NỖI SỢ

Nếu không hoàn toàn là một thánh nhân hay một nhà thần nghiệm, bạn sẽ luôn sống trong nỗi sợ cái chết và đời sau.  Đó đơn thuần là một phần nhân sinh.  Nhưng chúng ta có thể và phải, vượt lên nỗi sợ của chúng ta trước Thiên Chúa.

Khi còn là đứa trẻ, tôi sống với nhiều nỗi sợ.  Tôi từng có một tưởng tượng rất sinh động và thường lặp đi lặp lại, hình dung thấy những kẻ sát nhân núp dưới giường mình, rắn độc bò trườn trên chân, những bã thuốc độc trong thức ăn, những kẻ bắt nạt đang tìm nạn nhân để hành hạ, và cả trăm cách khác khiến tôi phải chết, những mối đe dọa đủ kiểu đang lẩn khuất trong bóng tối.  Khi còn nhỏ, tôi thường sợ, sợ bóng tối, sợ chết, sợ đời sau, và sợ Thiên Chúa.

Khi trưởng thành, những tưởng tượng của tôi cũng trưởng thành, không còn hình dung rắn bò khắp nơi hay có kẻ giết người rình rập.  Tôi bắt đầu thấy mạnh mẽ lên, tự chủ, hình dung những sự vô minh với các góc tối của nó là một cơ hội để lớn lên hơn là một mối đe dọa sự sống.  Nhưng dẹp đi nỗi sợ rắn rết, sợ kẻ sát nhân giấu mặt và sợ bóng tối, là một chuyện.  Còn để vượt qua được nỗi sợ cái chết, sợ đời sau, và sợ Thiên Chúa lại là chuyện khác, khó hơn nhiều.  Những nỗi sợ này là những con quỷ cuối cùng cần phải trừ đi, và phép trừ tà này không bao giờ tiễu trừ hoàn toàn được.  Chính Chúa Giêsu đã run rẩy trong nỗi sợ chết, trước những chuyện vô minh mà chúng ta phải đối diện trong cái chết.  Nhưng Ngài không run rẩy trước Thiên Chúa, và đó là sự khác biệt.  Khi đối diện với cái chết và sự vô minh, Ngài có thể trao trọn bản thân cho Thiên Chúa Cha, với niềm tin của một người con, như đứa bé bám vào cha yêu thương của mình, và chính điều đó cho Ngài sức mạnh và can đảm để tiếp tục đi qua cái chết vô danh, cô độc và bị hiểu lầm, với phẩm giá, trìu mến và tha thứ.

Chúng ta không bao giờ cần phải sợ Thiên Chúa.  Thiên Chúa là Đấng đáng tin cậy.  Nhưng tin tưởng Thiên Chúa cũng bao hàm một nỗi sợ lành mạnh trước Thiên Chúa, bởi một nỗi sợ nhất định là một phần tự có của tình yêu.  Kinh thánh nói rằng: Kính sợ Thiên Chúa là khởi đầu của khôn ngoan.  Nhưng nỗi sợ đó, nỗi sợ lành mạnh, phải được hiểu là một sự tôn kính, một sự kinh đảm yêu thương, một tình yêu sợ mình khiến người yêu thất vọng.  Nỗi sợ lành mạnh là nỗi sợ của tình yêu, sợ mình phản bội, sợ mình không chung thủy với một tình yêu nhưng không.  Chúng ta không sợ người mà chúng ta tin tưởng, không sợ người đó đột nhiên trở nên độc đoán, bất công, ác độc, không thể hiểu nổi, tàn bạo, và không còn yêu thương.  Không.  Mà chúng ta sợ rằng liệu chúng ta có xứng đáng với niềm tin tưởng được đặt nơi chúng ta không, có thể là niềm tin của ai đó, và có thể là niềm tin của Chúa.

Nhưng chúng ta phải tin tưởng rằng Thiên Chúa thông hiểu con người.  Thiên Chúa không đòi hỏi chúng ta luôn ý thức để tâm đến Ngài.  Thiên Chúa chấp nhận bản tính lang bạt của tâm hồn chúng ta.  Thiên Chúa chấp nhận những mệt mỏi và kiệt nhọc của chúng ta.  Thiên Chúa chấp nhận nhu cầu cần lơ đãng và thoát ly của chúng ta.  Thiên Chúa chấp nhận rằng chúng ta thường dễ chìm vào giải trí hơn là cầu nguyện.  Và Thiên Chúa còn chấp nhận sự kháng cự của chúng ta với Ngài, cả nhu cầu muốn kiêu ngạo khẳng định sự độc lập của mình.  Như một người mẹ trìu mến ôm đứa con đang la hét giãy đạp, nhưng lại đang cần được bồng ẵm và nâng niu, Thiên Chúa cũng có thể xử trí những cơn giận, thương thân và kháng cự của chúng ta.  Thiên Chúa hiểu con người, nhưng chúng ta phải đấu tranh để hiểu con người có ý nghĩa gì trước mặt Thiên Chúa.

Trong nhiều năm, tôi sợ rằng tôi đã quá chìm vào trong những chuyện của đời này, tự nhận mình là một con người có tâm linh, tôi luôn sợ rằng Chúa muốn nhiều hơn nữa nơi tôi.  Tôi cảm thấy tôi phải dành thêm thời gian để cầu nguyện, nhưng thường thì đến lúc đó tôi lại quá mệt để cầu nguyện, quá hứng thú xem một trận cầu trên tivi, hay quá thích thú được ngồi lại với gia đình, đồng nghiệp, hay bạn bè, nói về đủ chuyện ngoài những chuyện tâm linh.  Trong nhiều năm, tôi sợ rằng Thiên Chúa muốn tôi phải tâm linh tuyệt đối.  Có lẽ là thế thật.  Nhưng khi có tuổi, tôi bắt đầu nhận ra rằng hiện diện với Chúa trong cầu nguyện và hiện diện với Chúa trong lòng, thì giống như hiện diện với một người bạn đáng tin cậy vậy.  Trong một tình bạn nhẹ nhàng thoải mái, bạn bè không dành hết thời gian để nói về tình cảm dành cho nhau.  Mà họ nói về đủ thứ chuyện, tán gẫu, thời tiết, công việc, con cái, những cơn đau đầu, những chuyện đau lòng, mệt mỏi, những chuyện vừa xem được trên tivi, đội bóng yêu thích, những chuyện chính trị, và chuyện đùa mới nghe được.  Và dù thế, thỉnh thoảng đôi bạn thân cũng than phiền rằng lý tưởng nhất mình nên nói về những chuyện sâu sắc hơn đi chứ.  Có nên không nhỉ?

Gioan Thánh Giá đã dạy rằng, trong bất kỳ tình thân lâu dài nào, đến tận cùng những chuyện quan trọng nhất bắt đầu xảy ra dưới bề mặt, và những đàm đạo bên ngoài trở thành thứ yếu.  Ngồi lại với nhau, thoải mái với nhau, cảm giác như đang ở nhà, đó là những gì chúng ta trao cho nhau trong tình thân.

Và trong mối liên hệ của chúng ta với Thiên Chúa, cũng đúng như thế.  Thiên Chúa tạo dựng chúng ta làm con người, và Thiên Chúa muốn chúng ta, những con người với đủ yếu đuối lơ đãng, hiện diện trong Ngài với sự thanh thản, thoải mái và cảm giác như đang ở nhà.  Nỗi sợ Thiên Chúa có thể là tôn kính mà cũng có thể là nhút nhát, mà tôn kính thì lành mạnh còn nhút nhát là hoang tưởng.

Rev. Ron Rolheiser, OMI

SAO NHÁT THẾ

Trình thuật “Đức Giê-su dẹp yên sóng gió” được cả ba Tin Mừng Nhất lãm ghi lại, và không khác biệt nhau nhiều.  Tuy vậy, chỉ có Tin Mừng Mát-thêu và Mác-cô ghi lại lời quở trách của Chúa Giê-su: “Sao nhát thế.”  Lời này cũng có nghĩa: “Tại sao lại sợ?”; “Đức tin nơi các anh còn yếu lắm” và: “Các anh nghĩ tôi là ai mà lại sợ hãi như vậy?”

Chúa Giê-su không dửng dưng trước nỗi thống khổ của nhân loại.  Sau một ngày truyền giáo mệt nhọc, Người mệt mỏi và cần nghỉ ngơi.  Ở đây, Tin Mừng cho chúng ta một minh chứng: Đức Giê-su là Thiên Chúa quyền năng và cũng là Người thật.  Là con người, Người mệt mỏi kiệt sức; là Thiên Chúa, Người quát mắng cuồng phong và làm cho biển cả trở lại an bình.

Chắc chắn cơn cuồng phong này phải mạnh mẽ và dữ dằn lắm.  Bởi lẽ các môn đệ là những người dân chài chuyên nghiệp, được luyện từ nhỏ để quen với sóng gió, mà lúc này các ông hoảng sợ, tưởng chừng như sắp chết đến nơi.  Lời van nài của các ông đã cho thấy nỗi sợ hãi lớn lao thế nào.  Tuy vậy, khi các ông chấm dứt nỗi hoảng sợ vì bão tố, thì lại là lúc các ông hoảng sợ trước quyền năng của vị Thầy.  Vì vậy, các ông run rẩy nói với nhau: “Vậy người này là ai, mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh?”  Trong truyền thống Kinh Thánh, biển tượng trưng cho quyền năng của ma quỷ và sự dữ.  Biển như một con quái vật, có thể nuốt chửng và hủy diệt tất cả.

Thiên Chúa có quyền năng trên biển cả, vì Ngài là Đấng sáng tạo mọi loài, trong đó có đại dương.  Sức mạnh của biển cả dù có ghê gớm đến đâu cũng nằm trong sự kiểm soát của Đấng Tạo Dựng.  Bài đọc I nói với chúng ta về nhân vật Gióp.  Đang an lành sung sướng đầy đủ, ông bỗng mất hết.  Những người bạn đến thăm đưa ra nhiều lý lẽ để giải thích cho những đau khổ mà ông đang gánh chịu.  Ông Gióp không bằng lòng với cách lý luận đổ lỗi cho quá khứ của ông.  Ông đã muốn đưa cả Thiên Chúa ra tòa!  Mặc dù ở trong tâm trạng đó, ông không hề xúc phạm đến Ngài.  Đoạn văn chúng ta nghe hôm nay là lập luận của Thiên Chúa.  Đúng hơn là lời giáo huấn của Ngài.  Qua đó, Ngài muốn khẳng định với ông Gióp và các người bạn: Ngài là Đấng Sáng tạo quyền năng, có quyền ra ranh giới cho đại dương.  Bài Sách thánh này được đọc cùng với trình thuật Chúa Giê-su dẹp yên sóng gió, sẽ nêu bật nội dung giáo huấn chứng minh Đức Giê-su là Thiên Chúa.  Người có quyền năng trên mọi sự, như Người đã chứng tỏ qua các phép lạ.

Cuộc sống của chúng ta được so sánh như cuộc vượt đại dương.  Cuộc đời này là chốn khách đày, là biển cả mênh mông.  Dù ở bậc sống nào và trong hoàn cảnh nào, mỗi người phải chống chọi với bão tố phong ba.  Chẳng có ai từ khi sinh ra đến khi qua đời đều được hoàn toàn yên hàn thư thái.  Những cơn cuồng phong đang nổi lên xung quanh chúng ta, đó là bệnh tật, tang tóc, chia lìa, tai nạn, bạo lực, khó khăn tài chính, ô nhiễm môi trường…  Chúng ta có cảm tưởng như tất cả đều đang đổ xô về phía chúng ta.  Chính trong bối cảnh này mà Chúa Giê-su nói với chúng ta như Người đã nói với các môn đệ năm xưa: “Sao nhát thế?  Anh em vẫn chưa có lòng tin sao?”  Các môn đệ là những người trước đó đã chứng kiến các phép lạ Chúa Giê-su làm.  Tuy vậy; vào giữa cơn phong ba, lòng tin của các ông vẫn bị chao đảo.  Đức tin của chúng ta đôi khi cũng bị chao đảo như vậy.  Chúng ta có thể tin vào Thiên Chúa trong những lúc bình an hạnh phúc, nhưng khi gặp thử thách gian nan, chúng ta bị cám dỗ nghi ngờ lòng nhân hậu của Thiên Chúa.  Lời Chúa hôm nay giúp chúng ta tự vấn lương tâm: đức tin của tôi vào Chúa ở mức độ nào?  Lòng xác tín vào sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc đời của tôi như thế nào?  Làm thế nào để tôi sẵn sàng đón nhận những biến cố đau thương của cuộc đời với tinh thần đức tin?  Tin Mừng hôm nay khẳng định với chúng ta: mặc dù cuộc sống đầy thử thách phong ba, chúng ta vẫn có thể sống bình an thanh thản, nếu chúng ta tin Chúa Giê-su đang hiện diện trong cuộc đời.  Lời Chúa đem lại cho chúng ta niềm hy vọng giữa những chông gai của cuộc sống.  Tuy vậy, để tìm được bình an, một điều kiện quan trọng là phải mời Chúa Giê-su đến hiện diện trên “chiếc thuyền cuộc đời” của chúng ta.  Giữa sóng gió phong ba, Người đang hiện diện ở đây, giữa cuộc sống này.

Trong những lời giáo huấn của cho cộng đoàn Cô-rin-tô, thánh Phao-lô cho thấy niềm xác tín nơi bản thân ngài.  Một khi cảm nhận sâu xa sự hiện diện của Đức Giê-su trong cuộc đời, thánh nhân không còn lo lắng sợ sệt gì nữa.  Không có gì trên trần gian có thể làm cho ngài buông rời Chúa Giê-su.  Nếu ngài còn sống ở trần gian, là vì ngài sống cho Chúa và sống vì Chúa.

Xin Chúa Giê-su giúp chúng ta luôn kiên vững đức tin, nhất là những lúc bi đát đau buồn của cuộc sống.  Amen!

TGM Giu-se Vũ Văn Thiên

LỜI MỜI GỌI ĐẾN VỚI CÁI CAO ĐẸP HƠN

Năm 1986, tiểu thuyết gia người Czech, Ivan Klima, đã xuất bản một loạt bài tự thuật với tựa đề, Những mối tình đầu của tôi (My First Loves).  Những bài này mô tả một số đấu tranh đạo đức khi ông còn là thanh niên theo thuyết bất khả tri đang tìm kiếm câu trả lời mà không có một khung luân lý rõ ràng để tạo khuôn khổ cho những đấu tranh đó.  Thời đó, ông là một thanh niên đầy đam mê tình dục nhưng ngập ngừng không dám hăng hái về tình dục, mà thời đó, những người đồng lứa với ông dường như chẳng dè dặt đến thế.  Đến giờ ông vẫn sống độc thân, nhưng không rõ vì sao, chắc chắn không phải vì lý do tôn giáo rồi, vì ông là người theo thuyết bất khả tri.  Tại sao ông lại sống như vậy?  Ông đang sống có trách nhiệm hay đơn giản chỉ là ông quá căng thẳng và thiếu táo bạo?

Ông cũng không chắc và đã tự hỏi mình: nếu tôi chết và có Thiên Chúa rồi tôi gặp Thiên Chúa, thì Ngài sẽ nói gì với tôi?  Thiên Chúa có trừng phạt tôi vì đã căng thẳng hay Ngài sẽ khen ngợi tôi vì đã đưa sự cô tịch của mình lên một tầm cao hơn?  Thiên Chúa sẽ thất vọng về tôi hay sẽ chúc mừng tôi vì đã đi hành trình cuộc đời mà không cần sự khuây khỏa?

Khi viết quyển sách này, Klima chẳng biết câu trả lời cho câu hỏi đó.  Ông không chắc Thiên Chúa sẽ nói gì với ông và liệu có lúc nào Thiên Chúa mỉm cười hoặc cau mày về ông không.  Dù câu trả lời có thế nào, tôi nghĩ rằng ở đây có một bài học học sâu sắc, là cách Klima tạo khuôn khổ cho lựa chọn luân lý của mình.  Với ông, đây không phải là vấn đề phạm tội hay không, nhưng là vấn đề xử lý sự cô tịch và căng thẳng sao cho tạo nên sự cao đẹp của linh hồn.  Mới nhìn qua, dĩ nhiên, nó có vẻ là một việc vị kỷ, bởi vì cố gắng trở nên đặc biệt cũng có thể tạo nên một sự kiêu ngạo đầy tính phán xét.  Tuy nhiên, sự cao đẹp thật sự của linh hồn không phải là thứ nỗ lực vì bản thân nó, nhưng là một thứ nỗ lực vì sự tốt đẹp của tha nhân.  Một người cao đẹp không cố trở nên tốt đẹp để tách tầm bản thân so với người khác.  Một người cao đẹp thì cố gắng sống tốt để tạo nên một ngọn hải đăng dẫn đường cho sự ổn định, tôn trọng, nhân hậu và khiết tịnh cho những người khác.

Tôi tin rằng, đây có thể là xuất phát điểm thứ hai cho thần học luân lý và linh đạo luân lý.  Xuất phát điểm đầu tiên dĩ nhiên là căn bản hơn.  Nó tập trung vào việc giữ Mười Điều răn, và hầu hết bắt đầu với một lời cảnh báo tiêu cực “ngươi chớ…”  Ở mức độ căn bản, thần học luân lý và linh đạo luân lý rất đồng nhất với đạo đức học, là xác định đúng sai, có tội hay không có tội. T uy nhiên, giữ Mười Điều răn và xác định cái gì có tội hoặc không, dù là một nỗ lực quan trọng tiên quyết và không thể du di, nhưng chỉ là căn cứ thiết yếu cho thần học và linh đạo luân lý mà thôi, hệt như số học căn bản là căn cứ thiết yếu cho toán học cao cấp vậy.  Khi đã đạt được căn cứ thiết yếu đó, thì nhiệm vụ thật sự mới bắt đầu, là đấu tranh để nhân hậu hơn, là mặc lấy trái tim của Chúa Kitô, là trở thành một thánh nhân để tạo một thế giới tốt đẹp hơn cho tha nhân.

Cho tôi mạo muội đưa ra một ví dụ trần tục để minh họa điều này.  Lúc tôi là chủng sinh học về thần học luân lý, một hôm nọ chúng tôi được kiểm tra với những câu hỏi khác nhau về luân lý tình dục.  Có câu hỏi rằng thủ dâm có tội hay không có tội.  Nó có phải là rối loạn cố hữu hay không?  Nó là tội trọng hay chỉ là tội rất nhẹ?  Chúng ta có thể nói gì về vấn đề này về mặt đạo đức?

Sau khi cân nhắc các ý kiến khác nhau của các học viên, giáo sư đã trả lời rằng: “Tôi không nghĩ vấn đề quan trọng là liệu hành động này có phải là tội hay không.  Có một cách tốt hơn để tạo khuôn khổ cho nó.  Ý kiến của tôi về vấn đề này như sau: Tôi không đồng ý với ai nói đây là tội nặng, nhưng cũng không đồng ý với ai nói rằng chuyện này chẳng có vấn đề gì về đạo đức.  Vấn đề ở đây không hẳn là chuyện nó có phải là tội hay không, mà là vấn đề, chúng ta muốn xử lý sự căng thẳng này ở mức độ nào, theo kiểu thỏa hiệp hay theo kiểu anh hùng.  Trước vấn đề này, tôi cần tự vấn rằng, tôi muốn thực hiện sự cô tịch ở mức độ nào?  Linh hồn tôi có thể cao đẹp đến mức nào?  Tôi có thể chấp nhận xử lý sự căng thẳng này để tạo nên một cộng đoàn trong sạch hơn trong thân thể Chúa Kitô hay không?”

Ở mức độ thứ hai này, thần học và linh đạo luân lý không còn là mệnh lệnh mà là một lời mời, mời gọi chúng ta đến với sự cao đẹp hơn nữa của linh hồn vì thế giới này.  Tôi có thể nhân hậu hơn không?  Tôi có thể bớt nhỏ nhen không?  Tôi có thể chịu đựng sự căng thẳng mà không xoa dịu nó?  Tôi có thể tha thứ nhiều hơn không?  Tôi có thể yêu thương một người khác biệt với tôi về tính khí và hệ tư tưởng không?  Tôi có thể làm thánh không?  Các thánh không nghĩ nhiều về chuyện việc gì là tội và việc gì không.  Đúng hơn, các ngài nghĩ: việc gì yêu thương hơn?  Việc gì cao thượng hơn và việc gì nhỏ nhen hơn?  Việc gì phục vụ thế giới tốt hơn?

Trong Tin Mừng nhất lãm, Chúa Giêsu bắt đầu rao giảng bằng từ “Metanoia”, một từ ngụ ý rộng hơn nhiều so với bản dịch “sám hối.”  Metanoia là một lời mời gọi chúng ta hãy có một ý thức cao hơn, một tấm lòng cao thượng hơn, bỏ đi những hoang tưởng, nhỏ nhen và tự đại.

Rev. Ron Rolheiser, OMI

TÌNH THƯƠNG CỦA CHA TÔI

WGPSG — Tôi muốn nói với bạn rằng những gì bạn đọc ở đây là thực sự quan trọng và sẽ ảnh hưởng cuộc đời bạn.  Sự thật là, tôi có thể không nói những gì bạn chưa hề nghe, nhưng dù sao thì bạn cứ để tôi khuyến khích bạn đọc.

Tôi lớn lên trong một gia đình Kitô giáo sống tại một trại bò sữa ở Fraser Valley cùng với 5 chị em gái và 1 anh trai.  Đó là một nơi đẹp và tĩnh mịch.  Khi chưa đi học, tôi thường dắt chó đi dọc theo con lạch để bắt cá dọc lên ngọn đồi phía sau trang trại.  Cha mẹ tôi luôn dạy tôi về Thiên Chúa và Con Một Ngài là Giêsu, nên khi tôi đi dạo thì tôi thường nghĩ đến Chúa.  Ngài có lớn hơn cha tôi không?  Có lâu hơn thánh lễ sáng Chúa nhật không?

Sinh trưởng

Tôi cũng làm những thứ mà trẻ em vẫn làm trong gia đình Kitô giáo: Học giáo lý, hát thánh ca, cầu nguyện…  Tôi làm mà không than phiền – cho đến khi tôi 15 tuổi.  Đó là một buổi sáng Chúa nhật, cha tôi và tôi vừa làm xong việc nhà.  Tôi từ từ vào kho thóc, còn cha giục tôi mau lên kẻo trễ giờ đi lễ.  Tôi nói với cha là tôi không đi lễ.  Cha tôi là người to lớn, rất khỏe và rất nóng tính.  Tôi nghĩ cha sẽ la rầy hoặc đánh tôi.  Nhưng cha lặng nhìn tôi với ánh mắt u buồn.  Tôi phải ra khỏi phòng, không dám nhìn cha như vậy.

Lòng chai cứng

Có điều gì đó xảy đến với tôi vào ngày hôm đó.  Tôi thấy lòng bất an.  Trước đó, tôi hay uống rượu vào cuối tuần và bỏ học giáo lý.  Khi tôi 17 tuổi, cách cư xử của tôi đã khiến cha mẹ bảo tôi ra khỏi nhà.  Có nhiều an toàn trong gia đình Kitô giáo, tôi sống theo ý mình nên tôi đã mất.  Tôi tiếp tục uống rượu nhiều.  Có nhiều đêm say quá nên tôi không về nhà hoặc ngủ ngoài kho lúa.  Tôi không tìm được việc gì làm để lo cho bản thân . Thất vọng về mình nên tôi gia nhập quân đội.

Sau 6 tháng quân trường, tôi được đưa sang Đức.  Khi người ta ở tuổi đôi mươi, người ta sống ở nơi khác.  Tôi lao vào rượu chè và gái đẹp.  Sau 3 năm, tôi về nhà.  Điều đầu tiên tôi làm là gặp cha tôi.  Ông đang lái xe ủi đất.  Khi thấy tôi, ông tắt máy và đến bên tôi.  Hồi lâu sau ông mới nói nên lời, ông rất vui được gặp lại tôi.

Tuy nhiên, trước đây không lâu, đời tôi đã trở lại vị trí ngày xưa.  Khoảng 1 năm sau, tôi gặp một cô gái có cha cũng nghiện rượu, cô ấy không ngạc nhiên về tôi.  Rồi chúng tôi kết hôn và có 2 con gái.

Một trong những điều cha tôi dạy tôi là cách làm việc chăm chỉ.  Tôi bắt đầu công việc của mình khi tôi 25 tuổi và công việc khá suông sẻ.  Vài năm sau, tôi mua một trang trại nuôi gia cầm.  Dù ổn định cuộc sống nhưng việc uống rượu của tôi luôn là vấn nạn.  Nó ảnh hưởng hôn nhân và gia đình tôi đến nỗi tôi biết tôi phải làm điều gì đó.  Rồi tôi tham gia hội Cai Rượu (AA – Alcoholics Anonymous).  Trước sự thất vọng của tôi, những gì tôi nghe được buổi chiều tối hôm đó là những người đan ông nói chuyện với Chúa.  Thật là thất vọng!  Nhưng tôi nghĩ họ thực sự dạy tôi điều gì đó về cách bỏ rượu.

Thay đổi

Dù vậy, tôi vẫn quyết định sẽ không uống rượu nữa và tôi bắt đầu đưa các con đi nhà thờ.  Tôi rất thành kính nghĩ rằng hẳn là Chúa cũng thể chịu nổi tôi.  Nhưng 2 năm sau, tôi lại bắt đầu uống rượu.

Tôi không biết tại sao, nhưng buổi chiều mà tôi bắt đầu uống lại, tôi đã ghé tham cha tôi.  Ông sống một mình, vì mẹ tôi mất 10 năm trước.  Tôi nói với ông tôi không thể sống như vậy nữa mà phải uống rượu lại.  Cha tôi im lặng dù tôi biết ông rất buồn.  Ông rất nóng tính.  Đối với ông, không hành động như tôi thì đó là quà tặng của Thiên Chúa.

Khi tôi ngoài 30 tuổi, tôi bán hết cơ ngơi của tôi.  Lúc đó, tôi đã có được tài sản khá nếu tôi biết khôn khéo quản lý tiền bạc thì tôi không phải làm việc nữa.  Tôi mua một căn nhà lớn trên đồi.  Đáng lẽ tôi đã có mọi thứ khiến tôi hạnh phúc…

Một buổi sáng Chúa nhật, tôi nằm bệnh trên giường và thấy lòng trống vắng.  Lần đầu tiên trong nhiều năm qua tôi cầu nguyện: “Lạy Chúa, cón có những gì con muốn mà con vẫn không hạnh phúc.  Phải có điều gì khác hơn thế này.  Con xin Chúa làm những gì con ở đây nói với Chúa.  Xin Chúa nhận lời con cầu nguyện.”

Mọi thứ sụp đổ

Không lâu sau khi tôi cầu nguyện hôm đó, tôi bán nhà trên đồi và mua một miếng đất rộng để làm nhà mới.  Đó là khoảng thời gian mọi thứ sụp đổ.  Hôn nhân rắc rối, tài chính cạn kiệt.  Tôi không giữ được những gì tôi đã làm ra.  Mọi thứ từ từ đội nón ra đi.  Tôi phải làm thuê cho người ta, công việc vất vả cực nhọc.  Tôi hiểu ra rằng càng làm việc thì càng được tôn trọng.

Khi đi làm về, tôi thường ghé thăm cha tôi.  Ông luôn vui vẻ khi gặp tôi, và tôi biết ông luôn quan tâm tôi.  Tôi cũng biết ông yêu Chúa và ông có điều gì đó mà tôi nghĩ tôi không bao giờ có.  Lúc đó tôi nghĩ mình bị sa hỏa ngục mà không thể làm gì hơn.  Một buổi chiều Chúa nhật, tôi đến thăm cha trước khi ông phải phẫu thuật. S au đó tôi đến chỗ làm.

Hôm đó là thứ Tư, tôi nhận điện thoại báo tin cha tôi đã mất.  Lúc đó lòng tôi rất nặng nề, tôi nói với vợ là tôi không về nhà.  Tôi không muốn gặp vợ hoặc các anh chị em Kitô giáo của tôi.  Tôi biết tôi về nhà cũng không lấy lại được một người đã yêu thương tôi.  Nhưng một lần nữa Thiên Chúa đã can thiệp.

Tôi không hề biết cha tôi đã thay đổi di chúc 2 ngày trước khi chết, cho tôi quyền cai quản tài sản của ông.  Chị Katherine bảo con rể chở chị đến cho tôi biết.  Dù người tôi đang lấm lem, chị vẫn ôm chầm lấy tôi và khóc.  Và tất nhiên tôi phải về nhà.

Di sản của cha tôi

Phải mất 1 tuần để tôi lo liệu công việc của cha tôi.  Khi mọi thứ hoàn tất, chỉ còn 1 điều: Cuốn Kinh thánh gối đầu của cha tôi.  Tôi cho cuốn sách vào túi xách, đi uống rượu 2 ngày rồi về chỗ làm.

Qua 2 tuần kế tiếp, tôi tò mò đọc mấy câu Kinh thánh mà cha tôi gạch dưới.  Tôi còn nhớ đoạn Chúa Giêsu chết trên Thập giá, Ngài chết vì tội của tôi trong quá khứ, hiện tại và tương lai.  Tôi ngưng đọc.  Tôi chưa bao giờ nghe vậy.  Có thể là in sai, tôi nghĩ vậy.  Tôi phải đọc 5, 6 lần mới hiểu rằng Kitô giáo có mọi bằng chứng để nói Đức Kitô đã chết vì tôi.

Tôi đã quỳ xuống và đón nhận ơn tha thứ của Đức Kitô đối với tội trong quá khứ của tôi, xin Ngài cứu độ tôi bây giờ và tương lai.  Lần đầu tiên trong đời tôi thấy thanh thản.  Tôi đứng dậy, nhảy lên và hét to: “Tôi tự do rồi.”

Đó là 10 năm trước.  Tôi muốn nói với bạn rằng từ lúc đó, mọi thứ đều tuyệt vời.  Sự thật là hôn nhân của tôi vẫn chưa ổn, con cái tôi vẫn buồn và tôi vẫn mất hết tiền.  Nhưng tôi đã trở về với Chúa và có được bình an tâm hồn.  Tôi cũng phải đối mặt với sự thật là tôi đã từng nghiện rượu.  Qua hội AA, tôi có thể cởi bỏ quá khứ và trở nên tự do sống phần đời còn lại.

Chẩn đoán định mệnh

Ngày 16/12/1994, tôi được chẩn đoán bị ALS, thường gọi là bệnh Lou Gehrig.  Các bệnh nhân ALS chỉ có hy vọng sống thêm 2–5 năm từ khi phát hiện triệu chứng.  Có thể tôi bị từ hơn một năm trước, không biết thời gian sống của tôi còn lại bao nhiêu nữa.  Tôi xin Chúa cho tôi không sợ chết, và Ngài đã làm điều đó.  Tôi cũng xin Ngài chấp nhận đời tôi dù tôi còn sống bao lâu.

Không lâu sau khị được chẩn đoán, một người bạn cùng làm chỗ tôi chết vì ung thư.  Anh ấy cũng theo Kitô giáo, anh nhờ tôi chôn cất anh.  Tôi có dịp chia sẻ đức tin với nhiều người, trong đó có cả những người không có đạo.  Tôi không biết trong số đó có ai thay đổi cuộc đời như tôi hay không.  Tôi chỉ muốn chia sẻ với họ những gì Chúa đã làm cho tôi và để Ngài dùng tôi khi Ngài muốn.  Khi người ta biết mình không còn sống bao lâu nữa, sự sợ hãi không còn vì không còn gì để chứng tỏ.  Nhưng nếu bạn ở trường hợp như tôi, bạn sẽ thấy mỗi ngày tôi càng gần Chúa Giêsu hơn.

Đôi khi tôi không hiểu sẽ ra sao khi một mình với Chúa – ngồi lặng lẽ bên dòng suối và hỏi Ngài nhiều câu hỏi, đứng lặng nhìn vào khuôn mặt Đấng đã chết vì tôi và nói với Ngài: “Con yêu Ngài biết bao.”  Bạn có thể tưởng tượng ra được chạm vào Đức Kitô, Đấng đã chết và sống lại?

Mọi thứ đã thay đổi trong đời tôi khi tôi “đầu hàng” Thiên Chúa nhờ sức mạnh của Thánh Thần.  Ngài đã làm mọi thứ thay đổi, và Ngài vẫn đang làm vậy.  Tôi tạ ơn Chúa về Cha Mẹ tôi là Kitô giáo và Cha Mẹ đã không bỏ rơi tôi.  Khi tôi muốn xét đoán con cái, tôi luôn nhớ đến tình thương vô điều kiện của cha tôi.  Kinh thánh nói: “Nếu anh em là người xấu mà còn biết cho con cái những điều tốt thì Cha trên trời lại không cho anh em điều tốt sao?” (Mt 7, 11).  Hành trình dẫn tôi đi thực sự ở trong tay Chúa.  Nếu tôi xin Ngài lòng thương xót và ân sủng thì Ngài sẽ ban cho tôi.

Hãy tín thác vào Thiên Chúa!

Nếu bạn đọc những gì tôi viết và muốn chân nhận Chúa Giêsu là Đấng cứu độ, hãy phó thác và để Thiên Chúa hành động.  Đây là ngày cứu độ, đừng cứng lòng nữa!  Đừng trì hoãn, hãy sám hối và thay đổi để nhận ơn tha thứ.  Hãy tin tưởng và hãy chân thành xin Ngài, Ngài sẽ ban cho bạn!

“Này, Ta đứng ở cửa và gõ cửa, ai nghe tiếng Ta và mở cửa, Ta sẽ vào nhà người ấy” (Kh 3, 20).

Trầm Thiên Thu

SỨC SỐNG SIÊU NHIÊN

Giáo hội Ki-tô khởi đi từ một Hài Nhi sinh hạ trong chuồng bò, trần trụi đơn sơ khó nghèo.  Hài Nhi ấy lớn lên từng ngày, trở thành một vị Ngôn sứ vĩ đại, có quyền năng trong lời nói và việc làm.  Vị Ngôn sứ ấy đã gặp chống đối và cuối cùng bị lên án tử và giết chết vô cùng đau thương.  Từ cái chết trên thập giá, một cộng đoàn mới được sinh ra và dần dần phát triển, hiện diện trên khắp các châu lục, quy tụ muôn dân trên mặt đất và có hàng tỷ tín hữu.  Vâng, Giáo hội của chúng ta khởi sự rất âm thầm, nhưng lớn lên rất mạnh mẽ, vì có Thiên Chúa là sức sống siêu nhiên của Giáo hội.  Chúa Giê-su vẫn hiện diện trong Giáo hội.  Chúa Thánh Thần vẫn không ngừng hướng dẫn và thánh hóa Giáo hội, nhờ đó Giáo hội của Chúa Ki-tô vượt lên mọi bão táp mưa sa của cuộc đời.

Trong Tin mừng hôm nay, Chúa Giê-su dùng hai dụ ngôn, đều khởi đi từ những hình ảnh rất bình dị ở thôn quê, đó là hạt giống được gieo vào lòng đất nảy mầm và hạt cải từ bé nhỏ trở thành lớn mạnh.  Dẫn nhập cho cả hai dụ ngôn này, Chúa Giê-su đều nói: “Nước Thiên Chúa giống như…”  Điều đó có nghĩa, Đức Giê-su dùng những hình ảnh cụ thể đời thường để giáo huấn những thực tại cao siêu, vượt qua trí hiểu của quần chúng.  Nước Thiên Chúa không phải là người gieo hạt, mà chỉ giống như người gieo hạt.  Trong Tin mừng, nhiều lần Chúa Giê-su đã dùng lối nói so sánh như thế khi giảng về Nước Trời.

Tin mừng được gieo vào tâm hồn mọi người, đặc biệt là các tín hữu, như hạt giống được gieo vào thửa ruộng.  Tuy vậy, sức sống siêu nhiên nảy nở từ hạt giống Tin mừng lại không hoàn toàn phụ thuộc vào con người.  Mặc dù con người là tác nhân quan trọng, góp phần chăm bón cho hạt giống được gieo, nhưng Thiên Chúa mới là nguyên lý cho sự sống siêu nhiên.  Sự sống ấy dần dần hình thành và lớn lên nơi con người.  Không phủ nhận sự cộng tác hữu hiệu của cá nhân mỗi người, nhưng sự thánh thiện nơi con người có được là nhờ Chúa.  Ngài là Đấng quyền năng làm cho cây cỏ mọc lên, như hình ảnh tượng trưng mà ngôn sứ Ê-dê-ki-en đã diễn tả (Bài đọc I).  Hiểu như thế, mỗi người sống nơi trần gian là một cây được Thiên Chúa chăm sóc kể từ khi gieo hạt, tức là khi con người được hình thành trong dạ mẫu thân, rồi từng bước lớn lên, thành đạt trong cuộc đời.

Hạt giống Tin mừng được gieo vào tâm hồn chúng ta.  Có nhiều người đã hợp tác thiện chí, chăm bón vun xới và làm cho “cây cuộc đời” lớn lên, sinh hoa kết trái dồi dào.  Tuy vậy, cũng có những người vô trách nhiệm để mặc cho mầm sống ấy cằn cỗi, còi cọc và chỉ sinh ra trái đắng.  Thiên Chúa vẫn luôn ban ơn chúc phúc, vì bản chất của Ngài là tốt lành và thánh thiện, nhưng việc đón nhận Chúa lại là chọn lựa tự do của con người.  Con người được mời gọi yêu mến Chúa và yêu mến tha nhân, nhưng đó là một tình yêu tự do, chứ không phải một chế tài áp lực.  Yêu Chúa và đón nhận giáo huấn của Ngài, đó là một đề nghị từ chính Thiên Chúa.  Ai đón nhận sẽ được hạnh phúc an bình.

Nhiều người trong chúng ta có cái nhìn bi quan về tương lai của Giáo hội, khi chứng kiến sự giảm sút trong thực hành đức tin nơi một số tín hữu.  Chúng ta tin tưởng và hy vọng nơi Thiên Chúa, Đấng là Chủ đích thực của vườn đời, mà mỗi chúng ta là một cây trồng trong thửa vườn mênh mông ấy.  Nếu bề ngoài dường như khô cằn, thì bên trong sức sống siêu nhiên vẫn không ngừng tăng trưởng.

Lời Chúa hôm nay chất vấn mỗi chúng ta: tôi có phải là một hạt giống tốt, hoặc là một cây màu mỡ xanh tươi trong cuộc sống thường ngày?  Đâu là mức độ tín thác và hy vọng của tôi nơi Thiên Chúa quyền năng, để luôn luôn lắng nghe và thực hành những gì Ngài truyền dạy?

Là Ki-tô hữu, mỗi chúng ta hãy cùng lên đường gieo hạt giống của Phúc Âm, thể hiện qua lòng nhân ái huynh đệ.  Đừng ngại ngần gieo hạt, dù ở những nơi xem ra không có hy vọng, vì Thiên Chúa là Đấng làm cho điều không có thể trở thành điều có thể.  Lịch sử đã chứng minh điều đó.  Hãy tín thác vào Chúa, như thánh Phao-lô (Bài đọc II).  Thánh nhân đã đạt tới lòng xác tín trọn hảo nơi Thiên Chúa.  Đối với ngài, sống hay chết không còn quan trọng, vì ngài đã được Thiên Chúa bao bọc trong tình yêu viên mãn và ngập tràn hạnh phúc.

Sức sống siêu nhiên trong Giáo hội và nơi cá nhân tín hữu đến từ Thiên Chúa.  Hành trình cuộc đời chúng ta là hành trình lớn lên và phát triển của Hạt Giống Ngôi Lời nơi bản thân.  Hạt giống ấy xem ra bé nhỏ vô hình, nhưng lại có sức mạnh vô song, mở ra cho chúng ta một tương lai sáng ngời, đó là sự sống vĩnh cửu và hạnh phúc.  Chúa Giê-su đã hứa: “Ai ở trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15,5).

TGM Giu-se Vũ Văn Thiên

KHUYẾN KHÍCH

“Các con hãy đi!”

“Những con ngỗng ở phía sau đội hình phát ra tiếng kêu.  Tôi cho rằng đó là cách chúng thông báo rằng, chúng đang theo dõi và mọi việc đều ổn.  Những tiếng kêu lặp đi lặp lại hẳn sẽ khuyến khích những con đi trước tiếp tục bay.  Bản năng của loài ngỗng là làm việc cùng nhau, khích lệ nhau.  Cho dù đó là quay, vỗ, trợ lực hay chỉ đơn giản là kêu lên… Điều này cho phép chúng hoàn thành những gì đã đặt ra!” – Chuck Swindoll.

Kính thưa Anh Chị em,

Ý tưởng từ ‘đàn ngỗng đang bay’ của Chuck Swindoll đưa chúng ta về Lời Chúa ngày lễ kính thánh Barnaba.  Qua đó, bạn và tôi – dù ở đấng bậc nào – vẫn luôn ý thức trách nhiệm của mình trong Giáo Hội, đó là ‘khuyến khích’ nâng đỡ người khác, “Các con hãy đi!”

Công Vụ Tông Đồ tường thuật cuộc viếng thăm của Barnaba. “Barnaba,” tiếng Hy Lạp có nghĩa là ‘Con của sự khuyến khích!’  Từ Giêrusalem, Barnaba được cử xuống Antiôkia để xem xét hiện tình.  Vui mừng khi thấy “ơn Thiên Chúa,” Barnaba “khuyên nhủ ai nấy bền lòng gắn bó cùng Chúa;” ông dành cho anh chị em tân tòng một sự khích lệ lớn lao.  Sau đó, đến Taxô, Barnaba tìm Phaolô, người mới tin; đưa Phaolô đi Antiôkia để hỗ trợ cho Hội Thánh non trẻ này.  Hội Thánh ngày càng có nhiều người tin; Thánh Vịnh đáp ca bộc lộ nỗi vui, “Chúa đã mặc khải đức công chính của Người trước mặt chư dân!”

Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói những lời đầy ‘khuyến khích’ với các môn đệ, “Các con hãy đi rao giảng: Nước Trời đã đến gần.  Hãy chữa lành người đau yếu, làm cho kẻ chết trỗi dậy, cho người mắc bệnh phong được sạch, và khử trừ ma quỷ!”  Ma quỷ vui mừng mỗi khi chúng ta nói và hành xử tiêu cực làm cho người khác nhụt chí.  Nó mở tiệc lớn mỗi khi ai đó nói một lời chua cay làm tan nát một cộng đoàn, một gia đình.  Vì thế, chúng ta phải tỉnh thức đề phòng và ra sức ‘khuyến khích’ nhau.  Cha mẹ khuyến khích con cái, con cái khuyến khích cha mẹ; anh chị em, bạn bè khích lệ nhau để “hoàn thành những gì đã đặt ra.”  Bởi lẽ, chúng ta không lên thiên đàng một mình!”

Đức Phanxicô nói, “Đời sống Kitô hữu là phục vụ.  Thật là buồn khi thấy các Kitô hữu sẵn sàng phục vụ Dân Chúa, nhưng cuối cùng lại ‘sử dụng’ Dân Chúa.  Ơn gọi của chúng ta là ‘phục vụ’ chứ không phải ‘sử dụng.’  Trong đời sống thiêng liêng, chúng ta luôn có nguy cơ sa vào vấn đề ‘lời lỗ,’ chúng ta hối lộ Chúa.  Đó không phải là con đường đúng…  Mối quan hệ nhưng không với Chúa là điều sẽ giúp chúng ta có được mối quan hệ tương tự với người khác.  Đời sống Kitô hữu có nghĩa là bước đi, rao giảng, ‘khuyến khích’ và phục vụ, nhưng đừng lợi dụng người khác!”

Anh Chị em,

“Các con hãy đi!”  Noi gương thánh Barnaba, chúng ta ra đi mở mang Nước Chúa trong đấng bậc mình.  Và rõ ràng, ‘mục vụ khuyến khích’, ‘văn hoá khuyến khích’ luôn luôn đóng một vai trò nhất định, không chỉ trong các Hội Thánh non trẻ, mà cả với Giáo Hội trưởng thành và ngay trong thế giới hiện đại.  Không chỉ trong Giáo phận, Giáo xứ, các hội đoàn mà còn trong gia đình, trong các tổ chức lớn nhỏ.  Bạn và tôi hãy là những con người dám dấn thân, những con người sẵn sàng vực dậy những ai đang bủn rủn, đầu gối rã rời!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, cho con luôn là một con người đầy lửa, sẵn sàng thắp sáng và sưởi ấm tình yêu Chúa trong một thế giới khá lạnh lẽo này!” Amen.

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

KHÔNG PHẢI TẤT CẢ ĐỀU RÕ RÀNG

“Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng!”

J. Wolfgang von Goethe, 1749-1832, một trong những nhân vật hàng đầu của thơ ca hiện đại Đức, từng nói, “Trước một bộ óc vĩ đại, tôi cúi đầu; trước một trái tim vĩ đại, tôi quỳ gối!”

Kính thưa Anh Chị em,

Trọng kính Trái Tim Chúa Giêsu, Hội Thánh ‘quỳ gối’; kính nhớ Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ, Hội Thánh ‘cúi đầu!’  Trái Tim Chúa Con bày tỏ tình yêu Thiên Chúa dành cho con người; Trái Tim Mẹ Chúa tỏ bày tình yêu con người dành cho Thiên Chúa.  Đó là một tình yêu vô điều kiện, dẫu phải dò dẫm trong đức tin; bởi lẽ, trước kế hoạch ‘diệu dụng’ của Thiên Chúa, Mẹ đón nhận tất cả, dẫu ‘không phải tất cả đều rõ ràng!’

Trong gia đình Nazareth, sự ngạc nhiên không bao giờ nguôi ngoai, ngay cả trong những khoảnh khắc hốt hoảng như lạc mất Con trong đền thờ: đó là khả năng kinh ngạc trước sự biểu hiện dần dần của Con Thiên Chúa.  Đó chính là sự kinh ngạc mà ngay cả các thầy dạy trong đền thánh cũng phải sững sờ.  Nhưng kinh ngạc là gì; có gì đáng ngạc nhiên?  Ngạc nhiên và kinh ngạc là trái ngược với việc coi mọi thứ là đương nhiên; nó trái ngược với việc giải thích hiện thực chung quanh và các sự kiện lịch sử chỉ theo tiêu chí của chúng ta.  Ngạc nhiên là cởi mở với người khác, hiểu lý do của người khác.  Thái độ này rất quan trọng để hàn gắn những mối quan hệ giữa các cá nhân đã bị tổn hại, và cũng không thể thiếu để chữa lành những vết thương mới chớm nở trong môi trường gia đình, cộng đoàn.

Yếu tố thứ hai chúng ta có thể nắm bắt từ trình thuật là nỗi lo lắng của Mẹ Maria và thánh Giuse khi không tìm được Con.  Nỗi lo lắng mà họ trải qua trong ba ngày Chúa Con mất tích cũng sẽ là nỗi lo lắng của chúng ta khi chúng ta xa Chúa Giêsu.  Chúng ta có cảm thấy lo lắng khi quên Chúa Giêsu hơn ba ngày khi không cầu nguyện, không đọc Tin Mừng, không cảm thấy cần sự hiện diện và tình bạn an ủi của Ngài?

Thật khó cho Maria để hiểu hết ý nghĩa từng biến cố xảy ra trong đời của Con mà chóp đỉnh là mầu nhiệm thập giá.  Trên đồi Canvê, Mẹ cảm nhận đó là kế hoạch của Thiên Chúa và Mẹ sẵn sàng cho điều đó; bởi lẽ, nó đã được chuẩn bị qua từng biến cố trước đó mà Mẹ đã suy đi nghĩ lại trong lòng.  Không cần hiểu nhiều, nên Mẹ chẳng thắc mắc nhiều; trái lại, đón nhận, thuỷ chung và tìm mọi cách để hoàn thành nó.  Mẹ biết, Mẹ có một vai trò trong đó, và chuẩn bị nó qua một đời sống nhiệm hiệp với Con dưới sự chỉ dạy của Thánh Thần.

Anh Chị em,

“Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng!”  Đó là cách ứng xử tuyệt vời, cao thượng của Mẹ trước các mầu nhiệm.  Làm sao một phàm nhân có thể hiểu được kế hoạch của Thiên Chúa?  Vẫn có thể!  Vì trong đức tin, Mẹ lần dò, tìm hiểu và tín thác tuyệt đối vào Chúa; hơn nữa, trong trái tim Mẹ không có chỗ cho cái tôi!  Cũng thế, sẽ không bao giờ chúng ta hiểu hết giá trị, mục đích và ý nghĩa đời mình trong chương trình của Chúa, trừ khi bạn và tôi có một đời sống cầu nguyện và chờ đợi như Mẹ; nghĩa là trung thành bước đi trên con đường Chúa vạch sẵn, dẫu nó là con đường không mấy rõ ràng.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, cho con biết kinh ngạc trước các biến cố Chúa cho xảy đến trong đời, nhất là những khi con mù tịt, dạy con không chỉ ‘cúi đầu’, nhưng còn biết ‘quỳ gối!’” Amen.

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

HỌ HÀNG VỚI CHÚA

Cách nay ít năm, tại bệnh viện Milwankee, có một bé sơ sinh mù và còn bị chuẩn đoán là đần độn bẩm sinh do bại liệt não.  Sau khi sanh ít ngày, người mẹ đã nhẫn tâm bỏ đứa con sơ sinh tật nguyền.  May mắn cho em, một chị y tá tên là May Lempke, thấu hiểu tình trạng bé sơ sinh bị bỏ rơi đồng nghĩa với cái chết, đã nhận em về nuôi.

Chị May cùng chồng đặt tên cho đứa con nuôi đặc biệt của mình là Leslie.  Họ thay nhau xoa bóp cho Leslie hằng đêm, cầu nguyện cho Leslie hằng ngày.  Chị May khóc suốt vì Leslie đau đớn.  Leslie càng lớn, sự chăm sóc Leslie càng nhiêu khê: chị May phải khéo léo cột Leslie vào chiếc ghế để em khỏi té nếu chị muốn rời em.

Một ngày nọ, May thấy dường như Leslie có những biểu hiện khác thường khi nghe những bản nhạc.  Thế là, vợ chồng chị mua một cây đàn piano cũ và tranh thủ đánh đàn cho Leslie nghe; mua nhiều băng đĩa hoà tấu hy vọng Leslie được vui.

Bỗng vào một đêm đông năm 1971, vợ chồng May nghe thấy ai đó đang chơi bản hoà tấu dương cầm số 1 của Tchaikovsky.  Họ thức dậy để xem tiếng đàn lạ từ đâu.  Họ sửng sốt thấy Leslie đang vẹo mình trước đàn và chơi nhuần nhuyễn bản nhạc.  Từ đó, các bản nhạc Leslie đã nghe như đã tồn trữ trong óc và nay đang tuôn ra trên đôi tay của cậu.  Leslie giờ đây đã 28 tuổi, đi lại vẫn khó khăn, nói năng vẫn ngọng ngịu, nhưng là một tài năng âm nhạc.  Các bác sĩ giải thích: Leslie bị chậm phát triển về trí tuệ do não bị tổn thất nhưng lại cực kỳ tài năng.  Tài năng đó được duy trì và bộc phát nhờ tình yêu đặc biệt của cha mẹ nuôi là vợ chồng chị May Lempke (theo Reader’s Digest).

Đứng trước nghịch cảnh Leslie, liên hệ do máu huyết đã chào thua liên hệ do đức ái.  Hôm nay trong Tin Mừng, Đức Giêsu đang giới thiệu mối liên hệ đức ái đó.  Một cách nào đó, Đức Giêsu đã gọi mối liên hệ này là họ hàng của Ngài.

Thiết lập họ hàng thiêng liêng

Trong xã hội có nhiều mối liên hệ.  Rộng nhất là mối liên hệ đồng loại, rồi đến chủng tộc màu da.  Hẹp hơn là mối liên hệ đồng bào.  Nhỏ hơn là mối liên hệ đồng hương liên kết những người chung nơi chôn nhau cắt rốn.  Cuối cùng là mối liên hệ họ hàng huyết tộc nảy sinh do sự đồng một dòng máu di truyền.  Ngoài ra còn có mối liên hệ đồng môn, đồng nghiệp, đồng chí, đồng cảnh ngộ và bạn kết nghĩa…

Trong các mối liên hệ ấy, mối liên hệ họ hàng huyết tộc là phổ biến nhất, cụ thể nhất, và xét trong lãnh vực tự nhiên thường là bền chặt nhất.  Thế mà, khi đề cập đến mối liên hệ này, Đức Giêsu đã đặt vấn đề: “Ai là mẹ, là anh em ta?”  Mẹ và anh em theo nghĩa thường thì một em bé còn bế ngửa cũng biết và cảm nhận được!  Sao Chúa lại hỏi vậy?  Ở đây, Đức Giêsu đang mạc khải một mối liên hệ, đối với Ngài, mật thiết nhất và bền vững vĩnh cửu mà mối liên hệ máu huyết đứng bên sẽ trở nên quá nhỏ bé.  Đó là mối liên hệ họ hàng thiêng liêng phát sinh do đức Tin, phát triển nhờ đức Ái, và kiên trì nhờ đức Cậy trông.  Chất lượng của mối dây liên kết họ hàng thiêng liêng này hệ tại mức độ của sự thực hành lời Chúa.  Một người con càng thương cha mẹ thì càng dễ vâng lời, và càng vâng lời thì tình nghĩa con cái với cha mẹ càng thêm chất lượng.  Cũng vậy, một người chỉ thực sự là con cái Chúa khi biết đón nhận thánh ý Chúa và càng thực thi thánh ý Chúa thì tình nghĩa với Chúa càng thêm chất lượng.  Đức Giêsu gọi người đó là mẹ và là anh em của Ngài.

Khi Đức Giêsu đưa tiêu chuẩn xác định họ hàng dựa trên việc biết nghe và thực hành lời Chúa thì đồng thời Ngài cũng mặc nhiên cảnh báo có những trường hợp ngỡ là gần Chúa mà thật ra lại xa Ngài vời vợi.  Quả thế, những người có họ hàng máu huyết với Chúa, biết rõ về Chúa, gặp gỡ Chúa thường xuyên nhưng không bước theo Chúa bằng việc thực thi đường lối Chúa chỉ dạy vẫn mãi mãi là kẻ xa lạ với Chúa.

Cuộc đời Đức Giêsu diễn tả cho ta thấy một Thiên Chúa mê say con người: Ngài quên ăn quên nghỉ vì phần rỗi anh em (x. Ga 4, 5-34); Ngài nỗ lực đẩy lui Satan, không để cho ma quỷ tác oai tác quái nơi thế giới con người như kẻ “múa gậy vườn hoang.”  Ai không đồng cảm với Chúa, không cùng Ngài trên một chiến tuyến chống lại Satan bằng việc nói không với Satan và nói có với Ngài trong đời sống… người đó luôn là kẻ xa lạ, thậm chí chống lại Ngài dù bề ngoài xem ra họ rất gần Ngài.  Kết cục, có lắm người phải ngã ngửa khi nghe Ngài kết luận: “Ta không hề biết các ngươi, xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác!”  Trong số đó có người là đồng hương, quá gần gũi với Chúa và có cả những kinh sư, luật sĩ, những người vẫn mang danh là chuyên viên trong đạo.

Phá vỡ họ hàng thiêng liêng

Nếu vâng nghe lời Chúa giúp ta nên họ hàng nghĩa thiết với Chúa thì ngược lại, bất tuân lệnh là biến mình thành kẻ xa lạ với Ngài.  Sự bất tuân khởi đi bằng sự thiếu tín nhiệm.  Adam – Evà trước khi giơ tay hái quả cấm thì trong lòng đã dấy lên sự không tin Chúa tốt lành (x St 3, 1-6).  Anh em họ hàng của Chúa trước khi đi bắt Chúa thì lòng họ đã không tin việc Chúa làm là bình thường, là khôn ngoan.  Chỉ có lòng tín nhiệm tin tưởng tuyệt đối vào Chúa mới giữ con người sống trong đạo lý Chúa.  Mất tín nhiệm đồng nghĩa với khởi sự phản bội.  Không trung thành với đường lối Chúa biến người ta đang là kẻ nghĩa thiết họ hàng với Chúa thành kẻ xa lạ, và hơn nữa thành kẻ thù của Tình Yêu.  Adam – Evà sau khi trái lệnh Chúa, đã đánh mất tình thân với Chúa, chẳng còn cảnh ngày ngày gặp Chúa đàm đạo thân tình nữa (x. St 3, 8-10).

Thiếu lòng tin vững chắc vào sự sống đời sau dễ làm cho ta trái ý Chúa ở đời này.  Đúng vậy, mọi lỗi phạm thường do ta thiển cận, chỉ thấy cái được trước mắt mà không thấy cái mất lớn lao đằng sau.  Người ta sẵn sàng chịu thương chịu khó để hy vọng được mùa lúa bội thu; người ta chấp nhận khổ luyện để hy vọng chiến thắng.  Cũng vậy, khi đã xác tín vào phần thưởng phục sinh vinh quang vô tận Chúa dành cho kẻ nghĩa thiết với Chúa thì bằng mọi giá ta sẽ duy trì mối liên hệ họ hàng với Chúa.  Mọi sự từ bỏ ở đời này để vâng ý Chúa sẽ là chuyện nhỏ khi ta đã thấy được vinh quang lớn lao mai sau.

Howard kelly là một nhà sinh vật học nổi tiếng kiêm bác sĩ.  Lần kia, sau một ngày nghiên cứu, ông đến một nhà nghèo xin nước uống.  Một bé gái xuất hiện và ân cần biếu ông một ly sữa tươi mát.  Ông cám ơn và mong có dịp đền ơn bé.  Ít lâu sau, mẹ bé đau nặng, người ta chuyển mẹ bé tới một bệnh viện trên thành phố.  Cuối cùng bà khỏi bệnh nhưng không biết lấy tiền đâu để trả viện phí.  Như một phép lạ, bác sĩ chữa bệnh xuất hiện trên tay cầm phong bì bên trong viết: Viện phí đã được thanh toán để trả ơn một ly sữa.  Ký tên – Bác sĩ Kelly.

Hy sinh cả đời thì có đáng gì so với vinh hạnh được là họ hàng của Chúa.

Trích Logos B

CẦU NGUYỆN BẰNG THÁNH VỊNH

Trong thánh vịnh, Thiên Chúa cư xử theo những cách mà Ngài không được phép cư xử trong thần học.

Câu này của cố thần học gia Sebastian Moore nên được nêu bật trong thời đại mà ngày càng ít người muốn dùng thánh vịnh để cầu nguyện, vì họ cảm thấy bị xúc phạm với nhiều điều thỉnh thoảng họ gặp phải trong thánh vịnh.  Ngày càng có nhiều người phản đối dùng thánh vịnh như một cách cầu nguyện (hoặc họ muốn thanh lọc thánh vịnh), vì các thánh vịnh nói về giết người, báo thù, thịnh nộ, bạo lực, gây chiến và trọng nam khinh nữ.

Một số người nói làm sao họ có thể cầu nguyện với những lời đầy hận thù, thịnh nộ, bạo lực, nói về vinh quang của chiến tranh, về tiêu diệt kẻ thù nhân danh Thiên Chúa?  Một số khác thì phản đối tính trọng nam khinh nữ trong các thánh vịnh, khi thần thánh là nam và người nam được tôn sùng quá đáng.  Số khác lại thấy khó chịu về mặt thẩm mỹ.  Họ phản đối: “Đây là những vần thơ dở!”

Có lẽ các thánh vịnh không phải là thi ca tuyệt mỹ và chắc chắn là thoang thoảng có bạo lực, chiến tranh, thù hận, mong muốn báo thù, tất cả đều nhân danh Thiên Chúa.  Phải thừa nhận, nó cũng có tính chất trọng nam khinh nữ.  Nhưng những điều này làm cho thánh vịnh có một cách diễn đạt xấu để cầu nguyện sao?  Tôi xin phép được đưa ra một vài điểm ngược lại.

Một trong những định nghĩa kinh điển về cầu nguyện là “nâng tâm trí và tâm hồn lên cùng Thiên Chúa.”  Đơn giản, rõ ràng, chính xác.  Tôi cho rằng vấn đề thật sự, chính là những lúc cầu nguyện, chúng ta hiếm khi thực sự làm vậy.  Thay vì dâng lên Thiên Chúa những gì thực sự ở trong tâm trí và tâm hồn, thì chúng ta lại có khuynh hướng xem Thiên Chúa là người mà chúng ta cần giấu diếm chân tướng sự thật của những suy nghĩ và cảm giác trong mình.  Thay vì dốc trọn tâm trí và tâm hồn, chúng ta lại thưa với Chúa những gì chúng ta nghĩ là Ngài muốn nghe, những gì không phải là suy nghĩ muốn giết người, khao khát báo thù hay sự thất vọng về Thiên Chúa.

Nhưng, bày tỏ những cảm giác đó mới là điều quan trọng.  Điều khiến cho các thánh vịnh đặc biệt thích hợp cho việc cầu nguyện, chính là vì các thánh vịnh không giấu diếm sự thật với Thiên Chúa, mà lại bày tỏ toàn bộ cảm giác thực sự của con người chúng ta.  Thánh vịnh là tiếng nói thành thật về những gì đang diễn ra trong tâm trí và tâm hồn chúng ta.

Đôi khi chúng ta cảm thấy tốt đẹp và bộc phát muốn nói ra những lời tôn vinh và cảm tạ, thì thánh vịnh cho chúng ta những lời đó.  Những lời này nói về sự tốt lành của Thiên Chúa trong mọi sự, là tình yêu, tình bạn, đức tin, sức khỏe, thức ăn, rượu, và vui hưởng.  Nhưng không phải lúc nào chúng ta cũng cảm nhận như thế.  Cuộc sống có những lúc cô đơn, lạnh lẽo, thất vọng, cay đắng âm ỉ hoặc bạo phát.  Các thánh vịnh cho chúng ta lời thành thật để có thể mở lòng về những cảm giác âm ỉ này với Thiên Chúa.  Cũng vậy, có những lúc chúng ta cảm thấy mình bất xứng, không xứng với sự tin tưởng và yêu thương mình được ban cho.  Và thánh vịnh cũng cho chúng ta lời để nói ra, xin Thiên Chúa thương xót và làm mềm trái tim chúng ta, rửa sạch chúng ta và cho chúng ta một khởi đầu mới.

Cũng vậy, có những lúc chúng ta cảm thấy thất vọng cay đắng với Thiên Chúa, và cần cách để bày tỏ.  Thánh vịnh cho chúng ta lời để nói ra (“Vì sao Ngài im lặng?”, “Vì sao Ngài quá xa con?”), cho chúng ta ý thức Thiên Chúa không sợ những giận dữ, cay đắng của chúng ta, mà như người cha người mẹ đầy yêu thương, Ngài chỉ muốn chúng ta đến và kể với Ngài những chuyện này.  Các thánh vịnh là những phương tiện đầy ơn ích cho việc cầu nguyện, vì chúng nâng lên những suy nghĩ và cảm giác khác nhau của chúng ta lên Thiên Chúa.

Tuy nhiên, có những lý do làm chúng ta thấy khó khăn với thánh vịnh.  Trước hết, thời đại chúng ta thường gạt bỏ ẩn dụ và thích hiểu theo nghĩa đen, một vài hình ảnh trong thánh vịnh lại chướng tai gai mắt.  Thứ hai, chúng ta có khuynh hướng chối bỏ cảm thức thực sự của mình.  Thật khó để thừa nhận những cảm giác mà đôi khi chúng ta đều có, là tự đại, ám ảnh tình dục, ghen tương, cay đắng, hoang tưởng, muốn giết người, thất vọng với Thiên Chúa, hoài nghi trong đức tin.  Những lời cầu nguyện của chúng ta quá thường đi ngược lại những suy nghĩ và cảm giác thật của mình.  Chúng ta cầu nguyện những điều mà chúng ta nghĩ là Thiên Chúa muốn nghe.  Thánh vịnh thì trung thực hơn.

Cầu nguyện với sự trung thực tuyệt đối là một thách thức.  Tác giả Kathleen Norris nói như sau: “Nếu cầu nguyện đều đặn, thì không thể nào cầu nguyện cho chuẩn được.  Đâu phải lúc nào chúng ta cũng ngồi thẳng thớm, càng không thể lúc nào chúng ta cũng có những suy nghĩ thánh thiện.  Khi cầu nguyện, chúng ta đâu thể lúc nào cũng mặc bộ đồ đẹp nhất, thường là mặc những bộ đồ đủ sạch sẽ.  Chúng ta đọc quyển sách chúc tụng của Kinh Thánh thông qua mọi tâm trạng và tình trạng cuộc sống.  Những lúc thấy thảm thê tột độ, chúng ta vẫn hát.  Ngạc nhiên thay, thánh vịnh lại không phủ nhận những cảm giác thật của ta, mà lại cho chúng ta được phản chiếu nó, ngay trước mặt Thiên Chúa và mọi người.”  Những câu cách ngôn tạo cảm giác tốt đẹp thể hiện cảm giác chúng ta nên có, chúng không thể nào thay thế được tính thực tế đời thực của các thánh vịnh bày tỏ những cảm giác thật mà đôi khi chúng ta có.  Bất kỳ ai nâng tâm trí và tâm hồn lên Thiên Chúa mà không bao giờ nói đến những cảm giác cay đắng, ghen tương, thù hận, ghét bỏ, và chiến tranh, thì nên làm người soạn những câu bắt tai để viết thiệp, chứ đừng đi làm cố vấn tâm linh cho bất kỳ ai.

Rev. Ron Rolheiser, OMI

BỐN PHÉP LẠ THÁNH THỂ MỚI

Mặc dù đã có rất nhiều phép lạ Thánh Thể từ thời Trung Cổ, nhiều phép lạ đã xảy ra trong thế kỷ trước, với một số phép lạ đã được xác nhận trong 20 năm qua.  Các phép lạ này là bằng chứng sống động cho giáo lý của Giáo Hội Công giáo rằng mặc dù hình dạng của bánh và rượu vẫn còn, nhưng bản chất đã được thay đổi hoàn toàn (nhờ quyền năng của Thiên Chúa) thành Mình và Máu Chúa Giêsu Kitô.  Đó là giáo huấn dựa trên Kinh Thánh và Thánh Truyền vẫn không thay đổi về bản chất từ thời các tông đồ.

Ngoài ra, Giáo Hội đã công nhận rằng đôi khi Thiên Chúa can thiệp theo cách hữu hình hơn và có thể thay đổi ngay cả hình dạng của bánh rượu thành Mình Máu Ngài.  Hoặc Thiên Chúa có thể bảo quản tấm bánh đã thánh hóa một cách kỳ diệu trong một khoảng thời gian dài, vượt qua những gì tự nhiên đối với bánh.

1. TẠI LEGNICA – BA LAN

Năm 2013, Đức Giám Mục Zbigniew Kiernikowski, giáo phận Legnica, cho biết: “Ngày 25-12-2013, khi đang cho rước lễ, một Bánh Thánh rơi xuống, sau đó được cầm lên và đặt vào một bình nước.  Ngay sau đó, các vết màu đỏ xuất hiện.  Đức Giám Mục Stefan Cichy, giáo phận Legnica, đã thành lập một ủy ban để nghiên cứu hiện tượng này.  Tháng 02-2014, một mảnh nhỏ màu đỏ của Bánh Thánh được tách ra và đặt trên khăn thánh.  Ủy ban đã lấy mẫu để tiến hành các cuộc kiểm tra kỹ lưỡng của các viện nghiên cứu thích hợp.”

Sau khi điều tra, Bộ phận Pháp y cho biết: “Trong hình ảnh mô bệnh học, các mô đã được tìm thấy có chứa các phần cơ có vân chéo. (…) Toàn bộ (…) rất giống cơ tim với những thay đổi thường xuất hiện trong cơn hấp hối . Các nghiên cứu di truyền chỉ ra nguồn gốc con người của mô.”

2. TẠI SOKÓŁKA – BA LAN

Trong Thánh Lễ Chúa Nhật 12-10-2008, tại nhà thờ giáo xứ Thánh Antôn ở Sokolka, một Bánh Thánh đã rơi khỏi tay linh mục khi đang cho rước lễ.  Linh mục ngừng cho rước lễ, cúi xuống cầm Bánh Thánh lên, rồi đặt Bánh Thánh vào một bình nước nhỏ.  Bình thường thì Bánh Thánh sẽ tan trong nước, sau đó sẽ được xử lý đúng quy cách phụng vụ.

Sau Thánh Lễ, theo lời yêu cầu của cha xứ Stanislaw Gniedziejko, sơ Julia Dubowska đã đổ nước và Bánh Thánh vào một bình chứa khác.

Một tuần sau, vào ngày 19-10-2008, sơ Julia thấy có mùi thơm dịu dàng của bánh không men.  Khi mở hộp đựng, sơ nhìn thấy ở giữa Bánh Thánh – phần lớn còn nguyên vẹn – có một vết cong màu đỏ tươi, giống như vết máu: một phân tử sống của cơ thể.  Nước không bị loang màu sắc.

Một phần của Bánh Thánh đã thay đổi và được lấy để phân tích riêng bởi hai chuyên gia, giáo sư Maria Sobaniec-Lotowska và giáo sư Stanislaw Sulkowski, để đảm bảo độ tin cậy của kết quả.

Kết quả của cả hai nghiên cứu độc lập đều hoàn toàn phù hợp.  Họ kết luận rằng cấu trúc của Bánh Thánh đã biến đổi giống hệt với mô cơ tim của một người sắp chết.  Theo giáo sư Maria Sobaniec-Lotowska, cấu trúc của các sợi cơ tim liên kết chặt chẽ với cấu trúc của bánh, theo cách mà con người không thể làm được.

3. TẠI TIXTLA – MEXICO

Ngày 21-10-2006, trong một cuộc tĩnh tâm của giáo xứ, một Bánh Thánh sắp được trao đã tiết ra chất màu đỏ.  Đức Giám Mục Alejo Zavala Castro đã triệu tập một ủy ban thần học điều tra để xác định xem đó có là một phép lạ hay không.  Tháng 10-2009, ngài đã mời tiến sĩ Ricardo Castañón Gómez tiến hành nghiên cứu khoa học với một nhóm các khoa học gia và xác minh tính chất kỳ diệu của sự việc.  Tiến sĩ Gómez đã hoàn thành cuộc điều tra.

Nghiên cứu khoa học được thực hiện từ tháng 10-2009 đến tháng 10-2012, với nhận định này: “Chất màu đỏ được phân tích tương ứng với máu, trong đó chứa Hemoglobin và DNA có nguồn gốc từ con người.  Hai nghiên cứu được thực hiện bởi các chuyên gia pháp y lỗi lạc với các phương pháp luận khác nhau đã cho thấy rằng chất này có nguồn gốc từ bên trong, loại trừ giả thuyết rằng ai đó có thể đã đặt nó từ bên ngoài.  Đó là loại máu AB, giống như máu ở Khăn Liệm Turin.  Một phân tích hiển vi về độ phóng đại và độ xuyên thấu cho thấy phần trên của máu đã đông lại từ tháng 10-2006.  Hơn nữa, tháng 02-2010, các lớp bên trong cho thấy sự hiện diện của máu tươi.

4. TẠI CHIRATTAKONAM – ẤN ĐỘ

Ngày 28-04-2001, tại nhà thờ giáo xứ Đức Mẹ Chirattakonam, cha xứ nhận thấy một hình ảnh kỳ lạ xuất hiện trên một Bánh Thánh, và ngài đã ghi lại chính xác những gì xảy ra.

Lúc 8 giờ 49 sáng, tôi đã đặt Mình Thánh để mọi người tôn thờ.  Một lúc sau, tôi thấy như có ba chấm trên Thánh Thể.  Tôi ngừng cầu nguyện và bắt đầu nhìn vào Mặt Nhật, cũng mời các tín hữu chiêm ngưỡng dấu ba chấm.  Sau đó, tôi mời các tín hữu tiếp tục cầu nguyện và đóng cửa Nhà Tạm…  Sáng thứ Bảy, 05-05-2001, tôi mở cửa nhà thờ để cử hành phụng vụ bình thường.  Tôi đến mở cửa Nhà Tạm để xem điều gì đã xảy ra với Thánh Thể trong Mặt Nhật.  Tôi thấy ngay trong Bánh Thánh có một hình tượng giống như mặt người.  Tôi vô cùng xúc động và yêu cầu các tín hữu quỳ xuống và bắt đầu cầu nguyện.  Tôi nghĩ chỉ mình tôi có thể nhìn thấy khuôn mặt, vì vậy tôi đã hỏi người giúp lễ xem có thấy gì ở Mặt Nhật hay không.  Người giúp lễ trả lời: “Con nhìn thấy bóng dáng một người đàn ông.”

Cuối cùng, hình ảnh trở nên rõ ràng hơn và là một người giống như Chúa Giêsu Kitô đội vòng gai.  Hình ảnh kỳ diệu đã được Tổng Giám Mục Beatitude Cyril Mar Baselice, tổng giáo phận Trivandrum, điều tra.  Mặt Nhật với Bánh Thánh vẫn được lưu giữ trong nhà thờ cho đến ngày nay.

Philip KosloskiTrầm Thiên Thu (chuyển ngữ từ Aleteia.org)

Lạy Chúa Giêsu,
Chúa đã làm cho thế giới nên rực rỡ
với sự hiện diện huy hoàng của Chúa.
Chúa ôm trọn phận người chúng con
để chúng con có thể chia sẻ thiên tính của Chúa.
Chúa mạc khải chính Chúa cho chúng con
qua Bánh Hằng Sống bởi trời.

 Xin chia sẻ ánh sáng thần linh của Chúa cho con
để con có thể thấy Chúa trong Thánh Thể.
Xin tuôn đổ vào tim con lòng tôn kính và ngỡ ngàng
về quà tặng Mình và Máu của Chúa.
Nhờ mầu nhiệm Thánh Thể
Xin liên kết trái tim chúng con với Chúa
để chúng con trở nên mối hiệp thông cho thế giới
và được sống với Chúa đến muôn đời.  Amen!