HÔN ƯỚC THẦN LINH 

Sau lễ Hiển Linh và lễ Chúa Giê-su chịu phép Rửa, hôm nay, Phụng vụ lại giới thiệu với chúng ta một cuộc “thần hiện” thứ ba: đó là phép lạ tại tiệc cưới Ca-na.  Quả vậy, khi thực hiện phép lạ này, Chúa Giê-su diễn tả quyền năng thiên linh của Người, và vinh quang Thiên Chúa cũng được thể hiện qua biến cố đó.  Qua phép lạ làm cho nước biến thành rượu, Đức Giê-su khẳng định: Người đến trần gian để thiết lập một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của ân sủng và bình an.  Cũng như nước với rượu hoàn toàn khác nhau, kỷ nguyên Người thiết lập khác xa với thời của Cựu ước.

Sự kết hợp gắn bó giữa Thiên Chúa và con người được so sánh với một hôn lễ.  Cách diễn tả này đã có trong thời Cựu ước.  Thiên Chúa yêu thương con người, không phải là tình yêu của ông chủ đối với đầy tớ; cũng không như một người thợ đối với tác phẩm mình làm ra.  Thiên Chúa yêu thương con người đến “phát ghen.”  Ngài mong muốn cho con người được hạnh phúc.  Ai phản bội Ngài, cũng giống như người vợ hay người chồng phản bội bạn đời của mình vậy.  Chúng ta có thể đọc thấy điều này trong ngôn sứ I-sa-i-a và nhất là ngôn sứ Hô-sê.

“Vì ngươi sẽ được Chúa đem lòng sủng ái, và Chúa lập hôn ước cùng xứ sở ngươi.”  Bảy thế kỷ trước Chúa Giê-su, ngôn sứ I-sa-i-a đã say sưa chiêm ngắm cảnh huy hoàng của Giê-ru-sa-lem trong tương lai, khi Đấng Cứu tinh xuất hiện.  Đó cũng là lúc Ít-ra-en được phục hồi, không còn cảnh hoang tàn như xưa nữa.  Những hình ảnh được dùng để minh họa giúp chúng ta mường tượng một cuộc sống thanh bình, hạnh phúc chan hòa.  Giê-ru-sa-lem và dân tộc Ít-ra-en sẽ là niềm vui cho Thiên Chúa.

Niềm vui và vinh quang ấy đã thành hiện thực trong tiệc cưới Ca-na.  Thánh Gio-an là tác giả duy nhất thuật lại sự kiện này.  Trong tác phẩm của mình, vị tác giả này rất “tiết kiệm” khi kể lại các phép lạ.  Ông chỉ tường thuật bảy phép lạ của Chúa Giê-su mà ông gọi là “dấu lạ.”  Mỗi dấu lạ đều diễn tả một khía cạnh trong sứ vụ của Chúa Giê-su và đều kèm theo một thông điệp quan trọng.  Tác giả Phúc âm thứ bốn đã làm độc giả ngỡ ngàng khi tả lại việc Đức Giê-su và các môn đệ đi dự tiệc cưới.  Qua sự kiện này, thánh Gio-an muốn khẳng định: Đức Giê-su là Thiên Chúa mang thân phận con người.  Người là một Con Người như mọi người chúng ta, chỉ trừ tội lỗi.  Người tôn trọng tất cả những gì là tốt đẹp và hợp pháp trong cuộc sống đời thường.  Sự hiện diện của Người có sức thánh hóa mọi mối quan hệ, tình cảm và những niềm vui.  Không có điều gì thuộc cuộc sống con người mà lại xa lạ đối với Người.

Nếu thánh Gio-an diễn tả một tiệc cưới, thì chúng ta lại thấy vai trò của cô dâu chú rể rất mờ nhạt, trong khi thông thường, hai nhân vật này là trung tâm của bữa tiệc và của mọi lời chúc tụng.  Chính Chúa Giê-su là nhân vật chính trong trình thuật này.  Phải chăng tác giả muốn ngầm giới thiệu với chúng ta: Đức Giê-su là Chú Rể.  Người đến để dẫn đưa nhân loại sang một kỷ nguyên mới.  Người thiết lập mối thân tình giữa Thiên Chúa và nhân loại.  Nơi chính bản thân Người, là sự kết hợp kỳ diệu giữa nhân tính và thiên tính.  Chính vì vậy, kết quả của dấu lạ Ca-na, theo thánh Gio-an, là: Đức Giê-su bày tỏ vinh quang của Người và các môn đệ tin vào Người.  Đây là mục đích chính của dấu lạ và đây cũng là chủ ý của tác giả, khi thuật lại sự kiện này.

Nếu Đức Giê-su đã làm phép lạ năm xưa để tỏ bày vinh quang của Người, thì hôm nay, vinh quang Thiên Chúa vẫn tỏ hiện nơi cuộc đời chúng ta.  Thánh Phao-lô đã khẳng định như thế trong Bài đọc II: Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung.  Thánh nhân đã liệt kê những đặc sủng (tức là ân sủng đặc biệt, thể hiện qua những khả năng phi thường): ơn khôn ngoan, ơn hiểu biết, ơn chữa bệnh, ơn làm phép lạ, ơn nói tiên tri, ơn phân định…  Thiên Chúa vẫn tỏ hiện quyền năng và vinh quang của Ngài nơi chúng ta.  Với thiện chí nỗ lực, chúng ta đang cộng tác với Ngài để làm cho hiệu quả của những ơn chúng ta đã lãnh nhận lan tỏa mọi nơi trong cuộc đời trần thế.

Sự kiện Ca-na có sự can thiệp của Đức Trinh nữ Ma-ri-a.  Hôm nay, Đức Mẹ vẫn đang nói với chúng ta: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo.”  Quả vậy, lắng nghe và thực hiện ý Chúa, sẽ đem lại cho chúng ta bình an hạnh phúc.  Hơn thế nữa, việc thực hiện ý Chúa sẽ đem lại những điều lạ lùng trong cuộc đời.

TGM Giu-se Vũ Văn Thiên