ĐÔI BẠN CHÂN TÌNH

Không dễ gì kiếm được một người bạn.  Người bạn đem lại nguồn an ủi, cơ hội và niềm vui lớn lao.  Tình bạn có thể chia sẻ và hi sinh tất cả cho nhau.  Thử tưởng tượng thế giới sẽ ra sao nếu vắng hẳn tình bạn.  Về một phương diện, tình bạn còn quan trọng hơn mọi thứ tình yêu khác.  Vả lại, thường tình yêu cũng bắt đầu bằng tình bạn và lớn lên trong tình bạn.  Tình bạn đẹp đến nỗi Đức Giêsu cũng muốn nói lên một sự thật: “Anh em là bạn hữu của Thầy” (Ga 15:14).

TRI ÂM

Đức Giêsu muốn yêu thương con người bằng một tình bạn thắm thiết.  Người không muốn có một cách biệt quá xa như chủ tớ, mặc dù giữa Người và nhân loại khoảng cách còn xa hơn ngàn lần.  Nhưng tương quan phải thật gần gũi mới cảm thấu được tình yêu sâu đậm dành cho nhau.  Người như quên tất cả địa vị của mình.  Làm sao một tạo vật như chúng ta có thể dám mơ ước trở thành người bạn tri âm của Thiên Chúa?  Nhưng Người từng tâm sự: “Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm.  Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu” (Ga 15:15).  Như thế, con người đã được nâng lên hàng bạn thân của Chúa.  Nếu cứ để nhân loại trong hàng nô lệ hay tôi tớ, làm sao Thiên Chúa bắc nổi nhịp cầu tri âm?  Một khi đã coi các môn đệ là tri âm, Đức Giêsu đã chia sẻ cho họ sự hiểu biết về Chúa Cha (Ga 14:20).  Như thế Người đã làm cho họ mãn nguyện.  Người đã có thể tâm sự sâu xa với họ về cái chết của Người cho toàn thể nhân loại.  Vì yêu thương, Người đã săn sóc họ tận tình, đến nỗi đã quì xuống rửa và hôn chân họ.  Đó là một bài học nhưng cũng là dấu chỉ báo trước sự hi sinh cực kỳ sâu xa.  Cúi xuống thật sâu để nâng họ lên ngang hàng với mình.  Một khi đã được nâng lên, họ hoàn toàn được tin tưởng và ủy thác tất cả sứ mạng cứu độ muôn dân.  Chính trong tình yêu, Thầy đã “cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái và hoa trái của anh em tồn tại” (Ga 15:16).

Muốn thế, trước tiên các môn đệ phải được giải thoát khỏi ách nô lệ tội lỗi.  Đó là một hồng ân cao cả, là điều kiện tối thiểu để có thể đi sâu vào tình yêu Thiên Chúa.  Chỉ vì yêu thương, Thiên Chúa đã ban tặng một giá trị và địa vị tuyệt vời cho nhân loại.  Trong tương quan này, Thiên Chúa đã trao hiến một cách vô thường.  Không thể tìm đâu một sự trao hiến kỳ diệu hơn thế.  Quả thực, nơi thập giá, Đức Giêsu cho thấy “không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hi sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15:13).  Họ đáng hưởng tình yêu cao cả đó, vì đã được nâng lên hàng tri âm của Chúa.  “Những bạn hữu của Đức Giêsu là những người có quan hệ gắn chặt với Chúa (Ga 13:23 tt; 19:26; 11:3).  “Mình với ta tuy hai mà một.”  Họ sung sướng vì được trở nên “đồng thừa kế với Đức Kitô” (Rm 8:17).  Như thế, họ là những người đặc biệt đón nhận mạc khải về Chúa Cha và được kết hiệp bằng những mối ràng buộc trong ‘nhà’ Thiên Chúa (Ga 14:20).  Họ có thể đi lại tự nhiên và hưởng dùng mọi thứ trong ngôi nhà đó, vì từ đây “tất cả những gì của Cha là của con” (Lc 15:31).

Hạnh phúc đó vượt quá lòng mong đợi của các môn đệ.  Chính nhờ hạnh phúc đó mà “niềm vui của anh em được nên trọn vẹn” (Ga 15:11).  Muốn niềm vui trọn vẹn, phải “ở lại trong tình thương của Thầy” (Ga 15:9).  Nếu không, sự chia cắt sẽ gây nên nhức nhối.  Cả Thầy lẫn môn đệ đều không vui.  Chính Đức Giêsu cũng chỉ giữ được niềm vui trọn vẹn với Chúa Cha, nếu “ở lại trong tình thương của Người” (Ga 15:10).  Tình yêu là giây nối kết bền vững giữa Chúa Cha và Đức Giêsu, giữa Đức Giêsu và các môn đệ.  Tình yêu đó không phải là một thứ lượm ngoài đường, nhưng phải là kết quả của mồ hôi nước mắt khi nỗ lực “giữ các điều răn của Thầy” (Ga 15:10).  Điều răn của Thầy không phức tạp và khó khăn như luật lệ Do thái hay dân ngoại.  Rất đơn giản.  “Đây là giới răn của Thầy: “anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15:12).  Nghĩa là, thực tế “Thầy yêu thương anh em đến nỗi thí mạng vì anh em.  Đến lượt anh em cũng phải thí mạng cho nhau.”  Đó là mức hi sinh lớn lao do tình yêu đòi hỏi.  Không hi sinh, chắc chắn không thể có tình yêu.  Đó là mức đo tình yêu Đức Giêsu đối với Chúa Cha, và tình yêu môn đệ đối với Đức Giêsu.

Trong tình yêu, Thiên Chúa luôn đưa ra sáng kiến trước.  Ngươi làm tất cả để chiếm đoạt trái tim con người.  Người muốn gần gũi như bạn tri âm, để nói cho biết về lòng hăng say hăm hở lùng kiếm tình yêu như thế nào.  Nhưng trong rừng người trước mặt, tại sao chỉ có một số được tuyển chọn?  Lọt vào mắt xanh của Chúa, quả thực là một đại phúc.  “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em” (Ga 15:16).  Họ không được tuyển chọn để sống một mình, nhưng để sống thành cộng đoàn.  Ơn gọi và sứ mệnh Kitô hữu luôn đòi phải sống trong tương quan với người khác.  Đó là lý do tại sao Đức Giêsu phải lên tiếng: “Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau” (Ga 15:17).

SỨC MẠNH TRI ÂM

Đức Giêsu đã xác định rõ tương quan bằng hữu giữa Người và các môn đệ.  Kitô hữu có nghĩa là người bạn của Chúa Kitô.  Một khi đã tâm đầu ý hợp, tình tri âm này sẽ biến thành một sức mạnh vạn năng, đến nỗi “tất cả những gì anh em xin cùng Chúa Cha nhân danh Thầy, thì Người ban cho anh em” (Ga 15:16).  Từ đầu, nhờ nên một với Đức Giêsu, Giáo hội đã cầu xin Chúa Cha ban Thánh Linh mở rộng sứ mạng truyền giáo cho Dân Ngoại.  Chúa Cha đã nhận lời.  Thánh Linh chính là tình yêu, một “tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa” (1 Ga 4:7).  Hơn nữa, “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4:8).  Do đó, tình yêu không biết đến bất cứ ranh giới nào.  Tình yêu đã được thể hiện một cách vô cùng mãnh liệt khi Thiên Chúa “sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta” (1 Ga 4:10).  Thiên Chúa cũng không ra khỏi định luật đòi hỏi của tình yêu: HI SINH.

Chính vì hi sinh lớn lao đó, Giáo hội mới có khả năng đến với muôn dân.  Trên bước đường đến với muôn dân, Giáo hội luôn bị cám dỗ co cụm lại chính mình.  Trong Giáo Hội tiên khởi, những tín hữu thuộc giới cắt bì đã trở thành kỳ đà cản mũi.  Nếu Thánh Linh không can thiệp, chắc chắn không ai có thể dẹp nổi những não trạng cục bộ đó.  Thực tế, “những tín hữu thuộc giới cắt bì đều kinh ngạc vì thấy Thiên Chúa cũng ban Thánh Thần xuống trên cả các dân ngoại nữa” (Cv 10:45).  Giáo Hội đã có đà phóng tới.  Cái nhìn Giáo Hội đã mở rộng đến nỗi thánh Phêrô có thể cả quyết: “Hễ ai kính sợ Thiên Chúa và ăn ngay ở lành, thì bất cứ họ thuộc dân tộc nào, cũng đều được Người tiếp nhận” (Cv 10:35).  Không phải tới công đồng Vatican II, Giáo Hội mới khám phá ra các thánh ngoại giáo.  Ngay từ đầu, Thánh Linh đã cho thấy những khuôn mặt hết sức dễ thương trong cộng đồng dân ngoại.

Tuy thế, tới nay cám dỗ vẫn còn đó.  Giáo Hội vẫn luôn luôn phải đương đầu với những thứ kỳ đà cản mũi.  Ngay trong cộng đồng dòng tu, vẫn có những cơ cấu hay con người bảo vệ một thứ quyền lợi riêng tư nào đó.  Chẳng hạn, có những tỉnh dòng Đa Minh chỉ nhận những người gốc Ái Nhĩ Lan.  Có những tranh chấp lớn nhỏ giữa triều và dòng khắp nơi trong Giáo Hội.  Tại sao Giáo Hội lại đánh mất tính phổ quát ngay chính nơi cần phải làm chứng đặc tính Công giáo hơn bất cứ nơi nào?  Một tình yêu đánh mất chiều kích vô biên, có còn phát xuất từ Thiên Chúa không?  Nếu không phát xuất từ Thiên Chúa, tình yêu đó làm chứng cho cái gì?

Thế nên, Giáo Hội vẫn cần đến Thánh Linh để canh tân chính mình hầu xứng đáng là bạn tri âm của Chúa.  Chỉ trong tình tri âm với Chúa, Giáo Hội mới có thể nghe được tất cả mạc khải về tình yêu và nói về tình yêu cho người khác.  Giáo Hội đang mất thế đứng tại nhiều nơi trên thế giới vì đã bị những quyến rũ của quyền bính kéo Giáo Hội xa lìa mối tình tri âm đó.  Hơn lúc nào, cần phải cầu nguyện cho Giáo Hội, một người bạn tình của Chúa!

Như Hạ, OP