Người Công giáo Việt Nam, đặc biệt nơi các thành phố công nghiệp, dần dần Mùa chay chỉ tồn tại ít phút vắn vỏi khi tham dự Thánh Lễ ở nhà thờ. Việc mưu sinh, học tập, giải trí… hầu như chiếm gần hết thời gian, tâm trí và sức lực của họ. Vì thế, Mùa chay không còn vị thế đúng mực trong đời sống thường nhật của chúng ta. Chẳng trách chi, người vô thần thường dùng cụm từ “tốt đời – đẹp đạo” dành cho Kitô hữu, đúng ra ta phải sống “tốt đạo – đẹp đời”. Một ít suy tư muốn được gửi gắm qua bài viết này, mong lượm lặt lại vài hình ảnh sống đạo Mùa Chay thuở nào, nay đang dần rơi vào quên lãng.
“Hôm nay thứ Sáu nha tụi con nhớ mà kiêng thịt đấy!”. Tôi nhớ như in lời của mẹ từng dạy tôi khi còn bé. Việc kiêng thịt ngày thứ Sáu, đối với vài Giáo phận, chẳng hạn Giáo phận Bà Rịa là luật buộc! Hơn nữa, điều luật thứ sáu “trong Sáu điều răn Hội Thánh” dạy rằng: “Kiêng thịt ngày thứ Sáu cùng những ngày khác Hội Thánh dạy”. Tuy nhiên, với nhu cầu mục vụ, Giám mục các địa phận qui định cụ thể việc “buộc” và “nới” cho vấn đề này. Với Giáo phận Sài Gòn, nơi tập trung nhiều giáo dân, giáo sĩ từ nhiều Giáo phận của cả nước, luật “kiêng thịt ngày thứ Sáu” trở thành “luật tự do” để chọn. HĐGM Việt Nam cho phép việc kiêng thịt ngày thứ Sáu có thể được thay thế bằng việc đọc và suy gẫm một đoạn Lời Chúa hoặc làm một việc bố thí nào đó! Giáo hội địa phương rất cảm thông với con cái mình vì nhiều hoàn cảnh khách quan. Dẫu vậy, một số người Kitô hữu vẫn… làm ngơ ngay cả những hành động thay thế. Tôi nhớ lại vài dữ kiện Kinh Thánh, trước tiên, “Luật” trong Kitô giáo không cứng ngắc. Nghĩa là “Anh em hãy nói năng và hành động như những người sẽ bị xét xử theo luật tự do” (Gc 2,12). Mặt khác, nhờ tin vào Đức Kitô mà ta nên công chính, chứ không phải vì chuyện giữ luật: “Vậy thưa anh em, xin biết cho điều này: Chính nhờ Đấng ấy (Đức Giêsu – tác giả bài viết chú thích) mà ơn tha tội được loan báo cho anh em; và trong khi anh em không thể được giải thoát khỏi tội lỗi mà trở nên công chính nhờ tuân giữ luật Môsê, thì nhờ Người, mọi kẻ tin đều được nên công chính” (Cv 13, 38-39). Nói như thế, có phải là Lời Chúa dạy các tín hữu chỉ cần tin vào Thiên Chúa mà không cần giữ luật không? Thưa không! Niềm tin vào Thiên Chúa đòi hỏi phải có hành động cụ thể: “như một thân xác không hơi thở là một xác chết, thì đức tin không hành động là đức tin chết” (Gc 2,26). Tôi tin có Thiên Chúa và tôi muốn thông phần vào sự sống của Người. Do vậy, tôi phải hành động cho người khác thấy niềm tin của tôi. Như Đức Giêsu, xưa trong hoang địa ăn chay bốn mươi đêm ngày, tôi cũng phải nỗ lực hết sức để chu toàn trách nhiệm của tôi vì lòng yêu mến Thiên Chúa và Hội Thánh của Người.
Trong Mùa chay, Giáo hội khuyến khích ta nên hành động cụ thể trong một số công việc để giúp ta “hãm mình – ép xác” và giữ chay lòng. Cụ thể là dịp bố thí. Vì thế, rất nên “kiêng” một số cuộc vui, cuộc “họp mặt” bầu bạn nhằm lai rai để tâm tình hay để giải sầu, xả stress… để hiệp thông với Giáo Hội trong việc sống Mùa Chay thánh này. Khi “kiêng” vài cuộc vui như thế, chúng ta sẽ tiết kiệm được một số tiền dành cho việc bỏ thau Nhà thờ, bố thí người nghèo. Một số tu viện “hiệp thông” trong công việc này bằng cách nhịn món tráng miệng trong các bữa ăn (chủ yếu là chuối), để cố dư ra một số tiền (dù ít ỏi) để gửi tặng anh chị nghèo khổ, neo đơn. “Của ít lòng nhiều” mà! Tôi nhớ lại Lời Chúa đã dạy: “cho thì có phúc hơn là nhận” (Cv 20,35).
Việc hy sinh, hãm mình, bố thí… được khuyến khích thực hiện trong suốt Mùa chay. Nhưng nếu chỉ làm hai chuyện này mà thôi, thì e là chưa đủ! Việc không thể thiếu trong Mùa Chay là “cầu nguyện”. Những hành động dễ thương như ngả nón, nghiêng mình của ông bà ta khi đi ngang qua Nhà thờ hình như đã mất hút đâu rồi trong thời đại ngày nay. Bởi lẽ, ngày nay, người ta “tân tiến” quá nên đã cùng với những chiếc xe gắn máy đời mới vồn vã đạp số rú ga bay vèo qua Nhà Chúa mà không thấy chút gì vấn vương trong tâm hồn! Một gợi ý nho nhỏ tôi xin mạo muội mời gọi mọi người cùng tham gia trong những ngày Mùa chay này. Dĩ nhiên không phải là chuyện gỡ bỏ “nón cối cồng kềnh, nặng trịch” ra khỏi đầu, cho bằng một câu nói nhỏ “Lạy Chúa Giêsu, con thờ lạy Chúa” khi ngang qua Nhà thờ. Chúa sống cùng tôi. Và tôi diễn tả niềm tin của mình và chủ tâm chào Chúa Giêsu đang hiện diện cách đặc biệt nơi Bí tích Thánh Thể.
Còn nhiều lắm những hành vi đạo đức rất nên áp dụng nơi cuộc sống trong những ngày Mùa Chay này. Tôi cần tìm một người bạn đồng hành để cùng tôi lượm lặt những “nét đẹp truyền thống” trong Giáo Hội vốn đang bị mai một đi bởi tinh thần thế gian, rồi cùng nhau áp dụng chúng trong Mùa chay này. Bạn sẵn lòng chứ?
LG. Hùng Sơn
Lg.hungson@gmail.com