Nghi thức tuần thánh khởi đầu bằng một cuộc kiệu Lá để tưởng niệm việc Chúa Giêsu vào thành Giê-ru-sa-lem. Một cuộc kiệu tưng bừng tiếng tung hô: “Hoan hô thái tử nhà Đa-vít! Chúc tụng Vua Ít-ra-en,” nhưng lại nhuốm buồn vì liền ngay sau đó chúng ta được nghe trình thuật về cuộc thương khó của Chúa. Trong suốt Tuần Thánh này, có ba cuộc kiệu như thế. Hai cuộc kiệu còn lại vào chiều thứ Năm tuần thánh – kiệu Mình Thánh Chúa, và Đêm Vọng Phục Sinh – kiệu Nến Phục Sinh. Những cuộc kiệu trong khung cảnh cuộc thương khó vừa mở ra trước mặt chúng ta một con đường, vừa như là một nhắc nhớ: đằng sau buồn thương có niềm vui cứu độ, qua khổ nạn sẽ là Phục Sinh.
Đường đưa tới vinh quang
Bài thương khó theo thánh Mát-thêu đã gợi lên những hình ảnh xem ra hoàn toàn trái ngược với cuộc khải hoàn vào thành Giê-ru-sa-lem. Thật vậy, việc Chúa được dân chúng tung hô đón rước khi Ngài vào thành thánh chỉ là hình ảnh báo trước vinh quang đích thực Ngài sẽ nhận được khi Chúa Cha cho Ngài sống lại từ cõi chết. Nhưng để được vinh quang ấy, Đức Giêsu phải đi vào con đường khổ nạn, phải tự hiến mình làm hy lễ dâng lên đẹp lòng Cha.
Rất nhiều lần chiêm ngắm bức ảnh Chúa hấp hối, chúng ta thấy được gì phía sau hình ảnh một Chúa Giêsu đẹp đẽ uy nghi quì gối bên một phiến đá dưới ánh trăng vàng đầy thơ mộng? Chúng ta có nhận thấy một Đức Kitô đang gập mình xuống đất, oằn oại trong cơn khủng hoảng vượt quá sức mình? Chúng ta có hiểu được lời Ngài thổ lộ với các môn đệ: “Tâm hồn Thầy buồn đến chết được” (Mt 26, 38) và cả tiếng kêu thống thiết trên thập giá: “Lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” (Mt 27, 46).
Nỗi đắng cay như vây kín và xiết chặt lấy Ngài, đắng cay của người bị bạn mình phản bội, của Thầy bị môn đệ chối từ và bỏ rơi, của Đấng cứu tinh bị dân mình loại trừ. Tất cả đều do sự ích kỷ, lòng kiêu căng và nỗi tham vọng của con người. Thân xác Chúa khổ sầu đến nỗi mồ hôi máu đổ ra và tâm hồn Ngài gần như tan nát không phải vì những roi đòn và nhục mạ, nhưng chính là gánh nặng của tội lỗi nhân loại. “Người đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta, đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta” (Is 53, 4).
Qua khổ nạn mới đến Phục Sinh. Đó chính là chương trình mầu nhiệm của Thiên Chúa, nhờ đó Chúa Cha và Chúa Con được tôn vinh. Còn trong thực tế cuộc sống, có nhiều người lại muốn đạt đến vinh quang bằng những con đường ngắn nhất và dễ nhất. Cuối cùng, những gì mà họ có được chỉ là hư ảo, tầm thường nhất và cũng mau qua nhất.
Đường nở hoa tình yêu
Đức Giêsu chịu chết khổ hình nhằm cứu chuộc nhân loại và cũng để tôn vinh Thiên Chúa Cha. Nhiều khi ta tự hỏi: có cần phải như thế với một Thiên Chúa quyền năng? Hẳn rằng điều làm cho Hiến Lễ Thập Giá của Đức Giêsu trở nên có giá trị và đem lại ơn Cứu Độ không phải là đau khổ hay sự chết, mà là tâm tình vâng phục trong yêu mến đối với Chúa Cha; nhưng chính đau khổ và Thập Giá lại là cách thế diễn tả tâm tình đó thật tuyệt vời.
Sự vâng phục yêu mến của Đức Giêsu đã được I-sai-a báo trước qua hình ảnh người tôi trung: “Đức Chúa là Chúa Thượng đã mở tai tôi, còn tôi, tôi không cưỡng lại, cũng chẳng tháo lui” (Is 50, 5). Còn thánh Phao-lô đã ca ngợi: “Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2, 7 – 8). Lời cầu nguyện của Đức Giêsu thưa với Chúa Cha trong vườn cây Dầu đã nói lên tất cả sự vâng phục yêu mến: “Lạy Cha, nếu con cứ phải uống chén này mà không sao tránh khỏi, thì xin vâng ý Cha” (Mt 26, 42).
Con Thiên Chúa đâu có lạ gì với những đau khổ của phận người khi bước vào trần gian. Đứng trước con đường khổ nạn, Ngài không hỏi tại sao cũng chẳng buông lời nguyền rủa, nhưng Ngài đã bước đi và đi tới cùng với tất cả tình yêu, tình yêu thật lớn lao dành cho Cha và nhân loại, và lập tức bao nhiêu đau khổ kia trở nên ý nghĩa. Con đường Thập Giá bỗng nở hoa rộn ràng. Cây Thánh Giá đã trở nên lộng lẫy với vương miện tình yêu. Qua đó, Đức Giêsu cũng dạy cho con người một bí quyết để sống hạnh phúc, để có hòa bình: Tình yêu và tha thứ.
Như thế, con đường mà Phụng Vụ Tuần Thánh đang mở ra cho chúng ta chẳng phải là “con đường có lá me bay, chiều chiều ta lại cầm tay nhau về,” nhưng là con đường đã in dấu chân, đã thấm mồ hôi và đã mang cả trái tim của Thầy Giêsu – Con Đường Thập Giá.
Cùng Chúa ta lên đường
Lời Chúa hôm nay muốn đưa chúng ta vào mầu nhiệm thánh giá của Đức Giêsu không phải để gợi lên trong ta niềm thương cảm đau xót, nhưng là muốn mời gọi chúng ta hãy can đảm bước theo Đức Giêsu trên con đường thập giá. Rước lá đi theo Chúa trong vài giờ là điều dễ. Theo Chúa giữa lúc Ngài được tung hô, chẳng khó khăn gì. Nhưng tiếp tục theo Ngài và ở lại khi Ngài bị mọi người bỏ rơi, điều đó khó hơn nhiều.
Pascal đã nói: “Chúa Giêsu sẽ còn hấp hối đến tận thế.” Mỗi năm có hàng triệu thai nhi bị loại khỏi lòng mẹ một cách bất công. Và còn bao nhiêu người đang ở trong điều kiện sống chẳng xứng với phẩm giá của mình. Đó chính là Đức Kitô đang hấp hối giữa thế giới hiện đại. Chúng ta vẫn gặp những Kitô hữu đang bị lo lắng, buồn rầu, ấm ức… dày vò nghiền nát. Đó chính là Đức Kitô đang hấp hối trong nhiệm thể Ngài. Và chính đời sống chúng ta nhiều khi cũng nhuốm phiền muộn, bất an, lo sợ, nghi ngại và xáo trộn. Nếu ta biết đón nhận với lòng khiêm tốn và tình yêu để cứu rỗi thế gian thì trong ta, Đức Kitô cũng đang tiếp tục hấp hối và thân thưa với Chúa Cha rằng: “Xin đừng theo ý con, nhưng xin vâng ý Cha hoàn toàn.”
Đã hơn 2000 năm rồi, tất cả những gì đã xảy ra dường như vẫn đang còn diễn lại. Chúng ta vẫn đang cùng Đức Giêsu đi vào đời và ở trong đời với lý tưởng cứu thế. Chớ gì lời Đức Giêsu mời gọi: “Hãy vác thập giá mình hằng ngày” (Lc 9, 23) luôn vang vọng bên tai chúng ta mỗi khi phải đối mặt với thử thách hay khi bị lăng nhục nhạo cười… Sau khi đã hiểu thấu ý nghĩa cuộc khổ nạn của Chúa, hẳn chúng ta sẽ thấy yêu Thánh Giá của Chúa hơn, và cũng mến Thánh Giá của mình hơn, đồng thời biết kính trọng Thánh Giá của người khác nữa.
Chiêm ngắm Đức Giêsu chịu Thương Khó, có lẽ mỗi người chúng ta đều rất sốt sắng với lời hát: “Ôi bởi con mà Chúa mang thảm hình… Xin giúp con đường thiêng liêng theo lối…” Chớ gì chúng ta luôn có được tâm tình của Đức Giêsu hôm nay, để hân hoan tiến bước vào đời tiếp tục con đường nên Thánh và cứu thế của Ngài, Con Đường Tình Yêu dẫn tới Giê-ru-sa-lem Thiên Quốc.
Lm. Kiều Công Tùng