Để tìm được cái nhà thờ Công Giáo ở đất nước Chùa Vàng – Campuchia này không phải là chuyện dễ. Mà tìm nhà thờ để làm gì bạn nhỉ?
Thì bạn vẫn biết đấy, tôi cũng là một tu sĩ Công Giáo. Đã là một tu sĩ thì không có cớ gì tôi bỏ lễ Chúa Nhật được. Nói thật, bỏ đọc kinh sáng tối thì… đôi khi tôi cũng có, nhưng bỏ lễ Chúa Nhật thì không; không đời nào; không có lý do gì; và không có gì quan trọng hơn Thánh Lễ ngày Chúa Nhật. Tôi lớn lên đã được gia đình giáo dục thế – Giờ đây là một tu sĩ thì tôi càng TIN vào nền giáo dục đó hơn.
Thế là chiều thứ 6, tôi và 4 em bé gái (mà tôi thuê) leo lên chiếc Camry và bắt anh tài xế đi tìm nhà thờ. Sau nhiều lần dừng lại hỏi đường và lạc vào hai cái nhà thờ tin lành, thì xe dừng trước cửa một nhà thờ Công Giáo. Nói là nhà thờ, nhưng thực ra nó còn bé hơn cái nhà nguyện dùng làm lễ hàng ngày của giáo xứ tôi.
Tôi mở cửa xe, bước ra khỏi cái ghế trước, vươn vai hít thở không khí trong lành và… làm dấu. Đó cũng là thói quen của tôi – mỗi khi đi ngang qua nhà thờ thì làm dấu. Bốn cô bé cũng bước ra khỏi xe, vẫn cười nói hồn nhiên. Mặc kệ các em, cứ để các em tự nhiên. Tôi đưa mắt tìm xem có tấm bảng nào ghi giờ lễ không. Chẳng tìm thấy thấy bảng hiệu tiếng Anh, tiếng U gì cả, toàn là tiếng Campuchia, tôi quay lại hỏi người tài xế.
– Do you know, what time is Sunday mass? (Anh có biết lễ Chúa Nhật mấy giờ không?)
– Eight! Anh ta đọc một lần qua tấm bảng viết bằng tiếng Campuchia, và trả lời cộc lốc.
– Thank you! Tôi trả lời.
Sau đó tôi đứng thả hồn, miên man suy nghĩ và bắt đầu so sánh những ngôi Chùa được đúc bằng vàng và “nhà thờ” của Chúa – Hoá ra Chúa lúc nào cũng nghèo. Đang miên man, thì tiếng các em gái đã kéo tôi về với thực tại.
– Ông này chắc là người có đạo đó. Tiếng của bé Châu 13 tuổi cất lên.
– Sao mày biết? Nga, cô bé 16 tuổi, “với thâm niên” 3 năm làm nô lệ trong nhà thổ – là “chị hai” của nhóm 4 cô gái này, hỏi chen vào.
– Nếu hỏng có đạo ổng tìm nhà nhờ làm gì? Châu trả lời.
– Coi chừng ngày Chúa Nhật này ổng bắt tụi mình đi với ổng vô nhà thờ đó. Hoa, cô bé 15 tuổi bình phẩm.
– Tao hỏng nghĩ vậy đâu. Đi chơi thì đi, chứ đi nhà thờ thì đi làm gì. Tao đâu có đạo đâu mà đi. Dzậy là sáng Chúa Nhựt được ngủ đã rồi. Nga nói chắc như đinh đóng cột.
– Hỏng dám đâu. Hoa phản bác. Hồi trước giờ ổng đi đâu ổng cũng bắt tụi mình đi theo hết. Tao nghĩ là Chúa Nhựt này cũng dzậy thôi.
– Tao bảo đảm là ổng không bắt mình đi nhà thờ. Châu một lần nữa khẳng định. Tụi mày không nhớ ban sớm với ban khuya ổng cầu nguyện, ổng bắt tụi mình phải im lặng cho ổng cầu nguyện sao? Cho nên Chúa Nhựt này ổng đi nhà thờ cầu nguyện, ổng cũng sẽ muốn được im lặng
Nghe tới đây là tôi hiểu được các em này không phải là người Công Giáo và cũng chưa bao giờ bước chân vào nhà thờ tham dự thánh lễ. Vì nếu đã đi lễ, thì biết chắc là Thánh Lễ đâu có “im lặng để cho ổng cầu nguyện.” Thế là tôi muốn dẫn các em vào bên trong nhà thờ.
Vừa bước lên những bậc thềm trước cửa nhà thờ, tôi vừa khoát tay ra hiệu cho các em đi theo tôi. Các em bỏ dửng câu chuyện và chạy theo tôi. Nhưng riêng bé Thoa 12 tuổi, mới bị đưa qua từ Việt Nam được gần 1 năm, này giờ vẫn im lặng – giờ lí nhí lên tiếng:
– Tao không vô nhà thờ đâu.
– Trời, giỡn hoài – nhõng nhẽo nữa hả má – “Chị hai” Nga vừa cười vừa chọc.
– Không, tao không muốn vô nhà thờ. Vẫn lí nhí nhưng có vẻ cứng rắng hơn, Thoa trả lời.
– Thôi đi má, tụi con bế má vô. Châu vừa dứt lời thì cả ba chạy xuống những bậc tam cấp để “bế” Thoa lên.
– Bỏ tao xuống, tao không vô nhà thờ. Thoa lớn tiếng. Tao đã nói là tao không muốn vô trong đó mà. Tụi mày đi đi, đừng có làm phiền tao. Kèm theo những câu nói đó là một tràng ngôn ngữ tục tĩu được phóng ra từ miệng của Thoa.
– Mày mà hỏng vô coi chừng ổng đuổi mày dzề đó. Đi với ổng sướng vậy, giờ tự nhiên giở chứng không dzô. Nga nói như dạy đời.
– Ổng đuổi thì đuổi, tao không dzô là không dzô. Thoa cứng rắn trả lời.
Thấy tình hình căng thẳng qúa, tôi giả lơ và nói to:
– The Church is closed. Let’s go home! (nhà thờ đóng cửa rồi, thôi đi về)
Nói xong tôi bước lên xe và kêu các em cùng lên xe. Vẫn với vẻ mặt “giả nai” như không hiểu các em mới tranh luận điều gì, tôi vừa béo vào mặt bé Thoa vừa hỏi:
– Are you ok? What is going on? (Em có sao không? Chuyện gì vậy?)
Nhưng em có hiểu tôi hỏi gì đâu mà trả lời. Em chỉ nhìn tôi và chúm miệng cười, tuy gương mặt vẫn còn rất khó chịu và lấm lét với nhiều lo lắng.
Thế là bắt đầu từ hôm đó tôi quyết tâm tìm cách gợi chuyện, hay vẽ chuyện để cho các em nói với nhau về đề tài… nhà thờ. Tôi quyết tâm phải biết được cái lý do tại sao Thoa nhất quyết không vào nhà thờ, dù em biết rằng có thể bị tôi đuổi về và không thuê nữa.
* * * * *
Nói tới đây, tôi xin đi ra ngoài câu chuyện một tí để giải thích cho qúy đọc giả biết tại sao các em “thích” đi với tôi.
Sau hơn 3 năm “làm việc” ở Campuchia, tôi đã phần nào xây dựng được chữ TÍN. Chữ tín không phải chỉ ở nơi các em, mà còn đến từ các tú ông, tú bà, ngay cả những tay anh chị được cử đi theo dõi tôi và bảo vệ các em, sợ tôi dẫn các em trốn.
Các tú ông tú bà tin tôi vì tôi … “sòng phẳng” với họ, chưa bao giờ kỳ nèo bớt giá. Tôi luôn “trả” các em về cho họ đúng giờ. Tôi luôn trả các em về cho họ trong một trạng thái vui vẻ, không mệt mỏi, và không “sứt mẻ” điều gì.
Các tay anh chị tin tôi, vì tôi chưa bao giờ làm cho họ phải lo lắng. Họ chưa bao giờ phải mất công theo dõi tôi. Vì khi tôi đi chơi với các em, tôi thường vẫn cho họ đi theo. Họ vừa làm việc của họ, lại vừa được đi chơi thì còn gì sướng bằng. Không những chỉ được đi chơi miễn phí, các bữa ăn của họ cũng được tôi trả tiền. Thỉnh thoảng tôi còn thuê phòng ngay đối diện phòng của tôi cho họ ngủ để … canh tôi – tránh cho họ phải vật vờ trước cổng khách sạn theo dõi. Thế còn gì bằng.
Các em tin tôi đơn giản là vì các em rất… sướng khi được tôi thuê. Các em truyền miệng cho nhau về “ông thương gia người Singapore, mỗi khi giận vợ lại tìm người đi chơi chung. Ông ta chưa bắt ai phải “phục vụ” ổng bao giờ – đã không phải làm những điều dơ dáy đó, lại được ổng cho đi chơi và đôi khi còn mua quần áo mới cho nữa! Đó là lý do chính tại sao các em “thích” được tôi thuê và đôi khi còn giành nhau nữa. Dài dòng ra ngoài lề câu chuyện như vậy cho bạn hiểu, bây giờ chúng ta trở lại câu chuyện nhé.
* * * * *
Sau thêm ba ngày nữa sống với các em thì câu chuyện dẫn đến lý do tại sao Thoa quyết định không vào nhà thờ đã có màn kết của nó.
Thoa sinh ra và lớn lên trong một gia đình công giáo nghèo tại tỉnh An Giang. Như những gia đình công giáo và những đứa bé khác sống ở làng quê, em đi lễ mỗi Chúa Nhật; đi học Giáo Lý tuần 2 ngày và siêng năng tham dự lễ ngày thường. Em đã được học giáo lý, học về Thiên Chúa yêu thương, học về sự hiện diện của Chúa trong thế giới hôm nay. Và cũng như những đứa trẻ khác em TIN rằng Thiên Chúa thương em và thương gia đình của em lắm. Và không dừng lại ở niềm tin đơn giản đó, em cũng bắt đầu biết cầu nguyện; cầu nguyện cho em và cho gia đình em thoát khỏi cái cảnh nghèo nàn; cầu nguyện cho ba em bỏ uống rượu và cầu nguyện xin Chúa che chở em và mẹ em tránh được những trận đòn chí tử mỗi khi ba em say sỉn.
Và hình như Chúa đã nhận lời em. Một người thân của má em, sau khi lên thành phố lập nghiệp trở về quê và hứa đưa em lên đó giúp việc nhà, cô sẽ cho em chỗ ăn và chỗ ở, trả em 700 ngàn một tháng, và còn ứng trước cho em 3 tháng tiền lương. Một số tiền mà gia đình em không bao giờ dám nghĩ tới. Em mừng thầm trong bụng, em cám ơn Chúa. Em nhẩm tính, “vậy là em có thể giúp gia đình em thoát khỏi cái nghèo!” Chỉ cần hai tháng lương của em là đã bằng thu nhập của gia đình em một năm! Nhưng rồi những nhẩm tính đó cùng với những hy vọng thoát nghèo của em mau chóng tan thành mây khói.
Thành phố đâu em không thấy, tiền lương đâu em không biết, chỉ thấy mình nằm trong cái “cũi nhốt người” này đã gần một năm. Những ngày đầu em còn chưa biết chuyện gì xảy ra nên khóc lóc và la hét mỗi khi có… khách. Và rồi những trận đòn nhừ tử, những ngày được bỏ đói đã dạy em cắn răng làm những điều không thể chấp nhận được trong cái tuổi của em, tuổi 12. Có những ngày trong vòng 24 tiếng em phải tiếp cả hơn 10 người đàn ông.
Tuy trong tận cùng của tăm tối cuộc đời đó em vẫn tin Chúa và vẫn cầu nguyện. Em cầu nguyện xin Chúa đưa em ra khỏi nơi này – nơi quy tụ những con qủy trần gian – nơi địa ngục trần gian. Em xin Chúa cho em được về với gia đình – cho dù em có đói, em có bị ba đánh đập nhưng vẫn không thể so sánh được với nơi này.
Nhưng em đã thôi không cầu nguyện cách đây vài tháng. Em đã quyết định chắc chắn là không có Thiên Chúa nào cả. Chính vì thế em không cần cầu nguyện. Em lý giải với bạn bè của em: “Cho dù có ông Chúa đi chăng nữa, ông ta cũng không nghe lời tao. Ông ta không thèm để ý tới những lời tao nói. Ông ta không thương tao, nên tao cũng không thèm ổng….”
Bạn thân mến, những lời đó đã như lưỡi đòng đâm qua tim tôi. Tôi là một Linh Mục, cả cuộc đời tôi cố gắng mang mọi người tới Chúa, giúp họ nhận ra Thiên Chúa, giúp họ tin vào Chúa, thế mà giờ đây…… Thật sự, chính tôi cũng đang phân vân không biết có sự hiện diện của Thiên Chúa không? Em nói có lý quá, cái lý của một đứa trẻ 12 tuổi đã làm cho tôi phải câm nín và … hoang mang. Không những em có lý, mà cái lý đó còn có cái tình nữa chứ. “Sao Chúa không thương em, em thương Chúa lắm mà? Sao Chúa không nghe em, em vẫn nói chuyện với Chúa mà, Chúa ơi!”
Và bạn thân mến, với những lý do đó em đã sẵn sằng bảo vệ cái “luận lý” không có Thiên Chúa của mình bằng cách quyết định không bước vào nhà thờ, cho dù có thể bị tôi đuổi về với các “con qủy” trong cái “điạ ngục trần gian.”
* * * * *
Chút suy tư:
Tôi đã đọc ở đâu đó một câu chuyện của một bà mẹ dạy con của mình khi hai người cầu nguyện trước một tượng chúa Kitô Vua đã bị bom đạn tàn phá và bể nát. Đứa bé hỏi mẹ:
– Tại sao mẹ lại cầu nguyện trước tượng Chúa không có tay chân, và mắt cũng như miệng này.
Và bà mẹ đã đã lời:
– Vì mẹ đang xin Chúa cho mẹ ơn can đảm để chính mẹ sẽ trở nên con mắt của Chúa, lỗ tai của Chúa, miệng của Chúa, trái tim của Chúa và cánh tay của Chúa. Mẹ và con, mình sẽ là con mắt của Chúa để NHÌN thế giới với một cái nhìn nhân hậu; là lỗ tai của Chúa để NGHE và CẢM THÔNG những niềm vui cũng như những đau khổ của con người; là miệng của Chúa để AN ỦI những ai cần được ủi an; là trái tim của Chúa để YÊU THƯƠNG những người không ai yêu thương; và là cánh tay của Chúa để NÂNG ĐỠ những người không ai nâng đỡ.
Bạn thân mến, đời sống đạo đức thánh thiện và những công việc bác ái, không phải là đời sống chỉ dành riêng cho những giám mục, linh mục, hay tu sĩ mà dành cho tất cả mọi người chúng ta. Xin giúp mỗi người chúng ta biết nhận ra “ơn gọi trở nên thánh” của mình, biết ý thức được mình là men cho bột, là muối cho đời, là ánh sáng cho thế gian, là môi miệng, là tay chân, là trái tim của Chúa Giêsu ở trần gian này, để qua đó khắp nơi và mọi người trên trái đất nhận ra được sự hiện diện đích thực của Thiên Chúa; của mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể và ở giữa chúng ta; để nơi nơi vang lên lời chúc tụng ngợi khen Thiên Chúa là cha chúng ta ở trên trời. Amen.
Linh Mục Martino Nguyễn Bá-Thông – www.hayyeuthuongnhau.org
Nếu muốn kiểm chứng những câu chuyện này, bạn có thể liên lạc với Linh mục qua email, số điện thoại ở địa chỉ trang web trên.