MÙA CHAY – MÙA CỦA SÁM HỐI

Mùa Chay đang ở đây.  Mùa Chay không hẳn là thời gian ưa thích nhất trong năm phụng vụ đối với đa số tín hữu.  Mùa Chay kêu gọi ta chậm lại và nhìn lại, lượng giá sự tiến triển của mình trên cuộc lữ thứ trở về cùng Thiên Chúa, sự tiến triển của mình trong cuộc lên đỉnh núi Cát Minh.  Mùa Chay thách đố chúng ta nhớ rằng mình là tro bụi và sẽ trở về bụi tro.

Mùa Chay là quãng thời gian ăn chay và sám hối.  Đúng vậy.  Điều này tốt.  Ăn chay và sám hối nhắc chúng ta về tình trạng tội lỗi, giới hạn và xa cách của mình đối với Thiên Chúa.  Ăn chay và sám hối, hay các việc giữ chay khác, nhắc ta về nhu cầu của mình trong việc dốc lòng liên lỷ, hoán cải liên lỷ.

Trước công đồng Vatican II, đa số tu sĩ Cát Minh không mong mỏi mùa Chay vì nó là thời gian của ăn chay kiêng thịt.  Trừ Chúa Nhật ra thì tu sĩ Cát Minh giữ chay hàng ngày suốt mùa, và kiêng thịt ba ngày một tuần.  Tuy vậy, bài đọc thứ nhất và thứ ba cho Thứ Tư Lễ Tro nói rằng mùa Chay thật ra không hướng về những gì diễn ra “bên ngoài”, những phô diễn hình thức, dù chúng có thể đóng một vai trò nào đó, như đã đề cập ở trên.  Mùa Chay thực sự hướng về những gì diễn ra “bên trong”, về sự thống hối và hoán cải.

Trong bài đọc thứ nhất của Thứ Tư Lễ Tro trích từ ngôn sứ Joel, sống khoảng năm 375 trước công nguyên, có một trận dịch châu chấu mà Joel diễn giải như là cuộc tấn công cuối cùng của các thù địch Thiên Chúa nổi lên chống lại nhà Giuđa.  Vì thế ông kêu gọi sám hối và hoán cải để đẩy lui nạn dịch.  Lời kêu gọi sám hối và hoán cải này là lời hiệu triệu trong truyền thống Kinh Thánh để “quay ngược lại.”  Từ ngữ Do Thái được dùng ở đây (shub, hoặc metanoein trong tiếng Hi Lạp) là mệnh lệnh của một tướng lãnh ra lệnh cho quân của mình xoay người 180 độ, một bước đổi hướng ngược lại.

Như thế, sám hối hoặc hoán cải trong Kinh Thánh không phải chỉ là thực hiện một vài việc hình thức hoặc vài điều khoản tôn giáo, chẳng hạn ăn chay hay kiêng thịt, đọc thêm một số kinh, hoặc thậm chí làm việc từ thiện, dù những điều này không bị loại trừ.  Joel nói với chúng ta rằng sám hối thật sự đòi chúng ta xé lòng chứ không xé áo.  Sám hối là “trở về với Ta (Chúa) trọn tâm hồn.”  Và vì thế sám hối hay hoán cải theo nghĩa Kinh Thánh (shub, metanoein) là một cuộc đảo lộn triệt để, nghĩa là cuộc đảo lộn đến tận gốc rễ (radix) hoặc trái tim của con người, đến các chiều sâu của con người, các chiều sâu nơi ẩn nấp cái gọi là sarx, thường được dịch là “xác thịt.”  Sarx là con người cũ mà Thánh Phaolô nói đến, là bản ngã (cái tôi) bất an, tự yêu lấy chính mình, tự mê hoặc với mình, tự vấp té trên mình, tìm cách nắm bắt thần tính để bảo đảm sự tồn tại và độc lập của nó.  Sarx là bản ngã cũ có khuynh hướng chống lại việc từ bỏ chính mình hầu sống theo một bản ngã mới – Pneuma hay Thần Khí.  Sám hối liên quan đến việc cởi bỏ bản ngã cũ ấy và mặc vào bản ngã mới.

Tin Mừng của Thứ Tư Lễ Tro trích từ Mát-thêu chương 6 cho ta thấy đối với Đức Giêsu sám hối cũng mang ý nghĩa vượt xa những tuân giữ bên ngoài.  Đức Giêsu bảo chúng ta phải đề phòng việc phô diễn các việc đạo đức cho thiên hạ thấy mà khen ngợi.  Chúng ta không được giống như mấy ông biệt phái, những kẻ giả hình, chỉ thay đổi hình thức mặt mũi thôi.  Khi bố thí, chúng ta thậm chí không được để tay trái biết việc tay phải đang làm.  Chúng ta phải giữ kín các việc lành phúc đức, cầu nguyện nơi kín đáo, chải tóc cho ngay và rửa mặt cho sạch để không ai biết mình đang giữ chay.

Mùa Chay là một mùa của cơ hội lớn lao.  Nhưng là một mùa nhắc ta rằng Mùa Chay không chỉ là thời gian bốn mươi ngày.  Mùa Chay là một chiều kích cuộc đời của ta phải được hiện diện mỗi ngày.  Mùa Chay không hẳn là một mùa tạm thời cho bằng là một cách thức hiện hữu.  Mùa Chay là một con đường hiện hữu tự trút cạn chính mình (kenotic) mà chúng ta được mời gọi sống mỗi ngày.  Cả cuộc đời ta, chứ không phải chỉ bốn mươi ngày, phải là một đời xé lòng, tự vấn và thanh tẩy cái “bản ngã cũ” ấy, là cái có thể và thường tạo ra “ở bên ngoài” sự lẩn tránh, cái ảo ảnh rằng mình đang chết đi bằng các việc mang vẻ thống hối nhưng “bên trong” thì vẫn chứa đầy gian dối và giả hình.  Bên trong, bất chấp tất cả những hình thức và việc tuân giữ, “bản ngã cũ” vẫn là “bản ngã cũ” thôi, cái bản ngã trốn chạy và tránh xa một cuộc trở lại đích thực của tâm hồn, một sự sám hối thật sự, một sự buông mình thật sự cho Thiên Chúa.

Trong thời gian mùa Chay, chúng ta không được đánh lừa chính mình, lại càng không được cố lừa người khác.  Điều quan trọng nhất không phải là vẻ bên ngoài, cái người khác thấy.  Điều quan trọng nhất là cái xuất hiện bên trong “bản ngã” cũ, sâu trong tâm khảm chúng ta.  Điều quan trọng nhất là chết đi đối với “bản ngã cũ” để có thể chỗi dậy nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần mà vươn lên “bản ngã mới”, tạo thành mới, điều mà Chúa Cha qua quyền năng của Chúa Thánh Thần đã đạt được trọn vẹn trong việc làm cho Đức Giêsu chỗi dậy từ cõi chết.

Có điều gì đó mang tính chất rất Cát Minh về mùa Chay, đặc biệt khi mùa Chay được xem không chỉ là một quãng thời gian bốn mươi ngày mà là một cách thức hiện hữu, một cách thức kenosis, một linh đạo của không ngừng trút cạn chính mình, trống rỗng trước mặt Thiên Chúa (vacare Deo) như phong trào Cải Tổ tại Touraine nói đến, hầu được đổ đầy Thần Khí của Đức Kitô phục sinh.

Fr. Donald Buggert, O. Carm
Professor Emeritus – Washington Theological Union

THIÊN CHÚA CẢM THƯƠNG

Từ ba tuần nay, chiến tranh bùng nổ tại Ucraina, một phần đất của Liên Xô cũ.  Quốc gia gây hấn là Liên bang Nga.  Đây là một cuộc chiến không cân sức, giữa một cường quốc và một đất nước nhỏ bé.  Sau ba tuần kể từ khi chiến dịch quân sự do Nga phát động, máu người vô tội chảy khắp nơi.  Hàng triệu người dân Ucraina phải rời bỏ nhà mình đang ở để đi lánh nạn ở các nước láng giềng.  Không ai nghĩ máu chảy đầu rơi một cách thảm khốc trong một thế giới hiện đại và tự coi là văn minh.  Đức Thánh Cha Phanxicô đã thân hành đến trước đại sứ Nga ở Rôma để phản đối chiến tranh và kêu gọi: hãy dừng lại.  Cả thế giới đều chăm chú theo dõi cuộc chiến.  Các tổ chức quốc tế đều can thiệp và mong muốn cuộc chiến tranh này sớm kết thúc.  Con người đang huỷ diệt chính mình và huỷ diệt tương lai.

Với Đức tin và lòng phó thác nơi Thiên Chúa, người Kitô hữu chúng ta cùng cầu nguyện.  Xin Chúa soi sáng các nhà lãnh đạo các quốc gia để cùng nhau đối thoại và xây dựng hoà bình.  Lời Chúa của Chúa nhật thứ ba Mùa Chay giới thiệu với chúng ta: Thiên Chúa là Đấng cảm thương trước nỗi thống khổ của con người.  Trong bụi gai rực lửa, Chúa tỏ cho ông Môisen biết ý định của Ngài, là sẽ giải phóng dân Do Thái, để đưa họ đến miền đất Ngài đã hứa cho ông Abraham và dòng dõi ông.  Bài đọc I trích sách Sáng thế cho thấy đây là lần đầu tiên Thiên Chúa mạc khải cho con người về danh xưng của Ngài.  Ngài vừa là “Đấng Tự Hữu”, có nghĩa là Đấng quyền năng, không phải do bất cứ ai tạo thành.  Ngài cũng là Thiên Chúa của Abraham, của Isaac và của Giacóp, nghĩa là Đấng đã hành động trong lịch sử và đã thực hiện những điều tốt lành đối với các Tổ Phụ.  Khi xưng mình là Thiên Chúa của Abraham, của Isaac và của Giacóp, Thiên Chúa diễn tả lòng từ bi của Ngài.

Nếu Thiên Chúa là Đấng giàu lòng xót thương, thì con người phải sám hối để xứng đáng đón nhận lòng xót thương của Ngài.  Lời mời gọi sám hối được nhắc đi nhắc lại bởi chính Chúa Giêsu.  Sám hối là từ bỏ tội lỗi, chân thành canh tân đổi mới cuộc đời.  Tâm lý thông thường, chúng ta hay để ý đến những điều xảy ra rồi bình luận theo cái nhìn thiên kiến của mình.  Hai sự kiện được Chúa nêu, là sự kiện Philatô tàn sát những người Galilêa và tháp Siloê sập đổ đè chết người.  Theo giáo huấn của Chúa Giêsu, những gì xảy ra chung quanh chúng ta đều là những lời cảnh báo và kêu gọi chúng ta hãy nhìn lại mình.  Bên cạnh chúng ta, bất kỳ lúc nào cũng có thể có những Philatô tàn sát và những cây tháp đổ sập.  Nơi khác trong Tin Mừng, Chúa Giêsu kêu gọi chúng ta hãy luôn tỉnh thức sẵn sàng, vì không biết ngày nào giờ nào là lúc lâm chung của chúng ta.  Những ai tỉnh thức và sám hối sẽ không bị bất ngờ khi Chúa đến.

Thiên Chúa là Đấng từ bi nhân hậu.  Đó cũng là nội dung của Thánh vịnh 102 được hát trong phần Đáp ca.  Ngài là Đấng nâng đỡ những người bị áp bức.  Ngài giải phóng những người tù tội và ban ơn cho hết thảy chúng sinh.  Mùa Chay nhắc cho chúng ta tình thương bao la của Chúa, đồng thời sám hối ăn năn để xin Chúa ban những ơn cần thiết, nhờ đó chúng ta có thể vượt qua những thử thách gian nan trên đường đời.

Thánh Phaolô nhìn sự kiện ra khỏi Ai cập với con mắt đức tin, để khẳng định: Chúa vẫn đang tiếp tục dẫn dắt chúng ta ra khỏi ách nô lệ của tội lỗi, không còn qua những trung gian hay phương tiện của thời Cựu ước xa xưa, nhưng nhờ Chúa Giêsu.  Thời nào cũng vẫn có những người cứng lòng bất tuân lệnh truyền của Thiên Chúa.  Người Kitô hữu phải học bài học của lịch sử, để nghiệm thấy rằng, mỗi chúng ta đều phải thận trọng khôn ngoan.

“Ta đã thấy nỗi thống khổ của dân Ta.”  Chúng ta hãy cầu xin để nỗi thống khổ của những nạn nhân chiến tranh, ở Ucraina và trên thế giới, vang đến Chúa.  Xin Ngài ra tay cứu giúp và ban cho thế giới được hoà bình.  Đức Thánh Cha Phanxicô trong giờ đọc Kinh Truyền tin trưa Chúa nhật, ngày 13-3 vừa qua đã nói: “Với nỗi đau tận trái tim, tôi hợp với tiếng nói chung, kêu gọi hãy chấm dứt chiến tranh.  Nhân danh Chúa, hãy lắng nghe tiếng kêu của những người đau khổ và chấm dứt các vụ đánh bom và tấn công…  Nhân danh Thiên Chúa, tôi kêu gọi: hãy dừng cuộc thảm sát này!”

Chiến tranh không phải là hình phạt của Thiên Chúa.  Chiến tranh đến từ sự kiêu ngạo và ích kỷ của con người.  Chiến tranh đi ngược lại với giáo huấn của Chúa Giêsu.  Từ cuộc chiến tranh quân sự, chúng ta liên tưởng tới những xung đột trong gia đình, trong cộng đoàn và trong môi trường xã hội.  Sám hối đích thực là cố gắng góp phần xoá bỏ những xung đột ấy, nhờ ơn phù trợ của Thiên Chúa.

TGM Giuse Vũ Văn Thiên

SẮC MÀU CỦA TÌNH YÊU

Những ngày cuối Mùa Chay, tiếng gọi từ thập giá càng tha thiết hơn.  Nhìn lên Thánh giá, hơn hai ngàn năm rồi một thân xác bị kéo căng hình chữ ‘Y’, nằm trên “chiếc giường” chữ ‘T.’  Hai mẫu tự đó là bản di chúc Tình Yêu của Con Thiên Chúa để lại cho trần gian.  Thiên Chúa có nhiều sáng kiến để bày tỏ tình yêu với nhân loại, khi thì như cha mẹ yêu thương con cái, lúc lại như người chồng yêu thương vợ.  Ngược lại tình yêu con người dành cho Thiên Chúa chỉ là sự hời hợt, hay thay đổi.  Sở dĩ nói thế, vì đọc Kinh thánh họa hiếm lắm mới thấy tình yêu Thiên Chúa được đáp trả thay vì luôn bị bội phản.  Chúng ta cùng tìm hiểu điều này.

Thiên Chúa thương yêu con người như cha mẹ yêu thương con

Trong Kinh thánh ta thấy nhiều lần Thiên Chúa đến với con người bằng tư tưởng, hành động như cha mẹ trần gian cư xử với con cái: “Ta xử với chúng như người nựng trẻ thơ, nâng lên áp vào má; Ta cúi xuống gần nó mà đút cho nó ăn” (Hs 11, 4).  Hay lúc khác ta bắt gặp hình ảnh ân cần: “Các ngươi sẽ được nuôi bằng sữa mẹ, được bồng ẵm bên hông, nâng niu trên đầu gối.  Như mẹ hiền an ủi con thơ, Ta sẽ an ủi các ngươi như vậy” (Is 66, 12-13)Vì yêu thương, muốn gần gũi con người Thiên Chúa đã cúi xuống, tìm đến chăm sóc cho con người như bao cha mẹ vẫn yêu chiều: nựng trẻ thơ, nâng lên, áp má, đút cho ăn, bồng ẵm… những cử chỉ đầy tính biểu cảm, thân thương và gần gũi đối với bất cứ ai trong chúng ta.

Cũng bằng tâm tình cha mẹ trần gian yêu thương con mình sinh ra, nhưng tình yêu của Cha trên trời là khối tình phổ quát: “Như trời xanh trổi cao hơn mặt đất, tình Chúa thương kẻ thờ Người cũng trổi cao” (Tv 103, 11).  Hình ảnh người Cha là sự vững chắc, an toàn, nâng đỡ con trước gió mưa cuộc đời.  Còn tình yêu của mẹ thì dịu dàng, bao dung, nhẫn nại.  Mỗi khi con lỗi phạm, lỡ bỏ nhà đi và muốn trở về thì người nó tìm gặp trước tiên luôn là mẹ.  Vì nó biết, một khi thốt ra lời xin lỗi mẹ sẽ mở rộng vòng tay ôm con vào lòng.  Dụ ngôn “Đứa con hoang đàng” (x. Lc 15, 1-32) là bằng chứng minh nhiên cho tình yêu vô điều kiện của Cha trên trời.  Thiên Chúa còn thể hiện tình yêu đối với con người theo cách nào nữa?

Thiên Chúa yêu con người tựa tình yêu nam nữ

Đối với người trẻ cách bày tỏ tình yêu rất phong phú và khi yêu họ cũng thích đưa ra những triết lý, quan niệm độc lạ: “Yêu là thành toàn, yêu là hy sinh, yêu chính là con thiêu thân lao vào lửa…”  Nhìn lên Thập giá chúng ta cũng nhận thấy rõ sự thành toàn, sự hy sinh Thiên Chúa dành cho nhân loại.  Chỉ khác một điều, Ngài lao vào lửa chính là để kéo những con thiêu thân dại khờ ra khỏi cái chết vô nghĩa.

Tình yêu Thiên Chúa đôi khi cũng lãng mạn lắm! “Ta sẽ quyến rũ nó, đưa nó vào sa mạc, để cùng nó thổ lộ tâm tình” (Hs 2, 16) và nếu cần mạnh mẽ thì cũng khó ai sánh bì: “Phải, tình yêu mãnh liệt như tử thần” (Dc 8, 6).  Đôi lúc Kinh thánh diễn tả Thiên Chúa yêu con người như người chồng yêu vợ, khi ân cần, nhẹ nhàng, lúc dữ dội tưởng không gì ngăn được: “Nước lũ không dập tắt được tình yêu” (Dc 8, 7) nhưng lại có lúc lạnh lùng dứt đoạn tình nghĩa chỉ vì ghen.  Thiên Chúa là vị thần hay ghen (Xh 20, 5).

Trong tình yêu ghen tuông vừa phải sẽ là gia vị khiến tình cảm hai người thêm sâu sắc và qua đó biết trân trọng nhau hơn.  Còn dưới con mắt các nhà tâm lý, ghen là biểu hiện của sự lo sợ, sợ cho mình, sợ người mình yêu đi theo người khác.  Tính ghen nơi Thiên Chúa thì khác.  Điều Ngài lo sợ hơn cả là sợ bản tính con người yếu đuối, không đủ khôn ngoan phân biệt chính tà mà theo lầm chủ xấu.

Trường hợp Giuđa It-ca-ri-ốt là một điển hình.  Chắc chắn Đức Giêsu không lầm, vì trước khi chọn ông Ngài đã lên núi cầu nguyện suốt đêm (x.Lc 6, 12-16).  Vậy cái sai chỉ có thể là do sự chọn lựa của Tông đồ Giuđa mà thôi.  Được Thầy và anh em tín nhiệm trao cho làm quản lý, nhưng thay vì chứng tỏ cho mọi người thấy mình xứng đáng với tình yêu của Thầy.  Giuđa lại có hành động của kẻ cắp (x.Ga 12, 5-6), một sự phản bội trắng trợn.

Thế nên ta cần hiểu cái ghen của Thiên Chúa không là dấu chỉ sự bất toàn, nhưng diễn tả sự cao sâu trong tình Ngài yêu.  Mỗi lần con người phản bội, Thiên Chúa giáng phạt ‘ba bốn đời’, nhưng phần thưởng cho ai trung tín lại là ‘nhân nghĩa đến ngàn đời.’  Thiên Chúa yêu con người vì tình yêu chính là thuộc tính của Ngài.  Cũng như ngọn lửa, bản chất của nó là tỏa sáng và phát ra hơi nóng, nếu không như vậy nó không còn là lửa nữa.

Nếu nghĩ rằng tình yêu Thiên Chúa là cái gì đó huyền nhiệm khó hiểu, bạn có thể nhờ đến Kinh Thánh.  Quả thực Kinh thánh luôn là nơi cung cấp những chất liệu tốt nhất giúp ta cảm nghiệm được tình yêu Thiên Chúa.  Tình yêu ấy đã được hiện tại hóa trên thập giá từ ngàn xưa không cần chứng minh.  Về phần con người cần đáp trả lại tình yêu ấy thế nào để không trở thành kể bội nghĩa, bất trung.  Chúng ta hãy dùng hành động thay cho mọi ngôn từ, trong tương giao với mọi người luôn: vui vẻ khi người khác làm phiền, lạc quan trước thử thách, giữ vững niềm tin trước thất bại, biết nói không với tên phản trắc, dối lừa luôn rình rập lôi kéo…  Đó cũng là ta đã vác thập giá mình hàng ngày mà bước theo Thầy Giêsu vậy.

Nt. Scholastica, Đaminh Bùi Chu

NGÀI VẪN ĐI TÌM

Soren Kierkegaard, một nhà triết và thần học người Đan Mạch, đã diễn tả cuộc đi tìm con người tội lỗi của Thiên Chúa như sau, và tôi xin tạm dịch từ đoạn văn của ông:

“Khi đặt câu hỏi về con người tội lỗi.  Thiên Chúa không chỉ đứng dang tay và nói, “Lại đây,” không, Ngài đứng đó và chờ, như một người Cha chờ sự trở về của đứa con hoang đàng, nhưng đúng hơn, Ngài không chỉ đứng đó chờ.

Ngài đi tìm kiếm, như người chủ chăn đi tìm con chiên lạc, như người phụ nữ đi tìm đồng bạc đã bị mất.  Ngài đi – còn hơn thế nữa, Ngài đã đi đoạn đường vô tận, xa hơn bất cứ người chăn chiên nào, hay người phụ nữ nào đi tìm đồng bạc.  Thật ra Ngài đã đi một quãng đường dài vô tận từ một Thiên Chúa hạ mình xuống làm một con người, Ngài đã chọn đi con đường đó để đi tìm người tội lỗi.”

Câu chuyện của ba chị em Mác-ta, Maria, và La-za-rô (Ga 11:1-45) là câu chuyện của những người đã từng biết Đức Giêsu và yêu Ngài.  Họ rất quen thân với Ngài và Ngài thường lui tới nhà của họ để dùng bữa (Lc 10:38-42).  Khi La-za-rô lâm bệnh nặng, họ cho người đi báo với Đức Giêsu, “Thưa Thầy, người Thầy thương mến đang bị đau nặng,” nhưng khi Ngài đến thì La-za-rô đã chết.  Khi biết tin Đức Giêsu đến, Mác-ta và Maria ra gặp Ngài, và hai cô đã thốt lên một câu nói mang nhiều nuối tiếc và trách móc, “Thưa Thầy, nếu Thầy có ở đây, em con đã không chết.”  Có lẽ vì ở chỗ thân tình nên Mác-ta và Maria đã trách Đức Giêsu sao Ngài không đến ngay khi hai cô cho người đi báo tin về bệnh tình của La-za-rô.  Trong những năm qua, có lẽ hai chị em Mác-ta và Maria đã theo Đức Giêsu đi nhiều nơi, và tất hẳn đã chứng kiến những phép lạ Ngài đã làm trong sứ mạng rao giảng tin mừng của Ngài.  Vì vậy khi người em La-za-rô lâm bệnh nặng, họ đã cho người đi báo cho Đức Giêsu trong niềm tin tưởng Ngài sẽ chữa lành cho La-za-rô.  Nhưng khi Đức Giêsu đến thì La-za-rô đã chết được bốn ngày, và họ đã mất tin tưởng về sự hồi phục đời này của em họ.

Một điểm chúng ta cần để ý đến ở đây là Mác-ta và Maria vẫn tin tưởng vào quyền năng chữa lành của Đức Giêsu.  Họ đã thấy và tin, nhưng khi đến biến cố của chính họ, cái gì đó đã ngăn trở Mác-ta và Maria tin vào quyền năng của Đức Giêsu.  Ngay cả khi Đức Giêsu đến và nói với họ “Em chị sẽ sống lại”, Mác-ta đã thưa lại “Con biết em con sẽ sống lại ngày sau hết.”  Ngài biết Mác-ta vẫn chưa hiểu Ngài muốn nói gì, và Ngài ôn tồn nhắc cho Mác-ta biết Ngài là ai, “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống, những ai tin vào Thầy thì dù đã chết, cũng sẽ được sống.  Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ chết.  Chị có tin thế không?”  Nhưng Mác-ta vẫn chưa hiểu ý Ngài và cô đã tuyên xưng đức tin của mình.  Ngay cả khi Đức Giêsu cùng các môn đệ đi với Mác-ta và Maria đến trước cửa mộ của La-za-rô, Ngài nói với họ “Đem phiến đá này đi,” Mác-ta vẫn chưa hiểu điều Ngài muốn làm, và Mác-ta vẫn chưa tin vào quyền năng làm cho kẻ chết sống lại của Đức Giêsu, và cô nói “Thưa Thầy, nặng mùi rồi, vì em con ở trong mồ đã được bốn ngày.”  Đã ba lần Đức Giêsu muốn cho Mác-ta và Maria thấy quyền năng cao cả của Ngài và Ngài muốn ban cho hai chị em là những người Ngài thương mến một phép lạ lớn hơn những gì họ đã từng thấy, nhưng ba lần Mác-ta đã không nhận ra điều đó.  Mặc dầu, Mác-ta không hiểu Ngài, nhưng vì yêu thương, Đức Giêsu vẫn tiếp tục ban cho Mác-ta và Maria một phép lạ chưa ai từng thấy bao giờ, đó là làm cho La-za-rô sống lại sau bốn ngày chôn trong mồ.

Trong cuộc hành trình nội tâm của mỗi người chúng ta với Đức Kitô cũng vậy.  Lắm lúc khi chúng ta theo Ngài, biết Ngài, và yêu Ngài từ lâu như hai chị em Mác-ta và Maria, và chúng ta cũng đã từng chứng kiến những phép lạ Ngài làm cho những người xung quanh và những người trong gia đình, nhưng khi chúng ta gặp những vấn nạn trong cuộc đời (tâm linh hoặc thể chất), những lúc chúng ta cần Ngài nhất, chúng ta lại quên đi quyền năng của Ngài.  Những lúc đen tối nhất trong cuộc đời của chúng ta, vì yêu thương Ngài đến và muốn ban cho chúng ta một cái gì đó lớn lao hơn và khác với những gì chúng ta đã từng quen thuộc, chúng ta lại sợ hãi.  Chúng ta lại có nhiều ưu tư, và những sợ hãi và ưu tư đó cản trở chính con người chúng ta biết mở lòng để đón nhận những món quà vô giá của Ngài. 

Chúng ta vô tình giới hạn Ngài trong cái khuôn nhỏ bé của mình, trong sự hiểu biết hạn hẹp của chúng ta.  Tuy Mác-ta và Maria không thấy món quà Ngài muốn ban cho họ, nhưng điều đó không cản trở Ngài làm điều Ngài muốn cho họ vì họ luôn ở với Ngài.  Cái mà Ngài muốn ban cho Mác-ta và Maria đều nằm trong sự quan phòng của Ngài vì thế Ngài đã lưu lại nơi Ngài ở thêm hai ngày nữa, “sau khi được tin anh La-za-rô lâm bệnh, Người còn lưu lại thêm hai ngày tại nơi đang ở.”  Trong trường hợp của chúng ta cũng vậy, lắm lúc chúng ta không hiểu những điều Ngài muốn làm trong cuộc sống của chúng ta, nhưng nếu chúng ta ở trong Ngài, thì Ngài sẽ làm những điều Ngài muốn nơi chúng ta trong sự quan phòng của Ngài.  Điều quan trọng là chúng ta phải xin ơn để luôn ở trong Ngài vì chúng ta biết lúc gặp mưa gió trong đời là lúc chúng ta dễ ra khỏi Ngài nhất.

Trong câu chuyện này, Đức Giêsu biết những sự dữ đang vây phủ Ngài ở Giêrusalem, nhưng vì yêu thương La-za-rô, và hai chị em Mácta và Maria, Ngài vẫn đến vì Ngài biết các chị em họ đang cần Ngài.  Trong cuộc hành trình của chúng ta với Ngài cũng vậy, những lúc chúng ta đau khổ và cần Ngài nhất, Ngài luôn ở đó bên ta và đồng cảm với chúng ta.  Khi chúng ta đi tìm chính mình, Ngài ở đó với chúng ta.  Khi chúng ta lo lắng về con cái, Ngài cũng ở bên ta chia sẻ niềm lo lắng đó.  Khi chúng ta đau ốm hay già nua, Ngài cũng bên ta và chịu đựng những hạn hẹp của thân xác và giới hạn của tuổi già.  Ngài khóc với chúng ta khi chúng ta khóc.  Ngài buồn khi chúng ta sầu khổ.  Ngài thương tiếc những sự mất mát của chúng ta như Ngài khóc thương sự mất mát của Mác-ta và Maria, và Ngài đã đến để xoa dịu những mất mát đó.  Mầu nhiệm của Ngôi Lời Nhập Thể là thế đó.  Ngài chẳng bao giờ rời chúng ta vì Ngài đã đi đoạn đường dài vô tận để tìm, đến và ở với chúng ta, để cảm thông với nỗi khốn khổ của con người.

Lạy Chúa xin dạy con biết luôn ở bên Ngài mặc dầu lắm lúc con không hiểu Ngài dạy con điều gì.  Xin níu kéo con lại nếu con đi xa Ngài trong những lúc con chưa thấy được quyền năng và sự quan phòng của Ngài.  Xin dạy con mở lòng để đón nhận sự cao thượng của Ngài muốn ban cho con vì con hay thích đóng khuôn Ngài vào những sự hiểu biết hạn hẹp của con.  Mùa Chay Thánh này, xin cho con ơn được gặp Ngài vì Ngài đã đi đoạn đường dài vô tận để tìm con. Amen!

Củ Khoai 

ĐẤNG TRUNG TÍN

Một trong những phẩm tính của Thiên Chúa được Kinh Thánh nhấn mạnh, đó là sự trung thành của Ngài.  Thiên Chúa là Đấng tín trung.  Điều này đã được lịch sử chứng minh.  Kinh Thánh chính là cuốn sách về lòng tín trung của Thiên Chúa.

Tín trung, hay trung thành, là luôn giữ những gì mình đã hứa, trước sau như một, dù có phải thiệt thòi hệ luỵ.  Trong lịch sử, khi thiết lập mối tương quan với con người, Chúa đã khởi đầu bằng giao ước với ông Abraham.  Đây là giao ước đầu tiên Thiên Chúa ký kết với con người.  Một vị Thần linh cao cả mà lại đi ký giao ước với con người!  Đó là điều không tưởng theo suy luận trần thế, nhưng là một điều kỳ diệu của tình thương.  Bởi lẽ ở đời, người ta chỉ ký kết hợp đồng giữa các đối tác tương đương về khả năng tài chính hoặc ảnh hưởng quyền lực.  Một người có số vốn một ngàn tỷ đồng chẳng bao giờ ký hợp đồng làm ăn với người chỉ có vốn vài trăm triệu đồng.  Đức Thánh Cha Phanxicô đã dùng ngôn ngữ của giới kinh doanh để nói rằng, Thiên Chúa đầu tư luôn luôn chấp nhận lỗ và thua thiệt.  Thiên Chúa là Đấng cao cả.  Abraham chỉ là một kẻ vô danh tiểu tốt, đến người nối dòng còn chẳng có vào lúc gần đất xa trời.  Ấy vậy mà Chúa lại ký kết giao ước với ông, đồng thời hứa hẹn với ông những điều ông không dám mơ ước: đó là một dòng dõi (Dân tộc) và một quê hương (Đất hứa).

Và thế là, từ đời nọ đến đời kia, Chúa luôn trung thành giữ giao ước của Ngài.

Đức Giêsu Kitô, Ngôi Lời nhập thể đến trần gian để thiết lập giao ước mới.  Nói cách khác, Người đến trần gian để đưa giao ước này lên một tầm cao mới.  Qua Đức Giêsu, mối tương quan Thiên Chúa – Nhân Loại không còn phải qua trung gian như thời xưa nữa, tức là thời của ông Môisen và ông Êlia.  Con người có thể được gặp gỡ trực tiếp Thiên Chúa, “ai thấy Thầy là thấy Cha” (x. Ga 14,9).  Cuộc biến hình trên núi mà cả ba tác giả Tin Mừng Nhất lãm đều kể lại, chính là một bằng chứng về lòng trung thành của Thiên Chúa.  Những gì Thiên Chúa trong Cựu ước đã ngỏ lời qua truyền thống Lề luật (ông Môisen) và truyền thống Ngôn sứ (ông Êlia) nay đã được thực hiện trong Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu nhân độ thế.  Đức Kitô vừa là Ngôn sứ vừa là Lề Luật.  Kitô giáo tách ra khỏi truyền thống Do Thái, nhưng không đi ngược lại với truyền thống đó.  Do Thái giáo, hay truyền thống Ngôn sứ và Lề luật nay đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử.  Hình ảnh ông Môisen và ông Êlia đàm đạo với Chúa Giêsu, như một gạch nối và chuyển giao giữa Cựu ước và Tân ước.

Nếu như Thiên Chúa là Đấng trung tín, thì con người lại dễ dàng phản bội.  Lịch sử Cứu độ ghi lại những bất trung của dân riêng.  Đã bao lần Thiên Chúa yêu thương bao bọc và chở che tha thứ, nhưng con người vẫn chống lại Ngài.  Không chỉ lịch sử Do Thái, mà là lịch sử nhân loại, là chính chúng ta, những con người sống ở mọi nơi mọi thời cũng đang có khuynh hướng chống lại Thiên Chúa, khi vô tình hay hữu ý phá vỡ chương trình của Ngài.  Con người từ khởi đầu luôn có khuynh hướng kiêu ngạo chống lại Thiên Chúa và có ý định phản loạn.  Tội lỗi chính là sự phản loạn ấy.  Tội lỗi cũng là sự bất trung.  Tội lỗi gây hậu quả huỷ diệt chính bản thân mình.

Ba môn đệ gần gũi với Thầy Giêsu, là ông Phêrô, Gioan và Giacôbê, đã trải qua kinh nghiệm biến hình.  Các ông được chiêm ngưỡng Chúa như Người là, tức là được chiêm ngưỡng Người trong chính vinh quang do bản tính Thiên Chúa của Người.  Những lúc thông thường khác trong cuộc đời dương thế, Chúa Giêsu đã ẩn vinh quang của Người.  Trên núi cao, Người đã tỏ bày vinh quang cho các ông thấy, như một lời hứa hẹn và khích lệ để khẳng định với các ông: nếu các ông trung tín với Thày, các ông sẽ được chia sẻ vinh quang với Thày.  Trên núi cao, một cuộc thần hiện (Epiphany) kỳ diệu đã diễn ra: lời Chúa Cha khẳng định: Đây là Con Ta yêu dấu, người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người.”  Lời này đã vang lên lúc Đức Giêsu chịu phép Rửa ở sông Giordan, để dân chúng nghe thấy và nhận biết Đấng Messia (x. Mt 3,17).  Lời này hôm nay lại vang lên trên đỉnh núi, trong giờ phút Chúa Giêsu biến hình, như một nhắc nhở: hãy trung tín với Người.

Mùa Chay là thời điểm lắng đọng tâm hồn, để tôn vinh Thiên Chúa là Đấng tín trung trong lịch sử nhân loại và lịch sử cá nhân mỗi người.  Mùa Chay cũng là thời điểm tự vấn lương tâm, để soi xét về lòng trung thành của người tín hữu đối với Chúa và đối với tha nhân.  Thánh Phaolô đau lòng ứa lệ khi thấy có những tín hữu bất trung.  Họ không tìm Thiên Chúa, mà chỉ tìm những gì dễ dãi cho đời mình.  Vinh quang và lý tưởng của họ là những thứ chóng qua.  Người yêu mến Chúa sẽ tìm vinh quang thượng giới, là hạnh phúc vững bền.  Chính lòng yêu mến và trung thành sẽ giúp chúng ta biến đổi cuộc đời, trở nên con người mới, mặc lấy Đấng Phục sinh, sáng láng tinh tuyền và vinh quang thánh thiện, như Đấng đã biến hình trên núi năm xưa.

TGM Giuse Vũ Văn Thiên

YÊU THƯƠNG KHI TRẺ BƯỚNG BỈNH

Hằng ngày người cha vẫn đứng tựa cửa, đăm chiêu nhìn xa xăm như tìm kiếm con trai mình.  Thất vọng.  Đau khổ.  Có vẻ như không phải hôm nay.  Không phải hôm nay.  Nhưng một ngày nào đó, có thể nó sẽ trở về.  Cứ thế, người cha cô độc vẫn chờ đợi.  Mong mỏi, cầu nguyện và hy vọng.

Dụ ngôn “đứa con hoang đàng” trong trình thuật Lc 15:11–32 bây giờ mang ý nghĩa mới đối với tôi. Dụ ngôn không gọi là “đứa con hoang đàng” nữa, mà là “người cha nhân hậu.”  Tôi không tập trung nhiều vào đứa con nữa.  Tôi tập trung vào người cha.  Theo dõi ông.  Học tập ông.  Noi gương ông.

Tại sao vậy?  Bởi vì hiện nay tôi đặt mình vào vị trí của người cha – mòn mỏi vì lo lắng, thắc mắc, và kiệt sức.  Đáng lo là đứa con mất đức tin, và không biết khi nào nó trở về.  Người cha mòn mỏi vì phải chờ đợi đứa con quá lâu!

Đọc lại câu chuyện này với cái nhìn mới đã giúp tôi phát hiện các nguyên tắc mà trước đây tôi không biết.  Thiết tưởng các nguyên tắc này cũng khả dĩ giúp ích cho những người cha đang mòn mỏi vì con.

1. Giải thoát (Lc 15:11–13)

Khi đứa con đòi chia tài sản, tôi đã cảm thấy khó chịu vì người cha không hề từ chối.  Ông cũng không phân tích điều hơn lẽ thiệt, mặc dù ông có thể làm vậy.  Ông dễ dàng chấp nhận điều kiện của đứa con.

Sau khi chấp nhận chia gia tài, ông cho đứa con ra đi cho thỏa chí tang bồng.  Ông giải thoát nó, để nó chịu trách nhiệm về tương lai và hệ quả mà nó đã tự chọn lựa – dù tốt hay xấu.  Một lúc nào đó, cha mẹ nào cũng cần cách giải thoát này.

Theo cách của người cha trong dụ ngôn, tôi chấp nhận cho con tôi đi theo lối riêng của nó (với sự khôn ngoan và mối quan tâm trong phạm vi cho phép).  Tôi đã phải để nó đi theo quyết định của nó – dù tốt hay xấu – và trải nghiệm cuộc sống, cả đau khổ và vui mừng.  Nó có thể khám phá cả cái đẹp và cái xấu, đồng thời cũng phải tự chịu trách nhiệm.

2. Chấp nhận (Lc 15:14–16)

Đứa con đã quyết định tồi tệ – rất tồi tệ.  Người cha cho phép nó, hoàn toàn tự do, làm gì tùy ý.  Nó đã sống buông thả, sa đọa, tội lỗi, trụy lạc, hư hỏng, gặp chăng hay chớ.  Cuối cùng, nó trắng tay và thất vọng.

Giống như đứa con hoang đàng, con cái của chúng ta cũng được tạo dựng có ý muốn.  Chúng có cách chọn lựa riêng, có cách phân biệt điều tốt và điều xấu, điều phúc và điều tội, Thiên Chúa và ma quỷ.  Thiên Chúa có quyền trên ý muốn của chúng, nhưng cha mẹ không có quyền đó.

Rất khó, nhưng tôi đã chấp nhận.  Tôi chấp nhận nó có tự do chọn lựa.  Tôi không thể làm khác, bởi vì tôi biết nó có thể, và hy vọng vào ơn Chúa, một ngày nào đó nó sẽ trở về, sống ngoan ngoãn và đạo đức.

3. Xác nhận (Lc 15:17–19)

Đứa con hoang đàng đã rơi xuống đáy cuộc đời, không biết thời gian lâu hay mau.  Nhưng tội lỗi của nó đã làm cho nó thất vọng và đau khổ.  Chỉ khi đó nó mới “biết mình là ai.”  Cuối cùng, nó đã thức tỉnh, bắt đầu nhớ nhà và khao khát cảnh gia đình êm ấm ngày xưa.

Khi biết nó sống xả láng, lãng phí tài sản và cuộc đời, có lẽ người cha đã quỳ gối cầu nguyện rất nhiều cho nó, và phó thác nó cho lòng thương xót của Thiên Chúa.  Tôi cũng cầu nguyện cho con tôi, xin cho nó hồi tâm và tỉnh ngộ.  Tôi cầu xin Chúa Thánh Thần đánh động nó và dẫn nó trở về đường ngay nẻo chính, để được tha thứ và được phục hồi.

4. Chờ đợi và đón nhận (Lc 15:20)

Hằng ngày người cha vẫn chờ đợi, trông mong, cầu nguyện và hy vọng.  Ước gì các bậc cha mẹ cũng kiên trì cầu xin Thiên Chúa và được tràn đầy Thần Khí.

Tôi lại cảm thấy “khó chịu” với cách phản ứng của người cha khi “thằng con trời đánh” kia trở về.  Lòng trắc ẩn đã đẩy người cha đi tới phía đứa con khi nó ở bước đường cùng.  Vòng tay ông rộng mở, đầy tình yêu thương.  Trái tim ông đập nhịp yêu thương dồn dập.  Không trách mắng nó, không chì chiết, không nguyền rủa, không giận dữ.  Còn chúng ta thì sao?  Chắc hẳn chúng ta trợn mắt và quát: “Tao tưởng mày đi luôn, không về đây nữa . Mày ngon mà!  Sao không đi luôn đi?  Ra khỏi nhà là thất nghiệp, vắng cha mẹ thì chết đói.  Cá không ăn muối cá ươn mà!”

Tôi cầu xin cho tôi biết phản ứng với lòng yêu thương, tha thứ và đón nhận.  Tôi phải bỏ đau khổ qua một bên trong lúc đó.  Nhờ ơn Chúa, tôi sẽ ôm con tôi trong vòng tay nhân hậu, tha thứ và yêu thương vô điều kiện.

5. Vui mừng (Lc 15:22–23, 32)

Đứa con hoang đàng trở về, ăn năn tội lỗi.  Nó được phục hồi ơn cứu độ mà nó đã đánh mất.  Nó đã chết mà được sống lại và trở về nhà.  Thực sự đó là điều đáng vui mừng lắm.  Làm sao có thể cư xử khác được chứ?

Thiết tưởng đây là thông điệp của dụ ngôn này: Vui mừng đón nhận chứ không kết án đối với một người lầm lạc trở về vì ăn năn sám hối, đó là tặng phẩm ân sủng nhờ tin vào Đức Giêsu Kitô: “Chính do ân sủng và nhờ lòng tin mà anh em được cứu độ: đây không phải bởi sức anh em, mà là một ân huệ của Thiên Chúa; cũng không phải bởi việc anh em làm, để không ai có thể hãnh diện” (Ep 2:8–9). Như vậy, họ đã tìm ra con đường về nhà qua vòng tay yêu thương và tha thứ của người cha, con chiên lạc đã trở về đúng ràn chiên.

Tôi có thể làm gì khi đứa con hối hận và trở về?  Tôi cũng sẽ vui mừng đón nhận với lòng tha thứ và yêu thương.  Không thể làm gì khác hơn nữa!

Denise Kohlmeyer
Trầm Thiên Thu (chuyển ngữ từ DisiringGod.com)

THÂN CÁT BỤI

Mỗi dịp Mùa Chay, chúng ta lại có dịp chiêm ngắm mầu nhiệm về con người.  Con người được Thiên Chúa sáng tạo theo hình ảnh của Ngài, và với tình yêu nên con người mang nơi mình sự cao cả của tình yêu Thiên Chúa, nghĩa là con người biết yêu thương và biết đáp trả tình yêu một cách ý thức và tự do.  Tuy nhiên, khi đặt mình vào sự bao la và mênh mông của vũ trụ, con người chỉ nhỏ nhoi như một hạt bụi.  Nghĩ cho cùng, tất cả mọi người cũng chỉ là những hạt bụi hoá thân thành kiếp nhân sinh.  Vì là thân cát bụi, chúng ta sẽ trở về cát bụi.

Tại sao con người lại được ví là bụi đất?  Bụi đất là một cái gì vô giá trị!  Thậm chí nó còn tượng trưng cho cái gì dơ bẩn, là biểu hiệu của cái gì hoang tàn và chết chóc.  Nó không có hình thù cụ thể, không có khuôn mặt; thường bị người ta chà đạp dưới chân.  Nó không tự làm chủ mình, nó bay theo mọi cơn gió; nó bay khắp nơi, đâu đâu cũng là chỗ của nó nhưng nó lại không có một chỗ cư ngụ ổn định.  Bụi đất là thế, nhưng con người thì đẹp đẽ, cao quý đến thế tại sao lại được ví như bụi đất.

Thực ra, hình ảnh tro bụi xuất hiện trong Kinh Thánh nhiều lần.  Trong sách Sáng Thế, Abraham đã nhận mình là thân tro bụi, ông đã thân thưa với Chúa rằng: “Mặc dầu con chỉ là thân tro bụi, con cũng xin mạn phép thưa với Chúa…”  Còn các Thánh Vịnh gia, khi ý thức được sự yếu hèn của phận người, đã thốt lên rằng: “Người quá biết ta được nhồi nắn bằng gì, hẳn người nhớ: ta chỉ là tro bụi.”

Vì mang thân phận tro bụi, con người yếu hèn và mong manh về mọi phương diện: Yếu đuối về thể lý, tâm lý cũng như tâm linh.  Chỉ cần một cơn gió nhẹ, cũng đủ để làm con người gục ngã.  Con người cũng dễ dàng bị chao đảo, dễ dàng sa vào vòng tội lỗi và hậu quả của tội là sự chết.  Mỗi ngày chúng ta sống nhưng cũng đồng thời chúng ta đang tiến gần đến sự chết.  Dường như cái chết chính là cùng đích của con người.

Tuy ý thức về thân phận bụi đất như thế, nhưng con người không bi quan về thân phận của mình.  Đối với chúng ta là những người Công Giáo, chúng ta tin rằng, chúng ta là hạt bụi, nhưng chúng ta được hóa thân nhờ tình yêu của Thiên Chúa, và theo giống hình ảnh của Ngài nên chúng ta cũng mang nơi mình sự vĩ đại của Ngài.  Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, mặc dù không phải là người Công Giáo, nhưng khi gẫm suy thân phận của con người, ông đã không ngại ngùng để ca ngợi thân phận bụi tro của mình.  “Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi, để một mai tôi trở về cát bụi…  Ôi, cát bụi tuyệt vời.”  Nó vẫn tuyệt vời ngay khi “lá úa trên cao rụng đầy,” chứ không phải chỉ tuyệt vời khi “vươn hình hài lớn dậy” mà thôi.

Vâng, dường như con người nhận ra thân phận bụi tro của mình, nhưng con người cũng cảm nhận được niềm hy vọng nơi mình.  Vì chính Ngôi hai Thiên Chúa đã nhập thể làm người, và chấp nhận sự yếu đuối của phận người, nghĩa là Người đã chấp nhận mang lấy thân phận bụi đất của chúng ta, để rồi nhờ cái chết và sự phục sinh của Ngài, bụi đất của ta sẽ được lãnh nhận hơi thở sự sống của Thiên Chúa.  Như thế, bụi tro không còn là cùng đích của chúng ta, dẫu rằng chúng ta vẫn phải trở về bụi tro nhưng tro bụi không còn là điểm tới, nhưng là khởi điểm để đưa con người vào cuộc sống vinh quang bất diệt.

Lạy Chúa,
Trong Mùa Chay này,
Xin cho chúng con nhận ra
Sự nhỏ bé của chúng con.
Chúng con là thân cát bụi
Nhưng là cát bụi tốt lành,
Là cát bụi vô tri,
Nhưng được sống động nhờ sự sống của Chúa,
Là hạt bụi nhơ nhớp,
Nhưng lại được Chúa yêu,
Xin cho chúng con biết chết đi mỗi ngày,
Dám để cho mình được tan biến,
Để cùng được sống lại trong tình yêu vinh hiển của Ngài.

LM Nguyễn Minh Triệu, SJ

HỒI TÂM

Hồi tâm là một hành vi tâm lý, nhìn lại quá khứ để nhận ra những việc mình đã làm.  Có thể đó là những việc tốt, nhưng cũng có thể đó là những việc chưa tốt.  Việc hồi tâm đòi hỏi lòng can đảm và trung thực, vì có nhiều người rất sợ đối diện với lương tâm của chính mình.  Đó là lý do tại sao có những người, sau khi làm điều ác, uống rượu hoặc hút chích ma túy để quên đi quá khứ, để gạt bỏ lời khiển trách của lương tâm.  Hồi tâm giúp chúng ta nhận ra những lầm lỗi của mình, để rồi sửa chữa, uốn nắn và canh tân cuộc đời.

Lời mời gọi “Hãy trở về” cũng có nghĩa là “Hãy hồi tâm.”  Hồi tâm là một trong những thực hành quan trọng của Mùa Chay.  Việc hồi tâm phải được thực hiện trước mặt Chúa, trong tâm tình cầu nguyện và với thiện chí chừa cải.

Hồi tâm cũng là ôn lại lịch sử đã qua.  Ông Môisen đã chỉ thị cho các tư tế Do Thái, mỗi khi dâng của lễ đầu mùa, phải nhắc lại quá khứ của dân tộc mình.  Quá khứ này vừa kể lại thuở hàn vi nghèo khổ, vừa ghi đậm dấu ấn quyền năng vô biên của Thiên Chúa.  Người Do Thái nhớ lại cha ông mình ngày xưa chịu cảnh lang thang phiêu bạt, nhờ quyền năng của Chúa, họ được định cư và phát triển đông đúc “như sao trên trời và như cát dưới biển.”  Quá khứ đã qua của dân riêng Thiên Chúa vừa huy hoàng, vừa đau khổ.  Lời cầu nguyện của tư tế cũng nhắc tới thời kỳ đen tối, dưới ách nô lệ của người Ai Cập.  Lại một lần nữa, Chúa giang cánh tay uy quyền để giải thoát họ, đưa họ về miền đất hứa.  Đó là lý do để người Do Thái, từ thế hệ này đến thế hệ khác, phải dâng của lễ để tôn vinh và tạ ơn Thiên Chúa (Bài đọc I).

Việc hồi tâm cũng giúp chúng ta lượng giá cuộc sống hiện tại, để nhờ đó, chúng ta luôn khôn ngoan thận trọng trước những cạm bẫy giăng đầy xung quanh.  Thánh Luca đã thuật lại việc Chúa Giêsu vào hoang địa.  Ở đó, Chúa cầu nguyện, ăn chay và chịu cám dỗ.  Tên cám dỗ là ma quỷ.  Nội dung cám dỗ là lời mời gọi ở ba khía cạnh: bánh ăn trong lúc đói; bổng lộc vinh hoa để quên sứ mạng thiên sai; làm những điều ngoạn mục (gieo mình từ nóc Đền thờ) để vui chơi giải trí.  Như chúng ta thấy trong trình thuật của Luca, Chúa Giêsu đã dùng Lời Chúa để đánh bại ma quỷ.

Ba cơn cám dỗ Chúa Giêsu đã trải qua cũng luôn tồn tại trong cuộc sống của chúng ta.  Quả vậy, bất kể thời nào, lứa tuổi và bậc sống nào, chúng ta cũng bị cám dỗ về ăn uống, về vinh hoa, và thử thách Thiên Chúa.  Hồi tâm chính là nhận ra những cơn cám dỗ ấy, để khôn ngoan can đảm khước từ những lời mời gọi ngọt ngào nhưng chứa nọc độc.  Cám dỗ giống như những viên thuốc độc bọc đường, bên ngoài thì đẹp đẽ, nhưng dễ dàng đầu độc và giết chết chúng ta.

Sau khi thất bại, quỷ rút lui và chờ đợi thời cơ – Thánh Luca kết thúc trình thuật như thế.  Kể cả lúc chúng ta chiến thắng cám dỗ của ma quỷ, chúng ta vẫn phải luôn thận trọng.  Tâm tình cầu nguyện, gắn bó với Lời Chúa sẽ giúp chúng ta sức mạnh để chiến thắng những tấn công của Satan.  “Lời Chúa ở gần bạn, ngay trên miệng, ngay trong lòng.”  Sức mạnh của chúng ta đến từ Lời Chúa và vào lòng trông cậy vững vàng nơi Ngài.  “Tất cả những ai kêu cầu Danh Chúa sẽ được cứu thoát” (Bài đọc II).

“Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin gìn giữ họ khỏi ác thần” (Ga 17, 15).  Giữa biển đời sóng gió phong ba, Chúa Giêsu biết chúng ta sẽ trải qua nhiều cám dỗ.  Người cầu xin Đức Chúa Cha, để Ngài gìn giữ các môn đệ và những ai tin vào Chúa Giêsu.  Người tín hữu không tách rời khỏi thế gian, nhưng sống giữa thế gian với sức mạnh diệu kỳ của Thiên Chúa, để rồi họ chiến thắng nhờ sức mạnh ấy.  Sống tinh thần Mùa Chay là sống tinh thần hoang địa.  Ở đó, giữa thinh lặng và trong tinh thần chay tịnh, chúng ta sẽ gặp Chúa và được đón nhận từ Ngài sức mạnh siêu nhiên, giúp chúng ta thắng cám dỗ đang vây bọc tư bề.

Sau cùng, hồi tâm giúp chúng ta hướng về tương lai, với lạc quan hy vọng.  Chúng ta tin vào tình thương của Chúa và vào lòng nhân hậu của Ngài.  Thiên Chúa là Đấng “không nỡ bẻ gãy cây lau bị giập, không dập tắt tim đèn còn khói” (Is 42,2), có lẽ nào Ngài bỏ rơi chúng ta, khi chúng ta cậy trông phó thác nơi Ngài?

“Điều gì tốt anh em phải đạt cho bằng được, hãy chiến đấu nếu cần.  Vậy, anh em đừng sợ cám dỗ, nhưng hãy vui mừng, bởi vì chúng đưa đến thành tựu.  Thiên Chúa phù giúp và bảo vệ anh em” (Thánh Barsanuphius)

“Thiên Chúa như một người mẹ ẵm con trên tay bên bờ một vực thẳm.  Trong khi bà mẹ tìm cách giữ con cho khỏi nguy hiểm, thì đứa nhỏ lại cố sức để nhào xuống đó.

Xin Chúa giúp chúng ta sức mạnh để chiến thắng cám dỗ đang bao bọc vây quanh chúng ta, để sống giữa trần gian, mà lương tâm chúng ta vẫn thanh thoát, tâm hồn chúng ta vẫn gắn bó với Chúa trọn đời.  Amen.

TGM Giuse Vũ Văn Thiên

BUÔNG BỎ THAM SÂN SI

Con người ta thường mệt mỏi là do tâm phiền muộn mà sinh ra nhiều hơn.  Cái tâm chứa đầy tham sân si nên dễ mệt mỏi, thất vọng khi không thỏa mãn điều mình muốn.  Càng tham ái, sân si nhiều càng mỏi mệt…  Chỉ khi con người biết buông bỏ những tham sân si lúc ấy mới thấy tâm bình an và hạnh phúc.

một tỷ phú sống trong căn biệt thự xa hoa.  Rồi một ngày kia mắc bệnh hiểm nghèo, ông chợt nhận ra rằng tất cả những gì là danh vọng, tiền tài và vật chất, thực ra đều hư vô như mây khói.

Vì lo sợ sẽ không sống được bao lâu nữa, ông bèn tìm đến một vị danh y để xin lời khuyên.  Sau khi bắt mạch, danh y nói với ông rằng: “Bệnh của ông ngoài cách này ra thì không thuốc nào có thể chữa khỏi.  Tôi sẽ kê cho ông ba đơn thuốc, ông cứ theo đó mà làm, hết đơn thứ nhất thì chuyển sang đơn tiếp theo.  Ba đơn thuốc đó là: Nghỉ ngơi, cho đi và buông xuống.

Nghỉ ngơi cho tâm hồn thanh thản.  Cho đi để tâm hồn hạnh phúc, và buông xuống để tâm hồn không còn lệ thuộc bởi danh lợi thú trần gian.

Nhưng xem ra muốn nghỉ ngơi, hay muốn cho đi thì con người phải biết buông xả mới có tâm bình an và lòng quảng đại.  Con người cần phải buông đi những lợi danh, buông đi những hận thù tranh chấp, những toan tính nhỏ nhoi thì lòng mới thanh thoát bình an.  Lòng buông xả thì tâm bình an.  Con người còn cần buông đi những đam mê mù quáng, buông đi những thói hư tật xấu mới tìm được hạnh phúc của tự do tâm hồn.

Nguồn gốc của tội lỗi là con người luôn chất chứa những tham sân si.  Con người luôn giữ cho mình những toan tính tham lam, những nóng giận cuồng điên và những mê muội cuồng si.

Khởi đầu mùa chay Giáo hội nhắc nhở chúng ta thân phận con người chỉ là bụi tro, một mai rồi cũng trở về tro bụi.  Lợi danh, quyền quý cũng chỉ là phù vân.  Không có chi tồn tại.  Không có chi vững bền.  Tất cả đều mong manh tan vỡ theo thời gian.  Vậy tại sao chúng ta phải bận lòng với những hư vô ấy?  Tại sao lòng ta lại chất chứa những tham sân si để mang phiền não cho cuộc đời?  Tại sao chúng ta cứ theo đuổi phù vân mà gây nên những bể dâu cho cuộc đời?

Hãy nhìn nhận tất cả chỉ là tro bụi để can đảm buông lòng mình cho Chúa gột rửa khỏi những toan tính trần thế, những hư danh phù phiềm, những đam mê thế tục.  Hãy buông bỏ những danh lợi thú để trở về với Chúa trong chay tịnh khiêm tốn ăn năn.  Khi con người buông bỏ những tham ái, sân si thì cuộc đời ta mới thanh thản, hạnh phúc, tươi vui.  Khi con người buông bỏ những toan tính của danh lợi thú thì cuộc đời ta sẽ không còn những tháng ngày tranh chấp, ganh đua, bon chen giành giật lẫn nhau. . .

Hôm nay ngày Lễ Tro, từng đoàn người lũ lượt lên xức tro, nhưng liệu có mấy ai đã dám buông bỏ mọi sự để trở về với Chúa?  Có mấy ai thực sự không bận lòng trước những bon chen danh vọng, quyền chức, tiền tài?  Có mấy ai thực sự buông bỏ những đam mê tội lỗi, những cuồng si thấp hèn?

Xức tro là biểu hiện lòng sám hối.  Xức tro chỉ đem lại sự tươi trẻ tâm hồn khi chúng ta quyết tâm từ bỏ tội lỗi, tránh xa cám dỗ và làm lại cuộc đời.  Xức tro lên đầu nói lên thân phận yếu đuối của con người và cần đến lòng thương xót của Chúa.  Chúng ta nại đến lòng thương xót của Chúa để được ơn thứ tha, đồng thời nhờ nguồn ân thánh của Chúa sẽ làm mới lại cuộc đời chúng ta.

Ước gì tâm hồn chúng ta sẽ tràn ngập niềm vui khi biết sám hối ăn năn.  Xin đừng ở lì trong tội khiến tâm hồn chúng ta già nua, thiếu sức sống.  Xin đừng vì lối mòn tội lỗi mà đánh mất sự tươi trẻ trong tâm hồn.  Xin Chúa giúp chúng ta can đảm trở về tắm gội trong đại dương bao la tình Chúa.  Amen!

Lm. Jos Tạ Duy Tuyền

TỰ NHIÊN VÀ LÀNH MẠNH

“Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào!”

 Robert Fulghum viết, “Hầu hết những gì tôi thực sự cần biết về cách sống, điều phải làm và làm như thế nào, tôi đã học được ở trường mẫu giáo.  Trí tuệ không nằm trên đỉnh núi của các trường cao học, mà ở trong mấy hộp cát ở trường mẫu giáo. ‘Tự nhiên và lành mạnh’ biết bao!”

Kính thưa Anh Chị em,

‘Tự nhiên và lành mạnh’ cũng là những gì Lời Chúa hôm nay nói đến.  Thật thú vị, Chúa Giêsu dùng trẻ em để dạy người lớn!  Ngài chỉ ra cách chấp nhận Nước Thiên Chúa như trẻ em chấp nhận; không dè giữ, ngờ vực hay do dự, nhưng cởi mở, vui tươi và đơn sơ.  Hơn nữa, Tin Mừng còn tiết lộ một sự thật tinh tế khác, đó là sự cần thiết của một tình cảm ‘tự nhiên và lành mạnh!’

Thế giới chúng ta đang sống ngày càng có xu hướng đồi trụy và ham muốn sai lầm của con người. Từ “Chiếm hữu và thống trị” được nhắc đến nhiều trong hai ngày qua, khi Nga đem quân tiến vào Ukraine.  Sự thèm muốn nhục dục có xu hướng thống trị nền văn hoá của chúng ta theo cách gần như bình thường, khi con người coi người khác là đối tượng của ham muốn.  Điều này nhan nhản trên các trang mạng và các ‘shows’ quảng cáo.  Tội lỗi do dục vọng tràn lan, ảnh hưởng đến con người tới mức ràng buộc nó, đến nỗi nạn nhân không thể thoát ra.  Kết quả đáng buồn là, có vẻ như con người ngày nay đã mất đi những tình cảm trong sáng và hồn nhiên đối với tha nhân, nhất là với người khác phái.  Trong một nền văn hoá bị ‘tình dục hoá’ quá mức như thế, chúng ta có thể dễ dàng bắt đầu nhìn mọi thứ qua lăng kính vọng tưởng và vọng động.  Kết quả là, sự hiểu biết về một tình cảm ‘tự nhiên và lành mạnh’ nơi con người bị đánh mất!

Chúa Giêsu nói, “Hãy để trẻ nhỏ đến cùng Thầy”; Marcô viết tiếp, “Rồi Ngài ôm chúng, đặt tay, chúc lành cho chúng.”  Như vậy, Tin Mừng đã tiết lộ một tình cảm thánh thiện, ‘tự nhiên và lành mạnh’ mà Chúa Giêsu đã dành cho những trẻ này cũng như cho mỗi người chúng ta.  Tuy nhiên, không chỉ trẻ em mới đến với Ngài; một người phụ nữ ngoại tình đã ‘bám lấy’ chân Ngài; một phụ nữ khét tiếng khác, “lấy nước mắt tưới ướt chân, lấy tóc mình mà lau, rồi hôn chân Ngài và lấy dầu thơm đổ lên”; và Gioan tông đồ, người đã “tựa đầu vào lòng” Ngài trong Bữa Tiệc Ly. 

Tình cảm của con người phải được ‘thanh tẩy và cứu chuộc’ theo cách nó được dâng hiến cho người khác mà không một động cơ ích kỷ nào có thể len vào; và dĩ nhiên, không có những ham muốn tình dục rối loạn!  Một khi điều này được thực hiện, như Chúa Giêsu đã làm, thì cái ôm của cha mẹ đối với con cái, của một người bạn với một người bạn, vợ hoặc chồng với người phối ngẫu của mình… sẽ trở thành một biểu hiện thánh thiện, ‘tự nhiên và lành mạnh’ của một tình yêu trong sáng trong trái tim Chúa Kitô.  Để có được một tình cảm ‘tự nhiên và lành mạnh’, thánh Giacôbê hôm nay nhắc nhở chúng ta phải cầu nguyện trong mọi hoàn cảnh, cho mình và cho mọi người; cầu nguyện kiên trì như Êlia.  Chỉ có cầu nguyện mới có thể không dè giữ, ngờ vực hay do dự, nhưng cởi mở, vui tươi và đơn sơ trước mặt Chúa như trẻ nhỏ trước mặt cha mẹ, đúng như tâm tình của Thánh Vịnh đáp ca, “Ước chi lời con nguyện, như hương trầm bay toả trước thánh nhan!” 

Anh Chị em,

Hôm qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đích thân đến toà Đại Sứ Nga tại Vatican; nghĩa cử này được xem là một diễn biến chưa từng có về mặt ngoại giao.  Dẫu báo chí có thể đoán già đoán non hoặc cắt nghĩa nội dung cuộc gặp gỡ của Đức Thánh Cha cách này cách khác; nhưng chúng ta có thể tin chắc, với tình cảm ‘tự nhiên và lành mạnh’ của một người cha, một vị lãnh đạo tinh thần của thế giới, thay mặt Chúa Kitô, ngài đến để cầu xin hoà bình cho Ukraine.  Cũng thế, chúng ta hãy nghĩ đến những gì mỗi người chúng ta có thể làm để đem lại sự trong sáng và hồn nhiên cho môi trường của mình, một môi trường vốn đã bão hoà với một nền văn hoá quá nhiều tạp chất gây ra sự nhầm lẫn về cách nhìn nhận tha nhân.  Chúng ta hãy cầu nguyện để trở nên những sứ giả tiếp tục tặng ban một tấm lòng trong sạch; qua đó, chính Chúa Giêsu sẽ mời nhiều người đến với Ngài qua lòng nhân ái và tình cảm ‘thánh khiết’ của chúng ta.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin giải thoát con khỏi mọi cám dỗ hưởng thụ, lây nhiễm từ một nền văn hoá thế tục; thay vào đó, cho con thể hiện một tình yêu vị tha ‘tự nhiên và lành mạnh’ như Chúa”, Amen. 

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế