Trở ngại lớn nhất để yêu mến Chúa là tính kiêu căng. Vì kiêu căng là thèm muốn cho mình được trổi vượt một cách quá đáng; trong khi đó Đức Ái lại khiến ta xem Chúa là đối tượng tối thượng cho mọi cố gắng của ta. Đang khi kiêu căng khiến ta co cụm lại với chính mình, thì Đức Ái lại gắn bó trí tuệ ta, trái tim ta, và ý chí ta với Chúa. Vì trực tiếp chống lại điều răn thứ nhất, nên tính kiêu căng là tội lớn nhất trong tất cả mọi thứ tội.
Kiêu căng là nguyên nhân căn bản của khuynh hướng biến cái tôi của mình, chứ không phải là Chúa Ki tô, thành trung tâm đời sống mình. Vì thế, Chúa đòi hỏi chúng ta phải từ bỏ mình như là dặc điểm đầu tiên của những kẻ theo Ngài. Theo một nghĩa nào đó, sự hãm mình duy nhất mà chúng ta cần thực hiện là từ bỏ chính mình, vì cái tôi cá nhân đi ngược lại lề luật và tình yêu dành cho Chúa. Không gì phá hoại đời sống Chúa Kitô ở trong ta bằng tính kiêu căng.
Tính kiêu căng – một thứ tà giáo
Tính kiêu căng đúng là một thứ tà giáo, vì nó lấy chính bản thân mình làm thần tượng thay vào chỗ chỉ dành cho Chúa. Đó là sự tôn thờ quá đáng cái tôi của mình, vì nó coi cái tôi của mình như nguyên nhân đầu tiên và cũng như mục đích cuối cùng. Nó thúc đẩy ta tìm cách khoe những điều tốt của mình ra, đồng thời giấu kín những khiếm khuyết hay thất bại của mình. Nó cũng có thể xúi giục ta tìm cách hạ kẻ khác xuống vì sợ rằng họ sẽ làm giảm sự trổi vượt mà ta tưởng rằng mình đang có.
Nó làm ta đóng tai lại trước những lời phê bình, và đề nghị khách quan của người khác, nhưng lại thích lắng tai nghe những lời tán tụng mà nó hằng tìm kiếm. Nó khiến ta nhắm mắt lại không thấy được những nhân đức hay tài năng của người khác đang khi tất cả mọi người đều trông thấy rành rành và thán phục, nhưng nó lại khiến ta chú ý những khuyết điểm hay thất bại dù nhỏ nhất của họ. Bi đát hơn là nó khiến ta sống vì mình, chứ không phải vì Chúa. Đấy đúng là một sự tôn thờ bản thân một cách sai lầm!
Tính kiêu căng biến ta thành người vong ân
Tính kiêu căng cũng biến chúng ta thành những kẻ vong ân. Tại sao thế? Vì cứ sợ rằng người khác sẽ không công nhận những thành công hay do tài năng và đức độ của mình. Nên chúng ta cảm thấy rất miễn cưỡng khi phải công nhận sự thành công đó là nhờ Chúa. Thật ra, tất cả mọi sự tốt đẹp chúng ta có được đều xuất phát từ Thiên Chúa, chỉ có một điều duy nhất trong đời sống chúng ta mà Chúa không nhúng tay vào, đó là tội lỗi của chúng ta. Ngoài tội lỗi ra, thì có thứ gì khác chúng ta có được mà không nhận từ bàn tay Thiên Chúa không? Tính kiêu căng dường như làm ta không nhận ra chân lý cơ bản này.
Tính kiêu căng tạo ra một tế bào ung thư trong Nhiệm Thể Chúa Kitô. Tế bào ung thư là tế bào hoạt động theo đường lối riêng của nó, nó từ chối không làm việc chung với những tế bào lành mạnh của thân thể. Tính kiêu căng của bất kỳ ai đều giống như bệnh ung thư luôn luôn gây tai hại cho sự sống của Nhiệm Thể Chúa Kitô, cản trở sự lưu thông của sự sống và tình yêu của Chúa Kitô là Đầu đến với các Chi Thể.
Tính kiêu căng ăn trộm vinh quang của thiên chúa
Cuối cùng, tính kiêu căng biến ta thành kẻ trộm, vì nó ăn trộm vinh quang vốn chỉ thuộc về một mình Thiên Chúa mà thôi. Theo sự an bài của Chúa Quan Phòng, mọi sự mọi việc trong đời sống chúng ta cuối cùng đều nhắm đến làm vinh danh Thiên Chúa. Nhưng người kiêu căng lại dùng mọi cố gắng, tài năng để xây một giáo đường tôn thờ sự trổi vượt của mình. Do đó, họ là kẻ ăn cắp quyền lực, sự khôn ngoan và tình yêu của Thiên Chúa.
Hậu quả đáng buồn nhất của tính kiêu căng là sự tự phụ khiến cho người kiêu căng tự cho mình là rất quan trọng, quan trọng đến nỗi Chúa không thể loại họ ra khỏi nhãn quan của Ngài. Họ nghĩ rằng họ có thể cứu vớt linh hồn mình mà không cần phải thực sự từ bỏ chính mình, và có thể lên được thiên đàng mà không cần có đức trông cậy đích thực. Họ quên rằng họ phải đặt Chúa trong trái tim họ trước khi trái tim họ được lên đến Cõi Trời.
Chúa chống lại người kiêu căng thì có gì đáng ngạc nhiên không? Chúa không thể giúp người kiêu căng vì họ ở ngoài tầm giúp đỡ của Chúa. Chúa sẽ giúp họ chừng nào họ nhận ra hay cảm thấy họ cần Ngài. Họ bắt đầu trở lại với Chúa khi nào họ thành khẩn cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin thương xót con, vì con là kẻ tội lỗi”. Chúng ta cũng phải cầu nguyện như vậy!
Trích: Nên Thánh Trong Thời Đại Mới
Tác giả: Kilian Mc Gowan, C.P
Người dịch: LM JBM Trần Minh Cương