Một lá thư được viết nguệch ngoạc của một đứa trẻ gởi vào bưu điện, và địa chỉ gởi tới là Chúa. Nhân viên bưu điện lấy làm lạ liền mở ra đọc. Thư viết rằng : “Chúa thân mến, con là Tommy, con sáu tuổi. Ba con đã chết và mẹ con phải cực khổ để nuôi sáu anh em con. Xin Chúa cho chúng con 300 đồng nhé”.
Đọc thư xong, anh nhân viên bưu điện rất xúc động và đưa cho các bạn đồng nghiệp xem. Họ quyết định quyên góp để giúp gia đình cậu bé. Số tiền tổng cộng là 100 đồng, và họ gởi tới địa chỉ cậu bé.
Vài tuần sau, họ nhận được lá thư thứ hai. Họ cũng mở ra đọc, thư viết như sau : “Lần tới, xin Chúa có thể gởi trực tiếp cho gia đình con, vì gởi qua bưu điện, họ giữ lại 200 đồng !”
* * * * *
Nghe xong câu chuyện, chúng ta phải bật cười vì sự ngây ngô của cậu bé, nhưng liền sau đó chúng ta lại cảm thấy hổ thẹn vì thấy bóng dáng mình thấp thoáng trong hình ảnh cậu bé : Chúng ta cầu nguyện và muốn được Chúa đáp lời tức thì theo yêu cầu chúng ta đề ra, nếu Người chậm đáp ứng hoặc đáp ứng chưa đủ “chỉ tiêu” chúng ta đưa ra, thì chúng ta lại khó chịu, và cũng chẳng thèm cám ơn Người.
Tin Mừng hôm nay Chúa dạy các môn đệ : “Phải cầu nguyện luôn, không được nản chí” (Lc 18,1). Người muốn chúng ta hãy liên lỉ cầu nguyện và cầu nguyện cách kiên trì. Như Môsê quì giang tay suốt ngày cầu nguyện cho dân Do thái thắng trận, như bà goá suốt bao ngày tháng cầu xin quan toà minh xét cho bà, như thánh Mônica ròng rã 20 năm trường cầu nguyện cho người con là Augúttinô trở lại, chúng ta hãy cầu nguyện liên tục và bền chí, không hề nhàm chán, cả khi xem ra Chúa ngoảnh mặt làm ngơ.
Chúng ta không nên tìm kiếm hiệu quả tức thì. Chúa sẽ đáp lời chúng ta lúc nào và cách thức nào có lợi nhất cho chúng ta, theo như thánh ý nhiệm mầu của Người. Thời gian Chúa nhậm lời có thể sẽ lâu hơn chúng ta tưởng, cách thức Người ban ơn có thể sẽ khác với ước nguyện của chúng ta, nhưng bao giờ cũng là lúc thích hợp nhất cho linh hồn chúng ta, bao giờ cũng là cách hữu hiệu nhất cho hạnh phúc vĩnh cửu của mỗi người chúng ta.
Thường chúng ta lầm tưởng rằng, hơn ai hết chúng ta là người biết rõ những điều mình cần xin. Nhưng thánh Phaolô dạy : “Chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải, chính Thánh Thần sẽ cầu thay nguyện giúp chúng ta theo đúng ý Thiên Chúa” (Rm 8,21-27). Vì thế, Đức Tổng Giám Mục Fulton Sheen viết : “Pytago đã cấm môn sinh của ông không được cầu nguyện cho chính họ vì họ không biết điều gì là lợi ích cả”. Khôn ngoan hơn, Socrates dạy môn đồ của ông chỉ xin những điều tốt lành, vì lẽ Thiên Chúa biết tường tận những gì là lợi ích cho mình. Dốt nát và yếu đuối nên chúng ta phải xin Thánh Thần soi sáng để chúng ta làm đẹp lòng Chúa trong lúc an bình cũng như khi xao xuyến.
Như thế, cầu nguyện không phải là việc xin ơn này ơn nọ, theo óc vụ lợi của chúng ta, cầu nguyện không phải là việc tránh né bổn phận để Thiên Chúa làm tất cả, cầu nguyện cũng không phải là việc liệt kê ước muốn để mong chờ Chúa thực hiện. Nhưng cầu nguyện đích thực chính là việc thực hành Đức Tin, nâng tâm hồn lên cùng Thiên Chúa để đối thoại với Người, van xin Người tiếp tục ban ơn để chúng ta đủ sức thực hiện thánh ý Người. Thấu hiểu sự yếu đuối của con người nên Chúa Giêsu than thở : “Khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng ?” (Lc 18,8). Vậy, cầu nguyện không phải là độc thoại mà là đối thoại liên lỉ và kiên trì với Thiên Chúa trong Đức Tin để trung thành với Chúa cho tới khi Người lại đến.
* * * * *
Tóm lại, lời cầu nguyện có năng lực rất to lớn nhưng muốn nhận được năng lực ấy, chúng ta phải kiên trì cầu nguyện, không nên trông mong kết quả lời cầu xảy đến tức khắc, bởi vì kết quả ấy sẽ đến theo cách thế và theo thời gian tùy Chúa muốn.
Chúng ta hãy kết thúc bằng một suy tư về cầu nguyện:
“Tôi cầu nguyện vì tôi là một Kitô hữu, và để làm tròn bổn phận người Kitô hữu, tôi cần Chúa giúp đỡ.
Tôi cầu nguyện vì trong đời sống tôi có sự hỗn loạn, và để làm điều hay lẽ phải, tôi cần ánh sáng Ngài soi dẫn.
Tôi cầu nguyện vì tôi cần phải đưa ra những quyết định, mà không phải lúc nào tôi cũng sáng suốt để chọn lựa, vì thế tôi cần được Ngài hướng dẫn.
Tôi cầu nguyện vì tôi có những nỗi hoài nghi, và để lớn mạnh trong đức tin, tôi cần Ngài trợ giúp.
Tôi cầu nguyện vì đa số những gì tôi có là do Ngài ban cho, vì thế tôi phải dâng lời cảm tạ.
Tôi cầu nguyện là vì Chúa Giêsu đã từng cầu nguyện cùng Cha Ngài và nếu Chúa Giêsu cho rằng điều đó là quan trọng thì tôi cũng bắt chước Ngài làm theo như thế. Amen
Trích trong R. Veritas