LỆNH TRUY NÃ

zzTrên một bức tường cao ốc tại thành phố Francisco, tiểu bang California, Hoa Kỳ, có dán một thông báo khổ lớn với những dòng chữ sau:

Công lực có bổn phận truy nã thủ phạm trọng tôi Giêsu Nagiaret, bí danh Messia, tức là Kitô.  Theo chứng minh nhân dân, phạm nhân mang quốc tịch Do Thái, sinh tại Bêlem, thuộc chi tộc Giuđa, hậu duệ Đavit.  Mẹ y là Maria, không đề tên cha, chỉ đề bố nuôi là Giuse-Nagiaret, miền Galilê.  Nghề nghiệp thợ mộc, lao động đủ sống, chưa lập gia đình.

Tội trạng: Sau vụ phép rửa sám hối của ông Gioan Tẩy Giả, tên Giêsu bỏ xưởng mộc, ngưng sản xuất, đi lang thang, kể như vô gia cư, vô nghề nghiệp.  Y tự ý kết nạp một số thanh niên đủ giai cấp trong xã hội: Dân chài lưới, bọn thu thuế, nông dân mộc mạc, kéo nhau đi rao truyền một thứ Nước Trời nào đó sắp tới, làm náo động dân thị hiếu nhiều nơi, làm cho nhân dân bỏ công việc làm ăn.  Đó là tội gây rối trật tự trị an…

Thưa anh chị em,

Đây là câu chuyện giả sử của một nhóm khá đông thanh niên nam nữ Hoa Kỳ muốn lôi kéo sự chú ý của dân chúng đến một con người lịch sử lạ kỳ của Đức Giêsu, Đấng Thiên Sai, đã xuất hiện trên địa cầu cách đây 20 thế kỷ.  Nhưng cho đến nay, người ta vẫn ái mộ hoặc đả kích kịch liệt con người ấy và xem như ông vẫn ám ảnh nhiều người dài dài…

Vào lúc sinh thời tại Palestine, Ngài cũng đã gây một dư luận quần chúng khác nhau chung quanh Ngài.  Theo Tin Mừng Thánh Luca kể lại, trong dân chúng, người thì nói: “Ông ấy là Gioan Tẩy Giả”; kẻ khác lại nói: “Ông ấy là tiên tri Êlia hay một tiên tri nào khác…”  Chúa Giêsu cũng đã nghe biết những dư luận hàm hồ nầy.  Và có lần Ngài hỏi các môn đệ, những người đã từng sống bên Ngài từ vài năm nay. Ngài đặt câu hỏi: “Dư luận nghĩ Thầy như thế, còn anh em, anh em nghĩ Thầy là ai?”  Các môn đệ im lặng.  Câu hỏi nầy mới khó trả lời, vì đây không còn nói đến những gì các ông nghe biết nữa, nhưng là nói đến điều các ông tin.  Các ông tin Thầy của mình là ai?  Và niềm tin nầy sẽ thiết lập mối liên hệ của các môn đệ với Chúa Giêsu.  Ai cảm thấy mình chắc chắn để trả lời đây?  Các ông không nói: “Chúng con cũng nghĩ như dân chúng: Thầy là Gioan Tẩy Giả, là Êlia, là một tiên tri…”  Sự im lặng của các ông có thể muốn nói rằng: “chúng con nghĩ rằng Thầy còn hơn một tiên tri nữa…”  Nhưng ai dám nói điều đó?

Chính là Phêrô: “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa.”  Phêrô trả lời như một người Do Thái có thể trả lời.  Dân Israel đang mong chờ Đấng Thiên Sai Cứu Thế.  Nhưng điều đáng chú ý và thật là quá sức để nói: “Chúng con tin Thầy là Đấng Thiên Sai Cứu Thế.”  Thế mà Phêrô dám nói lên điều đó và không ai trong nhóm các ông nói ngược lại.  Phêrô nói thay lời anh em.  Chúa Giêsu nói với Phêrô: đức tin của ông thật đúng lúc.  Chắc hẳn trong đời Phêrô có những lần ông bị trách là nghi ngờ, là tự cao tự đại, là kém lòng tin.  Đó là những giây phút ông không tin tưởng đủ.  Nhưng ở đây, ngay bây giờ thì đức tin của ông thật chính xác và mạnh mẽ.

Còn chúng ta, khi nói về đức tin của mình, chúng ta có chắc chắn được rằng đức tin đó còn trong chúng ta không?  Chúa Giêsu có chấp nhận đức tin của chúng ta như đã chấp nhận đức tin của Phêrô không?  Nói cách khác, nếu Chúa Kitô đến giữa chúng ta, chúng ta có nhận được Ngài như Ngài muốn không?  Nơi nào trên thế giới nầy có cái may mắn nhất để tiếp nhận Ngài? – Ở Rôma, trung tâm của Giáo Hội hay ở các đền thờ hành hương? – Không, ngay trong lòng chúng ta và nơi những người khác, Chúa chờ chúng ta ở đó.  Tôi muốn nói, nếu Đức Kitô trở lại giữa chúng ta, Ngài không làm gì khác như trước đây 2000 năm Ngài đã làm: Ngài sẽ ở giữa chúng ta, với những người nghèo khổ nhất trong chúng ta.  Ngài sẽ ở giữa những gia đình như gia đình Nagiaret của Ngài ngày xưa, và ai muốn gặp Ngài thì trước hết phải tìm Ngài nơi Ngài đang ở, có nghĩa là nơi những người nghèo khó.

“Anh em bảo Thầy là ai?”

Nếu Chúa Kitô trở lại, con người ngày nay phải trả lời cho Ngài thế nào? – Tôi đã được nghe nhiều người nói thế nầy:

–  Ngài là Chúa, con kính mến Chúa trên hết mọi sự. Chúa bảo gì con cũng làm hết, nhưng với những thù địch thì con không thể nào yêu thương được, con chịu thôi!

–  Hoặc là: Ngài là lý tưởng của con, của tất cả mọi người. Nhưng lý tưởng của Ngài sáng chói quá, khó quá, ai mà sống được như Ngài!

–  Hoặc nữa: Ngài là người đã đặt ra những luật lệ hay nhất, chính đáng nhất, nhưng làm sao chúng con giữ được, nhất là sống thời buổi kinh tế thị trường nầy?…

Thưa anh chị em,

Những lời tuyên xưng đó chỉ là một cách thức chối từ Chúa Kitô và đời sống của Ngài.  Đó không phải là câu trả lời của những người đang thực sự sống đức tin của mình.  Sống đức tin là gì?  Chính là họa lại đời sống của Chúa Kitô nơi cuộc sống của mỗi người chúng ta.  Trả lời câu hỏi của Chúa Giêsu: “Thầy là ai” là để cố gắng sống theo những gì mình đã xác tín và tuyên xưng về Chúa Kitô, chứ không phải trả lời xong để rồi cố thủ với con người, với ích kỷ, lười biếng của mình.  Và một khi đã xác tín và tuyên xưng: “Ngài là Đức Kitô”, thì phải trung thành dấn thân theo Ngài cho đến cái chết treo trên thập giá.  Chết trên thập giá như Chúa Giêsu thì rất hiếm, nhưng mọi Kitô hữu đều phải vác thập giá mỗi ngày trong đời sống và phải sẵn sàng bước lên thập giá đó.  Điều đó có ý nghĩa cụ thể là người ta không thể là môn đệ của Đấng bị đóng đinh thập giá, nếu không chấp nhận như Thầy của chúng ta, trở thành tôi tớ của anh em trong cuộc sống hằng ngày, như Thầy đã làm.

Trích từ “Niềm Vui Chia Sẻ”

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *