CHỜ ĐỢI VÀ CÁM ƠN

Một người mẹ nắm tay đứa con gái nhỏ băng qua đường, vừa đang đến lề bên kia đường thì gặp một người ăn mày đang giơ tay xin bố thí.  Để tập cho con có tánh giúp đỡ người tàn tật bà mẹ đưa con một tờ giấy bạc bảo:

– Con đem tiền này cho người tàn tật.

Đứa bé vui tươi cầm lấy tiền nhưng rồi lại rụt rè không dám đưa cho người ăn xin nghèo nàn bẩn thỉu.

Người mẹ đứng chờ mãi không thấy con đặt tiền vào đôi tay người ăn mày đang ngửa rộng đợi chờ.  Bà khòm xuống lấy tay con và nhẹ nhàng lòn ngón tay mình để mở các ngón tay nhỏ bé của đứa con thơ.  Những tờ giấy bạc rơi xuống tay người ăn mày, xong bà nói với con:

– Sao con không cho ông ta.

Đứa bé trả lời:

– Thưa mẹ, con không sợ nhưng con đợi ông ta đưa tay ra lấy.

– Thường ông sẽ không giơ tay cầm lấy đâu.

**************************

Qúy vị và các bạn thân mến,

Người ăn xin vẫn đứng chờ đợi sự bố thí bên lề đường, ai cho nhiều hay ít thì tự tiện bỏ vào lon hay bỏ vào lòng bàn tay đang ngửa ra chờ đợi.  Cử chỉ đó là một cử chỉ rất hay và đầy ý nghĩa, không phải để tránh sự đụng chạm vì phép vệ sinh, nhưng để nói lên sự tin tưởng không đòi hỏi của người ăn xin.  Bạn muốn cho ít nhiều bao nhiêu tùy ý bạn, tôi vẫn ngửa bàn tay ra chờ đợi và cám ơn.

Trước mặt Chúa là đấng đầy tình thương và luôn ban ơn phúc, tất cả chúng ta chỉ là những người ăn mày tình yêu của Chúa, kể cả sự sống của chúng ta.  Xin tất cả hãy đến cùng Chúa với đôi tay chụm lại và ngửa ra để Chúa quyền phép quan phòng và luôn thương xót ban ơn lành cho chúng ta theo Thánh ý Người.  Và chúng ta hãy bình an mà nhận những ơn lành đó với hết lòng biết ơn đúng theo thánh ý Chúa mọi ngày trong đời mình.  Đừng đến với Chúa trong thái độ chiếm đoạt cào cấu:  Chúa phải ban cho con cái này, Chúa phải ban cho con cái kia, nếu không con sẽ không tôn thờ Thiên Chúa nữa, nếu không con sẽ không đi lễ nhà thờ nữa…

**************************

Lạy Cha chúng con ở trên trời, Cha là Đấng tạo dựng toàn thể vũ trụ, Cha là Đấng ban cho con sự hiện hữu nơi trần gian, Cha biết con, Cha hiểu con hơn cả con hiểu biết con, con hết lòng tin tưởng nơi Cha.  Xin giúp chúng con đừng đòi hỏi quá nhiều nơi Cha, đừng than vãn phàn nàn khi gặp nghịch cảnh, nhưng cho chúng con biết suốt đời nhận nơi Cha với tất cả lòng biết ơn không phải như kẻ ăn mày nhưng như người con thảo biết Cha mình là ai.  Con xin hết lòng tạ ơn Cha.

R. Veritas

NHẪN YÊU THƯƠNG

Có một thời người ta đeo nhẫn để chứng tỏ mình là người tự do.  Rồi có một thời người ta đeo nhẫn để nói lên mình  đã ràng buộc, cam kết.  Và rồi cũng có một thời người ta tháo nhẫn vì cam kết không thành.

Thời La Mã cổ đại, những người sinh ra trong giai cấp tự do cần phải đeo nhẫn bằng vàng để mọi người biết rằng mình là giai cấp tự do, không thuộc tầng lớp nô lệ.  Những người nô lệ được trả tự do cũng cần phải đeo nhẫn, không phải bằng vàng nhưng là nhẫn bằng bạc.  Nếu đeo nhẫn để là tự do một thời, thì đeo nhẫn cũng là để cam kết một thời.  Người cam kết không thành, thì muốn tháo ràng buộc để đổi lấy tự do.  Thế nhưng tự do thì mênh mông quá.  Thế nào là hiểu tự do cho trọn nghĩa? Tự do để phóng túng  đời mình, hay tự do để quyết định đời mình hầu thăng hoa cuộc sống vẫn là nỗi băn khoăn dai dẳng.

Có nhiều người đã chọn tự do trong lời cam kết, thì cũng có  người chọn tự do trong tháo gỡ, chia li. Hành trình để tiến đến ngày trao nhẫn cho nhau là một hành trình gian nan, nhưng hành trình để đến lúc phải tháo nó cũng là  những chuỗi ngày đớn đau lắm.  Chẳng ai muốn sum họp để rồi phải li tan, nhưng tại sao phải li tan vẫn là một nhức nhối băn khoăn.

Chỉ có điều khi nhìn một cánh diều bay cao lại là cánh diều biết cam kết.  Nó chấp nhận ràng buộc với một điểm cố định qua sợi dây gắn bó.  Càng gắn bó chặt với trụ điểm, diều lại càng bay cao.  Khi diều bay cao, là lúc diều được tự do trong mây ngàn gió lộng, là tung bay trong trời rộng thênh thang.  Nếu có lúc nào diều tham lam, muốn có thêm tự do mà cắt đứt sợi dây cam kết, ấy là lúc càng phải trở lại với mặt đất  la đà, phải giã từ trời rộng thênh thang.  Mây buồn vì vắng bóng diều; diều buồn vì đã xa lìa mây.

Một lần cam kết là một lần ràng buộc, nhưng cũng nhờ ràng buộc mà có hướng để bay lên, để thăng hoa.  Tôi nhìn cánh diều chiều nay nơi sân chơi của lũ trẻ mà lòng bâng khuâng cho ý nghĩa thâm sâu của cuộc sống.  Dù cánh diều to hay cánh diều nhỏ; dù cánh diều đẹp hay những cánh diều xấu xí; dù nó là của chú bé nhà giàu hay trong tay cậu bé nhà nghèo, tất cả đều phải tuân theo quy luật ‘cam kết’ của kiếp làm diều để có thể được bay cao và tự do trong gió.

Có những người tôn trọng lời cam kết nên khắc cả lời thề hoặc khắc tên người yêu trên chiếc nhẫn cam kết của mình.  Người ta  như muốn nói, một lần đã cam kết là chẳng mong tháo gỡ bao giờ.  Ngày nay ít người khắc tên của người yêu trên nhẫn, nhưng người ta lại khắc tên của nhau trong tim.  Vì khắc tên của  nhau trong tim, nên khi tháo chiếc nhẫn cam kết, thì cũng có nghĩa là muốn xoá nhoà yêu thương, tẩy xoá tên của người yêu khỏi tim mình. Tên càng khắc sâu, thì vết thương càng đau khi xoá nhoà. Tim không là vàng, không là gỗ đá, nên khi xoá tẩy là gây nên niềm đau.  Có những niềm đau có thể nguôi ngoai, có những vết thương mong có ngày lành lại, nhưng cũng có những vết thương phải xót xa một đời.

Có những mong manh của li tan, thì cũng có những mẫu gương của chung thủy sắt son.  Những hình ảnh đẹp ấy vẫn sống động quanh ta hôm nay.  Tôi vẫn mãi cảm kích câu chuyện mối tình đẹp về lòng chung thủy của cặp vợ chồng  một cựu sĩ quan Việt Nam trong trại cải tạo sau năm 1975.   Khi biết bao người trong tù thời đó đã gạt lệ đắng cay khi nghe vợ mình xin phép chồng để chọn niềm yêu thương khác, hoặc nghe tin vợ mình  âm thầm ‘‘lái đò qua sông” không lời từ biệt.  Thì cặp vợ chồng cựu sĩ quan này đã chọn cho mình một lối cam kết tuyệt diệu.

Khi người vợ đến thăm nuôi, họ chỉ có thể gặp nhau trong  khoảnh khắc ngắn ngủi sau hàng rào thép gai đan kín.  Nhưng trong cái khỏanh khắc ngắn ngủi ấy, họ đã nghĩ ra cách tái cam kết tuyệt vời bằng cách đổi chiếc nhẫn cưới cho nhau.  Người chồng tháo chiếc nhẫn mà vợ trao cho mình hôm nào, rồi đeo vào tay của vợ mình.  Và người vợ cũng tháo chiếc nhẫn mà chồng trao cho mình năm xưa, rồi đeo vào tay của chồng như thêm một lần cam kết sẽ chung thủy bên nhau cho dù tù đày ngăn cách.  Vì chiếc nhẫn của chồng lớn hơn ngón tay của vợ, nên chị đã đeo nhẫn của chồng vào ngón tay cái của mình.  Còn chiếc nhẫn của vợ quá nhỏ, nên anh chồng đã đeo nhẫn của vợ vào ngón tay út của anh.

Họ đã đeo nhẫn ‘‘ngược đời’’ như thế  không những cho đến ngày gia đình đoàn tụ, nhưng còn đeo nhẫn kiểu đó cho đến ngày hôm nay, khi màu tóc đã bạc, khi ánh mắt đã nhạt nhoà.  Họ vẫn còn sống và sống hạnh phúc nơi xứ Mỹ này, với đôi nhẫn đã hơn một lần trao nhau.  Và tôi nghĩ rằng họ sẽ còn đeo nhẫn kiểu đó cho đến ngày đưa nhau về vĩnh cửu.

Nhẫn không đưa hạnh phúc về.  Ngón tay để xỏ nhẫn cũng không nối nhịp thủy chung.  Chỉ  thái độ đón nhận và trao ban trong cam kết mới làm cho yêu thương cất cánh.  Thế nhưng giá trị của cam kết  hôm nay dường như bị coi nhẹ lắm, xem chừng như đang lỗi thời.  Nhiều người cảm thấy lo âu cho những tuột dốc ấy; lo âu cho một trào lưu đang ăn mòn lối đi truyền thống; lo âu cho lời cam kết của mình hôm nay có được sắt son mãi như lòng mình ước mong?

Tu sĩ và giáo dân hôm nay đều mang một nỗi ưu tư chung. Ưu tư cho cuộc tình năm xưa có được thắm đượm như màu hoa trong ngày dâng hiến trao ban; ưu tư cho lời khấn nguyện có còn cháy sáng như ánh nến lung linh trên bàn thờ thủa  nào?  Trong cái bấp bênh của lời cam kết, người ta băn khoăn không biết bám víu vào đâu để tựa nương.  Thế nhưng, khi lời cam kết của con người mong manh, thì vẫn có Đấng không bao giờ mong manh trong lời cam kết.  Thượng đế!

Biết băn khoăn cho lòng trung thành là khởi đầu biết tìm đến Đấng luôn trung thành.  Chỉ có tình yêu và ân sủng của Đấng không bao giờ bất trung mới làm cho những cuộc tình luôn vĩnh cửu.  Có nói lên được một lời thủy chung với người bạn đời hôm nay, có nói lên được lời cam kết trung thành dâng hiến cũng chính là nhờ sự thúc đẩy của Đấng luôn chung thủy.  Lịch sử bất trung của Israel năm xưa vẫn là những lối mòn của chia lìa hôm nay.  Thế nhưng Thiên Chúa trung tín của Israel năm xưa thì vẫn là một Thiên Chúa luôn trung tín với cuộc đời mong manh của tôi hôm nay.  Thiên Chúa của hôm qua, của hôm nay và của cả ngày  mai vẫn là một Thiên Chúa của trung tín yêu thương.

Xin cho những băn khoăn  hôm nay biến thành lời  nguyện cho lòng sắt son chung thủy.  Xin cho những mong manh và bấp bênh của lời cam kết trở thành lòng thiết tha gắn bó, để ơn Trời tuôn đổ, để lòng xót thương dâng tràn và lời ca yêu thương vang mãi cho đến lúc đi về với vĩnh cửu.

Lạy Chúa, khi nhìn những tan vỡ chia li hàng ngày, con không khỏi băn khoăn cho ý nghĩa của lòng trung thành hôm nay.  Giữa những vết rạn nứt của bức tường truyền thống, con cũng linh cảm thấy những viên gạch của từng cá nhân, từng gia đình đang lung lay.  Chẳng người thợ xây nào mà an vui trước rạn nứt của toà nhà.  Chúa là người thợ xây và là nhà thiết kế.  Xin nung lại viên gạch yêu thương của đời con.  Xin ban thêm cho con loại ‘‘xi măng’’ ân sủng, để hạt cát gắn bó được bền chặt giữa mưa ngàn gió cuốn.  Xin cho những chiếc nhẫn đã một lần trao tay, được ở lại mãi với chủ nó, để tự do được thăng hoa.  Nhẫn không là cầu nối, lời thề chẳng dệt nên yêu thương.  Chỉ có chính Chúa mới là cầu nối của yêu thương, nối kết đời con trong ân tình chan chứa.

Nguyễn Thảo Nam

MỤC TỬ NHÂN LÀNH

Năm 1943, năm người lính thuộc quân đội Đức Quốc Xã bị phục kích và sát hại trên đường hành quân gần thành phố Chani miền bắc nước Ý.  Để trả thù, viên đại tá chỉ huy trưởng ra lệnh lùng bắt 50 người có thế giá nhất thành phố Chani và đem đi xử bắn.

Đức Tổng Giám mục và Đức giám mục phó đã tìm đủ cách can thiệp để cứu sống những người dân vô tội đó.  Nhưng vô hiệu, họ bị bịt mắt, trói tay, và xếp thành hàng dài trước công trường thành phố chờ tấm thảm kịch sắp xảy ra.

Giờ đã điểm, một hồi còi rú lên báo hiệu lệnh nhắm súng.  Đức Tổng Giám mục năn nỉ xin đặc ân cuối cùng là được ôm hôn từng người sắp bị xử bắn, ban phép lành tha tội và lời khích lệ cuối cùng.  May mắn thay, lời thỉnh cầu được chấp nhận.  Sau khi ban phép lành cho người thứ 50, Đức Tổng Giám mục và Đức cha phó cũng đứng vào hàng người bị xử bắn. Với tất cả sự bình thản, vị chủ chăn nói với viên đại tá chỉ huy: “Không chỉ có 50 người, nhưng bây giờ là 52 người chúng tôi, xin ông cứ hạ lệnh bắn.  Xin Thiên Chúa nhân từ vô cùng tha thứ tội ác cho ông.”

Đức Tổng Giám mục vừa dứt lời, bỗng dưng từ bầu không khí nặng trĩu của sự chết vang lên tiếng vỗ tay reo hò.  Không ai bảo ai, tất cả các khẩu súng đang nhắm vào 50 người vô tội cùng một lúc được hạ xuống.  Thế là cả chủ chăn lẫn đoàn chiên được thoát chết.

*****************************

Tấm gương anh hùng của Đức Tổng Giám mục trên đây là phản ánh vị chủ chăn gương mẫu là chính Đức Chúa Giêsu.  Đó cũng là sứ mệnh của người “chủ chăn nhân lành” mà Chúa Giêsu muốn lưu truyền trong Giáo Hội qua các tông đồ và những người kế vị.

Chúa Giêsu đã phán: “Tôi chính là Mục Tử nhân lành.  Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên… Tôi biết chiên của tôi và chiên của Tôi biết Tôi” (Ga: 10,11-14).

Là Mục tử nhân lành, Chúa Giêsu không bao giờ tỏ ra dửng dưng trước đau khổ của từng con chiên.  Ngài đến trần gian không chỉ để gánh tội nhân loại, nhưng còn để chia sẻ và cảm thông mọi đau khổ của con người, và mặc cho đau khổ một giá trị cứu rỗi.

Là Mục Tử nhân lành, Chúa Giêsu không chỉ chờ đợi các chiên lạc tìm đường trở về, nhưng chính Ngài ra đi tìm chiên lạc để dẫn về đàn.

Là Mục Tử nhân lành, Chúa Giêsu không quan tâm bảo vệ sự sống mình, nhưng sẵn sàng tự nguyện hiến dâng mạng sống, để đàn chiên được cứu sống.

Thế nhưng, sự sống được hiến dâng như thế không phải là sự sống bị cướp đi hay mất mát, nhưng là sự sống được Thiên Chúa ưng nhận và thánh hóa, để có thể trở nên phong phú hơn.  Chúa Giêsu quả quyết điều đó khi Ngài phán: “Ai giữ lấy mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được.” (Mt 10,39)

*****************************

Lạy Chúa Giêsu, Chúa là vị chủ chăn nhân hiền, Chúa biết rõ từng con chiên và gọi tên từng con một.  Chúa chính là Đấng chăn chiên nhân lành của đời con.  Lịch sử đời con đã chứng minh điều đó.  Khi đời con khô cằn vì khao khát hạnh phúc, Chúa đã dẫn đưa con về dòng suối mát.  Lạy Chúa, ơn huệ Chúa suốt đời theo con, cho đến muôn đời con mãi ca khen cảm tạ tình Chúa thương.  Xin cho con luôn sống trong đàn chiên của Chúa.

Thiên Phúc

MARIA, MẪU MỰC TUYỆT VỜI

Thánh Gioan Maria Vianney, cha sở họ Ars, là người có lòng sùng kính Mẹ Maria cách đặc biệt.  Ngài có một người anh tên là Phanxicô.  Hồi còn nhỏ, ngài thường bị người anh này trêu chọc và bắt nạt, vì sự chậm chạp, kém thông minh và nhất là vì lòng đạo đức của mình.

Ngày nọ, hai cậu bé phải ra đồng làm cỏ lúa giúp gia đình.  Gioan không biết làm cách nào để có thể thi đua với anh lúc nào cũng làm việc nhanh hơn mình.  Thế là Gioan liền nghĩ ra một phương kế và lấy đó làm đích điểm để đạt cho bằng được.  Cậu mang theo một tượng Đức Mẹ mà một nữ tu đã tặng và đặt trước mặt vài bước, rồi nhìn vào bức tượng mà tiến lên nhờ vậy lần nào cậu cũng theo kịp anh.  Chiều về, Phanxicô liền báo cáo với mẹ: “Mẹ biết không, thằng Gioan đã làm việc bằng con, chẳng công bằng chút nào, bởi vì con làm việc một mình, còn nó, nó được Đức Mẹ giúp”.

*************************

Trong cơn gian nan thử thách, nếu chúng ta đặt trọn niềm tín thác nơi Đức Maria, chắc chắn chúng ta sẽ được Mẹ bầu cử và chở che.  Vì Mẹ là Mẹ của Chúa Giêsu, nên Mẹ cũng là Mẹ chúng ta.  Mẹ yêu thương mỗi người chúng ta bằng chính tình yêu mà Mẹ đã dành cho Chúa Giêsu – Trưởng Tử trong nhiều anh em – (x.Rm 8,29), vì Mẹ đã cộng tác vào việc sinh hạ và giáo dục chúng ta với tình thương của một ngươì mẹ.

Mẹ Maria quả thực là Mẹ chúng ta, nhưng cũng vì là mẹ mà Người đã trở thành mẫu mực của chúng ta trong niềm tin.  Như Công Đồng Vaticanô II đã dạy:  “Mẹ Thiên Chúa là mẫu mực của Giáo Hội trên bình diện đức tin, đức ái và hiệp nhất hoàn hảo với Chúa Kitô” (Hiến Chế Ánh Sáng Muôn Dân 63).  Vì thế, chúng ta không chỉ ngước trông lên Mẹ để kêu cầu, mà còn nhìn về Mẹ như một gương mẫu để tiến bước.

Trong thông điệp “Redemptoris mater” Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã giới thiệu con đường lữ hành đức tin của Mẹ Maria.  Mẹ cũng đã trải qua những thử thách đức tin, kể cả đêm tối đức tin trên con đường dương thế như chúng ta.  Mẹ đã đi qua những bước đường trần gian trong vâng phục, tín thác và tin yêu.  Giờ đây, Mẹ cũng đang đồng hành để dẫn dắt chúng ta từng bước đi theo người Con của Mẹ.

Lòng sùng kính của chúng ta đối với Đức Maria dựa theo chức vụ Mẹ Thiên Chúa, Cộng tác viên chặt chẽ của Chúa, và gương mẫu thánh thiện tuyệt vời.  Vì thế, lòng tôn kính dành cho Đức Maria – Mẹ chúng ta – chỉ nên trọn hảo khi chúng ta hết lòng thực hành các nhân đức Kitô giáo mà chính Mẹ là mẫu mực tuyệt vời cho chúng ta bắt chước noi theo.

*************************

Lạy Mẹ Maria, Mẹ là mẫu gương thánh thiện tuyệt vời cho con trong cuộc lữ hành trần gian này.  Xin Mẹ dạy con luôn biết noi gương Mẹ trong vâng phục, tin yêu và phó thác.  Xin Mẹ luôn củng cố trong con đức tin, cậy mến mà Mẹ đã thực hành đến mức trọn hảo, để con ngày càng nên giống Mẹ nhiều hơn.  Amen!

Thiên Phúc