KIÊN TRUNG TRONG THỬ THÁCH

Bài Tin Mừng được đọc trong Thánh lễ hôm nay diễn tả những cung bậc cảm xúc đối lập nhau nơi những người đồng hương của Chúa Giêsu: ban đầu là những lời trầm trồ thán phục, sau đó là những lời chê bai đàm tiếu, và cuối cùng là sự hằn học phẫn nộ của dân chúng, đến mức họ định sát hại Chúa Giêsu bằng việc xô Người xuống vực thẳm.  Xen kẽ giữa những cảm xúc đó là lời tuyên bố mạnh mẽ của Chúa Giêsu để khẳng định sứ vụ thiên sai của Người.  Hai sự kiện có liên quan đến ngôn sứ Elia và Elisê được Chúa trích dẫn để cho mọi người lúc đó thấy, không chỉ những người Israel mới được đón nhận tình thương của Thiên Chúa, nhưng bất kể người nào, khi họ thành tâm thiện chí thực hiện những điều Chúa dạy, đều có thể được Ngài cứu độ.  Qua những lời tuyên bố này, Chúa Giêsu khẳng định, Người có sứ mạng mang ơn Cứu độ đến cho muôn dân.  Chúa cũng muốn minh chứng, Người là vị Ngôn sứ đích thật.

Thân phận của các ngôn sứ trong Cựu Ước thường bị bạc đãi và chống đối.  Giêrêmia là một ngôn sứ thi hành sứ mạng trong một bối cảnh rất phức tạp về mặt tôn giáo, chính trị và xã hội, vào thế kỷ thứ VI trước Công nguyên.  Ông đã gặp nhiều đau khổ, vì bị nghi kỵ, chống đối và ngược đãi.  Chúa đã khích lệ ông và bảo đảm với ông: “Chúng sẽ giao chiến với ngươi nhưng không làm gì được, vì có Ta ở với ngươi để giải thoát ngươi.”  Chúa đã giữ lời hứa với vị Ngôn sứ, giúp cho sứ mạng của ông sinh hoa kết trái.  Những lời Chúa phán với ông Giêrêmia cho thấy sức mạnh của vị ngôn sứ không đến từ người đời, cũng không đến từ sự khôn ngoan cá nhân, nhưng đến từ Thiên Chúa.  Nhờ sức mạnh của Chúa, các ngôn sứ có thể đương đầu với những thế lực trần gian, thậm chí cả các vua chúa đầy quyền lực.  Giêrêmia đã làm điều đó đối với triều đình vương quốc Giuđa, vào thời điểm dân Do Thái sắp bị bắt đi lưu đày ở Babilon.  Mặc dù tiếng nói của ông không được triều đình đón nhận, ông vẫn can đảm chuyển tải thông điệp của Chúa.

Giêrêmia là một vị ngôn sứ thi hành sứ mạng trong đau khổ nhưng vẫn kiên cường.  Đức Giêsu thi hành sứ mạng thiên sai bằng con đường thập giá nhưng vẫn vâng lời Chúa Cha.  Người tín hữu chúng ta cũng là những ngôn sứ giữa lòng cuộc đời.  Những ai muốn sống Đức tin, đều phải trải qua những hy sinh sóng gió.  Đó là lời phê phán từ những người xung quanh.  Đó cũng là chính sự yếu hèn nhụt chí nơi bản thân mỗi người.  Người tín hữu sống trong Giáo Hội không phải là khách qua đường, dửng dưng, bàng quan với những gì đang diễn ra trong cộng đoàn Đức tin.  Trái lại, họ được mời gọi và có bổn phận phải gắn bó với Giáo Hội địa phương, để thi hành những nhiệm vụ Chúa trao qua Bí tích Thánh tẩy, tức là nhiệm vụ ngôn sứ, tư tế và vương đế.  Người tín hữu tin tưởng phó thác nơi Chúa sẽ kiên vững trước dư luận của người đời.  Họ không sống theo dư luận của đám đông quần chúng, nhưng lấy Lời Chúa làm kim chỉ nam cho cuộc đời, vì Lời Chúa đem lại cho con người hạnh phúc đích thực.

Người tín hữu có thể sống Đức tin và giới thiệu Chúa cho người khác một cách đơn giản, đó là thực thi đức ái.  Thánh Phaolô, trong Bài đọc II, đã diễn tả rất chi tiết hoa trái của lòng mến.  Đoạn trích thư gửi tín hữu Côrinhtô hôm nay là một trong những áng văn chương tuyệt vời của Tân ước, được gọi là “Bài ca đức mến.”  Đức mến là điều kiện cần thiết làm cho những việc làm của chúng ta có giá trị, là nền tảng của trọn vẹn cuộc sống, và là động lực thúc đẩy mọi hành động của chúng ta.  Đức mến giúp con người nên hoàn thiện và sống lạc quan yêu đời trong một xã hội còn nhiều bất trắc.  Thiếu đức mến, dù có hoạt động lao tâm khổ tứ đến mấy cũng là vô ích.  Đức mến vừa đem lại sự thanh thản trong tâm hồn, vừa giúp ta sống khỏe thân xác.  Tác giả đã gọi việc thực thi đức mến là “con đường trổi vượt hơn cả” để trở nên người Kitô hữu đích thực.  Nội dung của Bài đọc II cần được đọc và suy tư nghiêm túc để có thể áp dụng trong đời sống Kitô hữu, giúp chúng ta sống vui, sống khoẻ và hạnh phúc.  Thiếu đức mến, dòng sông cuộc đời ngừng trôi và đô thị sẽ trở thành sa mạc.  Đức mến giúp người tín hữu vượt lên những khác biệt, để cùng chung tay với đồng bào xây dựng cuộc sống nhân ái hài hoà hơn.

“Con ẩn náu bên Ngài, lạy Chúa. Xin đừng để con phải tủi nhục bao giờ.  Xin Ngài nên như núi đá cho con trú ẩn.”  Trong những ngày chuẩn bị đón xuân Nhâm Dần, chúng ta hợp lời với tác giả Thánh vịnh dâng lên Chúa tâm tình phó thác cậy trông.  Một năm mới đang đến với nhiều âu lo nhưng cũng chan chứa hy vọng.  Đức tin khẳng định: chính Thiên Chúa là hy vọng của chúng ta.  Quyền năng và tình thương của Ngài sẽ giúp chúng ta sống trong an bình hạnh phúc, nếu chúng ta kiên trung trong thử thách và luôn tín thác nơi Ngài.

TGM Giuse Vũ Văn Thiên