Năm nào tờ Time cũng có giải thưởng “Nhân vật của Năm.” Giải thưởng này không nhất thiết là sự vinh danh, nó được trao cho một người mà Time xem là nhân vật thu hút tin tức trong năm, dù là chuyện tốt hay xấu. Chẳng hạn như năm nay, thay vì chọn một cá nhân, Time lại chọn một nhóm người, Silence Breaker, những phụ nữ đã lên tiếng về những lần bị xâm phạm tình dục.
Một phần thách thức trong mùa Giáng Sinh là nhận ra Chúa Kitô sinh ra ở đâu trong thế giới ngày nay, là hai ngàn năm sau khi Chúa Giêsu hạ sinh chúng ta có thể tìm đâu để thăm lại hang đá Bethlehem, nhìn hài nhi vừa hạ sinh, và rung động trước uy quyền của sự ngây thơ và bất lực từ trời cao.
Mùa Giáng Sinh năm nay, tôi mong chúng ta tôn vinh những trẻ em tị nạn là “Hài Nhi của Năm.” Các em đưa chúng ta đến gần hang đá Bethlehem trong thế giới ngày nay, vì như Chúa Giêsu cách đây hai ngàn năm, các em cũng chẳng tìm được chỗ trong nhà trọ đàng hoàng.
Chúa Giêsu ra đời và chịu chết trong một nghịch lý. Ngài đến như lời đáp của Thiên Chúa cho khao khát thâm sâu nhất của chúng ta, thế mà lại sinh ra và chết đi như một kẻ ngoài cuộc. Hãy để ý mà xem, Chúa Giêsu sinh ra ở ngoại vi thành phố và cũng chết ở ngoại vi thành phố. Đây không phải chuyện tình cờ. Ngài không phải là một đứa trẻ “được chờ đợi” và cũng không “được chấp nhận.” Đức Mẹ với trái tim sốt mến thuần khiết mong chờ Ngài, nhưng thế giới thì không, ít nhất là ở khía cạnh hình hài một đứa bé vô lực. Ngài không đến trần gian như một siêu sao, một người quyền thế khiến mọi gối phải bái quỳ, Ngài không đến như một Đấng Thiên sai trong tưởng tượng của chúng ta, một Đấng mà mọi cửa nhà đều rộng mở chờ đón, không phải chỉ lúc Ngài sinh mà trong suốt cả cuộc đời của Ngài.
Nhưng Chúa Kitô không phải là Đấng Thiên sai theo kiểu chúng ta kỳ vọng. Ngài đến như một hài nhi sơ sinh, vô lực, vô danh, không có địa vị, không được mời gọi, không được chào đón. Và Thomas Merton đã mô tả việc hạ sinh của Chúa Kitô như thế này: Trong thế giới này, cái nhà trọ điên cuồng, nơi chẳng có phòng nào để sẵn cho Ngài, Chúa Kitô đã đến dù không được chào đón. Nhưng đó là bởi Ngài không thể ở trong một ngôi nhà, Ngài ở ngoài ngôi nhà dù đáng ra Ngài phải được ở trong nhà, nơi Ngài chọn lấy là ở cùng với những người không nhà.
Không có phòng cho ngài trong quán trọ! Các học giả kinh thánh cho chúng ta biết rằng những bài giảng và hình dung về những chủ quán trọ lạnh lùng nhẫn tâm đã xua đuổi Đức Mẹ và thánh Giuse, thật ra đã bỏ sót điểm nhấn của câu chuyện Giáng Sinh. Điểm nhấn mà Tin mừng muốn chỉ ra không phải là những chủ quán trọ ác độc nhẫn tâm và đôi vợ chồng nghèo từ Nazareth bị đối xử bất công. “Không có chỗ trong nhà trọ” đúng ra muốn nói đến một điểm lớn hơn nữa, mà Thomas Merton đã nêu bật rằng, không bao giờ có chỗ trong thế giới này cho Chúa Kitô đích thực, Đấng không tương hợp với những kỳ vọng và tưởng tượng của chúng ta. Chúa Kitô đích thực thường khiến tưởng tượng của ta choáng váng và xô đổ mọi kỳ vọng của chúng ta, Ngài đến mà không được chào đón, Ngài luôn ở đây, nhưng luôn ở ngoài rìa, bị những thứ chúng ta hình dung loại trừ và đuổi ra khỏi cửa. Chúa Kitô đích thực luôn mãi tìm một mái nhà trong thế giới, mà nơi đó lại không có chỗ cho Ngài.
Vậy ngày nay ai giống hình ảnh Chúa Kitô nhất? Tôi cho rằng đó chính là: Hàng triệu trẻ em tị nạn. Có thể thấy rõ Chúa Kitô Hài đồng trong vô số trẻ em tị nạn, cùng với gia đình mình, bị đuổi khỏi nhà vì chiến tranh, bạo lực, nạn đói, thanh trừng sắc tộc, kỳ thị và bách hại tôn giáo. Các em, cùng với gia đình mình, là hình ảnh giống nhất với tình cảnh của Đức Mẹ và thánh Giuse, những người chật vật tìm chỗ trú chân, những người bị đẩy ra ngoài rìa, bất lực, không được chào đón, không một mái nhà, không ai mời vào, và bị xem là những người xa lạ. Nhưng họ chính là hình ảnh của Thánh Gia ngày nay, và các trẻ em tị nạn là Chúa Kitô Hài đồng của chúng ta trong thế giới này.
Hang đá Bethlehem ngày nay ở đâu? Ta tìm Chúa Kitô Hài đồng ở đâu để tôn kính? Ở nhiều nơi lắm, có thể là trong mọi phòng sinh trên khắp thế giới, nhưng rõ ràng hơn là những trại tị nạn, trên những chiếc thuyền lênh đênh vượt Địa Trung hải, trong những đoàn người đi tị nạn trong đói khát và hiểm nguy, nơi hàng dài những đứng chờ thủ tục với mong mỏi được cho phép nhập cảnh tị nạn, nơi những người đến được đường biên giới rồi lại bị đuổi về, nơi những bà mẹ trong các nhà tù ôm con mình và hy vọng, và nhất là nơi gương mặt của vô số trẻ em tị nạn.
Gương mặt của Thiên Chúa trong mùa Giáng Sinh hiển hiện nơi sự vô lực của trẻ em, hơn là nơi những người quyền thế trong thế giới. Và ngày nay cũng vậy, nếu muốn làm như những mục đồng và ba nhà hiền triết, tìm đường đến hang đá Bethlehem, chúng ta cần phải tìm kiếm nơi có những trẻ em đang tuyệt vọng nhất.
Rev. Ron Rolheiser, OMI