núi Sọ chỉ thấy những người đến sỉ vả, chê bai, nhạo cười. Đám đông đã rẽ sang lối nào? Thưa họ rẽ sang lối dư luận. Thiếu lập trường, chạy theo đám đông. Thấy người ta đi nghe Chúa thì cũng đi. Thấy người ta nhạo cười Chúa thì cũng cười nhạo. Thấy người ta kết án Chúa thì cũng kết án.

Để tự nhiên, chắc chắn không ai nỡ nhẫn tâm bán Chúa, chối Chúa, lên án Chúa. Nhưng người ta thay lòng đổi dạ do tác động của tiền bạc, của hưởng thụ, của dư luận. Đó là những ngã rẽ nguy hiểm.

***********

Những gì đã xảy ra cho Giu-đa, cho Phê-rô và cho đám đông năm xưa vẫn có thể xảy ra cho ta hôm nay. Làm sao để ta luôn đi trên đường theo Chúa và trung thành với Chúa? Thưa hãy Sống Lời Chúa.  Đức Thánh Cha Benedicto cũng khuyên nhủ chúng ta hãy siêng năng đọc, học hỏi, suy niệm Lời Chúa để thực hành trong đời sống.

Lời Chúa sẽ hướng dẫn các bạn biết sáng suốt trước những chọn lựa trong đời sống.

Lời Chúa sẽ soi sáng cho các bạn trong những lúc bóng tối vây phủ.

Lời Chúa sẽ ban sức mạnh khi các bạn cảm thấy yếu mệt.

Lời Chúa sẽ hướng dẫn các bạn biết lối quay về nếu lỡ lạc đường.

Lời Chúa sẽ biến các bạn trở thành chứng nhân cho Chúa trong xã hội hôm nay.

Lời Chúa sẽ ấp ủ, nuôi dưỡng để các bạn lớn lên trong tình thương yêu. Cảm nghiệm được tình yêu thương của Chúa, các bạn sẽ biết đáp lại. Và sẽ trung thành với Chúa cho đến cùng.

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt – Trích bài giảng thánh lễ giới trẻ)

***********

Lạy Chúa, đời sống con người với những ngã rẽ khác nhau, có ngã rẽ mang con đến gần Chúa; cho con được sống hạnh phúc sung mãn trong tình thương ân sủng của Chúa, nhưng cũng có ngã rẽ mang con ra xa chúa; mang con đến miền tăm tối mịt mờ … Xin Chúa luôn hướng dẫn và gìn giữ con trong tình thương của Chúa, Xin cho con đừng bao giờ lìa xa Chúa … Amen

KHÔNG AI LÀ ĐỒ VÔ DỤNG

Alưu là một cậu tiểu đồng của ông Chu Nguyên Tố.  Cậu thật ngây ngô không làm được việc gì cả.  Thí dụ, một hôm Chu Nguyên Tố mới trồng được vài cây liễu trước sân, sợ trẻ láng giềng nghịch phá, ông sai cậu trông nom dùm.  Đến lúc vào ăn cơm, Alưu nhổ cả cây lên và cất đi một chỗ vì nghĩ rằng như thế an toàn hơn.  Cậu còn làm nhiều chuyện ngây ngô đáng cười như thế, nhưng Chu Nguyên Tố vẫn nuôi cậu suốt đời.  Tại sao?

Chu Nguyên Tố là một họa sĩ tài ba.  Một hôm, ông pha màu để vẽ, thấy Alưu lân la bên mình, ông hỏi đùa: “Mày có biết vẽ không?” Alưu tươi cười đáp: “Thưa vẽ dễ ợt chứ có khó gì mà không biết.”  Đang hứng chí, Chu Nguyên Tố bảo Alưu vẽ thử.  Cậu bé cầm cọ, chấm màu và hí hoáy vẽ.  Nét vẽ cậu tài tình như một họa sĩ lành nghề.   Chu Nguyên Tố thử luôn mấy lần, lần nào Alưu cũng vẽ được như ý ông muốn.  Vì thế, ông đã nuôi nấng, săn sóc cho Alưu và giúp cậu trau dồi tay nghề.  Về sau, Alưu nổi tiếng là một họa sĩ tài ba.

****************************

Thiên Chúa không quan tâm đến những cái bề ngoài. Ngài chê bỏ những hành vi đạo đức và sự bố thí rộng rãi của những người biệt phái, họ chỉ cố gắng đề cao chính mình.  Nhưng Chúa nhận đồng xu bé nhỏ của bà goá, lễ dâng của một tâm hồn quảng đại và vô vị lợi.

Thường mỗi khi chúng ta xét đoán ai, chúng ta chỉ đoán xét dựa theo bề ngoài, chứ ít khi nhìn thấu đáo tận bên trong, để nhận ra tất cả những phức tạp của con người.  Và một khi in trí những khía cạnh nào đó của ai, chúng ta chỉ còn thấy người đó dưới cái nhìn chủ quan của mình mà thôi.  Nếu Chu Nguyên Tố chỉ nhìn thấy khía cạnh ngây ngô, đến độ ngu ngốc khờ dại của Alưu, và tống cổ cậu tiểu đồng của mình đi nơi khác vì cho là đồ vô dụng thì làm sao nhân loại có được nhà danh họa Alưu.

Ở đời, không ai là đồ vô dụng cả, chỉ có người không biết khám phá ra tài năng của người khác do thành kiến, do thiển cận, do suy luận một chiều mà thôi. Chúng ta phải luôn nhớ rằng: mỗi một con người là hình ảnh của Thiên Chúa, được cứu chuộc bằng giá máu của Chúa Kitô, được Chúa Thánh Thần luôn ban ơn nâng đỡ. Vì thế, trong mỗi người luôn tiềm tàng một thánh nhân, và bổn phận của chúng ta là phải cố gắng nhìn thấy vị thánh nhân tiềm tàng nơi người đó, để cùng nhau giúp cho vị thánh tiềm tàng đó càng ngày càng rõ nét hơn nơi mọi người.

****************************

Lạy Chúa, xin giúp con biết nhìn anh chị em con bằng đôi mắt của Chúa để con thấy những điều tốt đẹp Chúa đã an bài nơi mỗi người.  Từ nay trước khi con phê bình chỉ trích ai, nói xấu ai, kết án ai, xin cho con cảm nghiệm được thế nào là phê bình, chỉ trích, nói xấu kết án.  Ngược lại mỗi khi con cảm thấy can đảm hơn, tự tin hơn, khi được ai khích lệ, xin cho con cũng biết dùng kinh nghiệm đó để nâng đỡ khuyến khích anh chị em con như thế.  Amen!

Thiên Phúc