NHỮNG CHỖ NGỒI DANH DỰ

Một lần nọ, ông thị trưởng của một thành phố mời tất cả dân chúng của thành phố đến dự tiệc.  Trong số những người đến dự, có một người rất lỗi lạc có tên là Daniel.  Ông Daniel là một học giả lớn và là một người khôn ngoan.  Dĩ nhiên, ông rất khiêm nhường và không thích được tôn vinh khi ông đến, dĩ nhiên ông thị trưởng mời ông ngồi ở đầu bàn.  Ông Daniel cám ơn ông thị trưởng và nói rằng ông thích ngồi ở giữa những người nghèo ở cái bàn gần cửa nhất.  Và ông đã làm như thế.

Khi những người khách mời danh giá khác đến, ông thị trưởng mời họ ngồi bất cứ nơi nào họ thích.  Dĩ nhiên họ đã chọn ngồi ở bàn đầu.  Phòng tiệc đã đầy ắp và tình cờ chỗ duy nhất còn lại ở bàn cuối. Thế mà vào phút chót con người danh giá ấy đến.  Ông thị trưởng không có chọn lựa nào khác hơn là dẫn ông này đến chỗ trống.

“Nhưng đây là chỗ ở bàn cuối” người khách phản đối,

“Không, đây là chỗ bàn đầu”, ông thị trưởng đáp.

“Tôi không hiểu” người khách nói.

“Nơi nào có ông Daniel ngồi thì chỗ ấy là bàn đầu”.  Ông thị trưởng đáp.

**********************************************

Bài học luân lý của câu chuyện: không phải chỗ ngồi làm vinh dự cho người khách, nhưng người khách làm vinh dự cho chỗ ngồi.  Chúng ta không biết Chúa Giêsu ngồi ở chỗ nào trong suốt bữa ăn, nhưng dù Người ở nơi nào thì nơi ấy là một chỗ vinh dự.

Bữa tiệc là một biểu tượng của Nước Trời.  Chúng ta không nên quan tâm đến việc tìm kiếm chỗ ngồi vinh dự trong Vương Quốc.  Chúng ta hãy coi việc mọi người chúng ta đều được mời là một đặc ân. Dù trong tình huống nào, mọi chỗ trong Vương Quốc đều là một chỗ danh dự.

Đức Giêsu được mời đến nhà của một người lãnh đạo nhóm Pharisêu để dùng bữa.  Khi Người đến, Người cảm thấy những người Pharisêu dò xét Người.  Vì thế Người quyết định dò xét lại họ đôi chút. Cảnh quan mà đôi mắt Người bắt gặp không có tính cách xây dựng.  Những người Pharisêu là những người rất mộ đạo, và tự coi mình là những người gương mẫu.  Tuy nhiên, ở đây họ tranh giành những chỗ ngồi danh dự, điều đó chỉ chứng tỏ thực ra họ rất tự mãn, phù phiếm và ích kỷ.  Họ không ở đó để làm vinh dự cho chủ nhà nhưng để làm vinh dự cho chính họ.  Không có đời sống tâm linh chân thật nếu không có sự khiêm nhường.  Đức Giêsu nói “Ai hạ mình xuống sẽ được nâng cao”.

Khi chúng ta bước vào một ngôi nhà thờ lớn, lập tức chúng ta cảm thấy phải khiêm cung.  Chúng ta cảm thấy mình nhỏ bé và vô nghĩa.  Chúng ta nhận thấy mình lệ thuộc vào những điều tầm thường giả tạo.  Nhưng một cách lạ lùng, chúng ta cũng được nâng cao.  Bởi lẽ khi chúng ta hạ mình xuống và buông bỏ những sự vật đã cho chúng ta một cảm thức giả tạo về tầm quan trọng và cao siêu của mình, khiến chúng ta cách biệt với những người khác, lúc đó chúng ta thấy mình được nâng cao.  Chúng ta bắt đầu nhận thức sự cao cả thật của chúng ta không ở trong chính mình, mà ở trong sự kiện chúng ta là con cái của Thiên Chúa.

Mỗi Chúa Nhật, chúng ta được mời đến dự tiệc – bữa tiệc Thánh Thể.  Ở đây Đức Giêsu là chủ, còn chúng ta là khách của Người. Ở đây không có những chỗ ngồi đặc biệt – bạn có thể ngồi vào chỗ nào mà bạn muốn.  Ở đây đặc quyền, địa vị, tầng lớp không còn ý nghĩa gì.  Sự khác nhau không đáng kể. Đó là vì trước mặt Thiên Chúa tất cả chúng ta đều bình đẳng.

Không phải vì chúng ta đã bị hoá đồng mẫu số.  Đúng hơn vì tất cả chúng ta đều được nâng cao. Chúng ta giống những người đang ở trên đỉnh núi.  Trên đỉnh núi mà nói chỗ đầu, chỗ cuối hoặc chỗ cao hơn, chỗ thấp hơn thì thật là ngớ ngẩn.  Điều đó cũng được áp dụng cho ngôi nhà của Thiên Chúa. Ở đây, mọi chỗ đều là chỗ danh dự.  Bước vào đây làm cho mọi người được bình đẳng.  Khi chúng ta bước qua ngưỡng cửa này, mọi đặc quyền bay đi như làn khói, và tất cả chúng ta đều trở nên khiêm hạ nhưng cũng được nâng cao lên. T rước hết, chúng ta phải hạ mình xuống để được tôn lên.  Sau đó chúng ta phải mang theo tinh thần này vào đời sống với chúng ta.

McCarthy

****************************************

Chỉ mong tôi chẳng còn gì,
Nhờ thế gọi được Người là tất cả của tôi

Chỉ mong ý muốn trong tôi chẳng là gì,
Nhờ thế cảm thấy Người ở mọi chốn, mọi nơi,
đến với Người trong mọi thứ, mọi điều
và dâng Người tình tôi lúc nào cũng được.

Chỉ mong tôi chẳng còn gì,
Nhờ thế không bao giờ tôi lẩn tránh được Người!

Chỉ mong ràng buộc trong tôi chẳng còn gì,
Nhờ thế trói được thân mình vào ý Người muốn,
Nhờ thế thực hiện ý Người trong suốt đời tôi
Ý ấy là tình yêu Người ràng buộc thân tôi.

R.Tagore

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *