ĐƯA CHÚA RA XỬ ÁN

Cả trong tâm thức sùng tín lẫn bất khả tri, có những lần chúng ta đưa Chúa ra xét xử, và bất kỳ lúc nào làm thế, cuối cùng chúng ta là người bị phán xét.  Chúng ta thấy điều này trong các đoạn Tin mừng về cuộc xử án Chúa Giêsu, nhất là trong Tin mừng theo thánh Gioan.

Như chúng ta biết, Tin mừng theo thánh Gioan họa lên hình ảnh Chúa Giêsu từ góc nhìn thiên tính, chứ không phải nhân tính của Ngài.  Như thế, trong Tin mừng theo thánh Gioan, Chúa Giêsu không có sự yếu đuối của loài người.  Ngài là Thiên Chúa từ dòng đầu cho đến dòng cuối trong Tin mừng theo thánh Gioan.  Điều này đúng cho đến từng chi tiết nhỏ nhất.  Ví dụ như, trong Tin mừng theo thánh Gioan, trong phép lạ hóa bánh ra nhiều, Chúa Giêsu đã hỏi các môn đệ xem họ có bao nhiêu bánh và cá.  Thánh Gioan viết thêm: “Ngài đã biết trước rồi.”  Không gì nằm ngoài dự liệu của Chúa Giêsu.

Chúng ta thấy điều này rõ ràng nhất trong cách thánh Gioan viết về cuộc thương khó và cái chết của Chúa Giêsu.  Không như các Tin mừng khác diễn tả Chúa Giêsu lo sợ trước số phận khủng khiếp của mình, trong Tin mừng theo thánh Gioan, xuyên suốt con đường thương khó, Chúa Giêsu không chút sợ hãi, hoàn toàn tự chủ, bình tâm, vác thập giá của mình, hoàn toàn đối ngược với hình ảnh một nạn nhân.  Tư thế của Chúa Giêsu luôn là hành động tự do, vì lòng yêu thương, và có uy quyền hoàn toàn trên tình cảnh đó.

Thánh Gioan minh họa rất rõ điểm này.  Khi quân lính đến bắt, Chúa Giêsu bước ra và tất cả những ai xáp lại phía Ngài đều ngã gục xuống đất, và trong sự phủ phục đó thể hiện sự tôn kính với Ngài.  Và những hình ảnh mang tính biểu tượng còn nhiều nữa.  Chúa Giêsu bị tuyên án tử hình vào lúc giữa trưa, đúng vào giờ các tư tế bắt đầu sát tế những con chiên vượt qua.  Sau khi chết, Chúa Giêsu được mai táng với dầu thơm và lô hội, vốn chỉ dùng cho vua, và Ngài được đưa vào huyệt đá “mới tinh” (cũng như ngài được sinh ra trong cung lòng trinh nữ.)  Thánh Gioan làm rõ rằng, chúng ta đang nhìn vào Đức Chúa.

Với tâm thức đó, hiểu rằng Chúa Giêsu luôn luôn có uy quyền và làm chủ mọi chuyện, chúng ta sẽ có thể hiểu rõ hơn ý định của thánh Gioan muốn nói với chúng ta trong trình thuật tử nạn của Chúa Giêsu.  Thánh Gioan tập trung nhiều nhất vào cuộc xử án Chúa Giêsu.  Trình thuật thương khó tập trung quanh vụ xử án và các nhân vật chính trong vụ xử án.  Nhưng trình thuật này có một điểm đảo chiều đầy mỉa mai: Có vẻ là Chúa Giêsu bị xử án, nhưng thật ra, Ngài là người duy nhất không bị xử án.  Philatô, các chức sắc tôn giáo, dân chúng, cả chúng ta ngày nay, mới bị xử án.  Tất cả đều bị xử án, trừ Chúa Giêsu.

Philatô bị xử án vì nhiều tội: Biết Chúa Giêsu vô tội nhưng không đủ can đảm để đương đầu với đám đông, rồi để cho sự điên cuồng thất thường vô tri của đám đông quyết định.  Philatô bị phán xét vì sự yếu đuối của ông.  Nhưng ông còn bị xử án vì chủ nghĩa bất khả tri của ông, cụ thể là ông tin rằng mình có thể xem chân lý và đức tin như những thứ mà ông có thể tránh né, có thể định giá chúng từ vị trí trung lập, xem đó là việc của người khác, không dính dáng gì đến mình.  Nhưng ông bị phán xét chính vì lẽ đó.  Chẳng ai có thể dửng dưng hỏi rằng: “Sự thật là gì?” như thể câu trả lời chẳng ảnh hưởng gì đến mình vậy.  Phiên tòa của Chúa Giêsu xác định Philatô và những người như ông, là có tội, tội bất khả tri, tội tránh né, tội dửng dưng, và cuối cùng là bất lương.  Mỉa mai thay, sự yếu đuối của Philatô khi không giải cứu Chúa Giêsu, cuối cùng lại biến ông thành tổng trấn và thẩm phán tai tiếng nhất lịch sử.  Với cái tên có trong kinh Tin kính, hàng triệu người đọc tên ông mỗi ngày.

Nhưng không chỉ mình Philatô bị xử án, mà còn các chức sắc tôn giáo thời đó nữa.  Trong nỗ lực bảo vệ Thiên Chúa khỏi những gì mà họ xem là bất kính, ngoại giáo, và phạm thượng, họ đã đồng lõa trong tội “giết” Chúa.  Phán quyết trong phiên tòa của Chúa dành cho họ, cũng chính là phán quyết cho nhiều chức sắc tôn giáo đến tận thời nay, đó chính là khuynh hướng nhiệt thành bảo vệ Thiên Chúa lại thường góp một tay đóng đinh Chúa trên thế giới này.

Và cuối cùng, vụ xử án những người đương thời với Chúa Giêsu, cũng như chính chúng ta.  Trong cơn cuồng loạn vô tri bừng bừng của đám đông, họ đã từ bỏ hy vọng mong chờ Đấng Thiên sai để hô vang: “Đóng đinh nó!”  Thật cũng không khác gì mấy nhiều khẩu hiệu tôn giáo và chính trị mà chúng ta hô vang ở những buổi tập hợp thời nay.  Phiên tòa xử Chúa Giêsu lại là một phán quyết rất dữ dội cho sự vô tri, thất thường và nguy hiểm của tâm tính đám đông.

Với sự tinh tế của mình, thánh Gioan đã cho chúng ta thấy, bất kỳ lúc nào bằng nhiệt thành lòng đạo sai lầm hay bằng chủ nghĩa bất khả tri lạnh lùng, mà chúng ta đem Chúa ra xử án, thì kết cục, chính chúng ta là người bị phán xét.

Rev. Ron Rolheiser, OMI

NGÀY THỨ SÁU TUẦN THÁNH CỦA RIÊNG CHÚNG TA

Khi người Rôma thiết lập đóng đinh thập giá là phương thức tử hình, họ không chỉ nghĩ đến việc giết một ai đó.  Họ muốn đạt được một điều khác nữa, cụ thể là khiến cái chết này thật ghê gớm để làm nhụt chí người ta, khiến bất kỳ ai chứng kiến nó sẽ phải nghĩ lại về chuyện phạm cùng tội như tội của người đang bị đóng đinh đó.

Thế nên, đóng đinh thập giá được thiết kế để làm vài điều khác nữa, chứ không chỉ giết ai đó.  Nó được thiết kế để gây ra đau đớn ghê gớm nhất mà thân thể con người có thể chịu nổi.  Do đó, đôi khi họ cho người bị hành hình thuốc an thần, không phải để đỡ đau, mà để người đó tỉnh táo nhằm phải chịu nhiều đau đớn hơn nữa.  Có lẽ điều tàn ác nhất, là đóng đinh thập giá được thiết kế để sỉ nhục tận cùng thân thể của người bị đóng đinh.  Người đó bị lột trần, những phần phải giấu kín giờ phơi ra hết, và khi cơ thể co thắt chắc chắn bộ ruột của người đó sẽ phơi rõ toàn bộ.  Còn sự sỉ nhục nào tệ hơn thế?

Tôi tin là có những đau khổ của con người gần hoặc tương đương như thế, và đáng buồn là những thứ này ngày càng phổ biến.  Những trường hợp bạo lực xảy ra hằng ngày trong thế giới chúng ta (bạo hành gia đình, bạo lực tình dục, tra tấn, bắt nạt nhẫn tâm, và tương tự thế) đang bắt chước sự sỉ nhục của thập giá.  Và đôi khi, chúng ta thấy dạng sỉ nhục thân thể này nơi những người chết vì ung thư, và những chứng bệnh gây suy kiệt khác.  Người đó không chỉ chết, mà còn chết trong đau đớn, thân thể bị sỉ nhục, phẩm giá bị xói mòn, những gì phải giấu kín giờ bị phơi bày, hệt như Chúa Giêsu khi chết trên thập giá.

Tôi ngờ rằng đây là lý do Thiên Chúa để cho (dù không dự tính) Chúa Giêsu chịu đựng đau khổ và sỉ nhục như thế trong giờ chết.  Nhìn cách Chúa Giêsu chết, thật khó để ai đó nói: “Quá dễ cho Ngài, Ngài đâu có chịu đau khổ như tôi!”  Sự sỉ nhục của thập giá khiến Chúa Giêsu đồng cảnh ngộ với tất cả những ai từng biết đến đau khổ và nỗi hổ thẹn khi bị sỉ nhục.

Nhưng hoa trái của việc Chúa Giêsu đồng cảnh ngộ với chúng ta không chỉ là sự an ủi khi biết rằng chính Chúa Giêsu đã chịu đau khổ trước, nhưng nó còn cho chúng ta chia sẻ những gì diễn ra sau khi đóng đinh thập giá, cụ thể là theo lời Thánh kinh, chia sẻ sự an ủi với Ngài.  Những lời thật không dễ nghe.  Có sự an ủi khi bị sỉ nhục chứ?  Được gì khi phải chịu đau đớn tủi hổ như thế?  Nói đơn giản, điều ta đạt được là sự sâu sắc của linh hồn.

Không gì, tuyệt đối không điều gì, thúc đẩy chúng ta đi vào chiều sâu của tâm hồn và linh hồn cho bằng sự sỉ nhục.  Cứ hỏi mình câu này đi: Điều gì cho tôi chiều sâu cá tính?  Điều gì cho tôi chiều sâu tâm hồn con người?  Điều gì cho tôi nhận thức sâu sắc hơn?  Tôi ngờ rằng, câu trả lời trong mọi trường hợp là một điều gì đó mà bạn hổ thẹn không dám nhắc đến, một sự sỉ nhục nhức nhối với nỗi đau và nỗi xấu hổ của nó đẩy bạn vào chốn thâm sâu hơn trong lòng.

Tôi tin rằng, các Tin mừng dạy chúng ta điều đó.  Ví dụ như, khi hai tông đồ Giacôbê và Gioan đến với Chúa Giêsu và hỏi xem liệu khi đến ngày vinh quang họ có thể được ngồi bên tả và bên hữu Ngài hay không, Chúa Giêsu đã không nhân cơ hội đó mà dạy họ về sự khiêm nhượng.  Thay vào đó, Ngài dạy họ rằng họ thiếu hiểu biết về ý nghĩa của vinh quang và con đường dẫn đến vinh quang.  Dĩ nhiên, họ đã nhầm lẫn khái niệm về vinh quang là mọi thứ đối ngược với sự sỉ nhục, yếu đuối và đồng cảnh ngộ.  Với họ, và tôi cho rằng với tất cả chúng ta nữa, vinh quang được xem là tách biệt với quần chúng, vượt trên quần chúng, được là cầu thủ xuất sắc nhất, là giành giải Nobel, là ngôi sao điện ảnh mà ai cũng ghen tị, là người hấp dẫn không dễ gì bị sỉ nhục, là người vượt trên muôn người.  Và Chúa Giêsu hỏi Giacôbê và Gioan xem họ có thể “uống chén đắng”, và chén đó như chúng ta đã thấy nơi cuộc đấu tranh của Chúa Giêsu trong Vườn Giếtsêmani, chính là chén sỉ nhục.

Theo Chúa Giêsu và theo những gì chân thật nhất trong cảm nghiệm của chính chúng ta, uống chén sỉ nhục, chấp nhận thập giá, chính là những gì cho chúng ta vinh quang, cụ thể là, chiều sâu tâm hồn, chiều sâu linh hồn và chiều sâu nhận thức và cảm thông.  Tuy nhiên, như Chúa Giêsu đã cảnh báo, uống chén sỉ nhục này, dù nó tự động cho chúng ta chiều sâu, nhưng không tự động bảo đảm cho chúng ta vinh quang (như Chúa Giêsu đã nói, “vinh quang đó ta không ban cho được”).  Sự sỉ nhục cho chúng ta chiều sâu, nhưng nó không cho chúng ta chiều sâu theo cách đúng đắn.  Nó cũng có thể cho chúng ta tác động ngược lại.

Đây chính là phép tính cho chúng ta: Như Chúa Giêsu, chúng ta đều sẽ chịu sỉ nhục trong đời, chúng ta đều sẽ uống chén đắng, và nó sẽ cho chúng ta chiều sâu, nhưng rồi chúng ta phải có một lựa chọn: Sự sỉ nhục này sẽ cho chúng ta sâu sắc trong sự cảm thương và thông hiểu, hay nó sẽ khiến chúng ta sâu sắc trong giận dữ và cay đắng.  Đây quả thật là lựa chọn luân lý cao nhất mà ta đối diện trong đời, không phải chỉ là trong giờ chết mà là vô số lần trong đời.  Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, và những gì nó đòi buộc nơi chúng ta, là điều mà chúng ta phải đương đầu hằng ngày.

Rev. Ron Rolheiser, OMI

CÁC MÔN ĐỆ VÀ CUỘC THƯƠNG KHÓ CỦA CHÚA

Giáo Hội đang bước vào những ngày thánh để tưởng nhớ lại cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu.  Đây là một biến cố đau thương mà Chúa Giêsu phải chịu.  Qua biến cố Thương Khó này, hình ảnh các môn đệ Chúa cũng được gợi lên để chúng ta cùng suy gẫm.

Mặc dù Chúa Giêsu đã tiên báo nhiều lần về cái chết của Ngài nhưng đây vẫn là một cái chết tủi nhục, đau đớn, cô đơn, bởi vì một phần đến từ các môn đệ.  Các môn đệ đã được Chúa Giêsu yêu thương, dạy dỗ nhiều điều, thế mà có người trong các ông lại đáp đền tình thương đó bằng cách bán Thầy, chối Thầy và bỏ Thầy của mình.

Trước hết phải kể đến kẻ đã bán Thầy mình để lấy 30 đồng bạc.  Đó chính là Giuđa Ít-ca-ri-ốt.  Ông là một trong mười hai người được Chúa Giêsu tuyển chọn và gọi là Tông Đồ.  Giuđa còn được Chúa Giêsu và các môn đệ khác tin tưởng giao cho nhiệm vụ quản lý, tức là giữ túi tiền (Ga 13,29).  Chắc hẳn trong hành trình theo Chúa Giêsu, ít nhiều Giuđa cũng cảm nghiệm được tình thương của Thầy đối với bản thân mình.  Tuy nhiên, y đã chối bỏ tình thương của Thầy mình.  Y đã bán Thầy mình với giá chỉ bằng giá một người nô lệ.  Y còn dùng chính cái hôn là biểu tượng của tình thương để đánh đổi bằng âm mưu phản bội.  Tình thương của Chúa Giêsu được Giuđa Ít-ca-ri-ốt quy ra chỉ bằng 30 đồng bạc.  Chúa Giêsu đã rất đau đớn vì người môn đệ hằng đi bên cạnh mình lại phản bội chính mình, Ngài đã phải thốt lên “Đã hẳn Con Người ra đi theo như lời đã chép về Người, nhưng khốn cho kẻ nào nộp Con Người: thà nó đừng sinh ra thì hơn!” (Mt 26,24).  Như vậy, Giuđa Ít-ca-ri-ốt, người môn đệ Chúa Giêsu, trực tiếp khai mở cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Giêsu.

Kế đến là người đã chối Thầy mình đến ba lần.  Đó là Simon Phêrô.  Vị Tông Đồ trưởng của các Tông Đồ, là người được Chúa Giêsu hằng yêu mến.  Tình yêu đó được Chúa Giêsu thể hiện khi Ngài dẫn riêng Phêrô và hai môn đệ yêu dấu khác lên núi Tabo để chiêm ngắm dung nhan Ngài (Mt 17,1-9).  Hôm nay, trong vườn cây dầu, Ngài cũng dẫn riêng ông và hai môn đệ kia đi theo Ngài.  Tình yêu của Đức Giêsu dành cho Phêrô lớn đến vậy thế mà ông vẫn từ chối Thầy mình.  Không phải một lần nhưng ông chối đến ba lần.  Mức độ của các lần đó tăng mạnh dần: “Tôi không biết cô nói gì”, “Tôi không biết người ấy” và “Tôi thề là không biết người ấy.  Ông sợ bản thân mình cũng bị liên lụy vì là môn đệ Chúa.  Ông sợ ngay cả tên đầy tớ gái để rồi chối Thầy mình đay đảy.  Vì sợ nên ông quên trước đó ông đã tuyên bố “Dầu có phải chết với Thầy, con cũng không chối Thầy” (Mt 26,25).  Trước hành động của Phêrô, Chúa Giêsu quay lại nhìn ông (Lc 22,61).  Ngài quay lại không phải để oán trách Phêrô, nhưng để ông nhận biết rằng Ngài vẫn yêu thương ông đến dường nào.  Chính điều này đã làm cho Phêrô nhận ra lỗi lầm của mình và ông đã khóc lóc thảm thiết.  Phêrô, người môn đệ yêu dấu, đã làm cho cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu càng trở nên tủi nhục thêm khi công khai chối bỏ người Thầy của mình.

Không hơn gì Phêrô và Giuđa Ít-ca-ri-ốt, các môn đệ còn lại cũng bỏ mặc Chúa Giêsu một mình (Mt 26,56).  Các ông để mặc Chúa Giêsu đối diện với đám đông đến bắt Ngài.  Lúc Chúa Giêsu bị giải đến Thượng Hội Đồng và Tổng trấn Philatô cũng không thấy bóng dáng một người môn đệ nào.  Có chăng thì cũng chỉ là Phêrô đứng xa xa (Mt 26,58).  Đâu rồi những người môn đệ Chúa, những người từng ăn từng uống với Ngài?  Đâu rồi những người môn đệ Chúa, những người từng ở bên cạnh Ngài?  Dẫu biết rằng cái chết rồi cũng sẽ đến nhưng Chúa Giêsu thực sự cô đơn, buồn tủi vì những môn đệ thân yêu cũng nỡ bỏ rơi Ngài.

Cách nào đó chúng ta cũng là những người môn đệ của Đức Giêsu trong cuộc sống hôm nay.  Chúng ta được mời gọi để làm chứng cho Đức Giêsu, để làm chứng cho một tình yêu mà Ngài đã dành cho nhân loại.  Thế nhưng, chúng ta thử nghĩ xem chúng ta đã sống đúng với tinh thần người môn đệ Chúa chưa?  Chúng ta đã làm chứng cho Chúa trong cuộc sống này chưa?  Hay chúng ta cũng chỉ là những người môn đệ giả tạo, chỉ biết lợi cho mình để rồi bỏ cả Chúa, chối cả Chúa?  Những điều đó ắt hẳn chỉ có mỗi người trong chúng ta mới hiểu rõ mà thôi.

Lạy Chúa Giêsu, Ngài đã trải qua cuộc Thương Khó và cái chết cách đây hơn 2000 năm, thế mà ngày nay không ít lần Chúa cũng phải đổ máu, cũng phải cô đơn.  Tất cả là vì tội lỗi chúng con.  Mỗi lần chúng con xúc phạm đến Chúa là mỗi lần chúng con làm Ngài phải đổ máu.  Mỗi lần chúng con xa Chúa là mỗi lần chúng con làm Ngài cô đơn.  Xin cho chúng con biết sống đẹp lòng Chúa, luôn chạy đến với Ngài và chọn Ngài làm gia nghiệp.   

 Antôn Hoàng Văn Phúc

 NHIỆT THÀNH CỦA THẬP GIÁ

Tuần Thánh bắt đầu với Chúa nhật Lễ Lá và Phụng vụ Lễ Lá lại tiến hành với hai nhịp tương phản.  Bắt đầu là cử hành việc Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem trong tư cách một vị vua, được dân chúng đón tiếp trọng thể, ngập tràn tiếng reo vui.  Rồi ngay sau đó trong Thánh Lễ, thay cho bài Tin Mừng lại là bài tường thuật cuộc thương khó của Chúa, cuộc thương khó đầy máu và nước mắt.  Hội Thánh có ý gì khi liên kết hai sự kiện tương phản này?  Tại sao không đợi đến Thứ Sáu Tuần Thánh để công bố bài thương khó mà phải đọc ngay từ Chúa nhật Lễ Lá?  Đã hẳn có nhiều ý nghĩa phong phú hàm chứa ở đây cần được khai triển.  Một trong những nội dung đáng quan tâm là Hội Thánh muốn làm nổi bật đường lối cứu thế của Chúa Giêsu và mời gọi con cái mình bước theo Thầy.

Khi kể lại việc Chúa Giêsu thanh tẩy Đền thờ Giê-ru-sa-lem, thánh Gioan ghi nhận: “Các môn đệ của Người nhớ lại lời đã chép trong Kinh Thánh: Vì nhiệt thành lo việc Nhà Chúa mà tôi đây phải thiệt thân” (Ga 2,17).  Một số Kitô hữu đã liên kết từ “nhiệt thành” ở đây – cũng như việc Chúa Giêsu được đón rước trọng thể vào thành Giêrusalem trong tư cách một vị vua – với phong trào chính trị được gọi là “Nhiệt Thành-zelos” thời bấy giờ.  Ngoài ra người ta còn kết nối sự kiện này với lời các thượng tế tố cáo Chúa Giêsu trước tòa Philatô: “Ai xưng mình là vua thì chống lại Cêsarê” (Ga 19,12).  Tất cả để dẫn đến kết luận Chúa Giêsu là nhà cách mạng chính trị.

Phong trào chính trị có tên gọi “Nhiệt Thành” được khơi nguồn từ ông Mattathias, cha của anh em nhà Macabê.  Vào thời đó, vua Antiôkô cưỡng bức người Do Thái phải chối đạo và tế thần trên bàn thờ, nhưng ông Mattathias tuyên bố: “Chúng tôi sẽ không tuân theo lệnh vua mà bỏ việc thờ phượng của chúng tôi để xiêu bên phải, vẹo bên trái” (1 Mac 2,22).  Và khi có một người Do Thái tiến ra tế thần trên bàn thờ theo chỉ dụ của nhà vua, thì sách Macabê kể lại: “Ông Mattathias bừng lửa nhiệt thành… ông nhào tới hạ sát hắn ngay tại bàn thờ.  Ông cũng giết luôn viên chức của vua có nhiệm vụ cưỡng bức người Do Thái tế thần, rồi ông phá đổ bàn thờ”.  Sau đó sách Macabê kết luận: “Ông bừng lửa nhiệt thành đối với Lề Luật giống như ông Pinêát trong vụ Dimri, con của Xalu” (2,23-26).  Kể từ lúc đó, từ ngữ “nhiệt thành-zelos” trở thành khẩu hiệu diễn tả quyết tâm dùng sức mạnh và bạo lực để bảo vệ đức tin, bảo vệ Lề Luật.

Vào thời Chúa Giêsu, không ít người Do Thái đi theo phong trào này, chủ trương dùng bạo lực để xua đuổi đế quốc Rôma, giành lại chủ quyền và độc lập của dân tộc.  Dựa vào một số chi tiết trong các sách Tin Mừng, người ta cũng nhìn Chúa Giêsu như một nhà cách mạng chủ trương dùng bạo lực để xây dựng một vương quốc chính trị.  Đồng thời, dọc dài lịch sử Giáo Hội, hình ảnh Chúa Giêsu như một nhà cách mạng cũng được vận dụng để biện minh cho việc sử dụng bạo lực nhằm xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn.

Thế nhưng đây có thực sự là ý hướng của Chúa Giêsu?  Khi suy niệm về việc Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem cách trọng thể, Đức Bênêđictô XVI trả lời: “Không.  Làm cách mạng bằng bạo lực, nhân danh Thiên Chúa để giết người, đó không phải là đường lối của Chúa.  Lòng nhiệt thành của Người đối với vương quốc Thiên Chúa được thể hiện bằng cách thức hoàn toàn khác.”

Trong ngày Lễ Lá, hình ảnh Chúa Giêsu cỡi trên lưng lừa tiến vào Giêrusalem làm dội lại lời tiên tri Zacaria: “Nào thiếu nữ Sion, hãy vui mừng hoan hỉ!  Hỡi thiếu nữ Giêrusalem, hãy vui sướng reo hò!  Vì kìa Đức Vua của ngươi đang đến với ngươi.  Người là Đấng chính trực, Đấng toàn thắng; khiêm tốn ngồi trên lưng lừa, một con lừa con vẫn còn theo mẹ” (9,9).  Vào thời tiên tri Zacaria cũng như vào thời Chúa Giêsu, con ngựa mới là biểu tượng của sức mạnh, còn lừa là phương tiện của người nghèo.  Vì thế hình ảnh Vua Giêsu ngồi trên lưng lừa diễn tả một vị vua hoàn toàn khác.  Người là vua của hòa bình, vua của người nghèo, vị vua đơn sơ và khiêm tốn.

Cũng lúc ấy, chúng ta khám phá lý do tại sao Phụng vụ Lễ Lá được bắt đầu bằng việc tưởng niệm Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem trong vinh quang, rồi được tiếp nối bằng việc công bố bài thương khó.  Để thấy rõ hơn chân dung của vị vua hòa bình.  Để thấy rõ hơn ý nghĩa của “sự nhiệt thành”, không phải thứ nhiệt thành của bạo lực nhằm xây dựng một vương quốc trần thế, nhưng là sự nhiệt thành của Thập Giá, nhiệt thành của tình yêu tự hiến trọn vẹn.

Sự nhiệt thành ấy cũng chất vấn cách nhìn và cách sống của người môn đệ Chúa Giêsu ở mọi thời đại và trong mọi hoàn cảnh.  Có những lúc người môn đệ Chúa cũng bị cám dỗ sử dụng bạo lực để gọi là phục vụ Nước Chúa.  Nếu chưa phải là những hành động bạo lực thì cũng là những lời nói và ứng xử bạo lực.  Dù là hành động hay lời nói thì gốc rễ vẫn là sự căm thù chất chứa trong tâm hồn, đôi khi được ẩn giấu dưới lớp áo nhiệt thành, và sự căm thù ấy đã dẫn đến biết bao hậu quả tai hại cho chính Hội Thánh của Chúa.  “Chúng ta đã biết quá rõ những hậu quả tàn ác của thứ bạo lực với động cơ tôn giáo.  Bạo lực không xây dựng vương quốc Thiên Chúa, vương quốc của nhân tính.  Ngược lại, bạo lực là khí cụ ưa thích của tên phản-Kitô, cho dù nó núp bóng tôn giáo.  Nó không phục vụ nhân loại mà phục vụ sự phi nhân” (Benedict XVI, Jesus of Nazareth, tome II, 15).

“Chúa Giêsu đã thiết lập tiêu chuẩn đánh giá lòng nhiệt thành chân chính, đó là lòng nhiệt thành của tình yêu tự hiến, và sự nhiệt thành này phải trở nên mục tiêu của đời sống Kitô hữu.”  Suy tư này của Đức Bênêđictô XVI đáng cho mỗi người Kitô hữu ghi nhớ để soi sáng lời nói và hành động của mình.  Nhất là trong Tuần Thánh, khi đi đàng Thánh Giá, khi ôn lại những chặng đường trong cuộc khổ nạn của Chúa chúng ta.

ĐGM. Phêrô Nguyễn Văn Khảm

THẬP GIÁ THẤM ĐẪM NƯỚC MẮT TRỜI CAO

Chiều hôm qua, lúc 18h thứ Sáu, 27.03.2020, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành nghi thức ban phép lành Urbi et Orbi cho toàn thế giới trong cơn mưa chiều buồn bã của thành Rôma.

Tuy nhiên, chính trong khung cảnh có vẻ lạnh lẽo ấy, một “hình ảnh sống động” được trang Vaticannews ngay sau đó đưa bản tin với tiêu đề: “Il Crocifisso bagnato dalle lacrime del Cielo” – tạm dịch: THẬP GIÁ THẤM ĐẪM NƯỚC MẮT TRỜI CAO.

Phải chăng, Trời cao đã khóc?
Vâng, có lẽ thế!

–   Trời cao đã khóc vì một thế giới đang khổ đau đối mặt với tai ương, dịch bệnh.

–   Trời cao đã khóc cho một nhân loại đang oằn mình chiến đấu với hậu quả từ lỗi lầm của một ai đó, hay từ những bất toàn của thế gian này.

–   Trời cao đã khóc như một lời đáp trả của Cha Nhân Từ với lời van xin thống thiết của người đứng đầu Dân Ngài là Đức Thánh Cha Phanxicô, và của hàng triệu tín hữu gần xa tham dự trực tuyến: “LẠY CHÚA, XIN HÃY THỨC DẬY.”

–   Trời cao đã khóc như một lời nhắn nhủ của Đức Kitô với mọi người và từng người rằng: “CỨ YÊN TÂM, CÓ THẦY ĐÂY, ĐỪNG SỢ” (x. Ga 6,20).

Vâng, Trời cao đã khóc!

–   Nước mắt Trời cao hòa lẫn với nước mắt của những bệnh nhân vẫn đang gồng mình chống chọi tìm sự sống trong cô đơn, hay trong những khoảnh khắc hấp hối cuối đời, mà không có một cái nắm tay an ủi của người thân kề cạnh.

–   Nước mắt Trời cao tuôn chảy cùng biết bao con người sắp mất đi người thân yêu, mà thậm chí không thể gặp gỡ lần cuối để nói một lời từ biệt.

–   Nước mắt Trời cao chan hòa trên bờ mi đẫm lệ của những người còn ở lại, bất lực nhìn những chiếc xe quân đội chở quan tài người thân của mình đi chôn cất qua ống kính truyền hình, mà không thể chạm vào, tiễn đưa, đồng hành, đặt một nhành hoa hay thắp một ngọn nến từ biệt.

–   Nước mắt Trời cao vẫn luôn chực tràn trên đôi mắt của những người không biết người thân mình giờ đang ở đâu, hay trong tình trạng thế nào, chỉ thấy được qua vài hình ảnh lượm lặt, hay trong một video clip nào đó trôi nổi trên mạng; bởi có một người con sống tại Bergamo – Italia, khi thấy đoàn xe tang đi qua nhà mình, cô ấy đã thốt lên rằng: “Có lẽ, Bố tôi giờ đang nằm trong những chiếc xe tải đó.  Cả một đời ông ấy đã sống cho tôi, vậy mà giờ ông ấy phải ra đi lạnh lẽo một mình”.

– Nước mắt Trời cao cảm thấu với hy sinh cao cả của biết bao con người, đang trực tiếp dấn thân chống chọi đại dịch; trong đó, không thể không nhắc đến những anh hùng đã tử nạn vì hy sinh phục vụ người khác: Linh mục người Ý Berardelli, – 72 tuổi đã chết vì nhường máy thở cho bệnh nhân trẻ tuổi hơn.

–   Nước mắt Trời cao cũng đã hòa lẫn với nước mắt của các Kitô hữu trong Thánh lễ cuối cùng, trước khi lệnh tạm ngưng các Thánh lễ với đông người tham dự chính thức có hiệu lực.

–   Nước mắt Trời cao cũng cuộn trào trong lòng các Linh mục khi cử hành Thánh lễ không còn giáo dân như một Linh mục chia sẻ: “Khi giang tay đọc: Chúa ở cùng anh chị em, không một lời thưa, chẳng một lời đáp… mà lòng muốn khóc!”

–   Nước mắt Trời cao hẳn như đang muốn xóa nhòa nỗi lo sợ của biết bao con người: Lo sợ vì thấy những con số ca nhiễm, người chết cứ tăng dần đều trên màn ảnh; lo sợ vì nghe tiếng còi xe cấp cứu ngoài kia cứ khoảng dăm mười phút lại ầm ĩ một lần; lo sợ vì không biết người mình đang giao tiếp có nhiễm bệnh hay không…

–   Nước mắt Trời cao chắc chắn vẫn đang lặng lẽ chảy trong lòng chúng ta – những con người đang trăn trở về một điều gì đó: những người trẻ lo cho ông bà, ông bà lo cho các cháu, chính phủ lo cho công dân, người chủ gia đình lo về cái ăn cái mặc ngày mai không biết thế nào, các chủ doanh nghiệp lo không biết lấy gì để trả lương cho nhân viên, các mục tử lo cho phần thiêng liêng của các tâm hồn tín hữu khi mọi cử hành phụng vụ phải tạm dừng…  Những ngày dài vô tận, những đêm dài thức trắng, những con đường trống vắng, những quảng trường, chợ búa, quán ăn tấp nập ngày nào nay không bóng người qua lại…; và, tất cả mơ về những điều bình thường của cuộc sống trước đây.

Vâng, ngày hôm qua,

THẬP GIÁ ĐÃ THẤM ĐẪM NƯỚC MẮT TRỜI CAO

Nước mắt từ Trời cao rơi xuống như hòa lẫn với dòng máu chảy ra từ cạnh sườn của Đấng vì yêu nên đã làm người.

Và điều đó chứng tỏ rằng:

–   Dù thế nào, Chúa vẫn ở đó – nước mắt của Ngài hòa lẫn với nước mắt thống khổ của nhân loại này.

–   Dù thế nào, Thập Giá đồi Calvê vẫn ở đó – lặng lẽ nhưng hiên ngang, âm thầm mà sống động, nhỏ bé nhưng vẫn đủ sức gánh đỡ những gánh nặng khổ đau của nhân loại này.

Vậy,

–  Nếu một Thiên Chúa làm người đã tự nguyện vác lấy cây Thập Giá, để gánh đỡ những gánh nặng của ta… thì ta được khích lệ đón lấy những thập giá đời mình trong bình an.

–   Và, nếu nước mắt từ Trời cao đã hòa lẫn với nước mắt thống khổ của nhân loại này, thì nếu có phải khóc, hãy cứ tiếp tục khóc, nhưng khóc trong niềm tin tưởng, và khóc với niềm hy vọng… tất cả rồi sẽ ổn thôi, vì “Cứ yên tâm, có Thầy đây, đừng sợ” (x. Ga 6,20)

Đaminh Thứ Trưởng
Rôma 28.03.2020

Nguồn https://dongten.net/2020/03/28/thap-gia-tham-dam-nuoc-mat-troi-cao/

LỄ THÁNH GIUSE THỜI COVID-19

Mấy tháng nay tâm trí mọi người đều bị Covid-19 xâm chiếm.  Trong tình hình dịch bệnh như thế, chúng ta mừng lễ thánh cả Giuse thế nào?  Lời Chúa trong lễ thánh Giuse nói với ta điều gì giữa thời đảo điên do dịch Covid-19 gây ra?  Có thể thấy 4 sứ điệp.

Hãy dừng lại

David có toan tính xây đền thờ.  Nhưng Chúa bảo ông: hãy dừng lại.  Abraham nôn nóng mong lời Chúa hứa thực hiện.  Chúa bảo ông: hãy dừng lại.  Thánh Giuse cũng đang có toan tính bỏ đi.  Chúa bảo ngài: hãy dừng lại.

Với đại dịch Covid-19, tất cả phải dừng lại.  Từ những chương trình lớn như giải đua xe, giải bóng đá, hành hương Toà Thánh, Đất Thánh.  Cho đến những chương trình nhỏ như tuần chầu, cưới hỏi, khánh thành, tập huấn nhà tập.  Thậm chí cả những chương trình riêng tư như đi thăm thân nhân, khám bệnh thường kỳ.  Tất cả đều phải dừng lại.

Tổng phụ Lepori trích dẫn Thánh vịnh 46 mời gọi: Hãy dừng lại.  Dừng lại trước Nhan Thánh.  Chỉ có Chúa mới làm ta no thoả.  Cyril, một linh mục của Vũ Hán suy niệm: Trung quốc vốn ồn ào vội vã bỗng trở nên trầm lặng.  Làm việc không biết mệt giờ cũng bình thản lại.  Còn cha Richard Henrick, một linh mục châu Âu suy niệm: Trên khắp thế giới người ta đang sống chậm lại, dừng lại và suy tư.  Dừng lại để quay về.

Hãy về nhà

Đối với các vị thánh về nhà là về với Thiên Chúa.  Khi thức dậy, thánh Giuse đã trở về như lời Chúa truyền.  Ra đi chỉ là cơn mê.  Trở về là tỉnh thức.  Mê ngủ là xác thịt.  Tỉnh thức là Thần Khí.  Đối với Đavid và nhất là với Abraham, quê hương là nơi Chúa hứa.  Là về với lời hứa.  Với đúng vị trí do Thiên Chúa đặt để.

Đại dịch Covid-19 khiến mọi người trở về nhà.  Trẻ em không đi học sẽ ở nhà.  Người lớn không đi công tác sẽ ở nhà.  Không còn những địa vị ngoài xã hội.  Không còn những giao tiếp xã giao, con người về sống thật với mình.  Quan trọng nhất là trở về căn nhà tâm hồn mình.  Về tìm lại chính mình.  Vì những công việc thế gian, con người phải ra khỏi mình nhiều.  Đã đánh mất chính mình.  Đã tha hoá.

Cha Henrick mời gọi: Hãy thức tỉnh những lựa chọn của bạn.  Để biết sống hôm nay.  Cha Cyril phát hiện: Có những cha mẹ trước kia chẳng bao giờ giao tiếp với con cái.  Có những cặp vợ chồng chẳng hề tâm sự.  Nay bắt đầu đối thoại chuyện trò.  Cha Tổng phụ suy tư: Sống hiện tại là sống sự thực về chính mình.  Trở về thẳm sâu tâm hồn là sống với Chúa.

Hãy sống với Chúa

Để Chúa làm chủ đời mình.  Khi David dừng lại và kính cẩn lắng nghe, Chúa đã cho ông biết kế hoạch lâu dài dành cho gia tộc của ông.  Abraham tuyệt vọng nhưng vẫn để Chúa làm chủ cuộc đời.  Nên Chúa đã cho ông trở thành tổ phụ nhiều dân tộc.  Thánh Giuse dừng lại ý riêng.  Để lắng nghe Lời Chúa.  Bỏ chương trình riêng.  Để đi vào chương trình của Chúa.  Và Chúa đã phong ngài làm cha nuôi Chúa Cứu Thế.

Giữa lúc dịch Covid-19 hoành hành lại có một hiện tượng đáng vui mừng.  Số người xưng tội tăng lên.  Các lời cầu nguyện tha thiết sốt sắng hơn.  Các cha xứ cho biết nhờ được giải tội tập thể nên nhiều người bỏ xưng tội lâu nay có cơ hội được hiệp thông thánh lễ.  Tại Ba Lan các nhà thờ tăng thêm thánh lễ để đáp ứng nhu cầu cầu nguyện của người dân trong cơn đại dịch.

Cha Cyril suy niệm: (Nhờ đại dịch) Cuối cùng nhân loại một lần nữa cảm nhận được Quyền lực của Thiên Chúa.  Cha Henrick cho thấy: Virus nhắc nhở ta có Đấng Toàn Năng.  Và con người chỉ là những tạo vật hèn yếu của Người.  Tổng phụ Lepori gợi lại hình ảnh các tông đồ ở trên thuyền với Chúa trong cơn bão tố: Như các tông đồ trên thuyền trong cơn sóng dữ.  Đừng quay lại quá khứ để mơ tưởng ước gì mình chưa lên thuyền.  Vì quá khứ đã qua không trở lại.  Đừng mơ mộng tương lai ước gì thuyền đã vào bến.  Vì tương lai không thuộc quyền ta.  Hãy sống hiện tại.  Đó là Chúa đang ở trong thuyền với ta.  Hãy sống với Chúa.  Hãy để Chúa làm chủ.  Sống với Chúa mời gọi ta sống cho tha nhân.

Hãy sống cho tha nhân

Vâng lời Chúa, Đavid thu tích vật liệu nhưng để dành cho con là Salomon sẽ xây dựng đền thờ.  Ông tích đức để dành cho con cháu.  Và vì thế Chúa hứa cho dòng dõi ông trường tồn.  Abraham chịu khổ cực suốt đời lang thang không có nhà cửa đất đai, không con cháu.  Nhưng vì đức tin của ông, Chúa ban cho ông Đất Hứa và con cháu ông sẽ đông như sao trên trời.  Thánh Giuse cũng vâng lời Chúa, không sống cho toan tính bản thân.  Ngài về nhận lấy Đức Mẹ và Chúa Giêsu.  Đó là một trách nhiệm khó khăn.  Ngài quên bản thân để lo cho Đức Mẹ và Chúa Giêsu.  Điều đó làm cho cuộc đời ngài có ý nghĩa.

Thật lạ lùng.  Trong cơn đại dịch con người lại biết quay về với nhau.  Vietcatholic đưa hình ảnh người dân ở các thành phố Siena Tuscan, Napoli và Turino đứng trên ban công cùng nhau hát vang những bài dân ca.  Tại Vũ Hán có những người mang bữa ăn đến cho những người bị cách ly.  Và ta đã thấy khắp nơi trên thế giới người ta họp nhau lại múa bài Vũ điệu rửa tay của Khắc Hưng và Quang Đăng.

Tổng phụ Lepori mời gọi chúng ta trong thời đại dịch hãy biết sống cho tha nhân.  Hãy biết nghĩ đến các y bác sĩ đang xả thân phục vụ bất chấp hiểm nguy.  Hãy nghĩ đến dân Phi châu đang bị dịch cào cào châu chấu.  Cha Cyril thì nhận thấy: Virus dạy ta biết thế nào là “những khoảnh khắc đáng nhớ.”  Virus cho ta cảm nhận tình yêu chân thật có trên trái đất này.  Còn cha Henrick ghi nhận: Một khách sạn tại Ai len phục vụ bữa ăn miễn phí giao tận nhà.  Có những thiếu nữ trẻ cho các nhà hàng xóm số điện thoại, để những ai cần, có thể gọi họ đến giúp.  Trong đại họa con người lại đến với nhau.

Lễ trọng kính thánh Giuse giữa mùa chay như một ánh sáng giúp ta sống mùa chay tốt đẹp.  Lời Chúa hôm nay cũng soi sáng cho ta biết sống thế nào giữa thời đại dịch Covid-19 cho đúng thánh ý Chúa, xứng đáng là người Kitô.

Hãy dừng lại.  Hãy trở về.  Hãy sống với Chúa.  Hãy sống cho tha nhân.

Dịch Covid-19 đã khiến ta tỉnh ngộ để trở về với những gì quan trọng nhất đời.  Tổng phụ Lepori trích dẫn Tu luật Biển đức để gợi lại cho ta ý nghĩa của mùa chay là: ý thức thân phận mỏng dòn.  Khi phải từ bỏ những gì thừa thãi, ta sẽ biết giữ lại những gì cốt lõi.  Và khi biết thân phận mỏng manh ta sẽ biết Chúa mới làm chủ cuộc đời.  Đó chính là tâm tình phải có trong mùa chay.

Và như thế mùa chay thật ý nghĩa.  Ta sẽ được tái sinh trong tình yêu.  Như cha Henrick cảm nhận: Vâng có đó nỗi sợ nhưng không phải oán hờn.  Có cuộc cách ly nhưng không phải cô đơn.  Có mua sắm hoảng loạn nhưng không phải bủn xỉn.  Thậm chí có cả chết chóc nhưng luôn có tái sinh tình yêu.

Lạy thánh cả Giuse xin cho chúng con biết noi gương thánh cả, biết lắng nghe và thực hành Lời Chúa dạy.

ĐTGM Giuse Ngô Quang Kiệt

KHÁT SỐNG

Con người có nhiều cơn khát: Khát tiền, khát danh vọng, khát quyền lực, khát tình yêu, khát hạnh phúc…  Và trong hàng loạt cơn khát đó, thì khao khát được sống là cơn khát mãnh liệt nhất, thúc bách nhất, khẩn thiết nhất.

Để đáp ứng khao khát này, người ta sẵn sàng lao động vất vả, chấp nhận muôn vàn hy sinh gian khổ để nuôi sống mình, để vun đắp cho đời sống mình được sung túc hơn.

Rồi khi sự sống bị đe dọa trầm trọng bởi bệnh tật, như bị ung thư chẳng hạn, người ta sẵn sàng bán hết tất cả những gì mình có để chạy chữa đến cùng, hễ còn nước thì còn tát…

Vì quý trọng mạng sống nên từ cổ chí kim, không ai trên đời chịu đem mạng sống mình để đổi lấy trân châu bảo ngọc hay phú quý giàu sang hoặc quyền cao chức trọng…  Sự sống luôn luôn là trên hết.

Tuy nhiên, đời sống con người cũng như bông hoa sớm nở chiều tàn, như bóng đèn hiu hắt trước gió… Dù ta có tiếc nuối, có kìm giữ, có níu kéo cách nào đi nữa, cũng không thể giữ lại sự sống cho mình.  Đến ngày, đến hạn, nó sẽ ra đi.

Vì thế, mọi người đều nơm nớp lo sợ thời khắc định mệnh ấy, lo sợ ngày tang tóc ấy, không biết sẽ chụp xuống lúc nào.

Thần Chết như đang lởn vởn, rình rập đâu đây, sẽ vung lưỡi hái ra tước đoạt mạng sống người ta bất cứ lúc nào!

Hy vọng đã bừng lên

Thế rồi, một niềm vui và hy vọng đã bừng lên: Giữa khung trời u tối và tang tóc vì sự sống sẽ mất đi và sự chết đang bao trùm ấy… bỗng lóe lên một tia chớp hy vọng, hy vọng được cứu sống.

Qua việc làm cho La-da-rô, một thanh niên đã chết bốn ngày, mùi tử khí đã xông lên nồng nặc, được sống lại và trở về với cuộc sống, Chúa Giê-su mang đến nhân loại một tin vui, tin vui đó là Ngài sẽ ban lại sự sống cho những ai lìa trần, và không chỉ ban cho họ sự sống đời này mà thôi, nhưng còn ban sự sống vĩnh cửu đời sau.  Ngài khẳng định điều đó với cô Mác-ta: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống.  Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống.  Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết” (Ga 11, 25).

Thế là nhờ Chúa Giê-su, bóng đêm sự chết không còn bao phủ địa cầu.  Ngài đến xé tan màn đêm sự chết, tiêu diệt thần chết và ban lại sự sống cho những ai tin vào Ngài.

Thế thì từ đây, nhân loại nắm được một bí quyết rất đỗi tuyệt vời để dành lại sự sống và đạt tới sự sống đời đời, đó là TIN vào Chúa Giê-su.  Thế là từ đây, ước mơ cao cả nhất, khát vọng lớn lao mãnh liệt nhất của con người đã được Chúa Giê-su đáp ứng.

Muốn được thoát chết và được sống muôn đời muôn kiếp với Thiên Chúa trên thiên đàng, thì mỗi người phải TIN vào Chúa Giê-su, nhưng không phải là tin suông, vì tin mà không có hành động kèm theo thì vô nghĩa; Ai thực sự tin Chúa Giê-su thì phải thực hành giáo huấn của Ngài, noi gương bắt chước Ngài và sống như Ngài đã sống.

Lạy Chúa Giê-su là nguồn ban sự sống cho trần gian,
Không gì trên đời quý bằng được sống.  Không gì đáng khao khát cho bằng sự sống đời đời.
Xin cho chúng con luôn kết hợp với Chúa cách mật thiết, như bàn tay kết hợp với thân mình… để được đón nhận sự sống đời đời do Chúa truyền ban và kiên quyết không bao giờ phạm tội trọng để khỏi đánh mất sự sống muôn đời.  Amen.

Lm Inhaxiô Trần Ngà

TÔI LÀ NỮ TÌ CỦA CHÚA

Chín tháng trước khi mừng lễ Giáng Sinh, Giáo hội mừng lễ Truyền Tin.  Lễ Truyền Tin là lễ trọng, lễ Con Thiên Chúa xuống thế giới này làm người.  Mầu nhiệm Nhập Thể là mầu nhiệm lớn, đã bắt đầu từ giây phút này đây.  Nhưng sự trọng thể và lớn lao ấy lại diễn ra rất đỗi bình thường và bé nhỏ.

Galilê là vùng đất của dân ngoại, Nadarét chỉ là một tỉnh nhỏ ít danh tiếng.  Đây là nơi sinh sống của Chị Maria, một thiếu nữ đã đính hôn với ông Giuse.  Sứ thần Gáprien được Thiên Chúa sai đến với người trinh nữ Do-thái ấy vào lúc Chị đang sống đời sống thường nhật như các cô gái khác.  Chị sống bên cha mẹ, chờ ngày về nhà chồng.  Chị có biết đời mình sắp bước vào một khúc quanh mới không?

Thiên Chúa cần Chị Maria cho công trình cứu độ thế giới của Ngài.  Lễ Truyền Tin là lễ Thiên Chúa hỏi ý một thụ tạo, một thiếu nữ nhỏ bé.  Ngài tôn trọng tự do mà Ngài đã ban cho Chị, Ngài cần sự ưng thuận của Chị.  Qua trung gian sứ thần Gáprien, Thiên Chúa muốn Chị làm Mẹ của Con Ngài.  Người Con ấy là Vua thuộc dòng Đavít, là Đấng Mêsia, là Con Thiên Chúa.

Chị Maria đã hết sức bối rối trước lời chào của sứ thần.  Lời chào ấy khiến Chị phải suy nghĩ và sợ hãi (c. 29, 30).  Và khi được báo tin mình sẽ thụ thai, Chị đã hỏi lại: “Việc ấy sẽ xảy ra như thế nào?” vì cho đến nay Chị vẫn còn là trinh nữ, chưa về chung sống với Giuse (c. 34).

Trước khi nói tiếng Xin Vâng, Chị Maria đã suy nghĩ cầu nguyện nhiều.  Chị biết mình được Thiên Chúa mời gọi bước vào cuộc phiêu lưu.  Cuộc hôn nhân với Giuse, người mà Chị yêu mến, hẳn sẽ không như cũ.  Điều gì sẽ xảy ra nếu Chị mang thai bây giờ?  Giuse sẽ nghĩ sao?  Ai sẽ tin chuyện Chị được thụ thai bởi Thánh Thần (c. 35)?  Maria đã nói tiếng Xin Vâng không phải vì thấy rõ con đường Chúa muốn.

Xin Vâng là mềm mại, buông mình để Chúa dẫn đi giữa đêm đen, yên tâm không phải vì mình làm chủ được tương lai, nhưng vì tin nó nằm trong tay Chúa.  Xin Vâng là để cho những dự tính và ước mơ của mình bị tan vỡ.

Chị Maria đã dám chấp nhận mọi hậu quả khi nói tiếng Xin Vâng.  “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa.” (c. 38).  Tiếng Xin Vâng của Chị Maria đã cho Con Thiên Chúa có chỗ trong thế giới.  Nhờ những tiếng Xin Vâng của tôi, Đức Giêsu đi vào được thế giới hôm nay.  Tôi có kiên nhẫn cưu mang Ngài trong đời tôi, để cho Ngài lớn lên cứng cáp, trước khi sinh ra Ngài cho môi trường tôi đang sống không?

******************************************

Lạy Ðức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa, xin gìn giữ nơi con quả tim của trẻ thơ tinh tuyền và trong ngần như dòng suối.  Xin ban cho con quả tim đơn sơ, mau quên những nỗi buồn phiền.  Một quả tim hào hiệp dám hiến thân, dịu dàng để cảm thông.  Một quả tim trung thành và quảng đại, không quên ơn, không báo oán.  Xin tạo cho con quả tim hiền từ và khiêm tốn, yêu mà không mong được yêu lại, hân hoan xóa mình đi để Con của Mẹ có chỗ trong lòng người khác.  Một quả tim vĩ đại và bất khuất, không khép lại trước những kẻ vô ơn, không chán nản trước người lạnh nhạt.  Một quả tim khắc khoải lo tìm vinh danh Chúa Giêsu Kitô, quả tim mang vết thương vì yêu Ngài, vết thương chỉ lành khi được sống với Ngài trên trời.  Amen. 

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

COVID-19 VÀ GIỮ ĐẠO

Chưa bao giờ một virút bé tí teo, mới cuối năm ngoái còn “vô danh tiểu tốt” bỗng trở thành mối đe dọa toàn cầu, khi làm mọi người hoảng loạn, hoang mang, do sức công phá kinh khủng nhanh chóng và tàn bạo.

Sức công phá vũ bão không những đang làm rối loạn, điên đảo toàn bộ sinh hoạt của con người trong các lãnh vực sức khỏe, giáo dục, chính trị, kinh tế, xã hội… mà còn làm đảo lộn sinh hoạt tâm linh, hoạt động thờ phượng của các tôn giáo trên khắp địa cầu.

Vì lệnh cấm tập trung, hội họp do sợ bị lây nhiễm, các nhà thờ bị đóng cửa, thánh lễ không được cử hành cho cộng đoàn, các lớp giáo lý tạm ngưng, nhiều giáo phận cho phép xưng tội tập thể, và ngay tại Rôma, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng thay đổi hầu như toàn bộ sinh hoạt mục vụ của Ngài, và chấp hành những biện pháp ngăn chặn virút đại dịch được chính quyền Ý ban bố.

Đứng trước sức xâm lấn ngạo mạn, ngang ngược của Covid-19, và những biện pháp mục vụ được đưa ra bởi các đấng bản quyền, không ít người tín hữu đã có những cảm nghĩ trái chiều.

Có người cho rằng những biện pháp như đóng cửa nhà thờ, hạn chế sinh hoạt tông đồ giáo dân, ngưng các lớp giáo lý, chỉ cho phép rước lễ bằng tay… là những hành động biểu lộ một đức tin yếu kém, một tinh thần nhu nhược chạy theo chỉ đạo, hướng dẫn của thế gian, thế quyền, mà không biết lợi dụng cơ hội khó khăn, thử thách của dịch bệnh để làm chứng đức tin, sống tinh thần quả cảm, anh dũng, bất khuất của tiền nhân Tử Đạo.

Có người cho rằng chính lúc này, hơn bao giờ hết, Giáo Hội phải chứng tỏ là Giáo Hội của Đức Kitô, Giáo Hội có Chúa Kitô, một Giáo Hội vượt trên tất cả đe dọa, dù đe dọa đó đến từ đâu, và điều phải làm là kiên cường sống chết, liều lĩnh hi sinh với những gì Giáo Hội đang là, đang có, mà không cần phải thay đổi, thích nghi cho phù hợp.  Hơn nữa, những kiểu cách “chạy theo xu hướng thế tục”, răm rắp tuân hành chỉ thị của thế quyền sẽ chỉ làm giảm thiểu lòng tin của người tín hữu vào ơn phù trợ của Thiên Chúa.

Thực ra, không chỉ ở Việt Nam, mà ngay giữa thánh đô Rôma, sau khi lệnh đóng cửa các nhà thờ trong toàn giáo phận Rôma của Đức Giám Quản Rôma, cũng có những phản ứng tương tự, không chỉ từ thành phần tín hữu, mà còn từ một vị hồng y có thế giá.  Ở Pháp cũng không tránh được tình trạng này, khi một giám mục giáo phận lên tiếng không đồng ý với việc đóng cửa nhà thờ, hạn chế các sinh hoạt phụng vụ của các giáo phận khác.

Đứng trước đại dịch và những quyết định của các đấng bản quyền, người viết, với tư cách một tín hữu xin được chia sẻ với Bạn một vài suy tư:

Giáo Hội là Mẹ luôn che chở, bảo vệ sự sống của con mình:

Nếu nhìn Giáo Hội là một cơ chế cứng cỏi, một cơ cấu hành chánh chặt chẽ, một pháo đài giáo lý mang tính phòng thủ, chiến đấu, chúng ta sẽ không thể hiểu được ý nghĩa cũng như giá trị của những quyết định mục vụ trước những đe dọa chính sự sống của giáo dân do Covid-19 mang lại.

Khi quyết định đóng cửa nhà thờ, ngưng các sinh hoạt phụng vụ, Giáo Hội hành xử như người mẹ yêu thương con, bằng tình mẫu tử bao la, và với quyền bảo vệ bằng bất cứ giá nào sự sống của đàn con, vì chỉ một mình mẹ là người đã cho các con sự sống.

Khi quyết tâm bảo vệ sự sống của đoàn chiên, Giáo Hội xác tín: Thiên Chúa là Sự Sống, là Thiên Chúa hằng sống, là Đấng ban sự sống cho muôn loài, nên sự sống là món quà quý báu con người nhận được từ Thiên Chúa.  Vì lẽ đó, Thiên Chúa luôn trân trọng và gìn giữ sự sống mà người đã ban cho nhân loại.

Khi chọn Ápraham làm tổ phụ dân riêng, Thiên Chúa đã ban cho ông Isaác, con trai duy nhất khi ông và vợ ông đã luống tuổi (x. St 17,15-19), để ông biết: Thiên Chúa từ nay ông tôn thờ là Thiên Chúa của sự sống, Thiên Chúa ban sự sống.  Ngài còn đi xa hơn, khi cho thiên sứ đến ngăn tay ông, không để ông  làm tổn thương sự sống của con trai Isaác, khi ông vâng lời đem Isaác lên núi, giết đi làm của lễ tế Giavê Thiên Chúa, như tập tục tế sống con người cho các thần trong các tôn giáo ngẫu thần thời đó (x. St 22).  Một lần nữa, Thiên Chúa mặc khải cho ông và dân riêng: Ngài không muốn của lễ dâng Ngài là mạng sống con người, vì sự sống con người là điều quý giá trước mặt Ngài, bởi do chính Ngài đã trao ban.

Trong Tin Mừng Gioan, Đức Giêsu cũng đã khẳng định: Ngài không để kẻ trộm, người chăn chiên thuê hay sói rừng hãm hại hay lấy đi mạng sống của chiên Ngài, nhưng cứng rắn quả quyết: “Tôi chính là Mục Tử nhân lành, Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình vì đoàn chiên” (Ga 10,11).

Chúa chiên nhân lành là Đức Giêsu không giống như “kẻ trộm chỉ đến để ăn trộm, giết hại và phá hủy” (Ga 10,10), hay như “người làm thuê, vì không phải là mục tử, và vì chiên không thuộc về anh, nên khi thấy sói đến, anh bỏ chiên mà chạy.  Sói vồ lấy chiên và làm cho chiên tán loạn” (Ga 10,12).  Nhưng Ngài “tự ý hy sinh mạng sống mình” (Ga 10,18), để “cho chiên được sống và sống dồi dào.” (Ga 10,10).

Như thế, mục đích hy sinh của Mục Tử nhân lành là chiên của ông được sống và sống dồi dào.  Dồi dào đây là được no nê, ấm áp, được yêu thương, cưng chiều, được hạnh phúc, bình an.

Hình ảnh Mục Tử nhân lành là Giáo Hội với các Đấng Bản Quyền với quyền yêu thương, chăn dắt.  Sở dĩ là quyền yêu thương chăn dắt, vì chăn dắt không yêu thương sẽ không là mục tử nhân lành như lòng Chúa mong ước, nhưng sẽ chỉ được gọi là kẻ chăn thuê, hay tên ăn trộm.

Do đó, quyết định của Mục Tử trước những nguy hiểm đe dọa sự sống của đoàn chiên, như đại dịch Covid 19 đang đe dọa tính mạng của mọi người phải được hiểu là quyết định xuất phát từ tình yêu mục tử đối với đoàn chiên, từ bổn phận bảo vệ đoàn chiên khỏi nguy cơ bị giết hại, và chúng ta hãy tín thác vâng phục thi hành, với lòng yêu mến, biết ơn.

Phải thận trọng phân định giá trị của Lề Luật và giá trị của Con Người:

Khi bực bội, khó chịu trước những quyết định đóng cửa nhà thờ, hạn chế thời gian cử hành phụng vụ, hoặc các biện pháp khác nhằm tránh lây nhiễm và bảo vệ tính mạng cho cộng đoàn, chúng ta vô tình rơi vào tinh thần vị luật của các luật sĩ quá khích và Pharisêu cực đoan bảo thủ ngày xưa đã phản bác, bắt bẻ Đức Giêsu khi Ngài chữa người bị bệnh bại tay trong ngày sabát là ngày cấm làm việc theo luật Môsê (x. Lc 6,6-10 ; Mc 3,1-6).

Trả lời họ, Đức Giêsu khẳng định: ưu tiên luôn dành cho con người, cho sự sống và hạnh phúc của con người.  Cũng như khi các môn đệ bứt lúa để ăn vì đói, khi băng qua một cánh đồng trong ngày sabát, Ngài đã lên tiếng bênh vực các ông trước lời khiển trách nặng nề của những người Pharisêu vị luật: con người có giá hơn Lề Luật, bởi “ngày sabát  được tạo ra cho con người, chứ không phải con người cho ngày sabát. (Mc 2, 27).

Thực vậy, hạnh phúc của con người đang sống là điều lành, việc tốt con người phải làm cho nhau, và được đặt thành ưu tiên, bởi đó chính là vinh danh đích thực của Thiên Chúa (x. Mt 12,9-14; Lc 6,6-10); đồng thời là đòi hỏi của Giới Luật mới Yêu Thương.

Nay Covid-19 ập tới, đe dọa tính mạng của con người, thì luật đi lễ ngày Chúa Nhật, cũng như nề nếp sinh hoạt phụng vụ, tất cả đều có thể được thay đổi, đình chỉ, tạm ngưng, vì lợi ích chung của đoàn chiên.  Và điều này không được hiểu như hành vi bất tuân lệnh Thiên Chúa, hay vi phạm giới luật của Ngài.

Thái độ bất mãn với giáo quyền trong việc đình chỉ sinh hoạt phụng tự cũng nói lên tinh thần gắn bó sai lệch của chúng ta vào những hình thức bên ngoài, mang nặng tính phô trương, biểu dương lực lượng, để rồi đức tin bị “điều kiện hoá” bởi những hình thức không luôn cần thiết, mà không ăn rễ sâu, nhờ đời sống nội tâm cầu nguyện, và thực hiện Đức Ái, trong khi cầu nguyện thì không bị lệ thuộc bất cứ hoàn cảnh nào, và Đức Ái thì không thế lực, chướng ngại, sức mạnh nào có thể hạn chế, ngăn chặn.

“Thờ phượng Thiên Chúa trong thần khí và sự thật”.

Đức Giêsu, bên bờ giếng Giacóp đã chẳng nói với người phụ nữ Samari: “Này chị, hãy tin tôi: đã đến giờ các người sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải trên núi này hoặc tại Giêrusalem…  Nhưng giờ đã đến, và chính là lúc này đây – giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những người thờ phượng Người như thế.  Thiên Chúa là thần khí, và những kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng trong thần khí và sự thật” (Ga 4,21-26).

Nói như thế không có nghĩa chúng ta phủ nhận Giáo Hội hữu hình, chối từ giáo phận, phủ nhận giáo xứ, nhà thờ, và rút lui vào “cái tôi”, co cụm, một mình khép kín với thần khí và sự thật.

Hoàn toàn không, vì Giáo Hội là một gia đình, một cộng đồng yêu thương, đoàn lữ hành đang cùng bước đi, nên Gắn Bó, Hiệp Thông với Đầu là Đức Giêsu và với nhau là những chi thể của Thân Thể mầu nhiệm là đòi hỏi tiên quyết.

Là người Kitô hữu trong Giáo Hội, chúng ta không lên thiên đàng cô đơn, cô độc, lủi thủi một mình, nhưng lên với nhau, cùng nhau lên, cùng nhau về Nước Trời, cùng nhau thực hiện hành trình về Nước Thiên Chúa, dưới sự lãnh đạo của Đức Giêsu, Mục Tử và sự cộng tác của các Đấng Bậc được Thiên Chúa tuyển chọn để quản trị, chăm nom, dẫn dắt đoàn chiên được trao phó.

Do đó, Hiệp Thông là yếu tính của Giáo Hội, Hiệp Nhất là đòi hỏi của người Kitô hữu, nên trong mọi hoàn cảnh, mọi tình huống, người tín hữu phải gắn bó, hiệp nhất, hiệp thông với tất cả mọi thành phần trong Giáo Hội, vì đức tin của Giáo Hội là hiệp nhất, hiệp thông.

Chính vì có hiệp nhất trong Giáo Hội mà chúng ta mới thờ phượng Thiên Chúa trong thần khí và sự thật được, cũng không phải lệ thuộc vào một đền thánh, đền thờ hữu hình ở một nơi chốn nào.  Chính nhờ đức tin hiệp thông của Giáo Hội, mà chúng ta được hoàn toàn dự phần, được trọn vẹn tham dự vào sức sống và tình yêu của Giáo Hội, là Hiền Thê yêu dấu của Đức Giêsu, trong những hoàn cảnh không thể đến nhà thờ, không thể sinh hoạt phụng tự, không thể cử hành thánh lễ…

Vâng, Covid-19 đặt chúng ta, những người Kitô hữu vào một hoàn cảnh mà phần đông chưa bao giờ thấy.  Ở vào hoàn cảnh đặc biệt này, chúng ta cần hiểu biết chính xác ý nghĩa và giá trị đức tin của các quyết định từ các đấng bản quyền, để không ai, không thế lực thần dữ nào có thể lợi dụng tình thế hầu làm suy yếu ở chúng ta đức tin, và lòng tin tưởng, tín nhiệm ở Mẹ Hội Thánh.

Bởi trong những thời khắc khủng hoảng, thời điểm tinh thần dễ bị chao đảo, lung lay, ma qủy nhất định sẽ không bỏ qua cơ hội đánh phá Đức Ái giữa đoàn chiên và Mục Tử trong Giáo Hội, bằng khủng bố tinh thần Hiệp Nhất, và triệt hạ tinh thần Hiệp Thông bằng dấy lên ngọn lửa kiêu căng, bất tuân phục.

Hiệp cùng Hội Thánh Việt Nam và toàn cầu, chúng ta xin Chúa cứu thế giới khỏi đại dịch Covid-19 nguy hiểm, và ban bình an cho tất cả mọi người trên thế giới.

Lời cầu nguyện chân thành ấy chắc chắn sẽ đẹp lòng Chúa gấp bội, nếu chúng ta cùng nhau cầu nguyện trong tinh thần hiệp thông với Giáo Hội và tinh thần Vâng Phục của đoàn chiên biết và lắng nghe tiếng Mục Tử của mình, những mục tử nhân lành như lòng Chúa mong ước: biết rõ chiên mình, gọi tên từng con, “mang vào mình mùi chiên”, và sẵn sàng hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (Ga 10,15).

Jorathe Nắng Tím
Nguồn: 
tinmungduongpho.blogspot.com

ĐÔI MẮT MỚI

Trong bài viết “Đôi mắt”, linh mục Nguyễn Tầm Thường đã suy niệm về đôi mắt mù loà của Nguyên Tổ đã đưa tội lỗi vào trần thế.  Chúa Kitô đã chữa lành và trao ban cho nhân loại đôi mắt mới: Mắt Đức tin.  Xin được mượn tư tưởng của Ngài để suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật IV Mùa Chay: Chúa Giêsu chữa người mù từ thuở mới sinh.

“Mắt em là một dòng sông, Thuyền ta bơi lặng trong dòng mắt em…” (Lưu Trọng Lư)

Mắt là cảm hứng cho thi sĩ, nhạc sĩ.  Mắt là hồn cho thơ, là sóng cho nhạc.  Có người nhìn đôi mắt như mùa thu.  Có người nhìn đôi mắt như dòng sông.  Trong văn chương, nghệ thuật, cảm hứng về mắt bao giờ cũng là đôi mắt đẹp.  Trái lại, khi Thánh Kinh nói về mắt lại nói về đôi mắt mù.  Từ những trang đầu của sách Sách Sáng thế đã nói về mắt: “Rắn đã nói với người đàn bà: chẳng chết chóc gì đâu!  Quả nhiên Thiên Chúa biết, ngày nào các ngươi ăn nó mắt các ngươi sẽ mở ra và các ngươi sẽ nên như Thiên Chúa, biết cả tốt xấu.  Và người đàn bà đã nhìn; quả là cây ăn phải ngon… mà nhìn thì đã sướng mắt.  Nó đáng quý thực, cái cây ấy để được tinh khôn.  Và bà đã ăn…  Và mắt cả hai người đã mở ra.  Và chúng biết là chúng trần truồng” (St 3, 4 – 7).  (Trích Nước mắt và hạnh phúc tr. 69 – 71).

Đoạn Thánh Kinh nói về lịch sử sa ngã của loài người đã đề cập đến đôi mắt qua 3 tiến trình:

–    Rắn hứa là mắt hai ông bà sẽ mở ra

–    E-và nhìn trái táo và thấy sướng mắt

–    Mắt hai người mở ra và thấy mình trần truồng.

Rắn hứa là mắt hai người sẽ mở ra để nhìn thấy mọi sự như Thiên Chúa, nhưng mắt đức tin đã nhắm lại nên không nhìn thấy điều mình muốn thấy.  Họ không thấy mùa hoa nở rộ, những đồi cỏ bình yên, những dãi nắng hiền, những dòng suối êm ả. (sđd. tr 72).  “Mà nhìn thì đã sướng mắt”, cái nhìn ấy phải là đắm đuối, bằng cái nhìn đam mê đó, tội lỗi, khổ đau và sự chết đã vào trần thế.

Lời hứa của con rắn đã hiệu nghiệm: mắt cả hai người đã mở ra.  Nhưng không phải mở ra để nhìn thấy vẻ đẹp mà nhìn thấy mình trần truồng.  Mắt hai người đã mở ra.  Câu Thánh kinh thật ngắn ngủi diễn tả cách tinh tế sự đau thương: mở ra cũng là lúc đóng lại.  A-đam và E-và đã mở mắt, nhưng họ lẩn trốn không dám nhìn Thiên Chúa.  Cả hai đã mở mắt nhưng để tìm lá che thân, không dám nhìn nhau.  Khởi đầu lịch sử nhân loại là đôi mắt mù và sự mù loà chảy dọc theo thời gian mang tối tăm vào trong trần thế.

Chúa Kitô đã đến chữa lành sự mù loà ấy, hàn gắn lại vết thương thưở sa ngã của Nguyên Tổ.

Khi liên kết phép lạ Chúa Giêsu chữa người mù từ thưở mới sinh với sự mù loà của Nguyên tổ ta mới thấy ý nghĩa sâu xa của mầu nhiệm Con Thiên Chúa đến trong thế gian.  “Mù từ thưở mới sinh” là mù từ xa xưa, thưở địa đàng.  Chúa Kitô đã mang ánh sáng cho thế gian, Ngài ban cho nhân loại đôi mắt mới: Mắt Đức Tin.  Từ tiến trình đến ánh sáng tự nhiên, người mù có một hành trình tiếp cận ánh sáng đức tin.

Chúa Giêsu chữa lành đôi mắt thể lý và mắt tâm hồn của người mù.  Chúa đã mở mắt đức tin để anh ta tin vào Chúa.  Anh ta tin vào lời Chúa là đi rửa mắt ở hồ Si-lô-ác và đã công khai nói lên sự thật ca ngợi Chúa trước mặt những người Pharisêu đang tra vấn, khủng bố anh: Chính tôi đây đã được người mà thiên hạ gọi là Giêsu lấy bùn xức mắt tôi và bảo tôi hãy đi rửa ở hồ Si-lô-ác.  Tôi đã đi, đã rửa và đã trông thấy.  Lòng bắt đầu rộng mở nên anh ta nhận ra: Nếu người đó không phải bởi Thiên Chúa thì đã không làm được gì.

Bởi đó, khi gặp lại Chúa Giêsu và được hỏi: “Anh có tin Con Người không?” thì anh đáp lại ngay: “Thưa Ngài, Đấng ấy là ai để tôi tin?”  Chúa Giêsu tỏ mình ra cho anh: “Anh đã thấy Người.  Chính Người đang nói với anh đây.”  Anh liền đáp: “Lạy Thầy, tôi tin.”  Bước nhảy của niềm tin được kết tinh nơi thái độ quỳ xuống bái lạy.

Qua việc chữa lành đôi mắt thể lý, Chúa Giêsu trao ban ánh sáng đức tin cho đôi mắt tâm hồn.  Thoát khỏi bóng tối triền miên của cuộc đời, bát ngát một bầu trời mới khi anh được sáng đôi mắt.  Lớn lao hơn nữa là tâm hồn anh thênh thang chứa chan lòng mến, anh đã quỳ bái lạy với tất cả lòng tin.  Phép lạ chữa người mù thưở mới sinh là một dấu chỉ minh chứng: Đức Giêsu là sự sáng thế gian, đã chữa lành sự mù loà của nhân loại với điều kiện: Tin vào Ngài.

Chúa Giêsu cũng chữa nhiều người mù loà tâm hồn.  Người mở mắt cho Da-kêu thấy được sự nguy hiểm của tiền tài đối với phần rỗi (Lc 9, 1 – 10).  Người mở mắt cho người đàn bà ngoại tình, giúp chị từ bỏ quá khứ lỗi lầm (Lc 7, 36 – 50).  Người mở mắt cho người trộm lành giúp nhận ra lòng Chúa xót thương (Lc 23, 32-43).

Mỗi người chúng ta có lẽ không hoàn toàn mù tối tâm hồn, nhưng có những điểm tối mà ta thấy được.  Chẳng hạn như những đam mê, tham vọng, hận thù, ghen ghét, kiêu căng, có thể làm ta mù tối không nhìn thấy sự tốt lành nơi tha nhân.  Có một số người chỉ nhìn thấy điểm tối của người khác, chỉ nhìn thấy những lỗi lầm, những khuyết điểm mà không nhận ra những gì là xinh đẹp, những gì là cao quý, thánh thiện nơi họ.  Cứ tiếp tục xét mình, ta sẽ thấy có nhiều điểm tối, sự mù tối của tâm hồn rất nguy hại.  Chỉ có ánh sáng của Đức Kitô soi chiếu, chỉ có cái nhìn của Đấng tình yêu, mỗi người mới xoá tan những điểm tối đó.  Chỉ có sự cầu nguyện và tin tưởng vào Đấng là ánh sáng thế gian, chúng ta mới có thể xua đuổi bóng tối ra khỏi tâm hồn và nhìn mọi sự trong ánh sáng Tin Mừng Đức Kitô.

Lm. Nguyễn Hữu An