THÁNH GIOAN THÀNH AVILA TIẾN SĨ MỚI CỦA GIÁO HỘI

Chúa Nhật 7 tháng 10 năm 2012, trong khuôn khổ Thượng Hội Ðồng Giám Mục thế giới kỳ thứ 13, Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI sẽ tôn phong hai vị thánh tiến sĩ mới của Giáo Hội: đó là thánh Gioan Avila người Tây ban nha, và thánh nữ Ildegarda di Bingen, người Ðức.  Sau đây chúng tôi xin gửi đến quý vị vài nét nổi bật trong cuộc sống và linh đạo của thánh Gioan Avila.  Ngài sẽ là vị Tiến sĩ thứ 34 của Giáo hội.  Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI bày tỏ hy vọng rằng “lời nói và gương sáng của vị mục tử xuất sắc này sẽ soi sáng cho tất cả các linh mục, và cho những người mong đến ngày truyền chức linh mục của họ.”

Thánh Gioan thành Avila sinh ra ở Campo, Ciudad Real, năm 1500, trong một gia đình khá giả, và Ngài được giáo dục trong đức tin Kitô giáo.  Sau khi hoàn tất chương trình luật tại đại học Salamanca trong vòng 4 năm, ngài dự tính sẽ sống một cuộc đời ẩn dật.  Tuy nhiên, nghe theo lời khuyên của một Tu sĩ Dòng Phanxicô, chàng thanh niên này tiếp tục đăng ký vào trường đại học Alcala để học triết học và thần học.  Một trong những giáo sư của ngài là thần học gia nổi tiếng Dòng Ða Minh, Domingo de Soto.  Trong thời gian học, thân phụ và thân mẫu của ngài đã được Chúa gọi về, và cả hai được mai táng trong một giáo xứ trong địa phương, nơi sau này ngài đã dâng thánh lễ mở tay vào năm 1526.  Trong thánh lễ này, thánh nhân đã bán tất cả tài sản của gia đình và phân phát cho người nghèo.

Sau khi chịu chức linh mục, ngài đi đến Seville để chuẩn bị đi truyền giáo ở Châu Mỹ.  Trong lúc chờ khởi hành, vị tân linh mục này dấn thân vào việc dạy giáo lý và rao giảng.  Quá ấn tượng về ngài, Cha Fernando Contreras đã thúc giục vị tổng Giám mục Seville giữ Gioan lại Tây Ban Nha.  Vâng phục đấng bản quyền, Gioan Avila đã bắt đầu dấn thân vào sứ mạng ở miền Nam Tây Ban Nha.

Thành công đến dường như ngay lập tức, nhiều người đã đến và nghe ngài giảng.  Nhưng không may, chính sự thành công này dẫn đến những mối ghen tương và hiểu lầm, và Gioan Avila đã bị kết án lạc giáo vào năm 1531.  Ngài đã bị tuyên án bởi toà án Truy tà và phải ở tù một năm.  Có thể đối với nhiều người đó là một tai họa, còn đối với thánh nhân thì đó là một ân phúc của Thiên Chúa.  Ngài nói rằng chính thời gian ở trong tù, ngài đã học được nhiều hơn tất cả những gì mà ngài đã học được trước đây.  Trong tù, ngài đã viết tác phẩm Audi, filia, một tác phẩm giúp hướng dẫn về đời sống thiêng liêng, tác phẩm này được viết cho một người phụ nữ trẻ tuổi đang sống đời thánh hiến dưới sự hướng dẫn của ngài.  Cũng chính trong tù, Gioan đã nghiên cứu về thư Phaolo và sau này, một linh mục thánh thiện đã nghe ngài giảng đã thốt lên: “Tôi đã nghe Phaolô giải thích về Phaolô.”  Sau khi được thả và được minh oan, ngài dấn thân vào sứ mạng rao giảng ở Cordoba vào năm 1535.  Ngài là người đã ảnh hưởng nhiều đến các vị thánh như Gioan Thiên Chúa, Phanxico Borgia.  Ngài thường được gọi là “thầy dạy”, một tước hiệu mang ý nghĩa học thuật, nhưng với Gioan Avila, khi sử dụng tước hiệu này, người ta thường nhấn mạnh đến chiều kích ơn gọi linh mục, nghĩa là thầy dạy, người dẫn dắt và hướng dẫn các linh hồn.

Gioan Avila mất vào ngày 10 tháng 5 năm 1569, hợp với mong ước của ngài, thánh nhân đã được chôn cất trong nhà thờ Dòng tên tại Montilla.  Ngài được phong chân phước vào ngày 15 tháng 9 năm 1894 và được tôn phong làm bổn mạng các linh mục giáo phận tại Tây Ban Nha vào ngày 2 tháng 7 năm 1946, và được Ðức Thánh Cha Phaolo VI phong thánh vào 31 tháng 5 năm 1970.

Là một linh mục giáo phận, nhưng Gioan Avila lại có một đời sống thánh thiện trỗi vượt, mang âm hưởng của một vị ẩn sĩ.  Ðối với thánh nhân, cầu nguyện là chiều kích quan trọng nhất trong đời sống của mình.  Cầu nguyện là một sự đáp trả chính yếu của niềm tin.  Chúng ta nhận ra điều này qua nhiều lá thư ngài viết.  Khi nhận được những lá thư liên quan đến những vấn đề về thiêng liêng, ngài không vội trả lời ngay không phải vì quá bận rộn hay vì một sự bất cẩn nào đó, đúng hơn ngài cần thời gian để cầu nguyện.  Chỉ sau khi đã cầu nguyện và suy xét cẩn thận, ngài mới viết thư trả lời và thường kèm theo đó là một lời xin lỗi vì sự chậm trễ của mình.  Ðời sống cầu nguyện của ngài không tách khỏi đời sống thường ngày, cầu nguyện luôn dẫn đến hành động và biến đổi.

Là một linh mục giáo phận nhưng thánh nhân lại hết sức yêu mến và sống triệt để tinh thần của ba lời khuyên phúc âm.  Chính sự ôm ấp và yêu mến đời sống nghèo khó, khiết tịnh và vâng phục cho phép thánh nhân giúp đỡ và có mối tương giao với nhiều tu sĩ.  Chính vì việc trở nên giống Ðức Ki-tô đã giúp trổ sinh hoa trái nơi những người mà ngài phục vụ.  Ðời sống của ngài không gì khác là một sự phản ánh tình yêu thương và khao khát dành cho Ðức Ki-tô bị đóng đinh.  Ngài ôm ấp các lời khuyên phúc âm trong một thời đại mà hầu hết các linh mục giáo phận đang làm điều ngược lại.

Thật vậy, theo truyền thống ở Tây Ban Nha, trong thời đại của ngài, một vị tân linh mục sẽ mở một bữa tiệc, mời bạn bè và những người thân của mình đến tham dự.  Thay vì làm theo truyền thống, Gioan đã đi ra các đường phố, chọn lấy 12 người nghèo, rửa chân cho họ và xem họ như những vị khách quý.  Tình yêu của ngài đối với đời sống nghèo cũng được thể hiện trong đời sống thường ngày.  Ngài thường từ chối ở lại các khách sạn hay những nơi ở sang trọng.  Thánh nhân nhận thấy nghèo khó là một điều rất cần thiết đối với đời sống linh mục.  Ðức khiết tịnh được ngài gìn giữ một cách chắc chắn ngang qua tình yêu mạnh mẽ dành cho Thiên Chúa.  Tuy nhiên, thánh nhân cũng không bao giờ thiếu đi sự thận trọng cần thiết.  Ngài chưa bao giờ gặp gỡ một phụ nữ ở một nơi riêng tư.  Ðời sống của ngài cũng được ghi dấu mạnh mẽ về sự vâng phục.  Ngài đã vâng phục vị linh mục dòng Phanxico để trở nên một người phục vụ Chúa thay vì trở nên một ẩn sĩ như ước muốn ban đầu.  Sau khi chịu chức, dù khao khát truyền giáo, nhưng ngài dã vâng phục giám mục để ở lại Tây Ban Nha, nơi có nhiều điều để làm.  Thái độ đáp trả không một chút đắn đo thể hiện một sự quy phục mạnh mẽ mà Ngài dành cho Thiên Chúa, một sự tin tưởng tuyệt đối với Chúa Quan Phòng.  Như vậy, chính việc giữ đời sống khiết tịnh, nghèo khó và vâng phục mà đời sống của Gioan Avila được gắn chặt với thập giá của Chúa Kitô.  Chính sự thánh hiến liên lỉ này đã gìn giữ đức tin của ngài và làm cho nó trổ sinh hoa trái.

Thánh Gioan Avila cũng được nhắc đến như là một người có những đóng góp quan trọng trong việc đổi mới đời sống của các linh mục.  Thánh nhân đã liên kết chức vụ tư tế với bí tích Thánh Thể và xem sự thánh thiện như là một phẩm chất trỗi vượt của một vị linh muc, người đóng vai trò là trung gian giữa Thiên Chúa và con người.  Ngang qua chức vụ tư tế, “bánh và rượu trở thành Mình và Máu Thánh Chúa Ki-tô, Chúa chúng ta.”  Ngài khẳng định rằng không có một sức mạnh nào trên thế gian có thể mạnh hơn sức mạnh của các linh mục, vì “họ có sức mạnh của chính Thiên Chúa.”  Vì các linh mục phải là người có phẩm giá trổi vượt như là vị trung gian giữa Thiên Chúa và con người nên ngài phải trở nên thánh thiện.  Ðức Ki-tô là trung gian duy nhất và là Vị Thượng Tế Tối Cao, nhưng các linh mục cũng được chia sẻ chức vụ này trong Ðức Ki-tô và trên bàn thờ, Linh mục là đại diện của Ðức Ki-tô khi ngài dâng chính mình lên Chúa Cha.  Vì thế, linh mục phải là người kết hợp thân mật với Thiên Chúa và phải trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài.  Ngoài ra, chức vụ tư tế cũng là món quà Thiên Chúa trao ban cho Giáo Hội, và không ai có thể lãnh chức vụ này ngoại trừ những người được Thiên Chúa kêu gọi, được Giáo hội phê chuẩn ngang qua vị Giám mục bản quyền.

Thánh Gioan Avila cũng là một người có lòng nhiệt thành và có những đóng góp lớn lao trong việc cải cách Giáo hội.  Ngài cho rằng để có thể cải cách Giáo hội, mỗi người phải hoán cải đời sống của mình.  Mỗi người trong chức vụ của mình phải hoán cải đời sống không ngừng.  Các Giám mục nên đưa những đề tài thảo luận vào đời sống thực tiễn.  Thánh nhân mời gọi các Giám mục xem xét đời sống của chính mình và những thái độ nền tảng của họ khi thực thi nhiệm vụ và thái độ mà họ có đối với các linh mục.  Họ phải đảm bảo rằng thái độ của họ phải xứng hợp với thái độ của Ðức Ki-tô, Ðấng mà họ là đại diện.  Ðể có thể thực thi điều đó, các Giám mục phải đồng hành với các linh mục và lấy tình yêu phụ tử mà đối xử với các ngài.  Ngài mời gọi các giám mục hãy trở thành những người tôi tớ trong khi đối xử với các linh mục, chứ không như những ông chủ với những người tôi tớ.  Nếu các GM khởi đi từ thái độ này, con đường phía trước sẽ trở nên sáng lạng và đó chính là con đường của Ðức Ki-tô, Ðấng là lớn nhất nhưng đã tự ý trở nên rốt hết.

Ðể thực hiện một sự đổi mới nới hàng giáo phẩm, thánh Gioan Avila cho rằng các giám mục cần thực thi hai điều: thứ nhất, không chấp nhận những người không phù hợp vào ơn gọi linh mục và thứ hai, phải đổi mới chương trình huấn luyện quá nghèo nàn dành cho các ứng viên linh mục.

Thật vậy, nguyên nhân chính làm hủy hoại hàng giáo phẩm chính là việc một số người ước muốn chọn lựa ơn gọi này vì những tham vọng hết sức trần thế.  Do đó, trước hết, thánh nhân đề nghị các linh mục phải cẩn trọng trong việc tuyển lựa các ứng viên.  Thánh nhân nhấn mạnh rằng các ứng viên không phù hợp không thể được nhận dưới bất kỳ điều kiện nào.

Phẩm chất qua trọng nhất của ứng sinh phải là khả năng trí thức và thiêng liêng.  Thánh nhân nói rằng các ứng sinh phải có khả năng để đạt được những kết quả tốt nhất trong việc học, nhưng điều đó cũng không bỏ qua khía cạnh đồng hành cá nhân, nghĩa là tùy theo khả năng của từng người mà giúp họ dấn thân trọn vẹn vào việc đào luyện tri thức.  Khả năng tri thức rất quan trọng nhưng khả năng về thiêng liêng còn quan trọng hơn.  Kế đến, thánh nhân đề nghị các giám mục cần phải thiết lập các chương trình huấn luyện và giáo dục chặt chẽ.  Chương tình huấn luyện dành cho các linh mục theo khuôn mẫu của ngài đã ảnh hưởng sâu sắc đến quyết định của Công đồng Trento về đào tạo các linh mục.  Chương trình này có ba thành tố chính: Ðời sống cộng đoàn, huấn luyện sâu xa thần học và các giáo thuyết, và việc học chuyên môn.  Nhiều điểm mà Gioan Avila đã đề nghị trong công đồng Trentô và những bài viết khác của ngài về chức vụ tư tế đã trở nên một phần quan trọng trong đời sống của Giáo hội.  Chúng ta mang ơn ngài vì những những đóng góp của ngài cho Công Ðồng Trentô, nhưng rõ ràng những tiếng nói của ngài vẫn còn âm vang trong Giáo Hội khi Giáo Hội đang thực hiện một tiến trình đổi mới trong chức vụ tư tế hậu công đồng Vaticano II.

Nhiều người nghĩ rằng việc đọc về hạnh các thánh giống như đọc những câu chuyện cổ tích hay thần thoại vì nó không thể áp dụng vào đời sống thực tiễn.  Với họ, những điều mà các vị thánh làm quá phi thường và vượt sức con người.  Chỉ có những người được đặc ân mới có thể sống như vậy.  Nếu nghĩ như vậy thì sẽ không đúng với trường hợp của thánh Gioan Avila.  Thánh Gioan Avila không được phong Tiến Sĩ Hội Thánh vì những việc thực hành đạo đức của ngài như việc đánh tội, ăn chay lâu ngày.  Ngài chỉ là một linh mục, sống và thi hành sứ mạng của mình với một tình yêu lớn lao dành cho Ðức Ki-tô và cho con người.  Ðời sống của ngài được nuôi dưỡng bằng đời sống cầu nguyện và tình yêu dành cho Ðức Ki-tô.  Chính tình yêu này đã làm sống động toàn bộ đời sống của Ngài: cầu nguyện, giảng dạy, hướng dẫn thiêng liêng, và sống những gì mình giảng dạy.  Chính tình yêu dành cho Ðức Ki-tô và con người đã thúc đẩy ngài dấn thân vào sứ mạng cải cách hàng giáo sĩ.  Chân phước Gioan Phaolo II đã nói về thánh nhân rằng: “Thánh Gioan Avila đã làm việc một cách can đảm để các linh mục có thể đáp lại với những dự án đổi mới đầy tham vọng của thời đại với một đời sống nội tâm sâu xa, một nền tảng huấn luyện trí thức vững chắc và một sự trung tín không bao giờ cạn đối với Giáo hội và một khao khát liên lỉ mang Ðức Ki-tô đến cho người khác.  Trong thời đại mà giáo hội đang bị suy sụp bởi Phong trào cải cách thì Gioan Avila đã dấn thân phục vụ Giáo hội không biết mệt mỏi.”

Augustine Nguyễn Minh Triệu S.J
(Radio Vatican)

Tài liệu:

  1. La Figura Del Maestro San Giovanni D’avila
  2. The Eminent Doctrine of St. John of Avila: A Most Dynamic Priesthood
  3. Saint John of Avila and the Reform of the Priesthood