THOÁNG THẤY VĨNH CỬU

Trong quyển sách nhan đề The Golden String (Sợi dây vàng). Văn sĩ người Anh Bede Griffiths mô tả lại một thời kỳ đáng nhớ khi ông còn là một cậu học sinh.

Một buổi chiều hè, Bede Griffiths ra ngoài dạo chơi. Trong lúc thơ thẩn một mình bỗng dưng cậu nhận ra tiếng chim hót mới hay ho làm sao. Cậu ngạc nhiên tại sao trước đây mình chưa bao giờ được nghe chúng hót hay như thế. Trong lúc tiếp tục bước tới, cậu gặp thấy một vài bụi táo gai đang nở trông thật dễ thương và đang toả ngát mùi hương thơm dịu dàng trong không khí. Bede lại ngạc nhiên tại sao trước đó cậu không hề nhận ra vẻ đẹp và hương thơm của chúng. Cuối cùng cậu đi tìm một sân chơi. Ở đây mọi vật đều yên tĩnh. Trong khi đứng đó ngắm nhìn mặt trời từ từ lặn khuất xuống chân trời, cậu bỗng nghiêng mình quì xuống trên mặt đất; giống như cậu đang cảm nghiệm được sự hiện diện rất gần gũi của Chúa bên cạnh mình. Griffiths viết:

“Bây giờ khi nhìn lại lúc ấy, tôi cảm thấy hình như đó là một trong những biến cố có tầm quyết định trong cuộc đời tôi”. Griffiths nói rằng cho mãi đến lúc ấy, cậu chỉ là một học sinh bình thường, bằng lòng với thế giới hiện có chung quanh. Giờ đây cậu đã nhìn thấy thế giới này một cách hoàn toàn mới mẻ. Nói theo lời thi sĩ Wordswoth, cậu ta đã nhìn thế giới ấy với “Vẻ vinh quang tươi mát đầy mộng mơ”.

* * * * *

Kinh nghiệm của Bede Griffiths giúp chúng ta thoáng thấy được những gì mà Phêrô, Giacôbê và Gioan cảm nghiệm được vào buổi chiều hè cách đây hai ngàn năm.  Khi Chúa Giêsu biến hình trước mắt họ.  Ðó cũng là một giây phút quyết định trong cuộc đời họ. Trước thời điểm ấy, ba Tông Ðồ này đã nhìn thấy Chúa Giêsu theo cách thức bình thường mỗi ngày, giờ đây họ bắt đầu nhìn thấy Ngài trong một viễn cảnh hoàn toàn mới mẻ.  Họ bắt đầu nhìn thấy Ngài với “Vẻ vinh quang tươi mát đầy mộng mơ”.

Giống như điều Bede Griffiths từng cảm nghiệm được trong thời niên thiếu, thánh Phêrô cũng chẳng bao giờ quên được cuộc biến hình của Chúa Giêsu. Nhiều năm về sau, trong lá thư thứ hai của Ngài, Thánh Phêrô đã diễn tả lại cảm nghiệm ấy như sau: Chính mắt chúng tôi đã nhìn thấy sự cao cả của Ngài, chúng tôi đã có mặt lúc Ngài được Chúa Cha trao ban cho đanh dự và vinh quang, khi có tiếng phán cùng Ngài, tiếng nói phát xuất từ sự vinh quang tối thượng: ‘Ðây là Con Ta yêu dấu đẹp lòng Ta mọi đàng’. Chính chúng tôi đã nghe được lời này vang xuống từ trời khi chúng tôi cùng ở với Ngài trên núi thánh (2Pr 1: 16-18).

Tất cả chúng ta đều có thể hiểu được cảm nghiệm của thánh Phêrô trên đỉnh núi cũng như cảm nghiệm của cậu bé Bede Griffiths. Tất cả chúng ta đều đã từng có những cảm nghiệm tương tự như thế trong cuộc sống của mình. chúng ta từng cảm nghịêm được những lúc trong chớp nhoáng. Chúng ta dường như thoáng nhìn thấy một thế giới ở bên kia thế giới này. Nhà tâm lý học Abraham Maslon gọi những lúc thấu thị như thế là “những khoảnh khắc cao điểm”. Ðây là những lúc khoảnh khắc chớp nhoáng mà chúng ta thấy đựơc một điều phi thường bên kia những biến cố bình thường. Ðấy là những giây phút biến hình khiến Peter, James và John bị choáng ngợp trước ý thức kỳ lạ về sự hiện diện của Thiên Chúa, và nếu những khoảnh khắc này xảy đến mà chúng ta biết chăm chú lắng nghe, chúng ta cũng sẽ nghe được tiếng nói từ trời phát ra: Này là con Ta yêu dấu đẹp lòng Ta mọi đàng. Hãy nghe lời Ngài!”.

Rủi thay chúng ta lại chẳng biết chu tất những cảm nghiệm này từ đầu đến cuối. Rủi thay chúng ta lại còn quên cả lúc chúng xảy đến cho chúng ta nữa! Hoặc đáng tiếc hơn nữa, khi càng lớn tuổi, chúng ta lại càng ít dạo bước ra ngoài trời nhìn ánh hoàng hôn hoặc không còn leo lên núi để tìm gặp những cảm nghiệm như thế. Bede Griffiths đã nêu rõ điểm này trong quyển sách của ông. Ông viết: “Có lẽ ít có người nào chưa từng có được một cảm nghiệm giống như thế vào một lúc nào đó trong cuộc đời, nhưng họ thừơng hay dễ dàng để cho cảm nghiệm ấy trôi đi… Thế giới quanh ta lại trở về với dáng vẻ bình thường và thị kiến ấy vội vàng bị xoá đi mất”.

Thực sự là Chúa Giêsu sống lại vẫn thường xuyên cho chúng ta thấy sự hiện diện của Ngài giữa chúng ta. Nhưng chúng ta lại quá bận rộn đến nỗi chẳng nhận ra Ngài. Chúng ta quá bận rộn đến nỗi chẳng có thời gian dừng lại để tìm kiếm Ngài.

Bài Phúc Âm hôm nay đề cập với chúng ta về tình trạng này và nhắc lại cho chúng ta ý thức Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa. Ngài đã sống lại và muốn biểu lộ chính Ngài cho chúng ta qua gia đình, qua con cái chúng ta, qua thiên nhiên vạn vật, qua việc chúng ta tụ họp nơi đây vào mỗi chủ nhật. Bài Phúc âm hôm nay mời gọi chúng ta tìm kíêm Chúa Giêsu không chỉ trong những biến cố khác thường của cuộc sống, mà còn trong những biến cố rất đỗi bình thừơng. Chúa Giêsu hiện diện khắp nơi trong thế giới chúng ta. Chúa Giêsu muốn chúng ta tìm kiếm Ngài. Chúa Giêsu đang chờ đợi chúng ta. Chúng ta chỉ cần ngước mắt là nhìn thấy. Ðây chính là sứ điệp và cũng là lời mời gọi của bài Phúc âm hôm nay.

Năm 1613, có người đàn ông nọ tên là Fra Giovani có viết những giòng sau:

Sự ảm đạm trong thế giới này chỉ là một chiếc bóng. Ðàng sau chiếc bóng ấy là niềm vui nằm trong vòng tay của chúng ta. Chúng ta có thể thấy được nét rạng rỡ và vinh quang ngay trong bóng tối, miễn là chúng ta biết nhìn. Chúng ta chỉ cần nhìn thôi. Vậy tôi xin anh chị em hãy nhìn đi. Tất cả những gì chúng ta gọi là thử thách, là sầu khổ đều ẩn chứa một ân huệ… anh chị em cứ tin tôi đi… và trong đó còn chứa đựng sự hiện diện của Thiên Chúa bao trùm trên chúng ta. Và niềm vui của chúng ta cũng vậy, cũng ẩn giấu ơn thánh hoá của Chúa trong đó”.

* * * * *

Ðể kết thúc, chúng ta hãy lặp lại lời kinh nhập lễ hôm nay vì Lời Kinh này tạo nên câu kết luận phù hợp với sứ điệp của bài Phúc âm hôm nay. Xin anh chị em cùng yên lặng hiệp ý với tôi:

Lạy Chúa, xin mở lòng chúng con đón nhận Lời Ngài và xin giải thoát chúng con khỏi bức màn tăm tối nguyên thuỷ che khuất ánh nhìn của chúng con. Xin hãy phục hồi nguồn sáng cho   chúng con, để chúng con được nhìn ngắm Con Ngài“. Chúng con cầu xin nhờ Chúa Kitô, Chúa chúng con. Amen

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *