Hầu hết thế giới tin rằng chết không phải là hết, tin rằng có một dạng bất diệt. Hầu hết mọi người tin rằng những người đã chết vẫn còn tồn tại trong một tình trạng nào đó, theo phương thức nào đó, ở một nơi nào đó, là thiên đàng hay hỏa ngục, dù cho chúng ta không biết được. Trong một vài khái niệm, sự bất tử được xem là một tình trạng nơi con người đó vẫn ý thức và lý luận, trong khi khái niệm khác, thì xem sự hiện hữu sau cái chết là có thực nhưng phi nhân thể, như một giọt nước rơi vào đại dương.
Còn chúng ta, những Kitô hữu, thì chúng ta có niềm tin. Chúng ta tin rằng người chết vẫn còn sống, vẫn là họ, và rất quan trọng là vẫn trong một mối liên hệ sống động, có ý thức và đầy yêu thương với chúng ta và với nhau. Đây là khái niệm chung của chúng ta về thiên đàng, dù cho có đơn giản hóa các trình bày theo từng thời điểm, nhưng khái niệm này thật đúng. Đây chính xác là những gì mà đức tin và tín lý Kitô giáo mời gọi chúng ta. Sau cái chết, chúng ta sống trong mối hiệp thông có ý thức, tự ý thức, với những người đã chết trước chúng ta, hiệp thông với những người còn ở trần thế, và hiệp thông với sự thần thiêng. Đây chính là giáo lý Kitô giáo về sự Hiệp thông của các thánh.
Vậy chúng ta phải hiểu thế nào đây? Và làm sao để chúng ta kết nối với những người thân yêu sau khi họ đã chết? Hai hình ảnh Kinh thánh sau đây có thể cho chúng ta một điểm mở để hiểu được điều này. Cả hai đều ở trong Tin mừng.
Tin nói rằng, ngay khi Chúa Giêsu chết, thì màn đền thờ xé ra làm hai, và đất rung chuyển, các tảng đá nứt ra. Các mộ phần mở ra và xác của nhiều vị thánh trỗi dậy (Mt 27, 50-52). Tin mừng còn kể cho chúng ta biết vào rạng sáng ngày Phục Sinh, có vài phụ nữ đến mộ Chúa để xức dầu thơm cho xác Ngài, nhưng họ chỉ thấy ngôi mộ trống và hai thiên thần: ‘Tại sao các bà tìm người sống ở nơi mồ mả? Ngài không có ở đây. Ngài đang sống, và các bà có thể thấy Ngài ở Galilee.’ (Lc 24, 5). Những hình ảnh đó có thông điệp gì?
Là Kitô hữu, chúng ta tin rằng chúng ta được ban sự sống bất diệt qua cái chết của Chúa Giêsu. Và Tin mừng trình bày sự thật này qua hình tượng trên. Cái chết của Chúa Giêsu ‘mở toang cửa mồ’ và làm cho các ngôi mộ nên trống không. Vì lý do đó, các Kitô hữu chưa bao giờ có những việc sùng kính lớn với nghĩa trang. Là Kitô hữu, chúng ta không cử hành nhiều các việc thiêng liêng quanh các phần mộ? Tại sao? Bởi chúng ta tin rằng tất cả những phần mộ này đều trống không. Người thân yêu của chúng ta không có ở đó và chẳng thể tìm thấy ở đó. Họ đang ở cùng với Chúa Giêsu, ở ‘Galilee.’
Vậy ‘Galilee’ trong hình ảnh kinh thánh này là gì? Trong Tin mừng, Galilee không chỉ là một địa danh trên bản đồ, mà là một nơi chốn bên trong Chúa Thánh Thần, Thần Khí của Thiên Chúa và của chúng ta. Trong Tin mừng, Galilee là một nơi mà nhiều việc tốt đẹp diễn ra. Đây là nơi mà các môn đệ lần đầu gặp Chúa Giêsu, nơi họ bắt đầu yêu mến Ngài, nơi họ dấn thân theo Ngài, và nơi xảy ra nhiều phép lạ. Galilee là nơi Chúa Giêsu mời chúng ta đi trên mặt nước. Galilee là nơi mà linh hồn các môn đệ được mở mang và bồi dưỡng.
Và đây cũng là nơi cho mỗi một người thân yêu đã khuất của chúng ta. Trong đời sống của mỗi người, có một Galilee, là nơi mà nhân thể và linh hồn họ sống động nhất, nơi đời sống của họ chiếu rạng sinh lực mở lòng với thiêng liêng. Khi nhìn vào cuộc đời của một người thân yêu đã chết, chúng ta cần tự hỏi rằng: Đâu là nơi mà cô ấy sống động nhất? Phẩm chất nào mà cô ấy, gần như độc nhất vô nhị, đã thể hiện và trao đi? Ở điểm nào mà cô ấy nâng lòng tôi lên và làm cho muốn trở nên một con người tốt đẹp hơn?
Hãy xác định những điều này, và bạn sẽ sẽ xác định được Galilee của người yêu dấu của mình, và bạn cũng sẽ xác định được Galilee của Tin mừng, cụ thể là một nơi mà Chúa Giêsu mời gọi bạn đến gặp gỡ Ngài. Và đây cũng là nơi bạn sẽ gặp những người thân yêu của mình trong cộng đoàn các thánh. Đừng tìm người sống ở nơi mồ mả. Cô ấy không có ở đó. Cô ấy ở Galilee. Gặp cô ấy ở đó.
Elizabeth Johnson, có chiều hướng của Karl Rahner, đã thêm cho chúng ta suy tư này: ‘Hi vọng, chúng ta quả quyết rằng những người thân yêu đã qua đời, họ không rơi vào quên lãng, nhưng đi vào trong vòng tay của Thiên Chúa hằng sống. Và đây là nơi chúng ta có thể tìm thấy họ lần nữa, khi chúng ta mở rộng lòng mình với sự dịu dàng của chính sự sống Thiên Chúa mà chúng ta dấn vào, không phải bằng sự ích kỷ đòi họ về lại với chúng ta, nhưng bằng việc đi vào sâu trong lòng của chúng ta, nơi Thiên Chúa ngự trị.’
Và có thể tìm thấy Galilee của những người thân yêu của chúng ta nơi Galilee của chính mình. Có một nơi thâm sâu trong lòng, trong đức tin, đức cậy và đức ái, nơi mọi người, còn sống hay đã chết, gặp gỡ.
Rev. Ron Rolheiser, OMI – J.B. Thái Hòa chuyển dịch