ĐẦY LỬA, ĐỦ THẦN

“Con cầu xin cho họ, là những kẻ Cha đã ban cho Con.”

Kính thưa Anh Chị em,

Chúa Giêsu cầu xin Chúa Cha cho các môn đệ, cho những ai theo Ngài vốn sẽ gặp bao nguy khốn trong thế gian.  Ngài cầu xin cho họ điều gì?  Ngài xin cho họ được Chúa Thánh Thần.

Chính sự hiện diện và sức mạnh của Thánh Thần đã nâng đỡ thánh Phaolô như tâm sự của ngài trong bài đọc Công Vụ Tông Đồ hôm nay, “Thánh Thần báo trước cho tôi rằng, xiềng xích và gian lao đang chờ tôi ở Giêrusalem.  Nhưng tôi không sợ gì cả, không kể mạng sống tôi làm quý, miễn là tôi đi hết quãng đường đời và hoàn tất nhiệm vụ rao giảng.”

Trong đời sống tự nhiên, tinh thần đã đóng một vai trò hết sức quan trọng phương chi trong đời sống siêu nhiên; tinh thần đó, chính là thần khí của Thiên Chúa, được gọi là Thánh Thần.

Trước một hoàn cảnh bế tắc, chúng ta thường nghe, “Làm sao đừng để mất tinh thần;” với Napoléon thì, “Trong chiến tranh, yếu tố tinh thần chiếm ba phần tư trong tổng thể; sức mạnh tương đối về vật chất chỉ chiếm một phần tư.”  Theo ông, một đạo quân sở hữu một tinh thần mạnh mẽ sẽ làm được những điều kỳ diệu hơn một đạo quân có nhiều súng ống vật chất nhưng không có tinh thần.  Tuy nhiên, Napoléon lưu ý rằng, tinh thần nếu không được nuôi dưỡng sẽ là thứ dễ bị huỷ hoại chỉ trong khoảnh khắc.

Cũng thế, trong đời sống siêu nhiên; ở đây, đời sống của Giáo Hội sau khi Chúa Giêsu về trời, sự hiện diện của Chúa Thánh Thần sẽ đóng một vai trò then chốt.  Chúa Giêsu thấy trước điều đó nên Ngài khẩn khoản nài xin Chúa Cha ban cho các môn đệ, ban cho chúng ta Thánh Thần của Ngài.  Để rồi, nếu nỗi buồn đè nặng tinh thần, niềm vui Thánh Thần sẽ nâng tinh thần chúng ta lên; nếu phê phán xói mòn tinh thần, tác động của Thánh Thần sẽ tài bồi nó; nếu thất bại khiến tinh thần co rút, sức mạnh Thánh Thần sẽ làm nó nên phấn chấn; nếu khước từ gây thương tổn tinh thần, sự chữa lành của Thánh Thần sẽ lành mạnh hoá nó; nếu ghen ghét đầu độc tinh thần, yêu thương của Thánh Thần lại ra sức thanh tẩy nó; nếu sợ hãi làm tê liệt tinh thần, sự tĩnh mịch của Thánh Thần lại trấn an và lay động nó.

Hình ảnh một cậu bé Péru 6 tuổi quỳ cầu nguyện ngay giữa đường trong đêm vào giờ giới nghiêm khi dịch bệnh đang lan tràn có thể là gương mẫu cho chúng ta.  Cô Claudia Abanto, nhiếp ảnh gia đã chụp được hình ảnh sống động này.  Cô chia sẻ, “Tôi đã nở một nụ cười khi bắt gặp hình ảnh này, với niềm tin và hy vọng nhỏ nhoi 1,000% của mình, nhưng hơn tất thảy, tôi đã thực sự rất hạnh phúc khi được chứng kiến tình yêu và niềm tín thác của đứa trẻ đó vào Thiên Chúa.”  Cô cho biết, lý do đơn giản là vì trong nhà em quá ồn ào, đứa trẻ phải ra đường cầu nguyện.  Cậu bé khiêm tốn cầu xin Chúa sớm kết thúc sự đe doạ của virus khiến toàn vùng châu Mỹ Latinh phải phó dâng cho Đức Mẹ Guadalupe.  Em cầu xin Chúa một điều ước, cho ông bà và những người già được bình an, những người mà em đã không gặp sau nhiều tuần Péru phong toả.  Và cô cũng cho biết, nhiều người trong khu phố đó đã gắn kết với nhau tạo ra một chuỗi cầu nguyện hằng đêm; mỗi tối, họ ra trước cửa nhà để đọc kinh cầu nguyện chung với nhau mặc những khoảng cách từ nhà này sang nhà nọ.

Anh Chị em,

Chúa Giêsu cầu xin Thánh Thần cho những ai thuộc về Ngài; phần chúng ta, chúng ta có khẩn thiết kêu nài Chúa Thánh Thần không.  Chính Chúa Thánh Thần sẽ đem đến cho chúng ta lòng can đảm, sự bình an và niềm hy vọng, miễn sao chúng ta đừng quên van vái Ngài.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, trong mọi nghịch cảnh, xin giúp con đừng bao giờ thất thần, mất lửa; cậy nhờ ơn Chúa, cho con luôn đầy lửa, đủ thần,” Amen.

Lm. Minh Anh, Gp. Huế

NĂM CÁCH VƯỢT QUA ĐAU KHỔ

Trong lúc đau khổ, người ta khó có thể nghĩ rằng sẽ có điều tốt lành ẩn khuất phía sau.  Cũng như nhiều điều khác trong cuộc sống, đau khổ có sức mạnh phân đôi: sức mạnh để làm nô lệ và sức mạnh để giải thoát; sức mạnh để chán nản và sức mạnh để hưng phấn; sức mạnh để chai cứng và sức mạnh để mềm mại; sức mạnh để hủy diệt và sức mạnh để đổi mới.

Nếu cứ mặc nó, đau khổ có thể làm cho chúng ta thành người không thể nhận ra – đó là con người cứng cỏi, xa cách và cay đắng.  Tuy nhiên, cùng với Đức Kitô, đau khổ có thể biến đổi chúng ta nên mới, thanh tẩy chúng ta, và làm cho tâm hồn chúng ta mở để mến Chúa và yêu người.  Đôi khi chúng ta tán tỉnh với cả cái tốt và cái xấu, tôi thấy cũng được.  Tôi học cách sao chép cùng với nỗi đau từng phút giây, cố gắng từng ngày với những khó khăn, lúc tiến lúc lùi.  Đây là vài điều trong lúc đau khổ vẫn giữ tôi tiến lên phía trước và giúp tôi vượt qua và biến đổi.

1. Cầu nguyện và hành động

Sau khi bác sĩ chẩn đoán con gái tôi bị bệnh nứt đốt sống (spina bifida) và có thể bị rối loạn gen khi siêu âm thai 19 tuần, tôi không biết phải làm gì đến cuối thai kỳ và sau đó.  Làm sao tôi có thể cười với con cái của tôi?  Làm sao tôi không chìm đắm trong đau khổ?  Chồng tôi nói với tôi: “Hãy cầu nguyện và hành động, cứ thế rồi mọi thứ sẽ ổn.”  Tôi khóc lóc và lo lắng, cố gắng làm theo lời chồng: “Hãy cầu nguyện và hành động.”  Đó là điều tôi có thể làm.  Tôi cầu nguyện: “Lạy Chúa, Ngài làm được mọi sự…” Và tôi tiếp tục sống: Hoạch định công việc, giặt giũ, lau nhà, rồi cầu nguyện và hành động…

2. Mỗi ngày một lần 

Điều này có thể gây nhàm chán, nhưng mặc dù vậy, nó vẫn làm cho tôi dễ chịu.  Tương lai đối với tôi không thể có quá nhiều sợ hãi, thế nên tôi quyết định sống với hiện tại.  Thiên Chúa ban bình an cho tôi hôm nay, và Ngài ở với tôi lúc này, không chỉ trong quá khứ và tương lai.  “Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày…” trở nên bài tập luyện: Thiên Chúa sẽ ban cho chúng ta mọi thứ chúng ta cần để vượt qua hôm nay, và tôi sẽ cố gắng vượt qua chính mình.  Mỗi ngày cứ như thế…

3. Thực hành phó dâng

Tôi nói “thực hành” bởi vì nói dễ hơn làm, và tôi phải thực hành cầu nguyện: “Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Ngài.  Lạy Chúa Giêsu, con phó dâng điều này cho Ngài.”  Nhiều lần, có thể đa số khi bắt đầu, chúng ta cảm thấy miễn cưỡng và không thật lòng, nhưng hãy cứ tiếp tục phó dâng đau khổ cho Chúa.  Cuối cùng, lời cầu nguyện sẽ trở nên chân thật hơn, tâm hồn sẽ bình an và thanh thản, mặc dù niềm vui đó đến từ việc phó dâng đau khổ nhỏ mọn này, tôi lại tiếp tục phó dâng cho Chúa.  Tôi cảm thấy điều thật nhất mà tôi đã làm được là tặng phẩm thực sự, là điều mà tôi muốn duy trì trong tâm hồn tôi.  Tôi dâng cho Chúa, và Ngài thánh hóa điều đó.

4. Đừng hỏi tại sao

Chúng ta có thể chìm đắm trong các lý do và không bao giờ có được câu trả lời cần có, khoảng trống hy vọng có câu trả lời đó vì chúng ta là con người quen lấp đầy bằng sự hoài nghi và thất vọng.  Khi nhìn lên Thiên Chúa, tại sao chúng ta muốn biết cách hoạt động của Thánh Ý Ngài hoặc muốn hiểu sự quan phòng của Ngài?  Linh mục Jacque Phillipe cho chúng ta biết rằng mặc dù có những câu hỏi khó hiểu, chúng ta vẫn phải can đảm mà đừng hỏi “Tại sao?”, nhưng hãy hỏi “Cái gì?”  Lạy Chúa, lúc này Chúa muốn gì nơi con?  Bên trong sẽ lộn ra bên ngoài, và thất vọng sẽ biến thành yêu thương.

5. Hướng về Đức Mẹ sầu bi

Khi vợ chồng tôi thảo luận về việc bắt đầu một ngày mới bằng việc sùng kính Đức Mẹ Sầu Bi, chúng tôi thắc mắc rằng chúng tôi sẽ được gì trong những nỗi buồn chồng chất, chúng tôi lại cười gượng, và cảm thấy “chẳng có gì xảy ra” khi chúng tôi sống trong nỗi đau buồn của Đức Mẹ, có thể đẩy chúng tôi tới bờ vực thẳm.  Vài tuần trôi qua, chúng tôi ngạc nhiên về sự bình an mà chúng tôi cảm thấy, Đức Mẹ đã nâng đỡ sức nặng nơi tâm hồn chúng tôi.  Khi kết hiệp đau khổ của chúng tôi với đau khổ của Đức Mẹ, Đức Mẹ không làm tăng đau khổ, mà giúp chúng tôi mang đau khổ, chúng tôi thực sự cảm thấy như vậy.  Đức Mẹ không đau khổ sao?  Đức Mẹ là người mẹ nên cũng muốn giúp chúng ta mang gánh nặng của chúng ta.

Thánh Faustina nói: “Khi tôi thấy gánh nặng vượt quá sức, tôi không cân nhắc, phân tích hoặc thăm dò nó, nhưng tôi bắt chước đứa bé chạy đến bên Thánh Tâm Chúa Giêsu và nói với Ngài: “Ngài làm được mọi sự.  Rồi tôi giữ im lặng, bởi vì tôi biết rằng chính Chúa Giêsu sẽ can thiệp, và thay vì tự hành hạ mình, tôi dùng thời gian đó để yêu mến Ngài.

Amber Vanvickle
Trầm Thiên Thu (chuyển ngữ từ NCRegister.com)

XÂY DỰNG NƯỚC TRỜI

Chúng ta vừa nghe những câu cuối cùng trong Tin mừng theo thánh Matthêu.  Đây là những lời nói cuối cùng của Chúa Giêsu trước khi từ giã trần gian về trời nên có tầm quan trọng rất lớn.  Chính vì thế Chúa Giêsu triệu tập các môn đệ lên một ngọn núi cao.  Trong Tin mừng, những biến cố quan trọng bao giờ cũng diễn ra trên ngọn núi cao.  Chúa ký kết giao ước với dân Do thái trên núi.  Chúa giảng bài giảng đầu tiên trên núi.  Chúa biến hình trên núi.  Chúa chịu chết trên núi.  Và hôm nay Chúa trao sứ điệp cuối cùng trên núi.  Sứ điệp này thật quan trọng vì cho ta hiểu được định mệnh của con người, hiểu được sự thật về Nước Trời và hướng dẫn đời sống của ta trên trần gian.

Sứ điệp đó cho thấy định mệnh con người.

Chúa Giêsu nói: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất.”  Khi bị treo trên thánh giá, không một mảnh vải che thân, ai cũng nghĩ là Chúa Giêsu đã mất tất cả.  Nhưng hôm nay khi về trời, Chúa Giêsu được tất cả.  Trong hoang địa, Chúa Giêsu đã từ chối cơn cám dỗ thờ lạy ma quỉ nhằm được lợi lộc trần gian.  Thì nay Đức Chúa Cha đem tất cả đặt dưới chân Người.  Là người đầu tiên về trời, Chúa Giêsu mở cho ta một chân trời hi vọng.  Định mệnh con người không bị tàn lụi đi theo thân xác ở trần gian, nhưng triển nở đến vô tận trên Nước Trời.  Định mệnh con người không chìm trong nhục nhằn thống khổ, nhưng sẽ trổi vượt trong vinh quang trên Nước Trời.  Định mệnh con người không phải chịu giam cầm trong số phận xác đất vật hèn ngang hàng với cỏ cây súc vật, nhưng sẽ được nâng lên ngang hàng với các bậc thần thánh trên Nước Trời.

Sứ điệp đó cho thấy sự thật về Nước Trời.

Chúa Giêsu nói: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.”  Theo quan niệm dân gian ta thường phân chia trời với đất.  Trời cách xa đất ngàn trùng.  Đất chẳng bao giờ với được tới trời.  Trời chẳng bao giờ có thể cúi xuống tới đất.  Nhưng với lời Chúa Giêsu hôm nay, ta thấy trời đất không cách xa nhau.  Chúa Giêsu về trời nhưng vẫn ở bên cạnh ta mọi ngày mọi giờ cho đến tận thế.  Chúa Giêsu không nói Chúa sẽ lên trời, nhưng Chúa thường nói Người sẽ về với Chúa Cha.  Nước Trời chính là sự sống trong Chúa Cha, trong sự hợp nhất của Chúa Thánh Thần.  Nước Trời chính là sự sống trong Ba Ngôi Thiên Chúa.  Nước Trời là được hưởng hạnh phúc trong tình yêu Thiên Chúa.  Như thế Nước Trời là một trạng thái chứ không phải một nơi chốn.  Ai sống trong tình yêu Thiên Chúa thì đã ở trong Nước Trời rồi.

Sứ điệp đó cho thấy sứ mạng của người môn đệ.

Chính vì không cách biệt mà trời và đất không đối lập nhau.  Trời không tách rời đất.  Đất không đối lập với trời.  Nước Trời phải được xây dựng ngay từ bây giờ, trên mặt đất.  Trái đất Chúa ban cho để ta xây dựng thành Nước Trời.  Đó là sứ mạng của người môn đệ.  Đó là tiếp tục sứ mạng của Chúa Giêsu.  Xây dựng bằng cách nào.  Thưa bằng “dậy cho họ tuân giữ những điều Thầy đã truyền cho anh em.”  Những điều Chúa Giêsu dậy đã được tóm tắt trong điều răn mới: “Thầy truyền cho anh em một điều răn mới, là anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.”  Điều răn mới này thay thế mọi điều răn cũ.  Như thế sứ mạng của người môn đệ Chúa là sống yêu thương, là làm cho mọi người sống yêu thương.  Khi mọi người biết yêu thương nhau như Chúa yêu thương ta, Nước Trời đã hiện diện.

Hôm nay mừng lễ Chúa Giêsu về trời, ta hiểu rằng định mệnh của chúng ta thật cao quý vì không kết thúc ở trần gian mà còn tiếp tục trên Nước Trời.  Ta hiểu rằng Trời và Đất không cách xa đối lập nhau, nhưng Nước Trời phải được xây dựng ngay từ bây giờ trên mặt đất, và Trái Đất Chúa ban cho để ta xây dựng thành Nước Trời.  Ta hiểu rằng sứ mạng của ta phải nối tiếp sứ mạng của Chúa Giêsu, sống yêu thương và làm cho mọi người sống trong yêu thương.  Khi ta hoàn thành sứ mạng như Chúa Giêsu ta sẽ được chung phần hạnh phúc với Chúa.

Lạy Chúa xin nâng lòng con lên khao khát những sự trên trời. Amen.

ĐTGM Giuse Ngô Quang Kiệt

KHÁT KHAO CÔ TỊCH 

Tám trăm năm trước, nhà thơ Rumi đã viết: Điều tôi muốn làm là vọt ra khỏi con người tôi và ngồi tách hẳn ra.  Tôi đã sống quá lâu ở nơi người ta có thể tìm tới.

Chẳng phải điều đó đúng với tất cả chúng ta hay sao, đặc biệt ngày nay!  Đời sống của chúng ta thường xuyên giống như cái va li bị nhét quá tải.  Gần như lúc nào chúng ta cũng bận rộn, cũng đầy áp lực, còn một cú điện thoại phải gọi, còn một tin phải nhắn, một e-mail phải gởi đi, một chuyến thăm còn chờ, một nhiệm vụ chưa làm.  Mãi mãi chúng ta lo lắng về những thứ chúng ta vẫn còn để đó chưa làm, về người mà chúng ta đã làm cho họ thất vọng, về những kỳ vọng không được đáp ứng.

Hơn nữa, trong mọi chuyện này, bao giờ người khác cũng có thể tìm tới được với chúng ta.  Chúng ta chẳng có hòn đảo tĩnh lặng nào để trốn, chẳng có nơi ẩn náu cô tịch nào.  Khi nào người khác cũng tìm được chúng ta.  Một nửa thế giới có số điện thoại liên hệ với chúng ta và chúng ta chịu áp lực phải có mặt ở đó bất cứ khi nào.  Rất thường xuyên chúng ta cảm thấy mình như đang ở trong guồng lao dịch mà chúng ta khao khát thoát ra.  Và giữa tất cả trận đồ bận túi bụi, áp lực, ồn ào và mệt mỏi đó, chúng ta khao khát cô tịch, khao khát một tĩnh lặng nào đó, một hòn đảo bình yên nơi chấm dứt mọi áp lực và tiếng ồn để đơn giản chúng ta có thể ngồi xuống nghỉ ngơi.

Đó là ước ao lành mạnh.  Tâm hồn chúng ta đang lên tiếng.  Giống như thân thể, tâm hồn cũng liên tục cố gắng báo cho chúng ta biết nó muốn gì.  Nó cần cô tịch.  Nhưng tìm cô tịch thì chẳng dễ dàng.  Tại sao?

Cô tịch là thứ khó nắm bắt, nó cần tìm chúng ta hơn chúng ta tìm nó.  Chúng ta có khuynh hướng hình dung cô tịch một cách rất ngây ngô, như một cái gì đó chúng ta có thể “đắm mình trong đó” như đắm mình trong bồn nước ấm.  Chúng ta có xu hướng hình dung cô tịch như sau: Chúng ta bận rộn, đầy áp lực, và mệt mỏi.  Cuối tuần chúng ta có dịp thoát được áp lực này.  Thuê một căn nhà nhỏ, có đầy đủ mọi thứ, lò sưởi, khu rừng ẩn mật.  Chúng ta đem theo thức ăn, rượu vang, vài đĩa nhạc nhẹ và chúng ta để điện thoại, iPad hay máy tính xách tay ở nhà.  Đây sẽ là một cuối tuần tĩnh lặng, thời gian để uống rượu vang bên lò sưởi và lắng nghe chim hót, một thời cô tịch.

Nhưng sự cô tịch không thể được lập trình dễ dàng như vậy.  Chúng ta có thể thiết lập những điều kiện tối ưu cho nó, nhưng điều đó không bảo đảm rằng chúng ta sẽ tìm thấy nó.  Nó phải tìm thấy ta, hoặc, nói chính xác hơn, một điều nào đó bên trong ta phải được đánh thức cho nó có mặt.  Tôi xin chia sẻ một trải nghiệm của bản thân như sau:

Vài năm trước, khi còn dạy thần học ở một trường đại học, tôi thu xếp để sống ở tu viện Xi-tô hai tháng hè.  Tôi đi tìm cô tịch, tìm cách sống chậm lại.  Tôi vừa xong một học kỳ đầy áp lực, vừa dạy, vừa đảm nhiệm công việc hành chánh, tổ chức các buổi nói chuyện và hội thảo, và cố gắng viết đôi chút nữa.  Tôi đã tưởng tượng ra hình ảnh gần-như-ngọt ngào về những gì sẽ gặp tôi ở tu viện đó.  Tôi sẽ có hai tháng tuyệt vời trong cô tịch: Tôi sẽ đốt lò sưởi trong phòng, ngồi yên lặng bên cạnh.  Tôi sẽ thinh lặng đi dạo trong khu rừng đằng sau tu viện.  Tôi sẽ ngồi trên chiếc ghế đu ven hồ và châm tẩu hút.  Tôi sẽ thưởng thức món ăn ngon lành, ăn trong yên lặng, tai nghe một thầy đọc to giọng một đoạn trong sách thánh, và tuyệt vời nhất, tôi sẽ cùng các thầy cầu nguyện – cùng hát trong ca đoàn, dâng thánh lễ, và cùng họ thiền tọa tĩnh lặng trong nhà nguyện an bình.

Tôi đến tu viện vào giữa chiều, vội vàng dỡ đồ đạc ra, và ngay lập tức bắt tay vào làm những việc trên.  Đến chiều muộn tôi đã “phạt sạch”, giống như bãi cỏ đợi để được cắt từ lâu: Tôi đã châm lò sưởi và ngồi cạnh.  Tôi đã đi dạo trong rừng, đã ngồi trên chiếc ghế đu cạnh hồ hút tẩu thuốc, đã cùng với các thầy hợp ca trong giờ kinh chiều, đã ngồi thiền với họ nửa giờ sau đó, đã ăn tối ngon lành trong im lặng, và rồi lại cùng với họ hát trong buổi lễ cuối ngày.  Đến giờ đi ngủ trong buổi tối đầu tiên thì tôi đã làm xong tất cả mọi thứ mà tôi ao ước nó sẽ đem lại cho mình một sự cô tịch nào đó, và tôi đi ngủ mà lòng không yên, nhấp nhỏm lo lắng rồi đây không biết làm sao sống qua được hai tháng không ti vi, không báo chí, không điện thoại, không gặp gỡ bạn bè, và không những công việc đều đặn để làm xao lãng bản thân.  Tôi đã làm tất cả những hoạt động cô tịch đúng đắn mà không tìm thấy cô tịch, thay vào đó tôi lại thấy bất an.  Mất vài tuần cơ thể và tâm trí tôi mới chậm lại đủ để tôi tìm được yên tĩnh căn bản trước khi tôi có thể bắt đầu nhấm nháp bờ rìa của cô tịch.

Cô tịch không phải là cái gì chúng ta có thể vặn một cái là chảy ra ngay như nước máy.  Nó cần một cơ thể và tâm trí chậm lại để chú ý tới phút giây hiện tại.  Chúng ta ở trong cô tịch khi, như Merton nói, chúng ta trọn vẹn nếm được vị của nước đang uống, cảm nhận được hơi ấm của tấm chăn đang đắp, và yên tĩnh đủ để hài lòng với bản thể chính mình.  Chúng ta thường không làm được điều đó, cho dù nỗ lực thiết tha, nhưng chúng ta cần tiếp tục những khởi đầu mới mẻ.

Rev. Ron Rolheiser, OMI

CHÚA CÓ TÁC ĐỘNG QUA THÁNH LỄ ONLINE KHÔNG?

Một số ít người không tin vào thánh Lễ online.  Nhất là khi thánh Lễ trực tuyến đã kết thúc, sau ấy vài tiếng Bạn mới “xem lại online” thì sao?  Để trả lời cho thắc mắc trên, xin kể cho quý ông bà anh chị em nghe câu chuyện sau đây về cha Tardif.

[Cha Emiliano Tardif MSC (1929-1999) được Chúa ban ơn chữa lành bệnh tật qua thánh Lễ.  Ngài luôn rao giảng: Chúa GIÊSU đang sống và dẫn chứng bằng những dấu chỉ chữa lành các bệnh nhân, giống như Giesu đã từng chữa các người bệnh cách đây 2000 năm.  Bởi thế cha đi đến đâu nhà thờ cũng chật ních người.  Vì số giáo dân và cả người không Công giáo tham dự quá đông, có lần cha phải tổ chức thánh Lễ chữa lành ở một sân vận động lớn, có sức chứa tới 100.000 người.]

Mùa hè 1982 đài truyền hình CHOT ở Ottawa, Canada đã hỏi cha Tardif, họ muốn thâu một chương trình dài 30 phút về “Canh Tân Đặc Sủng.”  Chương trình sẽ ghi hình vào băng Video Cassette, để trình chiếu trên đài truyền hình vào mùa thu năm đó.  Trong lúc cầu nguyện cho bệnh nhân thì cha được linh ứng rằng Chúa Giêsu đang tác động chữa bệnh.  Và cha nói: “NGAY TRONG LÚC NÀY một người bệnh đang nằm một mình trong phòng bệnh viện.  Cô bị đau lưng nặng.  Nhưng Giêsu đang ở bên để chữa lành cho cô.  Cô cảm thấy một luồng điện ấm loan tỏa khắp lưng.  Giờ cô có thể đứng dậy và đi được.”

Khi cha Tardif về nhà, ngài suy đi nghĩ lại sự việc và cảm thấy ngạc nhiên về điều ngài đã nói trong lúc cầu nguyện: Chương trình thâu hôm nay cho mấy tháng sau mới được chiếu trên tivi cơ mà, sao lại nói “NGAY TRONG LÚC NÀY…”  Cha thầm nghĩ: Có lẽ cô ấy hiện tại còn chưa được đưa vào bệnh viện nữa.  Thế mà cha đã nhân Danh Thiên Chúa nói trước về sự chữa lành của cô ấy.

Cuối tháng 1 năm 1983 cha nhận một lá thư của B.G., cô viết ngày 16.1.1983:

“Vì bị bệnh nặng nên con phải nghỉ làm việc.  Hai đốt sống sau lưng bị lật sang bên gây đau buốt kinh khủng.  Có những đêm con ngủ không được.  Những bài tập trị liệu không thuyên giảm được cơn đau.  Do đó, vào tháng 12 bác sĩ đã thực hiện giải phẫu kéo dài 4 tiếng đồng hồ.  Kết quả là chân phải của con có thể đi lại được chút, nhưng cái lưng thì vẫn rất đau.

Ngày 18.12 con mệt mỏi không còn sức mà vẫn phải nằm ở bệnh viện.  Đức tin của con vào Chúa như đã mất.  Lúc 18 giờ 35 phút con mở tivi lên.  Chương trình “TÌNH YÊU KHÔNG BIÊN GIỚI” vừa kết thúc và con nghe, cha nói những lời cuối: “Một bệnh nhân đang nằm một mình trong phòng bệnh viện, cô bị đau lưng rất nặng.  Ngay trong lúc này Giêsu đang hiện diện ở bên để chữa lành.  Cô bắt đầu cảm nhận, Chúa chạm vào lưng cô…  Sau này cô sẽ làm chứng về việc chữa lành này.”

Đúng như cha nói, một luồng điện ấm chạy dọc nơi cột sống, tỏa ra trên lưng con…  Trước ấn tượng bất ngờ ấy nước mắt con cứ tuôn chảy.  Con hối lỗi tự hỏi mình: Sao Giêsu có thể đón nhận một tâm hồn đau khổ khép kín và thất vọng này?  Nhưng không phải chính vì những tâm hồn tan nát như con mà Ngài đã chết trên Thánh Giá sao?

Hôm nay, sau một tháng, con muốn kể cho cha nghe về việc chữa lành lạ lùng nơi con.  Lần đầu tiên trong cuộc đời con cảm nghiệm được sự BÌNH AN vô tận.”

Ơn chữa lành lạ lùng này đã được kiểm chứng ở Tahiti, nơi cô B.G. sống và được xác nhận là sự thật.  Từ Lời Chứng ở trên chúng ta biết được một điều rất quan trọng: Giêsu đã thật sự sống lại.  Chúa GIÊSU không bị giới hạn bởi không gian, thời gian hay Internet.  Ngài có thể linh ứng cho biết, điều gì sẽ xảy ra trong tương lai, vì với Ngài “Tương Lai” cũng là “NGAY TRONG LÚC NÀY…” Thiên Chúa không có xài đồng hồ, Ngài không xài cuốn lịch.  Bởi NGÀI là Đấng HẰNG HỮU, Ngài hiện diện ở bất kỳ nơi nào Ngài muốn cách trực tiếp.

Lm. Đa Minh Bùi Trọng Biên

 SỰ SỐNG MỚI

Nếu các Tin mừng Matthêu, Marcô và Luca mời gọi ta vào Vương quốc Thiên Chúa, thì Tin Mừng Gioan mời gọi ta vào tình yêu Chúa Giêsu Kitô.  Thánh Gioan là người sống sau cùng.  Sau khi đã nghiền ngẫm tất cả cuộc đời và những lời giảng dạy của Chúa Giêsu, thánh nhân nghiệm ra cái cốt lõi của cuộc sống người môn đệ là tình yêu chúa Giêsu Kitô, là kết hiệp với Chúa Giêsu Kitô, là sống sự sống của Thiên Chúa.

Tình yêu đó không phải là thứ tình yêu mơ mộng lãng mạn nhưng là một tình yêu sáng suốt của lý trí.   Tình yêu đó không phải là chuyện đuổi bướm, hái hoa, rung động, xúc cảm, nhưng là một tình yêu với những việc làm cụ thể.  Việc làm cụ thể đó là tuân giữ những điều Chúa Giêsu truyền dạy.

Đó chính là bí quyết Chúa Giêsu truyền lại cho các môn đệ, trước khi người giã từ các ông để đi vào thế giới đức tin.  Từ nay để gặp gỡ Người, để yêu mến Người, để sống với Người, cần phải có đức tin và tình yêu.

Tin và Yêu là đôi mắt giúp ta nhìn thấy những sự thực siêu nhiên.  Người không tin và không yêu sẽ không nhìn thấy như lời Chúa Giêsu nói trong Tin Mừng hôm nay: “Thầy ban cho anh em Thần chân lý, Đấng mà thế gian không thể đón nhận được vì thế gian không thấy và không biết Người.”  Cũng như kiến thức y khoa là khả năng chuyên môn giúp người bác sĩ nhận dạng được các loại vi trùng, định đúng được bệnh trạng của bệnh nhân; hoặc như kiến thức về thảo mộc của nhà thực vật học giúp họ nhận dạng phân loại và biết rõ đặc tính của những lọai cây cỏ, tin và yêu cũng phải là khả năng chuyên môn giúp người môn đệ Chúa nhận ra những sự thực siêu nhiên, nhìn thấy, nhận biết và đón nhận Thiên Chúa.

Tin và Yêu, như vậy, là con đường dẫn đưa ta tới gặp gỡ Thiên Chúa.

Với đức tin và tình yêu, người môn đệ Chúa không còn thấy Thiên Chúa là một Đấng xa vời, mơ hồ, nhưng là một Đấng gần gũi, rất thật.  Với đức tin và tình yêu ta sẽ gặp được Đức Chúa Cha, Đấng thương yêu, luôn chăm sóc cho ta, luôn mời gọi ta, luôn muốn ấp ủ ta, luôn muốn tha thứ cho ta.

Với đức tin và tình yêu, ta sẽ gặp được Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể, trong Sách Thánh, trong những lời giáo huấn của Giáo hội và trong những anh em sống quanh ta.

Với đức tin và tình yêu, ta sẽ cảm nghiệm được sự hiện diện của Chúa Thánh Thần khi Người đốt lên trong tim ta ngọn lửa yêu mến, khi Người thúc đẩy ta dấn thân phục vụ, khi Người soi sáng cho ta những sáng kiến trong những hoạt động mới.

Nhưng quan trọng nhất là: Tin và Yêu là hai cánh cửa mở vào sự sống thần linh.  Tin và Yêu không chỉ cho ta nhìn thấy Chúa, gặp gỡ Chúa mà còn cho ta được tham dự vào sự sống của Chúa.  Sự sống đó là hiệp thông, như lời Chúa Giêsu nói: “Ai có và giữ các giới răn của Thầy, người ấy là kẻ yêu mến Thầy.  Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha của Thầy yêu mến.”

Chúa Cha ở trong Chúa Con và như Chúa Con ở trong Chúa Cha, ta sẽ được ở trong sự sống mầu nhiệm của Thiên Chúa Ba Ngôi và thật kỳ diệu, Ba Ngôi đến ở trong ta.  Ở trong người nào tức là được người ấy yêu thương.  Hiệp thông trong yêu thương là một thái độ cởi mở: mở tâm hồn ra để cho đi và nhận lãnh sự sống.  Nhờ Tin và Yêu, ta mở lòng ra đón nhận Thiên Chúa, sự sống mới, sự sống sung mãn, sự sống vĩnh cửu.

Đúng như lời Chúa Giêsu nói: “Thầy sẽ không để anh em mồ côi.”  Ai nhắm mắt đức tin, sẽ không nhìn thấy Chúa, sẽ trở thành mồ côi.  Ai đóng cửa tình yêu, sẽ không gặp được Chúa, sẽ sống trong cô độc.  Nhưng người môn đệ Chúa, nhờ có đức tin và tình yêu sẽ gặp được Thiên Chúa Ba Ngôi.  Và như thế việc ra đi của Chúa Giêsu không những không thiệt hại mà còn ích lợi cho ta.  Sự ra đi của Người dẫn ta đi đến kết hiệp với Thiên Chúa Ba Ngôi trong sự sung mãn, sự sống dồi dào.

Nhưng để đạt tới điều Chúa Giêsu đã hứa, ta hãy nhớ lại một lần nữa lời Người căn dặn: “Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em hãy giữ các giới răn của Thầy.”  Đức tin được thể hiện bằng tình yêu.  Tình yêu được chứng minh qua hành động.  Đó là chìa khoá của đời sống Kitô hữu.

TGM Ngô Quang Kiệt

ĐỨC MẸ FATIMA

Mỗi nơi Mẹ Maria hiện ra đều mang một dấu ấn và để lại ấn tượng kỳ diệu nơi mỗi người suốt thế kỷ này tới thế kỷ kia.  Ngôn ngữ loài người không gì có thể diễn tả hết về người Mẹ.  Danh xưng Mẹ vẫn là từ ngữ hợp với tâm tình của con người nhất.  Nói đến Mẹ, tự nhiên con người ai cũng cảm thấy như có một cái gì đó dâng đầy con tim, tràn ngập tâm hồn con người.  Hôm nay, mừng kính Đức Mẹ Fatima, mãi muôn đời nhân loại sẽ không bao giờ quên sứ điệp của Mẹ đã nói với Lucia, Jacinta và Phanxicô trên đồi Cova da Iria ngày 13 tháng 10 năm 1917.

BA TRẺ LUCIA, JACINTA VÀ PHANXICÔ

Ba trẻ Lucia, Jacinta và Phanxicô là ba bé chăn chiên thuộc gia đình nghèo làng quê Fatima, nước Bồ Đào Nha.  Các trẻ em này thuộc giáo phận Leiria.  Hàng ngày các em được gia đình, cha mẹ trao phó việc dẫn đoàn súc vật: chiên, cừu đi ăn cỏ ở các vùng đồi núi quanh đó.  Các em thường có thói quen sau khi để bầy súc vật ăn cỏ, liền qùy gối trên bãi đất trống đọc kinh, lần chuỗi mân côi chung với nhau.  Vào mùa hè năm 1917 lúc đó thế chiến thứ nhất đang tiếp diễn, ngày 13 tháng 5 năm 1917, khi các em đang sốt sắng đọc kinh, lần chuỗi mân côi lúc gần giữa trưa, một luồng chớp chói lòa làm các em bỡ ngỡ, kéo hoàn toàn sự chú ý của các em về những ngọn cây trên đồi Cova da Iria, một Vị sáng láng hiện ra, Thiếu Nữ ấy xin các em cầu nguyện cho những người tội lỗi ăn năn trở lại, chiến tranh sớm kết thúc, Thiếu Nữ dặn các em hãy trở lại nơi này vào ngày 13 mỗi tháng.  Theo lời Thiếu Nữ căn dặn, các em tới đó và được nhìn thấy Thiếu Nữ hai lần sau đó vào ngày 13 tháng 6 và ngày 13 tháng 7.  Ngày 13 tháng 8, nhà cầm quyền địa phương ngăn cản các em không cho tới Cova da Iria, nhưng Thiếu Nữ đã hiện ra với các em vào ngày 19.  Ngày 13 tháng 9, Thiếu Nữ xin các em lần hạt Mân Côi để cầu cho chiến tranh sớm kết liễu.  Ngày 13 tháng 10, Thiếu Nữ hiện ra và xưng mình là Mẹ Rất Thánh Mân Côi.  Mẹ mời gọi các em cầu nguyện và làm việc đền tạ.  Lần này, một hiện tượng rất lạ đã xẩy ra làm rúng động mọi người: Chính quyền, dân chúng và các nhà báo, hiện tượng này gọi là Mặt Trời múa hay thái dương như rơi khỏi bầu trời và lao xuống đất.  Ngày 13 tháng 10 năm 1930, sau nhiều năm điều tra, xác minh và cầu nguyện, tìm hiểu, Đức Giám Mục Leira đã công nhận chính thức việc Đức Mẹ hiện ra với ba trẻ tại đồi Cova da Iria , Fatima, Bồ Đào Nha, và cho phép tổ chức các việc đạo đức để cung kính Đức Maria Mân Côi nơi Mẹ đã hiện ra vào năm 1917.

SỨ ĐIỆP FATIMA, NƯỚC BỒ ĐÀO NHA

Chính phủ Bồ Đào Nha lúc đó coi đây là huyền thoại tôn giáo, một sự tuyên truyền dị đoan, cần phải đánh đổ, nhưng sự thật vẫn là sự thật.  Sự thật sẽ giải phóng con người.  Đức Mẹ đã hiện ra đúng như lời Mẹ loan báo trước, và sự kiện thái dương như muốn rơi xuống đất, làm khiếp kinh hồn vía mọi người, đã minh chứng quyền năng của Thiên Chúa.  Qua biến cố lạ lùng như thế, Mẹ Maria Rất Thánh Mân Côi kêu mời nhân loại hãy ăn năn sám hối.  Sứ điệp của Fatima là hãy cầu nguyện cho các tội nhân, lần chuỗi Mân Côi và sám hối.  Ngày 13 tháng 10 năm 1917, Đức Mẹ dậy: “Mẹ đến kêu nài các tín hữu hãy lần hạt Mân Côi.  Mẹ mong ước nơi đây có một nguyện đường tôn kính Mẹ.  Nếu người ta cải thiện đời sống thì chiến tranh sớm kết thúc.”

Đức Mẹ đã hiện ra với ba trẻ để qua các em, Mẹ nhắn nhủ nhân loại siêng năng cầu nguyện, năng lần chuỗi Mân Côi và thống hối ăn năn.  Mẹ đã trao cho ba trẻ nhiều bí mật và căn dặn các em sống thánh để cầu nguyện cho những kẻ có tội và cứu vãn thế giới.  Trải qua nhiều năm, Fatima đã thu hút biết bao khách hành hương đến tôn vinh Mẹ Rất Thánh Mân Côi.  Các Đức Giáo Hoàng Piô XII, Phaolô VI và Gioan Phaolô II, đã đích thân tới Fatima để tôn vinh Mẹ, cử hành thánh lễ nơi Đức Mẹ hiện ra và dâng loài người cho Đức Trinh Nữ Maria.

BA TRẺ VỚI SỨ MẠNG MẸ TRAO PHÓ

Được chiêm ngưỡng Đức Mẹ hiện ra, ba trẻ Lucia, Jacinta, Phanxicô đã sống theo ý Chúa, tuân lời Đức Mẹ.  Chúa có con đường của Ngài và Ngài dọn chỗ cho con người tùy lòng xót thương của Ngài.  Phanxicô được nhìn thấy Đức Mẹ, nhưng không được nghe lời Đức Mẹ nói, đã qua đời ngày 04 tháng 4 năm 1919.  Giacinta qua đời ngày 20 tháng 2 năm 1920.  Chúa còn để Lucia sống trong tu viện kín ở Tuy cho đến ngày nay…  Ba trẻ đã được hạnh phúc chiêm ngưỡng và nghe lời Đức Mẹ chỉ bảo, dậy dỗ.  Với sứ điệp Fatima, Mẹ Maria Rất Thánh Mân Côi muốn nói lên một sự thật tuyệt vời: con người hư đi, thế giới đang dần xa Thiên Chúa, chỉ có thể được cứu vãn bằng những phương thế mà Mẹ dậy: “Cầu nguyện, lần chuỗi Mân Côi và Sám hối ăn năn.”

Lạy Mẹ Fatima, xin giúp chúng con biết siêng năng cầu nguyện, lần hạt Mân Côi và ăn năn thống hối.

Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
Nguồn: www.simonhoadalat.com

NGÀY LỄ CỦA MẸ

Trong nhiều năm qua, tôi có thành kiến với Ngày lễ của Mẹ.  Tôi không chống lại tư tưởng đó, đây chỉ là mối bực bội cá nhân.  Mẹ tôi qua đời cách đây 40 năm, nên chuyện tôi làm ngơ trước Ngày lễ của Mẹ từ trước đến giờ chỉ là thái độ của tôi trước bất công của vũ trụ mà tôi cảm thấy: Mọi người cứ ăn mừng, trừ tôi!

Nhưng thời gian đã chữa lành vết thương và đôi khi làm chúng ta khôn ngoan hơn.  Bây giờ, vào Ngày lễ của Mẹ, tôi luôn luôn ý thức về mẹ và tìm thấy các lý do rất hay để ăn mừng.  Bạn không cần phải còn sống mới nuôi nấng được một người nào đó, và đó chính là trường hợp mẹ tôi.  Chúa Giêsu đã chẳng bảo rằng, chúng ta chỉ tiếp nhận cách tinh tuyền tinh thần của một người nào đó sau khi họ ra đi và tôi biết điều đó đúng.  Bốn mươi năm sau cái chết của bà, tôi ý thức mẹ tôi là ai và những gì bà đã cho tôi một cách rõ ràng hơn so với suốt thời thơ ấu của tôi khi bà còn sống và tình mẫu tử của bà như đang hiển hiện ôm tôi.

Những gì anh chị em tôi và tôi giờ đây ý thức rõ ràng hơn so với khi bà còn sống, là chúng tôi rất may mắn.  Chúng tôi có được một bà mẹ tốt lành.  Đơn giản là như vậy.  Trong những điều thiết yếu, bà đã cho chúng tôi những thứ quan trọng: An toàn, bảo bọc, cảm thấy được người khác mong muốn, cảm thấy mình là quý giá, được ăn no, mặc ấm, một cảm nhận rằng cuộc đời là đẹp, và trên hết thảy, cảm thấy chúng tôi luôn luôn ở trong vòng tay của một Thiên Chúa đáng tin cậy.

Dĩ nhiên, chẳng có điều nào trong số đó hoàn hảo.  Mẹ tôi không phải là Chúa.  Bà có những giới hạn, nguồn năng lượng và nguồn lực nhờ đó bà nuôi dưỡng chúng tôi cũng giới hạn.  Gia đình đông người và lúc nào cũng thiếu tiền.  Chúng tôi có đủ, nhưng chỉ là đủ mà thôi, không hơn.  Chưa bao giờ có dư.  Nó cũng đúng nếu nói về sự quan tâm và tình thương bà dành cho mỗi anh chị em chúng tôi.  Bà không có thì giờ, năng lực hay niềm vui sướng xa xỉ nào để tuôn tràn lên bất cứ riêng ai trong chúng tôi, dù không ai trong chúng tôi nghĩ rằng bà thương mình như đứa con độc nhất.  Tuy vậy, tất cả chúng tôi đều thấy các giới hạn của bà và sống với hệ quả của chúng cho tới hôm nay.

Nhưng các nỗ lực quá mức thường xuyên của bà cũng là một năng khiếu đặc biệt của bà: Giống như Chúa Giê-su, bà nhân bánh mì và cá lên gấp bội lần.  Cách nào đó bà luôn luôn tìm được đủ mọi thứ, thức ăn, áo quần, sách vở, thêm một cái bánh, một dây ruy-băng, hay bất cứ cái gì cho một dịp đặc biệt.  Cách nào đó chúng tôi luôn luôn có những thứ chúng tôi cần, cũng giống như cách nào đó bà đã làm cho cái bàn ăn gia đình dài thêm đủ để mọi người cùng ngồi – hàng xóm, giáo viên, linh mục, người bán hàng, hoặc một ông chú sa cơ lỡ vận – người mà cứ tình cờ đến chơi nhà khi gần bữa ăn.  Bà tin tưởng rằng rồi lúc nào cũng sẽ đủ, và đúng vậy thật.

Và bà là một bổ sung hoàn hảo cho cha tôi.  Phim trường Hollywood hay dịch vụ hẹn hò Công giáo không thể nào sắp xếp được một cuộc hôn nhân tốt đẹp hơn thế.  Họ đã tìm thấy nhau, hai người tri âm tri kỷ, tại một cuộc đi chơi ngoài trời của giáo xứ, tình thương yêu và tôn trọng lẫn nhau của họ là điều mà, có lẽ hơn bất kỳ điều gì khác, đã đem lại cho chúng tôi, những người con của họ, một cảm thức mạnh nhất về sự an toàn, vững chãi, và đức tin.  Cha tôi là kim chỉ nam về đạo đức, bà là trái tim; nhưng họ có thể hoán đổi vai trò này cho nhau và bà có thể đưa ra những thách thức về luân lý còn ông đem đến sự nhạy cảm.  Dù cách nào đi nữa, họ đều làm cùng nhau, và khi họ chết, họ để lại đằng sau một gia đình còn quá non trẻ để có thể tự xoay xở một mình, họ đã cho chúng tôi những gì họ cần phải cho, tất cả những công cụ cơ bản để xây dựng cuộc sống của riêng mình và sống một cách sôi nổi, vui vẻ.

Bà chết vì căn bệnh viêm tụy tạng và đau tim, chỉ ba tháng sau khi bà đã chăm sóc cha tôi trong trận quyết chiến cả năm trời nhưng thất bại với căn bệnh ung thư.  Khi cha tôi sắp chết, một người em của tôi và tôi đưa bà ra hiệu để mua một bộ áo mặc cho dịp tang lễ.  Bà đã quyết định vung tay mua bộ áo đắt tiền nhất bà chưa từng mua.  Khi mặc thử bộ áo, người bán hàng nói: “Bà mặc áo này trông thật tuyệt!  Tôi hy vọng bà thích mặc nó!”  Mẹ tôi chỉ mặc nó có hai lần, một lần trong đám tang ba tôi, và một lần trong đám tang của bà.  Nhận xét trớ trêu của người bán hàng vậy mà đúng.

Không biết lý do gì, mẹ tôi không thích tên Mathida của mình.  Các bà bạn gọi ngắn là Tilly lại càng làm bà không thích!  Tôi không biết khi thân mật, ba tôi gọi bà tên gì nhưng tôi nghi là chẳng phải tên nào trong số hai tên này.

Các nhà nhân chủng học cho rằng mẹ của mình là mối dây cộng sinh của chúng ta với cuộc sống.  Các bà mẹ phải cho chúng ta biết rằng vũ trụ này muốn có chúng ta, và chúng ta đáng yêu chỉ đơn giản chúng ta là chúng ta, rằng tình yêu thương là không cần gắng gỗ mới có được.  Mẹ tôi đôi khi quá bận rộn nên không thể nuôi nấng riêng từng đứa một với cảm giác rằng chúng tôi là duy nhất, là xinh đẹp, là quý giá; nhưng bà đã làm mẹ chúng tôi theo một cách mà chính cuộc sống và vị Chúa tạo dựng cuộc sống đó đã đem lại cho chúng tôi món quà quý giá đó.

Rev. Ron Rolheiser, OMI

ĐƯỜNG GIÊSU, ĐƯỜNG CON ĐI

Trong những ngày đầu tháng 02 năm 1990, có một con đường ở huyện ngoại thành đã được báo chí làm cho nổi tiếng.  Con đường ấy một đầu là giăng ngang biểu ngữ khai trương phòng vật lý trị liệu trá hình, còn đầu kia là sừng sững một khách sạn mini sang trọng làm nhà riêng của người biển thủ, chức danh là giám đốc.  Con đường ấy chợt nổi tiếng vì những vụ tai tiếng.

Từ hai mươi thế kỷ nay, trong Giáo Hội, người ta biết có một con đường thật danh tiếng và luôn luôn nổi tiếng.  Con đường ấy mở ra bằng một tình thương và kết thúc bằng một hạnh phúc.  Con đường ấy trải dài tin yêu để lâng lâng vươn lên sự sống.  Con đường ấy thắp sáng hy vọng để dẫn tới Nhà Cha trên trời.  Đường mở về miên viễn, Đường dẫn đến vĩnh hằng.  Đó là đường mang tên Chúa Giêsu.

1. Đường hy vọng tin yêu.

Nếu có một câu hỏi được các Tông đồ đặt ra nhiều nhất thì đó phải là câu hỏi thuộc về nơi chốn.  “Thầy ở đâu?” là câu hỏi của Gioan đặt ra trong lần đầu gặp gỡ, để được gọi đến xem và bước vào ơn gọi; “Thầy muốn chúng con dọn lễ Vượt Qua ở đâu?” là câu hỏi của các Tông đồ đặt ra để có được địa chỉ chính xác cho Bữa Tiệc Ly; và hôm nay lại là Tôma nôn nóng bật ra câu hỏi “Thầy đi đâu?” trước một tương lai vẫn còn ẩn khuất.

Bận tâm về nơi chốn là bởi vì trong đời theo Chúa, các ông luôn được dẫn vào những cuộc hành trình, mà cuộc hành trình cuối cùng là tiến về Giêrusalem để chứng kiến Thầy mình chịu chết.  Có khối ông đã coi đây là con đường thất bại của Chúa để trở thành con đường thất vọng của mình.  Mấy năm dài miệt mài theo Chúa những mong có ngày tả hữu vinh quang, nào ngờ Người lại bị đóng đinh như tên tử tội.  Công dã tràng!  Khi mọi vốn liếng hy vọng đặt cả vào canh bạc cuộc đời, rồi bỗng dưng lật ngửa trắng tay, người ta như rớt từ trên cao quay cuồng chao đảo.  Thế mới hay ước vọng thì rộng lớn nhưng khung đời lại chật hẹp mà thực tế lại phũ phàng!

“Thầy đi đâu?” Ẩn sâu dưới câu hỏi ấy là một tâm trạng hoang mang trước một quá khứ vừa mới khép lại mà tương lai chưa kịp mở ra.  Tương lai ấy mới mẻ hay chỉ là quá khứ đươc lặp lại ở thì sẽ đến?  Đã một lần vỡ mộng, các Tông đồ băn khoăn là chuyện thường tình.  Giống như đứa trẻ lỡ một lần phải bỏng, hễ thấy lửa là tự nhiên rụt tay lại.  Vì thế, nghe trong câu hỏi “Thầy đi đâu?” có âm hưởng lo âu tự hỏi “mình đi đâu?”

Thất vọng về quá khứ và hoang mang trước tương lai, đó là những con đường các Tông đồ đã nếm trải.  Nhưng mở đầu Tin Mừng hôm nay lại là lời của Chúa Giêsu: “Các con đừng xao xuyến.”  Đó là lời an ủi vỗ về, đồng thời cũng là lời cắt băng khai mở một con đường mới trong hy vọng tin yêu.

2. Đường mang tên Giêsu.

“Ta là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống.”  Trả lời cho Tôma, cùng lúc Chúa Giêsu để lộ cho biết từ nay chỉ có một con đường duy nhất được mở ra trong ơn cứu độ, và tên gọi con đường ấy lại chính là Người.

Người là Đường Sự Thật bởi Người là Chân Lý, một chân lý sống động khả tín làm nền tảng và hướng đi cho mọi cuộc đời, một thực tại năng động đầy Thần Khí làm sức mạnh giải thoát cho mọi kẻ tin.  Đường Sự Thật không phải là một hệ thống tín điều do Chúa Giêsu thiết định, nhưng là toàn thể cuộc sống lời nói việc làm của Người trong ý nghĩa cứu độ.  Nhưng đâu phải ai cũng nhận ra?  Giữa phiên tòa dịp lễ Vượt Qua, trước mặt Chúa Giêsu, Philatô đã hỏi một câu ngớ ngẩn: “Sự Thật là chi? – Quid est Veritas?”  Chúa Giêsu không trả lời, vì Sự Thật hiện thân chính là Người đứng đó.  Có biết đâu hỏi là đã trả lời, chỉ cần sắp xếp lại thứ tự các mẫu tự sẽ thành hàng chữ: “Est Vir qui adest” (x. Tihamet Toth, Chúa Cứu Thế Với Thanh Niên, p. 95).

Người là Đường Sự Sống bởi Người là Sự Sống thượng nguồn phát sinh các sự sống khác trong công trình sáng tạo, và là Sự Sống cội nguồn mà mọi sự sống khác phải tìm về trong công cuộc tái tạo của ơn cứu độ.  Người thông ban sự sống cho mọi sinh linh, và luôn đi bước trước để lôi kéo mọi người về với Sự Sống của Thiên Chúa.  Người chịu chết để nhân loại được sống, và Người sống lại để mãi mãi mở ra nẻo đường dẫn vào cõi sống.  Mọi sự sống trần gian có thể đổi thay tan biến, nhưng Sự Sống Người là vĩnh cữu trường tồn.  Người hằng sống hằng trị muôn đời.

Người là Đường dẫn tới Nhà Cha bởi Người và Cha không thể tách lìa: Chúa Con ẩn mình trong Chúa Cha, và Chúa Cha tỏ hiện trong Chúa Con.  Vẫn là Một từ ngàn xưa và mãi là Một tới ngàn sau.  Thế nên Đường mang tên Giêsu tất yếu cũng là địa chỉ Nhà Cha, và ngược lại tìm đến Nhà Cha cũng là hành trình vào Đường Sự Thật và Sự Sống.

3. Đường con đi.

Dẹp bỏ con đường cũ của thất vọng hoang mang để khai mở con đường mới bằng toàn diện con người mình, Chúa Giêsu muốn truyền lại cho các Tông đồ cái kinh nghiệm hiện sinh phong phú liên kết với Cha qua Chân Lý và Sự Sống; đồng thời đó cũng chính là lời mời gọi Giáo Hội cất bước lên đường với những hành trang đi về hạnh phúc.

Đi trên Đường Giêsu là đi bằng cả niềm tin gắn bó hiệp thông của những con người biết mình có một lý tưởng để theo đuổi, và sẵn sàng hy sinh tất cả để đạt được lý tưởng ấy.  Trút bỏ những hành trang cồng kềnh của danh lợi thú, đoạn tuyệt với những ngõ cụt lối mòn sao gợn sỏi đá của cuộc sống khô khan, chấp nhận canh tân để có được bước đi vừa thanh thót vừa thanh thản của đời nhân đức chính là hát lên khúc ca mới trên con đường mới.  Vì lý tưởng ấy chính là lẽ sống, cũng chính là vinh dự một đời: “Anh em là dòng giống được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là chủng tộc thánh thiện, Dân riêng của Chúa…” (bài đọc thứ hai).

Đi trên Đường Giêsu cũng là đi bằng niềm hy vọng bền vững.  “Thầy đi dọn chổ cho các con.”  Vận mệnh tương lai đã mở ra.  Không còn xa xôi tít tắp, nhưng đã châm rễ từ cuộc đời này.  Sống hôm nay là chuẩn bị sống ngày mai, và ngày mai tại Nhà Cha đã được định hình ngay từ bây giờ trong bước đường lữ thứ của Hội Thánh ở giữa lòng đời.  Đi trong hy vọng là nhận ra rằng con người được tạo dựng để hướng về một cứu cánh, được tái sinh trong giới hạn nhưng không ngừng hướng về vô hạn.  Thiết tưởng lời kinh của Thánh Augustinô có thể là tóm kết của bước đi hy vọng đã biến thành khát vọng: “Lạy Chúa, Chúa dựng nên con để cho Chúa, nên con mãi khắc khoải cho tới khi được nghỉ ngơi trong Ngài.”

Đi trên Đường Giêsu còn là đi bằng cả tình yêu chan hòa phục vụ.  Bài đọc thứ nhất là hình ảnh đẹp về một Giáo Hội trẻ đang cựa mình vươn vai tiến tới.  Có những phân công khác biệt: kẻ phục vụ bàn thánh, người phục vụ bàn ăn; kẻ chuyên chăm rao giảng Lời Chúa, người chuyên lo hạnh phúc anh em.  Nhưng vẫn là nhịp bước đồng hành.  Có thể nói được rằng tình yêu và phục vụ là đôi chân của Giáo Hội lữ hành đặt bước chân mình trong dấu chân Chúa.  Và cũng có thể hiểu được rằng cách nhìn “con người là con đường của Giáo Hội” (Gioan Phaolô II) chính là tốc độ mới của tình yêu chan hòa phục vụ trên Đường Giêsu hôm nay.

Và lời cuối cùng sẽ là một lời kinh, dệt nên khúc hát hy vọng cho những ai đang băn khoăn tìm kiếm một con đường sống, và biến nên hành khúc tin yêu cho những ai đã một lần cất bước hành trình: “Chúa muốn nhận con đường con đi, nên Ngài đã sinh xuống dương gian.  Chúa đã nhận đôi bàn tay con, dìu từng bước, bước đi trên đường.  Chúa ôi, khi nhìn đời con, con không hiểu từng giọt lệ sầu.  Chúa ôi, khi nhìn đời Ngài, con đã gặp đường hướng con đi.”

ĐGM. Giuse Vũ Duy Thống (trích trong “Với Cả Tâm Tình”)

TÌM HIỂU VỀ THÁNG HOA

Giáo Hội đã đặt ra nhiều kinh nguyện để ca tụng, ngợi khen và cầu xin sự chuyển cầu của Đức Mẹ.  Biết bao thi sĩ, nhạc sĩ đã dâng lên Mẹ muôn lời thơ, vạn ý nhạc.  Nhưng nói về Mẹ, viết về Mẹ sẽ không bút nào tả xiết, không lời nào diễn tả cho xứng.  Đã có nhiều đền thánh được Giáo Hội đặc biệt dâng kính Đức Mẹ; Giáo Hội cũng đã đặt nhiều ngày lễ biệt kính các đặc ân và biến cố của Mẹ để tỏ lòng tạ ơn và suy tôn Mẹ.  Và đặc biệt, Giáo Hội đã dành trọn tháng Năm này để biệt kính Mẹ, và tháng này như là thời khắc ưu việt để mọi con cái kết hợp với Mẹ cách riêng từng giây phút trong tình yêu tuyệt vời với Con Mẹ là Chúa Giêsu – Người Con mà Mẹ đã ban tặng cho nhân thế.

Tháng 5 là tháng dâng hoa kính Đức Mẹ Maria.  Giáo Hội dành riêng tháng này để bày tỏ lòng tôn kính, mến yêu đặc biệt nơi Đức Maria là Mẹ của Chúa Giêsu nơi trần thế.  Chúng ta cùng dành thời giờ trong những ngày đầu tiên trong tháng này để tìm hiểu và suy tư về nguồn gốc, ý nghĩa và tác động của tháng Hoa kính Đức Mẹ, vốn đã trở nên hết sức quen thuộc với mỗi người chúng ta.

Những ai đã sống tuổi thiếu niên ở một giáo xứ có truyền thống dâng hoa lên Đức Mẹ trong tháng 5, hẳn sẽ không thể nào quên được bầu không khí linh thiêng đầy hân hoan của những ngày ấy.  Và một em gái nào đã một lần được dâng hoa trong tháng 5, thì suốt đời mình, dù là một bà cụ thất học hay một nhân vật lẫy lừng khắp năm châu, người ấy cũng mãi trung thành với Đức Mẹ, và xem Mẹ là vị trung gian không thể nào thiếu được trên con đường đi đến với Chúa Kitô.

Trong tháng 5, rất nhiều nhà thờ công giáo tại Việt Nam có tập tục truyền thống, đó là bà con giáo dân với lời ca tiếng hát, đều tiến lên dâng hoa chúc tụng cảm tạ và mừng kính Mẹ.  Truyền thống đạo đức này đã có từ rất xưa.  Nó xuất phát từ lòng mến mộ bình dân đối với Đức Mẹ.  Con cái Mẹ muốn tỏ lòng kính yêu Mẹ, một người Mẹ gần gũi, chăm chú đến từng người con, nhất là những đứa con yếu đuối, bệnh tật, nghèo hèn.  Dâng hoa cho Đức Mẹ là một nghĩa cử thật đẹp và mang nhiều ý nghĩa để tôn vinh Mẹ Thiên Chúa, Mẹ Giáo Hội và cũng là Mẹ mỗi người chúng ta.

Trong tháng Năm, khi ngàn hoa với muôn sắc hương nở rộ trong cánh đồng, thì con cái Mẹ cũng chuẩn bị cho những đội dâng hoa, những cuộc rước kiệu, để tôn vinh Mẹ trên trời.  Những điệu ca quen thuộc trìu mến bỗng nổi dậy trong tâm hồn cách thân thương, nhịp nhàng: Đây tháng hoa, chúng con trung thành thật thà.  Dâng tiến hoa lòng mến dâng lời cung chúc.  Hương sắc bay tỏa ngát nhan Mẹ diễm phúc.  Muôn tháng qua lòng mến yêu Mẹ không nhòa…  Đây muôn hoa đẹp còn tươi thắm xinh vô ngần.  Đây muôn tâm hồn bay theo lời ca tiến dâng.  Ôi Maria, Mẹ tung xuống muôn hoa trời.  Để đời chúng con đẹp vui, nhớ quê xa vời…  Muôn dân trên trần mừng vui đón tháng hoa về.  Vang ca tưng bừng ngợi khen tạ ơn khắp nơi.  Ánh hồng sắc hương càng tô thắm xinh nhan Mẹ.  Sóng nhạc reo vang tràn lan đến muôn muôn đời.  Những bài ca này đã trở nên thật gần gũi và rất quen thuộc với mỗi người chúng ta khi Tháng Hoa về.

Tháng Năm là thời điểm chuyển giao của mùa xuân và mùa hè, là thời điểm muôn hoa đua nở, vạn vật tràn đầy sức sống và màu sắc.

Vào những thế kỷ đầu của kỷ nguyên Công giáo, hàng năm khi tháng Năm về, người Rôma đón mừng sự thức giấc sau mùa đông dài của thiên nhiên bằng việc tổ chức gọi những ngày lễ tôn kính Hoa là Nữ thần mùa Xuân.

Dâng hiến trọn một tháng để thực thi một việc sùng kính đặc biệt, là một điều mà Dân Chúa mới thực thi tương đối gần đây.  Truyền thống dâng lên Đức Mẹ những đoá hoa tươi thắm dần được thiết lập qua dòng thời gian.  Các tín hữu Công giáo trong các xứ đạo đã thánh hóa tập tục trên khi tổ chức những cuộc rước kiệu hoa và cầu nguyện cho mùa màng phong phú.

Các tín hữu Công giáo đã mượn chính những cảnh sắc thiên nhiên, những đoá hoa tươi đẹp đó để như gói ghém trọn tâm tình của mình dâng lên Đức Mẹ.  Người ta đi cắt các cành cây xanh tươi đang nở hoa, đưa về trang hoàng trong các nhà thờ và đặc biệt các bàn thờ dâng kính Đức Mẹ.

Từ thế kỷ XIII, một vài xứ đạo ở Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đã dâng tháng 5 để tổ chức những cuộc rước hoa, để đem hoa đến dâng kính Đức Mẹ.  Nhiều văn nghệ sĩ đã sáng tác các bài ca dùng màu sắc và hương hoa để diễn tả tâm tình con thảo ca tụng các đức tính cao quý của Đức Maria.

Đến thế kỷ 14, Cha Henri Suzo (OP), vào ngày đầu tháng 5, đã dâng lên Đức Mẹ những việc tôn kính đặc biệt và dâng hoa trang hoàng thánh tượng Đức Mẹ.

Vào ngày 1 tháng 5 hằng năm, thánh Philipe de Neri thường tập họp các trẻ em Công giáo đến quanh bàn thờ Đức Mẹ để dâng lên Đức Mẹ những bông hoa tươi thắm đầy hương sắc.  Cùng các bông hoa mùa xuân, thánh nhân cũng dâng cho Đức Mẹ các nhân đức cao đẹp còn ẩn náu trong tâm hồn thơ trẻ của chúng.

Đầu thế kỷ XVII, tại vùng Napoli nước Ý, trong thánh đường kính thánh Clara của các nữ tu Dòng Phanxicô, tháng kính Đức Mẹ được cử hành cách long trọng: Mỗi buổi chiều đều có hát kính Đức Mẹ, ban phép lành Mình Thánh Chúa.  Từ ngày đó, tháng kính Đức Mẹ nhanh chóng lan rộng khắp các giáo xứ trong vùng.

Các linh mục dòng Tên đã tổ chức tháng hoa kính Đức Mẹ trong trường lưu trú của các sinh viên học sinh của Dòng từ các nơi gởi về Roma để được đào tạo.  Mãn khóa học, các sinh viên này, khi trở về quê nhà đã đem theo thói quen và cách tổ chức Tháng Hoa ở Roma truyền bá ra.  Vì thế mà tập tục này được phát triển rộng khắp.  Vào năm 1654, cha Nadasi (SJ) đã xuất bản tập sách nhỏ kêu gọi giáo hữu dành riêng mỗi năm một tháng để tôn kính Đức Mẹ.

Tới đầu thế kỷ XIX, trong Giáo Hội việc tổ chức tháng kính Đức Mẹ đã được tổ chức cách long trọng.  Các nhà thờ chính có linh mục giảng thuyết, và gần như lấy thời gian sau mùa chay là thời gian chính thức để tôn kính Đức Mẹ.

Năm 1815, Đức Thánh Cha Piô VII đã khuyến khích việc tôn sùng Đức Maria trong tháng Năm.  Đức Piô IX đã ban ơn toàn xá cho những ai tham dự việc đạo đức này năm 1889.  Đức Thánh Cha Piô XII, trong Thông điệp “Đấng Trung gian Thiên Chúa”, nhấn mạnh “việc tôn kính Đức Mẹ trong tháng Năm là việc đạo đức được thêm vào nghi thức Phụng vụ, được Giáo hội công nhận và cổ võ.”

Và năm 1965, Đức Thánh Cha Phaolô VI gửi Tông huấn đề cao lòng tôn sùng Đức Mẹ Maria trong tháng 5.  Qua đó, ngài cũng nêu lên những giá trị cao quý của việc tôn kính Đức Mẹ trong tháng Năm: “Tháng Năm là tháng mà lòng đạo đức của giáo dân đã kính dâng cách riêng cho Đức Mẹ.  Đó là dịp để bày tỏ niềm tin và lòng kính mến mà người Công giáo khắp nơi trên thế giới có đối với Đức Mẹ Nữ Vương Thiên Đàng.  Trong tháng này, các Kitô hữu, cả ở trong thánh đường cũng như nơi tư gia, dâng lên Mẹ từ những tấm lòng của họ những lời cầu nguyện và tôn kính sốt sắng và mến yêu cách đặc biệt. Trong tháng này, những ơn phúc của Thiên Chúa nhân từ cũng đổ tràn trên chúng ta từ ngai tòa rất dồi dào của Đức Mẹ” (Tông huấn về việc tôn kính Đức Mẹ, số I).

Đức Thánh Cha mở đầu tông huấn bằng những lời diễn tả tâm tình Tháng kính Đức Mẹ thật đáng để chúng ta ghi nhớ:

“1. Tháng Năm dường như đã đến đây rồi, một tháng mà lòng đạo đức bình dân từ lâu đã dành dâng kính Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa.  Trái tim Tôi vui mừng khi nghĩ đến cánh cửa đức tin và tình yêu thương đang chuyển biến; đức tin và tình yêu thương phải sớm được dành cho Nữ Vương Thiên Đàng tại khắp mọi miền trên trái đất.  Vì đây là tháng mà các Kitô hữu, tại các nhà thờ cũng như tại tư gia, dâng lên Mẹ Đồng Trinh những hành vi kính trọng và tôn sùng yêu mến và sốt sắng hơn; và đây cũng là tháng mà Thiên Chúa đổ xuống trên chúng ta biết bao nhiêu hồng ân lớn lao hơn từ ngai toà của Mẹ chúng ta.

2. Tôi lấy làm vui mừng và an ủi bởi thói quen đạo đức liên kết với Tháng Năm, là tháng dành dâng kính Đức Trinh Nữ và mang lại nhiều lợi ích cho dân Kitô giáo. Bởi vì một cách đúng đắn, Đức Maria được xem như một con đường mà qua đó chúng ta được dẫn tới Chúa Kitô, người nào gặp gỡ Đức Maria thì không thể không gặp gỡ Đức Kitô như vậy. Vì lý do nào khác mà chúng ta lại không tiếp tục trở về với Đức Maria để tìm kiếm Đức Kitô trong cánh tay của Mẹ, tìm gặp Đấng Cứu Độ chúng ta trong, qua và với Mẹ?  Con người cần phải trở về với Đức Kitô trong thế giới đầy lo âu và nguy hiểm, thôi thúc bởi trách nhiệm và nhu cầu cấp bách của trái tim con người hầu tìm thấy một nơi ẩn trú an toàn và một mạch nước sự sống siêu việt.”

Đức Thánh Cha Phaolô VI cũng đã đặt lại chỗ đứng của việc tôn kính Đức Mẹ Maria, nghĩa là việc tôn kính Mẹ Maria phải được đặt vào trong tương quan của mầu nhiệm ơn cứu rỗi, việc tôn kính Đức Mẹ phải được đi đôi với những mầu nhiệm trong cuộc đời của Đức Kitô.  Việc tôn kính Mẹ Maria trong tháng Năm là một truyền thống tốt đẹp, nhưng nhờ Mẹ Maria để đến với Chúa, cùng đích của mọi việc tôn thờ là chính Chúa.  Trong niềm hiếu thảo đối với Mẹ Maria, người Kitô hữu luôn được mời gọi để không ngừng kết hiệp với Chúa.  Người Kitô hữu không nhìn lên Mẹ Maria như một Nữ Thần, mà là một tín hữu mẫu mực, một người tín hữu đã tiên phong trong cuộc hành trình đức tin.

Tháng Hoa về, khắp các nhà thờ Công giáo ở Việt Nam, dù tại các thành thị hay miền nông thôn xa xôi, những tâm tình dâng lên Đức Maria Mẹ Thiên Chúa vẫn thật nồng ấm.  Các bản tiến hoa được dâng lên Đức Mẹ cách long trọng.  Có những đội hoa hàng mấy trăm người.  Nhờ đó, lòng tôn sùng và yêu mến Đức Mẹ không ngừng được cổ võ và thăng tiến.

Tháng Hoa như một dịp đẹp nhất và thuận tiện nhất để tất cả chúng ta cùng tỏ lòng kính yêu Mẹ bằng những bó hoa thiêng, bằng những lời kinh nguyện sốt sắng và tâm tình thảo hiếu biết ơn dâng lên Mẹ hiền qua tràng chuỗi Mân Côi và các bài Thánh Ca du dương về Mẹ trong các Giờ Chầu, Giờ Ðền Tạ tại tư gia hay trong các nguyện đường.  Dĩ nhiên, lòng tôn sùng kính yêu Mẹ Maria của chúng ta vẫn sốt sắng trải dài từng ngày trong suốt năm.  Nhưng tháng Năm lại mang mầu sắc đặc biệt mời gọi, thúc đẩy chúng ta dâng Mẹ những bông hoa thiêng thanh khiết.  Bàn thờ kính Mẹ trong tháng Năm phải đầy hoa tươi, biểu tượng cho lòng tôn sùng biết ơn của chúng ta dâng về Mẹ, biểu tượng cho sự đổi mới cuộc đời của mỗi người chúng ta để chúng ta trưởng thành trong ân sủng Thánh Linh

Ý nghĩa trọn vẹn của Tháng Hoa là: Hoa thiên nhiên đồng nội hòa lẫn với hoa lòng, hoa thánh thiện, hoa mầu nhiệm của Ơn Thánh tươi nở trong linh hồn chúng ta.  Tất cả cùng tỏa hương thơm và khoe sắc trên bàn thờ kính Mẹ.

Để kết thúc, chúng ta cùng thân thưa với Mẹ qua việc dâng lên Người những bông hoa ngát hương đang khoe sắc:

Xin dâng lên Mẹ hoa hồng của lòng yêu mến, xin Mẹ dạy chúng con biết yêu Chúa hết lòng và yêu anh chị em mình như Chúa đã yêu chúng con.

Xin dâng lên Mẹ hoa vàng của niềm tin sắt đá, xin Mẹ dạy chúng con sống phó thác và tin tưởng vào tình thương và sự quan phòng của Chúa như Mẹ.

Xin dâng lên Mẹ hoa xanh của niềm cậy trông và hy vọng, xin đừng để chúng con thất vọng chùn bước trước bất cứ khó khăn nghịch cảnh nào của cuộc sống.

Xin dâng lên Mẹ hoa trắng của sự trinh trong, xin Mẹ giúp chúng con gìn giữ tâm hồn luôn trong trắng, sạch tội.

Xin dâng lên Mẹ hoa tím của những đau thương, bệnh tật, tang tóc, cô đơn, xin Mẹ dạy chúng con biết vui lòng chấp nhận Thánh Giá Chúa gởi đến để trung thành bước theo Đức Kitô, Con của Mẹ.

Thiên Ân