Thật khó để khiêm tốn, không phải vì chúng ta không đủ thiếu sót để xứng đáng với tính khiêm nhường, nhưng vì bên trong chúng ta có một cơ chế khéo léo thường không cho chúng ta có được tính khiêm tốn. Nói một cách đơn giản, khi chúng ta cố gắng quên mình, khiêm tốn, không đạo đức giả thì chúng ta lại tự hào về điều đó, và rồi cảm thấy tự mãn, chúng ta trở nên người đi phán xét người khác.
Chúa Giêsu cho chúng ta một dụ ngôn tuyệt vời về chuyện này, nhưng chúng ta thường quên bài học này. Tất cả chúng ta đều biết dụ ngôn người biệt phái và người thu thuế. Chúa Giêsu kể câu chuyện hai người vào nhà thờ cầu nguyện. Người đầu tiên là người biệt phái sốt sắng, ông nghiêm túc giữ đạo hạnh. Ông cám ơn Chúa về lòng sốt sắng đạo hạnh của mình và cám ơn Chúa vì mình không như người thu thuế không đạo đức đang ở cuối nhà thờ. Người thứ hai là người thu thuế nhận biết mình là người không đạo đức (ông chân thành và không biện minh gì), ông là người có tội và xin Chúa tha cho các yếu kém của mình. Chúng ta đều biết Chúa Giêsu đánh giá hai người này như thế nào. Người biệt phái thật sự đã không cầu nguyện, còn người thu thuế thì cầu nguyện. Hơn nữa, dụ ngôn làm nổi bật sự mù quáng bên trong của người biệt phái, một thứ không thể nào không thấy. Tất cả những ai đọc câu chuyện này đều không thể không thấy sự thiếu khiêm tốn của ông.
Tuy nhiên, thách thức là xem phản ứng của chúng ta về câu chuyện này. Ngay lập tức chúng ta thấy sự khác biệt giữa niềm tự hào rởm và tính khiêm nhường thật sự. Và chúng ta thấy người này kiêu căng đến mức độ nào khi ông nói: “Xin tạ ơn Chúa vì con không như tên thu thuế kia!” Nhưng, tôi nghĩ 98% trong chúng ta khi nghe câu chuyện này sẽ nghĩ, “tôi không như người biệt phái kia!” Khi nghĩ như vậy, chúng ta đều giống ông! Chính xác giống ông, chúng ta đầy tràn ý thức về đức hạnh, chính vì vậy, chúng ta bắt đầu phán xét người khác. Lời cầu nguyện của chúng ta thường ngược với lời cầu nguyện của người thu thuế. Chúng ta không cầu nguyện vì tội của mình mà là cầu nguyện: “Con cám ơn Chúa, con đã không mù quáng với bản thân và không phán xét như nhiều người khác!” Thật khó để được như người thu thuế. Đức hạnh và tính khiêm nhường của chúng ta luôn quay chung quanh chính mình và làm cho chúng ta tự hào và đi chỉ trích.
Câu trả lời ở đây là gì? Làm sao chúng ta bứt được cái vòng luẩn quẩn này? Ở đây chỉ có một cách duy nhất và người thu thuế đã chỉ cho chúng ta. Như thế nào? Ông thật sự cầu nguyện cho tội lỗi của mình. Đó là người phạm tội và ông chân thành thú nhận. Còn về phần chúng ta, chúng ta nói chúng ta là kẻ có tội nhưng chúng ta không thật sự nghĩ như vậy! Chúng ta thừa nhận chúng ta có các thiếu sót và đôi khi chúng ta phạm tội, nhưng như người biệt phái, ngay lập tức chúng ta tạ ơn vì chúng ta không có các thiếu sót và tội lỗi như người khác. Thường thường chúng ta nghĩ theo kiểu: “Chắc chắn rồi, mình cũng có các khiếm khuyết, nhưng ít nhất mình không ngốc và ích kỷ như bạn đồng nghiệp mình!”, “Với tất cả thiếu sót của tôi, tôi cám ơn Chúa, tôi đã không tự ái như ông chủ của tôi!”, “Có thể tôi không có nhiều đức tin nhưng ít nhất tôi không đạo đức giả như nhiều người trong nhà thờ!”, “Tôi có thể có nhiều lỗi, nhưng tôi không có các lỗi như anh Gioan!” Niềm tự hào luôn luôn luẩn quẩn chung quanh hàng rào phòng thủ của chúng ta và chúng ta để lòng khiêm nhường đứng xa xa.
Nhưng có một trường hợp khác, có thể không giống như vậy, đó là khi chúng ta thực sự nhận biết tội của mình. Khi chúng ta ý thức được tình trạng tội lỗi của mình, như người thu thuế, chúng ta sẽ không phán xét ai, ngay cả chính mình. Là linh mục công giáo đã nghe xưng tội trong vòng 47 năm, tôi không ngần ngại nói, những người tốt lành nhất là những người chân thành xưng các thiếu sót của mình . Khi chúng ta thật sự biết tội của mình, chúng ta không phán xét ai. Trong tinh thần này, chúng ta không bao giờ nghĩ: “Tạ ơn Chúa, con đã không phạm tội của anh Gioan!” Chúng ta biết bản thân mình là đủ. Vì thế lời cầu nguyện phải chân thành và theo Chúa Giêsu, thì lời cầu nguyện chân thành sẽ được trên trời nghe thấy.
Và chúng ta phải nhận biết sự tồn tại của tội lỗi của chúng ta và chịu đựng nó. Các thiếu sót khác, các bất toàn bẩm sinh và cá nhân có thể giúp chúng ta trở nên khiêm tốn, nhưng vì chúng ta không chịu trách nhiệm về mặt cá nhân hay đạo đức, nhận biết các thiếu sót này không phải như nhận biết tội lỗi của mình. Chúng ta không có trách nhiệm về ADN thể lý hay tâm lý của mình. Chúng ta không chịu trách nhiệm về sắc dân hay màu da của mình. Chúng ta cũng không chịu trách nhiệm về thành phần gia đình, về khu phố, về văn hóa mà chúng ta được nuôi dạy. Và chúng ta cũng không chịu trách nhiệm về những chuyện xảy ra ở công viên hay ở sân chơi khi chúng ta còn nhỏ. Dù vậy tất cả những điều này có một tác động sâu đậm trên các thiếu sót cũng như trên sức mạnh của chúng ta. Nhưng vì chúng ta không có trách nhiệm nên chúng ta không cần phải khiêm tốn về những chuyện này.
Nhưng chúng ta phải khiêm tốn về các tội lỗi của chính mình.
Rev. Ron Rolheiser, OMI