Phụng vụ hôm nay cho chúng ta nghe một chuỗi ba dụ ngôn, được trình bày trong Tin Mừng thánh Mát-thêu. Dụ ngôn “cây lúa và cỏ lùng” là dụ ngôn chính, và được Chúa Giê-su giải thích chi tiết cho các môn đệ. Xin lưu ý, cũng như Chúa nhật trước, những dụ ngôn được Chúa Giê-su giảng cho đám đông dân chúng, còn lời giải thích dụ ngôn, thì Người lại chỉ giải thích với các môn đệ, như một nhóm nhỏ những người thành tâm theo Chúa và thiện chí thực thi lời Người dạy.
Theo văn mạch, chuỗi dụ ngôn này nằm trong phần những lời rao giảng về Nước Trời, còn gọi là vương quốc của Thiên Chúa. Vương quốc ấy đã khởi đầu ở trần gian. Để đón nhận vương quốc ấy, con người phải trải qua nhiều thử thách cam go. Những ai kiên trung đến cùng, sẽ được vào Nước Trời.
Nếu hình ảnh “Người gieo giống” được nhắc tới trong Tin Mừng Chúa nhật trước là chính Chúa Giê-su, thì Lời Chúa hôm nay cũng giới thiệu Người như ông chủ ruộng. Người chủ ruộng có tên là Giê-su đã gieo hạt giống tốt nơi lòng con người, nhưng kẻ xấu là ma quỷ (hay ác thần) lại lợi dụng lúc đêm tối để gieo hạt cỏ lùng. Hạt cỏ là mầm mống của dối trá và hận thù, đại diện cho các thế lực chống lại giáo huấn của Đức Giê-su. Cuộc sống này cứ thế là trôi đi, luôn hiện hữu người tốt và người xấu, như cây lúa và cỏ lùng. Nhiều người bức xúc trước khung cảnh này, và họ đã mong Chúa diệt hết những người xấu trên trần gian. Họ giống như người đầy tớ đến xin phép ông chủ để nhổ hết cỏ lùng trong ruộng lúa.
Nếu con người suy nghĩ thiển cận và tầm thường, thì Thiên Chúa lại bao dung và nhân hậu. Trong mỗi chúng ta, đều đang tồn tại đồng thời cây lúa và cây cỏ lùng. Nơi thâm tâm chúng ta, vừa có ánh sáng và bóng tối. Tâm hồn con người vừa cao cả vừa thấp hèn. Nếu muốn diệt hết những cây cỏ lùng, vô tình chúng ta mong Chúa tiêu diệt chính chúng ta, vì có những lúc chúng ta yếu đuối, khuyết điểm và còn nặng trĩu những đam mê. May thay, Chúa không xử như lời người đầy tớ yêu cầu, và nhờ đó, chúng ta vẫn sống, mặc dù đôi lúc chúng ta phạm tội.
Thiên Chúa nhân hậu và khoan dung. Người để cho cây lúa và cây cỏ lùng cùng lớn lên. Nhưng những ai bức xúc và buồn phiền hãy an tâm, vì số phận tương lai của người lành và kẻ dữ không giống nhau. Sẽ có lúc phân biệt người lành và người xấu. Ai làm tốt sẽ được thưởng và ai làm điều xấu sẽ bị trừng phạt. Hình ảnh mùa gặt trong Kinh Thánh diễn tả “Ngày của Chúa,” hoặc “Ngày tận thế.” Lúc đó, lành dữ sẽ rõ ràng phân minh, thưởng phạt sẽ công khai minh bạch.
Nếu cây cỏ lùng không bao giờ thành cây lúa, thì lòng người lại có thể từ xấu biến đổi thành tốt. Khi ơn Chúa và thiện chí của con người gặp gỡ nhau, thì phép lạ sẽ xảy đến và điều không thể sẽ thành có thể. Hai dụ ngôn kế tiếp chứng minh với chúng ta điều ấy. Hạt cải rất nhỏ bé, nhưng khi lớn lên thành cây to. Men trong bột dường như vô hình, nhưng lại làm cho bột dậy lên, tạo nên những chiếc bánh hương vị đậm đà. Nước Trời như hạt cải, như chút bột men, rất nhỏ bé và vô hình trong cuộc đời này, nhưng đang tác động mạnh mẽ để góp phần làm thăng hoa cuộc sống của chúng ta.
Bài Đọc I trích sách Khôn ngoan và Thánh vịnh đáp ca, có cùng một nội dung, đó là lòng nhân hậu của Chúa: “Lạy Chúa, Ngài nhân hậu khoan hồng, giàu tình thương với mọi kẻ kêu xin.” “Ngài lấy lượng từ bi cao cả mà cai quản chúng con.”
Sống giữa “thửa ruộng cuộc đời” này, mỗi chúng ta hãy cố gắng để trở nên cây lúa tốt, luôn trĩu bông và chắc hạt. Để được điều đó, chúng ta cần đến sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần. Có Chúa Thánh Thần, chúng ta có thể làm được mọi sự. Thánh Phao-lô khuyên chúng ta (Bài đọc II), hãy cậy dựa vào Chúa Thánh Thần để Ngài giúp ta cầu nguyện và phân định những đâu là cây lúa, đâu là cây cỏ lùng, nhờ đó chúng ta sẽ nên hoàn thiện, nên muối men giữa cuộc đời còn đầy những gian nan thử thách.
TGM Giu-se Vũ Văn Thiên