CÂU CHUYỆN BÀ HÀNG XÓM (III)

Muốn đi bước thứ ba này thì phải tập cho được bước một và hai của Câu Chuyện Bà Hàng Xóm.  Bước thứ ba này là tôi đến với bà hàng xóm.  Nếu tôi không đi được bước một và hai thì tôi chỉ đến với bà hàng xóm với một đống lý lẽ, và nếu nói lý nói lẽ thì bà hàng xóm cũng có cái lý nào đó của bà: “Cái mũi của cô tẹt thì tôi nói mũi cô tẹt, anh lùn thì tôi nói anh lùn, bác hói đầu thì tôi nói bác hói đầu, tôi đâu có nói gian, tôi nói ‘sự thật’ mà!”  Đến với một đống lý lẽ chưa chắc tôi đã thắng được cuộc tranh cãi, mà có thắng được cuộc cãi vã thì tôi lời lộc được gì, còn nếu thua cuộc đấu khẩu thì còn thảm bại hơn nữa.  Nếu tôi đi được bước một là nhìn lại mối tương quan giữa tôi với Chúa, và bước được sang bước hai và nhìn bằng ánh mắt tâm hồn để thấy và hiểu tâm hồn bà hàng xóm, cùng cảm thông và cầu nguyện cho bà, thì tôi hãy đi bước thứ ba này, là tôi đến với bà hàng xóm khó ưa.

Tục ngữ Việt Nam ta có câu, miếng trầu làm đầu câu chuyện, đi qua nhà hàng xóm nhờ vả miếng trầu, xin miếng nước trà đâu phải là chuyện trầu chuyện trà, mà là có dịp có cớ để đến với nhau.  Đức Giêsu cũng đã đến với con người qua cách này, Ngài đã nhờ vả: “Chị cho tôi xin chút nước uống!” (Ga 4:7), Ngài xin nước uống chẳng qua là để bắt đầu câu chuyện để rồi chính Ngài là Đấng ban phát.  Muốn nói câu nhờ vả này thì Ngài phải hạ xuống nhiều bậc lắm.  Thứ nhất, là Thiên Chúa mà lại đi hạ mình xin xỏ loài người; thứ hai, là người Do-thái mà lại xin người Samaria; thứ ba, là người nam mà lại xin người nữ, khi văn hóa thời bấy giờ không cho phép; thứ tư, là người công chính mà lại xin người tội lỗi; thứ năm, là người có nước hằng sống mà lại đi nhờ vả thứ nước mau qua.  Là Thiên Chúa mà còn hạ đến thế, huống hồ là tôi.  Nếu tôi không đủ bản lãnh để hạ năm bậc như Đức Giêsu thì thôi tôi chỉ cần hạ xuống một bậc cũng là được rồi.  Tôi hạ mình đến với bà hàng xóm khó chịu với một lời xin. Một lời xin xỏ chẳng qua là để câu chuyện được đi xa hơn trong tình Chúa tình con, và nối lại mối tương quan giữa con người với nhau.  Ngài đã thành công qua sự hạ mình đến với người tội lỗi, và Ngài cũng tin tưởng trao cho mỗi người Kitô hữu trọng trách này.

Chị ơi, hôm qua chị vô tình nói một câu buâng quơ nhưng em bị tổn thương và hôm qua em nghĩ xấu về chị, nên hôm nay em đến xin lỗi chị và xin chị tha thứ cho em.”  Đến mà xin lỗi thì bà hàng xóm khó mà gây sự được.  Nếu tôi nói bà cố tình nói lời như vậy thì chắc bà sẽ thủ thế để dùng một đống lý luận để chống đỡ và bào chữa liền, chỉ có cách là tôi phải hạ mình lân la đến và làm như tất cả là lỗi tại tôi mọi đàng (như tôi thường đấm ngực thình thịch khi đọc kinh cáo mình trong Thánh Lễ đấy mà!) và tôi đến xin lỗi thì mới có cơ may bắt đầu được câu chuyện tình yêu và nối lại mối tương quan với anh chị em.  Khi câu chuyện đã mặn mà, ấm áp rồi, không chừng những vấn nạn, khúc mắc trong tôi cũng như trong tâm hồn bà hàng xóm được giải tỏa, hay là khi chuyện trò đã vui vẻ rồi thì chia sẻ nỗi tổn thương của tôi.  Mục đích chính ở đây là tôi đi gặp gỡ Thiên Chúa của tôi và của bà đó, để trao ban bình an của Chúa cho nhau, và tha thứ cho nhau.

Tôi thấy một Thiên Chúa đang tê liệt trong tâm hồn bà nên tôi muốn đến với bà.  Tôi đến vì yêu, yêu Chúa và yêu như Chúa, yêu con người.  Nếu nói yêu Chúa mà không yêu người thì chẳng qua là lời nói trên môi trên miệng mà thôi, khi yêu thì tự nó phải tuôn trào ra, và càng tuôn trào ra thì tình yêu đó mới có sức sống và trở nên sung mãn.  Chẳng ai chịu yêu thầm rồi đi ngủ cả, khi yêu thì tìm đủ cách để đến gần nhau hơn, như Thiên Chúa đến với con người, như những câu chuyện “trồng cây ‘si’ trước sân nhà tôi” mà ta vẫn thường nghe.

Cách xử sự của con người nói chung, đặc biệt người Việt Nam nói riêng, thì xử sự có tình có lý, mà lúc nào cái tình cũng đi trước cái lý.  Khi đã không có cái tình rồi thì có lý bao nhiêu cũng không đủ, vì bên nào cũng có cái lý của bên ấy.  Đến với nhau bằng cái tình thì êm ái, nhẹ nhàng, và dễ mở lòng đón nhận.  Khi mến nhau rồi thì chuyện gì cũng xong, ca dao ta thường nói: “Yêu nhau trái ấu cũng tròn,” còn ghét nhau thì “trái bồ hòn cũng méo.”

Lúc tôi mở lòng đến, nhưng không chắc lúc đó bà hàng xóm đang mở lòng.  Cho nên khi tôi đến với bà hàng xóm thì tôi cần hiểu rằng không phải lúc nào tôi cũng mở lòng, và bà hàng xóm cũng vậy thôi, nên phải chờ đợi và chọn cho đúng lúc đúng chỗ, nhưng nói chung nếu tôi đến với tâm tình tự hạ mình xin lỗi thì dễ giúp người khác mở lòng đón nhận.

Một điểm gợi ý để anh chị em chúng ta cùng suy tư là tôi phải đến hay tôi muốn đến?  Phải thì có nhiều yếu tố của lề luật và lý trí và nhiều khi chỉ là miễn cưỡng, còn muốn thì phản ánh lên tâm tình của trái tim nhiều rung cảm.  Nếu chỉ sử dụng Phải thì dễ thiên quá nhiều lý trí, mà nếu chỉ dùng Muốn mà thôi thì nhiều lúc chỉ làm vì nổi hứng.  Phải chăng còn cần kết hợp cả hai món quà Thiên Chúa ban tặng là lý trí và cảm xúc để hiểu tôi, hiểu người và hiểu Chúa?

***************************

Lạy Chúa, Chúa đã tin tưởng trao ban cho chúng con một sứ mạng cao cả là thay quyền Chúa để trao ban tình thương và bình an cho anh chị em chung quanh chúng con, xin cho chúng con Tình Yêu và Khôn Ngoan của Chúa để chúng con biết cư xử với nhau như lòng Chúa mong muốn.  Xin Chúa tiếp tục ban Thần Khí Ngài trên mỗi anh chị em chúng con để chúng con đem Lời Chúa Giêsu truyền dạy cho chúng con ra thực hành: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy yêu thương anh em” (Ga 15:12), Amen!

Giuse Ngô Văn Chữ, S.J.
May 2, 2009

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *