Hôm nay Lễ Phục Sinh, bài Tin Mừng của Thánh sử Gioan, chỉ có 9 câu ngắn ngủi, nhưng gói ghém thật cô đọng hành trình đi tìm Chúa Phục Sinh của ba người: Bà Maria Mácđala, ông Phêrô và Gioan, Người Môn Đệ Đức Giêsu Thương Mến.
Nẻo đường của ông Phêrô
Ông Phêrô sau khi chối Chúa ba lần trước khi gà gáy, đã kịp thời ăn năn khóc lóc thảm thiết, ngay khi gặp cái nhìn đầy yêu thương trìu mến và thương xót của Chúa Giêsu (Lc 22, 61). Ông vẫn theo Chúa xa xa. Vẫn nhận thức vai trò Đá Tảng mà Chúa Giêsu trao phó. Vẫn hăng hái và nhiệt thành. Nên nghe bà Mácđala báo tin ngôi mộ trống, bèn cùng ông Gioan, chạy đến ngay.
Sự mau mắn của ông biểu lộ lòng chân thành và tinh thần trách nhiệm cao độ. Ông vẫn hăng hái hành động, như từng rút kiếm, tấn công quân dữ đến bắt Chúa Giêsu, nhưng lóng ngóng, chỉ dám chém đứt tai người đầy tớ của thượng tế. Đáng tiếc thay, ông Phêrô đã mất thói quen cầu nguyện, nên thay thế vào đó cách xử dụng hung bạo, làm mất cơ trí đi, và lòng nhiệt thành của ông trở thành một thứ hăng say trái mùa. (ĐGM Fulton Sheen)
Thậm chí, sau khi đã được Chúa Giêsu hiện ra an ủi, chúc bình an, thổi hơi, ban Đức Chúa Thánh Thần, ông vẫn chưa mấy biến chuyển. Vẫn vô tư rủ bạn chài đi đánh cá. Nhọc nhằn thâu đêm chẳng được gì, thì tảng sáng Chúa hiện đến, chỉ các ông thả lưới bên phải mạn thuyền. Tức thời trúng thật đậm. Người Môn Đệ Được Chúa Thương Mến mới nhắc ông: “Chúa đó!” (Ga, 21, 7) Ông Phêrô chỉ biến đổi hoàn toàn, sau ngày lễ Ngũ Tuần, sau khi đã được tràn đầy hồng ân Đức Chúa Thánh Thần.
Hành trình tìm Chúa Phục Sinh thật gian nan với ông Phêrô, tuy ông cũng được thấy Chúa hiện ra, nhưng đúng hơn là Chúa chủ động tìm đến với ông, thay vì ngược lại. Những tấm khăn liệm, băng vải, khăn che đầu đã che khuất tầm nhìn của ông, những hoạt động hăng say quá bận rộn bên ngoài, đã khuấy động tâm hồn ông, vốn rất ngay lành, đâm ra u mê, tăm tối.
Như thế, nếu tôi cũng chỉ nhiệt thành giữ đạo theo thói quen, chỉ hành động xuông như tập quán, kinh sách đọc rổn rảng, vô hồi kỳ trận, mà thiếu mất tâm tình cầu nguyện sốt sắng, mật thiết, và còn thiếu lòng ăn năn thống hối như Phêrô, thiếu ý chí và cố gắng nên tốt lành hơn. Bởi vì những thứ trên chỉ là phương tiện giúp nên thánh, mà phải có ý chí sửa đổi thì ân sủng Chúa mới hoạt động, ân sủng Chúa chỉ sinh hoa trái, khi có sự hợp tác của linh hồn mà thôi. Hơn nữa, tôi còn thiếu cả Thánh Thể, Của Ăn Đi Đàng, lẫn thiếu Lời Chúa dẫn dắt, làm sao tìm và gặp được Chúa Sống Lại trong tôi?
Nẻo đường của ông Gioan
Người Môn Đệ Được Chúa Thương Mến trái lại, trẻ trung, mạnh khỏe, nhanh nhẹn, chạy đến ngôi mộ trống trước ông Phêrô. Ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó, nhưng không vào (Ga 20, 5). Ông Gioan được cho là chàng thanh niên đã bỏ chạy khi Chúa Giêsu bị bắt (Mc 14, 51). Nhưng sau đó, vẫn can đảm theo Chúa vào dinh cựu thượng tế Khanan, rồi còn giúp đỡ ông Phêrô lọt vào bên trong (Ga 18, 16). Cho đến khi Chúa Giêsu chịu đóng đinh, ông Gioan cũng đứng dưới chân thánh giá cùng với Đức Mẹ Maria, bà Maria vợ ông Cơlopat, và bà Maria Mácđala.
Tuy đến ngôi mộ trước, ông chỉ cúi xuống, nhìn thấy băng vải trong đó, không vào ngay, mà nhẫn nại chờ đợi đại huynh Phêrô đến. Có nhiều cách giải thích sự chờ đợi này. Có thể vì kính trọng quyền huynh thế phụ, không dám vô lễ qua mặt ông Phêrô, bậc đàn anh? Có thể còn nghi ngại sợ hãi, nhát đảm, sợ bóng vía chăng? Hoặc là sợ đụng chạm vào khăn liệm, băng vải lỗi phạm lề luật chăng?
Nhưng chắc chắn là ông Gioan đã theo cùng ông Phêrô vào mộ. “Thấy những băng vải để ở đó, và khăn che đầu Đức Giêsu. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi… Ông đã thấy và đã tin” (Ga 20, 7- 8).
Khi nhìn thấy băng vải và khăn che đầu xếp lại gọn ghẽ, tươm tất, đâu đó, cách xa nhau, ông Gioan có lẽ liên tưởng ngay đến thói ngăn nắp thứ tự thường nhật của Đức Giêsu, mà trước đây ông vẫn thường chứng kiến và đã quá quen thuộc. Ông liền nhận ra dấu chỉ kín đáo đó và đã mạnh dạn tin tưởng Chúa Phục Sinh.
Tuy chưa được gặp Chúa sống lại, nhưng lòng trung thành, tâm hồn tỉnh thức, nhạy bén, đã giúp hành trình ông gặp Chúa Phục Sinh đạt kết quả mỹ mãn. Ông đã gặp được Chúa ngay trong tâm hồn, mặc dù ông cũng chưa hiểu lời Kinh Thánh đã tiên báo mầu nhiệm này.
Ngày nay, Chúa vẫn ban phát rộng rãi những dấu chỉ, để nhận ra, và hiểu được Thánh Ý Chúa. Nhưng tôi có biết mở mắt, mở tai, mở lòng ra đón nhận hay không? Hay chỉ biết chạy theo dư luận, chạy theo những thông tin, những điềm báo kỳ dị, quái gở, ma thuật, có thể đe dọa, lấn át, khuynh đảo đức tin của tôi, vốn đang rất mong manh, yếu đuối?
Nẻo đường của bà Maria Mácđala
Bà Maria Mácđala đã được Chúa Giêsu giải thoát khỏi bảy quỷ dữ (Lc 8, 3). Sau đó bà theo Chúa Giêsu và dùng tiền của giúp Ngài, cũng như các môn đệ đi truyền giáo. Bà đã âm thầm, can đảm đi theo Chúa suốt cuộc khổ nạn. Bà cũng hiện diện dưới chân Thánh Giá cùng với Mẹ Maria và bà Maria, vợ ông Cơlopat, cùng ông Gioan, để chia sẻ nỗi đau khổ tận cùng Chúa Giêsu (Ga 19, 25). Bà Mácđala cũng tham dự mai táng Chúa Giêsu trong huyệt mộ (Lc 24, 55).
Vào ngày thứ nhất trong tuần, khi trời còn tối, bà đã vội chạy ra mộ Đức Giêsu để xức dầu thơm trên thi thể Ngài. Nhưng phát hiện ngôi mộ trống, tảng đá chắn mộ đã lăn ra. Bà hốt hoảng, tức tốc về báo tin ngay cho các môn đệ, ông Phêrô và Gioan.
Thoạt tiên, tưởng chừng tảng đá chặn ngôi mộ đã cản trở bà Mácđala tìm thấy Chúa Phục Sinh. Nhưng không, bà đã kiên trì đi trở lại ngôi mộ trống lần nữa để nhớ nhung, tiếc thương và than thở khóc lóc. Bà đã cầu nguyện theo cách riêng cũa bà, biểu lộ công khai lòng yêu mến Chúa tột cùng. Thậm chí bà cũng chẳng để ý hai thiên sứ đột nhiên xuất hiện. Bà quay lại thấy Chúa Phục Sinh, lại tưởng người làm vườn. Nhưng khi nghe Chúa thân thương gọi: “Maria!” bà liền nhận ra ngay Chúa Giêsu đã sống lại (Ga 20, 16).
Bà Mácđala được Chúa ủy thác loan báo Tin Mừng Phục Sinh cho các Tông đồ, để các ông đi rao truyền khắp thế gian “Hãy đi gặp anh em Thầy và bảo họ: Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là của Cha của anh em. Lên cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em” (Ga 20, 17).
Bà Mácđala đắm mình vào cầu nguyện, tâm tình với Chúa Giêsu, không còn bận tâm đến môi trường chung quanh, không chia lòng chia trí, dù các thiên thần tận tình hỏi han. Chính nhờ sự chuyên tâm và khát khao Chúa tột độ, bà là người đầu tiên so với các tông đồ, được diễm phúc thấy Chúa Giêsu Phục Sinh vinh hiển. Nẻo đường tìm Chúa Phục Sinh của bà Macđala rất thực tiễn, viên mãn và hiệu quả nhất, so với hai nẻo đường vòng vo kia.
Người hy vọng là người cầu nguyện. Đối tượng của lời cầu nguyện cũng là đối tượng của niềm hy vọng. Người hy vọng là cộng tác viên của Thiên Chúa. Ngài tìm họ đề hoàn tất việc tạo dựng và cứu chuộc của Ngài (Đường Hy Vọng, 964).
Lạy Chúa, xin dạy con biết tìm kiếm Chúa mọi nơi, mọi lúc, qua những lời cầu nguyện chân thành, để con được sống lại với Ngài. Lạy Mẹ Maria, Mẹ đã đồng hành cùng Chúa Giêsu trong mầu nhiệm khổ nạn, xin Mẹ dẫn dắt, chỉ bảo và cầu bầu cho con, cảm nhận được Chúa Sống Lại trong tâm hồn, để con được cứu rỗi, đồng thời trở nên Chứng Nhân, phục vụ mọi người. Amen.
AM Trần Bình An