SỰ KHAO KHÁT ÂN SỦNG

Một người nghiện rượu khám phá ra ý nghĩa mới cho sự cô đơn của mình, trong bàn tay Thiên Chúa

Ảo tưởng nguy hiểm của nhiều người nghiện rượu là khi chúng ta ở một mình thì việc uống rượu sẽ giúp chúng ta hòa nhập vào thế giới.  Ảo tưởng này đã trở thành lối sống cho tôi trước khi tôi chuyển tới thành phố New York lúc tôi hai mươi lăm tuổi.  Nhưng không phải cứ uống nhiều rượu, tình dục bất thường hay quần áo mắc tiền là có thể xoa dịu sự cô đơn nội tâm của tôi.  Trong một thành phố có tám triệu người, nơi cô đơn nhất chính là ở giữa một đám đông người.

“Với Anh, Miễn Phí.”  Những vụ tấn công vào ngày 11 tháng 9 năm 2001, xảy ra ngay sau ngày sinh nhật thứ hai mươi bảy của tôi.  Nhìn làn khói và đống tro từ vị trí của Tháp Đôi, tôi cảm thấy như thể tất cả mọi nỗi sợ hãi, lo lắng và thống khổ trong tôi cũng đang trào tràn ra.  Ký ức sống động nhất của tôi từ mùa thu năm đó là khi nhìn thấy mười hai người lính cứu hỏa trong bộ quần áo màu xanh đậm đồng phục, đang tràn vào quán rượu gần văn phòng của tôi hàng tháng.  Mỗi ngày đều có một lễ tang mới gần Nhà Thờ Chánh Tòa Thánh Patrick.  Mỗi buổi tối, tôi đều uống rượu và nhìn lên, chết lặng và mệt mỏi.

Qua năm sau, những mối tương quan bị rạn nứt, sự chán nản và những dư vị khó chịu do dùng thức uống có nồng độ cồn cao hằng ngày gia tăng.  Khi ngày sinh nhật của tôi đến, tôi quyết định dành hai ngày nghỉ phép để “tổ chức” việc uống rượu nhiều hơn.  Mặt trời phả sức nóng nguy hiểm của nó trên tôi ngày thứ nhất khi tôi đi từ quán rượu này sang quán rượu khác.  Khi tối về, tôi cảm thấy sức nặng do sự ẩm ướt của thời tiết tháng Tám đè nặng trên tôi, nó càng mạnh hơn bởi hỗn hợp rượu và thuốc chống suy nhược mà tôi đã dùng.

Trong tình trạng này, tôi bắt đầu sợ hãi cái ngày ăn bữa tối mà tôi đã sắp đặt tại một câu lạc bộ chơi nhạc jazz ở Greenwich Village.  Tuy nhiên, tôi đã đến sớm và ngồi trong quán rượu, nói cách chắc chắn với người phục vụ ở quầy rượu là tôi ở đó để tổ chức sinh nhật của tôi.  Cô ấy đặt một cái ly đầy rượu màu xanh nhạt trước mắt tôi.  Cô ấy nói: “Với anh, miễn phí.  Chúc mừng sinh nhật anh!”  Tôi nâng ly lên, nhưng khi tôi làm như vậy, có một giọng nói bên trong tôi vang lên “Đây là nó.  Đây là lần uống cuối cùng của con.”

Giọng Nói Biết Tất Cả.  Tôi chuyển cái ly ra khỏi mặt tôi và nhìn vào nó.  Tôi rất bối rối bởi một cảm giác hy vọng lạ lùng và không thể tin được.  Tôi sẽ không còn say khướt nữa sao?  Hoặc tôi sắp chết rồi ư?  Giọng nói không rõ ràng và sự chết dễ dàng vẽ lên hơn là sự không say rượu nữa.  Tôi chiến thắng việc uống rượu chỉ trong tích tắc và rồi tôi chờ đợi.  Tôi không muốn tin giọng nói ấy.  Bất thình lình mọi sự bắt đầu đi vào bóng tối, như thể tôi đang bước vào một đường hầm.  Tôi không chết, nhưng tôi đã chạy tới phòng vệ sinh nam và ói ra.

Đó là lần uống cuối cùng của tôi.

Giọng nói mà tôi nghe làm tràn ngập trong một khao khát bất chợt là được giải phóng khỏi rượu.  Tôi đã cảm thấy rằng tôi đã được ban tặng một khởi đầu mới cho cuộc sống và tôi không muốn hoang phí nó nữa.

Một vài tuần sau, người phụ nữ mà tôi quen đã mời tôi đi nghe ca đoàn nhà thờ hát vào một sáng Chúa Nhật sau khi chúng tôi thức dậy.  Tôi quá xúc động bởi thánh ca Gregorian (thánh ca thời Trung cổ) và âm nhạc đến nỗi tôi đã trở lại vào Chúa Nhật sau đó, và sau đó nữa.  Tôi đã bắt đầu tham dự Thánh Lễ hằng tuần chỉ vì để tôi có thể nghe âm nhạc.

Dần dần, tôi đã bắt đầu nghe những gì đang diễn ra giữa những bài hát.  Rồi đến một ngày kia tôi nghe câu chuyện Chúa Giêsu cho con gái ông Jairus sống lại từ cõi chết (Mc 5,35-43).  Người bảo ông Jairus “Đừng sợ, nhưng hãy tin” (Mc 5,36).  Lúc đó, tôi biết đó chính là giọng nói biết tất cả đã hứa với tôi rằng đó là lần uống rượu cuối cùng của tôi.  Tôi nhận ra rằng trong suốt dọc dài đời tôi, Chúa Giêsu đã đang chuẩn bị cho tôi khao khát một cái gì đó khác hẳn.

“Linh hồn con khao khát Chúa.”  Vào Mùa Vọng năm 2003, tôi nhận ra rằng tôi phải sống trong tình trạng ân sủng khi tôi rước lễ.  Vì thế, tôi đã đi tìm một nhà thờ dòng Phanxico gần Penn Station và tôi ở đó mười phút trước khi Việc Xưng Tội kết thúc.  Tôi thưa với linh mục đang ở bên kia phiên sắt (của Tòa Giải Tội) rằng: “Lần xưng tội cuối cùng của con cách đây mười sáu năm rồi.”  Tôi nghe tiếng ngài hít vào thật sâu.  Khi tôi nói tôi không biết phải làm gì, ngài đã tử tế đề nghị tôi hãy kể thật lòng những tội lỗi của tôi bằng cách dùng Mười Điều Răn như bản hướng dẫn.

Tôi hỏi “Mười điều răn là gì ạ?”  Vị linh mục giúp tôi hiểu từng điều một và ngài giải thích rằng Chúa Giêsu đã tha thứ cho tôi cả những tội mà tôi không thể nhớ.  Sau khi tôi đọc xong Kinh Ăn Năn Tội và lãnh nhận ơn tha tội, ngài nói với tôi rằng: “Bây giờ không quá tệ, đúng không con?  Tòa nhà đã không xụp đổ xuống trên con.”  Tôi ra khỏi Tòa với một cảm giác nhẹ nhàng và hạnh phúc mới, và tôi ngước lên bầu trời để nhìn những tinh thể tuyết trắng trong đang rơi xuống.

Mùa Xuân năm ấy, tôi bắt đầu cầu nguyện Phụng vụ các Giờ Kinh.  Tôi sớm cảm nhận giá trị cấu trúc các Giờ Kinh trong ngày sống của tôi.  Tôi thích thú ngồi bên ngoài phòng thoát hiểm của tòa nhà tôi ở Queens[1], cầu nguyện bằng các thánh vịnh dưới bầu trời chiếu sáng.  Tôi bắt đầu cảm nghiệm Thiên Chúa đang nói với tôi qua những lời trong Thánh Kinh.  Đặc biệt, nhiều thánh vịnh rất cá vị hợp với tôi:  Lạy Thiên Chúa của con – chính Ngài Đấng con kiếm tìm!  Linh hồn con đã khát khao Ngài; tấm thân con mòn mỏi đợi trông (Tv 63,2).

Những đoạn trích này không còn là những từ ngữ xa xôi đã có từ hàng ngàn năm trước.  Chúng là những nền tảng của một mối tương quan mới giữa tôi và Giáo Hội qua thời gian.  Tôi không cô đơn trong kinh nghiệm tìm kiếm một sự đói khát mới về Thiên Chúa của tôi.  Tôi có vua David cùng đồng hành!

Một Cuộc Sống Mới Trong Bàn Tay Của Chúa Giêsu.  Muốn phục hồi khỏi chứng nghiện rượu, tôi cần niềm tin mới hồi sinh của tôi.  Tình bạn mà tôi đã tìm thấy trong nhóm mười hai bước thật là quan trọng, đặc biệt các linh mục và các bạn hữu của tôi ở nhà thờ đã giúp tôi duy trì việc bỏ rượu.  Họ chỉ cho tôi thấy những con đường mới đối với ý thức trách nhiệm và sự tự xét mình.  Tôi học hỏi từ họ và từ những sách thiêng liêng nói về sự khiêm tốn, và về sự hòa giải với những người mà tôi đã làm thiệt hại.  Điều quan trọng nhất là tôi đã nhận ra giá trị cuộc sống cho những người khác, chứ không phải cho chính tôi.

Qua việc cầu nguyện hằng ngày, Thánh Lễ và tham gia vào ca đoàn, tôi bắt đầu phục vụ Giáo Hội.  Những sự diễn tả của niềm tin Công Giáo đã trở nên những yếu tố nắm giữ cuộc sống của tôi.  Chúng giúp tôi chấp nhận hoàn toàn một viễn cảnh mới về sự cô đơn, đau khổ và cả niềm vui.

Những điều này dường như luôn luôn giống như những vấn đề cá nhân biệt lập đối với tôi.  Nhưng rồi tôi nhận ra rằng Chúa Giêsu đã nhìn thấy nỗi khổ của tôi và đã làm cho nó thành mối quan tâm của Ngài.  Tiếng Ngài nói với tôi tại quán rượu ở Manhattan!  Ngài đã mời gọi tôi bằng âm nhạc tuyệt vời.  Ngài đã bước vào cuộc đời tôi trong Thánh Lễ để Ngài có thể kéo tôi vào trong Ngài.  Như Ngài đã đi tìm những người phong hủi, và những cô gái điếm cách đây hai ngàn năm, Ngài cũng đã đi tìm tôi trong khung cảnh của quán rượu ở Greenwich Village.  Vì thế cho dù thỉnh thoảng tôi vẫn cảm nghiệm sự cô đơn sâu thẳm, nhưng nó đã trở nên có ý nghĩa hơn.  Tôi đã học thế nào để dâng nỗi cô đơn ấy lên Chúa Giêsu như phần (nhỏ bé) của tôi vào cuộc sống của Ngài, vào cái chết và sự phục sinh của Ngài.

Theo “Big Book” của nhóm những người nghiện rượu vô danh (Alcoholics Anonymous), “Trong bàn tay Thiên Chúa, bóng tối đi qua là sự sở hữu lớn nhất mà bạn có – chìa khóa cho cuộc sống và hạnh phúc đối với những người khác.”  Đó là vì trong bàn tay của Chúa Giêsu, chúng ta được tái sinh và ban tặng sự sống mới.  Tôi hy vọng rằng mỗi người trong các bạn có thể cảm nghiệm được niềm vui này và chia sẻ nó cho những người xung quanh bạn.

Colin O’Brien sống ở Hyattsville, Maryland.

Theo the Word Among us, Easter 2018 Issue
Chuyển ngữ:  Sr. Maria Trần Thị Ngọc Hương, OP

[1] Queens: one of the five boroughs of New York City (located on Long Island)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *