TẠ ƠN LÀ MỘT TÂM TÌNH

ZZMỗi mùa Lễ Tạ Ơn, Thanksgiving, người ta hay nhắc đến chuyện người phung cùi trở lại cám ơn Ðức Kitô trong Phúc Âm Luca.

Trên đường lên Jêrusalem, Ðức Giêsu đi ngang qua biên giới giữa hai miền Samaria và Galilêa.  Lúc Người vào một làng kia, thì có mười người phung cùi đón gặp Người.  Họ dừng lại đàng xa, và kêu lớn tiếng:  “Lạy Thầy Giêsu, xin dủ lòng thương chúng tôi.”  Thấy vậy, Ðức Giêsu bảo họ:  “Hãy đi trình diện với các tư tế.”  Ðang khi đi thì họ được sạch.  Một người trong bọn họ thấy mình được khỏi liền quay trở lại lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa.  Anh ta sấp mình dưới chân Ðức Giêsu mà tạ ơn.  Anh ta lại là người Samari.  Ðức Giêsu mới nói: “Không phải cả mười người đều được sạch sao?  Thế thì chín người kia đâu?  Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa mà chỉ có người ngoại bang này?” (Lc. 17: 11-19).

Tôi nghĩ câu chuyện tạ ơn của người phung cùi không dừng lại ở đây.  Không dừng lại ở lời tạ ơn Chúa mà thôi.  Nó gọi ta đến một đường cong sâu hơn và xa xôi hơn.  Tạ ơn là tâm tình đòi hỏi một tấm lòng.  Tâm tình này là bản phiên dịch của một nội tâm.  Chính bản phiên dịch nội tâm này nói trung thực cho ta biết mình là ai.

Tôi muốn nhìn vào nội tâm người phung cùi, để đi tìm chiều kích lời tạ ơn của anh ta với Ðức Kitô. Nó đến từ một đường cong sâu xa nào?

Bối cảnh văn hóa, tôn giáo, lịch sử.

Người Do Thái trong thời Chúa Giêsu không chấp nhận những người phung cùi sống trong làng.  Họ phải sống cô lập ngoài sa mạc, xa xôi ngoài cánh đồng.  Khi gặp Ðức Giêsu, họ cũng đứng “từ đàng xa” chứ không dám lại gần.  Họ bị coi là những kẻ tội lỗi, bị Thiên Chúa giáng án phạt.  Hiểu như thế mới thấy nỗi cô đơn của kẻ mang bệnh tật này.  Trong thời đại ấy, người Do Thái cũng không chấp nhận chung sống với người ngoại giáo.  Họ đối nghịch đến độ thù hận nhau.

Cộng đoàn những người cùi.

Theo mạch văn của đoạn Kinh Thánh, Chúa hỏi: “Còn chín người kia đâu.”  Như vậy chín người kia cộng với anh cùi đến tạ ơn Chúa, tất cả mười người.  Tại sao có mặt người cùi ngoại giáo trong cộng đoàn những người cùi Do Thái?  Tại sao những người cùi Do Thái lại để người cùi xứ Samaria theo mình nhập bọn?  Ðoạn Kinh Thánh trên tường thuật là “một người trong bọn họ.”  Cụm từ “một người trong bọn họ.”  Cho thấy chín người Do Thái Giáo và một người Samaria đã sống chung, đi chung một con đường, là một cộng đoàn.

Chuyện này dường như cũng không xa lạ giữa hoàn cảnh xã hội hôm nay.  Trong những hành trình gian khổ, dường như người ta vượt qua mọi biên giới để sống với nhau.  Có những tình nghĩa vợ chồng, khi nghèo khó, họ sống đời đùm bọc nhau.  Cùng nhau đẩy chiếc xe đạp chở ngô khoai.  Cùng nhau chèo một con đò, buôn thúng bán bưng nuôi con.  Rồi có thể họ mất nhau khi mỗi người có một địa vị, một công ty riêng.  Lúc lâm nạn, người ta vượt qua biên giới chủng tộc, tôn giáo, để cứu nhau. Rồi người ta xây nên những thành trì, những bức tường tôn giáo khi người ta có đền thờ riêng.

Tại sao trong cộng đoàn mười người cùi này lại có một người ngoại giáo.  Tại sao họ chung sống với nhau?

Khổ đau dường như có một giá trị rất sâu trong câu chuyện này.  Rất nhiều trường hợp, khi hết yếu đuối, hết nghèo khó, họ xa nhau.  Trên đường đi tạ ơn này, chín người kia đi về một phía, người Samaria đi về một phía.  Không còn một cộng đoàn những người cùi khác tôn giáo.

Với chín người cùi, họ có thể liên kết lại để cô lập người cùi Samaria.  Nhưng ở đây, họ chung sống, chấp nhận người cùi khác tôn giáo này.  Dường như trong cô đơn tận cùng vì bị xã hội chối bỏ, họ được đốt cháy hết những địa vị, tên gọi, và khi được bóc trần đến phẩm giá sau cùng, họ thấy họ giống nhau ở một tên gọi duy nhất là làm người.

Giá trị cùng đích sau hết vẫn là: Làm người.

Dường như tôn giáo cũng rất cần luôn luôn được thanh tẩy để khỏi bám bụi.  Những giá trị ngoài nhân đức như đền thờ, tổ chức, ảnh hưởng, rất có thể đưa con người xa cách nhau.

Mọi tôn giáo đều tìm cách dạy con người ý nghĩa của cô đơn, đau khổ.  Nhưng ý nghĩa đẹp nhất của đau khổ và cô đơn lại là vượt qua mọi tôn giáo để đùm bọc nhau cho con người bớt cô đơn và đỡ khổ đau.

Rồi tình yêu cũng thế.  Tình yêu cũng cần thanh tẩy.  Những giá trị ngoài nhân đức như nhan sắc, địa vị, vàng bạc, rất có thể sẽ đưa con người xa cách nhau.  Trong đời sống, ai cũng cần chịu ơn nhau.

Phải nghèo một chút để biết xin.

Phải yếu một chút để biết nương tựa.

Nhìn lại, người cùi xứ Samaria, trong “bọn họ”, anh ta là thiểu số, anh chỉ có một thân, một mình.

Tôi nghĩ anh ta trở lại tạ ơn Thiên Chúa vì đời anh quen tâm tình tạ ơn rồi.  Ngay những ngày sống chung với chín người kia, biết mình thiểu số mà được chấp nhận, anh ta đã sống lòng biết ơn đó.  Tạ ơn là một bản phiên dịch nội tâm của anh.

Câu chuyện cộng đoàn mười người cùi được chữa lành rất đẹp vì họ đã sống với nhau.  Nếu sau khi được chữa lành, tất cả đều trở lại tạ ơn Thiên Chúa thì câu chuyện kết thúc quá lý tưởng.  Tại sao chín người kia không trở lại?

Rất có thể chín người kia không quen tâm tình tạ ơn.  Rất có thể họ chấp nhận người cùi Samaria như là cho ơn hơn là lãnh nhận.

*********************

Tôi thụ phong linh mục năm 1989.  Cũng năm này tôi được gởi qua trại Palawan, Philippines giúp đồng bào tỵ nạn.  Những ngày đó, chúng tôi đã có những kỷ niệm đẹp, tôi đã viết bài “Palawan Mùa Phật Ðản”, năm 1992, đăng trong báo Ðường Sống.

Năm 1995 tôi rời trại tỵ nạn.  Tôi xa khúc đường trong trại, một bên có hương trầm nhà Chùa, một bên có tiếng chuông nhà Chúa.  Rồi một hôm, mười năm sau, kỷ niệm lại về như nghe tiếng mõ tụng kinh quen thuộc ngày nào đó, bên Chùa.  Ðó là vào ngày 28 tháng 12 năm 2004.  Sau lễ Giáng Sinh, tôi đang giúp tĩnh tâm cho cộng đoàn các Sơ Ðaminh Việt Nam ở Houston.  Tôi nhận được một lời nhắn trong chiếc phôn cầm tay:

Dạ, kính linh mục Nguyễn Trọng Tước.

Ðây tôi là Thích Thông Ðạt từ San Jose gọi chúc mừng trong mùa Giáng Sinh với New Year.  Chúc mừng linh mục dồi dào sức khỏe.  Happy Merry Christmas.  Happy New Year.  Dạ, kính linh mục.  Khi nhận được message xin cho gặp số phôn 408-926-1998.  Kính chúc mừng linh mục trong mùa Chúa Giáng Sinh cũng như đầu năm mới.

Kính linh mục.

Tôi hết sức ngạc nhiên.  Một Thầy bên Chùa đã mười năm xa cách.  Từ ngày Thầy rời trại tỵ nạn Palawan, bằng ấy năm không hề gặp lại nhau.  Mười năm không liên lạc.  Bỗng dưng Thầy tìm phôn gọi tôi, vì Thầy muốn chúc mừng ngày Chúa Giáng Sinh.  Những kỷ niệm xa xưa.

Kính Thầy Thông Ðạt,

Những ngày ở trại tỵ nan, những ngày ấy chúng ta có nhiều kỷ niệm quá nhỉ.  Vào mùa Phật Ðản và Giáng Sinh, năm nào chúng ta cũng có những món nợ.  Chúng ta cho nhau mượn cái trống, mấy sợi giây đèn.  Các em Thiếu Nhi cho nhau mượn mấy mét vải, cái đầu lân để làm văn nghệ.  Chúng ta đã nợ nhau tình thương mến.

Thời gian đã xa xôi quá, như đang xóa nhòa dần đi.  Bỗng dưng mười năm sau, Thầy tìm điện thoại, gọi chúc mừng ngày Chúa Giáng Sinh.  Mười năm là thời gian dài lắm đó Thầy ạ.  Thế là tôi lại “nợ” Thầy.

Thánh Phaolô đã căn dặn các tín hữu của ngài: “Các con hãy nợ nhau tình thương mến” (Rom. 13: 8).  Bây giờ chúng ta đã xa những ngày tỵ nạn cho nhau mượn cái bát, tô cơm.  Thầy Thông Ðạt có thể nay đã có chùa riêng, có đoàn Phật Tử đông đảo.  Chả ai phải mượn ai.  Chùa của Thầy chăng rợp hoa đèn ngày lễ.  Chả ai cần ai.  Thầy gọi điện không là để mượn gì cả, cũng chẳng hỏi tôi có mượn cái đầu múa lân không, chỉ để chúc mừng ngày Chúa Giáng Sinh.  Thầy gọi điện vì nhớ về khung trời tỵ nạn có những kỷ niệm bên bờ đời sống.  Tình thương mến.

Có những cặp vợ chồng nay mỗi người là một giám đốc.  Chẳng ai phải nhờ ai.  Có những anh em, không ai phải cậy ai.  Xa những ngày nghèo túng rồi.  Không ai phải dựa ai.  Ðầy đủ.  Mà sao cứ như có nỗi vắng trong lòng.

Hay là người ta thiếu nhau món nợ tình thương mến?

Lm Nguyễn Tầm Thường, S.J. – Trích tập suy niệm Ðường Ði Một Mình

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *