NHỮNG TƯƠNG ĐỒNG LẠ LÙNG

Giáo hội mừng kính hai Thánh Tông đồ, hai cột trụ Giáo hội cùng chung một ngày.  Hai con người khác nhau từ cá tính đến thân thế nhưng có rất nhiều cái chung: Cùng chung một ơn gọi từ Chúa Kitô, cùng chung một niềm tin vào Chúa Kitô, cùng chung một sứ mạng Chúa Kitô trao phó, và cuối đời cùng chịu tử đạo vì Chúa Kitô tại Roma.  Cả hai Ngài cùng chia sẻ một niềm tin, cùng thi hành một sứ mạng.  Chúa Kitô đã đã đưa hai Ngài đến một cùng đích, một vinh quang đội triều thiên khải hoàn, cùng trở thành nền móng xây tòa nhà Giáo hội, cùng trở nên biểu tượng hiên ngang của niềm tin Công Giáo.  Hai Thánh Tông Đồ được Giáo hội mừng chung vào một ngày lễ 29 tháng 6.

Hai con người khác biệt ấy lại có những điểm tương đồng lạ lùng.  Chúa Kitô đã nối những điểm tương đồng ấy để tất cả được nên một ở trong Người.  Thánh Phêrô, trước đây hèn nhát, sợ hãi, chối Chúa, về sau yêu Chúa nồng nàn thiết tha; Thánh Phaolô, trước kia ghét Chúa thậm tệ, sau này yêu Chúa trên hết mọi sự.  Trước kia hai vị rất khác biệt, bây giờ cả hai nên một trong tình yêu Chúa.

Hai tên gọi cùng được đổi mới.

Theo cách dùngThánh Kinh, tên không những chỉ là danh xưng dùng để gọi một người mà còn là hiện thân của một người (x. Từ điển Công Giáo phổ thông).  Tên gọi nói lên một sứ mạng.  Tên mới biểu tượng một thân phận mới, một bản chất mới.  Ađam đặt tên cho mọi giống vật và đặt tên cho vợ: “Ngươi sẽ gọi tên vợ là Eva, vì bà là mẹ của chúng sinh” (St 3,20).  Abram được đổi tên để nhận lấy một sứ mạng cao cả: “Tên ngươi không còn là Abram nữa, mà là Abraham… Sarai, vợ ngươi, sẽ không còn là Sarai nữa.  Song tên nó là Sara.  Bởi Sara, ngươi có một người con trai, ngươi sẽ đặt tên cho nó là Isaac” (St 17,5-20).  Tổ phụ Giacop được đổi tên là Israel: “Người đó hỏi ông: “Tên ngươi là gì?”  Ông đáp: “Tên tôi là Giacop.  “Người đó nói: “Người ta sẽ không gọi tên ngươi là Giacop nữa, nhưng là Israel, vì ngươi đã đấu với Thiên Chúa và với người ta, và ngươi đã thắng.” (St 32,28-29).  Theo lời Sứ thần Gabriel, Đức Maria đặt tên cho con là Giêsu.  Ông Giacaria đặt tên cho con trai là Gioan.

Khi Anrê dẫn em trai là Simon đến gặp Chúa Giêsu, Người nhìn Simon và nói: “Anh là Simon, con ông Gioan, anh sẽ được gọi là Kêpha” (tức là Phêrô) (Ga 1,42).  Chúa xây dựng Giáo Hội trên Đá Tảng Phêrô: “Thầy bảo cho anh biết: anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá.  Trên tảng đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi” (Mt 16,18).  Chúa còn trao chìa khoá Nước trời cho Phêrô.

Saolô là một biệt phái nhiệt thành.  Trên đường đến Đamát, thình lình một luồng sáng từ trời bao tỏa lấy Saolô.  Ông ngã xuống đất và nghe một giọng nói với ông: “Saolô, Saolô, tại sao ngươi bắt bớ Ta?  Saolô hỏi: “Ngài là ai?”  Và có tiếng trả lời “Ta là Giêsu mà ngươi đang bắt bớ” (Cv 9,1-5).  Saolô đã bị mù lòa.  Ông làm những gì được chỉ bảo.  Ba ngày sau, ông Annanias đến, đặt tay trên Saolô và ngay lập tức có cái vảy bong ra khỏi mắt và ông được sáng.  Ông đứng dậy và chịu phép rửa (Cv 9,6-18).  Từ đó, Chúa Giêsu biến đổi Saolô thành một Tông đồ dân ngoại.  Kể từ chương 13 sách CVTĐ, Saolô có tên mới là Phaolô.

Đặt tên cho một người là định hướng cuộc đời người ấy theo tên gọi.  Từ đó Chúa có một chương trình trong sự quan tâm trìu mến của người đặt tên.  Tên Giêsu là sứ mạng của Người (Mt 1,21) nghĩa là cứu độ (Cv 14,3), cứu thoát (Cv 4,12), đem lại sự sống siêu nhiên cách viên mãn (Col 3,17).  Ai cầu nguyện nhân danh Đức Giêsu, theo ý hướng của Người sẽ luôn luôn được nhận lời (Ga 15,16); Ai kêu cầu tên Người sẽ được cứu thoát (Rm 10,13); Những ai tin vào tên Người sẽ làm nên Hội Thánh (1 Cor 1,2) và từ đó được gọi là Kitô hữu (Cv 11,26).  Simon và Saolô đón nhận tên gọi mới là Phêrô và Phaolô với sứ vụ cao cả là đá tảng và là cột trụ của Giáo Hội.

Hai khuôn mặt cùng một niềm tin

Có nhiều dư luận nói về Chúa Giêsu.  Người hỏi các môn đệ: “Các con bảo Thầy là ai?”  Simon Phêrô nhanh nhẹn đáp: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,16).  Chúa Giêsu rất hài lòng về câu trả lời của Phêrô.  Người nói với Phêrô: “Này anh Simon, con ông Gioan, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời” (Mt 16,17).  Phêrô tuyên xưng niềm tin.  Chúa Giêsu đặt thánh Phêrô làm đầu Giáo Hội (Mt 16,18).

Từ khi nhận phép rửa, Phaolô đã mạnh dạn rao giảng về Chúa Kitô khiến nhiều người Do Thái ngạc nhiên tự hỏi: “Ông này chẳng phải là người ở Giêrusalem vẫn tiêu diệt những ai kêu cầu danh Giêsu sao?  Chẳng phải ông đã đến đây với mục đích bắt trói họ giải về cho các thượng tế sao?” (Cv 9, 21).  Phaolô đã làm bẽ mặt những người Do Thái ở Đamát, khi minh chứng rằng Đức Giêsu là Đấng Mêsia (Cv 9, 22).  Phaolô đã được các tông đồ tin tưởng nhờ đó ngài và các tông đồ đi lại hoạt động tại Giêrusalem.  Phaolô mạnh dạn rao giảng nhân danh Chúa Giêsu Kitô (Cv 9, 28).

Phêrô tuyên xưng đức tin.  Trên đá tảng Phêrô, đức tin được xây dựng.  Phaolô làm sáng tỏ đức tin.  Vị tông đồ dân ngoại hăng hái đem đức tin gieo trồng khắp mọi nơi.  Hai khía cạnh của đức tin luôn sống động trong Giáo Hội, sứ mạng củng cố đức tin, xây dựng nội bộ và sứ mạng truyền giáo, đem đức tin đến với muôn dân.

Hai tính cách cùng một lòng mến

Thánh Phêrô, tính tình nóng nảy, bộc trực và đôi lúc hơi liều lĩnh.  Nói về ông người ta không thể không nhắc đến cái vết thật đen trong cuộc đời của ông.  Đó là lần ông đã chối Chúa.  Alain một nhà tư tưởng lớn của Pháp đã viết những lời như thế thật chua cay về cái biến cố này: “Tôi hình dung ra ông ta đang ở trên Thiên đàng, đầu đội triều thiên hào quang sáng chói nhưng mỗi khi nhớ đến ‘dzụ’ ấy, chắc ông còn phải đỏ mặt.”  Lý do, ông viết tiếp: “Tông đồ Phêrô trong hoàn cảnh lúc đó đã lẩn trốn như thỏ hay như chuột.”  Lời nhận định hơi chua chát một chút nhưng nó cho chúng ta thấy tính cách nghiêm trọng của vấn đề.  Vì Phêrô là Thủ lãnh các tông đồ, thủ lãnh nhóm 12 và nhất là trước đó Chúa đã cảnh cáo ông.

Đời ông là giằng co giữa yếu đuối và dũng mãnh, giữa trọn vẹn và dang dở, giữa xa và gần, giữa trời và đất.  Trái tim ông có u tối đi tìm ánh sáng, có nuối tiếc đi tìm lý tưởng.  Đời ông có tự tin gặp vấp ngã, có phấn đấu gặp thất bại.  Tuy nhiên, thánh Phêrô có nhiều đức tính đáng nể phục.  Chính những đức tính sáng chói này sẽ làm lu mờ đi những cái tầm thường nơi con người của ngài.  Nhờ đó, ngài đã xứng đáng với sự tín nhiệm của Chúa.  Thánh Phêrô có lòng quảng đại.  Khi được Chúa gọi, ông nhanh nhẹn bỏ tất cả mọi sự rồi theo Chúa.  Thánh Phêrô có một đức tin chân thành và lòng gắn bó keo sơn với Chúa: “Lạy thầy, bỏ Thầy chúng con biết theo ai vì Thầy có lời ban sự sống đời đời.”  Đức tính đáng cảm phục nhất chính là lòng khiêm nhường.  Đó là nhân đức nền tảng của mọi nhân đức.  Khiêm nhường là mẹ các nhân đức.  Rõ ràng, trong trái tim Phêrô lúc nào cũng yêu Chúa.  Ngay cả khi Chúa bảo Phêrô là Satan thì Phêrô cũng không giận Chúa.  Chỉ vì sự sợ hãi yếu đuối mà chối Thầy, chứ trong tâm hồn lúc nào Phêrô cũng yêu mến Chúa.  Không phải Phêrô yếu đuối vấp ngã mà Chúa bỏ rơi, chính tình yêu chân thành trong tâm hồn Phêrô mà Chúa đã yêu thương chọn làm Tảng Đá.

Saolô là người Do thái, trí thức, thông thạo nhiều thứ tiếng miền Do thái – Hy lạp, rất sùng đạo theo môn phái Gamaliên ở Giêrusalem.  Saolô là biệt phái nhiệt thành đi lùng sục bắt bớ Đạo Chúa, tham gia vào vụ giết Têphanô và trên đường Đamát truy lùng các Kitô hữu.  Được ơn trở lại, Saolô được biến đổi để trở nên chứng nhân vĩ đại là Phaolô, Tông Đồ dân ngoại.  Khi đã biết Chúa Kitô thì “những gì xưa kia tôi cho là có lợi, thì nay, vì Đức Kitô, tôi cho là thiệt thòi.  Hơn nữa tôi còn coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời là được biết Đức Giêsu Kitô, Chúa của tôi.  Vì Ngài, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như đồ bỏ, để được Đức Kitô và được kết hợp với Người.  Được như vậy, không phải nhờ sự công chính của tôi, sự công chính do luật Môsê đem lại, nhưng nhờ sự công chính do lòng tin vào Đức Giêsu” (Pl 3,7-9).  Phaolô hiên ngang được sống và được chết cho Chúa Kitô.  Ngài trở thành một Tông đồ dân ngoại kiệt xuất, thành lập nhiều Giáo đoàn, mở mang phát triển Hội Thánh cách quang minh chính đại, khiến bản thân phải ra tòa, tù tội, vất vả trăm đường.  Các mối phúc thật được kết tinh nơi cuộc đời thánh nhân.  Phaolô đã sung sướng tự hào cả khi ý thức những yếu đuối của mình “Ơn Ta đủ cho con vì chưng quyền năng trong yếu đuối mới viên thành” (2 Cor 12,9).  Không gì có thể làm nao núng lòng tin mãnh liệt ấy “Chúng tôi bị dồn ép tư bề nhưng không bị đè bẹp; hoang mang nhưng không tuyêt vọng; bị ngược đãi nhưng không bị bỏ rơi; bị quật ngã nhưng không bị tiêu diệt” (2cor 4,8-9).  Vị Tông đồ dân ngoại đã nhiệt thành loan truyền Chúa Kitô với tất cả thao thức “Khốn thân tôi, nếu tôi không rao giảng Tin mừng” (1Cor 5,14).  Ngài luôn sống trong niềm tin tưởng yêu mến vào Đấng đã kêu gọi Ngài “Tôi sống trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, là Đấng yêu mến tôi và thí mạng vì tôi” (Gal 2,20).  Vì Đức Kitô và vì Tin mừng, thánh nhân đã sống và chết cho sứ vụ.  Cuộc sống bôn ba vì Nước trời được điểm tô muôn ngàn vạn nét đẹp của Phaolô mãi mãi được hát lên như một bài ca khải hoàn “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô?  Phải chăng là gian truân, bắt bớ, đói khát, trần truồng, nguy hiểm, gươm giáo?…  Vì tôi thâm tín rằng sự chết hay sự sống, dù thiên thần hay thiên phủ, dù hiện tại hay tương lai, hay bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ tạo vật nào khác, không có gì có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu Thiên Chúa thể hiện cho chúng ta trong Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (Rm 8,35-39).

Hai vị Thánh Tông Đồ có chung một lòng mến, một niềm tin và một khát khao nên thánh.  Cả hai vị đều có những lầm lỗi và yếu đuối.  Và cả hai đều hối hận, đều yêu mến Chúa thật tình.  Chúa đã gọi và chọn hai vị làm Tông Đồ.  Nhân danh và nhờ quyền năng Chúa Giêsu Kitô, hai vị đã làm được nhiều phép lạ.

Phêrô cùng với Gioan chữa lành một người què từ lúc lọt lòng mẹ vẫn ngồi ăn xin ở Cửa Đẹp Đền Thờ (x. Cv 3, 7 – 9 ); Phêrô làm cho người chết sống lại (x. Cv 9, 40 – 42); Phêrô chữa nhiều người đau ốm bệnh hoạn mà dân chúng khiêng họ ra tận đường phố để khi Phêrô đi qua, ít ra cái bóng của ông phủ lên một bệnh nhân nào đó, và tất cả đã được chữa lành (x. Cv 5, 15 – 16)…

Phaolô đã chữa lành một người bẩm sinh bị bại chân tại Lítra (x. Cv 14, 8 – 10).  Phaolô cũng làm cho một người đã chết sống lại (x. Cv 20, 9 – 12).  Sách Công Vụ Tông Đồ cho biết Phêrô bị bắt giam trong ngục, đã được Chúa sai thiên sứ đến cứu thoát khỏi tay vua Hêrôđê (x. Cv 12, 1–11).  Cả hai vị được đầy quyền năng và vinh quang trước mặt người đời.

Cuối cùng hai vị cũng bị bắt và chịu chết vì Danh Đức Giêsu Kitô.  Cả hai vị đã bằng lòng hy sinh đến giọt máu cuối cùng để làm chứng cho Đức Giêsu Phục Sinh.  Hai vị đã trở nên trụ cột của Giáo Hội.  Phêrô là Anh Cả, đứng đầu Tông Đồ Đoàn.  Phaolô là Tông Đồ Dân Ngoại.  Hai vị có tính tình khác nhau, trình độ văn hóa khác nhau, khả năng làm việc khác nhau, nhưng lại cùng hoạt động, cùng xây dựng Nước Chúa.  Những khác biệt của hai vị là để bổ túc cho nhau, giúp đỡ nhau, cùng nhau thăng tiến trong sứ vụ Tông đồ.  Trên “tảng đá Phêrô” và “cột trụ Phaolô,” Giáo Hội Chúa Kitô bền vững và phát triển đến thiên thu vạn đại.

Sự nghiệp Tông đồ tiếp bước Chúa Kitô, hai vị hiệp nhất trong cùng một lòng chân thành tuyên xưng, hiệp nhất trong một tâm huyết nhiệt thành rao giảng để rồi mãi mãi hiệp nhất trong cùng một đức tin minh chứng.  Mặc dù có nhiều khác biệt về thành phần bản thân, về ơn gọi theo Chúa về hướng truyền giáo, nhưng cả hai vị đã tạo nên sự hiệp nhất trong đa dạng.  Hiệp nhất là một công trình được xây dựng với nhiều nỗ lực của con người dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Linh.  “Khác nhau trong điều phụ, hiệp nhất trong điều chính, yêu thương trong tất cả,” đó là khuôn vàng thước ngọc cho tinh thần hiệp nhất trong Giáo hội.

Lm Giuse Nguyễn Hữu An