Tôi đến thăm em, hai vợ chồng trẻ có đứa con 13 tháng tuổi vừa mới qua đời. Khi tôi bước vào nhà, người vợ với thân hình tiều tụy hốc hác, với đôi mắt đỏ hoe, trong thinh lặng và bình tĩnh, em dẫn tôi vào thăm xác cháu bé. Ngược lại người chồng không còn giữ được bình tĩnh, em ngồi trên ghế khóc nức nở. Trong tiếng than khóc đó, tôi nghe được tiếng than trách của em:
– “Chúa ơi! Chúa ở đâu ? Sao Chúa không nghe tiếng con cầu xin!!! ”
***************
Nhớ lại thời gian một năm trước, ngay sau khi sanh con ra đời, em đã phải bồng bế con đi hết nhà chuyên môn này đến nhà chuyên môn khác, đi hết nhà thương này đến nhà thương khác, sau cùng là nhà thương Stanford Medical Center, nơi có những bác sĩ giỏi nhất nước Mỹ, nơi có những thuốc men và phương tiện y khoa tối tân hiện đại nhất thế giới. Nhưng tất cả đành bó tay trước căn bệnh nan y hiểm nghèo này. Sau đó, em phải mang con về nhà, phải nghỉ việc làm trong sở để ở nhà săn sóc cho con. Ngày đó em nói với tôi:
– “ Em có thể bán nhà cửa, xe cộ, nữ trang … bán tất cả để lấy tiền chữa bệnh cho con, miễn sao con em được sống.”
Tôi cúi đầu im lặng, không biết nói với em điều gì đây để an ủi nâng đỡ em. Trong thinh lặng, tôi nhận thấy rõ nỗi khát khao mong mỏi cũng như hoàn cảnh khó khăn tuyệt vọng mà em đang gánh chịu. Trong thinh lặng, tôi cũng liên tưởng đến hoàn cảnh và cuộc sống của chính mình với hai đứa con được sanh ra khỏe mạnh, khôn lớn và ngoan hiền. Tôi cứ ngỡ rằng đó là “may mắn”, là “lẽ tự nhiên” trong cuộc đời mà chưa một lần nhận ra rằng đó là “ơn ban” từ trời cao để dâng 1 lời tạ ơn, để làm 1 việc đền đáp …
Ngày đó, ngồi bên em, tôi đề nghị với em là hãy trở về với “niềm tin” của mình, hãy trở về với thánh lễ, với bí tích, với cầu nguyện để gặp gỡ Thiên Chúa vì Ngài là đấng yêu thương và hay nâng đỡ cứu giúp. Em đưa mắt nhìn tôi không phản đối nhưng cũng không tán thành. Tôi nhận ra sự e dè sợ hãi của em vì đã lâu lắm rồi em không đi nhà thờ, không tham dự thánh lễ. Lần sau cùng em đến nhà thờ có lẽ là ngày em làm lễ cưới cách đây 5, 7 năm. Tôi biết ý, muốn tôn trọng em và không muốn làm em khó chịu nên đã nói sang chuyện khác …
Ngày tháng sau đó tôi vui mừng ngạc nhiên vì gặp lại em trong thánh lễ Chúa nhật của cộng đoàn, và cả trong Thánh lễ chữa lành cho bệnh nhân nữa. Nhìn em bồng bế con tham dự thánh lễ, lòng tôi chùng xuống …Tôi thầm dâng lên Chúa lời cầu xin cho con em, cho gia đình em .
***************
Hôm nay đến thăm em, nghe tiếng khóc nức nở của người chồng với lời than trách : “Chúa ơi! Chúa ở đâu? Sao Chúa không nghe tiếng con cầu xin!”. Tôi hiểu được rằng niềm tin nhỏ bé vừa được thắp sáng trong em đang đứng trước phong ba bão táp, niềm tin non trẻ ấy đang gặp gian nan thử thách … Cầm tay em trong nhẹn ngào, tôi nói nhỏ vào tai em :”Cố gắng lên em nhé! Chúa không bỏ em đâu, Chúa vẫn thương em, vẫn ở bên em; trong căn phòng này với con em và gia đình em. Hãy tin như vậy em nhé”.
Mấy tuần sau tôi có dịp trở lại thăm em, ngồi tâm tình với đôi vợ chồng trẻ, trong bình tĩnh và nhỏ nhẹ, em nói cho tôi nghe thật nhiều về chặng đường mà em vừa đi qua:
– Em đã bỏ nhà thờ lâu lắm rồi, em đã có 1 thời hoang đàng trác táng… Em cứ nghĩ rằng vì em tội lỗi, vì em bỏ Chúa nên Chúa đã không cho con của em được sống. Chúa đã không thương em nên đã để những đau khổ vất vả xảy đến trong gia đình em … Nhưng không phải thế, em đã nghĩ sai, Em thấy Chúa vẫn thương em, vẫn ở bên em, Chúa đã cùng sống với em trong những ngày đau khổ vất vả này, Chúa vẫn mang đến cho em bình an, tin tưởng và phó thác khi em mang con đi tham dự thánh lễ. Trong những ngày khó khăn ấy, em bắt đầu cuộc “trở về“ bằng 1 vài câu kinh vào ban tối trong gia đình, em thích đọc kinh Kính Mừng nhất vì kinh Kính Mừng đã giúp em chạy đến với Đức Mẹ, giúp em gần gũi với Đức Mẹ nhiều hơn, bởi vì cuộc đời của Mẹ cũng có nhiều đau thương vất vả vì con giống như em vậy. Kinh Kính Mừng đã dạy em hiểu về Mẹ nhiều hơn: “Mẹ là người trong sạch thánh thiện nhất, Mẹ là người sống đẹp lòng Chúa nhất, Mẹ là người được Chúa yêu thương nhiều nhất, nhưng Mẹ cũng là người chịu nhiều đau thương vất vả nhất”.
Nghe em nói chuyện, tôi cảm nhận một niềm vui trào dâng, tôi đọc thầm trong lòng kinh Kính Mừng để cám ơn Mẹ đã mang hai người bạn trẻ của tôi về với Chúa. Mẹ đã làm cho niềm tin đã chết trong nhiều năm nay sống lại, Mẹ đã khơi dậy một niềm tin nguội lạnh héo úa, nay bừng sống vươn lên… Đến với Mẹ, cầu xin Mẹ phù hộ cứu giúp, không ai phải về tay không… Em tâm sự thêm:
– Em đã mất đi thân xác của đứa con, nhưng em đã tìm lại được linh hồn của chính mình. Qua thất vọng và đau khổ, em đã” trở về”, em đã tìm gặp được chính Chúa, Ngài dạy cho em hiểu thêm về ý nghĩa của đau khổ. Qua cơn bệnh ngặt nghèo và cái chết của con em, em xác tín hơn về quyền năng cao cả của Thiên Chúa và sự giới hạn yếu đuối của con người . Đau khổ và sự chết không làm hại được em, nhưng đã giúp em đứng vững hơn, tin tưởng và phó thác hơn …
Thật tuyệt vời … Còn lời nói nào thâm sâu và cao qúy cho bằng lời em nói với tôi hôm nay? Còn cảm nghiệm nào sâu sắc cho bằng cảm nghiệm mà em chia sẻ với tôi trong lúc này? Thân xác của em thì yếu ớt, sự hiểu biết của em thì giới hạn nhỏ bé, nhưng lời nói và cảm nghiệm của em thì thật tuyệt vời …
Người bạn trẻ ơi! Cám ơn em nhé! Em đã dạy cho tôi về ý nghĩa và sự huyền nhiệm của kinh Kính Mừng, em đã dạy cho tôi bài học về sự “trở về”, em đã dạy cho tôi về ý nghĩa của “đau khổ và sự chết”. Em dạy tôi không phải bằng mớ kiến thức sách vở từ cái đầu nhưng bằng chính cảm nghiệm từ con tim và cuộc sống thực tế của riêng mình …
Linh Xuân Thôn