KHÔN NGOAN VÀ BÁC ÁI

Trong kho tàng ca dao tục ngữ của Việt Nam, có rất nhiều lời căn dặn phải khôn ngoan trong lời nói.  Sở dĩ phải cẩn trọng, vì “nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy” – một lời nói ra, con ngựa Tứ khó đuổi kịp (lưu ý: tứ mã ở đây không phải là 4 con ngựa mà là con ngựa giống Tứ, chạy rất nhanh ở Trung Quốc).  “Rượu ngon uống mãi cũng say, người khôn nói mãi dẫu hay cũng nhàm.”  Lời nói tạo phong cách và tăng thêm giá trị của người, “lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.”  Chúa Giêsu trong Tin Mừng hôm nay đã vận dụng những câu ca dao tục ngữ đương thời để giáo huấn dân chúng.  Người muốn khẳng định: hãy cẩn trọng trong lời nói, hãy suy nghĩ trước khi nhận định và nhất là đừng lên án ai.  Chúng ta có thể dễ dàng thấy, những điều Chúa nói trong Tin Mừng rất quen thuộc và phù hợp với mọi người, mọi trình độ văn hoá.  Những lời dạy của Chúa Giêsu cũng mang nội dung giáo huấn của các bậc khôn ngoan thời Cựu ước, ví như bài đọc I, trích sách Huấn Ca.  Những lời này cũng có thể là những lời mẹ ru con trong nôi, để rồi những giá trị sống ấy thấm nhập nơi mỗi con người từ thuở sơ sinh, góp phần tạo nhân cách khi những em bé ấy đến tuổi trưởng thành.

Thánh sử Luca, trong Tin Mừng Chúa nhật này, đã ghi lại một chuỗi ba câu chuyện dụ ngôn.  Một lần nữa, Chúa Giêsu lại dùng những hình ảnh đi cặp đôi với nhau: người mù và người sáng; cái xà và cái rác; cây tốt và cây xấu.  Những hình ảnh này đều mang ý nghĩa giáo huấn rất sâu sắc, giúp người tín hữu suy tư và chọn lựa hướng đi cho đời mình.  Có thể nói ba cặp từ này mang ba giáo huấn riêng biệt.

–   Người mù mà dắt người mù được sao?  Mỗi người sống ở đời cần chọn cho mình một hướng đi hay một lý tưởng.  Người sống không có lý tưởng, giống như cây sậy phất phơ hoang dại, gió chiều nào thì theo chiều ấy.  Khi chọn lựa lý tưởng và mẫu mực cho đời mình, mỗi người đều phải khôn ngoan cân nhắc.  Không ai chọn một người mù làm người dẫn đường.  Khái niệm “người mù” ở đây không có nghĩa là người khiếm thị, nhưng là người thiếu hiểu biết, thiếu khôn ngoan hoặc là người không đủ tư cách.  Là tín hữu, chúng ta chọn Chúa Giêsu là lý tưởng.  Người đã tuyên bố: “Tôi là Đường, là Sự thật và là Sự sống” (Ga 14,6).

–   Cái xà và cái rác: con người sinh ra, đơn sơ mỏng manh như chiếc lá.  Phải cần có thời gian để trưởng thành.  Với sự dạy dỗ của cha mẹ và những người có trách nhiệm, chúng ta mới cứng cáp từng ngày.  Hiện diện trong cuộc sống, mỗi chúng ta có một cá tính, giống như mỗi người có tên gọi, có diện mạo và sở thích riêng.  Sự khác biệt làm nên tính phong phú đa dạng trong cuộc sống.  Vì vậy, không ai được lấy mình làm tiêu chuẩn để xét đoán phê phán người khác.  Sự chênh lệch giữa hai hình ảnh Chúa Giêsu dùng để so sánh, cho thấy khuynh hướng tự tôn: một bên là cái xà, rất to và rất nặng; bên kia là cái rác, đơn giản và nhẹ nhàng.  Vậy mà thông thường, người ta chỉ thấy cái rác trong mắt người khác mà không thấy cái xà nghiêm trọng hơn trong con mắt của mình.  Để thấy được cái xà trong mắt mình, cần có sự khiêm tốn và vị tha.

–   Cây tốt và cây xấu: mỗi người là một cây Chúa trồng trong vườn đời.  Lòng bao dung, quảng đại và nhân ái chính là hoa thơm trái ngọt chúng ta cần đem lại cho đời.  Lòng ích kỷ, gian tham và mưu mô mánh lới chính là những trái đắng, làm phương hại đến bản thân, trước khi gây hậu quả tai hại cho người khác.  Chất lượng của một cây không thể hiện ở dáng vẻ bên ngoài, nhưng hoa thơm trái ngọt mới đem lại giá trị của cây ấy.  Vì thế, lời nói tốt, việc làm thiện hảo và trái tim nhân hậu chính là bằng chứng nhân cách của một người tín hữu đích thực và là một cây tốt trong vườn đời.

Tội lỗi sinh ra nơi chúng ta những khuynh hướng xấu.  Đó là sự ích kỷ, tham lam và hận thù.  Đức Giêsu đã giải phóng chúng ta khỏi ách nô lệ của tội lỗi và tử thần.  Thánh Phaolô mời gọi chúng ta hãy cậy dựa vào Chúa Giêsu để được chiến thắng.  Thay vì dùng thời gian và tâm huyết vào những chuyện vô bổ để đoán xét người khác, thì hãy “tích cực tham gia vào những công việc của Chúa, với xác tín rằng: trong Chúa, sự khó nhọc của anh em sẽ không trở nên vô ích” (Bài đọc II).

Nền tảng giáo huấn của Chúa Giêsu dựa trên đức ái.  Đức ái là lòng yêu mến dành cho từng người và hết mọi người.  Chúa Nhật trước, chúng ta đã nghe Chúa mời gọi: hãy yêu thương cả kẻ thù và cầu nguyện cho họ.  Nhờ có đức ái mà chúng ta sống hài hoà nhân ái với người khác, không xét đoán và không lên án họ, bởi lẽ mỗi chúng ta cũng mang nhiều bất toàn và yếu đuối.  Thay vì dò xét bới móc người khác, chúng ta hãy cố gắng đào luyện bản thân.  Khi quan sát những điều bất toàn nơi người khác, ta tự nhắc mình phải cẩn trọng; khi thấy nơi người khác có những điểm tốt lành, ta coi đó như những mẫu gương, để học hỏi, phấn đấu và thăng tiến trong đời.

TGM Giuse Vũ Văn Thiên

XÉT ĐOÁN

Đừng tự xét đoán, tự nó đã nói lên phần nào tính chất mơ hồ rồi.  Xét đoán được ghép bởi hai động từ khác nhau là xét và đoán.   Xét là tìm hiểu.  Đoán là phỏng chừng.  Xét thì khó vì phải tìm hiểu hoàn cảnh, phải kiếm nguyên nhân, phải phân tích để có dữ kiện rõ ràng.  Đoán thì dễ hơn, chỉ cần ước lượng là thế, phỏng chừng như vậy.  Động từ đoán dựa trên những điều không đủ chắc, không rõ sự thật.  Khi nói xét đoán một người thì có phần xét và cũng có phần đoán.  Nhiều khi phần đoán lại nhiều hơn phần xét.  Sai lầm nẩy sinh từ đó.

Trước khi tìm hiểu Kinh Thánh nói về vần đề xét đoán, tôi muốn nhìn xét đoán trong một yếu tố liên hệ giữa con người trên bình diện tự nhiên.  Yếu tố đó là: phức tạp của vấn đề trong việc xét đoán.  Có hai thứ phức tạp.  Phức tạp nơi đối tượng bị xét đoán, chẳng hạn như hoàn cảnh, lương tâm của khách thể.  Và phức tạp nơi chủ thể xét đoán, chẳng hạn như giới hạn tri thức của chủ thể, ảnh hưởng tình cảm của chủ thể khi xét đoán.

Phức tạp nơi đối tượng

“Không ai tắm hai lần trên một dòng sông.”  Dòng nước chảy.  Đã đi.  Sẽ mất mãi.  Chẳng ai có được hai lần cái tâm tình lúc tuổi mười tám.  Hôm qua đứng bên dòng sông.  Hôm nay trở lại.  Dòng sông còn đó.  Tôi còn đây.  Nhưng không phải là tôi của ngày hôm qua.  Không phải là dòng sông hôm cũ.  Nước hôm qua của dòng sông đã mất.  Mây trên bầu trời hôm qua đã tan loãng.  Đâu rồi?  Và tôi, tâm tình cũng đã đổi thay.  Hôm qua gặp dòng sông thì tâm tình của tôi không thể là nhớ dòng sông được, vì đã xa cách đâu mà nhớ.  Hôm nay trở lại, vì có nhớ dòng sông tôi mới tìm đến.  Như vậy, trong tôi đã mang chất nhớ nhiều hơn hôm qua.  Tất cả đều biến chuyển.  Khi xét một vấn đề mà xét trong hoàn cảnh mọi sự đều thay đổi thì khó mà chính xác.  Trong tôi có thương, nhưng đồng thời cũng có giận.  Tôi ghét đó, nhưng tôi vẫn yêu.  Đâu là ranh giới mà phương pháp khoa học có thể vẽ lằn mức rõ ràng?

Khi xét một vấn đề phải xét trong bối cảnh của nó.  Mà hoàn cảnh của mỗi người là một thế giới chằng chịt những phức tạp chi ly.  Tôi cũng chưa biết rõ về tôi đủ thì làm sao có thể biết rõ về người?  Càng phức tạp thì càng dễ có sai lầm.

Xét một vấn đề lại phải có tiêu chuẩn để xét, nếu không có tiêu chuẩn người ta không thể đi đến kết luận.  Hai cộng với hai không phải là ba.  Vì tôi đã có tiêu chuẩn hai cộng với hai là bốn.  Sống trong tập thể, con người tuân theo tiêu chuẩn của xã hội.  Nhưng tiêu chuẩn luân lý sâu thẳm vẫn do chính Chúa trong tiếng nói lương tâm.  Câu chuyện người đàn bà ngoại tình trong Phúc Âm nói lên rõ điều này.  Với tiêu chuẩn của tập thể mà xét đoán thì bà phải bị ném đá chết vì những hành động tội lỗi.  Nhưng tiêu chuẩn của Chúa lại khác.  Trước mặt xã hội bà bị kết án.  Trước mặt Chúa bà được thứ tha (Gn 8,1-11).  “Ngươi chỉ nhìn thấy trước mắt còn Yavê trông thấy điều ẩn náu trong lòng” (1Sam 7).  Chính điều “ẩn náu trong lòng” này là yếu tố quyết định tối hậu cho việc xét đoán thì tôi lại không bao giờ biết được.

Điều “ẩn náu trong lòng” là lương tâm.  Đề cập đến lương tâm là đề cập đến vấn đề riêng tư nhất.  Đã là riêng tư thì làm sao tôi biết.  Mà không biết thì làm sao tôi định lượng giá trị.  Tôi có kinh nghiệm của riêng đời tôi.  Lương tâm người khác thì tôi đành chịu.  Thí dụ, một người ăn trộm một trăm đồng.  Hành động ăn trộm chưa phải là tội.  Nếu họ bị khủng bố, cưỡng bách thì sao có thể là tội?  Tôi thấy hành động ly dị, ngoại tình.  Nhưng nguyên do đưa đến?  Mức độ ý chí lương tâm của họ ra sao?  Tôi không thể biết.  Khi không xét được, không biết đủ sự kiện thì tôi đoán chừng.  Có đoán chừng là có sai lạc.

Hành động phạm tội chưa phải là tội cho đến khi có mặt của ý chí và lý trí.  Mà mức độ ý chí, khả năng lý trí, lương tâm kẻ khác thì tôi không biết.  Như vậy, xét đoán của tôi có thể dựa trên hành động ngoại tại.  Mà hành động bên ngoài, tự nó chưa có giá trị quyết định, thì công việc xét đoán của tôi có giá trị không?  Làm sao có thể có một giá trị vững chắc khi mà giá trị đó xây dựng trên một nền tảng không có giá trị vững chắc?  “Ngươi là ai mà xét đoán gia nhân người khác?  Nó đứng hay nó ngã, mặc chủ nó, song nó sẽ đứng vững, vì Chúa có đủ quyền năng cho nó đứng vững” (Rom 14,4).

Phức tạp nơi chủ thể

Cái phức tạp rõ ràng nơi tôi là sự giới hạn tri thức của tôi.  Có điều hôm qua nhớ, hôm nay đã quên.  Trí tuệ và sự hiểu biết không hoàn hảo thì không bao giờ tôi có một xét đoán hoàn toàn trung thực.  Muốn xét đoán đúng, tôi phải biết rõ, thông suốt.  Điều này chỉ có Chúa mới đủ khả năng mà thôi.

Tôi đã có hình ảnh không đẹp về một linh mục.  Gần một năm trời tôi nhìn linh mục với hình ảnh như vậy.  Mùa hè năm đó, linh mục mua cây về trồng chung quanh nhà xứ.  Việc đào hố trồng cây đã không được tính toán kỹ, nên phải làm đi làm lại nhiều lần.  Số tiền trả nhân công quá tốn.  Tôi thấy linh mục làm việc không có chương trình, kế hoạch rõ ràng.  Số tiền ấy để làm được bao nhiêu việc quan trọng khác?  Mùa hè năm sau, trở lại giáo xứ cũ, Chúa đã cho tôi một ân sủng, một kinh nghiệm về xét đoán tha nhân.  Đối với tôi, linh mục đã là người tiêu tiền của nhà xứ không tính toán.  Mùa hè lần này, trong lúc nói chuyện với cha già đã về hưu, tôi phàn nàn về việc cha xứ tiêu tiền như vậy.  Lúc đó, cha già cắt nghĩa cho tôi hiểu là trong giáo xứ có mấy gia đình nghèo quá không đủ gạo ăn.  Cha xứ thì tế nhị không muốn giúp đỡ họ bằng tiền bạc vì họ sẽ mang ơn.  Cha đã bày việc để gọi mấy đứa con của họ đến nhà xứ làm, hầu cha xứ lấy cớ trả công cho họ.  Hành động quá tế nhị đến nỗi họ không hề biết là cha xứ muốn giúp đỡ gia đình họ.  Cha muốn họ nghĩ là tiền lương do công của con họ làm để họ khỏi phải mang ơn ngài.

Nghe xong câu chuyện, tôi thấy như nắng chiều nhạt xuống.  Nặng nề trong hồn.  Đó là hình ảnh quá đẹp của một linh mục sống đức tin.  Tôi thấy mình đã nhỏ nhoi và tầm thường.  Gần một năm trời tôi đã giữ hình ảnh không đẹp về linh mục đó.  Bây giờ tôi mới hiểu những việc rất thường mà tiền công thì cha trả rất nhiều.  Đối với tôi, linh mục đã là người không biết tính toán để tốn tiền bạc.  Nhưng chính ngài đã tính toán rất cẩn thận để tìm lối giúp đỡ giáo dân của mình.  Tình thương bao giờ cũng có sáng kiến.

Nếu tôi đem câu chuyện linh mục tiêu phí tiền bạc của nhà xứ mà nói cho những người khác để họ cũng có hình ảnh xấu về linh mục như vậy thì tội nghiệp cho ngài biết bao.  Nếu tôi có nói xấu thì chắc ngài cũng không đính chính việc ngài làm.  Những tâm hồn cao thuợng là những tâm hồn dám âm thầm chấp nhận đau đớn cho một lý tưởng.  Những tâm hồn nhỏ nhen khi thấy người khác im lặng thường coi đó như một chiến thắng.  Những xét đoán sai lầm và nói cho người khác để rồi họ không hiểu đúng về một người, trước mặt Chúa có thể là lỗi rất nặng.  Phúc Âm thánh Gioan gọi những xét đoán đó là: “Các ngươi căn cứ vào xác thịt mà xét đoán” (Gn 8,15).

Tôi thiếu tri thức nhận diện dữ kiện để nhìn ra sự thật.  Tri thức nào có đủ khả năng để đi vào những chi ly, phức tạp như văn hóa, giáo dục, tập quán, gia đình, tâm lý, sức khỏe của cả chủ thể xét đoán và khách thể bị đoán xét?

Một nghịch cảnh thông thường, nhưng đáng sợ nằm ẩn kín trong tôi đó là tình cảm của mình.  Thương ai tôi muốn làm vừa lòng người đó.  Tôi nhớ.  Tôi mong.  Nếu nỗi nhớ càng sâu và nỗi mong càng cao thì những sai lầm mà tôi sẵn sàng làm để chiều lòng người đó càng nặng.  Tình cảm có sức ma thuật che mờ lý trí và đẩy ý chí vào hành động cuồng dại.  Nó quá nhẹ nhàng nên tôi không nghe tiếng động. Nó quá sắc nên tôi không thấy vết thương.  Xét đoán của tôi không sao tránh khỏi “căn cứ vào xác thịt mà xét đoán.”

Lạy Chúa, con không thể nhìn thấu suốt tâm hồn tha nhân được, vì thế xét đoán của con bao giờ cũng là xét đoán “căn cứ vào xác thịt.”  Căn cứ vào xác thịt thì có sai lầm.  Khi con xét đoán sai lầm là con gây bất công cho kẻ khác.  Xét đoán của con không làm tha nhân ra xấu thêm, nhưng hậu quả của nó là làm con mất bình an.  Tâm hồn con không còn thanh thản, tươi sáng nữa, mà vương vấn vì những ý nghĩ đen tối.  Con đã tự đem mảnh trời u ám mặc lấy hồn mình.

Từ ý nghĩ xấu về tha nhân sẽ làm con xa tha nhân.  Từ chỗ xa cho đến chỗ nói thêm về tha nhân những điều họ không có là một bước rất gần.  Từ đó, bức tường ngăn cách cứ thế mà xây cao.  Nghi kỵ loang ra như một vềt dầu, làm hoen ố tất cả hồ nước xinh đẹp của cuộc sống.  Khi con xây tường cũng ngăn cách chính mình.  Thí dụ, Phúc Âm đã thuật lại thái độ của Pharisiêu.  “Các người thu thuế cùng những kẻ tội lỗi thường lui tới bên Ngài để nghe Ngài.  Và Biệt Phái kêu trách.  Họ nói: ông ấy tiếp nhận quân tội lỗi và cùng ăn với chúng” (Lc 15,1-2).  Thái độ của những người Pharisiêu luôn luôn là xét đoán.  Xét đoán đem đến đối nghịch.  Pharisiêu đã tự tách biệt họ ra, nhưng sự tách biệt này lại cô lập chính họ với ân sủng thiêng liêng là chính Chúa.

Phúc Âm dạy về xét đoán

Chỉ có Chúa mới thấu suốt tâm hồn mọi người, nên Chúa Cha đã dành quyền xét xử cho một mình Chúa mà thôi: “Mọi việc xử án ban cho Con” (Gn 5, 22).  Như thế, khi con phán đoán để xét xử về một người là con giành quyền đó của Chúa.  Thánh Giacôbê cũng viết: “Xét đoán anh em là xét đoán Lề Luật.  Nếu ngươi xét đoán Lề Luật thì ngươi không còn là kẻ giữ Luật, mà là Thẩm Phán.  Chỉ có một Đấng lập Luật và là Thẩm Phán, Đấng có quyền cứu rỗi và tiêu diệt.  Ngươi là ai mà dám xét đoán đồng loại” (Gc 4, 11-12).  Con lấy quyền không thuộc về con là con đã tái lập lại tội của Adong, Evà ngày xưa là “muốn trở nên như Thiên Chúa biết cả tốt xấu” (Kn 3, 5).  Ý nghĩa sâu xa của tội xét đoán là ở đó, chứ không phải chỉ là gây bất công.

Với tiêu chuẩn của xã hội, khi thấy một người sa ngã, xã hội kết án ngay.  Kẻ bị kết án thì đau khổ một mình.  Nhưng nguyên nhân của sa ngã có thể là do một người khác đã rải gai xuống lối đi của họ.  Biết đâu những gai đó đã do chính con gây ra.

Hoàn cảnh, lương tâm của một người là vùng đất vô cùng thánh, con không thể dẵm chân vào được, chỉ có Chúa mà thôi.

Chúa đã căn dặn con trong Phúc Âm thánh Gioan rất chi tiết: “Ta không xét xử ai, và nếu ta có xét xử, thì án của Ta chân thật, vì Ta không chỉ một mình nhưng có Ta và Đấng đã sai Ta” (Gn 8,15-16).  Trong mọi biến cố, Chúa cầu nguyện với Chúa Cha, rồi thi hành ý của Chúa Cha.  Riêng việc xét xử, thì chẳng những Chúa xét xử theo ý Chúa Cha, hơn nữa, Chúa không xét xử một mình, mặc dù đã được Chúa Cha trao quyền, mà Chúa lại còn xin Chúa Cha xét xử cùng với mình.  Cách cư xử cẩn thận của Chúa làm con lo sợ vì đã bao lần con quá coi thường, xét xử tha nhân.

Thánh Phaolô cũng căn dặn con: “Chính điều ngươi xét đoán kẻ khác, ngươi kết án chính mình ngươi” (Rom 2,1).  Và khi con xét đoán người khác là con “khinh thường kho tàng phong phú là lòng nhân từ, kiên nhẫn và quảng đại của Chúa” (Rom 2,4).

– Nếu con cần lòng nhân từ của Chúa đối với con thì tại sao lại khinh thường lòng nhân từ của Chúa với người khác?

– Nếu con cần lòng kiên nhẫn của Chúa để con có thời gian làm lại cuộc đời sau khi lầm lỗi thì tại sao con lại khinh thường lòng kiên nhẫn của Chúa với người khác?

– Nếu con cần lòng quảng đại của Chúa đối với sa ngã của con thì tại sao con lại khinh thường lòng quảng đại của Chúa với người khác?

Lạy Chúa, con cần ơn Chúa rất nhiều để kìm hãm mình khi con muốn xét đoán kẻ khác, vì đây là lời mời gọi cám dỗ rất nguy hiểm, nó đã gây nên biết bao đổ vỡ, xa cách.  Một thứ cám dỗ rất nguy hiểm được bao bọc bằng những lý do hết sức tinh vi.

LM Nguyễn Tầm Thường, S.J
Trích trong “Nước Mắt và Hạnh Phúc”

ĐÔI MẮT CỦA TÌNH YÊU

Chúng ta hình dung một cặp say sưa yêu nhau trong thời gian đầu; một người tân tòng yêu mến Chúa, cầu nguyện đến xuất thần; một thanh niên lòng đầy lý tưởng, làm việc không mệt mỏi vì người nghèo, lòng bừng bừng vì khao khát công bằng.  Hai bạn trẻ đó có yêu nhau thực sự không?  Người tân tòng đó có yêu Chúa thực sự không?  Nhà hoạt động xã hội trẻ có thật sự yêu người nghèo không?  Đó là những câu hỏi không dễ để trả lời.

Khi có cảm giác yêu là chúng ta thật sự đang yêu ai?  Yêu người khác?  Yêu bản thân?  Yêu mẫu hình và sinh lực nơi những người khác?  Yêu ảo tưởng của chúng ta về người đó?  Hay là yêu cái cảm giác mà trải nghiệm đó khơi lên trong chúng ta?  Khi yêu, chúng ta thật sự yêu người khác hay chỉ đắm mình trong một cảm giác tuyệt vời vốn có thể dễ dàng được vô số người khơi lên?

Có những câu trả lời khác nhau cho câu hỏi này.  Thánh Gioan Thánh Giá nói tình yêu là tất cả những điều này, là chúng ta thật sự yêu người đó, yêu ảo tưởng của chúng ta về người đó, và đắm mình trong cảm giác vui thích mà chuyện này khơi gợi lên trong lòng chúng ta.  Chính vì thế, một chuyện luôn xảy ra là, đến một lúc nào đó trong mối quan hệ, những cảm giác yêu nồng nàn mạnh mẽ nhường chỗ cho vỡ mộng – và theo định nghĩa, “vỡ mộng” là xóa tan những ảo tưởng, mộng tưởng sai lầm, những gì không có thật.  Với Thánh Gioan Thánh Giá, khi chúng ta yêu, thì một phần tình yêu đó là thật, và một phần là ảo tưởng.  Hơn nữa, ngài nói điều này cũng đúng với những cảm giác sốt sắng ban đầu của chúng ta khi cầu nguyện và làm những việc hảo tâm.  Có sự trộn lẫn cả hai, cả tình yêu chân thực và ảo tưởng.

Một vài phân tích khác lại không nương tay đến thế.  Nhiều phân tích xác định rằng mọi tình yêu ban đầu của chúng ta, dù là với người khác, với Thiên Chúa khi cầu nguyện, với người nghèo trong việc phục vụ, chủ yếu đều là ảo tưởng.  Xét cho cùng, chúng ta yêu chuyện được yêu, yêu những gì lời cầu nguyện làm cho ta, hoặc là yêu cảm giác chúng ta có được khi làm việc vì công bằng.  Người khác, Thiên Chúa và người nghèo, chỉ là điều thứ yếu.  Chính vì thế, chuyện thường xảy ra là khi lửa mến ban đầu nguội đi, thì tình yêu của chúng ta dành cho đối tượng cũng lạnh dần.  Khi ảo tưởng chết đi, thì cảm thức yêu cũng thế.  Chúng ta yêu mà không thật sự hiểu người kia, và chúng ta hết yêu mà cũng không thật sự hiểu người kia.  “Bắt đầu yêu” trong tiếng Anh là “fall in love” (tiếng Việt là rơi vào lưới tình, là phải lòng) và nó nói lên nhiều điều.  “Fall/ngã” không phải là điều chúng ta quyết định mà điều xảy đến với chúng ta.  Linh đạo về hôn nhân có một khẩu hiệu rất sáng suốt: hôn nhân là lựa chọn, yêu thì không.

Ai nói đúng đây?  Khi chúng ta yêu, bao nhiêu phần là tình yêu đích thực và bao nhiêu phần là ảo tưởng, vốn thật sự chỉ là chúng ta đang yêu chính mình?  Nhà thơ người Mỹ Steven Levine trả lời câu hỏi này từ một góc nhìn khác và soi rọi nhận định mới về vấn đề này.

Ông nói rằng, tình yêu không phải là “cảm xúc đối ngẫu.”  Với ông, mỗi khi chúng ta cảm nhận tình yêu chân thực, chính lúc đó, chúng ta cảm nhận sự đồng nhất với Thiên Chúa và vạn vật.  Ông viết: “Cảm nghiệm tình yêu trỗi dậy khi chúng ta buông bỏ sự tách biệt của mình trước sự đồng nhất toàn thể.  Nó là một cảm giác hợp nhất…  Nó không phải là cảm giác, đúng hơn là một tình trạng hiện hữu….  Nó không phải là ‘cả hai nên một’ cho bằng ‘một mà thể hiện như hai.’”  Nói cách khác, khi yêu ai đó, thì lúc ấy, chúng ta là một với người đó, không tách rời, đến nỗi dù cho những ảo tưởng và cảm giác của chúng ta chỉ nhắm vào tác động cho riêng chúng ta, nhưng luôn có đó một điều sâu sắc hơn và chân thực hơn nhiều.  Chúng ta là một với người kia trong hiện hữu, và khi yêu, chúng ta cảm nhận được điều đó.

Với quan điểm này, tình yêu chân thực không phải là cái chúng ta cảm nhận cho bằng là cái mà chúng ta là.  Về căn bản, tình yêu không phải là một cảm xúc gây xúc động hay một đức tính (dù chúng là những phần của tình yêu).  Tình yêu là một tình trạng siêu hình, chứ không phải một thứ đến rồi đi như cảm xúc, không phải một thứ mà chúng ta có thể chọn hoặc bỏ theo tinh thần của mình.  Tình trạng siêu hình là điều được trao, điều mà chúng ta tồn tại trong nó, điều mà một phần con người chúng ta cố kết dù chúng ta không nhận ra.  Do đó, tình yêu, thậm chí cả cảm giác mới yêu, có thể giúp chúng ta ý thức hơn về sự không tách rời của mình, về sự thống nhất hiện hữu của chúng ta với người khác.

Khi yêu đậm sâu hay nồng nhiệt, có lẽ (như lời Thomas Merton mô tả một thị kiến cha thấy ở một góc đường) chúng ta có thể tỉnh hơn khỏi mộng ảo tách biệt và ảo tưởng khác biệt để thấy được vẻ đẹp và chiều sâu nơi tâm hồn người khác.  Có lẽ nó cũng sẽ cho chúng ta thấy được người khác, thấy được phần mà cả tội, dục vọng hay sự tự ti đều không vươn đến được, phần cốt lõi hiện thực của con, là con người trong mắt Thiên Chúa.

Và thật là tuyệt vời, “nếu chúng ta có thể thấy người khác như thế suốt.” (theo lời cha Merton).

Rev. Ron Rolheiser, OMI

“TRỞ NÊN PHI THƯỜNG TRONG CUỘC SỐNG ĐỜI THƯỜNG”

Bài Tin Mừng hôm nay khiến chúng ta cảm xúc ngỡ ngàng, thậm chí hoảng sợ.  Nhiều người tín hữu, nhất là người không cùng tôn giáo với chúng ta cho rằng những tiêu chí mà Chúa Giêsu đề nghị là những ảo tưởng, vì những thực hành Chúa muốn chúng ta thực hiện hoàn toàn đối nghịch với quan niệm thông thường, ví dụ như chúc lành cho người nguyền rủa mình, ai vả má bên này thì giơ má bên kia nữa, ai muốn chiếm đoạt áo ngoài thì cho người ấy cả áo trong.  Chúng ta có lý khi ngạc nhiên trước lời khuyên của Chúa Giêsu.  Tuy vậy, đó chính là điểm độc đáo của Kitô giáo.  Những thực hành này làm cho chúng ta trở nên những người phi thường trong cuộc sống đời thường.

Thông điệp thứ nhất mà Lời Chúa muốn gửi đến chúng ta, đó là Tình yêu.  Thông thường, chúng ta yêu những người quý mến mình.  Đó cũng là điều bình thường và hợp lệ, theo lẽ công bằng.  Người ta yêu mình thì mình quý mến người ta.  Người ta làm điều tốt cho mình, thì mình làm điều tốt cho người ta.  Tình yêu Chúa Giêsu rao giảng được gọi là “bác ái” tức là lòng yêu mến rộng rãi đối với hết thảy mọi người, không phân biệt người tốt hay người xấu.  Theo quan niệm Kitô giáo, bác ái không phải chỉ là một cảm xúc hay tình trạng tâm lý nơi con người, mà đó còn là một nhân đức đối thần.  Đức Ái được Chúa ban cho chúng ta khi lãnh nhận Bí tích Thanh tẩy.  Nhờ Đức Ái, chúng ta yêu mến Chúa với tình yêu trọn vẹn và yêu mến tha nhân với lòng vị tha.  Chính Đức Ái thúc đẩy chúng ta, nhờ đó mà chúng ta có những nghĩa cử cao cả mạnh mẽ tới mức anh hùng, như yêu mến kẻ thù, chúc phúc cho người nguyền rủa mình.  Đức Ái cũng giúp chúng ta kiên nhẫn trước những vu khống, mưu mô của những người ghen ghét chúng ta.

Đương nhiên, chúng ta phải xác định rõ, giáo huấn của Chúa Giêsu hoặc Đức Ái Kitô giáo không nhằm ủng hộ một lối sống nhẫn nhịn cam chịu và hèn nhát.  Chính Chúa Giêsu, khi một người lính vả vào mặt, Người đã vặn hỏi: “Nếu tôi nói sai, anh hãy chứng minh xem tôi sai ở chỗ nào; còn nếu tôi nói phải, sao anh lại đánh tôi?” (Ga 18,23).  Chúa Giêsu và hôm nay là Giáo Hội của Người không cổ võ cho bất cứ hình thức bất công nào trong xã hội.  Trái lại, Giáo Hội luôn bênh vực những người nghèo và là tiếng nói của những người không có tiếng nói trong cuộc sống.

Thông điệp thứ hai của Lời Chúa hôm nay, đó là lòng bao dung.  Mọi mâu thuẫn đổ vỡ từ gia đình đến xã hội đều do tính ích kỷ và cố chấp của con người.  Vì thiếu bao dung mà một người vốn hiền lành bỗng dưng trở thành kẻ sát nhân, rồi khi hối hận và phải vào tù thì đã quá muộn.  Chúa Giêsu nói với chúng ta: hãy bao dung, vì mỗi người cũng có những lầm lỗi.  Không ai là người hoàn hảo trong cuộc đời.  Hơn nữa, theo nhãn quan Kitô giáo, những ai tha thứ, sẽ được Chúa thứ tha.  Chúng ta thường đọc điều này trong kinh Lạy Cha.

Bài trích sách Samuen nói với chúng ta một gương mẫu của lòng bao dung, đó là vua Đavít (Bài đọc I).  Ông đang bị vua Sa-un truy bắt, vì vua cho rằng Đavít có ý định chiếm ngôi vua.  Trong cuộc truy bắt này, có một thời điểm mà Đavít có thể giết vua dễ dàng, nhưng ông không làm thế, vì ông tôn trọng vua là người được xức dầu.  Đavít đã thể hiện lòng nhân hậu của mình, khi ông tuyên bố: “Hôm nay, Đức Chúa đã nộp vua vào tay tôi, nhưng tôi không muốn tra tay hại đấng Đức Chúa đã xức dầu tấn phong.”

Cuối cùng, Lời Chúa dạy chúng ta về tình liên đới.  Không dừng lại ở tình yêu mến và sự bao dung, Đức Ái Kitô giáo còn thúc đẩy chúng ta chia sẻ với tha nhân về tinh thần và vật chất.  Ai trong chúng ta cũng muốn người khác làm cho mình những điều tốt đẹp.  Vậy thì mỗi chúng ta hãy làm những điều tốt đẹp cho người khác.  Mỗi chúng ta hãy trở nên người thân cận đối với tha nhân.  Chúa dạy chúng ta: đong đấu nào, sẽ nhận lại đấu ấy.  Hơn thế, đấu nhận lại còn dồi dào phong phú hơn nhiều.  Đấu mà chúng ta nhận lại, là chính phần thưởng Chúa ban cho chúng ta, vì Chúa là Đấng nhân hậu và quảng đại.

Hành trình Đức tin của người Kitô hữu cũng là hành trình nên hoàn thiện.  Theo Thánh Phaolô, con người vừa mang hình ảnh ông Ađam từ đất mà ra, đồng thời cũng mang hình ảnh Đức Kitô từ trời mà đến.  Nên hoàn thiện, chính là tiến trình luyện lọc mỗi ngày, để giảm thiểu điều bất xứng và làm tăng thêm những nhân đức, làm cho hình ảnh Đức Kitô sống động nơi hành vi cử chỉ và lời nói của mình.  Đức tin không bứng người tín hữu khỏi cuộc sống đời thường, nhưng thêm sức mạnh để họ tuân giữ giáo huấn của Chúa.  Nhờ việc tuân giữ những điều Chúa dạy, Kitô hữu trở nên những người phi thường trong cuộc sống đời thường.  Chúng ta có lý để xác tín điều đó, vì đối với Chúa, nhưng điều không có thể, sẽ trở thành những điều có thể.

“Người đầu tiên biết nói lời xin lỗi là người dũng cảm nhất.  Người đầu tiên biết cách tha thứ là người mạnh mẽ nhất.  Và người đầu tiên biết cách quên đi quá khứ đau buồn là người hạnh phúc nhất” (Sưu tầm).

TGM Giuse Vũ Văn Thiên

NỖI ĐAU TÂM LINH

Chúa Giêsu thở dài mà nói, “Tại sao thế hệ này lại xin điềm lạ?”

Một người kia, sau 25 năm, vẫn một công việc với một mức lương cố định; anh đến gặp ông chủ và than phiền, “Tôi cảm thấy mình đã bị lãng quên, tôi đã có một phần tư thế kỷ kinh nghiệm.”  Ông chủ anh thở dài và nói, “Bạn thân mến, bạn chưa có một phần tư thế kỷ kinh nghiệm; bạn chỉ có một kinh nghiệm trong một phần tư thế kỷ!”

Kính thưa Anh Chị em,

“Bạn chưa có một phần tư thế kỷ kinh nghiệm!”  Một trùng hợp đầy thú vị, Chúa Giêsu trong Tin Mừng hôm nay cũng thở dài, vì xem ra, giới biệt phái cũng chưa có kinh nghiệm về Ngài.  Ngài thở dài khi họ kéo nhau đến tranh luận với Ngài; và sau đó, đòi Ngài một dấu lạ từ trời.  Tiếng thở dài của Ngài đã tiết lộ một ‘nỗi đau tâm linh’ sâu sắc bên trong!

Rất giống với bản dịch BJ của Pháp và NAB của Hoa Kỳ, cha Nguyễn Thế Thuấn dịch câu này là, “Tự tâm thần, Ngài rên lên.”  Rõ ràng, đây không phải là một tiếng rên hay một tiếng thở dài bình thường; nó nói lên nhiều điều hơn là một cảm xúc.  Vậy thì điều gì đã xảy ra với Chúa Giêsu khiến Ngài não nuột đến thế?  Tiếng thở dài này cho thấy một nỗi xót xa bên trong con người Ngài; đó là một ‘nỗi đau tâm linh’ đến từ việc một tình yêu bị từ chối, một nỗi đau vì yêu.  Đó là kết quả của việc Ngài chân thành yêu thương những con người này; nhưng đáp lại, họ từ chối ân điển Ngài đem đến và thay vào đó, là sự thù hận, giết chóc.  Chính điều này khiến Chúa Giêsu tê tái; Ngài đau đớn vô cùng khi tình yêu vô bờ Ngài dành cho họ hóa ra công cốc!

Một điều lý thú là, hiếm khi chúng ta nghĩ đến tình yêu Chúa Giêsu dành cho những người biệt phái và ký lục!  Sự thường, chúng ta chỉ nghĩ đến những lời khắt khe thẳng thừng của Ngài; thế nhưng, mọi lời mạnh mẽ Ngài hướng đến họ không ngoài mục đích biến đổi họ, để họ có thể nhận ra tình yêu của Ngài.  Về phần Ngài, đó là một nỗ lực để lay động và thức tỉnh họ khỏi sự thờ ơ và từ chối ân điển Ngài tặng ban.  Hành động của Ngài là một hành động của tình yêu!

Câu hỏi đặt ra hôm nay là, ‘Có bao giờ Chúa Giêsu phải thở dài vì sự thờ ơ hay cứng lòng nơi mỗi người chúng ta?’  Thật bất ngờ, phải chăng Ngài cũng thở dài vì chúng ta ‘hoài nghi’, ‘giao động’ hoặc ‘hai lòng’ như gợi ý của thánh Giacôbê trong bài đọc thứ hai hôm nay, “Ai hoài nghi, thì giống như sóng biển bị gió cuốn đi và giao động!” “Con người hai lòng, do dự trong mọi đường lối, con người ấy đừng mong lãnh nhận gì nơi Chúa!”  Thật ý nghĩa với tâm tình thống hối của Thánh Vịnh đáp ca, “Lạy Chúa, xin chạnh lòng thương cho con được sống!”

Anh Chị em,

“Bạn chưa có một phần tư thế kỷ kinh nghiệm!”  Phải, cả chúng ta, phải chăng chúng ta cũng chưa có một phần tư thế kỷ kinh nghiệm về Chúa Giêsu!  Nếu có một kinh nghiệm già dặn về Ngài, kinh nghiệm về ân sủng, kinh nghiệm về cầu nguyện, kinh nghiệm về thống hối… hẳn chúng ta đã nên thánh từ lâu!  Tắt một lời, Chúa Giêsu chưa được chúng ta yêu mến!  Vậy mà Chúa Giêsu sẽ không để cho Ngài được yêu mến nếu Ngài không phải là Ngài, là một Giêsu nào đó; cũng như Ngài sẽ chẳng khát khao chúng ta khi chúng ta không phải là chính mình!  Ngài phải là Ngài và chúng ta phải là chính mình!  Chúng ta có thể muốn nhiều điều cho hạnh phúc của mình, nhưng Chúa Giêsu lại muốn chúng ta chấp nhận rằng, ý muốn của Thiên Chúa phải là trọng tâm của ‘đỉnh cao toàn thiện’ nơi mỗi người chúng ta!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin giúp con biết yêu mến Chúa bằng một tình yêu trong sáng và thánh thiện.  Cho con biết cảm nhận một ‘nỗi đau tâm linh’ về tội lỗi mình và tội lỗi người khác, mà vì đó, Chúa phải thở dài!”  Amen.

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

KHI NGƯỜI KHÔNG ÐÁP TRẢ

Ai trong các con có bạn hữu nửa đêm đến nhà mình nói: Bạn ơi, cho tôi mượn mấy tấm bánh, vì bằng hữu ở xa tới mà tôi hết đồ ăn rồi.  Người kia ở trong trả lời: Ðừng quấy rầy người ta, cửa đóng rồi, trẻ nhỏ ngủ hết, ai dậy mà lấy cho ông được.  Nhưng nếu họ cứ gõ hoài.  Ta bảo thật, người ấy không dậy mà cho vì tình bạn bè thì ít ra vì họ quấy rầy nên cũng ráng dậy mà lấy cho họ.  Nên Ta bảo cho các con rõ: Vì hễ ai xin, sẽ được, ai tìm sẽ thấy, ai gõ sẽ mở cho (Lc. 11: 5-10).

Chúa bảo tôi đến gõ cửa, ở đấy có chờ đợi.  Ðó là lời xác định của Chúa.  Như vậy, chắc chắn tôi sẽ bắt gặp nếu tôi kiếm tìm, tôi sẽ tìm thấy nếu tôi van xin.

*************************************

Nhưng trong đời, tôi đã kinh nghiệm một nỗi bận tâm khó hiểu.  Tôi gọi mà Chúa không đáp trả.  Tôi xin mà Chúa không cho.  Có những vực sâu của tâm hồn, có những đêm dài bất an, tôi hướng về Chúa nhưng tôi không gặp.  Tôi không ước mơ những ước mơ lớn.  Tôi chẳng xin sang giàu.  Tôi chỉ xin cho tôi nhẹ bớt khổ đau tâm hồn.  Tôi chỉ xin cho đỡ kéo dài bệnh tật của thân xác.  Tôi chỉ xin Chúa soi cho tôi một ánh đèn khi tôi phải quyết định những vấn đề quan trọng.  Tôi chỉ xin Chúa giữ tôi lại trước đêm đen mịt mùng cám dỗ.  Nhưng tiếng tôi từ vực sâu lại vọng về với tôi trong nỗi vắng.  Những lúc tôi cần Chúa nhất thì Ngài lại bỏ tôi đi xa.  Vì sao Người im tiếng?

 *************************************

Ngài im tiếng.  Hay có phải Ngài đang nói mà tôi không nghe?  Ngài chối từ.  Hay có phải cánh cửa đã mở mà tôi không vào vì có vũ tiệc của mùa xuân trần thế ở chung quanh?  Ngài im lặng.  Hay có phải Ngài bảo tôi: Hãy vào sa mạc, hãy ra bờ đá lặng thinh, hãy khép lại bớt cửa lòng rồi con sẽ nghe thấy tiếng Cha.  Nhưng tôi chán những bờ đá vắng vẻ, và tôi đã yêu những vũ tiệc của mùa xuân trần thế ở chung quanh.  Làm sao tim tôi nghe được tiếng con họa mi đang hót khi mà bầy ve sầu đam mê đang kêu inh ỏi trong hồn?

Ngài thờ ơ.  Hay có phải Ngài không đáp trả vì tôi bất xứng với ân sủng của Ngài.  Chẳng ai có thể trách vì sao không có mặt trời nếu họ cứ sống dưới hầm tối, vực sâu.  Chẳng ai có thể trách vì sao không có bình an nở giữa khu vườn tham lam.  Người cha tốt là người cha đóng cửa nhà mình để đứa con khỏi ngày ngày về lấy gia tài đi hoang đàng, phung phí.

Vì sao Chúa không cho tôi điều tôi xin?  Ðã bao lần Chúa bắt tôi đi.  Gian nan.  Mỏi.  Tôi muốn ghé tạm xuống đường ngồi nghỉ.  Nhưng Chúa biết để tôi ngồi nghỉ, dần dà tôi sẽ nghe theo tiếng nói của đất thấp, tôi sẽ lười biếng đối với tiếng gọi của trời cao.  Tôi trách vì sao Người không cho tôi lập nghiệp trên những ước mơ của tôi, xin làm quê hương trên những ý nghĩ riêng tư của tôi.  Ngài chẳng đáp trả, vì Ngài biết đường dễ dãi sẽ dẫn đến hư đi.  Trong những đêm đen như mù mịt, tôi gõ nhưng cánh cửa chẳng mở.  Phải chăng chỉ có Ngài, Ngài mới biết những gì là tốt nhất cho phần rỗi của tôi.  Như vậy, không đáp trả có là dấu chỉ của tình thương?

*************************************

Khi không đáp trả, đấy cũng là một cách trả lời.  Trả lời bằng lặng im nhiều khi lại là câu trả lời thâm sâu và hàm chứa nhiều ý nghĩa.

Tôi không đến với ai mà tôi biết chắc rằng tôi không thể tin cậy.  Khi đến xin Chúa trợ giúp là tôi đặt niềm tin nơi Ngài.  Nếu đã đặt niềm tin thì sao lại có thể phân vân.  Khi Ngài im lặng như không đáp trả, tôi lo âu, thì đấy là dấu hiệu niềm tin đó không vững vàng.

Niềm tin là lời cầu nguyện để xin được biến đổi.  Như thỏi đất sét tin mình nằm trong tay người thợ lành nghề.  Người thợ gốm biết loại đất sét nào có sức chịu đựng để đúc gạch lót đường, loại nào có thể tạc tượng.  Niềm tin vững vàng là phó thác trong tay người thợ gốm vì tin rằng mình được yêu thương và săn sóc.  Tin vững vàng hệ tại phó thác rằng Chúa là người thợ gốm khôn ngoan và không lầm lẫn trong công trình sáng tạo.  Chứ tin vững vàng không có nghĩa là tin mình sẽ biến đổi được ý định của Chúa để đạt được điều mình xin.  Có những lời xin chẳng bao giờ được đáp trả nhưng lại là một ân sủng thật lớn lao.

*************************************

Ngày còn bé tôi không biết cầu nguyện thế nào.  Những ngày bom nổ nhiều là những ngày mẹ tôi càng lo.  Mỗi tối, mẹ tôi bảo tôi ngồi lần hạt cầu nguyện cho cha ngoài trận tuyến.  Trong trí óc non dại, tôi cầu nguyện cho cha tôi được bình yên.  Một lằn đạn hiểm nghèo.  Một trái mìn kín đáo.  Ðời sống bếp bênh như treo bằng sợi chỉ.  Chỉ một giấy báo tin thôi, tôi sẽ là đứa mồ côi.  Mẹ tôi sẽ là góa phụ.  Tôi đã thấy nhiều lá cờ trải lên mộ đất.  Tôi đã thấy nhiều chuyến xe nhà binh chở đơn độc một quan tài, người thiếu phụ đội nón trắng ngồi lặng lẽ không còn nước mắt để khóc.

Rồi chuyện một đêm đã đến.  Chiến tranh đổ xuống trên mảnh đất quê tôi.  Tôi còn bé, nhưng tôi hiểu những nghẹn ngào của người có thân nhân vừa mới vĩnh biệt.  Mưa ướt lẹp xẹp, tôi nghển cổ nhìn qua cửa sổ đông chật người.  Một chiều mưa ảm đạm, lạnh lẽo làm sao.  Mái lá thấp đổ những dòng mưa thảm não.  Tôi vẫn còn nhớ cái buổi chiều xám nặng nề ấy cho tới hôm nay.  Ðôi chân của cậu X. chết nằm sóng sượt trên cái phản gỗ.  Bùn dính lem luốc.  Mợ X. khóc thảm thiết bên xác chồng mới chết trận.  Ai đã bắn chết cậu?  Có phải kẻ mà cậu chưa kịp bắn?

Tò mò, tôi theo những đứa trẻ khác ra ven rừng xem xác chết.  Những hố bom cày tung đất còn mới nguyên.  Vải băng trắng còn lẫn với xác người chưa kịp thu.  Giữa những xác người ấy, tôi thấy một người nằm chết cong queo, cụt chân vì bom nổ, máu bầm khô bết vào áo đầm đìa.  Mặt cháy đen.  Nhìn kỹ trên khuôn mặt ấy, tôi không quên được là chuỗi tràng hạt vẫn quàng vòng quanh cổ.  Kẻ chết là một bộ đội miền Bắc.  Ðiều làm tôi ngỡ ngàng là bộ đội cộng sản cũng tin vào Chúa như tôi sao?

Từ ngày đó, mỗi lần giúp lễ, nhìn lên thánh giá mà hồn tôi bâng khuâng.  Tôi thấy Chúa buồn.  Quỳ đây, tôi cầu nguyện xin Chúa chở che cha tôi ngoài chiến trận.  Nhưng người cán binh bộ độ ấy, có thể cũng có một đứa con trai bằng tuổi tôi ở ngoài miền Bắc.  Nó cũng là cậu bé giúp lễ.  Cứ mỗi sáng, mẹ nó cũng đánh thức nó dậy thật sớm để giúp lễ, cầu nguyện cho cha đang ở mãi trong miền Nam heo hút.  Năm tháng bặt tin, chắc chiều chiều, tối tối, mẹ nó cũng rối bời lòng trí, thẫn thờ nhìn về phương Nam, dục nó đọc kinh.  Chúa nghe lời tôi để cha tôi giết họ?  Chúa nghe lời cậu bé kia để cha cậu giết cha tôi?  Cả hai cậu bé đều cầu nguyện, Chúa biết nghe lời ai?

Tôi không tin là Chúa có câu trả lời.  Tôi chỉ cảm thấy rằng Chúa khó xử ghê gớm lắm.  Chúa trên thập giá như càng thêm đau đớn.  Mỗi lời cầu của tôi là một vết thương cho Ngài.  Mỗi nỗi lo âu của cậu bé ngoài miền Bắc kia làm Ngài thêm khổ tâm.

Tôi hình dung Chúa như một người cha.  Ðứa con thứ nhất chạy đến: Cha ơi, đưa con dao cho con để con chém nó.  Ðứa con kia chạy lại, sợ hãi: Cha ơi, đừng đưa!  Cha có biết rằng con cũng là con của cha sao?  Và người cha chỉ còn biết đớn đau mà thôi, vì cả hai con đều là con của mình.

Từ đó, mỗi buổi sáng giúp lễ, tôi thấy Chúa trên thập giá như ngậm ngùi.  Tay giang rộng cứ thêm mãi khổ thương.  Từ ngày đó, trong cái trí óc non nhỏ của tôi, tôi hiểu mơ màng rằng bất cứ hành động nào gây thương tích cho nhau cũng là làm khổ cho Cha trên trời.

*************************************

Lạy Chúa,
Mỗi khi con cầu nguyện thì cho con biết xin được biến đổi, chứ đừng biến đổi Chúa.  Làm sao con có thể biến đổi sự khôn ngoan của Chúa thành sự vụng về của con.  Khi con nài Chúa làm theo ý con là con muốn đem sự hoàn hảo của Chúa thành những bất toàn giống như của con.

Con ngỡ tiếng sói sủa là vui tai.  Con ngỡ lời mời của Satan là tha thiết. Con ngỡ trái táo hồng có hương thơm, nào ngờ đâu con có biết sâu độc làm tổ ở bên trong.  Những lời con xin nhiều khi rất đẹp, nhưng chỉ là đẹp theo cái nhìn của con mà thôi.

Lạy Chúa,
Xin cho con hiểu rằng có những lời xin mà Chúa chẳng thể đáp trả được.  Và chính lúc Chúa im lặng lại là lúc Chúa đang nói với con bằng ngôn ngữ nhiệm mầu nhất.

Lm Nguyễn Tầm Thường, SJ
trích trong “Con Biết Con Cần Chúa”

HAI CON ĐƯỜNG

Khi đọc Thánh Kinh, nhất là phần Tân Ước, chúng ta thấy các tác giả thường trình bày những nhân vật hay hình ảnh đi cặp đôi với nhau, ví dụ: hai con đường, một con đường hẹp và một con đường rộng; hai người con, một người con bỏ nhà đi hoang, một người con ở nhà với cha; hai người lên đền thờ cầu nguyện, một người thu thuế và một người biệt phái.  Chúa Giêsu thường dùng cách diễn tả này để nói với chúng ta: con người có tự do chọn lựa một trong hai lối sống, giữa trung thành và phản bội, giữa thánh thiện và tội lỗi.  Đó là hai con đường mà chúng ta tự do lựa chọn, một dẫn tới hạnh phúc và một dẫn tới bất hạnh.  Một khi đã lựa chọn, chúng ta phải lãnh trách nhiệm về sự lựa chọn ấy.

Thiên Chúa không tạo dựng nên sự dữ.  Sự dữ là sản phẩm do tội lỗi và ích kỷ của con người.  Thiên Chúa cũng không định cho ai phải đau khổ.  Ngài không gò ép ai, nhưng để con người tự do chọn lựa.  Đây cũng là quan điểm của dân gian Việt Nam: ai gieo gió ắt sẽ gặt bão, trồng cây nào, ăn quả nấy.

Những ai tin vào người đời, gạt bỏ Thiên Chúa và coi những giá trị trần tục như lý tưởng, giống như cây mọc trong sa mạc.  Cây trong sa mạc sẽ khô cằn, không sinh hoa kết trái.  Những ai tin tưởng phó thác vào Chúa, xa tránh những hành vi bất hảo và chọn Chúa làm gia nghiệp, giống như cây mọc bên bờ suối, bốn mùa quanh năm đều cành lá xanh tươi và hoa trái dồi dào.

Từ hai ngàn năm, chứng từ về sự phục sinh của Chúa Kitô được rao giảng cho mọi người.  Có rất nhiều người đón nhận với thành tâm thiện chí, nhờ đó mà trở nên hoàn hảo.  Trái lại, có những người lại nghi nan chối từ, cho đó là chuyện hão huyền, vì vậy mà trở nên bất hạnh.  Trong thư gửi giáo dân Corinthô, thánh Phaolô khẳng định: Chúa đã sống lại.  Sự phục sinh của Chúa là nền tảng Đức tin đối với Kitô hữu, đồng thời mặc cho phẩm giá con người một ý nghĩa mới, tức là con người sẽ được sống lại với Chúa sau khi đã kết thúc cuộc sống trần gian.

Tác giả Thánh vịnh thứ nhất tiếp nối dòng suy tư của ngôn sứ Giêrêmia.  Ông ca tụng những người khôn ngoan, biết lắng nghe và thực thi Lời Chúa.  Những người này giống như cây trồng bên suối nước, quanh năm ra hoa kết trái.  Ông cũng phê phán những người chỉ biết có đời này, và đắm chìm trong ăn chơi sa đọa.  Họ giống như vỏ trấu, sẽ bị gió cuốn đi.  Tương lai của họ là hư vô.

“Hạnh phúc thay! Bất hạnh thay!”  Đó là những lời mở đầu mà Chúa Giêsu đã dùng để diễn tả những người thiện chí và những người dửng dưng với Nước Trời.  Nếu thánh Matthêu ghi lại tám mối phúc thật, là phần khởi đầu của bài giảng trên núi, thì thánh Luca lại ghi lại bài giảng của Chúa Giêsu với một hình thức khác.  Nội dung của Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy bốn mối phúc và bốn mối họa được trình bày song đối với nhau.  Thực ra, những lời được gọi là “chúc dữ” không hẳn là những lời nguyền rủa khi người ta giận dữ và muốn “trù ẻo” người khác.  Thiên Chúa tự bản chất là Đấng tốt lành, không lẽ Đức Kitô lại buông những lời nguyền rủa đối với con người, mặc dù họ xấu xa và tệ hại đến đâu đi nữa.  Để dễ hiểu hơn, thay vì dịch “Khốn cho các ngươi…”, nên dịch là “Thật bất hạnh cho các ngươi…”  Vì đây là những lời than vãn và luyến tiếc cho những con người đáng lẽ ra phải sống tốt lành, nhưng trong thực tế lại không được như vậy.  Đây cũng là những lời cảnh báo vì thấy trước những nguy hiểm đang chờ đợi họ ở tương lai, là kết quả của lối sống vô tín đối với Chúa, và vô trách nhiệm đối với tha nhân.

Nguyên nhân của những than vãn hay của những lời chúc dữ ấy là gì?  Đó là sự cậy dựa vào sức mạnh phàm nhân.  Theo lời Chúa Giêsu, đó còn là sự kiêu ngạo, cậy vào của cải trần thế.  Họ là những người giàu có, no nê và đang vui cười.  Dường như họ không cần đến Thượng Đế, vì họ tự cho mình có sức mạnh vô song, có khả năng làm mọi sự.  Có một thời, ở Việt Nam, người ta cho rằng niềm tin vào Thượng Đế đã lỗi thời và lạc hậu.  Vì vậy, con người có thể “thay trời làm mưa.”  Người ta cũng thường rêu rao “bàn tay ta làm nên tất cả.”  Đây là lối suy nghĩ ảnh hưởng thuyết vô thần duy vật, coi con người như những “thượng đế” và tự quyết định tương lai, không cần đến thần linh hay Đấng Cao cả nào khác.  Thực tế đã chứng minh cho chúng ta thấy một xã hội loại trừ Thiên Chúa sẽ trở nên bất hạnh.  Hậu quả là bạo lực, dối trá, lường gạt tràn lan mọi lãnh vực của cuộc sống.

Chúng ta vừa vui mừng đón xuân mới Nhâm Dần.  Mùa xuân là thời điểm cây cối đâm chồi nảy lộc.  Mùa xuân cũng tượng trưng cho sức sống, tình yêu và hy vọng.  Ước chi mỗi Kitô tín hữu chúng ta đâm chồi nảy lộc trong đời sống thiêng liêng và trong những nghĩa cử bác ái.

Hạnh phúc hay bất hạnh, được cứu rỗi hay bị trầm luân, được khen thưởng hay bị kết án… tất cả đều do chúng ta chọn lựa.  Trước mặt chúng ta luôn có hai con đường.  Nếu chúng ta chọn lựa con đường thánh thiện, Chúa sẽ luôn đồng hành và chúc phúc cho chúng ta.

TGM Giuse Vũ Văn Thiên

TÌNH YÊU MUỐN CHÚNG TA LÀM GÌ LÚC NÀY?

“Hoàn toàn có thể cho rằng chúng ta tạo nên Thiên Chúa theo hình ảnh mình, khi mà hóa ra Chúa ghét mọi người chúng ta ghét.”  Anne Lamott

Những lời này đáng để suy ngẫm, khi nhìn vào mọi mặt của sự phân rẽ chính trị và tôn giáo thời nay.  Chúng ta đang sống trong sự chia rẽ đầy cay đắng.  Từ các viên chức chính phủ cho đến bàn ăn trong gia đình, có thể thấy được một sự căng thẳng và chia rẽ về chính trị, tôn giáo và những sự thật tùy biến đến độ vô lý lố bịch.  Đáng buồn thay, những chia rẽ này lại khơi lên những gì xấu xa nhất trong tất cả chúng ta.  Sự lễ độ đã rạn vỡ và cùng với nó là một thứ gì đó minh họa rõ ràng định nghĩa trong Kinh thánh về “ma quỷ”, nói cụ thể chính là, sự vô lễ, thù ghét, và xem người ta là ma quỷ, ngày càng lan rộng.  Tất cả chúng ta giờ thiển cận tự mãn cho rằng Chúa ghét hết tất cả những người mà chúng ta ghét.  Sự phân cực trong cuộc bầu cử mới đây ở Hoa Kỳ, vụ tấn công chiếm điện Capitol, những tranh cãi luân lý và tôn giáo đầy chua cay về phá thai, và việc mất đi khái niệm về sự thật, tất cả những điều này làm rõ rằng sự khiếm nhã, thù ghét, vô lễ và sự thật tiện dụng đang thống trị thời này.

Chúng ta sẽ đi về đâu đây?  Tôi là thần học gia, không phải chính trị gia hay nhà phân tích xã hội, nên những ý kiến của tôi thiên về cương vị môn đệ Kitô giáo, và sự trưởng thành nhân văn căn bản hơn là về các phản ứng chính trị.  Trong mặt tôn giáo, chúng ta sẽ đi về đâu đây?

Có lẽ để tìm hiểu cách phản ứng hợp lý trong Kitô giáo, chúng ta nên đặt vấn đề như thế này: trong một thời như thế này, yêu thương nghĩa là gì?  Yêu thương nghĩa là gì trong một thời mà người ta không còn nhất trí rằng cái gì là sự thật?  Làm sao chúng ta lễ độ và lịch sự khi cảm thấy không thể nào tôn trọng những người bất đồng với mình?

Để làm rõ một vấn đề quá phức tạp, đôi khi nên thực hiện bằng Via Negativa, nghĩa là hỏi xem mình nên tránh làm gì?  Chúng ta không nên làm gì trong thời nay?

Trước hết, chúng ta không được bỏ qua phép lễ độ và biến cung cách vô lễ và quỷ hóa người khác thành chuyện hợp tình hợp lý, nhưng chúng ta cũng không nên tiêu cực không lành mạnh, sợ rằng nói ra sự thật sẽ khiến người khác bực mình.  Chúng ta không nên bất chấp sự thật và để cho những dối trá, bất công trơ tráo diễu võ dương oai.  Quá đơn giản để nói rằng cả hai phía đều có người tốt, để rồi chúng ta dựa vào đó mà trốn tránh đưa ra phán quyết thật sự về sự thật.  Cả hai phía đều có những người chân thành, nhưng sự chân thành cũng có thể bị dẫn dụ.  Chúng ta phải chỉ thẳng mặt dối trá và bất công.  Cuối cùng, chúng ta phải chống lại cám dỗ tinh vi đến nỗi gần như không thể chống lại, dụ chúng ta để cho sự công chính của mình biến thành tự phụ, một trong những thứ gây chia rẽ nhất do cái tôi quá lớn.

Chúng ta cần làm gì vì tình yêu thương?  Fyodor Dostoevsky từng viết rằng yêu thương là một thứ đáng sợ và khắc nghiệt, và phản ứng đầu tiên của chúng ta là phải chấp nhận sự thật như thế.  Yêu thương là thứ khắc nghiệt, nó không chỉ là sự khó chịu khi đối đầu người khác hoặc bị họ đối đầu.  Sự khắc nghiệt của yêu thương thể hiện rõ nhất (gần như là không chấp nhận nổi) khi chúng ta phải dằn sự tự phụ của mình xuống để có được một mức độ trưởng thành cao hơn, để chấp nhận rằng Thiên Chúa yêu thương những người chúng ta ghét không kém gì yêu thương chúng ta, và trong mắt Thiên Chúa, họ cũng quý báu và quan trọng y hệt như chúng ta.

Khi chấp nhận được điều này, chúng ta có thể bắt đầu lên tiếng vì sự thật và công lý.  Rồi sự thật có thể đương đầu với “sự thật tùy biến” và sự chối bỏ sự thật.  Nhiệm vụ của chúng ta là thế đấy.  Phải vạch trần sự dối trá, và chúng ta cần điều này trong các tranh luận chính trị, trong hội thánh và trên bàn ăn gia đình mình.  Có nhiều lúc, đấu tranh này đòi buộc chúng ta phải bỏ đi “sự ân cần” vốn là một chuyện rất khó với những người nhạy cảm.  Tuy nhiên, dù không thể nào luôn mãi ân cần, nhưng chúng ta có thể luôn lễ độ và lịch sự.

Một trong những nhân vật mang tính ngôn sứ đương thời, linh mục Dòng Tên Mỹ Daniel Berrigan, bất chấp nhiều lần bị bắt vì bất tuân luật dân sự, đã kiên quyết khẳng định rằng một ngôn sứ phải có lời khấn yêu thương chứ không phải lời khấn ghét bỏ.  Do đó, trong mọi nỗ lực để bảo vệ sự thật, để lên tiếng vì công lý, và nói lên sự thật với cường quyền, thì chúng ta phải nói bằng yêu thương, chứ không phải giận dữ hay thù ghét.  Hơn nữa, việc chúng ta hành động bằng yêu thương hay ghét bỏ, sẽ luôn thể hiện ra nơi phép lễ độ hoặc thiếu lễ độ.  Dù chúng có giận dữ đến đâu đi nữa, tình yêu thương vẫn giữ cho chúng ta một phép lễ độ, lịch sự bắt buộc phải có.  Mỗi khi thấy mình rơi vào sự hấp tấp muốn quy chụp ai đó, là chúng ta có thể chắc chắn rằng mình đã rời xa tinh thần môn đệ, tinh thần ngôn sứ và những gì tốt đẹp nhất trong chúng ta.

Cuối cùng, cách chúng ta phản ứng với thời đại vẫn là một chuyện rất riêng của chúng ta.  Không phải tất cả chúng ta đều được mời gọi làm một việc như nhau.  Thiên Chúa đã cho chúng ta những ơn gọi độc nhất vô nhị, có người được gọi để phản kháng công khai, có người được gọi để phản kháng thầm lặng.  Tuy nhiên, tất cả chúng ta đều được kêu gọi tự vấn mình cùng một câu hỏi rằng: trước những chuyện hiện giờ, tình yêu muốn mình làm gì đây?

Rev. Ron Rolheiser, OMI

MẸ LÀ MÙA XUÂN

Ôi Maria, Mẹ là Mùa Xuân ánh sáng
Mẹ là cửa son đền vàng
Bến lành vào Quê Bình an (Mẹ là Mùa Xuân – Hùng Lân)

Mùa xuân luôn mang một hình ảnh đẹp đẽ thân thương.  Mùa xuân vừa ấm áp, vừa vui tươi và đầy ắp hy vọng.  Mỗi khi mùa xuân về, lòng người cảm thấy hân hoan phấn khởi.  Niềm vui của mùa xuân vừa mang nét đẹp của đất trời giao kết, vừa đậm tình nhân ái của con người.  Giữa biết bao danh xưng Giáo Hội dùng để tôn vinh thiên chức cao cả của Đức Trinh nữ Maria, người tín hữu ca tụng Đức Mẹ là Mùa Xuân.  Đây là một danh xưng rất có ý nghĩa, giúp chúng ta nhận ra sứ mạng cao cả của Trinh nữ Maria trong chương trình của Thiên Chúa, và vai trò của Mẹ trong đời sống người Kitô.

Mùa xuân là biểu tượng của sự canh tân đổi mới.  Đức Maria được xưng tụng là “Người Nữ Mới.”  “Người Nữ Mới” là phản diện của người phụ nữ ở đầu lịch sử, đó là bà Evà.  Cùng với chồng mình, bà được Thiên Chúa dựng nên và đặt trong vườn Địa Đàng.  Tội lỗi đã làm cho ông bà xa Chúa.  Sự kiêu ngạo đã đẩy ông bà ra khỏi vườn Địa Đàng.  Ông bà không còn tình nghĩa với Chúa như xưa.  Hạnh phúc địa đàng đã biến mất.  Do tội của ông bà, nhân loại sinh ra nhuốm màu tội lỗi, cuộc sống trở nên đau khổ ê chề, đẫm nước mắt.  Thế hệ này đến thế hệ kia, con người luôn mang một nỗi hoài niệm về một Địa Đàng đã bị mất.  Thiên Chúa nhân từ và bao dung, đã muốn tha thứ và nối kết lại tình thân thuở nào với loài người.  Ngài đã mời gọi sự cộng tác của một người phụ nữ, đó là Trinh nữ Maria thành Nagiarét.  Nếu bà Evà là nguyên nhân của đau khổ, thì Đức Maria là nguyên nhân của hạnh phúc.  Nếu bà Evà đã kiêu ngạo từ chối thân phận thụ tạo của mình, thì Đức Maria đã khiêm tốn nhận mình là người nữ tì của Chúa.  Nếu bà Evà đã bất tuân lời dặn dò của Chúa: đừng ăn trái cây ở giữa vườn”, thì Đức Maria lại thưa lời “Xin vâng” khi được Sứ thần mời gọi cộng tác với Chúa trong chương trình cứu chuộc loài người.  Đức Maria là Mùa Xuân đem cho nhân loại nét vui tươi sau những đêm dài đau khổ bất hạnh.

Mùa xuân tượng trưng cho sự sống.  Sau những ngày tháng băng giá của mùa đông, Mùa xuân đến đem sự sống cho muôn vật cỏ cây.  Ánh nắng ấm áp của mùa xuân đã xua tan lạnh giá, phục hồi sự sống.  Sau nhiều thế hệ nhân loại mong đợi và cầu xin, Ngôi Hai Thiên Chúa đã làm người trong cung lòng Đức Trinh nữ Maria.  Chúa Giêsu là “Ánh Sáng bởi Ánh Sáng.”  Người đã đến trần gian để dẫn đưa nhân loại ra khỏi tối tăm.  Người khẳng định: “Tôi là ánh sáng thế gian.  Ai theo Tôi sẽ không còn đi trong tối tăm” (Ga 8,12).  Đức Maria đã sinh Chúa Giêsu, là Ánh Sáng muôn ngàn đời đến từ Chúa Cha.  Ánh sáng ấy đã xua tan quyền lực của ma quỷ và tối tăm, mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của ơn Cứu độ.  Ai tin nơi Người sẽ không phải chết, vì Người là sự sống và sự sống lại.  Trong khi loan báo Nước Trời, Chúa Giêsu đã làm cho kẻ chết được trở về với cõi sống.  Chính Người đã bước ra khỏi mồ vinh quang, chiến thắng thần chết.  Với sự phục sinh vinh hiển của Người, Người đem đến cho nhân loại một mùa xuân mới, mùa xuân của hy vọng vào sự sống bên kia sự chết, và vào hạnh phúc vĩnh cửu Chúa đã hứa cho những ai yêu mến Ngài.  Đức Maria đã cộng tác với Chúa trong mầu nhiệp Nhập thể, để đưa nhân loại bước sang một mùa xuân mới vui tươi.

Mùa xuân tượng trưng cho niềm hy vọng.  Ánh nắng của mùa xuân làm cho cây cối đâm chồi nảy lộc, sau những tháng ngày đông dài ảm đạm khẳng khiu.  Sức sống kỳ diệu của mùa xuân như một lời khẳng định: dù cuộc sống thế nào đi nữa, thì con người đừng mất hy vọng.  Thiên Chúa là Đấng đáp ứng những nhu cầu của con người, nếu họ thành tâm yêu mến và cậy trông nơi Ngài.  Đức Maria là ngôi sao hy vọng.  Mẹ là gương mẫu cho những người đau khổ, giúp họ vững lòng cậy trông, kể cả những giây phút tăm tối của cuộc đời.  Dưới chân thập giá, chứng kiến Con mình đau đớn và hấp hối, Đức Maria vẫn một lòng cậy trông.  Lúc bấy giờ, Mẹ lặp đi lặp lại lời thưa “xin vâng” Mẹ đã nói với Sứ thần năm xưa.  Được tôn vinh là Mẹ Giáo Hội và là Mẹ các tín hữu, Mẹ luôn nâng đỡ những môn đệ của Chúa Giêsu ở mọi thời đại, để họ vững tin vào Chúa và vững tin vào những điều tốt đẹp trong cuộc đời.  Sống là vượt biển ba đào, cậy trông là vững tay lái trong cơn phong ba bão táp.  Chúa Giêsu đã hiện diện trên chiếc thuyền vượt biển hồ Galilêa và đã dẹp yên bão táp.  Ngày hôm nay, Chúa cũng đang hiện diện với chúng ta giữa biển đời đầy sóng gió.  Nếu chúng ta cậy trông nơi Người, Người sẵn sàng giúp chúng ta dẹp yên sóng cả ba đào, như Chúa đã hứa: “Này đây, Thày ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20).  Cùng với tác giả bài Thánh Ca, chúng ta cậy trông Đức Mẹ vì Mẹ là “Bến lành vào Quê Bình an.

Mùa xuân diễn tả sự an hòa giữa trời đất và con người.  Mỗi khi mùa xuân về, vũ trụ như được mặc chiếc áo mới, huy hoàng tráng lệ, ấm áp dịu dàng.  Thiên Chúa tạo dựng muôn loài để qua đó phản ánh vinh quang của người, và cũng để con người được chia sẻ vinh quang ấy.  Ngài cũng trao cho con người làm chủ thiên nhiên.  Khi sống hài hòa với thiên nhiên vũ trụ là chúng ta tôn trọng công trình của Chúa.  Khi nhiệt thành lao động và canh tác đất đai là chúng ta cộng tác với Chúa để làm cho tác phẩm tạo thành của Ngài thêm rực rỡ vinh quang.  Giữa muôn loài tạo vật, Mẹ Maria là công trình tuyệt hảo của Thiên Chúa.  Mẹ được Chúa gìn giữ cho khỏi mắc tội tổ tông.  Mẹ cũng được chính Sứ thần Gabrien từ trời ca ngợi là “Đấng đầy ơn phúc.”  Mẹ đã diễn tả hình ảnh của Chúa một cách trọn hảo qua chính cuộc đời của mình, phản ánh vẻ đẹp vĩnh cửu của Đấng Tạo Hóa.  Giống như người ta trầm trồ thán phục người họa sĩ khi thưởng lãm một bức tranh tuyệt tác, nhân loại ca tụng Thiên Chúa vì đã dựng nên Mẹ và ban cho Mẹ những hồng ân tuyệt diệu.  Mẹ mang vẻ đẹp của mùa xuân vĩnh cửu.  Mẹ cũng là hình ảnh của Giáo Hội trong tương lai, không tỳ ố, không vết nhơ, nhưng trong sáng, thánh thiện nguyên tuyền.  Người tín hữu nhìn lên Mẹ như mẫu mực của đời mình và thấy nơi Mẹ tương lai của chính mình và của Giáo Hội, được sánh ví như Hiền thê được trang điểm để đến gặp Tân Lang của mình trong trời mới đất mới.

Mẹ là Mùa Xuân Ánh Sáng, là Cửa Son đền vàng và là Bến Lành bình an.  Những hình ảnh này khẳng định với chúng ta, trên đường về quê trời, chúng ta rất cần ơn phù trợ và đồng hành của Đức Trinh nữ Maria.  Nhờ Mẹ, chúng ta không sợ vấp ngã và lạc đường.  Hãy cậy trông phó thác nơi Mẹ vì Mẹ là Mùa Xuân, là Hiền Mẫu và là niềm Hy Vọng của chúng ta.

TGM Giuse Vũ Văn Thiên

THÁNH THIỆN VÀ TỘI LỖI

Thánh thiện và tội lỗi là hai phạm trù đối lập nhau.  Thánh thiện thuộc về Thiên Chúa và tội lỗi là bản chất của con người.  Hai nhân vật được nêu trong Lời Chúa hôm nay, một trong Bài Cựu ước và một trong Bài Tin Mừng, đã khẳng định sự tách biệt này.  Khi được chiêm ngưỡng vinh quang của Thiên Chúa với lời tung hô ba lần “Thánh!  Thánh!  Thánh”, ngôn sứ Isaia đã thốt lên: “Vô phúc cho tôi!  Tôi chết mất, vì lưỡi tôi nhơ bẩn, tôi ở giữa một dân tộc mà lưỡi họ đều nhơ nhớp, mắt tôi đã trông thấy Đức Vua, Người là Chúa các đạo binh.”  Về phần ông Phêrô, khi chứng kiến mẻ lưới lạ, đã khiếp đảm thú nhận: “Lạy Chúa, xin Chúa hãy tránh xa con, vì con là người tội lỗi.”  Phản ứng của hai nhân vật trên đây cho thấy quan niệm của Do Thái giáo về sự cách biệt giữa Thiên Chúa và con người, vì Thiên Chúa là Đấng Chí thánh và con người là kẻ phàm hèn tội lỗi.  Sự khác biệt này đã tạo một khoảng cách giữa Thiên Chúa và con người.  Khoảng cách ấy ngặt nghèo đến nỗi, nếu con người lỡ nhìn thấy Chúa, thì phải chết.

Nếu con người lo sợ và mặc cảm về thân phận tội lỗi của mình, thì Thiên Chúa lại chủ động đến với họ.  Thiên Chúa trong Cựu ước đã trấn an ông Isaia: “Hãy nhìn xem, than lửa này đã chạm đến lưỡi ngươi, lỗi của ngươi được xoá bỏ, và tội của ngươi được thứ tha.”  Đức Giêsu trong Tân ước thì lại nói với ông Phêrô: “Đừng sợ hãi: từ đây con sẽ là kẻ chinh phục người ta.”  Thật lạ lùng!  Thiên Chúa không những bỏ qua thân phận tội lỗi của con người, mà còn chọn gọi họ như những cộng sự viên thân cận của Ngài.  Ông Isaia và ông Phêrô không những không phải chết, mà còn được gọi và sai đi để loan truyền giáo huấn của Thiên Chúa, giúp cho nhiều người nhận biết Ngài.  Quả thật, ông Isaia và ông Phêrô đã nhiệt thành đáp lại lời mời gọi của Chúa, trở nên ngôn sứ và tông đồ của Ngài.

Thiên Chúa đã lấp đầy khoảng cách giữa Ngài với chúng ta.  Không chỉ chủ động đến gần con người tội lỗi, Chúa Cha còn sai Con Một của Ngài là Đức Giêsu Kitô đến trần gian để sống thân phận con người.  Người thánh thiện, mà chấp nhận hòa mình vào đám đông tội nhân đang xin ông Gioan Tẩy giả làm phép rửa.  Người là Đấng vô tội mà bị kết án như một kẻ bất lương.  Người là nguyên lý của sự sống mà đã phải mang lấy cái chết trên thập giá.  Qua Đức Giêsu, nhờ Đức Giêsu và trong Đức Giêsu, con người tội lỗi được trở nên con Thiên Chúa là Đấng Chí Thánh.  Đây là sự trao đổi nhiệm màu: Con Thiên Chúa mang lấy tội lỗi của con người để con người được làm con Thiên Chúa.

Con Thiên Chúa đã làm người để giao hòa nhân loại với Thiên Chúa.  Từ nay, không ai còn mặc cảm thân phận tội lỗi nữa.  Hết thảy đều được Thiên Chúa yêu thương và mời gọi làm sứ giả của Ngài giữa lòng thế giới.  Thánh Phaolô là một bằng chứng: ông thú nhận mình đã từng giết hại các tín hữu, nhưng khi được Chúa quy phục, ông đã ăn năn sám hối và cuộc đời của ông đã sang trang.  Ông tâm sự: “Tôi vốn là kẻ hèn mọn nhất trong các tông đồ, và không xứng đáng được gọi là tông đồ, vì tôi đã bắt bớ Hội Thánh của Thiên Chúa.  Nhưng nay tôi là người thế nào, là nhờ ơn của Thiên Chúa, và ơn của Người không vô ích nơi tôi, nhưng tôi đã chịu khó nhọc nhiều hơn tất cả các Đấng: song không phải tôi, nhưng là ơn của Thiên Chúa ở với tôi” (Bài đọc II).  Đó là điều kỳ diệu của tình thương.  Phaolô luôn tâm niệm điều này và ông thấy có bổn phận làm cho vương quốc của Chúa sớm được thực hiện nơi trần gian.

Isaia, Phêrô, Phaolô, ba con người xuất thân từ ba hoàn cảnh xã hội khác nhau, nhưng có chung một lý tưởng và một ơn gọi: làm sứ giả của Chúa và nhiệt thành loan báo lời Ngài.  Hôm nay, Chúa vẫn đang kêu gọi chúng ta.  Đừng mặc cảm cho rằng mình bất xứng hay bất tài.  Ơn của Chúa sẽ phụ giúp và ban cho chúng ta sức mạnh.  Về phía chúng ta, chúng ta cần đáp lại lời mời gọi của Chúa, bằng tâm tình yêu mến, nhiệt thành và thiện chí.  Chúa sẽ làm cho chúng ta trở nên những dụng cụ hữu ích trong Giáo Hội của Người.  Qua những dụng cụ bé mọn ấy, Chúa tiếp tục làm nên những mẻ cá kỳ diệu, và làm cho cuộc sống này nở hoa.

TGM Giuse Vũ Văn Thiên