BÍ TÍCH CỦA NIỀM HY VỌNG

Chúa Nhật trước, khi mừng lễ Hiển Linh, Phụng vụ đã giới thiệu với chúng ta một cuộc “thần hiện” còn gọi là “hiển linh,” tức là Chúa tỏ mình.  Các nhà đạo sĩ từ phương Đông đã cất bước lên đường, vượt qua ngàn nguy khó để thờ lạy một Hài nhi mới sinh.  Các ông vui mừng toại nguyện và đã lên đường trở về xứ sở của mình.

Với Chúa Nhật hôm nay, Lễ Chúa Giê-su chịu phép Rửa, chúng ta lại được chiêm ngưỡng một cuộc “thần hiện” khác.  Bên bờ sông Gio-đan, Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần cùng tỏ mình ra.  Sự kiện này được cả ba Tin Mừng nhất lãm thuật lại như một chứng từ sống động về sứ vụ Thiên sai của Đức Giê-su.  Người là Con Thiên Chúa và là Đấng được Chúa Cha sai đến trần gian.  Cuộc “thần hiện” diễn ra trước sự ngỡ ngàng của dân chúng, kể cả ông Gio-an Tẩy giả, người trước đó đã tiên báo về sự xuất hiện của Đấng Mê-si-a (Đấng Thiên sai).

Việc lãnh nhận phép Rửa bởi tay ông Gio-an Tẩy giả đánh dấu khởi đầu sứ vụ công khai của Chúa Giê-su.  Đây là khởi điểm của một chương mới trong lịch sử Cứu độ của Thiên Chúa.  Đây cũng là thời Thiên Chúa an ủi dân Ngài, như ngôn sứ I-sai-a đã báo trước đó khoảng bảy thế kỷ (Bài đọc I).  Vào thời đó, vinh quang Thiên Chúa sẽ tỏ hiện.  Sẽ không còn sợ hãi lo âu nữa, vì Thiên Chúa sẽ làm những gì Ngài đã hứa.  Những dấu hiệu ngôn sứ I-sai-a báo trước đã được thể hiện nơi Chúa Giê-su, trong suốt cuộc sống dương thế của Người.  Đức Giê-su là Con yêu dấu của Chúa Cha, như tiếng nói từ trời đã khẳng định: “Con là Con yêu dấu của Cha; Cha hài lòng về Con.”  “Tiếng nói từ trời,” đó là cách Thiên Chúa hiển linh trong Cựu ước, để truyền lệnh và hướng dẫn dân Ngài.  Đức Giê-su luôn luôn tìm ý Chúa Cha và làm mọi sự, miễn là ý Cha được thể hiện.

Theo Giáo lý Công giáo, khi Đức Giê-su chịu phép Rửa tại sông Gio-đan, là lúc Người thiết lập bí tích Rửa tội.  Trong cuộc đàm đạo với ông Ni-cô-đê-mô, thành viên Thượng hội đồng Do Thái, Chúa Giê-su đã nói về tầm quan trọng và ý nghĩa của phép rửa tái sinh (x. Ga 3,3-8).  Trước khi về trời, Người đã truyền lệnh cho các tông đồ đi khắp thế gian, rao giảng cho muôn dân và rửa tội cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần (x. Mt 28,19-20).

Hiệu quả của bí tích Rửa tội là gì?  Sách Giáo lý của Hội Thánh Công giáo trả lời: “Bí tích Rửa tội là nền tảng của toàn bộ đời sống Ki-tô hữu, là cổng vào đời sống thiêng liêng, và là cửa mở ra để lãnh nhận các bí tích khác.  Nhờ bí tích Rửa tội, chúng ta được giải thoát khỏi tội lỗi và được tái sinh làm con cái Thiên Chúa, được trở thành chi thể của Đức Ki-tô, được tháp nhập vào Hội Thánh và được tham dự vào sứ vụ của Hội Thánh” (số 1213).  Nội dung trích dẫn trên đây rất phong phú, diễn tả những khía cạnh khác nhau của đời sống Ki-tô hữu.  Ơn của bí tích Rửa tội thật kỳ diệu.  Bí tích Rửa tội là khởi điểm cho hành trình theo Chúa, cũng là hành trình của niềm hy vọng.  Những ai đã lãnh nhận bí tích này đều được mời gọi xác tín vào quyền năng và ân sủng yêu thương của Thiên Chúa.  Cùng với Chúa Giê-su, họ được gọi Thiên Chúa là Cha, và được đồng thừa hưởng gia nghiệp vinh quang đời đời.  Đó là ân sủng, vinh dự và sứ mạng mà người tín hữu được hưởng, nhờ bí tích này.  Tiếc rằng có những Ki-tô hữu không mấy ý thức và cảm nhận vinh dự cao quý này.

Trong Sắc chỉ công bố Năm Thánh 2025, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô viết: “Niềm hy vọng Ki-tô giáo chính là ở điều này: đối mặt với cái chết, nơi mọi sự dường như chấm dứt, chúng ta biết chắc rằng, nhờ Chúa Ki-tô, qua ân sủng của Người được thông truyền cho chúng ta trong bí tích Rửa tội, “sự sống không mất đi, nhưng được thay đổi” mãi mãi.  Thật vậy, trong bí tích Rửa tội, khi được mai táng với Chúa Ki-tô, chúng ta nhận được nơi Người, Đấng phục sinh, hồng ân sự sống mới phá vỡ bức tường sự chết và biến nó thành một con đường đi về chốn trường sinh” (Số 20).  Theo giáo huấn của Đức Giáo Hoàng, bí tích Rửa tội mở ra cho chúng ta cánh cửa hy vọng, để rồi dẫu rằng cuộc đời này còn nhiều tăm tối âu lo, kể cả sự chết, chúng ta vẫn tin vào Thiên Chúa và tin vào hạnh phúc vĩnh cửu Ngài dành cho người công chính.

Phụng vụ hôm nay nhắc nhớ chúng ta về ơn gọi làm con Thiên Chúa, nhờ sự chết và phục sinh của Đức Giê-su.  Trong thư gửi ông Ti-tô là môn sinh của mình, thánh Phao-lô đã lưu ý: “ân sủng của Thiên Chúa dạy chúng ta phải từ bỏ đời sống vô luân và những đam mê trần tục, mà sống chừng mực, công chính và đạo đức ở thế gian này.”  Đó cũng chính là những lời giáo huấn thiết thực và quý báu đối với các Ki-tô hữu chúng ta hôm nay.

TGM Giu-se Vũ Văn Thiên