ĐỨC KHÔN NGOAN

“Khôn ngoan”, trong từ điển Tiếng Việt được định nghĩa là “khéo léo trong việc cư xử với mọi người.”  Từ điển Wikipedia lại giải thích dài hơn như sau: “Sự khôn ngoan hay sự thận trọng (tiếng Latinh: prudentia, tiếng Anh: prudence) là khả năng quản trị và kỷ luật bản thân thông qua việc sử dụng lý trí.  Sự khôn ngoan được coi là một đức hạnh, và đặc biệt là một trong bốn đức hạnh cốt yếu (cùng với Can đảm, Công bằng và Tiết độ).”  Đối với thánh Tô-ma A-qui-nô, ngài coi khôn ngoan là nguyên nhân, phương pháp và hình thức của mọi đức hạnh.

Lời Chúa trong cuốn sách mang tên “Sách Khôn Ngoan” của Chúa nhật 32 hôm nay lại định nghĩa “khôn ngoan” theo một ý hướng khác.  Xin lưu ý là chữ “Khôn Ngoan” tác giả đặt ở chữ viết hoa.  Điều này cho thấy “Đức Khôn Ngoan” ở đây không theo nghĩa thông thường.  Dưới lăng kính Ki-tô giáo, Đức Khôn Ngoan chính là Đức Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa nhập thể làm người.  Người có từ thuở ban sơ, hiện diện cùng với Thiên Chúa, để cùng Chúa Cha sáng tạo muôn loài.  Những ai thiện chí tìm kiếm Đức Khôn Ngoan thì Người sẽ cho gặp.  Đức Giê-su đã quả quyết: “Hãy đến với Ta tất cả, hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho các ngươi” (Mt 11,28).  Hôm nay, Đức Giê-su, tức là Đức Khôn Ngoan, vẫn đang không ngừng tìm kiếm chúng ta.  Người sẽ tỏ mình ra cho chúng ta, nếu chúng ta trở nên nghĩa thiết với Người.  Người soi sáng cho chúng ta, nhờ đó chúng ta nhận ra lẽ phải để biết đối nhân xử thế một cách hài hòa.

Hiểu như thế, chúng ta sẽ nhận ra, lý tưởng đời sống Ki-tô hữu là tìm kiếm Đức Khôn Ngoan, tức là Đức Ki-tô, đồng thời cố gắng mỗi ngày để nên giống như Người.  Danh xưng “Ki-tô hữu”, vừa có nghĩa “người được xức dầu”, vừa khẳng định chúng ta thuộc về Đức Ki-tô, tin vào Đức Ki-tô và phấn đấu để nên giống Đức Ki-tô trong tư tưởng, lời nói và việc làm.

Một khi có Đức Khôn Ngoan hướng dẫn, chúng ta sẽ biết nhìn xa trông rộng, để sống tốt hiện tại và chuẩn bị cho tương lai.  Trên đời, có những người đạt được Đức Khôn Ngoan; nhưng cũng có người không được như vậy.  Dụ ngôn “Mười trinh nữ” được thánh Mát-thêu đặt vào văn mạch những bài giảng của Chúa Giê-su về cánh chung, tức là vào lúc tận thế.  Người ta có thể khôn ngoan trong những suy tính thế gian, nhưng chưa chắc đã khôn ngoan khi lo liệu hạnh phúc vĩnh cửu.  Những cô khờ dại chỉ nhìn trước mắt.  Họ chú ý đến trang điểm và làm duyên cầu kỳ, mà không nghĩ đến sự thận trọng và vẻ đẹp tâm hồn.  Một điều cần lưu ý là cả người khôn và người dại cuối cùng đều phải trình diện trước nhan Chúa, nhưng tương lai của họ thì hoàn toàn khác nhau.

Như chúng ta đã biết, hình ảnh tiệc cưới được Chúa Giê-su sử dụng nhiều lần trong Tin Mừng, hầu hết đều mang nội dung giáo huấn về ngày cánh chung.  Sống ở đời, chúng ta đang chuẩn bị cho ngày đó. Dù sớm hay muộn, ngày ấy cũng sẽ đến.  Nhiều người lập luận rằng: những người Công giáo cứ nói đến cánh chung từ hàng ngàn năm nay rồi, mà ngày ấy đâu có đến.  Quả thật, ngày cánh chung chưa đến, nhưng Chúa Giê-su nói với chúng ta trong câu kết của bài Tin Mừng hôm nay: “Anh em hãy tỉnh thức, vì anh em không biết ngày nào giờ nào” (câu 13).  Hơn nữa, nếu ngày cánh chung hay tận thế hiểu theo nghĩa phổ quát chưa đến, thì đối với mỗi chúng ta, lúc kết thúc cuộc đời dương thế, mà chúng ta vẫn gọi là giờ chết, thì đó chính là tận thế và là ngày phán xét riêng Chúa dành cho chúng ta.  Đó là lý do vì sao chúng ta phải luôn khôn ngoan chuẩn bị cho tương lai đời mình.  Năm trinh nữ khờ dại đã không nghĩ đến chuyện đó, nên các cô đã bị lỡ.

Qua dụ ngôn “Mười trinh nữ” Chúa Giê-su cũng dạy chúng ta về sự sống sau khi chết.  Chết là biến đổi sang trạng thái khác.  Đối với những ai tín trung với Chúa, chết là gặp gỡ Chúa, và là dự tiệc vui muôn đời.  Thánh Phao-lô trong thư gửi tín hữu Thê-xa-nô-ni-ca đã đưa ra lời giải thích về sự chết, để người tín hữu không còn buồn phiền bi quan.  Chúng ta kẻ trước người sau, ai cũng phải đến lúc kết thúc cuộc đời.  Nếu sống thánh thiện thì sẽ được gặp nhau mãi mãi trên quê trời.

Tháng Mười Một hằng năm được dành riêng để tưởng nhớ và cầu nguyện cho những người đã khuất.  Dụ ngôn “Mười trinh nữ” cũng thường được đọc trong thánh lễ an táng và cầu hồn, như một lời mời gọi những ai đang sống hãy tỉnh thức và sẵn sàng.  Khi cầu nguyện cho người đã qua đời, chúng ta cũng nghĩ đến thân phận mình.  Hãy tìm kiến Đức Khôn Ngoan.  Hãy theo học với Người.  Tác giả Thánh vịnh (Đáp ca) đã thưa với Chúa: “Lạy Chúa là Thiên Chúa con thờ, ngay từ rạng đông, con tìm kiếm Chúa.”  Ước chi mỗi chúng ta cũng khởi đầu ngày mới bằng việc tìm kiếm Chúa, tìm kiếm Đức Khôn Ngoan, để chúng ta cũng được nên khôn ngoan giống như Người.

TGM Giu-se Vũ Văn Thiên

SỰ HIỆP THÔNG CỦA CÁC THÁNH

Hầu hết thế giới tin rằng chết không phải là hết, tin rằng có một dạng bất diệt.  Hầu hết mọi người tin rằng những người đã chết vẫn còn tồn tại trong một tình trạng nào đó, theo phương thức nào đó, ở một nơi nào đó, là thiên đàng hay hỏa ngục, dù cho chúng ta không biết được.  Trong một vài khái niệm, sự bất tử được xem là một tình trạng nơi con người đó vẫn ý thức và lý luận, trong khi khái niệm khác, thì xem sự hiện hữu sau cái chết là có thực nhưng phi nhân thể, như một giọt nước rơi vào đại dương.

Còn chúng ta, những Kitô hữu, thì chúng ta có niềm tin.  Chúng ta tin rằng người chết vẫn còn sống, vẫn là họ, và rất quan trọng là vẫn trong một mối liên hệ sống động, có ý thức và đầy yêu thương với chúng ta và với nhau.  Đây là khái niệm chung của chúng ta về thiên đàng, dù cho có đơn giản hóa các trình bày theo từng thời điểm, nhưng khái niệm này thật đúng.  Đây chính xác là những gì mà đức tin và tín lý Kitô giáo mời gọi chúng ta.  Sau cái chết, chúng ta sống trong mối hiệp thông có ý thức, tự ý thức, với những người đã chết trước chúng ta, hiệp thông với những người còn ở trần thế, và hiệp thông với sự thần thiêng.  Đây chính là giáo lý Kitô giáo về sự Hiệp thông của các thánh.

Vậy chúng ta phải hiểu thế nào đây?  Và làm sao để chúng ta kết nối với những người thân yêu sau khi họ đã chết?  Hai hình ảnh Kinh thánh sau đây có thể cho chúng ta một điểm mở để hiểu được điều này.  Cả hai đều ở trong Tin mừng.

Tin nói rằng, ngay khi Chúa Giêsu chết, thì màn đền thờ xé ra làm hai, và đất rung chuyển, các tảng đá nứt ra.  Các mộ phần mở ra và xác của nhiều vị thánh trỗi dậy (Mt 27, 50-52).  Tin mừng còn kể cho chúng ta biết vào rạng sáng ngày Phục Sinh, có vài phụ nữ đến mộ Chúa để xức dầu thơm cho xác Ngài, nhưng họ chỉ thấy ngôi mộ trống và hai thiên thần: ‘Tại sao các bà tìm người sống ở nơi mồ mả?  Ngài không có ở đây.  Ngài đang sống, và các bà có thể thấy Ngài ở Galilee.’ (Lc 24, 5).  Những hình ảnh đó có thông điệp gì?

Là Kitô hữu, chúng ta tin rằng chúng ta được ban sự sống bất diệt qua cái chết của Chúa Giêsu.  Và Tin mừng trình bày sự thật này qua hình tượng trên.  Cái chết của Chúa Giêsu ‘mở toang cửa mồ’ và làm cho các ngôi mộ nên trống không.  Vì lý do đó, các Kitô hữu chưa bao giờ có những việc sùng kính lớn với nghĩa trang.  Là Kitô hữu, chúng ta không cử hành nhiều các việc thiêng liêng quanh các phần mộ?  Tại sao?  Bởi chúng ta tin rằng tất cả những phần mộ này đều trống không.  Người thân yêu của chúng ta không có ở đó và chẳng thể tìm thấy ở đó.  Họ đang ở cùng với Chúa Giêsu, ở ‘Galilee.’

Vậy ‘Galilee’ trong hình ảnh kinh thánh này là gì?  Trong Tin mừng, Galilee không chỉ là một địa danh trên bản đồ, mà là một nơi chốn bên trong Chúa Thánh Thần, Thần Khí của Thiên Chúa và của chúng ta.  Trong Tin mừng, Galilee là một nơi mà nhiều việc tốt đẹp diễn ra.  Đây là nơi mà các môn đệ lần đầu gặp Chúa Giêsu, nơi họ bắt đầu yêu mến Ngài, nơi họ dấn thân theo Ngài, và nơi xảy ra nhiều phép lạ.  Galilee là nơi Chúa Giêsu mời chúng ta đi trên mặt nước.  Galilee là nơi mà linh hồn các môn đệ được mở mang và bồi dưỡng.

Và đây cũng là nơi cho mỗi một người thân yêu đã khuất của chúng ta.  Trong đời sống của mỗi người, có một Galilee, là nơi mà nhân thể và linh hồn họ sống động nhất, nơi đời sống của họ chiếu rạng sinh lực mở lòng với thiêng liêng.  Khi nhìn vào cuộc đời của một người thân yêu đã chết, chúng ta cần tự hỏi rằng: Đâu là nơi mà cô ấy sống động nhất?  Phẩm chất nào mà cô ấy, gần như độc nhất vô nhị, đã thể hiện và trao đi?  Ở điểm nào mà cô ấy nâng lòng tôi lên và làm cho muốn trở nên một con người tốt đẹp hơn?

Hãy xác định những điều này, và bạn sẽ sẽ xác định được Galilee của người yêu dấu của mình, và bạn cũng sẽ xác định được Galilee của Tin mừng, cụ thể là một nơi mà Chúa Giêsu mời gọi bạn đến gặp gỡ Ngài.  Và đây cũng là nơi bạn sẽ gặp những người thân yêu của mình trong cộng đoàn các thánh.  Đừng tìm người sống ở nơi mồ mả.  Cô ấy không có ở đó.  Cô ấy ở Galilee.  Gặp cô ấy ở đó.

Elizabeth Johnson, có chiều hướng của Karl Rahner, đã thêm cho chúng ta suy tư này: ‘Hi vọng, chúng ta quả quyết rằng những người thân yêu đã qua đời, họ không rơi vào quên lãng, nhưng đi vào trong vòng tay của Thiên Chúa hằng sống.  Và đây là nơi chúng ta có thể tìm thấy họ lần nữa, khi chúng ta mở rộng lòng mình với sự dịu dàng của chính sự sống Thiên Chúa mà chúng ta dấn vào, không phải bằng sự ích kỷ đòi họ về lại với chúng ta, nhưng bằng việc đi vào sâu trong lòng của chúng ta, nơi Thiên Chúa ngự trị.’

Và có thể tìm thấy Galilee của những người thân yêu của chúng ta nơi Galilee của chính mình.  Có một nơi thâm sâu trong lòng, trong đức tin, đức cậy và đức ái, nơi mọi người, còn sống hay đã chết, gặp gỡ.

Rev. Ron Rolheiser, OMIJ.B. Thái Hòa chuyển dịch

GIẢ HÌNH

SUY NIỆM CHÚA NHẬT XXXI THƯỜNG NIÊN – NĂM A

Từ điển Công giáo định nghĩa giả hình là “hình thức dối trá, giả vờ có các nhân đức hoặc lòng đạo đức mà thực ra bên trong không có”. Tội giả hình đã bị lên án gay gắt trong Cựu ước. Quả vậy Thiên Chúa đã phán trong ngôn sứ I-sai-a: “Dân này tôn kính Ta bằng môi miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta (Is 29,13). Chúa Giê-su trích dẫn nguyên văn những lời này, trong khi một số người biệt phái phê phán các môn đệ vì không rửa tay trước khi ăn (x.Mc 7,1-8)

Tội giả hình đã ăn sâu nơi bản chất con người. Tâm lý tự nhiên, ai cũng muốn mình được nhiều người biết tới và khen ngợi tung hô. Không chỉ che mắt người đời, người ta còn giả hình trước mặt Thượng Đế và các thần linh nữa. Những câu chuyện liên quan đến những chiếc bánh chưng, bánh giày vĩ đại mà lại có xốp bên trong để tiến Vua Hùng cách đây vài năm đã cho thấy điều đó. Nhiều người cho rằng “Dương sao âm vậy; con người sao thì thần linh cũng vậy”, cho nên họ đút lót hối lộ các vị thần thánh để được bổng lộc chức tước, vì nghĩ rằng “tốt lễ thì dễ kêu”.

Thiên Chúa không có nhu cầu nhận lễ vật. Đôi khi lễ vật làm cho ngài không vui. Ngôn sứ Hô-sê đã thuật lại lời Đức Chúa: “Lễ lạt của các ngươi, Ta chán ghét khinh thường; hội hè của các ngươi, Ta chẳng hề thích thú. Các ngươi có dâng lên Ta của lễ toàn thiêu…những lễ vật của các ngươi, Ta không vui nhận, chiên bò béo tốt các ngươi đem hiến tế, Ta chẳng đoái hoài. Hãy dẹp bỏ tiếng hát om sòm của ngươi. Ta không muốn nghe tiếng đàn của ngươi nữa (Hs 3,21-23).

Nội dung Lời Chúa của Chúa nhật này gồm những lời oán trách. Đối tượng của những lời oán trách gay gắt ấy lại là những tư tế. Như chúng ta đã biết, các tư tế là thành phần ưu tuyển, được chọn trong chi tộc Lê-vi. Họ là trung gian giữa Thiên Chúa và Dân Người, để chuyển tải phúc lành của Chúa cho dân và để thay mặt dân dâng lời thỉnh cầu lên Chúa. Nhiệm vụ thì cao cả là thế, nhưng con người tư tế thì lại đầy những thấp hèn. Qua ngôn sứ Ma-la-khi, Thiên Chúa đã khiển trách các tư tế nặng lời, thậm chí còn đe dọa sẽ trừng phạt: “Ta sẽ làm cho các ngươi đáng khinh và ra hèn mạt trước mặt toàn dân, vì các ngươi không giữ đường lối Ta, và hay nể vì khi áp dụng Luật”. Chắc hẳn các tư tế thời ngôn sứ Ma-la-khi đã có nhiều lỗi phạm và sa đọa trong đời sống. Họ là những người giả hình. Bởi lẽ lời giảng dạy của họ thì tốt lành cao siêu, nhưng cuộc sống của họ thì không được như vậy.

Vào thời Chúa Giê-su, Phụng vụ Đền thờ Giê-ru-sa-lem cũng nhuốm màu thương mại. Chúng ta còn nhớ sự kiện Đức Giê-su chắp dây thừng làm roi, xua đuổi những người buôn bán ra khỏi Đền thờ với lời khiển trách: “Nhà Ta là nhà cầu nguyện, thế mà các ngươi đã biến thành sào huyệt của bọn cướp” (Lc 19,46). Cả bốn tác giả Phúc âm đều thuật lại sự kiện này, trước sự ngỡ ngàng của độc giả. Có lẽ các tư tế thời ấy cũng tham lam, ăn hối lộ và sống buông thả bê tha. Chúa Giê-su đã khiển trách họ: “Họ làm việc cốt để cho thiên hạ thấy. Quả vậy, họ đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài…” Đúng với định nghĩa về giả hình trên đây. Họ tỏ ra đạo đức thánh thiện, nhưng trong thực tế thì ngược lại.

Lời khiển trách của Chúa Giê-su phải là điều suy niệm nghiêm túc của các linh mục. Bởi lẽ các linh mục hôm nay là những tư tế của Giao ước mới. Các ngài được tham dự vào chức tư tế của Đức Ki-tô. Tuy vậy, các linh mục vẫn là những con người, vẫn mang trong mình tham, sân, si và hỷ, nộ, ái, ố của kiếp nhân sinh. Linh mục là người rao giảng Chúa Ki-tô chứ không phải rao giảng chính mình. Những lời giáo huấn của Chúa Giê-su ở phần hai của bài Tin Mừng hôm nay đã nói lên ý nghĩa những danh xưng mà chúng ta thường sử dụng. Nếu chúng ta gọi các linh mục là “cha”, không có nghĩa là nhằm tôn vinh cá nhân của các ngài. Bản thân linh mục, khi được người ta gọi là “cha”, phải luôn tâm niệm, mình phải trở nên hiện thân của Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót, luôn nhân từ và yêu thương gần gũi mọi người. Có tác giả gọi danh xưng “cha” của linh mục hay danh xưng “bề trên” của các dòng là những danh xưng mang tính bí tích, tức là những dấu chỉ hướng người ta về một thực tại cao siêu vô hình. Bản thân những người được gọi với những danh xưng này phải cố gắng mỗi ngày để dần dần nên xứng đáng với những danh xưng ấy. Linh mục với danh nghĩa là “cha” phải làm cho người khác thấy hình ảnh Chúa Cha nơi cuộc đời mình.

Một cách rất tự tin, thánh Phao-lô tâm sự với giáo dân Thê-xa-nô-li-ca, đồng thời nêu chính bản thân mình như mẫu gương của đời sống khiêm nhường, bác ái. Ngài tự làm việc kiếm sống, không muốn mình trở nên gánh nặng của tín hữu. Ước chi các tư tế của Giao ước mới, tức là các linh mục, cũng biết noi gương vị thánh tông đồ, luôn sống thánh thiện để không trở nên gánh nặng cho Dân Chúa, hiểu theo mọi chiều kích khác nhau.

Sự giả hình dường như ăn sâu nơi mỗi người chúng ta. Tin vào quyền năng của Thiên Chúa, xác tín vào sự hiện diện của Người, sẽ giúp chúng ta sống ngay thẳng và trung thực hơn, vì hằng giây hằng phút, chính Chúa đang ngắm nhìn chúng ta.

TGM Giu-se Vũ Văn Thiên

CUỘC THANH TẨY CUỐI CÙNG

“Chúa đã thử thách các ngài như thử vàng trong lửa.”

Trên một bia mộ, người ta đọc, “Chỗ bạn đang đứng, chỗ tôi đã đứng.  Nơi tôi đang nằm, nơi bạn sẽ nằm!”

Kính thưa Anh Chị em,

“Nơi tôi đang nằm, nơi bạn sẽ nằm!”  Lời Chúa ngày lễ Các Đẳng Linh Hồn đưa chúng ta về “Luyện ngục,” một khái niệm thường bị hiểu lầm.  Luyện ngục là gì?  Nơi chúng ta chịu trừng phạt vì tội lỗi?  Cách Thiên Chúa hỏi tội các sai phạm của mỗi người?  Đó là kết quả cơn giận của Ngài?  Không!  Luyện ngục không gì khác hơn là tình yêu cháy bỏng và là ‘cuộc thanh tẩy cuối cùng’ Thiên Chúa dành cho những người Chúa chọn.  Sách Khôn Ngoan nói, “Chúa đã thử thách các ngài như thử vàng trong lửa.”

Khi ai đó chết, rất có thể họ không được hoán cải 100% để hoàn hảo về mọi mặt.  Các thánh vĩ đại nhất cũng có khiếm khuyết trong cuộc sống.  Luyện ngục không gì khác hơn là ‘cuộc thanh tẩy cuối cùng’ tất cả vấn vương còn lại với tội lỗi.  Hãy tưởng tượng, bạn có một cốc nước tinh khiết 100%.  Cốc này tượng trưng cho thiên đàng.  Bạn muốn thêm vào cốc đó một ít nước chỉ tinh khiết 99%.  Nước không tinh khiết 1% này đại diện cho những người lành thánh đã chết với một số chấp trước nhẹ đối với tội lỗi.  Nếu thêm nước đó vào cốc, cốc sẽ có một số tạp chất, ít nữa 1%.  Vấn đề là thiên đàng không chứa bất kỳ tạp chất nào, dù là nhỏ nhất.  Vì thế, 1% đó vẫn cần được lọc sạch.

Làm thế nào điều này xảy ra?  Chúng ta không biết.  Chúng ta chỉ biết nó có.  Nhưng cần hiểu rằng, đó là kết quả của tình yêu vô hạn nơi Thiên Chúa những muốn thanh tẩy chúng ta khỏi mọi ràng buộc, vướng bận.  Có đau không?  Rất có thể!  Nhưng đau theo nghĩa buông bỏ.  Và kết quả cuối cùng là tự do thực sự, đáng giá cho bất kỳ nỗi đau nào có thể trải qua.  Vì thế, luyện ngục là đau đớn, nhưng là ‘nỗi đau ngọt ngào’ cần có từ ‘cuộc thanh tẩy cuối cùng’ để kết hiệp với Chúa trọn vẹn hơn.  Chúa Giêsu nói, “Tất cả những người Chúa Cha ban cho tôi đều sẽ đến với tôi;” đó là những con người với những chiếc áo trắng tinh tuyền, và những trái tim cũng tuyệt đối tinh tuyền!

Tưởng nhớ các linh hồn, chúng ta sống mầu nhiệm Các Thánh Thông Công.  Các linh hồn trải qua cuộc thanh luyện này vẫn hiệp thông với Chúa, với Giáo Hội dưới thế, và Giáo Hội thiên quốc.  Chúa sử dụng lời cầu của chúng ta dành cho các linh hồn, cũng như việc các linh hồn cầu bầu cho chúng ta như những công cụ thanh tẩy của Ngài; Ngài cho phép và mời chúng ta tham gia vào ‘cuộc thanh tẩy cuối cùng’ của họ.  Điều này tạo nên một mối liên đới chặt chẽ của chúng ta với các linh hồn.

Anh Chị em,

“Chúa đã thử thách các ngài như thử vàng trong lửa.”  Như vàng trong lửa, một ngày kia, tất cả chúng ta rồi cũng được thanh luyện như các linh hồn.  Và không nghi ngờ gì nữa, các thánh trên trời, đặc biệt dâng lời cầu nguyện cho họ trong thời gian thanh luyện này.  Đó là một sự thật đáng hoan hỷ và là một niềm vui lớn lao khi chúng ta thấy cách thức Thiên Chúa sắp xếp toàn bộ quá trình này cho mục đích cuối cùng của sự hiệp thông thánh thiện mà chúng ta được kêu gọi!  Như vậy, ‘cuộc thanh tẩy cuối cùng’ rõ ràng là cần thiết, nó là sáng kiến từ tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin giúp con ‘tập chết’ trước khi chết thật, may ra ‘nỗi đau ngọt ngào’ sau cùng sẽ chóng vánh hơn!  Đó là những hy sinh con dành cho các linh hồn!”  Amen.

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

CÁC THÁNH CHIẾU TỎA VINH QUANG THIÊN CHÚA

Một câu chuyện vui kể lại rằng, trong một lớp giáo lý, khi nữ tu hỏi một em nhỏ: con hãy nói cho sơ biết các thánh là ai?  Em bé suy nghĩ một chút rồi trả lời: các thánh là những người được ánh sáng chiếu xuyên qua.  Sự hiểu biết ngây thơ này đến từ việc có lần theo mẹ vào nhà thờ dự lễ, khi nhìn thấy những tấm hình người trên những cửa kính nhà thờ.  Em đã hỏi mẹ đó là hình của ai, và mẹ em trả lời: đó là các thánh.  Trong suy nghĩ đơn sơ của em, nhờ ánh sáng mặt trời chiếu qua mà làm hiện rõ nét những con người trên tranh kính.  Đó là các thánh.  Câu trả lời ấy cũng giúp chúng ta khám phá ra một trong những định nghĩa đơn sơ mà chân thực về các thánh: các ngài là những người để cho sự thánh thiện của Thiên Chúa chiếu tỏa.  Nói cách khác các ngài đã đón nhận hào quang của Thiên Chúa rồi làm cho hào quang ấy lan tỏa mọi môi trường xung quanh, để rồi người khác nhận ra hình ảnh của Thiên Chúa nơi các ngài.

Ngôn sứ Isaia đã được chiêm ngưỡng Thiên Chúa.  Ngài ngự trong vinh quang.  Các thiên thần và kỳ lão không ngừng tung hô: Thánh, Thánh, Thánh, Chúa là Thiên Chúa các đạo binh.  Lời tung hô được lặp lại ba lần có nghĩa Thiên Chúa là Đấng thánh thiện tuyệt đối.  Thị kiến mà ngôn sứ Isaia được nhìn thấy chính là phụng vụ thiên quốc, là vinh quang ngàn trùng của Thiên Chúa và cũng là khung cảnh thiên đàng.  Nơi đây, niềm vui bất tận và hạnh phúc khôn cùng.

Khi sáng tạo, Thiên Chúa san sẻ vinh quang và sự thánh thiện của Ngài cho mọi tạo vật.  Sự thánh thiện ấy lan tỏa trong thiên nhiên, thể hiện nơi khuôn mặt và cuộc đời của những người sống tốt lành trong tư tưởng, lời nói cũng như hành động.  “Hãy nên thánh vì Ta là Đấng Thánh!”  Đó là lời mời gọi trong Cựu ước.  “Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện.”  Đức Giêsu đã tiếp nối giáo huấn của Cựu ước, mời gọi con người hãy nên hoàn thiện.  Làm sao hoàn thiện như Cha trên trời, vì Chúa Cha là Đấng vô hình, không ai có thể hiểu thấu?  Đừng lo, nếu Chúa Cha là Đấng chí thánh và vô hình, thì Ngài đã ban cho chúng ta Con Một Ngài để ở cùng chúng ta và làm gương mẫu cho chúng ta noi theo.  Nhờ Chúa Giêsu, con người ở bất kỳ bậc sống nào cũng có thể nên thánh.  Nên thánh là nên giống Chúa Giêsu.  Các tác giả Tin Mừng kể lại cuộc sống của Chúa rất đơn sơ gần gũi mọi người.  Mọi hành động, lời nói đều nhằm đem cho con người tình thương của Chúa Cha.  Đức Giêsu cũng nỗ lực cố gắng để xây tình huynh đệ giữa con người với nhau, không phân biệt sang hèn, tuổi tác địa vị.  Trong cuộc sống của chúng ta, nếu chúng ta làm những việc Chúa Giêsu đã làm, thì chúng ta sẽ nên giống Người và đang từng bước đạt tới sự trọn lành.

Giáo Hội là Dân Chúa đang lữ hành.  Dân này không phải chỉ bao gồm một quốc gia, một dân tộc, nhưng là tất cả những ai đã được bí tích Rửa tội thanh tẩy.  Tuy vậy, nói đến một dân tộc, tức là cũng nói đến một lịch sử hào hùng của dân tộc ấy.  Dân Chúa, tức là Giáo Hội, suốt bề dày lịch sử đã sản sinh ra biết bao phần tử ưu tú.  Họ là những người viết lên trang sử uy hùng của Giáo Hội, kể cả những lúc đen tối của lịch sử.  Khởi đi từ Đức Maria, thánh cả Giuse, các thánh tông đồ và tất cả các thánh được Giáo Hội chính thức mừng kính hằng năm, chúng ta chiêm ngắm vinh quang của một cộng đoàn đông đảo các thánh.  Họ là những người cha, người mẹ.  Họ là những giám mục, linh mục, tu sĩ.  Họ là những vua quan trong triều đình hoặc quân nhân ngoài chiến trận.  Họ là những người giàu và những người nghèo khó.  Họ là những người nam người nữ, người già người trẻ.  Những người này là niềm tự hào của Giáo Hội.  Họ cũng là hy vọng của các tín hữu, vì họ khẳng định với những ai tin Chúa rằng, Đức tin sẽ chiến thắng ba thù, lòng mến sẽ làm nên tất cả.  Họ là những Đấng Thánh mà chúng ta mừng kính hôm nay.  Cũng giống như ngôn sứ Isaia, thánh Gioan, trong Sách Khải huyền (Bài đọc I) đã được nhìn thấy nghi thức phụng vụ thiên quốc: xung quanh ngai tòa của Chiên Con tức là Đức Giêsu, để cùng với Đức Giêsu dâng lời ca tụng tôn vinh Thiên Chúa.  Tôn vinh Thiên Chúa, đó là hạnh phúc viên mãn tròn đầy của các thánh.

Hôm nay chúng ta cũng mừng kính đông đảo các tín hữu đã khải hoàn vinh thăng.  Có thể họ là những người chúng ta đã quen biết và gặp gỡ, và hôm nay họ đang chiêmn ngưỡng vinh quang Thiên Chúa.  Bởi lẽ, tất cả những ai sống ngay chính và thánh thiện thì xứng đáng hưởng vinh quang nước trời.  Đức tin vào phần thưởng và hạnh phúc của những người công chính sẽ đem lại cho chúng ta niềm hy vọng.  Bởi lẽ, nếu ông bà, anh chị em thân thuộc của chúng ta đã được vinh quang Nước Trời, thì chúng ta cũng có thể hưởng vinh quang ấy và được gặp gỡ những người thân của chúng ta.

“Anh em hãy nên trọn lành, như Cha anh em trên trời là Đấng trọn lành” (Mt 5,48).  Lời kêu gọi của Chúa Giêsu đã trở nên lý tưởng phấn đấu cho biết bao tín hữu.  Họ đã chiến thắng gian khổ, vượt lên những khó khăn để sống một cuộc đời thanh tao giữa vũng lầy tội lỗi.  Phụng vụ cho chúng ta nghe bài giảng trên núi của Chúa Giêsu, mà nội dung là tám mối chúc phúc của Người.  Con đường nên thánh rất đa dạng và phong phú.  Mỗi “mối phúc” là mỗi phương pháp ta có thể chọn để nên giống Chúa Giêsu.  Những mối phúc này xem ra không hợp với những quan niệm của cuộc sống thông thường.  Tuy nhiên, nếu chúng ta thực thi với cái nhìn đức tin thì chúng ta sẽ tìm thấy hiệu quả đích thực trong cuộc sống.  Nội dung của các mối phúc hướng chúng ta đến với Thiên Chúa và tha nhân, chứ không phải chỉ sống ích kỷ cho riêng mình.  Nhờ sống vì Chúa, sống cho người khác mà chúng ta cảm nhận hạnh phúc thiêng liếng và đích thực, vì “Hạnh phúc lớn lao nhất mà ta cảm nhận là khi ta đem niềm vui cho tha nhân” (ngạn ngữ phương Tây).

Con đường nên thánh là con đường chung của mỗi chúng ta.  Tuy vậy, cũng như mỗi vận động viên phải luôn luôn luyện tập gian khổ để hy vọng thành tài, người tín hữu muốn nên thánh cũng phải chấp nhận rèn luyện bản thân và sống theo lời dạy của Chúa.  Các thánh là những người “đã trải qua cơn thử thách lớn lao.  Họ đã giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên” (Bài đọc I).  “Lửa thử vàng, gian nan thử đức.”  Những khó khăn ta gặp phải trên đường đời chính là cơ hội để tôi luyện lòng trung thành trong đức tin.

Các Thánh không phải những nhân vật xa xưa như trong chuyện cổ tích.  Cuộc đời của các Ngài gắn liền với ơn gọi Kitô hữu của chúng ta.  Mỗi chúng ta đang được mời gọi cố gắng để được hưởng hạnh phúc vĩnh cửu như các Ngài.  Nên thánh là một điều có thể làm được, trong tầm tay của mỗi người.  Đức Thánh Cha Bênêđitô XVI đã quả quyết với chúng ta: “Việc nên thánh là khả thi cho hết mọi người, mọi lứa tuổi và mọi lúc, vì mỗi người trong chúng ta đã lãnh nhận phần ân huệ thần linh của mình.  Thiên Chúa yêu cầu chúng đón nhận ân huệ này và sống những đòi hỏi của nó.  Chúng ta hãy để cho hoạt động của Thánh Thần của Ngài biến đổi chúng ta, để tuân theo thánh ý của Ngài.  Theo chân các thánh nhân, chúng ta cũng hãy trở nên một phần của một bức tranh ghép thánh thiện vĩ đại mà Thiên Chúa tạo nên trong lịch sử.”  (Trích bài giáo lý trong cuộc tiếp kiến chung ngày 13-4-2011).

Trở lại với câu chuyện trên đây, chúng ta có thể kết luận: nên thánh đơn giản chỉ là để cho hào quang của Chúa chiếu soi.  “Hào quang” ở đây chính là Lời Chúa, là lòng từ tâm bao dung bác ái.  Khi chúng ta thực hiện những điều này, như Chúa nói trong sách ngôn sứ Isaia: “Ánh sáng” ngươi sẽ bừng lên như rạng đông, vết thương ngươi sẽ được chữa lành, đức công chính của ngươi sẽ mở đường phía trước, vinh quang Đức Chúa bao bọc phía sau ngươi.  Bấy giờ, ngươi kêu lên, Đức Chúa sẽ nhậm lời, ngươi cầu cứu, Người liền đáp lại: có Ta đây (x. Is 58,8,9).  Những lời diễn tả hạnh phúc và niềm vui của người công chính mà chúng ta vừa nghe, chính là sự thánh thiện mà chúng ta đạt được qua lòng bác ái bao dung và tình huynh đệ đối với tha nhân.

Ngày lễ Các Thánh trước hết giúp chúng ta chiêm ngưỡng vinh quang và sự thánh thiện của Thiên Chúa, đồng thời tôn vinh các tín hữu đã được Thiên Chúa ban thưởng vinh quang quê trời, trong đó có những người thân của chúng ta.  Ngày lễ này cũng khích lệ chúng ta về ơn gọi nên thánh của người Kitô hữu, đồng thời nhận ra xung quanh chúng ta có nhiều người tốt lành.  Họ sẵn sàng chấp nhận cuộc sống bình dị, đơn sơ, nhưng thấm đượm nghĩa tình.  Đức Thánh Cha Phanxicô gọi họ là các “vị thánh ở kề bên ta.”  Qua những con người đơn sơ này, Thiên Chúa, Đấng chí thánh, đang hiện diện giữa chúng ta.  Khi tôn thờ và yêu mến Chúa, chúng ta được chia sẻ vinh quang và sự thánh thiện của Ngài.

Vâng, mỗi ngày sống trên đời, tôi đang cố gắng để làm cho ánh hào quang của Chúa chiếu tỏa và bao bọc trọn vẹn cuộc đời của tôi.  Như thế, tôi sẽ được nên giống Chúa ngay khi còn sống ở đời này.  Thiên đàng sẽ khởi đầu ở dưới thế và vương quốc tình yêu mà Chúa Giêsu loan báo sẽ được thực hiện.

TGM Giuse Vũ Văn Thiên

THÁNH SIMON VÀ GIUDA TÔNG ĐỒ

Trong danh sách nhóm 12, Simon Nhiệt Thành được xếp vị trí thứ 10 (con số 10 tròn trịa).  Gọi là Simon Nhiệt Thành để phân biệt với Simon Đá Tảng, tức là Simon Phêrô, vị Tông Đồ Cả.  Còn Giuđa Thađêô được xếp thứ 11, nghĩa là gần cuối.  Hai vị Tông Đồ này luôn luôn được xếp gần sát nhau.  Có lẽ vì thế mà các ngài được Giáo Hội mừng chung một ngày, 28.10.

Có điều là Kinh Thánh lại nói rất ít về hai vị Tông Đồ này.  Đặc biệt đối với thánh Simon Nhiệt Thành, dường như ngài đã bị các Thánh Sử lãng quên.  Ngài chỉ được nhắc đến vài ba lần, khi liệt kê danh sách các Tông Đồ.  Theo Thánh Truyền thì Simon Nhiệt Thành chính là người phụ rể tại tiệc cưới Cana (Cana cũng chính là quê quán của ngài), và sau khi chứng kiến phép lạ nước hoá thành rượu, ngài đã đi theo Chúa Giêsu.  Ngài cũng là người được mệnh danh là nhiệt thành, nhiệt thành đến độ cực đoan (Zêlot).  Dĩ nhiên là nhiệt thành cho sứ mạng giải phóng đất nước khỏi ách thống trị của đế quốc Rôma.  Ngài thấy Chúa Giêsu có những phẩm chất của một vị lãnh tụ đáng tin cậy, có khả năng đánh đuổi đế quốc Rôma đô hộ và tái lập vương quốc Israel hùng cường.  Chúa Giêsu không ngần ngại chọn gọi ngài và hướng sự nhiệt thành của ngài, thay vì lo kiến tạo một vương quốc trần thế, thì lo xây dựng một vương quốc trời cao, vương quốc mà chính Chúa Giêsu sẽ thiết lập sau này.  Quả vậy sau này chính ngài đã hết mình cho Tin Mừng Nước Trời đến độ hiến dâng cả mạng sống mình.  Truyền thuyết cho biết ngài đã chết trên thập giá, cái chết giống Thầy mình.  Một tình yêu đối với tổ quốc, với đồng bào được Chúa Giêsu nâng lên thành tình yêu phổ quát, tình yêu đối với mọi dân, mọi nước.  Một mộng tưởng phục vụ cho một quốc gia Do Thái bé nhỏ được Chúa Giêsu nâng lên thành lý tưởng phụng sự cho một quốc gia không biên giới, đó chính là Nước Trời.

Còn thánh Giuđa Thađêô thì sao?  Chúng ta cũng không biết gì nhiều ngoại trừ chi tiết ngài là em của thánh Giacôbê hậu, và là bà con của Đức Giêsu.  Cha của ngài là ông Clêôpha, và mẹ của ngài cũng có tên là Maria.  Bà này đã đứng dưới chân thập giá Chúa Giêsu lúc Người chịu chết, rồi sau đó đã ra mồ để xức xác Chúa bằng dầu thơm.

Nếu thánh Simon được gọi với cái tên là Simon “nhiệt thành” thì có lẽ thánh Giuđa phải được gọi là Giuđa “trung thành.”  Ngài đã trung thành trong tình yêu mến, để bù lại cho một Giuđa khác, Giuđa Isacriôt, kẻ bất trung bội phản trong tình yêu.  Tin Mừng cho thấy có lần ngài đã hỏi Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, tại sao Thầy lại tỏ mình ra cho chúng con, mà không tỏ mình ra cho thế gian” (Ga 14,22).  Chúa Giêsu trả lời ngài rằng: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ Lời Thầy.  Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở trong người ấy” (Ga 14,23).  Khi trả lời như thế, Chúa Giêsu muốn gián tiếp nói với Giuđa Thađêô rằng khi các con yêu mến Thầy, các con sẽ hiểu được câu hỏi tại sao.  Và khi các con yêu mến Thầy, các con sẽ hiểu được các mạc khải cao trọng hơn thế nữa.  Có “Cha Thầy và Thầy ở cùng” lẽ nào lại không hiểu được!  Quả thật, sau này ngài đã hiểu, vì ngài đã yêu mến Thầy mình thực sự.  Ngài đã yêu mến Thầy mình cho đến cùng.  Dù có trải qua bao phong ba bão tố của cuộc đời, ngài vẫn không bỏ cuộc, không bội phản như Giuđa Iscariôt.  Tương truyền cho biết ngài cùng với thánh Simon Nhiệt Thành hăng say rao giảng Tin Mừng đến tận miền Ba Tư và trung kiên làm chứng cho Chúa đến hơi thở cuối cùng.

Ở Việt Nam, người ta ít biết về ngài, và cũng ít người chọn ngài làm thánh Quan Thầy.  Thế nhưng ở Mỹ, ngài là một vị thánh rất được sùng kính.  Rất nhiều nhà thờ ở Mỹ đặt bàn thờ dâng kính ngài.  Lý do thánh Giuđa được sùng kính ở Mỹ như thế là vì ngài nổi tiếng là một vị thánh hay cứu giúp người ta, cả những người lương dân, trong những trường hợp khó khăn, trong hoàn cảnh hầu như tuyệt vọng.

Chuyện kể rằng có một người phụ nữ gặp hoàn cảnh khó khăn về tài chính.  Bà đã đến một nhà thờ ở New York làm tuần Cửu Nhật cầu khấn thánh Giuđa, xin ngài giúp cho bà một số tiền là 10.000 đôla để bà giải quyết một vấn đề quan trọng.  Mỗi ngày bà đến cầu nguyện trước tòa kính thánh nhân.  Sang đến ngày thứ chín, bà thấy trên bàn thờ vị thánh có một chiếc phong bì, mở ra thì bà thấy trong đó có 10.000 đôla, đúng với số tiền mà bà xin.  Bà mừng quá, chạy vào nhà xứ kể cho cha xứ nghe sự việc, tin rằng đây là tiền của thánh Giuđa cho bà.  Tuy nhiên, cha xứ cho biết ngài vừa nhận được cú điện thoại của một người báo tin cho hay ông ta cũng vừa được thánh Giuđa ban cho một ơn như ý, và để tỏ lòng biết ơn, ông có dâng kính thánh nhân 10.000 đôla.  Nhưng vì không gặp được cha xứ, nên ông ta đặt số tiền đó trên bàn thờ thánh nhân, trong một phong bì, và xin cha ra lấy và cất giữ.  Như vậy, theo cha xứ, số tiền kia là của giáo xứ, bà ta phải đưa lại cho giáo xứ; còn người đàn bà thì lại quả quyết tiền đó là của thánh Giuđa giúp bà.  Vì vậy, để phân xử, hai người quyết định đưa nhau ra toà.

Người ta theo dõi vụ kiện qua báo chí và lấy làm thú vị về sự việc hi hữu này.  Họ không biết tòa sẽ phải giải quyết bằng cách nào trước một sự việc vừa mang tính pháp lý vừa mang tính thiêng liêng như thế này?  Đột nhiên, cha xứ tuyên bố rút đơn kiện, đồng ý để số tiền cho bà kia.  Bà ta bình thản nói rằng bà đã biết chắc chắn số tiền sẽ thuộc về bà, vì thánh Giuđa sẽ giúp bà cho đến cùng.

Thiết nghĩ thánh Giuđa không làm một phép lạ tỏ tường, nhưng ngài đã muốn dùng số tiền người ta dâng kính ngài, để tặng lại cho người phụ nữ trong lúc gặp sự khốn khó đã hết lòng tin tưởng chạy đến cùng ngài.

Chúng ta có thêm một địa chỉ nữa để chạy đến kêu xin sự trợ giúp, khi ta gặp gian nan khốn khó.  Câu chuyện vừa kể giúp ta có thêm niềm xác tín.  Dĩ nhiên không chỉ đơn thuần là xin ngài giúp tháo gỡ những khó khăn về cuộc sống vật chất, mà còn là những khó khăn về đời sống đức tin, đời sống đạo.  Đặc biệc xin ngài giúp chúng ta có được lòng nhiệt thành và trung thành như ngài: nhiệt thành phụng sự Thiên Chúa và phục vụ tha nhân, đồng thời trung thành bền chí đi theo Đức Kitô đến cùng.  Amen.

Lm. Giuse Nguyễn Thành Long

BA CHIỀU KÍCH TRONG TÌNH YÊU

Một thơ sĩ người Anh tên là Leigh Hunt đã viết một bài thơ rất nổi tiếng về một người tên là Abou Ben Adhem như sau:

Một đêm kia, khi Abou Ben Adhem choàng tỉnh dậy, anh thấy trong phòng ngủ của anh một thiên thần nhỏ đang cắm cúi viết trên một cuốn sách bằng vàng tên của những người yêu mến Thiên Chúa.  Anh rón rén lại gần và hỏi nhỏ: “Có tên của con trong sách đó không, thưa ngài?”  Vị thiên thần nhỏ lắc đầu: “Chẳng có tên của anh.  Abou nài nỉ: “Nếu thế, con xin ngài hãy ghi tên con là người biết yêu mến những người anh chị em của mình thôi.  Đêm hôm sau, vị thiên thần trở lại với danh sách của những người yêu mến Thiên Chúa.  Lần này, tên của Abou Ben Adhem đứng ở đầu danh sách.

Bài thơ này cho thấy tình yêu đích thực dành cho Thiên Chúa và tình yêu dành cho tha nhân thì tựa như hai mặt của một đồng tiền.  Người ta không thể tách rời hai thứ tình yêu này ra khỏi nhau được.  Đó cũng chính là những gì mà Tin Mừng ngày hôm nay muốn nói với chúng ta.  Khi người ta hỏi Đức Giêsu rằng đâu là giới răn quan trọng nhất trong lề luật, thì câu trả lời vẫn là giới luật về tình yêu đối với Thiên Chúa.  Nhưng Đức Giêsu không chỉ dừng lại ở đó.  Ngài tiếp tục đưa ra một câu trả lời thực tế hơn.  Ngài trình bày cho chúng ta thấy mặt khác của đồng tiền: đó là tình yêu dành cho tha nhân.  Tình yêu mến Thiên Chúa cách đích thực và tình yêu thương tha nhân chân thành chỉ là một.  Đức Giêsu đã nói: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi.  Đó là điều răn quan trọng nhất và là điều răn thứ nhất.  Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình.  Tất cả Luật Môi-sen và các sách ngôn sứ đều tùy thuộc vào hai điều răn ấy” (Mt 22, 37-40).

Ở đây, chúng ta thấy Đức Giêsu không chấp nhận lối hiểu tình yêu chỉ trong một chiều kích thôi.  Đối với Ngài, tình yêu đích thực phải diễn tả trong 3 chiều kích, đó là (1) tình yêu đối với Thiên Chúa, (2) tình yêu đối với tha nhân, (3) và tình yêu đối với bản thân.  Hai thứ tình yêu đầu được đòi hỏi cách tích cực, còn tình yêu thứ ba được đưa ra như một cơ sở của mọi tình yêu.  Việc đòi hỏi yêu thương tha nhân như chính bản thân, đã giả định rằng bạn phải biết yêu thương chính mình.

Vì câu trả lời của Đức Giêsu đề cập tới cả ba chiều kích của tình yêu, vậy đâu là điểm mà Đức Giêsu thực sự muốn nhấn mạnh?

Khi bạn hỏi ai đó một câu hỏi, và trong câu trả lời của người ấy, người ấy còn nói thêm một điều khác nữa mà bạn đã thực sự không muốn hỏi, thì hẳn rằng người ấy đang muốn bạn chú tâm đến yếu tố thêm vào đó.  Tuần vừa qua, khi Đức Giêsu bị chất vấn về việc có phải nộp thuế cho hoàng đế Xê-da không, thì Ngài trả lời: “Của Xê-da, thì trả cho Xê-da;” và Ngài còn nói tiếp: “Của Thiên Chúa, thì trả cho Thiên Chúa.”  Đó chính là điểm nhấn mạnh của Đức Giêsu khi được hỏi về việc nộp thuế cho Xê-da.  Ngài không chỉ nói đến một điều xem ra hiển nhiên về quyền của Xê-da, nhưng còn nhấn mạnh đến quyền của Thiên Chúa mà con người vốn thờ ơ, không coi trọng.  Cùng cách thế này, đứng trước vấn nạn đâu là giới răn quan trọng nhất trong lề luật, thì tình yêu đối với Thiên Chúa là chuyện hiển nhiên, nên điều nhấn mạnh của Đức Giêsu ở đây chính là tình yêu đối với tha nhân mà vốn bị con người không để ý tới hoặc coi thường.

Bạn nên nhớ việc bắt bớ Đức Giêsu và các môn đệ của Ngài là do chính những người lãnh đạo tôn giáo.  Những kẻ này tưởng rằng họ làm thế để thể hiện lòng nhiệt thành và yêu mến Thiên Chúa của họ, để bảo vệ uy quyền tối cao của Thiên Chúa.  Cũng những con người này khi hỏi Đức Giêsu đâu là giới răn quan trọng nhất, thì chính họ là những kẻ đang giăng bẫy nhằm giết Đức Giêsu.  Họ rất ý thức về tình yêu phải dành cho Thiên Chúa, nhưng tại sao họ lại trở nên vô cảm trước tình yêu phải dành cho tha nhân?  Sao-lê sau này trở thành Thánh Phao-lô, đã từng là một ví dụ điển hình về thứ quan niệm tôn giáo lệch lạc này.  Đức Giêsu cũng nói tiên tri rằng: “Hơn nữa, sẽ đến giờ kẻ nào giết anh em cũng tưởng mình phụng thờ Thiên Chúa” (Ga 16,2).

Điều sai lầm của những người Biệt phái ngày xưa có thể vẫn đang tồn tại nơi bản thân chúng ta.  Vẫn có nhiều người Ki-tô hữu đang cố tách rời tình yêu đối với tha nhân ra khỏi tình yêu đối với Thiên Chúa.  Sự dấn thân trong niềm tin của họ không bao hàm việc dấn thân cho những quyền lợi của tha nhân, cho sự công bằng và hòa bình.

Chúng ta hãy biết mau mắn đáp trả trước lời mời gọi của Đức Giêsu trong sứ điệp của Ngài ngày hôm nay: Tình yêu đích thực dành cho Thiên Chúa và tình yêu đích thực dành cho tha nhân là hai mặt của một đồng tiền.  Mọi cố gắng nhằm tách rời hai điều này, sẽ làm sai lệch sứ điệp của Đức Giêsu.  Thánh Gioan đã viết trong thư thứ nhất của ngài: “Nếu ai nói: “Tôi yêu mến Thiên Chúa” mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy” (1Ga 4, 20).

Văn Chính, SDB chuyển ngữ

MỘT ĐỜI KHÔNG NGỦ

“Nếu canh hai hoặc canh ba ông chủ mới về, mà còn thấy họ tỉnh thức như vậy, thì thật là phúc cho họ!”

Trong nội chiến Hoa Kỳ, thế giới biết đến vị tướng ‘huyền thoại’ Stonewall Jackson, “Tường Đá.”  Các sử gia coi Stonewall là một trong những chỉ huy tài năng nhất của lịch sử Mỹ.  Brinsley viết, “Chiến trường là nơi chết chóc; thế nhưng, sẽ thật ngây thơ nếu bảo Stonewall chưa bao giờ cảm thấy sợ hãi trước cái chết.  Tuy nhiên, dưới lửa đạn, sự bình tĩnh của ông thật phi thường, sâu sắc, không thể tin được.  Việc Stonewall coi nhẹ hiểm nguy là một bí ẩn!  Sau trận Manassas, ai đó đã hỏi, làm sao có thể như thế!  Ông trả lời, “Niềm tin vào Chúa làm tôi an lòng; tôi luôn sẵn sàng, Ngài canh thức tôi!”

Kính thưa Anh Chị em,

Nói rằng “Ngài canh thức tôi!”, khác nào nói ‘Ngài không ngủ vì tôi!’; nói rằng “Tôi luôn sẵn sàng!”, khác nào nói, ‘Tôi không ngủ vì Ngài!’  Sẽ rất thú vị, nếu những “canh” Chúa Giêsu đề cập trong Tin Mừng hôm nay là ba giai đoạn ‘không ngủ’ của một cuộc đời, thì cuộc đời theo Chúa Kitô của người môn đệ quả là ‘một đời không ngủ!’

Giữa những ‘canh đời’, chủ có thể bất chợt trở về.  Vì thế, “Các con hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn!”  “Hãy thắt lưng!” nói đến một người với chiếc áo choàng dài, khó khăn trong việc di chuyển; vì vậy, cần buộc chặt lưng để chuẩn bị cho một số hoạt động thể chất.  Với người lính, là chuẩn bị chiến đấu; nghĩa là sẵn sàng cho một khó khăn hoặc thử thách.  “Thắp đèn cho sẵn!” nghĩa là đừng ở trong bóng tối tội lỗi hoặc sự ngu dốt!  Hãy giữ mình sạch tội, khôn ngoan và sẵn sàng làm điều Chúa muốn!

Hành trình nên thánh là một hành trình không bao giờ kết thúc, nhưng liên tục tiến đến chỗ sâu sắc hơn.  Điều này chỉ có thể thực hiện, nếu người môn đệ Kitô biết “thắt lưng” và “thắp đèn cho sẵn” suốt cả cuộc đời; nghĩa là phải liên lỉ chú ý đến ngọn đèn đức tin, và sẵn sàng hành động mỗi khi Thiên Chúa gợi hứng, hầu trong mọi hoàn cảnh, làm sao bạn và tôi vẫn có thể thưa lên “Lạy Chúa, này con xin đến để thực thi ý Ngài!” như tâm tình của Thánh Vịnh đáp ca.  Được như thế, đời môn đệ quả là ‘một đời không ngủ!’

‘Một đời không ngủ’ còn mang một ý nghĩa tuyệt vời khác là sống trong ân sủng Chúa!  Thư Rôma hôm nay cho biết, do một người mà “tội đã nhập vào thế gian”; cũng do một người mà “ân sủng đổ xuống đầy tràn.”  Ai sống trong ân sủng Chúa Kitô, nghĩa là ai tỉnh thức, giữ mình trong trắng, người ấy sống sự sống mới của con cái Thiên Chúa.

Anh Chị em,

“Thật là phúc cho họ!”, nghĩa là phúc cho những tôi tớ ‘không ngủ vì Chúa!’ Như vậy, Kitô hữu, không chỉ được sinh ra trong đức tin, nhưng còn làm điều Chúa muốn trong mọi ‘canh đời’ mình; và ngày càng đào sâu đức tin đó hơn để “Niềm tin vào Chúa làm tôi an lòng.”  Nếu bạn trung thành ở những giai đoạn cuộc đời, hãy tạ ơn Chúa và tiếp tục!  Nhược bằng thiếu đức tin, mất cảnh giác với điều Chúa muốn, bạn hãy thống hối và đặt điều đó trong bàn tay thương xót của Ngài hầu quyết tâm làm tất cả những gì có thể cho đẹp lòng Chúa.  Đừng sợ! ‘Ngài không ngủ vì tôi!’, Ngài thức để bổ sức cho bạn và tôi.  Lời Ngài soi sáng; Thánh Thần Ngài dẫn dắt; và Thánh Thể Ngài nuôi dưỡng!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, Đấng không ngủ vì con, cho con dám nói, ‘Con không ngủ vì Chúa’, hầu con có thể làm tất cả những gì Chúa muốn; và điều Chúa muốn là con nên thánh!” Amen!

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

CHỌN LỰA CƠN BÃO CHO MÌNH

“Chúng ta chỉ sống, chỉ ngạc nhiên, bị nuốt trọn trong ngọn lửa hoặc ngọn lửa.”

T.S. Eliot đã viết dòng này, và gợi ý rằng lựa chọn của chúng ta trong đời này không phải là giữa bình yên và cơn bão, mà là cơn bão này hay cơn bão kia.

Dĩ nhiên ông nói đúng, nhưng đôi khi cần thay đổi phép ẩn dụ này: Chúng ta sống trong một thế giới kẹt giữa hai vị thần rất mạnh và rất khác biệt, là hỗn loạn và trật tự.

Hỗn loạn là thần của lửa, sinh sôi, liều lĩnh, sáng tạo, đổi mới hoặc buông bỏ.  Hỗn loạn là thần của sự hoang dại, đem đến sự hỗn loạn và rối ren.  Hầu hết nghệ sĩ thờ phụng thần này.  Hỗn loạn còn là thần của sự thao thức, bồn chồn và tan rã.  Thật vậy, hỗn loạn hoạt động bằng sự tan rã những gì ổn định.  Hỗn loạn thường được những người người có tâm thức tự do tôn thờ.

Trật tự là thần của nước, của sự thận trọng, thanh tẩy, thường thức, ổn định và bám víu.  Trật tự là thần của quy tắc, thích hệ thống và một mái nhà không dột.  Trật tự thường được những người có tâm thức bảo thủ tôn thờ.  Ít nghệ sĩ hướng về trật tự, nhưng thế giới kinh doanh và giáo hội đã bù đắp quá đủ cho phần này.  Nhìn chung, trật tự là thần của họ.  Trật tự cũng có thể là thần của sự tẻ nhạt, dè dặt và khắt khe.  Với trật tự, ta không bao giờ bị tan rã, nhưng có lẽ sẽ thấy ngột ngạt.  Tuy nhiên, dù không đem lại nhiều sự phấn khích, thần trật tự giữ cho nhiều người được tỉnh trí và sống.

Hỗn loạn và trật tự, lửa và nước, không ưa nhau lắm.  Tuy nhiên, cả hai đều yêu cầu ta phải tôn thờ.  Thật không may, như mọi thần linh phiến diện, cả hai đều muốn chiếm lấy tất cả chúng ta, nhưng nếu chúng ta chịu quy phục như thế thì rất nguy hiểm.

Trung thành với một trong hai một cách tuyệt đối, thường dẫn đến sự tự diệt.  Khi hỗn loạn nắm quyền và không có trật tự kiểm soát, thì sự tan rã về tinh thần và tình cảm sớm bao trùm lên ta một bóng tối thường không thể nào vượt qua nổi.  Và đó chính là ý nghĩa của tan rã.  Ngược lại, khi trật tự hoàn toàn triệt tiêu hỗn loạn, trở nên một nhân đức tự diệt đóng giả làm Thượng đế, thì nó hút cạn sức sống của hân hoan và khả thể.

Tôn thờ chỉ một trong hai là rất nguy hiểm.  Cả hai đều cần thiết.  Linh hồn, giáo hội, đời sống thực tế, cơ cấu xã hội và cả tình yêu đều cần đến sự hòa trộn của cả hai, cả lửa và nước, cả hỗn loạn và trật tự.  Quá nhiều lửa thì sẽ cháy, sẽ tan rã.  Quá nhiều nước và chẳng có gì đổi thay, thì sự nhẫn tâm ngự trị.  Quá nhiều buông bỏ thì sự siêu phàm của tình yêu trở nên rẻ rúng, quá nhiều dè dặt thì tình yêu chỉ còn là thứ khô khan héo hắt.  Không, cả hai đều cần thiết, cả trong đời sống thực tế, trong đời sống tình yêu, trong giáo hội, luân lý, kinh doanh và chính phủ.  Liều lĩnh và thận trọng, nhạc rock và nhạc bình ca, cả hai đều chứa đựng tiếng thì thầm của Thiên Chúa.  Không phải tình cờ mà chúng ta kẹt giữa hai thứ này.

Và đây cũng không có gì là bất ngờ, vì Thiên Chúa, Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô, là Thiên Chúa của cả hai, cả lửa và nước, cả hỗn loạn và trật tự, cả tự do và bảo thủ, cả tình yêu trong trắng và hoang đàng.  Thiên Chúa là điểm quy chiếu và cũng là nguyên tắc cho sự đổi mới, tươi mới và hồi sinh.

Thánh Tôma Aquinô từng định nghĩa tâm hồn con người là cấu thành từ hai nguyên tắc, nguyên tắc của sinh lực và nguyên tắc của sự dung hợp.  Một nguyên tắc giữ cho chúng ta sống và nguyên tắc kia giữ chúng ta cố kết.  Hai nguyên tắc này, dù có căng thẳng với nhau, nhưng vô cùng cần đến nhau.  Một tâm hồn lành mạnh giữ cho cho chúng ta có sinh lực, háo hức sống, nhưng một linh hồn lành mạnh cũng giữ cho chúng ta cố kết, biết mình là ai.  Tâm hồn chúng ta cần đem lại cho chúng ta sinh lực và sự toàn vẹn, lửa và keo.

Thiên Chúa là tình yêu, và tình yêu muốn và cần cả trật tự lẫn hỗn loạn.  Tình yêu luôn muốn xây dựng mái ấm, yên ổn, tạo một nơi yên bình, vững vàng và thanh sạch.  Trong chúng ta có khát khao thiên đàng, do đó tình yêu hướng về trật tự.  Nó muốn tránh sự tan rã về tình cảm và tinh thần.  Nhưng tình yêu cũng hướng về sự hỗn loạn.  Trong tình yêu có gì đó muốn buông bỏ, muốn bị chiếm lấy, muốn bỏ đi những giới hạn, muốn cái mới, cái lạ và muốn buông bỏ con người cũ.  Đó là một nguyên tắc mang tính sinh sôi trong tình yêu đã giúp duy trì nhân loại này!

Thiên Chúa của chúng ta tôn vinh cả hỗn loạn và trật tự, chính vì thế, giữ cho cả hai trong thế căng thằng là một điều lành mạnh.  Để được lành mạnh, chúng ta cần đưa cả hai lại với nhau trong lòng mình, và không phải là kiểu đưa hai đảng đến bàn đàm phán, mà là theo kiểu hệ thống cao áp-thấp áp tạo nên một cơn bão.  Sau cơn bão, trời lại sáng.

Trong giông tố, có sự sống và có Thiên Chúa.  Trong giông tố, chúng ta khởi đầu, sự khởi đầu thông việc chìm vào ngọn lửa dữ dội của dục vọng và làn nước ngất ngây của sự quy phục.

Rev. Ron Rolheiser, OMI

TRUYỀN GIÁO THEO GƯƠNG MẸ TÊRÊSA

Hôm nay, toàn thể Giáo Hội cầu nguyện cho việc truyền giáo.  Ngày Đức Thánh Cha Gioan Phaolô đệ nhị tuyên phong Mẹ Têrêxa lên bậc Chân Phúc mà ta quen gọi là Á thánh cũng là ngày cầu nguyện cho việc truyền giáo.  Và Đức Thánh Cha khuyên nhủ chúng ta hãy truyền giáo theo gương Mẹ Têrêxa.  Vậy Mẹ Têrêxa là ai và Mẹ đã truyền giáo như thế nào?

1. CUỘC ĐỜI

Mẹ Têrêxa sinh tại nước Anbani cũ.  Mẹ đã xin gia nhập dòng Đức Mẹ Loretto và được sai đi Ấn độ để phục vụ người nghèo.  Khi đến Ấn độ, Mẹ được chứng kiến cả một đại dương mênh mông những người nghèo đói.  Trẻ sơ sinh bị bỏ rơi nằm la liệt ngoài đường.  Những người già cả bệnh tật nằm chờ chết bên những đống rác, và khi chết, bị vất vào đống rác như một con thú vật.  Xúc động trước cảnh nghèo khổ.  Mẹ lăn xả vào phục vụ người nghèo.  Việc đầu tiên là mở những trung tâm đón tiếp, đưa những người hấp hối ngoài đường về, săn sóc để họ được chết như một con người.  Rồi mở cửa nhà cô nhi nuôi dưỡng trẻ em bị bỏ rơi.  Rồi mở bệnh viện chăm sóc chữa trị những người nghèo khổ.  Rồi mở trường cho trẻ em nghèo đến học.  Công việc càng ngày càng phát triển.  Số người theo giúp Mẹ càng ngày càng đông.  Chẳng bao lâu, một dòng mới được thành hình với tên Nữ tử Thừa sai Bác ái.  Ngoài 3 lời khấn như những nữ tu khác, còn có lời khấn phục vụ người nghèo.  Mẹ được thế giới biết tiếng.  Cả thế giới gọi Mẹ là Mẹ Têrêxa.  Khi Mẹ qua đời, 80 nhà lãnh đạo quốc gia trên toàn thế giới, trong đó có phu nhân tổng thống Mỹ Bill Cliton và phu nhân tổng thống Pháp Jacques Chirac đã đến nghiêng mình kính cẩn trước thi hài của Mẹ.  Nước Ấn độ có đa số dân theo Ấn độ giáo, vốn không ưa đạo Công giáo, thế mà đã nghi thức quốc táng cho Mẹ, đã bắn hai mươi mốt phát súng đại bác tiễn đưa linh hồn Mẹ về thiên đàng.

2. TRUYỀN GIÁO

Mẹ Têrêxa đã truyền giáo cách nào mà thành công như thế?  Thưa, Mẹ đã dùng 4 phương cách sau:

Phương cách thứ nhất: cầu nguyện.  Có nhiều người tưởng Mẹ Têrêxa là con người hoạt động.  Không phải thế.  Trước hết Mẹ là con người cầu nguyện.  Những giờ cầu nguyện triền miên phát xuất từ nỗi niềm khao khát Chúa.  Cầu nguyện đã đưa Mẹ đến phục vụ người nghèo.  Rồi việc phục vụ người nghèo đã đưa Mẹ trở về với kinh nguyện.  Dòng chảy cầu nguyện liên lỷ không bao giờ ngừng.  Có thể nói cuộc đời Mẹ là cuộc đời chiêm niệm trong hoạt động.

Phương cách thứ hai: thấm nhuần Lời Chúa.  Mẹ tha thiết yêu mến Lời Chúa.  Lời Chúa thấm vào tận mạch máu thớ thịt, để Mẹ suy nghĩ, nói năng và hành động theo Lời Chúa.  Mẹ thường nói: Lời Chúa phải ở trên đầu ngón tay ta.  Theo Mẹ 5 từ ngữ quan trọng khắc ghi tên 5 đầu ngón tay của Mẹ là: You did it for me.  Đó là 5 từ tóm tắt 25 chương Tin Mừng theo thánh Mátthêu: “Mỗi lần các con làm những việc này cho một trong những anh em bé nhỏ nhất, đó là các con làm cho Thày.”

Phương cách thứ ba: yêu mến người nghèo.  Nơi Mẹ, yêu mến người nghèo không phải là cảm tính nhất thời.  Yêu mến người nghèo thực sự phát xuất từ một đức tin sâu xa.  Tin thật Thiên Chúa đang ở trong nhưng người nghèo.  Vì yêu mến người nghèo Mẹ đã tự nguyện sống nghèo.  Mẹ sống trong một căn phòng đơn sơ, chỉ có một chiếc giường, một bàn nhỏ, một ngọn đèn và một chậu nước.

Phương cách thứ tư: phục vụ bằng tình yêu.  Vì tin Chúa đang ngự trong người nghèo, nên phục vụ người nghèo chính là phục vụ Chúa.  Vì thế, phục vụ người nghèo là một bổn phận phải thực hiện trong khiêm nhường.  Phải phục vụ một cách kính cẩn.  Phải phục vụ bằng tình yêu.

Giữa thế kỷ 20 tôn trọng vật chất, quay lưng lại với đời sống tâm linh, Mẹ Têrêxa đã trở nên một nhân chứng sống động của thế giới thần linh.  Giữa nước Ấn độ xa lạ với Kitô giáo, Mẹ Têrêxa đã trình bày được khuôn mặt dễ thương dễ mến của Chúa, làm cho mọi người yêu mến đạo Chúa.  Mẹ xứng danh là nhà truyền giáo của thế kỷ 20.  Giữa những bế tắc Mẹ đã khai thông một lối đi.  Lối đi vào thẳng trái tim con người.  Trong bóng tối dày đặc, Mẹ đã thắp lên một ngọn đèn.  Ngọn đèn đó chiếu lên ánh sáng niềm tin.  Giữa trần gian lạnh lẽo, Mẹ đã đốt lên ánh lửa yêu mến.  Ánh lửa đó sưởi ấm tình người.

Chúng ta hãy noi gương Mẹ Têrêxa, biết tha thiết cầu nguyện, biết yêu mến Lời Chúa, nhất là biết yêu mến người nghèo và biết phục vụ bằng tình yêu.  Để mỗi người Công giáo thực sự là một ngọn đèn chiếu toả ánh sáng của Chúa.  Để mỗi người Công giáo là một niềm vui cho những người chung quanh.

Lạy Mẹ Têrêxa, xin cầu cho chúng con.  Amen!

ĐTGM. Ngô Quang Kiệt