Tôi không nhớ mình đã in từ đâu một bài viết rất cảm động của một tác giả lấy tên là Lang Thang Chiều Tím. Tác giả bắt đầu bằng một lá thư điện tử của một người bạn sắp chết: “Ngày đầu của một năm mới, anh cầu chúc nhiều điều tốt đẹp đến với em. LTCT ơi, hôm nay anh đã tìm được sự bình an trong tâm hồn, một ngày thật là hạnh phúc đối với anh trong tình yêu Chúa. Cám ơn Chúa, cám ơn em! Chúa ơi, con không còn phiền muộn và đau khổ trong căn bịnh ung thư của con nữa. Lạy Chúa con vui vẻ yêu Chúa. Thân mến.”
Tôi nghẹn ngào đến rơi lệ… Có lẽ năm sau, tôi sẽ không còn có cơ hội để nhận thiệp chúc tết của anh nữa. Năm sau biết anh còn có cơ hội để tuyên xưng đức tin, tình yêu và niềm hạnh phúc của mình trong ngày đầu năm như thế này hay không?….
… Bác sĩ nói anh còn sáu tháng nữa, đã ba tháng trôi qua rồi và anh tiếp tục đếm từng tháng ngày đang vô tình trôi qua đời anh… Thế mà không những anh đã cảm nhận được tình yêu vô biên của Thiên Chúa, anh lại còn vui vẻ đáp trả lại tình yêu đó với một thân xác bịnh hoạn sắp đến hồi kết thúc. Thế mà anh vẫn tìm được sự bình an trong tâm hồn vào ngày Tết dương lịch cuối cùng của đời mình …
Không còn phiền muộn! Không còn khổ đau dù rằng căn bịnh vẫn trơ trơ ra đó. Tất cả chỉ còn lại sự bình an, một ngày đầu năm hạnh phúc, một niềm vui ngọt ngào trong tình yêu Thiên Chúa… Vết thương thể xác vẫn còn đó nhưng vết thương tâm hồn đã lành…
Còn sống ngày nào là còn có cơ hội sắp xếp chuẩn bị cho chuyến đi dài! Anh nói với tôi, anh đã dặn vợ khi anh chết nhớ chôn anh với cỗ tràng hạt và cuốn Kinh Thánh mà tôi tặng cho anh. Cỗ tràng hạt đó, chắc bây giờ đã bạc màu và mòn lắm rồi. Ngày tôi tặng anh cỗ tràng hạt Mân Côi, tôi không mua một cỗ tràng hạt mới để tặng anh nhưng tặng anh cỗ tràng hạt mà tôi đang sử dụng. Một cỗ Mân côi “có hồn” đã thấm bao giọt nước mắt ăn năn trong những ngày đầu tôi mới trở về với Chúa, tôi trao lại cho anh, xin Đức Mẹ dẫn dắt anh từng bước, từng bước đến với Chúa. Tôi biết tràng chuỗi Mân Côi đó giờ đây lại ướt đẫm những giọt nước mắt đau khổ của người chủ mới, được lần tới lần lui mỗi ngày với những lời kinh giờ đã nhuần nhuyễn. Cuốn Kinh Thánh ngày được cùng anh đi vào lòng đất, chắc cũng đã cũ mèm và xoắn góc dù rằng tôi tặng anh cuốn mới. Mỗi trang Kinh Thánh được lật qua là mỗi tâm tình được gói ghém trong đó, là những khúc mắc trăn trở, là những băn khoăn ưu tư không lời giải đáp…
Ngày ngày anh vẫn đến nhà thờ để tìm sự an ủi đỡ nâng, đến để tiếp tục nuôi dưỡng sự bình an trong tâm hồn mà anh đã tìm được trong ngày đầu năm. Đến có khi chỉ để ngồi thinh lặng một mình chiêm ngắm ông Giêsu bị treo trên cây thập giá. Và anh tìm thấy vài điểm tương đồng giữa anh và người tử tội Giêsu đó: cùng biết trước ngày giờ chết của mình, cùng sợ hãi trước cái chết đang từ từ tiến tới gần, cùng để lại một bà mẹ khóc con! “Lá vàng khóc lá xanh rơi!” Ôi, nếu mẹ có thể bịnh thay cho con! Nếu mẹ có thể chết thay cho con được sống! Anh hiểu thêm nỗi lòng của Mẹ Maria qua tâm trạng người mẹ ruột mình. Có lẽ những sự đồng điệu đó an ủi anh nhiều lắm. Anh trao cho tôi bốn câu thơ mà anh đã làm dưới chân thập giá Chúa Giêsu: “Con quỳ bên tượng Chúa, chắp hai tay nguyện cầu. Sao đời con đau khổ, một linh hồn bơ vơ!”
Suy niệm bài Tin Mừng lễ Hiển Dung hôm nay, tôi lại liên tưởng đến câu truyện đầy cảm động trên. Tôi thấy nhân vật trong câu truyện của Lang Thang Chiều Tím đang bừng lên một ánh sáng hiển dung trong suy nghĩ, trong tâm hồn, trong đức tin, trong tình mến thật rực rỡ và chói ngời. Một ánh sáng hiển dung bừng cháy giữa tăm tối của cuộc đời, tăm tối của tương lai, tăm tối của sức chịu đựng, chính là sức mạnh giúp can đảm sống thêm, đồng hành thêm cùng cuộc đời; lớn thêm một chút cho tương lai, dẫu tương lai ấy là bước vào vĩnh hằng; và can đảm trong sức chịu đựng mà sống cùng thánh giá Chúa Kitô.
Ngày xưa trên núi cao, khi Chúa biến đổi dung nhan rực rỡ, thì trong lòng của cuộc hiển dung ấy, chưa phải là những hạnh phúc, nhưng lại chất chứa sự thương đau vô cùng bởi những phản bội, bởi thái độ vô ơn của loài người, bởi nỗi ê chề của thập giá, của giờ tử nạn. Vì thế, khi mà các môn đệ Chúa Kitô đang chiêm ngưỡng vinh quang tuyệt vời của cuộc hiển dung, thì điều mà các ông nhìn thấy như chỉ là một ánh chớp thoáng qua, một báo hiệu trước của tương lai, một tương lai phải trả giá bằng nỗi đau thập giá.
Đường đi trước mắt của Chúa và của các môn đệ của Người còn dài, còn lắm gian truân, nhiều thử thách. Nó đang giăng mắc đầy những nghiệt ngã mà cả Thầy và trò phải đối diện.
Tuy nhiên, sứ mạng dù phải nếm trải những chịu đựng, có khi sự chịu đựng ấy còn vượt quá sức người, bởi sức người chỉ có ngần, có hạn, thì một ánh chớp sáng, nếu có thoáng qua, cũng có thể trở thành sức mạnh để lòng người bền bỉ hơn mà tin vào sự thắng vượt. Vì thế, ngay trước lúc bắt đầu bước vào những khó khăn ấy, ngay trước lúc mà mọi thương đau nhất trong đời lại cùng diễn ra một lúc, thì cuộc hiển dung vô cùng cần thiết. Nó hoàn toàn hợp lý và đúng lúc, để dù ai, dù sự việc nào, dù đau xót đến đâu, nhờ hội nhập vào cuộc hiển dung ấy, mới may ra, lòng người sẽ đủ sức mà làm cho “chân cứng đá mềm,” nhằm thách thức cùng sức chịu đựng.
Vì thế, cuộc hiển dung của Chúa Kitô, hơn bao giờ hết, trở thành ngọn đèn của hy vọng, thành cứu cánh của niềm tin, thành một lời động viên cho niềm an ủi mà các môn đệ của Chúa đang rất cần để chuẩn bị cho các ông tiến đến và nhập cuộc vào thánh giá Chúa.
Trong cuộc đời làm người, người tín hữu nói riêng, mọi người nói chung, rất cần những cuộc hiển dung như thế. Không có bất cứ ai hoàn toàn sống trên “nhung lụa.” Cuộc đời là một cuộc thử thách nối dài. Đau khổ là người bạn rất thân với ta, dù ta không hề mong muốn. Nhưng dù đau khổ đến mức độ nào, cuộc đời của mỗi cá nhân dù có bị vùi vập, bị nhận chìm đến đâu, bình minh của tương lai dẫu đã tắt, hoàng hôn dẫu là một tấm màn sắt vây kín thân phận, để có thể vượt lên chính mình, ta không có quyền đầu hàng số phận, không có quyền ngã lòng, càng không bao giờ được phép dập tắt niềm hy vọng, không bao giờ để lòng mình lạc mất niềm tin. Niềm hy vọng, niềm tin tưởng chính là cuộc hiển dung vĩ đại giữa những nốt nhạc trầm đầy thương đau của đời người.
Nhưng để thắp sáng cuộc hiển dung bằng lòng hy vọng, lòng tin cho mình, ta lấy nguồn từ đâu?
Cuộc hiển dung của Chúa Kitô mà các tông đồ hân hoan chứng kiến, và nhân vật bị bệnh ung thư trong câu chuyện của tác giả Lang Thang Chiều Tím cho ta câu trả lời, đó cũng chính là bài học kinh nghiệm sống của đời ta: Nguồn Ánh Sáng thắp lên cuộc hiển dung cho đời ta chính là Chúa Kitô.
Các tông đồ và nhiều môn đệ của Chúa Kitô là nhân chứng về cuộc đời của Chúa cách trung thành. Vì thế, tất cả những gì đã thấy, đã nghe làm cho các ông không bao giờ tắt niềm tin, niềm hy vọng. Nhất là từ sau khi Chúa trao Hội Thánh cho các ông, các ông đã miệt mài xây dựng với tất cả nhiệt huyết của mình. Các ông đã đạp trên mọi “đầu sóng, ngọn gió,” dù phải hiến dâng cả mạng sống, vẫn bất chấp tất cả. Chính niềm tin và sự cậy trông vào Chúa Kitô, chính trái tim vàng đá của một lòng yêu mến sắt son đặt nơi Chúa Kitô, trên hết mọi sự là niềm tin tưởng vào chính Người Thầy Giêsu của mình, đã làm cho các môn đệ nên “chân cứng đá mềm” đến như vậy. Các ông đã biết thắp lên cuộc hiển dung của Chúa giữa những tăm tối của cuộc đời mà các ông nếm trải.
Tương tự như thế, nhân vật của Lang Thang Chiều Tím đã khôn ngoan học lấy bài học của các môn đệ Chúa Kitô xưa, mà xây đắp cho mình cả một cuộc hiển dung rực sáng, khi anh biết đặt tất cả niềm tin, lòng trông cậy, sự tín thác của mình nơi Chúa Kitô. Đặt mình nơi bàn tay tình yêu diệu kỳ của Chúa, anh đã thắp lên, thắp sáng lên, sáng lắm cuộc hiển dung của Chúa trong tăm tối và đổ vỡ của đời anh.
Chúng ta hãy soi mình vào đó mà định hướng cho chính cuộc đời mình. Nến anh chị em của ta đã hiển dung trong Chúa, thì ta cũng có thể sống được tất cả những điều như thế. Điều quan trọng là ta có dám đặt Chúa làm Nguồn Sáng để ta hội nhập vào cuộc hiển dung của Người hay không mà thôi!
LM Vũ Xuân Hạnh